Số lần đọc/download: 2417 / 26
Cập nhật: 2017-06-25 00:55:01 +0700
Chương 2
T
ôi nhớ như in cái ngày đầu học việc.
Nửa đêm về sáng. Đường phố không bóng người, tôi lọ mọ đến lò mổ. Tiếng mài dao quẹt... quẹt miết xuống đá ráp nghe rợn gáy. Trâu thức giấc đánh sừng cộc... cộc. Vài cái ngáp ngủ uể oải, khê nồng.
Chị chú lò mổ bảo:
- Người ta bảo giáo viên tay trắng trói gà không chặt, chỉ quen cầm nổi viên phấn.
- Ngày xưa, tôi đã đánh trâu đực cày vỡ đất lật cỏ ba sào một ngày. Tôi đánh trâu cày được thì cũng mổ trâu được.
Chị chủ cười, cái cách cười của kẻ lõi đời và thương hại thằng đàn ông vụng dại.
- Xuất phát vào đời thầy cũng ngang tôi. Thầy đi cày, tôi là con ở làm thuê. Thời gian nó làm cho người ta khôn lên. Thầy giáo ngây thơ bỏ bà. Cày trâu là làm đất mầu mỡ, cho mầm xanh chồi non nẩy nở khai sinh phát triển. Mổ trâu diệt sinh, khai tử. Chả lẽ thầy giáo đứng cả về phe phát triển lần phe hủy diệt?
Sinh với chả diệt, chết với chả sống! Tôi bất ngờ quá. Hóa ra, đi cày với mổ trâu có liên quan đến nhau thật. Triết lý trụ sinh văng ra từ mồm chị chủ ít học, lại còn lớn tiếng dạy đời.
- Tôi sẽ cố gắng. Còn khi làm không được, tự tôi sẽ ra đi chứ không để bà chủ đuổi việc.
- Gọi tôi là Mộng Hoa. Gọi là chị, là bà. Tủi lắm.
Tủi lắm! Sao người đàn bà sắt đá này lại có phút mềm lòng, tủi thân?
Kỳ lạ! Ăn nói chao chát. Đưa đẩy, ngoa ngoắt. Chị chủ thuộc loại đàn bà rách trời rơi xuống, có cái tên mỹ miều chẳng hợp với nghề băm chặt. Mộng Hoa lấy làm bút danh văn chương hơn là tên người đàn bà đồ tể.
Bất chợt, tiếng xe lăn ken két trong đêm đến mỗi lúc một gần. Nghe rợn tóc gáy. Chị chủ cũng nháo nhác nhìn quanh. Tôi quay lại, bắt gặp một ông già tóc bạc trắng. Đôi chân liệt, buông thõng, tong teo. Hai bắp tay to chắc như đô vật. Mặt choắt như mặt chuột. Mắt lóe sáng như mắt mèo. Câm lặng. Chập chờn như bóng ma.
- Sao lại để ông ra đây lúc đêm hôm thế này?
Chị chủ rít gằn giọng. Một anh đồ tể dạ ran, chạy đi làm phận sự. Ông già và anh đồ tể mất hút vào màn đêm. Tôi hoang mang quá. Chẳng hiểu ra làm sao, cứ như vừa mê man vào giấc mơ quái dị.
Chị trở lại câu chuyện, bình thản, coi như chẳng có chuyện gì xảy ra. Giọng nhiệt tình, chèo kéo:
- Tôi có bài thơ mới làm, đọc cho thầy giáo nghe nhá.
Lại còn thế nữa! Tôi đến lò mổ là để làm thuê kiếm tiền chứ đâu phải nghe đọc thơ. Sự đời cứ cứ tréo ngoe. Thôi thì cố chịu dựng.
“Con trâu có một hàm răng
Ăn cỏ đất bằng, uống nước bờ ao
Hồi sống mày đã thương tao
Bây giờ mày chết, cầm dao xẻ mày
Thịt mày tao nấu linh đình
Da mày bịt trống tùng dinh sân đình
Sừng mày tao tiện con cờ
Cán dao, cán mác, lược dày, lược thưa...”
Một bài thơ về trâu dậy mùi ẩm thực và tiện ích thực dụng. Nhưng, nó là vè chứ đâu phải thơ. Nhầm to, nhầm to rồi! Sao chị chủ lại nhận thơ mình sáng tác? Tôi buột miệng bảo:
- Nói chị chủ đừng giận. Đây là ca dao. Nó trong giáo trình Văn học dân gian thầy giáo dạy tôi từ năm thứ nhất đại học.
- Ủa, thế là tôi nhận vơ à? Mà tôi chép trong đầu ra đấy chứ. Chả lẽ...
Tôi nhận ra cái hồn nhiên bản năng đáng yêu của chị. Có lẽ chị đọc ở đâu đó rồi thuộc, nó cứ ám ảnh trong đầu trở thành máu thịt. Có dịp cảm xúc thăng hoa, nó tuôn ra như đê vỡ, chị cứ nghĩ mình sáng tác.
- Chết thật! Không có thầy thì tôi thành con đạo văn.
Giá như người khác thì ngượng, xấu hổ, nhưng chị lại hồn nhiên như chẳng có chuyện gì phải bận lòng. Chị bảo, bây giờ đang là mùa trâu ăn sương. Trâu càng ăn nhiều sương, thịt càng chắc, thơm. Tôi chẳng lạ gì. Ở quê tôi, đêm trước giết trâu bao giờ người ta cũng đóng cọc buộc ra ngoài bãi cỏ. Đêm trâu hít thở sinh khí đất trời, tinh tú. Khoan khoái ngẩng đầu há miệng đưa dài lưỡi đón những giọt sương bay, hoặc cúi đầu nhấm nháp các giọt sương đậu long lanh trên lá cỏ. Con trâu thanh sạch, thu nhận tinh khí vũ trụ, lắng đọng trong da thịt huyết... Thịt ngon quý hiếm là mùa trâu ăn sương.
Chị bảo, chị có bài thơ Mùa trâu ăn sương, tôi đọc thầy giáo nghe nhé:
... Mùa trâu ăn sương
Hai mươi ba tháng Chạp gió lùa se lạnh
Trai thanh gái tú bỏ phố về quê
Lệ làng mổ trâu làm cỗ chia phần
Cái ách vai trôi dạt đến nhà nào?
Tế Thánh thần,
đầu trâu đầm đìa máu
Sừng cánh ná
chống trời, ngang ngạnh.
Thao láo mở mắt trâu
gương cầu đựng cặp vú nạ dòng, con gái
soi mặt đàn ông, con trai
và in hình non sông đất nước.
Đọc xong, niềm hãnh diện sung sướng ngời ngời trên gương mặt chưa kịp son phấn, chị bảo:
- Câu lạc bộ thơ Hoa Sữa, ai cũng khen bài này. Còn thầy giáo?
- Thơ lạ. Hình ảnh lấp lánh, lại mới mẻ nữa.
- Thảo nào cậu em tôi biểu, thầy giáo bình thơ hay lắm; lúc nào rỗi xướng họa với tôi nhá.
Thơ như là thứ hương quế, là rượu chưng cất thanh khiết, cao sang. Không phải ai cũng chạm đến cõi thơ bí ẩn kỳ vĩ được. Người ta yêu thơ mà làm thơ. Chẳng làm được việc gì mới đi làm thơ. Tiến thân bằng thơ. Mua danh bằng thơ. Sợ mang tiếng trưởng giả cũng làm thơ... Đủ cả. Lúc rỗi rãi hoặc cảm hứng bất chợt tôi cũng sáng tác.
- Tôi có làm thơ, in ở Tạp chí Văn nghệ tỉnh nhà. Nhưng, xướng họa thì chưa.
Bà chủ có vẻ nể thằng đầy tớ làm thuê. Tôi nhận ra ánh mắt chị đằm thấm hơn. Thế mới biết sức mạnh của thơ phú đến nhường nào.
Đàn bà rất lạ! Phàm khi được chia sẻ, đồng cảm, người ta dốc bầu tâm sự, lòng rộng mở, buôn chuyện quên cả việc chính. Chị chủ Mộng Hoa khoe: ông nhà thơ tóc dài búi tó, chân đi guốc mộc đưa chị vào cõi thơ. Chị cảm phục, chị coi ông là người thầy thơ đầu tiên. Ông cho chị biết cái chân giá trị: bà chủ lò mổ trâu Mộng Hoa giàu có thật, nhưng không bằng cái móng tay nữ thi sĩ Mộng Hoa. Bà chủ lò mổ trâu chỉ mấy anh đồ tể, cùng lắm là ông phòng thuế biết; nữ thi sĩ thì cả nước biết, thơ truyền đời... Rồi chị phàn nàn, chì chiết cái bọn ghen ăn tức ở biểu chị háo danh, làm thơ con cóc. Thơ con cóc mà lại được mấy anh nhà thơ ở Hội Văn nghệ thành phố khen?
Tội nghiệp chị. Xưa nay, mấy ông thi sĩ vẫn thường khen vống lên. Khen đã chết ai đâu. Khen thơ mình, khen thơ bạn bè. Người đẹp làm thơ càng được khen. Nghe các ông nhà thơ thì thân tàn ma dại.