It's so amazing when someone comes into your life, and you expect nothing out of it but suddenly there right in front of you, is everything you ever need.

Unknown

 
 
 
 
 
Tác giả: Ngọc Giao
Thể loại: Truyện Ngắn
Biên tập: Oanh2
Upload bìa: vân trầm
Số chương: 6
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1147 / 5
Cập nhật: 2015-11-28 21:17:31 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Phần II - Chương 1
ăm Ất Dậu 1945, vào cữ lạnh.
Cụ Đầu Xứ ngồi như vậy từ lúc tinh sương. Ấm trà ủ dưới vạt áo bông dài đã nguội, màu nước trà trong chiếc chén men xanh lúc này ngả vàng. Cái thứ trà ngày loạn ly này uống vào lại càng thêm nhớ hương xưa khói cũ. Đã nhiều lúc cụ Đầu Xứ nghĩ lẩn mẩn không biết trời có còn cho sống để một ngày nào đó lại được cùng mấy người bạn già nâng chén nước "Vũ Di", ngâm ngợi mấy lời thơ trong nắng sớm. Nhưng làm gì còn có nữa, thời buổi khói lửa này!
Cơn gió lạnh từ lòng sông rộng dâng lên, làm rung cánh liếp dựa vào tấm vách rệu rã vì mưa nắng. Ở sân sau, lũ cháu nhỏ đang ngồi xúm vào nhau gọt gỗ, khoét tre làm súng ống bày trận giả. Cụ trông cháu mà đau ruột. Bố chúng đã ba năm nay nghe chừng đi đâu xa lắm, chả có tin tức gì. Người con dâu vừa ngồi băm bèo vừa coi lũ trẻ, vì ngay đấy là rìa sông sâu.
Đôi lợn đói phá chuồng. Người đàn bà băm vội mớ bèo, đứng lên vào bếp. Lũ trẻ buộc xong sợi cao su vào dóng tre con rỗng ruột, giơ súng lên trời thử bắn. Súng không nổ, chỉ có mồm chúng kêu, làm con chim ngói trên cành xoan sợ cất cánh bay đi mất. Hoa xoan trắng rụng xuống bể nước mưa ở giữa những luống cải và húng Láng.
Gió ngoài sông lùa qua phên thưa vách nát. Cụ Đầu Xứ khẽ rùng đôi vai gầy. Cụ nghĩ đến chiếc hỏa lò than đỏ. Giá như mọi khi thì những ngày trời trở rét thế này, cụ cho người nhà ra bờ sông đón thuyền mua cá, rồi sai cầm thiếp đi thỉnh mấy bạn già ở làng xa đến nhắm rượu cùng với gỏi cá, bàn chuyện thơ văn, thế sự bên lò than ấm. Thế mà bây giờ cụ đành ngậm ngùi ngày ngày ngồi nghe tiếng sóng con sông Hồ.
Giữa dòng sông, một chiếc thuyền bị bắn đắm từ ngày nọ vẫn còn nằm phơi nửa mình trên mặt nước. Cụ chạnh lòng nghĩ đến đời mình, ở lúc cỗi cằn này, có khác gì con thuyền nát bị sa lầy, vô dụng phó cho nước vỗ. Cụ nhớ lại những ngày trai tráng thuở Đông Kinh Nghĩa thục, nhớ tới những nắm xương tàn nơi hoang đảo.
Xuân này không áo đẹp,
Nhưng khói tỏa sông Hồ
Đất nước phơi sương máu,
Tay anh hùng điểm tô.
Trên nẻo giang thôn mờ mưa bụi, tiếng gà gáy ngọ theo hơi gió hoà lời thơ ngân khẽ của ông già bên lũ cháu.
Năm nay, tết nhà cụ lão nho là cái tết buồn tẻ nhất trên bến Hồ vắng tanh. Tuy nhiên người con dâu cũng thưa bằng được với mẹ chồng cho phép gói vài chục bánh chưng nhân dừa mỡ, vài chục bánh gio mà chị biết tính bố chồng tết mọi năm vẫn khen ngon. Nhưng bữa cơm sáng ngày mồng một năm nay cụ chỉ uống rượu suông, nếu có cầm đũa thì chỉ để gắp cho lũ cháu ngồi ghếch đầu lên đùi ông nội mà làm nũng.
Chén rượu có lúc nằm trên tay cụ một hồi lâu không nhúc nhích. Đôi mắt mờ dưới cặp kính nhìn ra ngoài con sông cạn chìm giữa đôi bờ dâu, sắn, điểm thưa thớt vài búi tre vàng. Cụ nghĩ tới người con trai từ ngày Hà Nội khói lửa đã theo đoàn người áo vải lấy gian lao làm nghĩa của đầu xanh. Cụ chỉ có mỗi một người con trai đó. Nhưng xa thì nhớ mà gần thì cha con ít khi ngồi cùng một bữa mâm cơm thường ngày. Trước đó cụ nghĩ rằng Linh chỉ là một kẻ bê tha hư hỏng, lấy khói men tửu sắc làm lẽ sống mà thôi. Năm thì mười họa, Linh mới tạm rời Hà Nội, trở lại căn nhà lá bến Hồ. Linh từ con đò ngang bước chân lên đất. Dăm ba bà già, cô gái và lũ trẻ thập thò dẫy phố bên sông. Họ nhìn anh mặt xanh xao hơn mà thì thầm bàn tán:
- Cậu giáo Linh ở tỉnh về. Chắc là ngày lễ.
- Cậu ấy có dạy học nữa đâu mà giáo diếc. Nghe nói dạo này cậu ta làm nghề diễn kịch, làm báo viết sách gì ấy mà!
- Lắm nghề thế chắc kiếm được nhiều tiền đấy nhỉ?
- Chả biết có kiếm được nhiều không, chứ mợ ấy lúc nào cũng tần tảo khổ cực mà cứ kêu túng thiếu. Bà cụ chỉ thở dài, không ra khỏi cửa. Ông cụ lang độ này nghề thuốc ế ẩm làm sao, chả thấy ai mời đi chữa bệnh.
Tiếng bàn tán còn xì xào sau lưng Linh mãi cho tới lúc anh ngượng nghịu bước chân qua ngưỡng cửa khẽ lạy chào cụ Đầu Xứ lúc đó lạnh lẽo nhìn qua mặt con rồi lại cúi vào trang sách. Lũ trẻ trông thấy bố cũng như trông thấy người lạ mặt mặc tây vào xem mạch lấy thuốc của ông nội chúng. Đến nỗi người mẹ, má đỏ hồng, mắt long lanh ướt vì mừng tủi, phải mắng yêu con:
- Bố ở tỉnh về đấy mà. Con không yêu bố ư, hư đến thế thì thôi! Thơm bố rồi bố cho quà tỉnh, chóng!
Lũ trẻ vẫn rụt rè nấp sau cánh liếp. Hảo kéo con vào. Linh cúi hôn các con. Mặt anh cũng đỏ lên như Hảo. Anh có cảm tưởng những vầng trán thơ ngây trên đó chưa in bóng hình tục lụy, những cặp má mịn mát như cánh bạch hồng trong đó dòng máu thiên lương còn nguyên hương tươi thắm, vậy mà cặp môi anh bấy nay hằn tội lỗi vừa đặt xuống.
Anh ghé ngồi xuống góc giường, đáp qua loa mấy câu cụ hỏi về chuyện Hà Nội, chuyện chính trị, chuyện thế giới, hỏi cho có chuyện, thực thì cụ cũng chẳng thiết tha gì lắm nữa với việc đời. Trong khi ấy bà mẹ nhìn con xanh gầy đi mà đứt ruột, rón rén đứng dậy ra sân lau nước mắt. Lũ trẻ ngồi xúm cả sau lưng ông, mắt đen nháy tròn xoe nhìn bố để ngóng quà, nhưng trong chiếc cặp da cũ nát ném trên giường kia chỉ có chiếc sơ mi rách vá, chiếc quần đùi, còn thì toàn bản thảo kịch, thơ.
Linh cố lưu lại với gia đình được hai ngày. Hai ngày ấy anh không nói với ai, chỉ ra sau nhà ngồi hàng giờ lâu bên bờ sông thả cần câu cá, nhưng mắt anh chẳng buồn nhìn phao chìm hay nổi trên dòng nước đục không gợn chút sóng.
Anh lại cắp chiếc cặp da cũ kỹ vội xuống con đò ngang trở sang sông. Chiếc sào đẩy lướt mũi thuyền nan, người ra đi không quay lại nhìn người vợ trẻ còn đứng trong ngưỡng cửa gượng cười với lũ con thơ: " Bố dặn phải học cho ngoan, chủ nhật sau bố lại về, lần này thì bố sẽ mua quà thật." Lũ trẻ lại tròn mắt nhìn mẹ, để lạ sao mẹ khóc; và chúng quay cổ nhìn bà để lạ sao bà khóc, trong lúc ông nội chúng chỉ khẽ thở dài và run tay lật nhanh trang sách mực tàu giấy bản đặt trên đùi.
Bảng lảng thân tàn ai có hay,
Gươm thiêng ngủ bụi đã lâu ngày,
Chiến bào thơm máu phơi trăng khuyết,
Vó ngựa chồn sương ngóng cát bay…
Trên nẻo giang thôn mờ bụi nước, cụ Đầu Xứ gửi uất sầu vào chén rượu hoàng hôn.
o O o
Bốn tháng liền, cụ vắng nhà. Tới chiều nay, vừa đi chữa cho mấy con bệnh về, cụ ngồi với bầy cháu ngoan trước đĩa lạc rang, chai rượu thuốc.
Có tiếng ồn ào ở ngoài đường. Lũ trẻ chạy ra rồi chạy vào, ngả vào lòng ông, nói:
- Ông ơi, người ta đang chạy. Họ bảo nguy lắm ông ơi!
Cụ Đầu Xứ vẫn ngồi yên, mặt không biến sắc. Bà cụ và người con dâu run lập cập. Bà khẽ thì thầm:
- Sao lại thế hả ông, sao lại động ngay được đến vùng này. Đi đâu được hả ông? Tôi lo lắm.
Cụ Đầu Xứ chau mày, suy nghĩ. Ở ngoài kia tiếng người nhốn nháo, tiếng chân chạy rậm rịch ở gần ở xa, trong xóm và ngoài bến
Bà cụ và người con dâu cuống quýt hết chạy ra đường, lại chạy vào nhà. Cụ Đầu Xứ lật mạnh trang sách đặt trên đùi, chậm rãi:
- Bà và con cứ an tâm. Đừng bắt chước người ta, chưa có gì đã rối lên.
Cụ rót đầy chén rượu. Nhìn vào trong chén, cụ tưởng như máu sôi cháy rượu men nồng. Phút giây, tận đáy ly rượu tràn đầy, dựng lên bao nhiêu bóng hình ký ức: mồ hoang, tù ngục, cảnh tình nếm mật nằm gai của người quốc sĩ bốn mươi năm về trước, giờ đây thực không còn là gì nữa trong tuổi già suy bại trước bão đời.
Cạn một hơi, cụ lại ngậm ngùi nghĩ đến câu chuyện đêm qua ở nhà cụ Chánh Kiều. Người con trai lớn cụ Chánh cho biết, nghe nói Linh vừa chết bệnh ở miền sơn cước. Thảo nào, ít đêm nay cụ cứ thấy ruột gan sôi nóng, và đêm qua, vào khoảng canh ba, cụ mơ thấy con trai đứng ở chân giường cụ, mặt dàn dụa nước mắt.
Hảo bưng cây đèn dầu lạc đặt bên mâm cơm, ánh lửa đèn nhuộm vàng chòm râu cước.
Cụ cúi xuống, lật trang bìa cuốn sách phủ đầy bụi. Đây là bản thảo một vở kịch thơ dài của Linh. Xưa nay vẫn biết con mình làm thơ ca, nhưng cụ Đầu Xứ chưa hề biết cái anh "đãng tử" ấy đã gửi gắm những gì trên giấy. Tối hôm nay, tâm tư nặng niềm đau huyết mạch, cụ rút trong ngăn sách cũ lấy ra tập sách dầy đã úa màu bụi bậm thời gian. Cụ lật trang đầu. Mái tóc trắng như bông nghiêng bên ánh lửa đèn, bỗng bàn tay run để rơi cuốn sách xuống đùi.
Một lát, cụ ngâm khe khẽ:
Hỡi ai múa kiếm trên lưng ngựa,
Giờ đã nằm yên dưới suối vàng.
- Chao ôi, oan nghiệt gửi vào lời thơ mệnh đoản. Thằng Linh nếu có chết yểu cũng là thiên mệnh đó thôi. Ai đời lại khai bút một văn phẩm dài bằng câu thơ gở độc này!
Cụ ngồi lặng lẽ nhìn vào ngọn lửa leo lét trước ngọn gió lùa qua phên liếp mấy lần muốn tắt. Chén rượu rung trên tay yếu gợn lên hình ảnh người con viễn xứ, vô tình cụ để rơi xuống mâm đồng. Chiếc chén vỡ tan.
o O o
Nhưng mấy hôm sau, cụ Đầu Xứ đã được yên lòng vì cái tin Linh chết nơi miền ngược chỉ là một tin hư huyễn. Thế rồi tiếng súng thêm gần, thêm gần mãi, vọng qua sóng nước, vọng cả vào chén rượu bữa thường ướt hoen trang giấy bản.
Một sớm, lũ trẻ vừa thò đầu ra cửa đã thụt vào. Chúng xanh mắt nhìn nhau, nói nhỏ:
- Người ta đi đâu mà nhiều gươm súng thế?
- Rõ ràng có tiếng anh Xương, anh Sửu.
- Các anh ấy là học trò ông nội. Chắc các anh ấy đến báo tin để ông nội tản cư. Chứ ở đây nghe súng mà hết vía.
Lũ trẻ đang thì thào thì bọn trai tráng ngoài đường, theo lời hô, dừng bước lại. Dân phố bến đò Hồ kinh hoàng hé liếp, kẹt cửa ngó ra, lại tụt ngay vào như đàn chuột lủi vào hang tối. Có tiếng quát to:
- Trói thằng Lý Kỷ vào gốc bàng kia! Thượng lệnh truyền xử tử thằng phản động, đã không chịu tham gia công tác lại còn nỏ miệng nói những câu lạc hậu. Mổ bụng, phơi đầu quân phản động, quân thoái hóa, để…
Chú thích
(Cuốn Mưa thu, do NXB Trần Văn Huy xuất bản tại Hà Nội năm 1953 mà chúng tôi dựa vào để in lần này, đến đây bị xé rách và mất một đoạn dài. Mong được bạn đọc thông cảm và lượng thứ. Cũng vì đoạn văn đó mà về sau nhà văn Ngọc Giao phải chịu rất nhiều khổ luỵ. Tôi đã nói rõ bối cảnh của sự việc này ở bài Cha tôi trong cuốn sách của nhiều tác giả, nhan đề Ngọc Giao - Một đời người, một đời văn, sắp xuất bản- Nguyễn Tuấn Khanh).
Mưa Thu Mưa Thu - Ngọc Giao Mưa Thu