Nghị lực và sự kiên nhẫn cần có cho bất kỳ ai, ở bất kỳ vị trí nào.

Theodore F. Merseles

 
 
 
 
 
Thể loại: Hồi Ký
Biên tập: Bach Ly Bang
Số chương: 4
Phí download: 1 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1607 / 45
Cập nhật: 2015-01-14 07:12:26 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 2
m còn nhớ không em? Đường từ Cần Thơ sang Sóc Trăng đi qua quận Phụng Hiệp. Qua khỏi quận Phụng Hiệp chừng hai ba cây số thì anh được gặp em.
Ngồi bên cạnh tài xế trong chiếc xe lô từ xa anh đã nhìn thấy bên đường có mấy chiếc xe đậu lại và một số người đứng lố nhố. Anh tài xế có kinh nghiệm biết ngay có chuyện gì xẩy ra, anh nói:
- Kẹt rồi. Chắc có xe trúng mìn...
Vào những năm 53 - 54, chiến tranh Việt Pháp diễn ra dữ dội ở miền Trung và miền Bắc. Vào thời gian cuộc đời dàn xếp cho đôi ta gặp nhau ở Phụng Hiệp, chiến tranh Việt Pháp đang được giải quyết ở mặt trận Điện Biên Phủ. Có những chuyến anh đi suốt từ Sàigòn xuống tận Trà Vinh, tới tận Cà Mâu mà dọc đường không nghe thấy một tiếng súng nổ. Nhưng mỗi sáng quân đội vẫn phải mở đường từ Cần Thơ sang Sóc Trăng và ngược lại. Sau khi mở đường an toàn rồi xe khách mới được chạy. Sáng nay một chiếc thiết vận xa, thường được gọi là xe nồi đồng, bị trúng mìn trên đoạn đường này. Nhưng không có gì đáng gọi là quan trọng cả. Đây không phải là chuyện xẩy ra thường ngày nhưng cũng không phải là chuyện lạ. Nếu có lạ chăng thì cảnh này chỉ lạ đối với những người sống ở Sàigòn lâu lâu mới về tỉnh một lần. Hành khách chỉ phải ngừng ở đây chừng một hai tiếng đồng hồ chờ quân đội dọn đường, rồi xe lại tiếp tục lưu thông.
Anh theo mọi người ra khỏi xe. Nơi đây có vài căn nhà lá ở bên đường. Có chừng năm, sáu chiếc xe, vừa xe đò, xe tư nhân, bị kẹt ở đây. Lúc này vào khoảng 10 giờ sáng. Trời bắt đầu nắng. Hành khách tản vào ngồi nhờ trong những hiên nhà.
Đôi ta nhìn nhau. Em bận áo dài mầu hồng, quần sa-teng trắng. Em có đôi mắt to, đen, mái tóc dầy xoã trên vai. Anh bận đồ kaki nên em biết ngay anh là quân nhân, nhưng anh không đeo lon nên em không biết được cấp bậc của anh. Đồ kaki của anh là kaki Mỹ, do anh may lấy chứ không phải là đồ quân đội phát. Trong bộ kaki rất Mỹ ấy, với số tuổi hai mươi của anh, rất nhiều người tưởng anh ít nhất cũng là Chuyẩn Uý. trong số những tưởng như thế có em.
Chỉ cần nhìn nhau đôi ta đã có cảm tình với nhau. Em cười với anh trước. Rất có thể nếu em không cười với anh trước, nếu em không tỏ tình với anh bằng nụ cười, ánh mắt, nét mặt của em, anh đã không đến gần em và cuộc tình Sóc Trăng Mùa Hạ 54 của đôi ta đã không xẩy ra. Nhưng em cười và anh đã đến với em.
Em hỏi:
- Quân đội hả?
Anh gật đầu:
- Đi đâu?
- Sóc Trăng.
- Em qua Bạc Liêu. Đi một mình à?
- Ờ....
Em nghiêng mình nhìn về phía trước:
- Nghe nói có hai người chết. Mình lên coi đi...
- Đi thì đi...
Thấy anh và em đi coi, vài hành khách hiếu kỳ đi theo chúng ta. Chiếc thiết vận xa trúng mình nằm cách đó chừng ba trăm thước. Đôi ta đi bên nhau trên con đường nhựa thẳng tắp do các quan Đại Pháp làm từ trước khi đôi ta ra đời. Con đường không một bóng cây. Chạy dài theo con đường là con kênh đào. Anh có cảm tưởng là người ta đã đào con kênh này để lấy đất đắp lên con đường này. Em đi giầy cao gót trắng, tay em cầm chiếc khăn mùi-soa trắng. Đôi giầy cao gót của em chỉ quen đi dạo trên hè phố Bonard, Catinat - thời ấy Sàigòn chưa có những tên đường Lê Lợi, Tự Do - và trên những sàn gỗ Dancing chứ không phải để đi trên quốc lộ trời nắng như thế này. Chỉ mới đi chừng vài chục thước, em đã vịn vào tay anh.
Anh không biết em thuộc loại đàn bà nào. Nữ sinh thì không phải rồi. Vì nữ sinh có bạo hay lẳng lơ mấy đi chăng nữa cũng không thể dạn dĩ với thanh niên lạ gặp gỡ giữa đường như em. Em không phải là con nhà địa chủ hay phú thương giầu có ở Lục tỉnh, em hãy còn quá trẻ để có thể là vợ bé, vợ bao của một anh nhà giầu có tuổi ham vui đèo bòng nào đó. Thực ra thì anh cũng chẳng cần tìm hiểu để biết em rõ hơn. Đôi ta chỉ tình cờ gặp nhau giữa đoạn đường xa lạ này, nói với nhau vài câu, trao đổi với nhau vài nụ cười, vài ánh mắt thiện cảm rồi thôi. Lát nữa đây con đường thông suốt trở lại, em lên xe em và anh lên xe anh. Đôi ta sẽ chẳng còn bao giờ gập lại nhau nữa. Tìm hiểu làm chi vô ích.
Nhưng đôi ta đi bên nhau và em nắm cánh tay anh, đôi ta cũng phải nói với nhau vài câu. Như anh đã tính sổ: tới năm nay, năm 1992, buổi sáng chúng ta gặp nhau trên con đường Cần-Thơ Phụng-Hiệp Sóc-Trăng đã trôi qua được ba mươi tám năm trời. Mái tóc anh từ xanh năm ấy nay đã trắng hết. Mái tóc đen mượt, dầy thơm hương trầm của em năm ấy năm nay chắc cũng đã có nhiều sợi bạc, anh vẫn còn nhớ thật rõ một vài câu em nói với anh nhưng những lời chúng ta nói với nhau trong buổi sáng đầu tiên ấy thì thực tình là anh không nhớ. Sáng nay, nhớ em, nhớ lại thời hoa niên của đôi ta, anh chắc là khi ấy chúng ta đã nói với nhau những câu đại khái:
- Tên gì?
- Ê-len..
- Ở đâu?
- Sègoòng..
- Đi Bặc Liêu làm gì?
- Công chuyện... Anh cũng ở Sègoòng, phải hôn?
- Sao biết?
- Coi bộ gió là biết rồi.
- Ờ. Lính Sègoòng. Bị đổi xuống Sóc Trăng.
- Thiếu Uý hay là gì..?
- Không. Sẹc-zăng. Trung sĩ thôi.
- Có người quen ở Sóc Trăng không?
- Không.
- Em là gái Sóc Trăng nè. Chịu không?
- Sao nói là gái Sègoòng?
- Ở Sègoòng, quê Sóc Trăng.
Đến gần nơi xẩy ra vụ nổ mìn khoảng 100 thước đám người hiếu kỳ bị ngăn lại. Dù không bị lính ngăn lại, chẳng ai trong bọn dám đến gần hơn nữa. Chiếc thiết vận xa trúng mìn cháy đen, nằm nghiêng bên đường. Dường như mìn làm nổ bình xăng của xe. Hai xác người cháy đen được đặt nằm vệ đường. Một chiếc xe cần trục nhà binh đang kéo chiếc xe nồi đồng trúng mìn sang một bên đường. Em nhìn rồi em quay lại, đôi mắt em nhắm lại, em muốn gục mặt vào ngực anh.
Đúng lúc ấy một tràng súng nổ ròn rã. Chẳng biết ai bắn ai nhưng đám người hiếu kỳ bỏ chạy tán loạn. Em nắm tay anh chạy và anh cũng phải chạy theo dù anh biết rằng đó chỉ là do mấy anh lính thấy có đàn bà, con gái đến coi nên cho nổ một băng Thompson vào cánh đồng trống để dọa cho bà con chạy chơi. Mà bà con chạy thật. Có bà quá sợ, chạy té lên, té xuống, có bà vừa chạy vừa cười. Em cũng vừa chạy vừa cười. Khi về tới chỗ đậu xe, đôi má em hồng lên, đôi mắt đa tình của em sáng long lanh. Một bà trạc bốn mươi, bận bà ba trắng, quần sa-teng đen, vừa thở vừa cuốn lại búi tóc, la chói lói:
- Mấy cha lính mắc dịch. Chẳng có chi cả cũng bắn, làm người ta chạy ná thở..
Một ông trạc năm mươi, bận đồ sá sẩu, đội nón nỉ đen, ngồi phì phèo tẩu thuốc to gần bằng trái ổi xá lỵ trên thềm nhà đất dáng chừng là đức ông chồng của bà búi tóc này, nhẩn nha nói:
- Ai biểu đi coi.. Ngồi mát không chịu. Cho chạy té đái...
Nhiều người cười. Em cười. Hàm răng em đều và trắng bóng. Anh thường nghe nói con gái miền Nam đa số hư răng, hổng răng, sún răng, răng giả, răng vàng, vì nước miền Nam có nhiều phèn làm hư răng. Em là con gái miền Nam chính cống bà Lang Trọc, nhưng răng em thật đẹp, thật tốt. Ngoài răng và tóc của em ra, em còn nhiều cái đẹp, cái tốt khác nữa. Em là người thiếu nữ miền Nam đầu tiên anh được yêu trong đời anh. Như đồng bằng sông Cửu Long tươi mát mênh mông, như giòng nước Cửu Long cuồn cuộn chẩy, như những cánh đồng Hậu Giang cò bay thẳng cánh phì nhiêu nhiều lúa gạo, nhiều cây trái, nhiều tôm cá, em đã cho anh tình yêu đôn hậu của em. Em cho hồn nhiên, cho thật tự nhiên. Anh thật không biết anh đã làm gì để được em yêu, để được hưởng tình yêu nồng hậu của em. Tại sao em lại bỗng dưng yêu Ở và cho yêu Ở một thanh niên Bắc kỳ lang thang phiêu bạt tình cờ em gặp giữa đường? Anh thấy tên thanh niên ấy không đẹp trai, chẳng có gì là dễ thương, ngược lại mặt mũi nó khó đăm đăm; nó còn có vẻ khinh khỉnh, khinh người nữa là khác. Nếu đêm hôm trước tên thanh niên Bắc Kỳ rất mực tầm thường ấy không ở lại Cần Thơ để xem đêm diễn thứ hai vở tuồng Phấn Trang Lầu, nếu sáng nay trên con đường Phụng-Hiệp không có trái mìn nổ dưới chiếc xe thiết vận xa mở đường, chiếc xe chở em đã vọt thẳng sang Bạc Liêu, làm sao em còn ở đó để cho tên thanh niên Bắc Kỳ đó được gặp em? Tiền định hay sao?? Tiền nhân, hậu quả hay sao?? Tình cờ mà gặp hay sao?? Anh thật không sao trả lời được.
Leng keng... Tiếng chuông cà-rem. Tiếng chuông làm cho em nghĩ đến chuyện uống nước. Em nói:
- Em khát. Nhưng cà-rem thì ăn không được, chỉ thêm khát..
Anh cà-rem cục đang lắc chuông. Anh chở cái thùng gỗ sau xe đạp đi bán cà-rem nhưng vì đã có kinh nghiệm biết rằng khách vãng lai bị kẹt giữa đường trưa nắng không ai dại dột ăn cà-rem cục cho thêm khát nước nên anh ta đem theo một giỏ mấy chai nước ngọt và vài cục nước đá.
- Mua cho em chai nước cam.
- Cam đỏ hay cam vàng?
- Đỏ hay vàng gì cũng được.
Khi anh đem chai nước cam và cái ly đá trở lại, em ngồi nhờ trên thềm một căn nhà cùng với hai người bạn đồng hành của em. Một phụ nữ chừng ba mươi tuổi, trông có vẻ đàn chị, em kia trạc tuổi với em. Cả hai đều bận áo dài và đều là người Sègoòng như em. Em giới thiệu:
- Luy-xi.. Chị hai của em. Bạn em.. Mác-ta.
Người miền Nam thời trước 1940 có một số đặt tên Tây cho con dù họ không phải là dân Tây, không phải là người Thiên chúa giáo, cũng không phải là quý tộc. Có những anh mũi tẹt, da vàng đánh bẩy ngày không ra một câu tiếng Tây bồi nào mang những cái tên Robert, Paul, Jean, George, những cô ăn toàn giá sống, mắm nêm, bánh xèo..., mang những cái tên đầm Marie, Louise, Agnès...v..v. Đến khi Tây bỏ Đông Dương về nước, những người Việt dân Tây có sự lựa chọn giữa hai việc: bỏ Pháp tịch để trở về Việt tịch, hoặc giữ Pháp tịch để đóng thuế như ngoại kiều. Những năm 1960, xã hội miền Nam xuất hiện những cái tên âm thanh kỳ dị như Nguyễn Phước Giọt, Trần văn Be, Lê văn Măng, Tư Bôn..v...v... Vào những năm đầu thập niên 50 có nhiều em chơi bời Sègoòng tự đặt cho mình những cái tên đầm rất tự nhiên và thoải mái. Tuy anh không thông minh hay ăn chơi từng trải gì cho lắm nhưng đến khi gặp hai người bạn cùng đi với em, anh cũng đã biết nghề nghiệp của em và anh hiểu tại sao em lại dạn dĩ với anh ngay từ phút đầu như thế.
Em rủ anh ra mảnh vườn nhỏ sau nhà. Ở đấy có một dàn bầu, hay dàn bí, anh không biết rõ. Anh vốn mù tịt về các thứ cây cỏ, hoa lá vẩn vương. Chỉ biết ở đó rất mát, không khí có mùi lá cây tươi, mùi đất ẩm còn vương sương đêm. Ở dưới dàn bầu có một cái ghế gỗ. Chúng ta ngồi sát cạnh nhau và anh bắt đầu ghi nhận mùi da thịt của em. Rất tự nhiên, em nói:
- Qua Bạc Liêu chơi với em đi..
Cũng rất tự nhiên anh trả lời:
- Cũng được. Qua Bặc Liêu em ở đâu, anh ở đâu?
- Tụi mình ở Ô-ten.
Tuy anh nhận lời rồi, em vẫn còn nói:
- Qua bển chơi vài ngày. Lúc nào anh muốn về thì về..
Em đã ngỏ ý mời đúng người. Anh bị bắt buộc phải đến Sóc Trăng, không có gì tốt đẹp hay sáng sủa chờ đợi anh ở cái đơn vị xa lạ gọi là Đại Đội Trọng Pháo 102 ấy cả. Anh chỉ thấy ở đó những đen tối và phiền muộn. Càng rời xa ngày tới đó được lâu chừng nào càng tốt. Vừa đi khỏi Saigon được ba ngày, anh còn tới ba, bốn ngàn đồng trong túi. Phòng Ô-ten sang nhất Lục tỉnh chỉ là 100 đồng một ngày, mình anh ăn uống, cà phê thuốc lá 100 đồng nữa là rộng rãi. Anh có thể dzọt sang Bạc Liêu chơi với em vài ngày thoải mái rồi trở lại Sóc Trăng mà tình hình chính trị thế giới cũng chẳng có gì thay đổi.
"Tình hình chính trị thế giới chẳng có gì thay đổi" là một câu mà những sinh viên Đại Học Chí Hòa bọn anh trong thập niên 80 của thế kỷ này thường nói đùa nhau, nhất là hay nói để trêu mấy anh tự coi mình là quan trọng. Anh thường hỏi bọn tù trẻ, những tên gọi anh là Bố, xưng con với anh: "Mày nghĩ nếu mày bị kêu án 10 năm thì tình hình chính trị thế giới có gì thay đổi không?" hoặc: "Mày có bị kêu án 10 năm thì tin đi, tình hình chính trị thế giới cũng chẳng có gì thay đổi đâu.."
Nhưng chuyện "tình hình chính trị thế giới thay đổi hay không thay đổi" là chuyện sau này. Còn buổi sáng nắng vàng ấy, khi em ngỏ lời rủ anh sang Bặc Liêu ở Ô-ten với em, anh chẳng nghĩ gì đến tình hình chính chị, chính em chi hết. Anh chỉ muốn có dịp rời xa ngày anh phải đến trình diện ở đơn vị Đại Đội Trọng Pháo 102, nơi anh không muốn đến và cũng là nơi chẳng ai muốn anh đến, kể cả ông Thiếu tá Trưởng Phòng Năm Bộ Tổng Tham Mưu Trần Tử Oai là người ký lệnh đuổi anh đi khỏi Saìgon. Cả loài người dường như đã bỏ rơi anh, quên anh. Nhưng em, người thiếu nữ miền Nam anh tình cờ gặp gỡ giữa quãng đường đời phiêu linh luân lạc cô đơn của anh, em đã mời mọc anh, đã ân cần, đã ngọt ngào với anh. Dù đi sang Bặc Liêu với em mà em có để anh nằm ôm gối ngủ một mình suốt đêm trong căn phòng Ô-ten nào đó anh cũng chấp nhận. Anh chẳng đòi hỏi gì em cả. Anh chẳng có quyền đòi hỏi đặc ân gì ở em. Tất cả những gì anh được hưởng đều là do em tự ý cho anh. Em cho anh mà em chẳng đòi hỏi gì ở anh cả. Tình Yêu cho không mà em. Tình yêu không có giá. Tình yêu vô điều kiện mới thật là Tình Yêu.
Em đã yêu anh hồn nhiên và tự nhiên như thế. Ngày ấy, đêm ấy, năm ấy, anh chỉ biết hưởng thôi, anh còn trẻ tuổi, anh chưa biết cuộc đời là gì. Anh cũng chưa biết cả yêu thương nữa. Gần bốn mươi năm sau hồi tưởng lại, anh thấy tim anh ấm nóng và hôm nay anh nói lên lời cám ơn em.
Đoạn đường bị kẹt xe vì mìn rồi cũng được giải tỏa. Xác hai người lính chết được đưa về Sóc Trăng, hay đưa về Bạc Liêu, anh không biết. Anh chỉ biết là cuộc sống lại tiếp tục như những nhà quân tử Tây thường nói: "Et la vie continue.." như chẳng có gì quan trọng xẩy ra cả. Khi những tiếng còi xe pin pin gọi khách vang bên ngoài, khi người ta ơi ới gọi nhau lên xe, em bảo anh:
- Lấy đồ qua xe em đi...
Thế là anh bỏ xe lô để xách cái sac marin sang xe em. Em và hai cô bạn đồng nghiệp của em đi trên một chiếc xe nhà, Peugeot 203. Chủ xe cũng là người lái xe, một anh Tầu lục tỉnh trạc bốn mươi, vui tính, hay nói, có duyên, hiểu đời và thạo việc. Vì em thân mật với anh nên Lucie, Marta, anh Tầu chủ xe chấp nhận anh một cách dễ dàng. Và thế là anh lên chiếc Peugeot 203 ngồi với em, để vọt qua thị trấn Sóc Trăng, vọt qua sân bay Sóc Trăng đi thẳng đến Bạc Liêu. Khi xe chạy ngang sân bay Sóc Trăng anh không biết đó là nơi vài ngày nữa anh sẽ phải một mình trở lại, nơi anh phải sống đến mấy tháng trời. Vì Đại Đội Trọng Pháo 102, đơn vị anh
phải đến, đóng ở cạnh sân bay ấy.
Chỉ một nửa ngày, và một đêm sống với em, anh đã biết cái mà em gọi là "công chuyện" của em là công chuyện gì. Ba tiếng..."và một đêm..." làm cho anh nhớ lại lời nói của nữ nhân vật trong tiểu thuyết "Le Blé en herbe" của nữ văn sĩ Colette. Nàng ba mươi tuổi, yêu và cho một thiếu niên mới lớn yêu. Khi nghe người tình nhân trẻ nói: "J'ai vingt ans.." nàng bảo chàng: "Tu as vingt ans... et une nuit..." "Une nuit này là une nuit d'amour... Nhưng cần gì phải nói rõ, une nuit là đủ rồi. Em không phải là thứ poule de luxe hạng nhất của Saigon, em cũng không phải là loại gái tiếp khách thường trực trong những nhà chơi bời của Saigon. Em thuộc loại đi khách có tuyển lựa. Đàn ông muốn gần em phải mất nhiều tiền, thì giờ, mất công làm quen, mời đi ăn, đi nhẩy rồi mới vô được cái giường của em, không thể nhấp nháy ăn bánh trả tiền là xong. Lucie đưa em và Marta đi "lưu diễn" một vòng Lục tỉnh. Anh Tầu chủ xe là người entremetteur, một thứ trung gian môi giới kiêm tổ chức những đêm ăn chơi cho những anh thương gia có tiền, những anh trưởng ty nọ kia. Nói tóm lại đó là những anh có tiền, có chức vụ tại địa phương, cơm nhà, quà vợ, không tiện thậm thụt ra vô những nhà chơi bời bổn tỉnh mà cũng không tiện về Saigon ăn chơi. Em đã từng đi "mần công chuyện" như thế nhiều lần và ở tỉnh nào em cũng có khách quen. Như cái Ô-ten ở gần chợ Bạc Liêu em đưa anh đến, em biết phòng nào là phòng tiện nghi nhất, phòng nào có những đặc điểm gì, quản lý Ô-ten và những anh chị bồi phòng đều quen thuộc và thân mật với em.
Đó là chuyện riêng của em. Anh không có quyền phê phán việc em phải làm để sống. Giá trị em cũng không phải vì việc em làm mà giảm đi với anh. Anh còn mong chờ và đòi hỏi gì ở em nữa? Chúng ta đến thị trấn Băỉc Liêu vào lúc 1 giờ trưa, Lucie và Marta ở một phòng, em và anh ở một phòng. Việc làm đầu tiên của chúng ta khi lên phòng là tắm. Những khách sạn trước 1954 thường không được đầy đủ tiện nghi ở ngay trong phòng. Mỗi tầng lầu có một phòng tắm-vệ sinh ở cuối dẫy. Em đi tắm trước. Em để sẵn sà-bông, khăn tắm trong đó cho anh. Khi anh tắm xong, trở vào phòng, em bận bộ đồ mát nằm trên giường, em bảo:
- Đóng cửa sổ..
Nhiều khu thật vắng vẻ và tĩnh mịch vào giữa buổi trưa, Bặc Liêu lại càng êm vắng. Trong cái êm vắng của buổi trưa muộn trong căn phòng Ô-ten ở phần gần cực nam của đất nước, của cái mà người thời ấy thường gọi một cách văn hoa là "giải đất hình chữ S", chàng thanh niên Bắc Kỳ ra đời ở một tỉnh nhỏ cách xa nơi đó tới 1500 cây số theo đường chim bay và tới 3500 cây số theo đường đi bộ ven biển, được hưởng tình yêu trên da thịt người thiếu nữ Nam Kỳ phong phú đa tình. Anh nghe tiếng thở của em và anh nghe tiếng giầy cao gót gót ngoài hành lanh và tiếng Marta gọi qua cửa đóng:
- Ê-len.. Đi ăn côm..
Em trả lời:
- Đi trước đi...
Không chờ đến tiếng thứ hai, Marta đi ngay. Tiếng giầy của Marta nhỏ dần trên thang lầu và vòng tay em xiết trên lưng anh. Tuổi trẻ không cần ăn, tuổi trẻ không cần uống, tuổi trẻ không cần ngủ, tuổi trẻ chỉ cần Tình yêu. Những người trẻ tuổi sống để yêu chứ không phải sống để ăn. Tình Yêu, theo anh, là một đặc ân mà người ta được Trời cho, không phải con người cứ muốn có Tình yêu là có. Con người, nếu muốn có tiền, có thể làm giầu bằng cách cần mẫn, thông minh hoặc gian lận, lường gạt, hoặc hà tiện kiểu ăn mắm mút dòi để dành tiền cất đi. Nhưng con người muốn có tình yêu thì không thể tự mình làm được, Tình Yêu cần có sự đồng ý. đồng tình, tự nguyện và tình nguyện của người ta yêu.
Hoài niệm cuộc tình của chúng ta ở Bặc Liêu - Sóc Trăng bốn mươi năm trước, anh thấy tim anh ấm lại, anh nhớ lại hình ảnh của em: em mạnh khoẻ, hồng hào, tươi trẻ, em đầy nhựa sống và sức sống. Anh nhớ lại hình ảnh của anh: Anh thanh niên Bắc Kỳ hai mươi tuổi, khờ khạo, bướng bỉnh, không chịu uốn mình theo hoàn cảnh, trong bộ quân phục kaki lang thang đi vào vùng Hậu Giang trời xanh, mây trắng, những dòng sông vừa rộng vừa dài, những cánh đồng bát ngát thẳng cánh cò bay. Đôi thanh niên nam nữ là anh và em đó đã sống, đã yêu nhau một thời ở đó rồi đi mất, tiêu tan không một dấu vết. Tất nhiên là đôi ta không phải là cặp tình nhân duy nhất phải chịu cảnh tiêu vong ấy. Trước chúng ta đã có biết bao nhiêu cặp tình nhân đã sống, đã yêu, đã mất đi như thế. Theo sau chúng ta sẽ có cả triệu cặp tình nhân nữa. Họ rồi cũng sẽ như chúng ta. Nhưng đó không phải là điều mà từ đó có thể làm chúng ta không luyến tiếc, không nhớ thương, không ngậm ngùi. Em hãy ngừng đọc anh giây lát, em hãy nằm yên, nhắm mắt lại để nghe anh "đi một đường cảm khái.." Đây là bài thơ anh làm khi anh hoài niệm hoa niên, khi anh nhớ lại thời anh trẻ tuổi, nhớ lại hình ảnh những người đàn bà đã đi qua đời anh. Bài thơ anh làm theo ý bài thơ "Ballade des dames du temps jadis" của Francois Villon. Anh chỉ lấy 4 câu cuối của bài thơ này và anh gọi đó là bài:
Les neiges d'antan
Prince, n' enquérez de semaine
Où elles sont, ni de cet ans,
Que ce refrain ne vous ramène
Mais où sont les neiges d'antan?
Chàng ơi... đừng hỏi tại sao
Những nàng môi thắm, má đào nay đâu?
Tại sao khúc nhạc này sầu?
Sao không thắm lại mái đầu như tơ?
Chàng ơi.. tuyết trắng ngày xưa
Tình Yêu, Tuổi Trẻ... bây giờ ở đâu?
Nhưng rồi anh cũng không thể sống với em ở Bạc Liêu lâu hơn hai ngày hai đêm. Dù ba gai đến mấy, anh trung sĩ trẻ tuổi, độc thân, lương mỗi tháng 2.100 đồng cũng biết rằng kỷ luật quân đội không dung túng những anh lính ba gai, tên nào ở lính mà ba gai thì chỉ tổ vỡ mặt. Anh lại là người không thích nói nặng ai nên anh cũng không thích bị ai nói nặng. Anh một mình lên xe lô trở về Sóc Trăng với lời hứa hẹn của em là nếu có dịp em sẽ đến Đại đội Trọng Pháo 102 ở Sóc Trăng tìm anh.
Khi chia tay, em hỏi đại đội đóng ở đâu, anh không trả lời em được. Vì lúc ấy anh cũng chưa biết cái đại đội trọng pháo ấy nó đóng ở đâu trong thị xã Sóc Trăng.
Đại Đội đóng ở cạnh sân bay, nơi anh đã ngồi xe cùng với em đi qua hai ngày trước đó. Sân bay Sóc Trăng cuối 1953 đầu 1954 là một sân bay nhỏ, thuộc loại sân bay nhỏ nhất thời đó trên trái đất này. Sân bay nằm ngay bên đường từ Sóc Trăng sang Bạc Liêu, không có hàng rào chắn, ai muốn ra vô sân bay bất cứ lúc nào cũng được. Nhưng thường dân thời nào cũng vậy, loại thường dân lương thiện, ai loạng quạng đi vô sân bay làm gì. Trên mảnh đất dài theo sân bay và đường lộ, đến mùa dưa chín, dưa được xếp đầy bên lộ chờ xe đến chở đi. Sân bay không có phi cơ đậu thường trực, chỉ thỉnh thoảng chừng nửa tháng, một tháng mới có một chiếc Bà Già từ Cần Thơ bay sang phạch phạch hạ cánh, đậu ở đó chừng hai ba tiếng lại bay đi.
Chiếc xe lôi đưa anh tới Đại Đội. Lúc ấy vào khoảng 11 giờ trưa. Anh vào trình diện ông Trung Úy Đại Đội Trưởng. Ông tỏ vẻ ngạc nhiên khi thấy đơn vị của ông được tăng cường một anh trung sĩ từ Saigon xuống. Anh còn nhớ tên ông là Nguyễn Long. Ông là người Nam, trạc ba mươi tuổi, mới có vợ chưa cưới. Ông cũng là người tốt và dễ dãi nhưng không ông đơn vị trưởng nào có thể hài lòng hay vui vẻ được với một anh lính ấm ớ hội tề như anh. Ông xem lệnh điều động của anh và hỏi:
- Anh có biết gì về trọng pháo không?
Anh trả lời:
- Thưa Trung Uý không. Tôi là hạ sĩ quan tác động tinh thần.
Ông tỏ vẻ khó chịu:
- Ở đây chúng tôi có Trung sĩ tác động tinh thần rồi. Chúng tôi cần người biết bắn súng, anh không biết gì về trọng pháo cả, người ta cho anh xuống đây làm gì?
Giữa ông Trung Uý và anh có sự trục trặc ngay từ phút ấy. Sự việc xẩy ra tất nhiên là phải như vậy. Anh trả lời tỉnh queo:
- Thưa Trung Uý... tôi cũng không biết người ta gửi tôi xuống đây làm gì. Tôi bị người ta đổi xuống đây, tôi thật không muốn đến đây chút nào.
Anh là người bất đắc dĩ phải đến đây, ông Trung Úy Ở anh không biết về sau con đường binh nghiệp của Trung úy Nguyễn Long, Đại Đội Trưởng Đại Đội Trọng Pháo 102 năm 1954 ở Sóc Trăng, tiến đến đâu. Năm nay nếu ông còn sống, ông đã ít nhất là bẩy mươi tuổi. Anh chắc anh còn nhớ ông nhưng ông thì hẳn là ông quên phứt anh từ lâu lắm rồiỞ Ông Trung uý là người bất đắc dĩ phải nhận anh.
Ông là quân nhân nhà nghề lại chỉ huy đơn vị chiến đấu, tuy ông không để lộ ra rõ rệt nhưng ai cũng biết là ông không ưa những anh lính đánh nhau bằng mồm. Mà cứ theo anh nghĩ thì những "anh lính mồm miệng đỡ chân tay" này không được ai thương cũng là phải. Cả đại đội có một ông Trung úy, một Thiếu úy và ba bốn Trung sĩ. Nay ông bị nhận anh tức là ông bị mất một trung sĩ biết tác chiến mà ông đang cần. Dù đại đội ông có thiếu Trung sĩ tác động tinh thần đi nữa anh cũng không làm được cái chức vụ này. Vì lừng khừng, lởm khởm, ba gai, bậy bạ và thù ghét kỷ luật như anh thì tác động tinh thần cho ai? Thời đó quân đội có 10 Điều Giáo Lệnh, binh sĩ có thể không thuộc hay biết sơ sơ về 10 Điều Giáo lệnh này, nhưng những người làm tác động tinh thần thì phải thuộc lòng, bất cứ lúc nào cũng có thể đọc lên vanh vách. Nhưng cả cái gọi là 10 Điều Giáo lệnh đó anh cũng không thuộc. Bởi vì anh có học chúng bao giờ đâu mà thuộc với lại chẳng không thuộc.
Tới đây chuyện tình của đôi ta có một chi tiết mà anh muốn viết - rồi lại thôi, và rồi lại viết. Vì anh nghĩ rằng trong những bản hoài niệm loại này tất cả mọi chi tiết đều quan trọng và đều không quan trọng ngang nhau. Đó là chi tiết cả Đại Đội Trọng Pháo 102 ở Sóc Trăng năm 1954 chỉ có ba khẩu súng gọi là "trọng pháo". Quân đội Quốc Gia hồi đó đang ở trong thời kỳ thành lập, tất nhiên là Đại Đội không có cà nông 105 ly, cà nông 75 ly thường được gọi một cách long trọng đầy uy lực là cà nông xoát xăng keng cũng không có. Đại đội có ba khẩu súng mỗi khẩu được đặt gọn trong lòng xe Dodge 4 mỗi khi đi hành quân. Thời đó anh biết tên gọi của loại đại bác này, 10 năm sau ngày anh rời Sóc-Trăng và Đại Đội anh vẫn còn nhớ. Nhưng đến nay đã 40 năm trôi qua, anh quên mất tên gọi của loại súng ấy. Những ông bạn nhà binh của anh ông thì "bỏ súng chạy lấy người" năm 1975, ông thì ho hen kèn cựa đi ra nước ngoài gần hết cả rồi. Anh không có một cố vấn quân sự nào ở gần cả để hỏi về chi tiết này: tên gọi loại trọng pháo không đặt trên bánh xe khi di chuyển ấy là gì? Mới đây anh tình cờ gập một ông bạn Pháo Binh ngày xưa, anh vội vàng đem chi tiết này ra hỏi, nhưng ổng cũng không biết. Ổng bảo đó là súng Mọt-Chê -- mortier -- anh biết chắc và nhớ chắc, đó không phải là Mọt Chê, nó là cà nông đàng hoàng. Súng là một cái ống dài khoảng 2 thước, đặt gọn trong lòng chiếc Dodge 4, khi bắn thì mang xuống đặt lên giá súng. Năm nay chắc chỉ có những ông sĩ quan pháo binh từng ở lính trước năm 1954 mới có thể nhớ được tên loại súng này, những ông ấy bây giờ trẻ lắm cũng phải 70 tuổi.
Anh trở thành người đội viên vô dụng, vô duyên, vô tích sự nhất trong Đại Đội Trọng Pháo 102. Trung Uý Đại Đội Trưởng, sau vài lần tỏ ra khó chịu với anh, bèn thôi không thèm ngó ngàng gì đến anh nữa. Ông coi như không có anh trên cõi đời ở chung quanh ông. Cũng có thể ông nghĩ rằng anh là một thứ lính kiểng, một anh thuộc loại "con ông, cháu cha" bị bắt buộc phải nhập ngũ, nhẩy vào đầu quân dưới trướng Thiếu Tá Trưởng Phòng Năm Bộ Tổng Tham Mưu Trần Tử Oai và chỉ vì ba gai nên bị Thiếu tá Oai đuổi đi cho biết thân ít lâu rồi lại về. Thời ấy Thiếu Tá Trần Tử Oai rất có uy thế trong quân đội miền Nam. Nếu quả Trung Uý Nguyễn Long nghĩ về anh như thế thì không đúng hẳn, nhưng cũng không sai lắm. Anh không thuộc loại "con ông, cháu cha" nhưng là lính của Thiếu Tá Trần Tử Oai và trong hai năm trời ở lính đầy bất mãn của anh, mỗi lần anh gặp tai hoạ sặc máu mũi, sắp vỡ mặt đến nơi anh đều xin và những gì anh xin đều được Thiếu Tá chấp nhận.
Những lần Đại Đội đi hành quân, anh đều được bỏ lại nhà để giữ trại. Trong khoảng bốn, năm tháng trời anh sống ở đây, Đại Đội chỉ đi hành quân có hai, ba lần chi đó. Mỗi lần Phân Khu Sóc-Trăng Bặc-Liêu Cà-Mâu mở cuộc hành quân lớn kéo dài vài ngày mới có Đại Đội Trọng Pháo tham gia. Công việc của anh ở Đại Đội chỉ là làm Chef de Poste. Về việc này anh có thể khiêm tốn tự phong anh là một trong những anh Chef de Poste bê bối nhất thế giới. Buổi tối, Xếp phải đứng phát tạc đạn cho lính canh đêm, mỗi anh lính lãnh ba trái tạc đạn. Sáng về Xếp phải kiểm soát những anh lính canh này trả tạc đạn vào kho. Và buổi tối, lúc 7 giờ, dưới ánh đèn vàng vọt của bóng đèn điện quả trứng trước cửa nhà kho, thùng tạc đạn được mang ra, những anh lính lố nhố, láo nháo bốc tạc đạn tự do. Nếu có anh nào bốc thêm một hai trái tạc đạn Xếp cũng hổng biết. Những anh lính thường lấy thêm tạc đạn cất đi đề phòng khi đánh rơi, đánh mất thì lấy nộp, hoặc đem về quê ném cá. Buổi sáng gác về, anh nào muốn trả tạc đạn vào kho hay không Xếp cũng hổng biết. Ngay cả khi thùng tạc đạn ở trong kho được mang ra trong thùng có bao nhiêu trái Xếp cũng chẳng hay. Về những vật bằng kim khí, anh thích đồng hồ, bật lửa, nhưng anh không ưa tạc đạn một ly ông cụ nào. Tạc đạn cũng bằng kim khí, nhưng nó hay nổ bất tử, và nó thường nổ bậy bạ những lúc người ta không ngờ nhất.
Những đêm Sóc Trăng không có trăng, khoảng hai ba giờ đêm, anh Trung Sĩ Cà Chớn Công Tử Hà Đông lưu lạc xuống miền Hậu giang mưa nắng hai mùa đi trên con đường nhỏ dẫn đến hai đồn canh ở hai đầu phi trường, anh thấy trời đất tối đen, nếu có kẻ nào ngồi ở ngay bên vệ đường cỏ anh cũng không nhìn thấy. Nói cách khác vào những đêm đi kiểm soát bót canh ngoài trại ấy chỉ khi nào người ta đứng dậy đưa mũi dao vào bụng anh hay lên cổ anh, anh mới biết.
Như vậy là vào mùa xuân, mùa hạ năm 1954 anh đã đến sống ở Sóc Trăng, thành phố nhỏ miền Nam mà vào những năm đầu thập niên 1940 anh đã thấy, đã biết trên trang sách Quốc Văn Giáo Khoa Thư. Nhưng anh mới đến ở cạnh phi trường Sóc Trăng, một nơi cách trung tâm thị trấn Sóc Trăng khoảng 2 cây số. Ở đây, là Trung sĩ độc thân, anh có một góc buồng trong căn nhà mái tôn, một cái ghế bố, một cái bàn nhỏ. Trên cái bàn nhỏ này ngày ngày anh ngồi viết hai bộ truyện "Đầu Người Trong Hang Máu" và "Xác Ma Giết Người" gửi từng tập một về nhà xuất bản Ban Mai ở đường Vassoigne, bên chợ Tân Định, Sàigòn. Vào thời gian này Sàigòn đang có phong trào tiểu thuyết ra từng tập một, mỗi tập giá 2 đồng, bằng giá một tờ nhật báo. Đây là loại tiểu thuyết vào những năm 1940 đã có ở miền Bắc, thường được gọi là loại "tiểu thuyết 3 xu". Mỗi tập chỉ là một tờ giấy in báo gấp nhỏ lại thành 16 trang. Nhưng một tờ nhật báo phải mất nhiều người, nhiều tin mới thành còn loại tiểu thuyết ra từng tập này chỉ do một người viết, vậy mà giá cũng bán ngang nhau. Đây là thời truyện "Bàn Tay Máu" của tác giả Phi Long, một bút hiệu khác của Ngọc Sơn, người trước đó đã thành công với những truyện tình cảm "Ngày về, Hồng và Cúc, Sau Dẫy Nhà Lầu" đăng phơi-ơ-tông trên nhật báo Tiếng Chuông của ông Đinh Văn Khai. Các nhà xuất bản Sàigòn thời ấy đua nhau xuất bản loại tiểu thuyết từng tập này. Và loại tiểu thuyết này gần như ngự trị trên những sạp báo Sàigòn, đẩy lùi những tờ nhật báo vào một góc nhỏ. Tình trạng này kéo dài mãi đến năm 1955 mới bị Bộ Thông Tin chánh phủ Ngô Đình Diệm ra lệnh chấm dứt, tức là Bộ Thông Tin không cho phép loại tiểu thuyết ba xu được ấn hành nữa.
Truyện "Bàn Tay Máu" của Phi Long bán chạy nhất. Nghe nói mỗi tập "Bàn Tay Máu" bán tới 8.000 số. Mỗi tập Phi Long được chi nhuận bút tới 4.000 đồng. Và "Bàn Tay Máu" mỗi tuần ra 3 tập. Trong khi đó 2 truyện "Đầu Người Trong Hang Máu" và "Xác Ma Giết Người" của anh hai tuần mới ra được một tập, và mỗi tập anh được chi 300 đồng. So với nhuận bút của Phi Long thì số tiền anh kiếm thật nhỏ nhưng nếu so với thời giá: lương Trung Sĩ độc thân mỗi tháng 2.100 đồng thì mỗi tháng anh kiếm thêm được 4 tập tiểu thuyết, mỗi tập 300 đồng, tính ra là 1.600 đồng. Số tiền đó khá lớn.
Ông Trung Uý Đại Đội Trưởng chưa có vợ, ông mới có vợ chưa cưới, ông Thiếu Úy Đại Đội Phó -- ông này nguyên là sĩ quan quân đội Hoà Hảo được chuyển sang quân đội quốc gia-- là người có nhiều vợ nhưng ông để các bà này ở quê, không cho bà nào đặc quyền đến sống với ông ở đơn vị; thêm vào đó là hai ba ông Trung Sĩ già và sồn sồn làm việc ở văn phòng. Mấy ông này đều có vợ con cả đống nhưng các ông cũng để vợ con ở nhà. Vì vậy ông Trung Uý Đại Đội Trưởng cho tổ chức nấu cơm để hai sĩ quan và mấy hạ sĩ ăn chung. Anh ngày hai bữa lên cái gọi là "messe" ăn cơm với mấy ổng rồi lặng lẽ rút về cái ghế bố cô đơn của anh.
Cuộc sống trôi đều như thế trong khoảng một, hai tháng sau khi anh đến Đại Đội Trọng Pháo 102 ở Sóc Trăng. Vào lúc 10 giờ một buổi sáng đầu mùa hạ, anh đang ngồi viết truyện, một chú lính đến cửa nói vào:
- Trung sĩ... ông ra cổng có người hỏi.
Anh lơ đãng hỏi:
- Ai hỏi tôi?
Chú lính đáp:
- Bà zợ ông ở Sègoòng xuống kiếm ông...
Anh tỉnh queo:
- Tôi đã có vợ đâu mà có vợ đến kiếm?
Nhưng chú lính nói xong là đi ra ngay. Đây là một chú lính thành phần nông dân miền Nam bị gọi đi lính, một trong những chú binh nhì thuần phác, chân chỉ hạt bột nhất đại đội. Nếu chú đến báo có bất cứ ai đến tìm gặp, tuy chẳng có qua một nửa người nào quen ở trong cả cái phần đất mênh mông gọi là Hậu Giang này, anh cũng đi ra xem người đến là ai ngay. Nhưng vì chú ta báo "Bà zợ ông ở Sègoòng xuống.." nên anh không ra, anh bình thản ngồi đấy như ông Khổng Tử thời ông ở nước Trịnh để học cái gọi là Nhạc Thiều. Vì anh biết chắc là chú ngớ ngẩn này báo lầm. Bà vợ một ông Trung Sĩ nào khác đến tìm chồng. Ông Trung sĩ có bà vợ đến tìm đó nhất định không thể là anh. Điều đó chắc như bắp, chắc như cua gạch, chắc đến nỗi trên đời này không còn cái gì có thể chắc hơn được nữa.
Vì vậy, sau khi được báo "Bà zợ ông ở Sègoòng xuống kiếm..." anh vẫn ngồi ung dung tự tại như ông Khổng Tử lúc học Nhạc Thiều ba tháng không biết mùi đàn bà - Khi ấy đúng ra là Phu Tử nói: "Ngô tại Trịnh học Thiều, tam nguyệt bất tri nữ nhục vị", câu nói của Phu Tử về sau bị các đệ tử bỏ mất tiếng "nữ" Thời gian qua, chừng năm, bẩy phút sau có một người nữa đến cửa. Lần này người đến là ông Hạ Sĩ già miệng có đến bốn năm cái răng vàng. Ông này hôm nay là Xếp Bốt:
- Sao cho nó zô biểu ông ra cổng có người kiếm mà ông không ra?
- Ai kiếm tôi?
- Bà zợ ông...
Đến lượt anh ngẩn ngơ:
- Tôi đã có zợ đâu mà zợ tôi đến kiếm?
Ông Hạ Sĩ Răng Vàng tỏ vẻ khó chịu:
- Ai biết. Bả nói bả là zợ ông. Bả chờ lâu rồi ở ngoài cổng...
Anh vội vàng chạy ra. Cổng trại vắng tanh, chỉ thấy ở đấy có nắng vàng, đất đỏ và dây thép gai. Chú lính gác chỉ tay về phiá xa. Trên con đường đất đỏ chạy dọc bên cạnh phi trường vào cổng trại, bên vệ đường, có một cái cây. Có chiếc xe lôi đậu dưới cái cây ấy. Có hai người đứng dưới bóng cây: chú chạy xe lôi và một người đàn bà. Xe lôi phải đậu xa cổng trại vì lý do an ninh.
Anh tất tả chạy đến. Người đến tìm anh là em. Người đàn bà nhận là "zợ anh" là em. Em bận bà ba trắng, quần sa-teng trắng. Em đến tìm anh như lời em hẹn khi đôi ta chia tay nhau ở Bặc Liêu. Em đã hẹn và hôm nay em đến. Giản dị chỉ có vậy thôi. Nhưng với anh việc em đến tìm anh là cả một sự lạ kỳ, một tuyệt vời mà anh không hề mơ ước cũng chẳng mong đợi. Đôi má em ửng hồng lên vì nắng. Nỗi mừng rỡ và niềm hạnh phúc đến không ngờ làm cho anh trở thành ngớ ngẩn:
- Ê-Len.... Em đi đâu?
Đang bực mình vì anh để em phải chờ đợi lâu - em đã phải hai ba lần nhờ chú chạy xe lôi đi đến cổng trại để nhờ gọi anh. Cổng trại nhà binh không cho xe lôi đậu ngay ở cổng - em lại càng bất mãn vì câu hỏi thuộc loại "đại lý độc quyền ngớ ngẩn" của anh. Em hờn dỗi:
- Đi tìm anh chứ còn đi đâu nữa...
Anh ú ớ:
- Anh không ngờ em đến.
- Mà người ta có cho anh hay là có em đến kiếm không?
- Có. Nhưng mà anh tưởng là... ai chứ không phải là anh...
- Là ai là sao?
- Là có người nào đến kiếm ai chứ không phải kiếm anh.
Em ngoay ngoảy định lên xe lôi. Tuy ngu si, ngớ ngẩn, ngây ngô và phàm tục nhất đời nhưng anh vẫn còn đủ thông minh để tỏ ra bất lịch sự thêm năm bẩy thành nữa. Đời nào anh lại thả cho em đi dễ dàng và phi lý đến như thế. Anh nắm tay em lại:
- Em đi đâu?
- Đi zìa...
- Sao lại zià?
Em không thèm nhìn anh nhưng em cũng không đòi bước lên xe nữa. Đôi ta đứng bên nhau trong bóng mát của cái cây tình yêu trong vài giây. Anh thấy bàn tay em chỉ cầm có mỗi chiếc khăn tay trắng, trong khăn có mấy đồng tiền lẻ. Và anh bắt đầu ngửi thấy mùi da thịt thơm mùi nắng của em.
- Bây giờ sao??
Anh lại hỏi câu ngớ ngẩn thứ hai. Em nghiêng mặt nhìn anh:
- Bây giờ sao cái gì?
- Em ở đâu? Anh ra... với em được không?
Khi người ta yêu nhau, nhất là khi người yêu lại là đàn bà đa tình, người ta yêu cả những cái ngớ ngẩn, ngu si của nhau. Câu hỏi "đại lý độc quyền ngớ ngẩn" của anh làm cho em thấy rằng anh ngớ ngẩn thật tình, anh không giả bộ. Ai đời người ta mang đến ấn vào tận miệng mà vẫn còn ú ớ hỏi: "Xài được hôn? Ăn được hôn?" Vẻ hờn giận của em càng làm cho em thêm quyến rũ vì đôi môi hồng của em rung động muốn cười mà em cố nén không để môi em cười:
- Ở nhà Băng-ga-lô...
Em trả lời. Chưa chắc ăn, anh vẫn còn hỏi tới:
- Anh ra với em được không?
Như không còn chịu nổi cái ngu xuẩn quá mức của anh, em gắt lên:
- Người ta đã zô tận đây đón ra với người ta... Cứ đứng đó mà hỏi mãi...
Em gắt, nhưng mà em gắt yêu. Mừng quá, anh quíu lên:
- Chờ anh chút. Anh thay đồ...
Vì nghĩ rằng có sự lầm lộn khách khứa chi đó nên anh ra cổng trại trong chiếc áo thung ba lỗ, cái quần kaki, chân đi giép. Anh bỏ em đứng đó để chạy trở về trại, em hỏi với theo:
- Ra ngay được không?
Anh vừa chạy vừa trả lời:
- Ra ngay... ra ngay...
Các nhà quân tử Tầu nói: "Phúc bất trùng lai..." nhưng đấy là lời nói bi quan của những nhà quân tử Tầu bi quan. Thực ra ở đời cũng có nhiều lúc "phúc lai liên tiếp". Ông Đại Uý Đại Đội Trưởng vừa mới lên xe jeep về Sàigòn sáng hôm qua, ông về Sàigòn với cô vợ chưa cưới sắp cưới của ông. Ổng vừa đi khỏi trại hôm qua thì sáng hôm nay em đến tìm anh. Dù ông có ở nhà thì anh cũng "phú lỉnh" ra với em thôi nhưng không có ông, anh đi khỏi trại thơ thới hân hoan hơn. Ông Thiếu Uý Đại Đội Phó Cựu Sĩ Quan quân đội Hoà Hảo lại càng dễ chịu. Ông này biết thân, biết phận nên chẳng lý gì đến chuyện của ai.
Và như vậy là chỉ vài phút sau anh đã ngồi bên em trên chiếc xe lôi bon bon chạy trên con đường đất đỏ chan hoà nắng vàng đưa đôi ta từ phi trường Sóc Trăng vắng tanh, phi trường không có qua nửa cái máy bay, đến nhà Băng-ga-lô trong thành phố. Ba mươi tám năm trời sau buổi sáng mùa hạ năm ấy, anh hồi tưởng và anh vẫn còn như thấy rõ hình ảnh em áo bà ba vải phin trắng, quần sa-teng trắng, tay cầm chiếc khăn mù-soa trắng, má hồng lên vì nắng, ngồi bên anh trong lòng chiếc xe lôi chạy êm trên con đường đất đỏ...
Đến đây anh thấy cần phải nói rõ thêm đôi điều để những người yêu, những người bạn của đôi ta, những người đọc câu chuyện tình này của đôi ta, hiểu rõ hơn về cái gọi là "xe lôi" và "Nhà Băng-Ga Lô", hai vật đặc biệt của miền Hậu Giang và của Sóc Trăng thời đôi ta hai mươi tuổi, thời đôi ta yêu nhau. Trước hết là xe lôi: xe lôi chứ không phải là xe lô. Xe lô là tên gọi giản tiện của cái tên tiếng Pháp voiture de location. Đó là loại xe ô-tô chở khách nhỏ, còn xe lôi là loại xe kéo được cải tiến. Thùng xe để khách ngồi vẫn là cái thùng xe kéo ngày xưa nhưng thùng này được mắc vào chiếc xe đạp ở đằng trước. Người đạp xích lô ngồi đằng sau khách còn người đạp xe lôi nhấp nhổm ở trước mặt khách. Vào những năm 50, Sàigòn chỉ có xích lô đạp và xích lô máy nhưng ở khắp các tỉnh miền Nam người ta vẫn dùng xe lôi. Vì bên Pháp không có xe kéo nên những ông Tây thực dân dịch đại cái tên xe kéo của ta là pousse-pousse, nhưng cái tên này không đúng. Pousse-pousse là xe đẩy chứ không phải là xe kéo. Trên giải đất hình chữ S này, từ ải Nam Quan cho đến mũi Cà Mau, chỉ có Nam Kỳ Lục Tỉnh là có xe lôi. Và xe lôi cũng chỉ có ở Nam Kỳ Lục Tỉnh sau năm 1945. Mai sau nếu có nhà đạo diễn điện ảnh nào làm một bộ phim cốt truyện xảy ra ở lục tỉnh vào những năm 1950, nếu nhà đạo diễn để cho cặp tình nhân, như em và anh, ngồi bên nhau trên một chiếc xe lôi thì nhà đạo diễn đó là một đạo diễn tốt. Còn nếu nhà đạo diễn dàn dựng một cảnh xẩy ra vào những năm đầu 1950 ở lục tỉnh mà cho vào cảnh chiếc xích lô đạp thì nhà đạo diễn đó là một đạo diễn tồi.
Nhưng mai sau biết có bao giờ?? Những người đến sau chúng ta có cần gì biết rằng đời chúng ta, trong thời chúng ta yêu nhau, ở Nam Kỳ Lục Tỉnh nói chung và ở tỉnh Sóc Trăng nói riêng, có một loại xe chở khách gọi là xe lôi? Song những người đến sau chúng ta cũng chẳng có gì đáng trách, bởi vì chúng ta nào có biết gì đến những kiệu, cáng, võng ông bà chúng ta ngày xưa đã đi.
Thứ hai là nhà Băng-ga-lô. Anh không nhớ ở những tỉnh khác của miền Nam có nhà Băng-ga-lô hay không, chỉ nhớ chắc rằng Sóc Trăng có nhà Băng-ga-lô. Đây là khách sạn, một thứ ô-ten nhưng riêng Sóc Trăng lại gọi là nhà Băng-ga-lô. Du khách tới bến xe chỉ cần nói với chú xe lôi: "Cho về Băng-ga-lô..." là tới nơi bình yên. Nguyên chữ của nó là Bungalow. Tự điển Pháp-Việt của Đào Duy Anh dịch Bungalow là "Nhà quan cư", những tự điển Anh Việt chỉ dịch là "nhà gỗ một từng"; "nhà quan cư" và "nhà gỗ một từng" đều không diễn tả đúng nhà Băng-ga-lô của Sóc Trăng năm 1954, nơi anh đã được sống những ngày đêm chan chứa tình yêu với em khi anh còn trẻ.
Tự điển Webster ghi: Bungalow: Thatched-house, Lit. Belonging to Bengal. I- In India, a low, one storied house, usually with a wide, sweeping porch or veranda. II- a small house or cottage, usually of one story or one and a half stories.
Lời giải nghĩa của tự điển Webster cũng không đúng với nhà Băng-ga-lô của đôi ta ở Sóc Trăng mùa hạ 1954. Việc tra cứu tự điển Webster chỉ làm cho anh biết nguyên xứ của nhà Băng-ga-lô. Quốc gia mà những người Anh, người Pháp thực dân một hai trăm năm trước gọi là Bengal tên thật là Bungladesh. Người Anh tới Bungladesh và lấy kiểu nhà của nước này đem đi xây dựng ở những thuộc địa khác và gọi nó là nhà Bungalow. Sự kiện này chứng tỏ rằng vào cuối thế kỷ 19 ở Nam Kỳ Lục Tỉnh có những người Anh, người Ấn khai thác ngành khách sạn. Họ xây khách sạn nhưng không gọi là ô-ten mà gọi là Băng-ga-lô.
Nhà Băng-ga-lô Sóc Trăng, nơi em đưa anh đến, là một trong những toà nhà lớn nhất Sóc Trăng mùa Hạ 1954. Băng-ga-lô có một tầng lầu, có vườn bao quanh. Tầng dưới là phòng tiếp tân, phòng ăn chung có thể tổ chức tiệc cưới, nhẩy đầm. Tầng lầu có 8 phòng. Khi em đưa anh đến đó Băng-ga-lô mới xây thêm 8 căn phòng nữa ở khu vườn sau. Những căn phòng mới xây này nhỏ hơn và tiền mướn thấp hơn những căn phòng lớn trong tòa nhà chính. Em đưa anh vào một trong những căn phòng Băng-ga-lô nhỏ đó.
Bây giờ em ở đâu?? Anh nhớ rõ một số những hình ảnh thời đôi ta hai mươi tuổi và em yêu anh ở Sóc Trăng, anh không biết em có còn nhớ hay không? Nếu tình cờ một nàng kiều nữ đa tình sáu mươi cái xuân xanh là em ở phương trời nào đó trên trái đất này tình cờ đọc được những dòng này, có thể em sẽ thắc mắc, em sẽ nghi ngờ, em sẽ tự hỏi: "Sao cái nàng Hélène trong cái truyện lẩm cẩm của anh già vất vả này coi bộ giống.... mình quá dzậy ta? Hay là mình đây?? Để nhớ lại coi... Ờ... Ờ... Cái hồi năm ba, năm tư chi đó mình có đi tiếu ngạo giang hồ mấy vòng Cần Thơ - Sóc Trăng - Bặc Liêu... Dường như mình có gặp một anh Trung sĩ cà chớn giống giống như lời tả trong truyện này... Đúng rồi... Anh chàng Bắc Kỳ, ngây ngô ngớ ngẩn nhưng dễ thương.... Không xạo ke như những anh chàng Bắc Kỳ khác.... Mình có cho héng ở với mình mấy đêm ở nhà Băng-ga-lô Sóc Trăng... Nhưng mà chuyện xưa quá rồi.... Mình quên lâu rồi.... Mình chẳng nhớ gì cả sao mà anh chàng nhớ kỹ quá dzậy??
Nhớ. Anh nhớ những gì tốt đẹp anh được hưởng ở cuộc đời này, anh nhớ những người đối xử tốt với anh, những người anh mang ơn. Vào những tháng cuối năm 1975, trong nỗi buồn sầu anh làm bài thơ "Căn Nhà Không Có Mùa Xuân" trong có những câu:
Ngày xưa xa lắm tôi còn trẻ
Chưa biết đau thương, biết nợ nần...
Đời chỉ có hoa và mật ngọt
Da thịt thơm mùi phấn ái ân........
Năm nay mái tóc không xanh nữa
Tôi đã đau thương, đã nợ nần...
Ba mươi tám năm trước, ngày anh được gặp em ở Sóc Trăng, anh còn trẻ, anh mới hai mươi tuổi, anh chưa biết đau thương, chưa biết nợ nần. Nhưng đến những năm năm mươi, sáu mươi tuổi, thằng đàn ông phải biết thế nào là yêu thương, đau thương, thế nào là nợ nần. Thằng nào không biết là thằng vô ơn, thằng bất nghĩa. Cuộc đời có tuổi trẻ, tình yêu, hoa và mật ngọt. Cuộc đời còn nhiều cái khác nữa nhưng nếu ta tưởng nhớ thì ta tưởng nhớ tuổi trẻ, ta quý trọng tình yêu, ta trìu mến hoa thơm, ta hưởng lại dư vị của mật ngọt còn đậm trong ký ức ta, trong tiềm thức ta, trong máu huyết ta. Ta mặc mẹ những cái khác. Như vậy chẳng phải là ta sung sướng hơn ư?? Như anh đã viết: kẻ đau khổ, kẻ bất hạnh ở cõi đời này là kẻ chỉ thấy ở cuộc đời toàn những cay đắng, những phản bội, những oán hận, những ân hận. Còn anh, anh sung sướng khi anh hoài niệm thời thơ ấu và thời hoa niên của anh..
Buổi trưa ấy khi cánh cửa phòng Băng-ga-lô số 14 đóng lại. Em nhớ không em? Anh nhớ cả số phòng Băng-ga-lô Sóc Trăng mùa hạ 1954 của chúng ta là số 14 - cả trái đất lúc ấy chỉ có Em và Anh.
Tình yêu.... Tình yêu chân chính, Tình Yêu viết hoa, không cần đến lời nói. Những vần thơ tình tứ, thơ mộng của những ông thi sĩ chỉ là những lời ca tụng Tình yêu chứ không phải là Tình yêu. Da thịt em thơm mùi nắng hạ. Thích Ca nói rằng tất cả những chất từ xác thịt con người tiết ra đều dơ bẩn: nước miếng, nước tiểu, mồ hôi...v..v.. Tóm lại theo Thích Ca thì tất cả những gì từ cơ thể con người tiết ra đều dơ bẩn và hôi hám. Da thịt con người, theo Thích Ca, là thứ hôi hám và dễ hôi thối nhất. Tất nhiên là con người không dại gì mà say mê những thứ mùi hôi hám, xong cũng phải nói rằng da thịt con người, nhất là những người trẻ trung, tràn đầy nhựa sống, rạo rực tình yêu.... cũng có nhiều lúc thơm ơi là thơm, thơm phưng phức, thơm hơn múi mít. Con người say sưa hít thở cái mùi da thịt thơm tho này, coi như đó là một thứ hương vị quí báu nhất trần đời. Con người giết nhau, phạm đủ mọi thứ tội ác cũng chính là vì cái mùi hương này. Có lẽ đây là một trong những nguyên nhân làm cho Thích Ca thành đạo, được giải thoát phiêu diêu tự tại trong khi chúng sinh u mê thì cứ kiếp này kiếp khác nổi trôi, chìm đắm mãi trong vòng sinh tử luân hồi.
Buổi trưa Sóc Trăng Mùa Xuân 54 ấy anh đã say sưa ngây ngất với mùi da thịt thơm mùi nắng của em, da thịt em vừa phơi nắng gió thênh thang trong mấy tiếng đồng hồ em ngồi xe lôi đi tìm anh. Quân tử Tầu còn nói một câu chí lý tuyệt cú mèo nữa là "Tân thú bất như viễn qui...", diễn nôm là "Vợ chồng mới không bằng đi xa về..." Quả đúng như dzậy. Những lần đầu không nồng nàn thắm đựơm bằng những lần sau khi đã quen hơi nhau, tức là khi đã quen mùi da thịt của nhau. Anh vừa xa em ba mươi ngày... Em vừa đi xa về còn anh thì cũng như người đi xa về.... Như anh vừa mới viết và giờ đây anh viết lại: Tình yêu không cần lời nói. Chúng ta yêu nhau và chúng ta yêu nhau. Chỉ sau đó chúng ta mới nói:
- Nhớ em không?
- Nhớ...
- Dzóc...
- Sao lại dzóc? Nhớ thật mà...
- Nhớ!.. Sao lúc em đến để em chờ lâu quá?... Em đã định bỏ về.
- Tại vì anh không nghĩ là... em tới.
- Em có hẹn em tới tìm anh mà...?
- Anh tưởng em chỉ hẹn dzậy cho dzui...
- Bất nhơn.
- Làm gì mà bảo người ta bất nhơn?
- Em biết anh dzô tình lắm. Chỉ có em nhớ anh thôi, anh hổng có nhớ em....
- Nhớ thiệt mà. Tại dzì chú lính dzô nói là có dzợ anh đến tìm. Anh chưa có dzợ nên làm gì có dzợ anh đến tìm anh? Anh không ra. Không ngờ là em....
- Không chịu hả?
- Không chịu cái gì?
- Không chịu cho người ta nhận là dzợ phải hôn?
- Chịu quá chứ sao lại hổng chịu...
- Thích không? Em đến tìm anh.... Anh dzui hông?
- Thích lắm...
- Em nhớ anh...
- Anh nhớ em...
Trước khi gặp em anh từng đọc được trong sách báo, từng nhìn thấy trên tranh ảnh, nhiều trò mà những người yêu nhau chân chính vẫn làm với nhau, làm cho nhau khi họ yêu nhau. Nhưng sự hiểu biết ấy của anh chỉ mới hoàn toàn trên lý thuyết, trên sách vở, anh chưa từng đích thân làm những trò ấy lần nào. Em là người đưa anh vào con đường khoa học Tình Yêu, em là cô giáo, là bà thầy, là sư mẫụ của anh. Hai mươi tuổi, anh ngây ngô, khờ khạo như chú con trai mười ba tuổi. Hai mươi tuổi, em khôn khéo và em có bản lãnh như người đàn bà đa tình, thông minh bốn mươi cái xuân. Ba ngày, ba đêm em cho anh sống với em ở phòng Băng-ga-lô 14 Sóc Trăng là tuần trăng mật của anh. Ngay cả trong hai đêm đầu tiên anh được sống với em ở Bặc Liêu em cũng chưa yêu anh hết mình. Dù sao thì đó cũng là những lần đầu, những đêm đầu, em vẫn còn đôi chút giữ gìn. Đến những đêm này thì em xả láng...
Anh chỉ được sống ba ngày, ba đêm thần tiên với em trong nhà Băng-ga-lô thành phố Sóc Trăng, thành phố hơn mười năm trước anh đã thấy nói đến trên trang sách Quốc Văn Giáo Khoa Thư, thời anh đang học tiểu học trong trường tư thục Tự Đức ở tỉnh lỵ Hà Đông xa vời ở tận đầu bên kia đất nước. Như anh đã nói, em đến Đại Đội Trọng Pháo 102 tìm anh đúng vào lúc ông Trung Úy Đại Đội Trưởng của anh về Sàigòn. Suốt ba ngày, ba đêm ấy không ai thấy mặt anh ở Đại Đội, nhưng không có gì quan trọng, ông Thiếu Úy Đại Đội Phó xuề xoà dễ tính, chỉ cần anh nói nhỏ với ông một câu và một hai chầu nhậu la ve, tôm khô, củ kiệu. Khi đến phiên anh, một ông Trung sĩ khác thay anh làm Chef de Poste. Chiến tranh Pháp - Việt đang được giải quyết ở miền Bắc nước ta, đang diễn ra quyết liệt ở Điện Biên Phủ. Những miền khác, nhất là chiến tranh ở miền Nam, chờ đợi kết quả những gì đang xảy ra ở chiến trường miền Bắc. Chỉ ba ngày, ba đêm thôi, nhưng từng ấy thời gian cũng đủ để cho anh nhớ em, nhớ Sóc Trăng, nhớ Đại Đội Trọng Pháo 102, nhờ nhà Băng-ga-lô.... cho đến bây giờ.
Mùa Hạ Hai Mươi Mùa Hạ Hai Mươi - Hoàng Hải Thủy