Ta có thể vượt qua những khó khăn có thật, chứ không thể vượt qua những khó khăn tưởng tượng.

Theodore N. Vail

 
 
 
 
 
Tác giả: Marc Levy
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Yen Nguyen
Upload bìa: Yen Nguyen
Số chương: 13
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 9
Cập nhật: 2023-06-18 15:52:39 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 1
hi gặp Milly, ta hình dung cô có vẻ hơi rock’n’roll, chính cái vẻ ngoài kiểu Patti Smith thời trẻ gây nên ấn tượng ban đầu ấy, nhưng cô chủ ý tạo cho mình vẻ ngoài đó. Cuộc sống của Milly chẳng có gì là rock’n’roll. Khi một mình, và cô rất hay một mình, Milly nghe nhạc cổ điển đinh tai nhức óc, vì chỉ có Bach, Grieg và Glenn Gould mới át nổi tiếng vọng của sự cô đơn.
* * *
Milly Greenberg rời Santa Fe sau khi nhận được học bổng của đại học Philadelphia. Hai nghìn hai trăm dặm và sáu tiểu bang là khoảng cách giữa thành phố quê hương và nơi cô hiện đang sống, khoảng cách cô muốn tạo dựng giữa cuộc đời thiếu nữ và cuộc đời phụ nữ. Vậy mà những năm tháng học luật ở Pennsylvania khiến Milly hầu như cũng buồn chán chẳng kém gì ngày nhỏ ở New Mexico. Ba điều thúc đẩy cô theo đuổi việc học đại học đó là cuộc sống học xá mời gọi, cô có một người bạn thực sự ở đây, và dù tính cách cô chẳng phải lúc nào cũng dễ chịu, các giáo sư vẫn rất quý mến cô. Milly chưa bao giờ gia nhập nhóm các cô gái trẻ buôn chuyện từ sáng đến tối, tút tát lại phấn son mỗi lần chuyển tiết, không bỏ sót tin tức nào về các ngôi sao đang nổi, coi những hành động ngông cuồng hay nỗi đau của họ đáng quan tâm hơn số phận thế giới. Cô cũng chẳng giao du nhiều với lũ con trai vã đầy mổ hôi hừng hực testosterone trên sân thể thao, với hình thể vạm vỡ thái quá, đầu đội mũ bảo hiểm và hai má bôi màu đại diện cho đội bóng chày sinh viên Mỹ. Milly là một sinh viên vô hình và chăm chỉ, xét đến việc môn luật khiến cô ngán muốn chết, điều đó chứng tỏ quyết tâm của cô làm nên trò trống gì đó trong đời. Trò trống gì thì cô vẫn không biết, nhưng một số phận nào đó đang chờ đợi cô, một số phận nào đó sẽ hé lộ rõ ràng vào một ngày kia.
Vào cuối giai đoạn học chuyên ngành, trường đại học từ chối tiếp tục cấp học bổng nhưng đưa ra một giao kèo mà bà Berlington gọi là “sự trao đổi có đi có lại”, cụ thể là hợp tác với bộ phận pháp lý trong vai trò thực tập sinh-trợ lý (bộ phận pháp lý chỉ có mỗi bà Berlington) và đổi lại cô được trả năm đô la mỗi giờ làm việc, bảo hiểm y tế và chỗ ở. Milly nhận lời ngay lập tức. Không phải vì thích công việc, tất nhiên cũng không phải vì đồng lương, mà để được tiếp tục đến trường. Nơi đây đã có những dấu mốc và những thói quen của cô từ ngày đi học.
Hôm nay cũng vậy, Milly thích ăn sáng ở quán cà phê Tuttleman, băng qua bãi cỏ rộng lúc 8h53, đi ngang qua thư viện Gutman lúc 8h55 trước khi vào tòa nhà hành chính nơi ngày làm việc của cô bắt đầu lúc 8h57. Vào 1 lh50, cô đặt một chiếc bánh kẹp bò hun khói cho bà Berlington qua mạng. Lúc 12hl0, cô lại băng ngang bãi cỏ tới quán cà phê Kambar Campus Center, lấy bánh cho bà Berlington và một hộp xa lát mùa xuân cho cô, rồi khi trở lại văn phòng cô đi đường ven để lại qua trước cửa thư viện. Cô ngồi ăn trưa đối diện với sếp và trở lại bàn làm việc lúc 12h30. Đến 15h55 cô cất cuốn sổ ghi những gì bà Berlington đã đọc cho cô viết vào ngăn kéo bàn làm việc, trên cuốn sổ đó cô đặt một khung ảnh bằng kim loại màu bạc với bức hình chụp bà cô đang mỉm cười, vặn một vòng ổ khóa ngăn kéo trước khi ra về lúc 16h.
Lần đi qua khu học xá cuối cùng trong ngày cũng là lần đến bãi để xe nơi Milly lấy vật duy nhất chứng tỏ cô không phải một nhân viên tầm thường: một chiếc Oldsmobile mui trần đời 1950, vốn thuộc sở hữu của bà cô, bà đã tặng nó cho cô vài năm trước khi cô rời Santa Fe. Chiếc xe được cô chăm sóc tỉ mỉ như một nhà sưu tầm đó lúc này phải có giá khoảng tám mươi nghìn đô la. Nó được xuất xưởng Oldsmobile trước cả khi cô chào đời tới ba thập kỷ, đó thực sự là món bảo hiểm trọn đời trong trường hợp cô gặp khó khăn. Cuộc sống vào thời kỳ đầu mới bước sang tuổi ba mươi mốt hoàn toàn phù hợp với mong muốn của cô.
16h06, Milly ngồi vào sau tay lái, vặn đài rồi thả xõa tóc trước khi xoay chìa khóa điện và lắng nghe tiếng gầm của động cơ V8 tăng thêm vài âm trầm cho bản fugue của Bach, một bản giao hưởng của Mendelssohn hoặc một bản nhạc cổ điển khác.
Từ lúc đó, Milly dù sao cũng trở nên hơi rock’n’roll. Tóc bay trong gió, dù nhiệt độ thế nào trừ phi trời mưa, cô chạy xe tới trạm xăng 7-Eleven, nơi cô dập tắt cơn khát bằng lon Coca giá hai đô la bảy mươi xu rồi đổ cho xe hai gallon xăng với giá bảy đô la ba mươi xu. Mỗi tối, trong lúc nhìn những con số chạy trên mặt đồng hồ cây xăng, cô lại tính toán số phút bỏ ra để sao lại các báo cáo của bà Berlington. Mười đô la tiêu trong năm phút, tương đương ba mươi nghìn ký tự gõ trên bàn phím suốt một buổi sáng. Phần lương còn lại cô dùng để trả bữa tối - chiếc bánh kẹp của bà Berlington được cơ quan thanh toán, Milly đã nhanh chóng thỏa thuận với nhân viên quán cà phê Kambar tăng giá chiếc bánh thêm một khoản bằng giá tiền một suất xa lát mùa xuân - để mua vài món trang phục, làm đầy thêm bộ sưu tập đĩa nhạc, tự tặng cho mình một vé xem phim vào thứ Bảy và, nhất là, để chăm sóc chiếc xe Oldsmobile.
Nhân viên quán cà phê Kambar tên là Jo Malone. Cái tên như vậy không tự sinh ra. Tên thật của anh là Jonathan, nhưng “Jonathan Malone” nghe không ổn lắm, Milly với tai nghe nhạc chuẩn xác cho là vậy. Jo, nhờ có cô mà anh được thừa hưởng cái tên xứng danh một nhân vật trong phim hành động, là một chàng trai trẻ có dáng vẻ lịch lãm được trời phú cho tài làm thơ. Chẳng lẽ anh không hoàn thành nổi cái trò ảo thuật khó nhằn là mỗi ngày, bất kể mùa nào, đều sáng tác cho Milly được một suất xa lát mùa xuân tuyệt hảo?
Jonathan Malone yêu điên dại một cô nàng Betty Cornell nào đó, người hẳn chưa bao giờ để mắt tới một nhân viên quán cà phê, ngay cả khi chàng nhân viên đó đã ngốn ngấu mọi tác phẩm của Corso, Ferlinghetti, Ginsberg, Burroughs và Kerouac, và Jo gần như thuộc lòng những áng văn của họ. Jo Malone luôn cố gắng tạo ra chút thi vị trong mỗi chiếc bánh kẹp và mỗi suất xa lát giá năm đô rưỡi, với hy vọng một ngày kia có thể tiếp tục sự học và đem cái thế giới ngôn từ tuyệt diệu ấy giảng dạy cho các thiếu nữ tôn thờ Britney Spears, Paris Hilton và những cô người mẫu chán ăn. Milly hay nói với anh rằng anh có tâm hồn của một nhà truyền giáo, người hẳn sẽ chọn văn chương làm tôn giáo của mình.
Khi rời trạm xăng, Milly đi theo xa lộ 76 rồi từ đó phóng hết tốc lực cho tới ngã rẽ kế tiếp dẫn về nhà.
Milly sống trong một căn nhà nhỏ bằng gỗ trên đường Flamingo, ngay đằng sau bồn trữ nước của khu ngoại ô. Một khu phố không kiểu cách, nhưng có thể thấy đôi chút nét duyên nào đó. Phố xá dừng lại ở đường Flamingo, từ chỗ này cánh rừng lấy lại quyền của nó.
Buổi tối, Milly đọc sách, trừ các tối thứ Sáu khi Jo đến ăn tối với cô. Họ cùng xem một tập phim truyền hình mà cả hai yêu thích: một nữ luật sư, vợ một thượng nghị sĩ tương lai, thấy cuộc đời mình chao đảo khi quan hệ của ông chồng với một gái gọi bị báo chí phát giác.
Cuối tập phim, Jo đọc to cho cô nghe những bài thơ anh đã viết trong tuần. Milly chăm chú lắng nghe rồi bắt anh đọc lại lần nữa, trên nền một bản nhạc cô chọn tùy theo nội dung bài thơ của Jo.
Âm nhạc là dấu gạch nối liên kết họ với nhau ngay từ lần gặp đầu tiên, thậm chí đó còn là nguyên do khiến họ gặp nhau.
* * *
Để kiếm thêm, Jo chơi đàn ống trong nhà thờ. Việc chơi nhạc này được trả trọn gói ba mươi lăm đô la cho mỗi buổi, anh rất khoái những buổi tang lễ.
Những buổi hôn lễ thường kéo dài vô tận, khách mời mãi mới ổn định, cô dâu cũng mãi mới vào, rồi những lời chúc dài lê thê và phải tiếp tục chơi nhạc tới khi đôi vợ chồng mới cưới và khách mời rời khỏi lễ đường. Còn tang lễ có ưu điểm là người chết luôn luôn đúng giờ. Hơn nữa, ông mục sư có nỗi hoảng sợ thần thánh với những chiếc quan tài, ông nhanh nhẹn bỏ qua nguyên đoạn trong bài kinh sao cho buổi lễ diễn ra trong đúng ba mươi lăm phút tròn trịa.
Mỗi phút một đô la, đó là một công việc hái ra tiền và Jo, vốn không phải nhạc công duy nhất ông mục sư dùng đến mỗi khi có lễ, không bao giờ quên lướt qua trang cáo phó trong số báo Chủ nhật để luôn là người đầu tiên đăng ký lịch cho tuần kế tiếp.
Một buổi sáng thứ Tư có lễ tang, trong khi anh vừa bắt đầu một bản fugue của Bach, Jo thoáng thấy một phụ nữ trẻ đi vào nhà thờ. Buổi lễ sắp kết thúc, các con chiên bắt đầu đứng dậy đến chào từ biệt lần cuối bà Ginguelbar, sinh thời là bà bán tạp hóa, chết một cách lãng xẹt vì bị những thùng dưa hấu xếp thành chồng cao gấp đôi người bà đổ ụp xuống ngực. Bà Ginguelbar không chết ngay, cơn hấp hối của bà chắc phải dài khủng khiếp vì suốt cả một đêm bà nằm nghẹt thở dưới đống dưa đã khiến bà trút hơi thở cuối cùng.
Milly đi vào với quần bò, áo phông cổ rộng và tóc xõa khiến Jonathan chú ý, vì cô hoàn toàn lạc lõng giữa toàn bộ cử tọa. Từ vị trí ngồi chơi đàn, chàng nhạc công có đặc quyền nhìn thấy mọi chi tiết dù nhỏ nhất diễn ra trong nhà thờ.
Cho đến cả bây giờ, mỗi khi Milly cảm thấy buồn chán, Jo đều khiến cô vui trở lại bằng cách kể một vài giai thoại tiếu lâm mà anh từng chứng kiến. Những bàn tay nghịch ngợm luồn dưới một nếp váy hoặc vuốt ve cái quần, những người hàng xóm lắm điều thì thầm to nhỏ không màng đến buổi lễ, những cái đầu gật gù trước khi gục hẳn xuống, những cái đầu khác quay ngang quay ngửa để liếc gái, điều ngược lại cũng có, thậm chí còn xảy ra thường xuyên hơn người ta vẫn nghĩ, hay những tiếng cười rộ lên khi ông mục sư ngọng líu ngọng lô gọi đến “trúa chời toàn lăng và xự khoan rung của Người”. Ngay cả những quyển Kinh Thánh che giấu một chiếc điện thoại di động hoặc một cuốn sách cũng không thoát khỏi tầm mắt Jo.
Ngày thứ Tư đó, khi cửa vừa khép lại, Jo rời cây đàn ống, bước nhanh xuống cầu thang xoáy ốc dẫn vào phòng xưng tội. Người phụ nữ trẻ ngồi lại một mình trên băng ghế trong khi đoàn người đã tiễn đưa bà Ginguelbar đến nghĩa trang nằm liền kể kho đồ thờ.
Anh tới ngồi cạnh cô và cuối cùng cũng phá vỡ im lặng bằng việc hỏi cô có phải người thân của bà già quá cố. Milly thú nhận không biết bà ta và trước khi Jo kịp hỏi cô lý do vì sao cô có mặt ở đây, Milly thổ lộ với anh rằng anh chơi đàn thật khéo léo, cô thích sự cảm thụ của anh và cách anh chơi Bach. Giây phút đó đánh dấu sự kết thúc của hai nỗi cô đơn. Của Jo, người chưa từng nghe ai nói những lời đẹp đẽ như vậy về cách anh chơi đàn, và của Milly, người chưa từng muốn làm bạn với bất kỳ ai từ khi tới Philadelphia.
Jo cầm tay cô kéo về phía cầu thang xoáy ốc. Milly ngất ngây phát hiện ra tầm nhìn tuyệt đẹp từ tầng lửng ra gian giữa thánh đường. Jo mời cô ngồi tựa vào các thanh của bộ đàn ống bám dọc bờ tường, anh ngồi vào đàn và bắt đầu chơi một bản Toccata cung rê thứ.
Milly cảm giác như âm nhạc xuyên thấu cơ thể cô, tràn vào trái tim cô, như thể nhịp điệu rung động tới tận mạch máu. Cảm giác cơ thể được các nốt nhạc xuyên thấu thật thần thánh. Tiếc thay, buổi hòa nhạc riêng tư bị gián đoạn khi ông mục sư đi tới. Ngạc nhiên khi thấy giáo đường không yên tĩnh, ông trèo lên chỗ đàn ống. Khi thấy Milly tựa lưng vào các ống đàn, miệng mở hé vẻ hân hoan, ông ta liền chường ra vẻ mặt của một kẻ trừ tà đối diện với ác quỷ. Jo ngừng chơi và, khi ông mục sư hỏi người phụ nữ trẻ bên cạnh là ai, anh ấp úng đến nỗi lời giải thích của anh thực sự có vẻ vô nghĩa.
Milly chìa tay chào ông mục sư, và giải thích, với vẻ chắc chắn khiến Jo kinh ngạc, rằng cô là em gái của anh. Ông mục sư nhíu mày rồi đặt ba mươi lăm đô la của Jo lên ghế băng và đề nghị họ rời khỏi nhà thờ.
Xuống tới sân, Jo, lúc đó còn là Jonathan, mời Milly đi ăn trưa.
Mười năm sau, họ còn tới mộ bà Ginguelbar đặt một bó hoa tuy líp, vào ngày kỷ niệm lần gặp gỡ đầu tiên.
* * *
Milly đã trải qua một cuộc phiêu lưu lớn khiến cô xích lại gần Jo. Cuộc phiêu lưu gắn với công việc của cô.
Máy chủ của khu học xá bị ăn trộm dữ liệu. Hiệu trưởng nghi ngờ có bất thường khi chứng kiến sinh viên làm bài kiểm tra học kỳ với thái độ thoải mái chưa từng có. Bất thường hơn nữa khi các giảng viên không thể chấm bất kỳ bài nào dưới tám mươi điểm trên một trăm. Kết luận nhanh chóng được đưa ra là ai đó đã tiếp cận được để kiểm tra.
Bộ phận pháp lý của trường cho tới giờ chỉ toàn giải quyết những vụ việc tầm thường, kiểm tra hợp đồng bảo hiểm, yêu cầu chứng nhận này nọ, soạn thảo đủ loại thông báo hành chính (ông hiệu trưởng rất khoái những thông báo quy định thái độ của sinh viên tại học xá, chủ yếu nhằm thiết lập những quy định về những gì sinh viên không được làm). Vì vậy, khi ông hiệu trưởng ầm ầm đi vào văn phòng bộ phận pháp lý để thông báo rằng, lần đầu tiên trong lịch sử, nhà trường sẵn sàng nộp đơn kiện, đến tận tòa hình sự, huyết áp của bà Berlington đã đạt đỉnh, thậm chí còn vượt qua cả số điểm trung bình của sinh viên ở bài kiểm tra học kỳ.
Việc soạn thảo đơn kiện chỉ mất của bà Berlington có một buổi, và với Milly để đánh máy thì cũng chỉ như vậy. Cả hai, nhất là bà Berlington, đều muốn công việc này lấy của họ nhiều thời gian hơn một chút, xứng với tấm nghiêm trọng của vụ việc trong mắt ông hiệu trưởng. Cả hai quyết định, sau khi ngầm thống nhất, chờ đợi một vài ngày trước khi thông báo công việc đã hoàn thành và bộ phận pháp lý sẵn sàng huy động mọi tiềm lực chống lại những tên trộm vô luật vô đạo đã tấn công hệ thống.
Suốt cái tuần đặc biệt này, mỗi khi Milly gặp ông hiệu trưởng trong hành lang, cô đều làm vẻ mặt buồn bã của một nhân viên hoàn toàn chia sẻ với thảm kịch mà nhà trường đang trải qua, điều này cuối cùng giúp cô nhận được trở lại một nụ cười mỉm, nụ cười cắn rứt nhưng vẫn là một nụ cười. Tạ ơn Chúa!
Và trong khi bà Berlington bí mật trở lại với công việc hằng ngày, Milly, càng ngày càng buồn chán, quyết định thực hiện cuộc điều tra của riêng cô.
Jo Malone là nhà thơ, và tương lai sẽ trở thành một giảng viên mà mọi sinh viên đều mơ ước ít nhất một lần được nghe giảng; nhưng anh cũng rất khéo léo với mọi loại bàn phím: phím đàn ống, dương cầm hay phong cầm, và bàn phím máy tính. Nếu có ai đó mà Milly biết, thực lòng mà nói thì cô chỉ biết có bà Berlington, ông hiệu trưởng trường đại học, bà hàng xóm Hackermann ở đường Flamingo, và Jo, có thể giúp cô tìm ra tung tích của anh chàng hay cô nàng đã ăn trộm để kiểm tra, thì người đó chính là Jo, người bạn thực sự và duy nhất của cô.
Vào ngày thứ Ba tuần tiếp theo sau khi vụ việc bị phanh phui, Milly và Jo thực hiện chuyến phiêu lưu vào buổi tối, hẳn là có hơi bất hợp pháp, nhưng lại trong khuôn khổ một cuộc điều tra mà nếu thành công, sẽ có lợi cho nhà trường.
Milly trở lại nhà xe của học xá với chiếc Oldsmobile lúc 20h30, thời điểm Jo kết thúc công việc. Anh đến chỗ hẹn với cô, và cô cho phép anh hút một điêu thuốc trong xe, mui xe đóng, nhưng cửa kính mở. Họ chờ đợi khoảng ba mươi phút trong im lặng tuyệt đối trước khi đi vào con đường dọc theo thư viện, con đường ít được chiếu sáng hơn cả. Nhờ thẻ từ của cô, họ dễ dàng vào tòa nhà hành chính nơi có phòng tin học. Jo chọn giải pháp hành động tại chỗ. Nếu cảnh sát xem đơn kiện là nghiêm túc và nhanh chóng tiến hành điều tra, mọi hành động đột nhập vào máy chủ từ xa sẽ dễ dàng để lại dấu vết. Chính vì lẽ đó mà thật sự không nên đột nhập bằng máy tính cá nhân của anh, thậm chí cũng không nên sử dụng máy tính từ một trong các quán cà phê Internet của thành phố, vì lý do an toàn quốc gia, tất cả các quán này đều được trang bị camera giám sát.
Sự sáng suốt của Jo luôn khiến Milly bái phục, anh cho rằng tên trộm chắc cũng suy luận như vậy. Với những vụ tấn công mạng như thế này, cách tốt nhất để không bị lộ tung tích là bám thẳng vào con mồi mà ta muốn hút máu, kiểu như lũ rận mà ai cũng biết, vốn thích bọn chó hơn là những chiếc ổ cứng máy tính.
Đi dọc hành lang tầng trệt trong bóng đêm khiến họ sợ xanh mặt. Phải tiến lên mà không gây ra một tiếng động nhỏ nào rồi hành động trong khoảng từ 21h đến 21h30, ba mươi phút, thời gian những người ở tổ dọn dẹp hoạt động trên các tầng.
Với đèn pin kẹp giữa hai hàm răng, Jo mở cánh cửa tủ mạng, tìm nơi phù hợp dể kết nối vào máy tính và bắt đầu lướt các ngón tay trên bàn phím. Anh kiểm tra bộ nhớ của máy chủ, xác định ngày và giờ máy chủ bị xâm nhập, rồi tìm ra bằng chứng không thể chối cãi rằng một ai đó đã đột nhập vào phòng máy tính. Kẻ tin tặc chắc đã bị làm phiền và từ đó rơi vào thế bí vì hẳn ta để lại phần mềm gián điệp ngay trong phòng máy tính. Các đề bài kiểm tra đã được chuyển từ máy chủ đến một chiếc USB thông qua kết nối Bluetooth. Jo chế nhạo sự kém cỏi của các nhân viên tin học trong trường vì đã không phát hiện ra điều đó trước anh.
- Bọn chúng có ít nhất hai người. Một tên ở đây, và một tên bên ngoài, rất có thể nấp dưới cửa sổ, vì cái này không thể mang đi quá xa, anh thì thầm và lấy ra tang chứng.
Milly suy ra tên tin tặc chắc chắn đã để lại dấu vần tay; Jo chỉ cần đột nhập máy chủ của cảnh sát để tìm ra tung tích hắn. Anh nhìn cô, không phải không ngạc nhiên, mỉm cười với cô, mủi lòng khi thấy cô cho rằng anh có khả năng làm được những kỳ tích như vậy. Với kế hoạch đơn giản hơn trong đầu, anh nhét phân mềm gián điệp vào túi, nhìn đồng hồ và nói với cô bạn đã đến lúc phải rời khỏi hiện trường.
Trên đường về, họ đột ngột phải chui vào phòng làm việc của Milly và trốn dưới bàn của bà Berlington. Một kỹ thuật viên trong tổ bảo trì thay đổi kế hoạch thường ngày và mang máy mài đến vệ sinh thảm nhựa hành lang, khiến họ không thể rời khỏi hiện trường. Hai bạn trẻ, ngồi xổm, cố gắng nín thở. Nhưng nhiệm vụ trở nên gần như bất khả thi khi Milly lôi từ sau lưng ra một vật khiến cô vướng víu vùng thắt lưng, và phát hiện ra đó là một chiếc dép bông đi trong nhà. Hình ảnh bà Berlington với điệu bộ trịnh trọng và vẻ mặt trang nghiêm đi đôi dép bông dưới chân khiến Milly quá mắc cười, Jo phải vất vả vô cùng mới lấy tay chặn được trận cười không thoát ra. Đó là lần duy nhất có đôi chút lúng túng giữa họ. Tình bạn của họ trước đây chưa gặp tình huống này và cũng sẽ không bao giờ gặp lại nữa. Nhưng Jo đã cảm thấy cái lưỡi của cô bạn thần nhất chạy dọc lòng bàn tay anh, đúng cái đường sinh mệnh. Họ nhìn nhau ngạc nhiên trong ánh sáng lờ mờ, người gập lại dưới bàn làm việc của bà Berlington, cho tới khi Milly nói rằng cô không nghe thấy tiếng động nào ngoài hành lang nữa và họ có thể đi ra.
Trở lại nhà Milly, Jo cài phần mềm gián điệp vào máy tính rồi tra khảo nó với nhiều thuật toán, cho tới khi nó khai ra mật khẩu của chủ nhân. Lúc đó, anh tự hào tuyên bố với Milly sẽ nhanh chóng tìm ra tung tích hai kẻ tội phạm.
Ngày hôm sau, ngồi sau quầy bar với hạt vừng thần chú, Jo thiết lập kết nối từ xa với chiếc điện thoại cầm tay của anh mỗi khi có sinh viên vào quán Kambar Campus Center. Vì phần lớn sinh viên vào đây ít nhất một lần mỗi ngày, anh chẳng phải chờ lâu để khám phá ra Frank Rockley là một trong hai kẻ tin tặc. Jo thưởng thức khoảnh khắc phá án thành công với nụ cười mỉm thỏa mãn. Frank Rockley là đội trưởng đội bóng chày của trường và anh tò mò muốn biết ông hiệu trưởng sẽ làm gì khi biết được danh tính của tên bóng chày tội phạm trong khi chỉ còn ba tháng nữa là giải liên trường đại học sẽ diễn ra, giải bóng quan trọng bậc nhất đối với tên tuổi và nguồn tài chính của trường.
Anh ngạc nhiên khi khám phá này không mang lại bất kỳ niềm vui nào cho Milly. Anh chờ đợi sự vui vẻ thật sự, nhưng cô lại có vẻ buồn rầu khi nghe anh thông báo khiến anh không thể kìm mình hỏi cô nguyên do.
Vậy là Milly thổ lộ với anh một sự thật đè nặng trong lòng. Cô, người luôn khinh bỉ lũ con trai quá đam mê thể thao mà cô vẫn đánh giá, thường là vô căn cứ, như những kẻ ngu dốt bản năng, dành tình cảm cho Frank Rockley.
- Chính là đôi mắt anh ấy, cô thú nhận trên chiếc ghế băng nơi họ đang ngồi. Có cái gì đó trong ánh mắt anh ấy phản chiếu một tuổi thơ buồn bã. Rồi cô nói tiếp, em cũng được biết cha anh ấy luôn thúc anh phải đạt tới đỉnh cao, trong khi anh ấy lại muốn tham gia một tổ chức phi chính phủ và lên đường khám phá thế giới.
- Làm sao em biết điều này? Jo hỏi cô và nghĩ tới cảm xúc mà anh nhận thấy tối qua dưới gầm bàn làm việc của bà Berlington, lấy làm mừng vì đã không nói gì với cô.
- Một tối kia lúc em vào xe, anh ấy lại gần và nói rằng anh ấy thấy cái xe thật lịch lãm. chính cái từ này phát ra từ miệng anh ấy khiến em chú ý. “Lịch lãm”, một từ đẹp phải không anh? Bọn em chuyện trò, em tin rằng tối ấy anh chàng có điều gì đó nặng lòng. Tuần sau đó, em gặp lại anh ấy ở phòng thư ký, bọn em mỉm cười với nhau. Rồi đi uống cà phê...
- Không phải ở quán của anh, Jo chen ngang.
- Không, Milly trả lời, đó là vào một buổi sáng, bọn em tới quán Tuttleman, tóm lại, anh ấy kể cho em nghe về mình và em thấy...
- Em thích anh ta?
- Đúng thế, đại loại như vậy.
- Em nói với anh ta chưa?
Milly hích vào vai Jo.
- Chỉ là thoáng qua thôi mà, chẳng có gì phải làm to chuyện cả.
Jo hỏi cô có ý định tố cáo anh ta không và Milly nhắc anh rằng cô không phải cảnh sát và anh cũng vậy. Và rằng họ sẽ gặp khó khăn khi phải giải thích với ông hiệu trưởng cách thức họ tìm ra thủ phạm.
- Em muốn biết đồng bọn của anh ta chứ?
- Anh biết hắn à?
- Anh biết ả, Jo chỉnh lại.
- À! Milly vừa đứng lên vừa thở dài.
- Nếu điều này không làm em quan tâm, vậy tại sao chúng ta lại phải thực hiện cuộc phiêu lưu kia chứ?
Thay cho câu trả lời, cô cảm ơn Jo bằng một cái hôn lên má, đảm bảo với anh là cô đã có một buổi tối tuyệt vời, rằng cuộc phiêu lưu trong bóng tối của họ sẽ mãi là một trong những kỷ niệm đẹp nhất đời cô. Rồi, như thể chẳng có gì xảy ra, cô hẹn anh ngày hôm sau đi xem phim, lời hẹn vô ích vì thứ Bảy nào họ chẳng gặp nhau trước cửa cụm rạp ở West Ridge Pike.
Nhìn Milly đi xa dần, Jo nhớ lại cái ngày anh nhìn thấy cô lần đầu ở nhà thờ.
Tình bạn bền chặt từ mười năm nay của Jo và Milly được nuôi dưỡng bởi những lần tâm sự, bởi những buổi đi xem phim vào mỗi chiều thứ Bảy, bởi những cuộc trò chuyện dài trên bờ tường thấy bao quanh bồn chứa nước, và cũng bởi những giây phút im lặng nữa. Mùa đông đến, khi những bông tuyết đầu tiên xuất hiện, họ trèo lên mái nhà nơi Milly sinh sống để ngắm nhìn tuyết phủ trắng rừng thông bạc và vân sam. Họ hút vài điếu thuốc và ngồi đó, chuyện trò cho tới khi cái lạnh buộc họ phải trở vào.
* * *
Milly không tố giác Frank Rockley, cũng như nữ tòng phạm của anh ta, cho dù cô đã từng nghĩ tới chuyện đó khi chứng kiến họ tán tỉnh nhau: cô thấy họ ở rạp chiếu phim, đang hôn nhau say đắm đến nỗi tưởng như họ đang liếm láp khuôn mặt nhau. Milly kết luận rằng Stephanie Hopkins, để có thể ngoác mồm rộng đến thế, chắc kiếp trước phải là một con ếch. Với bản chất luôn lạc quan, cô thấy yên tâm khi Frank có vẻ lúng túng vì bị bắt quả tang như vậy; một thằng con trai ở vào tình huống này sẽ chỉ ngại ngùng nếu tình cảm của hắn còn chưa rõ ràng. Một khi Frank đã đi hết một vòng ngực và hai cái má xệ của nàng ếch, câu chuyện của họ sẽ chỉ còn là một kỷ niệm mà thôi.
Nhưng Frank cũng phải mất đến hai tháng mới hoàn tất hành trình của mình. Vòng một của Hopkins dù gì cũng cỡ 90C cơ mà.
Một sáng kia, Milly gặp anh chàng đang ngồi ở quán Tuttleman, say sưa đọc một quyển giáo trình luật. Cô lại gần với vẻ trêu đùa, đặt lên bàn cái phần mềm gián điệp mà Jo đồng ý trao cho cô rồi bỏ đi mà không hề ngoái đâu lại, nhẩm tính thời gian đủ để Frank đuổi theo và bắt kịp cô. Anh ta chẳng nhúc nhích, không phải tự nhiên mà anh chàng là đội trưởng đội bóng, điều này càng cũng cố tình cảm Milly dành cho anh ta. Cô tính ăn miếng trả miếng mười ngày sau đó, khi anh ta đề nghị đưa cô đi ăn tối lúc gặp cô.
Cô trả lời rằng cô sẽ suy nghĩ về lời đề nghị.
Trò mèo vờn chuột có thể còn kéo dài, nhưng Jo đã can thiệp và giảng giải lý lẽ cho cô. Nếu một ngày kia anh có cơ may được Betty Cornell quan tâm tới, anh sẽ chẳng dại gì mà chơi trò trẻ con. Milly công nhận anh có lý và ngày thứ Bảy sau đó, cô ở bên Frank cả tối lẫn đêm.
* * *
Mùa cứ nối mùa vùn vụt trôi đi, ngay cả ở ngoại ô Philadelphia. Frank không còn là đội trưởng đội bóng; học xong, anh vào làm việc cho văn phòng luật của bố có trụ sở đặt tại trung tâm thành phố. Milly và anh vẫn là một đôi. Họ còn chưa dọn về sống cùng nhau, nhưng đây là chủ đề họ thường nói tới, như ý tưởng về đám cưới vào một ngày nào đó. Frank làm việc rất nhiều và, để xả hơi, anh chơi bóng chày vào mỗi thứ Bảy. Milly tranh thủ đi xem phim với Jo vào lúc đó. Sau buổi chiếu, họ lang thang trong trung tâm thương mại, chuyện trò không ngớt. Khi cô mua quần áo, thỉnh thoảng cô tặng anh một chiếc áo phông hay áo sơ mi, còn anh mời cô ăn tối.
Rồi khi mùa đông tới, họ trèo lên mái nhà của Milly để cùng ngồi bên nhau ngắm tuyết rơi.
Phần lớn thời gian, Milly hạnh phúc với cuộc sống của mình. Ngay cả khi cuộc sống ấy là một vòng quay có đôi chút nhàm chán, giữa công việc ở học xá, nơi mà giờ đây bà Berlington giao cho cô toàn quyền soạn thảo các báo cáo mà bà vẫn đọc cho cô ghi ngày trước, năm đêm mỗi tuần Frank tới ngủ nhà cô và những ngày thứ Bảy với Jo, cô vẫn thấy nó hoàn toàn phù hợp.
Thỉnh thoảng vào buổi tối, Frank thấy Milly nhìn xa xăm, thế là anh lại nói với cô về những ước mơ của mình, về ước nguyện tự giải thoát khỏi người cha, tham gia vào một tổ chức phi chính phủ và đi thật xa cùng cô, và những buổi tối đó, Milly lại nghĩ tới số phận mà cô vẫn luôn tin vào, đôi khi tự hỏi nó có thực sự sẽ đến gõ cửa một ngày kia hay không.
* * *
Ngày đầu tiên của mùa xuân, khi Milly ngồi vào chiếc Oldsmobile đang đỗ trong nhà xe lúc 16h06, cô không thể ngờ rằng chẳng bao lâu nữa số phận ấy sẽ ập đến với cô.
Một Ý Niệm Khác Về Hạnh Phúc Một Ý Niệm Khác Về Hạnh Phúc - Marc Levy Một Ý Niệm Khác Về Hạnh Phúc