Số lần đọc/download: 1337 / 20
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Chương 2 -
T
rước tiên tôi có lời xin lỗi cô khi đã không lịch sự trả lời phỏng vấn của cô bằng băng cát-xét như thế này. Nhưng cô phải thông cảm cho tôi, giờ tôi là người kinh doanh rất bận rộn thì giờ eo hẹp. Vả chăng tôi cũng rất sợ ngồi trước mặt người đặt ra câu hỏi cho mình, nhứt là đối với giới nhà báo. Lúc nào họ cũng coi công việc làm ăn của chúng tôi có gì đó mờ ám, cần phải phanh phui đưa ra ánh sáng.
Để bù lại sự "không lịch sự" nói trên, tôi sẽ nói hết băng cát-xét chín mươi phút này như lời cô mong muốn.
Tôi là Đinh Xuân Hải tức Sáu Hải, tên và thứ do anh em trong đội biệt động đặt cho, còn họ tôi chọn một cái họ vu vơ nào đó. Tôi vốn là một đứa trẻ lớn lên trong trại mồ côi, ra khỏi trại bị tù, ra khỏi tù gặp được mẹ cô, chính mẹ cô đưa tôi vào đội biệt động. Tôi đã gặp được cô nhiều lần nhưng hồi đó cô còn nhỏ nên không nhớ tôi. Lúc đó cô chừng năm sáu tuổi và trước đó nữa lúc cô mới biết đi lẩm đẩm mẹ cô gởi cô về dưới Long Xuyên với bà ngoại cô, nhân chuyến đi đưa người đưa thư anh Ba Hoàng hoặc mẹ cô nhờ tôi ghé thăm cô, mang quà cho bà ngoại cô, lần nào tôi cũng gặp cô và lần nào cô cũng nhìn tôi với ánh mắt không mấy thiện cảm, không biết tại sao vậy.
Nhưng ta hãy bắt đầu từ việc xây tòa nhà ở đường Nguyễn Trãi, chắc là việc cô quan tâm nhất. Cô nghe tin ở đâu nói tôi bí mật chuyển số hài cốt đi nơi khác? Tại sao tôi phải chuyển? Và tại sao tôi phải làm bí mật lén lút? Xin thưa tôi không chuyển đi đâu cả, tôi chỉ dời sang chỗ khác để thợ thầy có chỗ làm việc thôi. Tôi là người quản lý công trình phải bảo đảm tiến độ thi công, nhất là trong công việc liên doanh với nước ngoài, hợp đồng đã ký rồi có hằng trăm con dấu trong đó. Khi hay tin những người thợ đào móng bắt gặp hài cốt anh Ba Hoàng có lịnh cho tôi cho dừng công trình lại tiếp tục đào bới tìm kiếm và tôi đã làm đúng theo như thế, tuy điều đó không có ghi trong hợp đồng, mọi chi phí về thời gian và tiền bạc tôi phải gánh chịu hết. Như vậy chưa đủ hay sao, tôi phải gánh chịu thêm gì nữa, chịu thêm tội tình gì nữa?
Và những hài cốt đó là như thế nào, cô có dám chắc nó là của ai, có từ hồi nào không?
Và cô xin nhớ cho chính tôi là chiến sĩ trong đội biệt động ấy, tuy không dự trận đánh đó nhưng cũng nhiều phen vào sanh ra tử không kém gì ai. Và giờ đây làm công việc này cũng là nhà nước giao cho tôi, là người kinh doanh tôi phải coi trọng tiền bạc, như nhà thiên văn coi trọng các ngôi sao và người thợ chải nón coi trọng cái đầu gối của mình vậy.
Hôm rồi anh Ba Hoàng đã điện hỏi tôi về việc tôi chuyển số hài cốt đi nơi khác. Tôi đáp rằng tôi không chuyển đi đâu cả, tôi chỉ đem cất nó thôi, cất rất kỹ, một lóng xương cũng không thiếu, và tôi sẽ giao lại đủ nếu có ai đó đến nhận, dĩ nhiên phải có giấy tờ ký tên đóng dấu đàng hoàng. Anh Ba Hoàng lại hỏi: "Tại sao lại làm lén lút không cho mọi người biết?". Tôi hỏi lại: "Vậy tôi phải đánh trống rung chuông, tổ chức tiệc tùng mời nhà báo tới chụp hình đăng báo à? Đó không phải là việc của tôi, tôi không có kinh phí để làm chuyện đó". Anh Ba Hoàng bèn ra lịnh: "Cho dừng công trình lại tiếp tục đào bới thêm coi có gặp hài cốt nữa không". Tôi hỏi: "Vậy ai chịu trách nhiệm, anh hay tôi? Tiền thiệt hại tính theo giá đô la trừ vào lương của anh hay của tôi?".
Nói tới đây tôi đã hình dung thấy ánh mắt cô nhìn tôi như thế nào, nếu tôi đang ngồi trước mặt cô. Chắc cũng không khác hồi xưa mấy. "Đâu có bóng dáng của người chiến sĩ biệt động ngày xưa nữa", chắc cô nghĩ như thế. Nếu như vậy tôi thành cái gì? Tôi phải làm như thế nào, làm công việc gì với tòa nhà như trái núi chất trên hai vai tôi đây?
Không, tôi không hề chối bỏ quá khứ. Nhưng tôi cũng chấp nhận tương lai. Đúng ra tôi là một người bình thường đang sống cho hiện tại, hết chiến tranh rồi tôi làm kinh tế, làm ra tiền bạc cho nhà nước và cho gia đình tôi, vợ chồng tôi phải có nhà ở con cái tôi phải được học hành. Tôi là người giống như mọi người, ai nấy đều yên ấm trong căn nhà của mình và tôi cũng thế, không tốt hơn ai cũng không xấu hơn ai.
Tôi vào đội biệt động năm tôi mười lăm tuổi, như tôi đã nói, chính mẹ tôi đưa tôi vào. Hôm đó tôi vừa mới ra tù được mấy ngày, đang thả dọc theo bờ sông Cầu Ông Lãnh tìm công việc gì đó để mần ăn. Bỗng có tiếng còi cảnh sát ré lên. Chắc không phải dành cho tôi. Tôi vừa mới ra tù có giấy tờ trong tay. Nhưng cũng phải cảnh giác. Bọn cảnh sát là chúa hay bất chấp luật pháp, có thể chúng chẳng coi tờ giấy trong tay tôi ra cái gì. Tôi bèn núp vào một góc tường đưa mắt dòm ngó hai đầu đường. Bỗng thấy có một cô gái chạy vụt ngang. Mẹ cô đó. Mẹ cô chạy hối hả, tiếng còi đuổi theo sau, mẹ cô chạy đi rồi chạy dội lại vì tiếng còi đuổi lại từ đầu kia. Tôi không ưa tụi cảnh sát nên nghĩ cách giúp mẹ cô. Vả chăng cứu người có khi cũng là một công việc làm ăn. Dưới triền sông gần chỗ tôi núp có một dãy cần xé khô đám lái buôn chất ở đó chờ xe tải chuyển đi. Có thể nhét mẹ cô vào trong đó. Tôi đứng chờ và khi mẹ cô chạy trở lại lần nữa tôi liền nhào ra túm lấy lôi lại chỗ dãy cần xé khô, mẹ cô người nhỏ xíu nên tôi lôi khô ra nhét mẹ cô vào đó một cách dễ dàng, lấy mấy con khô đậy lên trên, đám lính chạy tới tôi cầm con khô nhăn răng cười với chúng, chúng đá đít tôi mấy cái rồi bỏ đi.
Vậy là mẹ cô thoát. Chừng hơn nửa năm sau, một bữa tôi cũng đang thả dọc theo bờ sông chợt nghe có tiếng còi xe rồi một chiếc xe hơi du lịch đậu xịch trước mặt, mẹ cô từ trên xe bước xuống ăn bận sang trọng như bà hoàng, áo dài trắng thướt tha tay xách bóp đầm tươi cười đưa tay ngoắc tôi lại. Tôi ngớ người ra một lúc, không thể tin vào mắt mình. Không biết sao mẹ cô thay hình đổi dạng mau đến như vậy, không còn chút nào dáng vẻ của cô gái chung vào cần xé khô trước đó. "Đi về nhà chị đi. Chị sẽ nuôi em, gọi là trả ơn em đã cứu mạng". Mẹ cô nói và tôi hỏi lại: "Nhưng có chuyện gì mần ăn không?". Mẹ cô nghe vậy thì cười ngất: "Em còn nhỏ lo học hành đã". Tôi lên xe du lịch về một căn nhà có mấy anh lớn đi đi về về, được ăn uống tắm rửa thay quần áo mới, được đi học buổi tối. Lâu lắm tôi mới được giao làm những việc lặt vặt như người đưa thư. Tôi trở thành người của đội biệt động như thế đó.
Lúc đó anh Ba Hoàng đã là người chỉ huy rồi. Mẹ cô không rõ làm chức vụ gì nhưng thường thấy bàn bạc công việc với anh Ba Hoàng, có lẽ do trong đội chỉ có mẹ cô là nữ nên anh Ba Hoàng cưng chiều mẹ cô hơn những người khác. Đôi khi hai người tranh cãi nhau, chỉ có mẹ cô nói và anh Ba Hoàng ngồi nghe, thỉnh thoảng ừ hử lại đôi câu, thường anh Ba Hoàng là vậy. Tôi lúc đó chỉ làm liên lạc là chính, đi đưa người đưa thư, ra cầu cảng coi tàu Mỹ cập bến chưa. Anh Ba Hoàng giao việc cho tôi như người phụ tá riêng của anh. Mẹ cô cũng thường nhờ tôi làm việc này việc nọ nhưng lại do tình cảm riêng, như về Long Xuyên thăm cô hay những việc khác. Những năm đó mẹ cô chỉ hơn hai mươi một chút, tôi nhỏ hơn mẹ cô không nhiều nhưng phụ nữ thường trông già dặn hơn, hơn nữa mẹ cô lại là người đưa tôi vào đội nên tôi cứ lẫn lộn khi gọi là cô khi gọi là chị. Mẹ cô người nhỏ nhắn, khác hẳn cô, khi đi thường sải chân rất dài và khi ngồi thường hay xếp hai chân qua một bên, như người cầu kinh lạy phật. Mẹ cô nói chuyện rất nhiều, không biết có phải do bản tính hay không, hay do công tác biệt động thường phải sống đơn độc, trong đội chỉ có mẹ cô là nữ nên gặp được người, mẹ cô nói không thôi. Tôi về Long Xuyên rất nhiều lần, có khi liền tháng trước tháng sau, thường nhân chuyến công tác nào đó, mang theo quà của mẹ cô và anh Ba Hoàng, nào vải cho bà ngoại cô, quần áo đường sữa cho cô, đôi khi có cả cá khô nước mắm nữa. Long Xuyên quê ngoại cô là một vùng quê thật đẹp nhưng dân tình nghèo xơ xác, nhà bà ngoại cô chỉ là một chiếc chòi nhỏ nước ngập quanh năm, cánh đồng lớn phía sau như một biển nước lúa chỉ mọc lưa thưa nhưng cỏ lác thì vô số kể.
Tôi thường về đến Long Xuyên vào buổi chiều, xách chiếc giỏ nặng quà của mẹ cô đưa cho bà ngoại cô và khi bà bày cá khô nước mắm ra, bà cười nói: "Con nhỏ gởi củi về rừng". Tôi ăn bữa cơm chiều ở đó, trong bữa ăn bà ngoại cô hỏi chuyện tôi không thôi nào mẹ cô mập ốm ra sao bận việc gì mà không về, công việc học may ra sao và có định lấy chồng không, có ai dòm ngó không, nhiều chuyện tôi phải nghĩ ra để trả lời thay cho mẹ cô. Rồi tôi ra bãi sông gặp cô, đó là việc quan trọng, tôi phải trở về Sài Gòn tả lại cô đến từng chi tiết nhỏ cho mẹ cô và anh Ba Hoàng nghe. Cô đang chơi vọc cát ở đó. Chẳng khi nào cô chịu nói chuyện với tôi dù tôi tìm cách săn đón cô đủ điều, cô chỉ đứng nhìn tôi trân trân với ánh mắt lạ lẩm không chút thân thiện và hình như cô giữ thái độ đó với tôi từ đó cho tới bây giờ. Tôi thường ở đó độ ba bốn tiếng đồng hồ, ăn bữa cơm, nghe chuyện bà ngoại cô rồi hỏi chuyện cô, rồi nhanh chóng ra bến xe đón chuyến xe đêm về Sài Gòn. Nhưng tôi nhớ mãi những lần về dưới ấy, được ăn bữa cơm mặn mòi, ngồi uống nước trong căn nhà lá ngập nước mát rượi nhìn ra cánh đồng nước chói chang ánh nắng, nghe đều đều giọng nói hiền từ chất phác của bà ngoại cô. Tôi chưa bao giờ có gia đình cả, một căn nhà cũng không, đó là những giây phút êm đẹp nhất của đời tôi.
Nhưng khi trở về Sài Gòn phải ngồi lại nghe mẹ cô và anh Ba Hoàng hỏi chuyện cô, phải nghĩ ra đủ chuyện để trả lời để tránh nói về ánh mắt lạnh lùng của cô, tôi thấy thật không dễ chịu chút nào.
Như tôi đã nói, tôi không rõ quan hệ giữa mẹ cô và anh Ba Hoàng như thế nào. Nhưng có một chuyện như thế này. Có một lần mẹ cô nhờ tôi chuyển cho anh Ba Hoàng một bức thư. Tại sao hai người gặp nhau hằng ngày mà phải viết thư tôi tật không hiểu, nhưng quen chấp hành tôi cầm lấy thư không nói gì cả. Nhưng mẹ cô lại bắt tôi đọc thư trước. Tôi đọc thư, vẫn không nói gì. Mẹ cô hỏi: "Em nói đi, em thấy thế nào?". Tôi nói rằng tôi không biết gì, tôi còn chưa được sinh hoạt chưa biết mấy công việc của đội. Thật ra không phải tôi không biết. Nội dung thư mẹ cô nói tới một trận đánh trước đó, cũng đánh vào một tòa nhà của tụi Mỹ, mọi việc điều tra nghiên cứu đã xong hết rồi chợt có một thay đổi nhỏ, không hiểu sao tụi Mỹ cho làm thêm mấy vòng rào và giờ giấc đi đứng của chúng cũng khác. Phàm trong nghề biệt động muốn đánh một cứ điểm nào đó ta phải theo dõi chúng rất kỹ, bám sát từng thằng Mỹ một nếu thấy có một thay đổi nào đó, thí dụ như một thằng Mỹ bỗng dưng biến mất, ta phải dừng công việc lại ngay, tìm hiểu cho ra lý do biến mất của thằng Mỹ mắc dịch đó. Anh Ba Hoàng đã cho dừng trận đánh lại và anh làm thế là đúng. Nhưng thật tai hại cho anh Ba Hoàng, trong lúc anh còn đang cho tiếp tục điều tra nghiên cứu thì tụi Mỹ rút đi hết, tòa nhà biến thành trạm cấp phát bột mì ai ra vào cũng được. Thế là cơn giận của mẹ cô lại bùng lên, mẹ cô nói anh Ba Hoàng nhát gan, thiếu linh động, không cương quyết, đáng lẽ phải đánh liền ngay lúc đó, chúng có làm thêm mười vòng rào cũng đánh, thành phố này là hang ổ của chúng, ta còn vào được huống chi mấy vòng rào. Mẹ cô có kiểu nói ngang như vậy, theo kiểu đàn bà, nhưng trong thâm tâm tôi thấy mẹ cô đúng. Nhưng tôi không nói gì. Hồi đó cũng vậy và bây giờ cũng vậy, tôi cầm lấy thư đưa cho anh Ba Hoàng, anh đọc rồi xếp cất vào túi, như đọc một giấy báo tiền điện vậy.
Giờ tôi nói đến trận đánh năm 68 ở đường Nguyễn Trãi. Trận đánh đó anh Ba Hoàng không dự. Một vết thương cũ của anh tái phát, lại nhằm ở chân. Nhưng đó không phải là lý do chính. Anh vừa được điều động lên trên, vì một lý do cần thiết nào đó, ngay giữa chiến dịch, chuyện thường thấy trong công việc chiến đấu. Trên chỉ nói miệng vậy thôi, chưa có giấy tờ chính thức nhưng anh Ba Hoàng đã nói ra với đội và cắt đặt người phó thay thế anh. Chính người phó chỉ huy trận đánh ở đường Nguyễn Trãi. Nhưng cả chuyện đó theo tôi cũng không phải là lý do chính. Càng gần tới ngày nổ súng những cuộc tranh cãi giữa mẹ cô và anh Ba Hoàng càng thường xuyên và gay gắt hơn, vẫn mẹ cô nói và anh Ba Hoàng ngồi nghe với sự kiên nhẫn đáng khâm phục khiến tôi có cảm giác cuộc cãi vả có cái gì đó không thật, rằng có một nguyên nhân khác nào đó hai người không tiện nói ra.
Về qui mô của toàn chiến dịch anh em trong đội không được nghe phổ biến cụ thể, để bảo đảm bí mật, nhưng hầu như tất cả đều biết, cảm thấy thời điểm quyết liệt đã đến. Đây sẽ là một trận đánh một mất một còn, cái giá phải trả sẽ không lường trước được. Anh Ba Hoàng không dự trận đánh, được điều về trên, ngay cả chuyện đó anh em cũng hiểu, cảm thấy sự đề bạt nhiều khi cũng là một kiểu "lui quân". Lâu nay trong công tác anh Ba Hoàng đã phần nào tỏ ra chậm chạp, để người phó thay anh trong trận đánh quan trọng này là hợp tình hợp lý. Và hẳn nhiên mẹ cô là người hiểu rõ hơn ai hết. Nhưng không vì thế mà các cuộc tranh cãi giữa mẹ cô và anh Ba Hoàng chấm dứt trái lại nó càng nổ ra thường xuyên dai dẳng hơn và hầu hết anh em trong đội đều theo phe mẹ cô anh Ba Hoàng chỉ còn cách nhẫn nhục chịu đựng.
Thành phố đã nổ súng hai ngày rồi anh em trong đội nằm im chờ đợi trận đánh đó. Tôi được điều đi nghiên cứu một tòa nhà khác cho trận đánh kế tiếp, ngay cả chuyện này tôi cũng ngờ có ý kiến riêng của anh Ba Hoàng. Tôi còn nhỏ tuổi, anh không muốn tôi dự trận đánh ác liệt này chăng? Đến sáng ngày thứ ba, theo đúng kế hoạch đội biệt động từ trong xóm Năm Từng và các xóm kế đó kéo ra tập trung tại một điểm là một ga ra xe hơi cũ của một người trong đội. Một chiếc xe tải nhỏ chờ ở đó, người lái là người chủ ga ra. Ngày Tết, các người làm công nghỉ hết rồi, anh em tụ lại đó như những người làm công trở lại làm việc, thật là tiện. Tất cả giả làm những thanh niên nhậu say sau ngày Tết, quần áo chim cò, súng thiên thanh báng ngắn kẹp sát nách, lựu đạn thủ pháo cột chặt trong người leo ngồi ngả ngớn trên xe. Anh Ba Hoàng căn dặn anh em thêm vài điều rồi chia tay quay trở lại. Nhưng đi một đổi suy nghĩ thế nào anh liền quay trở lại, gần như chạy, nhiều lúc phải giả vờ rượt đuổi một người nào đó để người đi đường khỏi nghi ngại. Phải hiểu tâm trạng anh lúc đó. Nhưng không còn kịp nữa, chiếc xe tải đã chạy đi và khi anh chạy theo tới tòa nhà anh em đã đột nhập vô trong, mẹ cô cũng vậy, trận đánh đang diễn ra trong đó nhưng tòa nhà dày bịt âm u đã nuốt mất tất cả, không một tiếng động, một hình bóng nào thoát được ra ngoài. Người đi đường đi qua lại bên ngoài và anh Ba Hoàng cùng đi với họ, như một người nhàn tản đi dạo mát, cho đến chiều tối thì ra về. Về tới nhà anh đóng hết cửa lại la hét như người điên khùng đập phá hết đồ đạc rồi ngồi ôm đầu không ăn uống gì cả, cho đến sáng hôm sau thì trốn biệt, không báo cho ai biết, một điều hiếm thấy ở anh. Nhưng rồi anh trở về liền sau đó, anh vẫn là người lính nghiêm chỉnh, tôi lúc đó đang nằm trên máng xối một tòa nhà khác được anh kêu về không cho tôi làm gì cả, giặt quần áo cũng không, bỗng dưng anh như người đổi tánh không còn khô khan lạnh lùng nữa, suốt ngày anh tìm cách để được chăm sóc yêu thương tôi, có lúc anh ngồi nhìn tôi từ xa như nhìn một đứa trẻ nhỏ. Như trận đánh đã lùi ra xa, anh muốn dành cho anh và tôi hai người còn sống sót duy nhất của đội sống ít ngày với cuộc sống riêng tư của mình. Cho đến một buổi sáng thức dậy không thấy anh đâu cả, có thư để lại trên bàn nói lần này anh sẽ đi dài ngày, dặn tôi không được đi đâu cả nếu chưa có lịnh anh, rằng chiến dịch đã trở nên khó khăn anh em mình hy sinh nhiều rồi ra phải bảo toàn lực lượng, anh không muốn tôi chết và cả anh nữa, anh cũng phải sống. Thế là tôi ở lại nhà một mình không biết làm sao cả. Cả đội giờ chỉ còn lại anh và tôi, một người chỉ huy lớn tuổi nhất, một người nhỏ tuổi mới vào đội, hai đoạn đầu của một sợi dây biết nối lại làm sao. Không nghe lời anh tôi bổ đi tìm anh nhưng biết tìm ở đâu, người chiến sĩ biệt động đã trốn có trời mà tìm. Trong lúc đó lại nghe đủ thứ tin tức dội về nào anh đã bị giặc bắt, đã tự tử, lại có tin anh ôm bộc phá xông vào một kho bom cho nổ tan tành. Toàn những tin thất thiệt, anh trở về sau đó chừng mười ngày, đã bình tĩnh trở lại, như không có gì xảy ra, sai tôi về Long Xuyên coi cô như thế nào. Một đứa bé năm tuổi thì như thế nào? Nhưng tôi quen chấp hành lịnh anh không có ý kiến gì cả. Tôi ra đi từ sáng sớm, trong lúc súng nổ đầy trời, phải đi lắc nhắc vì đường đi có những cuộc chạm súng chỗ này chỗ nọ, suýt bị chìm ghe trên hai con sông Cửu Long vì đụng phải tàu tuần tiểu, cuối cùng rồi tôi cũng về tới được nhà bà ngoại cô ăn bữa cơm nghe bà ngoại cô hỏi chuyện về mẹ cô và tôi nghĩ cách để trả lời, lần này khó khăn hơn vì mẹ cô đã không còn nữa. Rồi tôi ra bãi sông gặp cô. Cô gầy nhom, đen nhẻm, tóc cháy nắng cột lại phía sau như cái đuôi gà. Tôi đưa cho cô trái quít và cô ném trả vào tôi, nhìn tôi với ánh mắt dữ tợn khiến tôi đâm hoảng, tưởng cô đã biết rõ hết mọi chuyện. Rồi tôi đón chuyến xe đêm trở về Sài Gòn, cũng đi lắc nhắc như vậy vì vẫn còn đang trong chiến dịch tổng tấn công, đến sáng ra tôi về tới Sài Gòn kể lại mọi chuyện cho anh Ba Hoàng nghe, kể cả chuyện cô ném trái quít vào tôi. Anh Ba Hoàng lặng im nghe tôi kể, mắt ráo hoảnh, suốt mấy ngày sau đó anh lại lẩn quẩn bên tôi như không muốn rời tôi ra nữa.
Nhưng đó là những ngày cuối cùng tôi ở với anh, sau đó tôi được chuyển sang công tác khác không còn ở trong ngành biệt động nữa, thế là chấm dứt quan hệ tôi với anh. Tôi chỉ gặp lại anh sau ngày giải phóng, đôi ba lần gì đó trong các cuộc họp, cho đến gần đây anh kêu tôi về làm trưởng ban quản lý công trình xây dựng tòa nhà khách sạn này.
Nhưng trận đánh vào tòa nhà ở đường Nguyễn Trãi thì chưa hết. Dạo năm bảy mươi, nghĩa là sau đó hơn năm gì đó tôi về làm cần vụ cho một vị trong trung ương cục, trong một cuộc họp trong lúc đi châm nước tôi bỗng nghe một vị nói: "Thằng Ba Hoàng tổ chức trận đánh đó dỡ ẹt!". Rồi vị đó kể lại trận đánh với những chi tiết mới lạ khiến tôi ngạc nhiên không biết người ta lấy tin đó ở đâu, ai trong đội biệt động còn sống để kể lại trận đánh đó, hay họ lấy tin từ phía địch. Rồi họ tiếp tục bàn luận phân tích với nhau về các phương án định chọn đánh trước đó, xoay quanh hai phương án chính là cường tập và "bỏ quên" như thường thấy trong các trận đánh của các đội biệt động. Rồi họ lại nói chuyện nhân tình nhân ngãi gì đó khiến tôi nhớ lại lần cãi vã giữa mẹ cô và anh Ba Hoàng và mẹ cô đã hét lên: "Tôi không là nhân tình của ai cả. Với anh cũng vậy". Vậy là có chuyện mẹ cô sẽ giả làm nhân tình của một thằng Mỹ nào đó trong tòa nhà như tôi đã nghe đồn đại trước đó để tìm cách vượt qua đám lính gác đột nhập vào trong. Nhưng tôi chỉ nghe loáng nhoáng vậy thôi chớ không biết đích xác.
Đó là tất cả những gì tôi có thể kể với cô về trận đánh đó và về mẹ cô. Và cũng đã hết cuộn băng. Cuối cùng nếu cô cần một "lý lịch trích ngang" của tôi thì tôi có thể tóm gọn cuộc đời tôi như thế này: bụi đời - nhà tù - kháng chiến - kinh doanh. Bây giờ tôi là con người của kinh tế thị trường. Hồi giải phóng tôi chưa lớn tuổi lắm nên kịp đi học bổ túc, đã tốt nghiệp đại học có bằng cấp đàng hoàng, cộng với chút ít thành tích kháng chiến tôi có thể tìm việc làm dễ dàng. Sau hơn mười năm lăn lộn trong giới thương trường tôi cũng tạm sống được, không giàu lắm nhưng cũng không nghèo. Và như tôi đã nói, giờ đây tôi chỉ hai công việc là lo cho nhà nước và cho gia đình tôi, không bên nào nặng hơn, cũng không bên nào nhẹ hơn. Tuổi trẻ của tôi cơ cực giờ tôi quí những năm tháng còn lại của tôi lắm. Tôi càng quí hơn tương lai đám con tôi. Tôi đang làm trưởng ban quản lý công trình xây dựng tòa nhà khách sạn, nó phải được làm xong có cắt băng khánh thành múa lân đốt pháo, bất kể trở ngại nào, thí dụ như những bài báo của cô, tôi sẽ cố vượt qua và tin rằng sẽ vượt qua được.
Nếu cô có nhã ý dùng băng này làm tài liệu cho một chương trong thiên phóng sự của cô tôi sẽ không phiền hà gì cả, tôi đã tính trước khi trả lời rồi. Và cũng vì tình nghĩa với mẹ cô trước kia, tôi cũng xin giới thiệu cho cô viết chương kế tiếp. Cô hãy đi vào một xóm gọi là xóm Năm Từng, cô ghi kỹ địa chỉ đi, cô sẽ ngạc nhiên vì giữa thành phố có một xóm như vậy, như có từ hồi khai thiên lập địa, đường sá ngoằn nghèo lầy lội, nhà cửa lụp xụp, không hề có điện bao giờ. Cô tìm hỏi một bà già tên là bà Tư nhà cất trên một ao rau muống và chính bà cũng sống bằng nghề bán rau muống đó. Bà có người em trai tên là Năm Mạnh, làm nghề đánh xe ngựa, cũng là đội viên đội biệt động và đã cùng chết với mẹ cô. Mẹ cô ngày xưa đã từng nương náu ở đó và cùng đi chiến đấu với anh Năm Mạnh. Nhưng cô sẽ không hỏi chuyện được gì nhiều ở bà Tư vì bà già cả điếc lác và hồi đó cũng không hề biết gì về công việc làm của mẹ cô và anh Năm Mạnh. Cô hãy qua nhà phía trước, ở đó có một tay tên là út Mặt Mâm, một tay chọc trời khuấy nước chuyên đào xác chết ngoài nghĩa địa, nhưng lại có mối quan hệ đặc biệt với mẹ cô, tôi tin rằng cô sẽ tìm hiểu được nhiều chuyện về mẹ cô. Thôi bây giờ tôi xin chấm dứt và xin chào cô.