"We humans have lost the wisdom of genuinely resting and relaxing. We worry too much. We don't allow our bodies to heal, and we don't allow our minds and hearts to heal.",

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Tác giả: Kito Aya
Thể loại: Hồi Ký
Biên tập:
Upload bìa:
Số chương: 11
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 6093 / 356
Cập nhật: 2015-01-09 15:32:07 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
15 Tuổi Bệnh Tật Ập Đến
ẤU HIỆU
Dạo gần đây, không hiểu sao mình gầy sút đi. Có lẽ do mình hay bỏ bữa để đánh vật với núi bài tập và nghiên cứu khoa học. Mình chẳng thể tập trung đầu óc vào những việc nên làm, không hiểu sao thấy lo lo. Mình đã cố tự kiểm điểm bản thân nhưng vô ích. Sức lực trong người cứ biến đi đâu mất. Mình muốn tăng cân thêm chút nữa. Từ mai mình phải cố gắng thực hiện các kế hoạch đã lập ra.
Hôm nay mưa rơi lất phất. Cặp sách thì đã nặng trịch rồi, thế mà còn phải giữ khư khư cây dù nữa, ghét quá đi. “Khó chịu thật.” Vừa nghĩ vậy xong, đột nhiên đầu gối mình khựng lại, mình ngã xuống đoạn đường hẹp cách nhà mình khoảng trăm mét. Cằm đập mạnh xuống đất. Thử đưa tay sờ nhẹ thì thấy có máu chảy. Mình vội vàng lượm cặp và cây dù, rồi rẽ phải quay về nhà.
“Con để quên đồ à, không nhanh lên thì trễ đấy.” Mẹ nói với ra, rồi bước từ trong nhà ra cửa chính. “Con bị sao thế?” Mình chỉ biết khóc mà chẳng nói được câu nào. Mẹ nhanh tay lấy khăn lau máu trên mặt mình. Mình cảm nhận rõ những hạt đất cọ vào vết thương trên cằm.
“Phải nhanh đến bệnh viện thôi con.” Mẹ nói, rồi vội vàng thay giúp mình cái áo ướt, dán bông băng cho mình, rồi mẹ phóng vội lên xe.
Mình được khâu hai mũi ở dưới cằm, chẳng hề dùng tới thuốc tê. Mình nghiến răng cố chịu đau, chỉ tại mình quá vụng về mới ra thế này. Nhưng hơn tất thảy, vì mình mà mẹ phải nghỉ việc hôm nay, con xin lỗi mẹ.
Mình vừa soi gương nhìn vết thương ở cằm vừa nghĩ, không biết hệ thần kinh vận động của mình có vấn đề gì hay không mà sao lại không kịp chống tay khi bị ngã. Nhưng cũng may, vết thương ở bên dưới cằm. Chứ mình là gái mới lớn cơ mà, nếu bị sẹo ở chỗ ai cũng thấy được thì tương lai hẳn sẽ bi đát lắm,
Thành tích của mình môn thể dục:
Lớp Bảy = B
Lớp Tám = C
Lớp Chín = D
Trông mà nản quá đi! Có lẽ mình cố gắng chưa đủ. Mình những trông mong mấy bài tập chạy bộ trong suốt kỳ hè vừa qua có tác dụng, chút xíu thôi cũng được, nhưng quả là vô ích. Có lẽ là vì mình tập không đủ kiên trì. (Chính... xác... đấy... = giọng nói của cái tôi khác vang bên tai mình.)
Đó là vào buổi sáng, gió và nắng khẽ len qua tấm rèm màu vàng bên khung cửa nhà bếp, mình đã bật khóc. “Tại sao chỉ mỗi con là khả năng vận động kém đến thảm hại?”
Chuyện là vì, hôm nay lớp mình có buổi kiểm tra thể chất. Mẹ cúi xuống và dịu dàng nói: “Aya nè, con sẽ ổn thôi vì con là một cô bé thông minh, về sau, chỉ cần con phát huy được năng lực qua môn con yêu thích là đủ rồi. Con vốn khá tiếng Anh, hãy tập trung vào môn đó. Tiếng Anh hiện là ngôn ngữ quốc tế, giỏi tiếng Anh thì về sau sẽ hữu dụng lắm. Dẫu môn thể dục điểm có kém thì con cũng đừng buồn quá...” Thế là mình thôi khóc. Vậy ra mình vẫn có ưu điểm. Không nên mít ướt như thế này.
Cơ thể mình không còn cử động chính xác như mình muốn. Trước đây một ngày tập trung chừng năm tiếng là đủ để mình giải quyết núi bài tập rồi, mình mất khả năng kiên trì rồi sao? Không, không phải vậy, mình cảm giác có gì đó trong cơ thể đang bắt đầu tổn thương. Đáng sợ quá!
Ngực mình cứ như thể bị ép chặt vậy. Mình muốn vận động. Mình muốn chạy nhanh hết sức. Mình muốn học, Mình muốn viết những nét chữ thật đẹp.
Bài Tẩu khúc nước mắt quá hay. Mình rất thích bản nhạc này. Vừa ăn vừa nghe, mình thấy ngon miệng làm sao, cứ như trong mơ ấy.
Nói một chút về em gái mình nào!
Từ trước đến nay, mình chỉ toàn để ý tới mặt không tốt của em gái, nhưng giờ mình, bắt đầu nhận thấy, thực ra thì con bé rất dịu dàng. Lý do là bởi, lúc cùng đến trường, khác với thằng em cứ cố chen đẩy để được đi trước, con bé lại chờ đi cạnh mình vốn chậm như sên. Lúc qua cầu, con bé mang hộ mình cái cặp và bảo: “Chị bám chắc lấy thành cầu nhé!”
Tâm trạng háo hức muốn nghỉ hè của mình dần phai nhạt.
Dọn bàn ăn xong, mình vừa định chạy lên tầng thì mẹ gọi: “Aya, con ngồi đợi mẹ chút nhé.”
Lúc ấy, mẹ ra vẻ nghiêm túc khiến mình thấy chột dạ, hay là mình sắp bị la mắng chuyện gì?
“Aya nè, dạo này lúc bước đi người con cứ chúi về phía trước, hai chân thì lắc qua lắc lại, con có để ý không? Mẹ thấy vậy mà lo quá, không biết vì sao nữa. Hay mẹ đưa con đi bệnh viện kiểm tra xem thế nào?”
“… đến bệnh viện nào hả mẹ?” Mãi một lúc mình mới cất tiếng hói.
“Để mẹ hỏi thăm bệnh viện nào có uy tín một chút, cứ để mẹ lo.”
Nước mắt mình bất chợt rơi lã chã. “Mẹ ơi, con cảm ơn mẹ nhiều lắm, vì con mà mẹ phải lo lắng.” Dẫu rất muốn nói với mẹ như vậy nhưng mình cứ nghẹn ngào không thốt nên lời.
Do hệ thần kinh vận động của mình có vấn đề, tại thức khuya nhiều quá, hay là vì mình ăn không đúng bữa... Mình tự vấn bản chân vô số câu hỏi. Phải đến bệnh viện kiểm tra sức khỏe, không biết chừng cơ thể mình có gì đó không ổn, chỉ nghĩ đến thế là mình lại giàn giụa nước mắt. Mình khóc nhiều đến đau cả mắt.
KIỂM TRA SỨC KHỎE
I go to the hospital in Nagoya with my mother.(1)
(Mình đến Bệnh viện Nagoya với mẹ.)
Mình ra khỏi nhà lúc 9h sáng. Em út có vẻ không khỏe. Nhưng con bé vẫn phải đi nhà trẻ. Chỉ vì mình và mẹ phải đến bệnh viện. Tội con bé thật.
11h sáng mẹ con mình đến Bệnh viện Nagodai (bệnh viện này trực thuộc Đại học Quốc lập Nagoya). Suốt 3 tiếng đồng hồ chờ đợi, mình ngồi đọc sách mà tâm trạng cứ bồn chồn. Mình thấy lo lắng và bất an nên không thể nào tập trung được như mọi khi.
“Mẹ đã gọi điện báo trước cho Giáo sư Sofue Itsurou rồi, con đừng lo.” Mẹ trấn an mình, có điều...
Cuối cùng rồi cũng đến lượt mình, tim mình cứ thình thịch liên hồi.
Mẹ trình bày với bác sĩ:
1. Mình từng bị ngã rách cằm (thường thì khi ngã mọi người đều chống tay đỡ, nhưng mình thì đập thẳng mặt xuống đất).
2. Cách mình đi đứng dần trở nên bất thường (đầu gối mình rất khó gập lại).
3. Mình bị sụt cân.
4. Cử động thì lờ đờ (mình phản ứng rất chậm).
Nghe những lời mẹ nói, mình càng thấy lo lắng. Mẹ luôn phải tất tả lo hết việc nọ đến việc kia mà lại để ý đến mình kỹ được như thế... Mẹ dường như nắm rõ mọi chi tiết... Nhờ thế mình thấy vững tâm đôi chút. Những biểu hiện bất thường bấy lâu nay mình lo lắng đều được mẹ mô tả rất kỹ với bác sĩ. Thành thử những lo âu trong lòng mình dần tiêu tan.
Mình ngồi trên ghế tròn, liếc nhìn bác sĩ. Vị bác sĩ này đeo kính, mặt cười hiền hiền khiến mình thấy thoải mái. Đầu tiên mình được bảo nhắm mắt, dang rộng hai tay, rồi lấy ngón trỏ chỉ vào mũi. Bác ấy còn bảo mình đứng bằng một chân. Mình còn nằm lên giường, liên tiếp duỗi thẳng hai chân và từ từ co lại. Đoạn bác sĩ dùng búa gõ nhẹ lên đầu gối mình. Mãi rồi các bước kiểm tra mới kết thúc.
“Cháu đi chụp CT nhé.” Sau đó bác sĩ bảo mình như vậy.
“Aya, không đau đâu con, máy CT chỉ soi chụp cắt lớp để có thể nhìn bên trong đầu con thôi.” Mẹ nói.
“Ế... cắt lớp!”
Với mình thì đó chẳng phải chuyện đùa. Cái máy chụp cắt lớp to đùng chầm chậm chuyển động từ trên xuống. Đầu mình bị kẹp cứng trong cái máy, cứ như đang ở trên phi thuyền vũ trụ.
Giọng một người mặc áo blouse trắng vang lên: “Cháu đừng động đậy nhé, thiếp đi chút xíu cũng được.” Thế là mình nằm yên không cựa quậy, thấy chập chờn buồn ngủ.
Mình đợi một lúc lâu rồi đến nhận thuốc và trở về nhà.
Từ giờ, mình có thêm một việc phải làm hằng ngày, là uống thuốc. Nếu uống thuốc mà có thể khỏe hơn thì có uống căng bụng mình cũng chịu. Cháu xin bác sĩ! Giúp cháu với, hãy cứu lấy cuộc sống như nụ hoa còn chưa kịp nở của Aya này.
Từ nhà mình đến bệnh viện khá xa, vả lại mình còn phải đi học, nên bác sĩ bảo mỗi tháng mình chỉ cần đến bệnh viện khám một lần là được. Nhất định tháng nào cháu cũng sẽ đến khám và nghe theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, hãy giúp cháu nhé.
Bệnh viện Đại học Y Nagoya muôn năm! Bác sĩ Sofue, xin hãy giúp cháu!
TỦI THÂN
Ở trường trung học Seiryo, loại trái cây duy nhất bọn mình được thu hoạch vào mùa hè đó là quýt. Lúc mình tới nhổ cỏ dưới hàng cây, bọn con trai hùa nhau chế nhạo cách mình bước đi.
“Gì thế kia, đi đứng kiểu gì vậy? Giống trẻ con mẫu giáo thế!”
“Đầu gối bạn bị lệch ra ngoài à?”
Bọn họ cười sằng sặc, nói toàn những điều khiến mình muốn phát điên. Tất nhiên mình lờ họ đi. Những kẻ như thế thì nhiều như cá trong đại dương vậy. Khổ sở lắm mình mới có thể kìm nén không trào nước mắt. Chẳng rõ bằng cách nào mình đã không bật khóc...
Hôm nay có một chuyện chẳng vui vẻ gì. Đó là vào giờ thể dục, như mọi khi, mình thay đồ tập rồi chạy đến nơi cả lớp tập trung.
“Hôm nay lớp ta sẽ chạy bộ đến công viên ở cách đây một cây số. Tại đó các em sẽ luyện tập chuyền bóng,” thầy giáo thông báo.
Nghe vậy tim mình đập thình thịch. Chạy ư, chuyền bóng ư? Chịu thôi. Mình không làm được đâu.
“Kito, em làm sao vậy?” Mình chỉ biết cúi đầu lặng thinh. Thế rồi, thầy nói tiếp; “Thế này nhé, em hãy về lớp tự học với bạn O đi.” (Bạn O vì quên mang đồng phục thể dục nên bị phạt.)
Ngay tức thì, cả lớp liền ở lên. “Ôi sướng thế, được tự học cơ dấy.”
Trong lòng mình giận sôi lên. Nấu nhứ thế mà sướng thì mình đổi cho các bạn nhé? Dù chỉ một ngày thôi, mình cũng muốn đổi cơ thể khác. Để các bạn hiểu được cảm giác của người không thể làm chủ cơ thể theo ý muốn.
Cứ mỗi lần bước đi, mỗi lần chân chạm đất, mình đều cảm thấy sự bất ổn của cơ thể, thấy hoang mang và hổ thẹn vì không thể thực hiện điều bình thường nhất mà ai cũng có thể làm được. Cái cảm giác cơ thể không đứng vững, đôi chân không làm theo ý mình, nếu không thực sự trải qua phải chăng người ta sẽ không tài nào thấu hiểu? Dẫu cho không hoàn toàn hiểu được cảm giác của người khác, thì dù chỉ một chút thôi, ước gì mọi người hãy thử đặt bản thân vào vị trí của mình. Nhưng việc đó quả thực là rất khó. Ngay cả mình đây, chỉ từ khi trải qua chuyện này, mình bắt đầu hiểu được cảm giác của những người tàn tật.
PHÁT SỐT
Hình như mình sốt. Người nóng ran nhưng không cảm thấy khó chịu, thậm chí còn ăn ngon miệng nữa. Có điều, mình đã mất tự tin về tình trạng cơ thể mình rồi. Mình cần một cái nhiệt kế (cái trước đã bị vỡ). Mình muốn tự xem xét tình trạng sức khỏe qua những con số trên nhiệt kế. Mình đi nhờ bố vậy.
Mình rất hay ốm. Luôn tốn tiền thuốc men hơn nhiều so với các em. Chỉ cần mình lớn lên khỏe mạnh, mình sẽ đỡ đần bố mẹ phần nào. Mình sẽ gánh vác những việc lớn, để thể hiện lòng hiếu thảo với bố mẹ.
Nhắm mắt một cái là mình lại suy nghĩ vẩn vơ này nọ.
Ví dụ như những lời của thầy giáo trong giờ học xã hội. Hay chuyện bị bạn bè bắt nạt thực ra cũng có thể coi là một bài học tốt, bởi nhờ đó bản thân mình sẽ mạnh mẽ hơn. Rồi là chương trình cấp II thực ra chẳng khó mấy, nếu mình chuyên cần hơn một chút. Mình mà cố gắng từ bây giờ thì vẫn còn kịp... Nghĩ thì nghĩ thế, tình trạng cơ thể bất thường này không khỏi khiến tâm trạng mình bất an.
“Đồ mít ướt, mày không được khóc!”
Người ta cảm thấy khủng hoảng nhất chính là vào quãng thời gian đang trưởng thành. Nếu vượt qua được điều này, rồi một sớm mai rực rỡ sẽ đến với mình. Đó sẽ là một buổi sáng bình yên ngập nắng, vang tiếng chim chóc líu lo với hương hồng trắng ngào ngạt.
Hạnh phúc ơi, rốt cuộc mày đang ở đâu cơ chứ?
Hạnh phúc ơi, rốt cuộc mày như thế nào cơ chứ?
“Aya ơi, lúc này đây, có thấy hạnh phúc không?”
“Hoàn toàn không, ngay lúc này đây, mình đang ở tận đáy sâu buồn thảm. Đau khổ lắm. Cả thể xác, cả tinh thần...”
Con quạ xấu xí là mình đây đang khóc, bỗng dưng lại bật cười. Thực sự, thêm chút nữa thôi là mình phát điên mất.
CÁ TÍNH
Mình thường cho rằng bản thân chỉ là một kẻ tầm thường chẳng hề có cá tính, thế nên mình rất ngưỡng mộ những người có tính cách mạnh mẽ.
Mình bị cuốn hút bởi quan điểm rằng, mỗi người đều mang một cá tính riêng biệt. Xã hội mình đang sống đây, có lẽ giống như trong phim Điệp viên 007, mỗi nhân vật đều có cá tính và năng lực riêng.
Thế giới này cần những người có cá tính mạnh mẽ.
Tuy rằng cá tính là cái chỉ thuộc về bản thân, không thể đem áp đặt lên người khác. Nhưng mỗi người đều có cách nhìn nhận khác nhau, thế nên mọi chuyện mới thành ra phức tạp.
Lúc tan học, mình gặp Eiko ở khu giữ xe đạp. Mình cầm trên tay hai đĩa nhạc Yamato và Last concert, còn Eiko giúp mình bỏ cái cặp nặng trịch vào giỏ xe đạp. Khi ấy, Eiko nói là có việc bận nên tới chân cầu vượt dành cho người đi bộ thì bọn mình chia tay. Mình rất thích Eiko, với bạn ấy mọi thứ đều rõ ràng và dứt khoát, nhưng những người khác lại cho rằng thái độ của bạn ấy rất lạnh lùng, thờ ơ.
CON ĐƯỜNG TƯƠNG LAI
Hôm nay mẹ con mình có buổi nói chuyện riêng với thầy chủ nhiệm.
Thứ nhất, về học lực: mình đủ khả năng đậu vào trường công lập.
Thứ hai, về tình trạng cơ thể: hiện giờ mình mới chỉ bước đi không vững thôi, nhưng chưa biết về sau tình trạng sẽ chuyển biến xấu nhường nào, vì vậy cần chú ý nên chọn trường nào gần nhà. Theo quy chế chung, cần tiến hành một số thủ tục, đồng thời trình bày lý do để xin cho mình không phải đi học ở một trường xa nhà.
Thứ ba, mình nên đăng ký thêm nguyện vọng khác (vào trường tư thục): ban đầu mẹ và mình đều cùng ý định là mình chỉ thi vào trường công lập thôi, nhưng thầy bảo sẽ tốt hơn nếu có thêm kinh nghiệm thi vào nhiều trường, rốt cuộc mẹ con mình quyết định nghe theo lời thầy.
RỜI TỔ
“Rực rỡ tỏa sáng
Bông hoa mới nở
Chim chóc đón chào.(2)”
Kouji
Những lời này được viết trên một tờ giấy màu rất đẹp, mặt sau tờ giấy có ghi: “Chúc mừng em Kito đã tốt nghiệp.” Đó là thầy Okamoro viết cho mình, chỉ viết riêng cho mình Aya này thôi đấy... Thật là vui.
Mặt thầy tuy hơi dễ sợ một chút, nhưng thực ra thầy khá hiền và rất thích hoa cỏ. Mình nói lời cảm ơn thầy hết sức chân thành, miệng toe toét nụ cười biết ơn. Thầy còn dạy mình ý nghĩa của bài thơ viết trên tờ giấy nữa.
“Thế này nhé, ‘rực rỡ tỏa sáng’ ý muốn nói về sự ngay thẳng, dứt khoát. ‘Hoa mới nở’ ở đây chỉ cái đẹp tươi mới. Còn ‘chim chóc bay trên bầu trời’ nhằm chỉ sự tự do.”
Mình ngẩng đầu nhìn bầu trời xanh thẳm, mái trường và hàng cây sum sê. Ý nghĩa của bài thơ thầy tặng, đến một nửa thôi mình cũng chẳng hiểu, dù vậy vẫn có thể cảm nhận được là thầy muốn động viên mình: “Hãy cố lên em nhé.” Cảm giác “ta sẽ thành công” chợt rạo rực dâng lên trong lòng mình.
“Những chữ này, em đoán xem thầy viết bằng gì?”
“Có vẻ không phải bằng bút lông...”
“Thực ra là thầy dùng giấy thấm quấn quanh cây tăm, sau đó nhúng vào mực mài cao cấp rồi viết đấy.”
Đúng là một ý tưởng tuyệt vời, thật đáng ngưỡng mộ.
“Mép cuộn giấy có đính dây để treo lên tường, em có thấy không?”
“Dạ có ạ.”
Thầy mỉm cười và quay lưng bước đi.
Vào đúng ngày lễ tốt nghiệp cấp II, mình đã có một kỷ niệm tuyệt vời không thể nào quên. Kỷ niệm tuyệt vời ơi, từ giờ xin hãy làm chỗ dựa tinh thần của ta nhé.
KỲ THI VÀO TRƯỜNG CÔNG LẬP
Buổi sáng, mình ăn xúp tương cải trắng do mẹ nấu theo yêu cầu của mình. Sáng hôm mình đi thi vào trường tư thục cũng vậy. Mình vốn chẳng khi nào xin mẹ nấu gì đặc biệt, nhưng rất có thể nhờ lần đó được ăn món xúp tương nên mình mới đậu. Mình có hơi mê tín không nhỉ?
Mình đi vệ sinh những hai lần, sau đó mẹ chở mình đến địa điểm thi ở trường Trung học Toyoka. Khi mình tới nơi, người ta đang tập trung thí sinh, ai nấy đều tỏ ra căng thẳng. Các bạn đều có vẻ rất thông minh, thành thử mình đâm ra bồn chồn, hơi mất tự tin. Theo hướng dẫn của giáo viên, các thí sinh lần lượt vào phòng thi. Mình đang đi lên cầu thang vì phòng thi của mình ở tầng hai thì bước hụt, ngã trẹo cả chân. Rốt cuộc mình phải làm bài thi một mình ở phòng y tế. Thật là thảm hại, quá thảm hại!
Khi lắng tai nghe tiếng tích tắc từ chiếc đồng hồ mượn của mẹ, mình cảm thấy vững tâm hơn.
KHỞI ĐẦU MỚI
Đậu rồi, tuyệt vời! Hai mẹ con mình mừng đến giàn giụa nước mắt.
Mình sẽ có hết sức, sẽ kết thân với thật nhiều bạn mới, mình sẽ cẩn thận để không để bị té ngã nữa.
Bữa tối là hamburger như mình đã yêu cầu. Mình cảm giác như đang được làm nhân vật chính. Này thì nỗi âu sầu vì cơ thể không cử động được như mong muốn, này thì những nỗ lực đến kiệt quệ trong chuyện học hành, tất cả đều bay biến. Cảm giác tuyệt vời quá.
Thế nhưng, mình vẫn thấy cô đơn. Mình phải bắt đầu mọi thứ với cái cơ thể mang tật này. Sự bất lực của mình trong việc điều khiển cơ thể càng ngày càng lộ rõ. Bước đi thôi còn không vững. Mình không thể tránh ngay được cả khi biết sắp va phải người khác. Mình định rằng sẽ đi sát rìa hành lang cho an tâm. Chắc hẳn mọi ánh mắt của các bạn học mới sẽ đố dồn về phía mình cho mà xem. Tình trạng của mình sớm muộn gì mọi người cũng biết, thế nên tốt hơn hết là cứ thể hiện ra ngay từ đầu, chẳng giấu giếm làm gì Nhưng đấy chỉ là nghĩ vậy thôi, mình vẫn thấy lo lắm. Mình có thể tiếp tục gắng gượng được bao lâu nữa? Còn giờ thể dục thì mình phải làm sao đáy?
LỜI CỦA MẸ
“Quãng thời gian ở trường cấp III rồi đây sẽ chẳng hề dễ chịu đâu con. Từng hành động hằng ngày của con đều sẽ bị hạn chế, bị phân biệt với các bạn xung quanh, con rất có thể sẽ phải nếm nhiều buồn tủi. Trong cuộc sống con người ai cũng phải chịu đựng gánh nặng nào đó, dù ít hay nhiều. Thế nhưng ta vẫn phải sống và chống chọi, cố gắng vượt qua nó. Không được nghĩ rằng mình là kẻ bất hạnh. Nếu nhận thức được rằng, còn có những người bất hạnh hơn mình nhiều, ta sẽ càng thêm bền bỉ.”
Ra vậy, mình hiểu rồi. Hóa ra mẹ còn đau buồn hơn mình gấp trăm lần. Mẹ luôn cố gắng hết mức, vì biết rằng còn có những người chịu khổ cực và bất hạnh hơn bản thân rất nhiều. Khi nghĩ về mẹ như vậy, mình mới nhận ra bất hạnh của mình chẳng là gì. Vì bố mẹ, vì bản thân, vì mọi người, mình quyết định sẽ nuôi hy vọng về cuộc sống và nỗ lực hết sức có thể.
NHẬP VIỆN
Nhập học cấp III được ít lâu, mình bắt đầu đến bệnh viện kiểm tra. Đi bằng tàu cao tốc mà mất đến gần hai tiếng đồng hồ, thành thử mình phải rời nhà từ sáng sớm.
Mình dự định sẽ ghi chú lại những biểu hiện cơ thể để trình bày với bác sĩ.
Thứ nhất: Bước đi ngày một khó khăn. Không thể dừng lại khi có vật cản phía trước, cứ thế mà té ngã. Lúc nhấc chân lên rất khó khăn. Đặc biệt là vào buổi sáng.
Thứ hai: Lúc ăn nhanh hay lúc uống trà, mình thường bị sặc.
Thứ ba: Mình hay cười một mình (cười kiểu toét cả miệng ấy, thế mà mình chỉ nhận ra khi em trai hỏi ‘Có gì buồn cười hả chị?’)
Thứ tư: Rốt cuộc là, mình mắc phải bệnh gì?
Sau khi đợi hồi lâu như mọi lần, mình được đua đi khám ở chỗ bác sĩ Sofue và ba bác sĩ trẻ khác. Để kiểm tra hệ thần kinh vận động và khả năng phản xạ của mình, bác sĩ bảo mình co chân lại, liền đó duỗi thẳng chân ra, họ gõ nhẹ vào đầu gối mình, rồi bảo mình bước thử từng bước và thực hiện những hành động thường ngày.
Mẹ trình bày ngắn gọn với các bác sĩ những thông tin mình đã ghi chú, cả chuyện mình hiện theo học tại một trường trung học thông thường, ngày nào cũng phải nhờ bạn cùng lớp giúp đỡ.
Kiểm tra xong, bác sĩ chỉ nói: “Cháu hãy tranh thủ đợt nghỉ hè này nhập viện đi. Để thuận tiện cho việc kiểm tra và điều trị. Hôm nay trước khi về hãy làm thủ tục nhập viện nhé.”
Hả, nhập viện, ôi... Nếu nhập viện có thể chấm dứt tình trạng hiện giờ thì mình sẵn lòng chịu đựng. Mình chấp nhận ngay tức thì. Nhưng rốt cuộc là mình bị làm sao cơ chứ? Cơ thể mình đang gặp phải vấn đề gì đó. Nếu không mau chóng chữa trị, nó sẽ càng trở nên tồi tệ hơn nhiều. Đáng sợ quá. Bác sĩ bảo rằng, phải chờ tới sau khi mình nhập viện kiểm tra thì mới biết được đáp án cho câu hỏi thứ tư của mình.
Trên đường về, mình hỏi mẹ: “Bệnh viện Nagodai này có tốt không hả mẹ? Họ có chắc chắn chữa được bệnh của con không? Đây là kỳ nghỉ hè đầu tiên của thời cấp III nên có nhiều chuyện con muốn làm lắm, thời gian nhập viện mà ngắn một chút thì hay biết mấy.”
“Aya này, từ bây giờ, hãy ghi chép cẩn thận về tình trạng cơ thể con mỗi ngày nhé. Ngay cả những điều nhỏ nhặt nhất, con đều nên trao đổi với bác sĩ. Điều đó sẽ giúp ích rất nhiều trong quá trình điều trị, không chừng các bác sĩ sẽ cho con xuất viện sớm đấy. Thử nghĩ xem, thời gian nhập viện thực ra chỉ chiếm một khoảng rất ngắn nếu so với cả cuộc đời con, về sau con sẽ thấy đây là một trải nghiệm hữu ích. Với lại, hằng tuần mẹ chỉ tới bệnh viện được vào ngày Chủ nhật thôi, nên quần áo con ráng tự giặt, mà đừng cố quá sức con nhé. Mẹ sẽ mua cho con thật nhiều đồ lót. Về đến nhà con nghĩ xem những thứ nào là cần thiết, ghi ra giấy rồi ta sẽ chuẩn bị.”
Trên đường về, hai mẹ con ghé vào nhà dì mình ở gần giao lộ Okazaki. Mẹ bèn kể với dì về tình trạng của mình.
“Bằng giá nào cũng phải chữa được bệnh cho Aya. Nếu Bệnh viện Nagodai không được, chị sẽ lên Tokyo, thậm chí sang Mỹ để tìm cách chữa trị cho con bé.”
Mình đã bật khóc khi nghe mẹ nói vậy.
“Aya, con hãy mau lành bệnh nhé. Thời bây giờ mắc bệnh nào cũng chữa được hết thôi. Hơn nữa, Aya của dì còn rất trẻ. Con phải can đảm lên, phải vững tin rằng bệnh tật sẽ chấm dứt. Con mà cứ sợ sệt, khóc lóc như vậy thì dẫu có uống loại thuốc tốt nhất cũng phỏng ích gì. Thỉnh choảng dì sẽ ghé thăm con. Nếu cần gì con cứ gọi cho dì nhé. Dì sẽ chạy đến chỗ con liền, con hãy cố gắng trị bệnh, đừng lo lắng.”
Dì nói vậy, đoạn rút tờ khăn giấy đưa cho mình. “Con lau mặt đi rồi uống nước quả. Đừng để nước mắt nước mũi lẫn vào, sẽ bị chua đấy.”
Chỉ phải nằm viện hai tháng thôi, thời gian ơi xin hãy dừng lại, cả căn bệnh quái ác này của Aya, xin đừng nặng thêm nữa.
Một Lít Nước Mắt Một Lít Nước Mắt - Kito Aya Một Lít Nước Mắt