It is what you read when you don't have to that determines what you will be when you can't help it.

Oscar Wilde

 
 
 
 
 
Tác giả: Paul Auster
Thể loại: Tiểu Thuyết
Nguyên tác: Moon Palace
Dịch giả: Cao Việt Dũng
Biên tập: new wind
Upload bìa: new wind
Số chương: 7
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2638 / 72
Cập nhật: 2015-09-18 01:22:47 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 2
ể từ đây, câu chuyện trở nên phức tạp hơn. Tôi có thể kể lại các sự kiện xảy đến với tôi, nhưng cho dù cố gắng chính xác và hoàn chỉnh đến đâu, những sự kiện ấy cũng sẽ luôn chỉ là một phần câu chuyện mà tôi định kể. Những người khác có liên quan vào đó, và đến cuối cùng họ nhập vào sâu ngang với tôi trong những gì xảy ra. Tôi nghĩ đến Kitty Wu, đến Zimmer, đến những người khi đó tôi còn chưa biết. Chẳng hạn rất lâu sau này tôi mới biết rằng chính Kitty là người đến gõ cửa phòng tôi. Lo lắng vì cách biểu hiện của tôi tại bữa ăn ngày Chủ nhật đó, và thay vì tiếp tục sợ hãi một mình, cô đã quyết định đến nhà tôi để có thể chắc chắn tôi vẫn ổn. Khó khăn nằm ở chỗ làm thế nào tìm được địa chỉ của tôi. Ngay hôm sau cô tìm kiếm trong danh bạ, nhưng vì tôi không có điện thoại, tên tôi không có trong đó. Sự lo lắng của cô càng tăng thêm lên. Khi nhớ ra người mà tôi tìm tên là Zimmer, cô bắt đầu quay sang tìm kiếm anh - vì biết chắc hẳn anh là người duy nhất ở New York có thể nói cho cô biết tôi sống ở đâu. Thật không may là Zimmer mãi đến nửa sau tháng Tám mới chuyển đến căn hộ mới, nghĩa là mười hay mười hai ngày sau. Gần như cùng lúc cô tìm được số điện thoại của anh ở chỗ tổng đài, tôi làm rơi hai quả trứng lên sàn nhà. (Bằng cách cố gắng nhớ lại từng thời điểm với mục đích định vị tất cả các hành động, chúng tôi đã dựng lại được toàn bộ chuỗi thời gian với độ chính xác đến từng phút.) Cô đã muốn gọi ngay cho Zimmer, nhưng máy bận. Khi cô gọi được cho anh, tôi đã ngồi ở Moon Palace, đang tan rã thành từng mảnh trước bữa ăn của mình. Cô đã nhanh chóng lấy tàu điện ngầm theo hướng Upper West Side. Nhưng chuyến đi kéo dài hơn một giờ, và khi cuối cùng cô đến được chỗ tôi thì đã quá muộn. Tôi đã đắm chìm trong những suy nghĩ, và tôi đã để mặc cô gõ cửa. Cô kể là cô đã đứng ở thềm nhà trong vòng năm đến mười phút. Cô nghe thấy tôi nói một mình bên trong (những lời quá mức mơ hồ để cô có thể hiểu được) và rồi, đột nhiên, hình như tôi bắt đầu hát - theo một lối kỳ quặc, một bài hát không giai điệu, cô nói - nhưng tôi không hề nhớ gì về chuyện này. Cô gõ cửa lần nữa, nhưng cả lần này tôi vẫn không trả lời. Không muốn dai dẳng thêm, cuối cùng cô quyết định bỏ đi.
Đó là những gì Kitty kể cho tôi. Thoạt tiên tôi thấy chúng đáng tin, nhưng ngay khi bắt đầu suy nghĩ, câu chuyện của cô ngày càng kém sức thuyết phục. “Anh vẫn không hiểu tại sao em lại đến,” tôi nói với cô. “Chúng ta mới gặp nhau một lần, và hồi đó anh không thể có ý nghĩa gì với em. Tại sao em lại tự gây cho mình từng ấy đau khổ vì một người thậm chí em còn không quen biết?”
Quay mắt khỏi tôi, Kitty nhìn xuống đất. “Bởi vì anh là anh trai em,” cô trả lời, hết sức dịu dàng.
“Đó chỉ là một trò đùa thôi mà. Người ta không nhọc sức đến vậy vì một trò đùa.”
“Không, chắc chắn rồi”, cô thì thầm cùng với một cái nhún vai nhẹ. Tôi nghĩ cô sẽ nói tiếp, nhưng nhiều giây trôi qua mà cô vẫn không nói gì.
“Thế thì,” tôi hỏi, “tại sao nào?”
Cô liếc nhanh nhìn tôi rồi lại nhìn xuống đất. “Bởi vì em nghĩ là anh đang gặp nguy hiểm,” cô nói. “Em nghĩ là anh đang gặp nguy hiểm, và trong đời em chưa bao giờ em cảm thấy buồn cho ai đến vậy.”
Ngày hôm sau cô quay lại nhà tôi, nhưng tôi đã đi khỏi. Tuy nhiên cửa chỉ khép hờ, và khi đẩy cửa bước vào cô gặp ngay Fernandez đang lúi húi dọn dẹp bên trong; ông ta đang vừa giận dữ dồn tất cả đồ đạc của tôi vào những cái túi nylông đựng rác vừa lầm bầm chửi rủa. Theo lời kể của Kitty, ông ta có cái vẻ của một người đang cố sức cọ rửa căn phòng của một người vừa chết vì dịch hạch: những cử chỉ gấp gáp của ông ta để lộ một nỗi kinh tởm sợ hãi, ông ta không chạm nhiều vào các thứ đồ, như thể sợ bị lây bệnh. Cô hỏi ông ta có biết tôi đi đâu không, nhưng ông ta không nói được gì nhiều. Tôi là một thằng rồ dại, một thằng khốn kiếp, ông ta nói, và nếu quả thực ông ta có mảy may ý tưởng nào, thì đó là khả năng tôi đang lết đi ở chỗ nào đó tìm một cái lỗ để chết. Kitty bèn bỏ đi xuống phố, rồi gọi điện cho Zimmer từ bốt điện thoại đầu tiên mà cô tìm thấy. Căn hộ mới của Zimmer nằm ở phố Bank, phía Tây Village, nhưng ngay khi nghe được tin, anh bỏ mặc những gì đang làm dở để chạy đến chỗ Kitty ở khu phố của tôi. Và bằng cách đó mà cuối cùng tôi được cứu thoát: bởi vì hai người bắt đầu đi tìm tôi. Vào lúc ấy dĩ nhiên tôi không hề ý thức được điều đó, nhưng giờ đây khi đã biết mọi chuyện, tôi không thể nhắc lại những ngày đó mà không cảm thấy một chút ngậm ngùi với những người bạn của tôi. Theo một cách nào đó, điều ấy đã thay đổi thực tế sở nghiệm của tôi. Tôi đã nhảy từ một vách đá cao xuống, và rồi, ngay vào lúc sắp sửa tan thây dưới đất, đã xảy ra một sự kiện lạ lùng: tôi biết được rằng có người yêu quý tôi. Được yêu quý như vậy là một điều khác hẳn. Điều đó không làm giảm bớt sự kinh hoàng của cú ngã, nhưng nó mang lại một triển vọng mới cho ý nghĩa của sự kinh hoàng đó. Tôi đã nhảy từ vách đá xuống, và rồi, đến giây phút cuối cùng, một điều gì đó xuất hiện và tóm chặt lấy tôi. Một điều gì đó mà tôi định nghĩa như là tình yêu. Đó là thứ lực duy nhất có thể chặn được người ta khi đang ngã, điều duy nhất đủ mạnh để chối từ các quy luật về trọng lực.
Tôi không hề biết mình sẽ làm gì. Sau khi rời khỏi nhà vào buổi sáng đó, tôi chỉ đơn giản là bước đi. Tôi đi đến nơi chân tôi đưa tôi đến. Trong phạm vi những gì tôi nghĩ, đó là để mặc cho sự tình cờ quyết định các sự kiện, đi theo con đường của thôi thúc bản năng và các sự kiện ngẫu nhiên. Những bước đi đầu tiên của tôi hướng về phía Nam, vậy thì tôi tiếp tục đi về phía Nam và nhận ra, hai hay ba phố sau đó, rằng dù thế nào đi nữa cũng sẽ tốt hơn nếu tôi đi xa khỏi khu phố quen thuộc. Có thể nhận ra rằng lòng kiêu hãnh đã giảm bớt ý chí tách biệt khỏi sự bần cùng của tôi, lòng kiêu hãnh và một cảm giác tủi nhục. Một phần con người tôi hoảng hốt vì những gì tôi đã cho phép xảy đến với mình, và tôi không muốn có nguy cơ gặp phải một người quen. Đi về phía Bắc thì có nghĩa là Morningside Heights, nơi phố phường đầy những gương mặt quen thuộc. Nếu không phải bạn bè, thì chắc chắn tôi cũng sẽ chạm trán với những người nhận được mặt tôi: những người khách quen của quán rượu West End, những người bạn học, những người thầy giáo cũ. Tôi không có đủ can đảm để họ trông thấy, nhìn chằm chằm vào người, quay sang tôi, cái nhìn nghi ngại. Tệ hơn nữa, tôi kinh hoàng với ý nghĩ sẽ phải nói chuyện với ai đó trong số họ.
Vậy là tôi đi về phía Nam, và, trong suốt quãng thời gian sống ngoài phố, tôi không hề đặt chân lại lên Upper Broadway. Trong túi tôi có mười sáu hay hai mươi đô la, một con dao nhíp và một cái bút bi; trong ba lô có áo len, một chiếc jacket da, một bàn chải đánh răng, một dao cạo râu với ba cái lưỡi mới, một đôi tất để thay, quần lót, và một cuốn sổ nhỏ gáy xoắn kẹp một cái bút chì. Ngay xế phía Bắc Columbus Circle, chưa đầy một giờ sau khi tôi bước chân vào cuộc hành hương đó, một sự kiện khó tưởng tượng đã xảy ra. Đứng trước một cửa hiệu đồng hồ, tôi đang nhìn ngắm bộ máy của một chiếc đồng hồ đeo tay cũ bày trong cửa kính, thì đột nhiên khi cúi đầu nhìn xuống, tôi thấy dưới chân mình có một tờ mười đô la. Tôi xúc động đến mức không biết phải phản ứng thế nào nữa. Tâm trí tôi đã hỗn loạn lắm rồi, và thay vì thấy đó đơn giản là một may mắn, tôi tự thuyết phục mình rằng điều vừa xảy ra có một tầm quan trọng sâu sắc: một sự kiện mang tính tôn giáo, một điều kỳ diệu thực thụ. Tôi cúi xuống để nhặt đồng tiền và khi nhận ra nó tồn tại thật, tôi bắt đầu run lên vì vui mừng. Ổn rồi, tôi nghĩ, cuối cùng tất cả mọi chuyện sẽ được dàn xếp ổn thỏa. Không đắn đo thêm nữa, tôi bước vào một quán cà phê Hy Lạp và tự tặng cho mình một bữa sáng thịnh soạn: nước bưởi ép, bánh bột ngô, trứng rán giăm bông, cà phê, cả một bữa đầy đủ. Sau bữa ăn tôi còn mua một bao thuốc lá, và tôi nán lại ở quầy hàng uống thêm một tách cà phê nữa. Tôi cảm thấy một cảm giác không thể kiểm soát của niềm vui và sự thỏa mãn, một tình yêu mới mẻ với thế giới. Trong quán mọi thứ với tôi đều tuyệt diệu: các bình cà phê bốc khói, những chiếc ghế chân cao quay được, những chiếc máy nướng bánh mì bốn ngăn, những chiếc máy mạ bạc dùng để làm món milk-shake, những chiếc bánh nhỏ mới để trong mấy cái lọ thủy tinh. Tôi cảm thấy như thể sắp được phục sinh, sắp phát hiện một châu lục mới. Vừa hút điếu Camel thứ hai, tôi vừa nhìn người phục vụ đang loay hoay sau quầy. Sau đó tôi quay sang chú ý đến cô hầu bàn, vẻ tàn tạ, tóc nhuộm đỏ. Có một điều gì đó cảm động không thể giải thích ở cả hai người bọn họ. Tôi những muốn nói cho họ biết họ quan trọng đến thế nào với tôi, nhưng từ ngữ từ chối không chịu chui ra khỏi miệng tôi. Trong vài phút sau đó, tôi ngồi yên tại chỗ, đắm chìm trong nỗi khoan khoái của chính mình, tự lắng nghe mình suy nghĩ. Đầu óc tôi tràn trề từ ngữ, một sự huyên náo của những ý nghĩ nhảy nhót. Rồi điếu thuốc tàn, tôi tập hợp sức lực lại và tiếp tục con đường.
Trong buổi chiều, cái nóng trở nên ngột ngạt. Không biết làm gì, tôi đi vào một rạp chiếu phim chuyên chiếu suất ba phim ở phố Bốn mươi hai, gần Times Square. Lời hứa có điều hòa nhiệt độ đã quyến rũ tôi, và tôi mù quáng đi vào, không buồn ngó apphich xem họ chiếu phim gì. Với chín mươi chín xăng tim, tôi sẵn sàng tham dự bất kỳ điều gì. Tôi ngồi trên tầng, khu dành cho người hút thuốc, và chậm rãi hút hết mười hay mười hai điếu Camel trong khi xem hai bộ phim đầu tiên, mà tôi đã quên tên. Tôi thấy mình đang ở tại một cung điện tráng lệ trong mơ được xây trong thời gian Khủng hoảng: đèn chùm trong hành lang, cầu thang đá, các họa tiết rococo trên tường. Đó là một điện thờ thì đúng hơn là rạp chiếu phim, một ngôi đền dành cho vinh quang của ảo giác. Do nhiệt độ ngoài đường, có vẻ như cả một bộ phận đông đảo cư dân lang thang New York có mặt trong rạp ngày hôm đó. Có những người say rượu và người nghiện ma túy, những người mặt đóng vảy, những người thì thầm tự nói với mình và đáp trả lời diễn viên trên màn ảnh, những người ngáy, những người đánh rắm, những người đái ra quần. Một đội quân gác cửa cầm đèn pin đi tuần giữa các hàng ghế để kiểm tra có ai đang ngủ không. Trong rạp tiếng ồn có thể tha thứ, nhưng mất ý thức là phạm luật. Mỗi lần một người gác cửa phát hiện được một người đang ngủ, anh ta chiếu thẳng đèn vào mặt người đó và lệnh cho hắn ta mở mắt. Nếu người đó không có phản ứng gì, người gác cửa sẽ đi đến tận chỗ hắn ta và lay mạnh. Những kẻ cứng đầu bị ném ra khỏi phòng, không phải không cần đến sức lực và không thiếu những lời phản đối gay gắt. Điều đó xảy ra chừng sáu hay bảy lần trong buổi chiều. Mãi sau này tôi mới chợt nghĩ ra hẳn những người gác cửa kia đi tìm các xác chết.
Tôi không để những chuyện ấy ảnh hưởng đến mình. Tôi đang được mát mẻ, yên tĩnh, tôi hài lòng. Nhìn vào những bất trắc đang đón chờ khi ra khỏi đó, giờ đây tôi đang kiểm soát khá tốt tình hình. Rồi bộ phim thứ ba bắt đầu và đột nhiên tôi có cảm giác mặt đất hẫng đi dưới chân. Người ta chiếu phim Tám mươi ngày vòng quanh thế giới, cùng bộ phim mà tôi đã xem mười một năm trước ở Chicago cùng bác Victor. Tôi nghĩ mình sẽ thích thú khi xem lại nó, và trong một lúc coi là mình gặp may vì vào đúng phòng này khi người ta chiếu nó - bộ phim này, chứ không phải phim nào khác. Tôi thấy như số phận đang đoái thương đến tôi, cuộc đời tôi đang được những linh hồn đầy thiện tâm che chở. Tuy nhiên, sau một lúc ngắn ngủi, tôi nhận ra những giọt nước mắt kỳ lạ, không thể giải thích, đang dâng lên. Khi Phileas Fogg và Vạn Năng bay lên trong quả khinh khí cầu đốt khí (đâu đó trong khoảng nửa giờ đầu tiên của phim), những chiếc van cuối cùng cũng chịu nhường bước và một đợt sóng nước mắt nóng bỏng mặn chát trào ra ướt má tôi. Hàng nghìn nỗi buồn tuổi nhỏ ào ạt trở về với tôi, tôi không đủ sức phản kháng nữa. Nếu bác Victor đang nhìn thấy tôi, tôi nghĩ, hẳn bác sẽ thấy trái tim tan nát. Tôi đã tự biến mình thành hư vô, một kẻ chết rơi cắm đầu xuống địa ngục. Trong cái giỏ của quả khinh khí cầu đang bồng bềnh trôi phía trên vùng nông thôn trù phú nước Pháp, David Niven và Cantinílas ngắm nhìn cảnh vật, và tôi ở phía dưới trong bóng tối, bên cạnh một đám người say rượu, tôi nức nở đến đứt hơi vì cuộc đời tồi tệ của mình. Tôi rời khỏi chỗ ngồi và vạch một đường để ra được khỏi phòng. Bên ngoài, tôi bị ánh sáng cuối chiều tấn công, đột nhiên đắm chìm trở lại trong cái nóng. Đó là tất cả những gì mà mình xứng đáng, tôi tự nhủ. Tôi đã tạo ra sự hư không của tôi, giờ đây tôi phải sống nó.
Cứ như vậy trong nhiều ngày nữa. Tâm trạng tôi cứ đột ngột chuyển bậc đi từ thái cực này sang thái cực khác, khiến tôi chơi vơi giữa niềm vui và niềm tuyệt vọng, liên tục đến mức đầu óc tôi trở nên mụ mị. Gần như bất kỳ điều gì cũng có thể trở thành ngòi nổ: một cuộc chạm trán bất ngờ với quá khứ, nụ cười của một người không quen, cách thức ánh sáng dội xuống vỉa hè vào một giờ nào đó. Tôi cố sức đạt tới một hình thức thăng bằng bên trong, nhưng không thể: tất cả đều chênh vênh, rối loạn, hoang tưởng kỳ quặc. Trong một lúc tôi lao vào một cuộc truy tầm triết học, tưởng chừng cầm chắc sẽ nhanh chóng bước vào hàng ngũ những người được soi sáng; chỉ chốc lát sau tôi đã đầm đìa nước mắt oằn mình gánh chịu sức nặng của nỗi hoảng sợ. Tôi tự nhập vào chính mình sâu đến mức không còn nhìn mọi vật dưới dáng vẻ thật của chúng nữa: các thứ đồ vật trở thành những ý nghĩ, và mỗi ý nghĩ đóng một vai trò trong vở kịch đang diễn bên trong tôi.
Ngồi yên trong phòng đợi bầu trời đổ sụp xuống đầu mình là một chuyện, bị ném ra ngoài không gian lại là một chuyện khác hẳn. Khi ra khỏi rạp chiếu phim, chưa mất đến mười phút tôi hiểu ra được điều gì đang chờ đợi mình. Đêm đang xuống, tôi phải khẩn cấp tìm được một chỗ ngủ. Đến giờ nghĩ lại thì thật đáng ngạc nhiên, nhưng tôi chưa hề suy nghĩ một cách nghiêm túc đến vấn đề ấy. Tôi từng cho rằng một giải pháp nào đó sẽ tự động xuất hiện, rằng chỉ cần niềm tin mù quáng vào vận may là đủ. Nhưng khi bắt đầu xem xét các triển vọng mà mình có được, tôi nhận ra rằng chúng không được vui vẻ cho lắm. Mình sẽ không nằm ngủ trên vỉa hè như một kẻ lang thang, tôi tự nhủ, qua đêm bằng cách quấn báo cũ quanh người. Đó là cách tự giao phó cho những kẻ điên rồ trong thành phố, mời gọi chúng đến cắt cổ tôi. Và ngay cả khi không bị đánh, chắc chắn tôi cũng sẽ bị bắt vì tội lang thang. Mặt khác, tôi có khả năng tìm được chỗ trú nào đây? Viễn cảnh ngủ trong một cái trại tế bần làm tôi kinh hoàng. Tôi không chịu nổi ý nghĩ thấy mình nằm trong cùng căn phòng với một trăm kẻ chết đói, buộc phải hít thở mùi của bọn họ, phải nghe những tiếng càu nhàu của mấy lão già cãi cọ lẫn nhau. Tôi không hề muốn chui vào những nơi như thế, ngay cả khi chúng miễn phí. Còn có tàu điện ngầm, dĩ nhiên, nhưng tôi đã biết trước rằng mình sẽ không bao giờ có thể nhắm mắt nổi ở đó - không phải vì chuyện xóc, chuyện ồn, ánh sáng chói mắt, cũng không phải vì suy nghĩ bất kỳ lúc nào cũng có thể có một tên an ninh đến đập dùi cui vào gan bàn chân. Tôi đi lang thang trong nhiều giờ, bụng bấn loạn vì lo sợ, mà không quyết định được gì. Nếu cuối cùng tôi chọn Công viên Trung tâm, thì chỉ đơn giản vì tôi đã quá mệt để có thể tìm được một ý tưởng nào khác. Khoảng mười một giờ, tôi đi trên đại lộ số Năm, những ngón tay lơ đãng lướt trên bức tường đá ngăn với công viên. Tôi nhìn vào phía bên kia, nhìn cái khoảng không mênh mông không người đó, và nhận ra rằng vào thời điểm này không thể có gì tốt hơn được như vậy nữa. Ít nhất, đất cũng sẽ mềm, và tôi nhẹ nhõm đón nhận ý nghĩ được nằm dài ra trên cỏ, được lấy một nơi không ai có thể nhìn thấy làm giường ngủ. Tôi vào công viên ở đoạn gần Bảo tàng Metropolitan, lủi nhanh vào sâu công viên trong nhiều phút, rồi bò vào trong một bụi cây. Tôi không cảm thấy mình có thể tìm kiếm gì thêm được nữa. Tôi đã nghe được đủ thứ chuyện khủng khiếp mà người ta kể về Công viên Trung tâm, nhưng vào lúc này cái mệt mỏi mạnh hơn nỗi sợ. Tôi tự nhủ nếu bụi cây không che tôi được khỏi những cái nhìn thì tôi vẫn còn con dao để phòng thân. Tôi cuộn chiếc áo jacket da lại làm gối rồi loay hoay một lúc để tìm tư thế thoải mái nhất. Ngay khi nằm yên được, tôi nghe thấy tiếng dế trong bụi cây bên cạnh. Không lâu sau, một cơn gió nhẹ thổi đến lay động những chiếc lá và cành cây phía trên đầu tôi. Tôi không biết phải nghĩ gì nữa. Đêm đó trên trời không có trăng, cũng không có sao. Trước khi nhớ được ra phải thò tay vào nắm lấy con dao trong túi áo, tôi đã chìm vào giấc ngủ thật sâu.
Tôi tỉnh dậy với cảm giác vừa ngủ trong một toa tàu chở súc vật. Mới sáng sớm, cả người tôi đau như dần, cơ bắp xoắn lại. Tôi lồm cồm bò ra khỏi bụi cây, vừa bò vừa chửi và rên rỉ sau mỗi động tác, rồi dần khám phá môi trường xung quanh. Tôi đã qua đêm bên cạnh một sân bóng mềm, trong bụi cây nằm sau một đĩa nhà. Cái sân nằm trong một khoảng đất trũng xuống, và vào cái giờ sáng sủa này một làn sương màu ghi nhẹ bay lơ lửng phía trên bãi cỏ. Hoàn toàn không có ai ở đây. Vài con chim sẻ vừa bay vừa kêu chiêm chiếp xung quanh cái chốt[12] thứ hai, một con giẻ cùi hót trên ngọn cây. Đây là New York, nhưng không có gì chung với New York mà tôi vẫn biết. Nơi này không có chút đầu dây mối nhọ nào, một nơi có thể nằm ở bất kỳ đâu. Trong khi đang suy nghĩ về chuyện đó, đột nhiên tôi nhận ra rằng mình đã qua được đêm đầu tiên. Tôi sẽ không khẳng định rằng mình sung sướng với thành công đó - người tôi quá ê ẩm - nhưng tôi có ý thức là mình đã trút bỏ được một mối lo lớn. Tôi đã qua được đêm đầu tiên, và nếu đã làm được việc đó một lần, không có lý gì để không nghĩ rằng tôi còn có thể tiếp tục làm điều đó.
Từ bấy trở đi, tối nào tôi cũng vào công viên ngủ. Với tôi nó đã trở thành một ngôi đền, một chỗ trú ngụ thân thiết chống lại những đòi hỏi bức bối của đường phố. Có đến tám trăm bốn mươi acre để lang thang, và khác với mạng lưới dày đặc những ngôi nhà và tháp cao quây lấy xung quanh, công viên mang lại cho tôi khả năng tự biệt lập, tách ra khỏi thế giới. Trên đường phố, chỉ có cơ thể người và sự di chuyển, và dù có muốn hay không, người ta cũng không thể xâm nhập nó mà không phải tuân theo những quy tắc ngặt nghèo về hành vi. Đi trong đám đông nghĩa là không bao giờ đi nhanh hơn những người khác, không bao giờ lê bước chậm chạp, không bao giờ làm gì có khả năng làm ảnh hưởng đến nhịp bước chung của cả đám người. Nếu bạn tuân thủ những quy tắc của trò chơi đó, người ta sẽ có xu hướng không chú ý đến bạn nữa. Một thứ men đặc biệt phủ lên mắt người dân New York khi họ đi lại trên phố, một hình thức tự nhiên và có thể là cần thiết của sự thờ ơ đối với người khác. Chẳng hạn, vẻ ngoài không có nghĩa gì. Những bộ quần áo kỳ cục, những bộ tóc lạ thường, áo phông in những dòng chữ bậy bạ - không ai chú ý hết cả. Ngược lại, dù cho khoác gì lên người, thái độ cư xử vô cùng quan trọng. Một động tác bất thường nhỏ nhất sẽ ngay lập tức bị coi là một sự đe dọa. Nói một mình, gãi, nhìn thẳng vào mắt ai đó: những lệch lạc về cách cư xử đó có thể kích thích những phản ứng thù địch và có khi đầy vũ lực từ những người xung quanh. Không được đi loạng choạng hay ngã ra ngất, không được đứng sát vào tường, không được hát, bởi vì mọi thái độ bột phát hay không chủ đích chắc chắn sẽ chuốc về những ánh mắt nghiêm khắc, những nhận xét cay độc, và đôi khi có cả một cú đẩy hay một cú đá vào ống đồng. Tôi chưa đến mức phải chịu đựng những cách đối xử đó, nhưng tôi đã nhìn thấy những điều ấy xảy ra và tôi biết sớm hay muộn sẽ đến một ngày tôi không đủ khả năng tự kiềm chế nữa. Trái ngược với điều đó, cuộc sống trong Công viên Trung tâm trưng bày nhiều biến thể hơn hẳn. Không ai ngạc nhiên khi có người nằm lên cỏ để ngủ vào giữa trưa. Không ai băn khoăn nếu có người ngồi dưới một cái cây mà không làm gì, nếu có người thổi clarinet, nếu có người hét tướng lên. Ngoài các nhân viên văn phòng đi lại trong giờ nghỉ trưa, phần lớn những người thường đến công viên cư xử như thể đang trong kỳ nghỉ. Những điều có thể làm họ cảnh giác trên phố ở đây chỉ được nhìn với một vẻ thờ ơ vui vẻ. Người ta mỉm cười với nhau và cầm tay nhau, uốn éo cơ thể theo những tư thế bất thường, hôn nhau. Đó là sống và để người khác sống, và chỉ cần không can thiệp trực tiếp vào cuộc sống của người khác là người ta được tự do làm gì mình thích.
Không thể chối cãi là công viên mang lại cho tôi rất nhiều lợi ích. Nó cho tôi sự riêng tư, nhưng đặc biệt nó cho phép tôi lờ tịt tính nghiêm trọng thực tế tình trạng của mình. Cỏ và cây cối hết sức dân chủ, và khi tôi lang thang dưới ánh mặt trời vào cuối một buổi chiều, hoặc khi vào đầu buổi tối, leo lên những tảng đá tìm một chỗ ngủ, tôi có cảm giác mình tan biến vào môi trường xung quanh, rằng ngay cả trong mắt của một người có kinh nghiệm tôi cũng giống một người đến đây để picnic hoặc dạo chơi. Đường phố không cho phép những ảo ảnh đó. Khi bước đi giữa đám đông, tôi nhanh chóng bị nỗi xấu hổ đè nặng. Tôi cảm thấy mình bẩn thỉu, cầu bơ cầu bất, một cái mụn của chứng thất bại trên làn da loài người. Mỗi ngày, tôi lại bẩn thêm một chút so với ngày hôm trước, thêm một chút nhàu nhĩ và cũ nát, thêm một chút khác biệt với những người khác. Trong công viên, tôi không phải gánh cái gánh nặng ý thức về bản thân đó nữa. Tôi sở hữu một cái ngưỡng, một biên giới, một phương tiện để phân biệt được cái bên trong và cái bên ngoài. Nếu đường phố bắt tôi tự nhìn mình đúng như những người khác nhìn tôi, công viên tặng cho tôi một cơ may tìm lại được cuộc sống nội tâm, chỉ còn phải quan tâm tới những gì diễn ra ở bên trong. Tôi nhận ra là có thể sống được mà không cần đến một mái nhà trên đầu, nhưng không thể được nếu không đủ sức thiết lập một sự thăng bằng giữa nội tâm và ngoại cảnh. Công viên đã làm cho tôi điều ấy. Có thể công viên không giống một ngôi nhà lắm, nhưng cũng rất gần như vậy, nếu chẳng phải vì không còn nơi nào khác để trú thân.
Những điều không chờ đợi liên tục xảy đến với tôi, những điều mà ngày hôm nay nhớ lại tôi thấy gần như là không thể. Chẳng hạn, một hôm, một người phụ nữ trẻ tóc đỏ rực bước tới nhét vào tay tôi một tờ năm đô la - vậy thôi, không một lời giải thích. Một lần khác, tôi được một nhóm người mời đến tham gia một bữa ăn trưa trên bãi cỏ. Vài ngày sau, tôi chơi bóng mềm suốt một buổi chiều. Nhìn vào tình trạng thể lực khi đó, tôi đã chơi rất xuất sắc (hai hay ba cú đánh bóng chuẩn chạy về chốt một ăn điểm, một cú bay người bắt bóng ở khu vực bên trái sân), và mỗi lần khi đội của tôi nghỉ giữa chừng, các cầu thủ khác cho tôi ăn, uống và hút thuốc: sandwich và bánh vòng, bia hộp, xì gà, thuốc lá. Đó là những giờ phút sung sướng, và họ đã giúp tôi vượt qua được một số giai đoạn đen tối hơn, khi vận may dường như bỏ tôi đi mất. Có lẽ đây chính là điều tôi muốn chứng minh trước nhất: một khi ném cuộc đời mình vào gió bão, người ta sẽ phát hiện những điều chưa từng bao giờ ngờ đến, những thứ người ta không thể biết được ở bất kỳ hoàn cảnh nào khác. Tôi vô cùng đói, nhưng mỗi lần có một sự kiện sung sướng xảy đến, tôi lại gán nó cho một trạng thái tinh thần đặc biệt hơn là cho vận may. Nếu đủ khả năng giữ được một thế cân bằng thích hợp giữa ham muốn và sự thờ ơ, tôi cảm thấy bằng cách nào đó mình có thể buộc vũ trụ phải đáp lời. Nếu không, có thể đánh giá như thế nào về những hành động hào phóng vô cùng mà tôi được hưởng ở Công viên Trung tâm? Tôi không bao giờ hỏi xin ai cái gì, tôi không nhúc nhích khỏi chỗ của mình, thế mà có những người lạ không ngừng đến giúp đỡ tôi. Hẳn là có một lực nào đó tỏa từ tôi vào thế giới, tôi nghĩ, một điều gì đó không thể định nghĩa khiến cho những người kia cảm thấy muốn làm như vậy. Với thời gian, tôi bắt đầu nhận ra rằng những điều tốt đẹp chỉ đến khi nào tôi đã ngừng không còn hy vọng đến chúng nữa. Nếu điều đó là đúng, chiều ngược lại cũng đúng: hy vọng quá mức ngăn cản những điều tốt đẹp diễn ra. Đó là hệ quả lôgic của lý thuyết của tôi, bởi vì nếu tôi chứng tỏ được mình có thể thu hút người khác, thì tiếp theo đó tôi cũng có thể đẩy được họ đi. Nói cách khác, người ta chỉ có thể có được những gì mình muốn khi nào không muốn chúng. Điều này không có nghĩa gì, nhưng tôi thích tính vớ vẩn của giả thuyết đó. Nếu các nhu cầu của tôi chỉ được đáp ứng với điều kiện không được nghĩ đến chúng, thì toàn bộ những suy nghĩ dành cho tình trạng của tôi nhất thiết sẽ không mang lại điều gì. Ngay khi chấp nhận ý nghĩ ấy, tôi thấy mình ở vào trạng thái cân bằng không vững chắc trên sợi dây của vô thức. Bởi vì làm thế nào để không nghĩ đến cái đói khi lúc nào cũng đói? Làm thế nào bắt được cái dạ dày im tiếng khi nó phản đối không ngừng nghi, đòi được thỏa mãn? Gần như là không thể bỏ qua được những yêu cầu đó. Nhiều lần tôi đầu hàng trước chúng, và ngay lập tức, một cách tự động, tôi biết được rằng mình đã tàn phá những cơ may có được sự trợ giúp. Kết quả đó là không thể tránh khỏi, nó mang tính chuẩn tắc và chính xác của một công thức toán học. Khi nào tôi còn bận tâm với những vấn đề của mình, người ta sẽ quay đi trước tôi. Điều đó không để lại cho tôi lựa chọn nào khác ngoài việc tự tìm cách xoay xở, cố gắng hết sức.
Thời gian trôi đi. Một ngày, hai ngày, ba hay thậm chí bốn, có thể, và dần dần tôi vứt bỏ khỏi tâm trí toàn bộ những ý nghĩ về sự cứu giúp, và đã chấp nhận là mọi việc hỏng bét. Chỉ đến lúc đó những sự kiện kỳ diệu mới xảy đến. Lúc nào chúng cũng từ trên trời rơi xuống. Tôi không thể dự tính trước, và khi chúng đã xảy ra, tôi không có cách nào chờ đợi ở sự lặp lại cả. Mỗi điều kỳ diệu do đó luôn là điều kỳ diệu cuối cùng. Và vì nó là cuối cùng, lần nào tôi cũng bị ném về phía khởi đầu, mỗi lần đều buộc phải bắt đầu lại cuộc chiến đấu.
Một phần thời gian trong ngày tôi dùng để đi tìm đồ ăn trong công viên. Điều đó giúp tôi giảm bớt các món chi tiêu, và cũng giúp tôi đẩy lùi thời điểm sẽ phải đi phiêu lưu trên phố. Với thời gian, đường phố trở thành nỗi sợ hãi lớn nhất của tôi, và tôi đã sẵn sàng cho gần như bất kỳ điều gì để tránh được chúng. Những kỳ nghỉ cuối tuần mang lại cho tôi đặc biệt nhiều lợi ích. Khi trời đẹp, hàng đoàn người kéo đến công viên, và tôi nhanh chóng nhận ra rằng phần lớn trong số họ mang đến đồ ăn: đủ loại bữa trưa và đồ ăn nhẹ, những thứ để ăn ngốn ngấu một cách vui vẻ. Hậu quả là một sự lãng phí không thể tránh khỏi, hàng đống khổng lồ lương thực bị bỏ lại nhưng vẫn còn ăn được. Mất một thời gian tôi mới quen được với chuyện ấy, nhưng khi đã chấp nhận được ý nghĩ cho vào miệng mình cái gì đó đã chạm vào miệng một người khác, tôi thấy xung quanh mình ê hề đồ ăn. Những khoanh bánh pizza, những khúc hot-dog, mẩu sandwich, những lon nước chanh còn đầy một nửa - rải rác trên những bãi cỏ và những tảng đá, còn các thùng rác thì đầy ắp. Để vượt qua được nỗi kinh tởm, tôi học cách đặt cho chúng những cái tên khôi hài. Tôi gọi chúng là quán ăn xylanh, bữa tối quà tặng, hỗ trợ trọn gói của thành phố - bất cứ gì để có thể tránh gọi tên thật của chúng. Một hôm khi tôi đang lúi húi ở chỗ một cái thùng rác, một viên cảnh sát tiến lại gần hỏi tôi đang làm gì. Trong một lúc, tôi nói lúng búng vì bị bắt chợt, rồi tôi nói tôi là sinh viên. Tôi nói mình đang làm cho một dự án nghiên cứu đô thị, và đã dành cả mùa hè cho việc phân tích thống kê và điều tra xã hội học những gì có trong các thùng rác. Để chứng minh những gì mình nói, tôi rút từ trong túi ra tấm thẻ sinh viên của trường Columbia, hy vọng rằng ông ta không nhận ra nó đã hết hạn từ tháng Sáu. Ông ta nhìn tấm ảnh một lúc, nhìn mặt tôi, quay lại tấm ảnh để so sánh, rồi nhún vai. Đừng chui đầu sâu quá vào trong đó, ông ta nói. Có thể anh sẽ bị kẹt nếu không chú ý đấy.
Tôi không muốn gợi ý là tôi thấy chuyện này có gì đáng thích thú. Nhặt nhạnh những mẩu thức ăn không có gì hay hớm cả, và cái mới mẻ ít ỏi mà nó có thể có vào lúc khởi đầu nhanh chóng xì hơi. Tôi còn nhớ một đoạn trong một cuốn sách tôi từng đọc, chắc là Lazarillo de Tormes, trong đó có một anh chàng hidalgo đói meo đi lang thang khắp nơi với một cây tăm cắm trên miệng để tạo cảm giác vừa được ăn một bữa no nê. Chính tôi cũng bắt đầu áp dụng lối ngụy trang ấy, và tôi không bao giờ quên lấy một nắm tăm mỗi lần vào quán uống cà phê. Tôi có thể nhai chúng trong những khoảng thời gian rỗng giữa các bữa ăn, và tôi nghĩ chúng cung cấp cho vẻ bên ngoài của tôi một dạng khác biệt, một vẻ tự chủ và bình thản. Không nhiều nhặn gì, nhưng tôi cần tất cả những gì giúp được tôi đứng vững. Tôi cảm thấy đặc biệt khó khăn khi phải tiến lại gần một cái thùng rác với cảm giác đang bị quan sát và tôi luôn cố gắng làm việc đó một cách kín đáo nhất có thể được. Nếu thường cái đói luôn chiếm ưu thế so với những kiềm chế của tôi, thì chỉ đơn giản là vì cái đói của tôi quá lớn. Nhiều lần, tôi nghe thấy người ta chế nhạo tôi, và vài lần tôi nhìn thấy trẻ con chỉ tay vào tôi, nói mẹ chúng là nhìn anh chàng lạ lùng đang ăn rác kia. Đó là những điều người ta không bao giờ quên được, thời gian không có nghĩa lý gì hết cả. Tôi chiến đấu để chế ngự cơn giận dữ, nhưng tôi cũng nhớ ít nhất một lần tôi đã dọa nạt một thằng bé dữ dội đến mức nó òa lên khóc. Tuy vậy tôi cũng dần chấp nhận được những điều nhục nhã đó như một phần bình thường của cái cuộc sống tôi đang trải qua. Khi tinh thần mạnh mẽ, tôi còn có thể diễn giải chúng như một cuộc nhập đạo, những trở ngại dựng lên trên con đường của tôi để thử thách lòng tin bên trong chính tôi. Nếu học được cách vượt qua chúng, cuối cùng tôi sẽ vươn tới một cấp độ ý thức cao hơn. Khi tâm trạng kém thoải mái hơn, tôi có xu hướng tự nhìn nhận mình dưới một khía cạnh chính trị, với hy vọng tự biện minh cho tình trạng của mình bằng cách coi nó là một lời thách thức đối với lối sống Mỹ. Tôi vờ coi mình là một công cụ phá hoại, một chi tiết hỏng trong cỗ máy quốc gia, một kẻ không có khả năng hòa nhập có trách nhiệm, trở thành hạt sạn. Không ai có thể nhìn tôi mà không cảm thấy xấu hổ, giận dữ hay thương hại. Tôi là bằng chứng sống động cho thấy hệ thống đã thất bại, cái đất nước phồn vinh đầy rẫy của cải kia cuối cùng cũng đang vỡ bục ra.
Những ý nghĩ ấy chiếm lĩnh phần lớn khoảng thời gian khi tôi thức. Tôi luôn giữ một ý thức sắc nhọn về những gì xảy đến với mình, nhưng ngay khi một điều gì đó nhỏ nhất xảy ra, tâm trí tôi lại phản ứng và cháy bùng một niềm say mê lửa đốt. Óc tôi bùng bùng những lý thuyết sách vở, những giọng nói trái ngược nhau, những cuộc tranh luận nội tâm phức tạp. Sau này, khi tôi đã được cứu thoát, Zimmer và Kitty nhiều lần hỏi tôi đã làm thế nào mà có thể không làm gì hết trong từng ấy ngày. Tôi không chán ư? họ tự hỏi. Như thế không quá đơn điệu ư? Những câu hỏi đó lôgic, nhưng trên thực tế tôi không bao giờ thấy chán. Trong công viên, tôi làm mồi cho đủ loại tâm trạng và cảm xúc, nhưng sự buồn chán không dự phần. Khi không bận tâm đến các vấn đề thực tiễn (tìm chỗ qua đêm, nỗi lo dạ dày), hàng đống hoạt động khác kéo đến mời mọc tôi. Vào khoảng giữa buổi sáng, tôi thường tìm được một tờ báo trong một cái thùng rác, và trong vòng một hoặc hai giờ, vì muốn biết được những gì xảy ra trên thế giới, tôi đọc thật kỹ từng trang. Chiến tranh tiếp diễn, tất nhiên, nhưng những sự kiện khác cũng xứng đáng được chú ý: Chappaquidick, vụ Chicago Eight, phiên tòa Black Panther, lại hạ cánh xuống mặt trăng, đội Mets. Tôi theo dõi sự tụt dốc thê thảm của đội Cubs với một sự quan tâm đặc biệt, và tôi bàng hoàng vì họ có thể rơi xuống thấp đến vậy. Tôi thấy thật khó để không nhìn thấy sự tương ứng giữa việc đi xuống từ đỉnh cao của họ và tình hình của chính tôi, nhưng tôi không nhìn nhận việc đó một cách cá nhân. Nói đúng ra, tôi cảm thấy mình được hưởng ân sủng từ ngôi sao may mắn của Mets. Lịch sử của họ còn tồi tệ hơn lịch sử của Cubs, và khi đột nhiên nhìn thấy họ, đi ngược lại mọi lôgic, vươn lên từ hố thẳm, có cảm giác như trên đời này điều gì cũng có thể. Ý nghĩ đó mang lại rất nhiều an ủi. Luật nhân quả không còn là vị chúa toàn năng ẩn khuất điều khiển vũ trụ nữa: hạ đẳng trở thành thượng đẳng, kẻ xếp cuối trở thành kẻ xếp đầu, và kết thúc trở thành bắt đầu. Heraclitus trỗi dậy từ đống phân của mình, và những gì ông chỉ cho chúng ta là chân lý giản đơn nhất: thực tế là một cái yo-yo, sự thay đổi là hằng số duy nhất.
Khi đã nghiền ngẫm xong tin tức trong ngày, tôi thường đi dạo một chút trong công viên, khám phá những vùng còn chưa đến. Tôi tận hưởng cái nghịch lý phải sống trong một thiên nhiên do con người chế tác. Một thiên nhiên được trác tuyệt hóa, có thể nói vậy, và nó ban tặng rất nhiều địa điểm và cảnh sắc mà thiên nhiên hiếm khi tập trung lại trong một khoảng không chật hẹp đến thế. Có những ngọn đồi và những cánh đồng, những khoảnh đá và những rừng thẳm tán lá, những đồng cỏ mềm mại và những hệ thống hầm ngầm chật hẹp. Tôi thích đi lại giữa những khu vực khác nhau đó, bởi vì điều này cho phép tôi tưởng tượng mình đi được qua những khoảng cách lớn trong khi vẫn chỉ nằm bên trong của cái thế giới thu nhỏ tí xíu của tôi. Có vườn bách thú, dĩ nhiên, ở tận cuối cùng công viên, và cái hồ nơi người ta thuê thả những con thuyền du lịch nhỏ, và hồ trữ nước, và các sân chơi cho trẻ con. Tôi dành không ít thời gian để nhìn ngắm mọi người: nghiên cứu những cử chỉ và cách đi đứng của họ, tôi bịa ra những tiểu sử về họ, tôi tìm cách buông thả hoàn toàn vào những gì mình nhìn thấy. Thường xuyên, khi tâm trí đặc biệt trống rỗng, tôi tự bắt chợt mình đang chìm đắm vào những trò chơi u tối, đầy ám ảnh. Tôi đếm số người đi qua một chỗ nào đó, chẳng hạn thế, hoặc tôi xếp các gương mặt vào một catalô dựa theo mức độ tương đồng giữa chúng và những con vật - lợn hoặc ngựa, thú gặm nhấm hoặc chim, ốc sên, thú có túi, mèo. Thỉnh thoảng, tôi ghi một vài quan sát đó vào cuốn sổ, nhưng thường thì tôi cảm thấy ít ham muốn viết, vì tôi không muốn tự tách biệt mình khỏi môi trường xung quanh theo một cách thức nghiêm túc nào. Tôi cho là mình đã sống qua từ ngữ suốt một khoảng thời gian quá dài của cuộc đời, và nếu muốn tìm ra một ý nghĩa cho khoảng thời gian này, tôi cần cảm thấy nó một cách đầy đủ nhất có thể được, trốn khỏi tất cả những gì không phải ở đây, lúc này, cái hiển hiện, cái vũ trụ giác quan đang tiếp xúc với làn da tôi.
Tôi cũng phải đối mặt với các hiểm nguy, nhưng trên thực tế là không có gì trầm trọng, không có gì mà tôi không thể thoát ra được. Buổi sáng nọ, một lão già đến ngồi bên cạnh tôi trên băng ghế, chìa tay cho tôi, và tự giới thiệu tên là Frank. “Cậu có thể gọi tôi là Bob nếu muốn,” lão ta nói thêm, “tôi không kiểu cách đâu. Chỉ cần cậu không gọi tôi là Bill là chúng ta có thể hiểu nhau được rồi.” Rồi, gần như không kịp lấy lại hơi, lão ta lao vào một câu chuyện phức tạp về một trò cá cược, và kể lể dài dòng về món cược một nghìn đô la mà lão từng đặt vào năm 1936 cho một con ngựa tên là Cigarillo, một tên găngxtơ tên là Duke và một tay nài ngựa tên là Tex. Đến câu thứ ba của lão ta, tôi đã phát ngấy rồi, nhưng cũng không khó chịu lắm khi nghe câu chuyện không đầu không đuôi đầy hỗn loạn đó, và vì thấy lão ta không có gì đáng sợ nên tôi không bỏ đi. Thế nhưng, sau mười phút độc thoại, lão ta đột ngột đứng dậy, giật cái túi đựng kèn clarinet mà tôi đặt trên đùi, và chạy vào lối đi rải nhựa, giống như một người tập chạy tàn tật, những bước nhỏ lê lết đầy đau khổ, trái khoáy, tay chân vung vẩy về mọi hướng. Tôi bắt được lão ta không một chút khó khăn. Tôi tóm lấy cánh tay của lão, xoay lão ta lại và giật cái túi về. Lão ta có vẻ ngạc nhiên vì tôi bỏ công chạy đuổi theo. “Đối xử với người già như thế đấy hả”, lão ta phản đối, không hề tỏ ra chút hối hận về việc vừa làm. Tôi có một ham muốn kinh khủng được táng vào mặt lão ta, nhưng lão ta đã run lên vì sợ đến mức tôi bỏ ý định. Vào lúc tôi chuẩn bị quay đi, lão ta ném cho tôi một cái nhìn sợ hãi, khinh bỉ, và rồi nhổ về phía tôi một đám nước bọt lớn. Phân nửa đám nước bọt rơi xuống cằm lão, nhưng phần còn lại rơi trúng cái áo sơ mi của tôi, ở khoảng ngực. Tôi cúi đầu xuống một lúc để đánh giá thiệt hại, và trong khoảnh khắc đó lão ta lại bỏ chạy, vừa chạy vừa ngoái lại xem tôi có đuổi theo không. Tôi nghĩ như thế là hòa, nhưng ngay khi đã chạy ra xa đủ để cảm thấy an toàn, lão ta dừng phắt, quay lại, và dứ nắm tay về phía tôi, đấm vào không khí vẻ phẫn nộ. “Thằng cộng sản bẩn thỉu!” lão ta hét lên. “Thằng cộng sản bầy hầy bẩn thỉu! Quay về nhà mày ở nước Nga đi!” Lão ta khiêu khích tôi, để tôi tiếp tục đuổi theo, với hy vọng hiển nhiên là kéo dài cuộc phiêu lưu của chúng tôi, nhưng tôi không rơi vào bẫy. Không nói thêm lời nào, tôi quay đầu đi mặc lão đứng đó.
Một câu chuyện tầm phào, dĩ nhiên, nhưng có những chuyện khác đáng sợ hơn. Một tối, một đám trẻ con truy đuổi tôi qua khu Sheep’s Meadow và tôi chỉ thoát nạn nhờ một thằng trong số chúng bị ngã sai khớp chân. Một hôm khác, một kẻ say rượu hiếu chiến dọa nạt tôi bằng một chai bia vỡ. Tôi thoát được trong gang tấc ở cả hai lần đó, nhưng chuyện khủng khiếp nhất xảy đến vào giai đoạn cuối cùng, trong một đêm nhiều mây, khi tình cờ mà tôi rơi trúng một bụi cây có ba người đang làm tình - hai người đàn ông và một người đàn bà. Trời rất tối, nhưng tôi có cảm giác họ đang trần truồng, và giọng nói của họ sau khi phát hiện ra tôi khiến tôi nghĩ họ còn say rượu nữa. Một cành cây gãy dưới chân trái tôi, và tôi nghe giọng người đàn bà, tiếp theo là một tiếng động đột ngột của cành lá bị giẫm lên. “Jack”, ả nói, “có một thằng cha dở người kìa.” Hai giọng nói đáp lại thay vì một, cả hai đều đầy thù địch, mang màu sắc bạo lực dữ dội mà tôi chưa từng bao giờ nghe thấy. Rồi một cái bóng nhổm lên và chĩa về phía tôi một cái gì đó giống như khẩu súng. “Một lời thôi, đồ chó chết,” hắn gầm lên, “tao sẽ trả lại mày sáu phát.” Tôi nghĩ hắn muốn nói đến những viên đạn trong khẩu súng ngắn. Nếu nỗi sợ hãi không làm biến dạng các sự kiện, tôi nghĩ mình đã nghe thấy một tiếng động, tiếng lên đạn. Tôi lủi ngay cả trước khi hiểu ra mình sợ đến mức độ nào. Tôi quay gót và chạy. Nếu rốt cuộc phổi tôi vẫn còn đủ sức, hẳn là tôi đã chạy mãi cho đến sáng.
Tôi không thể biết được mình còn trụ được đến bao giờ. Cho đến khi có những đợt lạnh đầu tiên, tôi nghĩ, với điều kiện không có kẻ nào giết tôi. Ngoài vài sự cố bất thường, mọi thứ có vẻ vẫn nằm trong tầm kiểm soát. Tôi tiêu tiền với sự thận trọng cực độ, không bao giờ quá một đô la hoặc một đô la rưỡi cho một ngày, và chỉ điều đó thôi cũng đã làm chậm lại thời khắc định mệnh được một khoảng thời gian. Và ngay cả khi quỹ tiền của tôi tụt xuống đến một mức độ nguy hiểm, dường như luôn có điều gì đó xảy đến vào đúng phút cuối cùng: tôi tìm được tiền rơi trên đất hoặc một người lạ mặt xuất hiện và tạo ra một trong những điều kỳ diệu mà tôi từng nói đến. Tôi ăn uống không đầy đủ, nhưng tôi không nghĩ đã bao giờ phải trải qua một ngày mà không cho được vào dạ dày ít nhất vài mẩu thức ăn nhỏ. Đúng là cho đến cuối cùng tôi gầy khủng khiếp, chỉ còn 112 pound, nhưng phải đến những ngày cuối cùng trong công viên tôi mới mất nhiều trọng lượng nhất. Lý do là vì tôi bị mắc chứng bệnh nào đó - cúm, một con virus, có Chúa mới biết - và kể từ lúc đó tôi không còn ăn gì nữa. Tôi quá yếu, và mỗi khi ăn được cái gì đó, thì tôi cũng nhanh chóng nôn ra. Nếu hai người bạn của tôi không tìm được tôi vào thời điểm ấy, thì không nghi ngờ gì là tôi đã chết. Tôi đã dùng đến tận cùng những gì mình có, không còn lại chút gì để chiến đấu.
Kể từ đầu, thời tiết luôn ủng hộ tôi, đến mức tôi đã không còn nghĩ đến nó như một vấn đề nữa. Gần như ngày nào cũng là sự lặp lại ngày hôm trước: một bầu trời đẹp cuối mùa hè, một mặt trời đủ nóng để làm khô mặt đất, và sau đó không khí tìm lại được sự mát mẻ của những đêm đầy tiếng dế kêu. Trong hai tuần đầu tiên, rất ít khi mưa, và nếu có mưa thì cũng chỉ là một cơn mưa nhẹ. Dần dần, đã quen với ý nghĩ được an toàn ở bất kỳ đâu, tôi bắt đầu thử vận may, ngủ ở ngoài trời. Một đêm khi nằm trên bãi cỏ hoàn toàn ngoài trời mà mơ, tôi dính một trận mưa rào. Đó là một trận đại hồng thủy khi bầu trời đột nhiên rách ra ném xuống từng vòi nước, trong một cơn cuồng nộ âm thanh. Tôi tỉnh dậy ướt lướt thướt, cả người bị các giọt mưa đánh nhừ tử, những giọt nước đập lên trên người tôi như những viên đạn chì. Tôi sợ hãi bỏ chạy trong bóng tối, cuống cuồng tìm một nơi có thể ẩn náu, nhưng phải mất nhiều phút tôi mới tìm được chỗ trú dưới một cái gờ đá granit và vào lúc đó nơi tôi đang ở không còn mấy quan trọng nữa. Tôi ướt như một người vừa bơi qua đại dương.
Cơn mưa kéo dài đến tảng sáng, với vài đợt dịu đi thành mưa bụi, vài đợt bùng nổ những tia chớp khổng lồ - những tiểu đội chó mèo gầm gào, cơn giận dữ thuần túy rơi xuống từ những đám mây. Những đợt thác đó không thể dự đoán trước, và tôi không muốn chịu nguy cơ bị một cái trong đó rơi trúng. Tôi đứng nguyên trong cái góc nhỏ bé của mình, bất động, giày sũng nước, cái quần jeans xanh dính chặt vào người và chiếc áo jacket da sáng lấp lánh. Ba lô cũng bị nước vào như mọi thứ đồ khác, vì thế tôi không có cái gì khô ráo để mặc vào người. Tôi không có lựa chọn nào khác ngoài việc đợi hết cơn mưa, run lập cập trong bóng tối như một con chó lạc. Trong một hoặc hai giờ, tôi cố gắng hết sức để không than thân trách phận, nhưng tôi nhanh chóng đầu hàng và tự buông mình vào một cơn lốc những tiếng la hét và chửi rủa, dồn tất cả sức lực lại trong những câu chửi tàn bạo nhất lướt qua tâm trí - những tràng lăng mạ tồi tệ, những lời rủa bậy bạ và trúc trắc, những tiếng hét ồn ã dành cho Chúa và nước Mỹ. Sau một lúc, tôi rơi vào tình trạng những câu nói bị cắt ngang bởi những cơn nức nở, tiếng nấc trộn lẫn với câu chửi, nhưng tuy thế tôi vẫn nghĩ ra được những câu thông thái và dài đến độ ngay cả một tay tướng cướp người Thổ cũng sẽ phải bái phục. Cứ thế trong khoảng nửa giờ. Sau đó tôi kiệt sức và ngủ ngay tại chỗ, vẫn đứng. Tôi chợp mắt vài phút, rồi bị đánh thức bởi một đợt thác mưa. Tôi những muốn phản công lại lần nữa, nhưng tôi mệt quá, giọng tôi đã quá khàn không hét nổi. Phần còn lại của đêm đó tôi đứng mãi như vậy, tự thương hại chính mình, chờ đợi buổi sáng.
Sáu giờ, tôi bước vào một quán ăn nhỏ phố Bốn mươi tám Tây và gọi một bát xúp. Xúp rau, nếu tôi nhớ không nhầm, với những miếng cần tây và cà rốt béo ngậy trôi nổi trên một thứ nước màu vàng khè. Nó sưởi ấm tôi đến một mức độ nào đó, nhưng quần áo ướt vẫn dính chặt vào da tôi và hơi ẩm ngấm sâu đến nỗi bát xúp không còn gây được hiệu quả thường thấy nữa. Tôi đi xuống nhà vệ sinh và cho đầu xuống dưới một cái máy sấy tự động. Trước sự kinh hoàng của tôi, luồng khí nóng có hiệu ứng biến tóc tôi thành ra một mớ tứ tung dị hợm, tôi giống như một con quái vật, hình ảnh thô kệch ló ra từ một gác chuông nhà thờ gôtic. Trong một toan tính tuyệt vọng sửa chữa thiệt hại, tôi bồn chồn đặt một lưỡi mới vào dao cạo râu, lưỡi dao cuối cùng còn lại trong ba lô, và cắt bỏ đi cái hình thù rắn độc đó. Khi đã xong việc, tóc tôi ngắn đến độ tôi không còn nhận ra mình nữa. Sự gầy guộc của tôi càng thêm được nhấn mạnh đến một mức độ đáng sợ. Tai tôi dỏng lên, yết hầu nhô ra, đầu chỉ còn nhỏ như đầu một đứa bé. Mình bắt đầu teo đi, tôi nghĩ, và đột nhiên tôi nghe thấy chính tôi nói với khuôn mặt trong gương. “Đừng sợ,” giọng của tôi nói. “Không ai được phép chết hơn một lần. Vở hài kịch sẽ nhanh chóng kết thúc, và sẽ không bao giờ mi phải trải qua điều đó một lần nữa đâu.”
Sau đó, trong buổi sáng, tôi ngồi vài giờ trong phòng đọc thư viện công cộng, với ý nghĩ rằng quần áo sẽ khô nhanh hơn trong khoảng không gian đóng kín ấy. Thật không may, ngay khi bắt đầu thực sự khô, chúng tỏa ra thứ mùi thật nặng. Tất cả những nếp gấp, tất cả những ngóc ngách quần áo của tôi dường như đột nhiên quyết định kể những điều bí mật của chúng cho mọi người. Chưa bao giờ chuyện này xảy đến với tôi và tôi hoảng hốt nhận ra thân thể mình có thể tỏa ra một mùi kinh tởm đến thế nào. Hỗn hợp mồ hôi cũ và nước mưa hẳn là phải kích thích một phản ứng hóa học kỳ quái nào đó, và quần áo càng khô, cái mùi đó càng trở nên khó chịu và càng nồng nặc. Đến cuối cùng tôi còn ngửi thấy mùi bàn chân - một mùi thối kinh hoàng lan ra từ đôi giày da của tôi để tấn công lỗ mũi giống như một đám mây khí độc. Tôi thấy không thể nào một chuyện như thế lại có thể đang xảy đến với mình. Tôi tiếp tục lật giở cuốn Encyclopaedia Britannica, với hy vọng sẽ không có ai nhận ra điều gì, nhưng những lời cầu nguyện của tôi không mang lại kết quả. Một ông già ngồi đối diện với tôi ở cùng một cái bàn ngẩng đầu khỏi tờ báo của mình và bắt đầu đánh hơi, rồi ông ta ném về phía tôi một cái nhìn lộ rõ vẻ kinh tởm. Trong một lúc tôi có ý định nhảy vào ông ta để làm cho ông ta chừa cái thói thô lỗ ấy đi, nhưng tôi nhận ra mình không còn chút sức lực nào. Trước khi ông ta có cơ hội nói được điều gì đó, tôi đứng dậy và đi ra ngoài.
Bên ngoài, trời thật ảm đạm: một ngày u ám và xầm xì, đầy sương mù và niềm tuyệt vọng. Tôi có cảm giác dần dần không còn nghĩ được gì nữa. Một sự yếu ớt lạ thường len lỏi vào xương cốt tôi, và tôi chỉ còn giữ được cho mình khỏi ngã lăn ra. Tôi mua một chiếc sandwich tại một quán nhỏ bán đồ ăn không xa Colisseum, nhưng sau đó tôi không tài nào chú ý được đến điều đó nữa. Sau khi cắn được vài miếng, tôi gói nó lại cất vào túi để dành. Tôi đau họng và người toát mồ hôi. Tôi đi qua phố ở Columbus Circle, quay lại công viên và tìm một chỗ nào đó để nằm. Tôi chưa bao giờ ngủ vào ban ngày, và tất cả những chỗ trú ẩn của tôi đột nhiên trở nên thật tạm bợ, trơ trọi, không chút ý nghĩa khi thiếu sự bảo trợ của màn đêm. Tôi tiếp tục đi về phía Bắc, hy vọng tìm thấy nơi nào đó trước khi gục ngã. Cơn sốt tăng dần lên trong người tôi, và một sự kiệt sức ghê gớm dường như chiếm lấy từng khoanh óc tôi. Gần như không có ai trong công viên. Ngay đúng lúc tôi sắp sửa ngạc nhiên vì điều đó, trời bắt đầu đổ mưa nhỏ. Nếu họng tôi không đau đến vậy, có khả năng tôi đã cười. Và rồi, tôi bắt đầu nôn thốc nôn tháo. Những mẩu rau và sandwich bay ra từ miệng tôi, bắn lên vạt đất phía trước tôi. Quỵ gối xuống, tôi nhìn chăm chăm xuống cỏ, chờ đợi cơn đau thắt giảm mức độ. Sự cô đơn của con người là như thế đấy, tôi tự nhủ. Không có ai bên cạnh có nghĩa là như thế đấy. Tuy vậy, tôi không còn thấy tức giận nữa, và tôi nghĩ đến những lời đó một cách thẳng băng, khách quan tuyệt đối. Trong vòng hai hoặc ba phút, mọi việc làm tôi cảm thấy mình trở ngược lại nhiều tháng. Tôi không muốn ngừng tìm kiếm, và tôi tiếp tục bước đi. Nếu khi ấy có ai đó đến, hẳn tôi đã đề nghị họ đưa đến bệnh viện. Không có ai đến. Tôi không biết phải mất bao nhiêu thời gian, nhưng đến một lúc nào đó tôi tìm được một đám đá tảng được cây cối và bụi rậm bao quanh. Chúng tạo thành một cái hang tự nhiên, và không suy nghĩ thêm gì nữa, tôi bổ vào cái hố nông choèn đó, kéo theo sau mình mấy cành cây để chặn lối vào, rồi ngay lập tức thiếp đi.
Tôi không biết mình ở trong đó bao lâu. Hai hoặc ba ngày, hẳn vậy, điều đó không mấy ý nghĩa gì nữa khi nghĩ lại. Khi Zimmer và Kitty hỏi, tôi nói với họ là ba ngày, nhưng chỉ là bởi vì ba là một con số mang tính văn chương, số ngày mà Jonah đã trải qua trong bụng cá voi. Phần lớn thời gian tôi không mấy có ý thức và, ngay cả khi dường như tỉnh, quá bận tâm với những đau đớn của cơ thể, tôi vẫn hoàn toàn đánh mất khái niệm về nơi mình đang ở. Tôi nhớ những cơn nôn ọe kéo dài, những quãng thời gian điên cuồng khi người tôi run lập cập không ngừng, khi mà tiếng động duy nhất mà tôi nghe thấy là tiếng răng đập vào nhau. Cơn sốt thật khủng khiếp, và kéo theo những giấc mơ dữ dội - các ảo ảnh biến động không dứt dường như trực tiếp trồi ra từ lớp da nóng bỏng của tôi. Không có một hình thù cố định nào cả. Ngay khi một hình ảnh xuất hiện, nó liền biến thành một hình ảnh khác. Một lần, tôi còn nhớ, tôi nhìn thấy trước mặt tấm biển Moon Palace, sáng hơn trong thực tế rất nhiều. Những chữ bằng đèn nê ông hồng và xanh lớn đến mức ánh sáng của chúng bao phủ toàn bộ bầu trời. Rồi, đột ngột, chúng biến mất, chỉ còn lại hai chữ o của từ Moon. Tôi thấy mình bị treo lơ lửng vào một trong hai chữ đó, vật lộn để dính được vào đó, bò quanh giống như một người làm xiếc vừa để hỏng một động tác nguy hiểm. Rồi tôi trèo lên trên nó, bò quanh giống như một con sâu bé tí xíu, rồi tôi không còn tồn tại chút nào nữa. Hai chữ o đã trở thành những con mắt, đôi mắt khổng lồ của con người đang khinh bỉ và sốt ruột nhìn tôi. Chúng tiếp tục nhìn tôi chằm chằm, và sau một lúc tôi tin rằng đó là cái nhìn của Chúa.
Mặt trời xuất hiện trở lại vào ngày cuối cùng. Tôi không còn nhớ đã làm việc ấy, nhưng vào một lúc nào đó hẳn là tôi đã bò ra khỏi cái hang để nằm lên trên cỏ. Đầu óc tôi rối loạn đến mức tôi nghĩ sức nóng của mặt trời có khả năng trục xuất cơn sốt khỏi người tôi, đuổi đi một cách cụ thể bệnh tật khỏi xương cốt tôi. Tôi còn nhớ mình nhắc đi nhắc lại không mệt mỏi cụm từ mùa hè muộn, nhiều lần đến mức cuối cùng những từ đó không còn mang ý nghĩa gì nữa cả. Bên trên tôi, bầu trời mênh mông, sáng chói và bất tận. Nếu tiếp tục nhìn nữa, tôi cảm thấy mình sẽ tan biến vào trong ánh sáng. Sau đó, không hề có ý thức là mình ngủ, tôi đột nhiên mơ thấy những người Da đỏ. Tôi thấy tôi, cách đây ba trăm năm mươi năm, đang đuổi theo một nhóm người cởi trần chạy qua những khu rừng ở Manhattan. Đó là một giấc mơ sống động lạ thường, tàn nhẫn, chính xác đến từng chi tiết, đầy những hình bóng lao đi như mũi tên giữa những cành lá lốm đốm ánh sáng. Một cơn gió nhẹ làm lay động tán lá và khỏa lấp tiếng các bước chân, và tôi tiếp tục im lặng tiến lên sau những người đó, dáng điệu nhanh nhẹn giống y như họ, cảm thấy mỗi bước một hiểu hơn được linh hồn của khu rừng. Nếu tôi nhớ rõ ràng được đến vậy những hình ảnh đó, thì có thể là vì chúng trùng hợp với thời điểm Zimmer và Kitty tìm thấy tôi, đang nằm trên bãi cỏ, với giấc mơ kỳ lạ và dễ chịu quay cuồng trong đầu. Kitty là người nhìn thấy tôi đầu tiên, nhưng tôi không nhận ra cô, cho dù tôi cảm thấy cô rất quen thuộc. Cô buộc trên đầu cái khăn Navaho, và phản ứng đầu tiên của tôi là nghĩ đó là một hình ảnh sót lại, một linh hồn phụ nữ hiện ra từ bóng tối giấc mơ của tôi. Sau này, cô kể cho tôi là tôi đã mỉm cười với cô, và khi cô cúi xuống để nhìn tôi gần hơn, tôi đã gọi cô là Pocahontas. Tôi nhớ rằng tôi nhìn cô không rõ vì bị mặt trời làm lóa mắt, nhưng tôi nhớ rất rõ là cô khóc khi tiến lại gần tôi, mặc dù sau này không bao giờ cô chịu thừa nhận điều đó. Một lúc sau, đến lượt Zimmer bước vào bức tranh, và tôi nghe thấy giọng của anh. “Đồ khốn kiếp ngu xuẩn,” anh nói. Im lặng một chút, và rồi, sợ làm tôi mệt vì một bài diễn văn quá dài, anh nhắc lại: “Đồ khốn kiếp ngu xuẩn. Đồ khốn kiếp ngu xuẩn thậm tệ.”
Moon Palace Moon Palace - Paul Auster Moon Palace