Khi học trò đã sẵn sàng, thầy giáo sẽ xuất hiện.

Ngạn ngữ cổ Trung Hoa

 
 
 
 
 
Tác giả: Astrid Lindgren
Thể loại: Tuổi Học Trò
Dịch giả: Phạm Văn
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 13
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 222 / 15
Cập nhật: 2020-01-25 21:17:45 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Cậu Ấy Đi Ngày Đi Đêm
ẠN CÓ NGHE chương trình phát thanh hôm 15 tháng Mười năm ngoái không? Bạn có nghe bản tin về một bé trai mất tích không? Bản tin đó thế này:
"Cảnh sát Stockholm đang tìm kiếm một bé trai chín tuổi ở số nhà 13 Phố Bắc mất tích hồi sáu giờ chiều hai ngày trước. Karl Anders Nilsson tóc sáng, mắt xanh, khi mất tích cậu bé mặc quần soóc, áo len xám dài tay, đội mũ đỏ. Ai biết cậu bé ở đâu xin liên lạc với cảnh sát."
Đấy, bản tin nói thế. Nhưng chẳng ai có tin tức gì về Karl Anders Nilsson cả. Cậu ta biến mất, vậy thôi. sẽ không có ai biết được chuyện gì đã xảy ra với cậu ta. Không ai biết cả, ngoại trừ tôi. Bởi vì tôi chính là Karl Anders Nilsson.
Tôi ước ao giá gì gặp được Ben để kể cho nó nghe hết mọi chuyện. Tôi vẫn thường chơi đùa với Ben mà. Nó cũng sống trên Phố Bắc. Tên nó là Benjamin, nhưng mọi người đều gọi nó là Ben. Và dĩ nhiên cũng chẳng ai gọi tôi là Karl Anders hết, họ chỉ gọi là Andy thôi.
Ý tôi là ngày trước mọi người vẫn hay gọi tôi là Andy. Bây giờ, khi tôi đã mất tích rồi thi họ chẳng gọi tôi là gì nữa cả. Mỗi cô Hulda với chú Olaf gọi tôi là Karl Anders thôi. Mà nói đúng ra, chú Olaf cũng không thực sự gọi tôi là cái gì bao giờ. Chú ấy có khi nào trò chuyện với tôi đâu.
Tôi là con nuôi của cô Hulda và chú Olaf. Tôi đến sống với cô chú ấy từ hồi lên một. Trước đấy tôi ở trong Trại Trẻ. Cô Hulda tìm được tôi ở đó. Thật ra cô ấy muốn có một đứa con gái cơ, nhưng cô không kiếm được đứa nào. Cho nên cô mới nhận nuôi tôi, mặc dù cả chú Olaf lẫn cô Hulda đều không chịu nổi bọn con trai.
Nhất là khi chúng lên tám hay chín tuổi. cô chú ấy bảo rằng tôi làm náo loạn nhà cửa, tôi tha quá nhiều bùn đất vào nhà sau khi chạy chơi ngoài Công viên Tegnérlunden về, tôi quẳng áo quần lung tung mọi nơi, và cười nói quá là rầm rĩ. Cô Hulda hay nói cái ngày tôi bước chân vào nhà họ đúng là một ngày xui xẻo. Chú Olaf không nói gì... Thật ra, thỉnh thoảng chú ấy cũng nói, "Này nhóc, đi chỗ khác! Nhìn mặt mày tao chịu không nổi."
Phần lớn thời gian tôi sống ở nhà Ben. Cha nó trò chuyện với nó luôn mồm và giúp nó làm các mô hình máy bay, lại còn đánh dấu lên cửa bếp xem Ben cao lên được bao nhiêu, và nhiều việc đại loại như thế. Ben được phép cười nói và quăng áo quần bừa bãi khắp mọi nơi tùy thích. Thế mà bố nó vẫn yêu nó. Tất cả bọn con trai tha hồ đến chơi nhà Ben. Chẳng ai được phép đến nhà tôi chơi, vì cô Hulda bảo cô không muốn lũ trẻ con chạy rối lên khắp chỗ. Chú Olaf cũng đồng tình. Chú ấy bảo, "Một thằng nhóc chuyên gây rắc rối là đủ lắm rồi."
Thỉnh thoảng, vào buổi tối, khi lên giường đi ngủ, tôi hay ao ước giá như cha Ben cũng là cha tôi. Và tôi thường băn khoăn tự hỏi cha đẻ của tôi là ai nhỉ, tại sao tôi không được sống với ông, thay vì phải sống ở Trại Trẻ, hay là sống cùng với cô Hulda và chú Olaf. Cô Hulda bảo với tôi là mẹ tôi đã chết khi tôi ra đời. "Chằng ai biết cha mày là ai cả," cô nói, "nhưng đoán cũng dễ thôi, cha mày là một kẻ vô tích sự." Tôi căm ghét cô Hulda vì những điều cô nói về cha tôi. Có thể mẹ tôi đã qua đời khi sinh ra tôi là đúng, nhưng tôi biết cha tôi không phải là một kẻ vô tích sự. Và có không ít lần tôi nằm trong chăn rấm rứt khóc vụng vì ông.
Có một người đối xử với tôi rất tử tế là bà Lundy ở cửa hàng hoa quả. Thỉnh thoảng bà hay đãi tôi hoa quả và kẹo bánh.
Giờ đây, sau toàn bộ những gì đã xảy ra, tôi vẫn thường ngẫm nghĩ không hiểu thực ra bà Lundy là ai. Bởi vì tất cả mọi sự đều khởi đầu từ bà vào cái ngày tháng Mười năm ngoái ấy.
Ngày hôm đó cô Hulda cứ nói đi nói lại đến mấy lần là không hiểu cơn gió độc nào đã đưa tôi tới nhà cô ấy. Đến chiều tối, ngay trước lúc đồng hồ điểm sáu giờ, cô sai tôi chạy xuống cửa hàng bánh mì nằm trên Phố Queens mua lấy vài ổ bánh nho nhỏ mà cô ưa thích. Tôi chụp cái mũ đỏ lên đầu rồi chạy đi.
Khi tôi đi ngang qua cửa hàng trái cây, bà Lundy đang đứng trên ngưỡng cửa. Bà đưa tay nâng cằm tôi lên và nhìn tôi đăm đăm hơi lâu. Rồi bà hỏi, "Cháu có muốn ăn táo không?"
"Có ạ, cảm ơn bà," tôi nói.
Bà đưa cho tôi một quả táo chín đỏ, trông cực ngon. Rồi bà nói, "Cháu mang tấm thiệp bỏ vào thùng thư giúp bà được chứ?"
"Dĩ nhiên ạ, được giúp bà cháu vui lắm," tôi đáp. Thế là bà viết lên tấm thiệp vài dòng rồi trao nó cho tôi.
"Tạm biệt cháu, Karl Anders Nilsson," bà Lundy nói. "Tạm biệt, tạm biệt nhé, Karl Anders Nilsson."
Nghe thật lạ lùng. Trước đây bà ấy chưa từng gọi tôi bằng cái tên nào khác ngoài Andy.
Tôi vội vàng chạy đến chỗ thùng thư đặt cách đấy một dãy phố. Đang lúc chuẩn bị thả tấm thiệp xuống, tôi chợt thấy nó sáng rực cả lên và lấp lánh như ánh lửa. Đúng thế, những con chữ mà bà Lundy đã viết lóe lên rực rỡ không khác nào ngọn lửa! Tôi không thể nén nổi cơn tò mò nên đã đọc chúng. Và đây là những gì được viết trên tấm thiệp:
Kính gửi Đức Vua ở Xứ sở Xa Xăm
Kẻ mà Người tìm kiếm bấy lâu hiện đang trên đường đi đến. Cậu ấy đi ngày đi đêm, và cậu ấy mang trên tay dấu hiệu thần kỳ - một quả táo bằng vàng tuyệt đẹp.
Tôi chẳng hiểu lấy một chữ nào trong đó. Nhưng nó làm tôi ớn lạnh cả sống lưng. Tôi vội vàng ném tấm thiệp vào thùng thư.
Ai đang đi ngày đi đêm? Ai đang cầm một quả táo vàng trong tay vậy nhỉ?
Đến đây tôi chợt thoáng nhìn xuống quả táo bà Lundy đã cho tôi. Nó bằng vàng! Trên tay tôi là một quả táo vàng đẹp đẽ.
Sau đó tôi suýt nữa bật khóc. Chưa phải khóc thật đâu, mà là suýt nữa thì khóc thôi. Tôi thấy cô đơn quá. Tôi đến ngồi trên một băng ghế trong Công viên Tegnérlunden. Chẳng còn ai ở đây nữa. Có lẽ tất cả mọi người đã trở về nhà để dùng bữa tối. Trời đã gần tối giữa các hàng cây và mưa lất phất rơi xuống. Những ngôi nhà ở khắp xung quanh công viên đều đã lên đèn. Trong cửa sổ nhà Ben đèn cũng đã bật sáng. Như thế có nghĩa là nó đang ngồi trong nhà, ăn súp đậu và bánh kếp với cha mẹ nó. Đối với tôi, dường như sau mỗi ô cửa sổ sáng đèn đều có những đứa trẻ con đã trở về nhà cùng với cha mẹ chúng. Chỉ có tôi ngồi ngoài này, trong bóng tối. Một minh. Một mình với quả táo bằng vàng trên tay mà không biết phải làm gì với nó.
Tôi cẩn thận đặt nó xuống ghế đá bên cạnh mình, trong lúc nghĩ ngợi. Có một ngọn đèn đường gần đó, ánh sáng tỏa lên tôi và quả táo. Ánh sáng cũng tỏa lên một vật gì khác đang nằm trên mặt đất. Đó là một cái chai bình thường, dĩ nhiên là rỗng không. Ai đó đã nhồi một mẩu gỗ vào cái cổ chai, có lẽ là bọn trẻ chơi ở Công viên Tegnérlunden lúc chiều. Tôi nhặt cái chai lên và đọc nhãn dán trên đó, "Nhà máy bia Stockholm AB, Bia nhạt". Đang đọc, tự dưng tôi thấy có cái gì đó động đậy ở trong chai.
Một lần tôi mượn được cuốn sách tên là Nghìn lẻ một đêm ở thư viện của khu phố, trong đấy viết về một ông thần bị nhốt trong cái đèn. Nhưng tất nhiên chuyện đó ở tận xứ Arập xa tít mù tắp cách đây đã hàng nghìn năm, và tôi chẳng tin được là ông thần ấy lại ngồi trong cái chai bình thường. Những ông thần ngồi trong các chai lọ của nhà mấy bia Stockholm thì lại càng hiếm. Nhưng dù nói gì đi nữa, rõ ràng trong cái chai này có một ông thần. Tôi thề là ông ta ngồi trong cái chai! Nhưng ông ta đang muốn thoát ra. Ông ta vừa chỉ vào cái nút gỗ bịt chặt cổ chai vừa nhìn tôi đầy vẻ cầu khẩn. Dĩ nhiên tôi chưa bao giờ dính dáng gì đến các ông thần, nên tôi hơi hoang mang không dám rút cái nút gỗ ra. Nhưng sau cùng tôi cũng làm, thế là ông thần bắn vọt ra khỏi cái chai và bắt đầu lớn dần lên, cuối cùng thì to lớn đến nỗi ông ta cao hơn hẳn những ngôi nhà ở xung quanh Công viên Tegnérlunden. Các ông thần là thế đấy các bạn ạ, họ có thể thu mình lại bé tẹo đến mức chui lọt được vào một cái chai, rồi nháy mắt một cái lại to phình ra bằng cả cái nhà.
Các bạn không thể tưởng tượng nổi là tôi hoảng sợ đến mức nào đâu. Người tôi cứ run lẩy bẩy từ đầu đến chân ấy. Rồi ông thần cất tiếng nói với tôi. Giọng ông ta rền vang chẳng khác nào tiếng sấm, nên tôi nghĩ ngay rằng cô Huida và chú Olaf thể nào cũng sẽ nghe thấy; thế mà lúc nào họ cũng nghĩ là tôi nói to kinh khủng.
"Bé con," ông thần bảo tôi, "cậu đã giải thoát ta ra khỏi chốn tù đầy. Hãy nói xem ta phải trả ơn cậu cách nào đây?"
Nhưng nói chung tôi không muốn được trả ơn chỉ vì đã rút một cái nút gỗ bé tí teo ra. Ông thần bảo tôi rằng ông ta đến Stock¬holm đêm hôm qua và rằng ông ta chui vào cái chai để ngủ. Vì các ông thần vẫn biết chẳng có chỗ nào ngủ tốt hơn ở trong những cái chai cả. Nhưng trong lúc ông ta đang say sưa đánh giấc, có kẻ nào đó đã nút kín mất đường ra. Nếu không có tôi cứu thoát, e là ông ấy sẽ phải ở trong đó đến cả nghìn năm, cho đến chừng nào cái nút gỗ mủn ra mất.
"Chuyện này chắc sẽ khiến Đức Vua tôn quý của ta phật ý lắm đây," ông thần lẩm bẩm khẽ như nói thầm.
Đên đây tôi thu hết can đảm và hỏi, "ông thần ơi, ông từ đâu đến thế?"
Ông thần im lặng một lúc. Sau đó ông đáp, "Ta đến từ Xứ sở Xa Xăm."
Ông ấy nói to đến nỗi âm thanh cứ rền như sấm động mãi trong óc tôi, và có cái gì đó trong giọng nói của ông khiến tôi vô cùng ao ước được đến nơi ấy. Tôi cảm thấy mình chết mất nếu không đến được nơi đó. Tôi giơ hai tay về phía ông thần và kêu lên, "Xin hãy đưa cháu đi với ông! Ôi, xin ông hãy đưa cháu đến Xứ sở Xa Xăm! Ở đấy có người đang đợi cháu."
Ông thần lắc đầu. Nhưng khi tôi cầm quả táo vàng chìa về phía ông, ông thân chợt kêu lên, "Cậu đang cầm dấu hiệu trong tay kìa! Cậu chính là kẻ mà ta đến để đưa về đấy. Đức Vua vẫn tìm kiếm cậu suốt bao lâu nay!"
Ông cúi xuống và ôm gọn tôi trong hai cánh tay khổng lồ. Xung quanh rộn lên tiếng chuông lanh lảnh cùng những tiếng sấm rền vang, và chúng tôi bay bổng vào khoảng không, bỏ lại Công viên Tegnérlunden xa tít tắp dưới mặt đất, cánh rừng sẫm tối và những ngôi nhà có ánh đèn le lói trong ô cửa sổ, nơi bọn trẻ con đang quây quần ăn tối cùng cha mẹ chúng. Trong khi đó thì, tôi - cậu bé Karl Anders Nilsson, đang bay vút lên, dưới những vì sao.
Chúng tôi bay cao tít trên những tầng mây và di chuyển nhanh hơn ánh sáng, giữa tiếng rền vang còn hơn cả sấm sét. Những ngôi sao, mặt trăng và mặt trời lấp lánh ở xung quanh. Có lúc tất cả tối sầm như ban đêm, có lúc sáng chói và trắng lóa đến nỗi tôi phải nhắm nghiền mắt lại.
"Cậu ấy đi ngày đi đêm," tôi thì thầm một mình. Trong tấm thiệp viết đúng như thế.
Bỗng ông thần giơ tay chỉ xa xa về phía những đồng cỏ xanh tươi nằm lọt trong một vùng nước biếc trong leo lẻo và chan hòa ánh nắng rực rỡ.
"Nhìn kìa, Xứ sở Xa Xăm đấy," ông thần nói.
Chúng tôi bắt đầu đáp xuống một hòn đảo xanh.
Đó là một hòn đảo trôi lững lờ trên mặt biển, và trong không khí dậy lên hương thơm của muôn ngàn đóa hoa hồng và hoa bách hợp cùng những giai điệu lạ thường mà không thứ âm nhạc nào trên thế gian này sánh nổi.
Một tòa lâu đài bằng đá trắng khổng lồ nhô lên sừng sững trên bãi biển và chúng tôi đáp xuống đó. Phía trước mặt chúng tôi có một người đàn ông đang rảo bước dọc theo mép nước. Đó là Đức Vua cha tôi! Vừa thấy ông tôi đã nhận ra ngay. Tôi biết ông là cha của tôi. Ông dang rộng vòng tay và tôi chạy ào vào vòng tay ấy. Ông ôm chặt tôi một lúc lâu. Chúng tôi không nói với nhau một lời nào. Tôi chỉ quàng tay ôm cổ ông thật chặt.
Ôi, tôi ước giá gì cô Huida được gặp Đức Vua cha tôi, ông đẹp đẽ biết bao, áo quần ông mới lóng lánh nhiều vàng và kim cương làm sao. Khuôn mặt ông giống như cha của Ben, nhưng đẹp hơn. Thật tiếc là cô Huida không trông thấy ông. Nếu thấy, hẳn cô ấy phải hiểu ngay rằng cha tôi không phải là kẻ vô tích sự.
Nhưng cô Huida nói đúng khi bảo mẹ tôi đã mất lúc tôi chào đời, còn những kẻ ngu ngốc ở Trại Trẻ lại không bao giờ nghĩ tới việc báo tin cho Đức Vua cha tôi biết tôi đang ở đâu. Ông đã đi tìm tôi suốt chín năm ròng rã. Tôi vô cùng sung sướng vì rốt cuộc đã trở về nhà.
Đến nay, tôi sống ở Xứ sở Xa Xăm đã khá lâu. Mỗi ngày đều đầy ắp niềm vui. Đêm nào Đức Vua cha tôi cũng đến phòng tôi, chúng tôi cùng làm những mô hình máy bay và trò chuyện với nhau.
Tôi đang lớn lên và tôi sống thật hạnh phúc ở Xứ sở Xa Xăm này. Tháng nào Đức Vua cha tôi cũng vạch lên cửa bếp để xem tôi lớn nhanh chừng nào.
"Mio, con trai ta, con lại cao lên nhiều thật đấy," ông nói khi chúng tôi cùng nhau đo chiều cao của tôi. "Mio, con trai ta," ông nói, giọng ông vang lên mới ấm áp, dễ chịu làm sao. Hóa ra tên thật của tôi hoàn toàn không phải là Andy.
"Cha đã đi tìm con ròng rã suốt chín năm," Đức Vua cha tôi nói. "Hằng đêm cha vẫn thường nằm thao thức rồi tự nói với chính mình, 'Mio, con trai ta.’ Vì thế cha nhớ tên con rất rõ."
Đấy nhé, hóa ra gọi tôi là Andy là sai bét, sai y như tất cả mọi chuyện hồi tôi còn sống ở trên Phố Bắc vậy. Giờ đây mọi điều đã trở về đúng vị trí rồi.
Tôi yêu Đức Vua cha tôi, và Người cũng rất yêu tôi.
Tôi ước gì Ben cũng biết tất cả những việc này. Tôi nghĩ tôi sẽ viết cho nó một lá thư và đem bỏ vào trong chai. Sau đấy tôi sẽ đóng nút cái chai lại và ném nó xuống biển xanh bao quanh Xứ sở Xa Xăm. Thế rồi khi nào Ben và cha mẹ nó tới nhà nghỉ mùa hè của họ ở Vaxholm, và đúng lúc nó đang bơi, có thể cái chai sẽ trôi tới. Thế thì hay lắm! Tôi muốn Ben biết tất tật những chuyện thần kỳ đã xảy ra với tôi ở đây. Và nó cũng có thể gọi điện đến đồn cảnh sát mà kể cho họ nghe rằng cậu bé Karl Anders Nilsson tên thật là Mio, đang sống yên bình ở Xứ sở Xa Xăm cùng với Đức Vua cha nó, và mọi chuyện đều tuyệt vời, cực kỳ tuyệt vời.
Mio, Con Trai Ta Mio, Con Trai Ta - Astrid Lindgren Mio, Con Trai Ta