Số lần đọc/download: 8289 / 16
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Chương 2 -
C
huông điện thoại reo liên tục nhưng Vân Ảnh vẫn thản nhiên ngồi xem tivi.
Đợi Sam dưới bếp cau có bước lên, nó mới nói:
- Dám cá là bà nội. Em với nội kỵ rơ nên chị chịu khó bắt máy vậy.
Vân Sam ném cho Vân Ảnh cái nhìn nghiêm khác trước khi cầm ống nghe.
Đúng là giọng nội, bà chẳng cần biết ai ở đầu dây bên này mà cứ quát:
- Chúng bây làm gì mà lâu dữ vậy? Đứa nào đó?
- Dạ... Sam ạ!
Bà Năm dịu xuống:
- Qua nội có chuyện.
- Ngay bây giờ à nội?
- Ừ.
Sam chưa kịp hỏi thêm, bà Năm đã gác máy.
Vân Ảnh tò mò:
- Gì thế?
Sam nhát gừng:
- Qua nhà cô Thịnh ngay.
- Thế ai trông nhà mình khi em phải đi bây giờ?
- Tao không phải Tề Thiên để có thể phân thân làm hai, làm ba nhằm phục vụ một lúc nhiều người. Mày ở nhà lấy quần áo trong máy đem phơi, nhớ giũ ra cho thẳng thớm đó.
Vân Ảnh chép miệng:
- Đúng là... là... Đã không ở chung, nội vẫn điều khiển từ xa được. Đáng nể nang thật.
Vân Sam nhíu mày:
- Là con cháu, em không được phép nói như vậy, vừa bất hiếu, vừa vô hậu.
Vân Ảnh chép miệng:
- Lại dạy dỗ. Cháu đích tôn của nội bên trời Tây chớ đâu phải chị, sao chị lại giống tánh nội đến thế cơ chứ.
Sam không thèm trả lời, cô thay quần áo rồi dắt xe đạp ra. Càng lúc Sam càng nhận ra mình không đủ sức răn dạy Vân Ảnh, nó thật quá quắt từ lời ăn tiếng nói cho tới cách sống, cách nghĩ. Điều Sam ray rứt nhất là mẹ luôn bênh vực nó. Với mẹ, Ảnh lúc nào cũng đúng, đôi lúc Sam cảm giác chỉ nhỏ Ảnh mới là con mẹ, còn cô y như con ghẻ. Dù mẹ không mắng mỏ, đay nghiến, độc ác với Sam như những bà mẹ ghẻ trong phim ảnh, sách truyện, nhưng mẹ không khi nào âu yếm, ngọt ngào thân ái với Sam như Ảnh. Bà cũng chẳng giấu thái độ con thương con ghét của mình.
Mai Cúc vẫn an ủi cô: " Mỗi người đều có số mạng riêng, mày với cô Ngân chắc khắc mạng nên mới thế, nhưng mày vẫn còn cha, còn mẹ đầy đủ, chớ không mồ côi như tao... ".
Vân Sam chớp mắt. Nghe nhỏ Cúc nói mà thương, bởi vậy Sam phải lạc quan nghĩ rằng mình vẫn hạnh phúc hơn chán vạn người.
Bà Năm chậm chạp ra mở cổng cho Sam, cô ngạc nhiên:
- Có mình nội ở nhà sao?
- Ờ. Mày vào cạo gió cho bà...
Vân Sam kêu lên:
- Nội khó chịu lắm hả?
Bà Năm ngồi phịch xuống giường:
- Chắc nội trúng gió, nãy giờ chóng mặt quá.
Vân Sam vội vã tới tủ thuốc gia đình tìm chai dầu gió kim và đồng xu bằng bạc. Đợi bà Năm nằm xuống nệm, Sam kéo áo bà lên và nhẹ nhàng đánh gió. Những vật đỏ hồng hẳn lên trên lưng bà khiến cô xót xa quá đỗi.
Vân Sam nói:
- Trúng gió rất nguy hiểm. Lỡ lúc nãy nội té mà không có con ở nhà thì sao?
Giọng bà Năm hờn dỗi:
- Chết như vậy còn khoẻ, khỏi hành con hành cháu.
Sam nhỏ nhẹ:
- Nội về nhà mình đi nội.
- Tao làm gì có nhà. Điều làm tao ân hận nhất đời là nghe lời ngon ngọt của vợ chồng thằng Sinh bán đất bán vườn ở quê lên đây sống. Hừ! Vàng của tao vợ chồng nó lấy mua nhà rồi đầu tư làm ăn, nhưng nó lại xem tao như phường ăn bám. Tao hận lắm! Hận lắm!
Vân Sam nuốt tiếng thở dài. Cô dã nghe nội nhằn nhì chuyện này ức tỷ lần. Đó là chuyện của người lớn, phận con cháu như cô chỉ nghe chứ không nên bàn luận.
Giọng bà Năm đều đều:
- Phải cứ ở Vĩnh Long như xưa chắc con Ảnh đã không hư như bây giờ. Nội thật sai lầm. Sao lầm.
Vân Sam liếm môi:
- Lê n đây, chị em con có điều kiện ăn học hơn chớ nội.
Bà Năm cười khẩy:
- Đó là luận điệu của con Ngân, nó nhồi nhét ý tưởng đấy cho chúng bây. Nhưng thật ra, chị em bây đã học tới đâu? Tiến sĩ, thạc sĩ chưa, hay đứa nào cũng rớt đại học? Đừng tưởng tao là bà già trầu, một chữ bẻ đôi không biết rồi muốn nói sao thì nói nghen.
- Con đâu có nghĩ vậy.
- Nhưng con Ngân nghĩ thế. Nó luôn luôn xem thường nội, con Ảnh cũng vậy. Mẹ con nó học đòi theo kiểu trưởng giả.
Nhìn Sam, bà nói:
- May mà con` có con biết nghĩ, không thôi nội buồn chết.
Vân Sam im lặng, cô để ý nhiều lần và thấy nội hay tách rời cô với mẹ và Ảnh. Bà gọi mẹ cô là "Con Ngân" hoặc "Vợ thằng Sinh", "mẹ con Ảnh", chớ không khi nào là "Mẹ con Sam", dù cô là chị lớn. Nội chia gia đình ra làm hai phe. Phe thiểu số gồm Sam và bà. Phe đa số gồm ba mẹ và Ảnh. Bây giờ đã về ở với cô Thịnh, nhưng bà và Sam vẫn là một phe, buồn vui, hoạn nạn có nhau.
Vân Sam trầm giọng:
- Để con xoa bóp cho nội.
Bà Năm lim dim mắt:
- Ờ.
Rồi bà dò dẫm:
- Dạo này.. con Ngân hay đi sớm về trễ lắm phải không?
- Dạ đâu có.
- Hừ! người ta thấy nó ngồi sòng tứ sắc, ở nhà bà Kim Em thường xuyên mày còn bao che. Dạo tao ở bển, nó đâu tệ dữ vậy.
Vân Sam xoa dọc hai bên sống lưng bà:
- Mẹ con chỉ giải khuây cho vui mà nội.
Bà Năm cười khẩy:
- "Cờ bạc là bác thằng bần". Ở đó mà giải khuây. Tao sợ rồi nhà cửa cũng chẳng còn để ở.
Sam tự trấn an mình:
- Không đến nỗi đâu nội ơi.
Bà Năm chống tay ngồi dậy:
- Nội không muốn làm cái gai trong mắt mẹ con con Ngân. Hơn nữa, bác Hai Nghiêm không cho nội về bên đó, nếu là ngượy ý, nội sợ bác Hai con buồn.
Sam ngạc nhiên:
- Ủa! Bác Hai có nói như vậy sao nội?
- Có. Bác Hai gọi điện thoại về dặn dò cô Thịnh không để nội về bển, bác Hai giận ba mày lắm. Bác còn muốn con qua đây ở với nội luôn. Đợt này ba mày về, nội sẽ nói với nó ý của bác Hai Nghiêm.
Vân Sam buột miệng:
- Sợ ba mẹ không chịu.
Bà Năm nhìn cô:
- Quan trọng là con chịu hay không kìa?
Sam ngập ngừng:
- Mỗi ngày con sẽ qua đấm lưnmg cho nội, chớ ở luôn con ngại lắm. Dượng Tráng khó tính quá.
Bà Năm nói:
- Không thích thì thôi, đừng đổ thừa người khác. Dượng Tráng khó như vậy, con cái mới nên. Chớ dễ như ba mày, lũ chúng bây hư hết.
Vân Sam làm thinh, cô buồn khi bà nội quơ đũa cả nắm như vậy. Với Sam, từ "hư" nghe đáng sợ làm sao, nặng nề làm sao.
Có tiếng chuông ngoài cổng, Sam bước ra mở cửa. Thủy Hà vọt chiếc Best đỏ chói vào tận phòng khách. Thấy Sam, nó nghinh nghinh chẳng chào cũng chẳng cười lấy nửa miệng xã giao. Sam biết Hà là đứa kiêu căng, nó đã đậu đại học khi cô trượt, nó phóng Best Nhật vèo vèo khi cô vẫn cọt kẹt xe đạp, nó được cô Thịnh cưng đến mức xem nó như thần tiên. Hà hơn Sam tất cả mọi thứ, nhưng chẳng hiểu sao nó lại ghét Sam, ghét ra mặt mới kỳ chớ.
Lúc nãy Sam vờ viện ly do "dượng Tráng khó tính" để từ chối bà nội, chớ thật ra cô không muốn...đụng Thủy Hà. Qua đây ở, nó sẽ hành hạ cô không nương tay. người giúp việc nghĩ hết người này tới người khác chỉ vì không vừa lòng nó, làm sao Sam có thể sống chung với nó được.
Thảy balô bằng da ngoại mua ở shop có hiệu hẳn hoi lên salon, Thủy Hà hỏi trỏng:
- Qua đây vòi vĩnh, xin xỏ bà tình cảm hay tiền bạc vậy? Mà vòi thứ nào cũng không có thừa đâu nhá.
Vân Sam chua ngoa không kém:
- Cũng phải thôi, những thứ ấy Hà vòi hết rồi còn đâu. Nhưng đừng suy bụng ta ra bụng người chớ.
Bà Năm trợn mắt:
- Hai đứa này hay nhỉ? Không có chuyện gì vui hơn để nói à?
Thủy Hà bĩu môi:
- Không cùng...đẳng cấp khó nói lắm ngoại ơi.
Vân Sam giận tím mặt, cô thừa đanh đá để độp lại con nhỏ hợm hĩnh này đôi ba câu đau điếng, nhưng nghĩ tới nội, Sam đành thôi.
Thấy Sam im lặng, Thủy Hà bồi tiếp:
- Sao? Đúng vậy phải không Sam?
Bà Năm nạt:
- Thôi đi!
Thủy Hà vùng vằng:
- Lúc nào cháu nội cũng được bênh vực, ngoại đâu có thương con.
Vân Sam vội vàng nói:
- Thưa nội, con về.
Bà Năm kéo tay cô:
- Vào đây!
Dẫn Sam vào phòng, bà đóng cửa lại. Lấy trong túi ra tờ một trăm đô, bà thì thào như sợ Thủy Hà nghe được.
- Cất kỹ vào. Của bác Hai cho con.
Vân Sam ngạc nhiên:
- Sao tự nhiên lại cho con?
Bà Năm phẩy tay:
- Chậc! Cho thì cứ lấy, thắc mắc làm gì?
Vân Sam ngần ngừ:
- Nội cất giùm con đi.
- Không. Con cứ xài. Dạo này bác Hai làm ăn được nên mỗi tháng sẽ mỗi cho tiền con. Muốn sắm sửa gì tùy thích.
Sam thắc mắc:
- Mỗi mình con thôi à?
- Ờ.
- Như vậy, Thủy Hà và Vân Ảnh sẽ ganh tỵ, con không muốn.
- Tụi nó có thiếu thốn như con đâu. Đứa nào ganh tỵ, nội vã miệng nó. Nhớ đừng nói cho ai biết kể cả vợ chồng thằng Sinh.
Định hỏi "tại sao" nhưng Vân Sam đã kịp ngậm miệng. Với người lớn không phải câu hỏi nào cũng sẽ được giải đáp đâu. Tốt nhất vẫn là im lặng, rồi từ từ cũng sẽ được biết tất cả.
Sam nói:
- Con về, ngày mai sẽ qua xoa bóp cho nội.
Thủy Hà vẫn còn ngoài phòng khách, nó nhìn Sam một cách soi mói, chăm chú như kiểm tra xem cô có "thó" món gì của nhà nó không?
Bà Năm bảo:
- Hà! Ra đóng cổng.
Con nhỏ ngoe nguẩy đứng dậy. Tới sân, nó tra hỏi:
- Này! Bà lão dấm dúi tiền cho mày phải không? Tiền đó chắc chắn của ba mẹ tao. người tự trọng chả ai xoè tay nhận như thế đấu.
Vân Sam trả đũa:
- người tự trọng không ai mở miệng nói những lời như mày. Tồi lắm!
Dứt lời, cô đạp xe đi. Nắng chói chan trên đầu, nắng làm miệng Sam khô đắng, nhưng cô vẫn cố gắng đạp nhanh.
Về nhà, Sam muốn điên lên khi thấy... một nhà bạn của Vân Ảnh. Chúng mở nhạc và nhảy loạn trong phòng khách. Vân Sam vội rút về phòng của mình. Tuần sao cô thi tốt nghiệp, kết thúc ba năm học Cao Đẳng Marketing. Cô không muốn mình "Đậu phải cành mềm", cô muốn mau mau ra trường và tìm được một chỗ làm tương đối để không ăn bám vào ba mẹ nữa. Nhưng ồn như vũ trường về đêm thế này làm sao học được.
Cho sách vở vào túi, Vân Sam đạp xe đến ngôi chùa gần nhà. Chỗ này vắng vẻ lại yên tịnh, Sam sẽ không bị quấy rầy như ở nhà. Vào xin phép sư cô trụ trì xong, Vân Sam ra phía sau chùa. Ngồi dưới gố cây xoài to, cao, mát rượi, cô lấy vở ra học.
Đọc được vài ba câu, đầu óc Sam lại nghĩ ngợi lan man. Cô không biết bà nội đã nói gì với bác Hai Nghiêm về cô mà ông lại gởi tiền cho như vầy.
Sam chưa thấy mặt ông bao giờ, trước đây khi bà nội còn ở chung nhà, thỉnh thoảng gọi điện về thăm, bác Hai có trò chuyện với Sam. Chỉ là những thăm hỏi bình thường,nhưng Sam vẫn nhận ra trong giọng của ông có chất chứa tình cảm. Điều đó khiến mẹ khó chịu, Vân Ảnh tỵ nạnh bác Hai, thương cháu không đều, nên Sam cũng ngại mỗi khi nhận điện thoại của ông. Nếu bây giờ ai cũng biết bác Hai cho Sam tiền, chắc phiền phức lắm.
Bất giác, Sam thở dài. Cô chúi mũi vào quyển vở, mặc kệ tiếng tụng kinh từ chánh điện vang ra đều đều thoát tục.
Một bà lão tóc bạc trắng, dáng nhỏ nhắn phúc hậu trong bộ bà ba lụa màu mỡ gà từ hiên chùa bước ra. Bà chắp tay ra sau lưng bước thảnh thơi như tản bộ dưới khoảng sân lót gạch tàu đỏ như son.
Tới gần chỗ Sam, bà móm mém cười:
- Siêng học quá nhỉ!
Vân Sam hơi cúi đầu:
- Cháu chào bà ạ!
Bà cụ có vẻ hài lòng:
- Con cái nhà ai mà xinh quá thế kia.
Nghiêng đầu nhìn Sam, bà lại hỏi:
- Trông cháu quen quen. Thế tên gì?
Sam cũng ngạc nhiên vì câu hỏi bất ngờ này, cô nhỏ nhẹ:
- Dạ, cháu tên Vân Sam
- Tên ngộ thiệt!
Rồi bà cụ lẩm bẩm:
- Vân Sam! Tên này lạ hoắc, đâu phải người quen.
Dứt lời, bà lại thơ thẩn đi tiếp. Vân Sam tò mò nhìn theo. Bà cụ trông như bà tiên trong cổ tích. Chắc phải lớn tuổi hơn bà nội nhiều. Lòng Sam chợt dâng lên mối thương cảm. Nếu không bận học, chắc Sam sẽ đi theo để trò chuyện với bà cụ rồi.
Nhắc đến "học", Sam vội vã nhìn xuống vở rồi lẩm nhẩM đọc một đoạn dài. Nếu ai nhìn vào chắc chắn họ phải tưởng cô đang đọc kinh đua cùng các sư trong chánh điện.
Vân Sam tủm tỉm cười khi nghĩ tới tình huống đó. Ngay lúc ấy, cô nghe có tiếng kêu lên đau đớn. Sam vội nhìn về phía ấy và thấy bà cụ lúc nãy té ngồi trên sân.
Vội vứt quyển tập xuống gốc cây, Sam chạy về phía ấy.
Mặt bà cụ nhăn nhúm, trán rịn cả mồ hôi trông rất tội. Không đợi Sam hỏi, bà cụ nói trước:
- Bà bị trẹo chân. Ôi, đau quá!
Vân Sam dịu dàng:
- Cháu đỡ bà dậy nhé!
Bà cụ mím môi nương theo Sam rồi buông phịch người xuống:
- Đau lắm! Bà không đứng lên được. Cháu tìm mấy đứa cháu hộ bà.
Sam chớp mắt:
- Vâng ạ! Nhưng họ đang ở đâu ạ?
Bà cụ đưa tay áo lên lau mồ hôi tráng:
- Chắc là quanh quẩn đâu đây. Mà thôi đi. Bà sẽ cố vậy.
Vân Sam ái ngại:
- Cháu sẽ cõng bà tới ghế đá nhé.
Bà cụ nhìn Sam:
- Cõng à! Có được không khi bà không phải con nít?
Vân Sam gật đầu:
- Dạ được mà. Đã có lần cháu cõng bà nội của cháu. Nội cháu trông nặng hơn bà nhiều.
- Giỏi vậy à!
Vân Sam liền nói:
- Bà ráng đứng dậy, cháu mới cõng được.
Bà cụ cố nương theo Sam rồi ngã người lên lưng cô, tay ôm vòng cổ cho cô cõng.
Sam bước từng bước chậm, nhưng chắc chắn. Tới ghế đá, cô quỳ hẳn xuống đất, bà lão ngồi lên ghế, giọng cảm kích:
- Cám ơn cháu, cô gái tốt.
Vân Sam chạy tới gốc cây lấy chai dầu gió kim trong túi xách ra bôi vào chân bà lão.
Bà cụ nhìn cái mắt cá sưng phù và rầu rĩ:
- Chỗ này bị đi bị lại hoài. Chán ghê!
Rồi cũng như bất cứ bà già nào khác, bà cụ bắt đầu càm ràm:
- Đứa cháu quỷ quái đâu mất rồi.
Vân Sam dảo mắt, chả thấy đứa con nít nào trong sân cả. Cô tiếp tục xoa nhẹ chỗ bị sưng cho bà cụ một cách thận trọng, nhiệt tình.
Bà chép miệng:
- Có cháu gái thật sướng.
Sam tò mò:
- Cháu của bà là con trai à?
Bà cụ gật đầu: (#43)
- Con trai vừa ham chơi vừa vô tâm. Thằng bé nhà bà hời hợt lắm. Đưa bà vào đây rồi nó biến đi đâu với lũ bạn, bà chẳng biết nữa.
Vân Sam thắc mắc:
- Vậy làm sao một lát bà về nhà?
Bà cụ nói:
- Có xe chờ ngoà đường. Tụi nó sẽ chở bà tới đó, lo gì.
Vân Sam tưởng tượng tới đám con nít lóc chóc và bảo:
- Cháu sẽ cõng bà ra xe, chớ tụi nhỏ sợ làm không được.
Đang nhăn mặt, bà cụ bật cười:
- Cháu nghĩ vậy à?
Sam thật thà:
- Vâng. Bà đừng ngại. Cháu sợ bọn trẻ con ham chơi, hời hợt sẽ làm bà bị đau thêm.
Bà cụ chớp mắt cảm động:
- Cháu thật biết nghĩ tới người khác.
Ngay lúc đó, Sam thấy một cô gái trạc tuổi mình mặc váy jean màu xand đen chạy tới phía ghế đá.
Vừa đi con bé vừa nói:
- May quá! Nội ở đây mà tụi con tìm muốn chết. Sao khi không nội đi đâu vậy?
Bà cụ xẵng giọng:
- Đi đâu là đi đâu? Các cô các cậu bỏ bà già này một mình, giờ con` trách móc.
Cô gái ném về phía Vân Sam cái nhìn nghi ngại:
- Ai mà nội ngồi chung vậy? Đã đến lúc chúng ta về rồi.
Bạ củ hỏi trỏng:
- Cháu nội tôi đâu? Bảo nó tới đây.
Cô gái khó chịu, nhưng vẫn cố nhỏ nhẹ:
- Vâng.
Rồi quay lưng đi một nước. Một phút sau, một thanh niên cao to đi vào.
Miệng mỉm cười hết sức lôi cuốn, anh ta đến bên bà cụ:
- Mình về nội nhé!
Bà cụ nghiêm mặt:
- Có thấy nội ngồi với khách không? Sao không chào?
Gã thanh niên hơi khựng lại, nhưng nụ cười vẫn không tắt trên môi. Hắn nheo mắt nhìn Sam, giọng hơi riễu cợt:
- Chào cô bé. Anh là Dy, Vũ Dy.
Vân Sam lúng túng trước tình huống bất ngờ này, cô ngập ngừng:
- Vâng, chào anh.
Quay sang bà cụ, gã nói:
- Mình về được rồi chứ nội.
Bà lão bắt bẻ:
- Không cần biết tại sao tôi phải ngồi đây.
Dy vẫn cười cười:
- Chắc nội đang nói chuyện kinh tế với... tín nữ này. Không biết pháp danh của tín nữ là gì.
Bà cụ cau mặt:
- Không đùa nữa. Mau cám ơn người ta đi. Vừa rồi, nội bị trẹo chân té giữa sân. Cháu đây đã cõng nội ra ghế ngồi nghĩ, không có Vân Sam, chắc nội đành... lết chớ chả đi được dù nửa bước.
Dy nhìn Sam, ánh mắt dịu xuống, giọng chân tình:
- Cám ơn Vân Sam nhiều lắm.
Cô nghe mặt nóng bừng:
- Đâu có chi. người khác cũng làm như tôi mà.
Dy xem xét bàn chân bà cụ rồi nói:
- Con sẽ cõng nội ra xe.
Bà lão ậm ự:
- Được không đó?
- Sao lại không? Nội nhẹ hều!
Rồi anh ngồi xổm xuống trước mặt bà:
- Mời... lão thái quân lên ngựa.
Sam thấy mặt bà cụ vui hẳn ra. "Thằng bé" nhà bà quả là biết cách làm vui lòng bà nội.
Bà cụ nắm tay Sam thật chặt:
- Bà về nghen. Mai mốt lại gặp cháu ở chùa này. Nhớ đi chùa thường nghen.
Vân Sam lễ phép đứng dậy:
- Dạ bà về ạ.
Bà cụ Ôm cổ Dy, anh ta cõng bà nội mình nhẹ tênh.
Mỉm cười với Sam, Dy nói:
- Chào nhé Vân Sam. Mong sẽ gặp lại.
Con nhỏ lúc nãy xuất hiện, nhìn hai bà cháu Dy nó kêu lên:
- Ủa! Chuyện gì đây? Sao lại phải cõng?
Chẳng nói chẳng rằng, Dy dúi đôi hài cườm của bà cụ vào tay con nhỏ.
Con bé vùng vằng:
- Tự nhiên bắt người ta xách bóp...
Buông cho mặc đôi hài rơi xuống đất, con nhỏ phủi lia phủi lịa bộ váy của mình và te te đi trước thật nhanh.
Vân Sam bất nhẫn vô cùng, nhặt đôi hài có bức theo sau Dy.
Ra tới cổng nhà, Sam thấy một chiếc du lịch đời mới đậu sẵn, kế bên bà bốn người trai gái có đủ, trong số đó, Sam thấy con bé mặc váy jean đang hất mặt nhìn trời thật kênh kiệu. người tài xế mở cửa cho Dy đặt bà cụ vào, Vân Sam đưa hài cho anh ta rồi trở vô chùa. Sam không thích cái nhìn cũng như cung cách của con bé đấy. Nó gợi cho Sam nhớ tới Thủy Hà. Những kẻ nông cạn, tự mãn, khinh người đều có điệu bộ giống thế. Tốt nhất là tránh xa họ ra,kinh nghiệm sống đã mách bảo Sam như vậy.
Quay về với gốc cây xoài, Vân Sam cầm quyển vở lên. Dù không muốn những hình ảnh vừa qua vẫn hiện ra trong đầu cô. Nụ cười của Dy, ánh mắt sáng nhìn như thấu tâm can người khác của hắn làm cô bồi hồi. Nhưng tất cả chỉ là cơn gió thoảng. Thi tốt nghiệp xong, Sam sẽ không có dịp vào đây nửa, bở vậy "Mong sẽ gặp lại" của bà cháu Dy rồi chỉ là một mong ước viển vông.