We should read to give our souls a chance to luxuriate.

Henry Miller

 
 
 
 
 
Tác giả: Kim Dung
Thể loại: Kiếm Hiệp
Nguyên tác: 鹿鼎記
Upload bìa: Minh Khoa
Số chương: 251
Phí download: 14 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 17529 / 622
Cập nhật: 2015-11-07 12:54:12 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Phi Lộ 2 -
ặp thời loạn lạc thiếu gì tiểu nhân đắc chí còn bậc quân tử thường bị tai họa. Ngô Chi Vinh tri huyện Quy An, Hồ Châu, trong thời kỳ tại chức là người tham lam tàn ác, trăm họ đều căm giận, sau họ Ngô bị người tố giác, triều đình liền hạ lệnh cắt chức hắn. Ngô Chi Vinh đã mất quan mà lúc ra đi còn quét thêm một mẻ. Hắn làm bộ con người thủy chung đến các nhà giàu trong huyện để cáo từ. Tới đâu hắn cũng nói là trong thời kỳ làm quan, hắn giữ đạo thanh bần. Thậm chí bây giờ đứng lên cũng không còn đủ tiền lộ phí để trở về nguyên quán. Một số nhà giàu thấy hắn đến, đều muốn hắn đi ngay cho khuất mắt liền cho hắn, người thì dăm bảy lạng, kẻ vài nén, để khỏi phải mất thì giờ nói chuyện rườm rà. Ngô Chi Vinh vào nhà họ Lý xin trợ cấp. Chủ nhân Lý Hưu Minh là người chính nhân quân tử, ghét kẻ tham tàn như quân thù nghịch. Chẳng những không cho họ Ngô đồng nào mà còn dùng lời mai mỉa:
-Khi các hạ làm quan ở Hồ Châu lấy tiền bạc của dân đâu phải ít? Nhân dân Hồ Châu bị các hạ chà đạp cực kỳ khổ nhục. Lý mỗ dù có thừa tiền cũng chỉ đem chuẩn tế dân nghèo hoặc giúp người bị tai nạn, chớ chẳng khi nào cho bọn tham ô. Ngô Chi Vinh đã không được tiền còn bị nhục mạ, nhưng đành ngậm hờn chớ không làm thế nào được. Hắn lần mò vào trấn Nam Tâm giở trò vay mượn. Trong trấn này, Trang Doãn Thành vẫn kết giao với bọn văn nhân. Vinh mà lần mò tới họ liền buông lời chế giễu tên tham quan mà họ ghét cay ghét đắng này. Trang Doãn Thành cũng gói cho Ngô Chi Vinh hai lạng bạc và bảo hắn rằng:
-Ðối với hành vi của các hạ lúc đương làm quan thì dù một vài lạng bạc cũng không nên cho. Nhưng tại hạ nghĩ rằng trăm họ ở Hồ Châu mong các hạ đi sớm giờ nào hay giờ ấy, vậy đây là tiền tiễn chân để các hạ lên đường cho lẹ. Ngô Chi Vinh tức giận vô cùng! Bất giác hắn đưa mắt thấy trên bàn có để bộ Minh Thư Tập Lược, liền bụng bảo dạ:
-Lão Trang này vốn tính ưa nịnh, tham danh hảo huyền. Ta thường nghe nói ai mà phỉnh hắn một câu là hắn hai tay nâng bọc tặng người, không hề nhăn mặt nhíu mày. Ngô Chi Vinh nghĩ vậy liền tươi cười nói:
-Trang ông đã ban cho thì dù ít dù nhiều nếu tại hạ khước từ cũng là bất kính. Bữa nay tại hạ từ biệt Hồ Châu. Ðiều đáng tiếc là chưa có được một bộ sách "Của báu Hồ Châu" đưa về để bọn hủ lậu thôn quê coi cho mở rộng tầm mắt. Trang Doãn Thành hỏi:
-Của báu Hồ Châu là cuốn sách gì? Ngô Chi Vinh đáp:
-Trang ông chẳng nên khiêm nhượng quá cỡ. Trong bọn sĩ lâm còn ai không biết bộ Minh Thư Lược Tập do thủ bút của lệnh lang là Kiến Long công tử đã soạn ra. Pho sách này về sử liệu cũng như về bút pháp đều cực kỳ hoàn bị. Thật là một pho sách xưa nay hiếm có, nên người ta bảo là: " Tả, Mã, Ban, Trang là bốn đại sử gia tự cổ chí kim ".Của báu Hồ Châu dĩ nhiên là pho sách Minh Thư Lược Tập do thủ bút của lệnh lang soạn thảo. Ngô Chi Vinh một điều nói "Do thủ bút của lệnh lang soạn thảo" hai điều nói "Do thủ bút của lệnh lang soạn thảo" khiến Trang Doãn Thành nở mặt nở mày. Tuy lão biết rõ pho sách đó không phải do chính tay con lão soạn thảo nên trong lòng có ý hối tiếc, nhưng lời nói của Ngô Chí Vinh cũng làm cho lão mát ruột. Trang Doãn Thành nghĩ thầm trong bụng:
-Ai cũng bảo thằng cha này là tên mọt dân hại nước, tiểu nhân tục tằn. Dù sao hắn cũng là người có học và hiểu biết. Té ra bên ngoài họ ca tụng cuốn sách của Long nhi là "của báu Hồ Châu". Thế mà nay mình mới nghe hắn nói là một. Lão liền tươi cười hỏi:
-Vinh ông nói cái gì mà Tả, Mã, Ban, Trang là bốn đại sử gia? Tiểu đệ chưa rõ, xin Vinh ông chỉ giáo. Ngô Chi Vinh thấy Trang Doãn Thành bộ mặt ra chiều hớn hở liền biết lão đã mắc mưu thì trong bụng mừng thầm. Hắn thủng thỉnh đáp:
-Hà tất Trang ông quá khiêm tốn. Tả Khâu Minh làm sách "Tả Truyện" Tư Mã Thiên soạn pho "Sử ký". Ban Cố làm sách "Hàn Thu". Những tác phẩm này nổi danh truyền tụng đã tới ngàn năm. Sau Ban Cố có thể nói không cón có đại sử gia nào nữa, Âu Dương Tu có soạn sách "Ngũ đại sử" Tư Mã Quan soạn sách "Tư trị thông giảm" Mấy pho này văn chương có phần lỗi lạc nhưng về sử liệu và kiến thức chưa được dồi dào lại có chỗ sai trật. Mãi đến đời thịnh thế nhà Ðại Thanh ta mới có lệnh lang soạn được bộ Minh Thư Tập Lược là một tác phẩm rực rỡ nhất trong vòng ngàn năm nay. Dân chúng và nhân sĩ đưa lệnh lang lên ngang hàng với các vị Tả Khâu Minh, Tư Mã Thiên, Ban Cố. Vì thế mà có câu Tả, Mã, Ban, Trang" tứ đại sử gia. Trang Doãn Thành cười khanh khách nói:
-Vinh ông tán dương một cách sai lầm rồi đó. Nếu bảo Minh Thư Tập Lược là "của báu Hồ Châu" lại càng không xứng đáng. Ngô Chi Vinh nghiêm nghị hỏi:
-Sao lại không đáng? Người ta còn nói: "Trong Hồ Châu tam bảo sử thì pho của họ Trang là đệ nhất, chẳng lẽ tiên sinh không nghe thấy hay sao? ". Tơ tầm và bút lông là đại sản phẩm của Hồ Châu nổi tiếng khắp thiên hạ. Ngoài ra còn một thứ danh sản nữa là bánh chưng, nhưng chỉ nổi tiếng ở Giang Nam, còn người ở nơi xa ít ai biết tới. Ngô Chi Vinh tư cách đã hèn nhưng cũng có chỗ tài tình là xuất khẩu thành chương, nói năng lưu loát. Lão đưa bộ "Trang sử" (bộ sử của họ Trang) lên ngang hàng với tơ tầm và bút lông và kêu bằng "Hồ Châu tam bảo". Trang Doãn Thành nghe hắn nói cũng nức lòng hả dạ. Ngô Chi Vinh lại nói:
-Tiểu đệ đến quý xứ làm quan, đứng dậy hai bàn tay không, chẳng được chút gì. Bữa nay mặt dạn mày dày xin Trang ông một bộ Minh sử để làm của báu truyền đời cho nhà họ Ngô. Ngày sau con cháu sớm hôm coi đọc, tất nhiên kiến thức tiến triển làm rực rỡ tông môn cũng là nhờ Trang ông ban cho rất hậu vậy. Trang Doãn Thành cười đáp:
-Những cái đó dĩ nhiên tại hạ kính tặng. Ngô Chi Vinh lại nói chuyện mấy câu nữa mà chẳng thấy Trang Kiến Thành có cử động gì. Hắn trở lại tán tụng pho Minh sử một lúc nữa. Thực ra Ngô Chi Vinh chưa đọc một trang nào trong pho sách này mà chỉ ăn cố nói mò. Trang Doãn Thành nói:
-Xin Vinh ông hãy ngồi chơi một chút. Rồi lão quay người vào nội đường. Lát sau một tên gia đinh bưng ra một bọc đặt xuống bàn. Ngô Chi Vinh chưa thấy Trang Doãn Thành trở ra, vội thò tay nắn bóp cái bọc rồi nhấc lên coi. Cái bọc tuy lớn mà nhẹ xọp. Hiển nhiên chẳng có tiền bạc gì. Trong lòng hắn rất là thất vọng. Lát sau Trang Doãn Thành trở ra sảnh đường, hai tay bưng cái bọc lên cười nói:
-Vinh ông đã ưa mấy món thổ sản của tệ xứ thì tại hạ xin kính tặng. Ngô Chi Vinh cảm ơn rồi cáo từ đi ra. Hắn về tới quán trọ việc đầu tiên là thò vào trong bọc thì chỉ thấy có một bộ sách, một bó lụa và mấy chục cây bút. Hắn đã phí bao nhiêu nước bọt tán dương là trong bụng chắc mẩm là ngoài pho Minh sử, Trang Doãn Thành sẽ còn tặng thêm vài trăm lạng bạc. Ngờ đâu lão họ Trang chỉ cho mấy món Hồ Châu tam bảo sơ sài này, hắn mắng thầm trong bụng.
-Mẹ kiếp! Thằng cha này giàu có như vậy mà khí cục nhỏ nhen. Mình nói sùi bọt mép mà hắn chẳng cho chút tiền bạc nào. Cũng có khi tại mình dại không biết nói rõ Hồ Châu tam bảo là vàng bạc và Minh sử thì lại được tiền chưa biết chừng? Hắn liệng cái bọc xuống bàn rồi nằm lăn ra ngủ. Lúc Ngô Chi Vinh tỉnh dậy thì trời đã tối mịt. Những khách hàng trong quán đều đến giờ ăn tối. Hắn vừa buồn bực vừa đói bụng cũng kêu nhà hàng lấy cơm canh cho ăn. Ngô Chi Vinh mở pho Minh Thư tập lược ra coi. Hắn mới coi vài trang đột nhiên trước mắt ánh vàng lấp loáng, hiển nhiên là tấm vàng lá xuất hiện. Ngô Chi Vinh trống ngực đánh thình thình, hắn dụi mắt coi kỹ lại thì đúng là vàng lá thiệt. Hắn liền run tay bần bật giử sách thì mười lá vàng rớt xuống. Mỗi lá là năm vạn hoàng kim. Thời bấy giờ vàng rất quý. Năm lạng vàng đáng giá năm trăm lượng bạc. Ngô Chi Vinh lúc làm tri huyện huyện Tri An tuy thu nhặt nhiều được hơn vạn lượng bạc, nhưng khi bị cách chức hắn còn phải đút lót khắp nơi để khỏi bị xử trị. Món tiền tham nhũng trên một vạn lượng bạc đã hết nhẵn. Bây giờ hắn được đến năm lạng hoàng kim thì trong lòng mừng rỡ kể sao cho xiết. Hắn nghĩ thầm:
-Lão họ Trang quả nhiên giảo quyệt. Hắn sợ mình lấy bộ sách về rồi vứt bỏ không thèm mở đến, nên hắn kẹp vàng lá vào trong sách để kẻ nào đọc bộ sách của con hắn là có phước lấy được vàng. Phải rồi ta đọc mấy thiên trong sách. Sáng mai lại vào tạ ơn cho vàng, đồng thời thuộc lòng mấy đoạn trong cuốn sách này để tán dương công trình của nhà hắn. Hắn nức lòng sẽ cho mình thêm mấy vạn lạng vàng nữa cũng chưa biết chừng. Ngô Chi Vinh nghĩ thế liền khêu đèn lên cho sáng để đọc sách. Hắn đọc tới năm Vạn lịch nhà Minh, rồi sau Kim thái tổ là Nổ Nhi Cập Xích lên ngôi quốc hiệu là Kim, dựng năm đầy lấy hiệu là Thiên Mệnh. Ðột nhiên trong lòng hắn run lên bụng bảo dạ:
-Ðức Thái Tổ lập ra cơ nghiệp năm bính thìn. Vậy từ năm tỵ không nên dùng đến niên hiệu Minh triều mà phải nói là Ðại Kim Thiên Mệnh nguyên niên mới đúng. Ngô Chi Vinh lật sách coi tiếp thì năm đinh mão, Kim Thái Tôn lên ngôi rồi, niên hiệu là Thiên Thông. Vậy mà trong sách vẫn nói "năm Thiên Khởi thứ 7 nhà Minh " chớ không đề "Ðại kim Thiên Thông nguyên niên". Sau năm bính tý nhà Kim đổi quốc hiệu là Ðại Thanh, đổi niên hiệu là Sùng Ðức thế mà pho sách này vẫn nêu "Sùng Trinh năm thứ 17" mà không đề "Ðại Thanh Thuận Trị nguyên niên". Ngô Chi Vinh xem tới đoạn: Sau khi quân Thanh vào quan ải rồi, về năm ất dậu, trong sách còn nêu "Long Võ nguyên niên". Ðến năm đinh hợi trong sách viết "Vĩnh Lịch nguyên niên". Long Võ và Vĩnh Lịch là niên hiệu của Minh Ðường vương và Minh Quế vương. Hiển nhiên người làm sách vẫn coi Minh triều là chính thống chớ chẳng coi nhà Thanh vào đâu. Ngô Chi Vinh coi tới đây bất giác vỗ bàn la lên:
-Hỏng rồi! Hỏng rồi! Thế này không được! Ngô Chi Vinh đập bàn một cái ngọn đèn dầu chấn động ngã lăn ra, hắn và vạt áo đều bị dầy dầu, đèn lửa tắt ngấm. Trong bóng tối đột nhiên hắn chấn động tâm thần, bất giác mừng rỡ.
-Phải chăng đây là cao xanh ban cho ta một phen đại phúc? Thăng quan phát tài đều ở chuyến này. Hắn nghĩ tới chỗ nức lòng hở dạ, bất giác hô hoán lên om xòm. Bỗng nghe có tiếng khách trọ phòng bên cạnh đập cửa la gọi:
-Khách quan! Chuyện gì vậy? Ngô Chi Vinh cười đáp:
-Không có chi hết. Rồi hắn thắp đèn lên lại, mở sách ra coi tiếp. Mãi đến lúc gà gáy hắn để yên quần áo lên giường nằm. Hắn nghĩ tới 7,8 chục chỗ trong sách có văn tự phạm húy và bị cấm kỵ rồi hắn cười khề khề không ngớt. Nên biết mỗi khi thay đổi một triều đại, tất cả các giấy tờ phải để ý đến niên hiệu đương kim. Tỷ như ngày nay trên đại lục người nào làm văn dài hoặc viết giấy mà vì vô tình nêu "Trung Hoa Dân Quốc năm thứ...." là tất bị tai vạ đến thân. Dù đó là thuật việc lịch sử về những năm Dân Quốc cũng không được. Gặp trường hợp này phải viết: "Năm Thuận Trị, Khang Hy triều Thanh" mới vô tội vạ. Ðây mới là nói trong những văn tự thông thường đã phạm tội dẫn dụ người ta nhớ tới triều đại trước. Pho Minh Thư Tập Lược đã trước thuật công việc của đời Minh cấm ngặt cả văn tự thì lại là một mối họa lớn. Những người học giả văn sĩ tham dự vào việc biên soạn đa số chỉ giúp mỗi người vài thiên, chớ chưa kịp tham duyệt toàn bộ. Mấy vị soạn những thiên tối hậu vốn căm hờn triều Thanh thấu xương, nên không dùng niên hiệu nhà Ðại Thanh. Trang Kiến Long vì hai mắt đui mù không thể phát giác được nên bị bọn tiểu nhân thừa cơ hội nước đục thả câu. Trưa hôm sau Ngô Chi Vinh liền mướn thuyền đi về phía Ðông xuống Hàng Châu. Hắn vào quán trọ viết thiếp cùng tờ bẩm và đưa cả pho sử vào cho tướng quân Tùng Khôi trong phủ. Hắn chắc mẩm Tùng Khôi nhận đưọc thiếp sẽ mời vào ngay vì lúc nhà Mãn Thanh đang truy thám rất gắt gao bọn phản nghịch. Ai cáo tố đều được thưởng rất hậu. Ngô Chi Vinh tưởng mình lập được công lớn này có thể phục hồi quan chức, không chừng còn được hoàng đế cho thăng lên ba bậc. Không ngờ hắn chờ trong khách điếm đến nửa năm cũng chẳng thấy tin tức gì. Hàng ngày hắn đến phủ tướng quân để nghe ngóng tin tức mà vẫn như đá chìm đáy biển. Thậm chí về sau bọn canh giữ môn phòng không cho hắn vào nữa. Ngô Chi Vinh trong lòng nóng nãy vô cùng, lại thấy số vàng lá mà Trang Doãn Thành tặng cho đã đổi bạc tiêu xài gần hết. Việc cáo trạng không được một chút xíu gì kết quả, hắn vừa phiền não vừa kỳ dị. Một hôm hắn đi chơi trong thành Hàng Châu qua thư cụ Văn Thông, hắn lần mò coi sách để giết thì giờ. Bỗng hắn nhìn thấy trên vựa sách có ba bộ Minh Thư Tập Lược thì nghĩ thầm trong bụng:
-Chẳng lẽ chỗ ta bới móc chưa đủ để đánh ngã Trang Doãn Thành chăng? Vậy ta phải tìm thêm những chỗ văn tự đại nghịch bất đạo và sáng mai lại viết thiếp đưa vào phủ tướng quân nữa xem sao. Nên biết quan tuần phủ Triết Giang là người hán tộc. Còn tướng quân là người Mãn Châu. Ngô Chi Vinh sợ quan tuần phủ không thụ lý vụ này nên mới đưa cáo giác vào phủ tướng quân. Ngô Chi Vinh mở sách ra coi mới được vài trang đã giật bắn cả người lên. Toàn thân lạnh ngắt như té vào hồ băng. trông hắn lúc này không khác nhà sư đang vò vò cái đầu trọc. Vì hắn thấy không những văn tự phạm luật cấm kỵ trong sách không còn tăm tích gì nữa mà kể từ ngày Thanh Thái Tổ mở nước sắp xuống trong sách đều đổi niên hiệu nhà Ðại Kim Ðại Thanh. Cả đến việc công kích Châu Vệ đô đốc (một vị thân thích với tổ tông nhà Ðại Thanh) cùng những văn tự viết bằng chữ lớn như niên hiệu Long Võ, Vĩnh Lịch đều mất sạch. Những trang sách được đóng vào rất kỹ càng rất sạch sẽ không một vết tẩy xóa. Cuộc biến hóa này thật là kỳ quái! Ngô Chi Vinh hai tay cầm cuốn sách đứng ngơ ngẩn xuất thần trong thư quán hồi lâu. Bất giác hắn lớn tiếng la:
-Phải rồi! Hắn thấy những trang giấy trong sách còn trắng tinh và mới toanh liền hỏi chủ nhân thì quả nhiên những sách này của nhà xuất bản Hồ Châu mới đưa tới chừng bảy tám bữa. Ngô Chi Vinh bụng bảo dạ:
-Thằng cha Trang Doãn Thành thật là ghê gớm! Thế mới biết tiền bạc có phép thần thông. Hắn thu hết sách cũ về khắc lại sách mới, đem bao nhiêu những văn tự phản nghịch trong sách cửa đổi và san khắc lại. Chẳng lẽ vụ này mình chịu bỏ qua? Quả nhiên những điều phỏng đoán của Ngô Chi Vinh rất đúng. Nguyên quan tướng quân Tùng Khôi là người Mãn Thanh không hiểu Hán tự. Một vị sư gia làm tân khách ở phủ tướng quân không muốn làm thành to chuyện, liền đem sách và thiếp của Ngô Chi Vinh bẩm lên quan tuần phủ Triết Giang để xin tuần phủ đại nhân tra xét. Vị tân khách ở phủ tướng quân họ Trình tên Duy Phiên là người phủ Thiệu Hưng tỉnh Triết Giang. Trải hai triều đại Minh và Thanh, những tân khách trong phủ mười người có đến tám chín người nguyên quán ở Thiệu Hưng. Vì thế mới có hai chữ "sư gia" dùng để trỏ tân khách ở Thiệu Hưng. Người ta còn kêu bằng Thiệu Hưng sư gia. Những vị sư gia này đã theo đòi các bậc tiền bối đồng hương học được nhiều bí quyết hành nghề, nên xử lý mọi việc hình án cùng quân lương rất là chu đáo. Bao nhiêu công văn đều do tay sư gia thảo. Quan lại đã là người đồng hương thì những viên chức cấp dưới có công văn trình lên ít khi bị bác bỏ, vì thế mà những vị quan lớn nhỏ mới đến nhậm chức đều đưa lễ hậu, vàng bạc đón mời một vị "Thiệu Hưng sư gia". Hai triều Minh, Thanh những người ở phủ Ðại Hưng làm quan to cũng không có nhiều, nhưng về việc thao túng mọi chính sự trong???? năm nay đã chiếm một trang kỳ tích trên lịch sử?? Trung Hoa. Trình Duy Phiên cũng là một người trung hậu, lại là một người làm việc đắc lực ở cửa công. Nói như vậy tức là quyền sinh sát, tuy ở trong tay quan phủ, nhưng sư gia thảo văn án cũng rất hệ trọng. Chỉ thêm bớt mấy chữ là có thể làm cho phạm nhân biến thành án nặng khiến trăm họ nhà tan cửa nát. Hoặc ngược lại, họ có thể cứu gỡ cho người thoát khỏi tội tử hình. Cũng vì thế mà có tiếng cửa công cứu người so với hiệu lực tu hành tại chùa chiền còn lớn hơn nhiều. Trinh Duy Phiên thấy vụ án Minh sử mà gây thành việc lớn thì không biết đến bao nhiêu người ở Tô Nam và Triết Tây phải nhà tan người chết. Trình Duy Phiên liền xin phép quan tướng quân nghỉ mấy bữa xuống thuyền đi ngay đến trấn Nam Tâm, phủ Hồ Châu, đem việc này báo cho Trang Doãn Thành hay. Trang Doãn Thành thấy bất thình lình tai họa đổ lên đầu thì chẳng còn hồn vía nào nữa. Lão bủn rủn cả người, miệng sùi bọt mép, không biết làm thế nào cho được. Sau một lúc lâu lão mới đứng lên quì xuống dập đầu tạ ơn Trình Duy Phiên, lão lão lại vấn kế hắn. Trình Duy Phiên ngay từ lúc ngồi thuyền từ Hàng Châu đến Nam Tâm đã suy nghĩ rất nhiều và tìm ra được diệu kế. Hắn nghĩ bụng:
-Pho Minh sử tập lược lưu truyền trong nước đã lâu,muốn dấu diếm cũng không được nữa. Bây giờ chỉ còn biện pháp duy nhất là thay cũ đổi mới. Một mặt phái người đến các thư điếm bỏ tiền mua hết sách cũ, một mặt mướn thợ khởi công làm đêm ngày san khắc lại, phế bỏ những điều cấm kỵ,in thành sách mới rồi cho phát hành. Ðến khi quan nha truy cứu thì đưa bộ Minh sử san khắc đưa ra là có thể khép Ngô Chi Vinh vào tội tố cáo không sự thực. Trình Duy Phiên đem kế này nói cho Trang Doãn Thành nghe. Trang Doãn Thành mừng rỡ kể sao cho xiết. Lão liền dập đầu tạ ơn Trình Duy Phiên. Trình Duy Phiên còn dạy Trang Doãn Thành rất nhiều chi tiết quan hệ. Ðối với vị quan nào nên dùng lễ gì, nha nào phải đi lại ra sao? Trang Doãn Thành nhất nhất nghe theo. Trình Duy Phiên trở về tới Hàng Châu mất nữa tháng. Bây giờ hắn mới thảo công văn chuyển bẩm lên quan tuần phủ Triết Giang là Châu Xương Tộ. Châu Xương Tộ tiếp được công văn thấy vụ án này thuộc về quyền quản trị của bên học chánh liền phê giao cho quan học chánh là Hồ Thượng Hành để mở cuộc điều tra. Lúc này Trang Doãn Thành đã đút tiền cho quan tướng quân ở nha môn. Cả tuần phủ nha môn và học chánh nha môn cũng vậy. Vị sư gia học chánh nha môn trước hết gác việc này lại hơn nửa tháng, sau lại cáo bệnh nghỉ một tháng rồi mới từ từ lập thủ tục làm hồ sơ tâu về phủ Hồ Châu. Viên học quan ở phủ Hồ Châu cũng gác lại hơn hai chục ngày rồi mới làm công tư văn về hai vị học quan ở huyện Quí An và huyện Ô Trình và yêu cầu hai vị này cứu xét rồi phúc bẩm. Hai vị học quan ở huyện Quí An và Ô Trình cũng đã nhận hậu lễ của Trang Doãn Thành đút lót. Hiện giờ pho Minh sử mới đã ấn loát xong và cho phát hành. Hai viên học quan liền đem bộ Minh sử mới khắc và làm tờ phúc bẩm báo:
"Cuốn sách này rất tầm thường, chẳng ích gì cho nhân tâm thế đạo, nhưng xét toàn bộ không có đìều gì cấm kỵ". Bao nhiêu quan nha phúc bẩm đều nói là chẳng quan hệ gì nên đình cứu không xét tới nữa. Ngô Chi Vinh ngồi chờ đợi tin tức trong khách điếm ở Hàng Châu là thời gian mà Trang Doãn Thành vung tiền như nước để chạy chọt và san sách. Từ lúc Ngô Chi Vinh phát hiện ra pho Minh sử mới ở thư điếm, mới vở lẽ là nội vụ hỏng rồi. Hắn nghĩ bụng: bây giờ chỉ còn cách tìm được nguyên bản về bộ Minh sử này mới có thể đưa vụ án này ra tái xét xử. Hắn liền đi khắp các tiệm sách ở Hàng Châu nhưng những sách cũ đã bị Trang gia mua hết. Hiện nay cả các châu huyện hẻo lánh miền Triết Ðông cũng không còn lấy một pho thì hắn tìm đâu ra được. Ngô Chi Vinh buồn rầu coi rất thảm hại, chỉ còn cách bỏ về làng. Ngờ đâu trong khi đi đường hắn qua một tiệm sách thấy chủ nhân vừa đọc sách vừa lắc đầu nguầy nguậy. Ngô Chi Vinh nhìn kỹ lại thì là pho Minh sử tập lược. Hắn liền mượn coi một chút thì đúng là bản sách cũ. Ngô Chi Vinh toan hỏi mua nhưng hắn lại nghĩ thầm:
-Nếu mình hỏi mua thì chưa chắc hắn đã chịu bán. Hơn nữa ta lại không có tiền bạc thì làm sao được. Bây giờ chỉ có cách là lấy pho sách này. Hắn nghĩ vậy liền xin ngũ trọ rồi đến đêm khuya lén lút trở dậy lấy cắp pho sách rối chuồn đi. Hắn lại bụng bảo dạ:
-Bao nhiêu quan nha toàn tỉnh Triết Giang đều đã ăn của đút của Trang doãn Thành. Vụ này phải lên thành Bắc Kinh tố cáo mới xong. Ngô Chi Vinh tới Bắc kinh liền viết tờ trình đưa vào Lễ bộ, Ðô Sát viện và Thông Chi Ty là ba tòa liên quan đến vụ Minh sử. Trong cáo trạng hắn còn nói rõ cả việc nhà họ Trang đút lót quan nha làm lại sách mới. Ngờ đâu hắn chờ ở trong kinh chưa đầy một tháng thì ba nha môn nói trên lục tục bác bỏ vụ án này. Các nha môn đều nói: đã tra xét kỹ càng việc Trang Kiến Long soạn pho Minh sử tập lược, nội dung không có chỗ nào vi phạm đến cấm lệ của triều đình. Những điều tố cáo của viên tri huyện đã bị cách chức hoàn toàn sai sự thật. Hiển nhiên vì hiềm thù mà hắn đã vu cáo người ngay. Còn việc Trang gia đút lót quan gia đều là những lời theo bông bắt gió không đủ bằng chứng thiết thực. Lời phê bác của Thông Chính Ty lại càng gay hắt nói:
-Ngô Chi Vinh là một viên tri huyện tham nhũng mà bị cách chức "đương sự tướng các quan chức thiên hạ ai cũng tham lam như hắn ". Nguyên Trang Doãn Thành đã nghe lời chỉ bảo của Trình Duy Phiên đem bản Minh sử mới khắc đưa vào Lễ bộ, Ðô Sát viện và Thông Chính Ty là những nha môn trong triều trực tiếp tra xét vụ này. Ðồng thời Trang Doãn Thành đã lo lót quan lại cùng sư gia tại các nha môn đó. Ngô Chi Vinh lại một phen thất bại, hắn chán nản vô cùng. Tiền lộ phí về nhà cũng không còn nữa, lâm vào tình thế phiêu bạt giang hồ. Thời bấy giờ triều đinh nhà Mãn Thanh đối đãi với những văn sĩ người Hán cực kỳ nghiêm khắc. Ai chỉ phạm cấm một chút trong văn từ liền bị xử tử. Giả tỷ Ngô Chi Vinh mà tố cáo một văn nhân tầm thường thì hắn đã thắng kiện rồi, nhưng đối thủ của hắn là một nhà hào phú nên tội bị bác bỏ. Ngô Chi Vinh nghĩ thầm:
-Mình đã lâm vào nước đường cùng thì đem vụ án này cho đến nơi rồi muốn ra sao thì ra. Hắn liền viết bốn tờ cáo trạng đưa vào bốn vị Cố mệnh đại thần. Ðồng thời hắn ngồi trong khách điếm viết mấy trăm bản bích chương phơi bày sự việc đem dán khắp nơi trong kinh thành. Ngô Chi Vinh làm việc này thật là mạo hiểm. Nếu quan trên truy cứu khép hắn vào tội phao đồn những việc thất thiệt làm náo loạn nhân tâm tất bị trọng tội. Bốn vị Cố mệnh đại thần là Sách Ni, Tô Khắc Tất Cáp, Ất Tất Long, Ngao Bái bọn họ đều là khai quốc công thần người Mãn Châu. Thuận Trị hoàng đế khi tạ thế đã di mệnh cho bốn vị đại thần này phụ chính. Trong bốn người này thì Ngao Bái là tay hung hiểm nhất. Trong triều chia làm bè đảng mà bao nhiêu quyền bính đều bị tay Ngao Bái thao túng. Hắn sợ phe đảng bên địch làm bất lợi cho mình, nên phái rất nhiều thám tử đi dò xét động tỉnh ở nội ngoại thành Bắc Kinh. Một hôm Ngao Bái được tin trong thành Bắc Kinh xuất hiện rất nhiều bích chương phanh phui ra vụ một người trong dân tính họ Trang ở Triết Giang làm sách mưu đồ phản loạn, toan tính đại nghịch, quan lại ở Triết Giang ăn của đút lót rồi bác bỏ không xét đến nữa. Ngao Bái được tin liền mở cuộc điều tra. Hắn liền cho phát ra những mệnh lệnh thần tốc mở cuộc điều tra rất gắt gao. Ngày hôm sau cáo trạng của Ngô Chi Vinh đã vào đến phủ của Ngao Bái. Ngao Bái lập tức triệu Ngô Chi Vinh vào hỏi rõ đầu đuôi. Hắn lại cho một tên thủ hạ trong phủ coi kỹ lại nguyên bản Minh sử theo lời yêu cầu của Ngô Chi Vinh và nhận thấy lời của Ngô Chi Vinh quả nhiên là đúng sự thực. Ngao Bái nắm giữ quyền lớn cốt ý tra xét mấy vụ đại án để trấn áp tinh thần. Chẳng những hắn muốn người Hán không có ý niệm phản bạn mà cả những đảng đối lập trong triều cũng không dám có hành động khác lạ. Hắn liền quát quan khâm sai đến tận tỉnh Triết Giang tra xét. Sự việc đã đến mức này dĩ nhiên toàn gia nhà họ Trang phải bị giải vào kinh, cả quan tướng quân Tùng Khôi ở phủ Hàng Châu và quan tuần phủ Triết Giang là Ngô Xương Tộ cùng các quan lớn nhỏ đều bị cách chức để chờ cứu xét. Ngoài ra các danh nhân học sĩ có tên trong pho Minh sử chẳng một ai thoát cảnh tù ngục. Nhắc lại Cố Viêm Võ và Huỳnh Tôn Hy ở nhà Lã Lưu Lương đem đầu đuôi vụ án Minh sử thuật kỹ cho họ Lã nghe. Lã Lưu Lương ngồi nghe chỉ thở dài. Sáng hôm sau cả nhà Lã Lưu Lương cùng hai lão Cố, Huỳnh xuống thuyền đi về phía Ðông. Ở Giang Nam những nhà bậc trung trở lên đều có thuyền để phòng khi dùng đến. Nên biết miền Giang Nam sông ngòi lưu thông đi khắp các ngả, thuyền bè qua lại như mắc cửi. Hiện bọn người này ra đi đều dùng thuyền nhỏ. Bọn thuyền phu thì có kẻ mướn thường xuyên ở trong nhà, có người lúc lâm thời mới kêu đến. Người phương Bắc cưỡi ngựa, người phương Nam đi thuyền đã có từ lâu. Sau khi thuyền đến Hàng Châu và sông Vân Hà rồi ngược lên phía Bắc. Hôm ấy thuyền ra ngoài thành Hàng Châu thì được tin triều đình nhà Thanh nhân vụ án này đã xử rất nhiều quan lại cùng trăm họ Trang Kiến Long chết rồi cũng bị quật mồ xé xác. Trang Doãn Thành bị giam trong ngục và bị ngược đãi không chịu được phải tự tử. Toàn gia họ Trang mấy chục người từ mười sáu tuổi trở lên đều bị xử trảm.Còn bọn đàn bà con gái thì phát lảng đến Thảm Dương để cho bọn kỵ binh Mãn Châu dùng làm tôi mọi. Quan Lễ bộ thị lang Lý Kim Triết trước đề tựa cuốn sách này xử tội lăng trì. Bốn người con của ông đều bị xử trảm. Người con nhỏ của Lý Kim Triết mới mười sáu tuổi. Viên pháp ty thấy giết nhiều người quá thì không khỏi thương tâm liền bảo gã giảm xuống một tuổi. Theo luật của Mãn Thanh thì từ mười lăm tuổi trở xuống được miễn tội chết, chỉ phải đi xung quân. Gã thiếu niên này liền nói:
-Các cha anh của tiểu tử đều chết cả rồi, tiểu tử cũng không muốn sống một mình làm chi nữa. Gã không chịu thay đổi khẩu cung nên cũng bị xử trảm. Bọn Tùng Khôi, Chu Xương Tộ bị giam vào ngục chờ ngày hậu cứu. Sư gia Trịnh Duy Phiên bị xử lăng trì, thây bỏ ngoài chợ. Hai vị học quan ở Quí An và Ô Trình bị xử trảm. Những người dính líu về vụ Minh sử thì bị tàn sát không biết bao nhiêu mà kể. Ðàm Hy Mẫn, viên tri phủ mới đổi đến nhậm chức ở Hồ Châu mới được nữa tháng, triều đình Mãn Thanh cũng buộc vào tội tri tình mà không báo cáo, cùng ăn tiền bưng bít. Cả viên quan đã đổi đi là Lý Hoàn và quan Huấn Ðạo, Vương Triệu Trinh đều bị xử giảo. Ngô Chi Vinh rất căm hận nhà giàu ở trấn Nam Tâm là Chu Minh Hựu vì bữa trước hắn đến xin trợ cấp bị Chu mai mỉa một hồi rồi đuổi ra khỏi cửa, hắn liền xúi quan tư pháp:
-Trong cuốn Minh Thư tập lược đã chứa rõ cuốn sách đó căn cứ vào bộ Chu Thị Nguyên Cảo mà soạn ra và Chu Minh Hựu cũng thuộc vào họ Chu này. Thế là cả Chu Minh Hựu và năm con y đều bị chém đầu. Thanh đình lại đem gia tư cự vạn nhà họ Chu cấp cho Ngô Chi Vinh. Thảm hơn nữa là bọn thợ thuyền khắc chữ, thợ ấn loát, thợ đóng sách và những chủ tiệm sách, người bán cũng như người mua cùng người đọc sách hễ điều tra ra được là xử trảm hết. Theo sử chép thời bấy giờ viên quan giữ cửa ải Hứa Dã thuộc Biện Châu là Lý Thượng Bạch rất thích đọc sách, nghe nói trong quán chú ngoài cổng thành Biện Châu có bán pho Minh sử mới khắc nội dung rất hay, y liền sai một tên công dịch đi mua. Tên công dịch đến quày sách lúc chủ quán vắng nhà, gã bèn vào nhà họ Chu ở bên cạnh ngồi chờ, chờ cho tới lúc chủ quán trở về để mua được sách đem về cho Lý Thượng Bạch. Lý Thượng Bạch đọc mấy thiên đã không vừa ý liền bỏ đó. Mấy tháng sau vụ án Minh sử khởi sự điều tra đi tìm người mua sách khắp nơi. Khi ấy Lý Thượng Bạch về công cán ở Bắc Kinh liền bị khép tội mua sách phản nghịch và bị xử trảm ngay tại kinh thành. Chủ nhân quán sách và tên công dịch vâng lệnh đi mua sách cũng bị chém đầu. Lão già bên quán sách cũng bị vạ lây vì biết tên công dịch đến mua sách mà không tố giác ngay, còn để gã vào nhà ngồi đợi, đáng lý lão bị chém đầu, song nghĩ tình lão đã già nua tuổi ngoài bảy chục nên được tha cho tội chết mà cũng phải toàn gia đi xung quân tại miền biên giới.Những nhân sĩ miền Giang Nam vì hâm mộ Trang Kiến Long đến đọc sách được liệt danh vào pho Minh Thư tập lược đều bị xử tội lăng trì, cả thảy 14 người trong đó có cả Ngô Chi Minh và Ngô Chi Dung là anh em với Ngô Chi Vinh. Xử tội lăng trì là chém từng nhát dao một để chặt hết chân tay cùng cắt da thịt toàn thân từ từ miếng một cho đến khi phạm nhân phải chịu đau đớn đến cùng cực rồi mới chém chết. Vì bộ Minh Thư tập lược mà nhà tan cửa nát, người chết không biết bao nhiêu mà kể. Bọn Lã Lưu Lương ba người hay tin chẳng ai là không nghiến răng căm hận, buông lời nguyền rủa nhà Thanh. Huỳnh Tôn Hy nói:
-Y Hoàng tiên sinh cũng bị liệt danh vào hàng soạn sách. Phen này chắc y không thoát nạn được. Ba người này vốn có tình kết giao thâm hậu với Y Hoàng từ lâu nên lo lắng vô cùng! Một hôm thuyền đến Gia Hưng. Cố Viêm Võ vào thành mua một tờ báo. Trong tờ báo này có kê họ tên những tội nhân về vụ án Minh sử. Lão lại thấy trên đầu đề nêu lên câu: "Tra Kế Tá, Phạm Tương, Lục Kỳ ba người tuy có liệt danh vào bộ tham khảo, nhưng vì bất tri tình nên được miễn tội. Cố Viêm Võ cầm tờ báo về thuyền để Huỳnh Tôn Hy và Lã Lưu Lương cùng đọc. Ai cũng lắc đầu cho là chuyện lạ. Huỳnh Tô Hy nói:
-Vụ này chắc là hành vi của Ðại lực tướng quân. Lã Lưu Lương hỏi:
-Ðại lực tướng quân là gì? Huỳnh Tôn Hy đáp:
-Y là một vị tân khách trong nhà Y Hoàng tiên sinh. Hai năm trước tiểu đệ đến chơi thấy phủ đệ hoàn toàn đổi mới. Nhà cửa rộng rãi, cách bối trí lại càng phú quí hào hoa, so với trước thật khác nhau xa. Tiểu đệ đã kết thân với Y Hoàng tiên sinh từ trước nên chẳng cần e dè hỏi thẳng ngay vào vấn đề thì Y Hoàng tiên sinh kể câu chuyện thật kỳ ngộ trên chốn phong trần. Dưới đây là câu chuyện của Y Hoàng tiên sinh thuật lại:
-Tra Kế Tá, tên tự là Y Hoàng có làm một bài tường thuật ký sự trong cuốn Cô Thặng. Trang đầu nói ngay đến Tra Hiếu Liên (cử nhân ngày trước) tiểu tự là Y Hoàng người ở Hải Ninh tỉnh Triết Giang là một nhân vật tài hoa phong nhả mà lắm về phong tình. Ông thường nói: Cuộc đời bát ngát biết bao nhiêu sầu muộn. Những tay kỳ kiệt trên đời không lấy cảnh vật chốn tràn ai mà để tâm, nhưng phỏng được có mấy ai. Một hôm vào buổi cuối năm ông sai người lấy rượu uống một mình. Lát sau trời mưa tuyết mỗi lúc một lớn. Tra Kế Tá ngồi uống rượu mọt mình cảm thấy buồn tẻ, liền đứng dậy ra ngoài cửa ngắm tuyết bay, chợt nhìn thấy một người khất cái đứng ở dưới hiên để tránh mưa tuyết. Người khất cái này thân hình cao lớn, cốt cách thanh kỳ. Y chỉ mặc một tấm áo đơn rách mướp, giữa lúc trời đông tuyết lạnh mà y vẫn thản nhiên như không thấy gì. Tra Y Hoàng trong lòng rất lấy làm kỳ liền hỏi:
-Này ông bạn! Trận mưa còn lâu chứ không phải chỉ trong chốc lát mà tạnh. Vậy ông bạn hãy vào đây uống với tôi một chung rượu được chăng? Người khất cái đáp:
-Nếu vậy thì còn gì bằng? Tra Y Hoàng liền dắt y vào nhà và sai thư đồng lấy thêm đũa bát. Tự Y Hoàng rót đầy rượu vào chung và nói:
-Xin mời ông bạn! Người khất cái nâng chung rượu lên uống sạch rồi khen:
-Rượu này ngon tuyệt! Y Hoàng rót luôn ba chung rượu. Rót chung nào, người khất cái cũng uống sạch ngay. Bản tính Y Hoàng thích người mau lẹ, y mừng thầm hỏi:
-Tửu lượng của huynh đài giỏi quá! Tiểu đệ không hiểu huynh đài uống được bao nhiêu? Khất cái đáp:
-Người ta thường nói: Tửu phòng tri kỷ thiên bôi thiểu, thoại bất đầu cơ bán cú đa. Nếu gặp bạn tri kỷ thì uống ngàn chung hãy còn là ít. Nói chuyện không gặp được người ý hợp tâm đầu thì chỉ nữa cân cũng là đã quá nhiều. Sự thực hai câu này chỉ là sáo ngữ bình dị chẳng có chi kỳ lạ, nhưng do miệng của người khất cái thốt ra khiến cho Y Hoàng không khỏi lấy làm kỳ. Y liền sai gã thư đồng bê ra một vò rượu Thiệu Hưng nữ nhi hồng thật lớn rồi cười nói:
-Tửu lượng của tiểu đệ rất tầm thường, lại vừa mới ăn cơm no, đáng tiếc chẳng thể bồi tiếp huynh đài cho xứng đáng. Vậy lão huynh uống bằng bát lớn còn tiểu đệ chỉ dùng chung nhỏ may ra mới bồi tiếp được phần nào. Lão huynh tính sao? Khất cái đáp vỏn vẹn một tiếng:
-Cũng được! Tên thư đồng bưng vò rượu nóng rót ra bát lớn cho người khất cái còn Tra Y Hoàng chỉ uống bằng chung nhỏ. Hai bên đối đáp như vậy. Bất giác người khất cái uống hơn ba chục bát mà sắc mặt vẫn thản nhiên như chưa thấy gì. Nhưng Tra Y Hoàng đã say túy lúy không thể nào gắng gượng ngồi được nữa, phải nằm lăn ra. Thiệu Hưng nữ nhi hồng là một thứ rượu vừa êm vừa ngọt, uống vào như chẳng thấy gì, nhưng thật ra chất rượu thật mạnh. Về triều Thiệu Hưng, nhũng nhà sinh con gái thường nấu hằng chục hũ rượu chôn xuống đất. Khi người con gái này khôn lớn đi lấy chồng, người ta đào rượu này lên để thết khách làm tiệc cưới. Khi đó rượu biến thành màu hồng như hổ phách. Vì vậy mới đặt tên cho nó là "Nữ nhi hồng". Thứ rượu này đã chôn cất 17,18 năm, hoặc 20 năm hay hơn nữa. Dĩ nhiên mùi rượu rất êm và ngọt ngào. Người sinh con trai thời bấy giờ cũng cất rượu chôn để đó. Thứ rượu này mang tên là "Trạng Nguyên hồng". Ðó là họ mong con ngày sau đỗ được Trạng Nguyên sẽ đem ra mở tiệc thết khách. Nhưng ở đời dễ có mấy ai đỗ được Trạng Nguyên. Hầu hết là ngày sau người con trai đó làm lễ thành hôn thì dùng rượu này làm tiệc cưới. Trong những tửu điếm cũng cất rượu để bán, họ thường mượn tên Trạng Nguyên hồng hay Nữ nhi hồng. Gã thư đồng đỡ Tra Y Hoàng vào nội đường nằm ngũ. Còn lão khất cái uống rượu rồi lại ra đứng ngoài hiên. Sáng hôm sau Y Hoàng thức dậy vội ra coi người khất cái thấy y vẫn khoanh tay đứng y chỗ cũ, nét mặt vui thưởng tuyết. Một cơn gió bất thổi qua khiến cho Y Hoàng rét run mà người khất cái thản nhiên như không thấy gì. Tra Y Hoàng nói:
-Trời gió lạnh thế này mà quần áo huynh đài như vậy e rằng phong phanh quá! Y nói rồi cởi áo cừu của mình khoát vào người khất cái. Y Hoàng còn lấy mấy chục lạng bạc hai tay nâng cao ngang mặt nói:
-Chút tiền nhỏ mọn này kính tặng huynh đài mua rượu uống, xin đừng từ chối. Khi gặp dịp cao hứng, mời huynh đài lại chơi uống rượu. Ðêm qua tiểu đệ say quá, không kịp quét giường lưu khách, thật là ngạo mạn. Mong huynh đài thứ lỗi cho. Tên khất cái cầm lấy tiền chỉ nói một câu:
-Tiên sinh dạy quá lời. Rồi hắn băng băng ra đi, không một lời cảm ơn. Mùa xuân năm sau. Tra Y Hoàng đến Hàng Châu du ngoạn. Tiện đường y vào một tòa phá miếu thấy một quả chuông cổ rất lớn, ít ra nặng hơn ngàn cân. Tra Y Hoàng đang ngắm quả chuông và coi chữ khắc thì thấy một khất cái tiến vào. Tay trái hắn nám lấy quai chuông nhấc bổng lên rồi lấy ra một bát thịt lớn và một hũ rượu đặt xuống bàn rồi thả chuông xuống như cũ. Tra Y Hoàng thấy người khất cái sức mạnh phi thường, không khỏi kinh hãi. Y chú nhìn lại thì đúng là tên khất cái đã vào nhà mình uống rượu ngày mưa tuyết năm trước liền cười hỏi:
-Huynh đài không nhận ra tại hạ ư? Tên khất cái quay đầu lại cười đáp:
-Ô! Té ra là hiếu liêm công. Bữa nay tại hạ xin làm chủ nhân cùng tiên sinh uống một bửa cho thỏa thích. Mời tiên sinh vào đây uống đi! Hắn vừa cầm hũ rượu đưa ra. Tra Y Hoàng đón lấy hũ rượu bằng sành uống một hớp rồi cười nói:
-Chà! Rượu của huynh đài mời thật ngon! Khất cái lại bốc một miếng thịt trong mễ giơ lên hỏi:
-Ðây là thịt chó. Tiên sinh có ăn được không? Y Hoàng tuy cảm thấy dơ dáy, nhưng lại nghĩ thầm:
-Ta đã là tửu hữu của y, nếu khước từ là tỏ ra khinh thị y. Y Hoàng nghĩ vậy giơ tay ra đón miếng thịt cắn một miếng ăn thấy ngon quá. Hai người ngồi trên manh chiếu rách trong tòa phá miếu. Hũ rượu đưa qua đưa lại mỗi người uống một hớp. Thịt trong bát cũng thò tay ra bốc lấy mà ăn. Chỉ trong chốc lát rượu thịt đều hết sạch. Khất cái cười khanh khách nói:
-Ðáng tiếc là ít rượu quá không đủ làm hiếu lâm công say té nhào. Y Hoàng hỏi:
-Nếu huynh đài cao hứng thì chúng ta đến tửu lâu uống nữa nhé? Khất cái đáp:
-Hay lắm! hay lắm! Hai người đưa tay nhau tới tửu lầu cạnh Tây Hồ kêu lấy rượu uống. Chẳng bao lâu Y Hoàng lại say mèm ngã lăn ra. Khi tỉnh rượu thì thấy tên khất cái đã đi đâu mất rồi.
Lộc Đỉnh Ký Lộc Đỉnh Ký - Kim Dung Lộc Đỉnh Ký