Số lần đọc/download: 1087 / 4
Cập nhật: 2015-12-15 07:58:09 +0700
Chương 2
Sáng
9 giờ thiếu 5. Tiếng chuông nổi lên – nhẹ và ngắn, chứng tỏ người vừa bấm đã do dự hay bị xúc động. Quyên nghĩ nhanh: « người ta tới! ». Phản ứng tự nhiên, nàng vuốt lại mái tóc, nhưng lại vội ngồi xuống ghế, cầm cuốn báo; vẻ mặt tỉnh bơ. Mắt tuy dán vào những hàng chữ trên tờ tạp chí nhưng nàng không đọc được gì; tim đập nhanh hơn trong lồng ngực, tai lắng nghe tiếng nói chuyện ở ngoài nhà giữa « người ta » và chị Ba giúp việc:
- Dạ...mời thầy ngồi chơi.
- Bà chủ có nhà không chị?
- Dạ, bà tui đi khỏi...Dạ, mời thầy ngồi để tui vô mời cô tui.
- Cảm ơn chị.
Người giúp việc hối hả chạy vào phòng Quyên, nói nhanh nhưng nhỏ:
- Mời cô ra học, ông thầy tới rồi!
- Kệ ông í!
- Sao vậy, cô?
- Tôi đọc xong cái này đã!
- Rồi...để ông thầy chờ sao?
- Chờ mươi, mười lăm phút cũng chả chết chóc gì!
- Nhưng...ngày đầu...
- Cũng chả sao!
- Lỡ ổng giận, ổng bỏ về thì...
- Càng tốt!
Trước thái độ khác lạ của Quyên chị Ba giúp việc không ngớt nhướng mắt ngạc nhiên. Vẻ dễ thương thường ngày của cô chủ nhỏ đã biến mất, để lộ những nét bướng bỉnh, bất cần trên khuôn mặt trái soan, trắng hồng nhưng hơi cau có, bực tức. Tuy biết Quyên dễ tính và dù không hiểu sự thay đổi bất chợt đó, chị Ba giúp việc cũng không dám lên tiếng hỏi thêm, lặng lẽ trở ra phòng khách rót nước. Quyên nghe rõ tiếng chị Ba:
- Dạ...dạ...cô tui còn mắc chút việc, phiền thầy...dạ...mời thầy xơi nước!
- Cám ơn chị. Tôi chờ!
Nhưng rồi Quyên cũng lững thững đi ra; tay cầm theo cuốn tạp chí ngoại quốc. Vừa thấy mặt người đến dạy mình học thêm, Quyên cũng hơi lúng túng nhưng vẫn cố làm ra vẻ thản nhiên:
- Chào...thầy!
Người thanh niên không lộ vẻ gì ra ngoài, lạnh lùng nói:
- Chúng ta bắt đầu được chưa! Trễ rồi!
- Bắt đầu gì...thầy?
- Học!
Quyên nhún vai, liệng tờ báo xuống mặt bàn rồi buông mình xuống ghế, thầm nghĩ ừ, coi như cũng khá bô, sáng sủa nhưng coi bộ cũng lì lắm đây, mình phải... « dằn mặt » ngay từ đầu mới được. Quyên khoa tay, miệng cười trêu cợt:
- Cho một màn giới thiệu đi chứ thầy. Theo thông lệ ở trường ông thầy nào cũng « kê khai lý lịch » cho học sinh biết ngay khi bước chân vào lớp giờ đầu.
- Không nhất thiết ở đây!
- Ít nhất cũng cho biết tên!
- Huy. Vũ Quang Huy!
- Tuổi? Nghề nghiệp?
- Tôi tới đây để dạy cô học!
- Biết rồi, khổ quá nói mãi!
- Đừng quên mỗi tháng ba má cô trả tôi hai chục ngàn.
- Đó là do sự quyết định đơn phương của ba má tôi!
- Dưới 21 tuổi người ta vẫn bị coi là vị thành niên!
Quyên im thinh, bỗng nhiên mất tinh thần, thoáng bối rối vì không kịp tìm ra câu nói đáp lại. Nàng lén nhìn Huy; anh chàng vẫn điềm tĩnh, Quyên càng thấy mình rơi vào thế hụt hẫng, tuy nhiên vẫn cố vớt vát trong... tâm trí – người ạ, đừng làm tàng quá chứ. Chưa đâu, nhỏ Quyên này chưa lần nào thua ai mà. Để rồi kết quả sẽ chứng minh ai là kẻ chiến thắng.
Nét bối rối ở Quyên không thoát khỏi cặp mắt tinh ranh của Huy dù rằng nó nấp sau hai tròng kính trắng. Chàng đã nhận ra và tự bằng lòng nhưng vẫn tạo một diện mạo lạnh băng – kháu thế kia mà bướng, thật uổng. Mà cũng...không sao, ta đã từng trị những cái đầu cứng gấp mười lần cô bé. Để rồi xem cuối cùng ai sẽ thắng. Chờ đấy! Nhìn Quyên lật lật mấy trang báo, Huy tiếp:
- Mất nửa giờ vô ích rồi!
Quyên ngửng lên, vẫn vẻ bướng bỉnh:
- Thầy khó tính quá. Ngày đầu cho chép...chương trình, không lẽ học liền?
- Rất đơn giản. Ngày học sinh ngữ, ngày việt văn. Hôm nay, sinh ngữ.
- Không ngờ thầy...đến sớm, chưa mua sách vở gì cả!
- Học sinh đệ nhị nào cũng có cuốn Mauger và ít vở nháp.
Quyên chợt xoay tờ báo lại phía mặt Huy:
- Hay thầy...giảng trong này đi. Đây cũng là chữ Pháp!
- Ngoài chương trình!
- Giời ơi, thầy còn « dơn » mà khó thế!
- Tôi nhắc lại: tôi tới để dạy cô học!
- Đặt trường hợp nếu tôi...không thích?
- Không còn vấn đề thích hay không thích nữa. Muộn rồi.
- Thầy nói y hệt...ba tôi!
- Cha mẹ cô hết sức lo cho cô!
- Nhưng tôi không...
- Nếu cha mẹ cô biết được...
- Thầy sẽ...mách ba mẹ tôi?
- Tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm về việc làm của tôi!
Quyên lại nín thinh, như bị dồn vào ngõ bí. Quyên thoáng nghĩ dường như anh chàng đã biết được « kế hoạch » của mình; ván cờ không dễ dàng như nàng đã hoạch định. Từ trước tới thường Quyên vẫn làm cho những người con trai khác bối rối chứ ít có thể gây mất bình tĩnh cho nàng. Tuy nhiên hiện tại Quyên thấy trí óc mình lao đao, tay chân nhẹ hẫng như đã bay đi đâu. Quyên hơi tiếc đã lỡ gọi người ta bằng thầy – có lẽ do quen miệng, bây giờ không thay đổi được nữa. Quyên cố moi óc tìm câu nào thật cay, thật ác để hoá giải thế kẹt của mình đồng thời để trả đũa anh chàng, nhưng không hiểu sao các từ ngữ dường như đã chạy trốn hết; tâm trí mù sương, rối bời. Nhỏ Quyên nhanh mồm nhanh miệng thường ngày bỗng trở nên mất tự nhiên trước mắt...kẻ địch!
Trong khi đó Huy cười thầm trong trí – cô bé thuộc thứ « dữ » đây, phải « lì » hơn kẻo bị « qua mặt ». Lợi dụng lúc « cô bé » còn đang chơi vơi, Huy nghiêm giọng, nói như ra lệnh:
- Bây giờ học. Tất cả những chuyện khác để hạ hồi phân giải!
Quyên làm thinh; đầu hơi cúi. Huy lấy trong cặp ra cuốn sách Pháp ngữ, đặt trước mặt cô học trò:
- Dùng tạm quyển này trong khi chờ đợi cô tìm được sách vở của cô.
Quyên bất động. Giọng nói của Huy chợt đanh lại:
- Giở trang đầu và đọc!
Sau cái nhún vai Quyên miễn cưỡng làm theo. Tuy nhiên để chứng tỏ sự hậm hực, Quyên chủ tâm đọc sai hết và ngắt câu không đúng chỗ. Mặt Huy vẫn điềm tĩnh như thách thức sự bướng bỉnh của Quyên. Hết bài Quyên đưa mắt nhìn Huy:
- Thế nào, được không thầy?
- Đọc lại!
Lần này giọng Quyên kéo dài ra, ê a như đứa trẻ mới tập đánh vần. Huy chờ đợi cho đến khi Quyên ngừng tiếng, rồi:
- Đọc lại!
Giọng Quyên chợt phá lên, đọc như hò hét, vang cả nhà. Vẫn không một biến sắc nào trên khuôn mặt nghiêm nghị của Huy:
- Đọc lại!
- Đọc lại! Đọc lại! Hoài vậy...thầy!
- Cho đến khi nào được thì thôi! Đọc lại! Và cho đúng!
Mặt Quyên đỏ lên, đôi mắt long lanh – dấu hiệu của sự giận dữ. Huy hiểu ly nước đã đầy, chỉ thêm một giọt nữa là tràn. Chàng dịu giọng lại nhưng vẫn giữ vẻ cương quyết:
- Cô đọc lại đi!
Quyên không cãi nhưng giọng đọc lí nhí như tiếng nói thầm. Mỗi chỗ chấm câu đều được kèm theo một tiếng thở dài lượt thượt. Hạ sách xuống, Quyên nhướng mắt nhìn; giọng mỉa mai:
- Cần đọc nữa không....ông thầy?
Huy nhỏ nhẹ:
- Hy vọng cô sẽ đọc...khá hơn!
Huy vừa dứt câu, tức thì Quyên cầm vội lại quyển sách, đọc thật lớn tiếng và nhanh. Huy nhìn nàng đăm đắm, không nói. Quyên giả vờ như không biết gì, vẫn đọc liếng thoắng, không ngừng một tíc tắc để thở. Nàng đọc đi đọc lại đến năm sáu lần, cuối cùng vất mạnh sách xuống bàn, hổn hển:
- Mệt quá!
Huy nhếch mép cười nửa miệng:
- Cô có giọng thật tốt và hơi thật dài!
- Hẳn là thầy...bằng lòng?
- Tuy nhiên cô vẫn phải luyện tập nhiều hơn nữa.
Quyên vội nhoài người tới, định cầm cuốn sách, nhưng Huy đã nhanh tay hơn, chận lại, vô tình tay nàng đặt lên tay...kẻ địch. Giật mình, Quyên thu tay lại như vừa chạm vào một luồng điện. Nàng xấu hổ, ngượng ngùng, nghe nóng ran hai bên vành tai. Bao nhiêu nghị lực, cơn giận hờn chợt tan biến để hoá Quyên trở lại vẻ nhu mì, hiền từ.
Huy làm như không có gì xảy ra, dù đã đọc được hết những nét bối rối, e thẹn nơi người con gái đối diện, lấy giọng thật tự nhiên giảng bài.
Tuy còn trong trạng thái lâng lâng mơ hồ, Quyên cũng thầm công nhận giọng nói của Huy rất hay, trầm, ấm và vang vang. Nếu như giọng nói đó không phải là của người nàng đang ghét và nếu như ở hoàn cảnh khác, chắc Quyên không khỏi rung động dạt dào mà dành cho nhiều thiện cảm...
Đồng hồ buông 11 tiếng. Quyên choàng tỉnh:
- Hết giờ!
Huy thở ra nhè nhẹ:
- Mau thật!
Không hiểu anh chàng nói thật hay đó chỉ là tiếng reo vui trá hình của một người vừa trút được gánh nặng? Quyên nhìn Huy nghi ngờ nhưng không thèm hỏi gì thêm. Huy lặng lẽ xếp sách vào cặp, lách ghế đi ra. Đôi mắt đen huyền có làn mi cong vút của Quyên dõi theo những động tác đó nhưng chỉ thấy chúng vô duyên. Trước khi bước xuống sân Huy tháo cặp kính cận lau vào khăn mùi xoa, quay đầu lại, nói:
- Mai học Việt văn. Chỉ cần ít tờ giấy nháp!
Quyên vẫn ngồi yên trên ghế, nghĩ thầm « hắn » bỏ kính ra trông trẻ và đỡ nghiêm hơn nhiều.
Huy tự tay mở cổng rồi mới quay vào đạp máy xe. Khói tuôn ra mù mịt cả khoảng sân. Chiếc xe vừa trườn khỏi cổng thì chợt dừng lại, tắt máy. Ở trong nhà, Quyên nghe thấy tiếng Huy vui vẻ:
- Chào bà!
Và nàng nhận ra giọng nói của mẹ mình đáp lại:
- Không dám, chào cậu giáo! Thế nào, cháu nó học ngoan chứ?
- Thưa bà...vâng. Cô chăm lắm!
- Tôi cứ sợ nó dở chứng. Mọi sự nhờ cậu giáo.
- Xin bà an tâm.
- Thôi để cậu giáo về không nắng.
- Xin phép bà!
- Vâng, cậu giáo về!
Tiếng máy xe nổi lên lại, kéo dài ra, nhỏ dần rồi tắt lặng ngoài đầu ngõ.
Quyên chạy ra đón mẹ.
Vài cụm khói xe còn quấn trên những cây hoa trồng trong sân, tạo cho mảnh vườn giống cảnh mù sương.
Một đóm khói vô tình nào đó bay vào mắt Quyên làm nàng nghe cay cay và chảy nước mắt...
Chiều
Khóa xe xong, Quyên vội vã đi tìm mấy nhỏ bạn, vô tình không để ý một bóng người đứng nấp sau một gốc cây, tay cầm một cuốn tập, dõi mắt theo nàng.
Còn từ đàng xa Quyên đã gọi lớn:
- Ê, chúng mày!
Năm sáu người con gái đang dạo bước trên hành lang ngoài lớp học cùng quay lại, chờ đợi.
Quyên cười nụ nhỏ:
- Tao cho chúng mày một tin sốt dẻo!
Cả bọn nhao nhao:
- Gì vậy nhỏ Quyên?
- Chi rứa?
Quyên không trả lời vội, lấy tay phe phẩy mặt:
- Chạy mệt quá!
- Tin gì? Nói đi!
- Hắn tới rồi!
Cả năm sáu cái miệng đồng loạt:
- Ai?
- Lão kèm trẻ tại gia!
Sau câu nói đó của Quyên bầu khí nổ tung bởi những cây hỏi dồn dập khiến Quyên phải la lên: chúng mày hỏi lung tung, vậy làm sao tao trả lời được? Lặng yên đi để tao kể cho nghe. Không khí chùng hẳn xuống. Quyên hắng giọng:
- Chúng mày đã biết tao đâu khoái gì lối « học tại gia », thế cho nên tao nhất định phá vỡ « chương trình » của ông bô tao...
- Rồi sao?
- Bữa nọ tao hứa với chúng mày sẽ tiết lộ « kế hoạch » cảu tao khi nào bắt đầu. Tao định sẽ bướng bỉnh, cứng đầu, dễ ghét cho « người ta » chán nản mà tự động rút lui. Hồi sáng « lão kèm trẻ » tới, tao thi hành « kế hoạch » liền!
- Rồi sao?
- Lúc đầu lão bảo tao học, tao không chịu. Sau lão bảo tao đọc « lec-tua », mãi tao...mới đọc, nhưng tao cố ý đọc sai, nhưng...lão...
- Sao, mày?
- Phải công nhận là lão...lì!
- Mày thua à?
- Không phải tao thua...nhưng...nhưng lão vẫn tỉnh bơ đến hết giờ luôn!
- Thế là mày thua đứt đuôi con nòng nọc rồi còn gì!
- Ngày đầu mình phải từ từ thôi chứ.
- Mày tính sao nữa?
- Tao định nhờ tụi mày giúp sức!
Thuần, cô gái cột tóc ngược lại phía sau đầu như một chùm lông đuôi ngựa, hăng hái nhất:
- Sẵn sàng!
Rồi tới Huyền, người vẫn đi học bằng chiếc xe gắn máy hiệu Cady xinh xinh:
- Rồi, ra lệnh đi!
Quyên lấy giọng nghiêm trọng:
- Tụi mày phải hết sức khôn ngoan mí được!
- Mày khỏi lo « mục đó »!
- Sáng mai nhỏ Thuần-đuôi-ngựa với nhỏ Huyền-cady tới nhà tao, nghe!
- Tại sao chỉ có hai đứa?
Nguyên, cô gái có thân hình mảnh dẻ nhất trong đám, thường được bạn bè gọi bằng biệt hiệu « xứ dân gầy » cũng thắc mắc:
- Ủa, thế còn tụi tao?
Quyên:
- Lão kèm trẻ này coi bộ lì lắm, dám phải... « trường kỳ chiến đấu » mới hy vọng hạ nổi. Theo tao, tụi mình không nên dồn hết lực lượng vào một ngày, để xài dần dần. Có sáu đứa, cứ mỗi ngày tụi mày tới hai mạng la đủ.
- Hiểu rồi...nhưng đến rồi tụi tao phải làm gì?
Quyên cắn môi, ngập ngừng:
- Tao cũng...chưa nghĩ ra...Thôi cái đó để hạ hồi phân giải. Dù sao về nhà, tụi mày cũng phải tìm sáng kiến thêm, nhé!
- Yên chí!
- « Nghề » của tụi tao mà!
- Được, tao đặt niềm tin vào chúng mày!
- Nhưng, nhỡ ông bà bô mày biết thì chết tụi tao!
- Khỏi lo! Ông bô đi làm; còn bà bô sáng nào cũng khoảng giờ đó đi chợ rồi đi công chuyện đến gần muời một giờ mới về. Tao đã canh hết cả rồi.
Trâm-khểnh bỗng thắc mắc:
- Nhưng ít nhất nhỏ Quyên cũng cần cho tụi tao biết qua về đối thủ chứ. « Tri kỷ, tri bỉ, bách chiến bách thắng » mà!
Lệ đồng tình:
- Ừ đấy, một yếu tố quan trọng mà từ nãy đến giờ không tên nào để ý. Trẫm khá khen nhỏ Trâm. Con người hắn ra răng, Quyên?
Dôi mắt Quyên chớp nhanh; dáng suy nghĩ:
- Lão khoảng...hai bốn, hai lăm là cùng...
- Trời!
- Trời gì mày, Thuần?
- Từ nãy nghe mày gọi bằng « lão » tao cứ ngỡ hắn ít nhất cũng ngoài tứ tuần!
Cả bọn nhao nhao: ừ, tao cũng nghĩ như thế, đâu ngờ. Quyên mỉm cười, rồi tiếp:
- Lão còn trẻ lắm, nhưng nghiêm và lạnh lùng. Chúng mày biết tao định đặt cho lão tên gì không?
- Gì?
- Linh-hồn-tượng-đá!
Mọi người cười, sau đó chấp nhận biệt danh này.
Quyên nối tiếp câu chuyện:
- Lão...à quên, « Linh hồn tượng đá » coi cũng bô giai, ăn nói nghe được...
Thuần vội ngắt lời:
- Xứng đáng là... « người yêu lý tưởng » không?
Nguyên la lên:
- Xí! Nham nhở!
- Kệ tao!
- Không kệ thì bộ tao rước mày về nhà à?
- Mốc xì!
Quyên hoà giải, kể tiếp:
- Cặp kính cận của « Linh hồn tượng đá » cũng cỡ... « đít chai » như chàng Vĩnh nhà mình!
Sau câu nói của Quyên, mắt Lệ sáng lên:
- Vậy tao có ý kiến!
- Nói nghe!
- Ngày mai tụi mình tới, cứ giả vờ nói chuyện với « Linh hồn tượng đá » rồi thừa cơ giấu kiếng của hắn đi...
Huyền chau mày:
- Kính người ta đeo luôn ở mắt chứ có vứt chỗ này chỗ nọ đâu mà đòi giấu!
Lệ vẫn hăng:
- Thì mình phải lập mưu chứ!
- Mưu gì?
- Chẳng hạn...mình giả vờ hỏi bao nhiêu độ, rồi mượn kính đeo thử...rồi hè nhau chạy!
- Thế thì còn giấu cái khỉ gì! Ôi, nhỏ này ngây thơ cụ!
- Gì mà ngây thơ? Tao hỏi mày bị mất kính sức mấy mà « Linh hồn tượng đá » đuổi được tụi mình, có ngồi đó mà rờ rẫm thì có!
- Bộ mày chạy được luôn à?
- Chứ sao!
- Ngu! Hắn không gọi cảnh sát bắt mày về tội cướp giật, tao chỉ xin...làm con mày!
Cả bọn lại được dịp cười lớn. Tất cả bàn luận ồn ào về những «kế hoạch » dự định để phá « Linh hồn tượng đá »; không ai chịu thua ai, người nào cũng cho sáng kiến cảu mình là nhất. Cuối cùng Quyên đành giảng hoà; giọng nàng cao bổng giữa tiếng ồn ào:
- Thôi để rồi sáng mai xem nhỏ nào hay hơn cả. Chỉ sợ tụi mày chưa gì hết đã đầu hàng vô điều kiện.
- Sức mấy!
- Để rồi coi!
Những bước chân đã đi vòng gần hết sân trường. Nhiều cặp mắt dõi theo các bóng áo trắng mà ngẩn ngơ. Trong trường có lẽ nhóm Quyên là nổi bật nhất – về nhiều phương diện – nhưng chắc hẳn phải nói tại cô nào cũng mặn mà nhan sắc, dễ thương, duyên dáng. Không thiếu những « cây si trồng trên lối đi »...Bọn Quyên biết hết nên hãnh diện thầm và cảm thấy mình...lên giá. Họ càng kết thân với nhau hơn, ngoài tính nết hoà hợp, vì thầm nghĩ mình chỉ được để ý nhiều hơn trong cộng đồng bé nhỏ này.
Tan học. Sau khi hẹn với các bạn gặp lại vào sáng ngày mai. Quyên lấy xe. Vừa lách khỏi được rừng người và xe cộ lúc nhúc ngoài cổng trường, chạy từ từ được một quãng. Quyên giật mình thắng vội xe lại vì có một người chợt phóng ra từ một cột đèn. Quyên nhận ra ngay:
- Ồ...anh Vĩnh!
Cặp lông mày của anh chàng nhướng nhướng lên; hai tròng mắt kính dầy cộm như « khiêu vũ » trên sóng mũi. Quyên cười nụ:
- Gì vậy anh Vĩnh? Tí nữa anh xô vào xe tôi!
Hắn há miệng, mấp máy môi, mãi mới phát ra lời:
- Gửi...gửi cô...cái này...
Thốt được bằng ấy âm thanh thì mặt đã đỏ bừng, mồ hôi lấm tấm và tay chân lều khều hẳn ra, hắn vứt vội một cuốn vở vào chiếc giỏ xe của Quyên rồi nhảy lên đường, biến dạng trong đám đông.
Quyên bỡ ngỡ nhưng khi lật một vài tờ đầu nàng chợt nhớ đã hỏi mượn Vĩnh tập Sinh ngữ. Không ngờ mình đùa mà anh chàng tưởng thật. Tội nghiệp!
Về đến nhà, vào phòng, Quyên lấy cuốn tập của Vĩnh ra xem lại kỹ hơn. Bìa màu xanh lá cây được bao nulon cẩn thận; chữ viết bên trong nắn nót, đẹp. Quyển vở còn cứng cáp, phẳng phiu các góc và thơm mùi giấy mới. Quyên thầm khen VĨnh là người cẩn thận, siêng học. Bỗng một mảnh giấy con con rớt ra. Quyên nhặt lên, đọc:
« Tôi xin tặng chị Quyên cuốn tập Sinh ngữ này mà tôi đã thức suốt đêm qua để chép lại. Mong chị Quyên đừng từ chối kẻo tôi buồn lắm... »
Kỷ niệm một đêm thức trắng
Vĩnh
« Tái bút: Xin chị đừng cho đứa nào trong lớp biết nhé – Vĩnh »
Tự nhiên Quyên muốn cười. Và nàng đã cười thật to, cười nghiêng ngả, đến chảy nước mắt – như sáng nay khói xe của « Linh hồn tượng đá » đã làm nàng chảy nước mắt...
° ° °
NGÀY THỨ HAI
Quyên ngồi rất chăm chú nghe giảng. Như tìm được cảm hứng, Huy nói say sưa về thơ văn của Cao Bá Quát. Ngay từ đầu Huy đã ngạc nhiên về thái độ thay đổi của cô học trò – ngựa chứng đã thuần phục. Chàng mừng thầm về « chiến công » của mình.
Khi Huy vừa đề cập đến khía cạnh yếm thế của thi sĩ họ Cao thì tiếng chuông điện reo ngoài cổng. Chàng ngừng nói một chút, khẽ nheo mày, rồi lại tiếp tục. Quyên vẫn đăm đăm nhìn ông thầy, lắng nghe như uống từng lời giảng. Như đã quên hẳn thực tại.
Chị Ba giúp việc đi vào, rụt rè thưa:
- Cô...có khách!
Quyên quay lại, đặt ngón tay lên môi: xuỵt! – Nhưng người giúp việc không im, nhăn nhó:
- Tôi cũng nói cô đang học nhưng họ nhất định muốn vào.
Quyên cắn nhẹ môi, khẽ hỏi:
- Ai vậy?
- Mấy người bạn của cô.
- Đồ khỉ! Không hiểu chúng nó tới làm gì?
- Họ bảo có chuyện rất cần nói với cô.
- Được, để tôi ra.
Nói xong Quyên quay lại:
- Xin phép thầy!
Rồi không chờ được phép hay không, Quyên đã nhảy chân sáo ra sân. Bốn cô gái vây quanh Quyên thì thầm:
- Tính thế ra sao?
Không trả lời, Quyên hỏi ngược lại:
- Tao bảo hai đứa tới thôi, sao chúng mày lại đông vậy?
Thuần nhanh nhẩu:
- Tại nhỏ Trâm mí nhỏ Nguyên đòi theo!
- Tụi mày tới muộn gần mười lăm phút làm tao phải đóng kịch chăm chỉ mệt muốn chết!
- Đón xe đâu có dễ gì, mày!
- Thôi vào đây!
- Chi vậy?
- Tao giới thiệu!
- Í, đâu được mày!
- Sao không? Sợ hả?
Cả bọn líu díu theo chân Quyên; người nọ đẩy người kia. Tới trước mặt Huy, Quyên chỉ từng nhỏ bạn một:
- Giới thiệu mí thầy đây là những bạn thân nhất của...Quyên. Nhỏ này tên Thuần, tự « Thuần đuôi ngựa », nhỏ kia là Huyền, tự « Huyền cady », nhỏ nớ là Trâm-khểnh; thầy cứ nhìn cái...răng nanh của nó thì biết tại sao nó được gọi là « Trâm khểnh ». Nhỏ đứng cạnh là Nguyên « xứ dân gầy »...Còn đây là...thầy tao! Tụi bây cúi đầu chào thầy tao đi!
Bốn cái miệng lí nhí không ra lời; cả bốn bộ mặt đều đỏ đừ, nóng ran; cả bốn cặp mắt đều không dám nhìn thẳng người đối diện.
Nghe giới thiệu những biệt danh, Huy muốn bật cười. Chàng khẽ bảo Quyên:
- Cô Quyên ra nói chuyện với các bạn ít phút rồi vào học nhé.
Quyên ngoắc tay, nheo mắt ra lệnh:
- Vào đây tụi bây!
Như chỉ chờ có vậy, cả bọn ù té chạy theo Quyên vào phòng nàng. Tiếng cười nói vang lên như mở hội.
Ngoài phòng khách Huy rút thuốc lá ra đốt; mắt đăm chiêu nhìn ra ngoài sân đầy nắng. Chàng hơi khó chịu những bộ mặt mới đến mà theo chàng chắc cũng thuộc một « típ » như Quyên. Huy bâng khuâng thở dài, hít mạnh điếu thuốc rồi thả khói ra từ từ. Cha mẹ nghèo, sống trên miền Cao nguyên xứ lạnh, ngày đêm phải chật vật với sinh kế để nuôi một lũ con còn nhỏ, Huy xuống Sài Gòn tự lập từ khi bước chân lên thềm Đại học. Mới chập chững vào đời Huy đã phải tranh đấu rất nhiều. Lúc nào và ở đâu nghị lực, kiên nhẫn và sự khôn ngoan, sáng suốt cũng bị đặt trong tình trạng sinh động...Tuy nhiên Huy đã tránh được những tiếng than phận, những tư tưởng bi quan giữa những gai lửa của cuộc đời.
Trong phòng Quyên chiếc máy thâu băng bắt đầu nhả ra những âm thanh thác loạn. Hai ba tấm thân đu đưa theo nhạc. Quyên vứt ra bàn một nắm đậu phộng da cá. Nhiều bàn tay cùng chụp xuống một lượt, tranh nhau từng gói. Tiếng nói chuyện như hét nổi lên, vượt hẳn tiếng nhạc:
- Thầy nhỏ Quyên coi bảnh chứ nhỉ?
- Có vẻ hiền!
- Không hiểu sao nhỏ Quyên lại ghét?
- Ai mà biết!
- Nếu như tao, tao đã chịu học từ khuya rồi!
- Nghèo mà ham!
Quyên ló đầu khỏi cửa, lén nhìn ra phòng khách. Huy vẫn ngồi hút thuốc trong dáng điệu suy tư, đơn độc. Mấy quyển sách nằm trơ trọi trên mặt bàn. Quyên vẫy tay các bạn rồi chỉ ra phía ngoài:
- Tụi bây, tới xem!
Rồi Quyên nhường chỗ cho các bạn. Các mái đầu lại tranh nhau ngó ra. Quyên nói:
- Giống « linh hồn tượng đá » không?
Có tiếng cười khúc khích. Được thể Quyên khoe khoang:
- Tụi bay « nể » tao chưa? Tao dám cá chỉ cần cho « ngồi chơi xơi nước » thế kia chừng ba ngày liền là «linh hồn tượng đá » phải tự động rút lui!
Không ai phản ứng gì trước câu nói của Quyên. Nàng tiếp:
- Lúc nãy tụi bây tới trễ tao phải đóng kịch siêng học, chắc « linh hồn tựơng đá » tưởng tao đã...hồi chánh!
Sau khi giảm bớt tiếng nhạc, Trâm nhìn Quyên hỏi:
- « Linh hồn tượng đá » biết mày chế lối học « kèm trẻ tại gia » chưa?
- Chắc rồi...Bà bô tao đã báo động, hơn nữa...thái độ của tao...
- Nếu thế, chưa chắc mày đã thắng!
- Sao vậy?
- Tao...linh cảm!
Quyên cười, cho cả nắm đậu phộng vào miệng nhai ròn tan.
Nghe nhạc chán xong Quyên rủ các bạn ra vườn sau nhà chơi. Không khí ở đây mát rợi và thoang thoảng mùi hoa. Mấy quả mận xanh làm thèm thuồng các cô gái. Quyên hái tặng mỗi nhỏ bạn một trái. Ai cũng nhăn mặt kêu chua khi hàm răng vừa cắn trái xanh. Tiếng cười vang vang cả một góc vườn. Dường như không người nào còn nhớ trong phòng khách có Huy đang ngồi đốt liên tiếp những điếu thuốc lá...
Huy bắt đầu nghi ngờ thái độ của cô học trò. Chàng đã nhờ chị Ba ra gọi Quyên vào học nhưng không kết quả. Nỗi bực tức dâng lên trong lồng ngực nhưng Huy cố tự chủ để tình cảm không bộc phát. Nóng nảy thường làm hư hết chuyện. Thật ra không phải là lần đầu chàng rơi vào cảnh ngộ này. Đã ba năm nay, nghề « kèm trẻ tại gia » đã dạy cho Huy nhiều kinh nghiệm nước mắt. Hết gặp những cô cậu học trò con nhà giàu ngổ nghịch, kênh kiệu lại đụng đầu những phụ huynh quan niệm hẹp hòi, bủn xỉn. Các ông thầy bất đắc dĩ trước mắt họ đã đương nhiên trở thành một thứ đồ trang sức trong một xã hội trưởng giả hay một thứ « vú em » coi giữ lũ nhỏ cho họ rảnh rang chạy áp phe hay ngồi chiếu cờ bạc. Thành thử thái độ của Quyên không xa lạ lắm đối với Huy dù có làm chàng thoáng giận. Ngoài ra Huy cũng lý luận ông bà Giang là người rất đàng hoàng, chú trong đến việc giáo dục và tương lai của con cái, hẳn Quyên không thể là một người con gái mất căn bản đạo hạnh, chắc có lẽ cô bé bất mãn điều gì đây. Phải có « móng tay nhọn » để bóc « vỏ quýt dày » mới được. Sự kiên nhẫn và thiện chí rất cần trong trường hợp này. Không lý hai mươi lăm tuổi đầu lại để cho cô bé mười sáu, mười bảy « bắt nạt » mà chịu bó tay. Huy dụi điếu thuốc mới cháy hơn phân nửa vào chiếc gạt tàn đặt dưới chân bàn rồi lấy bút và cuốn vở của Quyên ra cắm cúi viết...
Trong khi đó Quyên và các bạn ngồi tụ dưới thân cây vú sữa có tàn lớn che rợp một khoảng đất rộng, nói hết chuyện nọ đến chuyện kia, hết đoán tâm tính và phê bình con người của Huy lại kể cho nhau nghe về những « giai thoại » trong đời tư của các thầy giáo, cô giáo, sau cùng dừng lại và tán gẫu về những anh chàng đồng lớp hay cùng trường. Có một điều dường như đã trở thành một « định luật » tự nhiên là mỗi khi các cô gái mới lớn tụ tập nhau lại thì chủ đề nói chuyện bao giờ cũng là mấy chàng trai; và ngược lại các cậu choai choai gặp gỡ nhau cũng luôn luôn bình phẩm các cô cùng trang lứa – rồi gán ghép nhau thành từng cặp một, cứ như thế họ đã trở thành các ông tơ bà nguyệt. Nhóm Quyên cũng đang làm công việc ấy. Tiếng cười đùa vang như vỡ chợ, biến họ thanh những con người hồn nhiên và vô tư nhất trần gian.
Quyên chợt rời các bạn chạy vào nhà ngó chừng. Nàng nhíu mày khi thấy Huy vẫn ngồi lại và đang chăm chú viết. Một chút thương hại nhen nhúm trong Quyên nhưng bị dập tắt ngay. Người ơi sao lì vậy? Về đi và đừng đến nữa. Con bé này không chịu thua ai đâu. Đừng bắt nhau phải tàn nhẫn quá mức chứ! Nếu còn muốn ra đường để con bé này chào hỏi tự nhiên thì nên đầu hàng sớm, bạn nhé. Quyên vội quay ra, gọi:
- Ê, tụi bây!
Như một đàn chim sẻ bị động vỗ cánh bay, bốn cô gái ùa tới bên Quyên, dõi mắt vào trong nhà:
- Chúng mày thử đoán « linh hồn tượng đá » đang viết gì?
Sau câu hỏi của Quyên một số ức thuyết được đưa ra. Thuần nói trước nhất:
- Dám đang viết thư vĩnh biệt mày, Quyên ạ.
Rồi Huyền:
- Theo tao, nhỏ Quyên có thể bị xài xể trong đó lắm.
Nguyên có vẻ suy nghĩ hơn:
- Biết đâu « linh hồn tượng đá » lại viết thư méc tội nhỏ Quyên mí ba má nó.
Câu nói vô tình làm Quyên thoáng lo, đưa nàng về một thực tại đã không được nghĩ tới – Phải, nếu « người ta » đem chuyện nói cho ba mẹ thì chắc mình sẽ bị...trận đòn. Nhưng hôm qua « người ta » đã nói là không thèm méc mà; « người ta » nhận tự chịu trách nhiệm về bổn phận của mình, không lẽ bây giờ lại...lại...thay đổi ý kiến? Hay biết đâu để trả thù mình cho bõ ghét, trước khi rút lui, « người ta » trình bày sự thật? Nếu vậy thì mình...cũng chết. Ba mẹ thể nào cũng buồn cho mẹ xem...Những nghi vấn giăng mắc trong tâm trí khiến Quyên đứng lặng người trong giây lát. Thấy vậy Trâm giật tay Quyên:
- Sợ hả?
Quyên chớp chớp mắt, chối ngay:
- Tao mà sợ!
- Sao mày đứng thần người ra vậy?
- Đang nghĩ...kế hoạch cho ngày mai.
- Thì cứ đều đều như bữa nay.
- Sợ...tụi mày chán.
- Hứa với mày ngày nào tụi tao cũng tới, đến bao giờ mày thành công thì thôi.
- Thiệt hả? Ngoéo đi!
Vẻ tinh nghịch trở lại; các ngón tay móc vào nhau, biểu hiện cho lời cam kết. Tiếng cười nói lại ồn ào, câu chuyện phiếm được nối tiếp, các bộ mặt tươi trẻ như chưa từng vương vấn những lo âu của cuộc sống...
Nắng đã lên cao. Mấy con bướm nhởn nhơ trong vườn cũng đã bay đi đâu mất. Lá cây đứng im. Thiếu giói. Không khí ngột ngạt.
Trong nhàm đồng hồ điểm 11giờ, đúng lúc Huy hạ bút xuống. Đọc qua lại năm trang giấy vừa viết rồi Huy đặt trên bàn, xách cặp, ra lấy xe, không hề biết có những cặp mắt đang núp sau tường nhìn chàng. Chờ cho hai cánh cổng khép lại, tiếng xe chạy đi xa, các cô gái ùa ra, dành giựt cuốn vở mà Huy vừa để lại. Ai cũng muốn mình được đọc trước. Quyên phải giảng hoà:
- Từ từ nào! Để yên tao đọc cho nghe, xem « Linh hồn tượng đá » viết gì!
Tuy vậy các mái đầu cũng vẫn chen nhau; các cặp mắt nhìn hau háu vào những dòng chứ viết dầy đặc trên trang giấy. Quyên hắn giọng, cất tiếng:
Cô Quyên,
Tôi chép lại bài giảng cho cô. Chịu khó đọc kỹ và tìm hiểu. Chỗ nào thắc mắc nhớ đánh dấu, tôi sẽ giảng sau. Ngày mai học Sinh ngữ đấy. Hy vọng không có...khách nào tới! Phải chạy đua với thời gian. Gần thi rồi. Chịu khó bây giờ để tương lai tốt đẹp hơn...
Quyên gấp cuốn tập lại. Không người nào nói một câu; dường như ai cũng bận với ý nghĩ riêng của mình. Sự việc xảy ra ngược hẳn với những dự đoán. Như có một thoáng gió đã thổi. Tự nhiên Quyên thấy cay cay nơi mắt. Mơ hồ nàng như thấy trên các nhánh hoa ngoài sân còn vương vấn vài đốm khói do xe của... « người ta » nhả ra. Quyên vội lắc nhẹ đầu, xua những gợn sóng vu vơ trong nội tâm như muốn chối bỏ chính con người mình. Nàng nói lớn – như để xác nhận mình đang sống thực trong hiện tại:
- Sức mấy mà tao đọc!
Nói xong Quyên liệng cuốn vở vào lòng ghế. Mấy nhỏ bạn không hưởng ứng lắm thái độ của Quyên, Một người đòi về và cả nhóm chiều theo. Quyên dặn:
- Sáng mai nhớ tới nữa, nghe!
Nguyên do dự:
- Tao thấy...tội... « linh hồn tượng đá »!
- Đừng đạo đức mày ơi!
- Không phải...nhưng...
- Không nhưng gì hết! Mai tới không?
- Tới chứ, nhưng...một chút thôi còn để...mày học!
- Thế thì còn nhờ chúng mày làm gì nữa! Chưa gì hết đã định bỏ rơi bạn bè. Về đi!
Thấy nét giận hờn hiện trong ánh mắt Quyên các bạn lại nhao nhao xác nhận sẽ tới với Quyên và giúp nàng thực hiện ý muốn. Nở nụ cười thật tươi trên môi, Quyên đưa các bạn ra tận cổng.
Trở vào nhà Quyên thấy căn phòng khách thật vắng lặng. Cuốn vở nằm tội nghiệp trong lòng ghế. Bất giác Quyên nhặt lên, giở từng tờ và bắt đầu đọc chậm rãi. Những dòng chữ như thấm vào đôi mắt huyền đen rồi lan nhẹ vào từng tế bào thân thể nàng...
° ° °
NGÀY THỨ BA
Sáng
Huy vừa quặt xe vào đầu ngõ thì cũng vừa lúc ba bốn chiếc xe gắn máy khác từ trong túa ra.
- Thầy ơi! Thầy!
Tiếng gọi của mấy người con gái trên xe làm vang cả đầu ngõ. Huy ngoái cổ lại. Quyên đang ngồi vắt vẻo sau một người bạn, cười và đưa tay vẫy vẫy:
- Cho Quyên nghỉ nha!
Một cô bé khác cũng la vọng lại:
- Hôm nay lễ!
Tiếng ồn ào biến ra đường, trộn lẫn trong sự nhộn nhịp của phố xá.
Do dự một lúc Huy lắc đầu, chặc lưỡi rồi cho xe chạy từ từ tiếp theo. Cô bé khôn hơn ta rồi chăng?
Người ra mở cổng cho Huy không phải là chị Ba mọi sáng nhưng là một cô gái xinh xinh, gọn ghẽ trong bộ đồ cụt. Huy hỏi trước:
- Thảo không đi học à?
- Hôm nay lễ mà chú!
- Lễ gì?
- Hai Bà Trưng!
- À...à...chú quên...
- Hèn chi chú tới. Chị Quyên đi chơi rồi!
Dựng xe xong Huy lại gần Thảo. Con bé dễ thương ghê. Mới gặp có hai lần mà đã tỏ ra mến Huy. Dáng vẻ hiền thục chứ không tinh ranh như Quyên. Đẹp không kém gì chị, nhưng ngoan hơn. Ngày đầu tiên tới đây Huy đã nhận ra điều đó.
Tiếng Thảo trong vắt:
- Chú Huy này.
- Gì Thảo?
- Cháu định xin ba cho học với chú...nhưng sợ ba không chịu.
- Thảo phải đến trường buổi sáng mà?
- Xin đổi xuống lớp chiều!
- Tội gì mà khổ vậy?
- Cháu thích học với chú. Ai dại như chị Quyên!
Huy giật mình, đưa mắt nhìn Thảo. Nhà biết chuyện rồi sao? Không nhận ra nét thắc mắc nơi Huy, con bé vẫn tự nhiên nói tiếp:
- Chị Quyên ngày nào cũng bắt cháu mua hai chục gói đậu phọng da cá về để phá chú, lại còn rủ bạn bè tới giúp nữa. Cháu ghét ghê đi! Chắc chú cũng ghét chị í?
Huy mỉm cười, không trả lời thẳng, hỏi sang chuyện khác:
- Sao Thảo biết?
- Biết gì, chú?
- Chị Quyên...phá chú?
- Gì mà cháu chả biết! Mấy « bả » nói chuyện với nhau cháu nghe hết trơn! Mí lại họ tưởng cháu còn bé, chưa biết gì, cứ việc nói tưới hạt sen, đâu ngờ cháu lớn rồi!
Huy bật cười thành tiếng. Thảo ngẩng lên:
- Chú cười gì vậy?
- Cười...cháu lớn rồi!
- Chú không tin hả? Những 13 tuổi lận! Đây nè, cháu đứng cũng gần bằng chú rồi chứ bộ!
Vừa nói Thảo vừa nhích lại sát người Huy, lấy tay đo đầu mình sang...vai của chàng. Bộ điệu hồn nhiên của con bé làm Huy thích thú như trút được dáng vẻ nghiêm nghị bắt buộc bởi vai trò « gõ đầu trẻ » thường ngày:
- Thảo này!
- Dạ?
- Thế...ba mẹ có biết chuyện...chị Quyên phá chú không?
- Không! Chị Quyên khôn thí mồ! Mỗi lần ba hỏi, chị í lại khen chú tận tâm nè, hiền nè và chị í còn nói thích học chú lắm!
Huy cắn nhẹ hàm răng. Lặng thinh. Thảo rủ: chú Huy ơi ra vườn nhà cháu chơi không? Rồi không đợi Huy trả lời, con bé nắm tay chàng kéo đi. Nó nói huyên thuyên, như con chim sơn ca trong buổi sáng quang đãng. Huy nghĩ Thảo là đứa con gái sung sướng, sau này chắc nắm hạnh phúc trong tay dễ dàng như ngắt một nụ hoa...
Cánh vườn khá rộng, nhiều cây ăn trái và lắm hoa kết viền lối đi. Huy vẫn thường thầm trách những nha ở Sài Gòn có vườin là ích kỉ - chiếm một khoảng đất rộng dư thừa trong khi dân chúng còn sống chen chúc – nhưng bây giờ bước chân vào đây – có những mảnh nắng hiền hoà nhảy múa trên lá, trên hoa và thấy cả những tảng mây xanh lơ trôi chậm – Huy lại thấy mảnh vườn này lý tưởng. Được hàng ngày ngồi đây mà đọc sách, học bài thì nhất trần gian rồi...
- Chú nghĩ gì mà cháu hỏi hai ba lượt hổng thèm trả lời?
Giọng nói nũng nịu của con bé đưa Huy về thực tại. Chàng nhìn khuôn mặt trắng hồng và đôi mắt sáng linh động:
- Thảo hỏi gì?
- Chị Quyên phá chú như vậy chú có buồn không?
-...Không...Chú nghĩ chắc chị Quyên chỉ...thử mấy ngày đầu xem chú hiền hay dữ để dễ...bắt nạt. Mai mốt chắc học ngoan lại.
- Thế chú hiền hay dữ?
Huy cười cười, hỏi ngược lại:
- Cháu thấy chú thế nào?
- Dễ thương ghê nơi!
Câu nói đơn sơ của con bé làm Huy cười lớn tiếng:
- Cháu dùng sai từ rồi! « Dễ thương » để dành cho con gái thôi, chẳng hạn như cháu. Thảo dễ thương! Thôi cho nói lại đó!
Thảo cũng cười. Bây giờ Huy mới để ý má con bé cũng có hai lún đồng tiền. Người xưa bảo đó là dấu hiệu « giàu duyên nặng nợ ». Chắc sau này không thiếu những thằng con trai đau khổ vì con bé này.
Giọng Thảo ngọt lịm:
- Rồi, cháu nói lại nha: chú hiền và vui tính lắm!
- Chị Quyên của Thảo vẫn bảo chú...nghiêm mà!
- Chị í còn nói chú như ông cụ non...nhưng tại chị í không có...mắt quan sát!
- Không phải, chú nghiêm thật mà. Nhưng chú thích giờ nào việc nấy, vui đùa tuỳ lúc.
- Cháu cũng thích vậy!
- Nếu dạy Thảo học, chú cũng rất nghiêm. Thảo nghịch chú cũng khẻ tay như thường.
- Nhưng có...ghét cháu không?
- Có!
- Nhiều hay ít?
- Nhiều!
Thảo phụng phịu:
- Hổng chịu đâu!
Huy cười xoà:
- Vậy thì ít!
Thảo nở nụ cười. Hàm răng đều và trắng bóng hở ra, nom con bé như một thiên thần.
Nhìn đồng hồ nơi cổ tay: 10 giờ 30. Hiểu Quyên sẽ đi chơi suốt cả buổi sáng. Thế là mất một buổi học. Ba ngày rồi chưa được chữ nào. Cô bé vẫn dẫn trước mình 3-0. Huy nghĩ thầm – mình không thể thua cô bé. Huy lấy trong túi ra tấm danh thiếp, viết vội mấy hàng, rồi gọi:
- Thảo! Thảo!
Cô bé đang mải mê vít cong cành khế hái trái, không trả lời. Huy chạy lại giúp Thảo. Ánh nắng chiếu thẳng làm Huy chói mắt, không nhìn rõ; lại thân cây lắm kiến khiến Huy vừa lúng túng vừa xuýt xoa. Được dịp, Thảo cười như nắc nẻ. Giọng cười của nó trong như pha lê. Đặt những trái cây mọng nước trong bàn tay con bé, Huy nói đùa:
- Này công chúa. Cười trên sự đau khổ của kẻ khác!
Con bé lại cười khanh khách, dòn tan như những viên sỏi chạm vào nhau. Chọn một quả lớn và chín nhất, Thảo đưa lên mũi ngửi – đôi mắt lim dim lại – rồi trao cho Huy:
- Nè chú, công chúa thưởng nè!
- Chua không?
- Ngọt!
- Ngọt của các cô cũng làm ê răng người ta!
Huy đưa vào miệng cắn. Nước trái cây đột chiếm các chân răng, nghe mát lịm. Đúng như Thảo nói, không chua nhưng Huy cũng giả vờ nhăn mặt để làm cho con bé cười. Huy yêu giọng cười của con bé.
Chợt nhớ ra, Huy đưa cho Thảo tấm danh thiếp và dặn nhớ trao ngay cho chị Quyên khi chị Quyên đi chơi về. Con bé chúm chím môi, khẽ đọc:
« Đi chơi cả buổi sáng, thích rồi. Chiều học bù! »>\
Rồi nói:
- Bỏ đi chú, cho chị í nghỉ luôn!
- Ngày nào có công việc ngày ấy chứ.
- Nhưng chị í đâu thích học.
- Chính vì vậy mới cần học bù.
- Chú siêng ghê nơi!
Huy bật cười, vậy hả? Miệng cắn trái cây, chân tung tăng, Thảo theo Huy ra tận cổng. Cho mấy xe nổ, Huy nhăn mũi trêu con bé:
- Chào công chúa, tôi về!
Nó nghiêng nghiêng đầu, để xoã mấy sợi tóc trước trán, mỉm cười, nhún người chào lại. Huy lại nghĩ quả thực con bé đẹp như một thiên thần. Chàng vờ đưa tay sửa lại gọng kính để khoả lấp nụ cười lạ của mình...
Chiều
Tuy hậm hực Quyên cũng chăm chú ngồi học suốt hai tiếng đồng hồ. Không phải vì thiện chí, chỉ bởi mẹ Quyên ngồi trong nhà.
Hết giờ, trước khi đứng lên, Huy lấy ra trong chiếc cặp, đặt trên cuốn sách của Quyên một gói ô mai và một gói đậu phọng:
- Thưởng cho buổi chiều đã...học ngoan!
Quyên hơi sững sờ, chưa kịp phản ứng gì Huy đã bước ra sân.
Tiếng máy xe đã lịm xa, Quyên vẫn ngồi thẫn thờ. Một đóm khói xe của Huy lại vô tình bay toả vào tận phòng khách, làm Quyên cay cay trong con ngươi và chảy nước mắt. Nhưng lần này Quyên đã không dụi đi hay chận nước mắt...