Số lần đọc/download: 1778 / 36
Cập nhật: 2017-08-29 15:43:50 +0700
Quảng Châu
H
À NỘI - QUẢNG CHÂU, Air Việt Nam bay một tiếng ba mươi phút. Cất cánh bờ sông Hồng chân Tam Đảo, uống một lon bia thì trông thấy thành phố Quảng Châu bên sông Châu Giang với núi Bạch Vân mùa đông mù mịt. Trong các phương tiện đi lại ngày nay, con ngựa, con thuyền, tàu thủy, tàu hỏa, chiếc xe và đôi chân người thì cái tàu bay đã làm cho kẻ lữ hành nhãng mất cảm tưởng xa gần nơi đến nơi đi.
Quảng Châu tôi chưa bao giờ được tới mà đã sẵn gần gũi rồi. Dẫu cho dọc đường dưới kia có nhọc nhằn ngày đi đêm nghỉ biết mấy thì phương trời này với tôi không phải từ hồng hoang.
Khi mới biết mặt chữ, những trang vỡ lòng đã cho chúng tôi thuộc làu làu những Lĩnh Nam, những Ngũ Lĩnh, những Lĩnh Nam trích quái, những quân quan tuần thú phương nam trong sử sách mà bao nhiêu năm về sau còn cảm thấy trập trùng thiên sơn vạn thủy khi nghe bài hát Nhị Lang Sơn. Thành Phiên Ngung bây giờ là một thị trấn vệ tinh của Quảng Châu. Trên đại lộ giữa Quảng Châu hiện đại, năm 1983 mới phát hiện mộ Nam Việt Vương - mối tình bi thảm Mỵ Châu - Trọng Thủy xa gần nguồn gốc từ đây.
Công viên đồi Hoàng Hoa, mộ liệt sĩ Phạm Hồng Thái (1904 - 1924), bia khắc năm ông hy sinh, tôi khi đó mới chập chững biết đi. Trước mặt, doi đất Sa Diện bờ Châu Giang, địa phận tô giới Pháp - Anh ngày trước, khách sạn Victoria vẫn như xưa. Phạm Hồng Thái ném bom định giết Mec-lanh toàn quyền Đông Dương rồi băng ra sông Châu - chỗ ấy ngã ba kênh đào, liệt sĩ đã bỏ mình giữa nơi sông nước mênh mang này. Đến đây, hôm nay mới thấy, nhưng chúng tôi đã nghe được kỳ tích anh hùng Phạm Hồng Thái từ tuổi thanh niên. Lịch sử thế nào, con người và thời gian thì vừa ngắn ngủi vừa lâu dài.
Nơi Bác Hồ đã sáng lập và làm báo Việt Nam Thanh niên Cách mệnh Đồng chí Hội ở phố Văn Minh, một phố cũ như Hàng Đường, Hàng Giấy Hà Nội. Nhà ở và cửa hàng chen khít, một cổng ngách sâu vào nhà trong. Nghĩ về hang đá Pác Bó ở rừng Hà Quảng Cao Bằng hơn hai mươi năm sau. Thì đây đã là một hang Pác Bó giữa nơi phồn hoa, Người vì lý tưởng, sá gì ở chỗ nào, thế nào.
Không phải vì đường bay gần mà bởi chưa bao giờ thấy xa. Từ thành phố xuống huyện Phật Sơn tạt ra cảng Phòng Thành, mà từ Phòng Thành sang Mũi Ngọc bên Trà Cổ, liền một đỗi bờ cát ven biển. Ở Phật Sơn có chi họ Đường, họ Chu đã lâu đời chuyển vùng xuống các Châu Bắc Sơn, Tràng Xá bên Lạng Sơn, Thái Nguyên. Nhiều phen cơ sở cách mạng ở Phật Sơn bị khủng bố trắng, các chiến sĩ cộng sản Trung Quốc đã sang náu mình bên kia biên giới. Cũng như đầu thập kỷ 40, trong khởi nghĩa Bắc Sơn, trung đội đệ nhị Cứu quốc quân Việt Nam đã rút lên biên giới, Sang trú chân ở Phật Sơn, cho đến khi Bác Hồ qua Hoa Nam về Pác Bó, Người đã chỉ thị cho trung đội trở về gây lại cơ sở du kích từ Đông Bắc lên.
Biết ngần nào chìm nổi của nỗi niềm đất nước và đời người, đây chỉ là khoảnh khắc chắp nối bất chợt mà thôi. Trong kháng chiến chống Pháp, tôi ở Việt Bắc làm phóng viên báo. Thời chiến, không có đường thư, tin tức chỉ nhắn nhau. Thấy tờ báo, như thấy mặt người. Tôi nhận được thư cả của những người không quen biết nhờ chuyển. Có thư rất xa, tận Sài Gòn, thư của bạn bè cùng trang lứa đi Vệ quốc đoàn.
Có anh Hợp và chị Na. Họ đều tưởng như chỉ tôi có thể nhận thư, chuyển thư được. Biết làm sao với một tệp thư của hai người. Cô Na đem con bé tản cư lên làm đồi trồng sắn ở trung du. Anh Hợp ở một đơn vị chủ lực. Năm ấy bộ đội ra chiến trường Đông Bắc. Bước vào thu đông năm 1950, Hồng quân Trung Hoa tấn công vũ bão xuống Hoa Nam. Bộ đội Việt Nam tiến lên hội quân đón bạn, chặn tàn binh Quốc dân Đảng đuổi chúng dạt sang miền rừng hoang vu bắc Miến Điện. Ở chiến dịch ấy, nhà văn Trần Đăng đã hi sinh và nhiều đồng đội đã ngã xuống. Có thể có chiến sĩ Hợp người làng tôi. Vì từ dạo ấy không nhận được thư Hợp nữa. Người ta như có thần, không hiểu thế nào mà cô Na cũng biết tin Hợp đi chiến dịch ra biên giới. Người làng tôi kể rằng cô Na địu con lặn lội sang Đông Bắc. Tôi cũng không bao giờ còn nhận được thư Na. Cô Na trôi dạt tận đâu, cô đã hóa đá Vọng Phu đứng bồng con ở mỏm núi trên Kỳ Lừa Đồng Đăng hay cô là hòn đá trông chồng trên núi ngoài Phòng Thành, ở Giang Bình bờ Biển Đông. Bao nhiêu mưa nắng đã qua.
Ký ức của tôi mờ mờ làn mưa bụi Quảng Châu, đèn đường sáng sớm vừa tắt, trên phố trước mặt, xe đạp, xe máy, ô tô nhộn nhịp đưa trẻ con đến trường, người đi làm. Tôi còn mang máng khi chú dì tôi lại sang Côn Minh, bấy giờ tôi khoảng lên mười, cái Nhâm và cái Châu độ năm, sáu tuổi. Tôi hỏi: Chúng mày đi đâu? Chúng nó ngẩn ngơ nói: Em về Vân Nam. Sáng sớm ấy hình như mưa dầm hay cũng mưa bụi mờ mịt thế này, tiếng còi tàu hỏa rầu rĩ rúc qua cầu Long Biên ngược Lào Cai. Chú Phùng tôi làm y tá ở lãnh sự quán Pháp bên Côn Minh. Chú dì sang Vân Nam từ khi chưa có tôi, và hai em Nhâm, Châu đều được sinh ra bên ấy. Mẹ đẻ cái Châu ở ga Ổ Minh Châu, đặt tên là Châu. Ông bà toan trở về ở quê. Nhưng của cải chẳng có bao, ông lại nghiện hút, bà buôn xuôi ngược đường Vân Nam đi biệt cả tháng dường như cũng chẳng mấy lời lãi, thế là được ít lâu, vợ chồng con cái lại bồng bế nhau trở lên Côn Minh.
Ông bà mất đã lâu ở bên ấy. Sang Vân Nam, dì tôi sinh được cậu con trai, em Phùng Gia Bảo mà tôi thường được nhận thư. Gia Bảo chưa được thấy đất nước, cũng không biết tiếng Việt. Bây giờ Gia Bảo đã ngoài năm mươi, vợ con đều ở Côn Minh. Cái Nhâm, cái Châu thì rời sang Quảng Châu, lấy chồng người làm thợ xe, người lái xe tải. Tuổi cũng bảy mươi cả, có còn thì cũng đã tóc bạc da mồi. Tôi chỉ biết mình có người ruột thịt ở thành phố này mà không còn bao giờ gặp, cái buồn thế nào khó nói lên lời. Không nghĩ có khi được đến Quảng Châu, mà chúng nó đi từ khi còn chưa đến tuổi biết chữ, có lẽ cũng quên hết tiếng quê rồi.
Lại cũng còn bao nông nỗi. Ông khách Sồi ngày trước bán thịt lợn ở chợ. Cái gia đình người Quảng Đông này đến ở xóm nách đình làng đã mấy đời. Chú Lâm con rể làm hàng phở đầu dốc chợ. Năm 1954, khi tôi trở về Hà Nội, gặp lại chú Lâm, mở quán bánh cuốn ở phố Hàng Giấy. Hỏi thăm, ông bà Sồi mất đã lâu, chôn ở tha ma Mả Mái đầu đồng làng tôi. Ít lâu sau, vợ chồng chú Lâm cũng về cả Quảng Châu. Hơn mười năm đã qua, biết bây giờ ở đâu, những người đã ngụ gần hết đời ở quê tôi.
Nhưng mà sự vật thì khác. Thành phố Quảng Châu đây đã một nghìn tuổi mà đương sức xuân. Các dòng cầu vượt kẻ vòng kẻ thẳng chằng chịt trung tâm, như mọi đô thị lớn trên thế giới. Những công trình xây cất đồ sộ, vuông vức, quy mô. Trên hè phố, cô thiếu nữ váy chẽn, dóng chân mảnh mai, tay cầm điện thoại di động, bước nhanh.
Quảng Đông, sáu mươi sáu triệu dân, mấy năm nay, nhiều người các huyện ra thành phố. Dân số thành phố Quảng Châu sáu triệu, có 34 trường đại học. Ngồi cái xe xinh xinh như xe loan cho cô gái áo hồng yểu điệu lái dạo trong công viên Trung Hoa Gấm Vóc, thăm bảo tàng từ đường dòng tổ họ Trần, ra sông Thẩm Quyến nhìn nhà tầng trên phố phường Hồng Kông bên kia. Đâu cũng ngan ngát mùi hoa mộc.
Mười lăm năm trước, chỉ có mươi nhà chài ven sông Thẩm Quyến, bây giờ là thành phố Thẩm Quyến, ba triệu rưỡi người khắp nước tới định cư. Ngày 1 tháng 7 năm 1997 tới đây, chính phủ Anh phải trả lại cho Trung Quốc đất Hồng Kông. Thật thích ứng đến tài tình, thế là đã nguy nga kề nhau hai thành phố Hồng Kông - Thẩm Quyến, khác nào đương đứng đầu cầu Trường Giang giữa hai thành phố Vũ Xương, Hán Khẩu. Dường như bên kia cũng thoảng sang mùi hoa mộc. Những cây mộc trong chậu cảnh, những gốc mộc cổ thụ. Hoa trắng như hạt nếp đơm xôi trong khe đá. Ở nước ta, cây mộc thanh cảnh trước sân, trong hiên nhà hậu chùa. Hương mộc tinh khiết vương ra ngoài lối đi. Cây mộc Quảng Châu được trồng nền nếp, như một nét trang trí và sinh hoạt. Cái tự nhiên thành hương đồng cỏ nội gắn bó xa xưa với hôm nay. Ý thức quê kiểng như thế được thể hiện tế nhị mọi nơi. Ở đại tửu điếm Bàn Khê trong Quảng Châu, ở cao lâu Tinh Đô ngoài Thẩm Quyến, trên lối ven núi khu du lịch Bạch Vân, trong công viên tĩnh mịch các cụ ngồi đánh cờ nghe chim khướu hót ở Sa Diện, đâu cũng những bồn lớn um tùm cây móc diều, cây song cây mây trồng đứng. Đốt, lá xanh ngăn ngắt, như vừa đánh ở bờ rào ngoài vườn đem vào.
Cả đến thổ ngơi và thiên nhiên trong quang cảnh hiện đại cũng được an bài giữa phong tục và truyền thống. Đường cầu vượt cao tốc 161 cây số Quảng Châu - Thẩm Quyến, xe chạy một giờ 140 cây số. Ngôi nhà 67 tầng ở Thẩm Quyến lừng lững cao nhất Trung Quốc. Quảng Châu đương xây hầm đường tàu điện ngầm. Các cửa hàng lớn nửa trên mặt phố nửa dưới lòng đất từng gian có người bán hàng hợp với khách chưa quen siêu thị nhiều tầng kiểu mới. Ở tửu quán, trong phòng tiệc Quý Tân thượng hạng hay vào quán bụi Dương Minh trả tiền xuất đi lấy thức ăn thức uống, cô nhà bàn áo hoa đào, trước cửa quán thướt tha rặng lệ liễu, cao cao cây bồ liễu, khách ngỡ vào thủy đình nào trong Hồng Lâu Mộng. Trên tường leo những dây móng rồng mùa đông còn rậm lá, vẫn đâu đây thoang thoảng hương hoa mộc - mà Quảng Châu gọi là quế hoa.
Thành phố mới, cực mới, mà dung dị đượm bóng xưa. Hãy tưởng tượng khi ta viếng mộ liệt sĩ Phạm Hồng Thái trên đồi Hoàng Hoa. Thì nhìn thấy sau lăng một rặng tre gai thường có ở lũy tre làng. Cây ngái, cây si, gốc và cành sần sùi cổ quái. Ven lối, bờ rào dâm bụt chẳng khác ở Nghệ An, có những bụi cây ráy và cỏ đuôi phượng, có tiếng chim khướu thánh thót trên cành cây chàng ràng hạt rụng đỏ lay láy. Hoa cỏ và con chim quê ta. Không biết có phải đấy là những lần thăm mộ, con của người là cụ Phạm Thành Nguyệt đã đưa sang như phong tục ta trồng cỏ trồng hoa ngày tảo mộ, hay những người ngưỡng mộ gương liệt sĩ đã chăm lo phần mộ cho người nằm xa quê được như ở đất quê.
Sáng sớm tôi ăn sáng trong hàng vằn thắn, nhìn người đông đúc qua lại ngoài phố. Cụ già xách lồng chim khướu, trời lạnh che mảnh vải trắng, đi dạo vườn hoa. Trong mái đình, tiếng thanh la não bạt “lốc bốc xoảng… bốc xoảng”, như ngày nào xem tuồng Tàu ở trong nhà hội quán phố Hàng Buồm, ở cao lâu đường Cây Mai trong Chợ Lớn. Cứ cảm thấy ngờ ngợ như sắp gặp ông bà Sồi bán thịt lợn, nhà chú Lâm hàng phở đầu dốc chợ. Ở Bắc Kinh, ở Liêu Ninh, những khuôn mặt trắng phương phi của người Hoa Trung, Hoa Bắc khác vẻ thanh tú mà lại khắc khổ của người phương nam, tôi trông ai cũng như quen quen. Có bà cụ áo bông xanh bạc vai, người thấp bé, ngước nhìn tôi rồi lẩm bẩm chẳng biết nói gì. Có phải đấy là em Nhâm, em Châu tôi? Có phải nó nhìn ông lão vẻ hao hao anh nó ngày xưa? Làm sao có thể thế được, nhưng tôi cứ ngỡ.
Ở nhà hàng Bản Khê, bạn mời khai vị rượu Thiệu Hưng. Cái rượu Chiết Giang thường gặp trong sách Lỗ Tấn. Mới biết rượu Thiệu Hưng là loại rượu cho ngày rét mướt áp Tết Nguyên đán, siêu rượu bắc ở hỏa lò ra uống nóng, mỗi chén lại ngâm một quả ô mai. Tôi rưng rưng nỗi niềm được nếm rượu Thiệu Hưng quê nhà của đại văn hào. Nhấp ngụm rượu, tôi bỗng nghĩ đến tấm áo xường xám màu hoa đào đã cất bao nhiêu năm trong cái giỏ mây của bà Mã Phảy ở Lũng Nghìu, Khơ Đa biên giới Lạng Sơn. Năm xưa, cái áo xường xám màu hoa đào đẹp nhất, Mã Phảy đã mặc mỗi khi đi với Phùng Trí Kiên, có biệt danh là Mã Gầy. Ông cũng lấy họ của Mã Phảy, khi hai người ra Hồng Kông, vào Quảng Châu. Bà lão Tường Lâm trong truyện Lỗ Tấn đã uống rượu Thiệu Hưng vào ngày áp Tết, ngoài kia tiếng pháo nổ trong tuyết sa. Cái mụ cô hồn Tường Lâm vô phúc và những cô hồn Mã Phảy, những cái Nhâm cái Châu, tôi nhớ mà không bao giờ còn gặp lại ai, mà bà lão Mã Phảy vẫn giữ cái áo, mụ Tường Lâm vẫn hỏi người ta rằng người chết có linh hồn không, mà tôi vẫn ngậm ngùi về tuổi thơ những đâu đâu.
Rượu Thiệu Hưng! Rượu Thiệu Hưng! Lỗ Tấn, ông ác lắm, ông viết cho người ta nhớ làm gì. Trời Quảng Châu chất ngất nhà nhà lèn trong mưa bụi, mưa trắng mờ bóng trăng rằm vần vụ trong sương, cái rét se lòng lại khiến phải hâm thêm cái rượu nóng Thiệu Hưng.
1996