Books are the compasses and telescopes and sextants and charts which other men have prepared to help us navigate the dangerous seas of human life.

Jesse Lee Bennett

 
 
 
 
 
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Lê Huy Vũ
Số chương: 34
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1282 / 9
Cập nhật: 2017-05-20 08:35:40 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Đức Độ Nền Tảng Giá Trị Con Người
ình thường, chúng ta chỉ cảm thấy mình mang một giá trị nhưng khi hỏi rằng giá trị đó thế nào thật khó mà trả lời. Giá trị của một người không lệ thuộc vào cái nhà hay những đồ vật người ấy có; do đó, không ai có thể nói tôi có giá trị bởi tôi có cái nhà to hoặc chiếc xe đẹp. Giá trị con người cũng không tùy thuộc vào bằng cấp hay địa vị vì đã biết bao người có bằng cấp cao, địa vị quan trọng trong một thời và có thể ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống chúng ta thời đó mà vẫn bị khinh rẻ. Giá trị của mình cũng không tùy thuộc vào tiền tài nên dù người nào đó có tiền cách mấy mà sống không ra gì thì cũng bị mọi người khinh chê. Như vậy, giá trị của mình do lối sống và cách cư xử mà ra. Chính lối sống chứng tỏ mình là người thế nào và nói lên giá trị của mình. Dù một người nghèo cách mấy mà sống có tư cách, đức độ, đều được mọi người kính nể. Tôi nói kính nể chứ không phải trọng vọng vì sự trọng vọng chỉ có tính cách bên ngoài; còn sự kính nể phát xuất từ nơi tâm hồn con người; giá trị này được gọi là lối sống đức độ.
Đức độ là gì qua Tục Ngữ, Ca Dao? Nó được thể hiện thế nào trong đời sống và sự ảnh hưởng của đức độ tới con người theo quan niệm của ông cha chúng ta ra sao?
Người xưa không định nghĩa những đức tính của một người thế nào mà chỉ nói cách sống của người đó nên ra sao. Đức độ bao gồm tất cả những đức hạnh mà một người nên theo. Người đức độ là người tuân giữ đạo trời: "Dù ai nói ngược nói xuôi, ta đây vẫn giữ đạo trời khăng khăng." Đạo trời là tiếng chung mà tất cả những lối sống tốt lành đều phát xuất từ đó. Đạo trời bao gồm Khổng, Lão, Phật, thờ kính ông bà... Đức độ còn được dùng như chữ nết. Chúng ta thường áp dụng chữ nết cho đàn bà, nhưng thật ra ai cũng cần có nết: "Tốt gỗ hơn tốt nước sơn, xấu người đẹp nết còn hơn đẹp người," hay "Cái nết đánh chết cái đẹp." Đức độ trong Ca Dao tương tự như "Tâm" trong Kiều "Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài," hoặc trong tướng học: "Tướng tự tâm sinh." Trong tướng học, đức độ của một người còn cải đổi số phận không may của họ: "Đức năng thắng số." Vì thế, không lạ gì câu tướng học này được ghép vào hàng tục ngữ. Con người đức độ lấy lòng nhân đặt lên hàng đầu. Giúp đỡ những kẻ khốn cùng, biết thương xót người đau khổ. Có thể nói, đức độ tương tự với "Bác Ái" và "Thương Xót" trong Công Giáo, "Nhân" trong Khổng, và "Bi" trong Phật học: "Thí một chén nước, phước chất bằng non."
Người đức độ coi trọng tha nhân, lấy việc giúp đỡ, "làm phúc" cho người khác vượt hẳn lên các việc công ích. Không có gì có thể so sánh được với lòng nhân và dù cho bất cứ những việc công ích lớn lao nào chăng nữa cũng thua sự giúp đỡ những người khốn cùng, cần nhờ vả đến mình hoặc không nhờ vả đến mình. Một người biết thương xót kẻ thế cô mà yên ủi giúp đỡ, biết chia sẻ với kẻ bần hàn hơn mình, hoặc khi gặp ai hoạn nạn, tai bay vạ gió, cố gắng hết sức để tìm mọi cách trợ giúp thì công đức này dầu không ai biết cũng có giá trị không sao so sánh: "Dẫu xây chín bực phù đồ, không bằng làm phúc cứu cho một người."
Trong cuộc sống, người thì khó nghèo về vật chất, lại cũng có người nghèo nàn về tinh thần. Ngày xưa trong những câu chúc, ông bà ta hay dùng chữ phú quí. Phú quí mang ý nghĩa giầu có và đức độ. Câu chúc này bao hàm một giá trị luân lý ít ai để ý tới. Thực ra, hai chữ phú quí đi đôi với nhau ẩn chứa giá trị đạo đức và sự tin tưởng kết quả của cuộc sống đạo đức thể hiện đức độ. Nếu người nào có cuộc sống đức độ, trời sẽ ban cho giầu có. Nói cách khác, sự giầu có là phần thưởng cho người đức độ. Dần dần cuộc sống thay đổi, con người đua đòi chạy theo giá trị vật chất; quan niệm của con người cũng đổi theo ảnh hưởng cuộc sống và chúng ta thấy ngày nay, đã phú chưa hẳn là quí hoặc ngược lại. Như vậy người không quí mà giầu có vật chất thì lại nghèo nàn về tinh thần, chỉ biết đến mình và lạm dụng người khác; "Của người bồ tát, của mình lạt buộc." Người đức độ biết thương xót người cơ hàn bao nhiêu thì cũng thương xót người nghèo nàn về tinh thần bấy nhiêu. Do đó, người đức độ cần có thêm đức nhẫn nhịn vì "Một sự nhịn, chín sự lành." Chính bởi sống đức độ không phải dễ dàng nên được gọi là quí do đó có câu: "Người ta ba thứ người ta, kẻ thì tiền rưỡi người ba mươi đồng." Đức nhẫn nhịn nơi con người đức độ không mang nghĩa chờ thời để trả thù mà bao gồm khoan dong, tha thứ. Bởi vậy, người đức độ còn được gọi là trượng phu: "Đấng trượng phu đừng thù mới đáng," hoặc anh hùng, "Đấng anh hùng đừng oán mới hay." Theo nghĩa này, người đức độ còn được gọi là người hiền; "Người hiền khác thể chi lan, gần hơi cho lắm lại càng thơm lây."
Quí cụ học Nho ngày xưa thường hay dùng tiếng "Người Quân Tử" để chỉ người đức độ. Thắng không kiêu, bại không nản; không ba hoa, không hàm hồ; "Người quân tử đắc chí rung đùi, kẻ tiểu nhân đắc chí gẩy đàn môi." Gặp những lúc "Cái khó bó cái khôn," người đức độ biết chấp nhận cuộc đời, không than trời cũng chẳng trách người vì dẫu sao, "Nhân vô thập toàn." Chính vì thế, người đức độ luôn luôn lấy câu: "Trách người một, trách ta mười" làm phương châm. Chẳng lạ gì bởi chính lối đối xử của người khác đối với mình có thể là sự phản ảnh của sự đối xử lầm lỗi của mình đối với họ trước. Hơn nữa, "Việc người thì sáng, việc mình thì tối." Nhận thấy điều lầm lỗi của kẻ khác thì dễ, còn xét điều sai quấy của mình thì khó. Lại cũng có lẽ khác, vì mình đã có kinh nghiệm lầm lỗi trước nên mới nhìn thấy sự không hay của người khác chăng. Người đức độ không trách người mà xét mình, khoan dung và thứ tha; người đức độ khó với mình nhưng dễ với người khác.
Qua những kinh nghiệm cuộc đời, ông cha ta nhận ra ảnh hưởng của cuộc sống đức độ bao trùm cuộc sống con người. Người sống đức độ, hiền lành thì được chúc phúc: "Ở hiền thì lại gặp lành, những người nhân đức trời dành phúc cho." Trời dành phúc cho tức là nói về số phận của con người; số phận này tùy thuộc cuộc sống đức độ của họ. Ngay cả về vật chất, người đức độ cũng được khấm khá: "Thiên cao đã có thánh tri, người nhân nghĩa chẳng hàn vi bao giờ." Dù cho có gặp tai bay vạ gió, đức độ của một người cũng trở thành lá bài che chở tai ách: "Ăn ngay ở thật, mọi tật mọi lành;" hoặc, "Ở hiền thì lại gặp lành, ở ác gặp dữ tan tành ra tro." Đức độ bao gồm nhẫn nhục, người đức độ được trời ban cho sống lâu: "Chữ nhẫn là chữ tương vàng, ai mà nhẫn được thì càng sống lâu." Lòng nhân của người Đức độ còn bao gồm chữ nhẫn.
Đức độ của một người không những có ảnh hưởng ngay lành đến chính cuộc đời họ mà còn ảnh hưởng tới con cái: "Cha mẹ hiền lành để đức cho con." Ngày xưa cũng như thời nay mọi người tin rằng cuộc đời mình được thừa hưởng đức độ của cha mẹ mình. Địa vị mình có trong xã hội không phải chỉ do chính khả năng, đức độ của mình mà thôi, mà còn do công lao tích đức của ông bà cha mẹ mình ảnh hưởng tới: "Ông cha kiếp trước khéo tu, nên sanh con cháu võng dù nghênh ngang." Bởi thế, một người muốn cho con cháu mình sau này làm ăn nên, phải lo sống đức độ: "Người trồng cây hạnh người chơi, ta trồng cây đức để đời về sau." Trong cuộc sống, ai cũng trọng người nhân nghĩa. Nhưng nếu muốn trở thành người nhân nghĩa, phải trau dồi đức độ trước hết vì không có đức độ sao có được nhân nghĩa; "Có tiên thì hậu mới hay, có trồng cây đức mới dầy nền nhân."
Sống đức độ là sống theo đạo trời. Sống theo đạo trời là biết sự trời. Biết sự Trời hoặc sống đức độ không thể nào nghèo khổ để rồi lúc "bần cùng sinh đạo tặc". Cho nên người sống đức độ không sợ nghèo khổ: "Biết sự trời, mười đời chẳng khó." Chính vì cuộc sống đức độ bao hàm nhân nghĩa nên "Cây ngay chẳng sợ chết đứng." Người đức độ sống không những cho mình bây giờ, cho con cái cháu chắt mình mai sau.
Hương Hoa Dân Việt Hương Hoa Dân Việt - Lã Mộng Thường Hương Hoa Dân Việt