Some books are to be tasted, others to be swallowed, and some few to be chewed and digested.

Francis Bacon

 
 
 
 
 
Tác giả: Trần Đan Yến
Thể loại: Tiểu Thuyết
Nguyên tác: Thượng Hải Đích Hồng Nhan Di Sự
Số chương: 1
Phí download: 1 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 3
Cập nhật: 2020-10-20 22:08:21 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 1
Thưa cụ, cụ có thể kể cho cháu về mùa hè Thượng Hải năm 1944, về những câu chuyện bình thường mà ngày ngày đã xảy ra ở đây. - Tôi tìm đến Ngụy Thiệu Xương, được sinh hạ, lớn lên và gần như cả một đời người đã gắn bó với cái thành phố đông dân nhất này của Trung Quốc.
Giờ là mùa xuân, cách năm 1944 phải đến 56 năm rồi, trời mưa và cả Thượng Hải đượm màu xám nhạt, các góc phố có phần tối hơn, giống như tàn thuốc điểm vài chấm đen, bóng những khuông cửa in lên tường mờ nhòa, loang lổ. Những ai chưa quen với Thượng Hải dầm dề mưa xuân thì khó có thể cảm thụ cùng vẻ đẹp mềm mại, mây khói của màu trời mùa này, và tương tự khó lòng thể hội một cái gì đó thương cảm nhè nhẹ ẩn chứa trong hơi mưa ẩm ướt. Mưa rả rích, liên miên, chẳng biết đến lúc nào mới tạnh, và đến lúc nào mới nghe được tiếng sấm đầu xuân. Cụ già Ngụy nhớ như in, thời tiết năm 1944 cũng giống thế này, cụ còn kể chuyện năm 1932, khi người Nhật ném bom Thượng Hải với cảnh tượng ở “Thương vụ ấn thư quán” trên đường Bảo Sơn, thiêu trụi một nhà in và một thư viện lớn nhất Đông Á. Bốn mươi vạn cuốn sách, trong đó có sáu vạn cuốn đặc biệt và toàn bộ số giấy chuẩn bị in sách đều trở thành tro bụi. Trời Thượng Hải ngập trong mưa tuyết, những cánh tuyết màu đen từ Bảo Sơn theo gió mùa đông bắc bay khắp thành phố, rơi xuống, phủ lên áo quần phơi ngoài ban công mọi con đường, nhất là Nam Kinh đông lộ. Ngụy Thiệu Xương có vẻ mỉm cười, thần sắc đổi thay khi kể chuyện cháy sách ở “Thương vụ ấn thư quán”, nhưng khi cụ ngẩng lên, hất mái đầu bạc trắng thì bạn sẽ nhìn thấy một gương mặt gắng gượng, chịu đựng và vô cùng nhẫn nại với dĩ vãng, cụ chẳng cười chút nào, cụ hơi ngạc nhiên vì sao tôi lại muốn biết những gì về năm 1944 ở Thượng Hải.
- Dạ thưa, cháu đang viết sách, kể chuyện một người mà năm đó đã sinh ra ở đây, cháu muốn biết những tình tiết chân thực khó có thể tìm thấy trong sử sách, tân văn báo chí, thậm chí cả các truyện ký hay hồi ức của các bậc vĩ nhân, bởi vì nhân vật của cháu là cô gái rất bình thường. - Tôi trả lời và cảm thấy, cô ta như hạt bụi dính trên pho sách sử, nhưng tôi muốn hạt bụi đó vĩnh viễn không bị quét đi, rơi mất.
- À ra thế, vậy là rất cần. - Ngụy Thiệu Xương thản nhiên.
Năm 1944, Ngụy là một thanh niên chưa tới 23 tuổi, đã có vợ, nhân viên của “Công ty ủy thác tín dụng Trung Nhất”, tuy làm việc cho ngân hàng, nhưng không phải mặc đồ Tây, mà thường là trường bào Trung Hoa.
- Chắc là màu xám tro? - Tôi hỏi.
- Cũng có lúc màu nâu. - Ngụy Thiệu Xương nhớ lại hồi ấy đám thanh niên như cụ ưa vận màu nâu - Đó là một mùa hè mà Thượng Hải chìm đắm, sa cơ, rạp chiếu phim “Đại Hoa” trên đường Nam Kinh chỉ toàn điện ảnh của Nhật, họa hoằn lắm mới có “Chiến tranh nha phiến”, tác phẩm hợp tác giữa Trung Quốc và Nhật Bản, bởi vì Anh Quốc năm ấy, 1944, đang là kẻ thù, cô xem có khôi hài hay không. - cụ Ngụy kể tiếp.
Mặc dầu đã có hơn nửa thế kỷ lịch sử tô giới, mặc dầu khói súng Chiến tranh Thái Bình Dương năm 1941 đã mờ tan, nhưng theo quy hoạch của người Pháp hồi đó Thượng Hải vẫn trồng cây ngô đồng trên hành lang các con lộ, mỗi năm một lên cao. Vào mùa xuân hè, lá ngô đồng xanh ngắt, to rộng, vô tình sinh sôi nảy nở, che rợp cả dãy phố, lúc sang đông lá ngả màu vàng, cứng giòn, rụng xuống, rụng cho tới chiếc cuối cùng và còn lại những con sâu róm, nâu nâu, xù lông bám trên thân cành khô khốc, đụng đến chúng là sẽ rất ngứa. Mùa hè Thượng Hải thường chịu ảnh hưởng của các cơn bão khởi nguồn từ Phi Luật Tân, mưa to gió lớn tràn qua, ập xuống, quét đám sâu kia rơi lên mặt đường, người lớn trẻ con dùng đế giày chà đạp chúng, bắn ra một loại nước màu lục, sau đó biến thành màu vàng khi bị nắng chiếu, giống như thuốc độc.
Những khu phố náo nhiệt hoặc yên ả dưới bóng cây ngô đồng đều là chỗ đất quý của Thượng Hải, còn giữ lại vẻ khí khái, phù hoa của cái thời cô đảo, bao ngôi nhà kiểu Âu Châu có vườn hoa điểm xuyết chạy dài hai bên con lộ, chứng tỏ một cuộc sống thư nhàn của dân chúng. Ở đấy có cửa hiệu bánh mì do người Nga buôn bán, hiệu chụp ảnh, tiệm thuốc Tây, quầy đá quý của dân Do Thái, quán cà phê do người Pháp phục vụ, rạp chiếu phim, hiệu bánh kẹo, nhà trường của giáo hội, sàn nhảy, tiệm may đo, tòa báo, đoàn kịch, công ty điện ảnh của người Thượng Hải, lại có hiệu sách của người Nhật, bệnh viện của người Đức, nghĩa là đủ cả, phù hợp cho những ai thích cuộc sống Tây Dương, nhất là với dân di cư đến Thượng Hải.
Mùa hè năm ấy Thượng Hải đã có bánh kem hiệu “Công chúa Bạch Tuyết”, hỗn hợp giữa bơ, sô-cô-la, đậu đỏ, đậu xanh, có kem sữa, kem cây ăn rất mát miệng. Người ta bỏ chúng vào thùng gỗ lót bông giữ lạnh, đi bán dạo trên phố, dùng phách tre gõ lên thùng kem kêu lóc cóc cùng lời rao nhè nhẹ: “Kem đây”.
Đúng như cụ Ngụy vừa kể, thuở nhỏ tôi cũng đã nghe tiếng rao ấy vang vọng trên đường Ngũ Nguyên, nhưng là thời “Đại cách mạng văn hóa”, người bán kem mở nắp thùng, hơi bay ra, mát, thơm và ngọt ngọt, loại thùng tự chế như thế này không có khí bảo ôn, đóng, mở phải nhanh tay kẻo kem tan hết.
Còn nữa, - cụ già kể tiếp. - Ám sát, lúc nào trên đường cũng xảy ra các vụ giết nhau, khử nhau. Phái Trùng Khánh ám hại bọn Hán gian của Chính phủ Nam Kinh, người của phe Uông Tinh Vệ lén lút khử Cộng sản hoặc Trùng Khánh, và mỗi lần hiến binh Nhật bắt người thường gây ùn tắc giao thông, không khí đường phố Thượng Hải sặc mùi tử khí, khiến dân chúng có cảm giác đó là cái thời loạn thế. Năm 1944, biểu hiện Coca Cola đã xuất hiện ở Thượng Hải, hãng có nhà máy chế tạo loại nước giải khát đó tại đây mà lúc ấy quen gọi là Hà Lan thủy chỉ mới đóng chai chứ chưa vào lon như bây giờ.
Những cái chai dày dày màu xanh, tương tự ở các cửa hàng thực phẩm của người Bắc Kinh, nước mai chua cũng đựng trong cốc thủy tinh. Dân Nga và dân Sơn Đông mở nhiều tiệm ăn Nga, họ bán một loại thức uống mà người Thượng Hải rất ưa chuộng chế biến từ đậu xanh và các món ăn đặc sản Mạc Tư Khoa.
Về đêm thường có còi báo động phòng không, những khi ấy người ta đều kéo rèm cửa, sợ máy bay Mỹ ném bom. Chiến tranh đến với Thượng Hải là như vậy - Ngụy Thiệu Xương thở dài. - Ngày 9 tháng 7, tờ “Thân báo” của Thượng Hải đưa tin chiến sự ở Thái Bình Dương, ở Cửu Châu. Đông Kinh bắt đầu cho học sinh sơ tán và ban đêm quản lý chặt chẽ đèn đóm, ánh sáng. Quảng cáo của “Thân báo” hôm đó đăng tin “Võ Tắc Thiên” diễn ở nhà hát Lan Tâm, “Vương Chiêu Quân” ở Quốc tế, “Trà hoa nữ” ở Mỹ Hoa, “Lâm Xung” ở Ba Lê... và các trường Mỹ thuật chuyên khoa, trung học Thanh Tâm, Đức Đại bắt đầu chiêu sinh...
Chính ngày này, mồng 9 tháng 7 năm 1944, tại bệnh viện sản khoa Thượng Phụ do người nước ngoài sáng lập, nằm trên một phố nhỏ cách đường Hà Phi không bao xa, nhân vật của cuốn sách đã lọt lòng trên bàn tay của bà đỡ người Tây và câu chuyện được bắt đầu ngay từ lúc cô bé chưa mở mắt. Một ngày hè oi nồng, một ngày hè thời chiến, đứa trẻ sơ sinh rất bình thường này đã ra đời, xuất hiện trên thế gian, giống như hạt bụi nhỏ nhoi, bị gió thổi và bám vào bánh đậu phụ, rồi bất ngờ chúng ta bắt gặp cô bé. Người đầu tiên chăm nom cô bé là một hộ lý, nhìn những tấm ảnh còn lưu lại thì bà đã luống tuổi, không đẹp cho lắm, hàm răng hơi hô, nhưng khóe mắt lại rất ôn tồn, dễ mến và có thể nhận ra ngay nét mặt của người Giang Nam, bà nói được tiếng Anh, sống độc thân bằng đồng lương của chính mình, không chịu đựng nổi cái cảnh nhục nhã bị gả bán. Phụ nữ thời đó tự lực cánh sinh như kiểu bà thật không dễ chút nào, nhưng ở đây, bệnh viện sản khoa Thượng Phụ, bà không phải là người độc nhất, hy hữu gì. Bà đội mũ trắng đã hồ cứng của bệnh viện, toát lên một cái gì đó rất thanh sạch và thánh thiện.
Đứa bé ấy là con thứ hai của ngôi sao điện ảnh Thượng Quan Vân Châu, một nữ tử yêu kiều Giang Nam, rất đẹp, vẻ đẹp lanh lợi, năm 18 tuổi bà lấy chồng. Người chồng thứ nhất này đưa bà và đứa con trai đầu lòng của họ lên Thượng Hải tránh chiến tranh, vì đây là vùng tô giới an toàn, họ sống trong một căn nhà ở ngõ hẻm chật chội, cầu mong yên hàn. Và rồi sau đó những cơ may làm một tiểu thị dân Thượng Hải với bao dục vọng, ước mong đã đến với bà. Vì cuộc sống, bà cũng giống như các thiếu nữ đương thời, đều muốn ra khỏi nhà tìm công việc làm lụng, khi là nhân viên viết hóa đơn cho hiệu chụp ảnh Hà Thị nằm bên cạnh rạp chiếu phim Quốc Thái, bà có tên gọi Vi Quân Lạc, nói tiếng địa phương huyện Kinh. Nhưng ông chủ họ Hà thấy bà có vẻ đẹp siêu phàm nên đã đưa bà ra khỏi con hẻm nhỏ, đặt vào vị trí của một bình hoa ở cửa hàng quần áo thời trang trên đường Hà Phi. Chẳng hay Vi tiểu thư đã học được bài vỡ lòng “thời trang là cực kỳ quan trọng đối với phụ nữ thị thành” từ lúc nào, rồi sau đó đến bài học thứ hai là trang điểm và đồ trang sức, dẫu đại bộ phận đều vàng giả, ngọc giả, nhưng riêng giày dép thì lại hết sức trau chuốt, chỉ đặt đóng tại hiệu Lam Đường nổi tiếng nhất ở Thượng Hải vào năm 1948.
Vài năm sau, Vi Quân Lạc trở thành minh tinh Thượng Quan Vân Châu trên cả sân khấu kịch nói, lẫn màn bạc điện ảnh và tạo nên nhiều chuyện ly kỳ ở cái thành phố khá nhiều cơ hội này. Vở kịch ngắn đầu tiên bà được phân vai có tựa đề “Hoa hồng bay”, bà diễn kịch rất cẩn thận, chăm chỉ với một nỗi khát vọng thành công, nổi bật, dẫn đầu. Cũng như nhiều nữ diễn viên khác, nhằm đạt hiệu quả ở các cảnh quay của mình, Thượng Quan Vân Châu đã phải lúc thì tặng cà vạt thời trang, khi thì biếu thuốc lá ngoại, kẹo sô-cô-la cho những tay quay phim, mặc dầu họ đều cảm thấy bà chẳng nên làm như vậy nhưng Thượng Quan vẫn cứ ân cần, chu đáo. Rồi những khi công việc ở trường quay xong sớm, bà vui vẻ khiêu vũ, vui chơi, ăn uống thâu đêm với bạn bè, đồng nghiệp, ai cũng khen bà không kênh kiệu như nhiều minh tinh khác. Bà còn tình nguyện cùng đoàn kịch đi biểu diễn dã ngoại, bà tỏ ra yêu mến nghề nghiệp, vì để diễn kịch mà có thể trả giá tất cả. Lúc vào các vai nữ có cuộc đời tân toan, khổ lụy, giữa phim trường bà không thể kiềm chế nổi lòng mình và đã khóc lên thành tiếng thực sự. Đây chính là kỳ tích kiểu Thượng Hải, khi biến đống cát kia thành vàng, ai nấy đều hiểu nó đã phải kinh qua một ngọn lửa như thế nào. Lần ấy vì Thượng Quan Vân Châu quá ư kích động, nước mắt dàn dụa, cảnh quay không thành, đạo diễn đã trách bà sao mềm yếu thế, cuối cùng Hoàng Tôn Anh phải chọc cười khuyên can “cẩn thận kẻo làm hỏng son phấn trên mặt”. Hoàng sinh năm 1925, vừa là minh tinh, vừa là tác gia, lúc bấy giờ được học hành, có tư tưởng tiến bộ, hăng hái hoạt động trong các đoàn kịch cánh tả ở Thượng Hải, có vẻ xem thường Thượng Quan Vân Châu là gái nhà quê, dưới đáy vươn lên, nhưng Hoàng lại rất thương Thượng Quan và nói lên những lời thân mật như vậy, bà Hoàng Tôn Anh sau này chuyên sáng tác và đã nhận được khá nhiều giải thưởng văn học.
Năm 1944, Thượng Quan Vân Châu đã được tôn xưng là minh tinh, nhưng chẳng rõ có bao nhiêu người hiểu hết các kịch bản và nhận thấy ánh hào quang của diễn viên thể hiện những vai ấy, giống như viên kim cương khảm vào một thanh gỗ bình thường, bà luôn chói ngời hơn tất cả những người xung quanh, liệu bà có hiểu là tài hoa của mình đã lãng phí trong nền điện ảnh Thượng Hải lúc bấy giờ hay chăng. Thiển nghĩ, Thượng Quan biết điều ấy nên mới hy sinh tất cả để có thể tìm kiếm những cơ hội tỏa ngời, tỷ như làm một Hồ Điệp (1908-1989) khuynh thành, muốn sống những ngày xa xỉ đại minh tinh. Nhất là ở Thượng Hải phù hoa như thế này, trong cuộc đời những kẻ đắc chí vẫn bị vật chất và hư vinh chen ngang, khiến họ rất dễ lẫn lộn bản chất giữa chúng.
Lúc này Thượng Quan Vân Châu đã rời khỏi số nhà 18 hẻm 236 đường Bồ Thạch, chia tay với người chồng từng một thời kết tóc và đứa con trai đầu lòng của mình để kết hôn với nhân vật nổi tiếng sáng giá trong giới điện ảnh Thượng Hải đương thời. Họ sống với nhau tại biệt thự Vĩnh Khang ở tô giới Pháp, nơi có nhiều tiện nghi hiện đại, tỷ như vòi nước lạnh nhà tắm ghi rõ chữ C, còn vòi bên kia nước nóng lại là chữ H. Tủ áo quần của Thượng Quan treo kín đủ loại trường bào, mỗi chiếc kèm theo các phụ kiện phối hợp như khăn choàng, tất tay, giày thêu hoa, vớ nạm kim tuyến và cả nịt hông tự chế, mang vào để giữ eo, thời ấy chưa có khóa kéo nên phải bấm khuy đơm nút. Quần áo của bà thơm phức hương hoa bạch lan, người bán hoa hái xuống cả rổ, đứng đợi góc đường, hễ thấy ai ăn mặc chải chuốt, chỉnh tề thì tiến ra rao hàng “bạch lan hoa, bạch lan hoa”, ấy cũng là cái mốt của phụ nữ, nhất là các minh tinh Thượng Hải thời đó, năm 1944...
Còn thân phụ của đứa trẻ sơ sinh, ông tên họ Diêu Khắc, một văn nhân từng lưu học ở Mỹ trở về, người Tô Châu, rất phong lưu, hào phóng, đầu tóc luôn bóng lộn, rõ từng đường răng lược, thường vận com lê trắng và khi nói chuyện vẫn có thói quen chen vài chữ tiếng Anh. Khi về nước, Diêu mang theo cô vợ người Mỹ, ông dẫn vợ đi xem sinh viên cánh tả Đại học Thượng Hải diễn kịch tiếng Anh tại hội trường Tổng hội Pháp, những người Cộng sản hoạt động bí mật cũng thường đến đây xem kịch. Lúc bấy giờ cả Trung Quốc chỉ có một tờ tạp chí tiếng Anh, tên gọi “Thiên hạ” mà Diêu vừa là tác giả, vừa là biên tập chính. Diêu Khắc đã có đóng góp nhiều công sức trong quá trình phiên dịch các trước tác của Lỗ Tấn, ông thường đi lại với Lỗ Tấn. Khi Lỗ Tấn qua đời, Diêu Khắc là một trong mười người được chọn khiêng quan tài của đại văn hào hôm cử hành tang lễ, nhưng bạn thân với Diêu - Lưu Bán Nông, tác giả cuốn “Làm sao mà tôi lại không nhớ nàng”, chính là đối tượng châm biếm của Lỗ Tấn trong nhiều bài tạp văn. Một người bạn nữa của Diêu là Ân Phu, cũng nhà văn, đã bị Quốc dân đảng hành hình tại Long Hoa. Diêu Khắc là trí thức hoạt bát ở Thượng Hải, cả ngày bôn ba cho những gì mà mình yêu thích, nhưng bên đỏ, cũng như bên trắng, ông chẳng theo bên nào, và hai bên đều không cần ông, bởi ông có vẻ Tây hóa, thường bị các đạo diễn tư tưởng tiến bộ và đám ký giả là “Dương trường ác thiếu”, song vẫn có người vỗ vai Diêu mà nói rằng, đừng chấp, Diêu Sir là “đại đại lương thiếu”, “ác” hay “lương” đều do thiên hạ bình phẩm, có điều là từ Mỹ trở về Diêu không đi dạy, làm giáo sư mà lăn lộn với kịch nghệ, danh tiếng không kém gì Hoàng Tá Lâm, theo ông, dưới ách đô hộ của giặc Nhật, diễn kịch là một kiểu chống đối. Kịch bản “Thanh cung oán” của Diêu nổi tiếng lúc bấy giờ, Thượng Quan Vân Châu được phân vai cung nữ trong vở này, họ quen nhau lúc dàn dựng “Thanh cung oán” tại đoàn kịch Thiên Phong. Năm 1942, người vợ Mỹ của Diêu mang con trở về Mỹ, ông và Thượng Quan Vân Châu liền kết hôn tại Bắc Kinh.
Cô bé đã ra đời tại một thành phố như vậy và giữa những con người như vậy, chẳng khác nào một giọt nước rơi xuống biển mênh mông. Nhũ danh của bé là “Bảo Bối”, nhưng khi gọi bé người ta thích pha chút tiếng Anh nên thành ra “Bối Bối”. Nhiều năm sau đó lúc những người xung quanh cô như các con thuyền gỗ bị gió lớn lật nhào, bị sóng dữ nhấn chìm, tơi tả không còn một mảnh ván, thì những nơi cô đã ở, những nơi từng xảy ra bao chuyện đau lòng trong thành phố này, tỷ như những khu phố chìm sâu giữa bóng cây ngô đồng, chính là vụn phoi gỗ cuối cùng mà cô nắm giữ, tuy không thể cứu cô, nhưng đã an ủi cô, khiến cô dẫu chết cũng chẳng lìa xa Thượng Hải.
Hôm Bối Bối xuất viện, cũng là lúc bà hộ lý nọ xin từ chức, thôi việc, bồng cô cùng về nhà Thượng Quan, bà trở thành bảo mẫu của Bảo Bối, chăm nom cô và trông coi cả mọi thứ trong tư gia Thượng Quan, Thượng Quan gọi bà là thư ký.
- Bảo Bối, mau ăn nhanh quả trứng này nào, kẻo để nguội có mùi tanh, càng khó ăn.
- Bảo Bối mau tập đàn đi, má sắp về rồi đó...
Bà bảo mẫu luôn nhắc nhở cô như vậy, và lúc sáu tuổi chuẩn bị đến trường tiểu học, Bảo Bối có danh tính chính thức là Diêu Diêu, cô vẫn theo họ cha, ông Diêu Khắc, còn cái tên cũng do cha cô đặt cho. Diêu Diêu tết hai đuôi sam nhỏ, tính tình trầm tĩnh, không mấy hoạt bát như trẻ cùng lứa, nhiều lúc bé bồng búp bê đi đi lại lại một mình trong nhà. Sách vở của Diêu Diêu đều được sắp xếp ngay ngắn trên giá, chẳng có cuốn nào vứt bừa bãi giữa bàn, tương tự những vật điêu khắc trang trí trong phòng không hề dính một hạt bụi, bà bảo mẫu đã lau chùi cẩn thận, tận mọi hốc nhỏ sâu kín. Đó là quy củ của nhà Thượng Quan. Vào mùa hè, lúc không có khách đàn ông, Thượng Quan cho phép phụ nữ trong nhà ăn vận mỏng manh và mát mẻ hơn, giống như các cô gái vùng Trường Kinh quê bà. Con búp bê của Diêu Diêu làm bằng vải, khuôn mặt tròn trịa, kiểu mới chào hàng những năm đầu thập niên 50, khá đắt nên không phải bé gái nào cũng có thể chơi được như Diêu Diêu. Cô bé rất thích búp bê hảo hạng này, mỗi lần đi hiệu ảnh, Diêu Diêu không quên mang nó theo mình. Thượng Quan Vân Châu thường không ở nhà, những buổi tập kịch, diễn kịch, bà trở về rất muộn, ít có thời gian cùng chơi với con gái.
Nghe nói hồi còn bé Diêu Diêu hay nhìn xuống, người ngoài khó có thể thấy được mắt cô, động tác này sau đó theo cô cả một đời, giúp cô vượt qua những giờ phút gay go, thách đố. Người ta cũng nói, Diêu Diêu không đẹp như mẹ mình, lông mày và đuôi mắt chếch xuống, có vẻ đang giấu kín nhiều điều tâm sự thầm kín. Cứ mỗi lúc Diêu Diêu nhìn xuống, khuôn mặt bình thường của cô bé bỗng trở nên âm u, buồn bã vô cùng, còn nhỏ thế mà đã đa sầu đa cảm, thử hỏi rồi sau này lớn lên ắt sẽ có biết bao điều trắc ẩn. Thượng Quan Vân Châu đã đem Diêu Diêu cùng vào trường quay để diễn bộ phim “Tam Mao du lãng ký”, cô bé vận chiếc váy lụa trắng thêu hoa, đầu cài nơ hình con bướm. Cảnh quay hoàn tất, một người nào đó đã chụp cho mẹ con cô kiểu ảnh, theo phép tắc mẹ dạy, Diêu Diêu hai tay chắp lại ngay ngắn, hệt như con búp bê Tây Dương.
Chẳng khác gì so với những nhà giàu có, lắm tiền ở Thượng Hải, mẹ Diêu Diêu bắt đầu xin cho Diêu Diêu học dương cầm, hàng ngày bà bảo mẫu có nhiệm vụ dẫn cô đến nhà thầy thọ giáo. Thượng Quan Vân Châu đặt một kế hoạch và kỷ luật rất nghiêm khắc, phải ngay từ bé đã giáo dục Diêu Diêu trở thành thục nữ, những khi rảnh rỗi bà ở nhà kiểm tra con gái chơi dương cầm, nếu chơi dở, bà lấy thước thợ may gõ lên mười ngón tay Diêu Diêu, gặp lúc tức giận, bà nổi nóng tát con là chuyện thường.
- Má mình nóng tính, hay đánh lắm - Diêu Diêu kể với bạn như vậy, nhưng không hề kêu khóc khi ăn đòn.
- Bị mẹ đánh, Bảo Bối thường phản ứng ra sao? - tôi hỏi những người làm thuê trong nhà Thượng Quan.
- Cô bé không hé răng, chỉ thấy nước mắt giàn giụa, nhưng bà chủ rất thương Bảo Bối, nghe tin bác sĩ kiểm tra phát hiện thấy một chấm đen nhỏ ở phổi con gái, bà lo lắng vô cùng, vì hồi đó bệnh ấy thuộc loại nan y, Thượng Quan khóc suốt đêm, dẫu sao thì cũng là con cái đứt ruột đẻ ra. Về sau Bảo Bối đi học, bà dặn chúng tôi đưa cơm trưa cho cô chủ ngon hơn một tý, bà nóng nảy là vì quá ư nghiêm khắc với con mà thôi.
Thượng Quan Vân Châu theo đoàn kịch Nam Quốc đi lưu diễn miền Bắc, một mình Diêu Khắc ở nhà, Thượng Hải, đã đem lòng yêu mến người con gái khác con nhà giàu. Bà về nhà phát hiện sự việc và ngay lập tức ly hôn với họ Diêu, năm ấy Bảo Bối chưa được hai tuổi, đã biết gọi “ba”, nhưng trong nhà chẳng có ai là ba cả để mà gọi. Thượng Quan một lúc đóng luôn hai vai, vừa cha vừa mẹ, và có lẽ vì vậy mà rất nghiêm khắc, rất nóng nảy chăng.
Năm Diêu Diêu lên sáu, bà Thượng Quan đã kết hôn cùng Trình Thuật Nghiêu - giám đốc nhà hát kịch Lan Tâm. Chú Lam Mã mà Diêu Diêu thường thấy ngày nào ngồi ăn chung một bàn với mẹ bỗng biến đâu mất, tương tự chú Hạ Lộ, vị khách luôn luôn rời khỏi nhà Thượng Quan khuya nhất từ hôm ấy chẳng đến chơi nữa, chỉ mỗi một chú mặt dài, hiền lành và nói tiếng Bắc Kinh khá lịch thiệp ở lại. Năm bốn tuổi Diêu Diêu đã quen biết người này, mẹ cô bảo cô gọi là “bác Trình”, cô rất thích bác, nếu bác ấy đến, cô không cho ai bồng, ngoài bác. Bây giờ com-lê của bác treo trong tủ áo quần của mẹ, va-li của bác cũng để luôn ở đây, dao cạo râu của bác cô bé thấy ngay trong buồng tắm. Cô gọi bác là “ba” và bác đáp lại bằng tiếng Bắc Kinh đến là sảng khoái “ừ”. Diêu Diêu lao về phía bác, bác dang rộng hai tay sao cho cô bé lọt thỏm vào lòng, “ba”, “ừ”, thân ái vô cùng.
- Hai cha con họ thật thương nhau hết chỗ nói. - người làm thuê bảo vậy.
Diêu Diêu bảy tuổi và cô có một em trai tên là Đăng Đăng, ba má cô đều rất vui, bạn bè của họ kéo nhau đến chúc mừng. Sở dĩ em trai tên gọi Đăng Đăng là vì má nhìn thấy cặp đèn do cô Ngô Nhân mang tặng và bà nghĩ ngay tới hai chữ “đăng đăng” tỏa sáng. Ngô Nhân sinh năm 1909, vừa qua đời gần đây, năm 1995, là một nữ diễn viên điện ảnh tài ba, tên thật là Dương Anh, thời thiếu nữ học hội họa, năm 1934 tham gia đoàn làm phim “Tân nữ tính”, năm 1945 cùng chồng sáng lập nên Công ty điện ảnh Côn Lôn, sản xuất nhiều bộ phim có giá trị. Ngô Nhân có sở trường thủ vai phụ nữ già nên được tôn xưng là “Đông Phương đệ nhất lão bà”.
Hồi ấy cô bé của chúng ta còn rất ngây thơ, một hôm cô hỏi mẹ:
- Em trai họ Trình, vì sao con lại họ Diêu, con cũng phải họ Trình, bắt đầu từ nay là Trình Diêu Diêu - mọi người cười ồ, nào ngờ khi đến trường thầy giáo hỏi trò họ tên gì, cô bé liền đáp “Trình Diêu Diêu”. Trình Thuật Nghiêu đã căn dặn Thượng Quan Vân Châu, sau này mình phải thương cả hai đứa Đăng Đăng và Diêu Diêu như nhau. Có thể nhiều chuyện đã qua đi, người trong chuyện phần lớn cũng đã qua đời, nhưng Thượng Quan vẫn không quên lời căn dặn đó của họ Trình, bà còn cố gắng học giọng nói Bắc Kinh như chồng. Người làm thuê kể lại:
- Trình tiên sinh là người tốt bụng, có chữ nghĩa, hiểu đạo lý, ông rất thương Diêu Diêu, mỗi lần đi làm việc trở về, áo khoác ngoài chưa cởi, tay còn cầm cặp da, Trình tiên sinh đã gọi “Diêu Diêu đâu rồi”, cô chủ vui mừng chạy ào ra, sà vào lòng ông, rồi kêu “ba”, rồi làm nũng, những cử chỉ thân mật hệt như cha con mà cô không dám tỏ bày với mẹ mình.
Trình Thuật Nghiêu, người Bắc Kinh, con trai trưởng của một gia đình nhiều đời hưng thịnh từ tứ hợp viện, là kiểu nhà truyền thống của thủ đô, quần tụ nhiều căn đông, bắc, tây, nam đủ bốn hướng trong vòng tường riêng biệt và có chung sân. Thuở thiếu thời, Trình Thuật Nghiêu ăn mặc trau chuốt, đầu láng bóng, áo đuôi én, thắt cà vạt, đội mũ nỉ đen, khiến thiên hạ liên tưởng đến thiếu soái Trương Học Lương, một tướng trẻ của Quốc dân đảng. Hồi đó cứ mỗi lần Đại học Yến Kinh tuyển chọn “hoa hậu” nam, bảnh trai, hoạt bát thì vị trí quán quân không ai khác ngoài Trình Thuật Nghiêu, ông là hoàng tử của khoa giáo dục học, chuyên về giáo dục hương thôn. Trình có cô em gái lớn, sau khi tốt nghiệp trung học trường nữ sinh Bối Mãn đã phải ở nhà làm lụng, không thi tiếp lên đại học nữa, để ông có thể có những ngày vui vẻ, an nhàn ở Đại học Yến Kinh. Thời ấy, Đại học Yến Kinh lưu truyền một tục lệ khá ngộ nghĩnh, cấm sinh viên năm thứ nhất nghịch ngợm, vì vậy mỗi năm tuyển chọn em nào ngoan nhất, lột quần áo vứt xuống hồ, bắt nhảy theo lấy lại. Chủ trì nghi thức này phần lớn giao cho Trình Thuật Nghiêu, lần nọ, sinh viên năm thứ nhất ngoan nhất là một thiếu nữ, để tránh tai nạn không may xảy ra ban tổ chức phải cử nam sinh hộ tống, chàng trai có diễm phúc ấy chính là Trình Thuật Nghiêu. Ở trường Trình rất thích diễn kịch, anh đã cùng Tôn Đạo Lâm, Hoàng Tôn Giang tham gia đoàn kịch nói Nam Bắc, có thời gian còn đảm nhận cả chức đoàn trưởng.
Trình Thuật Nghiêu có khuôn mặt dài như tờ giấy cuốn lại, toát ra cái vẻ thông minh lanh lợi của một đứa bé và tấm lòng thương đau của môn đệ từ các trường Cơ Đốc. Trình vui vẻ, thành khẩn, đem lại cho Diêu Diêu thuở ấu thơ những buổi hoàng hôn làm nũng, làm đẹp trên đầu gối rất vững chãi của người đàn ông. Việc kiểm tra bài vở ở trường của Diêu Diêu là công việc mà cử nhân Đại học Yến Kinh đảm nhiệm, hồi tiểu học sức học của cô bé vào hạng trung bình, nhưng chưa hề bị Trình quở mắng. Mỗi lần bà Thượng Quan Vân Châu đánh đòn hay nạt nộ con gái Diêu Diêu, Trình Thuật Nghiêu không dám nói gì cả, đứng ra xa và thương xót cho cô bé vô cùng.
- Trình tiên sinh rất tốt với Bảo Bối, - bà vú già kể lại - còn đồng chí Thượng Quan tính tình cởi mở, đồng chí ấy cũng đối xử tử tế với Trình tiên sinh. - Bà vú già quen miệng xưng hô “đồng chí” tiếp tục câu chuyện.
Một hôm ở nhà chỉ còn mỗi vú và Diêu Diêu, cô bé chạy vào phòng ngủ của mẹ lấy ra tấm ảnh, rồi chỉ hình một người đàn ông cho vú xem và nói: “Đây là ba của con, ba thật, ba không phải là không muốn má con con, nhưng hình như có điều gì sai trái, nên má không cần ông nữa, tuy vậy lòng ba lúc nào cũng nhớ má và con, ông rất muốn quay về, nhưng má không cho...”, đợi vú xem xong tấm ảnh, Diêu Diêu cẩn thận trả nó về chỗ cũ và cô bé buồn rượi, tưởng tượng đến người cha của mình, chẳng rõ ai đã gieo vào tâm hồn Diêu Diêu nỗi chờ mong da diết ấy.
Người bạn thân của Diêu Diêu là Trương Tiểu Tiểu, con gái họa sĩ Trương Lạc Bình chuyên vẽ tranh hí họa, nhà ông ở đường Ngũ Nguyên Lộ, Diêu Diêu thường đến đó vui chơi vì ngoài Tiểu Tiểu ra, nhà họ Trương còn có sáu đứa trẻ nữa cũng rất ngoan và hiếu khách. Vả lại gia đình người họ hàng bên Diêu Diêu cùng ở một tòa lầu chung cư với Trương Lạc Bình và có đến tám đứa trẻ khác cũng rất thích Diêu Diêu, nên mỗi lần đến Ngũ Nguyên Lộ, cô bé vừa có bạn bè, vừa có bà con. Hôm ấy Diêu Diêu và Tiểu Tiểu tránh bọn nhỏ lên lầu cao để nói với nhau một điều bí mật gì đó, họ nhìn sang khu vườn nhà ai bên cạnh, sao mà đẹp thế, có cây cam treo những quả chín màu vàng vào độ tàn thu, có giả sơn được xây cất bằng đá lấy từ Thái Hồ - Vô Tích và trên đó là một ngôi đình hóng mát, ngắm cảnh cột gỗ hồng tươi. Giữa khu vườn thơ mộng đó là tòa lầu kiểu Tây sang trọng, quý phái, rất yên tĩnh và hai cô bé chỉ thấy một người đàn ông gầy gầy đeo kính trắng, ông lặng lẽ âm thầm tản bộ quanh hòn giả sơn rồi bước lên ngôi đình có những cây cột màu hồng. Diêu Diêu và Tiểu Tiểu chưa hề biết người đàn ông ấy là Trương Xuân Kiều, trưởng ban Tuyên truyền Thành ủy Thượng Hải, ông và cơ quan của ông có nhiệm vụ quản lý các nghệ sĩ như Thượng Quan Vân Châu, sau này khi “Văn cách” bùng nổ Trương Xuân Kiều cùng với Giang Thanh, Vương Hồng Văn và Diêu Văn Nguyên hợp thành “Bè lũ bốn tên” đã gây nhiều tội ác chống phá, tàn sát giới trí thức và văn nghệ sĩ Trung Quốc rất dã man.
Diêu Diêu đem điều bí mật nhất kể cho Tiểu Tiểu nghe, rằng ba mình hay tin mình bị kết hạch trong phổi, từ Hồng Kông ông đã nhờ người mang về cho má con mình thuốc chữa trị và một lá thư, nhưng má mình đem cả gói hàng còn nguyên vẹn gắn xi và dây cột nộp cho ban bảo vệ nội bộ Xưởng phim Thượng Hải, rồi ngày ngày bắt mình ăn hai quả trứng gà để chữa bệnh phổi, chẳng biết trong thư ba mình nói những gì và số thuốc quý ấy đã vào tay ai. Diêu Diêu nói xong và căn dặn Tiểu Tiểu không được tiết lộ cho các bạn khác đó nghe.
- Tôi trả lời Diêu Diêu “ừ”, nhưng ngay tức khắc liền mách với má tôi, vì bà không phải là người khác. - Trương Tiểu Tiểu kể lại tất cả, lúc này bà đã nghỉ hưu sau nhiều năm làm việc ở Xưởng số 9 vô tuyến điện Thượng Hải, trong căn nhà khá lạnh lẽo vì đang độ giữa đông, bà Trương hai tay nắm chặt cốc trà nóng, hơi nước tỏa lên thành những sợi lụa trắng, người một thời với Diêu Diêu nay tóc bạc da mồi, nhưng đã giúp chúng tôi một cách nhiệt tình để có những trang viết về nhân vật “hạt bụi” của chúng ta.
Sau đó tôi tình cờ gặp được một giáo sư đại học ở Mỹ, đối tượng nghiên cứu của bà là Diêu Khắc, cha Diêu Diêu, chúng tôi hẹn nhau ở quán cà phê “1931”, bà ta nói:
- Ông ấy là một người rất chủ động, luôn tích cực thực hiện những gì mà mình yêu thích, một người rất đạo đức, chưa hề gây khó dễ cho bất cứ ai.
- Cũng vậy, - Trương Tiểu Tiểu tiếp tục - Diêu Diêu chẳng bao giờ nói xấu bạn nào cả. - Những người bạn của Diêu Diêu mà tôi tiếp xúc đều có nhận xét chung như thế, có lẽ đó là do huyết thống, gen di truyền giữa cha con họ. Tôi nghĩ, Diêu Diêu tuy không được ông Diêu Khắc giáo dục từ bé, nhưng vẫn hình thành và tồn tại một mối liên hệ thần bí nối kết hai người, điều này đã khiến tôi cảm thấy an ủi mỗi khi nhắc đến nhận vật của mình - Diêu Diêu. Trương Tiểu Tiểu khẳng định:
- Diêu Diêu một mực tưởng nhớ người cha, nhưng không có cách nào khác bởi vì mẹ cô ta rất cương tính, vả lại đó là cái thời mà mọi người đều mưu cầu tiến bộ, ai dám đem của nợ từ nước ngoài đưa vào cất giữ trong nhà, hơn nữa bà Thượng Quan Vân Châu là người đặc biệt phấn đấu vì sự tiến bộ bản thân nên buộc con gái ăn trứng gà chữa bệnh phổi, chứ không “thèm” dùng thuốc của ông Diêu Khắc gửi từ Hồng Kông. Lúc này ở Thượng Hải trứng gà thuộc loại thực phẩm quý hiếm và thầy thuốc cũng bảo có lợi đối với những ai kết hạch trong phổi, nhưng vì ăn nhiều quá nên Diêu Diêu đâm ghét trứng gà, cậy nhờ vú già ăn giúp, vú nói, không được, đây là thuốc chữa bệnh, má con dặn phải ăn cho chóng khỏe. Diêu Diêu rất sợ mẹ, thuở nhỏ ít nói năng, thỉnh thoảng mới hé ra đôi điều, nhưng hễ thấy mặt bà Thượng Quan là im bặt. Có một lần nghịch ngợm vấp ngã, cô vội đứng lên và nói ngay với vú già, về đừng mách má. Chuyện gì Diêu Diêu cũng không thổ lộ cho bà Thượng Quan biết. - Trương Tiểu Tiểu ngẩng đầu, vừa mỉm cười, vừa có vẻ phỏng đoán. - Tôi nghĩ Diêu Diêu rất muốn nhận món quà mà ông Diêu Khắc gửi về.
Bà Trương tiếp tục kể cho tôi nghe về cái năm vui vẻ nhất trong đời Diêu Diêu, cuộc sống an nhàn, tính tình bà Thượng Quan có phần dịu bớt, bà cùng Trình Thuật Nghiêu đi Bắc Kinh ra mắt nhà chồng và đưa theo cả Diêu Diêu. Lần ấy gặp dịp đám cưới của Kim Sơn lấy Tôn Duy Thế, con gái nuôi Chu Ân Lai, và chủ lễ hôm đó là bà Đặng Dĩnh Siêu, vợ Chu. Trình Thuật Nghiêu, Thượng Quan Vân Châu và Diêu Diêu cùng đến dự, họ đã gặp Giang Thanh với con gái Lý Nột, hình như Diêu Diêu và Lý Nột bằng tuổi nhau, đều ngoan ngoãn nghe lời mẹ, hôn trường nổi bật hình ảnh hai bà mẹ nhân từ là Thượng Quan và Giang Thanh. Về phần mình Thượng Quan Vân Châu thường rất tự hào vì có cô con gái Diêu Diêu bên cạnh.
- Má tôi đi đâu cũng đưa chị theo cùng. - Đăng Đăng cho biết như vậy, - vì thế mà nhiều người đã gặp chị Diêu Diêu lúc còn bé, nhất là giới nghệ sĩ sân khấu điện ảnh ở Thượng Hải.
Trình Thuật Nghiêu có cái máy ảnh cỡ nhỏ loại 72 kiểu một cuộn, những ngày đẹp trời, vui vẻ và rảnh rỗi ông thường dẫn Thượng Quan Vân Châu, Diêu Diêu đi chơi và chụp cho mẹ con họ vài kiểu. Cách nhà Trình không xa là khu phố Tây mái ngói đỏ và màu tường cũng đỏ, ở đó có vườn hoa tam giác xinh xinh kẹp giữa ba con lộ, được bao quanh bằng hàng lan can thép đúc màu đen, rất thấp, chính giữa vườn hoa là pho tượng đồng nhà thơ Puskin do một kiều dân Nga dựng lên từ năm 1937. Cứ mỗi lần đưa trẻ con đến đây thưởng ngoạn người lớn thường giải thích, Puskin là tác giả của câu chuyện “Con cá vàng và ông ngư phủ”, lũ trẻ “a” lên một tiếng và nhớ ra rồi, không phải con cá vàng, cũng chẳng là ông ngư phủ mà đích thị mụ vợ già tham lam. Thị dân xung quanh vườn hoa thích chụp ảnh trước pho tượng Puskin, còn trẻ nhỏ thì có chỗ thả diều, tha hồ đùa vui chạy nhảy.
Lần ấy ba người đã đến đây chụp ảnh, có thể là một ngày chủ nhật nào đó giữa mùa hè năm 1953, ánh nắng mặt trời còn lưu lại trên tấm hình thật là đẹp, tuy ảnh đen trắng từ những năm 50 mà vẫn thấy rất rõ trời xanh, lá biếc, bục đá tượng đồng ngả màu sẫm xám. Thượng Hải hiếm có một ngày đẹp trời như vậy, nhìn ánh nắng rọi chiếu lên khuôn mặt rạng rỡ của Thượng Quan Vân Châu và Diêu Diêu chúng ta đoán nhận ngay, đó là thời khắc sảng khoái, hòa quyện giữa thiên nhiên và con người. Ánh nắng chiếu từ phía Đông, từ khu vườn nhà Bạch Tiên Dũng, rợp bóng những cây đào và cây chương tử ngát hương, nhưng lúc ấy nhà văn họ Bạch này đã cùng gia đình này rời khỏi Thượng Hải đi Hồng Kông hơn 4 năm rồi, bồn nước đã ngừng phun, những pho tượng trong vườn đã đen ngòm vì vắng người chăm sóc. Bạch Tiên Dũng là con Bạch Sùng Hỷ, hiện định cư ở Đài Loan và nổi danh bởi tác phẩm “Người Đài Bắc”.
Diêu mặc chiếc váy liền áo, cổ tròn, ngắn tay; mặt trời lên cao dọi thẳng ánh nắng vào bé, khiến bé chói chang phải cố gắng hết sức mới mở được đôi mắt và hàng mi rướn cong lên. Diêu Diêu nhoẻn miệng cười, một nụ cười vừa xấu hổ, vừa làm nũng, vừa tỏ ý tự mình trào lộng, còn mẹ bé, bà Thượng Quan Vân Châu nắm lấy cánh tay con gái và cũng rất mừng vui rạng rỡ. Tôi nghĩ lúc ấy Thượng Quan Vân Châu và Trình Thuật Nghiêu đang chọc cười Diêu Diêu thì phải, bởi vì nét mặt cô bé có một cái gì đó hơi hàm tiếu, khôi hài, không giống như các bé gái khác dễ dàng tức tối. Tôi tin đây có lẽ là lúc mà bà Thượng Quan cảm thấy ngọt ngào nhất, bà hơi dữ tính với Diêu Diêu, nhưng bà thật lòng sung sướng khi nhìn thấy người chồng sau này của mình, ông Trình Thuật Nghiêu, đã thực sự quý mến Diêu Diêu và bà cũng thích cô bé làm nũng với ông, lúc gọi “ba” theo tiếng địa phương Trường Kinh cô bé thường uốn lưỡi ở âm cuối, tôi nghĩ nụ cười của Diêu Diêu khi ấy đang ngắm thẳng vào ống kính do Trình Thuật Nghiêu điều khiển.
Tấm ảnh thứ hai Diêu Diêu đứng trước mẹ, cô bé không cười, làm tôi liên tưởng đến cái két bảo hiểm nhỏ xíu nơi quầy thu ngân cửa hàng bách hóa, một tên cướp nào đó rất dễ dàng mở két, thậm chí là ôm két chạy về nhà, và tất cả những gì trong đó bấy giờ thuộc về hắn. Nét mặt tĩnh lặng của Diêu Diêu sao mà giống cái két bảo hiểm nhỏ xíu đến thế, rất đỗi mệt mỏi.
- Hóa ra chị đâu phải là đứa bé giản đơn. - tôi ngắm nhìn Diêu Diêu trong ảnh, lúc này đã lên bảy, và nói như vậy. Khi viết về một ai đó tôi thường có cảm giác tự mình đang nói chuyện với họ, thật đấy, ngày ngày bạn cứ xem ảnh, xem mãi và sẽ tới mức độ bạn thấy rằng người trong ảnh cũng cùng ngắm nhìn bạn, đợi chờ bạn, và hỏi lại bạn, nghĩ gì vậy.
- Không có cha, chắc chị đau khổ lắm, đó là vết thương lòng sớm nhất trong đời, đã cùng chị lớn lên, tôi nghĩ chị sẽ giận mẹ mình mới phải, bà quá ư mạnh mẽ đối với cuộc sống của chị, bà muốn chị đừng có cha, bà muốn chị học những điều mà chị không thích, bà muốn chị làm một tiểu thư thục nữ quy củ, đôi giày da nơi chân chị là đặt đóng ở Lam Đường, một cửa hiệu trứ danh, trong khi ấy trẻ em Thượng Hải chỉ mỗi loại giày vải tự may, bà còn muốn chị lúc nô đùa không được phép té ngã. Nếu là đứa bé có hoàn cảnh như chị, chắc chắn nó sẽ ngấm ngầm báo thù, đã có lúc nào chị nghĩ như vậy chưa, hỡi chị Diêu Diêu, đã có lúc nào chị muốn biến má thành ba và trong cõi lòng mình hẳn chị phải tự hào vì có một người mẹ trứ danh, em nghĩ chị sẽ rất vui, chị Diêu Diêu nhỉ, ôi cái két bảo hiểm nhỏ xíu trên đời. - Tôi thầm thì với người trong ảnh - Diêu Diêu.
Năm 1952 cả nước bắt đầu phát động phong trào “Tam phản”, có nghĩa là chống tham ô, hủ hóa và trộm cắp, mỗi đơn vị đều phải thanh tra nhân viên của mình. Từ ngày nước Cộng hòa nhân dân được thành lập, công việc làm ăn của vũ trường Bách Lạc Môn trở nên khó khăn và cuối cùng đóng cửa bởi vì không có khách và đám vũ nữ cũng vì vậy mà đã chuyển nghề, còn số kỹ nữ trong hẻm Hội Lạc Lý thì dần dần bị đưa đi cải tạo, đến như các chủ tiệm cà phê đều cảm thấy không hợp với lối sống giản dị, chất phác thời mới nên đã tự động đổi thành cửa hàng ăn uống. Mọi người đều nhận thức rằng, xã hội mới thuần khiết như đứa trẻ sơ sinh, ai tham ô của công, ai ngoại tình với vợ chồng người khác, ai ăn trộm ăn cướp, ai trang điểm mắt xanh môi đỏ, đeo nhẫn đeo vòng một khi bị công khai phát giác thì nhục nhã ê chề lắm. Kỳ thực thì lần này là một cuộc chỉnh đốn phong hóa xã hội rất nghiêm túc, lối sống trau chuốt tự tại đời thường của người dân Thượng Hải cũng bị quy thành luồng gió độc phải dụng công thanh trừ, toàn thành phố dấy lên cuộc vận động trong sạch hóa, vạch lá tìm sâu những chuyện ngày xửa ngày xưa.
Lúc bấy giờ ở nhà hát kịch Lan Tâm có người nghi ngờ, đặt vấn đề xem lại khoản lạc quyên năm 1949 của giới kịch nghệ Thượng Hải nhằm giúp đỡ quân nhân và đồng bào vùng chịu đựng thiên tai tàn phá, hình như đã bị Trình Thuật Nghiêu là người thu ngân tham ô thì phải. Sự việc vừa nêu ra thì cấp trên liền cử người về Lan Tâm thanh tra sổ sách. Thực tế hồi đó mỗi ngày có một người thu ngân, thu được bao nhiêu, tự nguyện đem gửi nộp cho ngân hàng bấy nhiêu, tình hình khá phức tạp, chứ đâu mỗi họ Trình quản lý từ đầu đến cuối. Trình là hàng quý của Đại học Yến Kinh, con nhà giàu, chưa hề thiếu tiền tiêu, ông hăng hái hoạt động lạc quyên giúp đỡ các nạn nhân, chẳng để ý tới những chuyện lặt vặt và do đó cũng không cần kiểm tra sổ sách thu nộp tiền, nào ngờ giờ đây người ta đến thanh tra những gì đã xảy ra cách nay bốn, năm năm, hồi còn xã hội cũ. Trình Thuật Nghiêu hốt hoảng và dựa vào trí nhớ lập nên bản kê khai, chỉ mới xem đã biết ngay là giả, vì vậy ông bị nhốt lại ở nhà hát kịch Lan Tâm và người ta ghi tên ông lên bảng đen thông báo, thuộc phần tử tham ô, đây là sự kiện lớn đối với giới văn nghệ sĩ Thượng Hải thời kỳ thập niên 50.
Vú già nhà Thượng Quan Vân Châu cứ cách ngày lại vào Lan Tâm đem thức ăn và quần áo cho Trình tiên sinh, bà cụ giả bộ mù chữ đọc hết những gì viết trên bảng, về báo cáo với Thượng Quan, ai hỏi thì vú liền đánh trống lảng, vòng tròn nhỏ tí xíu như thế mà vẽ cứ là tròn xoe, giỏi thật. Trình Thuật Nghiêu bị xử trí thanh tra, thẩm vấn đã khiến Vân Châu rất đỗi bực mình, khó chịu. Bà là minh tinh cũ của Thượng Hải, cho nên khi bình xét cấp bậc diễn viên trong xã hội mới, bà chỉ đạt hạng tư, điện ảnh của Trung Quốc giờ đây không cần những bông hoa giao tế, hoặc những cặp mắt sắc tựa lưỡi dao. Để thích nghi với xã hội mới, điện ảnh mới, Thượng Quan Vân Châu đã phấn đấu gian khổ, đã chịu nhiều công kích, cắn răng không ta thán nửa lời, miễn sao được tiến bộ, miễn sao được biểu diễn, lúc nào cũng hăng hái đi đầu, xung phong nhận việc khó khăn, liều mình cho tới mức ho lao. Khi phát biểu tại các hội nghị chỉnh phong trong giới văn nghệ sĩ Thượng Hải, bà chủ động phản tỉnh, phê phán tư tưởng tư sản của mình, nhiều lần bộc lộ rằng đã chạy theo hư vinh, chạy theo danh vọng, xuất đầu lộ diện, muốn sống cuộc đời ngôi sao. Thượng Quan Vân Châu đã tham gia biểu diễn vở kịch nói cách mạng “Hồng kỳ ca” tới 131 suất. Lúc rảnh rỗi bà dẫn Diêu Diêu đến doanh trại đoàn văn công giải phóng quân Thượng Hải xem họ dàn dựng vở “Bạch mao nữ”. Vì những lẽ đó nên khi hay tin Trình Thuật Nghiêu phạm sai lầm, bị xử trí, Thượng Quan ngày ngày xấu hổ, khóc than, trách móc chồng sao nỡ đang tâm như vậy. Vú già bảo, Trình tiên sinh oan ức, bà phản bác ngay, Đảng Cộng Sản không bao giờ nghi oan cho bất cứ một ai.
Phần Trình Thuật Nghiêu, vì bị giam giữ, bị truy hỏi, không muốn đôi co gì nữa, chỉ mong được tự do và cuối cùng đã làm một việc hủy hoại đời mình, công nhận lấy tiền công quỹ đem về nhà. Ông ta tưởng đền bù vài trăm Mỹ kim là xong chuyện, là thái bình, là được gặp gỡ vợ con, nhưng Trình Thuật Nghiêu nào có hiểu tuy vợ ông đã trả 800 Mỹ kim và hai chiếc nhẫn cho Lan Tâm, mà ông vẫn phải mang tội danh tham ô, bị cách chức và lao động quản chế một năm tại nhà hát. Trình trở thành người đầu tiên trong giới văn nghệ sĩ Thượng Hải bị xã hội mới đẩy ra rìa và tiếp đó bị luôn Thượng Quan Vân Châu ly hôn bỏ rơi. Nhiều người khuyên Thượng Quan hãy nghĩ lại hoàn cảnh của Trình mà rộng lòng tha thứ, nhưng bà không nghe. Giống như lần trước lúc Diêu Diêu hai tuổi, Thượng Quan từng chia tay với Diêu Khắc, thì giờ đây em trai cùng mẹ khác cha của Diêu Diêu là Đăng Đăng cũng vừa tuổi đó, Thượng Quan lại bỏ chồng, bà sống với bạn cũ Hạ Lộ nhưng không làm thủ tục kết hôn.
Đăng Đăng theo cha, sau này ông Trình Thuật Nghiêu lấy vợ khác và đưa cậu ta lên Bắc Kinh sống cùng ông bà nội. Diêu Diêu vẫn ở Thượng Hải với mẹ - bà Thượng Quan mà lúc này đang bị xưởng phim thi hành kỷ luật năm năm không được biểu diễn. Hồi ấy Diêu Diêu lên chín, chẳng còn ai để cho cô gọi là “ba”. Người vú già chăm sóc Diêu Diêu và đêm nào cũng ngủ với cô từ khi còn tấm bé đã xin thôi việc trở về quê, em trai Đăng Đăng cùng bà vú của cậu ta, người có rất nhiều chuyện cổ tích thì chuyển đi nơi khác, còn lại chỉ mỗi Diêu Diêu, sống chung với hai người lớn, Thượng Quan Vân Châu và tình nhân của bà - ông Hạ Lộ mà Diêu Diêu trước sau vẫn gọi là “chú”. Những buổi tan trường Diêu Diêu lững thững theo cầu thang, từng bậc, từng bậc leo lên lầu ba, thỉnh thoảng cô bé gặp người đàn bà ở lầu hai đi xuống, cô lễ phép cúi đầu tránh sang một bên để nhường đường và hình như không muốn nói năng với ai cả, sợ họ hỏi chuyện nhà mình cùng bao vết thương lòng. Kỳ thực thì trong gia đình một khi xảy ra chuyện gì, không ai có thể quan sát tinh tế bằng trẻ con, chúng như lũ thú nhỏ rất nhạy cảm với sự bất an xảy ra trước mỗi lần động đất. Diêu Diêu hiểu hết, biết hết những lần tranh cãi giữa má cô và “ba” Trình Thuật Nghiêu, Diêu Diêu từng chứng kiến cái cảnh bà Thượng Quan Vân Châu nổi cơn thịnh nộ tát vào mặt ông Trình Thuật Nghiêu, lúc đó cô không hề khóc mà chỉ nghĩ rằng, âu cũng là một con sóng ào lên trên biển cả, Diêu Diêu tìm nơi ẩn nấp, ở cái xó xỉnh nào đó không bị ai chú ý, im lặng cúi đầu, cho tới lúc vú già kéo cô đi chỗ khác, nỗi niềm chôn chặt trong lòng. Chuyện của má, của “ba” nhiều người đã biết, há phải mất công “vạch áo cho thiên hạ xem lưng”. Chúng ta nghĩ gì về hành vi này của Diêu Diêu, là lòng tự tôn hay thói hư vinh, là vì đức tính thầm kín hay do thất bại. Tôi cho rằng bà Thượng Quan Vân Châu không bao giờ đem chuyện nhà tỉ tê cùng con gái, nghe con gái nói lời tâm sự, nhưng cho dù có làm như thế thì chắc gì Diêu Diêu đã thổ lộ tất cả.
Cuộc vận động “Tam phản” những năm 50 ở Thượng Hải đã đánh tan gia đình Diêu Diêu, “ba” Trình Thuật Nghiêu bị quy oan là tham ô, dẫu đã đền bù thế mạng 800 Mỹ kim và hai vòng nhẫn mà vẫn cứ đeo gông một đời, đẩy ra rìa xã hội, má Thượng Quan Vân Châu vì liên lụy phải tạm xa sân khấu, tạm xa ánh đèn năm năm, với một diễn viên đó chẳng khác gì là năm năm lao lý. Nhưng đau đớn hơn với hai đứa trẻ, Diêu Diêu và Đăng Đăng, là nỗi cách chia, thành ra hai ổ, bà Thượng Quan sống chung với tình nhân Hạ Lộ, ông Trình Thuật Nghiêu cưới vợ mới và vì vậy chị em Diêu, Đăng kẻ nam người bắc, em lên Bắc Kinh, chị ở lại Thượng Hải.
Người ta kể rằng sau đó mỗi lần được má cho sang nhà họ Trình chơi với em trai Đăng Đăng, cứ vào tới cửa là Diêu Diêu nhào tới Thuật Nghiêu, gọi một tiếng “ba” nghe đến não lòng.
Đợi cho Đăng Đăng từ nhà trẻ trở về, Diêu Diêu mới dám thưa: - Má cho con sang bên ấy chơi với em. Bên ấy có vú già nói tiếng quan thoại, khẩu âm Vô Tích, kể chuyện cổ tích từ ngày này sang ngày khác, mãi mà vẫn không kể hết, bà cụ như cái lò sưởi, sưởi ấm nỗi lòng lạnh lẽo của Diêu Diêu. Bên ấy có “ba” Trình Thuật Nghiêu, người luôn nở nụ cười rồi dang rộng cánh tay đón mừng “con gái” và đáp lại một tiếng “ừ’ giọng chuẩn Bắc Kinh, nghe thật thân tình. Bên ấy có chú chó bông “Bạch Tử” với bộ lông trắng muốt, cứ mỗi lần Diêu Diêu sang chơi, nó vẫy đuôi và quấn quýt không rời cô nửa bước. Bên ấy có Đăng Đăng, em trai cùng số phận, mới có mấy tuổi đầu mà đã cam chịu nỗi chia ly.
Bà Thượng Quan Vân Châu tuy nghiêm khắc là thế, nhưng lúc nào cũng đồng ý cho Diêu Diêu sang bên ấy, bên nhà Trình Thuật Nghiêu, có điều bà không bao giờ nói rõ vì sao lại đồng ý. Được mẹ cho phép, Diêu Diêu như chim sổ lồng, im lặng rời khỏi nhà mình, nhẹ nhàng bước xuống cầu thang, chẳng màng đến những cảnh vật đẹp đẽ sau lưng, cô bé cả đi lẫn chạy sao cho đến bên ấy nhanh nhất. Diêu Diêu lướt qua ngôi nhà màu nâu đỏ mà chủ nhân của nó là Hùng Thập Lực, một đại sư tân nho học, nhưng tính tình có phần kỳ cục. Trước tác của họ Hùng thời ông sống ở Thượng Hải là cuốn “Nguyên nho”, Hùng Thập Lực từng mong muốn sự bảo hộ của hình thái ý thức xã hội mới đối với nền quốc học cũng giống như yêu quý cuộc sống của nhân dân lao động vậy. Vào thời ấy ông đã nhận ra rằng, tuy tác phẩm của mình là tài liệu có thể dùng để phê phán phái cựu học cổ lỗ, nhưng hình thái ý thức Tân Trung Quốc sẽ không tiếp nhận và ưa thích loại triết học này, ông cũng đã biết học vấn của mình chẳng ai truyền bá, thế mà Hùng Thập Lực cứ viết, viết một cách không thể nín nhịn được. Ông bị thiên hạ bỏ quên trong ngôi nhà màu nâu hồng mà ngày ngày Diêu Diêu thường lướt qua, ông giống như cây bút bi chưa hết mực sót lại trong ngăn kéo, dầu trong ruột bút rỉ ra dần, nhưng không viết nên chữ, chỉ đọng thành cục cặn mà thôi. Hùng tiên sinh cặm cụi viết, nỗ lực viết, giá như ông ngẩng đầu lên nhìn qua ô cửa, ông sẽ bắt gặp hình ảnh cô bé đang mắc bệnh phổi, nhưng khuôn mặt luôn rực hồng, diễm lệ khiến người ta cảm thấy hạnh phúc, thường bay qua, xa dần, những lúc đó nhà hiền triết sẽ nghĩ gì?
Diêu Diêu băng ngang vườn hoa tam giác, nơi có những cây “hiệp trúc đào thụ” (“hiệp trúc đào thụ” tuy có chữ “đào” nhưng không thuộc họ đào) nở hoa màu trắng hồng, với mùi hương kỳ dị nhức đầu. Lũ trẻ bảo nhau, đó là loài hoa độc, ngửi nhiều sẽ ngủ luôn cho tới chết, vì vậy khi đi dưới rặng cây này bọn nhỏ thường bịt mũi, nín thở, chắc Diêu Diêu cũng làm như thế. Những đóa hoa đung đưa như muốn rụng xuống, màu hoa vừa trắng vừa hồng thật quyến rũ, còn lá cây thì xanh ngắt, tất cả đã tạo nên họa phẩm tinh tế mà chỉ có ở thế kỷ 19 các họa sĩ mới thường dùng bút sắt cặm cụi, tỉ mỉ, kiên nhẫn vẽ nên. Đẹp thế mà lại độc, đấy chính là điều làm trẻ con sợ nhất, sợ những gì còn trong ẩn số không tường minh.
Và bây giờ thì Diêu Diêu đã tới một con hẻm cạn chỉ có ba số nhà, Trình Thuật Nghiêu, Đăng Đăng, vú già có khẩu âm Vô Tích cùng chú chó “Bạch Tử” ở lầu hai, cửa sổ phòng Trình hướng ra vườn hoa tam giác, mùi hương của loài cây mà lũ trẻ khiếp sợ vượt qua con lộ, ập đến với ông. Diêu Diêu lao tới cửa, sa vào lòng ông, “em đâu rồi ba”, tất cả vẫn nguyên mẫu như xưa, ấm cúng, thân tình và cô bé không hề có cảm nhận là “ba” và má đã ly hôn.
Tôi kể cho Đăng Đăng nghe câu chuyện vừa gặp một người đàn bà Thượng Hải, chị có mối tình đầu với chàng trai Do Thái tới thành phố này lánh nạn, họ kết hôn và cuộc đời chị hoàn toàn thay đổi, nhưng sau đó không bao lâu anh ấy qua đời, chị “đi bước nữa”, người chị yêu là quân nhân Mỹ đồn trú ở Châu Âu, lúc mới quen nhau còn thư từ qua lại, rồi đến khi xảy ra sự kiện kênh đào Panama thì đoạn tuyệt luôn. Chị than rằng, đời tôi không đụng chạm tới chính trị, nhưng chính trị lại làm đảo lộn cả cuộc sống của tôi.
- Anh Đăng Đăng, - tôi hỏi - liệu lúc ấy Diêu Diêu đã thể hội, rằng chính trị đang biến đổi đời mình hay không?
- Khi đó chị tôi còn bé, chắc không thể nghĩ nổi như thế đâu.
Đăng Đăng khẳng định, vả lại đấy là cái thời mà Thượng Quan Vân Châu đang cuồng si mưu cầu tiến bộ, Đảng bảo gì, bà làm nấy, thái độ này của Thượng Quan nhất định đã ảnh hưởng đến quá trình trưởng thành của Diêu Diêu. Cô bé từng chứng kiến, Trình Thuật Nghiêu làm sai một việc gì đó mà cô chẳng rõ thì lập tức ông ta bị bỏ rơi, bị người thân tát vào mặt, đuổi đi, nào có thấy ai đồng tình và cùng ông chung lưng đấu cật vượt qua hoạn nạn.
- Liệu Diêu Diêu có nghĩ là má anh đã đuổi ba? Tôi hỏi, Đăng Đăng trả lời:
- Chắc chị tôi từng nghĩ như vậy, chị gọi ba tôi là “ba”, còn một mực “chú” với ông Hạ Lộ.
- Chị anh không thích ông Hạ Lộ hay sao?
- Có thể là như vậy.
- Thế thì Diêu Diêu có đồng tình và yêu quý mẹ mình hay không?
-... Đăng Đăng im lặng.
Thời gian “sang bên ấy” của Diêu Diêu thật ngắn ngủi bởi vì nhờ người mai mối ông Trình Thuật Nghiêu đã kết hôn với bà Ngô Yên, Trình tiên sinh đưa Đăng Đăng lên Bắc Kinh nhờ bố mẹ mình chăm nom nuôi dưỡng và thế là Diêu Diêu chỉ có thể gặp em trai vào những kỳ nghỉ hè, khi cậu bé về chơi Thượng Hải. Phần Thượng Quan Vân Châu, sau khi đổi nhà cho Đổng Trúc Quân bà chuyển đến nơi ở mới, Diêu Diêu theo mẹ, cô không nhớ nổi đã bao lần thay đổi như thế và cũng chẳng lưu luyến gì với tòa lầu này. Sau khi chuyển nhà thì Thượng Quan vừa mãn hạn kỷ luật, trở về với sân khấu và trường quay, bà sắm vai một nữ du kích trong bộ phim cách mạng, được đánh giá là khá thành công, bà được lãnh đạo và đồng nghiệp để ý, không xem thường như xưa. Sự kiện Thượng Quan Vân Châu thắng lợi vừa rồi đã làm nức lòng lớp ngôi sao điện ảnh cũ, họ nhận thấy những nỗ lực của mình thật không uổng phí bởi ngày một thích ứng với điện ảnh mới. Thượng Quan bắt đầu có đất đứng chân, trở thành diễn viên được Đảng xem trọng, rồi tới tháng giêng năm 1956, người ta mời bà đến Nhà hữu nghị Trung Xô dự một cuộc họp khá lớn và rất có ý nghĩa đối với đời bà. Đây là tòa lầu kiểu kiến trúc Nga được xây cất trên đám đất hoang phế của Cáp Đồng Ái Lệ để lại, nóc nhà dựng lên cái tháp cao vút và chóp tháp là ngôi sao năm cánh luôn chớp sáng, ngạo nghễ giữa trời đêm. Hôm ấy bà nhìn thấy Chủ tịch Mao Trạch Đông tại một sảnh đường rộng lớn nhưng có vẻ không thoải mái cho lắm bởi do nhiều công an mặc thường phục canh giữ. Nghe nói đêm về Thượng Quan liền ghi nhật ký “Tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc vì vừa được nhìn thấy Người, lãnh tụ kính mến, Mao Chủ tịch, đây là sự kiện khó quên của cả đời tôi.”
Sau khi rời Thượng Hải - Đăng Đăng tiếp tục câu chuyện - có tới năm năm tôi ở luôn trên Bắc Kinh, ba và má lúc rảnh rỗi hoặc đi công chuyện thường ghé lại thăm tôi. Tôi chẳng rõ vì sao người lớn không cho tôi trở về Thượng Hải, mãi sau mới hiểu là do bà Ngô Yên, người vợ cuối cùng của ba.
Ngô Yên là một nữ sĩ có tên tuổi trong giới xã giao Thượng Hải trước năm 1949, những người lui tới với Ngô đều là yếu nhân, tỷ như Mạnh Tiểu Đông của Đỗ Nguyệt Sênh, Lam Ni của Tôn Khoa, Phúc Chi Phương của Mai Lan Phương... Hồi còn rất trẻ, Ngô Yên có tên gọi Linh Hoa A Cửu, nghe nói là chủ bài của gánh hát Trường Tam, với nghệ danh “Hắc Mẫu Đơn”. Ngô Yên không chỉ trà trộn trong đám giang hồ lãng tử, mà bà từng nhận lãnh nhiệm vụ quan trọng. Trước khi giải phóng Thượng Hải. Ngô Yên cùng hoạt động bí mật với chiến sĩ cộng sản Phan Hán Niên, lấy thân phận bông hoa giao tế để yểm trợ cho Dương Hổ - tư lệnh cảnh binh đang làm việc giúp cộng sản, và động viên tuyên truyền giới công thương Thượng Hải hãy ở lại hợp tác cùng chính quyền mới, vì vậy mà khi mới giải phóng, kinh tế của thành phố không bị tổn thất, dễ dàng khôi phục. Lúc cách mạng về, Ngô Yên nghiễm nhiên là cán bộ nhà nước, vì có một dạo học Kinh kịch ở Trường Tam, sau trở thành đệ tử của Trương Bá Câu nên Ngô được phân công làm việc ở Cục văn hóa, phòng cải cách kịch nghệ.
- Ba anh đã cưới một phụ nữ danh tiếng về làm vợ, - tôi ướm lời, Đăng Đăng chỉ cười:
- Có lẽ đó là sở thích của ông ta.
- Và cả gan lấy cả gái Trường Tam?
- Vâng.
- Ngô Yên có đẹp không?
- Khá sắc sảo, lợi hại và thuộc loại từng trải.
Nghe nói lúc công tác ở Cục văn hóa Thượng Hải, Ngô Yên tự sắm cho mình bộ cánh kiểu đồng phục cán bộ hồng đô Diên An khiến Phan Hán Niên, Hạ Diễn thoạt trông đã nhảy thót lên, Ngô cười mà rằng, tự bỏ tiền mua sắm, thích gì mặc nấy chứ có gì phải thắc mắc hỡi chư huynh.
- Bà ta và ba tôi lấy nhau được đâu năm tháng, - Đăng Đăng kể tiếp - thì vì liên can đến sự kiện Phan Hán Niên nên phải ngồi tù năm năm. Ngày Ngô Yên bị bắt công an đã lục soát nhà tôi. Ba tôi không muốn tôi biết hết mọi chuyện đã xảy ra, và cũng chẳng cần phải lừa tôi vì sao không thấy Ngô Yên ở nhà nên cuối cùng ông nghĩ ra cái kế “giam lỏng” tôi trên Bắc Kinh không cho về Thượng Hải. Đấy là phong cách điển hình của ba tôi, ông ta là như thế.
Như một cánh tay mà dám ngăn cản cả dòng sông - tôi thầm nghĩ.
- Trong thời gian năm năm đó Diêu Diêu cũng không sang bên ấy, sang thăm ba anh?
- Chắc là vậy.
- Thế thì má anh đã giải thích như thế nào cho Diêu Diêu, cô ta có còn bé bỏng như anh hồi đó đâu mà phải đối phó.
- Có thể là bà đã chẳng nói gì cả, má tôi vẫn thường làm như vậy, - Đăng Đăng nghĩ ngợi giây lát rồi nói tiếp - nhưng chị Diêu Diêu hình như cũng biết chuyện, chắc má không giấu chị như ba từng giấu tôi. Tết nguyên đán năm 1961, Ngô Yên mãn hạn, ra tù, Thượng Hải điện báo tôi về gấp, lúc ấy sắp vào kỳ thi, ông bà nội ở Bắc Kinh sợ tôi phân tán tâm tư nên bí mật đi mua vé tàu hỏa, bà cô cả của tôi làm việc này, bà tốt nghiệp trường trung học nữ sinh Bối Mãn, sau trở thành gia sư. Lúc cô tôi trở về, người vú già bèn giả bộ hỏi, vé xem vũ ba lê đã mua được chưa, cô tôi trả lời, mua được rồi. - Đăng Đăng cười, một nụ cười rạng rỡ, ấm áp, biểu lộ nỗi khát khao được đoàn tụ gia đình. - Tôi về đến Thượng Hải và tại ga Bắc Trạm ba điện ngay cho má, ngày hôm sau ba dắt tôi đến nhà má ở đường Cao An, ông chỉ tay lên khung cửa lầu hai, nơi ấy có ba người vẫy chào tôi. Tôi xa má lúc mới hơn một tuổi nay trở về cùng bà thì đã là đứa trẻ lên mười, nhưng tình mẫu tử vẫn không hề tàn lụi, tôi gào to “má” rồi lao nhanh về phía bà, chạy băng qua đường và suýt nữa bị tông xe, khách bộ hành mắng tôi, tôi mặc kệ, cứ cắm đầu xông tới. Ba người trên khung cửa hoảng quá, vội xuống lầu đỡ tôi, tôi vào nhầm nhà, quay trở ra thì chị Diêu Diêu đã ở trên đường, chị gọi “Đăng ơi”, thấy tôi và ẵm phắt lên lầu.
- Ẵm anh? Nặng thế làm sao mà ẵm nổi, anh đã mười tuổi rồi chứ còn bé bỏng nữa đâu?
- Đúng thế, năm đó chị tôi 17 tuổi, ẵm tới lầu một, chị mệt nhoài mà cứ vẫn ẵm, má và dì ào xuống nhưng chẳng ai nhấc nổi tôi, thôi đành kẹp nách kéo lên, thật khôi hài.
- Diêu Diêu nói gì với anh?
- Chẳng nói gì cả, chỉ gọi mãi tên tôi Đăng Đăng, Đăng Đăng, Đăng Đăng...
- Anh còn nhớ Diêu Diêu lúc ấy thế nào?
- Tóc cắt ngắn và mặc áo nhung màu lam đậm, ba má con chúng tôi vui hết cỡ, tối lại cùng ngủ chung một phòng, chị em tôi nằm trên giường Hạ Lộ, còn má nằm giường của bà. Phòng ngủ của bà và Hạ Lộ đặt đôi giường ghép như vậy, có thể dễ dàng tách ra, nhập lại, chẳng rõ Hạ Lộ đi đâu, tôi nhớ là không thấy ông ta.
- Thật ư, mới mười tuổi sao anh nhớ được nhiều chuyện thế.
- Tôi nhớ ngày nào chị tôi cũng học đánh đàn, là học sinh lớp dương cầm trường trung học trực thuộc Học viện Âm nhạc Thượng Hải, chị đang luyện các bài tập về ngón tay, tôi rất thích nghe chị đàn, những âm thanh cứ lặp đi lặp lại nhưng dần dần tiến lên, rồi hướng ra phía trước.
- Và anh có cảm giác thế nào?
- Rất an nhàn, rất ổn định.
- Cả với Diêu Diêu?
- Có lẽ cũng vậy.
Đó là năm Diêu Diêu 17 tuổi, cô đã cao bằng mẹ, và cũng như bà Thượng Quan Vân Châu, Diêu Diêu luôn mặc quần chẽn hông để giữ co cho thanh tú. Theo ý nguyện của mẹ, Diêu Diêu học dương cầm tại trường trung học trực thuộc Học viện Âm nhạc Thượng Hải, tọa lạc ở Đông Bình Lộ, là một tổ hợp năm hoa viên, biệt thự của Tưởng Giới Thạch, Tống Tử Văn, Khổng Tường Hy, Trần Lập Phu và tài phiệt họ Từ đã rút chạy ra Đài Loan còn bỏ lại. Có thể nói đây là vườn trường đẹp nhất ở Thượng Hải, giữa các tòa biệt thự hào hoa là những bãi cỏ rộng mênh mông, những rừng cây um tùm, những giả sơn ngạo nghễ và những hồ nước nên thơ. Trong khung cảnh huyền diệu, bồng lai như thế, nơi đây luôn văng vẳng lời ca, điệu nhạc, cung đàn, thật quá ư là diễm lệ, cả thanh lẫn sắc.
- Giống như mẹ, Diêu Diêu rất yêu kiều, nhìn là biết ngay, quần áo chải chuốt, toàn là hàng quý, luôn đi giày da, thời ấy nữ sinh dùng loại giày này chưa nhiều, phần lớn là mang giày vải tự chằm may. Còn da mặt, cánh tay, bàn tay tất cả đều một màu trắng nõn tự nhiên, nhất là mười ngón tay cứ như những búp non mới nhú. Diêu Diêu luôn tìm mọi cách để ngụy trang, để che giấu cái vẻ kiều diễm, kiêu sa đó, nhưng nào làm nổi và vì thế mà càng ngây thơ, dễ thương hơn.
Trọng Uyển, bạn học cùng trường trung học với Diêu Diêu đã kể lại như thế, cô nói tiếp:
- Thời bấy giờ phong hóa xã hội rất tích cực hướng thượng, mọi người đều cho rằng gian khổ chất phác là vinh quang, chải chuốt quá, ăn diện quá sẽ không hợp trào lưu, nhưng một số con em gia đình khá giả thì phần nào đó khang khác, ví như Diêu Diêu có mẹ là diễn viên điện ảnh nổi tiếng, sống sung túc hơn bạn học cùng trang lứa, có thể cô ta đắc ý, nhưng phần lớn thì tự thấy ý thức tư tưởng kiểu ấy là không được, cho nên thường chú tâm che giấu, vì thế mà mâu thuẫn, phức tạp vô cùng.
Bằng nhiều nỗ lực và được nhiều người giúp đỡ, cuối cùng tôi đã tìm thấy những trang viết của Diêu Diêu, trong số đó có một tập giấy báo cáo kẻ dòng màu đỏ, tất cả giờ đã ngả vàng, đây là bản tự kiểm thảo người ta bắt cô phải viết lúc tốt nghiệp cao trung (tương đương như lớp 12 ở Việt Nam - ND). Loại giấy của những năm 60, khá thô tháp, chất phác, giản dị, bột tre nứa nghiền chưa kỹ vẫn còn sót lại nhiều sợi li ti, nếu kéo chúng ra thì giấy sẽ bị thủng thành lỗ. Diêu Diêu viết bằng bút máy, ngòi sắt, mực đen, đến nay chưa hề phai màu hay nhòe chữ. Nét chữ của Diêu Diêu chân phương dễ đọc, lời lẽ thành khẩn khiêm nhường, cô nhớ lại một quãng đời trung học và tự cho mình là người có ý chí bạc nhược.
“Tôi chơi thân với những bạn có tư tưởng tiến bộ thì tự nhiên biểu hiện tốt hẳn lên, ngược lại với những ai không mưu cầu tiến bộ, lập tức sa sút xuống. Năm thứ ba sơ trung (tương đương như lớp 9 ở Việt Nam - ND) tôi cam phận trung bình, chấp nhận hiện trạng, chẳng có ý chí tiến thủ. Khi vào cao trung, nhiều người xì xào, các bạn đó cho rằng thành tích học tập của tôi quá yếu như vậy thật không đáng lên lớp. Nghe họ nói, tôi sợ hãi và tư tưởng có phần xao động, nhưng sau đó tôi đã quên ngay. Khai giảng không bao lâu tôi liền kết bạn với những học sinh tư tưởng không đúng đắn, không mưu cầu tiến bộ chính trị và kết quả là không tập trung học hành, thành tích sút kém, không chịu báo cáo tư tưởng lên thầy cô, không quan tâm tập thể, không phát biểu khi học chính trị, ở trên lớp không trả lời được câu hỏi, bài tập về nhà nộp không đúng hạn, không tâm sự, cởi mở cùng bạn học, tóm lại đã trở thành học sinh kém, phạm sai lầm. Giữa lúc tình hình nghiêm trọng như thế thì tổ chức, thầy cô liền ra tay cứu vớt tôi, năm lần bảy lượt tìm tôi nói chuyện, giúp đỡ tôi chuyển biến tư tưởng. Sau đó lớp mở hội nghị phê bình, kiểm điểm, phân tích lỗi lầm, tôi cũng phải tự kiểm thảo, hứa tiếp thu giáo dục và sửa chữa khuyết điểm”.
- Tôi nhớ, - Đăng Đăng thuật rằng - năm ấy má đã đánh chị Diêu Diêu, một ngày hè oi nồng, má vừa ăn cơm vừa mắng chửi chị, má bắt chị đứng phía sau quạt mát cho bà, chửi tới lúc tức quá, không nín nhịn được nữa, má quay lại tát vào mặt chị. Má không nạt nộ ầm ĩ, nhưng mặt mày sa sầm, trông rất dữ tợn, đánh chị xong bà vẫn ăn cơm tiếp tục, chị Diêu Diêu chẳng nói chẳng rằng và cũng không nhìn ai, kiên nhẫn phe phẩy cái quạt trong tay. Tôi sợ đến nỗi phải núp sau ghế sô pha nhìn trộm, chị không khóc, không biểu lộ thái độ gì cả, xem ra rất bình tĩnh.
- Vì sao má anh lại đánh chị Diêu Diêu?
- Vì chị làm mất chiếc đồng hồ má vừa mua cho, nhưng đó là chỉ là cái cớ, kỳ thực thì má tức chị còn nhỏ mà đã trai gái yêu đương, hình như lúc bấy giờ chị tôi đang yêu một bạn trai cùng lớp.
- Nghe nói Diêu Diêu viết cho người bạn của mình một lá thư nói rằng cô rất thích bộ phim “Phục sinh” do Liên Xô sáng tác và hẹn anh ta cùng đi xem. - Diệp Dữ Nhân nhớ lại và kể - đấy là cái thời mà hai nước Trung - Xô đang rất hữu hảo, học sinh chúng tôi mê phim Liên Xô, ví như “Đêm trắng”, “Thằng ngốc”, “Phục sinh”, “Cánh buồm đỏ thắm”, nhất là “Cánh buồm đỏ thắm” miêu tả một chuyện tình thơ mộng, con thuyền có cánh buồm màu đỏ của hoàng tử từ biển xanh bao la rẽ sóng cập bờ đón người thiếu nữ trời cho, không hẹn mà gặp.
Trọng Uyển cho tôi biết:
- Hồi ấy phim nước ngoài cũng chỉ mỗi Liên Xô, thầy cô thường động viên khuyến khích học sinh chúng tôi nên tìm hiểu nền nghệ thuật nước bạn anh em, giờ ngoại khóa hầu như dành cho xem phim, triển lãm, biểu diễn văn nghệ và nghe hòa nhạc. Trường trung học của chúng tôi trực thuộc Học viện Âm nhạc Thượng Hải, không giống như các trường trung học bình thường khác, học sinh rất cực đoan, nam nữ ít đi lại hay nói chuyện với nhau, trừ phi cùng tham gia các buổi sinh hoạt nghệ thuật. Tôi nhớ lúc bấy giờ Diêu Diêu và người bạn trai đó thường gặp nhau, anh ta mặc áo khoác màu xanh nhạt, có lẽ họ quen nhau trong những lần cùng đi xem phim, tôi nghĩ cũng bình thường thôi.
Có điều là sau đó Diêu Diêu đã viết cho người bạn trai mà mình ưa thích một lá thư, trong mây trôi gió nhẹ phần nào hơi nhiệt tình và đường đột. Nói chung các thiếu nữ vào thời thanh xuân đều đã viết những lá thư như thế, khác chăng là để phúc đáp lại bạn trai. Chủ đề, cảm xúc thể hiện trong thư khá giống nhau, ai cũng nhận ra, từ ngữ sử dụng trong thư chẳng cao siêu hay ý tứ gì cho lắm thế mà làm cho bao nhiêu trái tim đã rung động, đã thức tỉnh.
Tôi lấy làm lạ là từ bé Diêu Diêu từng tận mắt chứng kiến những cảnh ngang trái, oan khiên trong quan hệ nam nữ, cô trưởng thành giữa những cuộc ly hợp, nhập chia của cha, của mẹ, thế mà vừa lớn lên lại dũng cảm, lại nhiệt tình ngay với tình thân trai gái, dám bộc lộ mình, dám vươn tới những khát vọng, tính cách của Diêu Diêu còn mạnh mẽ, còn kiên cường hơn tôi nghĩ. Có lẽ những ai như Diêu Diêu mới cần đến tình cảm, cần người yêu mình và mình được yêu người khác. Vả lại với tất cả, hễ tới thời thanh xuân thì tình yêu là mãnh liệt hơn hết, nó như nồi sữa, được lửa, trào sôi, tràn ra mà không sao thu vớt lại.
Diêu Diêu cũng từng có một ngày như vậy.
- Người bạn của Diêu Diêu cũng khá điển trai, trắng trẻo, ăn mặc chải chuốt, học dương cầm, thành tích loại ưu, nhưng không mưu cầu tiến bộ, gia đình có vấn đề - Trọng Uyển ngập ngừng.
- Chắc là con tư sản? - Tôi hỏi.
- Thời ấy học giỏi nhưng thành phần gia đình không tốt thì cũng chẳng có tiền đồ, muốn vào đại học chính quy ít nhất phải là con em công nông. - Trọng Uyển giải thích. - So với bạn trai, xuất thân của Diêu Diêu phần nào có hồng hơn chút đỉnh, Thượng Quan Vân Châu nhiều lần được nhìn thấy Mao Trạch Đông, được cởi mũ hữu phái, một đồng sự thế chân bà và lập tức bị đưa đi lao động cải tạo tại nông trường ở Thanh Hải. Bà Thượng Quan còn là thành viên trong đoàn đại biểu điện ảnh Trung Quốc ra nước ngoài dự liên hoan phim quốc tế, một đặc ân quá lớn đối với bà ở cái thời đóng cửa, bà mua về cho Diêu Diêu con voi bé xíu điêu khắc bằng chất liệu ngà voi, và cho Đăng Đăng cốc nhựa để mang đi cắm trại, gồm năm vòng kéo ra xếp vào, chỉ có thể đựng nước lạnh, nếu là nước sôi thì sẽ hôi rình. Diêu Diêu biết chắc chắn là hai bên không “môn đăng hộ đối” nhưng cô vẫn ưa người bạn trai con nhà tư sản, đây là đặc trưng của thiếu nữ vào tuổi xuân thì, thường đem lòng yêu mến những chàng trai có cuộc sống đáng thương, nhưng tài năng xuất sắc, hệt như các mối tình giữa người đẹp và dã thú. Tôi chẳng rõ Diêu Diêu có tâm trạng như vậy hay không, là sự kết hợp giữa thương hại và đồng tình hoặc là lòng khâm phục trước một tài năng, có lẽ tâm tình Diêu Diêu trăm mối, như đóa ngọc lan chút trắng, chút vàng...
Người bạn trai đem lá thư Diêu Diêu viết báo cáo và giao cho lớp trưởng. Diệp Dữ Nhân, - cùng học dương cầm với Diêu Diêu nói rằng, anh bạn ấy sợ tình cảm của Diêu Diêu sẽ giết chết mình, còn Trọng Uyển thì bổ sung, và sợ vi phạm quy định của nhà trường, học sinh nào yêu đương sẽ bị đuổi, vả lại thành phần gia đình anh thuộc loại bất hảo, nên càng phải cẩn thận hơn. Ước Bá phản đối, anh ta không ưa Diêu Diêu, nếu đã ưa thì thiếu gì cách, bạc nhược nhất là báo cáo lên tổ chức và cuối cùng lớp mở hội nghị kiểm điểm Diêu Diêu.
- Diêu Diêu rất trắng, trắng một cách trong suốt, thế mà mới vào cuộc, cô bỗng đỏ thắm, vẻ yêu kiều của một thục nữ chợt sụp tan. - Trọng Uyển chần chừ giây lát rồi nói thẳng luôn. - Bọn con gái chúng tôi cho rằng Diêu Diêu cũng hơi nhẹ dạ, với bạn trai phần nào hơi không giữ ý, chắc là quen với cách sống như mẹ mình. Diêu Diêu xấu hổ và rất tức, bỏ học hai ngày ở nhà ôm chăn nằm khóc, mãi sau thầy giáo phải động viên, khuyên can rằng tình bạn, tình thân giữa đồng học với nhau còn quý hơn vàng bạc châu báu, cô mới bình tĩnh trở lại.
Nhưng cô có thật bình tĩnh hay không, bạn hãy đọc đoạn viết sau đây của Diêu Diêu.
“Mặc dù như vậy, nhưng trên thực tế rất đau lòng. Tôi tự cho mình là học sinh kém nhất lớp và cả trường, ai cũng xem thường tôi, phần nhận xét hạnh kiểm ghi trên bản tự kiểm thảo lại càng tồi tệ. Tôi cảm thấy học tập và tư tưởng đều chẳng ra gì, không cất đầu lên nổi với bạn bè, dù muốn làm một người câm lặng vẫn không xong”.
Bà Thượng Quan Vân Châu mắng chửi, bạt tai Diêu Diêu vì hai chữ “nhẹ dạ”, vì đứa con gái được bà sủng ái, được bà luôn đem theo bên mình như một niềm kiêu hãnh lại không hiểu gì cả, viết thư trước cho trai rồi bị tố cáo, Thượng Quan cho như vậy là nhục nhã lắm. Ngoài ra, theo cách nói của một số nhà tâm lý học, phải chăng người đẹp, ngôi sao Vân Châu phần nào đã ghen tị với thời thanh xuân vừa hé mở nơi thiếu nữ, con gái mình. Còn Diêu Diêu, cô nhẫn nhục và có lẽ cô đang nghĩ “sẽ có một ngày con xa má, rất xa, con sẽ sống cuộc sống mà mình muốn, lúc ấy má chẳng cần bực tức quản giáo con”. Cái ngày đó chưa tới nên Diêu Diêu bình tĩnh, không đau đớn, không nhỏ lệ, không phản kháng, nhưng phần nào đã bắt đầu xem thường mẹ. Những cô gái được chăm dưỡng trong các gia đình hà khắc vẫn hay dùng bộ mặt bình tĩnh như thế để chống lại bao đè nén ở buổi đầu của thời thanh xuân, họ như muốn nói “má cứ đánh con đi, con chẳng đau chút nào” - Và chị của anh đã cúi gằm mặt xuống? - Tôi hỏi.
- Vâng - Đăng Đăng trả lời - nhưng chắc chắn là có hàm ý khác.
“Sau đó nhà trường tăng cường công tác chính trị tư tưởng, tôi phải chú ý tới “hồng”, nhưng lại phạm sai lầm không đẩy mạnh phần “chuyên” nghĩa là học tập yếu kém. Mặc kệ tình hình diễn biến ra sao, tôi vẫn cứ mưu cầu tiến bộ, tuy vậy vì bấy lâu tự ti nên giờ đây không dám nói to, không dám làm mạnh. Bà giáo chủ nhiệm rất quan tâm giúp đỡ, bày vẽ kế hoạch cho tôi thực hiện, nhưng số đoàn viên thanh niên cộng sản không từ bỏ cố chấp, châm chọc tôi “cậu yếu kém nhường ấy mà cũng đòi tiến bộ ư?”. Tôi ức lắm và trong câm lặng luôn nghĩ rằng, “ta sẽ làm cho các người xem”, nhưng tiến bộ cũng chẳng là bao, vì không có tập thể ủng hộ thì cá nhân dẫu có phấn đấu nỗ lực mấy đi nữa, cuối cùng đều thất bại.
Bà giáo chủ nhiệm phát hiện cách đánh dương cầm của tôi có vấn đề, các ngón tay rất cứng và quyết định tôi phải học lại cơ bản từ năm cao trung thứ hai (tương đương như lớp 11 ở Việt Nam - ND). Tôi kinh hãi và không thể chấp nhận giải pháp này, tôi không muốn học dương cầm nữa vì các ngón tay vừa nhỏ vừa mềm, thính lực lại yếu, tôi dự định xin chuyển ngành sang bộ môn biểu diễn sân khấu. Nhưng má tôi và bà giáo chủ nhiệm không đồng ý, nhất là bà giáo chủ nhiệm, bà yêu cầu tôi phải phát huy tính năng động chủ quan, khắc khổ học tập và như vậy vẫn có thể tiếp tục theo học bộ môn dương cầm. Vì nghe lời má và bà giáo chủ nhiệm, vả lại lúc bấy giờ bản thân tôi đang mưu cầu tiến bộ nên đành dẹp riêng tư cá nhân sang một bên và hạ quyết tâm học dương cầm cho đạt yêu cầu”.
Diêu Diêu còn viết:
“Ban đầu tôi những tưởng không muốn học tập tiến bộ môn dương cầm chỉ đơn giản là sợ khó khăn, nhưng qua phân tích phê bình thì hóa ra đây cũng là một dạng biểu hiện của tư tưởng tư sản, người ta nói phải nâng cao nhận thức lên trình độ cao như vậy, mới có thể cải tạo được bản thân mình”.
Trọng Uyển thở dài:
- Nhà văn chắc khó mà hình dung nổi một thời mà những gì trẻ con không ưa chuộng, không nhận lãnh đều bị quy thành vấn đề chính trị và đưa chúng ra để kiểm thảo, để hành hạ họ...
- Nhưng lúc nào gặp Diêu Diêu, tôi - Đăng Đăng cướp lời - cũng thấy chị vui vẻ, hào hứng, mãnh liệt, mỗi lần chụp ảnh, nếu tôi không cười, chị bèn thọc nách chọc tôi cười cho được. Tôi còn nhớ như in chỗ nào có mặt chị tôi, chỗ ấy có tiếng cười, bạn bè của chị xem ra rất ưa thích chị. Tôi lớn lên ở Bắc Kinh, rất mê nghệ thuật độc diễn hài kịch, mỗi lần tôi về Thượng Hải, chị Diêu Diêu thường đưa tôi đến chơi với các bạn của chị, chị động viên mọi người độc tấu hài kịch, kể chuyện vui, bao gồm cả tôi, tôi nhút nhát e thẹn, chị lườm mắt trách móc tôi, cũng dữ tợn như má vậy.
- Công nhận là Diêu Diêu rất vui nhộn, cởi mở - Trọng Uyển góp lời - hễ bọn con gái chúng tôi cùng nhau nô đùa, là y như trong đó có tiếng cười, giọng nói của Diêu Diêu, nhưng nếu quan sát kỹ thì mới hiểu lòng cô lắm nỗi tơ vò, hình như Diêu Diêu giả bộ hạnh phúc, hân hoan. Lần ấy chúng tôi dựng một vở kịch nói, Diêu Diêu đóng vai chiến sĩ cách mạng hoạt động bí mật bị địch bắt, có điều kiện tiếp xúc nhiều với Diêu Diêu tôi nhận thấy, lắm lúc cô ta phải gượng cười, thật tội nghiệp, cười như đang diễn kịch.
- Diêu Diêu muốn che giấu điều gì? - Tôi hỏi.
- Có lẽ những điều tâm sự sâu xa nhất. - Trọng Uyển đáp.
Nói như vậy nghĩa là nhân vật của chúng ta đã hóa trang thành một thiếu nữ ngây thơ không âu lo, không trăn trở, sống nhàn nhã trong môi trường đầy đủ, vui tươi, đẹp đẽ, vai diễn mà Diêu Diêu đảm nhận lại chính là lý tưởng, là mục tiêu hướng vọng của đời cô. Theo Trọng Uyển, Diêu Diêu cố giấu kín bộ mặt thật của cuộc sống, vì vậy nên vai diễn đã không thành công và kết quả mọi người đánh giá cô là không thành khẩn, mà một khi không thành khẩn thì sẽ ít bạn bè.
- Nghe nói bà và Diêu Diêu hồi ấy là bạn thân với nhau? - Tôi hỏi Trọng Uyển.
- Vâng, tôi và Diêu Diêu khá quen thân, nhưng tôi chỉ hiểu đôi ba điều về Diêu Diêu mà thôi, chưa trở thành tri kỷ hay bằng hữu thân tình, vì ôm trong lòng bao nỗi khổ tâm mà Diêu Diêu mất dần bạn tốt.
Tôi đã đọc một bài thơ của nữ thi sĩ mà tuổi đời còn rất trẻ, chị viết: “Dòng sông nhỏ trôi giữa lòng sông nhỏ, con chim nhỏ nép mình trong tổ nhỏ, mây trên tầng không, hoa trên cành lá, em bé với nôi xinh, thượng đế với thiên đường, vạn vật và muôn loài, tất cả đều có chỗ, tất cả đang làm nên thế giới”. Vậy thử hỏi cái chỗ của Diêu Diêu lúc ấy ở đâu, tôi tìm anh Đăng Đăng và được biết, cuối cùng thì chị anh cũng tốt nghiệp trung học, không đủ điều kiện thi vào đại học chính quy bởi vì thành phần gia đình không thuộc công nông. Trường trung học yêu cầu Diêu Diêu đi lao động tại một nông trường khẩn hoang của quân đội ở tận Tân Cương, gần Liên Xô, đem thanh xuân hiến dâng cho vùng biên giới tổ quốc. Nhưng Diêu Diêu không chấp nhận, cô không đành lòng xa Thượng Hải, vài tháng sau bà Thượng Quan Vân Châu đưa Diêu Diêu đến bệnh viện nhờ bác sĩ kiểm tra thanh đới cho cô, mọi việc bình thường, bà tiếp tục xin giáo sư Chu Tiểu Yến nhận Diêu Diêu vào học khoa thanh nhạc thuộc Học viện Âm nhạc Thượng Hải, chuyên về giọng nữ cao. Bà Chu sinh năm 1917, nữ ca sĩ nổi tiếng, nay dạy môn thanh nhạc, năm 1938 bà sang Pháp và Nga tu nghiệp, năm 1945 biểu diễn opera ở Paris, năm 1947 trở về Thượng Hải và bắt đầu dạy học, năm 1949 là chủ nhiệm khoa và năm 1979 được thăng chức phó viện trưởng Học viện Âm nhạc Thượng Hải.
Diêu Diêu thật may mắn được làm học trò của Chu giáo sư, có lẽ đó là do công lao liên hệ mà bà Thượng Quan Vân Châu đã nỗ lực cho con gái. Năm 1963, Diêu Diêu xa gia đình vào ở hẳn trong ký túc xá nữ sinh trên đường Hoài Hải Trung Lộ, gặp Trọng Uyển cùng một khoa thanh nhạc.
Hồng Nhan Thượng Hải Hồng Nhan Thượng Hải - Trần Đan Yến Hồng Nhan Thượng Hải