Nguyên tác: Fleurs De Ruine
Số lần đọc/download: 0 / 18
Cập nhật: 2023-07-22 21:46:19 +0700
Chương 2
D
ường như, theo cuộc điều tra, Urbain và Gisèle T., sau bữa tối, đã đến một quán bar ở Montparnasse. Tối hôm trước, từ phố Fossés-Saint-Jacques, tôi đã đi bộ tới giao lộ nơi có quán Dôme và quán Rotonde, sau khi để lại sau lưng khu vườn Đài Thiên văn tối tăm. Vợ chồng T. hẳn đã đi theo cùng con đường như tôi, vào cái đêm năm 1933 ấy. Tôi chợt thấy mình đang ở một cái nơi mà tôi đã tránh kể từ những năm sáu mươi. Cũng như khu Ursulines, khu Montparnasse làm tôi nghĩ đến tòa lâu đài của nàng công chúa trong khu rừng ngủ. Tôi từng có cùng cảm giác ấy, hồi hai mươi tuổi, khi thuê phòng để trú vài đêm tại một khách sạn trên phố Delambre: Thời ấy Montparnasse đối với tôi đã có dáng vẻ của một khu phố sống sót sau chính nó và đang chậm rãi thối rữa, cách xa khỏi Paris. Những lúc trời mưa trên phố Odessa hay phố Khởi Hành, tôi thấy như thể mình đang ở một bến cảng vùng Bretagne, dưới làn mưa phùn. Từ nhà ga, hẵng còn chưa bị phá hủy, bốc lên những bụm không khí của Brest hay Lorient. Bữa tiệc, ở đây, đã kết thúc từ lâu. Tôi còn nhớ rằng biển hiệu của quán Jimmy’s ngày xưa vẫn còn treo trên bức tường của phố Huyghens, và nó bị rơi mất dăm ba chữ, gió ngoài khơi đã thổi tung chúng đi mất.
Đó là lần đầu tiên - theo các báo hồi tháng Tư năm 1933 - cặp vợ chồng trẻ bước vào một quán ban đêm của khu Montparnasse. Họ đã hơi quá chén trong bữa tối chăng? Hoặc giả, hết sức đơn giản, họ muốn phá vỡ, dẫu chỉ trong một buổi tối, dòng chảy êm đềm cuộc đời họ? Một nhân chứng khẳng định đã trông thấy họ, quãng mười giờ tối, tại quán Café de la Marine, một sàn dancing, ở số 243, đại lộ Raspail; một người khác, ở quán cabaret tên là Isles, trên phố Vavin, đi cùng hai phụ nữ. Cảnh sát cho công bố ảnh họ nhằm kêu gọi những lời chứng rất có nguy cơ cần phải được thẩm tra kỹ vì có rất nhiều phụ nữ trẻ tóc vàng và chàng trai tóc nâu, như Urbain và Gisèle T. Trong vòng vài ngày, người ta tìm cách xác định hai cặp trai gái mà vợ chồng T. đã đưa về nhà họ, trên phố Fossés-Saint-Jacques, rồi cuộc điều tra được khép lại. Gisèle T., trước khi chết vì các vết thương, đã cất tiếng nói, nhưng những kỷ niệm của cô mơ hồ. Đúng, họ đã gặp, tại Montparnasse, hai phụ nữ, hai người xa lạ mà cô chẳng hề biết gì... Và những người đó đã lôi kéo họ tới Le Perreux, tại một sàn dancing nơi có hai người đàn ông đến với họ. Rồi họ tới một ngôi nhà, ở đó có một cái thang máy màu đỏ.
Tối nay, tôi đi theo dấu chân họ trong một khu phố ủ dột được tòa tháp Montparnasse phủ tấm màn tang tóc. Trong ngày, nó che giấu mặt trời và phóng cái bóng của nó lên đại lộ Edgar-Quinet cùng các phố lân cận. Tôi để lại sau lưng quán Coupole mà người ta đang phá đi dưới một mặt tiền bằng bê tông. Tôi thấy thật khó mà tin rằng Montparnasse xưa kia từng biết đến một cuộc sống về đêm...
Chính xác thì vào thời nào tôi từng sống ở cái khách sạn trên phố Delambre kia? Quãng năm 1965, khi tôi làm quen với Jacqueline và không lâu trước khi tôi lên đường đi Viên, bên Áo.
Căn phòng bên cạnh phòng tôi được thuê bởi một người đàn ông trạc ba lăm tuổi, một người đàn ông tóc vàng mà tôi hay gặp trong hành lang, rốt cuộc tôi cũng bắt đầu quen biết ông ta. Tên ông ta? Cái gì đó giống như Devez hay Duvelz.
Lúc nào ông ta cũng ăn vận hết sức chỉn chu và đính một huy chương trên hàng cúc áo. Nhiều lần, ông ta từng mời tôi uống một cốc, rất gần khách sạn, tại một quán bar, Rosebud. Tôi không dám từ chối, ông ta có vẻ rất thích nơi đó.
- Ở đây tuyệt quá...
Ông ta nói giọng nhiều âm răng, giọng của một người con nhà gia giáo, ông ta đã kể với tôi là ông ta từng ở hơn ba năm “vùng bưng biền”[4] và tại đó, ông ta đã kiếm được tấm huy chương kia. Nhưng cuộc chiến tranh Algérie khiến ông ta thấy lộn mửa. Ông ta đã cần rất nhiều thời gian thì mới hồi phục được từ đó. Ông ta sắp sửa kế tục bố ông ta làm chủ một doanh nghiệp dệt sợi lớn trên miền Bắc.
Rất mau chóng, tôi nhận ra rằng ông ta không nói cho tôi sự thật: Về “doanh nghiệp dệt sợi” ấy, ông ta luôn luôn mơ hồ. Và ông ta tự nói ngược với chính mình, một hôm khẳng định với tôi là từng tốt nghiệp trường Saint-Maixent, ngay trước khi sang Algérie, rồi, tới hôm sau, rằng ông ta đã hoàn toàn học bên Anh. Đôi khi, cái giọng đầy âm răng của ông ta nhường chỗ cho giọng đớt của một kẻ bán hàng rong.
Chắc cần phải có chuyện tôi bước đi, tối Chủ nhật ấy, trong khu Montparnasse, thì cái tay Duvelz - hay Devez - kia mới có thể đột nhiên hiện ra từ hư vô như thế. Một hôm, tôi còn nhớ, chúng tôi đã tình cờ gặp nhau trên phố Rennes, và ông ta đã mời tôi một bốc bia - như ông ta nói - tại một trong những quán cà phê thuộc giao lộ Saint-Placide buồn thảm.
Quán cabaret tên Isles, trên phố Vavin, nơi hẳn người ta phải để ý thấy sự hiện diện của cặp vợ chồng, chiếm tầng hầm của tiệm Vikings. Bầu không khí đậm màu sắc Scandinavia cùng gỗ ốp tường sáng màu của Vikings trông thật tương phản với cái quán rượu nhọ nhem ấy. Chỉ cần đi xuống hết cầu thang: Từ những ly cocktail và các món nhẹ Na-uy ở tầng trệt, người ta sục thẳng vào giữa những điệu nhảy Martinique. Có phải vợ chồng T. đã gặp hai người phụ nữ ở đó? Tôi có cảm giác phải là tại Café de la Marine, đại lộ Raspail, về phía Denfert-Rochereau. Tôi còn nhớ căn hộ nơi Duvelz từng dẫn chúng tôi, Jacqueline và tôi, đến, cũng nằm ở đầu đại lộ Raspail đó. Cả lần ấy nữa, tôi cũng không dám từ chối lời mời của ông ta. Trong vòng gần một tuần, ông ta đã nằn nì cả hai chúng tôi một tối thứ Bảy nào đó cần phải tới nhà một người bạn gái của ông ta, ông ta rất muốn giới thiệu chúng tôi với người ấy.
Bà mở cửa cho chúng tôi và, trong bóng tối lờ mờ của tiền phòng, tôi không nhìn rõ khuôn mặt bà. Phòng khách lớn, nơi chúng tôi bước vào, khiến tôi choáng váng vì vẻ xa xỉ của nó, chẳng hề tương hợp với căn phòng nhỏ của Duvelz, trên phố Delambre. Ông ta ở đó. Ông ta giới thiệu chúng tôi với nhau. Tôi đã quên mất tên bà: Đó là một phụ nữ tóc nâu đường nét hài hòa, một bên mặt, ở đoạn gò má, có vết sẹo lớn.
Chúng tôi, Jacqueline và tôi, ngồi xuống trường kỷ. Duvelz và người phụ nữ, trong phô tơi, đối diện với chúng tôi. Chắc bà khoảng ba lăm, cùng độ tuổi với Duvelz. Bà tò mò nhìn chúng tôi.
- Em có thấy họ thật duyên dáng không, cả hai?, Duvelz hỏi, bằng giọng nói nhiều âm răng của mình.
Bà chăm chăm nhìn chúng tôi. Bà hỏi chúng tôi:
- Hai người có muốn uống gì không?
Giữa chúng tôi xuất hiện một quãng ngại ngần. Bà rót rượu porto mời chúng tôi.
Duvelz uống một ngụm lớn.
- Thoải mái đi, ông ta nói. Đây là một người bạn lâu năm...
Bà ném về phía chúng tôi một nụ cười rụt rè.
- Thậm chí chúng tôi từng đính hôn với nhau. Nhưng cô ấy đã phải lấy người khác...
Bà không hề nhíu mày. Bà vẫn ngồi rất thẳng ở phô tơi, tay cầm ly rượu.
- Chồng cô ấy hay đi vắng... Chắc chúng ta có thể tận dụng điều đó để đi chơi chung cả bốn người... Các bạn nghĩ sao?
- Đi chơi đâu? Jacqueline hỏi.
- Nơi nào các bạn muốn... Thậm chí chúng tôi còn không có nhu cầu ra ngoài.
Ông ta nhún vai.
- Ở đây thật hay... Phải không?
Bà vẫn ngồi rất thẳng ở phô tơi. Bà châm một điếu thuốc lá, có lẽ để che giấu sự căng thẳng. Duvelz đã lại làm thêm một ngụm porto nữa. Ông ta đặt ly của mình lên cái bàn thấp, ông ta đứng dậy và bước về phía bà.
- Cô ấy thật xinh đẹp, phải không?
Ông ta đưa ngón tay trỏ lướt trên vết sẹo ở má. Rồi ông ta cởi cúc cái áo của bà và vuốt ve hai vú. Bà không hề động cựa.
- Hồi trước chúng tôi đã gặp một tai nạn ô tô rất nghiêm trọng, ông ta nói.
Bà hất tay ông ta ra bằng một động tác dữ tợn. Bà lại mỉm cười với chúng tôi.
- Chắc hai người đói rồi...
Giọng bà trầm và thoáng có âm sắc nước ngoài, dường như vậy.
- Anh có thể giúp em mang bữa tối vào đây không? bà hỏi ông ta, giọng khá xẵng.
- Tất nhiên rồi.
Họ đứng dậy, cả hai.
- Toàn đồ lạnh thôi, bà nói. Hai người thấy có được không?
- Rất được, Jacqueline đáp.
Ông ta đã choàng tay quanh vai bà và kéo bà ra khỏi phòng khách, ông ta thò đầu qua khe cửa mở.
- Các bạn có thích sâm banh không?
Ông ta đã đánh mất cái giọng nhiều âm răng.
- Rất thích, Jacqueline đáp.
- Có ngay đây.
Chỉ còn lại chúng tôi trong phòng khách, vài phút, và tôi dồn hết nỗ lực ký ức để tập hợp lại càng nhiều chi tiết càng tốt. Những cửa sổ bệ thấp nhìn xuống đại lộ mở hé vì trời nóng. Đó là số 19 đại lộ Raspail. Năm 1965. Một cây đàn piano loại có đuôi đặt tận về cuối phòng. Trường kỷ và hai phô tơi đều làm bằng cùng một thứ da màu đen. Cái bàn thấp, bằng kim loại dát bạc. Một cái tên như là Devez hay Duvelz. Vết sẹo trên má. Cái áo bị cởi cúc. Một làn ánh sáng rất rực của đèn chiếu, hay nói đúng hơn là của đèn pin. Nó chỉ rọi sáng một mảnh nhỏ của décor, một giây phút đơn lẻ, mà để những gì còn lại trong bóng tối, bởi chúng ta sẽ chẳng bao giờ biết được đoạn sau các sự kiện và nói cho đúng thì hai người kia là ai.
Chúng tôi lẻn ra khỏi phòng khách và, thậm chí còn không khép cửa lại, chúng tôi đi xuống cầu thang. Lúc nãy, chúng tôi đã dùng thang máy để lên, nhưng nó không màu đỏ, giống cái thang máy mà Gisèle T. từng nhắc đến.