Số lần đọc/download: 0 / 15
Cập nhật: 2020-11-18 15:22:00 +0700
Chương 2
N
hà băng của ông André Fauvel ở số nhà 87 phố Provence là một cơ sở rất lớn. Do có một lực lượng nhân viên đông đúc nên nó gần giống như một bộ của chính phủ.
Ở tầng dưới cùng là các phòng làm việc. Các cửa sổ nhìn ra đường có song sắt to và ken dày để phòng ngừa mọi mưu toan đột nhập. Bên trong cánh cửa kính cao to là tiền sảnh rộng rãi luôn có ba hoặc bốn người bảo vệ canh gác từ sáng đến tối. Bên phải là những căn phòng để tiếp khách hàng và có một hành lang dẫn tới ô cửa con của buồng két chính. Các phòng khác như phòng liên lạc, phòng sổ cái và phòng kế toán đều ở bên trái. Phía sâu trong nhà có một cái sân nhỏ được ngăn kín xung quanh và có những ô cửa con chỉ được sử dụng vào những kỳ thanh toán.
Phòng làm việc của ông André Fauvel ở tầng hai cùng với những phòng ở đẹp đẽ. Phòng của ông thông trực tiếp với các phòng làm việc ở tầng dưới bằng một cầu thang nhỏ hẹp, tối tăm và dốc đứng, cầu thang dẫn thẳng vào căn phòng của viên thủ quỹ. Phòng này ở nhà băng người ta gọi là buồng két. Nó có thể tránh được đòn đánh úp, có khi còn tránh được cả một cuộc vây hãm có bài bản. Và vì nó được bọc sắt cẩn thận nên có thể coi nó như một cái tàu thiết giáp cỡ nhỏ. Các cánh cửa và vách ngăn ô cửa con của nó được làm bằng tôn dày, ống khói lò sưởi được bịt bằng song sắt chắc chắn. Trong phòng có một chiếc két sắt tuyệt vời mà kẻ gian thường mơ ước, nó được gắn vào tường bằng những chiếc móc sắt khổng lồ.
Là một kiệt tác của xưởng chế tạo Becquet, chiếc két sắt cao hai mét, rộng mét rưỡi hoàn toàn bằng thép luyện, có ba lần vách và bên trong được ngăn làm nhiều khoang để đề phòng hỏa hoạn.
Két sắt được đóng mở bằng một chiếc chìa khóa nhỏ. Nhưng để mở được két sắt thì chìa khóa chỉ là thủ tục vặt vãnh cuối cùng. Bộ phận cơ bản của khóa là năm chiếc núm thép di động trên đó có khắc các chữ cái. Trước khi tra chìa vào khóa, người ta phải xê dịch các núm chữ cái theo một trật tự quy định. Và cũng giống như các nhà băng khác, ông Fauvel thường xuyên thay đổi mật mã của khóa. Mật mã đó chỉ có ông chủ nhà băng và thủ quỹ được biết. Ngoài ra họ cũng có mỗi người một chìa khóa. Với chiếc két như vậy thì dù có đựng kim cương cũng có thể yên tâm ngủ kỹ.
Có lẽ chỉ còn mỗi một rủi ro là người ta quên mất câu thần chú ‘Vừng ơi mở ra’ để mở cánh cửa sắt…
Trong khi đó, sáng ngày 28 tháng Hai, các nhân viên nhà băng Fauvel vẫn tới làm việc như thường lệ.
Đến chín rưỡi, khi ai đã vào việc nấy thì có một người đàn ông đứng tuổi, da ngăm đen, có dáng nhà binh, mặc đồ tang, bước vào căn phòng kề trước buồng két, nơi có năm, sáu nhân viên đang làm việc. Ông ta xin được gặp thủ quỹ. Người ta trả lời ông ta rằng thủ quỹ chưa tới, và rằng buồng két chỉ mở cửa từ mười giờ sáng, như thông báo đã ghi rõ ở ngoài tiền sảnh. Câu trả lời làm ông ta chưng hửng và rất bất bình.
- Tôi nghĩ là tôi phải gặp một người nào có trách nhiệm, - ông ta nói xẵng gần như xấc xược. - Bởi vì hôm qua tôi đã thỏa thuận với ông Fauvel rồi. Tôi là hầu tước Louis de Clameran, chủ xưởng sắt ở Oloron. Tôi đến để rút 300.000 franc tiền của anh trai tôi mà tôi là người thừa kế. Thật lạ là ông ta vẫn chưa ra lệnh…
Cả tước hiệu quý tộc lẫn lý lẽ của ông chủ xưởng đều không làm cho các nhân viên động lòng:
- Anh thủ quỹ chưa đến, chúng tôi không thể giải quyết được.
- Thế thì cho tôi gặp ông Fauvel.
Mọi người do dự giây lát, sau đó có một nhân viên trẻ tuổi tên là Cavaillon lên tiếng:
- Giờ này ngày nào ông chủ cũng ra phố.
- Thế thì chốc nữa tôi sẽ quay lại.
Ông ta bỏ đi không thèm chào, thậm chí cũng chẳng thèm ngả mũ như lúc ông ta vào.
- Ông khách này chẳng lịch sự chút nào, - anh chàng Cavaillon nhận xét. - Nhưng ông ta không gặp may, vì anh Prosper đến kia rồi.
Thủ quỹ của ngân hàng Fauvel tên là Prosper Bertomy. Đó là một thanh niên cao lớn đẹp trai, chừng ba mươi tuổi, có đôi mắt xanh với mái tóc vàng chải chuốt kiểu cách theo đúng mốt thời trang. Anh sẽ thực sự là một chàng trai tuyệt vời nếu như không quá cường điệu phong thái Ăng-lê bằng cách tỏ ra lạnh lùng và trịnh trọng một cách vô cớ, và nếu như vẻ tự phụ không làm hỏng bộ mặt vốn rất tươi của anh.
- Ồ! Anh đây à! - Cavaillon reo lên. - Đã có người đến hỏi anh rồi đấy.
- Ai hỏi? Có phải một chủ xưởng sắt không?
- Chính thế.
- Được thôi! Ông ta sẽ quay lại. Vì biết là sáng nay có thể đến muộn cho nên tôi đã chuẩn bị trước từ hôm qua rồi.
Prosper vừa nói vừa mở cửa bước sang phòng mình và đóng cửa lại.
- Thật hay chưa! - Một nhân viên kêu lên. - Đúng là một thủ quỹ không biết băn khoăn lo lắng. Ông chủ đã xạc cho anh ta hàng bao lần vì tội đến muộn mà anh ta vẫn cứ lờ đi như không phải chuyện của mình.
- Anh ta làm thế là đúng thôi, bởi vì anh ta sẽ được ông chủ ban cho tất cả những gì mình muốn.
- Vả lại, một chàng trai đêm nào cũng chơi bời suốt đêm như thế thì sáng ra làm sao có thể đi làm sớm được. Sáng nay các cậu có thấy mặt anh ta tái nhợt như xác chết không?
- Chắc hẳn vẫn chơi bạc như tháng trước. Couturier bảo với tớ rằng chỉ một buổi tối hắn đã mất 1.500 franc.
- Nhưng anh ấy có làm việc tồi hơn đâu! - Cavaillon ngắt lời. - Nếu các cậu ở vào địa vị của anh ấy.
Nhưng anh đột nhiên im bặt. Cánh cửa buồng két vừa mở ra và anh chàng thủ quỹ loạng choạng xuất hiện.
- Mất cắp! - anh lắp bắp. - Mất cắp hết rồi!…
Giọng nói khàn khàn cùng điệu bộ run rẩy của Prosper tỏ rõ sự hoảng loạn khủng khiếp đến nỗi tất cả đám nhân viên đều đứng dậy đổ xô lại phía anh. Anh gần như gieo mình vào vòng tay họ, anh không thể đứng vững nổi nữa và phải ngồi xuống. Trong khi đó các bạn đồng nghiệp vây lấy anh và hỏi có chuyện gì xảy ra:
- Ăn cắp à? Ở đâu, làm sao, ai lấy cắp?
Prosper dần dần trấn tĩnh lại.
- Nó đã lấy hết tất cả những gì có trong két, - anh đáp.
-Tất cả ư?
- Phải, ba bó tiền 100.000 và một bó 50.000. Bốn bó được gói giấy và buộc liền với nhau.
Tin về vụ trộm lan nhanh khắp nhà như một tia chớp. Mọi người từ tứ phía đổ xô đến.
- Xem nào, - Cavaillon hỏi Prosper. - Két bị phá à?
- Không, nó còn nguyên.
- Thế thì…
- Thế thì sự thật vẫn là sự thật: tối qua tôi đã để vào đó 350.000 franc và sáng nay thì không còn thấy nữa.
Tất cả im lặng, duy chỉ có một ông nhân viên già là không tỏ ra rụng rời như mọi người.
- Đừng cuống cuồng lên như vậy, anh Bertomy ạ, - ông ta bảo, - chắc là ông chủ đã lấy dùng rồi.
Anh chàng thủ quỹ vội đứng bật dậy, anh bám ngay lấy cái ý nghĩ đó:
- Đúng rồi. Chắc là ông chủ lấy.
Nhưng sau đó anh nghĩ lại:
- Không, không thể như thế được, năm năm nay kể từ khi tôi giữ két chưa bao giờ ông chủ mở két mà không có mặt tôi. Có hai, ba lần cần tiền ông đã đợi hoặc sai người tìm tôi chứ không lấy tiền trong khi tôi vắng mặt…
- Không sao, - Cavaillon bác lại, - trước khi thất vọng hãy cứ báo cho ông chủ biết đã.
Nhưng ông Fauvel đã được báo tin rồi. Đúng lúc Cavaillon đề nghị lên gặp ông thì ông xuất hiện.
Ông Fauvel năm nay khoảng năm mươi tuổi, người tầm thước, mái tóc hoa râm. Thân hình ông khá đậm, lưng hơi gù, giống như tất cả những người lao động cần cù khác, ông có thói quen đi đứng lạch bạch. Không bao giờ ông có một hành động trái với vẻ mặt nhân từ của mình… Ông có vẻ cởi mở, đôi mất tinh nhanh thực thà, đôi môi đỏ và rất tươi cười.
Sự việc xảy ra đã làm cho ông hoảng hốt đến tái mặt, một bộ mặt thường ngày vẫn luôn ửng đỏ.
- Chuyện gì xảy ra thế? - ông hỏi những người nhân viên đang đứng giãn ra với vẻ kính cẩn. Giọng nói của ông Fauvel đã làm cho anh thủ quỹ lấy lại nghị lực giả tạo. Anh đứng lên bước tới trước mặt ông chủ.
- Thưa ngài, để sáng nay kịp trả tiền, chiều qua tôi đã ra ngân hàng Quốc gia rút 350.000 franc đem về.
- Tại sao lại lấy từ hôm qua hả anh bạn? Tôi nhớ là đã ra lệnh cho anh hàng trăm lần là phải đợi đến đúng ngày mới được lĩnh tiền.
- Tôi biết, thưa ngài, tôi đã phạm sai lầm, nhưng chuyện đã rồi. Tối qua tôi đã cất tiền cẩn thận, nhưng hôm nay đã bị mất hết, vậy mà két lại không bị phá.
- Anh thật điên rồ! Anh chỉ nói vớ vẩn thôi!
Câu nói đó đã làm cho Prosper mất hết hy vọng, nhưng nỗi lo sợ khủng khiếp đã làm cho anh tỏ ra dửng dưng một cách ngớ ngẩn. Anh không hề bối rối đáp:
- Đáng tiếc tôi không phải là thằng điên, tôi cũng không nói vớ vẩn, tôi chỉ nói đúng sự thật.
Vẻ điềm tĩnh trong thời điểm như lúc này đã làm cho ông Fauvel điên tiết. Ông túm lấy cánh tay anh lắc mạnh:
- Nói đi! Anh nói đi! Anh cho rằng ai đã mở két?
- Tôi không biết.
- Chỉ có tôi và anh biết mật mã. Chỉ có tôi và anh có chìa khóa!
Đó chính là một lời buộc tội chính thức. Tuy nhiên, anh chàng thủ quỹ vẫn không hề nao núng. Anh nhẹ nhàng gỡ tay ông chủ ra rồi nói rất thong thả:
- Thưa ngài, đúng như vậy, chỉ có tôi là người có thể lấy món tiền…
- Thằng khốn nạn!
Prosper lùi lại mấy bước, hai mắt vẫn ngoan cố nhìn thẳng vào mặt ông Fauvel, rồi nói tiếp:
- Hoặc là ngài!
Ông chủ nhà băng làm một cử chỉ đe dọa và mọi người không biết chuyện gì sẽ xảy ra nếu như không có tiếng ồn ào ở ngoài tiền sảnh. Có một ông khách đang dứt khoát đòi vào, mặc cho người bảo vệ ngăn cản. Đó là ông Clameran. Nhìn thấy ông ta vào, tất cả đám nhân viên trong phòng đều đứng ngây ra sợ hãi. Cả phòng im phăng phắc. Có thể thấy rõ ràng có một vấn đề sống chết đang diễn ra giữa những con người này. Nhưng ông chủ xưởng sắt chẳng muốn nhìn thấy gì cả. Ông ta không thèm ngả mũ và vẫn bằng cái giọng xấc xược, ông ta lên tiếng:
- Đã quá mười giờ rồi, thưa các ngài.
Không ai đáp lại. Ông Clameran định nói tiếp thì bỗng nhận ra ông chủ nhà băng. Ông ta liền bước thẳng tới…
- À đây rồi, thưa ngài! Thật may quá! Ban nãy tôi đã tới đây nhưng anh thủ quỹ chưa đến còn ngài thì đi vắng.
- Nhưng không sao, - ông ta nói tiếp, - tôi đã quay lại, nhưng lần này người ta không cho tôi vào. May cho tôi là tôi đã không chịu nghe lệnh. Ngài hãy cho tôi biết là ngài có thể cho tôi rút tiền được không?
Ông Fauvel vừa nghe vừa run lên vì tức giận, bộ mặt tái nhợt của ông trở nên đỏ hồng. Tuy nhiên ông vẫn cố kìm nén.
- Thưa ngài tôi sẽ chịu ơn ngài rất nhiều nếu ngài vui lòng gia hạn cho tôi.
- Hình như ngài đã nói với tôi…
- Vâng, đấy là hôm qua. Nhưng sáng nay tôi vừa được biết là mình bị mất cắp 350.000 franc.
Ông Clameran nghiêng mình tỏ vẻ mỉa mai:
- Và tôi có phải đợi lâu không?
- Đủ thời gian để tôi kịp sang ngân hàng Quốc gia.
Rồi ông lập tức quay sang viên thủ quỹ:
- Lập ngay một bảng kê khai, sai người cho xe ra ngân hàng rút tiền vốn về ngay tức khắc.
Prosper đứng im không nhúc nhích.
- Anh có nghe thấy tôi nói không? - ông chủ quát lên.
Viên thủ quỹ giật mình như bừng tỉnh cơn mê.
- Vô ích, - anh lạnh lùng đáp, - tiền nợ ông khách đây là 300.000 franc mà ngài chỉ còn chưa đủ 100.000 ở ngân hàng.
Chắc chắn là Clameran đã nghe thấy câu trả lời trên, bởi vì ông ta cất tiếng lẩm bẩm:
- Dĩ nhiên rồi…
Ông ta chỉ nói có vậy, nhưng giọng nói, cử chỉ cùng nét mặt của ông ta rõ ràng như muốn bảo: “Màn kịch diễn khéo lắm, nhưng ta không dễ để bị lừa đâu.”
Than ôi! Trong khi ông chủ xưởng sắt nhẫn tâm nghĩ như vậy thì sau câu đáp của Prosper, tất cả các nhân viên nhà băng đều không biết nghĩ sao. Lúc này Paris đang phải trải qua những biến cố tài chính ghê người. Cơn bão đầu cơ đã làm nghiêng ngả cả những nhà băng lâu đời và vững chãi nhất. Người ta đã thấy những người đáng kính và những người có lòng tự trọng nhất phải đi gõ cửa từng nhà để xin cứu giúp. Cho nên có thể nói người ta rất dễ nghĩ như ông chủ xưởng sắt, cho rằng sự đóng kịch giữa ông chủ nhà băng với viên thủ quỹ là để họ có thời gian thoát khỏi cơn khốn quẫn. Ông Fauvel có quá nhiều kinh nghiệm nên có thể đoán được ấn tượng gây ra bởi câu nói của Prosper. Ông đã đọc được nỗi nghi ngờ nhục nhã trong ánh mắt của tất cả mọi người.
- Ồ! Ngài cứ yên tâm! - ông vội nói với ông Clameran. - Nhà băng của tôi còn có những nguồn dự trữ khác, xin ngài vui lòng đợi một lát, tôi sẽ quay lại ngay.
Nói rồi ông trở lên phòng mình. Năm phút sau ông quay lại với một bức thư trong tay cùng một tập chứng khoán.
- Nhanh lên, Couturier,- ông bảo một nhân viên, - lấy xe ngựa của tôi đi với ngài đây đến gặp ngài Rothschild. Anh hãy đưa bức thư và tập chứng khoản này cho ông ấy để lấy lại 300.000 franc trả cho ngài đây.
Ông chủ xưởng sắt tỏ vẻ bối rối. Ông ta có vẻ như muốn biện bạch cho thái độ xấc xược của mình.
- Thưa ngài, mong ngài tin rằng tôi không hề có ý định xúc phạm ngài. Từ mấy năm nay chúng ta đã quen nhau và chưa bao giờ…
- Thôi, thưa ngài, - ông chủ nhà băng ngắt lời. - Tôi không cần những lời xin lỗi của ngài. Trong chuyện làm ăn không có người quen và cũng không có bạn bè. Tôi là con nợ, mà ngài lại đang… thúc bách tôi. Đúng là ngài có quyền như vậy. Ngài hãy đi theo nhân viên của tôi, anh ấy sẽ trả tiền cho ngài.
Sau đó ông quay sang đám nhân viên đang bị nỗi tò mò cuốn hút:
- Còn các anh, xin các anh hãy về phòng làm việc.
Mọi người giải tán. Ông Fauvel lồng lộn đi đi lại lại trong phòng và thỉnh thoảng lại buông ra những lời than vãn khàn đục. Prosper đứng tựa lưng vào vách ô cửa con. Mặt anh tái nhợt, phờ phạc. Đôi mắt anh nhìn trân trân như một kẻ mất trí. Cuối cùng ông chủ nhà băng dừng lại trước mặt Prosper và bảo:
- Dù sao anh cũng phải giải thích cho chúng tôi biết. Anh hãy về buồng mình đi.
Viên thủ quỹ chấp hành mệnh lệnh mà không nói một lời. Ông chủ bước theo anh vào buồng két rồi cẩn thận đóng cửa lại.
Trong buồng két không hề có một dấu hiệu gì chứng tỏ có kẻ gian lạ mặt lọt vào. Mọi thứ đều nguyên vẹn. Không một mảnh giấy bị xáo trộn. Cái gói vàng bị bỏ quên hoặc bọn kẻ cắp không thèm lấy.
Ông Fauvel không buồn xem xét gì cả. Ông kéo một chiếc ghế cho mình và ra lệnh cho viên thủ quỹ ngồi xuống. Ông hoàn toàn tự chủ trở lại và nét mặt ông đã trở nên bình thường.
- Anh Prosper này, giờ đây khi chỉ có hai chúng ta, chẳng lẽ anh không có gì để nói cho tôi biết ư?
Viên thủ quỹ rùng mình, như thể câu hỏi ấy làm cho anh ngạc nhiên:
- Thưa ngài, tôi chẳng biết nói gì cả.
- Sao? Chẳng có gì ư? Anh vẫn ngoan cố dựng chuyện nực cười mà không ai có thể tin được. Thật là điên rồ. Anh hãy khai hết với tôi đi thì mới thoát được. Đúng, tôi là ông chủ của anh, nhưng trước hết tôi còn là bạn anh, là người bạn tốt nhất của anh. Tôi không thể quên được rằng cách đây mười lăm năm cha anh đã gửi gắm anh cho tôi và từ đó đến nay tôi luôn luôn vừa lòng về thái độ phục vụ tử tế và trung thực của anh. Phải, anh đã làm việc cho tôi mười lăm năm rồi. Khi ấy tôi mới bắt đầu xây dựng cơ nghiệp của mình, anh đã nhìn thấy nó dần dần lớn lên như thế nào. Và trong khi tôi càng giàu lên thì tôi càng gắng sức cải thiện địa vị cho anh, người mà mặc dù còn trẻ nhưng đã là người lâu đời nhất trong đám nhân viên của tôi. Cứ mỗi đợt kiểm kê tôi lại tăng lương cho anh.
Nhưng Prosper đã không nghe thấy những lời ngọt ngào thân tình ấy của ông chủ. Một nỗi ngạc nhiên quá sức đang hiện lên trên mặt anh.
- Anh nói đi, - ông Fauvel nói tiếp. - Có phải tôi vẫn luôn luôn đối xử với anh như một người cha không? Ngay từ ngày đầu ngôi nhà tôi đã rộng mở cánh cửa đón anh. Tôi muốn gia đình tôi là gia đình của anh. Từ lâu anh đã sống ở đây như con trai tôi giữa hai thằng con tôi cùng cô cháu gái Madeleine. Nhưng anh đã chán cuộc sống hạnh phúc này. Từ một năm nay anh đã xa lánh chúng tôi, và kể từ đó…
Những kỷ niệm về quá khứ lần lượt sống dậy trong tâm trí cua viên thu quỹ bất hạnh. Chúng làm cho anh dần dần mùi lòng. Cuối cùng anh đưa tay ôm mặt òa lên khóc sướt mướt. Động lòng trước nỗi xúc động của Prosper, ông chủ nhà băng ngừng lời như thể chờ đợi một lời thú nhận, nhưng Prosper vẫn im lặng.
- Nào, Prosper, can đảm lên! Bây giờ tôi sẽ về phòng mình, và anh hãy xem lại két sắt một lần nữa. Tôi xin đánh cuộc rằng trong lúc bối rối anh vẫn chưa tìm kỹ… Tối nay tôi sẽ quay lại, và tôi tin chắc rằng anh đã tìm thấy, nếu không phải là 350.000 franc, thì ít nhất cũng gần đủ số tiền đó… Và ngày mai cả tôi lẫn anh đều sẽ quên đi cái lỗi lầm chốc lát này.
Chưa nói xong ông Fauvel đã đứng dậy bước ra cửa. Prosper vội giữ tay ông lại.
- Thưa ngài, lòng hào hiệp của ngài thật vô ích, - anh cay đắng nói. - Nhưng vì tôi không ăn cắp nên tôi không thể lấy gì trả lại cho ngài được. Tôi đã tìm kỹ rồi. Tiền đã bị mất..
- Nhưng ai lấy, ai?
- Tôi xin thề trước mọi thần linh là không phải tôi.
Mặt ông chủ nhà băng đỏ bừng lên. Ông quát to:
- Đồ khốn nạn! Mi định nói sao? Chẳng lẽ lại là tao?!
Prosper cúi đầu không đáp.
- À, thế đấy! - ông Fauvel phẫn nộ nói tiếp. - Mi dám cả gan! Vậy thì thưa anh Prosper Bertomy, tòa án sẽ quyết định giữa anh và tôi. Có Chúa chứng giảm là tôi đã làm tất cả để cứu anh. Những gì xảy ra chỉ là do anh thôi, xin anh đừng đổ tội cho ai khác. Tôi đã mời ngài thanh tra cảnh sát đến đây rồi. Chắc là ông ta đang đợi ở phòng làm việc của tôi. Tôi có nên báo tin cho ông ta không?
Prosper phác một cử chỉ nhẫn nhục, rồi đáp bằng một giọng nghẹn ngào:
- Ngài cứ báo đi.
Ông chủ nhà băng đang đứng bên cạnh cửa, ông liền mở cửa ra, rồi sau khi đưa mắt nhìn viên thủ quỹ lần cuối cùng, ông gọi cậu phục vụ:
- Anselme, mời ngài thanh tra xuống đây.