It often requires more courage to read some books than it does to fight a battle.

Sutton Elbert Griggs

 
 
 
 
 
Tác giả: Jules Verne
Thể loại: Tuổi Học Trò
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 31
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 53
Cập nhật: 2021-05-22 19:07:47 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 1 - Trận Bão - Con Tàu Bị Hư Hỏng - Bốn Chú Bé Trên Boong Tàu Sloughi - Buồm Trước Rách Tả Tơi - Trong Khoang Tàu - Chú Học Việc Thủy Thủ Bị Chẹt Cổ Gần Chết - Sóng Đánh Đuôi Tàu - Thấy Đất Qua Sương Mù - Bãi Đá Ngầm
êm mùng 9 tháng 3 năm 1860, mây rà sát mặt nước, tầm nhìn xa chỉ vài sải tay. Biển động, sóng dậy dồn dập chiếu ra một thứ ánh sáng nhợt nhạt, một con tàu nhỏ gần như không giương buồm lao nhanh.
Đó là một du thuyền trọng tải một trăm tấn mà người Anh, người Mỹ gọi là “schooner”.
Tên chiếc schooner này là Sloughi. Nhưng giờ thì đừng hoài công tìm tên ấy vì tấm biển đề đã bị một sự cố - sóng đánh hay một cú va đập mạnh - làm vỡ ra từng mảnh rồi.
Đã 11 giờ đêm. Ở vĩ độ này vào đầu tháng 3, đêm hãy còn ngắn. Đến 5 giờ sáng thì trời hửng. Nhưng liệu ánh mặt trời có làm giảm bớt hiểm nguy đang đe dọa con tàu không? Nếu sóng dịu xuống, gió lặng đi thì chắc nó sẽ không bị đắm, một tai nạn khủng khiếp nhất ở giữa đại dương, xa mọi mảnh đất, nơi những người sống sót có hi vọng được cứu giúp.
Ở cuối tàu, bên bánh lái có ba chú bé, một chú mười bốn tuổi, hai chú kia cùng mười ba với một chú da đen học việc thủy thủ mười hai tuổi. Các chú hợp sức cố giữ cho tàu khỏi chệch hướng quay ngang. Công việc thật khó nhọc vì bánh lái cứ cưỡng lại, muốn quay ngược, có thể hất bay các chú qua thành tàu. Đã thế, gần nửa đêm, một con sóng trùm qua boong, đập mạnh vào sườn tàu đến nỗi các chú không bị văng mất đã là một sự thần kì. Cú đập làm các chú ngã nhưng đứng dậy được ngay.
- Còn lái được không, Briant? - Một cậu hỏi.
- Còn, Gordon ạ. - Briant đã trở về vị trí và bình tĩnh trả lời, rồi nói với cậu thứ ba. - Chúng mình phải vững vàng, Doniphan ạ! Phải dũng cảm vì bọn mình phải cứu mấy đứa kia.
Briant nói bằng tiếng Anh, nhưng cách phát âm cho thấy cậu là người Pháp.
Quay sang chú tập sự thủy thủ, cậu hỏi:
- Mày có bị thương không, Moko?
- Thưa cậu* không sao, - Moko trả lời. - Cần nhất bây giờ là giữ cho tàu gối lên sóng, không chệch hướng quay ngang, không thì chúng ta sẽ chìm nghỉm ngay!
Vào thời ấy, tệ phân biệt chủng tộc da trắng, da màu rất nặng nề. Nguyên văn tiếng Pháp là “monsieur Briant”, đúng ra phải dịch là “thưa ông Briant”. Người dịch tạm dùng chữ “cậu” cho nhẹ bớt.
Vừa lúc ấy, ca pô cầu thang xuống phòng khách du thuyền bật mở, hai cái đầu bé bỏng nhô lên mặt boong cùng một con chó dễ thương sủa mấy tiếng.
- Anh Briant!… Anh Briant!… Chuyện gì thế? - Một chú bé chín tuổi gào lên.
- Không, Iverson, chẳng có chuyện gì cả, - Briant đáp - em với Dole xuống ngay đi… nhanh lên!
- Là vì chúng em sợ quá! - Chú nhóc thứ hai còn non tuổi hơn nói thêm.
- Còn những đứa kia? - Doniphan hỏi.
- Những đứa kia cũng sợ! - Dole trả lời.
- Thôi, các em xuống cả đi! - Briant nói - Đóng chặt cửa lại, trùm kín chăn, nhắm mắt vào là hết sợ thôi! Chẳng có gì nguy hiểm đâu.
- Chú ý! Lại sóng lớn! - Moko thét.
Đuôi tàu bị đập mạnh. May sao sóng không trùm lên boong, nếu không nước sẽ qua ca pô cầu thang ùa vào, tàu nặng lên sẽ không đè trên sóng được.
- Xuống ngay! Nếu không thì… liệu hồn! - Doniphan quát.
- Thôi nào! Về buồng đi các em! - Briant nói, giọng ôn tồn hơn.
Hai cái đầu vừa thụt xuống thì một cậu bé khác xuất hiện:
- Briant! Có cần chúng mình không?
- Không! Baxter, bốn chúng tớ là đủ, Cross, Webb, Service, Wilcox và cậu, các cậu ở lại với các em bé.
Baxter sập ca pô xuống.
“Những đứa kia cũng sợ!” Dole đã nói thế.
Chẳng lẽ chỉ có toàn trẻ em trong con tàu đang bị cuốn theo gió bão này sao? Đúng, toàn là trẻ em! Bao nhiêu? Mười lăm đứa, kể cả Gordon, Briant, Doniphan và chú thủy thủ tập sự. Vậy các em xuống tàu trong hoàn cảnh nào? Ta sẽ sớm biết thôi.
Và trên tàu không có một người lớn, không có thuyền trưởng để chỉ huy, không có một thủy thủ nào để sử dụng các thiết bị, không có một người lái nào để lái tàu hay sao? Không! Không có một ai!
Vì thế, không ai trên tàu biết vị trí chính xác của tàu trên đại dương này! Mà là đại dương nào? Đại dương lớn nhất, Thái Bình Dương trải rộng hai nghìn dặm từ bờ biển Australia và New Zealand tới tận bờ biển Nam Mỹ.
Vậy chuyện gì đã xảy ra? Tai họa nào đã làm thủy thủ đoàn biến mất? Phải chăng cướp biển Mã Lai đã bắt tất cả, để mặc đám hành khách trẻ con này, mà đứa lớn nhất mới suýt soát mười bốn tuổi, tự xoay xở lấy? Chiếc du thuyền một trăm tấn ít ra phải có một thuyền trưởng, một thủy thủ trưởng và năm, sáu người nữa. Thế mà cả cái bộ sậu tối thiểu để vận hành con tàu chỉ còn lại chú thủy thủ tập sự!… Cuối cùng, du thuyền từ đâu tới, từ vùng biển nào của Australia hay quần đảo nào của châu Đại Dương, đã đi từ bao lâu và định tới đâu? Bất cứ thuyền trưởng nào gặp tàu Sloughi ở vùng biển khơi này cũng sẽ hỏi như vậy và chắc chắn là bọn trẻ sẽ trả lời được. Nhưng có tàu thuyền nào đâu. Tàu viễn dương thường qua lại các vùng biển châu Đại Dương cũng chẳng thấy, mà tàu buôn chạy bằng máy hơi nước hoặc chạy bằng buồm, thường có hàng trăm chiếc từ châu Âu hoặc châu Mỹ sang các hải cảng Thái Bình Dương cũng không gặp chiếc nào. Mà dẫu có một con tàu khỏe có động cơ hoặc hệ thống buồm đi chăng nữa thì thủy thủ cũng phải tập trung chống bão, cứu sao được chiếc du thuyền đang nhấp nhô trên mặt biển như mảnh vỡ của một con tàu!
Trong lúc đó, Briant và các bạn vẫn cố sức giữ cho tàu không xoay ngang qua trái hoặc qua phải.
- Làm thế nào bây giờ? - Doniphan thốt lên.
- Làm mọi việc có thể để cứu chúng ta, cầu Chúa phù hộ! - Briant đáp.
Cậu bé nói như vậy đấy! Một người lớn gan góc nhất trong hoàn cảnh này cũng chỉ còn một chút hi vọng thế thôi.
Thật vậy, bão đã mạnh lên gấp đôi. “Gió như sấm sét”, ngôn ngữ của thủy thủ quả là chính xác, chiếc Sloughi có thể bị những cơn gió giật quật xuống như bị sét đánh. Đã thế, bốn mươi tám tiếng đồng hồ qua, nó đã bị hư hỏng đến một nửa, cột buồm lớn bị gãy phía trên thanh điều khiển ngang khoảng bốn bộ* nên không giương được buồm chống dông để lái tàu cho chắc chắn hơn. Cột buồm trước bị gãy phần ngọn vẫn đứng vững, chỉ lo là nếu tuột dây néo thì sẽ đổ đè lên boong. Phía đầu tàu, buồm mũi rách tả tơi bị gió đánh kêu như súng nổ. Cả hệ thống buồm chỉ còn lại cánh buồm trước nhưng có nguy cơ bị xé rách vì các chú bé không đủ sức cuộn buồm lại để làm giảm bề mặt chịu gió. Nếu điều đó xảy ra thì khó lái chiếc du thuyền lựa theo chiều gió được. Khi ấy sóng biển đánh vào sườn tàu sẽ khiến nó lật úp, chìm nghỉm cùng với hành khách xuống đáy biển sâu thẳm.
Đơn vị đo độ dài, tương đương với foot trong hệ đo lường Anh, bằng 0,3248 mét.
Và cho đến lúc ấy, không hề thấy một hòn đảo nào giữa trùng khơi, không thấy dải đất liền nào ở phía đông. Cập vào bờ là việc đầy bất trắc hãi hùng thế mà bọn trẻ vẫn không sợ bằng vùng biển hung dữ mênh mông vô tận này. Bờ biển cho dù có bãi cạn, có đá ngầm, có nguy cơ bị sóng lừng tấn công, bị sóng dồi vùi dập, đối với các em vẫn là nơi để thoát nạn, là đất chứ không phải đại dương sẵn sàng mở ra dưới chân. Vì vậy ai cũng ngóng trông một đốm lửa để cho tàu ghé vào. Nhưng chẳng thấy gì trong đêm tối mịt mùng.
Khoảng 1 giờ sáng, bỗng có tiếng xé ghê rợn át cả tiếng gió rít.
- Cột buồm trước gãy rồi! - Doniphan kêu.
- Không! Buồm tuột dây néo đấy! - Chú thủy thủ tập sự đáp.
- Phải tháo ra ngay, - Briant nói - Gordon, cậu ở lại giữ bánh lái với Doniphan, còn Moko hãy giúp tao một tay.
Là thủy thủ tập sự, đương nhiên Moko nắm được một số kiến thức hàng hải, nhưng Briant cũng không đến nỗi mù tịt. Khi từ châu Âu vượt Đại Tây Dương và Thái Bình Dương để sang châu Đại Dương cậu đã ít nhiều làm quen với việc vận hành một con tàu biển. Vì vậy mà các bạn để cho Moko và cậu điều khiển du thuyền.
Trong giây lát, hai cậu bé đã táo bạo tiến về phía trước. Bằng bất cứ giá nào, phải tháo được buồm trước ra để tránh cho tàu quay ngang. Nếu không lá buồm sẽ trở thành một cái túi hứng gió dưới chân cột làm tàu nghiêng về một bên mạn. Khi ấy phải tháo hết các dây néo bằng kim loại rồi chặt cột buồm sát gốc, điều này vượt quá sức lũ trẻ.
Trong những điều kiện ấy, Briant và Moko tỏ ra thật khéo léo. Với ý định giữ gìn lá buồm càng nhiều càng hay để cho tàu chạy xuôi gió khi bão ngừng, các chú đã hạ được dây kéo buồm xuống, chỉ cao hơn boong tàu khoảng bốn, năm bộ. Những mảnh buồm rách bươm được cắt bỏ bằng dao, các góc dưới của cánh buồm được nẹp lại và chằng vào cọc ở mạn tàu. Có tới hai mươi lần các chú suýt bị sóng biển cuốn đi mới làm xong việc.
Với cánh buồm thu gọn đi nhiều, con tàu vẫn giữ được đúng hướng đã đi. Chỉ vỏ tàu không thôi cũng hứng đủ gió để tàu lao nhanh như một phóng lôi hạm. Quan trọng nhất là du thuyền phải chạy nhanh hơn sóng để không bị sóng đánh trùm qua nóc.
Xong việc, Briant và Moko trở lại phụ các bạn lái tàu. Vừa lúc ấy, ca pô lại mở lần thứ hai, một chú bé ló đầu lên. Đó là Jacques, em trai Briant, kém cậu ba tuổi.
- Gì thế, Jacques? - Briant hỏi.
- Anh xuống mà xem!… Xuống mà xem!… Cả phòng khách cũng có nước! - Jacques trả lời.
- Thế à! - Nói rồi, Briant lao qua ca pô, theo cầu thang xuống.
Dưới ánh sáng lờ mờ của một ngọn đèn treo đang lúc lắc mạnh vì sóng biển, có thể thấy trong phòng khách mươi đứa trẻ nằm trên đi văng hoặc giường tầng. Những đứa bé nhất - mới tám, chín tuổi - nằm ôm chặt lấy nhau vì sợ hãi.
- Chẳng có gì nguy hiểm cả! - Trước hết Briant trấn an các em - Đã có các anh!… Đừng sợ!
Rồi cậu dùng đèn soi xuống sàn phòng khách. Quả là có một ít nước đang xô từ mạn nọ sang mạn kia của con tàu.
Nước ở đâu ra thế này? Phải chăng vỏ tàu bị rò? Phải làm rõ chuyện này. Phía trước phòng khách là phòng sinh hoạt chung, phòng ăn và phòng thủy thủ. Briant xem xét các khoang này thấy không có chỗ nào rò rỉ cả ở trên và ở dưới đường mớn nước. Lượng nước vừa thấy là do sóng biển vọt lên boong, lọt một ít qua ca pô rồi dồn lại trong phòng khách. Vì vậy không có gì nguy hiểm.
Bớt lo lắng, Briant trở lại phòng khách trấn an các em lần nữa rồi lên chỗ lái tàu. Chiếc Sloughi được đóng rất chắc chắn, lại vừa được tu sửa, bọc thêm một lớp vỏ đồng nên rất kín, có thể chống chọi với bão biển.
Lúc ấy là 1 giờ sáng. Mây dày đặc, trời càng tối như bưng, gió thổi điên cuồng, lồng lộn. Chiếc du thuyền như ngập hoàn toàn trong chất lỏng. Có những tiếng hải âu kêu xé không gian. Sự xuất hiện của bầy chim biển phải chăng báo hiệu có dải đất ở gần? Không! Người ta đã thấy chúng ở cách bờ biển hàng mấy trăm hải lí. Hơn nữa, chúng không chống chọi được bão tố, nên cũng bay theo chiều gió như chiếc du thuyền với tốc độ không sức người nào cản lại được.
Một tiếng đồng hồ sau, lại có một tiếng xé. Phần còn lại của buồm trước rách tan, những mảnh vải buồm bay tung như những con mòng biển cực lớn.
- Mất hết buồm rồi, - Doniphan kêu - mà chẳng thể làm được chiếc khác!
- Không sao! - Briant đáp - Chắc chắn tàu của chúng mình không chậm đi đâu.
- Nói hay thật! - Doniphan đập lại - Cậu vận hành kiểu…
- Coi chừng sóng phía đuôi tàu! - Moko hét - Bám chặt vào kẻo bị cuốn…
Chú thủy thủ tập sự chưa nói hết câu thì hàng tấn nước đã trùm lên nóc tàu. Briant, Gordon và Doniphan bị xô đến ca pô và trụ lại được. Nhưng Moko thì bị luồng nước quét từ đuôi tàu lên mũi tàu cuốn đi cùng một phần phụ tùng thay thế, hai chiếc xuồng và một thuyền buồm nhỏ mặc dù chúng được xếp trong mạn tàu, thêm vào đó là mấy thanh gỗ dài với hộp la bàn. Tuy nhiên, do tấm mạn bị đánh bật khiến nước thoát nhanh được nên tàu không bị chìm vì sức nặng của khối nước.
Vừa nói được, Briant đã gọi:
- Moko!… Moko!…
- Liệu nó có rơi xuống biển không? - Doniphan hỏi.
- Không! Chẳng trông thấy gì! Chẳng nghe thấy gì! - Gordon vừa cúi nhìn qua mạn tàu, nói.
- Phải cứu nó… ném cho nó cái phao… sợi dây! - Briant trả lời.
Rồi sau vài giây im lặng cậu hét to:
- Moko!… Moko!…
- Cứu tôi!… Cứu tôi!… - Tiếng chú thủy thủ tập sự gọi.
- Nó không rơi xuống biển! - Gordon nói - Tiếng nó ở phía mũi tàu!
- Mình đi cứu nó đây! - Briant thốt lên.
Rồi cậu bò trên mặt boong, chú ý để không bị các ròng rọc đang chao đi chao lại ở đầu các sợi chão đã tuột nửa chừng va phải, không bị trượt ngã trên boong tàu trơn nhẫy đang lắc lư vì sóng biển…
Có tiếng chú thủy thủ tập sự kêu lần nữa rồi im bặt.
Cố gắng hết sức, Briant bò được tới ca pô phòng thủy thủ và lên tiếng gọi. Không thấy trả lời. Phải chăng Moko đã bị gió quăng xuống biển sau lần gọi cuối cùng? Nếu vậy thì chú bé khốn khổ ấy đã ở xa, rất xa phía sau vì sóng cuốn chú chậm hơn tốc độ con tàu và chú sẽ đi đứt thôi!
Không! Một tiếng kêu yếu ớt vẳng tới, Briant lao về phía đặt tời trục mỏ neo ở sát chân đế cột buồm trước và sờ thấy một thân người đang giãy. Chú thủy thủ tập sự nằm ở góc mũi tàu, cổ bị dây kéo buồm tròng vào, càng lăn lộn cố gỡ ra, sợi dây càng thít vào. Chính sợi dây này đã cứu mạng chú, giữ chú lại nên mới không bị sóng cuốn đi, nhưng lúc này lại thắt cổ đòi mạng chú!
Briant rút dao ra và cũng phải vất vả mới cắt đứt được dây. Moko được đưa xuống phía đuôi tàu và khi cất tiếng được, chú nói:
- Cảm ơn cậu Briant!… Cảm ơn cậu!…
Và lại tiếp tục làm việc bên bánh lái. Cả bốn chú đều tự chằng dây vào người để giữ cho chắc, đề phòng những con sóng lớn đang dựng lên phía sau.
Không như Briant nghĩ, không còn buồm trước, tốc độ con tàu có phần giảm đi, tạo ra nguy cơ mới. Thật vậy, những lưỡi sóng lướt nhanh hơn có thể đập vào đuôi tàu làm nước ùa vào. Làm thế nào bây giờ? Không thể kiếm đâu ra một mảnh buồm nào nữa.
Tháng 3 ở bán cầu Nam tương đương tháng 9 ở bán cầu Bắc, đêm chỉ có độ dài trung bình. Lúc này đã 4 giờ sáng, chẳng mấy nữa trời sẽ rạng ở phía đông là phía tàu Sloughi đang bị gió bão đẩy tới. Sáng ra có thể bão sẽ ngớt, cũng có thể phát hiện ra mảnh đất nào đó và chỉ ít phút nữa là số phận đám hành khách trẻ con này sẽ được định đoạt chăng? Khi bình minh tỏa sáng thì sẽ rõ thôi.
Khoảng 4 giờ 30, mấy luồng ánh sáng lan tỏa khắp bầu trời. Không may, do có sương mù nên tầm nhìn xa ước chừng chỉ được một phần tư dặm. Mây lướt qua với tốc độ kinh người. Bão tố chưa dịu bớt chút nào. Ngoài khơi mặt biển trắng xóa sóng bạc đầu. Chiếc du thuyền hết nhô lên chót vót trên đỉnh sóng lại thụt xuống chân sóng sâu thăm thẳm, bao lần chực chìm nghỉm nếu bị sóng đánh tạt ngang.
Bốn cậu bé nhìn lớp lớp sóng cuồn cuộn, hiểu rằng bão tố mà không dịu xuống thì tình thế là tuyệt vọng. Con tàu Sloughi không thể chống chọi quá hai mươi bốn giờ với những con sóng đánh tràn qua boong làm bật nắp các ca pô.
Đúng lúc đó, Moko kêu to:
- Đất! Đất!
Qua khe hở đám mây mù vừa mở ra, chú thấy dường như có đường viền của bờ biển ở phía đông. Liệu chú có nhầm không? Thật khó phân biệt đường nét mờ mờ của bờ biển với chân mây.
- Đất à? - Briant hỏi.
- Phải! - Moko trả lời - Đất!… Phía đông!
Và chú trỏ về một điểm ở chân trời bây giờ lại bị sương mù che khuất.
- Chắc chứ? - Doniphan hỏi.
- Chắc!… Chắc là đúng! - Chú thủy thủ tập sự đáp. - Khi nào sương mù tản ra, các cậu hãy nhìn kĩ… về phía kia, bên phải cột buồm trước một chút… đấy!… đấy!
Sương mù bắt đầu từ mặt biển bốc lên cao. Lát sau đại dương đã trải ra nhiều dặm trước mũi tàu.
- Đúng!… Đất!… Đất thật rồi! - Briant reo lên.
- Mà là dải đất rất thấp. - Gordon tiếp lời sau khi chăm chú quan sát.
Lần này thì không còn nghi ngờ gì nữa. Một dải đất không rõ là lục địa hay là đảo ở chân trời cách tàu chừng dăm, sáu dặm. Theo hướng tàu đang tới, mà gió bão cũng không cho đi chệch, thì không đến một giờ nữa là đến nơi. Rất có thể tàu sẽ va vào đá ngầm vỡ tan trước khi cập bờ. Nhưng các cậu bé không nghĩ đến điều đó. Đối với các cậu, dải đất hiện ra đúng lúc trước mặt chỉ có thể là nơi cứu mình thoát nạn.
Lúc này, gió lại càng lồng lộn điên cuồng. Chiếc Sloughi bị cuốn đi như một cọng lông lao nhanh về phía bờ biển đã hiện rõ như một nét vẽ trên nền trời trắng đục. Hậu cảnh là một vách đá cao không quá một trăm rưởi đến hai trăm bộ. Phía trước là một bãi cát trải dài, bên phải giáp với mấy đám gì tròn tròn giống như là của một rừng cây bên trong.
Chà! Nếu chiếc Sloughi tới được bãi cát kia mà không va vào đá ngầm, nếu có một cửa sông cho nó ẩn náu thì hành khách có thể thoát nạn không hề hấn gì!
Trong khi Doniphan, Gordon, Moko ở lại bên bánh lái thì Briant đi lên mũi tàu quan sát bờ biển đang gần lại trông thấy do tàu lao rất nhanh. Nhưng cậu nhìn mãi mà chẳng thấy nơi nào cho tàu cập bờ thuận tiện nhất. Chẳng có cửa sông, cửa suối, cũng chẳng có doi cát nào để cho tàu dạt vào. Quả vậy, phía ngoài bãi cát là một dải đá ngầm với những mỏm đen sì nhô trên sóng lừng và bị sóng dồi quật lại dữ dội. Chỉ va vào đó một lần thôi, chiếc Sloughi sẽ vỡ ngay.
Chợt nghĩ là nên để các bạn lên cả trên boong tàu vào lúc tàu mắc cạn thì hơn, Briant liền mở nắp ca pô gọi to:
- Tất cả mọi người… lên đi!
Lập tức chú chó vọt ra đầu tiên rồi đến mươi đứa trẻ lần về phía đuôi tàu. Ở chỗ nước nông nhìn sóng càng khủng khiếp, các chú bé thấy thế thì hoảng sợ hét vang.
Gần 6 giờ, tàu đến sát bãi đá, Briant hét:
- Bám chặt vào! Bám chặt vào!
Cậu đã cởi quần áo, sẵn sàng cứu người nào bị sóng cuốn vì chắc chắn du thuyền sẽ va vào đá.
Bỗng tàu chấn động mạnh, gầm tàu đằng đuôi chạm vào đáy nước. Toàn bộ con tàu rung lên, nhưng nước vẫn không lọt vào. Một lưỡi sóng nữa xô tới, đẩy tàu về phía trước xa tới năm mươi bộ mà không chạm vào đá dù có hàng nghìn mỏm nhô lên. Thế rồi tàu nghiêng về mạn phải, nằm bất động giữa con sóng sùng sục dội lại. Không còn ở giữa biển khơi nữa nhưng vẫn cách bãi cát tới một phần tư dặm.
Hai Năm Trên Hoang Đảo Hai Năm Trên Hoang Đảo - Jules Verne Hai Năm Trên Hoang Đảo