Nguyên tác: Iron Heel
Số lần đọc/download: 4825 / 59
Cập nhật: 2015-07-23 04:36:04 +0700
Chương II Những Lời Thách Thức
K
hách về, ba tôi ngồi phịch xuống ghế cười rũ rượi. Từ khi mẹ tôi mất, chưa bao giờ tôi thấy ba tôi cười khoái trá như thế.
- Ba đánh cuộc rằng bác sĩ Hammerfield bình sinh chưa bị một vố nào như vố này. Các vị mục sư tranh luận chẳng vẫn quen lịch sự mà! Con có để ý không, Everhard bắt đầu như một con cừu non, nhưng chỉ một chốc là gầm lên như một con sư tử. Óc anh ta xếp đặt đâu ra đấy, thật là tuyệt. Anh ta mà hướng năng lực vào việc nghiên cứu thì thừa sức thành một nhà khoa học giỏi.
Tôi cũng chẳng cần nói là tôi có cảm tình sâu xa với Ernest Everhard. Không phải chỉ vì những điều anh nói và cách nói năng của anh đâu, mà chính vì con người anh. Chưa bao giờ tôi gặp một người đàn ông như anh. Và có lẽ cũng vì thế nên tuy đã hai mươi tư, tôi vẫn chưa lấy chồng. Tôi thích anh; tôi phải thú thực với mình như thế. Cái thích của tôi dựa trên những điều vượt ra ngoài trí thông minh và tài lập luận của anh. Mặc dầu bắp thịt anh nổi lên cuồn cuộn, ngực anh nở nang như ngực một võ sĩ, tôi vẫn thấy anh là một cậu bé ngây thơ. Tôi cảm thấy rằng dưới cái bề ngoài tri thức huênh hoang, anh có một tâm hồn tế nhị và nhạy cảm. Tôi cảm thấy như thế thôi, nhưng cảm bằng cách nào thì chính tôi cũng không rõ. Có lẽ đó là thấy do cái linh tính phụ nữ trong người tôi.
Tiếng kèn gọi lính của anh đã xúc động tôi rất nhiều. Nó còn vang lên trong tai tôi, nhưng tôi cảm thấy lại muốn được nghe thêm nữa. Tôi những muốn nhìn lại nụ cười long lanh trong mắt anh, nụ cười vui tươi trái hẳn với vẻ mặt trang nghiêm lạnh lùng của anh. Hơn thế nữa nhiều tình cảm man mác từ đâu đến làm xao xuyến lòng tôi. Tôi chớm bắt đầu yêu anh. Tuy nhiên, tôi vẫn tin rằng, nếu không bao giờ gặp anh nữa, có lẽ những tình cảm man mác kia cũng phai đi, và tôi cũng dễ quên anh thôi.
Nhưng số phận đã định tôi phải gặp lại anh. Hồi ấy, ba tôi bắt đầu chú ý đến khoa xã hội học và hay mời khách đến nhà ăn cơm. Ba tôi không phải là một nhà xã hội học. Ba tôi chuyên về vật lí học. Trong đời sống gia đình cũng như trong công việc nghiên cứu khoa học, ba tôi gặp rất nhiều may mắn. Nhưng từ ngày mẹ tôi mất đi, việc nghiên cứu của ba tôi không sao lấp được chỗ trống. Thoạt tiên ba tôi bước vào nghiên cứu triết học; nhưng rồi ba tôi ngày càng ham và bị cuốn sang khoa kinh tế chính trị học và khoa xã hội học. Ba tôi vốn yêu công lí, cho nên chẳng bao lâu ba tôi hăm hở tìm cách san bằng mọi sự bất công. Thấy ba tôi chú ý nhiều đến công việc ngoài đời, tôi mừng lắm nhưng cũng không mường tượng được kết quả sẽ thế nào. Ba tôi theo đuổi những công việc mới một cách hăng hái, say mê và không hề bận tâm rằng những công việc đó sẽ đưa tới đâu.
Ba tôi xưa nay quen làm việc trong phòng thí nghiệm, cho nên ba tôi đã biến phòng ăn trong nhà thành một phòng thí nghiệm xã hội học. Người đủ các hạng, các tầng lớp đến ăn ở đây: bác học, nhà chính trị, chủ ngân hàng, nhà buôn, giáo sư, lãnh tụ công đảng, đảng viên xã hội và những người vô chính phủ. Ba tôi thúc họ tranh luận và phân tích những ý nghĩ của họ về cuộc đời và về xã hội.
Ba tôi gặp Ernest trước “Tối họp mặt các vị mục sư” ít hôm. Lúc khách đã ra về ba tôi liền kể cho tôi nghe đã gặp anh như thế nào. Một buổi tối, ba tôi đang đi dạo phố thì dừng lại nghe một người đứng trên cái hòm xà-phòng diễn thuyết trước một đám công nhân. Người đứng trên hòm xà-phòng đó chính là Ernest. Nhưng việc của anh không chỉ là đứng trên xà phòng để diễn thuyết đâu. Anh là một nhân vật cao cấp trong ban chấp hành Đảng xã hội. Anh là một lãnh tụ của Đảng và được thừa nhận là lãnh tụ cả trong phạm vi triết học của chủ nghĩa xã hội. Anh có tài trình bày những vấn đề khó hiểu bằng một lối nói đơn giản, sáng sủa. Anh là một nhà thuyết trình và một nhà giáo dục lỗi lạc, nhưng vẫn có thể đứng trên hòm xà-phòng giảng kinh tế học cho công nhân.
Ba tôi dừng lại nghe. Thấy hay, ba tôi hẹn gặp diễn giả. Và chỉ sau khi quen nhau thực sự, ba tôi mời diễn giả đến ăn cơm cùng với các vị mục sư. Sau bữa ăn ba tôi nói về anh, nhưng ba tôi biết cũng chẳng bao nhiêu. Anh sinh trưởng trong giai cấp công nhân, mặc dầu dòng họ Everhard là một dòng họ kì cựu đã sinh cơ lập nghiệp ở Mỹ hàng hơn hai trăm năm 1. Năm mười tuổi, anh vào làm nhà máy, và sau một thời gian học việc, anh thành công nhân đóng móng ngựa. Anh do tự học mà thành tài: anh đã học lấy tiếng Pháp và tiếng Đức, và thời ấy anh sống rất chật vật bằng cách dịch những tác phẩm khoa học và triết học cho một nhà xuất bản thuộc Đảng xã hội ở Chicago. Ngoài số lương ra, anh còn được một ít tiền nhuận bút. Những tác phẩm triết học và kinh tế học của anh bán cũng có một số người mua.
Tất cả những điều tôi được nghe về anh chỉ có thế. Nhưng tôi trằn trọc mãi không ngủ được và nằm nhớ lại giọng nói sang sảng của anh. Tôi phát sợ lên vì thấy tự mình nghĩ đến anh nhiều quá. Anh khác hẳn những người cùng giai cấp với tôi. Anh xa lạ quá, dũng cảm quá! Tài năng của anh làm cho tôi vừa phục lại vừa sợ và tôi cứ nghĩ ngợi lung tung, thậm chí tưởng tượng ra rằng anh đã là người yêu và là chồng của tôi. Tôi vẫn nghe nói cái dũng mãnh của người đàn ông bao giờ cũng có một sự hấp dẫn ghê gớm đối với người đàn bà; nhưng anh thì lại dũng mãnh quá. “Không, không!” tôi kêu lên. “Vô lí! Không thể được!” Hôm sau tôi thức giấc đã lại thấy nóng lòng được gặp anh. Tôi muốn nhìn anh đè bẹp đối thủ trong một cuộc tranh luận, muốn được nghe giọng nói hùng tráng của anh; tôi muốn thấy anh đem hết lòng tự tin và sức mạnh ra đập tơi bời bọn người tự mãn kia, đánh bật họ ra khỏi cái ổ gà tư tưởng của họ. Anh huênh hoang một chút có hề gì. Dùng lại câu anh thường nói thì cái huênh hoang ấy “vận dụng” được và có nhiều hiệu quả. Vả lại, cái huênh hoang của anh trông hay lắm. Nó khích động người ta như tiếng súng mở đầu cho một trận tấn công… Luôn mấy ngày sau, tôi mượn ba tôi sách của Ernest để đọc. Anh viết cũng giống như anh nói, rất rành rẽ và rất thuyết phục. Chính cách diễn tả hết sức giản dị của anh nó thuyết phục người ta, ngay cả khi người ta đang còn hoài nghi. Anh được trời phú bẩm cho cái khúc chiết. Anh trình bày vấn đề hay tuyệt. Tuy nhiên, ngoài bút pháp của anh ra, còn có nhiều điều tôi không thích. Anh nhấn quá mạnh cái mà anh gọi là đấu tranh giai cấp, đối kháng giữa lao động và tư bản, và xung đột quyền lợi.
Ba tôi thú vị kể lại lời bác sĩ Hammerfield nhận xét về Ernest: “Một thằng nhãi con hỗn xược, óc đầy tự mãn về cái hiểu biết đầy thiếu sót của mình”. Bác sĩ Hammerfield còn bảo sẽ không thèm gặp Ernest nữa. Trái lại đức Giám mục Morehouse tỏ ra mến Ernest và rất muốn gặp lại anh. Đức Giám mục bảo anh là “một thanh niên cương nghị và hết sức linh lợi nhưng tự tin thái quá”.
Một buổi chiều, Ernest đi cùng với ba tôi về nhà. Đức Giám mục Morehouse đã đến từ trước, và chúng tôi đang ngồi ngoài hiên uống trà. Ernest vẫn còn ở Berkeley, vì anh đang theo dở một khoá đặc biệt về sinh vật học ở trường đại học và đang bận viết một tác phẩm mới nhan đề “Triết học và Cách mạng” 2.
Khi Ernest đến, hàng hiên như đột nhiên bé lại. Không phải vì anh to lớn quá đến thế đâu – anh chỉ cao có năm bộ chín tấc 3 – mà vì người anh toả ra một không khí lớn lao khó tả. Lúc đứng lại chào tôi, anh tỏ ra hơi ngượng nghịu, trái hẳn với đôi mắt nhìn táo bạo và bàn tay mạnh mẽ, cứng cáp của anh khi bắt tay tôi. Lúc đó mắt anh cũng đầy vẻ quả quyết và mạnh mẽ như thế. Lần này hình như trong đôi mắt anh có một câu hỏi, và cũng như lần trước, anh nhìn tôi lâu quá.
- Tôi đã đọc cuốn “Triết học của giai cấp công nhân” anh viết. – Tôi nói, và mắt anh sáng lên vì vui thích.
Anh đáp:
- Chắc thể nào cô chẳng chú ý tôi viết cuốn sách này nhằm đối tượng nào.
- Vâng. Và chính vì thế tôi muốn tranh cãi với anh, – tôi lên giọng thách thức.
- Tôi cũng thế, tôi cũng cần tranh luận với ông, ông Everhard ạ, – đức Giám mục Morehouse nói.
Ernest nhún vai rất điệu và đỡ lấy chén trà.
Đức Giám mục nghiêng mình nhường tôi nói trước.
Tôi bảo:
- Anh xúi giục thù hằn giai cấp. Tôi cho kêu gọi tất cả những cái gì là hẹp hòi, là tàn bạo trong giai cấp công nhân là sai lầm và có tội. Thù hằn giai cấp là một điều chống lại xã hội và theo ý tôi, chống lại chủ nghĩa xã hội.
- Tôi chẳng có tội gì cả, – anh đáp. – Trong lời văn và trong tinh thần tất cả những điều tôi viết, không có gì gọi là thù hằn giai cấp hết.
- Ồ! – Tôi lên giọng trách móc và với lấy cuốn sách của anh, mở ra.
Anh lẳng lặng uống trà và mỉm cười nhìn tôi lật những trang sách.
- Trang một trăm ba mươi hai! – Tôi đọc to: “Cho nên trong giai đoạn hiện tại của sự phát triển xã hội, đấu tranh giai cấp diễn ra giữa giai cấp trả lương và những giai cấp ăn lương”.
Tôi nhìn anh với vẻ mặt đắc thắng.
- Đây có phải là chuyện hằn thù giai cấp đâu, – anh cười đáp.
- Nhưng anh bảo “đấu tranh giai cấp”.
- Cái đó khác, thù hằn giai cấp khác, – anh đáp. – Cô nên tin là chúng tôi không hề xui giục ai thù hằn nhau. Chúng tôi nói: đấu tranh giai cấp là một quy luật của sự phát triển xã hội, chúng tôi không chịu trách nhiệm về điều đó. Chúng tôi có làm ra đấu tranh giai cấp đâu? Chúng tôi chỉ đem nó ra giải thích, cũng như Newton giải thích quy luật hấp dẫn của vạn vật. Chúng tôi cắt nghĩa bản chất của sự xung đột quyền lợi nó sinh ra đấu tranh giai cấp.
- Đáng lí ra thì không được có xung đột quyền lợi mới phải chứ! – Tôi kêu to lên.
- Tôi hoàn toàn đồng ý với cô, – anh đáp. – Chính là những người theo chủ nghĩa xã hội chúng tôi đang ra sức làm việc đó. Chúng tôi đấu tranh để thủ tiêu sự xung đột quyền lợi. Xin lỗi cô. Để tôi đọc một đoạn. – Anh cầm lấy cuốn sách và mở rất nhanh: – Trang một trăm hai mươi sáu: “Chu kì của đấu tranh giai cấp bắt đầu bằng sự tan rã của chế độ cộng đồng bộ lạc dã man và sự phát sinh ra tư hữu. Nó sẽ kết thúc bằng sự thủ tiêu quyền chiếm hữu cá nhân về những phương tiện sinh tồn của xã hội”.
- Nhưng tôi thì không đồng ý với ông, – đức Giám mục nói xen vào. Người xúc động quá và khuôn mặt xanh xao khắc khổ của người hơi phơn phớt đỏ. – Tiền đề của ông sai. Không có cái gì gọi là xung đột quyền lợi giữa lao động và tư bản, hay ít ra thì không nên có.
- Xin cảm ơn ngài, – Ernest nghiêm sắc mặt nói. – Vô tình trong câu cuối cùng của ngài, ngài đã công nhận tiền đề của tôi.
- Nhưng vì sao lại có thể có xung đột được kia chứ? –Đức Giám mục bực bội hỏi.
Ernest nhún vai:
- Bởi vì chúng ta bẩm sinh ra như thế. Theo tôi đoán thì như vậy.
- Chúng ta có phải bẩm sinh như thế đâu! – Đức Giám mục kêu lên.
- Có phải ngài đang bàn về con người lí tưởng không? – Ernest hỏi. Con người không vị kỉ, cao thượng như thần thánh ấy, có phải không? Nhưng người như thế hiếm quá, có thể nói là không có trong thực tế. Hay là ngài định nói con người thường?
- Tôi nói con người thường, – đức Giám mục đáp.
- Con người mềm yếu và sai trái, dễ lầm lẫn?
Đức Giám mục gật đầu.
- Xin ngài coi chừng, – Ernest nói. – Tôi nhắc lại chữ “ích kỉ”.
- Người thường bao giờ cũng ích kỉ thật, – đức Giám mục dũng cảm xác nhận.
- Và nó tham lam vô hạn, có đúng thế không?
- Con người thế tục vẫn hay tham lam; thật đáng thương hại, nhưng quả là như thế.
- Thế là tôi bắt được ngài rồi. – Hàm Ernest hập lại như cái lò xo của một cái bẫy. – Để tôi nói cho ngài nghe. Đây là một người làm ở sở xe lửa chạy trong thành phố.
- Người đó không thể có công ăn việc làm, nếu không có tư bản, – đức Giám mục ngắt lời.
- Đúng, nhưng chắc ngài công nhận rằng nếu không có lao động để kiếm lời thì tư bản chết, phải không?
Đức Giám mục im lặng.
Ernest hỏi day lại:
- Ngài có công nhận thế không ạ?
Đức Giám mục gật đầu.
- Thế là ý kiến chúng ta, cái nọ đã bác cái kia, – Ernest nói bằng một giọng rất thực tế. – Thế là hoà. Bây giờ thảo luận lại. Những người làm xe lửa bỏ sức lao động. Nhà tư bản bỏ vốn. Do hai bên lao động và tư bản phối hợp nên kiếm được ra tiền 4. Họ chia nhau số tiền đó. Phần của tư bản gọi là lợi nhuận. Phần của lao động gọi là tiền lương.
- Đúng lắm, – đức Giám mục ngắt lời. – Và không có lí gì mà họ lại không chia nhau ổn thoả được.
- Ngài đã quên những điều chúng ta vừa đồng ý với nhau rồi, – Ernest trả lời. – Chúng ta đã đồng ý với nhau rằng con người bình thường vẫn hay ích kỉ. Đó mới là những con người thật. Ngài đã bay lên trên trời để chia phần cho những con người hoàn thiện hoàn mĩ nhưng không thể có được rồi. Ta hãy trở về mặt đất; người lao động vì ích kỉ, muốn được chia càng nhiều càng tốt. Nhà tư bản, vì ích kỉ, muốn được chia càng nhiều càng tốt. Khi một vật gì chỉ có hạn mà hai người cùng muốn giành phần hơn thì có xung đột quyền lợi. Đó chính là xung đột quyền lợi giữa lao động và tư bản. Xung đột ấy không thể điều hoà được. Chừng nào còn lao động và tư bản thì hai bên còn tiếp tục cãi lộn nhau về việc chia phần. Nếu ngài ở San Francisco buổi chiều hôm nay thì ngài sẽ buộc phải đi bộ. Không còn một cái xe nào chạy trong phố hết.
- Lại bãi công à 5? – Đức Giám mục hốt hoảng hỏi.
- Vâng, họ đang gây lộn với nhau về việc chia tiền lãi của hãng xe điện chạy trong thành phố.
Đức Giám mục nổi giận, kêu to lên:
- Họ lầm rồi! Công nhân thật là thiển cận. Thế thì họ còn hòng giữ cảm tình của chúng tôi làm sao được…
- Khi mà chúng tôi bắt buộc phải đi bộ, – Ernest nói chêm, ranh mãnh.
Nhưng đức Giám mục không chú ý đến câu anh nói. Người tiếp:
- Tầm mắt họ hẹp quá. Con người thì phải cư xử cho ra con người, không thể là con vật được. Lại sắp sửa có bạo động, chém giết, gây ra bao nhiêu cảnh vợ goá con côi. Tư bản và lao động phải là bạn của nhau kia! Họ phải cộng tác chặt chẽ với nhau, vì quyền lợi của cả hai bên.
- Ngài lại bay lên mây rồi. Xin ngài hãy trở lại mặt đất cho. Ngài nhớ cho rằng ta đã đồng ý với nhau là con người bình thường vẫn ích kỉ.
Đức Giám mục thét lên:
- Nhưng mà họ không nên ích kỉ!
- Tôi đồng ý với ngài về điểm ấy, – Ernest nói tiếp. – Họ không nên ích kỉ, nhưng họ vẫn sẽ ích kỉ như thường, chừng nào họ còn sống trong một cái hệ thống xã hội xây dựng trên nền tảng của một thứ đạo đức dành cho loài lợn.
Đức Giám mục hốt hoảng và ba tôi che miệng cười.
- Vâng, một thứ đạo đức dành cho loài lợn, – Ernest thản nhiên cười, nói tiếp. – Đó chính là định nghĩa của chủ nghĩa tư bản. Đó cũng là cái mà Nhà thờ các ngài ủng hộ, cái mà ngài vẫn dùng để thuyết người ta mỗi khi ngài bước lên toà giảng. Đạo đức của loài lợn! Không thể cho nó cái tên nào khác nữa!
Đức giám mục quay lại cầu cứu ba tôi, nhưng ba tôi cười lắc đầu:
- Tôi sợ ông Everhard nói đúng đấy! Đó là cái chính sách mạnh ai nấy làm, ai cũng chỉ bo bo biết phận mình và cuối cùng là quỷ nó được. Như ông Everhard đã nói tối hôm nọ, chức trách của giới tu hành các ngài là gìn giữ cái trật tự đã được thiết lập, và xã hội hiện nay dựa trên nền tảng đó.
- Nhưng đấy không phải là giáo lí của Chúa! – Đức giám mục kêu lên.
- Ngày nay, Nhà thờ không dạy đạo lí của Chúa nữa rồi. – Ernest vội nói. – Vì thế cho nên công nhân chúng tôi sẽ không giây với Nhà thờ. Nhà thờ dung túng cho giai cấp tư bản đối xử tàn bạo, dã man với giai cấp công nhân.
- Nhà thờ không hề dung túng, – đức Giám mục cãi.
- Nhà thờ không phản đối, – Ernest đáp. – Mà không phản đối tức là dung túng. Vì xin ngài nhớ cho rằng Nhà thờ là do giai cấp tư bản trợ cấp.
- Tôi không quan niệm vấn đề như thế, – đức Giám mục nói một cách ngây thơ. – Có lẽ ông lầm. Tôi biết trên thế giới này còn có nhiều điều đáng buồn, nhiều điều ác. Tôi biết rằng Nhà thờ đã mất… cái mà ông gọi là giai cấp vô sản 6.
- Các ngài chưa hề có giai cấp vô sản bao giờ cả! – Ernest lo tiếng. – Giai cấp vô sản đã trưởng thành bên ngoài Nhà thờ và không cần đến Nhà thờ.
- Tôi không nắm được ý ông, – đức Giám mục đáp lại yếu ớt.
- Vậy thì để tôi cắt nghĩa cho ngài nghe. Sau khi máy móc và hệ thống nhà máy xuất hiện, vào cuối thế kỉ thứ mười tám, quảng đại quần chúng lao động bị buộc phải rời bỏ ruộng đất, phương thức sản xuất cũ bị phá vỡ. Nhân dân lao động bị đuổi ra khỏi làng và bị tập trung trong các thành phố công nghiệp. Đàn bà trẻ con bị bắt phải đứng ra điều khiển máy. Đời sống gia đình thế là hết. Tình cảnh thật là khủng khiếp. Đó là một trang sử viết bằng máu.
- Tôi biết, tôi biết, – đức Giám mục nói với một vẻ mặt buồn rười rượi. Thật là hãi hùng, nhưng việc này xảy ra đã một thế kỉ rưỡi nay rồi.
- Đúng như thế, giai cấp vô sản hiện đại ra đời đã một thế kỉ rưỡi nay. – Ernest nói tiếp. – Thế mà Nhà thờ không biết đến nó. Trong lúc bọn tư bản biến nước nhà thành lò sát sinh thì Nhà thờ làm thinh không nói. Trước kia Nhà thờ không phản đối, ngày nay Nhà thờ cũng không phản đối. Austin Lewis 7 nói về thời kì đó cũng đã từng phát biểu: “Những kẻ được Chúa dạy: “Hãy nuôi lấy đàn chiên của ta” lại chính là những kẻ nhìn đàn chiên ấy bị bán đi làm nô lệ và bị vắt sức ra cho đến chết mà không một lời phản đối 8 …” Nhà thờ cứ thế gắn trám đường vào miệng. Trước khi tiếp tục người có đồng ý với tôi hay không đồng ý, xin nói toạc móng heo cho tôi biết. Có phải là Nhà thờ đã gắn trám đường vào miệng không?
Đức Giám mục Morehouse ngập ngừng. Cũng như bác sĩ Hammerfield, Người không quen cái lối mà Ernest gọi là “đánh tung thâm”.
- Lịch sử thế kỉ thứ mười tám đã viết rồi, – Ernest nói như rìu chém đá. – Nếu Nhà thờ không gắn trám đường vào miệng thì người ta cũng phải thấy có một lời phản đối nào trong sử sách chứ?
- Kể thì lúc đó Nhà thờ cũng có làm lơ đi thật, – đức Giám mục thú nhận.
- Ngay cả bây giờ nữa, Nhà thờ vẫn cứ làm lơ.
- Ở đây thì tôi không đồng ý, – đức Giám mục nói.
Ernest ngừng lại, chăm chú nhìn Người và nhận lời thách thức.
- Được lắm, – anh bảo, – rồi ta xem. Ở Chicago, phụ nữ làm việc mỗi tuần được chín hào lương. Nhà thờ có phản đối không?
- Tôi không thể biết việc này, – đức Giám mục đáp. – Chết thật, có chín hào thôi ư?
- Nhà thờ có phản đối không? – Ernest hỏi day lại.
- Nhà thờ không biết điều đó, – đức Giám mục kiên quyết chống đỡ.
- Thế mà Chúa đã từng dạy Nhà thờ là “hãy nuôi lấy đàn con chiên của ta” đấy. – Ernest nói mỉa. Sau đó, anh bảo:
- Xin ngài bỏ quá cho tôi đã nói đay ngài. Chúng tôi bất bình với các ngài, liệu ngài có lấy thế làm lạ không? Các ngài có đem việc dùng trẻ con trong các nhà máy sợi ở miền Nam ra phản đối 9 trước Nhà thờ tư bản chủ nghĩa của các ngài không? Trẻ con sáu bảy tuổi thay phiên nhau làm đêm, mỗi phiên mười hai tiếng đồng hồ. Chúng nó không bao giờ được nhìn thấy ánh sáng mặt trời. Chúng nó chết như ruồi bọ. Tiền lời của bọn tư bản là do máu chúng nó mà ra. Các ngài dùng tiền đó để xây những thánh đường lộng lẫy ở New England. Và trong những Thánh đường ấy, đồng loại của ngài đem tuyên giảng những điều rất vô vị tuy là rất êm tai, trước những cái két đựng tiền lời bụng phệ, mặt nhẵn như bàn thịt.
- Tôi không hề biết những điều đó, – đức Giám mục thều thào. Mặt Người tái đi như người trúng gió.
- Thế là các ngài không phản đối chứ gì?
Đức Giám mục lắc đầu.
- Thế là Nhà thờ ngày nào cũng ngậm miệng như nó đã từng ngậm miệng hồi thế kỉ thứ mười tám chứ gì?
Đức Giám mục nín lặng và lần này thì Ernest thôi không hỏi dồn nữa.
- Và xin ngài đừng quên rằng hễ giáo sĩ nào phản đối là bị thải hồi tức khắc.
- Tôi thấy như thế là không công bằng.
- Ngài có phản đối không? – Ernest hỏi.
- Ông cứ chỉ cho tôi những điều dữ trong xã hội chúng ta như ông vừa nói, tôi sẽ phản đối.
- Tôi sẽ chỉ, – Ernest ung dung đáp. – Tôi sẵn sàng để ngài tuỳ tiện sử dụng. Tôi sẽ dẫn ngài làm một cuộc du hành qua địa ngục.
- Và tôi sẽ phản đối!… – Đức Giám mục ngồi thẳng người lên và trên khuôn mặt hiền từ của Người hiện lên vẻ đanh thép của một chiến sĩ. – Nhà thờ sẽ không im đâu!
Ernest báo trước:
- Ngài sẽ bị sa thải.
Đức Giám mục trả lời:
- Tôi sẽ chứng minh ngược lại cho ông xem. Nếu quả những điều ông nói có như thế thật thì tôi sẽ chứng minh cho ông thấy rằng Nhà thờ sai lầm chỉ vì không biết mà thôi. Thậm chí tôi tin chắc rằng tất cả những điều gớm ghiếc xảy ra trong xã hội công nghiệp cũng đều do giai cấp tư bản không biết mà ra. Họ sẽ sửa lại những sai trái ngay khi nhận được bức thư mà Nhà thờ có nhiệm vụ viết cho họ.
Ernest phá lên cười. Anh cười rất ác và tôi buộc lòng phải bênh đức Giám mục. Tôi bảo:
- Anh nên nhớ, anh mới thấy có một mặt của vấn đề. Anh không tin là chúng tôi tốt một tí nào đâu, nhưng mặc, chúng tôi vẫn có nhiều điểm tốt. Đức cha nói rất đúng. Những sai trái do công nghiệp gây nên, dù có ghê gớm như anh nói đi chăng nữa, cũng chỉ do người ta không biết mà ra. Các giới trong xã hội ngày nay xa cách nhau quá lắm!
- Người mọi da đỏ cũng không tàn ác dã man bằng giai cấp tư bản, – anh đáp. Và lúc ấy tôi phát ghét anh lên.
- Anh không hiểu chúng tôi, – tôi bảo anh thế, – chúng tôi không tàn ác dã man đâu!
- Thế cô chứng minh đi, – anh thách.
- Với anh thì chứng minh thế nào được? – Tôi bắt đầu cáu.
Anh lắc đầu:
- Tôi không yêu cầu cô chứng minh cho tôi. Tôi yêu cầu cô chứng minh cho bản thân cô kia!
- Tôi thì tôi biết rồi, không việc gì lại phải chứng minh cho tôi.
- Cô không hiểu cái gì hết! – Anh trả lời phũ phàng.
Ba tôi dàn hoà:
- Các con, các con, đừng thế!
Tôi giận quá bảo:
- Tôi không thèm…
Nhưng Ernest ngắt lời:
- Tôi hiểu vấn đề như thế này: cô có tiền hay ba cô có tiền cũng vậy thôi. Tôi muốn nói số tiền hùn vào nhà máy Sierra.
- Cái đó có liên quan gì đến vấn đề đang thảo luận kia chứ? – Tôi gắt.
- Cũng không liên quan gì đâu, – anh nói chậm rãi. – Trừ một điều là tấm áo cô đang mặc đây có vấy máu, những thức ăn cô ăn vào miệng đều tanh mùi máu. Máu trẻ con, máu người lớn đang từ trên xà nhà cô rỏ xuống. Tôi chỉ cần nhắm mắt lại là nghe thấy tiếng máu rơi từng giọt từng giọt quanh mình.
Để cho điệu bộ phù hợp với lời nói, anh nhắm mắt lại và tựa lưng vào ghế. Tôi oà lên khóc vì nhục và vì tự ái. Trong đời tôi chưa bao giờ bị đối xử phũ phàng đến thế. Cả đức Giám mục lẫn ba tôi đều bối rối, kinh ngạc. Hai người định lái câu chuyện sang một vấn đề khác bớt gay go hơn: nhưng Ernest đã mở mắt ra và xua tay cho hai người giãn ra. Miệng anh rất nghiêm, cả mắt anh cũng thế. Trong khoé mắt anh không còn cái cười long lanh như mọi khi nữa. Anh lại sắp nói gì đây? Anh lại sắp bắt tôi phải chịu hình phạt ghê gớm gì đây? Tôi cũng chẳng hiểu. Vì lúc ấy một người đang đi trên hè phố đứng lại nhìn chúng tôi. Anh ta tầm vóc cao lớn, quần áo rách rưới, lưng thồ một bó nặng bàn ghế và bình phong bằng tre và mây. Anh ta nhìn vào trong nhà, như lưỡng lự, không biết có nên vào chào bán hàng không.
- Tên anh ấy là Jackson, – Ernest bảo.
- Thân hình vạm vỡ thế kia đáng lẽ phải đi làm việc chứ lại đi bán hàng rong à 10! – Tôi nói gọn lỏn.
- Cô để ý tay áo bên trái anh ấy xem, – Ernest nhẹ nhàng bảo.
Tôi nhìn thấy tay áo rỗng.
- Tôi nghe thấy máu ở cánh tay anh ấy ở trên xà nhà cô rơi xuống, – Ernest vẫn một giọng nhẹ nhàng như trước. – Anh ấy mất cánh tay trong nhà máy Sierra và “cô” đã quẳng anh ấy ra chết ngoài đường như một con ngựa cụt. Tôi nói “cô” đây tức là muốn chỉ viên giám đốc và tất cả những viên chức mà cô và những cổ đông khác mượn để trông nom cho nhà máy chạy. Đây là một tai nạn lao động. Tai nạn này xảy ra là vì anh ấy muốn cho nhà máy đỡ tốn mấy đô la. Tay anh ấy bị kẹp vào cái ống răng cưa của máy chải sợi. Anh ấy thấy một hòn đá cuội vướng vào răng máy. Giá anh ấy cứ để nguyên thì hòn cuội sẽ làm gãy hai hàng răng cưa. Anh ấy bèn với tay nhặt nó ra, thế là cánh tay bị nghiến nhừ suốt từ đầu ngón cho đến bả vai. Lúc ấy là ban đêm. Nhà máy làm thêm giờ. Quý ấy tiền lời chia rất sụ. Đêm hôm xảy ra tai nạn, Jackson làm việc đã hàng bao tiếng đồng hồ rồi, các bắp thịt anh đã mỏi nhừ và cử động không được nhanh nhẹn nữa. Vì thế mà anh bị máy nghiến. Anh ấy có một vợ ba con.
- Thế công ty có làm gì cho anh ta không? – Tôi hỏi.
- Chẳng làm cái gì hết. Quên, xin lỗi cô, có làm. Ở nhà thương ra, anh ấy kiện đòi bồi thường và công ty đã làm cho anh ấy thua kiện. Chắc cô cũng thừa biết là công ty dùng những luật sư rất có năng lực.
- Anh kể chưa hết chuyện, – tôi nói quả quyết. – Hoặc là anh không biết hết chuyện. Có lẽ tại vì anh ta xấc láo.
- Xấc láo! Hà hà! – Giọng cười của anh rất đanh ác. – Trời đất ơi! Với một người cánh tay đã bị nghiến nhừ. Thế nhưng anh ấy lại là một tên đầy tớ hiền lành, ngoan ngoãn kia. Chẳng ai bảo anh ấy là xấc láo bao giờ…
- Nhưng mà xấc láo ở toà án. – tôi vội bảo. – Chắc là trong chuyện này còn có những điều không giống như anh nói, nếu không thì toà đã chẳng xử cho anh ta thua.
- Đại tá Ingram làm cố vấn cho công ty. Ông ta là một nhà luật học rất khôn ngoan. – Ernest chăm chú nhìn tôi và nói tiếp. – Cô Cunningham ạ, tôi bảo thật cô nhé, cô nên đi điều tra về trường hợp của Jackson đi.
- Tôi cũng định thế, – tôi lạnh lùng đáp.
- Tốt lắm, – anh hớn hở bảo tôi. – Tôi sẽ chỉ chỗ cho cô tìm anh ấy. Nhưng tôi không khỏi rùng mình khi nghĩ đến những điều cô sẽ phải chứng minh bằng cánh tay của Jackson.
Thế là cả đức Giám mục lẫn tôi đều nhận lời thách thức của Ernest. Đức Giám mục ra về cùng với anh. Tôi ngồi một mình, rất phẫn uất vì thái độ bất công của anh đối với tôi và giai cấp tôi. Đồ súc sinh! Tôi ghét cay ghét đắng anh, nhưng lại tự an ủi ngay: người của giai cấp công nhân tất nhiên là cư xử như thế. Không thể đòi hỏi hơn được.
--------------------------------
1 Hồi đó sự phân biệt giữa những người đẻ ở trong nước và những người đẻ ở ngoài nước rất sâu sắc và rất khó chịu.
2 Cuốn sách này vẫn được in bí mật trong suốt ba thế kỉ thống trị của cáiGót sắt. Có nhiều bản thuộc nhiều lần xuất bản khác nhau trong Thư viện Quốc gia Ardis.
3 Vào khoảng 1m9 (ND).
4 Thời đó, những bọn cá nhân tham bạo kiểm soát tất cả những phương tiện vận tải và bắt công chúng đóng thuế thông hành mới được sử dụng những phương tiện đó.
5 Trong cái thời kì vô lí và vô chính phủ này, những sự xung đột như vậy diễn ra như cơm bữa. Có khi là anh em lao động bãi công, có khi là tư bản không chịu để cho lao động làm việc. Những sự xung đột này dẫn đến bạo động và hỗn loạn, khiến cho nhiều tài sản bị tàn phá và nhiều người bị thiệt mạng. Tất cả những chuyện đó bây giờ chúng ta không sao quan niệm được, cũng như chúng ta không thể quan niệm được một tập quán của thời đó là những người đàn ông thuộc các tầng lớp dưới hay đập phá đồ đạc mỗi khi cãi nhau với vợ.
6 Proletariat (vô sản - ND): do tiếng Latin Proletarii mà ra. Trong cuộc điều tra dân số của Servius Tullius (vua thứ sáu của thành La Mã - ND), tiếngProl et ari i dùng để chỉ những người ngoài việc nuôi con cái (proles) ra, không được một lợi ích gì khác cho Nhà nước. Nói một cách khác, họ là những người không đáng kể hoặc là về mặt tài sản, hoặc là về mặt địa vị, hoặc là về mặt tài năng đặc biệt.
7 Ông ứng cử ghế thống đốc bang California trong cuộc tuyển cử mùa thu năm 1906, đứng ở danh sách của Đảng Xã hội. Ông nguyên là người Anh, đã viết nhiều sách về kinh tế chính trị học và triết học và là một lãnh tụ của Đảng Xã hội thời đó.
8 Trong lịch sử không có trang nào ghê tởm bằng sự đối đãi với lớp đàn bà và trẻ em làm nô lệ trong các xưởng máy của nước Anh vào nửa thứ hai của thế kỉ 18. Có nhiều kẻ nhờ những cái địa ngục công nghiệp như thế, đã làm giàu ghê gớm và trở thành hiển hách.
9 Kể ra Everhard có thể tìm được ví dụ rõ ràng hơn để minh hoạ cho lời mình nói. Đó là việc giáo hội miền Nam công khai bênh vực chế độ nô lệ hồi trước Chiến tranh Nam Bắc ở Hoa Kỳ. Ở đây chúng tôi nêu nhiều ví dụ dụ tương tự từ những tài liệu thời đó. Năm 1835, Đại hội đồng của giáo hội Trưởng lão quyết nghị: "Chế độ nô lệ được cả Kinh cũ lẫn Kinh mới thừa nhận và không bị Chúa lên án". Hội những giáo sĩ chủ trương chỉ rửa tội cho những người trưởng thành ở thành Charleston cũng năm 1835 đã tuyên bố: "Quyền của chủ sử dụng thời gian của nô lệ đã được Đấng chí cao tạo ra muôn loài công nhận rõ ràng. Chắc chắn là Người có thể tuỳ tiện trao quyền sở hữu về bất cứ một vật gì cho bất cứ ai". Đức cha E. D. Simon, tiến sĩ thần học, giáo sư Học viện Giám lí hội Randolph ở Virginia viết: "Những đoạn trích trong Thánh thư công nhận một cách không úp mở quyền sở hữu nô lệ và những quyền khác có liên quan. Quyền mua và bán nô lệ đã được quy định rõ ràng. Xét theo mọi lẽ, dù là tra cứu chính sách Do Thái do chính tay đức Chúa đặt ra, hay dư luận và thực hành nhất loạt của nhân loại qua tất cả các thời đại, hay những lời dạy trong Kinh mới và trong phép luân lí, ta đều phải rút ra kết luận rằng chế độ nô lệ không có gì trái với đạo đức. Sau khi đã xác định một điểm là bầy nô lệ Phi châu đầu tiên đã được nuôi làm nô lệ một cách hợp pháp, quyền giữ con cái chúng trong vòng nô lệ cũng chỉ là một hậu quả cần thiết. Như vậy chế độ nô lệ hiện tồn tại ở Mỹ là một cái quyền và hoàn toàn có căn cứ". Không có gì là lạ những ý kiến trên đây một hai thế hệ sau lại được Nhà thờ lặp lại để bảo vệ tài sản cho bọn tư bản. Trong viện bảo tàng lớn ở Asgard có một cuốn sách nhan đề "Bàn về sự ứng dụng" do Henry van Dyke viết. Sách này xuất bản năm 1905. Do cuốn sách này, ta có thể đoán ra rằng Van Dyke là một giáo sĩ. Nên chú ý đến sự giống nhau giữa lời tuyên bố của Hội những giáo sĩ chủ trương chỉ rửa tội cho những người đã trưởng thành ở Charleston đã dẫn trên và những lời Van Dyke viết bảy năm về sau: "Kinh thánh dạy rằng thế giới là thuộc quyền sở hữu của Chúa. Chúa phân phát cho mỗi người tuỳ theo ý muốn của Chúa thể theo những phép tắc chung".
10 Hồi đó còn hàng vạn người đi bán hàng rong như thế. Họ đem tất cả hàng hoá đi chào hết nhà này sang nhà khác. Thật hết sức lãng phí nhân lực. Sự phân phối rất hỗn độn và bất hợp lí, cũng giống như toàn bộ hệ thống xã hội.