Outside of a dog, a book is man's best friend. Inside of a dog it's too dark to read.

Attributed to Groucho Marx

 
 
 
 
 
Tác giả: Yoko Ogawa
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 12
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3506 / 126
Cập nhật: 2017-11-22 20:59:00 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 1
ôi và con trai mình gọi ông là giáo sư. Còn giáo sư gọi con trai tôi là Căn. Vì đỉnh đầu thằng bé nom bèn bẹt như ký hiệu căn bậc hai.
- Ồ, xem chừng trong này là cả một tâm trí sáng láng đây.
Giáo sư vừa xoa đầu thằng bé vừa nói, không hề để ý tới việc tóc nó sẽ rối tung lên. Thằng bé, vì sợ bạn bè trêu chọc nên lúc nào cũng đội mũ sùm sụp, cảnh giác rụt cổ lại.
- Với ký hiệu này, ta có thể ban phát một danh phận rõ ràng cho cả những con số vô hạn lẫn những con số vô hình.
Thế rồi ông lấy đầu ngón trỏ vẽ cái ký hiệu ấy lên mép chiếc bàn làm việc đã phủ một lớp bụi dày.
Trong vô số những điều mà tôi và con trai được giáo sư chỉ bảo, ý nghĩa của căn bậc hai chiếm một vị trí quan trọng. Rất có thể giáo sư, một người luôn tin rằng có thể biểu thị mọi sự vận động trên thế giới bằng những con số, sẽ không hài lòng với cách nói "vô số" ấy của tôi. Thế nhưng tôi còn biết diễn đạt thế nào khác được. Chúng tôi từng biết tới những con số nguyên tố khổng lồ có cả trăm nghìn chữ số, tới con số lớn nhất - được ghi trong sách Guinness - người ta dùng để chứng minh một thuật toán, và cả những khái niệm toán học vô hạn, nhưng dẫu tôi có liệt kê hết vốn kiến thức ấy ra, chúng cũng không làm sao sánh được với cái mật độ thời gian mà chúng tôi trải qua cùng ông.
Tôi vẫn còn nhớ rất rõ cái hôm cả ba chúng tôi cùng thử xem phép màu gì sẽ xuất hiện nếu đưa con số vào trong căn bậc hai. Đó là một chiều mưa sau khi tháng Tư bắt đầu chưa lâu. Bóng đèn sợi đốt tỏa sáng trong thư phòng lờ mờ tối, chiếc cặp sách con trai tôi vứt ra nằm chỏng chơ trên thảm và phía ngoài cửa sổ là những chùm hoa mơ đẫm nước.
Trong mọi hoàn cảnh, điều giáo sư đòi hỏi ở chúng tôi không chỉ là đáp ứng. Ông vui sướng khi thấy chúng tôi chật vật đưa ra những đáp án trật khấc hơn là khi thấy chúng tôi chẳng trả lời được gì và câm tịt như hến. Thế rồi ông càng hoan hỉ nếu từ đó lại nảy sinh thêm một vấn đề mới hóc búa hơn. Ông có một cảm quan độc đáo về cái gọi là "những sai lầm đúng đắn", và nhờ đó tạo cho chúng tôi sự tự tin chính trong những lúc chúng tôi không thể đưa được ra những lời giải đúng cho dù đã nghĩ nát óc.
- Bây giờ chúng ta thử cho âm 1 vào xem sao nhé.
Giáo sư nói.
- Một số mà khi nhân với chính nó sẽ bằng âm 1, đúng không nào?
Ở trường, con trai tôi vừa mới học đến phần phân số. Thằng bé lập tức chấp nhận sự tồn tại của một số nhỏ hơn 0 chỉ trong chưa đầy ba mươi phút giải thích của giáo sư. Chúng tôi cố tưởng tượng ra ở trong đầu. Căn bậc hai của 100 là 10, căn bậc hai của 16 là 4, căn bậc hai của 1 là 1, căn bậc của âm 1 là …
Giáo sư chẳng bao giờ giục giã. Ông thích nhất là được chăm chú ngắm nhìn khuôn mặt đăm chiêu suy nghĩ của hai mẹ con tôi.
- Chắc là không có số đó đâu ạ.
Tôi thận trọng cất lời.
- Sai rồi, nó ở đây này.
Ông tự trỏ vào ngực mình.
- Đó là một con số cực kì ý nhị. Nó không xuất hiện ở những nơi dễ nhận thấy, nhưng lại thực sự tồn tại trong trái tim của mỗi chúng ta và nâng đỡ thế giới bằng đôi bàn tay nhỏ bé của mình.
Chúng tôi lặng thinh, để mặc cho tâm tưởng mình cuốn theo đôi bàn tay đang dang rộng, theo như lời giáo sư, của căn bậc hai âm 1 ở một chốn xa xôi vô định. Chỉ có tiếng mưa rơi. Con trai tôi đưa tay lên đầu mình như thể để một lần nữa xác nhận lại hình dạng của căn bậc hai.
Tuy vậy, giáo sư không phải bao giờ cũng là người dạy bảo. Ông luôn tỏ ra khiêm nhường trước những điều mình không biết và cũng ý nhị chẳng kém gì căn bậc hai âm 1. Lúc gọi tôi, bao giờ giáo sư cũng mở đầu bằng: "Phiền cô một chút…"
Ngay cả những khi chỉ định nhờ tôi chỉnh hộ cái núm lò nướng sang nấc ba phút rưỡi, giáo sư cũng không quên thêm vào câu: "Phiền cô một chút…". Khi tôi vừa xoay cái núm tới sát nấc yêu cầu, giáo sư sẽ nghển cổ ra và nhòm mãi vào trong lò cho đến lúc bánh mì chín tới. Ông say sưa ngắm nhìn chiếc bánh trong lò, cứ như thể định chờ xem cái mệnh đề mà tôi chứng minh sẽ tiến gần đến chân lý như thế nào, và cứ như thể chân lý ấy sánh ngang với định lý Pythagoras vậy.
Lần đầu tiên tôi được Nghiệp đoàn Akebono giới thiệu tới nhà giáo sư là vào tháng Ba năm 1992. Trong số những người giúp việc đăng kí ở nghiệp đoàn của cái thị trấn bé tẹo trông ra biển Seto ấy, tôi là người trẻ nhất, nhưng đã có hơn mười năm kinh nghiệm. Trong cả quãng thời gian đó, tôi luôn làm tốt mọi công việc với đủ loại chủ nhà và cũng rất tự hào về tính chuyên nghiệp của mình. Ngay cả khi bị trao vào tay những vị khách phiền phức nhất mà các bạn làm khác chỉ muốn tránh xa, tôi cũng không bao giờ ta thán nửa lời với ông chủ tịch nghiệp đoàn.
Còn trường hợp của giáo sư, chỉ cần xem qua thẻ quản lý khách hàng là tôi đoán ngay ra sự đáng gờm của đối thủ. Vì mỗi lần gia chủ phàn nàn và đòi đổi người giúp việc, mặt sau tấm thẻ sẽ được đóng một cái dấu hình ngôi sao màu xanh, mà trong tấm thẻ của giáo sư thì có tới chín cái dấu như thế. Đó là con số kỷ lục mà tôi từng biết.
Khi tới nhà giáo sư để phỏng vấn, người ra tiếp tôi là một bà lão có vóc người thon thả, ăn vận quý phái: tay trái chống một cây gậy màu đen, bận váy đầm dệt kim với mái tóc nhuộm màu hạt dẻ búi cao.
- Tôi muốn cô chăm nom cho chú ấy.
Bà ta nói.
Ban đầu, tôi không biết giáo sư và bà lão có quan hệ như thế nào.
- Chẳng ai làm được ở đây lâu khiến tôi và chú ấy rất phiền lòng. Ai mới đến cũng phải bắt đầu lại từ đầu, rất ư là mất thời giờ.
Mãi rồi tôi mới vỡ lẽ chú ấy là em trai chồng bà.
- Tôi không đòi cô phải làm việc gì ghê gớm cả. Từ thứ Hai đến thứ Sáu hàng tuần, cô đến đây vào lúc mười một giờ sáng, cho chú ấy ăn trưa, quét tước toàn bộ gian nhà, đi chợ, chuẩn bị cơm chiều và ra về vào lúc bảy giờ tối. Chỉ có vậy thôi.
Có một thứ âm hưởng hơi ngập ngừng trong cái từ chú ấy lúc phát ra từ miệng bà lão. Mặc cho những cử chỉ trịnh trọng của bà, bàn tay trái vẫn không thôi vân vê cây gậy một cách bồn chồn. Thỉnh thoảng, bà lại ném cái nhìn đầy cảnh giác sang tôi, nhưng cố không để ánh mắt tôi bắt gặp.
- Các điều khoản chi tiết đã được ghi trong hợp đồng và gửi cho nghiệp đoàn. Tóm lại, chỉ cần cô làm sao để chú ấy có được một cuộc sống bình thường như bao người khác thế là tôi hài lòng.
- Hiện tại, ông ấy đang ở đâu ạ?
Tôi hỏi.
Bà lão chỉ đầu cây gậy về phía ngôi nhà ngang cuối vườn. Một mái nhà ngói màu hung hiện ra thấp thoáng giữa những kẽ lá um tùm phía bên kia hàng thạch nam lá đỏ được cắt tỉa gọn gàng.
- Cô không được phép qua lại giữa nhà ngang với nhà chính. Chỗ làm việc của cô là ở nhà chú ấy. Nhà ngang có một lối đi riêng quay mặt ra con đường phía Bắc, tốt hơn là cô nên vào theo lối đó. Mọi rắc rối do chú ấy gây ra phải được giải quyết dưới nhà ngang. Cô hiểu rồi chú? Chỉ cần cô tuân thủ những điều vừa nêu là được.
Bà lão gõ cây gậy đánh cộc một cái.
Mấy việc này thì có thấm thía gì so với ti tỉ những yêu cầu vô lý của các chủ nhà trước: nào là phải tết tóc hai bên và thay đổi màu ruy băng mỗi ngày, nào là không được để nước pha trà nóng hơn hoặc nguội hơn bảy mươi lăm độ, nào là khi nhìn thấy sao Hôm thì phải chắp tay cầu khấn, vân vân và vân vân.
- Tôi có cần gặp ông ấy bây giờ không?
- Không cần thiết.
Lời từ chối quá đỗi gay gắt khiến tôi tưởng như mình vừa phạm phải một điều thất thố không thể cứu vãn nổi.
- Hôm nay có cho chú ấy gặp cô, thì ngày mai sẽ lại quên mất thôi. Vậy nên không cần thiết.
- Ý bà là…
- Tôi phải nói thật, chú ấy có vấn đề về trí nhớ. Không phải chứng lú lẫn của tuổi già. Vể đại thể, các tế bào não của chú ấy vẫn lành lặn và hoạt động tốt, song một tổn thương rất nhỏ xảy ra cách đây mười bảy năm đã cướp đi khả năng ghi nhớ của não bộ. Hộp sọ bị chấn thương trong một vụ tai nạn giao thông. Khả năng lưu giữ ký ức đã dừng lại vào năm 1975. Kể từ đó, mọi cố gắng lưu trữ thêm những ký ức mới đều thất bại. Chú ấy có thể nhớ được cái định lý tự mình tìm ra các cách đây ba mươi năm chứ không thể nhớ nổi thực đơn của bữa cơm chiều ngày hôm qua. Nói một cách đơn giản, cái đầu ấy giống như một cuộn băng thu hình dài tám mươi phút. Cái gì được ghi lại sau sẽ xoá đi những cái đã ghi trước đó. Trí nhớ của chú ấy cũng chỉ duy trì được trong vòng tám mươi phút. Một giờ và hai mươi phút, không hơn không kém.
Bà lão nói liền một mạch, không biểu lộ chút cảm xúc nào. Hẳn là vì bà đã giải thích điều đó quá nhiều lần rồi.
Thật khó cho tôi để hình dung ra một trí nhớ dài tám mươi phút thì như thế nào. Tất nhiên là tôi đã từng chăm sóc nhiều người bệnh, nhưng tôi chưa biết cái kinh nghiệm ấy sẽ giúp gì được mình. Vào lúc đó, dù đã là quá muộn, tôi chợi nhớ lại những ngôi sao màu xanh xếp thành hàng dài trên tấm thẻ.
Nhìn từ trên này xuống, căn nhà ngang ắng lặng, không một bóng người. Một cánh cổng có bản lề thiết kế theo lối cổ thông sang nhà ngang được đặt ở chỗ cái hàng rào bằng thạch nam lá đỏ. Nếu nhìn kỹ sẽ thấy cánh cửa được khoá bằng một ổ khoá chắc chắn. Một cái ổ khóa han gỉ, bê bết phân chim và xem ra chẳng cái chìa nào có thể mở được nó nữa.
- Vậy thôi. Tôi muốn cô đến từ ngày kia, thứ Hai. Cô không phản đối chứ?
Bà ta cắt đứt câu chuyện ở đó, như thể để tôi khỏi có thời gian tọc mạch thêm những điều không nên biết. Và tôi đã trở thành người giúp việc ở nhà giáo sư như thế.
So với ngôi nhà chính khang trang, nhà ngang nom đơn sơ đến độ tồi tàn. Một căn nhà mái bằng chật chội, lạnh lẽo, gây cho người ta cái cảm giác như nó phải đứng đó một cách bất đắc dĩ và chẳng hề thú vị gì. Những lùm cây sum suê không tay người cắt tỉa mọc vô tội vạ xung quanh nó, chỉ xung quanh nó, như để khỏa lấp đi cái cảm giác kia. Hiên nhà cớm nắng, cái chuông gọi cửa không còn phát ra tiếng kêu vì bị vỡ.
- Cô đi giày cỡ số mấy?
Khi tôi tự giới thiệu là người giúp việc mới, câu đầu tiên giáo sư hỏi tôi không phải là tên tuổi mà là cỡ giày. Không một lời chào, không một cái cúi đầu. Đối với người giúp việc, phải trả lời tất cả các câu hỏi của chủ nhà là nguyên tắc bất di bất dịch, vậy nên tôi đáp:
- Cỡ 24, thưa giáo sư.
- Ồ, một con số thật là hào hoa. Giao thừa của 4.
Giáo sư khoanh tay, khép mắt. Sự im lặng kéo dài một lúc.
- Giai thừa là gì ạ?
Tôi hỏi. Không biết tại sao nữa, nhưng tôi muốn đưa đẩy thêm câu chuyện vì cho rằng cỡ giày có một ý nghĩa sâu xa nào đó đối với vị chủ nhà này.
- Đem nhân tất cả các số tự nhiên từ 1 đến 4 với nhau thì sẽ ra 24.
Giáo sư trả lời trong khi vẫn nhắm mắt.
- Thế số điện thoại nhà cô là bao nhiêu?
- 5761455 ạ.
- 5761455? Còn gì tuyệt hơn nữa chứ. Nó bằng đúng số lượng số nguyên tố tồn tại tính cho đến một trăm triệu.
Giáo sư gật đầu, vẻ như vô cùng thán phục.
Cho dù không hiểu được số điện thoại nhà mình tuyệt vời ở chỗ nào nhưng tôi cảm nhận được sự ấm áp trong ngữ điệu của ông. ở đó, tôi cảm thấy sự chừng mực và ngay thẳng, chứ không phải cái lối phô bày kiến thức. Sự ấm áp ấy đã khiến tôi rơi vào một ảo giáo rằng hay là đã có một số bộ phận đặc biệt nào đó ẩn chứa trong số điện thoại nhà tôi, và vì sở hữu nó nên tôi cũng mang một số phận đặc biệt?
Ít lâu sau khi đến làm việc ở nhà giáo sư, tôi nhận ra ông có một thói quen là bao giờ cũng mượn đến những con số thay cho từ ngữ mỗi lần lúng túng không biết nói gì. Đó là cách giao tiếp riêng của ông. Những con số giống như bàn tay phải ông đưa ra cho người đối diện bắt, cũng đồng thời là tấm áo khoác bảo vệ ông. Một tấm áo khoác dày và nặng tới nỗi chỉ chạm vào bên ngoài thì sẽ chẳng thể thấy được các đường nét cơ thể ông, và lột nó ra là việc bất khả kháng với mọi người. Nó là chỗ náu mình của ông.
Những cuộc trò chuyện về số má ở trước hiên nhà vào mỗi buổi sáng cứ lặp đi lặp lại cho tới khi tôi không còn làm người giúp việc nữa. Đối với giáo sư, một người mà trí nhớ sẽ bị xóa nhà sau tám mươi phút, tôi luôn là người giúp việc mới tinh, lần đầu tiên xuất hiện nơi ngưỡng cửa. Và vì thế mà lần nào giáo sư cũng đối đãi với tôi khách sáo như lần đầu.
Có một việc mà giáo sư không bao giờ bỏ sót mỗi bận hỏi về các con số, ấy là trao cho chúng tôi một ý nghĩa nào đấy, dẫu là cỡ giày, số điện thoại, hay mã bưu cục, số đăng ký xe đạp, số nét chữ của tên tôi. Trông ông chẳng có cái vẻ gì là đang cố sức đi tìm chúng, vậy mà giai thừa với số nguyên tố cứ tự nhiên tuôn ra từ miệng ông.
Ngay cả đã nhiều lần được giáo sư giảng giải về nguyên lý của giai thừa và số nguyên tố, tôi vẫn cảm thấy thích thú với những câu hỏi đáp trước hiên nhà cùng ông, bằng một tâm trạng luôn luôn mới mẻ. Tôi sẽ xác nhận lại cái sự thật rằng, ngoài mục đích liên lạc, số điện thoại nhà tôi còn có một ý nghĩa khác, sau đó lắng tai nghe âm hưởng của ý nghĩa ấy vang lên một cách rõ ràng, rồi mới yên tâm bắt tay vào công việc của một ngày.
Giáo sư năm nay sáu mươi tư tuổi, vốn là một tiến sĩ giảng dạy về lý thuyết số ở trường đại học. Nhìn vẻ bề ngoài, giáo sư tiều tụy hơn cái tuổi của mình nhiều. Không chỉ già nua, ông còn gây cho người ta cái cảm giác tuồng như các chất dinh dưỡng không thể đến được mọi ngóc ngách trong cơ thể. Tấm lưng còng xuống khiến thân hình chỉ cao vỏn vẹn 1m60 của ông nom càng nhỏ bé, ghét bờ lên giữa những nếp nhăn trên da cổ dưới cái xương hàm gầy guộc, mái tóc bạc xơ xác đâm ra tứ phía vô tình che mất nửa đôi tai phúc tướng. Giọng ông yếu ớt, mọi động tác đều chậm chạp, để làm bất cứ việc gì, ông thường mất gấp đôi thời gian tôi dự tính.
Nhưng nếu đừng để vẻ tiều tụy ấy lung lạc và quan sát thật kỹ, người ta sẽ thấy đó là một gương mặt điển trai. Ít ra thì vẫn còn những nét gợi người ta nghĩ rằng ông ấy hẳn từng là một anh chàng điển trai. Cái cằm thon nhọn và những đường nét như tạc ấy vẫn còn rất quyến rũ.
Giống như một thói quen không có ngoại lệ, ngày nào giáo sư cũng bận com lê và thắt cà vạt, bất kể là lúc ở nhà, hay những lúc hiếm hoi ông đi ra ngoài. Tất cả những gì có trong tủ quần áo của ông là ba bộ com lê, một bộ mùa đông, một bộ mùa hè và một bộ dùng chung cho mùa xuân và mùa thu, cùng với ba chiếc cà vạt, sáu tấm sơ mi và một chiếc áo khoác dạ (một chiếc áo khoác thật sự chứ không phải làm bằng những con số). Ông chẳng có lấy một manh áo len hay một chiếc quần vài sợi bông. Đó là một cái tủ quần áo dễ xếp gọn mà người giúp việc nào cũng thích.
Có khi giáo sư chẳng biết đến những thứ trang phục nào khác ngoài com lê trên cõi đời này cũng nên. Và chắc hẳn là ông không quan tâm tới việc người khác ăn mặc ra sao, cũng như chẳng muốn lãng phí thời gian vào việc chăm sóc cho cái vẻ bề ngoài của mình. Sáng dậy, ông mở cửa tủ quần áo, chọn mặc một bộ com lê không đựng trong chiếc túi ni lông dùng để đồ mới giặt. Đối với ông chỉ thế thôi là đủ. Ba bộ com lê ấy với gam màu tối cùng cái cảm giác sờn cũ do mặc lâu ngày, thật hợp với hình ảnh con người ông, thậm chí như đã biến thành một phần da thịt ông.
Tuy nhiên, nếu nói về quần áo của ông, điều khiến tôi khó xử nhất là vô số những mẩu giấy nhớ được đính khắp nơi bằng kẹp ghim trên bộ com lê. Chúng xuất hiện ở bất cứ chỗ nào mà giáo sư có thể nghĩ ra: cổ áo, măng sét, túi, gấu áo, cạp quần, lỗ khuy… chỉ vì những cái ghim mà lần vải của mấy bộ com lê trở nên dúm dó, xộc xệch. Trong số những mẩu giấy đầy chữ ấy, nhiều mảnh được xé bằng tay, nhiều mảnh đã ố vàng và sắp rách. Tôi phải đưa chúng lại sát mắt mới đọc được những gì ghi trên đó. Tôi đoán rằng, để bù trù cho cái trí nhớ tám mươi phút, ông đã viết lên giấy tất cả những thứ không được phép quên, và để khỏi quên mất là đã cất chúng ở đâu, ông đính chúng lên khắp người mình. Nhưng, chấp nhận cái bộ dạng ấy của giáo sư như thế nào quả thực là một bài toán khó. Khó hơn hẳn với việc trả lời cỡ giày.
- Mà thôi, cô vào nhà đi cái đã. Tôi còn phải bận việc nên không tiếp chuyện cô được đâu, cô cứ làm những gì cần làm.
Nói rồi giáo sư mời tôi vào, và cứ thế đi luôn sang thư phòng. Mỗi lần giáo sư chuyển động, những mảnh giấy lại cọ vào nhau phát ra tiếng kêu sột soạt.
Bà lão ở ngôi nhà chính là một người góa phụ, và người chồng quá cố của bà với giáo sư hình như là anh em ruột. Cha mẹ giáo sư mất sớm. Người anh trai hơn ông một con giáp đã phải vật lộn để mở rộng xưởng dệt của cha mẹ mới hòng có tiền chu cấp cho ông tiếp tục theo đuổi môn toán ở trường đại học Cambridge nước Anh. Nhưng đúng vào lúc mà sau bao khốn khó ông mới có thể tự lập, tức là được nhận vào làm việc tại viện nghiên cứu toán học của một trường đại học với tấm bằng tiến sĩ (một tiến sĩ đích thực) trong tay thì anh trai ông qua đời vì viêm gan cấp tính. Không có con, bà chị dâu bèn dẹp bỏ xưởng dệt, xây một toà chung cư trên nền đất cũ và sống bằng tiền cho thuê nhà. Thế rồi một tai nạn giao thông năm ông bốn mươi bảy tuổi đã làm thay đổi hoàn toàn cuộc sống bình yên của tất cả mọi người. Chiếc ô tô chạy ngược chiều do lái xe ngủ gật đã đâm thẳng vào xe ông gây ra một tổn thương không thể phục hồi ở não bộ. Hậu quả là ông mất việc. Kể từ bấy đến nay, khi ông đã bước sang tuổi sáu mươi tư, ông chẳng có nguồn thu nhập nào khác ngoài số tiền thưởng nhỏ nhoi nhận được từ việc giải các bài toán trên tạp chí toán học. Ông không lập gia đình, chỉ sống dựa vào nguồn trợ cấp của bà chị dâu góa bụa. Những chuyện này tôi cóp nhặt được từ chín người giúp việc bị sa thải trước đó.
- Kể cũng tội cho cái bà góa ấy, có tay em chồng dở người ăn bám, phá tan hoang cả chỗ vốn liếng ông chồng để lại.
Một chị giúp việc lâu năm xúc động bình phẩm. Chị này bị đuổi việc sau đúng một tuần vì phản ứng dữ dội trước cái trận đồ số má của giáo sư.
Quả thật bên trong căn nhà ngang cũng lạnh lẽo y như cái vẻ bề ngoài của nó. Tuy chỉ có hai phòng là bếp ăn và phòng đọc kiêm luôn phòng ngủ, song cái cảm giác buồn tẻ đã lấn át cả sự chật chội. Đồ gỗ trong nhà thứ gì cũng xoàng xĩnh, giấy dán tường nhăn húm, gỗ lát sàn hành lang kêu cọt kẹt đến rợn người. Không chỉ có quả chuông gọi cửa, mà tất tần tật mọi thứ đều đã hỏng hoặc sắp hỏng. Ô kính nhỏ trong nhà vệ sinh nứt nẻ, nắm đấm cửa bếp đã long ra quá nửa, chiếc máy thu thanh để trên tủ bếp vặn thế nào cũng chẳng chịu kêu.
Hai tuần đầu tiên toàn chuyện rắc rối, khiến tôi mệt phờ. Lao động nặng nhọc thì không phải, thế mà cơ bắp cứ rã rời ra, mình mẩy nặng trịch. Tôi biết, chỗ làm nào cũng vậy cả thôi, phải rất vất vả mới mong bắt nhịp được công việc, nhưng với giáo sư thì chuyện này đặc biệt khủng khiếp. Thông thường, trong lúc nhà chủ đòi tôi phải làm cái này, cấm tôi không được làm cái kia, tự nhiên tôi sẽ hiểu ra tính cách của họ. Tôi sẽ biết phải phân phối sự tập trung thế nào, nên tránh chuyện rắc rối ra sao và thuộc lòng các kiểu yêu cầu trong công việc. Nhưng giáo sư thì chẳng ra lệnh gì cả. Ông lờ tôi đi, cứ như thể mong muốn duy nhất của ông là tôi đừng có làm gì hết.
Tôi tự nhủ rằng chỉ việc làm đúng theo yêu cầu của bà quả phụ sống trên ngôi nhà chính, bằng cách trước tiên phải nấu bữa trưa. Đương nhiên tôi kiểm tra tủ lạnh, ngó qua các ngăn tủ bếp, nhưng chẳng tìm thấy món gì khả dĩ có thể cho vào miệng được, ngoại trừ một hộp bột yến mạch đã bị ẩm và một gói macaroni hết hạn từ bốn năm trước.
Tôi gõ cửa phòng đọc sách. Không có tiếng trả lời, tôi gõ thêm lần nữa. Vẫn không trả lời. Tôi đẩy cửa vào, dù biết như thế là không phải phép, và cất tiếng gọi giáo sư từ phía sau.
- Xin lỗi giáo sư!
Tấm lưng ấy không hề có lấy một cử động nhỏ. Có thể giáo sư bị nghễnh ngãng, hoặc đang dùng nút tai, đoán vậy, tôi tiến lại gần.
- Bữa trưa nay, giáo sư muốn dùng gì ạ? Nếu có món gì giáo sư thích ăn, hay không hợp khẩu vị, hoặc là khiến giáo sư dị ứng thì xin cho tôi biết. Thưa giáo sư…
Thư phòng dậy lên mùi giấy. Chắc tại gió không thông nên mùi còn đọng lại năng hơn nơi các góc phòng. Ô cửa sổ bị che mất một nửa bởi cái kệ sách. Đây đó, những cuốn sách không còn chỗ trên giá chất hàng chồng như núi. Tấm đệm trên chiếc giường kê sát vách đã sờn rách. Độc một cuốn vở viết trên bàn, không có máy vi tính, thậm chí còn không có cả một cây bút trên tay, giáo sư chỉ chăm chú nhìn vào một điểm trước mặt.
- Nếu giáo sư không có yêu cầu đặc biệt gì thì tôi xin phép được tự mình chuẩn bị cơm trưa. Xin giáo sư đừng ngại nói với tôi bất cứ điều gì.
Có mấy mẩu giấy nhớ đính trên người ông lọt vào mắt tôi: … thất bại của phương pháp giải tích là…, …Hilbert, vấn đề số 13…, giải phương trình đường cong ellip… nằm lẫn giữa những con số, những ký hiệu, những ngôn từ rời rạc không rõ nghĩa là một mẩu giấy mà tôi có thể đọc được. Tôi biết rằng nó đã ở đó từ rất lâu rồi nhờ vào nhiều vết ố, bốn cái góc quăn tít và chiếc ghim cài han gỉ.
"Trí nhớ của mình chỉ duy trì được 80 phút."
Trên đó viết như vậy.
- Chả có gì đáng nói với cô sất.
Bất đồ, giáo sư quay người lại, quát lớn.
- Tôi đang suy nghĩ. Đang suy nghĩ mà có kẻ quấy rầy thì còn nghẹn hơn cả bị bóp cổ đấy, thưa cô. Tự tiện xông vào phòng giữa lúc tôi đang tâm tình với mấy con số, như thế còn bất lịch sự hơn cả xem trộm người ta đi vệ sinh nữa kìa!
Tôi cúi gằm mặt. Rối rít xin lỗi, nhưng lời nói của tôi không đến được tai ông. Giáo sư quay trở về với cái điểm trước mặt mình.
Ngày thứ nhất, chưa làm gì đã bị mắng té tát, tôi thấy tổn thương ghê gớm. Tôi không muốn mình trở thành ngôi sao thứ mười. Tôi phải khắc cốt ghi tâm điều này: không được quấy rầy ông ấy lúc ông ấy đang "suy nghĩ" cho dù có bất cứ chuyện gì.
Nhưng, giáo sư suy nghĩ suốt cả ngày. Thỉnh thoảng giáo sư cũng có rời phòng đọc sách, song ngay cả khi ngồi vào bàn ăn, rồi khi súc miệng bên bồn rửa mặt, hay khi tập những động tác thể dục kỳ quặc cho người đỡ mỏi, ông vẫn không ngừng suy nghĩ. Ông máy móc đưa thức ăn có trước mặt mình lên miệng, nuốt chửng chứ không nhai, sau đó thì rời khỏi chỗ với những bước chân nhẹ bẫng như đi trên mây. Có những việc không biết mà tôi không dám hỏi ông, như là xô để ở đâu, phải dùng bình đun nước tắm như thế nào. Tôi phải rất chú ý để đừng gây ra những tiếng động không cần thiết, thậm chí còn không dám thở, tôi vừa quay như chong chóng trong một ngôi nhà lạ vừa chờ đợi cái chốc lát đầu óc giáo sư tạm ngừng suy nghĩ.
Đó là một ngày thứ Sáu khi mà hai tuần lễ sắp trôi qua. Sáu giờ tối, giáo sư ngồi vào bàn ăn với dáng vẻ như thường lệ. Giáo sư thường ăn trong trạng thái hầu như vô thức, tôi thấy các thức ăn phải gỡ xương hoặc bóc vỏ không hợp với ông lắm, vì vậy mà tôi chuyên làm món súp hầm kem, để vừa có chất rau lại vừa có chất đạm trong cùng một đĩa súp.
Có lẽ mất cha mẹ từ bé, nên nề nếp ăn uống của ông thật khó ưa. Tôi chưa nghe thấy ông mời cơm bao giờ, miếng nào cũng đánh vãi, thỉnh thoảng lại vo viên chiếc khăn lau đã dây bẩn lên chùi lỗ tai. Ông không bao giờ phàn nàn về món tôi nấu, nhưng cũng chẳng khi nào tỏ ra là muốn trò chuyện với tôi đang đừng chờ bên cạnh.
Bất giác, tôi phát hiện ra trên gấu tay áo ông một mẩu giấy mới tinh hôm qua vẫn còn chưa thấy. Nó gần như chấm vào đĩa súp mỗi lần ông đưa thìa xuống múc.
"Cô giúp việc mới."
Những con chữ nhỏ nhoi, yếu ớt. Mặt sau mẩu giấy là hình vẽ khuôn mặt một phụ nữ. Tóc ngắn, má bầu bĩnh, bên rìa mép có một nốt ruồi, tuy nguệch ngoạc như tranh vẽ của trẻ con mẫu giáo, nhưng tôi vẫn ngay lập tức nhận ra khuôn mặt mình.
Giáo sư xì xụp húp nước. Giữa âm thanh ấy, tôi hình dung thấy ông đang hối hả tranh thủ khoảng thời gian trí nhớ vẫn còn hoạt động để vẽ tôi lên giấy sau khi tôi đã ra về. Mẩu giấy ấy chính là bằng chứng nói lên rằng, vì tôi mà đã từng có lúc giáo sư dừng cái chuỗi thời gian suy nghĩ quý báu của mình lại.
- Giáo sư dùng thêm chứ ạ? Bữa nay tôi nấu nhiều, giáo sư ăn bao nhiêu cũng được.
Tôi hỏi một cách thân mật mà không hề giữ ý. Đáp lại tôi không phải câu trả lời, mà là một tiếng ợ. Không thèm liếc sang tôi lấy một cái, giáo sư khuất đang vào thư phòng. Trên đĩa súp, chỉ còn sót lại những mẩu cà rốt.
Thứ Hai, sang một tuần mới, tôi lại tự giới thiệu mình như thường lệ, sau đó chỉ vào mẩu giấy nơi gấu tay áo giáo sư. Hết nhìn bức chân dung rồi nhìn tôi, giáo sư im lặng một lát đặng nhớ ra ý nghĩa của nó. Chốc sau, ông vừa gật gù vừa lẩm bẩm điều gì đó, đoạn lại hỏi tôi cỡ gày và số điện thoại.
Song, ngay lập tức tôi cảm thấy có cái gì đó khang khác trong cách cư xử của ông so với quãng thời gian trước đó. Chẳng là vì giáo sư có đưa tôi xem một tập giấy nhằng nhịt những công thức toán rồi nhờ tôi gửi cho tạp chí "JOURNAL of MATHEMATICS" bằng đường bưu điện.
- Phiền cô một chút…
Ai có thể tưởng tượng ra một cử chỉ nhã nhặn đến thế nếu đã từng nghe thấy cái giọng sa sả của giáo sư ở trong thư phòng. Đó là yêu cầu đầu tiên của ông đối với tôi. Như thế là đầu óc giáo sư đang không "suy nghĩ".
- Vâng, việc này đơn giản thôi ạ.
Để tránh sai sót, tôi cẩn thận chép từng chữ la tinh một lên phong bì, mặc dù không biết phải đánh vần ra sao, sau đó đề: "Kính gửi: Ban toán dự thưởng" rồi hớn hở chạy ra bưu điện.
Khi không suy nghĩ, giáo sư thường ngả người rất lâu trên chiếc ghế bành kê bên bậu cửa sổ phòng ăn, nhờ vậy mà tôi có thể quét dọn được phòng đọc sách. Tôi mở toang cửa sổ, mang chăn gối ra ngoài vườn phơi, bật cho máy hút bụi chạy hết cỡ. Tuy bừa bãi, nhưng căn phòng không hề gây cảm giác khó chịu. Tôi cũng chẳng mấy giật mình trước những que kẹo mút và xương gà rán mốc xanh lòi ra từ giữa những chồng sách ngổn ngang sau khi đã hút đi cả đống tóc rụng dưới gầm bàn bằng máy hút bụi.
Chắc là vì đã từng có một sự tĩnh mịch nào đó tôi chưa bao giờ nếm trải. Nó không đơn thuần là sự thiếu vắng âm thanh. Sự tĩnh lặng ấy lấp đầy tâm hồn giáo sư mỗi khi ông ngao du trong từng khu rừng số học, tích tụ, hết lớp này đến lớp khác và chẳng một sợi tóc rụng hay một loại mốc meo nào đó có thể xâm phạm được. Đó là sự tĩnh lặng trong suốt, như mặt nước hồ ẩn mình nơi rừng thẳm.
Mặc dù không gây cảm giác khó chịu, song nếu được hỏi với tư cách một người giúp việc rằng căn phòng ấy có đáng chú ý hay không thì tôi bắt buộc phải lắc đầu. Tôi chẳng tìm thấy bất cứ thứ gì khả dĩ có thể khơi gợi trí tưởng tượng, hay đem lại chút thú vui nhỏ nhặt cho một người giúp việc, ví như dăm ba đồ vật con con ngộ nghĩnh kể về tiểu sử của gia chủ, vài ba bức hình đầy bí ẩn, hoặc đôi ba thứ đồ trang trí khiến người ta phải nén tiếng thở dài.
Tôi phủi bụi trên kệ sách. "Lý thuyết nhóm", "Lý thuyết số đại số", "Khảo cứu lý thuyết số",… Chevalley, Hamilton, Turing, Hardy, Baker(1)… Thật lạ là nhiều sách như thế nhưng chẳng có cuốn nào khiến tôi cảm thấy muốn đọc. Một nửa trong số chúng bằng tiếng nước ngoài, tôi thậm chí còn không đọc được gáy sách viết gì. Trên bàn, vở chất ngồn ngộn, vài ba cây bút chì 4B mòn vẹt cùng ít ghim kẹp nằm vương vãi. Thật là tan khoang, tới nỗi chẳng ai dám nghĩ cái bàn ấy lại là nơi lao động trí óc. Duy chỉ có đám bụi tẩy ít ỏi là còn chứng minh được rằng, ít ra thì cho đến hôm qua giáo sư vẫn làm việc.
1. Nhà toán học người Pháp Claude Chevally (1909- 1984); nhà toán học người Ireland William Rowan Hamilton (1805- 1865); cha đẻ của ngành khoa học điện toán hiện đại, nhà toán học người Anh Alan Mathison Turing (1912 - 1954); nhà toán học người Anh Godfrey Harold Hardy (1877- 1947); nhà toán học người Anh Alan Baker (1939) - là những người có công rất lớn trong việc phát triển bộ môn lý thuyết số.
Nhà toán học gì mà không có lấy một cây com pa đắt tiền hay một chiếc thước kẻ với nhiều chi tiết phức tạp hiếm khi thấy bán trong các tiệm văn phòng phẩm thông thường? Vừa nghĩ tôi vừa phủi bụi tẩy, sắp xếp lại chồng vở, thu gọn mớ ghim kẹp vào một chỗ. Chiếc ghế bọc vải bạt lõm xuống thành hình cái mông.
- Sinh nhật cô là ngày nào?
Hôm đó, sau bữa cơm chiều, giáo sư không đi ngay sang thư phòng mà ở lại bắt chuyện với tôi trong lúc tôi đang dọn dẹp.
- Ngày hai mươi tháng Hai ạ.
- Ồ….
Giáo sư chỉ bỏ lại cà rốt trong đĩa khoai tây trộn. Tôi bưng bát đũa đi, lau bàn. Kể cả lúc không suy nghĩ, giáo sư cũng vẫn ăn vãi và làm bẩn bàn. Sang xuân đã lâu, ấy thế mà vừa xế chiều trời đã liền trở lạnh. Chiếc lò sưởi đốt bằng dầu hỏa cháy đỏ trong góc phòng.
- Ngày nào giáo sư cũng viết bài luận cho tạp chí ạ?
Tôi hỏi.
- Không phải bài luận. Tôi chỉ giải mấy đề toán có thưởng trên tạp chí của dân mê toán học nghiệp dư cho vui thôi. May mắn thì nhận tiền thưởng. Tiền thưởng ấy là của những người giàu có yêu toán học đóng góp.
Giáo sư đưa tay kiểm tra khắp người, rồi thả ánh mắt xuống mẩu giấy kẹp trên miệng túi trái. "À… Hình như hôm nay mình đã gửi bài giải cho "JOURNAL of MATHEMATICS" số 37… Đúng rồi. Tốt, tốt.
Có còn sớm thì cũng đã hơn tám mươi phút trôi qua kể từ lúc tôi đi ra bưu điện vào buổi sáng.
- Thôi chết! Tôi xin lỗi. Tôi quên mất không gửi bằng chuyển phát nhanh. Không đến đầu tiên thì nhỡ mất giải thưởng.
- Không cần. Tất nhiên, đến được sớm nhất là cái tốt, nhưng nếu chứng minh không đẹp thì cũng hỏng ăn.
- Chứng minh mà cũng phân biệt đẹp với không đẹp cơ ạ?
- Đúng thế.
Giáo sư đứng dậy, đi đến chỗ tôi đang rửa bát, nhòm vào mặt tôi rồi cả quyết.
- Một bài chứng minh đích thực phải vừa chặt chẽ vừa linh hoạt. Hai cái đó không được mâu thuẫn và phải hoà hợp với nhau. Có vô khối cách chứng minh rối rắm, lem nhem, tuy không sai nhưng khiến người ta bực mình. Cô hiểu chứ? Không ai giải thích nổi vẻ đẹp của các vì sao, và toán học cũng vậy, để thể hiện được vẻ đẹp của nó không hề dễ chút nào.
Chả mấy khi giáo sư trò chuyện nhiều đến thế nên tôi dừng tay rửa bát và gật đầu để khỏi làm ông mất hứng.
- Sinh nhật của cô là ngày hai mươi tháng Hai. 220(2), thật là một con số yêu kiều. Tôi muốn cô xem cái này. Đây là phần thưởng mà ông hiệu trưởng trao cho bài luận văn về lý thuyết số siêu việt của tôi hồi còn học ở trường…
2. Trong tiếng Nhật, người ta nói tháng trước rồi đến ngày sau, vì thế mới thành con số 220.
Giáo sư tháo chiếc đồng hồ đang đeo trên tay, đưa lại gần mắt tôi để tôi nhìn cho rõ. Đó là một chiếc đồng hồ ngoại quốc sang trọng, nhưng chẳng ăn nhập gì với gu thời trang của ông cả.
- Chà, phần thưởng của giáo sư tuyệt quá nhỉ.
- Chuyện đó ta không nói đến. Cô có đọc được những chữ số khắc trên đó không?
Mặt sau đồng hồ có dòng chữ: "Giải thưởng Hiệu trưởng số 284".
- Giáo sư là người thứ 284 được nhận phần thưởng này phải không ạ?
- Có lẽ là vậy. Nhưng tôi muốn nói về con số 284. Thôi, bây giờ không phải lúc rửa bát. Ra đây xem xét con số 220 và 284 cái đã.
Giáo sư kéo tạp dề bắt tôi ngồi xuống bàn ăn, tiếp đó lôi từ trong túi áo com lê ra một cây bút chì đã mòn vẹt và viết hai con số ấy lên mặt sau của một tờ gấp quảng cáo.
220
284
Chẳng hiểu sao chúng lại nằm hơi cách xa nhau.
- Cô nghĩ sao?
Vừa lau bàn tay ướt vào tạp dề tôi vừa cảm thấy một tình thế khó khăn đang mở ra trước mắt. Tuy rằng giáo sư đang phấn chấn và tôi không muốn đáp lại sự kỳ vọng ấy, nhưng tôi làm sao nghĩ ra được thứ đáp án có thể làm vui lòng một nhà toán học kia chứ. Nó chẳng qua chỉ là con số thôi mà.
- Dạ, nghĩa là…
Tôi ấp úng.
- Cả hai con số đều có ba chữ số… thế và, biết nói thế nào nhỉ… có cái gì đó na ná nhau. Nghĩa là số này chẳng khác số kia là mấy. Ví dụ như đối với tôi, gói thịt xay 220 gram hay gói 284 gram trên quầy hàng tươi sống trong siêu thị đều như nhau cả, vì thế tôi sẽ chọn mua đằng nào có ngày xuất xưởng mới hơn. Hai con số này, thoạt nhìn thì đều có điểm chung. Hàng trăm giống nhau này, thế rồi các hàng chục, hàng đơn vị đều là số chẵn này.
- Quan sát tinh tế lắm.
Giáo sư vừa vẫy vẫy chiếc dây da đồng hồ vừa ra sức khen ngợi tôi, thành thử làm tôi bối rối.
- Trực giác rất quan trọng. Phải tóm lấy các con số bằng trực giác, giống như loài bói cá bổ nhào xuống mặt sông trong cái tích tắc phát hiện ra vây lưng của con cá lóe lên dưới nước.
Giáo sư kéo xích ghế, đưa mắt lại gần hai con số hơn. Giáo sư cũng có mùi giấy giống y như thư phòng.
- Cô biết ước số chứ?
- Vâng, tôi không chắc lắm nhưng hình như ngày xưa tôi có được học…
- 220 chia hết cho 1. Cũng lại chia hết cho 220. Không bị dư ra tẹo nào. Vì thế mà 1 và 220 là ước số của 220. Bất kỳ số tự nhiên nào cũng có ước số là 1 và chính nó. Theo cô thì nó còn chia hết cho những số nào nữa?
- 2 này, 10 này…
- Phải rồi. Ai bảo là cô không biết nào. Tiếp tục, ta thử liệt kê các ước số của 220 và 284 ra nhé, ngoại trừ chính nó. Ta được như thế này.
220: 1 2 4 5 10 11 20 22 44 55 110
142 71 4 2 1:284
Các con số của giáo sư viết ra đều tròn trịa, và hơi nghiêng. Xung quanh chúng, lả tả những đám bột than bở ra từ cái ruột bút chì loại mềm.
- Giáo sư tìm ra tất cả các ước số ấy bằng cách tính nhẩm hay sao?
- Tôi không tính từng con số một, mà tìm ra chúng bằng cái trực giác giống như cô đã dùng ấy. Thế nhé, ta chuyển sang bước tiếp theo.
Giáo sư thêm vào những ký hiệu.
220: 1 + 2 + 4 + 5 + 10 + 11 + 20 + 22 + 44 + 55 + 110 =
= 142 + 71 + 4 + 2 + 1:284
- Cô cộng đi nào. Chậm thôi cũng được.
Giáo sư đưa bút chì cho tôi. Tôi viết các phép tính vào phần còn trống của tờ gấp quảng cáo. Cái ngữ điệu tràn đầy dự cảm và vẻ dịu dàng của ông giúp tôi không rơi vào tâm trạng của một kẻ đang dự cuộc sát hạch. Ngược lại, tôi đã thoát ra khỏi các tình thế khó xử lúc nãy và cảm thấy trong mình một sứ mệnh, như thể tôi mới chính là người sẽ đem đến một câu trả lời chính xác.
Tôi soát đi soát lại ba lần xem có sai sót gì không. Tự bao giờ, nắng đã tắt, màn đêm bắt đầu buông xuống. Thỉnh thoảng, có tiếng của vài giọt nước rỏ xuống từ đống bát đĩa chưa kịp rửa xong. Giáo sư đứng bên cạnh nhìn tôi chăm chú.
- Xong rồi, giáo sư ạ.
220: 1 + 2 + 4 + 5 + 10 + 11 + 20 + 22 + 44 + 55 + 110 = 284
220 = 142 + 71 + 4 + 2 + 1:284
- Hoàn toàn chính xác. Cô thấy chưa, chúng là một dãy số tuyệt vời, đúng không nào? Tổng các ước số của 220 bằng 284. Và tổng các ước số của 284 bằng 220. Cặp số của tình bạn. Một cặp số cực kì hi hữu. Ngay cả Fermat cà Descartes(3), mỗi ông cũng chỉ tìm ra được một cặp số như thế thôi. Chúng được ràng buộc với nhau bởi một sợi dây mà Thượng đế đã an bài. Cô không thấy đẹp sao? Ngày sinh nhật của cô với con số khắc trên chiếc đồng hồ của tôi, chúng gắn bó với nhau bằng một chuỗi số kỳ diệu nhường này.
3. Nhà toán học người Pháp Pierre de Fermat (1601- 1665), cha đẻ của bộ môn lý thuyết số hiện đại, rất nổi tiếng với định lý lớn Fermat (xn + yn= zn); và triết gia, nhà toán học người Pháp Réne Descartes (1596- 1650) với câu nói đã trở thành một mệnh đề bất hủ trong lịch sử triết học: "Tôi tư duy nên tôi tồn tại" (Je pense, donc je suis).
Chúng tôi nhìn mãi xuống cái mảnh giấy chỉ là một tờ gấp quảng cáo. Những con số của giáo sư, và những con số của tôi biến thành một dòng chảy uốn lượn không ngừng, giống như đang kết nối những vì tinh tú lấp lánh để vẽ nên các chòm sao giữa khoảng trời đêm. Chúng tôi cứ mải miết đưa mắt đuổi theo cảnh tượng ấy.
Giáo Sư Và Công Thức Toán Giáo Sư Và Công Thức Toán - Yoko Ogawa Giáo Sư Và Công Thức Toán