Love gives light even in the darkest tunnel.

Anonymous

 
 
 
 
 
Tác giả: Ma Văn Kháng
Thể loại: Tuổi Học Trò
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 19
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 164 / 24
Cập nhật: 2020-06-05 02:27:43 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 2 - Chén Rượu Đầu
hời gian là thánh vật kỳ ảo. Lại cũng chẳng là gì đáng kể với vùng Mèo. Vùng Mèo xa xăm lúc này vẫn từa tựa thủa mới khai thiên, thủa cách đây năm vạn năm. Thưở ấy ông Chày bà Chày mới mở ra trời, mới lập nên đất. Đất rộng quá, chẳng biết cách nào đo, phải nhờ nhái bén. Nhái bén nhẩy đi nhẩy lại, nói: Tôi chỉ đo nổi vũng trâu đầm thôi. Trời rộng quá, chẳng biết cách nào đo, phải nhờ đàn ngỗng trời đo. Đàn ngỗng trời đi tránh rét từ phương nam về kêu: Trời rộng quá, hai cánh mỏi rồi, không đo nổi đâu!
Lúc ấy trời đất còn hỗn mang. Chưa có gì là hiện diện, nhưng cũng không hẳn là trống rỗng. Lúc ấy âm và dương ở lẫn với nhau. Núi còn bay như mây, bởi đất còn chưa vững. Loài người và loài ma thường đổi thịt cho nhau. Chết và không chết chưa có gì khác biệt nhau lắm. Cũng chưa có sự cách bức giữa ngày và đêm. Chưa có hôm qua, chưa có hôm nay và ngày mai cũng chưa tách hẳn ra. Lúc ấy chỉ có một linh hồn duy nhất lang thang, bay lượn như huyền thoại giữa thời khuyết sử mịt mùng. Linh hồn ấy chỉ có một khát khao: đã là người thì phải hoàn chỉnh tròn đầy, vì người là giống cao quý nhất trong muôn loài, chỉ có người là loài biết đến cái chết của mình.
Cách mạng là cuộc phiêu tán lớn nhất của lịch sử. Hai mươi tuổi, Thiêm như hạt giống đã đến kỳ nẩy mầm gặp cơn gió lớn. Ông nội dạy, đến như cây cỏ hèn cũng phải nở hoa kết trái, nữa là con người. Hai mươi tuổi, Thiêm phải chịu trách nhiệm về gương mặt mình trước con mắt đồng loại. Hôm ấy là một ngày hè nắng đẹp. Sau một ngày một đêm dòng dã ngồi tầu hoả, xuống ga, Thiêm căng lồng ngực, cùng bạn bè mở to miệng hết cỡ, hát vang trên sân ga Phố Lu giữa núi rừng Tây Bắc: Vừng đông đã hửng sáng. Núi non xanh ngàn trùng xa, Tổ quốc bao la hiền hoà…
Phó bí thư huyện uỷ Xin Ma Chải tên là Đường Xuân Ân người thấp nhỏ, đầu nghênh nghênh, cổ vèo vẹo, ngật ngà ngật ngưỡng trên lưng con ngựa tía, nghe hết bài hát của đoàn giáo sinh sư phạm, khịt mũi, vung tay:
- Chào các chiến sĩ văn hoá nên khai sáng vùng rẻo cao huyện nhà! Các anh hát hay lắm. Nhưng, ca hát chẳng có ích gì đâu. Các anh hãy gắng theo kịp chúng tôi, lớp đàn anh đã khai sơn phá thạch, phát nau đuổi cọp dữ, để hôm nay có đất nước thanh bình cho các anh xây dựng. Tôi nói ngắn thế thôi. Còn bây giờ xin giới thiệu đồng chí Tráng Séo Tả, chủ tịch huyện, người Uní nói vài lời. Sau khi đồng chí Tả nói xong, tôi sẽ gọi tên từng đồng chí giáo viên. Ai đúng tên, thưa to. Cứ một giáo viên có mặt, sẽ có một hố pẩu, tức người đầu tộc, người già bản Mèo ra nhận, đưa về bản, coi như nhận người tôi giao cho, nhớ chưa?
Xếp hàng một trước sân ga, đối diện với Thiêm và các giáo viên trường Sư phạm Trung cấp mới tốt nghiệp, là các hố pẩu khăn áo xanh lè màu chàm, trịnh trọng và ngơ ngơ ngác ngác, chốc chốc lại lẹt đẹt tay vỗ mừng một giáo viên cất tiếng đáp: Có tôi rõ to, tách khỏi hàng ngũ, chạy ra.
Năm năm sau, hồi tưởng lại cảnh tưởng nọ, bên bếp lửa với Thiêm, hố pẩu Giàng Dìn Chin người Mèo xã La Pan Tẩn, xa nhất huyện, cao lưng trời, nói:
- Tôi nhớ, ông phó bí thư Đường Xuân Ân đầu nghênh, cổ vẹo, dáng kiêu ngạo như con gà trống, đoản hơi, nói đã giật cục lại ngọng. Ông chủ tịch huyện người Uní nói dài lời mà cạn ý. Thật nhục cho người Mèo tôi. Thời trước, tri châu đất này là Hoàng Vĩnh Kính người Tày. Châu đảng trưởng Quốc dân đảng ở đây là người Kinh. Người Mèo tôi đông nhất huyện này mà vẫn chỉ là cái kiềng, chảo nhỏ chảo to đặt lên đều được cả. Tôi nhớ thầy Thiêm lưng đeo ba lô, vai đeo túi sách lớn màu nâu, nghe xướng đến tên mình, điềm đạm bước ra. Ông phó bí thư có thói trịch thượng hất hàm vào cả tôi và thầy: “Này, hố pẩu họ Giàng! Đưa đồng chí giáo viên trẻ tuổi này về dạy chữ cho cả người nớn và trẻ con ở Na Pan Tẩn nhớ. Phải giữ, không được để đồng chí ấy trốn về xuôi đấy!” Thầy nghe nói vậy, mặt có ý không bằng lòng. Có đúng không?
Thiêm gật đầu:
- Trí nhớ hố pẩu còn tươi tốt lắm!
Hố pẩu tiếp:
- Tôi nhớ, tôi vừa nắm tay thầy, vân vi: “Thầy ơi, quê em xa xôi, tận đỉnh núi cao, đất lạnh, lúa chỉ trồng một vụ, dân còn đang dị mọ, chỉ ăn ngô cứng, sèo đắng, khổ lắm!” thầy đã ngắt lời: “Cụ đừng xưng em với người đáng tuổi con cụ.” Tôi đưa tay chùi mép, vừa sướng vừa thẹn, tiếp: “Người Mèo tôi bị thua các bộ tộc khác, bỏ miền quê tổ xuống đây, tìm được thẻo đất sinh được hạt bắp to khó như tìm chim hoạ mi trắng, cực chẳng đã, đành lên núi ở. Đất ở đây tiếng thế một nắm như một lạng mỡ. Ngặt cái không phải năm nào cũng hoa đăng hoà cốc. Trời già lắm khi độc địa, vin cớ này kia, có lúc bất ngờ sai binh cua tướng ốc ném đá xuống rầm rầm, tan tành hết cả lúa ngô, nhà cửa. Nhưng, thầy đừng lo đừng buồn. Dân tôi ngợm dại lắm, được rước thầy về làm dở sấu, là thoả lòng lắm rồi.” Nghe tôi nói đến đấy, thầy liền lắc tay tôi, hỏi giật: “Dở sấu nghĩa là thế nào?” Tôi đáp, tiếng Mèo dở sấu có nghĩa là ông tiên, ông thánh. Tức thì thầy rẫy nẩy người lên, kêu to: không phải, không phải thế đâu, tôi không là dở sấu, tôi là giáo viên thôi!
- Đúng là thế đấy!
- Tôi nhớ, thầy hai mươi tuổi, vóc cao như thằng Tếnh con trai tôi, nhưng đẹp đẽ, cao ráo, mắt sáng trưng, môi hồng tươi, mặt đầy như mâm bạc, cử chỉ ôn nhu, đúng con nhà gia giáo.
Thiêm lắc lắc đầu, mặt thẹn ưng ửng đỏ.
Trí nhớ của hố pẩu như mắt lưới giữ cá. Thiêm cũng vậy. Còn nhớ cả. Nhớ hết. Nhớ ông nội đi bộ mười bẩy cây số từ làng ra ga tầu hoả đưa tiễn. Ông nội vỗ vai cháu: “Đi, cháu Thiêm! Xưa rày mãnh sư, đại bàng chỉ một mình một bóng!” Thầy chủ nhiệm vốn người uỷ mị, thương học trò giỏi phải đi lập nghiệp nơi xa, ghi trong sổ lưu niệm những dòng rưng rưng: “Tuổi trẻ gặp sự thất vọng đầu tiên không phải là điều xấu đâu. Quan trọng hơn với con người là sự chối bỏ hư không. Em đi, phá vỡ thế vây hãm nhé. Cuộc đời nhiều khi bắt đầu ở bên kia sự thất vọng đó.” Hành trang mang theo còn có cái ba lô đựng hai bộ quần áo nâu tự may lấy, cùng cái túi sách nặng như cái cối đá lỗ trên vai. Thiêm nhớ, đón Thiêm, ngoài hố pẩu còn có hai người trai Mèo dắt hai con ngựa theo. Một người trai Mèo tên Tính chậm chạp hiền lành. Người thứ hai tên Tếnh, con trai hố pẩu, mặt lưỡi cầy, mắt xếch, ngực nở, vai rộng, mặt lầm lì hung tợn. Tính và Tếnh đỡ ba lô quần áo, túi đựng sách của Thiêm, đặt vào hai cái mã làn, cùng hầy một tiếng to, nhấc nạng thồ buộc mã làn lên lưng con ngựa trắng rồi dẫn đi. Hố pẩu dặn với theo: “Túi khôn của người đấy. Cẩn thận khi qua suối, leo đèo!” Rồi chỉ con ngựa xám, kính cẩn: mời thầy. Thiêm chắp tay cám ơn, xin đi bộ cùng ông già. Ba ngày liền, cứ đều đặn trời sáng đi, trời tối vào bản nghỉ. Lạ cái, vào bản nào nghỉ, cơm nước giường chiếu ở đó đều đã sẵn sàng. Hố pẩu cười: “Đi từ đây sang Lào cũng thế thôi. Cứ vào bản, tìm đến nhà họ Giàng Dìn là mọi việc chu tất. Không cần hẹn trước!” Để ý mới biết: khách chủ nhận ra huyết thống gần gụi không qua lời nói. Cách xếp sắp bàn thờ, cung cách khấn vái, bưng bát nâng chén, lời mời chào là những chỉ hiệu quan trọng để nhận ra nhau. Đi hết một ngày, đường càng lúc càng vắng, càng như lạc vào xứ lạ. Xứ lạ này chim rạn người. Xứ lạ này trâu thấy người mặc áo trắng, tưởng con vật lạ, xông tới giương sừng đòi tỉ thí. Sớm ngày thứ tư, leo một con dốc ngửa ngực, đứt hơi, tới một mặt bằng rộng toàn đá chất chồng, hố pẩu cởi khăn, lau mặt, tươi tỉnh: “Đây là thôn Bãi Đá thuộc trung tâm xã La Pan Tẩn quê ta rồi!” Thiêm đứng giữa bãi đá, đưa mắt xa gần giữa ngổn ngang đá lớn đá nhỏ, đá phiến đá hòn, như phế tích, di chỉ thời cổ đại, có cảm giác đã đặt chân tới cái ngõ hẻm tận cùng trời bị quên lãng của vũ trụ. Thoáng qua Thiêm chút ngại ngần, cảm giác bé nhỏ trước cái bao la và bản năng tự vệ bỗng nhiên thức tỉnh chập chờn: muôn mặt xẩy ra bất trắc ứng xử ra sao đây?
La Pan Tẩn, xã thuần Mèo, một tộc người thuộc đại chủng Mông gôn ngành phương Nam, có hai thôn lớn, bốn xóm nhỏ, là bảo tàng lưu giữ tập tục sinh hoạt, đời sống vật chất, quan hệ tinh thần đã có cả ngàn năm của bộ tộc. Nơi đây, dấu tích tổ chức cộng đồng thị tộc còn đậm đà. Hố pẩu hiện thân như một linh hồn lớn quy tụ các thành viên, điều hành mọi việc đối nội, đối ngoại của họ hàng. Nơi đây đao canh hoả chủng, đốt nương chọc lỗ bỏ hạt là cách thức trồng trọt chủ yếu. Nơi đây, đuốc pơ mu thay đèn dầu. Bắp và sèo đắng là lương thực chính. Lanh trồng ngoài bãi, khung cửi dệt đóng lấy, tự khép kín vòng tròn may mặc. Nơi đây, ngoại trừ hạt muối, là trọn vẹn đời sống tự cấp. Nơi đây xa cách hết thẩy. Điện đài, không. Báo chí, không. Thông tin, không. Dân ở đây chưa nhìn thấy chiếc xe đạp. Nơi đây không có chữ. Nơi đây, đời sống tâm linh dồi dào, thờ cúng sầm uất đủ các loại ma, lời thề còn giữ nguyên sự thiêng liêng nguyên thuỷ. Nơi đây một cõi giới riêng tây. Nơi đây, ý chí tự lập khát vọng bình đẳng truyền lưu đời đời trong huyết mạch trẻ già, những con người sống nửa đời hôm nay, nửa đời là những kẻ lưu vong sau cuộc bại trận trong quá khứ lịch sử mịt mờ không văn tự.
La Pan Tẩn, một cuốn sách lạ, muốn hiểu nó phải lần giở từ trang đầu và đọc kỹ từng dòng.
Hố pẩu nói tiếp:
- Hôm đầu đi bộ cùng thầy, thấy nét mặt thầy có ý buồn. Tôi hỏi: có nhớ vợ không? Thầy cười tum tim. Ra vậy, chưa có vợ nên chưa nhớ! Đưa bát mèn mén - bột ngô, thầy cầm thìa xúc, chưa quen, nhoai cổ nuốt rồi nghẹn, ho. Tôi lo quá. Hình như đoán được ý nghĩ tôi, thầy liền đặt bát bột ngô xuống, rõ rành: “Hố pẩu, tôi đã là hạt gieo xuống đất rồi. Tôi sẽ nẩy mầm, đâm lá, bén rễ, ra hoa kết quả. Đừng lo! Tôi không trốn về xuôi đâu!” Ra thầy vẫn giận ông Đường Xuân Ân cậy quyền thế ăn nói chấn chở. Tiếng là làm quan to nhưng ông Ân cũng chỉ là kẻ ít học, thầy ạ. Tôi định nói thế, sau lại thôi. Vì thấy thầy không nhắc lại nữa. Vì chỉ mấy ngày sau đã thấy thầy đi đến từng nhà, ghi tên trẻ con, để sửa soạn mở trường. Lại thấy thầy vui vẻ cùng bà con đi làm nương, đi bắt cá, đi săn thú rừng. Húi, thầy có nhớ buổi sáng đuổi con hươu tơ, leo tới đỉnh núi cao tót vót ấy không. Lúc ấy sao cái chân muốn nhẩy, cái miệng muốn hát, lòng như có con chim hoạ mi rúc thế. Ra bản tính thầy cũng một thiên tính như anh em, bà con. Hà, thế là đã năm năm bản ta mở hội gầu tào đón mùa xuân mới rồi. Giờ, thầy nói tiếng Mèo, ca bài hát Mèo, hệt người Mèo tôi rồi. Con dâu tôi, cô Seo Mùa, nó nói: “Thầy Thiêm nẩy đàn môi tài lắm. Nhưng thầy không biết nẩy đàn gọi con gái.” Tiếc đấy, thầy Thiêm!
Thời gian nhích như sên đo đất. Giây tích lại làm nên phút. Phút hợp lại làm nên giờ. Tháng năm từ đó mà sinh ra. Đã có những lúc, dừng lại giữa dòng thời gian đi, Thiêm tự hỏi: vì sao, đã năm năm qua, trong tình thế một thân một mình, không một lời an ủi chứ đừng nói đến chỉ bảo, săn sóc, mà anh vẫn còn ở lại đây, với thôn bản này, bộ tộc này, ngày đêm lo toan việc dậy dỗ con em họ, truyền bá văn hoá và sống chan hoà với họ; trong khi lớp đồng nghiệp của anh, trừ một người tên Trần Đổng được đề bạt trưởng phòng còn ở lại huyện lỵ, còn hai mươi tám người khác, hoặc vin cớ này cớ khác, hoặc công khai đóng vai kẻ đào ngũ, đều đã lần lượt ra đi? Bỏ đi vì đời sống kham khổ quá, vì buồn quá, vì bị bỏ rơi, vì công việc quá ư vất vả mà chẳng nên cơm cháo gì! Bạn bè anh đã bỏ đi, vậy mà anh vẫn còn lại. Anh như hạt đã gieo, nằm lại trong đất này đã năm năm. Và sẽ còn ở lại đất này thêm ít nhất mười năm nữa, nghĩa là sẽ phải để lại ở nơi đây tuổi trẻ của mình, sẽ phải để lại nơi đây một dấu vết, một công tích của mình.
Hay là vì ở xứ này sự sống chưa vong thân, con người chưa bị lý tính, khôn ngoan chi phối, viên mãn một đời sống tự ngã và Thiêm thì vốn là một thiên chất tự nhiên nên dễ hoà nhập? Xứ này, gió xuân hây hẩy mùi men rượu. Gió hè nồng đậm hương trà thơm, gió thu mang vị trầm và mùa đông gió dông lên trời, lạnh mùi tuyết băng. Xứ này thiên nhiên nguyên vẹn hình sắc khởi thuỷ cùng những tình cảm ban sơ của đồng loại quấn quýt quanh Thiêm một đời sống không ám ảnh âu lo. Ở đây, mọi việc đều mới bắt đầu và tính chất vĩ đại thường có ở thời điểm này. Ở đây, lúc nào anh cũng đắm mình vào những ảo giác huy hoàng ở phía trước. Anh muốn trở nên một người có ích, một tên tuổi trong thời đại hiệp sĩ, trong các sự tích anh hùng?
Thực tình là Thiêm chưa bao giờ dành tâm để giải đoán nguyên cớ của sự kiện. Cũng như trong tình yêu, anh mãi mãi vẫn chỉ là kẻ trung thành, tuyệt đối trung thành với cảm xúc, ý niệm của mình. Không bao giờ anh tự lừa dối mình, phản bội lại chính mình.
Nhìn ông già đầu tộc họ Giàng, Thiêm nối tiếp câu chuyện:
- Hố pẩu có con mắt xanh đấy! Thoạt đầu tôi bực ông bí thư Đường Xuân Ân. Sau thấy ông nói không thành lời, lúng túng như kẻ thất phu, lại ngọng e lờ thành en nờ, biết là người thất học nên tôi không giận nữa. Một khi đã thấy đúng thì chẳng ai cản được tôi nữa. Tính tôi vậy. Sự nghiệp dạy dỗ con em đồng bào ở đây là cao quý. Đã vậy thì dù có gửi nắm xương tàn ở đây tôi cũng sẵn lòng.
- Chà!
- Nhưng nếu như, xảy ra…
- Nếu như thế nào…
Thiêm thoát một hơi thở lớn:
- Nếu như, muôn một xảy ra trường hợp người ta bắt tôi phải đi.
- Ai bắt được thầy!
- Thôi, tôi nói dự phòng vậy thôi, vì cũng cần nhớ: còn có nhiều bất trắc lắm đấy! Đấy, năm năm rồi đã làm được hết mọi việc đâu. Hố pẩu còn nhớ tôi đã nói những gì ở hôm khai giảng chứ!
- Tôi nhớ. Trong lớp học mới dựng hôm ấy có ảnh cụ Hồ Chủ tịch và ảnh một ông Tây râu rậm. Thầy chỉ ảnh ông Tây nọ, giới thiệu: đây là ông Kác-Mác, người Đức, nhà trí thức lập ra lý thuyết giải phóng loài người. Ông Kác-Mác nghiên cứu xã hội, thấy trẻ con, đứa được đi học, đứa không. Đứa không được đi học là con nhà nghèo. Không được học tức không được truyền thụ văn hoá, nghĩa là không thành người. Vậy nên, đấu tranh xoá bỏ bóc lột chính là tạo điều kiện để tất cả thành người. Không học là bị che mắt. Thầy còn nói: một dân tộc dốt là một dân tộc yếu. Đúng không, thầy?
- Đúng!
- Tôi nhớ, tôi đem một cái mõ tre treo ở đầu hồi lớp học, gõ gọi học trò. Hoá ra cái mõ câm, vang không xa. Thầy nói: việc dạy học cũng như gõ cái mõ, cái kẻng, phát đi một tín hiệu cho người học. Suy ra, con người ta ai cũng nên đánh đi một tín hiệu cho người khác.
Cười nhè nhẹ, thầm phục ông già tinh ý, khôn ngoan, Thiêm quay lại chủ định:
- Thế hố pẩu có nhớ cũng hôm ấy, rồi sau này ở hội nghị ăn ước toàn xã, tôi trình bầy kế hoạch mười năm xây dựng Toà lâu đài văn hoá xã La Pan Tẩn ta chứ?
- Quên sao được hả, thầy!
- Con người khác con ong, cái kiến ở chỗ làm cái gì nó cũng phải có dự định. Dự định là cái kế hoạch ấy đấy. Kế hoạch ấy chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn một là năm năm đầu ta tập trung xây dựng cơ sở vật chất và hoàn chỉnh đủ bốn lớp với một trăm em học sinh cấp một. Giai đoạn hai là năm năm còn lại, với nhiệm vụ phổ cập văn hoá cấp một cho toàn dân và xây dựng xong trường cấp hai với sĩ số 50 em. Chà! Mới chỉ nhắc lại sơ sơ mà tâm trí tôi đã thấy như có hơi rượu rồi.
Thiêm đè tay lên ngực, chặn cơn say. Kế hoạch mười năm! Chỉ những cái mở đầu mới mang tính quy mô vĩ đại gây mê man như vậy. Ôi, Thiêm đã hoạch định, đã ước ao. Cả trong giấc ngủ, Thiêm đã nhìn thấy bức tranh mình phác thảo. Cả trong cơn mơ Thiêm cũng thấy những ngôi trường mái ngói đỏ tươi, tấp nập đi về hàng trăm trẻ con Mèo, váy áo sặc sỡ, vòng bạc sáng choang, cùng tiếng chúng đọc bài ngân nga. Kế hoạch mười năm. Hạn định tối đa. Biết làm sao được! Vì đời người ngắn ngủi lắm. Sau mười năm là phải chuyển sang một công việc khác. Còn phải đi học đại học. Còn phải lập gia đình. Và sẽ bắt đầu một công cuộc khác chắc chắn cũng kỳ vĩ đến nức lòng. Chao ôi, lúc đó Thiêm không may mảy nghĩ tới tính chất lãng mạn và ảo tưởng của những dự kiến và hành vi. Thiêm như cờ trong gió, như lửa trong lò.
Nhìn hố pẩu, giọng Thiêm lúc này bỗng nhiên như có hơi lửa:
- Thế mà hố pẩu có biết không? Bây giờ đã năm năm qua rồi, hết nửa thời gian rồi, mà La Pan Tẩn ta mới chỉ có được một lớp 1 và một lớp 2. Nghĩa là chỉ mới đạt có nửa dự kiến. Hơn trăm cuốn sách tôi mang về và mua thêm mỗi lần ra huyện họp, trẻ con mới học xong đôi ba cuốn. Hố pẩu có biết tôi bị xúc phạm đến thế nào không? Hố pẩu khóc vì người Mèo giỏi giang mà không có ai được làm chủ tịch huyện này. Tôi đặt ra việc, mọi người nói ủng hộ, rốt cuộc không hoàn thành, tôi có đáng khóc không?
Gãi gãi cái gáy rậm, ông già đứng đầu dòng họ ngượng ngập chống gối, đứng dậy.
Trong gian bếp hơi rượu bốc toả, con chim hoạ mi xanh màu tro, mặt đỏ lửa, nhảy loách choách, bám nan lồng, khi cao khi thấp. Ngoài hiên, tay chống vách nhà, Seo Mùa dong dỏng eo thắt, nếp váy lanh xoè rộng đứng trên tấm ván dưới là hòn đá đẽo tròn lăn rì rì ép phẳng mặt vải lanh mới dệt. Nhìn nghiêng, mặt Seo Mùa vẫn một vẻ nhẫn nhịn, nhưng thấy rõ một vành tai nhỏ trĩu nặng cái vòng bạc, nghênh nghênh đón lời Thiêm. Năm năm qua rồi, Seo Mùa vẫn tay bận, chân bận, đường tới lớp học vài chục bước chân mà vẫn đi chưa tới. Hòn đá tròn lăn rầm rì, in một vệt xám nhờ lên tâm trí Thiêm. Bỗng nhiên ngoài sân có tiếng vật nặng rơi đánh uỵch, Thiêm nhìn ra. Tếnh vừa hất bó cỏ nặng trịch từ cái quẩy tấu xuống đất. Y lầu bầu cái gì trong miệng. Dừng chân, Seo Mùa vội bỏ việc là vải, chạy ra chuồng ngựa lệch xệch kéo cái bàn thái cỏ ngựa lại. Sương từ cây xoạn xủ rũ trắng như tro bay. Tếnh hấp hổm, tay phải nắm cán dao. Sật! Sật! Sật! Không nhìn thấy gương mặt Seo Mùa, chỉ thấy tiếng dao xắt cỏ đều đều, rờn rợn. Thiêm gai gai người.
Hố pẩu trở ra từ gian bếp, tay xách một ve chai xanh,lưng lửng nước:
- Rượu đầu đây. Mời thầy nếm thử rồi cùng nhau ngẫm nghĩ. Hà, ngô ở đây bẩm thụ được khí giời trong sạch. Nước suối ở đây cũng từ lòng suối khơi nguồn chẩy ra. Vì vậy mới nên rượu này. Lòng dân tôi như rượu này, không pha nước khác đâu. Tôi chắt một chai rượu đầu. Khi nào thầy về quê biếu ông nội, biếu cha đẻ nhé. Ông nội thầy làm gì? Cha đẻ thầy hiện công tác ở đâu?
- Bố tôi vốn cũng làm nghề thầy. Còn ông nội xưa vừa là ông đồ dạy học, vừa làm thuốc, nay già rồi ở nhà vui với vườn cây và con cháu.
- Phúc đức quá! Nào mời thầy.
- Úi cha! Rượu mà như nước lửa. Cháy cả lưỡi rồi.
Thiêm rên một hơi, thè lè cái lưỡi đỏ rộp. Nhìn chén rượu vơi Thiêm ngẩn người. Nước rượu đầu sóng sánh một ánh xanh nhoáng, giống màu mắt ai? Đặt chén rượu xuống bàn, giọng Thiêm như tăng thêm khí lực:
- Hố pẩu à, hiện thời lớp 1, mười em, lớp 2, mười hai em. Tính ra riêng thôn Bãi Đá này còn ba chục em không chịu đến trường. Còn Bản Ngò dưới kia, còn bốn xóm nhỏ ta chưa thống kê. Một trăm học sinh theo tôi tính là còn ít đấy. Tại sao thế? Nói mãi tôi cũng ngượng mồm, hố pẩu à. Đừng nghĩ tôi không biết hoàn cảnh nghèo đói của bà con mình.
- Tôi cũng nói nhiều với bà con trong họ Giàng Dìn của tôi rồi.
- Tôi cũng không muốn nhắc lại nhiều nữa, hố pẩu à. Mỗi chữ là một con mắt. Học nhiều thì nhìn được xa. Nói thế để thấy càng nghèo khổ, càng phải học nhiều hơn. Tôi là người quen với việc thổ mộc từ nhỏ. Tôi hiểu, có được miếng ăn là khó nhọc. Từ đây xuống bờ sông Chẩy, rời nhà từ lúc tờ mờ, mặt trời lên mới tới. Tới là cắm mặt xuống đất. Miếng ăn ở dưới đất. Lại phải biết khôn ngoan lựa theo mưa nắng của trời, lừa gạt được con thú. Đàn bà, con gái Mèo còn khổ gấp hai. Cô Seo Mùa con dâu hố pẩu đấy, chân là vải, tay bón cỏ ngựa, chân đạp cối gạo, tay xe lanh, chân đi nương, tay nối sợi. Người ở trong nhà, hồn vía ở ngoài nương. Bao đời rồi, chưa qua được chữ đói.
Hố pẩu rưng rưng:
- Tôi biết lòng thầy thương bộ tộc tôi. Muốn con em tôi giỏi giang nên người. Lương tháng thầy được ba mươi lăm đồng. Gửi tiết kiệm năm đồng, theo chỉ tiêu công đoàn quy định. Mua gạo bốn đồng. Mắm muối, cá khô, mười hai đồng. Cắt tóc, xà phòng, kim chỉ, tem thư, sách vở, năm đồng nữa. Vị chi, hai mươi sáu đồng. Còn chín đồng thầy dành tất để mua sách bút quà cáp làm phần thưởng khích lệ học trò. Trò học giỏi thầy cho sách vở giấy bút. Trò nào ngoan thầy cho kẹo bánh. Gặp trẻ nghèo thầy tặng vải vóc, áo quần. Thầy sẻ miếng lương eo hẹp thành nhiều phần cho các em. Học trò bỏ học, thầy tìm đến tận nhà nó bảo ban. Dốc cao đường trơn, thầy chống gậy đi. Gặp suối to, thầy bơi. Có bận còn cõng trò vượt lũ lớn. Xóm nhỏ nào cũng có dấu chân thầy. Thầy là bậc quân tử. Theo học thầy là theo minh sư, là có phúc lớn. Dân tôi mãi mãi ghi công ơn thầy.
Ngảnh mặt sang trái, Thiêm gõ gõ mặt bàn, giọng ngòng ngọng:
- Tôi không cần công ơn. Tôi muốn mọi người đồng lòng cùng tôi thực hiện Kế hoạch mười năm xây dựng Toà lâu đài văn hoá xã La Pan Tẩn. Hố pẩu có đồng lòng với tôi không?
- Có chứ!
- Hố pẩu chưa quyết tâm đâu. Ăn thề với tôi đi. Thề mặt trời đi.
- Ui, thề mặt trời độc lắm! Cả đời chỉ được một lần thôi. Xin thầy để tôi mở hội ăn ước, hội nào tsồng, để mọi người cùng hứa. Nhưng mà, thầy Thiêm ơi, năm năm qua làm được từng ấy việc, có được hai lớp học, so với các bản khác, La Pan Tẩn vẫn là gương mặt đẹp chứ, thầy!
- Tôi không muốn nhìn xuống thấp.
- Thế đấy. Người Mèo La Pan Tẩn tôi có câu nói: “Ba buổi sáng cũng đủ là một đời người!”
Thiêm đứng dậy, mắt mưng mưng. Chén rượu đầu đang ngấm. Tay chân tê tê giần giật. Đầu óc loáng choáng.
- Một câu nói nghĩa lý quá. Ta sẽ nhớ làm lòng câu nói này. Anh nghĩ.
Cô Seo Mùa ôm bao tải cỏ ngựa vừa thái, ì ạch đi vào gian bếp. Tếnh, xách con dao phát và khẩu súng kíp, đi qua mặt Thiêm, mắt gườm gườm. Lửa bếp lò vừa bón nòm lau khô bùng một quầng hồng làm nền cho hình Thiêm đứng vung tay trở nên lồng lộng:
- Hố pẩu à! Thiêm nói. Tôi đề nghị, thứ bẩy này hố pẩu cho mở hội ăn ước toàn xã, ra quyết nghị. Hôm sau chủ nhật, mỗi hộ một lao động lên rừng chặt hai mươi cây trúc, thồ ngựa ra chợ huyện Xin Ma Chải bán cho công ty lâm thổ sản tỉnh. Trúc này bán cho người Liên Xô dùng làm cần câu, gậy trượt tuyết, đang được giá. Bán được bao nhiêu tiền góp cả thành quỹ để xây dựng thêm lớp học, ký túc xá cho học sinh ở xa về ăn ở. Tôi sẽ gọi thợ mộc người Kinh ở dưới xuôi lên. Gỗ trên rừng ta hạ về, nhờ họ xẻ ra đóng bàn ghế, giường tủ, bảng học, mở thêm một lớp ba nữa. Ngày chủ nhật này, tôi cũng đi chặt trúc như mọi người. Một mình tôi chặt bốn mươi cây.
Dứt lời, Thiêm quay một nửa vòng tròn, nhìn ra bếp. Lửa bếp lò vừa thốc ra một luồng đỏ rực, soi rõ gương mặt tròn long lanh hai con mắt vời vợi của Seo Mùa. Ôi, mắt Seo Mùa anh ánh sắc men xanh nhoáng ở nước rượu đầu.
Gặp Gỡ Ở La Pan Tẩn Gặp Gỡ Ở La Pan Tẩn - Ma Văn Kháng Gặp Gỡ Ở La Pan Tẩn