Books support us in our solitude and keep us from being a burden to ourselves.

Jeremy Collier

 
 
 
 
 
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: zzz links
Số chương: 7
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1354 / 40
Cập nhật: 2015-09-04 11:06:40 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Bao Bố Nhìn Mặt
ạnh tuy còn ít tuổi mà lo xa như một ông cụ. Anh sửa soạn nào bông gòn, dây hăng tanh-ti-dót đủ cả rồi cho mọi thứ vào cái hộp cứu cấp bằng da của anh.
Từ Sài-gòn lên đó mười ba cây sô. Biết đâu dọc đường lại không té trầy chơn hoặc tới nơi leo cây, lội rạch lại không bị gai quào, nọc đâm.
Hộp cứu cấp ấy anh dùng mang thuốc, mang ống tiêm để đi chích dạo trong xóm Hòa-Hưng.
Để thuốc, gòn vào đó xong, anh mới nhận ra rằng anh đã chuẩn bị như là đi làm nghề, chỉ trừ thuốc và ống tiêm không có bỏ vào đó mà thôi
- Hay là bỏ đủ vào đó? Biết đâu...
Thế rồi anh thêm vào hộp một ống chích, ba cây kim, vài mũi thuốc khỏe, vài mũi thuốc cầm máu.
Vừa lúc ấy thì Thế tới ngoài ngõ, bóp chuông xe máy leng keng và kêu với vô:
- Rồi chưa ta? Đi nè, kẻo trưa, nắng lắm!
Họ lên Vĩnh-Phú để uống nước chè tại lò đường của dì của Thế.
Vĩnh-Phú là một làng vườn, đất ẩm nên hợp với sự trồng mía.
Từ quốc lộ Sài-gòn-Bình-dương ra đến sông Sài-gòn, địa phận của làng, mía trương cờ lên, trùng trùng điệp điệp trắng xóa như một biển lau sậy.
Đây đó những hòn đảo xanh rì: đó là nhà dân, với vườn tược bao bọc chung quanh.
Xa, thật xa ngoài bờ sông, những trại ngói dài với ống khói cao, nhả khói lên đen ngòm cả bầu trời trong trẻo của thôn dã. Đó là những lò đường trong làng.
Nhờ có công nghệ nên làng trù mật lắm. Nhưng tuy dân có của thế mà không ai ở không cả. Cả làng làm việc như cái ổ ong.
Đây, vài mươi phu cuốc đất. Đất đen như than, mà mềm như bùn. Lưỡi cuốc rất to, xắn xuống rồi lấy lên từng cục trông ngon như nhưn bánh trung-thu chai bằng đậu đen.
Kia, một nhóm phụ nữ phát mía, những đám mía đã tới tuổi nấu đường.
Trong lò lửa cháy rần rần, trông vui và ấm lạ.
Tiếng ông che nghiến răng kèn kẹt như câm giận sao dân làng bắt các ổng làm việc nhiều thế để hưởng lợi.
Ông che là những khúc gỗ tròn, đứng kề sát nhau, lăn quay như con vụ. Mía đút vào đó, ổng nghiến dẹp lép, nước chảy ra không sót một giọt. Bàn ép của các xe mía là những ông che tí hon nằm ngang.
Dì của Thế là một chủ lò đường, nhà làm ăn rần rần nhưng không con.
Bà thấy Thế lên thì mừng rối rít, hối trẻ ví gà để đãi cháu một bữa gà luộc nước chè.
Hai anh em hỏi thăm sức khỏe bà dì xong là thoát ra ngoài. Uống nước chè là chuyện phụ. Họ lên đây chỉ để hưởng thú quê một ngày chúa nhựt, sau cả tuần lễ ngộp thở ở Đô-thành.
Cặp Mạnh, Thế đi xuống bến, mở xuồng của dì cột nơi đó, rồi bơi ra giữa dòng.
Nước sông Sài-gòn ở nơi đây xanh lơ như nước sông trong tranh, nên hai anh em muốn ở mãi dưới ấy cho đến bữa cơm trưa.
Nhưng mới bơi được một đỗi là bà dì đã cho người gọi giựt ngược lên. Bà ta nhận được lịnh khai thuế gì đó mà đọc không hiểu mấy bữa rày, nên nóng được đứa cháu thông thái cắt nghĩa cho nghe.
Không được chơi nước thì chơi lửa vậy, đôi bạn tự an ủi thế. Và giải thích xong giấy tờ cho chủ lò nghe là họ ra liền, không ngồi nóng ghế chút nào.
- Nước chè là nước làm sao vậy? Mạnh hỏi.
- Là nước mía nấu sôi để làm đường, mà chỉ mới sôi đến độ nào đó thôi.
- Vậy hả? Thành ra thịt gà luộc trong đó ăn ngọt?
- Ừ.
Người thợ nấu đường đứng xem chảo nước mía sôi một hồi, dường như thăm hỏi từ bong bóng mật đang sùng sục trồi lên hụp xuống, đánh hơi cái mùi ngon ngọt thơm thơm từ chảo bốc ra, rồi nói: "được rồi".
Đoạn anh ta thọc gáo vào chảo múc đầy một gáo nước chè, đổ ra hai cái tô đặt cạnh đó, trong tô có sẵn vài lát gừng.
- Mời hai cậu uống nước!
- Nước chè đây à? Mạnh hỏi bạn.
- Ừ, uống cho biết kẻo chết thành ma nhà quê.
- Ma chợ chớ. Nếu ma nhà quê thì đã sành uống nước chè.
Mạnh thổi vào tô nước nóng, rồi uống từng hớp kêu soạt soạt cái thứ nước ngọt một vị ngọt tươi và cay cay hơi gừng ấy.
Người thợ nấu đường khác đi lại, tay cầm hai cùi thơm phủ một thứ nước sơn vàng láng mà trong.
- Hai cậu mút cái nầy rồi uống nước mới ngon.
- Gì đây?
- Đường gần tới. Nhúng cái gì vào đó, rồi mút cũng ngon cả, cùi thơm, cùi bắp, vỏ bưởi, đu đủ sống, v. v...
- Như con nít mút kẹo vậy. Thế ơi, ngộ quá!
Mạnh mút một cái, hớp một hớp nước chè nóng, vừa lắng nghe mùi nước mía ngập ngừng muốn biến ra mùi đường mà chưa thành hẳn, vừa nhìn người ngồi che cho che ăn.
Anh ta ngồi ngay dưới đất, rút mía nơi đống mía sau lưng rồi đút vào hai con che trước mặt.
Che nuốt lần lần những cây mía cứng ấy như một con quái vật đang đói một cơn đói khổng lồ, ăn mãi, không bao giờ no cả.
Hai con trâu kéo một cây trục đóng dính vào đầu một con che, đi vòng quanh bất tận. Đó là động cơ sống hai... ngưu lực, dùng để quay cái bàn ép to tướng kia.
Con che kêu rít lên, nghe rợn cả người, khiến Mạnh có cảm giác đó là một vật sống có linh hồn, mà đây là một linh hồn hiểm ác.
Như đang cùng một ý nghĩ với bạn, Thế nói:
- Họ sợ hãi kêu con che bằng ông che nghĩ cũng phải. Họ hay cúng kiến nó lắm, và con che nào cũng có "cô hồn" cả.
Cho che ăn về đêm là một công việc cảm tử. Hễ ngủ quên trong nháy mắt, đút luôn tay mình vào đó là chỉ có trời cứu. Ở đấy vài năm lại xảy ra thảm kịch ấy một lần.
Bỗng ai nấy đều giựt mình kêu thét lên một tiếng khủng khiếp. Họ dòm lại thì, trùng phùng kỳ lạ thay, tay người thợ ngồi che vừa bị "ông" che ngoạm phải.
Tiếng kêu la của nạn nhơn nghe kinh sợ lạ kỳ như tiếng một người thoạt thấy ma, rồi lại tuyệt vọng quá sức như người vừa rơi xuống miệng hố sâu, không mong ai cứu được cả.
Trong khi ấy thì cặp trâu cứ bình thản kéo cây trục, cho con che lăn quay đi.
Lẹ như chớp, anh thợ nấu đường nhảy tới nắm mũi trâu mà chận nó lại.
Nhưng tay anh thợ ngồi che đã bị nuốt đến cườm.
Cả xóm bu lại tháo che ra. Bàn tay anh nầy dẹp lại như con khô hố. Huyết quản và hồi huyết quản bị bể máu ra có vọt, còn nạn nhân thì đã bất tỉnh nhơn sự vì mất máu và vì sự đau đớn.
Mạnh lật đật chạy vào nhà lấy đồ nghề ra băng bó cho nạn nhơn, tiêm cho hắn một mũi thuốc khoẻ và một mũi thuốc cầm máu, rồi hối thúc:
- Mau mau đưa anh đó đi nhà thương, không thôi anh ta chết mất.
- Liệu cứu đuợc không cậu? Bà chủ hỏi.
- Chắc chắn được, nếu đi kịp. Xuống nhà thương, ngưòi ta biết cách và đủ phương tiện thì hy vọng lắm.
Khi người ta đưa kẻ rủi ro đi rồi thì vừa tới bữa ăn.
Bà chủ lo âu cần mời khách, và cố nhiên nhấn mạnh về công của anh bạn trẻ nầy.
- Thuở giờ, bà nói, chúng tôi chỉ để vậy mà chịu chết. Nay nghe theo lời cậu thử một chuyến xem sao. Nhưng dầu sao cũng cám ơn cậu lắm. Trong làng mà có một người biết thuốc như cậu thì đỡ biết bao!
- Hay là mầy ở luôn đây mà tàm thầy lụi vườn, Thế nói cà rỡn. Bà chủ cũng cười mà rằng:
- Thiệt chớ! Ở đây không thiếu mối đâu. Giàu thì không giàu, nhưng cậu kìếm tiền sống dư dả. Muốn tìm đôi bạn, cũng chẳng thiếu gì nơi.
Thế thúc cùi chõ vào hông Thịnh một cái rồi nói:
- Mê chưa? Cái vụ tìm đôi bạn đó mới là hấp dẫn đa!
Mạnh làm thinh, nhưng không và cơm nữa. Anh ta đang bi lời đề nghị chơi chơi nầy quyến rủ.
Thầy chích dạo ở Sài-gòn đã nhiều lắm rồi. Lóng nầy anh ta phải đạp xe máy rả cả giò để đi từ mối nầy tới mối khác, họ càng ngày càng hiếm hoi ra.
Giây lâu, anh ngước lên hỏi bà chủ:
- Nhưng ở đây tìm nhà ở, khó hay dễ thưa dì?
- Cũng khó lắm. Mà tôi có một cái trại ngoài kia, cậu ở đó vài tháng, chừng có tiền, tôi sẽ cho đất mà cất nhà.
° ° °
Dân ở đây chỉ mắc phải có ba bịnh thôi: rét rừng, kiết lị, và bón uất. Bịnh sau đó, giây ra muôn ngàn biến chứng, nào là nhức đầu chóng mặt, tức ngực, vân vân...
Mạnh biết rõ thế nên anh ta "làm thuốc" rất mát tay, chữa đâu lành đó. Dân làng phục lăn anh ta và kêu anh là thầy thuốc. Có người lại tôn Mạnh là đốc-tơ.
Ở Sài-gòn, sao anh ta lèn xèn, thế mà lên đây cũng bộ y phục ấy, nhưng trông anh ta lại sang trọng ra.
Mạnh thấy là mình đã tìm được đất dụng võ, và quyết yên phận sống nơi xó nầy đến già với cái mộng mua vườn mua đất và có vợ.
Vì ảnh hưởng kinh tế, ở những làng trù phú lâu đời, con gái thường dễ coi và nhiều khi đẹp.
Mới ở có một tuần mà Mạnh đã chú ý đến năm cô, cả năm đều cùng xóm với anh, đó là chưa nói đến nhiều xóm khác mà anh đi chưa tới.
Thật ra năm cô gái ấy không đẹp đẽ gì bao nhiêu. Một cô được nước đa trắng trẻo như gái chợ. Hai cô đen mà đen duyên, trông rất đễ yêu. Cô thứ tư hơi to lớn, nhưng thân thể nở nang đều đặn tuyệt mỹ. Cô chót nói chuyện nghe mê lắm, thông minh và khôn ngoan như một cô gái có học nhiều.
Yêu họ mà qua đường thì thú lắm. Mà cỡ cưới họ làm vợ cũng chẳng hại. Nhưng Mạnh còn tham lam. Biết đâu xóm khác lại không có người lý tưởng. Hấp tấp rủi còn nữa thì có phải là tiếc lắm hay không?
Anh ta nghiễm nhiên là nhà tai mắt ở đây rồi, uy tín có thừa, bóng sắc như bóng sắc của anh, đối với gái quê cũng là có đường lắm, thì tội gì không chọn hoa khôi trong vùng để mà yêu hoặc để mà lập tổ ấm.
Hôm ấy anh đi chữa bịnh cho một ông lão ở xóm Lò mứt chuối.
Anh đạp xe đạp trên bờ các con đê, qua hết đám mía nầy đến đám mía khác, thì bỗng trước mặt anh một chiếc cầu ván đón đường.
Cầu ván làm bằng ba tấm ván nối dài lại, thành hình thang trong khoa hình học; bề ngang cầu chỉ vỏn vẹn rộng có bốn tấc thôi.
Anh Mạnh xuống xe, rồi người và ngựa (ngựa hai chân) cặp song song nhau mà qua cầu.
Cầu ván đóng đinh lắc lẻo, gập ghình, rung rinh thấy mà bắt ngán. Thỉnh thoảng cái bàn đạp bất nhơn đập vào ống qnyển anh ta một cái đau điếng người.
Tấm ván giữa cầu cao hơn tấm ở đầu cầu. Đẩy xe tới đó, ông thầy lụi bị đập một cái nữa, đau quá, ông ta toan cúi xống mà xoa chân thì bánh xe trước đã trật ván 1ọt xuống mương.
Cố níu xe lại, thầy lụi ta lại bị xe trì rồi cả hai rơi xuống nước một cái tùm.
Trong khoảng thời gian ngắn ngủi mà anh ta mới ngã mình ra khỏi cầu ván, Mạnh thoáng thấy một cô gái đứng ở bờ mương đối diện, cách đó độ hai mươi thước.
Cô gái xinh đẹp lắm. Trong lúc hốt hoảng mà Mạnh nhận được điều đó, chứng tỏ sắc đẹp của cô ta quả sáng rực lên.
Hình như cô ta đang cười rũ rượi, tuy không ra tiếng.
Mương sâu cỡ hai thước; gặp lúc nước ròng, các mương trong đều đánh tháo ra ngoài sông nên nước chảy siết. Mạnh lại không biết lội.
Hồi té, anh không sợ bao nhiêu, đoán nước dưới ấy giỏi lắm tới ngực là cùng. Anh không bông xe nên vì nặng, rơi tới đáy rất lẹ. Bấy giờ anh mới thả tay ra để đứng dậy.
Lần đầu tiên trong đời anh, Mạnh mới hay rằng hoạt hoạt động dưới nước khó vô cùng. mà lại lại dưới dòng nưóc đang chảy mạnh.
Anh đứng lên, nghe nằng nặng ở trên đè xuống, và gì mà như ai xô anh tới trước. Đã nghe ngộp, anh ráng hết sức bình sanh chống lại áp lực ở tứ hướng và đứng dậy thật mạnh. Anh đã đứng được, nhưng mặt anh vẫn còn ở dưới nước.
Tất cả những sự việc trên đây xảy ra mau hơn là thì giờ dùng để kể nó lại nơi đây, sự việc chỉ xảy ra trong nháy mắt thôi.
Mạnh hoảng hốt đến cực độ, chợt biết rằng mương sâu hơn thân người cao. Trên anh, khối nước còn đè nặng lên đầu anh.
Mạnh vừa quýnh lên thì thấy một bóng đen lù lù tiến đến làm anh khủng khiếp vô cùng, nghĩ tới những con thủy quái ghê gớm đọc thấy trong tiểu thuyết.
Nhưng một cánh tay thò tới, thoạt tiên làm anh khiếp vía, ngỡ vòi con mực trong phim chiếu bóng kia. Nhưng anh chợt hiểu.
Người cứu cấp nhảy lên bờ mương trước rồi nắm tay anh mà kéo. Manh níu cỏ thoát lên cho đỡ nặng người kia.
Anh mắc cở đến muốn nhảy xuống mương vì người đó là một cô gái, cái cô gái gặp mình mà cười hồi nãy.
Cô ta nhảy trở xuống nước để lôi xe máy lên, lần nầy khó khăn hơn nhiều, vì tuy xe nhẹ hơn người mà nó lắc lẻo khó kéo lắm.
Mạnh, tuy thế, vẫn cố dẹp tự ái lại, đứng lên để cám ơn người nghĩa. Người nầy chỉ mỉm cười, có lẽ quê mùa, ngây thơ, không tìm được lời khiêm nhượng nào để xóa lấp câu cám ơn của nạn nhân chăng?
Mạnh lại hỏi thêm:
- Thưa cô, nhà cô ở đâu?
Cô gái chỉ mỉm cười như trước, rồi không hiểu sao đâm đầu chạỵ đi một nước, trước sự kinh ngạc của Mạnh.
Anh ta ngó theo cho đến lúc cô ấy khuất dạng, sau một đám mía, ngó theo để biết hướng nhà cô ta, mà cũng là ngó theo cái thân hình tròn trịa lộ rõ ra vì y phục ướt dán sát vào da thịt cô.
Thầy lụi chích xong, hỏi người nhà ông lão:
- Ở xóm nầy, cái cô gái có nút ruồi trên môi trên là gì và nhà gần hay xa?
Bà lão ngơ ngác, còn dâu bà thì mỉm cười nói:
- Chắc thầy hỏi con Bánh?
- Con Bánh? Tên ngộ quá! Nhưng tôi không biết tên cô ấy, cô ta đẹp lắm, nhờ nút ruồi trên môi.
- Chắc chắc là con Bánh rồi. Nhà nó ở trong kia, nhà ngói cũ nhỏ, có hòn non bộ ngoài sân.
Rồi chị ta cười bí mật, hỏi gì cũng không chịu nói thêm nửa lời.
Bận về, Mạnh ra đường cái mà đi, không dám theo bờ đê nữa. Anh thay y phục, ăn cơm mà một chị hàng xóm làm giùm cho rồi đi nghỉ.
Ngủ trưa thức dậy, Mạnh diện bộ đồ bảnh nhứt của anh như chiều thứ bảy đi xem chiếu bóng ở Sài-gòn, rồi đẩy xe ra lộ lớn để xuống xóm cô Bánh.
"Cô Bánh, tên xấu quá, mà người lại đẹp. Mạnh vừa đi vừa nghĩ vừa buồn cười. Nhưng bánh nầy là bánh bò bông, nên trắng nõn, lại là bánh đám cưới, làm hoa hòe ra, trông ngon lắm. Nhưng biết có phải là cô Bánh hay không?"
Anh ta đạp xe như đua nước rút, không mấy chốc là đã đến nơi. Đẩy xe đi dài theo bờ mương, anh nhớ lại tai nạn hôm qua mà tức cười.
- Cô ta cười là phải. Bộ mình qua cầu không quen, trông thấy lọm khọm ai mà nín cười cho được. Lại té xuống nước nữa! Mà chết hụt trong một cái mương hẹp mới ác chớ!
Mạnh đi riết vô trong thì quả gặp cái nhà mà chị nọ đã tả. Trước sân có hòn non bộ hẳn hòi.
Chó sủa vang mà không thấy dạng người ta. Mạnh bẻ một cành tre ngoài hàng rào cầm quất chó rồi bước vào sân.
Không thấy bóng người, mặc dầu cửa mở. Có lẽ cả nhà đều ở ngoài đồng. Đứa bé coi nhà đã trốn đi chơi chăng?
Mạnh đứng ngoài sân tằng hắng hai ba tiếng. Cũng không nghe động tịnh. Đánh bạo, anh đi vòng ra sau bếp thì mừng thay, cô gái nút ruồi, cô Bánh, đang nấu nướng gì đó.
Cô gái đưa lưng ra ngoài, chắc là điếc hay sao mà Mạnh lên tiếng cô ra vẫn chẳng day ra. Tức quá anh thầy lụi bước đại vào nhà bếp.
Bấy giờ cô Bánh mới day lại, thoạt tiên chưng hửng rồi vui mừng lộ rõ ra trên mặt cô. Cô cúi đầu chào khách rồì đứng đó làm thinh.
Thấy cô ta quá ngây thơ quê mùa, Mạnh thích lắm. Chàng nói:
- Thưa cô, ơn cô tôi không sao qnên được, nên nay quyết đến để...
Cô gái mở miệng ra, ú ớ cái gì không biết nữa và Mạnh bỗng chợt hiểu tất cả: đó là một cô gái câm.
Chàng buồn cười hết sức, không cầm giữ được, nên bật tiếng cười dài.
Cô gái mắc cỡ, bỏ chạy ra đám mía trước nhà rồi lủi vào đó mất dạng.
Mạnh biết đợi thế nào cô ta cũng chẳng vô, nên ra về, tự hẹn sẽ đến.
Ngày mai chàng trở lại nơi đó, vì dầu sao cô gái ấy cũng đẹp mà chàng còn trẻ với tình yêu chan chứa, với dục tình muốn thoát cương.
Cô Bánh thấy khách toan chạy đi, nhưng nghĩ sao không rõ, lại thôi.
Mặt cô vừa bẽn lẽn vừa có vẻ giận dỗi. Mạnh hiểu ngay những phản động trong lòng cô ta, nên anh vào chào cô rất lễ phép và nghiêm mặt lại như trọng nể cô lắm.
Quả nhiên cô Bánh hết giận ngay.
Quên bịnh tật của cô, Mạnh hỏi Bánh một câu. Bánh u ớ lu bù những giọng líu lo gì đó, khiến thầy lụi sực nhớ lại thực trạng về cô.
Mạnh cố suy tính coi phải ra dấu thế nào cho cô ấy hiểu câu hỏi của chàng. Câu ấy là như vầy:
- Còn ba má cô đâu?
Rốt cuộc chàng vuốt cằm như vuốt râu, muốn nói người có râu, tức ông già, tức cha cô gái. Rồi chỉ vào nhà, lại chỉ ra đồng.
May quá, cô gái hiểu và chỉ về đằng xa dưới kia, rồi lấy cây chổi giả bộ như cuốc đất.
- Ba tôi cuốc đất dưới kia.
Chàng muốn hỏi nữa, nhưng không biết ra dấu làm sao nên đành cụt hứng. Đôi bạn đứng đó mà làm thinh, miệng tuy ngậm câm, mà lòng nói với nhau nhiều lắm.
Đối diện đàm tâm mãi cũng chán, Mạnh lấy ra một gói nhỏ trao tặng Bánh. Đó là ve dầu thơm thứ lô-canh rẻ tiền mà chàng đã mua chiều hôm trước trên chợ Lái-Thiêu.
Cô gái không nhận, xua tay lia lịa. Mạnh làm ra vẻ khẩn khoản lắm, ra dấu nói nếu cô ta không nhận thì chàng sẽ đập lọ vào gốc cây rồi về và không trở lại thăm cô ta nữa.
Cô Bánh rốt cộc nhận quà, rồi ra dấu bảo Mạnh đứng đó. Cô chạy vô nhà một lát thì trở ra với một chiếc khăn mu-xoa thêu rìa xanh đỏ trông rất quê.
Nhưng Mạnh tỏ vẻ vui mừng như được bảo vật. Rồi họ chia tay nhau, cả hai đều bằng lòng.
Sáng hôm sau, Mạnh vừa tiêm xong thuốc cho bốn năm người khách không bịnh nhiều, lại ngay nhà chàng được, thì cô Bánh đã đến.
Cô Bánh vừa bước tới sân là Mạnh nghe nực nồng mùi dầu thơm rẻ tiền. Cô ta làm dáng ghê lắm: nón bài thơ bọc áo ni-lông; áo bà ba bô-bơ-lin thêu trôn; đồ trong màu hường dạ ra ngoài rõ bông, quần lãnh tây thêu lai; guốc quai tréo.
Chiều hôm qua, Mạnh đã điều tra kỹ và biết cô Bánh là con một của một gia đình trung nông, ông cha là hương chức trong làng, chủ ba bốn mẫu mía.
Cô có học trường câm ở Lái-Thiêu mấy năm nên biết viết, biết đọc sách thầm, biết thêu thùa, làm hoa giấy, v. v...
Mạnh tiễn khách tới sân rồi luôn tiện mừng bạn vừa đến. Chàng mời Bánh vào nhà, trà nước đàng hoàng, rồi ra dấu để đàm đạo.
- Cô đi chợ phải không?
- Không, em lại đây.
- Cô có xức nước hoa, tôi tặng hay không?
- Có, không nghe mùi đó sao.
Lại làm thinh, vì những câu muốn hỏi khó ra dấu quá.
Cô Bánh làm bộ như viết chữ. Mạnh chợt hiểu, chạy vào lấy giấy và một cây viết chì ra trao cho bạn.
Cô Bánh viết ngay mấy câu sau đây. Chữ rất xấu, chánh tả lại sai be bét:
"Anh Thầy Chít ơi"
Đọc xong lời kêu gọi, Mạnh cố nén cười đến tức muốn bể ngực. Thì ra cô gái đã điều tra, và có lẽ ai đã viết cho cô đọc để biết anh ta là thầy chích. Nhưng cô ta lại lầm tưởng thầy chích là tên của anh, nên mới viết hoa hai chữ T và C.
"Anh Thầy Chít ơi!
"Em tới thăm anh. Hỏi xao (sao) anh hổng tập lội, kẻo té nữa rồi ai dớt (vớt) cho. Anh có vợ con chưa? Ai nấu cơm anh ăn?"
Lần nầy Mạnh dám cười, cười thẳng thắn, anh đáp:
"Cô Bánh ơi!
"Tôi có té thì kêu cô vớt liền. Tôi chưa vợ. Tôi ăn cơm tháng với chị gần bên.
"Phải chi tôi ở gần cô, tôi mượn cô nấu tôi ăn. Cái khăn cô tặng tôi đẹp quá. Tôi cất kỹ để dành, lâu lâu, tôi lấy ra nhìn, cũng như là thấy mặt cô."
Đôi bạn bút đàm với nhau tốn đến năm tờ giấy mà nói toàn những chuyện vớ vẩn không mà thôi.
Rồi Bánh ra về, hẹn sẽ đến nữa. Họ thỏa thuận với nhau là lặp nhau nơi đây tiện hơn ở đâu cả, và Mạnh sẽ không đến nhà Bánh cho cha mẹ Bánh khỏi nghi nan.
Cưới Bánh làm vợ thì Mạnh không tính tới, cố nhiên rồi, mặc dầu nàng là con nhà khá giả trong làng.
Nhưng con trai thì tánh hay tham, nên Mạnh thấy bỏ đi cũngr uổng. Vả lại làm bạn với một con câm cũng vui trong cảnh buồn tẻ ở xó quê nầy. Tỏ tình với nó cũng thú lắm.
Đôi bạn qua lại với nhau đâu được mười lăm hôm thì bữa đó Mạnh viết:
"Cô Bánh ơi,
"Tôi thương cô lắm mà không biết cô có thương tôi hay không?"
Cô Bánh đáp:
"Anh Thầy Chít ơi,
"Sao lại không thương, em thương anh từ lúc vớt anh lên bờ. Không thương còn lại đây làm chi."
Mạnh lại viết:
"Cô Bánh ơi,
"Từ đây tôi kêu cô bằng em. Tôi mừng quá, tôi sung sướng quá. Tôi muốn nói chuyện với cô thật nhiều, thật lâu mà bây giờ sắp có khách khứa lu bu. Vậy tối cô lại có được hay không?
Bánh lại đáp:
"Thầy Chít ơi.
"Ngày thường thì không được. Mà tối nay được. Ba em đi dọn đám ma nhà bà con dưới Bình-Phước. Má em thì quáng gà. Tối nay em lên lối tám giờ."
Mạnh bôn chôn trông cho mau tối. Tối đến, anh lại hồi hộp đợi bạn.
Bánh lên, anh nhắc chõng tre ra sân, ngồi cho mát. Cả hai đều biết cuộc gặp mặt đêm nay có mục đích gì, chớ nói chuyện bằng chữ sao cho tiện bằng ban ngày.
Sự gần gũi lần đầu trong đời người giữa đôi bạn trai gái, quá thần tiên và đẹp như mộng, đẹp hơn cả mộng nữa, bởi vì sự ấy đã là mộng rồi trong đó đôi bạn không còn ý thức rõ ràng về thực tế chung quanh.
Mạnh cầm lấy tay bạn thì nghe Bánh thở như ống bễ lò rèn. Chàng chợt nhận ra mình cũng thở như...
° ° °
Cuộc sống ở thôn quê cứ lặng lẽ trôi qua như mây bạc trên trời, hay như nước dưới dòng sông.
Thỉnh thoảng có một con cá, trồi lên mặt nước vùng vẫy một cái mạnh làm xao xuyến sông lặng rồi đâu trở lại đó như cũ.
Con cá trong làng là vụ cô Bánh. Cô Bánh có thaì. Với ai, nào ai biết đâu.
Tới chừng bụng cô ta lớn bà con mới tóa hỏa ra.
Hai ông bà bắt con mà đánh một trận như trời giáng. Đoạn ông hương bà hương mới tra gạn Bánh để biết nó đã tư tình với ai.
Bánh cứ một mực lằc đầu.
Cùng thế ông hương phải viết giấy.
"Đứa nào ở với mầy cho mầy có thai, mầy nói ra đặng tao bắt nó cưới mầy. Nếu không thì xấu hổ tao, tao giết mầy chết."
Cô Bánh viết đáp cụt ngủn:
"Con không biết."
Nổi giận, ông hương đạp con một cái lăn cù rồi đánh bồi thêm túi bụi, đánh đấm, đánh đá như người đập nệm phơi ngoài nắng.
Bà hương nóng ruột con, nhưng không dám nói gì. Bà suy nghĩ dữ lắm trong trận đòn đó và bỗng tìm được kế để cứu đứa con gái thân yêu.
- Ông à! Hay là nó không biết thật. Nó câm lại điếc, làm sao biết hết trai trong làng được.
Đánh con đã mỏi tay, nên ông hương mới chú ý đến lời bà.
Ông hơi nao núng, nhưng chỉ làm thinh. Bà đề nghị:
- Tôi nghĩ nên giao vụ nầy cho cậu hương quản của nó tra xét. Là hương chức đương quyền, cậu nó được phép tra hỏi cả làng. Mình cũng chẳng còn sợ tiếng tăm gì nữa, vì vụ nầy đã tùm lum ra rồi, ai lại không thấy cái bụng của con Bánh.
- Bà làm sao xong thì làm. Con của bà, dạy dỗ nó là phần của bà, tôi giao cho bà hết đó.
Hương qnản Nhãn là một hương chức không bận trí về pháp luật cho lắm. Ông thấy phương tiện nào mà ông ngỡ hay thì cứ dùng. Và ông cũng sốt ruột cho con cháu nên không ngần ngạì mà thi hành đến một biện pháp mà thôn quê đã bỏ hẳn ba bốn mươi năm nay rồi là tựu dân phái nam lại cho cô Bánh nhìn mặt.
Có lẽ thấy quân đội Pháp cho bao bố nhìn mặt nên ông phát hứng làm theo, chớ chắc không phải nhớ tục xưa đâu.
Sáng hôm ấy tất cả trai tráng trong làng đều bị lùa vô xóm trong. Đàn ông còn trẻ cũng không thoát được khổ dịch đó, vì biết đâu cô ta lại không bị một anh có vợ nào dụ dỗ.
Nhưng vì hương quản không đủ phương tiện bố ráp, nên các cậu trai chuồn đi rất nhiều. Đó là những cậu có chọc ghẹo cô Bánh (có tịt hay nhúc nhích ấy mà!) và những cậu đã bị bao bố của Tây nhìn mặt một lần, biết rõ những cái gặt đầu ẩu xị của lao bố, nên quyết dĩ đào vi thượng.
Đàn ông con trai đứng giàn hầu hai hàng như lính giàn mặt trong một cuộc duyệt binh. Hương quản Nhãn dắt cháu đi giữa hai hàng rào người đó
Đằng kia, dưới gốc sao, trên gò đất, nhiều vị hương chức, cha mẹ Bánh, vài bậc kỳ lão, và con trẻ cả làng đều tựu để chứng kiến cuộc truy tầm thủ phạm bí mật, vô hình này.
Cô Bánh hơi bối rối, như là cô đang đứng trước một vấn đề nan giải. Bước vào giữa hai hàng rào người, mặt cô ra vẻ miễn cưỡng nhẫn nại chịu đựng sự phanh phui nầy.
Qua mặt ai là người đó tái xanh đi, và chừng cô bước khỏi đó, họ mới thở ra, nghe nhẹ hẳn cả người.
Người câm là một kẻ lòng dạ khó lường, nên ai nấy đều sợ hãi, nghĩ cũng phải lắm.
Lạ quá, cô Bánh ngập ngừng, do dự trước bốn người con trai, nhưng mỗi lần như thế, cô lại đi qua luôn.
Mạnh đứng cuối hàng. Cô Báuh dường như không dè có mặt chàng ta nơi đó. Đến chừng đi trờ tới, thấy ông thầy chích, cô ta như sực tỉnh, áp tới mà níu áo thầy.
- À...
Cả làng đều à lên một tiếng dài, trong khi Mạnh ngạc nhiên thật tình và phản đối bắng tiếng "ủa" to.
Hương quản Nhãn cười ha hả:
- Ngỡ ai, té ra thầy ba. Thôi cũng được. Thầy chưa vợ, dễ tính lắm mà.
Mạnh hất tay Bánh rồi nói lớn lên, giọng giận dữ:
- Các ông làm như vậy oan tôi lắm. Phải có bằng cớ gì đích xác kia, chớ còn một lời quả qnyết cảm của một người á khẩu đứng làm sao cho vững!
Hương quản Nhãn ra lịnh giải tán dân làng, họ mừng quýnh, đổ túa vô trong các đám mía.
Còn lại vài ông hội tề và cha mẹ cô Bánh. Hương quản Nhãn dịu giọng dỗ ngọt Mạnh:
- Thầy ba à, nếu ra tòa, tôi chắc là tòa cũng sẽ phải tin cháu tôi. Vả lại khi không nó vu oan cho thầy làm chi? Thôi, ta thỏa thuận với nhau là hơn, cháu tôi nó xinh đẹp lại giỏi dắn; anh chị tôi cũng nhân từ, anh chị tôi sẽ gánh hết tổn phí đám cưới đám hỏi cho thầy, thầy đừng lo. Con một của nguời ta đó mà.
Mạnh sầu đến muốn cắn lưỡi mà chết. Thật là một nỗi oan Thị-Kính!
Đêm ấy anh quả có gặp Bánh tại nhà, quả có cầm tay nó, vuốt lên tóc nó và quả đã có nhiều tà ý.
Nhưng kỳ lạ quá, và mãi đến ngày nay Mạnh vẫn không hiểu sao mà đêm đó chàng có thái độ như vậy. Không phải chàng ân hận đã dại dột bỏ qua dịp may, mà chàng ngạc nhiên sao mình đã đứng đắn được như vậy.
Cầm lấy tay Bánh, Mạnh bỗng nghe ghê tởm mình quá. Dụ dỗ gái thường tuy không tốt gì, nhưng còn nghe ít tội một chút. Đàng nầy cô gái câm thật là một con mồi thật thà quá. Lòng chàng nghe khó chịu vô cùng như kẻ anh hùng ái ngại khi xuống tay hạ sát một người không được bảo vệ.
Bị cầm tay, cô Bánh giựt nẩy mình, rồi trong giây phút đê mê, cô ta ngã vào lòng Mạnh. Mạnh xô cô ta ra mấy lần mới được.
Bánh ngạc nhiên hết sức và chưa kịp hỏi nguyên do của sự thay đổi thái độ của bạn nàng thì Mạnh đã đưa tay biểu cô ta đi.
Bánh vẫn không chịu hiểu, ngồi lì đó mãi. Mạnh phải kéo cô ta dậy và đẩy đi như đuổi tà, cô ta mới chịu cúi trở xuống giường lấy khăn.
Cô gái ban đầu khóc vài tiếng rồi như nén sầu và đâm giận, vùng bỏ đi một nước.
Ngày hôm sau, Bánh lại đến, mặt hầm hầm. Mạnh xua tay bảo cô ta đi ngay cho.
Câm tức cực độ, cô ta viết:
"Em có làm gì mà anh ở ác dữ vậy. Em giận anh lắm đó! Em buồn muốn chết đi. Bộ anh thương người nào khác phải không? Coi chừng."
Mạnh có ác đâu, anh tốt lắm đó chớ. Anh chỉ vụng về thôi, không biết cách khước từ làm sao cho cô gái hiểu là không nên lén lút như vậy.
Từ đêm đó đến nay, anh không hề hội kiến với Bánh lần nào nữa cả. Thì làm sao mà nó có nghén được vói anh!
Trời hỡi nè, oan nầy ai thấu cho mình? Mà tại sao con Bánh nó vu oan giá họa một cách thất đức như vậy không rõ. Nó trả thù vì đã căm giận mình à?
Không sành pháp luật lắm, Mạnh nghe những lý lẽ của hương quản mà đâm lo. Ừ, ra tòa, tòa nào lại không nghe lời con Bánh? Sao cả trăm đàn ông con trai, nó không chỉ ai, lại nhè mình mà níu. Nó oán mình, ai biết cho? Vả nếu nó khai ra vụ đêm đó, càng chết thêm, vì có ma nào tin được rằng một cậu trai gặp bạn gái ban đêm, cô bạn sắp hiến thân cho mình, mình lại khước từ?
Thôi thì đành chịu số phận, rồi hãy hay. Anh định bụng, sau tiệc cưới anh sẽ trốn đi. Bỏ vợ không ai làm gì đuợc, còn bây giờ mà họ đưa ra tòa là dính ngay cái tội dụ dỗ gái thơ.
Đám hỏi.
Người trong làng thấy đám nầy cũng xứng đôi vừa lứa, nên họ quên chuyện tồi tệ mà chỉ khen hai trẻ tốt đôi.
Bánh là cô gái câm đấy. Nhưng tật nguyền của cô được của cải bù lại. Cô là con một của một gia đình khá giả kia mà!
Nhưng Mạnh không nghĩ thế. Anh kiếm tiền để sống, kiếm dư tiền nữa để làm cho một cô gái lý tưởng được hạnh phúc.
Cô Bánh quả có xinh đẹp thật, nhưng mà cưới một người câm thì hạnh phúc anh sẽ giảm đi bao nhiêu? Tệ hơn thế, người câm ấy bây giờ đã bị hoen ố rồi!
Anh định trốn, nhưng tính lại thì cũng không phải là chuyện dễ. Ra đi là muôn mắt dòm mình, trốn đâu cho thoát. Không lẽ giả đò dạo mát rồi lủi đại vào rừng. Vào đó, đi lạc đường sẽ khổ đến đâu.
Còn cái chỗ làm ăn nữa! Không phải mỗi lúc mà tìm ra được một chén cơm trắng, cơm thơm như thế nầy, trốn về Sài-gòn, biết còn kiếm được khách hàng như trước nữa hay không?
Khổ ơi là khổ! Mạnh lẩn thẩn đâm ra ăn năn. Phải dè lúc đó mình cứ việc... thì ngày nay dầu bị cảnh nào cũng mát bụng đi.
Đạo đức làm chi, thương người làm chi mà phải quà quạ nuôi tu hú như bây giờ? Ai ăn mắm ở đâu, mình lại chịu khát nước!
Trong thời gian ấy, Thế có lên hai lần. Nó hay tự sự, đã không tìm được mưu kế gì cứu bạn, lại cười ngã nghiêng ngã ngửa cho tình cảnh oái oăm của thằng bạn rủi ro nầy.
° ° °
Chú rể Mạnh không thèm đi làm rể làm con gì cả. Trái lại, cha mẹ vợ anh mỗi ngày mỗi đến thăm anh. Mạnh biết họ đi thăm bẫy thử xem con vật vào cạm có sảy hay không, hoặc có thử vùng vẫy, để thoát hay không.
Nói cái nào cho ngay, ông hương rất quí rể. Không ngày nào là ông bà không mang quà đến: không một con gà quay thì cũng mươi con tôm luộc, hoặc vài cặp dừa xiêm.
Người trong làng ai cũng buồn cười cho cảnh làm rể ngược đời nầy. Ông già vợ gì mà đi làm cỏ trước sân chú rể?
Hôm ấy bà Hương đem biếu một rổ bòn-bon và đưa cho Mạnh một bức thơ. Thơ rằng:
"Anh Thầy Chít ơi!
"Em thương anh Thầy Chít lắm, mà cũng giận anh Thầy Chít lắm, nên mới làm như vậy. Mà nghĩ cũng không hại gì cho anh. Em sẽ nhỏ nhoi hết sức, anh Thầy Chít muốn sai em làm gì cũng được, muốn đánh em, em cũng chịu. Tiền của em nhiều, em cho hết anh Thầy Chít đó. Tội nghiệp em lắm mà!"
Đọc xong Mạnh giận tím mặt, xé nát thơ mà vụt xuống đất. Bà già vợ anh kinh hãi vội rút lui ngay.
Trong cơn điên tiết, Mạnh muốn chạy đi tìm Bánh mà bẻ cổ cho lợi gan anh. Nhưng rồi anh dằn được.
Nghĩ cũng tôi nghiệp, Mạnh tự nhủ. Nếu mình không bày chuyện yêu đương, không rờ rẫm nó, chắc nó sẽ không bị động tình và giữ mình được. Xác thịt giống như thùng thuốc pháo. Không ai rớ đến thì thôi, mà hễ khơi ngòi nó, nó nổ lung tung, ông trời mà dập tắt được.
Bên đàng gái coi ngày gấp đặng làm đám cưới trước ngày Bánh khai hoa.
Còn hai tháng nữa!
Còn một tháng nữa!
Còn mười lăm ngày nữa!
Mạnh ra vào thơ thẩn như kẻ mất hồn.
Thấy con Ngọ bán đậu phọng rang đi ngang qua nhà, anh kêu mua một gói ăn cho đỡ buồn miệng.
Mạnh ngạc nhiên hết sức mà thấy trên giấy gói đậu có tuồng chữ viết của Bánh. Nhưng khi nhớ ra con Ngọ là chị em bạn dì với Bánh, anh không còn lấy làm lạ nữa.
Nhưng tánh tò mò, anh banh tấm giấy ra mà đọc.
"Anh Thìn ơi,
Thìn là anh ruột của Ngọ, người con trai sáng sủa nhứt trong đám nông dân ở đây.
"Anh Thìn ơi,
"Tôi vu oan cho anh Thầy Chít là để cứu anh đó. Bà con mà anh bậy quá, dụ dỗ tôi cho đến nỗi nầy.
"Từ rày tôi cấm anh léo hánh đến nhà tôi. Tôi quyết làm vợ anh Thầy Chít. Còn con anh, tôi đẻ ra, tôi sẽ lén cho nhà phước thiện. Liệu hồn, anh mà còn bén mảng đến, tôi khai tạch hoạch ra cho mà mang xấu cả lũ."
Hai tay Mạnh run bây bẩy. Mồ hôi trán anh nhỏ giọt. Anh mừng, mừng như dò giấy số thấy mình trúng độc đắc, mừng như kẻ tử tù hay tin được ân xá.
- Thôi, sướng rồi, bắt đước bằng cớ rồi! Bằng cớ nầy, mình dùng để thoát thân, rồi sẽ hủy. Nếu mình mà ác, mình sẽ làm tiền cả họ nhà nó. Chúng nó sợ xấu, mình đòi bao nhiêu họ cũng phải lòi ra.
May cho cả họ nhà nó lắm đa!
Ðèn Cần Giờ Ðèn Cần Giờ - Bình Nguyên Lộc Ðèn Cần Giờ