Số lần đọc/download: 1284 / 25
Cập nhật: 2018-08-18 10:47:52 +0700
Chương 2
C
hiều xuống đám trẻ lại lùa trâu từ đồng Mẫm về bến Lai, đằm tắm no nê đứa nào lại về nhà đứa ấy. Thằng Hữu vừa dắt con trâu vào ngõ thì đã nghe giọng lão Bành gầm gừ như con chó dại. Sợ lão ấy vác gậy vụt văng mạng, thằng Hữu vội đặt cái nón rách đựng mấy xâu cua thật dài cho lão Bành nhìn thấy. Nó vừa ngửa cái nón ra thì lão Bành cười sằng sặc:
- Buộc trâu vào, nhóm bếp nướng vàng lên cho tao- Nói rồi lão ngất ngưởng đi về phía cái quán của bà Nhỏ.
Thằng Hữu đảo mắt nhìn lão rồi lủi thủi đi vào bếp. Nó khều những đầu cây củi cháy giở chụm lại rồi châm lửa lên, lửa bén vào củi, nó nhẹ tay xiên những con cua vào cái dùi nung hơ vào than, những con cua bỏng lửa xùi bọt rớt xuống bếp xèo xèo bốc lên cái mùi thơm muôn đời từ tro bếp. Thằng Hữu định gỡ một con cua bỏ vào mồm thì giọng lão Bành đã làu nhàu từ ngoài cổng:
- Chín hết chưa, chín hết chưa? Gỡ cả ra cái loa mang lên chỗ cái chõng cho tao.
Thằng Hữu giật thót người nhưng nó cũng kịp lùi được con cua vào tro bếp. Nó lập cập bê cái loa đầy những con cua đã nướng vàng óng lên đặt trước mặt lão Bành. Lão Bành khùa tay rồi ngồi bệt trước cái chõng vừa xé cua nướng va vào mồm nhai vừa đổ rượu ra uống. Thằng Hữu đi giật lùi rồi ngồi bệt vào cái nong nhìn lão ăn. Nghe lão nhai cua rôm rốp làm nước miếng thằng Hữu cứ tóa ra. Lão Bành như không để y đến thằng Hữu nữa, lão vừa ăn, vừa uống, vừa lè nhè chửi. Thằng Hữu đã quen tai nghe bản ca nhạc muôn thuở này rồi, nó biết khi lão Bành chửi là đã đến lúc lão ta không biết gì nữa. Nó lẻn ra phía đầu nhà đi xuống bếp khời tro tìm những con cua nó vùi giấu lão Bành, thổi phù phù rồi cho vào mồm nhai ngấu nghiến. Ăn xong nó vục mặt vào vại nước uống ừng ực rồi lặng lẽ ra tựa gốc mít đứng nhìn trời, nhìn đất. Gió từ đồng cây Mơ thổi vào khua những tàu lá chuối kêu lên rào rào, gió kéo theo cả những con đom đóm từ chỗ bãi tha ma Gò Hốn cứ lập lòe bay vào lại bay ra. Nhìn những đốm sáng lập lòe ấy thằng Hữu lại nhớ bố, nhớ bầm, nước mắt nó tự nhiên lại ứa ra. Nó lại thấy bên tai nó vọng về tiếng kêu than của chị Sơn ngày bầm nó chết. Và cả câu chuyện của cái Dần bày ra lúc chiều ở dưới lùm cây vải nhà ông Bếp Thìn nữa. Đầu óc nó cứ mung lung nhưng rồi cứ như có người xui người dắt nó lững thững xách cái vỏ chai thủy tinh cái Dần kiếm cho lặng lẽ đi về phía nghĩa địa Gò Hốn. Những con đom đóm cứ rập rình trước mặt, nó quờ tay vồ nhưng không thể nào vồ được, bàn tay nó vừa chạm đến thì những con đom đóm lai vọt cao lên. Nó cứ chạy theo vồ như ếch vờn hoa mò. Mệt quá nó bò laị chỗ mộ bầm nằm. Nó ngủ thiếp đi mãi đến nửa đêm sương đằm xuống lành lạnh nó mới tỉnh dậy. Đêm dày đặc làm nó hốt hoảng, định co cẳng chạy thục mạng về nhà thì bất thần một đốm sáng xanh lè từ chỗ mộ bầm nó nhòe lên bậu vào vai nó. Nó rùng mình nhưng không thấy hoảng sợ nữa. Nó đưa bàn tay khum lại, con đom đóm chui vào bò vòng quanh lòng tay nó rồi bay vụt lên cao. Thằng Hữu ngẩn người nhìn theo, trong lòng nó tự nhiên cứ rạo rực, bồi hồi. Nó không biết được đấy là con đom đóm hay là con ma, hay là linh hồn bố bầm nó. Nó lại thần thưỡi đứng lặng dưới đêm dày. Bất chợt trước mặt nó hàng đàn đom đóm không biết từ đâu cứ rập rình kéo hàng bay về chỗ nó đứng. Thằng Hữu lại co cẳng định chạy nhưng chả biết tại sao hai bàn chân nó cứ như có ai níu lại. Nó khùa tay ra phía trước mặt, những con đom đóm cứ tự nhiên đậu vào. Thằng Hữu mở cái nút chai thủy tinh rồi khum nhỏ bàn tay lại xua nó về gần chỗ miệng cái chai. Những con đom đóm cứ thế lặng lẽ từ bàn tay thằng Hữu bò vào lòng cái chai tỏa ánh sáng lấp lánh. Thằng Hũu thích quá cứ cười khúc khích một mình và rất cảm phục sáng kiến của cái Dần, đã nghĩ giúp nó tự tạo ra ngọn đèn thiên nhiên này để tối đến đỡ phải chịu cảnh tăm tối. Nó coi những con đom đóm trong cái chai là linh hồn của bố bầm nó hiện về phù hộ. Nghĩ vậy tự nhiên nó thấy trong lòng rất sung sướng. Nó ôm cái chai vào bọc cắm cổ đi một mạch về nhà.
Đến nhà, gà cũng đã gáy canh hai. Lão Bành nằm úp mặt trên cái chõng tre ngáy ò ò. Thằng Hữu khẽ rón chân đến gần, nó nhẹ giơ cái đèn đom đóm lên, qua ánh sáng lập lòe nó nhìn thấy cái cút nằm chổng vộc, trên cái bát loa chỉ còn sót vài cái càng cua nướng nhem nhở. Thằng Hữu nhón tay nhúp mấy cái càng cua bỏ vào mồm nhai rồi ôm cái đèn đom đóm nằm vào cái nong, cái đèn cứ sáng nhấp nháy. Nó sực nhớ quyển truyện Phạm Công Cúc Hoa cái Dần cho mượn nó giấu trong ổ rơm, hôm lão Bành nổi cơn thịnh nộ đốt sách vở của nó lão đã không nhìn thấy. Nó vội lấy ra soi vào cái đèn, trang truyện mở ra, ánh đèn xanh soi rất rõ từng nét chữ. Thằng Hữu sung sướng đọc từng trang sách. Mấy tháng nay rồi đêm nay nó mới lại được nhìn thấy cái chữ. Nó cảm giác như linh hồn bầm đang theo ánh sáng đom đóm bay về với nó, bao bọc xung quanh nó, như trong truyện, nàng Cúc Hoa đã hiện hồn về với hai đứa con, che chở bảo bọc và an ủi con mình khi bị dì ghẻ đánh. Thân phận của hai đứa bé sao mà giống nó quá. Nó thầm biết ơn cái Dần. Nó hạ quyết tâm làm theo cách bày của cái Dần để được học đến tận cùng cái chữ. Nó lùi quyển sách xuống đầu giường ôm cái chai đèn đom đóm ngủ.
Mờ sáng lão Bành thức đậy. Lão cò dò mò mẫm đi lại chỗ cái vại nước, lão vục mặt vào cái vại uống òng ọc như chó uống nước giác. Uống xong lão khum hai bàn tay vốc nước lên mặt rồi lừ lừ quay lại chỗ cái chõng tre. Lão đảo mắt nhìn quanh, vẫn thấy thằng Hữu nằm co quắp trong cái nong ôm cái chai thủy tinh, Lão chồm đến vồ lấy cái chai như con mèo vồ con chuột. Thằng Hữu giật mình vội choàng dậy, nó còn quyềnh quàng trong cơn mơ ngủ. Lão Bành vằn mắt:
- Mày giấu rượu để đem cho thằng nào, con nào? Nói ngay! - Lão chồm dậy vớ cái dùi đục.
Thằng Hữu vội quì xuống vừa khoanh tay, vừa thủ thế đỡ đòn, nó đẩy cái chai ra trước mặt, giọng nó rành rọt:
- Bố nhìn kỹ mà xem. Có phải rượu đâu, đây là cái đèn đom đóm bà Tứ vó tôm cho con mượn đấy.
Nghe tên bà Tứ vó tôm, tự nhiên lão Bành đứng khựng lại, cái dùi đục trên tay lão rơi phịch xuống đất nhưng mặt lão vẫn vênh váo. Lão nghiến răng nói hít vào:
- Mày ra chỗ bà Tứ để làm gì? Từ nay tao cấm.
- Dạ, nhưng tối hôm qua lúc bố say rượu ngủ, con nghe chuộc nó kêu ran ở bờ chằm Đẩu, con dập cây nứa đi soi xem có bắt được con nào để bữa nay bố uống rượu. Thấy đuốc sáng đám chẫu chuộc cứ thế nhảy nhồm, con đuổi theo, không may vấp phải cái đám bụi cây sắn ngã dụi đầu xuống, bó đuốc dúi xuống nước tắt ngấm. Con đang sờ soạng thì bà Tứ xách cái đèn từ chỗ ao làng đi lại. Cái đèn xanh nhập nhòe cứ thế soi vào tận mặt con, tưởng là ma trơi con kêu hét lên. Nhận ra con, bà Tứ nắm tay kéo dậy. Dường như bà ấy đã biết cái việc con đang làm, bà Tứ bảo: “Cháu lấy cái đèn này mà soi. Bắt chuộc mà dùng đuốc sáng quá nó chạy, hoặc lặn hết xuống nước thì ăn nhằm chi!" Nói rồi bàTứ cứ cầm đèn soi dọc bờ chằm, con vồ dược những một giỏ đầy nhá.
Vừa nói thằng Hữu vừa chỉ tay ra chỗ cái giỏ còn treo lủng lẳng ở cái cọc sắn gần chỗ cái vại nước. Lão Bành đảo mắt nhìn rồi lò dò đi lại. Lão thò tay lắc lắc cái giỏ. Thấy động, đám chẫu chuộc kêu lên ọc ọc trong cái rỏ. Lão Bành cười tít mắt, giọng lão khồ khồ như con gà cồ thấy mái:
- Giỏi! Thằng này thế mà giỏi! Thôi ra cái vại rửa mặt rồi xem có còn củ khoai nào rửa bỏ vào luộc ăn mà đi vào rừng Rui kiếm lấy vác củi về đổi cho bà Nhỏ lấy cút rượu trưa nay tao với mày cùng nhắm!...
Nói rồi lão lại cười khùng khục. Thằng Hữu khoái trí vì nó đã lừa được lão, nhưng cũng thật may nhờ có cái giỏ chẫu chuộc của bọn thằng Tùng và bọn cái Dần nó bắt trong cống Thông cho, không thì cũng chả thoát được mấy cái dùi đục của lão Bành. Từ việc này thằng Hữu đã mơ hồ nghĩ dần ra được mẹo để đối phó với lão Bành rồi. Lúc này nó càng thấy cảm mến bọn cái Dần. Nó mong những việc cái Dần bày cho nó để học cái chữ sẽ được thực hiện.
***
Ăn xong mấy củ khoai luộc, thằng Hữu lóm thóm đeo cái vỏ dao vào thắt lưng, nó đội cái nón nửa vành đi ngang mặt lão Bành, Lão nhìn nó mãn nguyện. Biết là không có chuyện gì, thằng Hữu lẳng lặng đi ra cổng. Đi khuất khỏi cây mít trước ngõ, thằng Hữu co cẳng chạy nhanh chui tọt vào vườn chuối nhà ông Tràng Chức. Cái Dần đó ngồi chờ ở đấy. Thấy thằng Hữu nó nhe răng cười bảo:
- Tối qua có được ăn, được ngủ không?
Thằng Hữu thật thà:
- Tao đói không ngủ được, có cái đèn chai nhớ ra quyển truyện mày cho mượn giấu ở trong ổ rơm, lấy ra ghé vào cái đèn đom đóm đọc hết, đọc rồi ngủ lịm đi, sáng bảnh lão Bành đá vào đít mới thức giấc. Lão hỏi cái đèn, tao phịa chuyện như chúng mày đã bày cho, tao còn phịa thêm cả cái chuyện đi bắt chẫu chuộc với bà Tứ nữa. Lão Bành hết hung hãn ngay. Nhưng mà đi bắt đom đóm ban đêm cũng sợ lắm mày ạ! Tao phải mò mẫm ra tận chỗ mả bố bầm tao mới bắt được. Mà thật là lạ mày ạ! Những con đom đóm tao thấy ở bờ ruộng, vồ thế nào cũng không được. Tao buồn quá, mệt quá lần về chỗ mộ bố bầm tao lại thấy những con đom đóm ấy tự sà tới, tao khùa tay ra là nó đậu vào lòng tay ngay, tao nghiêng lòng tay vào cái miệng chai nó lại tự chui tọt ngay vào, cứ như là có người xui ấy. Lúc ấy quả thật tóc gáy tao cứ dựng ngược. Tao định bỏ chai lọ chạy nhưng tao nghĩ chắc là bố bầm tao hiện lên phù hộ thế là tao đếch sợ nữa. Tao lội giữa bãi tha ma chỉ một rơn là được lưng cái chai thủy tinh của mày. Quả là đèn đom đóm cũng sáng lắm. Tao đọc rất tỏ chữ mày ạ! Theo kế hoạch của bọn mày nhất định tao sẽ học được cái chữ nhưng tao lại e... Thứ nhất việc học bằng đèn đom đóm chỉ thuận lợi khi thời tiết đang là mùa hè, còn mùa đông đom đóm hiếm lắm, kiếm tìm đâu ra, vả lại học kiểu này có giỏi cũng chỉ để biết chứ có được lên lớp đâu.
Thằng Hữu thở dài. Cái Dần lại cười khúc khích:
- Ông mãnh ơi, tài lo xa thế là tốt nhưng cái bài học đèn đom đóm qua sách vở tao chép giùm chỉ là trước mắt thôi, về lâu dài tao phải thưa với thầy giáo Thuyên tìm cách cho mày được đến lớp để học chứ. Ngay bây giờ cứ phải làm theo cái cách đã tính sẵn với nhau rồi đã. Mai kia bọn mình phải tranh thủ gặp gỡ làm thân với bà Tứ vó tôm, mình sẽ dựa vào điểm yếu của lão Bành nhờ bà Tứ trị lão ấy chừa bớt cái tính độc ác, hung dữ và thưa với thầy Thuyên về hoàn cảnh khó khăn của mày chắc là thầy giáo sẽ có biện pháp cùng với thôn xóm để cho mày được đến lớp học hành cùng bọn tao. Còn bây giờ cứ phải lặng lẽ dùng đèn đom đóm để khắc phục việc học hành trước mắt đã. Mà nếu mày dùng ngọn đèn đom đóm mà thành trò giỏi, sau này thành kỹ sư, bác sĩ có khi cái đèn đom đóm tao sáng tạo ra cho mày lại thành truyện cổ tích của làng Thông mình đấy- Cái Dần lại cười tít mắt - Thôi ăn cơm đi, cơm nắm của bầm tao nắm vào mo cau đấy, ăn rồi vào rừng lấy củi, chiều đi chăn trâu về cứ ra chỗ này mà lấy sách, tao để sẵn đấy nhá.
Nói rồi cái Dần cắp sách quay đầu đi về phía trường học.
Thằng Hữu ngồi lặng, nó đưa mắt nhìn theo cái Dần rồi nhìn nắm cơm tròn xoe trong cái mo cau. Nước mắt nó tự nhiên chảy ra ròng ròng, nó biết ơn bọn cái Dần và có cảm giác tủi tủi phận mình. Nó giở cái mo cau bẻ nắm cơm ra ăn, cơm có muối vừng thơm phức nhưng không hiểu tại sao nó không nuốt được. Nó bóp chặt nắm cơm trong lòng tay, nước mắt cứ ứa ra. Chợt trong làn gió sớm mát lạnh như có giọng nói ngọt ngào. Giọng nói rất giống giọng bầm nó:
- Cứ ăn đi con ạ! Ăn mà lấy sức còn làm lụng, khi lớn khôn con phải biết những hạt cơm này là hạt vàng, hạt ngọc, là mồ hôi nước mắt của bà con làng Thông đã chắt chiu dành cho con đấy! Ăn đi con!
Thằng Hữu ngẩn ngơ rồi bẻ nắm cơm ăn. Cơm trôi đến đâu ruột gan nó mát đến đấy. Nó tự nghĩ: Mình ăn cơm là ăn hạt vàng, hạt ngọc của quê hương, mình phải cố gắng sống có nghĩa với những hạt vàng hạt ngọc ấy, Phải biết quý mến bọn cái Dần, cái Tráng... Phải học để làm được thật nhiều những bài toán khó, những bài văn hay, phải chung sức giúp bọn cái Dần cùng học, cùng biết những bài khó để cho thầy giáo Thuyên thật vui lòng!... Nghĩ vậy thằng Hữu ăn thấy ngon miệng hơn.
Ăn xong, nó đeo vỏ dao vào thắt lưng cắm đầu đi một mạch vào rừng Rui. Rừng buổi sáng thơ mộng và huyền bí. Nó lách theo cái lõng chui sâu vào lòng rừng. Nó lầm lũi với những công việc đã quen thuộc, đốn những cành củi khô từ những cây Hu, cây Bứa, cây Nhọ nồi... đốn ngắn, bó lại thành bó để mang về đổi cho bà Nhỏ lấy cút rượu cho lão Bành. Nó cặm cụi vừa làm vừa thổi sáo, rừng cũng rộn lên, những chú chim Láo cáo, chim Cu rúc, chim Chà cùi.... Từ các tán cây cùng ran lên, tạo ra những khoảng trời xanh ngắt của rừng. Thằng Hữu dựng gánh củi tựa vào gốc cây Sầm đen ngồi hít thở không khí của rừng sau giờ lao động mệt nhọc. Rừng càng đẹp, càng thơ mộng, thằng Hữu càng thấy hẩm hiu cho thân phận của nó. Nó tựa lưng vào bó củi lặng nhìn trời, trong mắt nó lại bày ra ngôi nhà hoang toàng đầy mạng nhện với cái chõng tre lúc nào cũng ngoam nguốc, nồng nặc mùi rượu từ lão Bành phả ra cùng những trận đòn thượng cẳng chân hạ cẳng tay lão quật xuống thân xác nó. Thằng Hữu thấy có cái gì thật xót xa, cay đắng. Nó tự luận ra một điều: Nếu bố bầm nó còn sống, nó làm lụng vất vả thế này, bố bầm nó sẽ khen, sẽ mua áo quần mới cho nó mặc. Đằng này không những lão Bành không đả động gì đến những việc làm của nó mà lão ấy chỉ biết uống rượu, rượu lại từ những gánh củi mà nó phải vất vả, mệt nhọc hàng buổi mới có. Lão ấy uống hết, ăn hết cả phần của nó, lại đốt sách vở không cho nó đi học và lại còn đòn roi thượng cẳng chân, hạ cẳng tay với nó nữa. Thằng Hữu tự nhiên thấy ngán ngẩm lão Bành. Thằng Hữu lắc đầu, chép miệng: Chả nhẽ cứ phải sống mãi cảnh này sao? Nó thở dài và thầm kêu bố, kêu bầm. Nó tựa lưng vào bó củi nhìn trời. Chợt có tiếng sột soạt từ trong đám cây Mua đi ra. Thằng Hữu vội đứng choàng dậy. Bà Tứ vó tôm đã đi lại gần chỗ gánh củi của nó. Nó vội khoanh tay:
- Cháu chào bà Tứ ạ. Bà lên rừng làm gì thế?
Thấy nó ngoan ngoãn, bà Tứ ngẩn người vì trong đầu bà bấy nay không hề có nó, bà ghét lão Bành thành thử ghét luôn cả nó, bà quên mất sự trống vắng của một đứa trẻ mồ côi cha mẹ. Bà nhìn nó giọng ngọt ngào:
- Sao cháu không đi học mà lại vào rừng lấy củi một mình?
- Dạ, lão Bành đốt hết sách vở của cháu rồi, lão ấy bảo: “Không phải học hành gì hết, cứ ở nhà lớn lên đi cày, học hành làm gì cho tốn giấy, tốn mực" Hàng ngày lão ấy bắt cháu đi chăn trâu, kiếm củi về đổi quán bà Nhỏ lấy rượu cho lão ấy uống. Cháu sợ lão ấy lắm. Cháu trách bầm cháu chả biết tự nhiên lại rước lão ấy về rồi lại vội chết đi để cháu cực quá bà ơi!
Thằng Hữu nói như muốn khóc. Bà Tứ nhìn nó ngậm ngùi, bà chưa biết tìm câu gì để an ủi nó cho phù hợp thì thằng Hữu lại hỏi:
- Sao hôm nay bà không kéo vó tôm mà lại vào rừng lấy củi, bà có mua gánh củi này không? Nếu bà mua cháu sẽ gánh về tận nhà cho.
Bà Tứ cười:
- Bà vào rừng đào khúc rễ Mí để ăn trầu nhưng cây mí to, rễ chìm sâu quá bà không đào được, bà đành vạc tạm cái vỏ nó về để ăn cho đỡ nhạt miệng.
- Thế thì bà để cháu đào cho.
Nói rồi thằng Hữu cầm con dao phăm phăm đi lại chỗ gốc cây Mí. Nó cắm đầu hùng hục đào. Chỉ khoảng nửa giờ nó đã lôi lên được cái rễ mí dài thườn thượt đến một xải tay. Nó vừa nói vừa cười bảo bà Tứ:
- Cái rễ này bà phải ăn được vài tháng mới hết, nếu bà sợ nó khô bà cứ chặt khúc ra vùi xuống đất, nó tươi lâu lắm. Ngày bầm cháu còn sống bầm cháu cũng làm thế bà ạ!
Vừa nói nó vừa ngước mắt nhìn bà Tứ. Bà Tứ im lặng, tự nhiên bà thấy trong cổ có cái gì đắng chát. Bà bùi ngùi bảo:
- Cháu thật là ngoan, bà vô tâm quá! Mang gánh củi này về nhà bà, bà mua cho.
Thằng Hữu nhìn bà Tứ cười tít mắt. Nó lúi húi quảy gánh củi lên vai theo bà về nhà.
Bà Tứ bảo nó đặt gánh củi vào góc bếp, bà lấy đường pha nước cho nó uống. Thằng Hữu tròn mắt nhìn bà rồi lẳng lặng bê bát nước uống ừng ực. Uống xong nó đặt cái bát xuống bàn nhìn bà. Bà Tứ hỏi:
- Cháu uống nữa không?
Thằng Hữu lắc đầu. Bà Tứ lặng lẽ mở mối thầu cái bao đưa cho nó một đồng và xúc cho nó hai đấu gạo đầy vào cái móm lá cọ, bà ân cần:
- Gạo cháu mang về cất vào chỗ ổ rơm, lúc nào lão Bành nó say rượu thì đổ vào nồi nấu mà ăn, còn đồng bạc thì để giành. Nếu lão Bành đòi rượu thì cũng chỉ mua đúng hai hào thôi, đừng để cho lão ta biết chỏu có tiền. Thỉnh thoảng ra đây đi kéo vó tôm, đi dồn vịt về chuồng với bà cho vui cháu nhá!
Bà Tứ nhìn nó âu yếm. Có lẽ từ ngày bầm nó chết, chị Sơn đi lấy chồng hôm nay thằng Hữu mới được những giây phút ấm cúng, hạnh phúc như thế này! Nó khoanh tay vâng dạ rồi đội cái nón nửa vành lên đầu, lón thón đi ra khỏi căn nhà của bà Tứ. Nó rất sung sướng và trong lòng không còn cảm giác thấp thỏm sợ lão Bành nữa, nó đi một mạch về nhà, lẳng lặng lại chỗ ổ rơm cất cái móm gạo rồi ra vại nước vớt nước lên mặt cho mát. Thấy thằng Hữu dội nước ào ào, lão Bành từ ngoài vườn chuối chui vào, mắt lão lơ láo nhìn. Không thấy thằng Hữu kiếm được thứ gì, lão Bành vằn mắt:
- Mày đi đâu từ sáng đến giờ mà đếch mang được cái gì về, mày muốn chết theo con mẹ mày thì bảo ông!
Thằng Hữu không tỏ ra sợ sệt như trước mà nó còn dõng dạc nói:
- Củi con bán rồi.
- Mày bán ở đâu? Bán giấu tao à? Thằng này càng lớn càng cứng đầu, cứng cổ.
Vừa nói lão vừa vớ cái roi cật nứa xông lại chỗ thằng Hữu. Thằng Hữu thong thả bảo:
- Con bán củi cho bà Tứ, chả tin bố ra mà hỏi bà ấy xem có đúng không? Thấy con gánh củi từ rừng Rui về, bà ấy gọi, con gánh củi vào nhà, bà ấy lấy cả, còn trả con những ba hào kia.
Nói rồi thằng Hữu móc cạp quần lôi ra ba hào bạc. Thấy có tiền, lại nghe thằng Hữu vào nhà bà Tứ, lão Bành câm họng, lão chắp tay sau đít đi vào chỗ cái chõng. Đoạn lão hạ giọng bảo thằng Hữu:
- Thôi, thế cũng được. Mày ra quán bà Nhỏ mua lấy cút rượu và hào lạc rang về tao với mày cùng ăn mà còn đi chăn trâu.
Thằng Hữu lẳng lặng làm theo. Trong lòng nó thấy thật là khoái mãn. Nó thấy bọn cái Dần thật là thánh. Cứ cách này, chắc chắn nó sẽ được đi học, sẽ thoát khỏi được cảnh sống đòn roi của lão Bành. Nó tung tăng vừa đi vừa huýt sáo.
***
Buổi tối, khi gió từ đồng Cây Mơ hẩy vào làng Thông rào rào trên những mái nhà lá cọ. Đom đóm từ những bụi bờ nhập nhòe bay ra. Đợi cho lão Bành nốc hết cút rượu gục đầu xuống cái chõng tre. Thằng Hữu rón rén cầm cái chai thủy tinh đi ra cổng. Nó rẽ vào vườn chuối nhà ông Tràng Chức, lặng lẽ lủi vào bụi chuối ở góc vườn, nơi nó và cái Dần quy định là chỗ liên lạc bí mật với nhau. Thằng Hữu lặng lẽ nhấc tàu lá chuối khô phủ ở gốc chuối lên, cái gói nhỏ đã đặt sẵn ở đó. Thằng Hữu vội mở ra. Một quyển sách giáo khoa bài tập toán, hai quyển vở và một gói cơm tròn trong cái mo cau. Thằng Hữu mở nắm cơm ăn, cơm có cả quả trứng vịt luộc với gói muối trắng. Thằng Hữu vừa sung sướng vừa cảm động. Nó không biết rồi mai này phải làm gì để trả lại, đền đáp lại tình nghĩa của bạn bè. Nước mắt nó tự nhiên lại chảy ra. Nó quệt ngang cánh tay lau rồi lại lặng lẽ bẻ cơm ăn. Gió vẫn từng cơn từ ngoài đồng Cây Mơ thổi vào làm những tàu lá chuối tốc lên, va vào nhau rách ra tướp táp để rụng xuống vườn chuối những vì sao nhấp nháy. Phong cảnh quê nhà cứ gợi trong đầu thằng Hữu những cảm nghĩ kỳ lạ mà nó cũng không tài nào hình dung ra hình thù, khuôn mẫu. Cũng như cuộc đời nó với những bữa cơm lặng lẽ một mình dưới vườn chuối này nó cũng chưa cắt nghĩa được. Vậy thế nó quyết tâm dù khổ sở đến mấy cũng phải học cho được thật nhiều cái chữ vào trong đầu. Chỉ có cái chữ mới có thể giải được những bí ẩn mà bây giờ nó vẫn chưa thể hình dung ra được hình thù, khuôn mẫu. Nghĩ như vậy nó quyết tâm hơn. Nó bỏ qua mọi mặc cảm, mọi sợ sệt, Nó cắp mấy quyển sách, quyển vở của cái Dần vào nách và xách cái chai thủy tinh đứng dậy. Nó cắm đầu đi một mạch về chỗ bãi tha ma gò Hốn, chỗ ấy có mồ bố bầm nó và những con đom đóm to đang nhập nhòe bay.
Nó cứ vờn theo những con đóm, lừa vốc vào lòng tay rồi thả vào cái chai thủy tinh. Nhiều con đom đóm tinh quái cứ rập rờn vụt tít lên cao, thằng Hữu cũng phải nhảy cò cỡng lên mới vồ được. Nó cứ lặn lội một mình trong đêm, đến khi cái chai sáng nhòe lên nhìn thấy rõ cả những ngọn cỏ gà trên những nấm mộ, lúc ấy thằng Hữu mới lững thững đi về nhà.
Về đến nhà nó lặng lẽ nằm vào chỗ cái nong ở góc xó nhà mở sách vở ra học. Nó cứ học miết đến khi những con đom đóm ở trong cái chai thủy tinh mệt xỉu nằm im không chịu bò để tỏa ra ánh sáng nữa nó mới gấp sách vở lẻn ra vườn chuối cất vào chỗ đã hẹn để cho sáng mai cái Dần lấy đi lên lớp. Nó cẩn thận đặt những quyển sách, quyển vở vào giữa khóm chuối, lấy lá đậy lên rồi lặng đi về. Cái mệt nhọc sau một ngày chăn trâu, kiếm củi, những vật vã với những bài toán, câu văn, nét chữ tới thấu đêm làm nó mệt nhoài nhưng trong lòng thằng Hữu lại thấy vui vui vì những việc nó vừa làm phần nào đã giúp đỡ được bọn cái Dần, chúng nó sẽ hiểu bài và dần dần sẽ cùng nhau học khá lên, chúng nó cùng học khá chắc là thầy Thuyên sẽ vui lòng lắm. Thằng Hữu không nghĩ việc nó đang làm là để trả ơn bọn cái Dần mà nó nghĩ đến tình bạn bọn cái Dần đã mang đến cho nó. Nó phải có nhiệm vụ giúp bọn cái Dần hiểu bài, học giỏi như chính những công việc mà bọn cái Dần đã giúp đỡ nó trong cuộc sống thiếu túng, khổ sở nó đang phải chịu đựng, vượt qua hàng ngày, hàng giờ dưới mái lá nghèo và những sự tàn nhẫn của lão Bành. Nó bắt đầu mơ hồ nhận ra số phận của mỗi kiếp người khi sinh ra ở cõi đời này nhưng nó chưa thể cắt nghĩa đến đầu, đến ngọn được. Nó vừa suy đoán vừa lủi vào bóng đêm đi về nhà.
Gà cũng đã bắt đầu gáy gọi canh ba. Đêm cũng dịu xuống lành lạnh vì những giọt sương, gió ngoài đồng Cây Mơ như cái quạt phe phẩy hắt vào làng làm cho giấc ngủ của người làng Thông say nồng hơn sau một ngày làm lụng mệt nhọc. Về đến chỗ cây mít ở đầu cổng, thằng Hữu đi vòng ra phía đầu bếp lại chỗ cái nong. Đến chỗ gần cái chĩnh nước, qua ánh sáng nhập nhòe của cái đèn đom đóm, thằng Hữu đảo mắt nhìn. Nó thấy lão Bành vẫn nằm úp mặt vào cái chõng tre, hai tay lão xoài thõng xuống nền đất, cái cút thì lăn chổng nghiêng xuống đất. Thằng Hữu đứng lại nhìn, lần đầu tiên nó nhìn kỹ lão Bành nằm ngủ, mặt lão ấy mét như tàu lá khoai nước bị lửa cứ hằn lên qua ánh sáng xanh lét của cái chai đèn đom đóm nom càng sợ hãi. Thằng Hữu cứ đứng lặng nhìn, tự nhiên trong lòng nó lại chộn rộn một cảm giác vừa hận lại vừa thương lão Bành. Thằng Hữu khẽ rón chân xách cái đèn đi lại gần xem có con muỗi nào thì khẽ phẩy cái quạt cho nó bay đi. Nó cứ đi bước một, phòng sợ lão bất thần tỉnh giấc thì còn có cách đối phó. Nhưng lạ là khi thằng Hữu soi cái chai đèn vào mặt mà lão Bành vẫn nằm lặng. Thằng Hữu đoán chắc lão ta uống say quá! Nó tần ngần đứng nhìn nhưng tự nhiên nó thấy một cảm giác lạ. Tại sao hôm nay lão Bành lại không ngáy ò ò nhỉ? Nó căng mắt nhìn và liều đánh bạo đập nhẹ tay vào bả vai lão. Lão vẫn nằm im không động đậy. Tự nhiên thằng Hữu thấy lành lạnh ở sống lưng. Nó đặt cái đèn xuống đất lấy hai tay lay nhẹ vào vai lão Bành. Lão vẫn câm lặng, cái cổ nghẹo về bên trái, bọt mép phòi ra nhễ nhãi. Thằng Hữu loay hoay không biết xoay sở ra sao. Tiếng gà vẫn vọng eo óc khắp làng. Đêm hôm, làng đang ngủ thế này biết gọi ai được. Gọi bọn cái Dần, bọn thằng Tùng, thằng Phú giờ này càng khó, chúng nó đang ngủ chỏng kheo cả. Mà có gọi chúng nó cũng như mình thôi, biết xoay sở thế nào được. Cứ để lão nằm thế này đến sáng lão chết ra đây cũng tội. Thằng Hữu thở dài và như có ai mách bảo, nó co cẳng cắm đầu chạy một mạch ra ngôi nhà của bà Tứ ở ven chằm Đẩu. Nó vừa xách cái đèn đến nơi thì con chó Mích của bà Tứ xồ ra cắn ông ổng. Thấy động, bà Tứ thức đậy khêu to ngọn đèn dầu. Bà nhìn ra ngõ thấy cái đèn đom đóm xanh lè nhấp nháy. Bà lên tiếng quát con chó nằm vào chỗ rồi mở của. Thằng Hữu lập cập xách cái đèn chạy vào, nó như sà vào lòng bà vì vẫn còn đang trong cơn hốt hoảng. Bà Tứ ân cần:
- Có việc gì mà đến nhà bà trong đêm khuya khoắt thế này? Cứ bình tĩnh nói bà nghe xem nào! Lão Bành lão ấy đánh đòn à? - Bà Tứ hỏi dồn
- Dạ, dạ không phải ạ! - Thằng Hữu lập cập, giọng nó vẫn bạt trong hơi thở hổn hển. Nó gục vào lòng bà nói như van lạy:
- Bà ơi bà sang nhà cháu đi, lão Bành chết rồi hay sao ấy bà ạ! Cháu học bài xong vừa lùi sách vở giấu vào gầm cái nong, cháu ra bụi chuối đi đái thì thấy lão Bành nằm úp mặt xuống cái chõng nhưng cháu không thấy lão ta ngáy ò ò như mọi hôm. Cháu rén chân lại gần thì thấy cổ lão ấy nghẹo sang một bên, nước dãi sùi ra, cháu lay mãi mà lão ta cũng không động đậy. Một mình chả biết làm thế nào cháu đành đến phiền bà, bà sang nhà cháu đi. Cháu sợ lắm bà ạ!
Bà Tứ kéo thằng Hữu vào lòng, bà định an ủi nó câu gì nhưng bà lại thôi. Bà lặng lẽ cài trái cái then cửa và xách cái đèn kéo tay thằng Hữu lách vào màn đêm cắm đầu đi một mạch về chỗ lão Bành.
Đến nơi bà vặn to ngọn đèn soi vào mặt lão Bành. Bà nhẹ ấn ngón tay lên chỗ rãnh mũi lão rồi bà quay ra bảo Thằng Hữu:
- Con có buồn đái không?
Thằng Hữu ngơ ngác nhìn bà. Bà lại hỏi:
- Con có buồn đái không?
Thằng Hữu vẫn chưa rõ điều gì nhưng nhìn nét mặt và cử chỉ tất bật, vội vàng của bà thằng Hữu gật đầu mặc dù nó không hề buồn đái tí nào. Bà Tứ vội vớ cái bát ở trên mặt cái chõng đưa cho thằng Hữu bảo:
- Con đái vào đây cho bà, mau lên!
Thằng Hữu cầm cái bát đứng đực mặt nhìn. Bà lại giục:
- Mau lên con.
Như cái máy, thằng Hữu vạch chim đỏ mặt rặn. Nó cũng đái được đầy một bát nước đái. Nó hấp tấp bê hai tay đưa cho bà Tứ. Bà bảo nó giữ nhẹ hai chân của lão Bành nguyên thế và cứ thế bà khum tay vã nước đái vào mặt, vào khắp người lão Bành. Bà vừa vã nước đái vừa xoa, khoảng nửa tiếng thì thấy lòng ngực lão Bành phập phồng thở. Bà ngừng tay nhìn khắp thân thể lão rồi bà lại nhẹ nhàng dùng ngón tay chỏ khẽ ray nhẹ vào chỗ rãnh mũi của lão Bành. Một lúc thì thấy mi mắt lão hơi động đậy. Bà Tứ thở phào bảo thằng Hữu:
- Con chạy mau ra vườn nhà ông Tràng Chức bẻ cho bà xin tạm một cây mía, sáng mai bà sẽ nói với ông ấy. Đi đi con!
Thằng Hữu lại cắm cổ chạy đi.
Thằng Hữu mang cây mía về, bà Tứ bẻ mía dước bỏ vỏ cho vào cái cối đá giã, được đầy một bát nước mía. Bà móc túi lôi ra củ gừng bỏ vào mồm nhai nghiền thật nhừ rồi nhổ vào bát nước mía. Bà nhẹ tay bóp vào cằm lão Bành. Cái miệng lão hơi hé ra, mắt ngước nhìn ngược. Bà bảo thằng Hữu bưng bát nước mía đổ vào mồm lão. Khi nước trong cái bát đã cạn hết, bà nghiêng tay vét hết những cái bã gừng còn lại đấp vào trán lão Bành và lấy cái khăn mặt ướt đắp lên. Việc xong bà ân cần bảo thằng Hữu:
- Được rồi, lão ta không chết đâu mà sợ con ạ! Bây giờ con xem có còn gạo thì bỏ vào nồi ninh lấy một nồi cháo thật nhừ. Bà về lấy cho quả trứng đập vào cho lão ấy ăn là ổn.
Nói rồi bà xách cái đèn đứng đậy đi về. Thằng Hữu đứng lặng nhìn theo, lòng nó lại chộn rộn, lại rối bời những suy nghĩ không đầu, không cuối. Nó vừa mừng lại vừa lo. Mừng vì lão Bành đã qua được cơn hiểm nghèo, lão ấy không chết nữa nhưng thằng Hữu lại lo lão vẫn tiếp tục uống rượu và lại đánh đòn, không cho nó học bài cùng bọn cái Dần, cái Tráng. Nghĩ vậy nhưng thằng Hữu vẫn nhớ lời bà Tứ, nó lặng lẽ lôi cái móm múc đầy bát gạo đổ vào nồi và nhóm lửa lên. Lửa bén, nồi cháo sôi lên ình ịch thì trời cũng tảng sáng, bà Tứ cũng cầm mấy quả trứng đến. Bà bảo thằng Hữu đập vào nồi cháo, khuấy đều cho thật nhừ. Cháo được bà múc đầy vào cái bát loa và bảo thằng Hữu đỡ đầu lão Bành tựa vào đùi nó và bà lấy thìa múc cháo cho lão ăn. Ăn được nửa bát cháo thì lão Bành tỉnh táo, lão đảo mắt ngơ ngác nhìn quanh nhà. Tất cả đều yên vắng chỉ có bà Tứ và thằng Hữu ở bên lão. Tự nhiên trong hai hố mắt sâu hoáy của lão òi ra những dòng nước tràn ngập lên hai cái đồng tử trắng dã của lão. Lão cất giọng méo mó:
- Tụi đang ở đâu thế này? Thằng Hữu, mày kiếm ở đâu ra cháo ngon thế!
Vừa nói lão vừa gượng ngồi dậy nhưng cái đầu lão không tài nào cất lên được. Bà Tứ nhìn lão bảo:
- Ông cứ nằm yên đấy, thằng Hữu nó phục dịch. Ông uống nhiều rượu quá bị trúng cảm, nó nhiễm vào não, may mà thằng cháu Hữu nó biết, chậm một tí nữa thì ông cũng ra vườn Hốn nằm với giun rồi. Bệnh của ông hơi nặng, bị bán thân bất toại đấy! Có khỏi cũng phải hàng năm nhưng cũng chỉ đi lại được thôi! Ông cố ăn uống thật điều độ để đi lại được đừng để ỉa dề, đái dầm thế này thì làm tội thằng cháu Hữu đấy!
Nói đoạn bà lặng lẽ đứng dậy.
Mùa hạ, mặt trời như cái lưỡi đỏ đọc bắt đầu thè lên đỉnh núi Châm, nắng nhọn như những cái dùi lửa xuyên xuống làm cho những giọt sương trên những tàu lá chuối bốc khói tan biến. Bầu trời cao vồng lên. Từ các ngõ cổng đám thằng Phú, cái Dần, Cái Tráng... nhí nhéo gọi nhau đến lớp. Thằng Hữu vẫn ngồi ở cái chõng với lão Bành. Nó nhìn lão, lão cũng nhìn nó nhưng không ai nói với ai câu gì. Trong đầu thằng Hữu tự nhiên lại hiện lên hình ảnh cái Dần đang rón rén đến chỗ vườn chuối nhà ông Tràng Chức. Nó nhẹ thò tay nhấc tàu lá chuối khô lấy những quyển sách, quyển vở bỏ vào cặp rồi lại lặng lẽ để cái mo cơm vào đấy cho thằng Hữu. Hình ảnh cái Dần cứ lồ lộ trong mắt làm cho lòng dạ thằng Hữu rối bời. Nó gọi to:
- Dần ơi!
Lão Bành giật mình, giọng lão vẫn méo mó:
- Mày kêu cái Dần làm gì thế?
Thằng Hữu giật mình nhận ra thực tại. Nó ngoảnh lại nhìn lão Bành, bất chợt nhìn thấy hai dòng nước vẫn lặng lẽ òi ra từ hai khóe mắt lão. Lão muốn nói điều gì với thằng Hữu nhưng mồm miệng lão cứ như có ai búp chặt. Lão ngước mắt cứ nhìn thằng Hữu chầm chập như đứa trẻ con nhận lỗi trước người lớn. Thằng Hữu cũng mở to đôi mắt ngây thơ nhìn lão rồi nó bảo:
- Bố cứ nằm nghỉ đi, đừng nghĩ ngại gì, cái nhà này vẫn còn con ở lại đây, con cũng bắt đầu nhớn rồi, con sẽ chăn trâu, kiếm củi nuôi bố. Khó nhọc mấy con cũng vượt qua được. Việc gì khó hoặc lúc bần hàn con sẽ nhờ bà Tứ và đám cái Dần giúp đỡ. Bố đùng lo!...
Lão Bành tròn mắt chằm chặp nhìn thằng Hữu và hai dòng nước trong khóe mắt lão vẫn cứ òi ra giàn giụa!
***
Lão bành mắc bệnh nằm liệt, Thằng Hữu thoát cảnh đòn roi nhưng những nhọc nhằn lo toan lại như cái gánh nặng khổng lồ đè lên đôi vai còn thơ dại của nó. Ngày ngày nó vừa phải lặn lội để có bát cơm, bát cháo cho lão Bành ăn vừa phải tắm rửa, giặt giũ cho lão, và còn cái việc quan trọng là đi học chữ nữa. Bây giờ lão Bành không còn sức, còn quyền để cấm nó đến trường, đến lớp nhưng mọi việc bắt buộc nó phải tự lo lấy, không thể ỷ nhờ vào bọn cái Dần được. Nó quyết tâm không làm phiền bọn cái Dần nữa. Hàng ngày nó đi chăn trâu kiếm củi để lấy tiền, lấy lúa gạo sinh sống và nuôi lão Bành. Đêm đến nó vẫn lặn lội xách cái đèn chai ra bãi tha ma gò Hốn bắt đom đóm về làm đèn để học bài. Biết hoàn cảnh và những công việc của nó bà con làng Thông ai cũng thương nhưng cũng chỉ biết bấm bụng nhìn và an ủi nó. Bọn thằng Tùng, thằng Phú đặc biệt là cái Dần càng cảm phục và yêu quý thằng Hữu nhiều hơn. Hình như tối nào chúng nó cũng rủ nhau tụ tập ở nhà thằng Hữu học hành tới thật khuya. Thằng Hữu rất sáng dạ, nhiều bài toán, bài văn khó cả đám ngậm bút nhìn đèn, thằng Hữu chỉ cần vò đầu bóp trán một lúc là tìm ra kết quả. Tìm ra kết quả nó lại nói cặn kẽ cho cả bọn bạn bè cùng hiểu, cùng làm được như nó. Nhờ sự giúp đỡ của thằng Hữu mà cả đám học trò của làng Thông đều học khá dần lên. Thấy vậy thầy giáo Thuyên rất vui mừng. Thầy coi thằng Hữu như đứa con, đứa cháu. Thầy Thuyên tuyên bố với cả lớp miễn tiền học phí cho thằng Hữu, cả lớp cùng vỗ tay reo. Thằng Hữu cứ ngồi thẩn, nó vừa biết ơn thầy Thuyên, biết ơn các bạn trong lớp đã dành phần ưu ái cho hoàn cảnh đặc biệt của nó nhưng nó thấy tủi tủi trong lòng. Nó lặng lẽ tìm cách cũng phải có đủ tiền để đóng học phí như các bạn, không được lấy công không của thầy Thuyên. Nó về thỏ thẻ chuyện với bà Tứ, bà Tứ cười xoa đầu nó bảo:
- Việc này bà giúp cháu, nhưng cháu cũng phải vất vả thêm một chút đấy.
Thằng Hữu tròn mắt nhìn bà Tứ rồi nó hỏi dồn:
- Việc gì, bà bày cho cháu ngay đi, cháu không sợ khổ đâu bà ạ!
- Ừ, bà biết thế, từ rày cứ buổi chiều cháu chịu khó lội ra chằm Đẩu lùa đàn vịt về nhà cho bà, vịt nó đẻ trứng, bà bán sẽ chia phần trăm cho.
Thằng Hữu nhìn bà Tứ cười tít mắt và co cẳng tung tăng chạy một mạch về nhà. Nhìn theo nó bà Tứ thấy có gì cứ nghẹn nghẹn ở trong lòng. Bà thấy cái việc bà cứu sống lão Bành vừa phúc lại vừa tội cho nó. Bà vịn tay vào cánh cửa nhìn theo nó thở dài.
Từ ấy cứ buổi chiều thằng Hữu lại vác cây sào nứa buộc tàu lá như cái cờ lội khắp chằm Đẩu lùa đàn vịt về cho bà Tứ. Thấy vậy nhiều người bảo bà Tứ ác, lợi dung công sức của thằng Hữu để an nhàn... nhất là bọn cái Dần. Nhiều khi nó can thằng Hữu, cấm không được làm việc ấy nữa. Thằng Hữu chỉ nhe răng cười. Đến khi thấy thằng Hữu mang tiền học phí nộp đủ các kỳ cho thầy Thuyên thì cả làng và bọn cái Dần mới ngớ người ra. Thằng Hữu cứ lầm lũi vừa tựa vào mọi người vừa tự vươn lên dần dần làm chủ lấy cuộc sống riêng, hoàn cảnh riêng của mình. Thấy tấm lòng của nó thật thơm thảo, lão Bành càng hối hận, nhiều lúc lão cũng cố gượng gạo để cầu mong khỏi bệnh nhằm giúp nó những việc vặt trong nhà nhưng căn bệnh dường như đã thành cố tật nên lão đành nằm liệt. Lão thường đái ỉa luôn ra quần. Có buổi tối bọn cái Dần, bọn thằng Tùng đến học bài, chúng nó thấy thằng Hữu đang rửa đít cho lão Bành, bên cạnh cái chõng tre lại một đùm quần áo bám đầy cứt đái. Bọn nó lè lưỡi bảo:
- Thằng hâm, có phải bố mày đâu mà mày khổ thế hả Hữu! Cứ kệ mẹ lão ấy, mày không nhớ lúc lão ấy còn sức dài vai rộng ngày lão ấy trần mày mấy đận dùi đục, mấy trận roi cật nứa. Cái mông của mày còn đầy vết sẹo lươn, sẹo trạch đấy, mày quên nhanh thế hả thằng hâm! Mày cứ kệ mẹ cho lão ta chết đi cho nhẹ nợ!...
Thằng Hữu vẫn như không nghe thấy những lời nói của bọn bạn, nó vẫn lầm lũi lau chùi và mặc quần áo cho lão Bành, xong xuôi nó mang đùm quần áo đầy cứt đái xuống bến giặt sạch rồi nhẹ nhàng nói với bọn thằng Tùng, bọn cái Dần;
- Bọn mày thương tao thì đừng nói vậy. Dù sao ông ấy cũng là người mà một thời bầm tao coi như cái cây cột trụ ở trong nhà này. Không may bầm tao xấu số chết sớm, chị em tao vẫn ăn cùng mâm với lão ấy. Biết rằng những ngày qua lão ấy có tàn ác với mình thật nhưng bây giờ người ta lâm nạn nằn đấy, mình bỏ cho ai? Vả có bỏ cũng động đến vong hồn của bầm mình và còn cái trách nhiệm của người làm con nữa. Bây giờ mà mình trả thù lão ấy thì có gì khó, chỉ cần bỏ đói là lão ấy cũng đi đời ngay. Làm thế thì phải tội chết mà lòng bụng mình sẽ phải day dứt mãi dù mai này có thể mình làm nên cơ nên nghiệp. Mình phải thông cảm, đừng chấp và tính toán với người khi họ đã lâm vào cảnh khốn cùng!... Đi học thầy giáo vẫn dạy mình: " Phải làm điều tử tế, điều thiện với mọi người, ngay cả với những người độc ác, để cho cuộc sống của con người ngày càng bớt hiềm khích với nhau và như vậy thì mới giúp con người ngày càng yêu thương nhau hơn!... "
Cả đám cái Dần và thằng Tùng cùng im lặng, nó nhìn thằng Hữu như nhìn thầy giáo trên bục giảng. Ở chỗ cái chõng tre lão Bành nghe được câu chuyện, cố ngóc đầu lên, định nói một câu gì nhưng cổ họng lão cứ ú ớ. Thằng Hữu chạy lại ngoan ngoãn bảo:
- Bố cứ nằm im mà ngủ, chúng con học bài thôi mà.
Lão Bành khẽ gật đầu, cố mở to mắt để nhìn thằng Hữu cho thật rõ. Đám thằng Tùng, cái Dần tự nhiên ồ lên cùng đồng thanh một giọng:
- Chúng em hiểu rồi, chúng em xin nghe lời " thầy Hữu" ạ!...
Chúng cùng cười vang rồi cùng chụm đầu vào cái đèn đom đóm. Gió đêm đầu tháng hạ như cái quạt to từ ngoài đồng Cây Mơ vẫn phe phảy hắt vào ngôi nhà tềnh toàng phên liếp. Ánh sáng từ cái chai đèn đom đóm xanh dịu hắt lên soi rõ từng khuôn mặt đám trẻ. Chúng nó vẫn say sưa chụm đầu vào nhau học bài, gặp con tính nào khó là đám thằng Tùng lại cắn bút, bàn lùi. Thằng Hữu bảo phải cố, phải cùng nhau suy nghĩ để tìm ra đáp số. Khó thì mới phải học, thấy khó mà gấp sách, gấp vở cất đi thì còn gọi gì là học nữa. Thằng Hữu lại bóp trán cắm mặt vào đèn. Làm ra đáp số bài toán khó nó lại bày cách cho bọn thằng Tùng, bọn cái Dần cùng hiểu, cùng làm được bài như nó. Khi hiểu bài thì tự nhiên đứa nào cũng thích học, thích khám phá được thật nhiều những điều còn bí ẩn trong mỗi con chữ. Chúng cứ chụm đầu vào nhau im lặng và say mê cho mãi đến khi những con đom đóm mệt nhoài không chịu bò trong cái chai để tỏa ra ánh sáng nữa chúng mới chịu lăn ra cái nong bo nhau ngủ.