Số lần đọc/download: 256 / 22
Cập nhật: 2020-06-05 12:47:51 +0700
Phần Một - Chương 1
T
hị trấn biên giới này đã từng nổi tiếng một thời là hòn ngọc, là viên kim cương của vùng địa đầu đất nước. Đã có biết bao trang giấy viết về nó, phủ lên nó một vẻ đẹp hoang dại và huyễn hoặc, trong khi thực tình nó cũng như một thực thể sinh học, đã được hoài thai, sinh ra, lớn dậy và cũng đã có những thời kỳ chói lọi vàng son.
Thời Nguyễn, nó là một cửa khẩu thông thương sầm uất ở phía Bắc, là một trong mười cửa khẩu mỗi năm thu về mười vạn quan — ba quan ngang giá một lạng vàng — thuế cố định: suốt thế kỷ mười chín, trong số mười thương khẩu lớn của cả nước, nó đứng hàng thứ ba.
“Châu thuyền tấu tập lợi nguyên sa” (Thuyền bè tấp nập, buôn bán đông đúc vì ở đây có nhiều nguồn lợi). Chẳng phải vô tình mà Nguyễn Quang Bích* — ông tuần phủ, nhà thơ — có câu thơ chữ Hán đó, khi đi qua đây, lúc chốn này có tên là Bảo Thắng Quan, thuộc đạo Hưng Hóa.
Dân số của nó, trong những ngày gần đây, đã vọt tăng. Nó phình ra và nhộn nhạo toàn dân tứ chiếng, toàn người từ các nơi khác đến ngụ cư, ăn nhờ ở đậu. Từ trên xuống, kể tên từng vị, từ ông thư ký tòa sứ tới các ngài chủ sự dây thép, kho bạc, các giáo chức, y tá, y sĩ, ký ga... thì không dân Hà Nội cũng người Thái Bình, Nam Định... được đưa lên đây theo định kỳ ba năm thừa hành công vụ bắt buộc ở miền thượng du, hoặc có lỗi lầm gì đó bị Nhà nước bảo hộ đổi lên đây mà ai cũng hiểu ngầm đó là một sự lưu đày. Đám cai đội, lính khố xanh, khố đỏ, bảo an binh thì thuần là dân đồng bằng. Dân Hoa kiều thì phần lớn quê ở Lưỡng Quảng, Vân Nam, sang đây từ thời Mãn Thanh, số ít mới theo chân quân Tưởng tràn sang khi phát xít Nhật đầu hàng Đồng minh.
Tuy thế, trong những ngày gần đây, đông nhất vẫn là cái đám khách trú rất táp nham và hổ lốn. Những chủ Sở, chủ Mỏ, chủ Công ty. Những trùm buôn lậu. Những tay anh chị đã vài chục cái tiền án. Những tướng cướp sổng tù từ xứ khác tới. Bọn đâm thuê chém mướn, khét tiếng gian ác từ khắp vùng biên giới. Quân trốn chúa lộn chồng. Kẻ máu mê giang hồ. Gã công tử phá gia chi tử. Lão già ham của lạ. Mụ tú bà, con mẹ mìn thớ lợ, gian manh... Toàn những hạng tứ bất tử, năm tao bảy tiết, ba chìm bảy nổi chín lênh đênh, quần tụ lại, múa may, nhe nanh, giơ vuốt. Toàn những bản năng kinh thiên của khát vọng vàng kim và những dục vọng ghê người. Cuối cùng là những người khốn cùng — những người thợ ở đề pô* Phố Mới, dân phu ở Mỏ phốt phát Cam Đường, cu li ở các Sở, những người kiếm củi, đốt than, cắt cỏ, những gác-điêng, con sen, thằng ở — đều là những dân cày mất đất, hết đường sinh sống, vì miếng cơm thằng thúc cực chẳng đã phải theo những chuyến xe lửa của Công ty Việt — Điền, từ Hà Nội lên tới đây — miền đất hứa cuối cùng của sự sống độ nhật.
Thực ra cái tỉnh miền ngược dữ dằn này có nhiều sự hấp dẫn cho cả kẻ giàu lẫn người nghèo. Xứ này giàu. Đồng ở mỏ Trịnh Lạn khai thác từ thế kỷ mười tám. Phốt phát thì có mỏ to nhất Đông Dương. Rồi chì, bạc, mica, thạch cao, gỗ ngọc am, thảo quả, và nhất là thuốc phiện. Phải, thuốc phiện, thuốc phiện! Chẳng có vùng nào sẵn thứ của quý đó như ở đây. Từ những miền núi cao, quanh năm, lúc khoan lúc nhặt, cái dòng nhựa đen ấy cứ âm thầm tuôn chảy với hàng trăm khe lạch bí mật, rồi hợp lưu ở đây, và từ đây, cũng theo những đường dây kín về Hà Nội, xuống Hải Phòng, đi ra tận Hồng Kông hoặc xa hơn nữa.
Có lẽ vì nó giàu nên nó hỗn loạn. Cái mầm hỗn loạn có từ trong lịch sử. Đất này là nơi đặt chân của hàng chục bộ tộc từ phương Bắc tới trong những cuộc thiên di từ những thế kỷ trước. Đất đai bị cắt xẻ. Mỗi thổ ty, thủ lĩnh một dân tộc — mỗi chúa đất, chủ nô — bá chiếm một vùng, hùng cứ một phương. Tranh đoạt, giành giật, lấn át nhau, đã trở thành nét chính yếu của cái đời sống sôi động, luôn luôn bất ổn ở đây.
Nhưng, có lẽ thời kỳ bất ổn và hỗn loạn nhất trong lịch sử là thời kỳ này: Nhật kéo quân vào, rồi Nhật đầu hàng. Hoa quân nhập Việt. Việt gian Quốc dân Đảng dựa thế quan thầy, nhảy lên chiếm đoạt quyền hành.
Trời ngả tối. Vòm trời thu đã tím sẫm, cái điê-den hai mươi ki-lô-oát ở nhà máy đèn mới rì rì khởi động. Ánh sáng của nó càng lúc càng bị co hẹp, vì bóng đêm từ những ngọn núi vây quanh thị trấn tỏa ra mỗi lúc một dày đặc. Ánh điện chỉ hắt được xuống mặt sông những chấm vàng mờ, rải rác. Trong đêm mờ, thấy lấp loáng những con sóng gặp nhau nơi ngã ba sông. Sông Hồng về tới đây, tiếp nhận thêm dòng nước xanh của con sông Nậm Thi, rồi đổ theo chiều dốc, xẻ cái thị trấn nhỏ nhoi này làm hai phần.
Men bờ tả ngạn sông là những lùm cây si, cây đề, những đền đài, miếu mạo thờ Đức Thánh Trần, Bà Chúa Ngàn, Thần thổ ty... và một bức tường đá ong trổ lỗ châu mai được xây từ cuối thế kỷ trước, khi quân Pháp xâm lược ngược sông lên đánh chiếm tỉnh này. Bức tường đó như một cánh tay ôm hờ một khu phố cổ. Khu phố men theo chân núi, chật chội, nhưng chen chúc các công sở quan trọng nhất của tỉnh này. Từ nhà ga xe lửa chạy ngược lên, đường phố đi qua nhà Đoan, Sở mật thám, Tòa sứ, nhà Dây thép... Tới đầu cầu biên giới, xuống một cái dốc ngắn là gặp cái phố buôn bán, ở đây có cửa hàng của các nhà mại bản người Hoa, của thổ ty Nông Vĩnh Yêng hiện thời im ỉm cửa đóng vì vắng chủ. Xoải dài nữa, cái phố tiều tụy dần và bắt đầu được mang một cái tên mới, thật có ý nghĩa: Rue des caravanes*.
Từ nhà ga xe lửa đi xuôi xuống ta gặp ngay những khách sạn lớn nhất của tỉnh; theo chiều đường dốc nhẹ đi lên, thấy chiếc cầu sắt bắc qua sông Hồng sang khu phố hữu ngạn bên kia sông: dừng lại ở cầu có thể nhìn thấy cái thôn Vạn Hoa xanh mát bóng cam và nghe thấy tiếng còi tàu hú ở đề-pô Phố Mới cạnh cái thôn xinh xắn nọ.
Đèn bật mới thấy cái phố đông đúc quá. Quả thật chưa ở chốn ăn chơi nào mà mật độ của những sòng bạc, tiệm hút, ô-ten, rạp hát, tửu điếm, cao lâu, đăng xinh... lại dày đặc như ở đây. San sát, kề nhau, chen nhau, đủ dáng đủ vẻ. Sang trọng theo lối Âu Tây là hai ô-ten Vi-ô và Tứ Xuyên. Chuyên phục vụ các món ăn Tàu có hai khách sạn của hai nhà mại bản: Trần Cả và Hoa Lìm. Không đủ sáng, những hàng phở Giẩu, phở Lìn, phở Mạn nổi tiếng với món cuốn sủi, phở chua, thắp thêm những ngọn đèn măng sông sáng trắng. Cạnh đó âm thầm và thần bí, những tửu điếm của các ông chủ người Tàu bụng phệ, khăn mặt vắt vai, đứng cạnh thùng nước lèo sôi cuộn, trước quầy thịt đỏ hồng bóng ngậy, vẫn cháy đỏ màu máu đỉa ngọn đèn ở bàn thờ thần tài. Lom đom trong các ngõ ngách là bếp lửa của các hàng sủi dìn. Những ổ điếm nửa kín nửa hở, đăng ký tên hiệu Vạn Xuân, Hồi Xuân... treo ở cửa những chiếc đèn lồng đỏ lự âm u.
Công khai ngự trong hai căn nhà gác hai tầng lớn ở giữa phố là cái sòng bạc, mở cửa từ tinh mơ tới gần sáng hôm sau. Dưới ánh đèn tạp sắc, lúc nhúc trong cuộc sát phạt, đủ các hạng người, từ những điền chủ giàu sụ tận Nam Kỳ đi tàu bay tới với những va li bạc đầy ắp, những lái buôn gỗ ngọc am, thảo quả, thuốc phiện tiền nặng từng tay nải, tới những kẻ bán công, khố rách áo ôm, lần trong túi từng đồng xu mọn cuối cùng. Mấy năm nay, sòng bạc đã thành một ngành kinh doanh lớn, thật thịnh vượng. Chức chủ thầu là kết quả của những cuộc giành giật kịch liệt. Trước đây, sòng bạc đã kiêu hãnh là có thể thu hút được cả những phu nhân quyền quý, với xóc đĩa, tổ tôm, tài bàn, đố chữ. Nay, với trò cắm cẩu, nghe nói là sáng tạo của một người Hoa ở đất Mỹ — với ba quân xúc xắc trong một cái cốc thủy tinh có nắp sừng đậy, trên một cái bàn rộng chỉ bằng hai chiếc chiếu, thật là đơn giản — sòng bạc lại càng được thể vỗ ngực tự phong là món chơi phổ biến nhất khắp thế gian, vì đáp ứng được tất cả các trình độ, cung bậc của con bạc. Cả đến lính Tây, lính Tàu Tưởng cũng mê cắm cẩu như điếu đổ. Ở đây, các cô hồ lỳ ngồi xóc cái, vơ tiền thì cô nào cũng đẹp như tiên giáng thế. Các cô chiêu đãi viên thì với ai cũng niềm nở mở bia, mời thuốc. Trên tường nhà, khung nê-ông đỏ chói đóng khung chữ Paradis lộng lẫy, nhấp nháy, dưới sàn, tiếng các cô hồ lỳ réo rắt, tiếng cười nói ồn ào, hối thúc con bạc quần tụ, đắm đuối vào một ngọn triều lờm lợm, sôi réo, quay cuồng, tràn ngập, òa ra cả đường phố đang rộn rực nhịp sống cuồng phóng với một cảm hứng mê sảng, bệnh tật.
Cạnh sòng bạc, rạp tuồng đang diễn. Trẻ con bu quanh rạp, đấm cửa, ném đá, chửi tục vì không có cách nào lọt được vào rạp mà không mất tiền. Mặc! Trống vẫn nổi giữa những tiếng hét ai ải, những chặp cười như máy, những pha vật lộn, đấm đá, đâm chém đầy máu mê, quái gở, khiến cho cuộc sống ở khu phố này càng trở nên mất thăng bằng, mạch lạc.
Vậy mà, vẫn còn những góc phố yên tĩnh. Sự suy đồi những giá trị luân lý cổ truyền không chỉ ồn ào, trâng tráo phơi bày, nó còn âm thầm bộc lộ trong những căn nhà nhỏ, mờ mờ tối như quán âm phủ. Trên những cái sập gụ chân quỳ, những ngọn đèn thuốc phiện đốt bằng dầu cải pha dầu tây, mỡ lợn lặng lẽ cháy thâu đêm. Không khí âm âm mùi thơm ngái. Những đệ tử của nàng tiên nâu nằm co quắp, ôm những gái người Hoa non trẻ tiêm thuốc, vừa hút vừa ngã giá bạc trắng với nhau. Bạc trắng ngày càng hiếm, sau thời kỳ buôn bán quan kim, cồ pì, giờ đến bạc trắng; bạc trắng lại nổi lên cái giá trị vĩnh cửu của nó, như vàng, như kim cương, nhất là ở cái thời tao loạn, nhiễu nhương này.
Chín giờ tối, đường phố càng đông, và ánh điện dường như trở nên nồng nàn hơn. Người như đổ hết ra đường. Vào lúc ấy, thường có một chiếc Tắc-xông A-văng đen như con bọ hung, từ phía đường đi các châu miền đông, rì rì máy, chậm rãi bò qua đường phố chính. Chiếc xe ấy nguyên là của anh em ông Nông Vĩnh Yêng, thổ ty đất Mường Cang, có cửa hàng lớn ở thị trấn. Giờ, nó cắm ở mũi một lá cờ nhỏ màu đỏ, giữa có ngôi sao trắng. Lái nó là một người đội mũ ca-lô nâu, có lưỡi trai. Ngồi ở băng ghế sau là ba bốn người; nổi bật nhất trong đám là một người trạc bốn mươi lăm tuổi, trang phục sĩ quan Tưởng, mặt choắt, đeo kính râm, da thiết bì, ria mép đen sì, vẻ mặt cau có và bần tiện. Chiếc xe hơi ngoặt vào tòa sứ, để lại trên mặt đường một cuộn bụi, giống như một dấu hỏi nghi vấn: tỉnh đảng trưởng hôm nay vừa đi kinh lý ở đâu về vậy? Đi Mường Cang hay đi châu Pa Kha, có gặp được ông thổ ty nào không? Hay là tỉnh đảng trưởng đến gặp các tướng cướp hảo hớn biên giới, ở Bản Lẩu, Cốc Vi?
Người ngồi trên xe đó chính là Triệu Đại Lộc, Bí thư Tỉnh bộ Việt Nam Quốc dân Đảng cùng các nhân viên kế cận thuộc Tuyên huấn tổ, ban Liên lạc, ban Trinh sát, ban Tài chính của đảng bộ. Kể từ ngày Hoa quân nhập Việt, hai mươi vạn quân của Quân đoàn 93 thuộc đệ nhất phương diện quân Vân Nam của tướng Long Vân kéo qua cửa khẩu này, dân chúng bắt đầu tận mắt thấy những tên lính Tàu đói khát, rách rưới, phù thũng, tận mắt nhìn thấy mặt Lý tư lệnh — tư lệnh quân đoàn 93 Tưởng Giới Thạch — béo tốt, phương phi y hệt tướng Tàu trong tranh vẽ, thì họ cũng bắt đầu biết đến Lộc. Lộc tự giới thiệu lai lịch của mình: vốn dân nghèo, đi làm cách mạng, đã từng vào tù ra tội, đã từng nếm mật nằm gai, dù khi lên voi, dù lúc xuống chó, cũng chỉ tâm niệm một bổn phận phụng sự lợi quyền của chính nghĩa Quốc gia. Hắn tự giới thiệu mình bằng các vụ ám sát, bắt cóc, tống tiền. Hắn tự giới thiệu mình bằng cuộc đảo chính lật đổ ủy ban nhân dân lâm thời — một chính quyền Cách mạng non trẻ, mới thành lập, khi Nhật đầu hàng và Tàu Tưởng vừa mới đặt chân vào đất này.
Giờ thì thị trấn không lạ gì bọn Lộc nữa. Đường phố càng về khuya, bọn hắn càng đông. Ngập các đường phố, ngõ ngách là những gương mặt câng câng, nhâng nháo, những điệu bộ nghềnh ngàng, ngang ngược. Áo nâu hai túi ngực, cầu vai to bản, sề sệ bên hông khẩu súng sáu, chúng sà vào các quán, các tiệm càng đêm càng ngầm ngập hơi rượu, hơi người...
Nằm ở bên kia sông, nấp dưới những bóng dừa cao lớn, lực lưỡng, xào xạc gió từ mặt sông hắt lên, cái quán trà Biên Thùy giống như một ẩn sĩ xa cách mọi thú vui thông tục của chốn trần gian. Cái quán nhỏ, chỉ có hai gian, lợp gỗ ván, xòa rộng ra nhờ một giàn hoa thiên lý. Chỉ có ba bàn nước. Bàn ghế nhỏ như trong truyện cổ tích, sơn trắng, trang nhã. Không khí tĩnh mịch hòa hợp với hương thơm rất mỏng nhẹ của những giò phong lan nở hoa treo trên tường và hương chè ngan ngát có vị đường phèn.
Khi Quang Ngọc sau buổi đàn thuê ở ô-ten Tứ Xuyên, mệt mỏi bước vào quán thì ở góc quán, cái máy hát đang thả ra một giọng hát thỏ thẻ, nhỏ như một sợi tơ vương:
Này tri âm ơi
Thuyền tình sao vội xuôi dòng
Cho ruột em héo, cho lòng em đau
Cá nhớn bỏ cả đi đâu
Để đàn rô nhép cắn câu dỗ mồi...
Ngọc tìm đến cái bàn trong cùng, ngồi xuống, bẻ ngón tay. Những ngón tay anh đau nhức, cứng queo. Anh ấp cả hai tay vào ấm trà nóng. Men sứ ấm rực tay Ngọc. Tay Ngọc nở ra. Anh thấy dễ chịu dần. Và khi thả những cục đường phèn trong suốt vào chén trà hương có một bông hoa cúc chìm ở dưới đáy, khứu giác anh đã hoàn toàn tỉnh lại. Anh nhấp một hụm nhỏ, nhấm nhấm đầu lưỡi vừa thơm vừa chát vừa ngọt, duỗi hai chân, ngả người vào vách tường: “Ước gì, đời là những phút như thế này!”.
Góc quán bên kia từ nãy đã có người ngồi. Họ cũng như Ngọc, lặng lẽ, kín đáo. Ngọc biết họ. Họ và Ngọc đều là khách quen của quán. Ngồi quay lưng lại phía Ngọc là ông Bằng, chủ sự bưu điện, con người đằm tính, chín chắn, mặc com-lê xám, đầu húi cua, khỏe chắc như một đô vật. Cạnh ông Bằng là ông giáo Huyền dạy thể thao ở trường tiểu học, điển trai và đỏm dáng, con người được tiếng là khôn ngoan, thức thời. Dựa lưng vào tường vách là một người trẻ tuổi, tóc gọng kính, lấm chấm hàng râu quai nón mới cạo. Anh này chơi ác-mô-ni-um và dạy gái đồng trinh hát thánh ca ở nhà thờ. Chỉ có một người Ngọc nhang nhác quen mặt. Người này mới vào, nhập chung bàn, nhưng không cùng bọn với tốp ông Bằng. Anh ngồi ở sát vách, mặc áo săng-đay, quần xanh, cúi gằm hút thuốc, chỉ nhận ra cái trán rộng anh ánh bóng: “Mệt quá! Tay mình đã bật máu ra rồi mà bọn quỷ ấy cứ giục chơi nhanh nữa lên”. Ngọc mân mê, thương xót mấy ngón tay, rồi nhấc chén trà. Hương chè thoảng ru cảm giác. Anh muốn ngủ quá.
— Mấy hôm nay anh có nghe ra-đi-ô không?
Ngọc mở bừng mắt. “À! Họ nói chuyện với nhau đấy. Tai mình chưa thủng nhĩ vì nhạc điên loạn? Họ nói thật khẽ mà mình còn nghe thấy. Chuyện gì vậy? Ôi, thế gian tràn ngập tin đồn. Chẳng ai bịa đặt, chẳng ai tin, nhưng những chuyện cướp giật, đâm chém, tống tiền ghê cả người vẫn cứ lan truyền. Lan truyền một cách kì cục. Giống như một thứ sóng nhạc. Sóng nhạc đen...”.
Ngọc nhìn sang bàn nước ông Bằng. Ông Bằng vừa ghé lại gần người trai trẻ, thì thầm:
— Anh có nghe thêm được tin tức gì nữa không?
Người chơi ác-mô-ni-um lấm lét nhìn quanh, giọng như trượt qua vành môi, sợ sệt:
— Họ đang dạy bài Tiến quân ca qua đài phát thanh.
— Vậy hả?
— Vâng.
Ông Bằng thở một hơi dài, cắn cắn môi, gật gù. Ông giáo Huyền kéo cái ghế nhỏ lại cạnh bàn, vầng trán nhỏ thoáng một nếp nhăn:
— Chuyện chính trị... hừ... còn là rắc rối.
— Rắc rối gì — Ông Bằng gằn tiếng — Đài Hà Nội tố cáo Nguyễn Tường Tam lấy cắp hai triệu bạc của chính phủ, thoái thác không tham dự phái đoàn đi Ba-lê đàm phán. Tam về Vĩnh Yên mưu đem quân đảo chính...
— Thế kia à? Bác nghe ở đâu!
— Đài Hà Nội còn tố cáo vụ Ôn Như Hầu! Khiếp quá! Hàng chục bộ xương người tìm thấy ở mấy gốc chuối...
— Chậc chậc...
Ngọc lại nhấc chén trà. Chè dưới đáy, thơm càng nồng dậy. Tâm trí Ngọc lại chìm vào trong thư thái, đê mê. Không nên nghe, không nên hiểu gì nữa! Chỉ có những phút này, trở về với bản thể và sự trong lành không gợn bụi của cảm giác là đáng kể thôi. Đường phèn tan trong nước. Trà dâng hương. Hồn lâng lâng.
Nhưng Ngọc bỗng đặt kịch chén trà xuống mặt bàn. Ông Bằng vừa kéo mạnh cái ghế áp vào tường, hơi cúi xuống:
— Hôm qua, hiến binh vừa bắt ba người ở thôn Vạn Hoa.
— Thế kia à! — Ông giáo Huyền ngẩng lên, nhíu mắt.
— Họ thủ tiêu ngay. Nghe nói, đêm họ đem ra cầu Cốc Lếu...
— Chẳng có lẽ... Tiền bối của họ là những Nguyễn Thái Học, Phó Đức Chính, Ký Con... kia mà.
Ông Huyền vẫn nhíu mắt thầm thì. Ông Huyền nói gì? Ngọc lại giật thót mình. Sao? Ở cái đề-pô Phố Mới cạnh thôn Vạn Hoa nơi Ngọc ở trọ, có Việt Minh? Và Quốc dân Đảng đang lùng bắt Việt Minh! Hai ngày hôm nay Ngọc không về Vạn Hoa rồi. Kìa, lại có tin Việt Minh đang từ Yên Bái kéo lên...
— Ông Huyền này...
— Dạ.
— Tôi nghe nói, các thổ ty...
Nhích ra xa cái bàn, đang nói, ông Bằng chợt ngậm miệng im lặng. Cái máy hát lại xè xè chạy, buông ra những lời nỉ non. Chìm trong mênh mang, ông Bằng chợt thấy lòng mình bừng lên bao bồi hồi, nôn nả. Phải rồi, bọn tiếm quyền tưởng là đã thâu tóm được quyền hành, nhưng đâu có phải. Các thổ ty đâu đã chịu. Hoàng Văn Chao, La Văn Đờ, Nông Vĩnh Yêng... họ có súng ống, có quân. Lại còn họ Đèo bên miền Tây... Trời! Bao giờ Việt Minh lên? Việt Minh đã lên đất này, đã thiết lập nền dân chủ cộng hòa. Và con người ấy, con người cứng như thép đã giải thể chính quyền bố chính của Nhật ấy, đã đối đáp thật cứng cỏi với Lý tư lệnh ấy, giờ ở đâu? Việt Minh không quên đất này đâu. Nhất định họ không quên đất này đâu?
Này tri âm ơi
Thuyền tình sao vội xuôi dòng
Cho ruột em héo cho lòng em đau.
Cái máy hát lại thả ra những dòng thương nhớ nôn nao.
Bỗng nhiên, cái máy hát xẹt xẹt đứt lời. Bậc tam cấp lên quán có tiếng giày giậm mạnh. Cửa quán ló vào một người mặc trang phục sĩ quan Quốc dân Đảng, đeo kính cận, vóc nhỏ nhắn. Anh ta ngó nghé như tìm ai.
Ngọc bật dậy:
— Trọng! Trọng!
Người sĩ quan Quốc dân Đảng bỏ mũ ca-lô, vò vò trong tay, mắt nheo cười, bước vào quán, đến bên bàn Ngọc ngồi. Cái bàn bên ông Bằng như rơi thỏm vào im lặng.
— Qua ô-ten Tứ Xuyên không thấy cậu, mình lại xuống Vạn Hoa, đến nhà bà cụ...
— Cậu đến nhà bà cụ...
— Chỉ có elle ở nhà. Nàng khả ái vô cùng. Thoạt trông, đã mang máng gặp ở đâu. Hỏi, thì ra là cô gái bán hoa tươi. Có một lần tớ và Lộc gặp ở chợ. Lộc xoắn lấy elle, tưởng nó khát đến khô cổ, muốn vồ lấy elle...
— Ngồi xuống đây, Trọng. Mấy hôm nay cậu vẫn ở nhà hả? — Ngọc kéo ghế, rót trà, như bâng quơ.
Trọng ngồi xuống ghế, đập cái mũ ca-lô trên đùi, chép miệng:
— Toàn những việc chó má! Toàn những thằng chó má!
Hương chè tỏa nồng đậm. Mùi thuốc lá khét nặng. Cái quán mờ mịt, bâng khuâng.
— Bỏ nghề rồi sao. Trọng?
— Coi như là dứt hẳn. Panh-xô, pa-lét và mô-đen thời buổi này còn có nghĩa lý gì nữa, Ngọc?
— Sau cái buổi gặp nhau ở cạnh Hồ Thiền Quang ấy, cậu đi những đâu?
— Đi đâu! Đi đâu thì cũng là những bức tường cao đen sì, chặn lối. Mộng đời mình...
Ngọc quay đi, tránh làn khói thuốc xanh đặc. Vỡ mộng? Cha là công chức hỏa xa. Vợ là con gái một ông chủ hiệu thuốc tây lớn. Trọng là công tử con nhà giàu. Tốt nghiệp cao đẳng Mỹ thuật. Có công ăn việc làm. Minh họa cho tờ Indochine của công sứ Cờ-rét-xông. Nhẹ nhàng vậy thôi. Nào có phải sống kiếp người lang thang hết quán này tiệm kia, rồi phải kí hợp đồng lên đây chơi nhạc cho các lão tướng Tàu nghe, để rồi bây giờ bơ vơ khốn nạn như mình thế này...
— Tao nói thật với mày, Ngọc ơi — Trọng hơi ngẩng lên rồi lại cúi xuống, rền rĩ — Tao không còn một chút niềm tin nào nữa. Mộng xưa đã thành mây khói. Tao không đủ tiền để tổ chức một phòng triển lãm riêng. Thằng Đờ-cu khốn kiếp chẳng đủ tinh thần và tài cán bảo hộ xứ này khỏi họa giặc Lùn, để thực hiện lời hứa cho tao du học. Tao đã sống khốn khổ. Tao không muốn ăn bám vợ. Tao đã đói, đã phải bán dần đồ đạc đi, đã phải ăn nhờ những thằng bạn tốt như mày hàng tuần liền, đã phải vẽ cho tờ lá cải của thằng Hoàng Trừ thân Nhật. Báo nó đình bản. Tao sang tờ Thiếu nhi. Được mười sáu số thì tòa soạn đóng cửa vì ế, vì hết vốn. Tao lại nhận minh họa cho tờ Đội Cấn. Ra được ba số, báo lại chết. Tao đã cầm chén thuốc độc trên tay, Ngọc ơi, mày... sau những ngày tháng tám ấy, mày đi đâu?
“Tao đi lang thang”. Ngọc nghĩ, lửng lơ.
Trọng lắc đầu, hai mắt kính nhòa nhoà:
— Độc lập gì mà đời sống khó khăn thế, hả mày? Cứ vẫn hỗn loạn. Cứ vẫn các đảng phái tranh nhau. Tao đã bỏ đô thành vào Huế. Nhưng cũng vậy thôi. Còn đâu Huế thơ, Huế mộng nữa? Tao lại quay ra. Thủ đô của chúng mình rối ren quá. Sao Việt Minh lại ký cái Mồng sáu tháng ba? Xít mác, mác xít gì? Thằng Giả bạn tao, sống như một ông hoàng, nhà nuôi toàn đầy tớ gái, mỗi ngày thuê một gái tơ trần truồng làm mô-đen. Nó bảo tao: “Không thể theo chủ nghĩa cộng sản được. Nghệ thuật và con người theo chủ nghĩa cộng sản thì giống nhau một khuôn rập...”. Rồi nó dẫn tao đi. Tao đi trong sương khói. Rồi tao gặp Vũ Khanh, mày có biết Vũ Khanh, ủy viên Trưởng trung ương Quốc dân Đảng? Tao muốn thoát khỏi sự rối ren vô nghĩa.
“Thế thì lên đây mày sẽ còn thất vọng, Trọng ạ. Ở đây chỉ có sự trụy lạc, suy đồi ê ẩm ngự trị. Đây là nơi lên ngôi của khoái lạc bỉ tiện, gớm guốc...”. Ngọc theo đuổi một ý nghĩ.
— Hừ, cuộc đời tao lộn tùng phèo cả rồi. Ngọc ơi, mày có nhớ thằng Khắc, thằng Toàn, thằng Nghị, bọn bạn học cũ của chúng mình? Tao đã gặp chúng nó ở Trường Quốc gia Thanh niên đoàn. Chúng nó cũng như tao. Chán chường, vô vọng.
“Tao không như chúng mày, tuy tao hiện đang tiêu pha đời sống một cách vô bổ”. Ngọc nghĩ, mắt hướng ra phía cửa sổ nhìn xuống dòng sông.
Trọng gục mặt, dịch chuyển gót đôi giày, nhễ nhại:
— Thôi thì tao đi với bọn Quốc dân Đảng vậy. Tao biết chúng nó là một lũ đểu. Nhưng đời là phi lý. Nghệ thuật cũng là phi lý. Ngọc ơi, tao biết mình đang lặn xuống một cái gì thấp hơn hồn người. Tao sẽ chết. Nhưng cùng đỉnh của sự sống là cái chết đó, Ngọc ạ.
Dưới sông, nơi gầm cầu, nước vật vào chân trụ cầu đổ xuống ầm ào, như tiếng dông bão.
Vừa lúc ấy, Ngọc vội rụt chân, đứng vụt dậy. Ngoài đường rộ lên mấy tiếng vó ngựa và đoàng đoàng hai phát súng nổ liên tiếp. Bàn bên đám ông Bằng nhộn nhạo, ùa ra cửa. Có tiếng người la thét trên cầu.
Ngoài đường vun vút bóng mấy người chạy qua. Tiếng chân ngựa khua xa tít trên mặt cầu. Ngọc chen ra cửa. Ông Huyền nhăn nhó:
— Chuyện gì náo động thế không biết!
Ông Bằng đã quay vào, tìm cái mũ phớt trên mắc áo kéo ghế ngồi, suỵt soạt mũi:
— Nghe nói có thám tử của ông châu La Văn Đờ lọt vào thị trấn.
Người chơi đàn ở nhà thờ vừa quấn khăn quàng cổ vừa ngoái lại:
— Các ông thổ ty còn nhớ người Pháp lắm. Họ chưa chịu mấy ông này đâu!
— Thì... chính năm bốn tư, khi người Nhật lên đây, người Pháp thăng một loạt các ông thổ ty lên hàng tri châu, châu úy mà. Tớ phải nhờ chủ cũ chứ.
— Nghe nói, quân của ông Phơrôpông...
— Cả quân của ông Cúc... dạo đó rút sang Côn Minh, Vân Nam.
Ngọc quay vào bàn, ngồi xuống cạnh Trọng.
Đêm đã thả sương. Những bóng đèn của cái đêm điên loạn bên kia sông đỏ ửng như cái nhọt mưng. Cái nhọt mưng. Tất cả chỉ là cái nhọt mưng căng mủ. Và Ngọc cũng đang căng nhức cái cảm giác của một cơ thể có mụn nhọt trong mình.
— Ông đến đây làm gì?
Nghe tiếng quát gằn, Ngọc ngẩng lên. Một tên hiến binh mặc quần áo đen, gầy nhom, da xanh mét, cầm khẩu xanh-tê-chiên, đứng chạng chân trước mặt anh. Anh còn đang lúng túng moi móc tấm thẻ căn cước ở túi áo sơ mi trong thì Trọng đã thả cái chân phải gác trên đầu gối trái xuống, ngẩng lên, khe khẽ và điềm tĩnh nháy nháy mắt kính:
— Mộng Huyền! Nhạc sĩ Quang Ngọc, bạn tớ!
Tên hiến binh gật đầu, như một cái máy, quay ngoắt đi. Ngoài cửa ập vào ba bốn bóng đen nữa. Chúng vây chặt cái bàn ông Bằng.
— Một người nữa trong bọn các ông đâu rồi?
Tên hiến binh có cái tên Mộng Huyền tay chống nạnh, hất hàm hỏi. Ông Bằng ngẩng lên, ngơ ngác:
— Chúng tôi... chỉ có từng này người.
— Còn một tên nữa.
— Dạ... tôi không rõ.
— Còn một thằng... Thằng trùm Việt Minh cộng sản ở đề-pô Phố Mới. Nó đâu? Nó đâu?
Tên hiến binh giậm chân, thét. Bây giờ Ngọc mới giật thót mình, nhìn quanh. Người thợ ở đề-pô Phố Mới mà anh nhác thấy quen quen vừa nãy ngồi ở bàn nước bên đã không còn ở đây! Ngọc thở phào.
Câu chuyện hàn huyên bị tắc nghẽn. Mất hứng, Trọng và Ngọc rời quán trà Biên Thùy. Họ đi qua cầu lặng lẽ không ai nói một câu.
Đêm lạnh. Sương giăng mờ. Mặt sông trắng nhờ nhệch. Thành cầu đen cháy, gió lùa qua những lỗ khoan mất ốc rú u u. Mặt cầu còn rung nhẹ sau chấn động của cuộc đuổi bắt vừa rồi.
Ngọc bước chậm. Cái áo bu-dông dạ tím đứt cúc cổ, gió cứ lùa vào như hớt xẻo da thịt. Đến giữa cầu, đang bước, anh bỗng nhảy thót lên. Chân anh vừa giẫm phải một cái gì nhơm nhớp, nhầy nhầy. Anh quay lại, cúi xuống kinh hoàng:
— Trọng! Máu! Máu người! Trọng!
Trọng đứng lại, lạnh lùng:
— Bọn Lộc thủ tiêu người đấy.
— Trời!
— Chúng nhét người vào bao tải, xỉa lưỡi lê đâm chết rồi quẳng xuống sông.
“Trời ơi! Thế mà mày lại đi với chúng. Trọng ơi! Sao mày lại có thể bắt tay với những bàn tay vấy máu? Tao! Tao không bao giờ có thể như mày được. Dù tao có lang thang như một con chó đói, tao cũng không thể đi với chúng. Tao kinh tởm. Thôi, từ nay giã biệt, tao không đàn địch cho chúng nó nữa. Trời! Giẫm trên máu người, đi qua máu người mà phải câm lặng...”.
Xúc động bừng bừng như men lửa nồng cháy trong lòng, Ngọc đi như vô định, không để ý tới những gì đang lướt đi qua cạnh anh.
Xuống hết cái dốc xoải nhẹ, Trọng giật mạnh cánh tay Ngọc. Tiếng ồn ào của cái khách sạn, của những hàng quà hàng bánh ở trước cửa khách sạn, đập vào óc Ngọc. Ngọc bừng thức.
Một đám đông người đang quây tròn ở ngã ba đường. Cái vòng tròn người xô đẩy, chen chúc, lấn lướt, rồi kéo dài ra như một cái đuôi cuốn Ngọc và Trọng đi.
— Trọng ơi, Trọng!
— Lên đây, lên đây, Ngọc ơi!
Ngọc chen lên. Đám người đã đọng lại thành một cái vòng tròn. Cái vòng tròn đang vỡ ra những tiếng nói cười ồn ào. Giữa vòng tròn là một ông lão mặc độc cái quần đùi rách xã. Cái quần dài vắt ở cổ. Say, chuệnh choạng được vài bước, ông lão lại trượt ngã, để rơi cái quần vắt ở cổ xuống đất. Như kẻ mất trí, lồm cồm bò dậy, nhặt cái quần giơ lên, ông lão cười hơ hớ: rồi cao rao rằng mình vừa bắt được cái quần của thằng nào đánh rơi! Tức thì đám đông lại cười giốc lên và khoái trá la hét ầm ĩ.
— Đi thôi, Trọng, — Ngọc cau mặt, khó chịu, kéo tay Trọng. Trọng quàng vai Ngọc: — Ta vào ô-ten đi. Thế nào bọn hiến binh cũng tới đấy, Ngọc.
Bước vào cái cửa ô-ten Vi-ô kiến trúc hai tầng giống như một cái nhà táng, Ngọc sững lại, như chống lại một sức đẩy bật ra. Huyên náo, hỗn độn, những cla-ri-nét, tờ-rom-pét đang há hoác cái miệng gào lên, rống lên inh ỏi. Tầng nhà quay đảo, nghiêng ngả trong ánh đèn đổi sắc liên tục. Và bọn người đứng ngồi quanh mấy cái bàn ăn như lên cơn kích động, đang tung tay, đá chân, hét hò, rú rít những tiếng như thú rừng hết sức vô nghĩa. Rượu đổ ồng ộc. Điệu sì lô mướt tình chen với pa-sô, với suynh điên dại dậm dật. Cuối cùng giữa những âm thanh cộc lốc, giậm giật, nhấm nhẳng mỗi lúc một dập dồn như tiếng chân ngựa đua, vút lên một giọng nữ kim nức nở, lạc lõng và hết sức vô duyên:
Đêm nay...
Đêm nay bên em, ngập trong giá băng...
Rũ rượi, Ngọc đi đến một góc phòng. Ở đây, anh đã phải đàn đến cứng đờ cả cổ tay, bật máu những ngón tay để thỏa mãn những nhu cầu bệnh tật của những kẻ tai to mặt lớn, những trọc phú, những công tử, những phu nhân đài các tiêu tiền còn hơn đổ rượu, đổ bia. Ở đây, anh đã phải đứng đàn đến ê chân, hoa mắt trong ánh đèn tạp sắc, và cổ họng đã bao lần cháy khô cạnh những bàn ăn ngồn ngộn cao lương mỹ vị.
— Ngọc, đừng nên ủy mị quá. Cái nguy hiểm của bọn nghệ sĩ chúng mình là ở chỗ đó đấy.
Ngọc ngẩng dậy. Ai vừa nói vậy? Anh đưa mắt nhìn quanh. Trên những bức tường bao quanh, quảng cáo của các hãng rượu, hãng thuốc lá lẫn lộn với những áp phích, tranh cổ động sặc mùi kích động, xúi giục.
Có tiếng giày đinh xiết mạnh, rít vệt dài. Từ ngoài cửa kéo vào một tốp sĩ quan quần áo đen tuyền, lấp lánh huy hiệu bạc, mũ kê pi, lách cách kiếm dài, súng ngắn. Đèn chuyển sang màu xanh ái ân. Trong khi những tên khác ào vào chiếm cái bàn lớn nhất trong phòng thì một tên trẻ nhất trong bọn bước lộp rộp tới chỗ ban nhạc đang chơi, hất tay ra hiệu im lặng rồi quay phắt lại, rút từ túi quần sau một tờ giấy lớn gấp nhỏ mở ra và cất cao giọng đọc:
— Hỡi toàn thể đồng bào! Đứng trước cái nguy vong quốc, chúng ta không hy vọng ở một ai. Chúng ta, dân chúng Việt Nam phải trông cậy ở chính ta. Hai mươi lăm triệu dân Việt Nam: Chỉ có một đảng dân chúng! Chỉ có một sức mạnh dân chúng là có thể cứu vãn được quốc nạn này. Các bạn thanh niên! Những ai là người thương xót giống nòi, hãy xông ra giết giặc cứu nước, củng cố nền độc lập cho nước nhà. Các bạn hãy gia nhập Quốc gia thanh niên đoàn!
— Bra-vô! Bra-vô! Hùng hồn quá!
Tiếng reo, tiếng vỗ tay đột ngột nổi lên. Tên sĩ quan nọ gân cổ, vung tay, tiếp tục cao giọng tuyên đọc:
— Việt Nam độc lập muôn năm! Tỉnh đảng bộ Quốc dân Đảng, đệ tam chiến khu. Tổng tư lệnh — Triệu Tài Lộc.
Rào lên tiếng vỗ tay và tiếng cười giễu cợt. Rồi thoáng cái, căn phòng bốc lên mùi hăng của rượu Mác-ten, A-nít, Quanh-tờ-rô và hương nồng như mùi bọ xít của rượu Uýt-xki.
— Uống nữa đi! Cầu chúc cho quân ta đại thắng ở Phong Thổ.
— Không điều đình với Pháp. Chỉ có thắng hay là chết!
— Há há... Đại thắng hay đại bại!
— Suỵt! Nàng quả là một hình hài giai nhân tuyệt diệu. Nàng đẹp một cách đầy đặn. Đôi mắt nàng có điện, mày ạ.
— Tỉnh lại đi! Hồn ơi, tỉnh lại chưa? Nàng là người đẹp của tỉnh đảng trưởng đấy, con giời ạ.
— Tỉnh đảng trưởng ông cũng đ. cần.
— Đảng trưởng mình to đẹp, đáng mặt lãnh tụ. Mày biết mặt ngài chưa? Râu rất đẹp.
— Râu là dấu hiệu của người giàu khả năng yêu đương.
— Tao chia lời của đảng trưởng thành hai phần: một phần là nghi ngờ, một phần là cho tan mẹ nó vào cõi hư vô. Chúng mày đừng có bị lừa.
— Ha ha... tại sao mày tóm lão già say?
— Mày thích ngắm con cu của lão, hả? Hí hí... Lão già đểu. Không say đâu. Lão giơ nắm đấm chào tao như là chào các bố Việt Minh.
— Hớ hớ...
— Hôm kia tao đi tuần, gặp một chàng và một nàng. Chàng là một gã đao phủ ở ba toa, nàng là một mụ điên ngụ tại gầm cầu... Cả hai đang ở tư thế ếch gặp trời mưa.
— Đừng tán phảm! Nghe đây! Một bài báo tả chiến trận oai hùng ở Phong Thổ! Phong Thổ mồ chôn chín mươi sáu liệt sĩ. “Gió thổi vào cành lá, rú lên những tiếng âm u ghê rợn như tiếng hú hồn...”.
— Ôi! Bãi sa trường. Dấu chấm hết của tuổi trẻ tham mồi, mắc câu.
— Câm!
Cách cách... cốp cốp... choang. Tiếng một cái chai bị đập vỡ. Tiếng ghế bị xô đổ. Rộ lên những tràng cười thô lỗ, man rợ. Ngọc quay mặt ra cửa sổ. Cái cảm giác ghê tởm, u uất lúc đi qua vũng máu ở trên cầu lại trở về, dâng lên, lành lạnh.
— Tụi chúng nó sắp đi đánh Tây đó.
Trọng ghé tai Ngọc, Ngọc ngơ ngác, quay đầu:
— Ở đâu?
— Phía Bắc thì từ Côn Minh, bọn Mission* đang điều quân trở lại địa phận tỉnh này. Có nghĩa là bọn Lõ sắp về. Còn từ dưới kia, Việt Minh đang cho quân đánh lên. Rối ren! Còn là rối ren!
Ngọc thở dài. “Những hùng khí của non sông Lạc Hồng đang say bí tỉ, chuyện trò hệt bọn ma cô kia mà cũng đòi đi đánh Tây kia đấy!? Trời! Pháp vào. Việt Minh lên. Sao mình lại mò lên đất này?”.
Bỗng thấy mũi giày của Trọng chạm vào chân mình ở dưới gầm bàn, Ngọc ngước lên, Trọng hất đầu về phía bên trái, mắt nhay nháy:
— Có biết chúng ta đang hân hạnh tiếp cận vị tai to mặt lớn nào không?
— Không!
— Lừu A Sùng, phái Uông Tinh Vệ cũ, bọn thương nhân Hoa kiều, làm tình báo cho Nhật. Cạnh hắn là Đường Tú An, Đại Việt. Còn ở góc tít trong kia là bọn Tam dân chủ nghĩa Thanh niên đoàn, bọn Tiễu cộng cứu quốc quân, bọn Lam y, Quân thống, Trung thống.
Ngọc nhìn sang bàn bên. Người được gọi là Lừu A Sùng đang cúi đầu dáng ngẫm nghĩ, trán y bóng như quả bi-a. Còn Đường Tú An thì đeo kính trắng gọng vàng, ngả người vào thành ghế, đang đọc tờ “Việt Nam”, tờ báo của Trung ương Quốc dân Đảng.
Có tiếng ủng ộp ộp vội vàng. Một sĩ quan Tưởng áo mưa vắt trên cánh tay trái, dáng no béo, trương căng như sắp nứt nở trong cái áo dạ cổ cao, từ ngoài cửa vừa bước tới cạnh cái bàn nọ.
— Chào ông Xì Xám Mần. — Người đeo kính gọng vàng đứng dậy, trịnh trọng và vồ vập, đưa tay đón tay viên sĩ quan mới tới.
“Nhân vật nào thế, Trọng?”. Không nén được tò mò, Ngọc nhìn Trọng, ném một câu hỏi qua ánh mắt. Trọng khẽ a một tiếng nhỏ rồi dịch ghế lại cạnh Ngọc:
— Sĩ quan tham mưu quân đoàn 93 thuộc đệ nhất phương diện quân của tướng Long Vân. Một lần tới nhà Vũ Khanh, mình đã gặp y.
— Tưởng cú Mồng sáu tháng ba quét sạch chúng về nước mẹ rồi?
— Đời đâu có đơn giản thế, cậu!
Bàn bên, viên sĩ quan Tưởng mới tới đã ngồi xuống, cởi khuy cổ chiếc áo dạ, thở è è:
— Hè... nguy ngập! Tình hình thật nguy ngập. Các ngài đã biết tin mới nhận được chưa? Việt Minh đã nổ súng tấn công tỉnh lỵ Yên Bái rồi!
Lừu A Sùng và Đường Tú An cùng giật thót mình. Sùng há hốc miệng, kêu to:
— Hỏng to rồi! Các ngài còn đợi đến bao giờ mới ra tay! Hỏng to rồi!
— Sao lại nhanh thế. — An đập tay lên mặt tờ báo “Việt Nam” — Tôi vừa đọc tờ báo này có bài tường thuật đại lễ Việt Nam Quốc dân Đảng giao chính quyền cho nhân dân tại Yên Bái. Trong số quan khách tới dự có cả Tư lệnh quân đội Trung Hoa, tối cao cố vấn, tỉnh chủ tịch, tỉnh phó chủ tịch...
— Việt Minh họ đã rảnh tay.
— Các ngài bỏ rơi bạn bè à?
— Ha ha ha...
Cái đám sĩ quan ở các bàn tiệc giữa sảnh lại rộ lên một chặp cười. Một giọng say lè nhè gào tướng lên mấy câu thơ của Vũ Hoàng Chương. Rền rĩ cất lên một giọng ca sướt mướt.
Ngọc đứng dậy:
— Ta về thôi, Trọng.
Hai người vừa đặt chân xuống bậc tam cấp thì ngoài đường nổ vang một tiếng súng poọc-hoọc. Tràng liên thanh tiếp theo sau kéo một vệt dài phía sau lưng khách sạn, xiết một vệt sáng đứt đoạn trên vòm trời mờ tối. Ngồi quanh những hàng sủi dìn, hàng nước trước khách sạn, đám người đang gà gật nhổm dậy quáng quàng, nhốn nháo chạy ập vào cửa khách sạn.
— Cướp! Cướp! Bà con ơi!
— Ối giời! Voòng Sắt cướp nhà ông Phán Thông!
— Bọn Man-di khai sáng đấy, anh em ơi!
— Chạy đi! Chạy đi! Nhanh lên.
Đèn trong khách sạn phụt tắt. Lục cục, choang choang tiếng bàn đổ, tiếng cửa kính vỡ. Tiếng người la hoảng hốt chói tai. Người lại đang chen nhau, ùn ra cửa...
Đầu phố lập lòe ánh đuốc. Phía xa, một góc trời hung hung đỏ như đám cháy. Tiếng súng nổ phát một quất trong không khí. Tiếng vó ngựa dồn dập u mờ phía xa xa.
Ngọc dạt xuống bờ sông. Anh đã lạc Trọng. Ngồi trong bụi lau rậm, nghe thấy tiếng người kêu thét ở đầu phố, tiếng súng nổ lúc ở chỗ này, khi ở chỗ khác, anh lại rực lên nỗi uất nghẹn quen thuộc. “Trời! Cả một lũ quân quan mà không đem lại được an bình cho cái thị trấn nhỏ xíu này! Và mình, mình ngồi ở đây, hèn mạt và bất lực...”
Crộp crộp... Tiếng vó ngựa mỗi lúc một rõ trên đường nhựa. Vun vút những bóng ngựa đen lướt qua mặt khách sạn. Tiếng súng ngắn nổ chỉ thiên cộc lốc như hốt hoảng giật mình.
Ngọc bỗng nằm ập xuống chân bụi lau. Có hai bóng đen vừa bò qua bụi lau cạnh anh xuống đám cây thầu dầu ở sát mí nước sông.
— Ông Xì Xám Mần, tình hình thế nào?
— Có thể là bọn Voòng Sắt, bọn “Man-di khai sáng” cướp nhà thổ ty Nông Vĩnh Yêng và nhà Phán Thông.
— Không, tôi muốn hỏi...
— À... Chúng tôi đã bàn định. Trước hết, phải nắm các thổ ty, ngài ạ. Việt Minh họ tinh lắm. Họ thấy vấn đề này rồi. Người Pháp trước sau cũng không bỏ rơi đất này. Ai nắm được thổ ty, kẻ đó thực sự làm chủ ở đây.
Gió sông hất lên, khắp người Ngọc lần mần da gà.