Outside of a dog, a book is man's best friend. Inside of a dog it's too dark to read.

Attributed to Groucho Marx

 
 
 
 
 
Tác giả: Phạm Thắng
Thể loại: Tuổi Học Trò
Biên tập: Dược Trần
Upload bìa: Ngô Quang Hoàng
Số chương: 2
Phí download: 1 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2815 / 91
Cập nhật: 2016-06-27 14:36:43 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
2
ưới chân cột đèn ven hồ Gươm, hai đứa trẻ ăn mặc rách rưới ngồi bên nhau thủ thỉ trò chuyện. Đứa lớn lấy bàn tay xoa nhẹ lên cái bướu sưng vù, tấy đỏ ở trán đứa bé, khẽ hỏi:
- Nó đánh có đau không?
- Đau lắm, tức cả ngực nữa. - Đứa bé nước mắt lưng tròng trả lời.
- Cóc khô gì phải khóc. Thế là thường.
- Tớ chỉ khóc vì ức thôi, chứ không phải đau hay sợ.
Đứa lớn kéo vạt áo lau mồ hôi trên bộ mặt ngăm đen, rồi quàng vai bạn thân mật nói:
- Đằng ấy nom như cục bột ấy, nên nó mới hay bắt nạt, tớ thì cho kẹo chúng cũng đếch dám. Đầu đuôi ra sao? Đằng ấy không quại lại nó được quả nào à?
Sợi gân xanh vắt qua sống mũi chú bé hằn lên. Chú kể lể.
- Tớ vừa nghe gọi “báo”, liền ù té chạy đến, sợ chậm chân thằng khác tranh mất khách. Tớ vừa trao báo nhận tiền thì “bốp, bịch, hự”, mấy quả tống giáng xuống đầu, ngực làm tớ tối tăm cả mặt mũi. Cái thằng mắt xếch đội mũ vành rộng cố thoi một cú nữa vào sườn tớ và lên giọng đàn anh: “Bận sau mà còn thói giành khách ấy, ông sẽ cho biết tay”. Nói rồi nó xách cặp báo chạy vụt đi. Có vậy thôi. Còn “oánh” lại thì tớ... không quen “oánh nhau”.
Nghe đứa bé thuật lại sự tình, đứa lớn ghì bạn vào ngực, cười an ủi:
- Ngày tớ mới đi bán báo cũng thế, chúng nó bắt nạt đến kinh mà vẫn phải chịu. Đói, đầu gối phải bò, sau quen đi và trở nên dày dạn. Bây giờ cánh mình bán báo không phải vì miếng ăn, nhưng phải làm y như vì miếng ăn. Thế mới tránh được sự nghi ngờ theo dõi của tụi mật thám. Đằng ấy rèn luyện xông pha cho cứng cáp lên. Cần phải nện nhau thì cứ nện. Nó ục mình ba thì mình cố thụi lại một. Ở đất này, thời buổi này mà hiền lành nhân nhượng chỉ tổ ốm đòn. Đằng ấy gắng được chứ?
Đứa bé cúi xuống, lấy ngón tay vạch một đường thẳng xuống đất, nói lí nhí:
- Tớ sẽ cố nhưng... “oánh nhau” thì khó lắm.
- Cái chính là đừng để bọn nó nghi mình giả vờ bán báo. À này, đằng ấy biết tin bốt Mai Động bị nhổ gọn chưa?
Chú bé bán báo tròn mắt ngạc nhiên:
- Thật không?
- Thật chứ lị. Tấm bản đồ Chức lém vẽ đúng như in, chỉ một đơn vị nhỏ quân ta luồn vào và cứ theo đó “dọn” sạch sẽ.
Quên cả đau, chú bé bán báo cười rất tươi:
- Thế là hết đời bà quan đồn lợn ỉ. Khoái thật! Tớ ghét cay ghét đắng cái thằng Tây già đồn trưởng, ghét đến không chịu được. Hôm bưng tách cà phê cho nó, tớ làm sánh ra có vài giọt, thế mà thằng cha chồm lên đạp tớ một cái ngã khuỵu xuống. Nó về âm phủ là đáng đời rồi.
Hai chú bé thì thầm một lúc, rồi cùng đứng dậy cắp cặp báo đi mỗi đứa mỗi ngả.
Đêm ấy, chui trong chiếc bao tải thay chăn, Thân bột nằm thu lu dưới mái hiên một ngôi trường tiểu học giữa thành phố. Mỗi lần cựa mình, khắp người chú đau ê ẩm. Chỗ sưng tấy trên trán không nhức nhối bằng hai bắp chân. Chú có cảm tưởng đùi và bụng chân như vừa bị ai lấy vồ dần cho bại đi. Ngày đầu tiên bán báo, ngoài trận đòn không may, chú đã chạy bao nhiêu đường đất.
Thân ló đầu khỏi bao tải, nhìn những ngọn điện lơ lửng giữa phễu đèn phòng thủ hắt ánh sáng nhợt nhạt xuống lòng đường. Hai hàng cây bên hè ngả bóng dài đen thượt lên những ngôi nhà nham nhở vết đạn. Vài chiếc xe bò đổ thùng lăn bánh lọc cọc trên mặt đường. Bóng đêm đã nuốt đi tất cả sự ồn ào của thành phố.
Bán báo không phải là chuyện dễ! Thân thèm khát những ngày cắp sách đến trường. Dù phải học những bài thuộc lòng dài lê thê, dù phải làm tính đố, phải giữ gìn sách vở không được giây mực nhưng cũng không khó bằng bán báo. Từ giọng rao, cách chạy tranh khách, đến kiểu nói lóng nhà nghề đều phải tập luyện công phu. Lại còn phải biết cả “oánh nhau” nữa! Chú chập chờn sắp thiếp ngủ thì có tiếng rao hàng trầm trầm quen thuộc vang lên: - Ai bánh khúc nóng... ơ! - Vào giờ này của tối thứ bảy, tiếng rao ấy đã trở nên rất gần gũi với Thân: - Ai bánh khúc nóng ơ!
Thân nhổm dậy gọi:
- Cụ bán cho cháu cái bánh!
Bà lão bán bánh bước tới, đặt chiếc thúng trước mặt Thân. Bà bỏm bẻm nhai trầu, nói:
- Bánh hôm nay ngon lắm cháu ạ, nhiều đỗ, mỡ hơn lần trước.
- Cụ chọn cho cháu cái to và nhiều xôi vào nhé.
Bà lão đưa chiếc bánh còn bốc hơi nóng cho Thân, quay nhìn chung quanh, rồi thì thầm:
- Ruột chiếc bánh này chuyển cho Z.7 vào sáng mai như kế hoạch và mật hiệu cháu đã biết. K.2 gửi lời thăm cháu.
- Bà nói với K.2, cháu vẫn khoẻ và sẽ cố gắng làm tròn nhiệm vụ.
Một chiếc xe bọc thép đi tuần rú máy ầm ầm chạy qua. Chú bé nói to với bà lão bán bánh:
- Cháu chịu cụ tiền nhé. Hôm nay báo ế, cháu lại bị bọn nó bắt nạt cướp sạch cả.
- Khốn khổ! Thôi cháu ngủ thêm chút nữa đi! - Bà lão cắp thúng đứng lên, tiếng rao trầm trầm xa dần:
- Ai bánh khúc nóng... ơ!
*
* *
Buổi sáng chủ nhật. Cửa rạp chiếu bóng Phi-la-mô-ních ồn ào khác thường. Trên bản quảng cáo dán một bức tranh lớn vẽ hình một tên mặc áo đen, đeo mặt nạ, tay cầm súng lục, dưới đề dòng chữ “Đảng cướp áo đen”. Hôm nay rạp mở cửa buổi đầu tiên, chiếu cuốn phim cao bồi Mỹ.
Trước cửa rạp, tiếng rao hàng ầm ĩ:
- Bánh tây ba tê đê... ê...
- Lạc rang húng lìu nóng giòn đơ... ơ... i...
- Bà lang trọc mới hồi cư, thuốc cao chính cống ơ...
Một chú bé bán báo ôm chiếc cặp cói trước ngực, tay xốc chiếc quần đùi xanh lùng thùng quá gối, vừa chạy vừa gào:
- Báo, báo “Ngày Mới” chủ nhật ơ...! Đón coi báo mới nào.
Đồng hồ ở quầy bán vé chỉ tám giờ. Một người đàn ông đứng tuổi, mặc bộ đồ pha len màu nâu, đội mũ dạ, đeo kính trắng gọng vàng từ bờ hồ Gươm đi sang. Người đàn ông đứng lại dưới bức vẽ quảng cáo phim, xoè diêm châm thuốc lá. Cả ba lần diêm đều tắt, ông ta lắc đầu chuyển điếu thuốc sang tay phải, tay trái đút túi quần, đi đi lại lại. Chú bé để ý tới chiếc cặp da người đàn ông kẹp ở nách trái. Chiếc cặp màu xám, mỏng, nhưng hơi to bản, nom giống cặp đựng giấy vẽ của các hoạ sĩ lưu động. Mắt chú bán báo vụt sáng.
Chú cất tiếng rao lanh lảnh:
- Quý ngài đón đọc “Ngày Mới” chủ nhật ơ!
Người đàn ông dùng tay trái bỏ mũ, khẽ hất đầu một cái rồi lại đội mũ như cũ.
- Quý ngài đón coi báo mới... nào!
Chú bán báo nhấn mạnh hai tiếng “quý ngài” tỏ ý đã nhận được ám hiệu liên lạc. Người đàn ông đưa mắt nhìn chú bé, ánh mắt đặc biệt ấy thay lời nói: “Anh đây! Anh đang nóng lòng chờ chú em”.
- Báo! Báo! Báo!
Tiếng gọi nhịp ba hách dịch của người đàn ông khiến chú bé vô cùng phấn khởi. Chú chạy vội đến giơ cặp báo, lễ phép hỏi:
- Ngài mua báo ạ?
- Ngày Mới!
- Xin ngài một đồng ạ!
Người đàn ông móc ví trả tiền vờ làm rơi điếu thuốc lá. Chú bán báo nhặt lên, thổi phù một cái rồi đút điếu thuốc vào túi áo ngực. Người đàn ông cau mày:
- Vứt đi, bẩn rồi đấy!
- Cho cháu xin, vứt đi phí quá ạ. - Chú bán báo điềm nhiên nói và trao báo cho khách. Tờ báo cộm lên không bình thường ở một góc.
Chuông điện réo từng hồi báo giờ chiếu bóng bắt đầu. Người đàn ông bước vội vào rạp.
Chú bán báo vừa định lao sang đường thì có tiếng quát:
- Đưa điếu thuốc lá ấy cho tao!
Chú giương to đôi mắt một mí lên nhìn. Một nắm tay to, chắc với bộ mặt có nước da ngăm đen chắn ngang trước mặt. Ngỡ ngàng một giây, chú đã nhìn nhận ra đồng đội, và liền làm vẻ bướng bỉnh:
- Tao đếch cho. Làm như ông tướng ấy!
- Tướng chính cống đây, nộp quan lớn điếu thuốc!
- Tao cóc nộp. Đồ bắt nạt.
- Láo nhỉ, trán mày còn sưng vù đây kia mà vẫn cứng đầu cơ à? - Đứa có nước da ngăm đen nói và tóm một tay chú bán báo vặn ngược lại. Nó thộp túi ngực chú bé, moi lấy điếu thuốc và nói to:
- Nhìn rõ mặt tao chưa? - Rồi nó ù té chạy, miệng ngậm chặt điếu thuốc vừa cướp được.
Chú bán báo vờ quệt nước mắt, xoay người lại phía sau. Một gã đàn ông loẻo khoẻo, mặt thuỗn, đeo kính râm to gần kín mặt đang lững thững bước tới...
*
* *
Hầu Tân quẩy đôi thùng gánh nước ra đến hè thì một chiếc xe máy phóng vụt tới, phanh dừng lại. Một thằng Tây lai bé choắt, đôi mắt gần sít nhau ti hí như mắt chuột chù, đèo phía sau một gã đàn ông. Tên này đeo kính râm to gần kín mặt, ôm cái cặp đen có khoá mạ kền sáng loáng. Vừa tụt khỏi chiếc xe máy, hắn đã quay đầu nghiêng ngó.
Cả hai tên đi thẳng vào cổng nhà hộ sinh Thái Hoà. Hầu Tân chống đòn gánh đứng chờ lấy nước bên dãy thùng xếp dày đặc, óc nghĩ về gã đàn ông lạ mặt. Chú cố nhớ xem đã gặp hắn ở đâu. Không, mình chưa giáp mặt hắn lần nào cả. Thôi đúng rồi! Chú thầm reo: “Một gã đàn ông dáng người loẻo khoẻo, mặt thuỗn, đeo kính râm, thường thấy lảng vảng đi lại quanh bến tàu điện Bờ Hồ. Gã có thể là mật thám và đang muốn tìm kiếm một cái gì đó. Chúng tôi đang theo dõi chặt hành vi gã ta...”
Chú nhớ lại nguyên văn báo cáo hôm đầu tuần.
- Mũ trắng... đánh giày giôn đê... ê... Giày giôn... đánh mũ trắng... nào!
Giọng rao của chú đánh giày dẻo như kẹo, chiếc hòm trong tay đung đưa theo nhịp chân bước. Mỗi lần cất tiếng rao, chiếc sẹo dài dưới mũi chú dúm lại, kéo hếch môi lên. Biết đấy là đồng đội đang bám hút theo bóng gã mặt thuỗn, hầu Tân huơ đòn gánh, gọi chú đánh giày:
- Ê, bé con! Đánh cho anh đôi giày.
Hầu Tân nói và giơ bàn chân trần mốc của mình lên. Mọi người bên máy nước cười ồ. Chú đánh giày nổi cáu:
- Có đánh mặt, tao đánh cho.
- A, lỏi này láo nhỉ! Muốn nếm đòn gánh chắc? - Hầu Tân dứ dứ chiếc đòn gánh về phía chú đánh giày.
- Thách! - Nói rồi chú đánh giày co chân chạy.
Hầu Tân vứt đòn gánh chạy theo. Chẳng ai thèm can vào chuyện trẻ con, họ còn lo tranh lấy gánh nước kẻo mất chỗ.
Chú đánh giày vừa chạy mươi bước đã bị hầu Tân tóm được. Chú hoảng quá, van lạy:
- Tớ lạy rồi. Đừng, đừng... Khéo đổ hết phấn trắng của tớ. - Chú đánh giày hạ giọng nói xen vào một câu rất nhanh: “Thằng mặt thuỗn ngồi xe máy vào phố này, anh cẩn thận!” - Và chú giúi vào tay hầu Tân một
vo giấy nhỏ.
Hầu Tân “ừ” khẽ một tiếng, véo tai chú đánh giày lên giọng kẻ cả:
- Lần này thì ông anh tha cho, nghe chưa? A-lê, xéo!
Hầu Tân quay lại chỗ máy nước với những dự tính mới.
Vừa về đến sân, Tân đã nghe tiếng gọi the thé từ nhà trên:
- Thằng hầu Tân đâu rồi, lên bà bảo!
Tân đặt vội gánh nước xuống, chạy lên phòng khách.
Nhà hộ sinh Thái Hoà do Thị Ngọ đứng chủ. Ở đây không có sản phụ, nó là một nhà chứa trá hình, trốn đăng kí hành nghề. Thị Ngọ tuy đã nạ dòng nhưng lẳng lơ, nên vẫn là của hiếm trong cái đất toàn lính Tây này. Người ta được biết mụ nguyên là vợ một thằng đội Tây gian ác khét tiếng đã chết trận. Nay mụ sống độc thân bằng nghề mãi dâm. Nhờ có nhà cao cửa rộng thừa hưởng của chồng, nên mụ có nhiều loại khách lui tới: lính Tây đủ loại, việt gian, mật thám. Hầu Tân là người chuyên phục dịch cơm nước, giặt giũ cho mụ. Thuê được thằng ở không công, ngày chỉ mát vài bát cơm, Thị Ngọ rất ưng ý.
Hầu Tân rón rén bước vào phòng khách, khoanh tay lễ phép thưa:
- Bẩm bà sai bảo ạ.
Thị Ngọ đang uốn éo trước gương, chưa kịp quay lại thì gã mặt thuỗn đã buông kính râm, nheo đôi mắt híp sùm sụp gian xảo, hất hàm hỏi:
- Thì ra đứa gánh nước vừa rồi là chú em đấy à? Tôi cứ tưởng thằng nhỏ của nhà nào. Nom chú em lanh lợi nhỉ.
Hầu Tân nhìn lướt nhanh khuôn mặt dài thượt, vàng bủng của gã đàn ông, rồi cúi đầu vẻ sợ sệt nói:
- Bẩm ông, cháu là thằng hầu của bà chủ ạ.
Gã mặt thuỗn hềnh hệch:
- Gọi anh thôi. Moa (tôi) còn trẻ mà. Hỏi chú em cho vui, chứ có gì mà sợ.
Tên Tây lai loắt choắt vỗ vai gã mặt thuỗn, giọng cớt nhả:
- Anh Ba Kế thì ai cũng chẳng tha, đàn bà con gái, trẻ nhỏ đều trêu chọc tất. Phải không moa-den (cô) Ngọ?
Thị Ngọ ngoái đầu, mắt đưa đẩy:
- Các toa (anh) đến lắm chuyện, ghẹo từ thằng ở của em ghẹo đi. - Đoạn mụ quay lại bảo hầu Tân: - Mày pha trà đem lên, rồi ra hiệu Đào lấy hai chai sâm-banh và một hộp thuốc lá Cờ-ra-ven-na. Bảo cô Lệ Hồng ghi sổ nợ nhé!
- Bẩm vâng ạ.
Hầu Tân lui ra còn nghe vẳng tiếng cười sỗ sàng của hai tên khách.
Ba Kế! Tên hắn là Ba Kế. Cần phải nắm ngay nhà ở của hắn. Việc này không thể phân công cho ai khác được. Hầu Tân lẩm bẩm một mình.
Khi mang rượu và thuốc lá về, đi ngang bếp, Tân nhìn vào đống tro và liếc nhanh ra chiếc xe dựng ở góc sân...
Bóng chiều hắt nắng vào bếp, lùa khói bay toả ra sân... Nồi xúp gà hầm khoai tây sôi lục bục trào nước xèo xèo. Hầu Tân mở vung giụi bếp lửa. Trên nhà, chủ và khách vẫn đang rượu chè đú đởn. Thị Ngọ trơ tráo đến mức tiếp khách tập thể giữa ban ngày. Cái lệ của mụ là không chứa bất cứ ai ngủ lại đêm. Thành phố còn nhiều lộn xộn, khách sợ bóng đêm. Thị Ngọ không muốn mất khách.
Hầu Tân mở vo giấy nhỏ của chú đánh giày giúi cho lúc nãy, đọc nhanh. Dòng chữ chì nguệch ngoạc:
“Cần gặp K.2. Chín giờ. Địa chỉ: quảng cáo bánh giò Quốc Việt trên báo Ngày Mới”. - Kí tên: “Dì Thục”.
Hầu Tân đọc lần nữa rồi ném vo giấy vào bếp lửa.
Nắng tắt hẳn. Tên Tây lai và Ba Kế khệnh khạng bước ra xe máy. Hai đứa thay nhau đạp cần khởi động, nhưng máy không nổ. Thỉnh thoảng chiếc xe hồng hộc phì hơi vài cái, rồi lại tắc tịt. Ba Kế làu bàu:
- Chó đểu thật. Tắc xăng!
Cả hai thằng nhìn trời chạng vạng tối, vẻ bồn chồn lo ngại. Thị Ngọ lạch bạch chạy ra, đon đả:
- Để em sai thằng hầu dắt xe đưa anh Ba Kế về nhà. Còn anh Pơ-tí, em gọi xích lô nhé!
Tên Tây lai lúng liếng cặp mắt ti hí, gật đầu:
- Moa-den thu xếp giỏi lắm. Rất đáng yêu.
- Được en (cô ấy) chiều chuộng thế thì còn gì bằng.
Thị Ngọ đỏng đảnh gọi:
- Hầu Tân! Bỏ bếp đấy, dắt xe hầu ông đây về nhà.
Hầu Tân chỉ chờ dịp này, chú vội chạy ra đỡ lấy tay lái chiếc xe máy tắc xăng.
*
* *
Phố Hàng Nón lô xô những mái ngói cổ lỗ gối nhau san sát. Con đường nhựa chạy từ cuối phố Hàng Quạt đến đường Phùng Hưng bị kẹt giữa hai dãy nhà như hẹp lại và dài thêm ra. Rất nhiều người Hà Nội biết đến phố Hàng Nón, vì ở đây có ngôi nhà số 12. Một vài nhà buôn hiếu kì từ Sài Gòn ra Hà Nội bằng máy bay cũng ghé tới đây. Trước cửa ngôi nhà số 12, treo tấm biển lớn mang hai chữ Quốc Việt vàng chói trên nền đỏ rực rỡ.
Một thiếu niên tóc hơi quăn, mắt nhỏ và sáng, trạc mười sáu, mười bảy tuổi đứng ở đầu phố, mở tờ báo Ngày Mới xem lại bài thơ đăng trên trang quảng cáo:
... Thơm ngon lại hợp vệ sinh
Bánh giò hấp nóng ngon lành dễ tiêu
Tại Quốc Việt sớm, trưa, chiều
12 Hàng Nón đã nhiều khách quen
Gấp tờ báo lại, cậu thiếu niên bước tới cửa hiệu Quốc Việt. Trong quầy hàng lồng kính bày mẫu những đĩa bánh giò bột lọc trong suốt, những bát bún thang xếp đầy thịt gà xé, trứng tráng và giò lụa thái chỉ, những cặp bánh dày tròn căng, trắng mịn. Hai ống chả quế vàng rộp dựng ở góc quầy. Cậu thiếu niên bước vào trong tiệm. Hai dãy bàn sơn xanh kê thẳng lối. Sát tường phía trong là quầy thu tiền bằng gỗ lát, đánh véc-ni bóng loáng. Trên tường treo rải rác những bức tranh bột màu vẽ các món ăn. Cậu thiếu niên chú ý đến một khung kính lồng bài thơ viết chữ to bay bướm. Ý bóng của lời thơ kín đáo nhưng vẫn dễ hiểu, gợi hồn nước:
Bánh giò Quốc Việt vệ sinh sao!
Miếng miếng kèm thêm chả quế vào
Còn khách sành ăn còn Quốc Việt
12 Hàng Nón thú thanh tao.
Hai câu thơ cuối lối chữ chân phương, nghiêm túc. Bên quầy thu tiền, cô thiếu nữ có đôi mắt đen láy viền hàng mi cong lịch thiệp mời khách:
- Cậu xơi bánh giò hay bún thang ạ?
Cậu thiếu niên sửng sốt khi nghe tiếng quen quen của cô gái, nhưng kịp trấn tĩnh.
- Cho tôi hai bánh giò hấp. - Cậu thiếu niên nói và giơ lên hai ngón tay. Cô gái mỉm cười, dùng tay phải
vuốt những sợi tóc mai xoà bên má:
- Mời cậu vào nhà trong.
Cậu thiếu niên vén bức rèm treo cửa bước vào. Phòng trong là nơi tiếp những khách quen của cửa hàng.
- Kìa chú Hoàng Quyên!
Ông chủ hiệu đang quay máy xay thịt, ngừng tay nhìn cậu thiếu niên, khẽ reo lên.
Hoàng Quyên cũng không nén được niềm vui đột ngột:
- Trời ơi, anh Đại! Thì ra anh là ông chủ hiệu Quốc Việt nổi tiếng...
Anh Đại lùi lại ngắm Quyên từ đầu đến chân:
- Chú mình vẫn như hồi ở làng Huỳnh Cung, phải cái hơi gầy. Thôi được, Quốc Việt bồi dưỡng cho mươi lần là béo quay. Gặp ai ngoài hàng chưa?
- Rồi anh ạ. Thú vị và bất ngờ quá!
- Gọi cô ấy là Thục, Hoàng Thị Thục. Họ nhà đấy.
Hoàng Quyên tròn mắt ngạc nhiên. Hoá ra người bấy lâu nay lấy tên là “Dì Thục” lại là... Vừa lúc đó, cô gái bước vào. Hoàng Quyên buột miệng:
- Bích Hạnh!
- Dì Thục chứ! - Cô gái chữa lại, giọng nhỏ nhẹ nhưng nghiêm chỉnh.
Anh chị Đại cùng em trai và năm cháu bé về Hà Nội hồi giữa năm. Đúng ra là kháng chiến yêu cầu gia đình anh hồi cư. Tổ chức đã phải thuyết phục, vận động anh khá vất vả. “Bỏ kháng chiến, “dinh tê” vào thành là một điều xấu hổ”. - anh Đại thường nói với bạn bè như vậy. Khi được biết kháng chiến sẽ “gửi” một cán bộ về theo, anh Đại ưng thuận. Bích Hạnh, nữ chiến sĩ công an phản gián, được bố trí làm cô em gái họ Hoàng.
Với tài tháo vát của anh Đại, vài tháng sau, số nhà 12 Hàng Nón trở thành hiệu Quốc Việt nổi tiếng khắp Hà Nội. Cái tên “Quốc Việt” hình như làm cho bọn Việt gian hoảng sợ. Có lần Ban bảo an thuộc Hội đồng an dân Bắc phần gọi anh Đại lên doạ nạt, bắt phải thay tên hiệu. Anh Đại từ tốn trả lời:
- Thưa các ông, cơm tám giò chả, bánh giò, bún thang... là những món ăn dân tộc, được người Việt Nam ưa thích. Tôi thiết nghĩ, đặt cho cửa hàng cái tên Quốc Việt là rất phù hợp vậy. Mong các ông cho phép được giữ nguyên tên đó. Nếu thay đi thì phải đổi biển hiệu và các quảng cáo rất tốn kém ạ...
Bọn chúng đành làm thinh trước lí lẽ ấy. Tên hiệu Quốc Việt cứ tồn tại cùng với người con gái họ Hoàng duyên dáng xinh đẹp.
Trên căn gác xép hiệu Quốc Việt, Hoàng Quyên mở đầu cuộc trao đổi với Bích Hạnh.
- Hắn ở 27 phố Săng-xôm và đúng là Lê Hữu Ba Kế, nhân viên Ban bảo an.
- Quyên phải vẽ sơ đồ nhà hắn. Cấp trên đã chỉ thị phải trừ khử hắn ngay kẻo rất nguy hiểm cho Z.7.
Nhóm hành động đã sẵn sàng, còn chờ sơ đồ nhà hắn ở. Điều gay go là nơi giấu vũ khí sau khi hành động.
Bích Hạnh nói rồi ngồi im, vẻ suy nghĩ. Hoàng Quyên hỏi:
- Thế ý Hạnh thế nào?
- Chúng ta phải thực hiện đúng chỉ thị của anh Cả. Tuyệt đối không để một sơ hở nào bị liên luỵ sau cái chết của hắn. Nghĩa là vũ khí dùng xong phải được cất giấu nơi kín đáo.
Hoàng Quyên quả quyết:
- Tôi đảm nhận việc này cho.
- Nhưng Quyên nhớ rằng nhà hộ sinh Thái Hoà là nơi lui tới của nhiều hạng người. Giấu ở đấy có ổn không?
- Hạnh yên tâm. Tôi cho tạm cất ở điểm hộp thư “bem”, sau đó sẽ tìm cách chuyển ra ngoài. Kế hoạch như sau... - Hoàng Quyên hạ thấp giọng. Bích Hạnh phải lắng tai mới nghe rõ.
Mắt Bích Hạnh sáng lên. Cô nói như reo vui:
- Ừ nhỉ, Quyên nhanh trí thật. Thế mà Hạnh không nghĩ ra. - Bích Hạnh nhìn Quyên cười, rồi tiếp:
- Còn một việc quan trọng nữa, điểm chính mà chúng ta bàn hôm nay. Theo báo cáo của nhóm H.1, việc liên hệ với hai nhà trí thức Đ. và K. đã làm xong. Tại nhà riêng hai ông lúc nào cũng có mật vụ theo dõi.
Nếu không đưa nhanh hai vị ra ngoài, chắc chắn kẻ địch sẽ bắt mang đi biệt xứ.
Nghe Bích Hạnh trình bày, Hoàng Quyên hình dung thấy tất cả những khó khăn của nhiệm vụ đột xuất này.
Hai nhân sĩ trí thức đó bị kẹt trong thành phố từ ngày đầu nổ súng. Các ông chưa kịp tản cư, giặc đã ập đến. Thực dân Pháp rập rình đưa Bảo Đại về lập chính phủ bù nhìn; chúng o ép, mua chuộc, mời hai ông tham gia chính quyền. Chúng nhử ghế bộ trưởng này, bộ trưởng nọ, nhưng hai ông kiên quyết cự tuyệt. Bọn giặc trở mặt, hạ lệnh quản thúc, bắt các ông mỗi tuần phải hai lần lên trình diện Sở mật thám.
Nhóm H.1 gồm hai cán bộ công an Hà Nội được trên giao nhiệm vụ đến liên hệ trực tiếp ở nhà riêng, tạo điều kiện đưa hai ông và gia đình ra với kháng chiến. Từ một tuần nay, Quyên lo việc cử người dẫn đường đưa hai nhà trí thức cùng gia đình vượt đường “bem” ra ngoài. Quyên nói với Hạnh một cách khẳng định:
- Tôi đã cân nhắc kĩ và sẽ cử Nhạ dẫn đường. Chỉ còn cách đi ban đêm. Tất nhiên vấn đề không đơn giản, nhất là việc đưa hai ông thoát khỏi nhà riêng.
- Điều ấy nhóm H.1 sẽ làm và dẫn hai ông đến một cơ sở an toàn ở ven nội, có thể là nhà cụ Vuông. Rồi từ đó, đội ta phụ trách đưa ra. Hạnh thì lại lo đi đường cơ, vì phải qua nhiều đồn bốt giặc.
- Tôi đảm bảo với Hạnh, nhất định Nhạ làm tròn nhiệm vụ và nhất trí dùng nhà cụ Vuông là nơi tạm nghỉ của hai ông và gia đình. Đây là một cơ sở rất tốt, hoàn toàn đáng tin cậy.
Bích Hạnh hỏi:
- Có phải cụ Vuông là cơ sở do Nhạ sẹo gây dựng không?
Quyên thích thú trả lời:
- Rất đúng! Từ chuyện một chiếc guốc đứt quai...
Bích Hạnh mở tròn đôi mắt đen láy:
- Chuyện gì lạ vậy?
- Thật mà. Chuyện xảy ra sau ít ngày bọn mình trở về Hà Nội...
Hôm ấy, Nhạ sẹo xách hòm đánh giày tha thẩn ở cửa chợ Hôm. Cậu ta mải nghếch xem người bán vé tàu điện chập cần vẹt vào đường dây thì vấp phải một cụ già. Ông cụ ngồi đóng chiếc guốc mộc vừa bị đứt quai. Nhạ cúi xuống lễ phép nói:
- Cháu xin lỗi cụ ạ.
Ông cụ nhìn thằng bé đánh giày có cái sẹo dúm dó trên môi, tưởng như hỗn xược mà lại hoá ngoan, liền gật đầu:
- Ờ, không sao. - Rồi cụ tiếp tục gõ guốc cạch cạch xuống hè.
Thấy cụ già mắt kém loay hoay không đóng được chiếc guốc đứt, Nhạ ngồi xuống, nói:
- Cụ để cháu đóng cho nào.
Ông cụ nhìn Nhạ một lần nữa, cười móm mém:
- Cháu ngoan lắm, hộ lão một tí vậy.
Nhạ lục hòm đánh giày lấy chiếc bàn chải cán sắt và mấy cái đinh con. Loáng sau cậu ta đã đóng xong guốc cho ông cụ. Nhạ xách hòm đánh giày định đi thì ông cụ gọi lại:
- Này cháu, lão hỏi không phải, nhà cháu ở trong phố hay ngoại ô?
- Thưa cụ, cháu không có nhà. Cứ lang thang thế này, tối ngủ hè thôi ạ.
- Tội nghiệp! Những người tốt toàn phải chịu khổ... Hôm nào về nhà lão chơi, cháu nhé.
- Thưa cụ ở đâu ạ?
- Làng Thanh Nhàn. Cứ hỏi bố Vuông là ai cũng biết. - Ông cụ cười khà khà.
Thấy ông cụ cởi mở và vui tính, Nhạ bèn trả lời:
- Thế thì thể nào cháu cũng đến thăm cụ. Cháu chào cụ ạ.
Ông cụ nhấp nháy đôi mắt nhăn nheo, gật gật đầu:
- Phải lắm, cháu cứ đến với lão cho vui nhà.
Ít hôm sau, Nhạ tìm đến nhà cụ Vuông thật. Ông cụ tỏ ra rất mến thằng bé đánh giày tốt bụng. Khi được biết con trai ông cụ đã hi sinh ở mặt trận Lò Đúc, để lại người vợ sống cảnh goá bụa, Nhạ ngồi thừ một lát rồi nói:
- Cháu đi đến đâu cũng gặp người mang thù, mang oán với giặc Pháp. Chúng nó ác quá không chịu được
nữa!
Ông cụ xoa đầu Nhạ, bảo:
- Phải chịu cháu ạ. Biết chịu đựng mọi đau thương mà không nao núng thì giặc nhất định sẽ thua!
Từ đó Nhạ thường xuyên về thăm cụ Vuông và chị Thanh, con dâu của cụ. Dần dần nhà cụ trở thành một cơ sở bí mật vững chắc của đội Bát Sắt...
Nghe Quyên kể xong, Bích Hạnh nói:
- Được một liên lạc dẫn đường như Nhạ sẹo thì không còn gì đáng lo nữa.
Hoàng Quyên và Bích Hạnh bàn đến những điểm nhỏ nhất của kế hoạch trừ khử tên Việt gian Ba Kế và ấn định thời gian thực hiện nhiệm vụ đưa hai nhà trí thức thoát khỏi nanh vuốt giặc.
*
* *
Suốt đêm hôm ấy, Hoàng Quyên không chợp mắt. Nhìn mảnh trời vuông trên cửa sổ hẹp in đậm những vì sao lấp lánh, Quyên nghĩ miên man bao nhiêu chuyện. Chuyện đã qua và chuyện sắp tới. Càng nghĩ Quyên càng thấm thía lời anh Cả nói với mình trước ngày về nội thành: “Thời gian trôi đi rất nhanh, chẳng bao giờ chờ đợi chúng ta. Hoạt động trong lòng địch là ta phải biết nắm vững thời cơ, vượt lên thời gian. Chờ đợi là thất bại...” Đúng là thời gian đi nhanh ghê gớm. Vừa mới lúc nào Quyên còn là đứa bé sáu tuổi. Nhà nghèo, con đông, mẹ ốm dai dẳng không chạy chữa được phải gửi con vào trường Dòng, Quyên rùng mình gai lạnh. Người ta nhân danh Chúa bố thí cho trẻ mồ côi ở đây mỗi ngày ít cơm và áp dụng một lối giáo dục kì quặc. Tuy chẳng hiểu gì, Quyên vẫn phải thuộc làu làu kinh thánh không dám sót một chữ, nhưng đụng đến tờ báo hoặc quyển Kiều là cấm đoán nghiêm ngặt. Quyên trở nên ngớ ngẩn như mất hồn. Anh Quyên tìm cách xin cho em ra khỏi trường Dòng. Về nhà, Quyên mới rõ hai anh mình đều là cán bộ Việt Minh bí mật. Các anh giáo dục, dìu dắt đứa em đi theo con đường Cách mạng, trao cho Quyên nhiệm vụ liên lạc và canh gác các cuộc họp kín.
Cách mạng tháng Tám thành công, như chim non sổ lồng, Quyên hăm hở lao vào công tác. Mười lăm tuổi là chiến sĩ công an, tròn mười sáu tuổi Quyên trở thành đảng viên Cộng sản (Quyên được kết nạp Đảng sau chuyến mở đường về Hà Nội tạm chiếm).
Kiểm điểm lại những việc đã làm, Quyên rất tự hào về đồng đội của mình. Chuyến tìm đường về Hà Nội đêm ấy là một cuộc đi lịch sử. Đội Bát Sắt đã nhanh chóng triển khai lực lượng trong nội thành, giăng một mạng lưới cơ sở bí mật đến một xã ven nội phía nam. Sắp tới còn biết bao công việc phải làm. Khó khăn, gian khổ không ít nhưng Quyên tin ở đồng đội, tin ở bản thân mình, tin vào sự lãnh đạo sáng suốt của trên. Có Bích Hạnh bên cạnh cùng hoạt động, Quyên càng thấy vững vàng, phấn chấn hơn lên...
Bích Hạnh chuyển từ công tác phụ vận huyện Thường Tín về hoạt động trong Hà Nội mà gia đình không hề hay biết. Trước khi vào thành, Hạnh về thăm nhà cùng đứa em trai vào một ngày nắng đẹp.
Trên con đường đất chạy ngoằn ngoèo từ làng Bồ Nâu đi Phúc Lâm, hai chị em rảo bước nóng lòng được gặp bố mẹ. Chú bé lúc tụt lại sau, khi vượt lên trước, nhảy nhót như con sáo nhỏ. Lúa bên đường trải thảm xanh mịn màng. Chim chiền chiện hót vui, chao liệng trên cánh đồng quê hương. Mỗi lần gặp những tấm cót dựng ở ven đường, chú bé lại dừng lại lẩm nhẩm đọc dòng khẩu hiệu viết bằng vôi: “Triệt để vườn không nhà trống”, “Tiêu diệt thực dân xâm lược Pháp!”, “Trường kì kháng chiến nhất định thắng lợi!”...
- Chị ơi, người ta phá hết nhà gạch ở phố Vân Đình rồi. Phí quá! - Chú bé níu áo chị, nói.
- Phải phá tất cả em ạ. Bác Hồ bảo: Vườn không nhà trống cũng là đánh giặc. Giặc tan, ta lại về dựng xây to đẹp hơn, lo gì.
- Phố Vân Đình giặc có đến được không hả chị?
- Chúng có thể đến.
- Nó không có nhà ở, không có cái ăn, ai cũng căm ghét chúng nó, chị nhỉ? Tất cả ai cũng bất hợp tác với chúng thì chúng sẽ phải cút, chị nhỉ?
Bích Hạnh không trả lời đứa em, cô chỉ gật đầu. Có cái gì xót xa bỗng trào lên trong tâm hồn cô gái.
Người ta lánh mặt giặc, coi chúng như lũ ôn dịch; đến trẻ con cũng biết oán thù, khinh bỉ chúng. Thế mà mình thì lại sắp trở về sống trong vùng kiểm soát của chúng, hằng ngày phải nhìn chúng nghênh ngang giày xéo lên đất đai ông cha. Lại còn phải tiếp xúc, giao thiệp thân mật với chúng nữa...
Bích Hạnh rùng mình. Cô tự nhủ, nếu không vì nhiệm vụ thì dù rau cháo quanh năm mà được ở vùng tự do vẫn cứ sướng hơn.
Chợt Bích Hạnh nắm tay em, bắt nọn:
- Thân này, chị hỏi thật nhé, giấu chị, chị giận đấy. Thân ở trong ấy ra thấy tình hình thế nào?
Thân bột giật mình, ngước cặp mắt một mí nhìn chị. Đúng là chú vừa ở “trong ấy” ra thật. Sau chuyến mở đường. Chú lại vào lần nữa để sửa soạn cho nghề bán báo của mình. Chú được về phép trước khi vào hoạt động lâu dài. Nhưng cái đó Thân đâu có quyền nói với chị:
- Em đã bảo không mà lị. Chị cứ tò mò.
Biết là phạm nguyên tắc bí mật, Bích Hạnh im lặng. Lúc sau, cô bảo em:
- Chị cũng sắp đi xa.
Đến lượt Thân dò hỏi chị:
- Tận đâu cơ?
- Chiến khu!
- Chị nói dối...
- Thật đấy! Thân lại tò mò chuyện công tác của chị rồi.
Chú bé cười hồn nhiên, Bích Hạnh nhìn em và nói tiếp, giọng chị dịu dàng:
- Chị chỉ ước mong, nếu em xin về hẳn với thầy mẹ thì chị yên tâm lắm. Bốn anh chị em mình đi cả, thầy
mẹ ở nhà lủi thủi, nghĩ thương quá!
Chú bé trợn mắt, cướp lời chị:
- Ứ ừ, chị về có được không? Chị là con gái, thổi cơm, đi chợ giỏi hơn em chứ. Em quay lại, không về nhà nữa đâu. - Thân vùng vằng nói, giằng khỏi tay chị.
Bích Hạnh kéo em đi sát bên mình, giọng nhẹ nhàng:
- Anh Được, chị Hoa đều nhắc chị khuyên em như thế. Có xin về hay không là tuỳ em. Đừng tự ái.
Thân liến thoắng:
- Chị nói dối nhé. Hôm anh Được bị thương ở Bạch Mai, gặp em, anh bảo rằng cố mà công tác cho tốt. Còn chị Hoa, hôm đơn vị chị ấy rút qua ngã tư Trung Hiền, vừa thấy em, chị đã gọi toáng lên: “Thân ơi, chúc em lập chiến công”. Đấy chị xem, có ai khuyên em rút lui đâu!
Bích Hạnh buông tay em, âu yếm bảo:
- Làm gì mà lí sự hăng thế. Em đi cũng được, nhưng nếu ở gần thì năng về thăm thầy mẹ thay chị.
Chú bé cười khì khì, đôi mắt một mí gần như nhắm tít lại...
Hoàng Quyên cũng không rõ Bích Hạnh về Hà Nội từ bao giờ, lần gặp vừa rồi ở hiệu Quốc Việt, chú mới biết. Ngay đến Bích Hạnh và Thân bột, hai chị em ruột ở cách nhau vài đường phố, mà vẫn cứ tưởng cách trở núi rừng nơi chiến khu xa thẳm.
Chiếc đồng hồ nhà trên ngân nga bốn lần dạo nhạc và buông bốn tiếng chuông thánh thót. Quyên vẫn nằm thao thức. Trời sắp sáng. Một ngày mới lại bắt đầu.
Đội Thiếu Niên Tình Báo Bát Sắt Đội Thiếu Niên Tình Báo Bát Sắt - Phạm Thắng Đội Thiếu Niên Tình Báo Bát Sắt