Sự khác biệt giữa người thành công và những người khác không nằm ở chỗ thiếu sức mạnh, thiếu kiến thức, mà là ở chỗ thiếu ý chí.

Vince Lambardi

 
 
 
 
 
Tác giả: Thế Uyên
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Khôi Khiếu Mai
Số chương: 15
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2305 / 19
Cập nhật: 2015-07-16 13:43:59 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 2 Đoạn Đường Cát Lở
rong khi phải chờ đợi ngày phải giầy cỏ gươm cùn ra đi lần nữa, tôi lôi chiếc rương sắt mà không một kẻ đi lính đã hơn một lần thuyên chuyển đi xa nào lại không có, lục tìm lại các quân trang còn giữ từ lần đi lính trước. Những bộ quân phục bạc mầu còn nguyên nếp là cứng lẫn với mùa ẩm mốc của một mùa mưa mới qua, những bộ quần áo ngày giải ngũ tôi nhất định không cho ai, từ những người lính trong đơn vị cho đến những người bạn còn nằm vùng cát trắng ngủ cồn rêu xanh. Giữ chúng không phải vì lưu luyến những giọt mồ hôi, những dấu tích của một thời kỳ đã qua – tôi không đa cảm tới mức như thế. Giữ lại đây bởi vì tôi rất ghét phải mặc những bộ đồ quân nhu cấp phát rộng thùng thình, mặc vào có cảm tưởng như mình là một anh chàng pạc-ti-dăng, hình ảnh tủi nhục của một thời kỳ tủi nhục. Giữ lại vì tôi tin rằng quân đội không thể cho tôi giã từ vũ khí dễ dàng: qua kinh nghiệm của Duy Lam và của những người bạn bây giờ thường đeo ít ra một hoa mai trắng, tôi biết rằng ở phần đất này, kẻ nào đã lỡ khoác lên một lần quân phục, thì có quyền hy vọng “chàng Siêu mái tóc điểm sương mới về”. Hơn nữa, đọc lịch sử, nghiên cứu đôi chút về địa lý chính trị và địa lý chiến lược của Việt Nam, tôi được biết rằng cái thường được gọi là “dân tộc Việt Nam hiếu hoà” ấy chỉ là một huyền thoại lớn. Từ khi lập quốc đến giờ, có thời kỳ nào dân tộc này được ngừng cuộc chiến đấu để sinh tồn đâu – và mỗi khi có ngừng, mỗi lần từ vua cho tới sĩ phu trọng văn khinh võ, là y như nạn mất nước đã gần kề. Dân tộc Việt quả thực chưa bao giờ hiếu hoà: thời kỳ nào không có ngoại xâm từ phương Bắc tới, thì chúng ta tây tiến nam tiến, không tây tiến nam tiến thì quay ra đánh lẫn nhau. Bởi thế, tôi quả có lý khi giải ngũ lần trước, đã cố giữ lại những bộ quần áo trận cũ nhưng đã được sửa cho đúng với thân hình.
Chiếc hoa mai vàng duy nhất cũ rỉ còn lại tháo từ nắp túi đeo lưng mốc meo ra đã được gắn lên một ngực áo để trên cùng ngăn quần áo trong tủ, bông mai biểu tượng cho một cấp bậc chỉ huy tuy nhỏ bé nhưng ghi lại một đôi phút tự hào của một kẻ lên lon trong rừng. Mọi chuẩn bị cho một đường cung kiếm điêu linh mới đến đây là xong, tôi trở lại cùng bạn bè cắm cúi lựa bài, sửa bản vẽ cho đặc san thứ ba, nỗ lực duy nhất còn được phép làm. Những buổi sáng cùng vài người bạn bàn về tương lai tờ tạp chí nhỏ bé ấy sau khi tôi ra đi một đường lính tráng, đã qua đi rất mau trong những phút vui khá mỏng manh – bởi vì tôi đã lờ mờ ý thức rằng chế độ chẳng còn cho phép những người cầm bút như tôi lên tiếng nhiều hơn nữa. Và vào một buổi sáng đẹp trời, đặc san đã lên khuôn quá nửa, một văn thư từ bộ thẩm quyền gửi tới cho biết phải đình bản ngay, một văn thư dưới có ghi chú gửi phó bản cho cơ quan an ninh để “tường”. Trong khi chuyển văn thư ấy cho ban biên tập, cũng để “tường” và để “tri hành”, tôi lẳng lặng gọi thêm cho mỗi người một ly cà phê rồi đứng dậy ra cửa quán mua thêm một bao thuốc lá.
Gọi thêm một ly cà phê, mua thêm một bao thuốc lá để ngó nhau, ngó cái xã hội đang chìm dần trong thối nát, trong chờ đợi tháng ngày qua… Một buổi sáng, tôi nhận được thư của một đồng đội cũ, xưa anh làm đại đội trưởng thì tôi phụ tá, cho biết đã lên ba hoa mai và coi đại đội thám kích của sư đoàn cũ. Đọc những hàng chữ ngoằn ngoèo quen biết, những hình ảnh của rừng của cây của đồng hoang xuất hiện trở lại. Đằng nào cũng đi lính, tại sao lại không trở lại đơn vị cũ với vùng chiến trường quen thuộc và ưa thích – tôi rất ghét lội sình, không thích nghe muỗi thổi sáo và đỉa lội như bánh canh nên dù đã mài khá nhiều gót giầy ở bảy đơn vị khác nhau, chưa bao giờ tôi để cho thượng cấp cho nam tiến quá Sài Gòn. Đằng nào cũng chiến đấu, cũng có thể đi ngủ với giun dế, thì sao không đổ mồ hôi trên đồi cỏ cao nguyên, trên bãi cát khô cháy núi cằn, để rồi nếu có phải gục xuống, thì biết đâu mắt chẳng ghi được cành phong lan hay một mỏm núi nào như hình ảnh chót.
Ít nhất còn có thể chọn cho mình một đơn vị và một thứ chiến trường… Một buổi sáng nữa tôi dậy sớm, nhét đầy giấy tờ quân vụ vào một túi, túi kia để giành chỗ cho bao thuốc lá đen, tôi rời đô thành đi tìm đơn vị cũ trình diện. Tới bến xe tỉnh lỵ, vừa bước xuống xe lô, một chiếc Honda đã ghé sát và chủ nhân mời tôi muốn đi đâu thì đi. Thoạt tiên tôi khước từ vì quá quen với hình ảnh những người chở mướn cho các quân nhân nước bạn đồng minh vĩ đại: Lính tráng đi tái ngũ đây, sức mấy mà nhờ xe anh! Chủ xe, còn rất trẻ vẻ mặt sáng sủa, cười trả lời: Em là học sinh mà, nhà cháy tiêu nên đi chở đỡ. Anh cứ lên đi, thông cảm mà… Tôi bèn thông cảm. Một học sinh nạn nhân chiến cuộc Mậu Thân và một lính cựu già, làm sao thiếu được tình thông cảm! Con đường đưa tới đơn vị xưa hai bên là đồng hoang cỏ bụi, bây giờ đã thay đổi hẳn làm tôi ngỡ ngàng. Không phải là thay đổi kiểu sông kia rầy đã nên đồng, chỗ làm nhà cửa chỗ trồng ngô khoai đã làm buồn một nhà thơ họ Trần. Con đường đã mở rộng gấp đôi và nát bấy, bụi cát bay phủ đỏ hai bên nhà cửa san sát, nhưng không phải nhà để ở mà là nhà thiên hạ nay thường gọi là “biểu tượng của văn minh Hoa Kỳ”: các snack-bar. Hết quán này đến quán khác chạy dài cho tới khu gia binh sát kẽm gai doanh trại, làm tôi có lúc tự hỏi có phải đương đi nhầm đường tới một đơn vị Hoa Kỳ hay không.
Xe phải đỗ ngoài xa, tôi đi bộ vào doanh trại trên đường cát lở ngập quá nửa giầy. Trình giấy tại điếm canh xong, tôi quanh quẩn quanh mấy người lính gác, hút thuốc chờ đợi lệnh cho vào. Không biết làm gì dưới làn nắng buổi trưa chói chang trên cát bụi bám đầy tất cả, cho đến tận đỉnh mũ sắt của người lính gác, tôi lắng nghe họ nói để rồi vào một lúc nào đó biết rằng trong những ngày chiến cuộc cam go vừa qua, có một đơn vị đóng bên này sông Đồng Nai đã chiến đấu với bụng đói dài để rồi cố vấn vĩ đại phải động lòng từ bi xin thượng cấp, dĩ nhiên của cố vấn, ít thực phẩm. Nhưng đói vẫn cứ đói bởi vì đường từ thủ đô miền Nam sang đây quá khó nên đã có lúc xe thực phẩm đi lạc lộ trình để rồi trút hàng xuống một địa điểm không hề được chấm toạ độ trong bất cứ một phóng đồ hành quân nào. Một câu chuyện như thế là thường quá, chẳng còn làm ai ngạc nhiên. Có ngạc nhiên chăng là nỗi ngạc nhiên đáng thương của mấy người lính kia mà thôi.
Con đường từ cổng trại vào vẫn còn nhiều bóng cây râm mát, dãy nhà dài xưa có lần được mang quân về nghỉ, tôi đã treo võng giữa hai cột, nằm uống chai bia mà cảm thấy thế là hạnh phúc và bình an dưới thế gian, vẫn còn nguyên vẹn nhưng mỗi góc cạnh đều cũ đi một chút, tường loang lở thêm dưới lớp vôi mới quét lại vàng hoe. Viên đại uý tổng quản trị tiếp tôi theo “nghi lễ” dành cho chiến hữu trở về, nghĩa là giản dị, vui vẻ và ngay thẳng – nói một cách khác là không hề phát ngôn như một dân chiến tranh chính trị. Ông cho tôi biết người bạn cũ của tôi đã đi tiểu đoàn phó xa. Như vậy, tôi chỉ còn có vùng rừng cao su và đồng hoang ngoài kia là quen cũ ở xứ này. Nhưng đã đặt ngập chân vào con đường cát lở, tôi chẳng muốn trở về suông nên hỏi có thể phục vụ tại bộ tư lệnh sư đoàn không. Viên đại uý đưa một lý do nào đó để trả lời không rồi mỉm cười. Dù làm lính mới có bốn năm quân vụ ít ỏi, tôi cũng đã hiểu được quân ta thường xuyên chuyển và bổ nhậm căn cứ trên những tiêu chuẩn gì. Sau cùng tôi ngỏ ý xin được về trung đoàn cũ, tiểu đoàn cũ để nhận một đại đội, dù ý thức rằng đơn vị cũ kể như mới bởi vì ai chưa chết thì cũng không còn ở đó. Làm sao tôi còn bạn cũ ở một đơn vị đã rời xa quá lâu, một đơn vị đã bị bôi tên trên một lần trong đó có một lần ở đồn điền M… Lời xin đặc ân này đương nhiên được thoả mãn trăm phần trăm, nhưng tôi đột nhiên chán ngán, không biết vì chợt nhìn thấy bụi bám đầy giầy hay vì cái nóng buổi trưa từ trên mái tôn xuống, nên xin hoãn làm thủ tục tái ngũ tới tuần sau, hạn chót. Viên đại uý cười dặn: Anh nhớ 18 giờ một phút ngày này tuần sau tôi hết thẩm quyền nhận. Sau đó anh phải trình diện ở quân trấn, phiền phức lắm. Tôi mỉm cười đáp lễ và hứa 18 giờ kém một phút ngày này tuần sau sẽ có mặt bởi vì vốn có huyết hải thâm cừu với lũ rệp ở trại nhập ngũ số 3.
Tôi ra về, đi qua con đường khá mát của doanh trại, qua đám lính canh đã từng băn khoăn về lũ thực phẩm đi lạc lộ trình, qua con đường cát lở lún sâu dưới giầy, mắt nhíu lại dưới nắng và bụi cuồn cuộn từ một chiếc xe vừa tung lên cao làm mờ nhạt một thời gian ánh nắng. Một thiếu phụ mặc áo dài chắc sáng nay ra đi là trắng, còn bây giờ là hồng loang lổ bụi phủ, chặn tôi lại để hỏi thăm về một đơn vị. Người con gái quá trẻ, như một nữ sinh mới quẳng cặp sách vào ngăn tủ chưa lâu để làm chinh phụ tập sự. Tôi trả lời những gì tôi biết, nghĩa là gần như chẳng biết gì rồi quay người nhìn theo hình dáng tà áo bay lập lờ sau lớp bụi vừa dầy đặc thêm sau một đoàn GMC. Chắc mấy năm trước đây, Thi cũng đã đi tìm tôi như thế, vất vả và lạc lõng.
Buổi tối ở Sài Gòn, tôi kể lại Thi nghe mọi việc trong ngày giữa một ngụm cà phê và một làn khói thuốc cùng một vài đoạn nhạc từ máy phát thanh dưới chân. Nhạc bỗng ngừng và một thông cáo được đọc lên cho biết tất cả giáo chức cựu quân nhân như tôi phải về trình diện gấp Bộ Giáo dục để phụ trách huấn luyện quân sự học đường. Tôi nghe biết mà không buồn không vui: không vui vì biết kiếp lính thành phố sẽ là như thế nào và hiện chẳng còn công việc gì đòi hỏi tôi phải ở lại thành phố này, cái thành phố nổi danh vì điếm và rác rưởi đủ loại. Nhưng cũng không buồn bởi vì khi cúi nhìn đôi giầy còn đầy bụi mang từ con đường cát lở về, tôi âm thầm tự kiếm trong mình một lý do để bộ quân phục bạc trắng kia có được một ý nghĩ, chứa đựng được một lý tưởng để cho những giọt mồ hôi sẽ đổ ra sau này thấm được vào trong một niềm an ủi.
Đoạn Đường Chiến Binh Đoạn Đường Chiến Binh - Thế Uyên Đoạn Đường Chiến Binh