No man can be called friendless who has God and the companionship of good books.

Elizabeth Barrett Browning

 
 
 
 
 
Tác giả: Nguyễn Viện
Thể loại: Tiểu Thuyết
Số chương: 12
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1220 / 10
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 2 -
iểu Phụng gọi cho tôi vào lúc năm giờ chiều và báo cô ấy đang ở bến xe. Lạy chúa, cô ấy đến và không báo trước. “Không phải cháu đã nói là cháu sẽ lên thành phố sao?”. Nhưng không phải vậy. Lỡ tôi không có mặt ở đây thì sao? Cần phải báo lại trước khi lên đường, hiểu không. Tiểu Phụng vừa rơm rớm nước mắt vừa cứng cỏi: “Ông không chờ đợi cháu đến?”. Tôi ôm cô vào lòng. “Không phải vậy”. Tôi đã nhìn thấy Tiểu Phụng đứng bần thần với một túi xách. Ông ba bị, mẹ mìn ở khắp nơi. Và tôi thấy tôi là một ông ba bị. Tôi đi bắt trẻ con.
Gặp được ông ấy tôi quá mừng. Không phải lần đầu tôi đến Sài Gòn, nhưng đây là Sài Gòn của ông ấy. Nó khác với Sài Gòn những lần tôi đã đến trước đó. Có những cây thông Noel được dựng lên trong các cửa tiệm và tôi cảm nhận được niềm vui đang rộn rã trong lòng mình. Tôi ngồi ôm sau lưng ông. Chiếc túi xách bỏ ở phía trước. Không kể lần ông ôm vai tôi chụp hình, đây là lần thứ hai chúng tôi sát cạnh nhau. Mùi đàn ông của ông thơm và nồng. Tôi nghĩ ông sẽ đưa tôi về nhà, nhưng không, ông đưa tôi đến một khách sạn nhỏ. Ông nói: “Ở tạm đây rồi tính”. Ông chờ tôi tắm rửa rồi đưa đi ăn. Đó là một cái quán kỳ cục, cổng đóng và không có bảng hiệu. Chỉ khi khách đến bấm chuông, người làm mới ra mở cổng mời vào. Quán kín đáo và sang trọng. Ông không hỏi ý kiến tôi ăn gì. Ông tự chọn và bảo: “Ăn cho biết”. Món vịt xiêm nướng chao rất ngon. Chả cá Lã Vọng tôi cũng thích. Ông nhìn tôi ăn, cười độ lượng. Có lẽ tôi đã ăn như sắp chết đói. Ông bảo: “Em có cách ăn của một người biết hưởng thụ”. Tôi hỏi như vậy có phải là không đúng với con gái không? Ông bảo nó đúng với tất cả mọi người.
Tôi không muốn đưa cô ấy về nhà, mặc dù ở đó không có trở ngại gì. Đó là một căn phòng tuy không lớn nhưng thừa chỗ cho hai người sống, tôi thuê để làm việc. Gia đình tôi ở một chỗ khác. Tôi thích có một không gian riêng cho những nỗi niềm riêng của tôi được cư trú mà không bị ai nhòm ngó, phân tán và bôi xóa. Tôi không cho bất cứ ai đến đó khi tôi không mời. Một vài kinh nghiệm cũng răn đe tôi về việc cho một người lạ đến ở nhà. Cô ấy không phải là một người lạ trong ý nghĩ của tôi, nhưng như một con cáo già, tôi cần phải che giấu tông tích của mình.
Ông dẫn tôi vào một siêu thị, chọn hai bộ quần áo và một đôi giày mà không cần hỏi tôi có thích không. Ông cũng mua đồ lót cho tôi. Ông bảo trước mắt cứ tạm như thế đã. Rồi ông vất tôi về khách sạn và bỏ đi. Ông nói chúc ngủ ngon. Nhưng tôi không thể nào ngủ được. Tôi lấy hai bộ quần áo mới thử đi thử lại. Tôi thấy tôi là một người khác.
Ở chỗ lam lũ, Tiểu Phụng rực rỡ như một con công giữa bầy gà. Nhưng về thành phố, cô trở nên tội nghiệp vì sự quê mùa. Tôi cũng hơi cụt hứng, tuy nhiên, tôi nghĩ Tiểu Phụng sẽ lột xác nhanh chóng. Cái đẹp mạnh khỏe của cô cần phải được phơi lộ. Tôi đã không lầm. Tiểu Phụng nói: “Đi bên cạnh ông, cháu thấy tự tin”. Cô khá thoải mái tự nhiên với bộ đồ mới. Dẫn cô vào một nhà sách, tôi nói: “Em cần phải quen với mùi giấy”. Và tôi mua cho cô một cuốn truyện dễ đọc. Tiểu Phụng hỏi: “Trong sách nói gì?”. Tôi bảo đấy là một truyện tình nhẹ nhàng. Cô ấy nói đã là tình yêu thì không nhẹ nhàng đâu. “Em đã yêu ai chưa mà biết?”. “Chưa, nhưng cháu nghĩ thế”. Tôi đưa Tiểu Phụng vào tiệm kem do một người Pháp làm chủ. Hình như tất cả con gái đều thích kem. Tiểu Phụng hỏi: “Cháu ăn hai ly được không?”. Tôi bảo thậm chí em có thể ăn mười ly, nếu thích. Cô ấy cười rạng rỡ: “Cháu chỉ xin hai ly thôi, sợ tốn tiền ông”. “Nếu ăn kem mà trừ cơm được, tôi có thể nuôi em ít nhất mười năm cũng chưa sao”, tôi nói. “Ông giàu nhỉ”. Tôi cười. Tiểu Phụng nói tiếp: “Nếu cháu muốn ở với ông hai mươi năm, hoặc cho tới khi ông chết, thì có được không ạ?”. Thật sự không biết Tiểu Phụng có đùa hay không, tuy nhiên tôi vẫn phải kêu lên: “Trời ơi, đấy là tai họa. Không phải cho tôi, mà cho em”. “Tại sao lại là tai họa?”, cô ấy hỏi. “Em không nghĩ tôi sẽ là một lão già vô tích sự lại khó tính à?”. Lần đầu tiên Tiểu Phụng đổi cách xưng hô: “Bất kể điều ấy như thế nào, Phụng sẽ chăm sóc ông”.
Không hiểu sao bất thần tôi lại nói ra cái điều tôi cũng chưa hề nghĩ tới. Sống với ông ấy. Tôi đã thật sự bỏ đi và không muốn quay lại những ngày tháng bần cùng với thùng thuốc chẳng đáng tin cậy gì lắm. Tôi có thể sống khác không? Và điều ấy sẽ diễn ra như thế nào? Người đàn ông ngồi trước mặt có phải là người sẽ giải thoát tôi khỏi sự cùng cực trong những căn nhà tạm bợ, trống trải? Khi trở về khách sạn, tôi đã ôm hôn ông và nói: “Ở lại với Phụng”. Dẫu sao, ông ấy cũng đã ở lại, tôi sung sướng vì điều ấy, dù ông không làm gì tôi. Ông ngủ dưới đất, tôi đã thò tay xuống vuốt mắt ông.
“Tôi muốn chờ em lớn hơn”. Tôi nói khi ở cửa khách sạn.
Có phải tôi đã đưa ông vào một tình thế khó? Tôi trở về với dì và không từ biệt ông. “Ngày mai con đi bán lại”, tôi nói với dì. Dì chửi tôi: “Mày đừng có hão huyền. Không có gì tốt lành cho những đứa con gái muốn bỏ đi như mày. Hoặc làm đĩ hay vợ bé gái bao của người ta thôi”. Tôi nói: “Dì không được nói con như vậy”. Dì sừng sộ: “Bộ tao không có quyền dạy mày hả?”. “Con cám ơn dì đã dạy dỗ con, nhưng không thể nói con như vậy”. Tôi bỏ cơm vào chùa ngồi khóc dưới chân tượng Quan Âm. Có một người nào đó ôm tôi. Tôi để yên cho đến khi cảm thấy lòng nhẹ nhàng hơn. Đẩy người ấy ra, tôi nhìn mặt. Trong bóng tối lờ mờ, tôi nhận ra một chú tiểu. Tôi hỏi: “Có phải anh cặp với con Mi không?”. Hắn im lặng. Tôi mắng hắn là đồ tồi rồi bỏ về.
Có những sớm mai thanh thản. Cũng có những sớm mai thức dậy thấy mình đìu hiu và hình như chưa bao giờ sống. Tôi đến quán cà phê ở hội họa sĩ. Những khuôn mặt quen thuộc đến phát chán. Họ tụ tập đánh bài rồi rủ nhau chơi đĩ. “Ông đi chơi với bọn tôi không?”. Người thắng bạc sẽ lo cho cả bọn. Tôi đến chỗ họ đánh bạc nằm nghe nhạc. Đó là khách sạn của một người trong số họ. Tôi nhớ buổi tối dẫn Tiểu Phụng vào một quán bar. Cô bảo chưa bao giờ được nhìn thấy một ca sĩ nào thật ngoài đời. Tôi nói chẳng cần nhìn họ thật ngoài đời làm gì, bởi vì cái trên sân khấu mới thật là họ. Cảm giác của tôi lan man. Những người đánh bạc đang chửi nhau. Tôi nghe thấy tiếng sóng đánh dưới chân Hòn Phụ Tử. Tôi mường tượng cảnh Tiểu Phụng ôm thùng thuốc và tay xách xô nước sâm len lỏi giữa những du khách. Và một người nào đó tán tỉnh cô.
Anh con Mi rủ tôi sang Miên xem anh đá gà. Tôi nói tôi phải bán hàng. Anh nói đi chơi với anh, rồi anh sẽ bù tiền để đem về cho dì. Tôi hỏi anh kiếm tiền dễ vậy sao? Anh bảo dễ. Nhìn con gà anh ôm theo, tôi hỏi lỡ gà của anh thua thì sao? Anh bảo thua sao được. Tôi thấy ai cũng nói chuyện một cách đơn giản. Tôi nói tôi không đi, nhưng nếu anh thắng độ, thì hãy khao tôi. Anh bảo được. Tối về anh đón. Tôi không biết gà của anh có thật sự đá thắng không, nhưng anh vẫn nhờ con Mi đến lôi tôi ra khỏi nhà. Anh dẫn tôi đi uống cà phê. Anh nói huyên thuyên đủ thứ chuyện, nhưng tôi không nhớ chuyện nào ra chuyện nào. Khi về, anh đòi hôn tôi dưới bóng tối gốc cây trước nhà, nhưng tôi không chịu. Tôi bảo đừng vội.
Đi Tới Cuối Đường, Rồi... Đi Tới Cuối Đường, Rồi... - Nguyễn Viện