Số lần đọc/download: 549 / 41
Cập nhật: 2019-05-14 10:23:13 +0700
Chương 1
K
hông có ai đến dự tiệc sinh nhật lên bảy của tôi cả.
Có một cái bàn được bày kẹo dẻo và bánh xốp kem, một chiếc mũ tiệc để bên cạnh mỗi chỗ ngồi, rồi một ổ bánh sinh nhật có cắm bảy cây nến để chính giữa bàn. Trên ổ bánh có trang trí hình cuốn sách được vẽ bằng kem đường. Mẹ tôi, người lo tổ chức buổi tiệc, kể với tôi là cô ở tiệm bánh nói rằng họ chưa từng vẽ sách lên bánh sinh nhật bao giờ, rằng bánh cho con trai thì chủ yếu là họ vẽ quả bóng hay phi thuyền. Người đầu tiên đặt họ trang trí hình cuốn sách là tôi.
Khi đã rõ là không có ai tới, mẹ tôi thắp bảy ngọn nến trên ổ bánh, rồi tôi thổi tắt nến đi. Tôi ăn một lát bánh, nhỏ em tôi và một đứa bạn của nó cũng ăn (cả hai dự tiệc với tư cách quan sát viên, không phải người tham dự) rồi hai đứa vừa cười khúc khích vừa chạy trốn ra vườn.
Mẹ tôi đã chuẩn bị sẵn các trò để chơi trong buổi tiệc, nhưng vì không có ai ở đó, ngay cả nhỏ em tôi, nên tôi cũng không chơi đùa gì, thế rồi tôi tự mở tờ giấy báo bọc món quà vốn được chuẩn bị cho trò chuyền quà ra thì thấy một hình nhân Người Dơi bằng nhựa màu xanh. Tôi buồn vì không ai đến dự tiệc nhưng vui vì có được Người Dơi, thế rồi tôi bỏ lên lầu, đem theo một món quà sinh nhật khác đang chờ tôi đọc, một hộp nguyên bộ sách Narnia. Tôi nằm trên giường và say sưa theo những câu chuyện.
Tôi thích vậy. Dù sao thì sách cũng an toàn hơn mấy người kia.
Bố mẹ còn tặng tôi một đĩa than Tuyển tập những bài hát hay nhất của Gilbert và Sullivan* để thêm vào bộ sưu tập gồm hai đĩa tôi đã có từ trước. Tôi mê Gilbert và Sullivan từ lúc lên ba, ngày ấy em gái út của bố, tức cô tôi, dẫn tôi đi xem Iolanthe, một vở kịch toàn những ông vua với bà tiên. Tôi thấy bà tiên thì dễ hiểu hơn mấy ông vua. Ít lâu sau, cô tôi mất trong bệnh viện vì bệnh viêm phổi.
Tối hôm ấy, bố đi làm về chở theo một thùng bìa cứng. Trong thùng có một con mèo con lông đen mướt, không rõ là đực hay cái, tôi đặt ngay cho nó cái tên là Mướt và rất mực thương yêu nó.
Hằng đêm, Mướt ngủ trên giường tôi. Thỉnh thoảng, khi không có nhỏ em ở đó, tôi nói chuyện với mèo con, gần như chờ nó đáp lại bằng tiếng người. Nó chẳng bao giờ làm vậy. Tôi chẳng thấy phiền lòng. Mèo con trìu mến và biết quan tâm, lại còn là người bạn tốt cho cái đứa có một bàn bánh quy kem, bánh flan, một ổ bánh sinh nhật và mười lăm cái ghế xếp trống không trong buổi tiệc sinh nhật lên bảy.
Tôi nhớ mình chưa bao giờ hỏi đứa nào trong đám cùng lớp sao chúng không tới dự tiệc của tôi. Tôi không cần phải hỏi chúng. Suy cho cùng, chúng chẳng phải bạn tôi. chúng chỉ là những đứa tôi học cùng.
Tôi kết bạn rất chậm, nếu thực sự có ý kết bạn.
Tôi đã có sách rồi, giờ tôi lại có thêm cả mèo con. Tôi biết hai đứa tôi sẽ giống như Dick Whittington với con mèo của ông*, hay nếu Mướt tỏ ra đặc biệt thông minh, bọn tôi sẽ là con trai của ông chủ cối xay với Mèo Đi Hia. Mèo con ngủ trên gối tôi, thậm chí ngồi trên lối vào cạnh hàng rào trước nhà chờ tôi đi học về cho đến khi, một tháng sau, mèo con bị cái taxi chở ông thợ mỏ đá mắt mèo đến ở trọ nhà tôi cán chết.
Tôi không có mặt ở đấy khi chuyện xảy ra.
Hôm ấy, tôi đi học về nhưng không thấy mèo con chờ đón. Trong bếp có một ông cao lêu nghêu, gầy nhẳng, da rám nắng và mặc sơ mi kẻ ô. Ông ta hẳn là đang uống cà phê bên bàn bếp vì tôi ngửi thấy mùi cà phê. Cà phê thời ấy chỉ toàn là cà phê hòa tan, thứ bột nâu đậm đắng ngắt đựng trong hũ.
“Chú e là mình đã gây ra một tai nạn nho nhỏ tại đây,” ông ta nói với tôi, giọng vui vẻ. “Nhưng đừng lo.” Ông ta có giọng nhấn cộc lốc, khác lạ: đó là giọng Nam Phi đầu tiên tôi từng nghe.
Ông ta cũng có một thùng bìa cứng để trên bàn trước mặt.
“Mèo con lông đen, chú ta là của cháu hả?” ông ta hỏi.
“Nó tên là Mướt,” tôi đáp.
“Ừ. Như chú nói đấy. Tai nạn khi đến đây. Đừng lo. Xử lý cái xác rồi. cháu không phải nhọc công. Đã giải quyết vấn đề. Mở cái thùng ra đi.”
“Sao cơ ạ?”
Ông ta chỉ cái thùng. “Mở ra đi,” ông ta nói.
Ông thợ mỏ đá mắt mèo là người cao ráo. Lần nào tôi cũng thấy ông ta mặc quần jean với áo sơ mi kẻ ô, trừ lần sau cùng. Ông ta đeo sợi dây chuyền vàng xỉn nặng trịch trên cổ. Khi tôi thấy ông ta lần cuối thì nó cũng không còn.
Tôi không muốn mở cái thùng của ông ta ra. Tôi muốn bỏ đi để được một mình. Tôi muốn khóc cho mèo con của tôi, nhưng tôi không làm vậy được khi có ai ở đó nhìn. Tôi muốn khóc thương mèo con. Tôi muốn chôn bạn mình ở cuối vườn, quá chỗ chiếc nhẫn thần bằng cỏ xanh, xuống dưới hang bụi rậm đỗ quyên, vòng ra sau đụn cỏ cắt, chỗ đó ngoài tôi ra chẳng bao giờ có ai đặt chân tới.
Cái thùng động đậy.
“Mua nó cho cháu đấy,” ông này nói. “Có nợ là chú luôn trả.”
Tôi thò tay giở nắp hộp lên, tự hỏi liệu đây có phải trò đùa không, liệu mèo con của tôi có ở trong đó không. Tuy nhiên, chỉ có một cái mặt màu hoe hung hăng nhìn lên tôi.
Ông thợ mỏ bế con mèo trong thùng ra.
Nó là một con mèo đực to sụ, lông màu hoe vằn vện, cụt mất nửa bên tai. Nó nhìn tôi trừng trừng giận dữ. Con mèo này không thích bị bỏ trong thùng. Nó không quen với thùng hộp. Tôi thò tay vuốt đầu nó, cảm thấy không được chung thủy với ký ức về mèo con của mình, nhưng con mèo rụt lại nên tôi không chạm vào nó được, đoạn nó gầm gừ với tôi rồi hiên ngang bỏ đi tới tít góc phòng, ngồi đó mà nhìn đầy căm hận.
“Rồi đấy cháu nhé. Mèo đền mèo,” ông thợ mỏ nói rồi chìa bàn tay sần sùi ra vò tóc tôi. Đoạn, ông ta bỏ ra ngoài hành lang, để tôi lại trong bếp với con mèo không phải là mèo con của tôi.
Ông này lại thò đầu qua cửa. “Nó tên là Yêu Quái,” ông ta nói.
Tôi thấy đó như một câu đùa ác ý.
Tôi chống cửa bếp để con mèo ra được. Rồi tôi lên phòng ngủ, nằm trên giường và khóc cho Mướt đã chết. Tối đến, khi bố mẹ đi làm về, tôi nghĩ mọi người còn chẳng thèm nhắc đến mèo con của tôi nữa.
Yêu Quái sống với chúng tôi được độ một tuần hay hơn. Sáng sáng, tôi bỏ đồ ăn của mèo vào bát cho nó rồi thêm một lần nữa vào buổi tối như đã từng dọn cho mèo con. Nó thường ngồi bên cửa sau cho đến khi tôi hay ai khác mở cửa cho nó ra. Chúng tôi thấy nó lủi từ bụi rậm này sang bụi rậm khác ngoài vườn, thấy nó trên cây cao hay dưới tầng cây thấp. Chúng tôi biết được hành tung của nó nhờ bắt gặp mấy con chim sẻ ngô xanh và chim hét chết queo trong vườn, chứ chẳng mấy khi chúng tôi thấy nó.
Tôi nhớ con Mướt. Tôi biết những vật sống thì đâu thể dễ dàng bị thay thế, nhưng tôi không dám càu nhàu với bố mẹ về chuyện đó. Có lẽ việc tôi buồn bực đã làm bố mẹ thấy khó hiểu rồi: suy cho cùng, mèo con của tôi có bị cán chết đi nữa thì cũng đã được thay bằng con khác rồi. Tổn thất đã được đền bù.
Tất cả đều hiện về, nhưng dẫu sao tôi cũng biết nó sẽ không ở lại lâu: mọi thứ tôi nhớ lại được khi ngồi trên băng ghế xanh cạnh cái ao bé xíu mà Lettie Hempstock từng khiến tôi tin là đại dương.