Nguyên tác: Decent Interval
Số lần đọc/download: 0 / 23
Cập nhật: 2023-03-26 21:48:56 +0700
Chương 2
TRỞ LẠI ĐÔNG DƯƠNG
Tháng 10 năm 1972, lúc tôi trở lại Sài Gòn sau một năm vắng mặt, cuộc tiến công của Bắc Việt Nam lắng xuống. Lời bàn tán sắp có hoà bình loan truyền khắp nước này. Từ nhiều thập kỷ nay, lần đầu tiên, người Việt Nam mới lại có dịp mong ước chiến tranh sớm chấm dứt.
Lúc chiếc máy bay khổng lồ của hãng hàng không Cathay Pacific xin hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất, tôi nhìn rõ con đường dài chúng tôi và các đồng minh phải vượt qua, kể từ ngày đầu tiên, hồi tháng 6 năm 1969, tôi đến đất Việt Nam. Ngày ấy, trời mùa hè nóng bức, máy bay phải lượn theo vòng tròn xoáy trôn ốc mới hạ được cánh để tránh những khẩu pháo phòng không của cộng sản ở chung quanh sân bay.
Ba năm sau, máy bay bay từ từ dọc theo những nhà tạm lợp mái tôn lượn sóng, được xây dựng chung quanh thành phố theo nhịp độ dân tị nạn kéo đến. Đằng xa, những mảnh ruộng xanh và vẫn bình yên như cảnh nông thôn miền Louisiane.
Lúc tôi rảo bước đi qua đường bay đến phòng nhập cảnh trước làn sóng hành khách, tôi nhớ lại người bạn đồng hành, ngồi cạnh tôi trong chuyến bay sang đây lần đầu năm 1969. Đó là vợ một tên đại tá mới biết tin chồng sống lang chạ với một phụ nữ Việt Nam làm chiêu đãi viên bán ba. Cho đến lúc máy bay chạm đất, bà ta đã thổ lộ với tôi đến mười lần nỗi lo sợ của bà. Mỗi lần tỏ nỗi lòng, bà đều uống một ly Máctini. Khi bà xuống sân bay, dưới trời nắng chói chang, bà say quá, ngã lăn ra làm cho bọn lính Mỹ gác ở cổng chính cười rũ rượi.
Lần này, trong số khách đi máy bay, không có ai là vợ quân nhân cả. Trừ tôi ra, người phương Tây duy nhất là một thợ nề Úc, bụng to, có một phụ nữ Trung Quốc thiếu gọn gàng đi theo. Có quân cảnh Mỹ giữ trật tự cùng lính Việt Nam nhưng họ tôn trọng công cuộc Việt Nam hoá nên giấu mặt.
Người lái xe do đại sứ quán cử ra đón tôi nói rằng đã gặp tôi lần trước. Anh ta dẫn tôi nhanh nhẹn lách qua đám lái xe tắc xi và xích lô đến chiếc Chevrolet có mấy điều hoà không khí. Lúc đi qua cổng chính sân bay, tôi trông thấy bức tượng nhỏ do người Việt Nam mới dựng để tưởng nhớ người Mỹ chết trong chiến tranh. Người ta đọc thấy dòng chữ: “Sự hy sinh cao cả của người lính đồng minh không bao giờ bị lãng quên”. Ba năm sau, sau khi Sài Gòn thất thủ, những người cộng sản quét lên đó một lớp sơn vàng và thay bằng một câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Cũng như mọi người mới đến, tôi ở khách sạn Duc, trụ sở trá hình của Cục tình báo trung ương Mỹ CIA xây khuất vào trong, cách dinh tổng thống Việt Nam và sứ quán Mỹ vài trăm mét. Cho đến cuối thập kỷ 60, trong nhiệm kỳ thứ nhất của tôi ở Sài Gòn, khách sạn này chỉ hơn cái trại lính một ít, dùng để đón “tân khách”. Ở đây, luôn luôn có không khí ồn ào của vũ hội.
Nhưng một năm trước khi tôi trở về trụ sở CIA ở Langley, miền Virginia, có một người nào đó quyết định rằng chúng tôi đáng được sống tốt hơn, nhất là vợ con nhân viên sứ quán cũng được phép sang ở với chồng, với cha. Do đó khách sạn được sửa chữa lại theo kiểu Mỹ. Phòng ăn, đặt ở tầng thượng, được sắp xếp theo tiêu chuẩn hiện đại của công ty Howard-Jóhnon. Gần đó, có bar, có bể bơi, sân phơi nắng để người ta có thể vừa tắm, vừa uống Bloody Mary. Thức ăn đặc biệt Mỹ và gồm toàn món ướp lạnh. Nữ chiêu đãi viên Việt Nam đều do cơ quan an ninh của CIA tuyển lựa để bảo đảm không một ai có quan hệ với cộng sản. Những chiếc áo dài cổ truyền trước kia làm cho các cô uyển chuyển và quyến rũ nay được thay bằng những bộ đồ ngắn cũn cỡn theo mốt quần áo trẻ con Mỹ lúc các em bắt đầu đến trường mẫu giáo.
Tám giờ tối, có thể xem phim mới, chưa hề chiếu ở đâu, trong phòng chiếu phim ở dưới nhà, cạnh cửa ra vào. Ngoài ra còn có một phòng rửa ảnh, trang bị đầy đủ máy móc hiện đại, một phòng thu thanh và một thư viện mở cửa suốt ngày. Sáng sáng, từ sứ quán đến khách sạn, khách đi, về bằng xe của CIA để giảm bớt số xe chạy trong những giờ cao điểm. Lúc nào cũng có xe riêng chở đi PX, đến phòng cung cấp hoặc bệnh xá cực kỳ hiện đại của CIA, đặt ở một phố gần đấy. Ở đó, hai thầy thuốc, lành nghề, thay nhau thường trực suốt ngày và đêm để chạy chữa cho những người say rượu hoặc mắc những bệnh khác. Hầu hết các nhân viên CIA đều có xe riêng đặc biệt, lúc nào cũng đầy xăng được phát không, một biệt thự hoặc một ngôi nhà, tuỳ theo cấp bậc, ở trong thành phố. Điều ngạc nhiên ở CIA Sài Gòn là người ta thích lái xe Ford Pinto và những người lái xe có thể đeo một huy hiệu ghi rõ: “Tôi làm việc cho CIA”. Thật vậy, họ là quan chức Mỹ ở Việt Nam duy nhất dùng loại xe này.
Mọi chi tiết đều được thực hiện để bảo đảm đầy đủ tiện nghi cho cuộc sống của ba trăm nam, nữ nhân viên CIA cho đến lúc họ trở về Mỹ, nghỉ hè hàng năm, giải trí. Trên trái đất này, chưa thấy ở đâu, chưa thấy ở nơi nóng bỏng nào, nhân viên CIA lại được sống sang trọng như thế. Tất cả tiền chi phí đều do người đóng thuế Mỹ chịu.
Một, hai ngày sau khi tôi đã yên vị ở khách sạn Duc, tôi quyết định vào trung tâm thành phố, cách khách sạn khoảng vài trăm mét. Tôi ra đi đúng ngọ. Kim đồng hồ bưu điện chỉ 12 giờ lúc tôi cho khởi động chiếc xe Pinto mượn của người khác, giữa tiếng ồn ào của người Việt Nam. Phần đông đang trở về nhà hoặc đi qua đường đến ngủ trưa dưới bóng mát của nhà thờ Thiên Chúa giáo. Trong khi luôn luôn lái hãm phanh để tránh chẹt phải người đi bộ đãng trí, tôi nhớ lại một ngày hè năm 1969, cũng nóng bức như hôm nay. Việt cộng đã đặt một trái mìn có kim đồng hồ và làm nổ ở cửa nhà bưu điện.
Khả năng một bạo động như thế khó có thể xảy ra ngày nay. Vẫn biết chiến tranh hãy còn. Ban đêm, trên nóc khách sạn Caravelle, người ta vẫn còn trông thấy máy bay lên thẳng Việt Nam bắn pháo sáng vào bầu trời, tạo thành những viên hoả châu trên nền nhung đen. Vẫn còn nghe tiếng gầm rít của đại bác, tiếng bom rền của máy bay B.52 ở đằng xa làm rung chuyển giường ngủ. Nhưng hàng tháng nay, không có một vụ phá hoại nào đáng kể. Người bản xứ gần đây nhất tự thiêu theo kiểu nhà sư hồi đầu những năm 60, là một cựu binh cụt tay, ba tuần trước, trong lúc anh ta nằm mơ màng ở một quán bán hoa trên đường Nguyễn Huệ, đã đánh rơi điếu thuốc lá Bastos vào người.
Tôi trở về khách sạn Duc lúc tối. Ở bar, có một ông già ngồi. Ông ta kể chuyện Sài Gòn đầu những năm 60. Đó là Paris của phương Đông với những đường phố rộng trồng cây. Có những tiệm ăn Tàu nổi tiếng ở Đông Nam Á, những nhà thổ sang trọng, bốn bề là kiếng chiếu kiểu Hồng Kông. Nơi đó, có nhiều trò giải trí như tấm biển của nó chỉ rõ.
Nghe ông ta nói thì thời phồn vinh xa xưa ấy chấm dứt năm 1965, lúc trận lũ lụt đôla đổ xuống cùng với làn sóng lính Mỹ xô vào, tiêu diệt mọi thứ ưu ái ở thành phố này. Sau cuộc tổng tiến công năm 1968 của cộng sản, Sài Gòn trở thành một bản sao tồi của Dodge City, thời những người mới đến khai khẩn.
Lính Mỹ, đạn trên vai, một tháng lương trong túi, trở thành người chủ thành phố. Lối sống Mỹ tràn ngập phố phường. Một phần nhân dân địa phương sống yên tĩnh ở nhà, chờ ngày giông tố qua đi. Phần còn lại lao vào việc kiếm tiền bằng nhiều mánh khoé. Chất lượng các nhà chứa giảm sút. Thật vậy, hàng đàn phụ nữ nông thôn Việt Nam thiếu kinh nghiệm, bỏ quê hương, sẵn sàng hành nghề. Những người khoẻ nhất, xinh nhất đều ở câu lạc bộ 147, đường Võ Tánh, ở bar Con Rồng, gần đường Lê Lợi hay ở Mini’s Flamboyant, một ngôi nhà tồi tàn trên đường Nguyễn Huệ. Ở những nơi ấy, cả một thế hệ lính Mỹ đã mất cả áo sơ mi lẫn sự ngây thơ của mình.
Tháng 10 năm 1972, lúc tôi trở lại Sài Gòn, những cảnh ấy chưa mất hẳn. Sự khổ cực vẫn còn bám lấy thành phố như cái vẩy trên vết thương. Bề mặt xám những ngôi nhà của người dân và những khách sạn ở trung tâm thành phố, gần quảng trường Lam Sơn, vẫn như cũ. Từ các cống rãnh - kể cả ở những đường phố chính - bốc lên mùi nước tiểu và rác mặc dù thường có những xe do các chương trình viện trợ Mỹ cung cấp cho chính quyền Sài gòn, đi phun nước và hốt rác. Giao thông hỗn độn và dễ làm chết người. Vào những giờ cao điểm, không khí trở nên xám xịt và lầy nhầy vì khói, hơi dầu do các xe honda và các loại xe Nhật Bản khác của những người Việt Nam đi, thải ra mặc dù giá dầu xăng cao. Những cây me cuối cùng ở đường Tự Do đang chết dần giữa làn khói ấy. Và những nhà thông thái trong xã hội thực dân Pháp cho rằng quân đội Mỹ phải chịu trách nhiệm về cái chết của những cây me này vì họ đã sử dụng hoá chất làm trụi lá cây.
Theo sự khám phá của tôi, đời sống ban đêm ở Sài Gòn không hề được cải thiện chút nào, về mặt thẩm mỹ hay mặt vệ sinh cũng vậy. Mấy tuần trước, trong một lúc bốc đồng, chính quyền ra lệnh đóng cửa các bar và phòng xoa bóp đáng nghi ở đường Tự Do và đường Nguyễn Huệ, để tỏ rõ rằng sự có mặt của người Mỹ đã giảm sút và để giảm bớt sự lạm phát. Nhưng, cũng như mọi cải cách ở thành phố này, việc cấm đoán đó cũng là một trò hề. Cách làm tiền mạnh bạo nhất là ra kiếm khách ở hè khách sạn Continental. Trong quán ăn - thay các bar - vẫn những trò giải trí như trước. Nhưng các cô gái lại mặc áo blu trắng của chiêu đãi viên và đề nghị khách dùng trước hết, rau xà lát và thịt trâu, khác với lệ thường.
Mặc dù có những cảnh xấu xa ấy, thành phố vẫn có vẻ đang thay đổi, điều mà có thể chỉ những người Việt Nam mới đánh giá đúng. Những kẻ ăn xin và bọn nhóc lưu manh trên đường Nguyễn Huệ hình như lễ phép hơn, vị nể hơn. Có vẻ như chúng hiểu rằng người Mỹ sắp ra đi hết và phải tỏ ra ít nhiều ngoại giao để tranh thủ những ơn huệ của những kẻ trọc phú cuối cùng! Còn lính Nam Việt Nam thì họ tiếp tục tràn vào các cửa hàng và tiệm cà phê chiều thứ bảy. Họ lại cầm tay nhau, cử chỉ mà họ phải bỏ từ ngày lính Mỹ tới. Những người Mỹ, không hiểu tập quán ấy, cho rằng Việt Nam là một nước của những kẻ gian.
Một nhà buôn già, người Tàu, đã mua một phòng xoa bóp tốt nhất ở đường Tự Do để mở một cửa hàng bánh mì, hăng hái giải thích cho tôi: người Mỹ ra đi đã thay mọi cái cũng như người Mỹ tới, phải chịu trách nhiệm về cuộc chiến tranh. Ông ta nói: “Sự giàu có mà các anh đem đến buộc chúng tôi phải nghĩ đến sự nghèo túng của mình và giao thiệp với các anh để trở thành những người mà các anh mong muốn. Nay, người Mỹ trở về nước họ, chúng tôi lại cảm thấy yên ổn hơn, tránh khỏi những ảo tưởng!”
Trừ những người Mỹ ngày càng ít đi, những nhân vật chính của Sài Gòn vẫn thế như tôi đã biết họ lúc trước: một bọn người ngây thơ và ăn cắp, xứng đáng với tưởng tượng của Hieronymus Bosch
Đằng kia, ở ngã tư đường Lê Lợi và Nguyễn Huệ, một người đạp xích lô già, ngồi trên xe như con chim kền kền, đầu đội mũ côlônhân, mắt đeo kính đen, mũi tẹt, đang theo dõi xem có khách gọi không. Đằng này, trên đường Tự Do, có một cô bé khoảng 17,18 tuổi, vẻ đãng trí, bộ đùi lộ rõ trên đôi dép giả da, vú độn cao cho hợp với mốt thời đại. Cô ta uống côca và nói đùa tục tĩu bằng một thứ tiếng Mỹ giả cầy học ở các bar mà chị chưa hiểu hết, với bọn lái xe xích lô không quen biết.
Xa xa có một cô gái nông thôn, bé nhỏ, thẹn thò, nón ngang vai, quần lụa đen phấp phới, dép râu đi kêu lách cách từ gian hàng này đến gian hàng khác ở chợ Bến Thành. Theo sau là anh chồng: một binh sĩ Việt Nam, đôi mắt buồn dưới chiếc mũ sắt, khẩu súng M-16 cao bằng người, lương tháng bằng 12 đô-la, nhưng phải nuôi sống một gia đình mỗi ngày một đồng, không có tương lai nào khác ngoài việc nằm trên cáng hoặc đến tuổi giải ngũ là 37 tuổi. Lúc đó, anh ta đã quá già để có thể làm bất cứ việc gì.
Có cả tầng lớp thượng lưu, những diễn viên chính. Buổi trưa, thường họ ở câu lạc bộ thể thao, vết tích của thời thuộc địa Pháp. Họ vừa ăn sáng vừa tắm ở bể bơi trong hai giờ. Đây là nhóm sản phẩm của xã hội Pháp cũ, những tên thực dân già và những tên thanh niên lai, mạnh khoẻ, da nâu. Kia một nhóm người riêng biệt, yên lặng, nằm phơi bụng phệ trên ghế dài, dấu hiệu sung túc của đất nước kỳ lạ này. Đó là những người Việt Nam hay Trung Quốc quan trọng, nói thì thầm với nhau về việc làm ăn buôn bán, về chính trị chung quanh cốc nước chanh vắt, đủ giàu có để có thể thoát khỏi mọi biến cố sẽ xảy ra.
Quá trưa, khoảng từ ba đến bốn giờ, phải đi xe tới hiệu cà phê Givral đường Tự Do mới uống được ly cà phê Pháp, đen như mực. Ở đây, giới thượng lưu cũng họp mặt. Nhưng đó là những người trẻ, tóc đen, dài, rất khó phân biệt giữa nam với nữ vì thường họ đều mặc áo sơ mi thêu cành lá và quần chẽn. Những sinh viên ở Sài Gòn ghét Mỹ nhưng dành thì giờ để bắt chước Mỹ.
Cũng có thể lượn phố, dính mũi vào tủ kính những cửa hàng sang trọng ở vòng cung Eđen. Ở đây, có thể gặp những phụ nữ nửa lịch thiệp của thành phố. Họ đi, đầu thẳng, nhìn xa, đúng mốt trên tranh, mũi và mắt được các mỹ viện trang điểm theo kiểu phương Tây. Chiếc áo dài lụa, những chiếc bùa Campuchia tỏ rõ họ giàu sang. Có thể bí mật mời họ đi chơi một chuyến. Nhất là đối với những vị có nhiều tiền. Đó thường là vợ hai hoặc nhân tình của một vị tướng quan trọng hay một nhà chính trị Nam Việt Nam. Họ nói tiếng Pháp và giao thiệp với người Pháp. Tuy nhiên, họ bằng lòng ve vãn người Mỹ nếu việc đó có lợi cho họ.
Giờ uống cốctai đều. Người ta vội vàng đến hiệu Mini cầm một cốc bia. Chắc chắn, những kẻ nịnh hót, đứa nào cũng hay nói. Nhưng đừng vội nghĩ lầm. Người ngồi đó đang ở thời kỳ cực thịnh, là một người Mỹ quan trọng. Mặt anh ta đỏ gay, cổ bò rừng, sơ mi kẻ ô che cái bụng phệ. Nguyên là lái xe vận tải hoặc làm cai trong một xưởng máy, anh ta bám lấy Việt Nam, từ năm này qua năm khác, làm tổ trưởng trong một nhà hàng Mỹ. Sau mỗi trận đánh, anh ta lại được ký hợp đồng làm đường, xây nhà. Anh ta có một vợ và một nhân tình người Việt Nam dễ bảo. Anh ta là người bảo vệ lòng tự tôn mặc cảm Mỹ. Là người sau cùng rời đất nước này sau khi mọi người Mỹ khác đã hồi hương.
Sứ quán Mỹ nằm trên đường Thống Nhất, không có gì thay đổi trong lúc tôi vắng mặt ở Sài Gòn. Hoạ chăng là trồng một ít cây hoa ở ngoài sân vào những chỗ Việt cộng đào để đặt súng trong những ngày đầu cuộc tổng tiến công mùa Xuân 1968. Nhưng những bức tường bê tông bảo vệ mặt trước sứ quán chẳng đẹp đẽ gì hơn một cái cối có hình tổ ong.
Về mặt kiến trúc, nơi đây giống như một phác hoạ ý đồ Mỹ ở nước này, tạo cho trụ sở một cơ quan ngoại giao một hình ảnh pháo đài, việc đó tỏ rõ hiệu quả của nền ngoại giao! Quả thật đó là một pháo đài: 60 lính gác, một hầm tránh bom, một mái nhà làm nơi hạ cánh cho máy bay lên thẳng, và một bức tường cao ba mét để dân Sài Gòn và khách du lịch không thể dòm ngó được.
Đại sứ E. Bunker và ê kíp ngoại giao của ông vẫn ở ba tầng dưới của sứ quán. Ba tầng trên dành cho CIA. Bên cạnh ngôi nhà chính, là một dãy nhà phụ, gọi là “khu” Nôrôđôm dành cho nhân viên phụ động của CIA. Trong cuộc tiến công của cộng sản vào sứ quán, năm 1968, một tổ đặc công Việt cộng đã đánh tới khu Nôrôđôm. Nhưng một lính Mỹ gác ở phòng dùng để xếp bản đồ của CIA, đã lấy súng máy chắn họ lại. Từ đó, mối xông và phá hoại cả gian phòng. Ngày cuối cùng của chiến tranh, gian phòng đã “vui vẻ” cháy hết.
Một ngôi nhà ba tầng mới được xây gần khu Nôrôđôm. Hơi xa một chút, gần nơi sân máy bay lên thẳng hạ cánh ngày cuối cùng để cứu chúng tôi, đã thiết lập một nơi giải trí mới, gồm một nhà ăn theo kiểu Mỹ và một bể bơi lớn. Như bể bơi khách sạn Duc. Tất nhiên là người dân Sài gòn không được vào bơi ở bể này.
Sứ quán được xây dựng năm 1967, đáng lẽ là chỗ ở, nơi nương náu của Đoàn ngoại giao Mỹ tại Việt Nam - hồi ấy đã quá đông, không thể ở trụ sở cũ, gần sông - Nhưng với những nhà kiến trúc không được bí mật về ý đồ của chính giới cao cấp Mỹ, nên sứ quán mau chóng trở nên chật chội đối với số nhân viên mỗi ngày một phình ra. Một số bộ phận phải đặt tạm trụ sở ở những ngôi nhà tồi tàn trong thành phố. Cơ quan CORDS - tượng trưng cho sự nỗ lực của người Việt Nam và người Mỹ để bình định nước này, gồm hai bộ chỉ huy riêng rẽ, ở cách xa sứ quán. Quan chức cơ quan USAID được sử dụng những ngôi nhà lớn gần câu lạc bộ thể thao. Và nếu cần phải có những dụng cụ tuyên truyền, thì phải đi qua phố Lê Quí Đôn quá đông đúc để đến thư viện Lincoln, ở đó là trụ sở cơ quan thông tin Mỹ, USIS.
Những ngôi nhà phụ của sứ quán ở cách đó 8 kilômét, nằm trong sân bay Tân Sơn Nhất, trước mặt những ngôi nhà của sân bay. Ở đấy, trong những căn phòng kín đáo, chắc chắn, gọi là “Lầu ngũ giác phương Đông” các tướng Mỹ thuộc cơ quan MACV (cơ quan viện trợ quân sự Mỹ), từ giữa những năm 60, đã thảo ra những kế hoạch đánh chiếm cùng với Bộ chỉ huy tối cao Nam Việt Nam, mà bộ tham mưu cũng ở gần ngay đấy. Thời kỳ quân Mỹ tham gia toàn bộ vào cuộc xâm lược. “Lầu Năm Góc phương Đông” là một tổ ong ồn ào, những binh sĩ bất mãn và chán chường, hít cần sa trong buồng thay quần áo hay trong bể bơi, những sĩ quan trẻ, vẻ bận rộn, rảo bước ngoài hành lang, làm như không trông thấy gì. Lúc tôi trở lại năm 1972, nếu có gì thay đổi ở Nam Việt Nam thì đó là nhịp sống ở “Lầu Năm Góc” chậm lại. Binh lính Mỹ giữ vai trò thứ yếu bên cạnh “đồng minh” Nam Việt Nam. Theo tinh thần “triệt để” Việt Nam hoá, sĩ quan Mỹ cũng không trả lời dây nói nữa.
Sau đó, khi ngừng bắn, những cơ quan ở rải rác của sứ quán đều thay đổi và thu hẹp lại. Cơ quan “Bình định và phát triển nông thông” từ chối không làm nhiệm vụ chống khủng bố, đổi thành “Phòng giúp đỡ đặc biệt”
Cơ quan MACV thu hẹp lại trở thành Phái bộ quân sự. Còn nhân viên ngoại giao và quân sự Mỹ ở rải rác khắp miền Nam Việt Nam, kéo về những trung tâm lãnh sự ở những thành phố quan trọng như Đà Nẵng, Nha Trang, Biên Hoà và Cần Thơ. Mặc dù vậy, những cơ quan khác nhau của sứ quán, cho đến ngày cuối của cuộc chiến tranh, vẫn gây cảm tưởng là họ ở khắp mọi nơi và không ở đâu hết. Không có sự giúp đỡ của Chúa trời và nhất là không có sự tận tuỵ của một số người lái máy bay lên thẳng thì một số khá đông nhân viên sứ quán có thể bị bỏ quên như trường hợp nhiều nhân viên người Việt Nam.
Theo lý thuyết thì ông Đại sứ là người duy nhất chịu trách nhiệm về cộng đồng viên chức Mỹ ở Việt Nam. Nhưng tháng 12 năm qua, trọng tâm chính trị đã thay đổi hoàn toàn, nhiều lần khi ảnh hưởng của Phái bộ quân sự lớn đến đâu thì các đại sứ Henry Cabot Lodge và M.Taylor bị đầu óc “Lầu Năm Góc phương Đông” chi phối đến đấy. Năm 1967, khi ông E.Bunker vào ở tầng gác thứ ba của sứ quán, thì ông chẳng làm gì để thay đổi tình trạng ấy. Nhưng hai năm sau, khi “Việt Nam hoá” trở thành chính sách của Mỹ thì những quyền ưu tiên và trung tâm quyết định lại thay đổi một lần nữa. Bunker dần dần trở thành người diễn viên chính trên sân khấu Mỹ ở Việt Nam. Cùng với Đại tướng C.Abrams, người chủ “Lầu Năm Góc phương Đông” ông giao quyền chỉ huy dần dần cho người Nam Việt Nam”.
Một cuộc chuyển giao trách nhiệm như thế đòi hỏi phải có một chế độ vững chắc, cùng với chính sách đối ngoại của H.Kissinger, Bunker có nhiệm vụ chính là đề cao giới thượng lưu chính trị Nam Việt Nam, nhất là Nguyễn Văn Thiệu. Ông làm việc này rất vui vẻ và với nhiều trí tưởng tượng. Năm 1971, trong nhiệm kỳ thứ nhất tôi ở Sài gòn, tất cả các ứng cử viên tổng thống phải rút lui vì Thiệu chắc trúng cử. Bunker liền dàn một cảnh xảo quyệt để củng cố “uy tín” cho Thiệu, nhất là đối với phái đoàn hoà bình Mỹ có thể cho rằng Thiệu trúng cử tổng thống vì không có đối thủ. Bunker quyết định “ủng hộ” một nhân vật ôn hòa thuộc phe đối lập, Đại tướng Dương Văn Minh, thường gọi là Minh lớn, để ông này không bỏ cuộc đua, làm như thế may ra cứu vãn được tình thế. Bunker hành động theo lối ngoại giao quen thuộc của ông. Mưu mô của ông có thể thành công nếu cuối cùng Minh lớn không nói rằng ba triệu đôla người ta biếu ông để vận động tranh cử không hấp dẫn bằng triển vọng một sự thất bại chắc chắn.
Lúc tôi trở lại Sài Gòn, mùa Thu năm 1972, tổ của tôi, một chi nhánh CIA, ngày càng bị giới báo chí Mỹ công kích về những cuộc lạm dụng bịa đặt, nhất là trong chiến dịch Phượng Hoàng. Không còn nghi ngờ gì, chúng tôi có thể trở thành một tấm bia ít bị bắn hơn nếu chúng tôi tiếp tục tập trung, như những năm qua, vào mục đích chính: thu thập tin tức. Nhưng từ những năm đầu của thập kỷ 60, CIA ngày càng dẫm vào những vũng lầy khác.
Không phải chúng tôi hành động ngoài qui định của pháp luật. Thật vậy, trong luật về an ninh quốc gia có một câu ngắn và mập mờ như thế này: “Cơ quan CIA và các chi nhánh ở nước ngoài được phép làm mọi việc và mọi cách để thu thập tin tức có quan hệ đến an ninh quốc gia mà Hội đồng an ninh quốc gia đề ra cho nó”.
Đầu những năm 60, Nhà trắng đã lợi dụng câu này để buộc CIA phải làm những việc mà Hoa Kỳ không có chuyên gia như tuyển và huấn luyện những đội quân chống cộng. Sau đó, trong khi phái quân sự chuẩn bị một cuộc chiến tranh ác liệt hơn, thì tổng thống Johnson quyết định để cho CIA tiếp tục hoạt động ngoài chương trình đã định: nghĩ rằng Lầu Năm Góc không cho đó là điều quan trọng.
Được sự đồng ý của Tổng thống Johnson, chi nhánh CIA ở Việt Nam dần dần phát triển. Đầu năm 1965, có hơn sáu trăm người thư ký, phân tích tin tức, điều khiển gián điệp thám báo (thường gọi là người xem xét). Trừ cơ quan ở Virginia, trên thế giới, không có chi nhánh CIA nào có đông nhân viên như thế. Với thời gian, nhu cầu về nhân viên trở nên cấp bách, nên các chi nhánh khác hàng năm phải cử nhân viên tình nguyện sang Việt Nam bất kể họ có kinh nghiệm hay không. Phần lớn tình báo tới Việt Nam đều từ Cộng hòa Liên bang Đức hoặc Châu Mỹ la-tinh đến. Họ chưa hiểu gì về Việt Nam mà là muốn biết Việt Nam. Mặc dù như thế, chỉ một, hai tháng sau khi đến Nam Việt Nam, chưa biết một tiếng địa phương nào, họ cũng vẫn phải đi nhận nhiệm vụ ở một đồn tiền tuyến ở Tây Nguyên hay ở vùng đồng bằng; phải tuyển mộ nhân viên, thu thập tin tức và thực hiện một chương trình mới và mơ hồ để cứu vãn nước này, gọi là chương trình “phát triển nông thôn”.
Một người phân tích tin tức trước đây của CIA tên là R. Komer đã đề ra chương trình này năm 1967 lúc ông ta là cố vấn ở Nhà Trắng. Ông cho rằng, một mặt có thể loại trừ bộ máy chính trị của Việt cộng bằng chống khủng bố, mặt khác, có thể củng cố vị trí của chính phủ bằng những công trình lợi ích công cộng ở nông thôn. Người Việt Nam thành lập một bộ đặc biệt. Còn người Mỹ, thành lập cơ quan CORĐS vào cuối năm 1967, phó của Komer là W.Colby, trước đây chỉ huy những hoạt động bí mật của CIA ở Viễn Đông, thay ông ta, đứng đầu cơ quan mới này. Cơ quan CORDS được hình thành để trở thành một hình mẫu của chủ nghĩa thế giới quan liệu. Nhân viên hoạt động được tuyển lựa trong đội ngũ các viên chức của phái bộ Mỹ ở Sài Gòn. CIA là cơ quan có tổ chức, giàu có nhất trong các cơ quan dân sự của sứ quán, cuối cùng đã chỉ đạo được phần lớn những dự kiến táo bạo của CORDS, trong đó có chương trình Phượng Hoàng.
Colby không ngừng nhắc lại, mục tiêu của chương trình Phượng Hoàng là bắt sống cán bộ Việt cộng, hỏi cung, tiếp đó dùng họ làm gián điệp. Nhưng chương trình ấy quá phức tạp đối với người “đồng minh” Nam Việt Nam. Đối với những kẻ quan liêu, đó là vấn đề định nghĩa. Không ai, dù là Nam Việt Nam hay Mỹ, có thể nói rằng mình có thể nhận ra người này, người kia, là cán bộ Việt cộng. Đó có phải là một xã trưởng dành nửa thì giờ để phục vụ người Bắc Việt Nam không? Hay từ Việt cộng chỉ dùng để ám chỉ những người cộng sản thật sự, những đảng viên? Sự thiếu chính xác đó dẫn nhân viên Phượng Hoàng đến chỗ làm việc tuỳ tiện, bắt bớ lung tung, bất cứ người nào có vẻ nghi ngờ. Sau đó ít lâu, lúc các nhà tù đầy ắp người, nhân viên Phượng Hoàng tự quyết định lấy đâu là luật pháp.
Trước khi báo chí tố cáo sự lạm dụng của chương trình Phượng Hoàng, CIA vội vàng tìm cách che giấu. Năm 1969, lúc giám đốc chi nhánh ở Sài Gòn bắt đầu rút các nhân viên CIA làm việc ở cơ quan CORDS cho chương trình kiến thiết quốc gia về để ông tập trung vào những nhiệm vụ cũ, thí dụ như lấy tin tức về những người cộng sản và về chính phủ Nam Việt Nam. Chi nhánh có khả năng đạt mục tiêu thứ nhất vì từ lâu, chúng tôi tin đã có nhiều nhân viên tình báo đắc lực ở ngay trong bộ chỉ huy tối cao của cộng sản (!). Nhưng Shackley, chuyên gia đầy tham vọng chưa bằng lòng với công việc đã làm. Trong thời gian hoạt động, từ năm 1968 đến năm 1972, ông thúc giục nhân viên “tuyển lựa, tuyển lựa, tuyển lựa” nghĩa là lôi kéo, doạ nạt, mua chuộc bất cứ ai có thể trở thành người giúp việc. Khi ông hết nhiệm kỳ, danh sách tình báo viên của CIA dài một cách kinh khủng. Nhưng chỉ một thời gian sau đó, năm 1974, chúng tôi mới thấy rõ sự tai hại do sự sốt sắng của Shackley đem lại. Hơn một trăm “nhân viên” Việt cộng được tuyển lựa chỉ là những nhà buôn Việt Nam láu lỉnh, chẳng hề biết tí gì về âm mưu của cộng sản. Họ chỉ thu thập những tin tức đăng tải trên báo chí, hoặc những lời đồn đại, rồi tập hợp lại một cách thông minh, đưa cho chúng tôi để đòi tiền với giá cao.
Từ đó, mục tiêu chính của sứ quán là củng cố, bằng bất cứ giá nào, chính phủ Thiệu, để cho nước Mỹ có thể rút quân ra khỏi Việt Nam mà không sợ nổ ra một cuộc khủng hoảng chính trị mới. Tháng 10 năm 1972, nhằm mục tiêu ấy, chúng tôi đã mua, ủng hộ và bán nhiều nhà quân sự, chính trị Nam Việt Nam, nhiều nhân viên tình báo, người hợp tác với chúng tôi nằm trong chính phủ.
Shackley đã lôi kéo được tướng Đặng Văn Quang, viên cố vấn sôi nổi về an ninh của Thiệu (Kissinger của Thiệu, nếu như bạn muốn gọi như thế) cộng tác chặt chẽ với CIA. Shack-ley còn sử dụng được tướng Nguyễn Khắc Bình, người chỉ huy cảnh sát độc ác của chính quyền Nam Việt Nam.
Cho đến ngày cuối cùng của chế độ Sài Gòn, Bình và Quang được coi là những nhân vật có giá trị, chắc chắn nhất của chúng tôi ở Việt Nam. Nhưng họ được đánh giá hơi cao so với thực tế. Người này cũng như người kia, không ai cung cấp cho chúng tôi nhiều tin tức. Chúng tôi lấy tin chủ yếu nhờ những máy móc đặt bí mật trong dinh tổng thống. Phòng làm việc của thủ tướng được nghe thường xuyên. Số ít tin tức do Bình và Quang cung cấp thường sai lệch. Thật vậy, họ nhanh chóng hiểu rằng họ phải nghĩ đến quyền lợi riêng của họ và quyền lợi của Thiệu, không thể cung cấp cho chúng tôi đúng những tin tức chúng tôi yêu cầu. Hơn thế, CIA phụ thuộc rất nhiều vào họ về mặt chính trị, vì họ là những người truyền đạt những chủ trương của người Mỹ trong chính phủ, tình hình đó không cho phép chúng tôi đánh giá những tin tức của họ một cách khách quan hay có phê phán.
Sự tín nhiệm của chúng tôi đối với hai người này đã gây ra nhiều hậu quả tại hại, không những cơ quan thông tin bị ảnh hưởng mà cả uy tín tinh thần và chính trị của người Mỹ đối với người Việt Nam cũng bị giảm sút. Làm cho Quang và Bình trở thành những người giàu có và có thế lực, những điển hình về tham nhũng và thoái hoá theo lối Mỹ, chúng tôi đã cung cấp cho cộng sản những vũ khí có hiệu quả nhất để tuyên truyền.
Để củng cố chính phủ Thiệu, chúng tôi không chỉ đưa hợp tác viên vào trong đó. Trung lập hoá phe đối lập không cộng sản cũng là một phần hoạt động của chúng tôi.
Một thí dụ đáng kể là trường hợp Trần Quốc Bửu. Đó là một nhà chính trị chắc chắn thân Mỹ, đứng đầu Tổng liên đoàn lao công Việt Nam. CIA đã biến Bửu thành một hợp tác viên. Chúng tôi sử dụng ông ta để thuyết phục các công đoàn trung thành với chế độ Thiệu, Bửu cũng tuyên truyền cho chính phủ trong những tổ chức lao công trên thế giới. Thỉnh thoảng, CIA lại giúp cả Bửu viết thư xin ủng hộ gửi cho những đoàn viên công đoàn Mỹ.
Tất cả những người đối lập với Thiệu không phải đã hiểu tình hình như Bửu. Khi việc mua chuộc, đút lót, tẩy chay không mang lại kết quả mong muốn. Chúng tôi đã dùng những phương pháp mạnh mẽ hơn. Đó là trường hợp với Trần Ngọc Châu, nhà luật học nổi tiếng, có tinh thần dân tộc, năm 1970, trở thành một đối thủ chính trị uy hiếp Thiệu. Shackley và Colby cùng với cơ quan cảnh sát Nam Việt Nam đã tạo cho ông ta thành một tay chân và cổ động viên của cộng sản. Anh của Châu là cộng sản. Châu đã gặp anh theo yêu cầu của CIA. Như thế tương đối dễ để qui cho ông ta một tội, chỉ cần thêm hoặc bớt một số tài liệu về ông ta trong hồ sơ của cảnh sát. Shackley không phải là người dựng lên vụ này. Đó là hành động bỉ ổi của Quang, người tin cẩn của CIA. Nhưng Shackley không hề ngăn cản mặc dù ông biết rõ sự việc. Do đó, khi chính phủ Nam Việt Nam cho đăng trên báo chí những tội trạng giả tạo của Châu, Shackley và đại sứ Bunker lại khẳng định là đúng. Mấy ngày sau, Châu bị bắt ở hành lang quốc hội, giữa Sài Gòn và bỏ tù ngay. Rõ ràng là vi phạm luật pháp. Là kẻ có tội, Châu bị giam bốn năm, mới được tha đầu năm 1975. Mấy ngày trước khi cộng sản cướp chính quyền, tháng 4, nhiều quan chức CIA đã điện về bộ chỉ huy ở Langley, Virignia, xin phép cho Châu di tản bằng máy bay. Nhưng Shackley, lúc bấy giờ trở thành người chỉ huy của CIA ở Viễn Đông, đã điện về phản đối, viện cớ rằng chưa bao giờ Châu phục vụ lợi ích của Mỹ ở Việt Nam. Thế là Châu bị bỏ rơi, mặc cho số phận.
Hoạt động khác của CIA: thu thập tin tức về trình độ của quân đội Nam Việt Nam và tinh thần tác chiến của họ. Người giao thiệp chính của chúng tôi với bộ chỉ huy tối cao Nam Việt Nam là cựu chiến binh dũng cảm tên là Charles Timmes. Ông được khen thưởng trong chiến tranh thế giới lần thứ hai vì đã chỉ huy sư đoàn dũng cảm thứ 82 là đơn vị đầu tiên đã nhảy dù và chiếm đầu cầu ở Noóc-măng-đi (Pháp) năm 1944. Hollywood đã giao cho một diễn viên lực sĩ đóng vai Timmes trong phim Ngày dài nhất. Thật là một quyết định kỳ cục. Vì Timmes người mảnh dẻ, đi đứng xiêu vẹo, giống như Fred Astaire chứ không giống John Wayne.
Từ năm 1962 đến năm 1964, Timmes là Trưởng đoàn cố vấn Mỹ ở Việt Nam, cốt lõi của “Lầu Năm Góc Phương Đông” sau đó. Nhiệm vụ của ông tạo điều kiện cho ông hàng ngày tiếp xúc với những sĩ quan trẻ đầy tham vọng của quân đội Nam Việt Nam. Một số người trong những sĩ quan này, nhất là Nguyễn Văn Thiệu, trở thành những người bạn chí cốt. Nhưng lúc hết nhiệm kỳ thì ông cũng mệt mỏi về vấn đề Việt Nam và xin nghỉ hưu. Nếu CIA không yêu cầu thì ông có thể dành vài năm đi du lịch khắp thế giới. Năm 1967, CIA đề nghị với ông một chức vụ mà ông không thể từ chối. Đó là việc ông trở lại Việt Nam, gặp lại những bạn cũ của ông, những sĩ quan Nam Việt Nam. Timmes chấp nhận ngay. Trong suốt cuộc đời của ông làm việc ở CIA cho đến ngày Sài Gòn thất thủ, ông đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Là bạn đánh quần vợt đều đặn với Minh lớn, qua từng ván một, ông đã lượm được nhiều tin tức có giá trị về phe đối lập hợp pháp ở Sài Gòn, kể cả về bản thân Minh lớn. Thường bay luôn về các tỉnh, Timmes đã chắp nối lại những cuộc gặp mặt với nhiều chỉ huy đơn vị Nam Việt Nam mà ông quen biết những năm trước. Mọi người đều quí mến và coi trọng ông như người thân. Họ sẵn lòng giúp đỡ ông, viết tóm tắt lại những cuộc trao đổi với ông cho chính xác. Kết quả là những bản báo cáo của Timmes gửi cho sứ quán Mỹ, nhờ ông đến tận nơi, trở thành những bản tường trình cực kỳ đúng với những điều quân đội Nam Việt Nam đang mong muốn.
Tuy vậy, những người phân tích của CIA, cũng như của Washington, của Sài Gòn đều nghi ngờ những bản báo cáo của Timmes và coi đó chỉ là một quan điểm về một vấn đề hết sức phức tạp. Nhưng dần dần, nguồn tin về quân đội Nam Việt Nam mỗi ngày một cạn vì quân Mỹ giảm đi (năm 1970 và 1971) và cố vấn quân sự Mỹ ở nông thôn rút về. Lúc đó, giới cao cấp ở Washington và Sài Gòn mới coi trọng tin tức của Timmes. Những ngày cuối cùng của cuộc chiến tranh, đại sứ và giám đốc CIA ở Sài Gòn đi đến mức đọc cho nhau nghe những tin tức của ông và lấy đó làm chứng cớ thật sự cho chính những ảo tưởng của họ.
MỘT NGÀY VĨ ĐẠI
Mùa Thu, khi trở lại Sài Gòn, tôi trở thành một nhân viên kỳ cựu của CIA và một chuyên gia thông thạo tình hình Bắc Việt Nam. Địa vị và tiếng tăm của tôi trong chi nhánh không ngừng làm cho tôi ngạc nhiên. Có phải tôi vào làm việc cho CIA năm 1968 là để tránh khỏi phải đi lính đánh nhau ở Việt Nam không? Dù tôi có trở thành một bộ phận trong guồng máy chiến tranh của chính phủ, tôi cũng không là đồng loã, việc này nêu rõ nhược điểm của chế độ Mỹ.
Giáo sư gợi cho tôi ý chọn nghề tình báo CIA này tỏ ra tôn trọng con người. Sau hai năm học ở khoa các vấn đề quốc tế trường đại học Columbia, tôi có những kiến thức chắc chắn về chiến lược làm cho giáo sư cố vấn khẳng định rằng tôi có đủ năng lực cần thiết để trở thành một cán bộ phân tích của CIA. Triển vọng ấy quyến rũ tôi, không phải vì những lý do nghề nghiệp hay yêu nước. Mùa Xuân năm 1968, tôi suýt bị bắt lính và tôi nghĩ rằng cách tốt nhất để tránh khỏi phải ra trận ở Việt Nam là gắn số phận tôi với một cơ quan chính phủ quan trọng CIA tỏ ra hiếu khách. Tôi được đào tạo một cách nhanh chóng, trau dồi lý thuyết và bổ nhiệm sang chi nhánh Châu Âu, dưới danh nghĩa chuyên gia các vấn đề của khối Otan. Chỉ mấy tháng, tôi thông thạo công việc. Người Xô viết vào Tiệp Khắc chấm dứt chủ nghĩa cộng sản thoải mái của A. Dubcek. Các đồng minh trong khối Otan của chúng tôi ở Châu Âu hoang mang, cuống cuồng. Viên cố vấn mới của tổng thống về các vấn đề an ninh quốc gia, H.Kissinger, đòi chi nhánh gửi tin tức và bình luận về cuộc khủng hoảng.
Bị chất vấn nhiều quá, tôi chạy vạy suốt mùa Đông. Còn phòng động viên thôi không tìm tôi nữa, coi tôi là một người lính mất tích.
Sau đó, một số đồng nghiệp của tôi sợ tôi suy sụp vì nhiều công việc, quyết định cho tôi đi nơi khác. Buổi sáng một ngày thứ hai, một thông tri lấy người đi Việt Nam được gửi đến các phòng. Không cho tôi biết, bạn đồng nghiệp ghi tên tôi, gửi về ban giám đốc CIA kèm theo những lời khen đáng chý ý. Mấy ngày sau, tôi được biết tôi đã được chấp nhận, đến tháng 6, đổi đi Sài Gòn làm người phân tích “chiến lược của cộng sản”.
Việc chuẩn bị cho chuyến đi làm cho tôi quên những ý nghĩ buồn nản, đen tối mà các bạn đồng nghiệp đã tạo nên. Mặt khác, chính sách mới cũng dễ chịu hơn. Cuộc thương lượng hòa bình nữa công khai đã diễn ra ở Paris. Đầu tháng sáu, trước khi tôi lên đường, tổng thống Nixon đã gặp tổng thống Nam Việt Nam Nguyễn Văn Thiệu ở Midway để báo cho hắn biết 25.000 quân Mỹ ở Nam Việt Nam sẽ rút đi. Việc giảm số quân này sẽ tạo điều kiện cho cuộc đàm phám có thể tiến triển và chứng tỏ rằng Hoa Kỳ tin tưởng vào quân đội Nam Việt Nam. Đó cũng là bước đầu đi đến cái gọi là chương trình Việt Nam hoá. Thật ra, đó chỉ là việc trao cho quân đội Nam Việt Nam tiến hành phần lớn cuộc chiến tranh.
Hai năm đầu từ 1969 đến 1971, đối với tôi không có gì đáng lo như tôi tưởng. Thật vậy, công việc của tôi, phần lớn làm riêng biệt, không có người ngoài biết. Chiến tranh chỉ đến với tôi, qua trung gian, thể hiện bằng hàng lô báo cáo tình báo, xếp đầy bàn, chuyện nguy hiểm nhất tôi gặp trong những năm ấy là một cuộc đánh nhau trong một tiệm nhảy ở Đakao ngoại ô Sài Gòn.
Mặc dù chương trình Việt Nam hoá tiến triển nhanh, người Mỹ lúc bấy giờ, vẫn là chủ tấn tuồng. Trong khi đại sứ Bunker và thủ trưởng tôi, Ted Shackley, điều khiển và xâm nhập chính phủ Thiệu, đồng thời đối phó với phái đối lập của ông ta thì đại tướng C.Abrams phụ trách kẻ thù kia. Chiến lược của ông ta là mau chóng bình định tiếp theo những cuộc bắn phá dữ dội và tốn kém do tướng W.Westmoreland tiến hành từ năm 1965. Muc tiêu chính của chiến lược mới này là phá cơ sở hạ tầng của đối phương và những con đường tiếp tế từ Bắc Việt Nam vào. Chiến lược được tiến hành lên tới đỉnh cao hồi đầu năm 1970 khi quân Mỹ phối hợp với quân Nam Việt Nam đánh vào đất thánh cộng sản ở miền Đông Campuchia. Norodom Sihanouk, người lúc nào cũng phản đối sự can thiệp trực tiếp của Hoa Kỳ, bị đánh đổ. Tổng thống mới của nước Campuchia, hoàng thân Lonnol, không nói gì về việc này.
Cuộc hành quân vào Campuchia chỉ có một kết quả đáng kể. Nhờ những tài liệu thu lượm được và nhờ sự hợp tác đều đặn với Lonnol, CIA và Lần Năm Góc ít lâu sau, thấy ngay rằng trong nhiều năm họ đã lầm. Con đường tiếp tế cho các lực lượng cộng sản ở Campuchia và phía Nam Nam Việt Nam không phải là con đường mòn Hồ Chí Minh chạy đến phía Nam Lào (do đó có những cuộc ném bom dữ dội ở vùng này) Theo những tin tức thu nhập ở Campuchia năm 1970 thì 80% vũ khí và dụng cụ chiến tranh là do các tàu nhỏ của Bắc Việt Nam chở vào và bốc dỡ ở cảng Sihanoukvile của Campuchia. Sự khám phá này làm cho mọi người sửng sốt, nhất là đối với các nhân viên CIA để có những lập luận ngược lại. Nhưng họ đã lầm nếu họ sợ hãi. Vì không một ai, sau đó, bị thi hành kỷ luật về sự nhầm lẫn này. Và những người sai nhất lại trở thành thủ trưởng và phó thủ trưởng của những cơ quan phân tích của CIA.
Tháng 2 năm 1971, gần một năm sau cuộc xâm lược Campuchia, người Nam Việt Nam muốn kiếm một thắng lợi của Abrám, tự họ mở cuộc tiến công vào những con đường tiếp tế của cộng sản ở Nam Lào. Chiến dịch, gọi là “Lam Sơn 719” bị sa lầy ngay từ đầu. Người Bắc Việt Nam, chiến đấu trên một chiến trường quen thuộc, đưa bốn sư đoàn đến bao vây và đánh cho quân đội Nam Việt Nam tan tác, mặc dù người Mỹ đã ném bom dữ dội.
Cuối cùng, công cuộc bình định, dù cho người Việt Nam hay người Mỹ tiến hành, đều không có kết quả. Chiến dịch Lam Sơn gây cho Hoa Thịnh Đốn sự nghi ngờ về khả năng chiến đấu một mình của quân đội Nam Việt Nam. Mặc dù đại tướng Abrams, với sáng kiến của ông, đã mở rộng được vùng do quân chính phủ kiểm soát ở những nơi tranh chấp trước kia ở đồng bằng Nam Việt Nam cũng như ở dọc biên giới, nhưng kết quả ấy vẫn báo hiệu sự sụp đổ của Thiệu. Thật vậy, lực lượng Nam Việt Nam đã tan rã một cách hết sức nguy hiểm ngay lúc quân Mỹ chuẩn bị rút về nước.
Cùng với chiến dịch Lam Sơn, cuộc xâm lược Campuchia và chính sách bình định cấp tốc, trong hai năm đầu ở Sài gòn, tôi còn chứng kiến những cuộc thương lượng bí mật để đưa đến một nền hòa bình giả dối ở Việt Nam. Mở đầu cuộc đàm phán, thái độ của người Mỹ không phải là một kiểu mẫu của sự cứng rắn. Đầu năm 1969, những ngày đầu dưới chính quyền Nixon. Kissinger bí mật báo cho Liên Xô biết rằng Hoa Kỳ sẵn sàng xoá sạch Hà Nội khỏi bản đồ để bảo vệ Nam Việt Nam không rơi vào tay cộng sản. Mấy tuần sau, như là để cụ thể hoá lời đe dọa ấy, Nixon cho mở một chiến dịch ném bom, vào những cơ sở của cộng sản ở miền Đông Campuchia.
Mặc dù bước mở đầu tồi tệ ấy, Kissinger và Lê Đức Thọ, người thương lượng chính của Hà Nội, vẫn gặp nhau trong tháng tám để đàm phán bí mật. Thoạt tiên, cuộc thảo luận không có kết quả. Điều kiện tiên quyết của Bắc Việt Nam là Nguyễn Văn Thiệu phải ra đi.
Nhưng mùa Xuân năm 1972, lúc tôi hoàn thành nhiệm kỳ thứ nhất, tình hình quốc tế bao quanh cuộc đàm phán bắt đầu thay đổi. Kissinger đạt được một số tiến bộ trong cuộc thảo luận với Liên Xô về vấn đề hạn chế vũ khí chiến lược. Việc dàn xếp cho chuyến đi bí mật đầu tiên của ông ta sang Bắc kinh đã xong. Ở Nam Việt Nam, số quân Mỹ từ năm trăm nghìn người năm 1969, đã rút xuống còn ba trăm nghìn người. Chương trình Việt Nam hoá với công thức lính Nam Việt Nam cộng với vũ khí Mỹ được tiến hành. Kissinger nghĩ rằng có cơ hội để Bắc Việt Nam tỏ ra “ít cứng rắn” hơn chung quanh bàn đàm phán. Do đó, trong mùa Thu và mùa Đông, ông bắt đầu tỏ ra “mềm mỏng hơn” trong các cuộc thương lượng, hy vọng rằng người Bắc Việt Nam sẽ thật lòng nói chuyện. Không đưa ra điều kiện đòi quân đội Bắc Việt Nam, rút khỏi nước này với điều kiện Hà Nội ngừng bắn trên khắp chiến trường Đông Dương và thả tù binh Mỹ.
Lê Đức Thọ lắng nghe nhưng không hề xúc động như Kissinger hằng mong muốn. Sự “mềm dẻo” của Mỹ được đánh giá là một sự giảm sút về ý chí và Bộ Chính trị Bắc Việt Nam quyết định thử nghiệm một lần cuối cùng, mở một cuộc tiến công mới vào Sài gòn. Quyết định ấy được khuyến khích vì sự thất bại của quân đội Nam Việt Nam ở Nam Lào hồi đầu năm. Thất bại này cũng chứng tỏ cho những người cứng rắn ở Hà Nội biết rằng chương trình Việt Nam hoá không có lết quả. Trong thời kỳ ấy, tôi hoàn thành nhiệm kỳ thứ nhất ở Việt Nam. Tôi trở về trụ sở ban giám đốc CIA mà từ đó tôi được coi là người phân tích chính về chính sách của Hà Nội. Mặc dù có chức vụ oai vệ ấy, tôi không hề được biết những điều bí mật trong cuộc đàm phán của Kissinger. Gần như không một ai ở CIA được biết cả. Nhưng tôi có thể rút ra những kết luận qua những tin tức từ Sài Gòn gửi về.
Cuối mùa Thu, luận điệu và nội dung bản báo cáo ngày càng bi đát, nhiều bạn đồng nghiệp kết luận cùng tôi rằng một cuộc tiến công quan trọng của quân đội Bắc Việt Nam đang được chuẩn bị. Nhưng các thủ trưởng của tôi ở CIA, luôn luôn thận trọng, không đồng ý như thế và quyết định hỏi lại Kissinger về những kết luận của chúng tôi, trước khi lấy làm quyết định chính thức của CIA. Kissinger bận về các cuộc thương lượng và không thể nghĩ rằng Bắc Việt Nam lại dám mở cuộc tiến công. Do đó, suốt mùa Thu và đầu mùa Đông, các thủ trưởng ở CIA của chúng tôi, đã chặn lại và giữ bí mật hay thay đổi mọi điều kiện phân tích nêu rõ những việc Bắc Việt Nam đang làm.
Trong lúc ấy, Kissinger đòi tất cả các cơ quan cung cấp tin tức cho biết cách làm sao Bắc Việt Nam phải nhượng bộ. CIA và Lầu Năm Góc cùng nên ý kiến ám sát hoặc bắt cóc một số nhân vật Bắc Việt Nam. Họ cho rằng việc đó sẽ gây rối loạn ở Hà Nội và những người sống sót buộc phải cúi đầu tuân theo những đòi hỏi của Mỹ. Được hỏi về triển vọng của âm mưu này, các bạn đồng nghiệp và tôi cười đến phát điên. Trước đây, đã có một sự kiện tai hại. Năm 1970, quân đội đã cho quân nhảy dù xuống một trại tù binh Mỹ ở ngoại ô Hà Nội (Sơn Tây). Không nắm được tin tức và tình hình ở thủ đô Bắc Việt Nam nên chúng tôi không nhảy dù đúng vào trại tù binh thì làm thế nào chúng tôi có thể đến được nơi ở của các nhà lãnh đạo Đảng mà bắt cóc họ?
Ngày 17 tháng 2 năm 1972, trong khi Nixon chuẩn bị đi Bắc Kinh, thì Kissinger gửi một thông điệp cho Hà Nội, trong đó ông ta đề nghị nối lại cuộc đàm phán bí mật ngay trong tháng. Ông muốn rằng cuộc gặp mặt lịch sử đầu tiên giữa hai người đứng đầu nhà nước Hoa Kỳ và Trung Hoa có thể gây cho Bộ Chính trị Bắc Việt Nam một thái độ ôn hoà. Nhưng theo cách của họ, người Bắc Việt Nam đã bác bỏ và hẹn nối lại cuộc đàm phán vào giữa tháng 4.
Ở Sài Gòn, địa vị của Nguyễn Văn Thiệu ngày càng lung lay. Trái với người Mỹ đầy kinh nghiệm, Thiệu không lấy làm khó chịu khi nghĩ đến cuộc tổng tiến công mới của quân đội Bắc Việt Nam. Cuối mùa Đông, Thiệu và bộ tổng tham mưu của ông ta đi đến kết luận rằng Bắc Việt Nam đang chuẩn bị một cuộc đánh ồn ạt qua vùng phi quân sự, vào các tỉnh ở phía Bắc nước này. Hồi ấy, các cơ quan tình báo Mỹ ở Sài Gòn và ở Hoa Thịnh Đốn bắt đầu nghi ngờ về những điều dự đoán của mình. Tuy nhiên, nếu họ bắt đầu cho là có khả năng Hà Nội mở một cuộc tiến công quân sự thì họ lại nghi ngờ những điều phán đoán của Thiệu. Họ khẳng định rằng nếu có một cuộc tiến công thì đó là ở Tây Nguyên, về phía Tây và ở đồng bằng, về phía Nam.
Ngày thứ sáu Thánh 31 tháng 3 năm 1972, bốn sư đoàn quân đội Bắc Việt Nam tiến qua khu phi quân sự, như Thiệu đã dự đoán rất đúng. Những người Mỹ có trách nhiệm lấy làm bằng lòng vì đã đưa được một người sáng suốt lên cầm quyền. Và họ quên ngay những điều tính toán sai lầm của họ trước đó.
Cuộc tiến công của cộng sản diễn ra trên khắp miền Nam Việt Nam chỉ mấy tuần sau khi Nixon từ Bắc Kinh trở về, giữa sự chuẩn bị chu đáo cho một cuộc gặp mặt cấp cao mới ở Mátcơva vào tháng 5. Sự trùng hợp ấy làm cho Nhà Trắng phải tự đặt những câu hỏi hắc búa về ảnh hưởng đối với Hà Nội của những trao đổi giữa Mỹ và Trung Quốc.
Trong những tuần đầu của chiến dịch, quân đội Bắc Việt Nam thắng lợi vang dội: Chính phủ Hoa Kỳ đứng trước một tình thế khó xử, tiến thoái lưỡng nan; can thiệp thế nào để cứu chính phủ Sài Gòn mà không làm gián đoạn cuộc họp cấp cao với Liên Xô đã gần tới. Kissinger đưa ra một chiến lược hai mặt: một mặt, ông yêu cầu Lầu Năm Góc soạn thảo một kế hoạch ném bom dữ dội nhằm những mục tiêu quân sự ở phía Bắc vĩ tuyến 20, đồng thời thả mìn ở cảng Hải Phòng. Mặt khác, ông quyết định đi thương lượng với Liên Xô. Trong cuộc đi hết sức bí mật đến Mátxcơva ngày 20 tháng 4, ông thực hiện kế hoạch hai. Ông nêu rõ với lãnh tụ Đảng Liên Xô, ông Leonid Brejuev rằng Hoa Kỳ đưa một ý đồ mới lên bàn thương lượng: Hoa kỳ không đòi quân đội Bắc Việt Nam phải rút khỏi miền Nam Việt Nam nữa nếu người Bắc Việt Nam từ bỏ yêu sách đòi Thiệu phải ra đi.
Không có điểm nào trong vấn đề này được thông báo cho những người phân tích của CIA. Chỉ có một số nhà chính trị ở Hoa Thịnh Đốn biết. Đối với Thiệu, Kissinger không hề cho ông ta biết tin gì, nhất là tin về cuộc đàm phán bí mật có thể thay đổi tương lai của nước Việt Nam.
Ngày 2 tháng 5, Lê Đức Thọ bí mật gặp Kissinger Paris. Cuộc thảo luận không chấm dứt được cuộc khủng hoảng chính trị và đi vào ngõ cụt. Lúc đó, vì quân đội Bắc Việt Nam đang làm chủ chiến trường. Kissinger rời Paris với định kiến rằng Hoa Kỳ cần phải có một sáng kiến táo bạo mới làm cho Bắc Việt Nam “biết điều” hơn.
Tổng thống Nixon nghiêng về những cách giải quyết của Lầu Năm góc như thả mìn và ném bom. Trong một loạt buổi họp của Hội đồng an ninh quốc gia, người ta hỏi ý kiến các đại diện các cơ quan ở Hoa Thịnh Đốn về hiệu quả của biện pháp trên và ảnh hưởng của những hành động ấy đối với mối bang giao giữa Hoa Kỳ và Liên Xô. Những cuộc thảo luận rất sóng gió và về vấn đề nêu ra đã tạo cho một sự rạn nứt ngay trong nội bộ CIA. Những cán bộ phân tích tại chỗ như tôi, không thể nào hình dung được rằng việc bao vây cảng Hải Phòng lại có ảnh hưởng lớn đến cuộc chiến tranh vì phần nhiều viện trợ của bên ngoài cho Bắc Việt Nam đều được chuyên chở bằng xe lửa chạy qua Trung Quốc. Nhưng một số nhân viên cao cấp của CIA có quan hệ chủ yếu với giới chính trị ở Hoa Thịnh Đốn hiểu rằng Nixon muốn đi đến đâu và họ đã ủng hộ ông ta.
Nixon, chắc chắn là người quyết định cuối cùng theo lôgic đặc biệt kiểu Nixon. Ông giải thích với các cố vấn rằng ông không thể đi Matxcơva nếu không bắt đầu tỏ cho Liên Xô biết rằng Hoa kỳ không thể để bị coi là nhút nhát. Do đó, ngày 8 tháng 5, ông công khai báo tin máy bay lần đầu tiên từ cuối năm 1968, trở lại ném bom bên trên vĩ tuyến 20.
Tuyên bố của ông có ảnh hưởng như một quả bom nổ ở Mỹ. Nó gây ra một làn sóng phản đối...
Cuộc gặp mặt cấp cao ở Matxcơva diễn ra đúng như đã định và Kissinger cho rằng trong những buổi họp sau cùng, không khí có phần thuận lợi cho một sáng kiến hòa bình Việt Nam. Ông nói với Liên Xô: Hoa Kỳ sẵn sàng ngừng ném bom Bắc Việt Nam trước khi các tù binh được thả nếu Hà Nội đồng ý từ bỏ việc đòi Thiệu phải ra đi.
...Giữa tháng 7, tin tức cho biết Hà Nội có sự thay đổi trong các cuộc thương lượng. Đôi khi, một sự đảo lộn hoàn toàn. Theo các báo cáo của tình báo chúng tôi, quân đội cộng sản ở miền Nam Việt Nam đã bắt đầu thảo luận kế hoạch ngừng bắn - việc truất quyền Thiệu không còn là điều kiện đầu tiên trong các điều kiện nữa. Các nguồn tin của CIA cũng cho biết Trung Quốc mới khuyên Hà Nội giảm bớt những đòi hỏi chính trị để đi đến ký kết hiệp định. Mặt khác, bản thân cuộc tiến công của cộng sản cũng chậm lại vì những trận ném bom của Mỹ vào các vùng phía Bắc nước này. Lợi dụng tình hình ấy, Kissinger đẩy nhanh nền ngoại giao bí mật và gặp ông Lê Đức Thọ một lần nữa ở Paris ngày 19 tháng 7 để đưa ra lập trường mới của Hoa Kỳ. Mấy ngày sau ông đi Sài Gòn để nói cho Thiệu biết những sự kiện đã xảy ra. Nhưng, như thói quen của ông, ông không thật thà với Thiệu cũng như không thật thà với cộng sản. Ông không nói gì đến chủ trương của Mỹ về sự có mặt của quân đội Bắc Việt Nam ở Nam Việt Nam, sau khi ngừng bắn.
Ở bộ tham mưu CIA, tôi và các bạn đồng nghiệp không có ai tham gia vào quỉ kế ấy. Mùa Hè qua, những tin tức thu lượm được từ bộ chỉ huy cộng sản tiếp tục chỉ rõ rằng có một sự thay đổi trong lập trường chính trị của Hà Nội. Một số người trong chúng tôi bắt đầu tin rằng có khả năng cuộc đàm phán đi đến kết quả.
Nhưng một lần nữa, một số quan chức cao cấp CIA lại cho là mình khôn ngoan hơn. Cũng như chúng tôi, họ không biết gì về hoạt động của Kissinger nhưng họ cho rằng những cuộc thương lượng công khai tạm ngừng là một hàn thử biểu có thể tin cậy. Tôi tự hỏi: Thế thì người ta đào tạo cán bộ cho Nam Việt Nam để làm gì? Thủ trưởng trực tiếp của thuyết phục tôi: “Trên chiến trường, quân cộng sản không thắng lợi như họ hằng mong muốn, do đó họ lợi dụng triển vọng của nền hoà bình sắp tới để nâng cao tinh thần quân đội họ”.
Không còn nghi ngờ gì là Kissinger có vẻ ngạc nhiên và thú vị với lời giải thích ấy. Đầu tháng 8, Kissinger và ông Lê Đức Thọ đạt được nhiều tiến bộ trong những cuộc hội đàm bí mật nên Kissinger quyết định bắt đầu phổ biến cho Thiệu để ông ta khỏi bất ngờ. Tướng A.Haig, người đại diện cho Kissinger được cử đi Sài Gòn báo tin lành ấy.
Theo người đã dự cuộc gặp gỡ ở Sài Gòn, Thiệu rất sửng sốt về những điều được phổ biến, tuy Haig không nói gì về sự có mặt của quân đội Bắc Việt Nam ở Nam Việt Nam nhưng ông nói quá nhiều vấn đề làm cho Thiệu hiểu rằng ông đã bị bỏ rơi.
Lúc Haig trở về Hoa Thịnh Đốn, ông báo cho Kissinger biết rằng Thiệu phản đối giải pháp. Nhưng Kissinger không phải là con người chịu chấp nhận sự bi quan. Rõ ràng là ông cho rằng mối quan hệ ngày càng thân thiện giữa Hoa Kỳ, Liên Xô và Trung Quốc cho ông ta thời cơ duy nhất để đưa chiến tranh đến kết thúc tốt đẹp và ông không để cho Thiệu làm hỏng. Khi nghe Haig báo cáo, ông chỉ nhún vai và quyết định đi Matxcơva ngày 10 tháng 9, tiếp sau là một cuộc hội đàm bí mật nữa với ông Lê Đức Thọ ở Paris.
Bắc Việt Nam vừa có một quyết định rất quan trọng. Cuối tháng 8, Bộ Chính trị của Đảng đi đến kết luận rằng mặc dù cuộc chiến tranh dẫm chân tại chỗ, họ có thể có lợi nếu tạo cho nền ngoại giao của Kissinger một triển vọng và Hoa Kỳ sẽ không dành cho họ những điều kiện tốt hơn một khi Nixon được bầu lại làm tổng thống tháng 11, điều dự đoán mà họ chắc chắn là đúng. Hà Nội đưa tin công khai và rõ ràng rằng họ chấp nhận những đòi hỏi cơ bản của Kissinger. Phát biểu ý kiến trên đài phát thanh trong nước, thủ tướng Phạm Văn Đồng nói giống như những người truyền tin cộng sản Nam Việt Nam hồi giữa tháng 6. Ông hết sức tránh việc nêu tên Thiệu trong bảng liệt kê những đòi hỏi của cộng sản trong các cuộc thương lượng hoà bình.
May thay, cuối tuần ấy, bản dịch bài diễn văn của thủ tướng Phạm Văn Đồng, được đưa đến bộ tham mưu CIA, lúc ấy chỉ có tôi là cán bộ duy nhất của chi nhánh Việt Nam đang làm việc. Sau khi đọc bài diễn văn nhiều lần, tôi gọi dây nói đến nhà thủ trưởng trực tiếp của tôi. Tôi nói với ông rằng, đó là dấu hiệu mà chúng ta chờ đón. Ông trả lời, sẽ đến.
Chúng tôi cùng nhau phân tích toàn bộ bài diễn văn, sẵn sàng trình bày trước hội nghị hàng ngày của tổng thống, vào hồi 16 giờ. Trong kết luận, chúng tôi nhấn mạnh một cách rõ ràng rằng không có điều kiện: Thiệu phải rút lui trong một loạt đòi hỏi của cộng sản để nối lại các cuộc đàm phán hoà bình. Điều đó có thể là một sự thay đổi trong lập trường chính trị của Hà Nội.
Sáng hôm sau, trời đổ sụp xuống đầu chúng tôi. Nhiều quan chức cao cấp của chi nhánh liên tiếp gọi dây nói cho tôi. Họ kết tôi đã lừa họ, khi tôi đưa ra tin trái hẳn với tin chiều thứ bảy mà không có một ai trong họ ở đấy để thẩm tra. Mặc dù có thủ trưởng trực tiếp của tôi ở đấy can thiệp và nói rằng, ông chịu trách nhiệm một phần trong việc soạn thảo báo cáo, nhưng không một ai thay đổi thái độ đối với tôi. Vì tôi bảo vệ luận điểm cho rằng có thể mở đường tiến tới hoà bình từ nhiều tuần qua nên tôi trở thành người chịu trách nhiệm duy nhất về bản báo cáo.
Trong 24 giờ tiếp sau, giám đốc chi nhánh CIA ở Việt Nam ra lệnh cấm tôi không được phân tích bất cứ điều gì và tôi sẽ phải nhận một việc khác ở một chi nhánh khác.
Nhiều ngày sau, ngày 10 tháng 9, Kissinger đến Matxcơva như đã định. Ông Brejnew khẳng định với Kissinger ba ngày sau rằng bài diễn văn của thủ trưởng Phạm Văn Đồng và một bản tuyên bố tương tự của Việt cộng, sẽ chỉ rõ sự thay đổi trong những đòi hỏi của cộng sản về cuộc đàm phán. Việc Thiệu ra đi không còn là điều kiện đầu tiên cho việc ngừng bắn, cho việc thả tù binh Mỹ.
Tin vào những điều bảo đảm ấy, Kissinger tiếp tục cố gắng để đi đến một cuộc dàn xếp trước cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ, được tổ chức hai tháng sau đó. Trong hai tuần tiếp theo, Kissinger bí mật gặp ông Lê Đức Thọ nhiều lần ở Paris. Còn tôi, thoát khỏi công việc về Việt Nam, tôi chỉ còn được phép biết những loại tin tức từ chiến trường gửi về. Tôi dành phần lớn thì giờ trong tháng 9 để đọc truyện tình báo ở thư viện của CIA và ngắm nhìn đám trẻ con nhảy trên đồi sau đồn điền cà phê.
Đến cuối tháng, một người bạn thân của tôi, chịu trách nhiệm về công việc tình báo ở Việt Nam, tỏ lòng thương hại tôi: “Cậu nghĩ thế nào về việc tạm thời ở Sài Gòn, phụ trách việc giải đáp một nhóm tù binh chiến tranh?”
Mất đúng bốn ngày mới làm xong thủ tục khám sức khoẻ và làm các giấy tờ cần thiết để rời phòng làm việc cũ. Ngày 2 tháng 10, tôi vượt Thái Bình Dương đến làm việc lần thứ hai và lần cuối cùng tại sứ quán Hoa Kỳ ở Sài Gòn”.
Tôi bắt đầu làm quen với chức vụ mới lúc triển vọng của hoà bình đã hình thành ở Paris. Ngày 8 tháng 10, ông Lê Đức Thọ đưa ra đề nghị mới trong đó không có việc Thiệu rút lui. Trong gần bốn ngày, mọi vấn đề quan trọng bậc nhất đều được giải quyết. Mặc dù có một số trở ngại nhỏ, ông Thọ và Kissinger tỏ ra tin tưởng rằng những trở ngại cuối cùng có thể giải quyết nhanh. Cuối buổi hội đàm, ông Thọ đề nghị ngày 31 tháng 10 sẽ tổ chức lễ ký kết và ban hành lệnh ngừng bắn, hy vọng rằng hòa bình sẽ đến trước ngày bầu cử tổng thống Mỹ. Kissinger nhận bay đi Hà Nội ngày 24 tháng 10 để ký tắt dự thảo hiệp định và bảo đảm những điều cam kết của Hoa Kỳ.
Trong những ngày sau, Kissinger gửi một thông tri cho bộ tham mưu CIA hỏi về phản ứng của Thiệu trước cuộc ngừng bắn. Các bạn đồng nghiệp cũ của tôi ở Việt Nam còn nghi ngờ về những điều sẽ xảy ra, vội vàng trả lời Kissinger. Họ nói: Thiệu không bao giờ nhận một hiệp định trong đó ghi một điều khoản thoả hiệp chính trị với cộng sản hay chấp nhận việc quân đội Bắc Việt Nam ở lại miền Nam. Kissinger đọc đi đọc lại bức điện trả lời, rồi để gạt nó ra một bên với một cử chỉ nóng nảy: “Quá bi quan!” Ông ta trở về nhà, sửa soạn hành lý đi Sài Gòn định giành cho được một câu trả lời chắc chắn.
Nếu Kissinger không tỏ ra bối rối về kết luận của CIA thì trái lại có một người ở Nhà Trắng lại tỏ ra không yên tâm: đó là bản thân Nixon. Ông càng nghĩ đến những đề nghị thoả thuận do Kissinger đưa ra với ông Lê Đức Thọ bao nhiêu thì ông càng khẳng định rằng những cử tri Mỹ bảo thủ nhất sẽ coi ông là một kẻ đầu hàng. Ông không thấy lý do để phải lao vào một cuộc tranh cử có bóng đen trên đầu mình. Ông quyết định lợi dụng sự bướng bỉnh của Thiệu làm cớ để chỉ đưa ra những điều đã thoả thuận vào lúc thích hợp.
Trong lúc đó, ở Sài Gòn, Thiệu kịch liệt phản đối bằng mọi cách những người Mỹ đã che chở ông. Trong những buổi họp đầu với Kissinger giữa tháng 10, Thiệu bác bỏ toàn bộ dự thảo hiệp định. Đặc biệt, ông tỏ ra hằn học với điều khoản cho phép quân đội Bắc Việt Nam được ở lại miền Nam sau ngừng bắn. Điều này, trước đó, chưa ai nói với ông ta. Mỗi ngày, Kissinger lại đe doạ một ít, phỉnh phờ một ít mong Thiệu thay đổi thái độ. Cuối cùng ngày 23 tháng 10, Kissinger phải công nhận trước những người cộng sản rằng ông không có một hy vọng nào làm cho người Nam Việt Nam bằng lòng ngừng bắn tám ngày sau đó như đề nghị của Hà Nội. Kissinger gửi một thông điệp cho thủ đô Bắc Việt Nam để bỏ chuyến đi Hà Nội và để bảo vệ những chiếc cầu chính trị ông đã xây dựng. Ông gửi cho tổng thống Nixon một bức điện đề nghị bỏ những cuộc ném bom từ vĩ tuyến 20 trở lên, làm cho Hà Nội có thể hiểu rằng bao giờ Hoa Kỳ cũng mong muốn hòa bình.
Trước khi Kissinger rời Sài Gòn ít lâu, một trong số nhân viên tin cẩn nhất của CIA, đưa cho chúng tôi bản tài liệu, ghi rõ từng chữ một, những điểm thương lượng mà ông Lê Đức Thọ đưa ra ở Paris ngày 8 tháng 10. Đó là bản thảo bài nói chuyện tại cơ quan chỉ huy cộng sản ở vùng đồng bằng. Khi Tom Polgar, giám đốc mới của CIA ở Sài Gòn đưa bản tài liệu cho Kissinger, viên cố vấn của tổng thống há hốc mồm. Ông ta kêu lên: Làm thế nào ông có tài liệu này? Polgar nói với ông về nguồn tài liệu và hỏi liệu tin tức ấy có đúng không. Kissinger công nhận là “gần đúng”.
Nhờ tài liệu ấy mà phần lớn chúng tôi, quan chức CIA và sứ quán ở Sài Gòn, ở Hoa Thịnh Đốn, lần đầu tiên biết được những tiến bộ mà Kissinger đạt được trong nền ngoại giao bí mật. Không phải chỉ riêng chúng tôi biết; trong những buổi họp sóng gió với Kissinger cuối tháng 10, những người Nam Việt Nam đã đương đầu với ông vì nhân viên tình báo của họ cũng kiếm được các bản sao những đòi hỏi của ông Lê Đức Thọ. Do đó Thiệu và những người cộng tác với ông ta đã có thể biết Kissinger đã nói dối họ vào lúc nào. Họ có thể đối phó với mỗi bước ngoặt.
Khi Kissinger nói với người Bắc Việt Nam rằng không thể hy vọng ngừng bắn vào tháng 10, thì người Bắc Việt Nam cho ngay đó là một sự lừa đảo. Họ quyết định công khai hoá biên bản những cuộc hội đàm để vạch rõ trách nhiệm của Hoa Kỳ. Ngày 26 tháng 10, Đài phát thanh Hà Nội và đài phát thanh Giải phóng, đọc toàn văn tài liệu về cuộc đàm phán ngày 8 tháng 10. Họ phê phán thái độ bất tín của Hoa Thịnh Đốn. Kissinger nhận định ngay rằng người Bắc Việt Nam không hiểu ông ta. Sáng hôm sau, trong cuộc họp báo ở Hoa Thịnh Đốn, ông cố làm cho các nhà báo hiểu rằng những điều nghi ngờ của Bắc Việt Nam không có cơ sở “Hoà bình đã ở trong tầm tay”, ông ta khẳng định với các nhà báo có mặt như thế. Những người này hơi lấy làm ngạc nhiên. Tiếp đó, Kissinger nhấn mạnh rằng mấy buổi họp chung quanh bàn thương lượng không thể dẫn đến một hiệp định dứt khoát.
Trong lúc đó, Kissinger và Nixon quyết định đưa cho Thiệu một món quà phụ để ông ta nhận thoả hiệp, đó là một cầu hàng không tiếp tế lớn, theo luật Rehausser. Ngoài ra, còn trang bị lại cho quân đội của Thiệu để đổi lấy sự hợp tác của ông ta. Ngày 9 tháng 11, chỉ hai ngày sau khi Nixon thắng cử vang dội, tướng Haig đến Sài Gòn để đòi nợ của Hoa Thịnh Đốn. Ông nói với Thiệu, chính phủ Mỹ mong ông đồng ý ngay với bản hiệp định vừa đưa ra. Ông còn báo cho Thiệu biết, dù ông ta có tán thành bản hiệp định hay không, Nixon vẫn ký bản dự thảo khi Kissinger và ông Lê Đức Thọ đã hoàn thành những chi tiết cuối cùng, chắc chắn là vào ngày 5 tháng 10.
Hai ngày sau, Nixon gửi một bức thư dài riêng cho Thiệu, trong đó ông nhắc lại và viết một cách cứng rắn hơn những điều Haig đã nói. Nixon viết thêm: “Ông có sự bảo đảm tuyệt đối của tôi nếu Hà Nội không tôn trọng những điều khoản của hiệp định, tôi có thể thực hiện lập tức những cuộc trả đũa...” Câu ấy báo trước rằng Hoa Kỳ không rút khỏi miền Nam Việt Nam sau chiến tranh. Một sự cam kết mà quốc hội Hoa Kỳ chưa bao giờ được hỏi ý kiến.
Khi Kissinger gặp lại ông Lê Đức Thọ cuối tháng 11, ông khôn ngoan đưa cuộc đàm phán đi theo một hướng khác, tất nhiên vì quyền lợi của Thiệu. Ông đặt cho người đối thoại hơn 60 câu hỏi phụ nữa nói là của người Nam Việt Nam và 44 điều thay đổi của riêng ông. Ông Lê Đức Thọ hỏi lại một vài điều thay đổi nhưng không trả lời những câu hỏi khác do Kissinger đưa ra. Thực tế, trước mỗi điều thay đổi, ông dần dần biết rõ mưu đồ thật sự của Kissinger. Người Mỹ muốn tranh thủ thời gian để trang bị lại cho quân Nam Việt Nam trước khi ngừng bắn. Ngày 25 tháng 11 ông Thọ không còn nghi ngờ gì nữa, đề nghị tạm thời hoãn cuộc đàm phán để xin chỉ thị của Hà Nội.
Ở Nam Việt Nam, lực lượng chính phủ lợi dụng ngay việc hoãn cuộc đàm phán để mở rộng việc lấn đất. Giữa lúc ấy, Kissinger trở lại Hoa Thịnh Đốn để xem xét lại những đề nghị khác nhau có thể đưa đến việc kết thúc các cuộc thương lượng. Một trong những tài liệu do Hội đồng an ninh quốc gia đưa ra là: ý kiến lại mở một cuộc tiến công chống Hà Nội, ném bom ngay thủ đô để buộc Bắc Việt Nam phải chấp nhận giải quyết cuộc chiến tranh. Một giải pháp cũ cho một vấn đề cũ. Nhưng trong hoàn cảnh hiện nay, nó có cái lợi là làm cho Thiệu tin rằng Hoa Kỳ không có ý định bỏ rơi ông ta.
Đầu tháng 12, khi ông Lê Đức Thọ trở lại Paris để nối lại cuộc đàm phán riêng với Kissinger, ông tỏ ra lạnh nhạt với dự thảo hiệp định mới của Hoa Kỳ. Thái độ đó làm cho Kissinger càng khẳng định thêm rằng Hà Nội định kéo dài thêm cuộc thương lượng để cho lực lượng của mình tiến công quân đội Nam Việt Nam. Ngày 14 tháng 12, sau một cuộc tranh luận ráo riết không đi đến kết quả, ông Thọ một lần nữa, đề nghị hoãn cuộc đàm phán để trở về Hà Nội. Mấy ngày sau Kissinger cũng rời Paris, để cho ông phó trưởng đoàn W. Sullivan tiếp tục thảo luận dự thảo hiệp định với những nhà thương lượng thứ yếu của Bắc Việt Nam.
Ngày hôm sau, Sullivan điện về Hoa Thịnh Đốn báo tin rằng những cuộc thảo luận gọi là kỹ thuật ấy, đi vào bế tắc. Lúc ấy, Nixon và Kissinger nhận định rằng thời gian để tỏ ra cứng rắn đã đến. Quá trưa, Hà Nội nhận được một thông điệp nhạt nhẽo của tổng thống Hoa Kỳ. Thông điệp viết: nếu người Bắc Việt Nam không nhận đàm phán một cách nghiêm chỉnh thì 72 giờ nữa, Hoa Kỳ sẽ ném bom trở lại từ vĩ tuyến 20 trở lên.
Ngày 18 tháng 12, thời hạn do Nixon đề ra đã chấm dứt. Hàng loạt máy bay B.52 bay đến miền Bắc, ném bom xuống ngay những căn cứ quân sự ở Hà Nội và Hải Phòng. Người Mỹ nói rằng những thành phố, cho đến lúc bấy giờ chưa hề là mục tiêu đánh phá. (Điều này không đúng. Mỹ đã ném bom Hà Nội và Hải phòng nhiều lần và kể cả lần này, đều ném bom xuống những vùng dân cư).
Cùng lúc ấy, tướng Haig được cử đến Sài Gòn đem theo tối hậu thư: Nếu Thiệu khăng khăng từ chối ký dự thảo hiệp định ghi những nét lớn thì Hoa Kỳ cắt mọi viện trợ cho Nam Việt Nam và ký một hiệp định riêng với Bắc Việt Nam.
Bị xúc phạm, nhưng Thiệu vẫn tỏ ra bất trị. Người Bắc Việt Nam hiểu biết nhiều hơn. Sau 12 ngày ném bom, nhiều máy bay B.52 bị bắn rơi, nhiều phi công Hoa Kỳ bị bắt và chết, miền Bắc cũng bị thiệt hại, Hoa Kỳ buộc phải ngừng bắn và hứa thảo luận nghiêm chỉnh dự thảo cũ về hiệp định Paris. Ngày 30 tháng 12, Nixon công khai tuyên bố chấm dứt việc ném bom bên trên vĩ tuyến 20.
Bảy ngày sau, Kissinger nối lại cuộc đàm phán ở Paris với ông Lê Đức Thọ. Mặc dù nhà thương lượng Bắc Việt Nam không còn là một nhân vật “dễ thương” như trước khi có những trận ném bom nhưng ông vẫn tỏ ra lịch sự, đúng đắn và nhất là thái độ của ông ở bàn đàm phán, lại trở lại như trước. Cuối cùng, ngày 20 tháng 1, Nixon tuyên bố rõ, ông sẽ ký ngay một hiệp định hòa bình riêng với người Bắc Việt Nam nếu Sài Gòn từ chối. Bị cô lập, Thiệu phải cúi đầu tuân lệnh.
Ba ngày sau, như đã định, Kissinger và ông Lê Đức Thọ ký tắt bản hiệp định, thay mặt cả hai bên, chế độ Sài gòn và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng Hoà miền Nam Việt Nam. Sáng hôm sau, đại sứ Bunker mặc quần áo trắng, tiến vào hội trường ở gác ba sứ quán Hoa Kỳ ở Sài Gòn và tuyên bố, nước mắt chứa chan: “Đây là một ngày vĩ đại đối với tất cả chúng ta. Sắp sửa có ngừng bắn!”
Tám giờ sáng, giờ Sài Gòn, ngày 28 tháng 1 năm 1973, tiếng còi buồn bã báo động phòng không của thành phố loan tin lệnh ngừng bắn có hiệu lực. Tôi ở trên nóc nhà khách sạn Duc và uống một cốc rượu mừng một kỷ nguyên mới bắt đầu, cốc rượu Bloody Mary.
Mặc dù giờ đó thiêng liêng, nền hoà bình mới trở lại cũng gặp một tai nạn nhỏ...Chúng tôi gọi là không dân! Trong lúc vội vàng ký hiệp định, Kissinger quên không điện cho Sài Gòn biết những điều thay đổi trong những ngày cuối của cuộc đàm phán. Do đó bản tài liệu Thiệu đọc cho nhân viên Chính phủ Sài Gòn nghe không phải là bản dự thảo hiệp định mà Kissinger và ông Lê Đức Thọ đã thoả thuận.
Đại sứ E.Bunker, vốn là người thường giữ gìn, khi biết sơ suất này, chỉ kêu một tiếng: Trời ơi! Tiếng kêu đó đúng với cái gì sẽ diễn ra.
Đại sứ Graham Martin
ĐẠI SỨ GRAHAM MARTIN
Ngày 24 tháng 6 năm 1973, năm tháng sau khi ngừng bắn, Graham Martin được bổ nhiệm làm đại sứ Hoa Kỳ ở Sài Gòn thay Charles Whitehouse, đại diện lâm thời từ ngày Bunker về nước trước đó mấy tuần. Martin là người thế nào? Ngay cả những nhân viên của sứ quán lởn vởn bên bể bơi, cũng biết rất ít chuyện về viên đại sứ mới này. Dần dần, chúng tôi biết rõ thêm.
Lần đầu tiên đến sứ quán, tôi tiếp xúc với một số sĩ quan bộ binh, một người 32 tuổi tên là Moorefield. Anh ta đột nhập phòng làm việc của tôi vào tuần thứ hai tháng 7. Vừa cầm tay tôi, anh vừa kêu lên: “Này, mình được phân công làm việc gần ông Đại sứ, mình sẽ tìm hiểu xem ông ta thế nào. Người ta nói với mình rằng, cậu có nhiều thế lực ở đây, cậu là người mình cần làm quen”.
Tóc hung, đeo kính, cương nghị, Ken Moorefield không phải thuộc loại người gây được cảm tình ngay. Đồng nghiệp của anh ở bộ ngoại giao cho là anh hời hợt. Nhân viên sứ quán nghĩ rằng người ta sẽ cách chức anh. Nhưng Moorefield, người được Martin chọn giúp việc cai trị, quả quyết rằng nếu có người nào thay được cách xử sự của anh thì đó không phải là một con người giỏi giang như anh mà phải hơn nhiều. Tài hùng biện và sự vững vàng của anh rất phù hợp với cách làm việc của sứ quán dưới thời Martin.
Khác với nhiều nhân viên Martin đưa sang, Moorefield không lạ gì Việt Nam. Tốt nghiệp trường West Point, trong những năm 60, anh nổi tiếng khi làm cố vấn ở phía Nam vùng đồng bằng và bị thương nặng ngay năm anh được bổ nhiệm đến Sài Gòn lần đầu tiên. Chiến công rực rỡ của anh tạo điều kiện cho anh có thể được bổ sung vào tiểu đoàn danh dự của tổng thống ở Hoa Thịnh Đốn. Nhưng sự phát triển của phong trào hòa bình làm cho anh suy nghĩ. Càng ngày anh càng chứng kiến nhiều cuộc biểu tình của thanh niên trạc tuổi anh, họ đã phản đối và thoá mạ chính quyền mà anh đại diện. Cay đắng và chán nản, anh xin giải ngũ năm 1971 và sống một năm trời rỗi rãi để cuối cùng trở thành một người huấn luyện bơi lội ở một bể bơi gần đất. Ở đây, anh gặp một người trẻ tuổi tên là Martin và trở thành bạn thân của anh này. Đó không phải ai khác mà là con út trong ba con trai của người sau đó trở thành Đại sứ ở Sài Gòn.
Gia đình Martin đã chịu nhiều đau thương. Người con cả bị chết vì tai nạn xe hơi. Người con nuôi, Glen, là phi công lái máy bay lên thẳng trong chiến tranh, bị bắn rơi năm 1966. Có phải chỉ vì có kinh nghiệm về Việt Nam mà Moorefield dành được ngay cảm tình của ông đại sứ mới không? Chỉ biết rằng sau mấy lần gặp nhau, Martin đã bảo Moorefield đi Sài Gòn làm người cộng tác riêng của ông.
Khi chọn người cựu chiến binh trẻ tuổi này làm công việc ấy, Martin đã bỏ qua những luật lệ của tệ bàn giấy quan liêu. Chức vụ cộng tác viên riêng, nhất là ở một sứ quán quan trọng như sứ quán Sài Gòn, được coi là một chức vụ đặc biệt thường dành cho những cán bộ xuất sắc thuộc bộ ngoại giao. Moorefield không xuất sắc, không phải là viên chức ngoại giao. Có lẽ điều đó đã thuyết phục ông Martin, vì ông là người tự học, không thích kiểu cách làm việc của Bộ ngoại giao. Ông muốn có một người chiến đấu, có thể giúp ông làm mọi việc, chứ không phải một viên chức!
Chức vụ ấy rất hợp với Moorefield như người đấu quyền anh có thêm găng. Nhưng, trong 18 tháng sau đó, anh không trở thành người thân thiết của Martin như điều anh mong muốn, Martin vẫn là con người xa cách, không thể gần được. Ông không đánh giá Moorefield là một con người thông minh, và lẽ dĩ nhiên, là con người không thật trung thành. Tuy vậy, hai người vẫn trao đổi kinh nghiệm với nhau và qua đó, Moorefield thấy có phần nào cảm tình với thủ trưởng của mình. Ngày Martin đến Sài Gòn, Moorefield đã cầm tay ông Đại sứ giúp ông xuống thang máy bay. Ngày 30 tháng 4 năm 1975, Moorefield cũng ở bên cạnh ông đại sứ, giúp ông, lần này, lên máy bay lên thẳng, đưa ông đi vĩnh viễn khỏi Sài Gòn.
Bên ngoài, Graham Martin là một người tự mãn, tỏ ra không cần sự giúp đỡ của một ai. Con một vị mục sư, ông được nuôi dạy hết sức khắt khe theo phương pháp giáo dục của đạo tin lành miền Nam ở tỉnh nhỏ Mars Hill, vùng Carolinia Bắc. Ông nói theo kiểu các nhân vật của thánh kinh, như một tín đồ. Ông thường nhắc lại với bạn bè và đồng nghiệp rằng ông được như thế này là nhờ sự giáo dục nghiêm khắc của cha ông mà ông thừa hưởng. Ông giải thích trước một ủy ban của quốc hội: “Tôi tránh được phiền muộn là nhờ những điều khuyên dạy của cha tôi: tôi quá lười biếng để có thể nói dối được”. Ông cũng khẳng định rằng nếu anh nói thật, anh sẽ không bao giờ còn nhớ những điều anh nói.
Tốt nghiệp trường Wake Forest College năm 1932, anh thanh niên Martin, năm sau, làm phóng viên ở Hoa Thịnh Đốn cho một loạt tờ báo nhỏ ở miền Nam nước Mỹ. Sau này, ông nói: Tôi được coi là một phóng viên khá. Năm 1933, ông bỏ nghề làm báo và hợp tác với New Deal của Roosevelt. Ông được làm phó cho Averell Harriman, lúc bấy giờ là giám đốc cơ quan khôi phục lại đất nước. Người thanh niên vùng Carolinia phớt đời và chịu đựng, tranh thủ được nhiều cảm tình của thủ trưởng. Ông này đã giới thiệu anh với phần lớn giới thượng lưu ở Hoa Thịnh Đốn. Có dạo, anh là sĩ quan tình báo trong quân đội dự bị. Một sự bổ nhiệm đã quyết định hẳn tương lai của Martin. Sau này, ông kể lại: “Lúc bấy giờ, người ta giao cho tôi chịu trách nhiệm cả một vùng, buộc tôi phải làm việc. Tôi chịu trách nhiệm cả vùng Đông Nam Á. Khi chiến tranh nổ ra, sáng nào, tôi cũng phải báo cáo với bộ trưởng bộ ngoại giao Henry L. Stimson và đại tướng George Marshall diễn biến tình hình chiến sự ở Thái Bình Dương trong 24 giờ qua”. Những công việc ấy tạo cho Martin niềm say mê làm công việc thu lượm tin tức và “tình ưu ái” đối với châu Á. Ông cũng trở thành người thầy trong việc tóm tắt tin tức. Ông giải thích: “Tôi thuộc lòng những bản báo cáo nên nói rất tự nhiên”. Ông sử dụng nghệ thuật ấy một cách sung sướng trong suốt đời làm nghề ngoại giao của ông.
Sau chiến tranh, cả nước không còn quan tâm đến chủ nghĩa phát xít mà chú ý đến chủ nghĩa cộng sản quốc tế. Bạn của Martin ở Hoa Thịnh Đốn nhớ đến khă năng của ông, nhanh chóng đưa ông vào cuộc đấu tranh mới này. Được Harriman và nhiều người khác ủng hộ, năm 1947, ông còn làm việc ngay ở Bộ ngoại giao và được bổ nhiệm ngay làm cố vấn chính trị tại sứ quán Hoa Kỳ ở Paris. Ở đây, ông trở thành một chuyên gia về những trò ngoắt ngoéo nhưng quan liêu của Bộ.
Về sau, ông phải trả giá đắt về sự tiến nhanh của mình ở Bộ Ngoại giao. Mùa hè năm 1973, vừa mới đến Sài Gòn thì một nhà báo Mỹ đã tố cáo rất đúng rằng viên đại sứ mới chưa hề tốt nghiệp trường ngoại giao. Bài báo đó làm Martin tức giận. Và ông vội vàng cấm không cho thủ phạm là George Mc. Arthur, viết cho tờ Los Angeles Times, tiếp xúc chính thức với sứ quán. Đó là mối bất hoà đầu tiên giữa Martin với giới báo chí Mỹ ở Sài Gòn.
Trong tám năm làm việc ở Paris, Martin đã nâng cao năng lực làm viên chức, nhất là sự hiểu biết về “kẻ thù”. Từ năm 1947 đến năm 1956, thời kỳ chiến tranh thứ nhất ở Đông Dương, ông nghiên cứu thái độ của Bắc Việt Nam và đồng minh của họ, thái độ của những người cộng sản Pháp và Châu Âu. Dần dần, sự nguy hiểm của việc tuyên truyền của cộng sản ám ảnh ông và ông dành tất cả nghị lực của mình để chống lại nó.
Từ vị trí quan sát ở Paris, ông cũng thấy một mối nguy khác mà lúc bấy giờ ít người Mỹ thấy. Ông hiểu rằng chủ nghĩa thực dân cũ hay biến tướng của nó, đã chết ở Đông Dương, và nếu Hoa Kỳ có can thiệp trực tiếp vào để cứu nó, thì kết quả chỉ là thất bại thảm hại. Ông trình bày trước một ủy ban của quốc hội mấy năm sau: “Tôi đã theo dõi sự tiến triển của chiến tranh du kích của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ sai lầm nghiệm trọng nếu trước một làn sóng yêu nước sâu rộng, chúng ta cố khôi phục lại chế độ thuộc địa của Pháp, nhất là ở Viễn Đông. Tôi nghĩ rằng sẽ là một tội lỗi nếu chúng ta giúp đỡ người Pháp, và tôi đã nói rõ việc này”.
Martin trở lại Hoa Thịnh Đốn giữa những năm 50. Ông làm việc một năm ở trường không quân. “Ở đây, trong những buổi giảng dạy, tôi đã cố gắng làm cho mọi người chú ý đến cuộc chiến tranh Đông Dương, không một phút nghĩ rằng ít lâu sau, chúng ta sẽ phải can thiệp”. Sau đó, Martin còn nhận nhiều chức vụ khác, chủ yếu là làm cố vấn cho đoàn đại biểu Mỹ ở Liên hiệp quốc. Cuối cùng, năm 1963, ông được thăng hàm bộ trưởng và đổi đi làm đại sứ ở Thái Lan, một chức vụ quan trọng mà nhiều người mong muốn. Ở đây, ông nổi tiếng là người thương lượng giỏi của Bộ Ngoại giao. Ông cũng gặp nhiều may mắn. Một hôm, có một ứng cử viên tổng thống khốn khổ, tên là Richard Nixon không quên chuyện ấy; và khi trở thành tổng thống Hoa Kỳ, Nixon đã trọng thưởng Martin.
Chức vụ đại sứ ở Bangkok không chỉ là một chức vụ tốt lành, có lợi về chính trị. Trong bốn năm ở sứ quán, Martin đã phải đấu tranh với những nhà quân sự Mỹ muốn biến Thái Lan thành một Việt Nam nữa. Rút bài học của chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất, ông đã phản đối xu hướng này. Đến mức, ông phải trục xuất người tuỳ viên quân sự của ông là tướng William Stillwell, một con diều hâu. Ông lấy làm tự hào về việc này. Tự hào đến mức bực mình vì thất vọng không dược David Halberstam, mấy năm sau, nêu tên trong một tác phẩm đồ sộ là The Best and the Brightest (Những người ưu tú và xuất sắc nhất) nói về những nhà chiến lược Hoa Kỳ. Mùa hè năm 1974, trước một uỷ ban của quốc hội, ông than phiền: “Trong cuốn sách ấy, thậm chí tôi không được nhắc đến. Tôi biết khi người ta hỏi Halberstam vì sao lại quên tôi, tác giả đã trả lời rằng mục đích cuốn sách là chỉ rõ khi bộ máy quân sự đã lên đường thì không có người nào cản trở nó được. Nếu trong cuốn sách ấy, tác giả lại nói đến tôi, người đã đấu tranh có kết quả, làm cho người Mỹ không dính líu trực tiếp vào cuộc nổi loạn ở Thái Lan thì tác giả đã tự chống lại luận điểm của mình”
Mặc dù ông chống lại sự dính líu của Mỹ ở Thái Lan, Martin không thấy khó chịu khi phải ủng hộ sự can thiệp quá sâu của Mỹ ở Việt Nam. Năm 1974, ông trình bày trước quốc hội: “Khi tôi được bổ nhiệm sang Bangkok, tôi tưởng rằng, thỉnh thoảng người ta hỏi tôi, có nên để Việt Nam sụp đổ không. Vì tôi không đủ tầm cỡ để phân tích cho mình, tôi trả lời rằng để như thế không có lợi cho Hoa Kỳ. Tôi đã nghĩ và vẫn nghĩ thế: Nếu có thể tránh được và không phải trả giá đắt thì tốt. Chính sách tốt nhất là, nếu vì quyền lợi của chúng ta, chúng ta không muốn một hình thức xâm lược mới thì chỉ nên viện trợ quân sự, có thể có một số cán bộ khung, không nên đưa hẳn lực lượng của chúng ta vào”.
Martin góp phần vào cuộc đấu tranh chống cộng sản mới ra đời ở Đông Dương bằng cách thuyết phục người Thái Lan, giữa những năm 60, cho lực lượng Hoa Kỳ thuê những căn cứ không quân lớn nhất của họ để Mỹ ném bom những con đường tiếp tế của cộng sản ở Lào, Campuchia và Việt Nam. Mặc dù, công khai ông đã chối không có những hiệp định này, nhưng trên thực tế, phần lớn những phi vụ Mỹ đi ném bom ở đường mòn Hồ Chí Minh, miền Nam Lào đều xuất phát từ những căn cứ “mượn” của Thái Lan.
Glen, người con nuôi của Martin bị giết ở vùng Tây Nguyên, miền Nam Việt Nam khi ông làm việc ở Bangkok được ba năm. Từ đó, tính tình và ý kiến của viên đại sứ có vẻ thay đổi. Ông mất cả một ít khoan nhượng của mình đối với công việc bàn giấy quan liêu. Năm 1967, trong khi ông không ngừng cố gắng ngăn cản việc quân Mỹ vào Thái Lan, ông đã thổ lộ sự thiếu kiên nhẫn của mình với bộ trưởng ngoại giao. Trong một bức điện đặc biệt hỗn xược, ông yêu cầu Dean Rusk phải ủng hộ ông. Sau này Martin kể lại: “Tôi bị mất chức ở Bangkok vì có những ý kiến không đúng với phép tắc lễ nghi”.
Kỷ luật ấy, tuy nhiên, không kết thúc đời hoạt động của viên đại sứ cáu kỉnh. Một năm sau, người bạn thân của ông Richard Nixon, trúng cử vào Nhà Trắng, khôi phục địa vị cho ông và bổ ông đi làm đại sứ ở Rome, để đền đáp sự kính phục trước kia. Trong lịch sử của Bộ ngoại giao Hoa Kỳ, đây là một trong những vụ khôi phục địa vị chính trị nổi tiếng.
Trong ba năm ở Italia, Martin xử sự rõ ràng là một đại sứ của một nước lớn. Ông chọn những người giúp việc tận tuỵ và điều khiển sứ quán với một bàn tay thép. Ông không để có một trách cứ nào đối với bản thân cũng như đối với Bộ Ngoại giao. Cũng như ở Bangkok ông khám phá thấy chung quanh ông, có một kẻ thù. Lần này, không phải là quân đội Mỹ, mà là chi nhánh CIA ở Italia. Tự khẳng định rằng mình là một nhân viên tình báo còn giỏi hơn tất cả nhân viên tình báo của CIA gộp lại, Martin quyết định kiểm tra lấy và trực tiếp giữ bí mật những gì do Hoa Thịnh Đốn giao để điều khiển chính sách của Italia.
Trước khi hết nhiệm kỳ ở Rome, Martin đã đạt được thắng lợi chính trị vang dội. Trước cuộc bầu cử vào Thượng nghị viện nước này năm 1972, ông cung cấp cho đảng dân chủ thiên chúa giáo hàng nghìn đôla, nhờ đó đảng này đã chiếm ưu thế so với những người cộng sản. Một thắng lợi tạm thời, vì những người cộng sản tiếp tục dành được cử tri, nhưng thắng lợi trên tạo một giá trị tượng trưng cho Martin. Ông có thể rời Rome một cách hồ hởi. Ông đã đánh bại cuộc tiến công của cộng sản ở một trong những nước đồng minh rất gần gũi của Hoa Kỳ.
Martin định nghỉ hẳn sau khi ở Rome về. Ông đã mua một trang trại ở Toscane, như ông cho biết sau này với một vẻ hài hước nặng nề - định ở đó để viết một cuốn sách và ghép một cành ô liu với một cây đỗ tùng, nhờ đó có ngay một thứ rượu martini không cần pha. Nhưng đầu mùa Hè năm 1972, Kissinger đề nghị ông nhận một chức vụ mới, đặc biệt phức tạp mà một nhà ngoại giao kỳ cựu, William Sullivan, đáng lẽ thay Bunker ở Sài Gòn, đã từ chối. Martin có bằng lòng nhận thức vụ này không?
Martin kể lại: “Mặc dù tôi thích châu Á, và ở đấy tôi có nhiều bạn nhưng tôi đã mất tám tháng để suy nghĩ: “Không tôi không đi”. Tôi không hề tưởng đến những gì sẽ xảy ra. Nhưng khi những nhà chức trách cao cấp nhất của nước Mỹ nói rằng: “Tôi nghĩ ở Bộ ngoại giao, người ta nhận những chức vụ khó cũng như những chức vụ dễ. Anh sẽ phải trả lời: Thưa vâng, đó là việc chúng tôi thường làm. Rồi anh sẽ tìm cách giải thích cho vợ anh biết việc anh đi Sài Gòn chứ không phải về trang trại ở Toscane”. Martin cuối cùng đã trả lời Kissinger rằng ông ta bằng lòng nhận thức trong một năm, chứ không hơn.
Bà Dorothy Martin đã chống lại quyết định ấy cho đến phút cuối cùng. Bà ta đã mất một đứa con ở Việt Nam và có một ác cảm tự nhiên đối với nước này. Bà hiểu rằng chồng bà sẽ chẳng lợi lộc gì, khi nhận chức ở đấy vì ông ta phải bảo vệ một chính sách mà hầu hết người Mỹ đã phản đối.
Lần đầu tiên lúc tôi gặp Graham Martin, ông đang cúi xuống một cái bàn rộng, dài trong phòng nhận tin của tuỳ viên quân sự ở căn cứ không quân Tân Sơn Nhất. Mặc một bộ quần áo kẻ sọc, lưng gù, tóc xám, mặt nhăn nheo và cắt góc giống một bức tượng bằng gỗ, nói không ngoa, ông tựa như hình ảnh viên đại sứ của Hollywood. Ông nói về sự cam kết, sự cần thiết phải làm việc, với những từ nghe vui tai sau sáu tháng ngừng bắn mà chưa có kết quả gì mới. Tôi chú ý đến cái nhìn của ông, xám xịt và lạnh lùng như đá. Đối với những người có đầu óc tưởng tượng nhất trong chúng tôi, ông ta giống một con rắn sẵn sàng mổ.
Lúc nào không ra mắt, không đứng làm đại diện thì Martin là một con người bình thản, khiêm tốn, gần như thẹn thò. Ông ta có dáng đi và tư cách của người miền Nam (nước Mỹ) hồi nữa, rất quyến rũ đối với phụ nữ. Tướng John Murray, tuỳ viên quân sự, một hôm nói rằng: “Thật là một con người làm mê hoặc lòng người. Vợ tôi cho rằng không có một người nào khác đáng mê bằng ông ta”.
Nhưng cái bề ngoài ấy giấu kín ý chí thép của một con người không có gì làm cho xúc động. Những nhân viên đã làm việc lâu với ông vẫn nhớ, với lòng cảm phục, cái ngày khủng khiếp mà ông ta biết tin người con là Glen bị chết. Hai ông bà đang chuẩn bị đến dự một cuộc tiếp kiến của vua Thái Lan. Những báo cáo đầu tiên thu nhỏ vấn đề: “Vâng, Glen bị thương, nhưng không nặng lắm”. Đến khi biết rõ sự thật, ông chịu đựng, không nói một lời nào với vợ. Ông đưa vợ đến dự cuộc tiếp kiến và xử sự đúng, với sự thận trọng và là cách mà người ta chờ đợi ở một viên đại sứ Hoa Kỳ.
Về hình thức, Martin có vóc người mảnh và cao. Ông ta còn chịu hậu quả của một tai nạn xe hơi, chỉ hơi quay đầu được từ trái sang phải. Bệnh tật ấy hạn chế hoạt động của ông ở Việt Nam. Ông không thể đi thăm nội địa nước này để tự mình tìm hiểu tình hình. Thực tế, chỉ có một lần, ông ra khỏi Sài Gòn.
Mặc dù ở ẩn dật, Martin không chịu ngồi rỗi. Hút thuốc nặng, mất ngủ liên miên, ông làm việc dẻo dai, cho tới khuya, ở phòng riêng trong sứ quán, đọc những bản báo cáo tin tức và tình báo.
Một chị thư ký bực mình về cách làm việc đơn độc ấy. Một hôm, nửa đùa nửa thật, chị ta so sánh ông với đức chúa trời: “Tôi biết có ông ấy đấy nhưng tôi chẳng trông thấy ông ấy!” Câu nói đùa ấy, cũng như nhiều câu khác, không đúng đối với Martin. Ông ta độc lập và có uy quyền, nhưng đối với các nhân viên phục vụ, còn dễ gần hơn nhiều so với Bunker và những vị đại sứ trước.
Thỉnh thoảng ông ta cũng nghỉ ngơi, đi xem chiếu phim. Buổi tối, sau bữa ăn, ông đến phòng khách, những người lính gác chiếu cho ông xem những phim ảnh Mỹ mới nhất mà sứ quán Sài Gòn nhận được trước tiên. Tôi còn nhớ được xem phim cùng ông vào một buổi tối năm thứ hai ông ở Việt Nam. Lúc ấy ông đang phải chống chọi với quốc hội và báo chí. Chúng tôi xem phim Những ngày cuối cùng của Hitler và thấy cảnh đứng túc trực bên linh cữu của tên trùm quốc xã trong căn hầm ở Berlin. Sau cuốn phim thứ nhất, khi đèn bật sáng, Martin đã nhìn tôi thở dài: “Anh biết đấy, tôi bắt đầu hiểu cái đồ chó chết ấy phải bối rối thế nào”. Ông rời ghế đi lên phòng làm việc nghiên cứu những hồ sơ tình báo.
Còn như nhân cách của Martin, nó giống như một cái kính trăm màu hiện ra một lúc, không một màu nào phản ảnh đúng. Một hôm, ông nói trước một ủy ban của quốc hội rằng nghệ thuật đạo diễn là một phần của vốn kiến thức ngoại giao. Trong trường hợp đó, ông thực chất là nhà ngoại giao, người diễn viên xuất sắc có thể đóng vai bất cứ người nào trong chúng tôi. Nhưng nghệ thuật ấy đã làm ông phải trả giá đắt vì ở ông, không có gì hoàn toàn thật, hoặc hoàn toàn giả. Với thời gian, ông trở thành bất lực để phân biệt giữa việc đạo diễn và sự thật. Ông tưởng rằng có thể bóp méo sự thật theo quan điểm của mình. Ông đã thất bại trên cả hai mặt.
Một đồng nghiệp nói: “Lúc đầu, ông giống một nhân vật lãng mạn đi chinh phục. Nếu anh có một chút lãng mạn, anh rất có khả năng làm như ông ta”. Nhiều người khác đánh giá thấp hơn tính thay đổi của ông. Một người cộng tác với ông nói: “Ông ta có đủ mọi thói xấu đã làm hại những vị đại sứ ở Việt Nam”. Một người khác nói: “Ông bẩm sinh là một người hay lật đổ. Nói chung, hay đánh lừa, hay làm việc bí mật. Định trị anh, ông ta tìm nhược điểm của anh như một con cá mập tìm mồi. Thí dụ lúc ông tức giận, tiếng nói của ông trở nên thì thầm khó nghe. Mục đích của ông làm cho anh phải thật chú ý. Một bận, giám đốc CIA ở Rome đã phải đeo máy nghe. Cử chỉ đó buộc Martin phải nói to. Đối với những sĩ quan quân đội Mỹ ở Sài Gòn, thoạt tiên, Martin hình như hợp với họ. Một người ở Lầu Năm Góc nói: “Sau B.52, ông là nhân vật ưu tú” một người khác khẳng định: Ông là một người Mỹ siêu ái quốc, bất chấp người Việt Nam. Chỉ có Hoa Kỳ là đáng kể. Và nếu ông có thể hành động theo ý mình, mà có một con rắn ngửng đầu lên với những dòng chú thích: “Đừng dẫm lên tôi”.
Tướng Murray, đã từng phục vụ cả ông Bunker lẫn ông Whitehouse, cho rằng không một ai trong hai ông này có thể bén gót chân ông Martin: đó là một con ác điểu!
Một hôm, tướng Murray nói với tôi: “Khi Martin đến Sài Gòn, ông ta không hề hỏi tôi về tình hình tài chính hay tình hình ăn, ở, tinh thần quân đội hay cái gì đó thuộc loại này. Cái ông muốn biết là chúng ta có sắp ném bom những căn cứ cộng sản ở dọc biên giới Campuchia không?”. Tướng Murray giải thích rằng máy bay B.52 không được ném bom ở đấy vì có nhiều dân thường. Tướng Murray và tướng John Vogt chỉ huy không quân, đều nhắc cho ông đại sứ mới biết rằng Lầu Năm Góc vẫn chưa bỏ lệnh ấy. Nhưng Martin trả lời: “Tôi sẽ xin phép cho các anh ném bom”. Tướng Murray nói rõ hơn: Vogt nhìn tôi, tôi nhìn Vogt. Hai chúng tôi đều nghĩ rằng gã này là một đồ tồi! Nhưng, anh biết không, Martin đã xin được phép ném bom 30 ngày trước khi có lệnh thôi bắn phá Campuchia.
Nhưng khi chúng tôi cho máy bay đến các mục tiêu, đôi khi chúng tôi cũng bảo phi công chừa ra một số khu vực. Thí dụ, tôi còn nhớ một cái làng nhỏ có xưởng vũ khí. Martin hỏi tôi sao không ném bom xuống đấy, tôi trả lời: “Ở đấy có nhiều dân lành. Chúng tôi tập trung ném bom xuống mục tiêu quân sự”. Martin trả lời tôi: Anh nói với Vogt rằng tôi không cần biết ở đó có dân thường hay không. Tôi nói lại với Vogt, Vogt bảo tôi: có lẽ nó bất chấp tất cả!
Theo một ý nghĩa khác, Martin đúng là Nhà Trắng của Nixon được kéo dài thêm. Cũng như tổng thống, ông ta là một người cực kỳ chống cộng, có một niềm tin gần như của tín đồ tôn giáo. Một anh bạn nói: “ông ta coi cộng sản là người xấu xa nhất. Việt Nam là một chiến trường tâm lý”.
Tuy nhiên, quan điểm của Martin không phải chỉ do thành kiến mà có. Cũng như Kissinger, ông nhìn cuộc chiến tranh Việt Nam trong tình hình chung của thế giới, tách riêng ra, nó là một nhân tố quan trọng của sự cân bằng trên trái đất, và nhất là, là một yếu tố quan trọng của nền an ninh Hoa Kỳ. Martin giải thích trước nhiều ủy ban của quốc hội: “Tôi kiên quyết khẳng định rằng chúng ta phải chấm dứt mau chóng sự cam kết của Mỹ ở Việt Nam. Nhưng cách làm của chúng ta vô cùng quan trọng. Tôi nghĩ rằng mục đích của chúng ta phải là rút ra, và để lại một Nam Việt Nam mạnh về kinh tế, đủ sức tự vệ về quân sự có quyền tự do để lựa chọn chính phủ và những người thủ lĩnh của mình, đủ khả năng đi đến một sự dàn xếp với kẻ thù ở miền Bắc. Tôi nghĩ rằng nếu chúng ta hoàn thành tốt việc này thì sẽ gây ảnh hưởng lớn về hình ảnh nước Mỹ, về ý chí của Hoa Kỳ và về lời bảo đảm của Hoa Thịnh Đốn với Bắc Kinh”.
Martin không những kính phục nhà ngoại giao Kissinger mà còn coi trọng cả bản thân Kissinger nữa. Ít nhất là cho đến khi Việt Nam sụp đổ. Một hôm, ông ta kể một chuyện chứng tỏ sự thân thiện mà ông tưởng có giữa hai người. Kissinger và ông ta cùng ở trong phòng rửa mặt dành cho quan chức cao cấp trên tầng thượng Bộ Ngoại giao. Martin nói nhỏ qua vai Kissinger: ông là một thần kỳ. Kissinger trả lời ngay: ông Graham ạ, ông cũng là một thần kỳ theo kiểu cách của ông.
Theo một trong những người cộng sản gần gũi với Kissinger thì Martin chỉ là một dụng cụ có ích cho bộ trưởng ngoại giao, “một con rệp” dùng để làm những việc bẩn thỉu, một ống thu lôi để hứng lấy những lời công kích đáng lẽ là chĩa vào Kissinger và Nhà Trắng. Mặt khác, chính sách của Kissinger đòi hỏi những sở trường mà viên đại sứ phải có. Nói cho đúng, đó không phải là một chính sách, theo ý nghĩa thật sự của từ này, mà chỉ là bề ngoài của chính sách. Hoa Kỳ phải quì gối mà bỏ Việt Nam nhưng phải làm sao gây được ấn tượng là Hoa Kỳ đàng hoàng rút khỏi nơi đây. Muốn thế, phải có một thầy phù thuỷ và có nghệ thuật đạo diễn, Martin là bậc thầy trong vấn đề này. Hơn thế, một trong những mục tiêu của Kissinger là đảm bảo sự vững chắc cho Thiệu đồng thời vẫn làm cho hắn phụ thuộc vào Mỹ, do đó, Kissinger càng cần có, ở Sài Gòn, một con người hiểu biết và đủ sức mạnh để điều khiển người Nam Việt Nam. Martin đã từng chứng tỏ có những khả năng ấy.
Lập tức, Martin hoạt động theo hướng của Kissinger. Ông ta dùng mánh khoé mua chuộc, đánh lừa làm cho quốc hội ủng hộ Thiệu, khôi phục sự tín nhiệm của người Mỹ đối với Thiệu. Ông tiến công ngay những người thuộc phe đối lập có lợi cho tuyên truyền của Hà Nội vì ông cho đấy là trở ngại duy nhất cho những mục tiêu của ông. Những người này đã làm suy yếu ý chí của người Pháp trong cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất. Martin nghĩ rằng họ đang làm như thế đối với những người Mỹ còn lại. Báo động với Quốc hội và dư luận người Mỹ, tiếp tay bộ máy tuyên truyền của Hà Nội. Theo Martin, sự nguy biến không chỉ do việc tuyên truyền của Hà Nội mà còn do một âm mưu lật đổ thật sự của một hệ thống những người thuộc phái tả và có cảm tình trên khắp thế giới đang giúp Hà Nội vì những nguyên nhân riêng. Một hôm, Martin tuyên bố với một nhóm người Mỹ mới đến: Tôi đã theo dõi những sự kiện xảy ra ở Đông Dương một phần tư thế kỷ nay, chưa bao giờ tôi hoảng về hiệu quả, sức mạnh và sự hoàn bị về kỹ thuật của bộ máy tuyên truyền của Hà Nội. Thật có một không hai trong lịch sử.
“Martin khẳng định rằng những nhóm hoà bình khác nhau ở Hoa Kỳ phục vụ trực tiếp cho việc lật đổ lớn ấy. Người ta giục ông chứng minh mối quan hệ trực tiếp giữa những nhóm hòa bình với những tổ chức cộng sản ở nước ngoài. Ở Sài Gòn, CIA phí công vô ích tìm chứng cớ trong hồ sơ không có gì cả. Nhưng Martin vẫn giữ nguyên ý kiến của mình và cam đoan rằng có một mối quan hệ tư tưởng giữa những người hoà bình và những người cộng sản, họ đều có ý muốn chung là đánh đổ chế độ Sài Gòn.
Ông kết tội cả giới báo chí Mỹ đã tham gia tích cực vào âm mưu ấy. Mấy tuần sau khi Sài Gòn thất thủ, ông viết trên tờ báo Time rằng những đồng nghiệp cũ của ông, những người viết báo, phải chịu trách nhiệm một phần về những sự chia rẽ ở Hoa Kỳ đã làm cho nước này co mình lại trong mấy năm qua.
Vụ đổ vỡ Watergate làm cho ông càng củng cố thêm ý kiến là giới báo chí vừa độc ác, vừa có nhiều ảnh hưởng. Đối với những đồng nghiệp ở bộ ngoại giao, ông cho rằng họ chỉ là những người nhút nhát đáng xấu hổ. Trước khi đi Sài Gòn, Martin còn nhận định là không có một ai ở Hoa Thịnh Đốn biết giữ bí mật. Do đó, vừa đến sứ quán, ông ta đã ra lệnh hạn chế việc phổ biến tin bí mật có thể làm bại “khách hàng mới” của ông. Mọi tin tức về người Nam Việt Nam phạm sai lầm đều được xếp ngay vào hồ sơ tối mật để hạn chế việc gửi sang Hoa Thịnh Đốn. Đôi khi, ông chỉ nói là cấm phổ biến, rất đơn giản. Ông cũng đòi những bản báo cáo của sứ quán phải rõ ràng, ngắn gọn, để sau này dễ loại bỏ những phần không có lợi. Thí dụ muốn thành lập một hồ sơ về một nhân vật Nam Việt Nam tham nhũng, phải có nguồn tin thật chính xác. Nhân vật càng ở cấp cao, nguồn tin càng phải thật chính xác. Do đó, Hoa Thịnh Đốn ít khi biết được những việc lạm dụng của giới lân cận Thiệu.
Martin cũng cố ngăn ngừa việc làm cố chấp của các nhân viên trước đây đã từng làm hại đến sự nghiệp của Hoa Kỳ.
Trong một bức điện, ông nói rõ rằng: yêu cầu mỗi người trong sứ quán và những bạn đồng nghiệp ở Hoa Thịnh Đốn, không nên quá để tâm vào những nhận xét về tư cách các nhà chính trị Nam Việt Nam. Theo ông, phải chấp nhận cái xã hội này với mọi thói xấu của nó. Ít lâu sau, trong một thông báo gửi Hoa Thịnh Đốn, ông đã viết nhẹ đi rất nhiều về những tội lỗi của giới cầm quyền và chỉ huy quân đội Nam Việt Nam. Ông viết: mức độ tham nhũng phổ biến ở Nam Việt Nam cũng gần giống như mức độ tham nhũng ở bang Massachusetts và thành phố Boston trong những thập kỷ đầu thế kỷ này. Chúng tôi đã đối phó, nhưng không thể chấm dứt sớm được.
Sự lạc quan của Martin, quan điểm riêng của ông trở thành quan điểm nổi bật của sứ quán. Đại sứ biết Việt Nam rất ít. Một mình làm việc trong phòng, ông dành hàng giờ để nghiên cứu những tập hồ sơ rồi rút ra kết luận của mình. Trừ tổng thống Thiệu, ông gặp một vài lần vào cuối tháng, còn ông ít đến thăm những người Nam Việt Nam. Một người bạn ông nói: Graham có vẻ coi những người Nam Việt Nam như những con tốt trên bàn cờ.
Một hôm, ông nói với tôi: “Tôi là một người theo Jefferson. Chúng ta phải đối xử với người Việt Nam như Jefferson đã dạy chúng ta cách đối xử với đồng bào. Xen vào công việc của họ càng ít càng tốt”. Nhưng sau khi Sài Gòn thất thủ, ông đã thổ lộ với một đồng nghiệp ở bộ ngoại giao: Chưa bao giờ ông tin người Nam Việt Nam cả, làm như họ thua trận là họ đã phản lại ông.
Martin triệt để lợi dụng sự tín nhiệm của tổng thống Nixon để tỏ rõ quyền lực. Ông từ chối chưa đi Sài Gòn vội chừng nào mà Nhà Trắng chưa dành cho một máy bay riêng. Trong những buổi họp hoặc thảo luận với nhân viên, ông không ngừng nhắc lại rằng cấp trên duy nhất của ông là Kissinger. Do đó, khi đón tiếp vị bộ trưởng ngoại giao, ông ta để ông này ngồi bên trái mình.
Việc bất chấp phép tắc lễ nghi đã nhanh chóng gây nên nhiều cuộc xung đột với giới ngoại giao và quân sự. Trước và khi đến Sài Gòn, ông đã bất hoà với đô đốc Noel Gayler, tổng chỉ huy hạm đội Thái Bình Dương. Ông cho rằng lão già ở biển này chưa thật kính trọng ông.
Tướng Murray cũng có vấn đề phép tắc lễ nghi với Martin. Mỗi tháng một lần, tướng Murray tổ chức một buổi họp ngắn với các quan chức cao cấp của sứ quán và một buổi họp với nhân viên CIA. Murray nói lại với tôi: “Martin chỉ đến dự phiên họp đầu tiên, sau đó không đến nữa. Một người cộng tác với tôi cho biết lý do là vì trong khi tôi làm chủ toạ buổi họp, tôi lại mời Martin ngồi bên phải tôi. Tôi phải nói với Francis: “Trời ơi, lần sau tôi sẽ mời ông ta ngồi lên ngai vàng”. Nhưng Martin không đến dự nữa!
Martin chú trọng đến phép tắc lễ nghi chủ yếu vì chiến thuật. Ông ta đang có một đồng minh lúc nào cũng lo lắng và cần được sức mạnh và uy tín của Hoa Kỳ che chở. Vì viện trợ tài chính và quân sự ngày càng giảm nhiều, nên Martin muốn tỏ rõ sự ủng hộ của nước mình, không có cách nào khác là nêu bật oai quyền riêng.
Bản thân sứ quán cũng cần có một thủ tướng vững vàng và không khoan nhượng. Khi Martin đến, vẫn còn 9.000 viên chức Mỹ ở Việt Nam. Làm thế nào để điều khiển một khối nhân viên đông và hỗn tạp như vậy, nếu không phải là ý chí và uy tín!
Trong tất cả các bộ phận của sứ quán, bộ phận khó điều khiển nhất là Phái bộ quân sự (Lầu Năm Góc phương Đông trước kia), với 400 nhân viên quân sự, 50 cựu sĩ quan quân đội Hoa Kỳ và 2500 viên chức dân sự Mỹ làm hợp đồng. Mùa Hè 1973, Nhà Trắng định giảm số nhân viên ở đây xuống mức thấp nhất. Nhưng mặc dù có ngừng bắn, Martin đã phản đối lịch liệt ý kiến này. Ông cho rằng văn phòng của tuỳ viên quân sự rất cần cho sự sống còn của chế độ Sài Gòn và cơ quan thông tin của nó sẽ bổ sung và đối chiếu với cơ quan tình báo của CIA. Ông cũng cho rằng phái bộ quân sự rất cần đối với ông để kiểm tra người Nam Việt Nam. Tuy chắc chắn là sẽ điều khiển được Thiệu và bộ sậu của hắn, nhưng ông vẫn cho rằng nhà binh thường kính trọng nhà lính nên ông đề nghị với tướng Murry và bộ tham mưu của tướng này nắm chặt giới quân sự Nam Việt Nam.
Dưới sự chỉ đạo của Martin, phái bộ quân sự giữ nguyên sức nặng của nó, ít nhất là trong 18 tháng đầu sau khi ngừng bắn. Đại sứ cũng nghĩ đến quyền lợi bản thân và quyền lợi của bọn tay chân người Nam Việt Nam. Nhưng việc đó chỉ đem lại hậu quả tai hại. Do sự phụ thuộc quá nhiều của sĩ quan bộ chỉ huy tối cao Nam Việt Nam vào các cơ quan của tướng Murray nên quân đội Nam Việt Nam không thể có một sáng kiến nào, ngay dù chỉ là một sự cảnh giác đơn giản. Trong những tuần đầu ở Việt Nam, Martin dành nhiều thì giờ tìm hiểu Murray. Những khó khăn ông gặp phải ở Thái Lan với tướng Stillwell làm ông nghi ngờ các tướng lĩnh.
Về mặt nghiệp vụ, Murray có vẻ là người tinh thông. Anh ta có vóc nhỏ bé, khô khan nhưng ham làm việc như viên đại sứ. Trong nhiệm kỳ trước ở Việt Nam, Murray đã chứng tỏ là người có tài. Một hạ cấp của ông cho ông là người sử dụng giỏi vũ khí nặng, chuyên gia về nghệ thuật cung cấp, trong một thời gian kỷ lục, có thể tiếp tế đủ vũ khí đạn dược của Mỹ vốn đã thiếu, cho một đơn vị Nam Việt Nam cũng thiếu. Đó là đặc tính cần thiết, đối với đại sứ, vì sự sống còn của chế độ Sài gòn tuỳ thuộc vào làn sóng tiếp viện không ngừng từ Hoa Kỳ sang.
Nhưng do tình hình nên tướng Murray chưa phải là người lý tưởng của đại sứ. Một cộng tác viên của đại sứ nhận định: tướng Murray không phải là một con người kiên trì. Chịu lắng nghe người khác, tinh thông nghiệp vụ, uyên bác, bậc thầy trong nghệ thuật trình bày có hình ảnh nhưng thiếu kiên trì. Do đó, Martin không tin ông ta lắm nhưng đã làm ngơ trước khuyết điểm đó để sử dụng mặt ưu điểm vào một công việc đang cần. Để cho tuỳ viên quân sự khỏi quên rằng chính Martin mới là thủ trưởng nên đại sứ đã dùng mọi mánh khoé ông ta sàng lọc được ở Bangkok. Sau khi đến Sài Gòn ít lâu, ông cử một trong những cộng tác viên trung thành đến làm việc ở Bộ tổng tham mưu tại Tân Sơn Nhất để theo dõi tướng Murray. Sau này, Murray nói: “Martin cho rằng tôi viết nhiều báo cáo mà không cho ông biết. Martin luôn luôn làm cho người này chống lại người kia, để không một ai có thể có đủ uy quyền về một vấn đề nào. Ông ta chỉ nói chuyện riêng với tôi, không có vấn đề gì khác. Không khi nào tôi biết được chuyện gì đã xảy ra ở sứ quán trừ việc tôi báo cáo với Martin và điều ông ta nói với tôi”.
Giữa cơ quan của Murray và cơ quan của CIA, hai tổ chức trụ cột của sứ quán, Martin mau chóng phân công rõ ràng để cơ quan này không dẫm chân lên cơ quan kia.
Để kiểm tra Murray tốt hơn, đại sứ tuyển nhiều người trung thành ngay trong giới thân cận viên tướng này. Một trong những người ấy là viên sĩ quan tình báo đại tá Bill Legro, sau trở thành người chỉ huy mọi hoạt động của cơ quan. Từ bộ binh đến, đã chiến đấu ở Việt Nam. Legro là một người bình tĩnh, kín đáo. Trước hết đó là một người lính tốt, tôn trọng kỷ luật, thi hành kỷ cương chu đáo. Dần dần, Martin dành được lòng tin của Legro và sử dụng anh ta để gây ảnh hưởng, điều khiển cả Phái bộ quân sự.
Chỉ huy tình báo Legro cũng là người lý tưởng để chống lại CIA. Khi quan điểm của CIA khác xa quan điểm của đại sứ, bao giờ Legro cũng theo ngay quan điểm của đại sứ và gửi báo cáo về Hoa Thịnh Đốn theo tinh thần ấy. Nhận định tình hình của Legro cũng giống như nhận định của đại sứ. Là cựu chiến binh, Legro biết rõ khả năng của người Bắc Việt Nam. Do đó, anh ta có xu hướng công nhận và còn đánh giá cao sức mạnh của họ. Những điều phân tích của anh đã ủng hộ mạnh mẽ những đơn vị xin viện trợ quân sự bổ sung của Martin trình lên Quốc hội. Mấy tuần sau khi Martin đến Sài Gòn, Legro đã dự đoán cuộc tiến công ồ ạt của quân đội Bắc Việt Nam trong những tháng sắp tới. Việc đó làm cho Martin hết sức vui lòng.
Ngoài những điều phân tích của Legro, Martin còn đòi Phái bộ quân sự phải có một màng lưới tình báo dân sự ở khắp trong nước để cung cấp tin tức về quân đội Nam Việt Nam. Màng lưới này do đại tá Al Weidhas chỉ huy, chỉ được Lầu Năm góc ủng hộ và phần lớn dẫm chân lên công việc của CIA. Đó đúng là mục đích của Martin. Nhiệm vụ của Weidhas cũng như của Legro là làm trái với giám đốc CIA.
Martin đào tạo nhân viên dân sự, nhằm những mục đích tương tự như đào tạo nhân viên ở Phái bộ quân sự. Ông ta không muốn chung quanh mình có người có thể nói trái ý ông hoặc cản trở ông. Những người dưới quyền phải là Martin con, phải là những tuỳ viên hay cố vấn.
George Jacobson, 62 tuổi, một người còn lại của êkíp Bunker, đã phục vụ ông hết sức trung thành. Là quan chức đã làm việc dưới bốn thời đại sứ khác nhau ở Việt Nam, “Jake” là máy nhớ của sứ quán. Trong 15 năm trước ở Sài gòn, ông đã góp công sức vào việc thực hiện chương trình bình định. Ông quen biết hầu hết người Việt Nam quan trọng trong chính phủ.
Martin cử ông ta làm người giúp việc, hoạt động thực tế. Với một êkíp nhỏ, ông chịu trách nhiệm về những nhà canh nông ở rải rác khắp nước này. Không phải là một chức vụ quan trọng vì ông cùng chịu trách nhiệm với 4 lãnh sự quán ở ngoài Sài Gòn - nhưng ông đã tỏ ra rất có ích cho đại sứ. Bao giờ ông cũng theo lệnh của Martin, bao giờ cũng cúi đầu trước ý kiến của Martin.
Trong nhiều buổi họp các nhân viên hoặc nghe báo cáo, tôi quan sát Jacobson: Ông ngồi yên lặng, lắng nghe không chút phản ứng, đại sứ nói một cách ngây thơ về nền an ninh đã được khôi phục ở đồng bằng. Chuyên gia về bình định, Jacobson biết rõ tình hình ấy. Nhưng sau này, ông phải trả giá đắt vì tiếp tục làm việc dưới quyền Martin.
Một nhân viên kỳ cựu ở Việt Nam, Josiah Bennett cũng được Martin che chở. Đó là một người mảnh như sợi chỉ, đã tỏ ra dũng cảm trong cuộc tiến công năm 1968 của cộng sản, hồi anh ta làm cố vấn ở tỉnh. Một số người biết anh cho rằng đại sứ không thích anh lắm, nhưng họ quên rằng Martin rất chú trọng đến quyền lợi riêng. Khi những người cộng sản chiếm được Trung Quốc cuối những năm 40, Bennett là một viên chức trẻ của bộ ngoại giao ở Trùng Khánh. Hoàn cảnh đó tạo cho anh trở thành một người chống cộng kịch liệt. Không những Martin đánh giá cao thái độ ấy mà còn định khai thác tối đa khă năng của Bennett. Ông ta cho anh làm cố vấn chính trị, tức là người thứ ba trong bộ tham mưu của ông và ông uỷ quyền cho anh duyệt lại nội dung và hình thức những báo cáo của sứ quán. Trong 18 tháng tiếp theo, Bennett làm tròn nhiệm vụ đúng như yêu cầu của Martin. Anh dành phần lớn thì giờ để sắp xếp lại những bản báo cáo về tội ác, đưa cho Martin gửi cho một số đại biểu quốc hội và cất giữ ở bộ ngoại giao, nơi ra chỉ thị cho chính phủ Nam Việt Nam. Anh cũng hiểu nhanh ý định của đại sứ. Đầu năm 1974, một viên chức ngoại giao trẻ định xin phép gửi về một bản báo cáo tố cáo tệ tham nhũng trong chính phủ Thiệu, Bennett phản đối vì, như anh viết trong lời giải thích: “Tôi không biết Hoa Thịnh Đốn sẽ làm gì với tài liệu ấy nhưng nó có thể rơi vào tay nhà báo Jack Anderson, ông này có thể cho đăng ngay không cần biết hậu quả”.
Cơ quan khó điều khiển nhất sứ quán chắc chắn là cơ quan chịu trách nhiệm về báo chí, “hắc thủ” của Martin. Sở thông tin Hoa Kỳ (USIS) đã cử nhân viên của mình sang Sài Gòn. Thủ trưởng cơ quan này là Alan Carter, không phải là người của Martin và hơn thế, không đồng ý với nhận định xấu xa về giới báo chí của đại sứ.
Vui vẻ, không nói nửa miệng, khác với Martin, Carter tán thành việc tiếp xúc thật thà và trực tiếp với các báo và phản đối việc coi báo chí là kẻ thù. Nhanh chóng anh bị bỏ rơi, không được dự các buổi họp nội bộ do đại sứ chủ toạ, không được xem các điện gửi đến. Còn đại sứ thì ra lệnh tất cả các câu hỏi của giới báo chí, đều phải đưa cho John Hogan, một nhân viên kỳ cựu dưới thời đại sứ Bunker. Hogan được giữ lại làm việc vì đã tâng bốc những ý kiến của Martin. Chính Hogan - nghề chính là viết những bài hát - được giao nhiệm vụ thảo những bài đả kích cay độc của đại sứ chống giới báo chí.
Trong tất cả các nhân viên ở sứ quán, người nguy hiểm nhất đối với Martin là Tom Polgar, thủ trưởng của tôi. Ông có những nguồn tin độc lập và điều khiển một cơ quan mạnh và tự trị, không có gì để phải sợ bản thân đại sứ. Ông cho rằng chi nhánh CIA đã cung cấp những tin tức rất có lợi cho Martin và chính Martin nợ Polgar chứ không phải ngược lại.
Tuy vậy, trong các nhân viên cao cấp ở sứ quán, chính Polgar lại là người tỏ ra kính trọng và phục Martin nhất. Ông có những lập luận như đại sứ, cũng chống cộng và ham thích việc nghiên cứu, phân tích tin tức. Mặc dù hai người có nhiều điểm không giống nhau và có khi chống đối nhau nhưng cuối cùng, hai người trở thành hai con ngựa của một cỗ xe, rất hợp nhau.
Nhận xét đầu tiên của tôi đối với Polgar vẫn còn in trong trí nhớ: Về hình thức, ông không phải là người có thể làm lu mờ tiếng tăm của đại sứ: bé, lùn, có dáng đi của một người bán thịt với những cánh tay lực lưỡng, ông giống như một đứa bé lớn quá khổ chứ không phải là “người giúp việc riêng cho đại sứ” như chức vụ của ông. (Tôi đã viết như thế trong cuốn sổ tay sau khi tôi gặp ông). Mặt tròn, xoa kem, mũi dày, đeo kính gọng to, vuông, tóc thưa dựng đứng trên vành tai như những cái gai. Khi vào phòng làm việc của ông, cái đầu tiên phải chú ý là cái bàn bằng gỗ sến rất rộng kê ở đầu gian, giống như một con rùa đang mơ màng.
Ở phòng này có đủ đồ đạc dành cho các vị thủ tướng, một ghế xô pha, mấy ghế tựa kê rải rác. Trên tường, có một bức tranh đáng chú ý. Đó là bức phác họa một Việt cộng đâm ngọn giáo vào vòi một con voi trong khi đó một Việt cộng khác đang giơ cao một cái búa lớn định đập nát đầu con thú. Dưới bức tranh, có chú thích: “Cuộc tiến công cuối cùng của Việt cộng: pháo binh nặng”. Một tượng trưng về sự châm biếm của Polgar.
Nhân vật kỳ cựu này không bao giờ tiếp cộng tác viên của mình ở ngoài cửa phòng làm việc. Người ta nói với tôi, thỉnh thoảng, có một người quan trọng đến thăm, ông lẳng lặng đi vào phòng, giơ tay ra, không nói một lời. Đối với chúng tôi, cuộc đón tiếp được qui định như một cuộc vũ ba lê và làm cho chúng tôi phải hiểu thứ bậc trên dưới. Thoạt tiên, vào phòng đợi, chờ mỏi mắt. Ở đây, có hai thứ ký luôn luôn chế nhạo sự sốt ruột của chúng tôi. Sau đó mới được vào gặp thủ trưởng. Nhưng phải đứng khúm núm, cách xa bàn giấy, giống như còn rùa. Lão ta đang chúi đầu vào nghiên cứu một hồ sơ cực kỳ mỏng. Lão ngẩng mặt lên, nhìn anh bằng một con mắt ngờ vực. Lưng ghế tựa bao phủ lên vai tròn của lão như những cánh chim bằng da. Sau một lúc chờ đợi mới - buổi tiếp nào cũng diễn ra như thế - lão thở một cái, lấy tay xoa mũi rồi lên giọng: “Ông muốn gì?” Những tiếng ấy được nói với giọng người Trung Âu (bắt chước đúng giọng nói của Kissinger) nhằm vào anh như một lời trách móc. Anh cố giải thích. Lão cắt lời anh: “Ồ, phải, tôi biết rồi, ồ, phải, tôi có nhớ”. Rồi lại ngừng. Mắt nhìn đăm đăm vào tập hồ sơ, lại thở, lại xoa mũi. Sau cùng lão đứng dậy. Mắt nhìn vào tập giấy cầm trong tay, lão đến chiếc ghế dài. Ngồi chắc chắn đâu đấy rồi lão mới ra hiệu cho anh ngồi xuống một ghế tựa thẳng đứng. Cuộc nói chuyện bắt đầu.
Tom Polgar sinh ở Hunggari, trong những năm 20, gốc nông dân. Như nhiều người đồng hương của lão, lão thích ruộng đất. Nhưng vì là người Do Thái và nói giọng lơ lớ nên khi thấy bóng nước Đức của Hitler bắt đầu toả sang phía Đông, lão quyết định xây dựng tương lai ở nơi khác. Đầu những năm 30, trốn sang phương Tây và đi Mỹ. Trong những chuyến đi này, lão bập bẹ học nhiều thứ tiếng nhưng không thành thạo một thứ tiếng nào và không giấu được giọng Hunggari. Nhưng trong chiến tranh thế giới thứ hai, quân đội Mỹ tuyển tình báo viên, đã đồng ý chấp nhận Polgar vì nói được nhiều thứ tiếng. Nhập ngũ rồi, lão được đổi đến cơ quan tình báo Office of Strategic Service, được đào tạo để trở thành một nhân viên phản gián, được thả dù xuống sau hàng ngũ quân Đức, trong túi chỉ có một tấm thẻ đảng viên Đảng Nadi để tự vệ.
Sau chiến tranh, nhờ trẻ và hăng, Polgar leo rất nhanh trên bậc thang cấp bậc của cục tình báo Trung ương Mỹ CIA lúc ấy đang phát triển. Nhờ biết nhiều thứ tiếng, rất nhanh, lão được bổ nhiệm làm người phó chính cho tướng Lucian Truscett, một vị anh hùng của chiến tranh thế giới lần thứ hai, trong những năm đầu của thập kỷ 50, trở thành giám đốc CIA ở Cộng hòa Liên bang Đức. Đây là một chi nhánh rất quan trọng, có tới 1600 nhân viên. Làm việc với Truscett, Polgar trổ hết tài năng tổ chức ra và nhờ đó, đã thành đạt một cách vẻ vang. Sau nhiệm kỳ ở Cộng hoà Liên bang Đức, lão nhận nhiều chức vụ khác, ở đâu cũng được cấp trên chú ý. Cuối những năm 60, Polgar được làm giám đốc CIA ở Achentina. Ở đây lão gặp một bước ngoặt tàn nhẫn và không ngờ. Một bọn người Mỹ ăn cướp máy bay, hạ cánh xuống sân bay Buenos Aires để lấy dầu. Người ta đề nghị Polgar thuyết phục chúng thả những con tin. Polgar kể lại với tôi việc ấy như sau: “Rất đơn giản. Những kẻ cướp máy bay bắt đầu nóng nực vì ở trong ấy không có máy điều hòa không khí. Tôi cho đem côca côla đến, trong đó tôi đã bỏ thuốc mê. Chúng uống xong, nằm lăn ra, thế là tôi lên máy bay, tước hết súng”. Trước nhiều bạn đồng nghiệp và thủ trưởng, Polgar được coi là một anh hùng. Ít lâu sau, người ta cử lão đến một trong những nơi quan trọng và khó khăn nhất của CIA, đó là làm trùm CIA ở Sài Gòn. Trước đó, lão chưa hề bước chân đến châu Á.
Do giọng nói và nguồn gốc nên Polgar lúc nào cũng cảm thấy xa lạ đối với các nhân viên CIA và lúc nào cũng phải tỏ ra hiểu biết nhiều về kiến thức cũng như trên thực tế. Theo lão, nhân cách của Kissinger đứng về một mặt nào đó, cũng quan trọng như chính sách của ông vì giọng nói và nguồn gốc của Kissinger cung cấp cho Polgar đủ chứng cớ để tỏ rõ rằng người nước ngoài có thể thành đạt giới thượng lưu của nền ngoại giao Hoa Kỳ.
Polgar lúc nào cũng giữ gìn, cố gắng tránh xa những người khác, có lẽ vẫn mặc cảm mình là người nước ngoài. Nhưng lại thoải mái với các đồng nghiệp dưới quyền vì họ không thể làm hại được lão. Còn ngoài ra, ít gần ai.
Do những đặc điểm riêng ấy, Polgar giao thiệp dễ dãi với những người Việt Nam. Trong xã hội Sài Gòn, những vị tướng và chính trị gia giữ chức vụ nổi tiếng chỉ có khoảng độ 12,13 người. Polgar lấy làm thú vị đến chơi với họ. Có lẽ với giới này, lão được nể nang hơn là với những người Mỹ. Người Việt Nam cũng lấy làm hãnh diện được Polgar đến thăm. Nhưng có phải vì thế mà quyền lợi của Hoa Kỳ được bảo vệ tốt hơn không? Đó là một vấn đề khác. Đến thăm những người có thế lực ở Sài Gòn, không hiểu Polgar có phần nào giảm mất đầu óc nhận xét không, hay lại tin những điều họ nói, ngay cả khi Polgar biết rằng họ chỉ nói vì lợi ích của họ mà thôi? Những bản báo cáo của Polgar gửi cho Hoa Thịnh Đốn về những nhân vật này, chưa bao giờ đúng tới mức như lão tưởng.
Cách đối xử của Polgar, cũng như tính châm biếm của lão đều nặng nề như nguồn gốc của lão. Có lần lão bỏ một buổi biểu diễn hài hước rẻ tiền; nếu có người dám phê bình và tỏ ra nghi ngờ ý kiến của lão thẳng tay bác bỏ. Polgar thường bảo chúng tôi, khi nói về những đại biểu tự do trong quốc hội “Không bao giờ nên đấu với những con lợn. Chúng thấy thích thú trong cuộc đấu ấy nhưng còn các anh thì chả làm bẩn mình”.
Nếu có thể tin được một trong những người cộng tác lâu với Polgar thì theo anh ta, Martin và Polgar bí mật ghét nhau cũng vì những nguyên nhân nói trên. Polgar là một người Hunggari di cư, về mặt xã hội, lẽ đương nhiên là ghét cái mà Martin đại diện. Còn Martin luôn luôn tỏ ra là con người quí tộc miền Nam nước Mỹ, có vẻ khinh bỉ Polgar về nguồn gốc và tham vọng của lão. Martin một hôm nói với tôi: “Sai lầm lớn nhất của Polgar là sự kiêu căng quá đáng của anh ta”. Không còn nghi ngờ gì Polgar cũng có một nhận xét như thế đối với Martin.
Tuy vậy, Polgar cũng phục Martin về nhiều tài năng của ông này - nhất là về nghệ thuật viết và nói văn hoa. Polgar vốn thường dùng lời nói như một vũ khí, một cái mộc, đã khen ngợi đại sứ là người khéo chơi chữ hơn ai hết.
Trong những buổi họp vào chiều thứ năm, Polgar thường thích thú đọc to những bức điện của đại sứ. Đọc xong những câu lão cho là hay nhất, lão bình luận: “Con người này là một khẩu súng! Một khẩu súng!”
Polgar làm việc đúng như điều người ta dạy lão. Được đào tạo làm phản gián cho nên lão quan niệm hoạt động chính trị nghĩa là sử dụng tin tức và con người. Việc đó lão làm rất thoải mái, tự nhiên. Nhưng cũng như nhiều tay tình báo chuyên nghiệp khác, lão có vẻ quá thuộc những bài học. Tài năng trở thành bản năng và do những nhân viên của Martin thúc đẩy nên lão đã sử dụng tài năng của mình đối với bất kể mục tiêu nào, dù đó là Hoa Thịnh Đốn, Hà Nội hay Sài Gòn.
Mấy tháng trước khi Sài Gòn thất thủ, trong khi sứ quán cố gắng xin quốc hội chuẩn y một viện trợ bổ sung, một trong những cộng tác viên của Polgar gửi cho lão một thư, trong đó anh ta phàn nàn về giọng văn ngày càng gay gắt của những bản báo cáo của CIA trái với ý định tốt của chúng tôi là cung cấp cho Martin tài liệu tuyên truyền mà đại sứ cần dùng để gây ảnh hưởng trong cuộc bỏ phiếu của quốc hội. Polgar thảo một thư trả lời tỏ rõ quan điểm của lão về trách nhiệm: “Tôi đã biết lời phê phán của ông và muốn nói rõ thêm để tránh mọi sự hiểu lầm có thể xảy ra đối với tôi là giám đốc chi nhánh. Tôi chỉ huy một trong những cơ quan của toà đại sứ Mỹ ở Sài Gòn. Đại sứ là người đứng đầu phái bộ và theo ý kiến của tổng thống Kennedy và những tổng thống khác nối tiếp sau, đại sứ phải chịu trách nhiệm về mọi hoạt động của Mỹ ở nước này. Nếu đại sứ, dù là ông Martin hay là ông khác, bảo tôi cung cấp cái gì, tôi cố gắng thoả mãn ông với điều kiện là cái đó không có gì là không hợp pháp và không ảnh hưởng đến trách nhiệm của tôi”.
Theo Polgar, không một ai trong chúng ta được vượt quá mức mà chính sách, sự liêm khiết, sự biết điều và phần nào sự khôn ngoan đòi hỏi. Về phần tôi, tôi không tán thành ý kiến giấu giếm sự thật viện cớ rằng sự thật có thể bác bỏ một số nhận xét của chúng ta. Sự thật đôi lúc có thể gây ra tranh cãi không thể buộc chúng ta không cung cấp nó.
Nhận xét ngắn này tóm tắt tất cả triết lý về nghề nghiệp của Polgar và nhiều quan chức cao cấp của CIA. Không phải đơn thuần là một người thu lượm tin mà là người tìm cách thuyết phục và hành động, cố gắng gây ảnh hưởng đối với những người có quyền quyết định, dù họ là những uỷ viên Bộ chính trị của Hà Nội hay là những người to tiếng nhất trong quốc hội ở Hoa Thịnh Đốn. Đó là kết quả lôgic kinh nghiệm của Polgar về những cuộc chiến tranh dù lạnh hay không, trong ba thập kỷ qua, đồng thời đó cũng là một triết lý được Martin tán thành hoàn toàn.
Quá khứ và nguồn gốc của Polgar cũng giữ một vị trí trong tác phong làm việc của lão ở Việt Nam. Mặc dù chống cộng kịch liệt, lão cũng nhớ đến Tổ quốc quê hương. Lúc phái đoàn Hunggari trong đoàn quốc tế kiểm soát quân sự đến Sài Gòn, Polgar chú ý ngay đến phái đoàn này như nghe tiếng gọi của dòng máu.
Mới đầu, người ta ra lệnh ngay cho lão tiếp xúc với những người Hunggari. Theo một qui tắc ngoại giao, tổng thống Thiệu chưa bao giờ công nhận đại sứ Hunggari trong Đoàn đại biểu quốc tế. Martin cũng từ chối không cộng tác với phái đoàn, mà để cho Polgar tiếp xúc, làm việc.
Người Hunggari có vẻ mừng. Họ biết rõ Polgar là giám đốc chi nhánh CIA và họ quyết định khai thác triệt để mối liên hệ đặc biệt ấy, kể cả những tin tức của Mỹ. Một năm sau ngày ngừng bắn, họ cử sang Sài Gòn nhiều cán bộ đặc biệt dưới quyền điều khiển của Anton Tolgyes. Bề ngoài lấy danh nghĩa là cố vấn chính trị của phái đoàn, thực tế, Tolgyes, 52 tuổi, là sĩ quan tình báo xuất sắc. Là người Do Thái Hunggari, ông gia nhập Đảng Cộng sản. Ở Sài gòn, ông có nhiệm vụ chính là tranh thủ được trùm CIA.
Theo một nhận định phổ biến trong những cơ quan tình báo, những người Đông Âu di cư thường là những người nhớ quê hương nhiều nhất, đặc biệt hay xúc động trước những lời kêu gọi của tổ tiên. Tolgyes biết rõ điều đó và ông đã lôi kéo Polgar. Thỉnh thoảng ông mời Polgar đi chơi, đi uống, trao đổi kỷ niệm về nước Hunggari thời xưa. Nhờ đó, dần dần, ông khám phá được nhược điểm của Polgari đằng sau tấm áo cứng rắn: đó là tính kiêu căng mà ông có thể khai thác triệt để một cách bền bỉ và khéo léo làm cho Polgar tin rằng lão và Kissinger, nhờ quan điểm và quyền lợi giống nhau, có thể giải quyết được vấn đề Việt Nam không vui này!
Ở bộ tổng tham mưu CIA, những chuyên gia về vấn đề Liên Xô rất cảnh giác đối với Tolgyes, đã báo cho Polgar biết phải cẩn thận. Nhưng hình như Polgar đã quên mất cả ý nghĩa của việc dè chừng, hoặc là lão không tin rằng một người Hunggari lại định lừa lão. Hay là Polgar tưởng mình cao tay hơn, có thể đánh thắng Tolgyes trong trò chơi của ông. Dù sao, tháng này qua tháng khác, quan hệ gữa Polgar và những người Hunggari ngày càng chặt chẽ. Một mối tình hữu nghị đã ngăn cản Polgar dự đoán những sự kiện sẽ xảy ra.
Những cuộc giao thiệp giữa tôi với Polgar cũng xoay quanh vấn đề cá tính và nguồn gốc lão ta. Đúng hay sai, lão đều cho rằng tôi cũng có khả năng sử dụng lời nói như đại sứ. Có thể lão coi tôi là một cái đệm trong quan hệ giữa lão với Martin. Dù sao, tôi cũng là người miền Nam nước Mỹ quê ở Carolina Bắc, như đại sứ, cùng nói một giọng giống nhau. Tôi còn là bạn thân với con gái của Martin và có một kiểu cơ hội chủ nghĩa như ông. Một hôm Janet Martin thổ lộ rằng tôi làm cho cô ta nhớ đến bố, tôi cho lời tâm sự ấy là một lời khen cực kỳ.
Cương vị của tôi đối với Polgar được qui định đầu tháng 8/1973. Ted Shackley, trùm chi nhánh CIA Sài Gòn trước Polgar, nay trở thành thủ trưởng của Polgar vì được bổ nhiệm làm giám đốc ở Viễn Đông. Ông đến kiểm tra Sài Gòn. Từ lâu, Shackley được coi là người vừa đáng sợ, vừa đáng yêu vì ông có xu hướng viết rất cẩn thận, đúng như một máy tính và cách lập luận của ông làm cho người ta tưởng ông sâu sắc. Thực tế ông không được như vậy. Tôi đã làm việc dưới quyền ông trong nhiệm kỳ trước đó ở Sài Gòn, tôi biết rõ ý thích của ông. Do đó, khi người ta bảo tôi báo cáo với ông thì tôi bắt chước ông, dùng nhiều sơ đồ, đường cong và những câu văn hay điểm thêm những thống kê. Polgar xúc động đến mức quyết định dùng tôi ngay và phân công tôi chịu trách nhiệm về việc tổng hợp tin.
Trong 18 tháng sau khi ngừng bắn, chính tôi đã viết tất cả những bản báo cáo công tác của Polgar (hai bản ông ta viết lấy đều bị bộ tổng tham mưu CIA vứt bỏ) và hầu hết những bản thông báo riêng của ông gửi Hoa Thịnh Đốn. Người ta cũng giao cho tôi chịu trách nhiệm về một trong những hoạt động tình báo khó khăn của CIA ở Bắc Việt Nam. Và tôi có toàn quyền hỏi cung tù binh, những kẻ đào ngũ, những nhân viên tình báo để góp phần vào việc tìm hiểu thấu đáo hơn ý đồ của miềm Bắc Việt Nam. Tôi là người phát ngôn, cái bóng và cái chắn gió cho Polgar, là một trong ba, bốn cộng tác viên mà Polgar có quan hệ mật thiết nhất. Một số bạn đồng nghiệp tưởng tôi trở thành con nuôi của ông ta.
Ê kíp nhỏ những người phân tích tin, trong đó có tôi dần dần thay đổi và công việc của tôi cũng khác đi, có tầm quan trọng hơn. Một số bạn đồng nghiệp năng suất kém được trả về Hoa Kỳ và Polgar bắt đầu lựa chọn, tuyển những người thay, theo đúng sự đòi hỏi của nghề nghiệp. Người được bổ nhiệm đầu tiên là bà Pat Johnson, một phụ nữ tóc hung, vợ một quan chức cao cấp trong chi nhánh. Không phải là người biết phân tích, cũng không phải là chuyên gia về Việt Nam. Pat có một nghề chuyên môn làm cho Polgar phải chú trọng. Là nhân viên CIA 20 năm nay, bà ta biết mọi cái về công tác phản gián. Đối với Polgar, đó là một mưu sĩ.
Thoạt tiên, Pat và tôi không hiểu nhau. Theo tôi, bà ta quá bảo thủ. Còn bà, xoi mói công việc của tôi hơi nhiều. Tuy vậy, bà có một đức tính giúp ích rất nhiều cho cả hai chúng tôi: lòng chính trực không lay chuyển. Những lời trách mắng, phê phán của bà làm tôi luôn luôn nhớ đâu là sự thật và tính ngay thẳng, trong khi đó, càng ngày, tôi càng bị thu hút vào luồng gió cuốn của đại sứ Martin.
SỐNG NHỜ VIỆN TRỢ
Lúc quốc hội Mỹ bỏ phiếu đình chỉ ném bom Campuchia, giữa mùa Hè 1973, thì Thiệu không hiểu nổi cái gì đã và sẽ xảy ra.
Mấy ngày sau phi vụ B.52 cuối cùng, một vị khách đến an ủi Thiệu, đó là Sir Robert Thompson, một chuyên gia kỳ cựu chống cách mạng của nước Anh, được nhà Trắng cử đến Sài Gòn. Không úp mở, ông khẳng định với Thiệu rằng Nixon sẽ tìm cách thay đổi quyết định của quốc hội về việc đình chỉ ném bom.
Tin tưởng, một lần nữa, Thiệu quyết định, tỏ rõ cho người Mỹ biết ông là người xứng đáng được Hoa Kỳ hậu thuẫn. Mùa Hè sắp hết. Thiệu cho mở nhiều cuộc hành quân rộng rãi để đuổi những đơn vị Bắc Việt Nam ra khỏi căn cứ của họ ở vùng đồng bằng và dọc biên giới Campuchia, phía Bắc Sài Gòn. Nhưng mục đích chính của những cuộc hành quân ấy là xoá bỏ những mối nghi ngờ mà người Mỹ có thể có đối với khả năng của ông ta.
Trước sự lấn chiếm vùng giải phóng một cách trái phép của quân đội Sài gòn, vi phạm những qui định của hiệp định Paris về Việt Nam, Hà Nội quyết định mở những cuộc tiến công một cách khôn khéo. Trong mấy tháng sau, quân Bắc Việt Nam không đánh quân Nam Việt Nam mà nhằm tiến vào những vùng yếu nhất, có nhiều quyền lợi tài chính. Đánh chớp nhoáng, đánh chiến thuật để làm yếu nền kinh tế và gây hoang mang trong những người định bỏ vốn ra kinh doanh. Ngày 6 tháng 11, sau quyết định trên ít lâu, khoảng một sư đoàn quân đội Bắc Việt Nam mở cuộc hành quân chiến thuật đầu tiên, tiêu diệt ba vị trí tiền tiêu ở phía Tây Bắc Sài Gòn. Nixon có cho máy bay B.52 ném bom không? Lệnh cấm ném bom có được duy trì không? 24 giờ sau ai cũng biết.
Có sự trùng hợp là lúc ấy quốc hội Mỹ đang tranh luận gay gắt về việc hạn chế quyền của tổng thống sử dụng lực lượng quân sự. Ngày 7 tháng 11, hạ nghị viện cũng như thượng nghị viện đều bác bỏ phủ quyết của tổng thống và thông qua luật đặc biệt nói rõ những hạn chế. Luật về quyền trong thời chiến nói rõ rằng không được quốc hội chuẩn y thì tổng thống không được cho lực lượng Hoa Kỳ tham chiến quá 60 ngày. Người Bắc Việt Nam biết rất rõ quyết định này và chính sách bất lực của Nixon.
Trong khi đó, các cơ quan tình báo Mỹ theo dõi chặt chẽ những người chịu trách nhiệm chính trị của Hà Nội. Trong một hay hai tuần sau khi họ mở cuộc tiến công chiến thuật, chúng tôi nhận được hàng lô báo cáo của nhân viên. Những người này đều nói rằng quân đội Bắc Việt Nam ở miền Nam không thể nhận được đủ vũ khí đạn dược trong sáu tháng tới để có thể mở một cuộc tổng tiến công trên khắp cả nước.
Tuy chỉ là thắng lợi vừa phải, nhưng cuộc tiến công chiến thuật đã nhằm đúng gót chân Achille của Sài Gòn, đó là nền kinh tế. Trong những tháng sau ngừng bắn, trên thị trường Việt Nam, giá cả tăng 65% số người thất nghiệp tăng lên vùn vụt sau khi người lính Mỹ cuối cùng ra đi. Viện trợ kinh tế của Hoa Thịnh Đốn giảm nhiều do lạm dụng trên thế giới. Điều bi đát sắp tới nữa là do chiến tranh ở Trung Đông, do cấm vận dầu lửa nên giá vàng đen của các nước Arập tăng gấp bốn lần. Điều làm phức tạp thêm vấn đề là viện trợ quân sự của Mỹ cho Sài Gòn giảm đi. Cuối tháng 12, tướng Murray, tuỳ viên quân sự ở Sài Gòn, được Lầu Năm Góc báo là quốc hội đã hạ số tiền viện trợ mới đây cho chính phủ Sài Gòn xuống còn khoảng một tỷ đôla, nghĩa là ít hơn nhiều so với số tiền xin.
Thất vọng, Murray đề nghị Martin cho phép báo cho người Nam Việt Nam biết việc giảm bớt viện trợ để cho họ tiết kiệm hơn, Martin phản đối. Ông sợ rằng lời thú nhận ấy sẽ làm nản lòng Thiệu và các tướng lĩnh của hắn và giảm sút quyền lực chính trị của ông đối với bọn họ.
Trong khi Sài Gòn ngày càng lún sâu vào cuộc khủng hoảng tài chính thì Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao lại lo những vấn đề rất chung. Tháng 9, giữa làn sóng ngầm Watergate, Kissinger thắng William Rogers và làm bộ trưởng ngoại giao. Tháng sau, chiến tranh ở Trung Đông tái diễn, Kissinger bận túi bụi trong một cuộc khủng hoảng lớn. Mặc dù ông làm cho hai bên đi đến chỗ ngừng bắn nhưng còn phải dàn xếp, mở những cuộc thương lượng tiếp theo để tránh một cuộc cấm vận dầu lửa Arập. Trong hoàn cảnh ấy, vấn đề Việt Nam có vẻ chỉ là một cốc bia nhạt.
Nhưng về phía mình, Graham Martin không để yên. Ông liên tiếp gọi dây nói cho Hoa Thịnh Đốn. Ông kêu cứu, đòi phải giải quyết cuộc khủng hoảng tài chính ở Sài Gòn. Đặc biệt, ông nêu ý kiến Hoa Kỳ nhờ nước Pháp giúp đỡ, có thể đi đến ngừng bắn ở Campuchia bằng cách khôi phục lại cựu hoàng đế Norodom Sihanouk đang tỵ nạn ở Bắc Kinh. Martin hy vọng rằng khi Sihanouk lên cầm quyền thì Trung Quốc sẽ bắt buộc phải giúp đỡ Campuchia, nhờ đó, ngân sách Mỹ dành cho nước này sẽ được chuyển sang Nam Việt Nam.
Kissinger không đồng ý. Ông ta ghét Sihanouk, sợ rằng nếu giảm viện trợ cho người cai trị Campuchia lúc này là Lon Nol thì sẽ bị thế giới hiểu lầm đó là một dấu hiệu yếu đuối của Mỹ.
Martin đề nghị mở những cuộc thương lượng mới với Bắc Việt Nam để chấm dứt những cuộc đụng độ ngay trong việc ngừng bắn, Kissinger tán thành ý kiến đơn giản này. Ngày 20 tháng 12, ông bay đi Paris, có Martin đi theo để mở những cuộc đàm phán bí mật với đối thủ cũ, ông Lê Đức Thọ. Kissinger bỏ ra hai ngày để trình bày với ông Lê Đức Thọ rằng tình hình hiện nay đang bế tắc, hai bên phải tìm một thoả hiệp thì có lợi hơn, không những phải định rõ những vùng do mỗi bên kiểm soát ở miền Nam, mà còn phải thành lập uỷ ban bầu cử ba bên như hiệp định Paris qui định.
Ông Lê Đức Thọ lắng nghe, nhưng từ chối không cam kết điều gì vì việc đó vượt quyền ông.
Sự vững vàng của ông Lê Đức Thọ không làm nguội lạnh sự phấn khởi của Martin. Đại sứ cho rằng một hiệp định kiểu như thế rất cần thiết để cứu vãn sự sống còn của chế độ Sài Gòn đã bị Mỹ giảm viện trợ. Do đó, trong những tuần và tháng sau đó, ông cố thuyết phục Nam Việt Nam nhượng bộ trên cơ sở những đề nghị của Kissinger với Bộ Chính trị Hà Nội. Đồng thời, được Nhà Trắng cho phép và nhờ những người Ba Lan làm trung gian, ông nói với người Bắc Việt Nam nghiên cứu lại những đề nghị trên. Ông cũng đến thăm đều đặn các phái đoàn Ba Lan và Hunggari trong Ủy ban quốc tế, hy vọng họ sẽ ủng hộ những dự kiến của ông. Do mối quan hệ hữu nghị giữa Polgar và người Hunggari, nên Polgar được giao nhiệm vụ trao công hàm của đại sứ: Tình hình ở miền Nam Việt Nam vẫn đứng tại chỗ, giải pháp duy nhất tốt là cộng sản ngừng gây sức ép.
Suốt mùa Đông, Martin cũng nói về việc uy hiếp quân sự để dành cảm tình của quốc hội. Luôn luôn, ông nhắc nhở Hoa Thịnh Đốn rằng Hà Nội có ý định xâm chiếm. Ông khuyến khích Murray và Polgar nhận mạnh những điều kể trên trong báo cáo của họ, việc này không dễ, vì những tin tức gần nhất cho biết rất rõ là chiến dịch những trận đánh chiến thuật chỉ có tính chất hạn chế. Những con diều hâu ở bộ phận tình báo phái bộ quân sự bỏ qua tin tức này và viết theo điều mong mỏi của Martin. Mới đầu, Polgar có vẻ cũng định làm như thế. Nhưng sau đó, theo những lời khuyên trong những cuộc gặp mặt với Ủy ban quốc tế kiểm soát, Polgar đã thôi. Ủy ban đã gây cho Polgar niềm tin rằng không có một cuộc tiến công lớn nào trong năm 1974. Những bản báo cáo của CIA đều được thảo ra theo tinh thần đó.
Nhưng những nhận định như vậy của CIA trái với mục tiêu của Martin. Để ngăn ngừa Polgar và chúng tôi có quan hệ với giới báo chí Mỹ, ông quyết định chỉ để người con đỡ đầu của ông là Al Francis, làm người phát ngôn duy nhất với các nhà báo. Francis làm việc này có hiệu quả Anh đã làm cho nhiều nhà báo tin rằng quân đội Bắc Việt Nam sớm muộn sẽ mở một cuộc tiến công lớn. Al Francis cũng tìm cách bịt hết tin về sự ôn hòa của những người cộng sản, hay sự hiếu chiến của quân đội Nam Việt Nam, không cho lọt ra ngoài.
Mặc dù vậy, những sự thật khác với “sự thật” của đại sứ thỉnh thoảng vẫn được đăng trên báo chí Mỹ. Đầu tháng giêng, có một loạt bài lấy nguồn tin không phải của sứ quán, phản đối những nhận định của Martin về nền an ninh và nhu cầu vũ khí của quân đội Nam Việt Nam. Martin ra lệnh mở ngay cuộc điều tra để tìm thủ phạm. Đại tá Al Weidhas, một sĩ quan tình báo của Murray được giao làm nhiệm vụ này.
Là người nhận định phân tích chiến lược chủ yếu ở chi nhánh Sài Gòn, tôi là một mục tiêu lý tưởng của Weidhas và ê kíp của anh ta. Nhưng, thật là mỉa mai, nhờ giới báo chí tôi mới biết việc này. Trong một cuộc điều tra Weidhas gọi George Mc. Arthur, phóng viên báo Los Angeles Times đến và hỏi ngay có phải tôi đã đưa ra ngoài nguồn tin mới ấy không. Mc. Arthur trả lời không phải. Đúng như vậy. Rồi anh gọi dây nói đến văn phòng đại sứ, phản đối. Bạn tôi là Ken Moorefield, người giúp việc Martin, nghe dây nói và báo ngay cho tôi biết, không nói gì với ai. Khi biết Moorefield làm việc này, Martin tức giận đến điên người. Ít lâu sau, ông cử Moorefield làm một công việc mới và từ đó anh này không còn được Martin tin cẩn nữa.
Cuối cùng, sau những ngày dò la khắp nơi, Weidhas đã tìm ra thủ phạm, đó là Dick Peters, một cộng tác viên gần gũi của Martin, được đại sứ rất tin cậy. Peters có thói xấu là nói quá nhiều khi đánh golf với Mc Arthur. Weidhas cho một nhân viên đem theo một máy thu thanh cực mạnh theo dõi Peters. tất cả lời nói của Peters đều được thu lại, kể cả những lời nói đùa, nói tục, chuyển về cho Martin. Mấy tuần sau, Peters phải đổi đi lãnh sự quán Biên Hòa, xa những nơi ra quyết định.
Không những ngăn ngừa không cho tin tức lộ khỏi nguồn Martin còn trách cứ giới báo chí nữa. Đầu tháng 2, báo New York Times đăng một bài lên án Hoa Kỳ vi phạm tinh thần hiệp định, vì đã viện trợ kỹ thuật quá nhiều cho Sài Gòn, Martin gửi điện về Hoa Thịnh Đốn vu cáo nhà báo viết bài ấy là người phát ngôn của Hà Nội. Trước đó, ông đã cấm sứ quán tiếp xúc với các báo Times và Washington Post.
Martin còn gây sự với nhiều nghị sĩ quốc hội có thế lực. Một trong những vị đó là thượng nghị sĩ Edward Kennedy, người công khai phản đối việc viện trợ bổ sung cho Sài Gòn. Tháng 2, lúc Kennedy chất vấn bộ ngoại giao rằng tăng thêm viện trợ có nghĩa là có sự cam kết mới với Thiệu phải không, thì Martin nói với các đồng nghiệp ở Hoa Thịnh Đốn: sẽ là điên rồ mới trả lời đúng và hợp lý cho viên thượng nghị sĩ ấy.
Cuộc va chạm đáng nhớ nhất giữa đại sứ với phe đối lập không phải là với một nghị sĩ, một nhà báo mà với một linh mục, cha William Webber ở nhà dòng thần học New York. Ông đến Sài Gòn hồi tháng 2, với một nhóm người, phần lớn là chống Thiệu. Webber tránh không đến sứ quán trong một tuần rưỡi ở Sài Gòn. Nhưng trước khi về nước, ông đến nói chuyện với Martin. Trong cuộc thảo luận mà Martin cho thu thanh, đại sứ đề nghị Webber tiếp xúc với những bạn ông ở phía cộng sản và can thiệp để chấm dứt đổ máu. Đại sứ cho Webber biết số dây nói của Đoàn đại biểu Chính phủ Cách mạng lâm thời trong Ủy ban kiểm soát quân sự ở Tân Sơn Nhất. Webber vốn đã không tin Martin, lại thấy đại sứ có thể nghĩ rằng ông có một ảnh hưởng nào đối với những người cộng sản nên ông cho đó là một sự láo xược và từ chối không gọi dây nói. Hôm sau, ông giải thích với đại sứ: số dây nói ấy không đúng.
Mấy tuần sau, khoảng một trăm trẻ con bị giết chết trong một trận máy bay Mỹ ném bom xuống một tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long. Martin gửi cho Webber, lúc bấy giờ đã về Mỹ, những bức ảnh chụp một số em cụt chân, cụt tay kèm theo một thư viết: “Không ai có thể nói chắc rằng nếu ông can thiệp thì những trẻ em này sẽ được cứu sống. Nhưng ông sẽ phải sống quãng đời còn lại với sự hối hận ám ảnh. Những trẻ em này, đáng lẽ còn sống, không bị cụt chân, cụt tay nếu ông không quyết định là không gọi dây nói!”
Đầu tháng 2, tướng Murray đã hiểu rằng những trò bi kịch ấy không có giá trị làm thay đổi ý kiến của quốc hội. Mặc dù có sự phản đối của đại sứ, ông quyết định báo gấp cho người Nam Việt Nam biết cần phải thắt lưng lại.
Các tướng lĩnh Sài Gòn biết rõ rằng nhu cầu của họ về dụng cụ chiến tranh chưa cấp bách như Murray tưởng. Nhưng đáng lẽ nói thật hay đẩy lùi tham nhũng đang hoành hành, gậm dần dự trữ, họ quyết định nghe theo lời tướng Murray và ra lệnh cho bộ binh thực hiện trước.
Trong những tháng sau, họ ra lệnh càng phải hạn chế hơn việc sử dụng súng ống, đạn dược. Những quyết định ấy làm tê liệt gần như toàn quân đội. Cả bốn quân khu đều hạn chế như nhau, không còn kể đến sự khác nhau và không còn kể đến tầm quan trọng của những cuộc đụng độ đang xảy ra. Những cuộc ném bom và bắn phá tiêu hao phải chọn những mục tiêu cụ thể rõ ràng. Gần một phần năm lực lượng không quân Nam Việt Nam phải nằm gí ở dưới đất.
Trong khí đó, Thiệu thấy rõ Martin ngày càng có xu hướng thương lượng nên quyết định lúc này cần củng cố địa vị chính trị của mình. Giữa tháng 2, ngay lúc phải thực hiện việc hạn chế súng ống, đạn dược, lương thực, Thiệu ra lệnh cho bộ chỉ huy tối cao của ông ta mở một cuộc hành quân mới, tốn kém để giành lại đất và mở rộng thêm quyền hành của chính phủ ở phía Nam miền Nam.
Mấy tuần sau, Thiệu lại tìm ra một cớ mới để nâng cao quyền lực. Vị trí tiền tiêu nhỏ, Tống Lê Chân, ở phía Bắc Sài Gòn, bị quân đội Bắc Việt Nam bao vây hơn một năm nay, Thiệu cố giữ vì kiêu ngạo chứ không phải thực sự vì tính tiêu biểu của vị trí đó. Nay Thiệu cho rằng để vị trí ấy rơi vào tay cộng sản thì sẽ rất có ích. Hắn hy vọng sẽ khơi được mối lo ngại, kéo được cảm tình của Hoa Kỳ và nhiều nước khác, đồng thời có thể nhân đó hợp lý hoá cuộc phản công mà hắn định tiến hành chống Chính phủ Cách mạng lâm thời. Và cũng có thể, hắn kêu gọi được báo chí bằng radio. Ngày 11 tháng 4, chúng bỏ chạy tán loạn với 62 tên bị thương.
Hôm sau, chính quyền Sài Gòn nói ầm lên rằng vị trí Tống Lê Chân bị một biển quân đội Bắc Việt Nam tràn ngập và vị trí đã bị san bằng. Rồi Thiệu, theo đúng những lời của bộ ngoại giao Mỹ, phản ứng về chính trị. Từ lâu, ông ta từ chối không họp tay đôi với Chính phủ Cách mạng lâm thời ở Paris, nay bãi bỏ luôn những quyền lời dành cho đại biểu của họ ở sân bay Tân Sơn Nhất đã được hiệp định bảo đảm. Cắt dây nói, bỏ những cuộc họp báo, bỏ những chuyến bay hàng tuần đi Lộc Ninh, ở phía Bắc Sài Gòn, nơi đóng trụ sở của Chính phủ Cách mạng lâm thời.
Nhờ những báo cáo của các cơ quan tình báo, sứ quán biết ngay trò hề này từ đầu. Nhưng Martin, cũng như Thiệu, một đồng một cốt, hy vọng có thể làm quốc hội Mỹ xúc động. Ông cũng bóp méo sự thật trong tất cả các báo cáo, trừ bản gửi về hoa Thịnh Đốn.
Thành công của Thiệu vượt quá điều mong muốn của ông ta. Để phản đối, Chính phủ Cách mạng lâm thời không tham gia Ủy ban quân sự hỗn hợp Sài Gòn nữa và được sự đồng ý của Hà Nội, thôi không dự cuộc đàm phán về số phận những binh lính Mỹ mất tích. Họ tẩy chay cuộc thảo luận này cho đến ngày cuối cùng của cuộc chiến tranh.
Đầu tháng 3, cân nhắc mọi nhân tố rồi, các nhà quân sự Hà Nội thống nhất quyết định mở những cuộc tiến công chiến lược. Lực lượng cộng sản không những tiếp tục phá hoại các cơ sở kinh tế miền Nam (đường sá, kho tàng, căn cứ không quân) mà còn đánh chiếm lại đất bị mất từ ngày ngừng bắn.
Ít lâu sau, trong khi Thiệu chuẩn bị bỏ vị trí Tống Lê Chân, thì quân đội Bắc Việt Nam bắt đầu thực hiện ý đồ của họ. Một sư đoàn tiến công những vùng ở biên giới phía Tây và phái Tây Bắc Sài Gòn, trong khi đó, những đơn vị khác hành quân làm cho sư đoàn 18 của Thiệu phải đóng nguyên tại chỗ, ở phía Đông Sài Gòn. Một sư đoàn khác hành quân sâu vào nội địa khu tam giác sắt, một vùng rừng rậm ở phía Bắc Sài gòn để bẻ gãy những cuộc tảo thanh của quân đội miền Nam. Một lần nữa, chiến tranh lại diễn ra.
Những cuộc đụng độ càng mở rộng thì tướng Murray càng tỏ ra chán nản. Ông không còn tin ở sự sống còn của chế độ Sài gòn nữa. Ông chắc chắn rằng giảm viện trợ nữa về tài chính, về dụng cụ chiến tranh thì sẽ là đòn quyết định đối với Nam Việt Nam. Do đó, đầu tháng 6, khi Lầu Năm Góc cho ông biết rằng năm sau, quốc hội sẽ giảm ngân sách viện trợ cho Nam Việt Nam, ông phản ứng lại như người đã nhìn thấy sự đổ vỡ. Trong một điện gửi Lầu Năm góc, ông giải thích là “nếu số tiền viện trợ giảm xuống dưới một tỷ đôla, thí dụ như chỉ còn 700 triệu thôi, thì Nam Việt Nam chỉ còn đủ khả năng bảo vệ một phần lãnh thổ thôi, nếu giảm xuống nữa thì có nghĩa là xoá tên nước Việt Nam Cộng hòa và cho nó vào sổ lãi, lỗ. Giải pháp duy nhất đối với chính phủ Nam Việt Nam chỉ còn là bám lấy Sài Gòn và vùng đồng bằng”.
Dự đoán lạ lùng! Thật vậy, không có ai trong giới lân cận Murray hay ở Hoa Thịnh Đốn có thể biết rõ dự trữ chiến lược của Nam Việt Nam. Nhưng Murray kiên trì khẳng định rằng không có viện trợ quân sự, ít nhất là một tỷ đôla thì Nam Việt Nam chỉ còn là một cái bóng của họ.
Tháng 6 và tháng 7, Murray và nhiều sĩ quan tham mưu của tổng chỉ huy hạm đội Thái Bình Dương, đô đốc Gayler, tổ chức ở Honnolulu một hội nghị vạch rõ luận điểm này bằng những bản đồ và sơ đồ. Martin rất thích thú được biết việc này. Tuy ông không quá bi quan như Murray, nhưng ông hy vọng đánh đu với tình hình, làm cho quốc hội có thể tăng thêm viện trợ cho Sài Gòn.
Dựa vào những tin tức Murray gửi đến, những sĩ quan chịu trách nhiệm ở Sài Gòn cũng tổ chức một cuộc nghiên cứu tương tự và cũng đi đến nhận định là phải bỏ đất đai nếu quốc hội Mỹ cắt viện trợ nữa. Thiệu không tin vào chuyện ấy. Nhưng, cũng như Martin, ông cho rằng đó cũng là một cách để làm cho quốc hội hiểu sự cần thiết phải tăng viện trợ tài chính cho Nam Việt Nam nếu không sẽ mất đất. Thiệu bảo tướng Viên đưa cho ông ta bản báo cáo của hội nghị Honolulu và đưa ra trình bày mỗi khi có một nghị sĩ quốc hội Mỹ nào đến Sài Gòn. Ông ta buồn rầu nói với họ: Nếu quốc hội không sáng suốt thì đến như thế đấy!
Sự lố lăng của Thiệu làm cho một số cộng tác viên của ông ta khó chịu. Họ có cảm tưởng là Thiệu không biết rõ tương lai gì chờ ông ta, không hiểu rằng ông ta sẽ phải bỏ nhiều vùng đất đai quan trọng nữa. Họ có lý, theo một ý nghĩa nào đó, nhất là về điểm Thiệu bất lực không hiểu được sự trầm trọng của tình hình. Lo lắng về việc giảm viện trợ mới nhất, Thiệu không thấy rằng sợi dây ràng buộc của Mỹ đã mỏng manh. Nhưng việc đó không hoàn toàn do lỗi của ông ta. Để cho Thiệu giữ được bình tĩnh và can đảm, nhân viên sứ quán tiếp tục gặp Thiệu và nói với ông ta rằng vẫn còn có thể gây ảnh hưởng với quốc hội, và Nixon sẽ giải quyết được những việc bối rối về chính trị. Đầu tháng 6, trong một tiệc rượu, Polgar tuyên bố với một nhóm quan chức chính phủ Nam Việt Nam: cái bí nhất trong vụ Watergate đã qua!
Thường vào mùa hè, Martin ở Hoa Trịnh Đốn để cầu cứu viện trợ. Để bảo vệ quan điểm của mình, ông nhấn mạnh sự viện trợ của các nước trong phe cộng sản cho Hà Nội, khẳng định rằng nó lớn hơn nhiều so với viện trợ của Mỹ cho Sài Gòn. Để làm cho người ta hiểu một cách chắc chắn, ông phân phát cho các đại biểu quốc hội, một bị vọng lục do tôi thảo một mình theo ý ông. Bản tài liệu này căn cứ vào những tin tức tôi nhận được từ Bắc Việt Nam.
Trong khi Martin vật lộn ở phủ tổng thống thì Polgar và nhiều đồng nghiệp ở Bộ ngoại giao cố thuyết phục các phái đoàn Ba Lan và Hunggari trong Ủy ban kiểm soát ở Sài Gòn rằng chia lãnh thổ là có lợi cho mọi người. Về phần tôi, tôi nhận được lệnh là trình bày tình hình cho phái đoàn Hunggari, để qua họ, có thể cho Hà Nội biết rõ chúng tôi nắm được ý đồ của Bắc Việt Nam, Bắc Việt Nam phải ngừng ngay những cuộc hành quân.
Bản báo cáo ấy hết sức thật và nói thẳng. Tôi nhấn mạnh điểm chúng tôi đã biết được những quyết định gần đây nhất của Bắc Việt Nam và làm cho các thính giả ngạc nhiên bằng cách nêu rõ lực lượng của đôi bên đang giáp mặt nhau. Đó là loại tin mà Bắc Việt Nam có thể trả giá đắt để có. Như Martin mong muốn, thông điệp của chúng tôi gửi Ủy ban quốc tế giám sát không phải là không được xem xét đến. Cuối tháng 7, đại diện Ba Lan và Hunggari báo cho chính phủ họ biết quân đội Nam Việt Nam đang thực hiện chiến dịch cắm cờ lấn đất để giành ưu thế. Người Bắc Việt Nam thì tích cực đối phó với những cuộc càn quét của quân Nam Việt Nam và chuẩn bị cho những trận chiến đấu ác liệt trong những phút cuối cùng.
Martin không gặp may trước quốc hội. Cuối tháng 7, thượng nghị viện và hạ nghị viện thông qua luật qui định một tỷ đôla là mức tối cao về mọi chi phí quân sự ở Việt Nam trong 11 tháng tới. Ngày 5 tháng 8, Nixon ký luật này. Đó là một việc làm chính thức cuối cùng của tổng thống. Bốn ngày sau, ông xin từ chức. Tuy nhiên, cuộc tranh luận về viện trợ cho Việt Nam chưa chấm dứt. Chỉ một hai hay ngày sau khi Nixon ra đi, hạ nghị viện lại quyết định giảm số tiền viện trợ xuống chỉ còn 700 triệu đôla.
Giữa sự rối ren về ngân sách ấy, tổng thống mới của Hoa Kỳ Gerald Ford, gửi cho Thiệu một thư riêng, cam kết với hắn sự ủng hộ của Mỹ, và tỏ lòng tin tưởng vào chính sách Việt Nam của Kissinger. Thiệu phản ứng đúng như Martin mong muốn. Ông ta coi bức thư đó là một dấu hiệu chứng tỏ chính quyền mới ủng hộ mình. Tướng Murray coi bức thư ấy là một trò hề bi thảm. Sau này, ông ta nói: một bức thư ngớ ngẩn phán đoán tương lai. Lại còn nêu tên Kissinger lên, một tên giả đạo đức của nền ngoại giao!
Là người ngay thẳng và dễ xúc động, tướng Murray nhanh chóng đi đến chỗ bi quan. Giữa tháng 8, ông trở nên cay đắng và không còn ảo tưởng gì nữa như ông thường nói. Sau đó thấy mình không có tên trong danh sách những người được đề bạt, ông quyết định rút lui khỏi quân đội. Biết rằng mình cũng chẳng mất gì, ông nói cho Lầu Năm Góc rõ ý nghĩ của ông đối với việc giảm viện trợ và những biện pháp tiết kiệm. Trong một buổi trả lời phỏng vấn các nhà báo, cũng không được phép, ông khẳng định rằng Nam Việt Nam buộc phải thay đạn dược bằng “tính mạng, xương và máu” và ông gọi những người chịu trách nhiệm về ngân sách là những con “rệp ngân khố”.
Những lời tuyên bố của Murray làm Martin lúc bấy gìơ ở Hoa Thịnh Đốn tức giận. Giám đốc cơ quan liên lạc Lầu Năm Góc điện cho Murray biết sự thật thà của ông không có lợi. Ông không hề bối rối. Sau khi tuyên bố với giới báo chí, ông quyết định nói với người Việt Nam. Ngày 16 tháng 8, trong buổi họp cuối cùng với bộ chỉ huy tối cao của Nam Việt Nam, Murray và một số sĩ quan Mỹ khác đề nghị họ bỏ một số đất đai và thực hiện chiến thuật củng cố để tiết kiệm dự trữ. Tướng Cao Văn Viên và những viên phó tướng của hắn trả lời rằng ý kiến ấy tốt về mặt quân sự, nhưng về mặt chính trị, không thể thực hiện được.
Trên đường trở về Mỹ, Murray dừng lại ở Honolulu và hội kiến ngắn với đô đốc Gayler. Ông không giấu giếm sự thất vọng. Khi Gayler hỏi ông Mỹ nên thay đổi chính sách ở Việt Nam như thế nào, ông trả lời không đắn đo: Trước hết đuổi đại sứ về, sau đó giảm số máy bay của Nam Việt Nam xuống đến mức họ có thể bảo quản được...và làm cho quốc hội hiểu được hậu quả của việc giảm viện trợ. Lúc ông sắp rời khỏi bộ tổng chỉ huy của Gayler, Murray nhận được dây nói của tướng Homer Smith, thay ông làm tuỳ viên quân sự ở Sài Gòn. Smith đang ở Honolulu để tìm hiểu về công việc mới của mình và bắt đầu thấy những chuyện kinh khủng đang chờ đợi. Ông nói với Murray: “Tôi đã nghiên cứu hai ngày, trời ơi, tôi cảm thấy như một con thỏ rừng trong ngày khai mạc mùa săn bắn”
Murray trả lời bằng một giọng bi thảm: “Ông càng xa Hoa Thịnh Đốn, càng đến gần sự thật”.
Những điều Murray nói với người Nam Việt Nam lúc ông ra đi, đã có một ảnh hưởng sâu và tinh tế. Dù họ không quyết định bỏ đất đai, nhưng những lời căn dặn của tướng Murray, sự đánh giá về tương lai của ông làm cho họ suy nghĩ lại, nhìn tương lai như một thứ định mệnh, nhận định này sứ giúp họ đối phó với những thử thách sẽ xảy ra: Người chỉ huy quân sự Mỹ nói rằng họ không thể sống sót được nếu viện trợ của Hoa Kỳ rút xuống dưới một tỷ đôla. Điều bi thảm đã trở thành sự thật, càng ngày họ càng thấy rõ tương lai họ mờ mịt. Họ hoàn toàn phụ thuộc vào sự ủng hộ và sự can thiệp của người Mỹ. Tinh thần họ trở nên mỏng manh cũng như cự cam kết với Mỹ.
Trong khi những nhà chỉ huy quân sự Nam Việt Nam đang lo sợ về những dự đoán đen tối của tướng Murray thì chiến tranh trở nên ác liệt. Trong tháng 8, những cuộc đụng độ diễn ra khắp nơi. Những người cộng sản muốn thăm dò ý đồ của tổng thống Ford. Cuối tháng, quân đội Bắc Việt Nam tiến công chung quanh Huế, Đà Nẵng và những tỉnh phía Bắc hơn bảy trăm nghìn người phải tản cư. Trên Tây Nguyên, lực lượng cộng sản kéo dài đường tiếp tế ra bờ biển phía Đông. Ở phía Bắc và phía Đông Sài Gòn, quân đội Bắc Việt Nam tiêu hao các sư đoàn 18 và 5 của Nam Việt Nam. Dưới phía Nam, trong vùng đồng bằng, lực lượng chính phủ bối rối trước lực lượng cộng sản đang cố gắng dành lại những vùng do quân đội Sài Gòn chiếm trái phép hồi đầu năm.
Điều đáng sợ nhất: khoảng 26.000 binh lính chính phủ bị giết trong những cuộc chiến đấu, kể từ tháng 1 năm 1973. Con số đó nêu bật sự thất bại của cuộc ngừng bắn.
Một cuộc thăm dò dư luận tiến hành cuối mùa Hè cho thấy rõ uy tín của chính phủ giảm xuống mức thấp nhất kể từ sáu năm nay. Tinh thần quân đội cũng tan rã. Thực phẩm và đạn dược ngày càng khan hiếm. Người lính Nam Việt Nam chưa bao giờ khổ vì chiến tranh như lúc này. Thêm vào những khổ ải đó là giá hầu hết những nhu yếu phẩm đều tăng gấp đôi so với lúc mới ngừng bắn, trong khi đó thì lương chỉ mới được tăng 25%.
Cuối tháng 8, sự lo ngại trong quân đội và nhân dân càng tăng. Những nhóm đối lập xuống đường biểu tình, tranh thủ sự bất bình của quần chúng, có người kết tội Thiệu chỉ huy việc buôn ma tuý trên khắp đất nước và giàu sụ một cách bất hợp pháp.
Những cuộc biểu tình ấy làm Martin rất lo ngại. Ông sợ Thiệu càng mất thêm uy tín trước người Mỹ. Ông thúc ngục người Nam Việt Nam làm mọi biện pháp để dập tắt. Cuối tháng 10, Thiệu mới quyết định đuổi bốn nhân viên trong chính phủ, giáng chức 400 sĩ quan tình nghi tham nhũng, và thuyên chuyển ba trong bốn chỉ huy quân sự cấp quân khu.
Nhưng Thiệu đòi phải trả giá những biện pháp ấy. Thiệu củng cố, siết chặt việc kiểm duyệt báo chí cho những nhóm đối lập biết, nếu họ tiếp tục đấu tranh, họ sẽ phải chịu hậu quả. Martin cố giải thích cho các phóng viên Mỹ rõ là những biện pháp nói trên rất cần thiết để giữ vững nền an ninh trong nước. Nhưng bên trong, Martin rất khổ tâm. Ông thấy rõ là phải dùng những biện pháp quá khích này để giữ trật tự thì không lợi cho việc giao thiệp công khai của ông.
Tuy nhiên, đại sứ cũng có một nguồn an ủi, ông đã thuyết phục được Thiệu thôi không dùng Hoàng Đức Nhã, bộ trưởng thông tin trẻ của ông ta, người thường nói năng bừa bãi và không chịu nghe ai. Nhã từ chức, không còn ai đối lập với thủ tướng Khiêm.
Vừa khéo léo loại trừ được kẻ thù duy nhất trong chính phủ Nam Việt Nam, Martin vừa cố gắng giấu giếm những sai lầm và nhược điểm của chế độ Sài Gòn trong những bản báo cáo của ông gửi về Hoa Thịnh Đốn và những thông báo báo chí. Sự suy sụp về tinh thần của quân đội trong mùa Thu và đầu mùa Đông, tình hình rối loạn ở nông thôn, và sự tham nhũng triền miên trong nội bộ chính phủ - những vấn đề làm cho Sài Gòn trở thành một thành phố bất an lung lay - được bỏ qua, không hề nhắc đến. Văn phòng tuỳ viên quán sự - mặc dù không cần thiết - cũng tham gia vào việc che đậy này. Do đó ngay trong văn phòng của Polgar cũng diễn ra những hoạt động rối ren, lúng túng.
Phương pháp thường dùng của Polgar nay được áp dụng theo sở thích của giám đốc chi nhanh CIA. Chắc chắn không có tin sai, nhưng Polgar vẫn đòi kiểm tra thật kỹ chất lượng tin: một công tác viên của ông gọi đó là “những tin sáng tạo” Người chỉ huy chi nhánh CIA ở đồng bằng sông Cửu Long chuẩn bị gửi một bản báo cáo về tình hình mất an ninh, tham nhũng ở khu vực anh ta, Polgar đòi đọc trước khi công bố và yêu cầu những tin này phải đạt đủ chất lượng, do đó rất ít tin được phép phổ biến.
Polgar cũng bắt xoá bỏ tất cả những yêu sách của phe đối lập trong các bản báo cáo. Chẳng may, có những tin không lợi cho chế độ Thiệu được gửi đi mà Polgar không phát hiện kịp thời thì ông lập tức gửi điện đính chính cho các “khách hàng” ở Hoa Thịnh Đốn.
Đầu chiến dịch chống tham nhũng, tháng 8, một nhân viên lão luyện, thu lượm được nhiều tin của CIA, đến nói chuyện với nhiều chính trị gia có tầm cỡ ở Nam Việt Nam. Họ ủng hộ Thiệu từ lâu, nhưng nay nghi ngờ chính sách của ông ta. Một người trong họ, một nhà ngoại giao trước đây, kể lại câu chuyện tham nhũng kinh khủng trong quân đội và nói: Binh lính không thể nuôi được gia đình, không còn ý chí chiến đấu, họ mất tinh thần vì sĩ quan cấp trên họ bóc lột họ một cách đáng xấu hổ. Nếu Thiệu tiếp tục cầm quyền, dựa vào những người tham nhũng và bất lực thì rất khó cho Nam Việt Nam chiến đấu chống những người cộng sản dù về mặt quân sự hay chính trị cũng vậy.
Đó là một ý kiến quan trọng, nhất là của một cựu nhân viên chính phủ. Không tôn trọng những cái gọi là tiêu chuẩn chất lượng tin của Polgar, người thu được ý kiến này gửi thẳng báo cáo về Hoa Thịnh Đốn, làm mọi người sửng sốt.
Sự phản ứng của Polgar hơn khác một ít. Khi ông biết mình không được đọc bản báo cáo và Hoa Kỳ đã nhận được rồi, lập tức ông gửi một điện phản đối tới CIA. Ông viết: “Tôi cho rằng điều đó không có gì là. Tôi không nghĩ rằng quan điểm của bản báo cáo có thể có một ảnh hưởng gì trong tương lai trước mắt, đối với sự phát triển của những sự việc ở đây”.
Nhưng Polgar không chỉ gửi bức điện riêng ấy cho CIA. Ông muốn phổ biến rộng rãi trong các giới chính thức ở Hoa Thịnh Đốn. Do đó, tự ông làm một bản báo cáo chống lại. Ông viết: “Không có một chứng cớ đúng đắn nào chứng tỏ tinh thần chiến đấu của quân đội Nam Việt Nam sa sút. Trái với điều báo chí bi quan đáng, những nhiệm vụ chính của chính phủ tiếp tục được thực hiện. Cảnh sát quốc gia duy trì đầy đủ trật tự công cộng, không có bãi công, thư từ chạy đều, đó không phải là tình hình của một số nước phát triển hơn.
Cũng rất rõ rừng là phần lớn nhân dân tiếp tục sống bình thường và trong cái xã hội độc ác này, họ biết xoay sở. Mỗi ngày, họ cũng tỏ ra chịu đựng, dễ bảo và tháo vát. Số dân tăng 3% mỗi năm, điều đó chứng tỏ sức sống và sự tin tưởng trong tương lai của họ. Ở Việt Nam, không phải chỉ có những kẻ nghèo, kẻ dốt mới sinh đẻ”.
Sự phân tích về mặt chính trị của Polgar thật quá mức và buồn cười đến nỗi bộ chỉ huy CIA, thượng cấp của ông ta, từ chối không gửi bản báo cáo của ông đến những vị khách hàng cao cấp như Kissinger và tổng thống Nixon và nhiều người khác. Đó là lần thứ nhất trong nghề nghiệp của tôi, tôi thấy người ta không đếm xỉa gì đến việc nghiên cứu tại chỗ những tin tức.
Nhưng cả Polgar lẫn Martin đều không nản lòng. Họ cho in bản báo cáo, thảo một điện gửi bộ ngoại giao và phân phát cho các địa biểu quốc hội và các nhà báo không may gặp họ trên đường.
Trong khi Martin và Polgar cố bưng bít tội lỗi của chế độ Sài Gòn thì người Bắc Việt Nam ra sức khai thác...Họ cho rằng việc giảm viện trợ của Mỹ là sự bất tín nhiệm của Mỹ đối với Thiệu và một lời thú nhận về sự bất lực của lực lượng quân sự Sài Gòn. Họ còn lợi dụng cả việc từ chức của Nixon. Họ nhận định là dù Ford có muốn hoà hoãn hơn thì sự lộn xộn ở Hoa Thịnh Đốn cũng lợi cho họ và phải làm cho người Nam Việt Nam mất tinh thần hơn nữa...
...Tháng 9, chiến dịch chống tham nhũng ở Nam Việt Nam phát triển. Người Bắc Việt Nam chắc chắn rằng đó là dấu hiệu chế độ Thiệu lung lây tận gốc, cần phải làm cho quan hệ giữa Sài Gòn và đồng minh Mỹ, rạn nứt thêm. Tháng 10, Bắc Việt Nam quyết định chưa đánh những mục tiêu cụ thể mà giải phóng vùng nông thôn, chiếm hai phần ba thu hoạch mùa màng ở đồng bằng sông Cửu Long, bao vây Sài Gòn. Mục tiêu của họ là tạo nên một sự rối loạn lớn không những ở miền Nam Việt Nam mà cả sự bất hoà giữa Hoa Thịnh Đốn và Sài Gòn và lật đổ Thiệu. Chắc chắn những người nối tiếp ông ta sẽ buộc phải nhận điều kiện một cuộc ngừng bắn mới.
Dựa vào những tài liệu thu lượm được, tôi làm một bản báo cáo giải thích gửi về cho các giới chính trị ở Hoa Thịnh Đốn. Nhưng tôi mâu thuẫn ngay với Polgar. Thủ trưởng tôi, vì muốn thuyết phục những người có thể ủng hộ việc viện trợ cho Thiệu, gán cho ý đồ của Hà Nội nhưng điều ghê gớm, đáng sợ. Còn tôi, trái lại, tôi nhấn mạnh, mục tiêu Hà Nội là tổ chức thận trọng những trận đánh để đi thương lượng...
...Khi tôi nói rõ nhận định của tôi cho Polgar thì ông ta không nghe và nói rằng nguồn tin của tôi không nắm được ý đồ của Hà Nội. Giữa lúc ấy, bộ chỉ huy CIA ở Hoa Thịnh Đốn cho công bố bản báo cáo của tôi, coi đó là đúng đắn...
Tháng 11, có nhiều nguồn tin báo là Hà Nội sắp mở nhiều cuộc tiến công, Kissinger quyết định đi một chuyến cuối cùng để tránh điều bi đát nhất...Nhưng Kissinger đòi hỏi nhiều điều vô lý nên Liên Xô không nghe Kissinger.
Đầu tháng 12 năm 1974, mọi cái đều sẵn sàng để mở rộng chiến tranh Đông Dương trên hai mặt trận: ở Nam Việt Nam và ở Campuchia.