What holy cities are to nomadic tribes - a symbol of race and a bond of union - great books are to the wandering souls of men: they are the Meccas of the mind.

G.E. Woodberry

 
 
 
 
 
Tác giả: Cao Tiến Lê
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Ong
Upload bìa: Lý Mai An
Số chương: 9
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 6714 / 62
Cập nhật: 2015-12-15 12:59:19 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 2
ê Minh đeo chiếc bồng trên lưng theo lệnh của huyện xuống xã yếu nhất phát động chiến tranh nhân dân, tổ chức, củng cố đội du kích, đánh địch tại chỗ, phá cho được âm mưu bình định cấp tốc của chúng.
Du kích xã bị địch lất mất phần đất phải sống gửi sống nhờ, đã bị dồn lên rừng, đêm đêm mò về hoạt động. Phải bốn tiếng đồng hồ mới đi qua khỏi khu vực trắng. Bao nhiêu vất vả trên đường vừa đi vừa thăm dò, đề phòng địch phục kích hoặc gài mìn. Đến làng vắng teo vắng ngắt như đứng giữa bãi bom B52. Thấy anh đội du kích mừng lắm, bắt vào vào công việc ngay:
- Chưa nắm được tình hình địch anh ạ, vì dân bị dồn hết vào khu tập trung Nổng Đình, du kích không thể cài người vào trong đó được. Trinh sát vừa cho biết có ông Năm mới ở khu tập trung trốn về. Ta tới hỏi xem. Nói để anh biết trước ông Năm là tính gàn gàn, rất ghét địch nhưng cũng nhiều lần ông chửi cả du kích.
Minh khoác ba lô vào xã, đến ngay nền đất đen kịt còn ấm hơi nóng của ngôi nhà bị đốt cháy, được thưng lên bằng mấy tàu lá động đình (1-lá móc), tạm bợ hơn cả lều anh chàng chăn vịt đàn lênh đênh trên đồng nước. Trong đám tàu là động đình đó, một ông cụ răng rụng, miệng móm, hai tay huơ huơ trước bếp lửa, mắt trầm tư như đang nghĩ một điều gì xa xôi lắm. Nghe tiếng động, ông quay ra nhìn. Tư Trơn cất tiếng chào. Ông chẳng trả lời, tiếp tục huơ tay trên bếp than không còn lửa ngọn. Ông là người không ưa gì địch thì đúng rồi. Bao lần bị dồn vào khu tập trung ông đều trốn về Chúng tức quá. Tuy là tức nhưng bước đầu chúng cũng phải cắn răng để giữ cho được cái gọi là “chính quyền vì nhân dân” chúng cho ô tô đến, dỡ nhà ông xuống, bốc tất cả lên xe, từ rui mè, cột, xà, tranh tre đến bát đũa, quần áo, rượu, thuốc, chó gà để gọn trong một thùng ô tô tải.
Lúc đầu ông không chịu đi, nhưng tính toán thế nào ông trả lời: “đi thì đi!” Ông cầm cây dao nhọn, hộp thuốc và bật lửa rồi nhảy lên xe. Trời nắng hanh, gió quạt mạnh đưa hơi nóng hầm hập, ông cuốn thuốc, bật lửa châm hai ba lần không bén. Ông lấy tý bông tẩm vào thùng xăng chỗ xe lắc lư làm xăng chảy ra. Ông réo hơi thuốc thứ nhất, phả khói, réo hơi thứ hai. Ông nhìn quanh và châm lửa vào sô tranh tre, rui mè đang lủng củng dồn lên nhau trong thùng xe. Tranh tre bốc cháy bén sang quần áo, quần áo bén sang thùng xăng. Lửa rừng rực bốc cao. Thùng xăng nổ như một quả bom. Ông kêu cứu. Ông khóc lóc, ông mắng chửi: Mất sạch rồi từ đôi đũa đến chiếc bát mẻ cũng không còn nữa. Ông đòi chính phủ quốc gia đền. Ông chửi thằng nào nghĩ ra cách dỡ nhà ông cho lên xe. Ông chửi thằng nào dồn ông lên xe. Ông chửi thằng nào lại dồn ông vào khu tập trung. Tên lái xe cũng mất hết, lủi thủi đi bộ về chi khu quân sự, nó đi vội như sợ ông giữ lại bắt đền hoặc sơ cây dao nhọn trong tay ông, trong tay một người đã mất hết gia tài dễ sinh ra liều lĩnh! Khi thấy tên lái xe đã đi xe, ông cất tiếng cười, vươn ngực tở mùi khói, mùi xăng, khoan khoái. Ông đã làm được hai việc, chống về khu nhà tập trung và đốt cháy chiếc xe. Ông vén quần đái vào đống lửa rồi đi ngược chiều tên lái xe. Ông về nơi nền nhà thân yêu. Với cây dao nhọn, chẳng cần ai giúp mà cũng không có ai gần để giúp, ông làm xong chiếc nhà khác. Nhưng tụi địch đâu có để ông yên. Nhà ông làm giữa khu vực chúng đang chủ trương làm vành đai trắng. Bốc trắng để tạo một khoảng cách với rừng, chặt đứt mắt xích liên lạc khu tập trung và khu du kích. Nếu để nhà dân là để liên lạc của du kích, du kích sẽ nắm được hoạt động của tề ấp, của hội đồng xã sẽ về quấy rối, đánh úp, ném lựu đạn, giài trái. Bốc trắng, du kích về hoạt động tới làng là sáng hẳn, lớ quớ chưa có nơi ẩn nấp bị dân vệ bắt ngay.
Ông Năm dựng nhà chưa được một ngày chúng đã lù lù kéo đến thét lác:
- A, xin chào cái lão già đốt xe hôm nọ. Lão làm xong nhà khác rồi. Tươm tất quá. Chắc là trạm liên lạc của Việt cộng. Cho đi đời anh em ơi! Chúng vỗ túi quần tìm cái hộp quẹt, rải xăng quẹt lửa. Lửa thiêu đốt ngôi nhà các cột còn tươi, ngọn lửa liếm đỏ đôi mắt ông Năm.
Hai thằng tới kéo tay ông lôi về khu tập trung. Ông không đi, Chúng cứ kéo, Ông lăn xuống đất. CHúng mạnh hơn, khỏe hơn nhưng vẫn không kéo được ông. Bốn thằng tới, thằng nắm tóc, thằng đẩy sau lưng, hai thằng nắm hai cánh tay. Ông ngồi bệt xuống đất. Ông lê hai chân. Gót chân bị các viên đá nhọn trên đường rạch chảy máu, những giọt máu nhỏ xuống dài ngắn đánh dấu từng đoạn đường chúng kéo ông đi. Dù sao thì ông cũng yếu sức hơn, chống lại không được, ông nghĩ ra cách khác. Ông cắn vào bàn tay, cắn vào cánh tay chúng. Không ăn thua. Không để lại dấu vết gì trên bàn tay chúng cả. Răng ông rụng hết rồi, Hai hàm chỉ còn lợi. Ông ước răng đừng rụng hết, chỉ cần còn một chiếc, ông cũng cắn cho chúng chảy máu phải buông ông ra. Chúng kéo ông tới đường cái, trói quặt hai tay ra sau, ném lên ô tô chở về khu tập trung.
Ông chửi Mỹ, chửi ngụy, tức lên chửi cả du kích: đánh chác gì như gãi vào lớp da đất. Non yếu, sợ sệt thì im mẹ nó đi, đì đẹt để địch nó quấy!
Chúng ném ông vào căn nhà có ghi số ở ngoài cửa đã dành sẵn đề tên ông. Ông nằm chửi lung tung đến lúc mệt lử, sắp ngủ thì một thằng lính mon men tới hỏi ông có khát nước không? Ông bảo: “Mày hỏi bố mày hay hỏi ai? Giam từ sáng tới giờ mà không khát à?”
Nói hỏi ông: “có uống không? Ông bảo “uống gì?” Nó mang tới côca côla. Ông ngửi rồi chửi: “Thứ nước nhập của Mỹ này tao đái vô, có chè xanh cho tao một hớp!”
Chiều đến nó hỏi: “Có muốn ăn không?” Ông chửi: Sao không muốn ăn? Mày giam bố mày từ sáng tới giờ đã có miếng chi vào bụng”. Nó mang cơm sang. Ông hỏi: “Thứ chi vậy?” Nó bảo “Gạo sấy” Ông đá phốc một cái túi gạo sấy văng xuống đất. “Tao ỉa vào cái thứ gạo sấy! Có cơm tám thơm gặt hái tên cánh đồng này với giò chả mới gọi là chính phủ nuôi tao, mới gọi ông Thiệu nuôi dân. Còn những cái kia là cúi lưng như con chó, họ vất cho đem về, sao gọi là chính phủ được!”
Đêm đến, ông trốn về đào sắn, nhóm lửa nướng ăn. Trên nền nhà bị ông đốt chặt mấy tàu lá động đình dựng tạm lên che sương. Khi du kích đến gặp ông thấy ông ngồi im, anh nào cũng sợ. “ Mỹ ngụy ông còn chửi nữa huống hồ tụi mình”. Số du kích liêng liếng mắt, người này bảo người kia lên tiếng trước. Ngồi một lúc Tư Trơn lên tiếng nói:
- Dạ ông có tức tụi cháu không ạ?
Ông hỏi nhát gừng:
- Tức chi?
- Tức vì tụi cháu đánh chưa mạnh nên địch càn quét xuống, đốt nhà của ông và của nhân dân.
Ông Năm cười. Cũng chẳng phải ông cười. Ông hơi nhếch mép, khểnh tý hơi, nửa như chê trách nửa như hờn dỗi của người già đối với con cháu. Ông nói:
- Đúng là tao có tức, nhưng tức tụi bay thì ít mà tức tao thì nhiều. Tao tức vì không còn một chiếc răng nữa. Giá như tao còn lấy một chiếc răng thì bốn thằng chớ sáu thằng cũng không kéo được tao đi. Tao cắn cho bàn tay tụi nó, cánh tay tụi nó nát dập ra. Đằng này không còn chiếc răng nào nữa, chỉ còn hai hàm lợi bằng lì, cắn vào cứ trơn tuồn tuột. Tao ước chi răng đừng rụng hết còn dăm ba chiếc hoặc cùng lắm còn lấy một chiếc tao cũng đủ sức chống lại dù chúng khỏe, chúng đông. Đời người có lúc chỉ ao ước một điều bình thường vậy thôi tụi bay ạ. Nghĩ lại cả thời tuổi trẻ cho đến lúc tuổi già tao đã phung phí sức lực có lúc không mục đích, không chí hướng. Còn tụi bay. Tụi bay lớn lên sức đang khỏe, đời còn dài, Tụi bay còn đủ ba mươi hai chiếc răng. Tụi bay phải sử dụng sức khỏe đó, hàm răng đó vào đâu cho thích hợp. Đánh đúng chỗ, cắn đúng chỗ, cắn đúng kẻ thủ. Đừng cắn vào anh em bè bạn, người của mình, quê hương mình nơi đã đổ bao nhiêu mồ hôi sức lức của ông cha.
Ông chuyển thành câu hỏi:
- Chớ đêm nay tụi bay về làm chi?
Tư Trơi trả lời:
- Dạ chúng cháu về nắm bắt tình hình địch.
Vẫn giọng nhát gừng ông hỏi:
- Nắm để làm chi?
- Dạ để đánh
Ông dùng bàn tay này bẻ những đốt của các ngón tay kia kêu răng rắc, hỏi:
- Có dám đánh thật không? Nếu dám đánh thật thì: Ba mươi thằng đang ngủ ngoài Cồn Chùa kia kìa. Chúng không dám ngủ trong ấp. Tao thấy nó cài cả mìn cơ lây mo. Dám đánh thì tao dẫn đường. Tao chỉ còn dây dao nhọn, gia tài, nhà cửa chúng đốt hết rồi, nhưng tao cũng xin làm một mũi.
Tiếng đội du kích lao xao, gần như cùng một ý:
- Đi, đi. Ta làm một quắn trả thù, không gì nhục bằng để mất đất đai, mất nơi đứng chân hoạt động.
Bây giờ Minh mới lên tiếng. Mình đề nghị chưa nên. Đánh địch không riêng gì đội du kích, không riêng gì năm hay mười người. Phải đông, phải cả xóm, cả xã. Già trẻ, trai gái chung sức đoàn kết đánh địch. Đánh đúng lúc, đúng chỗ, hiệp đồng với toàn huyện, toàn tỉnh, toàn miền. Đánh để giữ đất, không phải chi giết ba mươi thằng mà phải xóa sổ cả đại đội, tiểu đoàn, tiến lên giải phóng quê hương. Mặt khác phải chuẩn bị vũ khí đánh lâu dài. Bây giờ tính xem ta có bao nhiêu vũ khí. Đã đánh được xe tăng, xe cày ủi, phá được cầu chưa? Vậy tôi đề nghị, chúng ta phải học cách đánh mới.
Minh đặt ba lô xuống, mở ra. Du kích thấy trong ba lô của Minh chỉ có hai quả pháo lép, ít miếng thuốc bộc phá, một gói kíp nổ, vòng dây cháy chậm và mươi viên ký ninh chữa sốt rét.
Minh nói tiếp:
- Không phả lúc nào cũng có vũ khí của trên chuyển xuống cho, đường vận chuyển bây giờ khó khăn lắm. Vũ khí phải đưa tận miền Bắc vào, cần ưu tiên cho quân chủ lực. Còn du kích và bộ đội địa phương chúng ta phải một phần nào tự chế tạo lấy vũ khí. Các đồng chí chắc cũng hiểu rất rõ ràng đêm nào, giờ nào cũng có pháo địch bắn về hướng chúng ta trong số đó có những quả không nổ. Các đồng chí hãy tìm nhặt những quả không nổ đó đem về như tôi đã làm đây.
Minh lật qua lật lại quả pháo không nổ mang nhãn hiệu U.S.A anh đã nhặt ở bìa rừng cho mọi người xem. Đêm ấy Minh hướng dẫn cho du kích cách cưa quả pháo lép, cách lấy kíp nổ, lấy thuốc và làm lại theo kiểu của mình thành quả mìn, có sức công phá mạnh. Minh còn hướng dẫn cách đặt mìn, cách ngụy trang, chỗ khác nhau giữa đánh xe cày ủi và xe tăng. Anh nói kinh nghiệm mà bản thân đã làm, kinh nghiệm các huyện tỉnh, kết quả số xe đã phá được. Du kích xã thích lắm, vũ khí ngay trên chỗ mình đứng mà lâu nay mình không biết.
Còn thời gian, Minh đưa hai quả pháo lép mang theo, nhồi thuốc, cài kíp nổ, tìm chỗ chon, ngụy trang để du kích học cách làm.
Ngày đầu tiên về xã, Minh không quay trở lại rừng, anh xoa đất bột lên người, nằm giang nắng một ngày, đêm đến chọn chỗ đào hầm bí mật, và đó cũng là ngày có tiếng nổ đầu tiên của Minh, của du kích làm tan xác hai xe cày ủi với tám tên giặc đi theo.
Minh bàn với du kích là nên tổ chức một màng lưới đi nhặt pháo lép. Số đó gồm các cụ già, trẻ em, các chị con mọn. Hễ thấy có quả bom chưa nổ nào thì họ nhặt về hoặc chỉ chỗ để du kích tới lấy. Các em tham gia rất hăng, rất đều vì mỗi lần các em đi tìm nhưng con bò lạc thường gặp pháo lép. Các em buộc luôn quả pháo vào lưng bò đem về. Nhặt pháo về càng nhiều, địch chết càng lắm.
Từ hôm ông Năm trốn khỏi khu tập trung, một số người nữa cũng trốn theo ông, rồi số người trốn ngày càng tăng lên, họ thưng tạm lá động đình, bắt đầu gọi tên xóm, tên xã mình như trước kia đã gọi
Họ cũng tìm nơi chạy trốn, hoặc xuống hầm bí mật khi mỗi lần địch tới càn. Cùng từ cái hôm gặp Lê Minh, ông Năm bắt đầu nhặt pháo lép. Ông có cách tìm pháo lép riêng của ông. Đêm đêm ông không ngủ, nằm nghe tiếng “đề - pa”, ông đếm xem có bao nhiêu tiếng, rồi ông lại lắng nghe tiếng “A-ri-vê”. Nếu tiếng “A-ri-vê” ít hơn là ông biết có quả không nổ. Ông ngồi dậy vác thuổng theo lối pháo vừa nổ đi tới. Nó bắn ở chỗ nào, ông biết chắc chắn như người chỉ huy quân sự tài tình xác định một vật thể trên thực địa khi trong tay không có bản đồ, địa bàn, bởi đất làng ông, mỗi thước đất là một lịch sử, một kỷ niệm, một bước thăng trầm, đau khổ hay gian truân của một gia đình, một dòng họ, có khi của cả một thôn, một xã. Ông biết, ông đi tới bổ nhát thuổng xuống, nâng của đạn lên, mang về nộp du kích. Ông giao mỗi quả pháo ít nhất phải diệt năm tên và du kích phải chia cho ông một tên
Đội du kích dần được củng cố, bắt đầu thực hiện các hình thức chiến thuật. Tập kích ban đêm, chống càn ban ngày. Có lực lượng trụ bám trên làng xã cũ và cài người hoạt động hợp pháp trong ấp chiến lược. Ngày nào xe cũng đổ, tuần nào cầu cũng sập. Trực thăng phành phạch suốt ngày vừa soi rìa tìm mồi, vừa cấp cứu bọn bị thương.
Nhưng rồi tình hình ổn định thì lòng người không ổn định, đấy là lúc ông Năm phát hiện ra Lê Minh là con nuôi thầy phù thủy
Con Nuôi Thầy Phù Thủy Con Nuôi Thầy Phù Thủy - Cao Tiến Lê Con Nuôi Thầy Phù Thủy