Nguyên tác: The Cat Who Went To Heaven
Số lần đọc/download: 1266 / 21
Cập nhật: 2017-05-20 08:49:25 +0700
1
N
gày xửa ngày xưa, ở nước Nhật xa xôi, trong một căn nhà nhỏ có một chàng họa sĩ nghèo ngồi mộc mình. Chàng đang đợi bữa tối. Bà lão giúp việc đã đi chợ, còn chàng thì ngồi thở dài, mơ tưởng đến những món ăn bà sẽ mang về. Bà đi đã lâu và chàng ngóng bà từng giây từng phút, tưởng bà sẽ xuất hiện ngay nơi cửa, cúi chào rồi mở chiếc giỏ nhỏ ra đế khoe với chàng bà đã khéo tiêu tiền như thế nào. Nghe tiếng chân bà, chàng bật dậy. Chàng đói mốc meo rồi!
Nhưng bà vẫn nấn ná ở cửa với chiếc giỏ đậy kín.
“Thôi nào,” chàng trai van vỉ, “bác mua gì thế?”
Bà lão run rẩy, hai tay giữ chặt lấy chiếc giỏ. “Thưa cậu chủ,” bà lão nói, “tôi thấy nhà ta cô quạnh quá.” Khuôn mặt nhiều nếp nhăn của bà trông vừa đáng thương vừa ương bướng.
“Cô quạnh ư!” chàng họa sĩ nói. “Cháu cũng nghĩ vậy! Ta chẳng có gì đãi khách thì khách nào đến nhà ta? Cháu còn quên mất cả mùi bánh gạo rồi. Lâu lắm chả được miếng nào!” Và chàng lại thở dài, bởi vì chàng thích bánh gạo nếp, và bánh xếp, rồi cả bánh thạch đậu ngọt nữa. Chàng thích được uống trà trong nhũng chiếc tách sứ tinh xảo cùng bạn bè, hay ngồi trên nệm êm, cùng đàm đạo về cành hoa anh đào đang nở trong góc phòng, trông như một nàng công chúa nhỏ nhắn. Nhưng lâu nay chẳng ai đoái hoài tới tranh của chàng. May là thỉnh thoảng vẫn còn có tép vụn mà ăn. Nếu không sớm bán được một bức tranh, thì tép vụn cũng chẳng còn. Chàng lại đưa mắt nhìn chiếc giỏ. Có lẽ bà lão đã mua đưọc một hay hai củ cải, hay một trái đào chín nẫu quá nên người ta không buồn mặc cả.
“Cậu chủ,” bà lão nói khi thấy chàng nhìn chiếc giỏ, “dạo gần đây tôi thường hay bị lũ chuột phá làm mất ngủ.”
Nghe vậy chàng cười phá lên.
“Chuột hả?” chàng lặp lại. “Chuột sao? Bác ơi, chuột nào vào nhà nghèo như nhà ta? Đến hạt tấm cũng chả có mà ăn.”
Rồi chàng nhìn bà giúp việc và một nỗi nghi ngờ đáng sợ xâm chiếm lấy đầu óc chàng.
“Bác chẳng mua gì ăn!” chàng nói.
“Thưa đúng,” bà lão buồn bã nói.
“Bác mang mèo về chứ gì!” chàng họa sĩ nói.
“Thật không thể giấu cậu chủ được điều gì!” bà giúp việc trả lời và cúi mình thật thấp.
Lúc này chàng họa sĩ đúng bật dậy, sải bước đi lui đi tới trong phòng và vò đầu bứt tóc, chàng nghĩ mình sẽ chết vì đói và giận
“Mèo! Mèo! Mèo!” chàng la lên “Bác điên rồi hả? Chúng ta sắp chết đói đến nơi rồi bác còn rước về nhà một con yêu tinh, rồi còn phải cho nó ăn, có khi đêm nó còn hút máu người cũng chưa biết chừng? Phải! Rồi đây ta sẽ giật mình tỉnh giấc thấy con yêu tinh mắt to như đèn lồng cắn cổ ta! Nhưng có lẽ bác đúng! Có lẽ chúng ta khổ quá nên chăng thà chết ngay cho rồi, và để con yêu tinh ngoạm xác ta mang lên mái nhà!
“Nhưng cậu chú ơi, cậu chủ, cũng có những con mèo tốt chứ!” bà lão tội nghiệp kêu lên. “Cậu đã quên câu chuyện cậu bé vẽ những bức tranh mèo trên các tấm bình phong trong ngôi chùa bỏ hoang, rồi chui vào một hộc tủ để ngủ, và nửa đêm nghe thấy những tiếng động huyên náo sao? Sáng hôm sau khi cậu bé thức dậy, cậu thấy xác của một con chuột khổng lồ đã chết - con chuột đến để giết cậu bé! Và ai đã tiêu diệt con chuột ấy, cậu chủ nói tôi nghe xem? Đó chính là những con mèo của cậu bé, chúng vẫn còn ngồi đó trên tấm bình phong y như khi cậu bé vẽ chúng, nhưng móng của chúng có vết máu! Và cậu bé sau đó trở thành một họa sĩ tài ba như cậu. Chắc chắn là có nhiều con mèo tốt, thưa cậu chủ.”
Rồi bà bắt đầu khóc. Chàng họa sĩ ngừng lại và nhìn những giọt lệ chảy ròng trên gò má đầy nếp nhăn của bà lão. Việc gì phải giận nhỉ? Chàng đã từng bị đói rồi cơ mà.
“Thôi được,” chàng nói, “đôi khi có một con yêu tinh trong nhà lại là điều may, vì nó xua đuổi những con yêu tinh khác. Chắc là con mèo của bác đang muốn ăn đấy. Có lẽ trong nhà vẫn còn gì đó cũng nên. Ai mà biết được? Thêm một con mèo cũng chẳng đói hơn được.”
Bà lão giúp việc cúi thật thấp để tỏ lòng biết ơn.
“Trong trấn này không ai tốt hơn cậu chủ,” bà nói, toan mang chiếc giỏ vào bếp.
Nhưng chàng trai ngăn bà lại. Chàng cũng tò mò như bao họa sĩ khác.
“Để xem xem thế nào," chàng nói, vờ rằng chẳng quan tâm.
Thế là bà lão đặt chiếc giỏ xuống và mở nắp ra. Lúc đầu chẳng thấy gì. Rồi một chiếc đầu tròn trắng xinh từ từ nhô lên trên giỏ tre, hai con mắt vàng tròn xoe nhìn xung quanh căn phòng và một chiếc móng trắng nhỏ xíu hiện ra trên vành giỏ. Bất thình lình, con mèo nhỏ nhảy phốc xuống chiếu nhẹ như bay, và đưa mắt nhìn quanh bối rối. Lúc này chàng họa sĩ mói thấy nó là một cô mèo, với những đốm vàng và đen ở hai bên thân, đuôi nhỏ như đuôi thỏ, và mọi cử chỉ của nó đều hết sức duyên dáng.
“Ồ, một con mèo tam thể,” chàng họa sĩ nói. “Sao bác không chịu nói ngay từ đầu? Theo cháu biết thì chúng là những con vật rất may mắn.”
Ngay khi vừa nghe chàng nói những lời tử tế như vậy, cô mèo bước về phía chàng và cúi đầu chào chàng, trong khi bà lão vỗ tay vui mừng. Chàng họa sĩ quên mất cơn đói của mình. Đã lâu lắm rồi chàng không nhìn thấy một con vật nào đáng yêu như con mèo này.
“Cần phải đặt tên cho nó,” chàng tuyên bố, ròi ngồi xuống chiếc chiếu cũ trong khi cô mèo điềm tĩnh đứng trước mặt chàng. “Để cháu xem nào: trông nó giống như một lớp tuyết mới tinh được tô điểm những chấm vàng và đốm sơn mài; nó giống như một bông hoa trắng có hai con bướm khác màu đang đậu; giống như...”.
Nhưng đến đây thì chàng ngừng lại. Bởi vì âm thanh của ấm trà ngân nga trên bếp lửa tràn ngập căn phòng nhỏ bé của chàng.
“Thật là mãn nguyện làm sao!” chàng họa sĩ thở dài. “Như thế này thì còn tốt hơn là ăn cơm.” Rồi chàng nói với bà giúp việc, “Giờ thì cháu nhận ra nhà ta hiu quạnh thế nào rồi.”
“Cho phép lão có ý kiến,” bà giúp việc nói, “hay là chúng ta gọi con mèo này là May?”
Không hiểu sao cái tên này chỉ nhắc chàng họa sĩ nhớ đến tất cả những phiền muộn của chàng.
“Tên nào cũng được,” chàng nói, rồi đứng dậy và siết chặt thắt lưng quanh cái bụng đói meo của mình, “nhưng giờ thì bác mang nó vào bếp ngay đi, để nó khỏi làm vướng chân cháu.” Chàng mở miệng nói thì con mèo nhỏ đã đứng dậy và bước đi, nhẹ nhàng và ngoan ngoãn.