Số lần đọc/download: 1136 / 10
Cập nhật: 2015-07-10 14:38:12 +0700
Chương 2
H
ành trang sửa soạn vừa xong, anh An con sắp rời khỏi tỉnh lỵ, sắp lìa xa mái ấm gia đình, nơi mà bao năm nay, chưa lần nào anh sống cách xa đến tuần lễ.
Anh con ngồi đọc báo nơi phòng khách, nhưng chừng như anh chẳng đọc được gì, thỉnh thoảng mắt lại rời tờ báo, trải cái nhìn về phía trước mông lung. Anh như đang trốn chạy thực tại, trốn chạy những giây phút biệt ly mà con chắc anh không muốn bao giờ. Thực ra, con đường Biên Hoà Sàigòn có bao xa? Và thời gian hàng tuần lễ có gì là lâu lắm? Trọ học ở Sàigòn, cuối tuần, anh đều về tỉnh thăm nhà kia mà. Nhưng… tự dưng con nghe bồi hồi lạ. Tự dưng con thấy lo cho anh con. Mười tám năm sống trong mái nhà thân yêu, sống trong sự chở che của ba má, có những khi đau yếu, có những lúc giận dữ, có những nụ cười vui; bây giờ, một thân, một mình, anh đến ở một chỗ cách xa gia đình, bằng ba bốn mươi cây số, tự lo liệu tất cả, tự định đoạt tất cả, tự dạy dỗ mình, tự trừng phạt mình. Không còn ai để hỏi ý kiến khi cần, cũng không ai chia sớt buồn phiền, mệt nhọc hay chung niềm hớn hở, vui tươi. Con tưởng anh con như con chim non sắp lìa xa tổ ấm.
Ba má con lăng xăng dưới bếp. Ông bà nhất định giành lấy cái quyền sửa soạn bữa cơm tiễn anh con lên Sàigòn. Lũ em con, bốn đứa lóc nhóc xúm xít trên chiếc traction của bác Hiền, chiếc xe mà lát nữa đây sẽ đưa anh con đến một khung trời mới. Những đứa nhỏ thật vô tư, cười nói, đùa giỡn. Đứa ngồi trước vô lăng làm tài xế, đứa nhoài người ra giả làm lơ. Những tiếng máy nổ bằng miệng, tiếng mời khách, tiếng cười vui như đập vỡ bầu không gian im lặng nơi phòng khách.
Anh con chợt quay lại. Con bối rối với tay lấy cái phất trần vờ quét bụi, giấu anh rằng nãy giờ, con vẫn đứng tựa cửa nhìn anh mà nghĩ vẩn vơ. Anh con bỏ tờ báo xuống, bảo con:
- Ra ngồi chơi.
Anh cố lấy vẻ tự nhiên, nhưng càng cố, con càng thấy rõ hơn, anh như đang mất bình tĩnh. Anh chỉ chiếc ghế đơn, húng hắng lấy giọng:
- Tao sắp đi Sàigòn rồi. Chút nữa, sau khi cơm nước xong.
Con ngắt lời anh:
- Em chúc anh gặp mọi sự dễ dàng trên đó.
Anh con hơi phì má, nỗi ngạc nhiên thoáng vẻ hài hước mà cảm động. Anh bảo con:
- Lâu lắm, tao mới nghe mày nói được một câu dễ chịu.
Con mỉm cười. Anh con ngả người vào thành ghế, khoa hai tay, mặt ngước lên trần, nói trong tiếng cười khan:
- Tự dưng tao nhớ lại những lúc tao với mày cãi cọ nhau, từ nay anh em mình ít còn dịp như thế nữa…
Con cúi nhìn xuống tờ báo, những dòng chữ đen xậm nhảy múa dìu con vào bao hình ảnh xa xưa. Xa xưa, những hình ảnh cách nay hàng chục năm. Xa xưa, những kỷ niệm cách nay dăm năm. Xa xưa cả những gì mới xảy ra ngày hôm qua nữa. Cho đến những giây phút này, rồi khi anh con leo lên chiếc traction, cũng trở thành kỷ niệm xa xưa giữa hai anh em. Trong gia đình, cho tới bây giờ, con vẫn không hiểu tại sao con lại không được ba má thương yêu bằng anh An và các em con? Có lẽ trong sáu đứa con, con là đứa chịu nhiều thiệt thòi nhất trong khi anh An là người sung sướng hơn cả. Lạ một điều là đứa được ba má thương nhất và đứa bị ghét bỏ nhất lại thương nhau. Về phần anh con thì con không biết rõ, chứ phần con, con nghĩ rằng chính mặc cảm cô đơn đã kéo con lại gần anh con. Và không bao giờ muốn xa rời. Luôn luôn, trong những vụ cãi vã, con là người chịu thua. Chứ không, còn biết ai để con tâm sự?
Giọng anh con lơ đãng:
- Tao nghĩ giá anh em mình đừng có giận nhau lần nào hết thì hơn, Trân à.
- Sao vậy?
- … thì… nếu không giận nhau thì làm gì lúc này có chuyện để mình nhớ lại.
- Bộ anh không muốn nhớ lại những kỷ niệm xưa sao?
- Có lẽ! Tao thấy kỷ niệm như những sợi dây níu chân tao lại.
Anh con nói như một người viết văn. Thật lạ. Thật không giống với anh An ngày thường chút nào. Kỷ niệm như những sợi dây. Nhưng chắc chắn sợi dây chỉ trì kéo được hồn anh chứ không níu giữ được chân anh. Vì chắc chắn, anh sẽ lên Sàigòn. Chiều hôm qua, có lẽ anh đến đón con ở cổng trường từ lâu lắm. Lúc con ra đến nơi, con bắt gặp anh đang loay hoay với viên sỏi trong tay, khắc chữ An đậm nét nơi cổng trường. Con trêu anh: “An và gì nữa anh?”. Anh con cười không đáp. Anh ngước nhìn tấm bảng cũ với hai chữ Ngô Quyền đậm xanh vài nơi nứt nẻ vết sơn.
Tiếng anh con lại vang lên:
- Tao không đến đây từ giã thầy Bằng được, lúc nào gặp thầy, nói dùm tao một tiếng nghe.
- Để thứ năm.
- Còn gặp tụi Thủy, Hồng thường không?
- Hơi ít một chút, bây giờ khác lớp rồi còn gì.
Anh con bỗng thở dài:
- Phải chi năm rồi tao đừng rủ mày cùng hoạt động hiệu đoàn.
Con nhìn anh con đăm đăm. Từ sau khi được tin con rớt, lúc nào anh con cũng ân hận cho rằng tại anh rủ con hoạt động hiệu đoàn mà con thi hỏng.
- Nếu tao chịu bỏ chút thì giờ kèm thêm cho mày thì chắc kết quả đã đổi khác.
- Anh còn phải lo bài vở, em biết mà, chương trình 12 dài lê thê. Lại nữa, bao nhiêu công việc đằng trường, một tay anh lo lắng.
Giọng anh con ngập ngừng:
- Thi rớt, mày có trách gì tao không?
Con vân vê tà áo:
- Em đâu dám, tại em học kém.
Anh con chép miệng:
- Năm nay không có tao ở nhà, chắc mầy sẽ cực lắm.
Ngừng một chút anh tiếp:
- Tao nghe thầy nào đó nói có lẽ năm nay là năm cuối còn thi phần nhất. Cố mà giật cho được mảnh bằng. Mầy đậu, ba má vui, biết đâu nhờ vậy mà ông bà thương mầy hơn. Tao sắp đi, tao biết là mày sẽ cực, tao không yên lòng chút nào hết…
Nước mắt con rưng rưng. Con thấy thương anh con hơn bao giờ.
- Em hứa với anh năm nay em sẽ cố học.
Giọng anh con mơ màng:
- Cố năm nay rồi năm nữa, lấy xong cái toàn phần, thế nào tao cũng xin cho mày được lên đại học. Lên Sàigòn với tao, tha hồ mà tự do.
Con khẽ nói:
- Còn lâu lắm…
Anh con bỗng bật cười khan:
- Hay là thi đậu xong cái phần nhất, mày lấy chồng quách đi là thoát khỏi ông bà già…
Con đỏ mặt:
- Cái anh này…
Má con bưng mâm ra, ba con nối theo với nồi cơm. Anh con đứng lên đỡ nồi cơm. Con phụ một tay thu xếp bàn ăn ngay nơi phòng khách. Má con sai:
- Con Trân chạy sang mời bác Hiền coi.
Con dạ nhỏ rồi tiến ra trước cổng. Ngang chiếc traction, lũ em con bi bô:
- Đi cây Chàm không chị ba? Năm đồng thôi…
Con quay lại nạt chúng:
- Ba má dọn cơm ra rồi đó, không lo vào rửa tay chân đi, ăn đòn cả lũ bây giờ.
Cả lũ túa ra khỏi xe, cánh cửa xe bị đóng ập mạnh một tiếng ầm.
° ° °
Lên Sàigòn, mỗi tuần đều về nhà, vậy mà anh con làm y như sắp đi xa và lâu lắm. Anh dặn con liên hồi:
- Nhớ quét bụi tủ sách thường ngày cho tao nghe. Cặp vợt tao mới mua, giữ gìn cẩn thận một chút đó. Từ giã thầy Bằng dùm tao. Ủi sẵn cho tao bộ đồ để cuối tuần về tao có mà mặc…
Ba con đích thân đem va li ra xe và ân cần gởi gấm anh con với bác Hiền:
- Nhờ bác lo dùm cho thằng An tôi.
Bác Hiền vui vẻ đáp lời cho ba con yên tâm. Nhà bác có tiệm may trên Sàigòn, anh con sẽ trọ nơi một phòng nhỏ trong tiệm may đó. Điều kiện không có gì là khó khăn cả.
Anh An tần ngần mãi nơi ngưỡng cửa. Bước chân anh như bị níu lại. Bác Hiền đã lên xe, mở máy. Má con dục anh:
- Lên xe đi con, An. Bác đợi kìa.
Anh con bước khỏi hiên nhà. Con theo sau anh. Mấy đứa nhỏ đứng bên hông xe trố mắt nhìn. Anh con bỗng dừng bước, nhìn con:
- Nhớ những lời tao dặn không?
- Em nhớ.
- Năm nay lo học.
- Dạ.
- Và không hoạt động gì ở trường nữa.
- Dạ.
Lúc chiếc traction khuất hẳn, con mới quay vào nhà. Ba má và các em con ở cả nơi phòng khách. Nhưng con bỗng thấy trống trải lạ thường. Thiếu vắng lạ thường.
Má con:
- Con Trân ra sau giặt đồ đi. Có cả bộ quần áo của thằng An trong chậu đó, giặt thiệt sạch rồi ủi cho nó.
Con dạ rồi bước về phía bếp. Thật trống trải. Căn nhà vắng vẻ chẳng khác hồn con.