Số lần đọc/download: 6797 / 135
Cập nhật: 2014-12-19 03:36:53 +0700
Chương 2: Rừng Xuân
V
ào mùa săn thứ hai, tức là năm thứ ba sau khi Bim ra đời, Ivan Ivanưts cho nó làm quen với rừng. Đó là một chuyện hết sức lý thú đối với cả chó lẫn chủ.
Trên bãi cỏ và cánh đồng kia mọi cái đều thấy rõ ràng: khoảng rộng, ngọn cỏ, cây lúa, lúc nào cũng trông thấy bóng chủ, cứ lao như một con thoi sục sạo ngang dọc, tìm kiếm, phát hiện, khựng lại và đợi lệnh. Tuyệt! Còn ở trong rừng đây thì lại hoàn toàn khác hẳn.
Đầu mùa xuân.
Khi hai thầy trò đến đây lần đầu, trời chỉới hoàng hôn, nhưng giữa các hàng cây đã nhọ mặt người mặc dù bóng lá còn chưa hiện. Ở dưới thấp mọi vật đều sẫm màu: các thân cây, lớp lá màu nâu thuẫn của năm trước, các ngọn cỏ khô, và ngay cả đến những trái kim anh đỏ thắm của mùa thu cầm cự được qua mùa đông, giờ đây nom cũng cứ như những hạt cà phê vậy.
Cành lá khẽ xào xạc gió nhẹ, nghe lơ thơ và trần trụi: chúng như sờ soạng nhau, khi chạm nhau ở đầu cành, khi thì khẽ đụng nhau ở giữa cành: chúng còn sống không nhỉ? Ngọn cây khe khẽ lắc lư, - dù không lá, cây có vẻ vẫn còn sống. Muôn vật xào xạc huyền bí và ngào ngạt mùi hương: cả những cây kia, cả lớp lá dưới chân, mềm mại và quyện hương xuân của đất rừng, cả các bước chân của Ivan Ivanưts bước đi rón rén và êm ru. Đôi ủng của ông cũng xào xạc, và vết chân ông ở đây cũng sực mùi hơn ở ngoài đồng. Sau mỗi gốc cây lại có một cái gì mới lạ, bí hiểm. Chính vì vậy mà Bim không rời xa Ivan Ivanưts quá hai chục bước: nó chạy lên trước - tạt trái, tạt phải - rồi chạy trở lại, rồi nhìn mặt chủ, ý hỏi: "Ta sa vào đây để làm gì thế nhỉ?".
- Không biết để làm gì à? - Ivan Ivanưts đoán hiểu. - Rồi sẽ biết, Bim ạ rồi sẽ biết. Cứ đợi tí.
Hai thày trò cứ đi như thế, chốc chốc lại ngó nhìn nhau.
Rồi chợt hai thầy trò dừng lại ở một quãng rừng thưa rộng, nơi có hai con đường mòn gặp nhau, một ngã tư tỏa ra bốn phía, Ivan Ivanưts đứng vào sau một bụi phi tứ, mặt quay về hướng đó, cố hết sức để hiểu xem cần phát hiện ra cái gì ở quãng ấy.
Trên cao thì sáng nhưng ở đây, phía dưới này, thì mỗi lúc một tối xẩm. Có ai đó sột soạt đâu đây, rồiặng. Lại sột soạt rồi lại lặng. Bim đứng sát vào chân chủ, ý hỏi: "Cái gì thế? Ai đấy nhỉ? Ta đi xem tí chăng?".
- Thỏ, - chủ nói gần như không thành tiếng. - Tốt lắm, Bim ạ. Tốt. Thỏ. Để cho nó chạy.
Được rồi, ông ấy bảo "tốt", vậy có nghĩa là mọi việc ổn cả. "Thỏ" thì cũng hiểu thôi: nhiều lần rồi, khi Bim chạm trán với một vết chân thú, nó đã nghe nhắc đến tiếng ấy. Và một lần nó đã trông thấy chính cái con thỏ ấy nữa, nó đã cố đuổi bắt, nhưng lại xơi một cú cảnh cáo nghiêm khắc và bị phạt. Không được mà!
Vậy là ngay gần đây thôi, một chú thỏ đang sột soạt. Rồi sau đó thì thế nào?
Bỗng trên cao, có ai đó, không trông thấy và chưa từng thấy, cất tiếng kêu: "Kho-kho!... Kho-kho!... Kho-kho!...". Đây là lần đầu tiên Bim nghe thấy như vậy, và nó giật thót mình. Chủ nó cũng vậy. Cả hai đưa mắt nhìn lên cao, chú mục lên cao thôi... Bất thình lình, trên nền trời hoàng hôn đỏ tím, một bóng chim hiện ra bay dọc theo con đường rừng. Nó bay thẳng về phía hai thầy trò, thỉnh thoảng lại kêu lên, nghe như không phải là chim, mà là một con thú rừng, vừa bay vừa kêu. Nhưng dù sao đó vẫn là một con chim. Nó nom to, cánh vỗ im re (không phải chim cút, gà gô hay vịt giời). Tóm lại là cái con chưa từng biết kia đang bay trên cao. Ivan Ivanưts giương súng lên. Bim, như theo lệnh, nằm bẹp xuống, mắt không rời bóng chim... Trong rừng tiếng nổ nghe to và vang dội như Bim chưa bao giờ từng thây. Tiếng vang lan đi qua rừng và lịm dần mãi tít xa xa.
Con chim rơi xuống bụi rậm, nhưng hai thầy trò chả mấy chốc đã tìm ra. Ivan Ivanưts đặt nó xuống trước mặt Bim, nói:
- Làm quen đi, chú mình: Dẽ giunà nhắc lại lần nữa: Dẽ giun.
Bim ngửi ngửi, đưa chân chạm vào cái mỏ dài, mình khẽ rùng rùng và hai chân trước nghí ngoáy, ra ý ngạc nhiên. Chắc hắn nó đang nghĩ bụng thế này: "Cái kiểu mũi thế kia, mình chư-ư-ưa từng thấy. Nhưng đúng là cái mu-u-ũi thật mà!".
Rừng khẽ xào xạc, và lặng dần, lặng dần.
Rồi ắng hẳn, dường như tức thì, tưởng đâu có kẻ vô hình nào đó đã xõa đôi cánh mênh mông lên cây rừng để kết thúc: thôi, không lào xào nữa. Cành lá im phăng phắc, cây cối như ngủ thiếp đi, chỉ thỉnh thoảng khẽ rùng mình trong bóng xâm xẩm.
Ba con dẽ giun nữa bay qua, nhưng Ivan Ivanưts không bắn. Tuy con cuối cùng thì không trông thấy nữa trong đêm tối mà chỉ nghe thấy tiếng nó thôi, nhưng Bim vẫn thắc mắc: thế những con còn trông thấy rõ, sao ông bạn nó lại không bắn? Chuyện ấy làm Bim áy náy không yên. Còn lvan Ivanưts thì hoặc là chỉ ngước nhìn lên cao, hoặc cúi đầu lắng nghe cái tịch mịch. Cả hai đều lặng thinh.
Đây chính là lúc không nên hé răng nói một lời, - người đã thế và chó lại càng phải thế! Chỉ đến phút cuối cùng, trước khi ra về, Ivan Ivanưts mới cất tiếng:
- Tốt lắm, Bim ơi! Cuộc sống lại bắt đầu. Xuân.
Nghe giọng, Bim hiểu rằng ông bạn nó trong lòng đang khoan khoái. Và nó rúc mõm vào đầu gối ông, ngoe nguẩy đuôi: "Đúng là tốt rồi, khỏi nói!".
Lần thứ hai hai thầy trò tới đây vào một buổi sáng muồn muộn, nhưng lần này không mang súng.
chồi bạch dương tròn mọng thơm phức, hương vị đậm nồng của rễ cây, những tia ngan ngát toát ra từ những mầm cỏ mới nhú, tất cả những cái đó đều mới mẻ và xúc động lạ thường.
Ánh dương xuyên suốt rừng trừ đám rừng thông ra, và ngay cả đám này nữa đây đó cũng bị các tia nắng vàng xuyên cắt và tĩnh mịch. Điều quan trọng nhất là tĩnh mịch. Cái tĩnh mịch của buổi sớm mùa xuân trong rừng sao mà dễ chịu!
Lần này Bim đã bạo hơn: mọi vật trông rõ mồn một (chứ không như lần nào lần mò trong bóng tối). Và nó chạy lăng xăng trong rừng thỏa thích, tuy vẫn không để mất hút chủ. Mọi cái đều tuyệt diệu.
Cuối cùng Bim bắt gặp được một thoáng mùi dẽ giun. Nó kéo căng ra. Và đứng khựng lại một cách cổ điển. Ivan lvanuts giục nó “Tiến lên!” nhưng bắn thì trong tay ông có gì để bắn đâu. Ông lại còn lệnh cho nó nằm xuống nữa, đúng phép như mỗi lần chim bay vù lên. Không còn hiểu ra thế nào nữa: chủ nó có trông thấy hay không? Bim liếc mắt nhìn ông cho đến lúc nó khẳng định được: ông ấy có thấy.
Tới con dẽ giun thứ hai mọi sự lại diễn ra y như thế. Lần này Bim không đừng được biểu lộ một vẻ na ná như bất mãn: một cái nhìn lo ngại, kiểu chạy lảng sang bên, thậm chí một ý đồ bất tuân thượng lệnh, - tóm lại là sự bất mãn của nó đã cao độ và tìm một chỗ xì ra. Chính vì thế mà Bim đã chạy đuổi theo con dẽ giun vừa bay vù đi, đây đã là con thứ ba, hệt như một chú chó nhà bình thường vậy. Nhưng đuổi theo dẽ giun thì chẳng được mấy nả: nó thấp thoáng trong cành lá, rồi mất tăm. Bim quay trở lại trong lòng hậm hực, đã thế lại còn bị phạt nữa. Thế thì thôi, nó nằm lánh sang bên, và thở dài sườn sượt (giống chó làm cái trò ấy thì thạo l
Tất cả những cái đó còn có thế chịu đựng được, nếu như không tiếp thêm một sự xúc phạm khác. Lần này Bim đã phát hiện thấy thêm một khuyết tật mới nữa của chủ: cái mũi đánh hơi sai, chưa kể cái mũi điếc, thế cơ chứ... Đầu đuôi là thế này.
Ivan Ivanưts dừng lại và nhìn, nhìn ngang nhìn ngửa, và hít hít đánh hơi (đánh hơi cái gì). Rồi ông đi tới một gốc cây, ngồi xuống và đưa một ngón tay khẽ khàng vuốt vuốt một bông hoa nhỏ, nhỏ tí xíu (đối với Ivan Ivanưts bông hoa ấy hầu như không có mùi gì, nhưng đối vơi Bim thì nó thối không chịu được). Bông hoa ấy đối với nó nghĩa lý quái gì? Nhưng chủ nó lại cứ ngồi đó, mỉm cười. Bim tất nhiên làm ra vẻ nó cũng thấy hay hay, nhưng đó chẳng qua chỉ thuần tuy là vì tôn trọng cá tính thôi, chứ thực ra thì nó khá ngạc nhiên.
- Nom này, nom đây này, Bim! - Ivan Ivanưts thốt lên và ghé mũi con chó vào bông hoa nhỏ.
Thế này thì Bim không chịu nổi nữa, - nó ngoảnh đi. Rồi nó lảng luôn, đi ra nằm ở đống rừng thưa, tất cả bộ dạng nói lên một ý: “Hoa của ông, ông cứ việc ngửi!”. Sự bất đồng đòi hỏi phải được biện giải với nhau không chậm trễ, nhưng chủ lại cười vào mũi Bim một cái cười sung sướng. Và cái đó đến là khó chịu. “Cười cả mình nữa!".
Và ông lại quay sang nói với bông hoa:
- Chào bông hoa đầu mùa!
Bim hiểu không sai: "chào" đây không phải là nói với nó.
Lòng ghen tuông đã len lỏi vào trong tâm hồn con chó, nếu như có thể nói như vậy, kết quả là thế đó. Mặc dù về đến nhà hai bên dường như đã làm lành với nhau, nhưng cái ngày hôm ấy xảy đến với Bim thật là đen đủi: có mồi, lại không bắn, nó phải đích thân đuổi theo chim, lại trừng phạt nó, đã thế lại cái bông hoa ranh kia nữa. Phải, thì ra đã là chó thì chẳng thoát nổi cái cuộc sống kiểu chó, bởi vì nó phải sống trong sự trói buộc của ba “điều lệnh”:..Không được", “Lùi lại", "Tốt".
Có điều là cả Bim, cả Ivan Ivanưts, đều không hiểu rằng sẽ có lúc, nếu như họ nhớ lại, họ sẽ cảm thấy rằng cái ngày hôm nay thật là một ngày vô cùng hạnh phúc.
Nhật ký của chủ
Trong cánh rừng mệt mỏi sau một mùa đông ác nghiệt, khi các mầm non bừng dậy còn chưa xòe rộ, khi những cái gốc đau khổ của những cây bị chặt trong dịp mùa đông còn chưa đâm chồi nhưng đã ứa nhựa, khi lá rụng nâu nâu đang nằm xếp lên thành tầng thành lớp, khi những cành trụi còn chưa rì rào mà chỉ khẽ đụng vào nhau thì bỗng thoảng đến một mùi hương hoa điểm tuyết! Chỉ hơi thoang thoảng thôi, nhưng đó là mùi của cuộc sống đã hồi tỉnh, và chính vì thế mà nó rạo rực tươi vui, mặc dầu khó cảm thấy nó. Tôi nhìn quanh, - té ra là nó ngay bên cạnh. Dưới đất có một bông hoa điểm tuyết, một giọt trời xanh nhỏ xíu, vị sứ giả vô cùng giản dị và cởi mở của niềm vui và hạnh phúc cho những ai đứng với nó và với tới nó. Nhưng lúc này đây thì đối với ai cũng vậy, kể cả người hạnh phúc lẫn kẻ bất hạnh, nó là cái trang điểm cho cuộc sống.
Thì ngay trong chúng ta đây, những con người, cũng là như vậy: có những người khốn nhũn nhặn có trái tim trong sáng, những con người “tầm thường" và“nhỏ bé" nhưng lại có tâm hồn cao cả. Chính họ cũng tô điểm cho cuộc sống, đem nhập vào mình tất cả những cái gì tốt đẹp nhất có trong nhân loại: lòng tốt, sự giản dị, niềm tin yêu. Chính vì vậy mà bông hoa điểm tuyết nom như một giọt trời xanh trên mặt đất... Và vài hôm sau (tức là hôm qua) tôi và Bim lại đến đúng cái chỗ ấy. Giờ đây trời đã rắc xuống khu rừng hàng ngàn giọt xanh biếc. Tôi tìm quanh: nó đâu rồi nhỉ, cái bông hoa nở sớm nhất, cái bông hoa quả cảm nhất kia? Hình như nó đây rồi. Có phải không nhỉ? Chẳng rõ. Hoa nhiều quá nên bây giờ thì chẳng thấy được nó, chẳng tìm ra nó: nó đã chìm giữa những bông hoa nở sau nó, hòa lẫn với nó. Vậy là nó bé nhỏ như thế nhưng anh hùng, thầm lặng như thế nhưng thật là kiên gan cho nên hình như cơn gió cuối cùng chính là đã sợ nó, đầu hàng nó khi vào một buổi sớm tinh mơ, đem quảng lá cờ trắng trận sương muối cuối cùng xuống bìa rừng.
Cuộc sống cứ đi lên.
… Nhưng Bim đâu có khả năng hiểu được tí gì về những điều ấy. Thậm chí lần thứ nhất nó đã tự ái, đã ghen. Vả lại khi hoa đã nhiều rồi, nó cũng đâu có buồn để ý đến hoa. Tập săn mà như nó thế thì xoàng: không có súng nó đã bối rối. Tôi và nó ở hai trình độ phát triển khác nhau nhưng lại rất, rất gần nhau. Tạo hóa tạo ra vạn vật theo một quy luật vững bền: sự cần thiết của cái này đối với cái kia; bắt đầu ở những sự vật đơn giản nhất và kết thúc ở sự sống đã phát triển cao, đâu đâu cũng là quy luật ấy cả…
Liệu tôi có chịu đựng nồi cảnh cô đơn đến là ghê gớm này không nếu như không có Bim?
Cô ấy cần thiết cho tôi biết đến chừng nào! Cô ấy cũng thích hoa điểm tuyết. Quá khứ như một giấc mơ...Thế cái hiện tại, nó không phải một giấc mơ hay sao? Không phải giấc mơ sao, cái khu rừng xuân ngày hôm qua với chấm xanh lam trên mặt đất? Chứ còn gì nữa: những giấc mơ xanh là một phương thuốc tiên, dù chỉ có tính chất tạm thời. Tất nhiên là tạm thời thôi. Bởi vì nếu như cả các nhà văn nữa cũng lại chỉ tuyên truyền cho những giấc mơ xanh và lánh xa màu xám thì nhân loại sẽ thôi không lo lắng cho tương lai nữa, tưởng rằng hiện tại là vĩnh cửu, là tương lai. Sự không thoát khỏi thời gian, cái mệnh trời ấy chính là thể hiện ở chỗ hiện tại phải trở thành quá khứ mà thôi. Con người đâu có quyền ra lệnh: "Mặt trời kia, đứng lại!". Thời gian không dừng lại, không cản nổi và không thương xót. Mọi vật tồn tại trong thời gian và trong sự vận động. Và kẻ nào chỉ đi tìm sự yên tĩnh bất di bất dịch màu xanh, kẻ đó đã hoàn toàn thuộc về quá khứ, dù cho anh ta trẻ mãi không già hay đã già cốc đế - tuổi tác không có ý nghĩa gì cả. Màu xanh có tiếng nói riêng của nó, nó vang lên như là sự yên ổn, sự quên lãng, nhưng chỉ là cái tạm thời, hoàn toàn chỉ để nghỉ ngơi; những giây phút ấy không nên để lỡ bao giờ.
Tôi mà là nhà văn, nhất định tôi sẽ kêu gọi như sau:
“Hỡi con Người đang trăn trở! Vinh quang đời đời cho Người đang suy nghĩ và đau khổ cho tương lai! Nếu anh muốn để tâm hồn nghỉ ngơi chốc lát thì đầu xuân hãy vào rừng tìm hoa điểm tuyết, anh sẽ được thấy giấc mơ đẹp đẽ của thực tại. Đi mau lên: vài hôm nữa hoa điểm tuyết có thể cũng sẽ chẳng còn nữa, và anh sẽ chẳng biết đâu để mà nhớ lại cái cảnh thần tiên mà thiên nhiên tặng cho anh. Hãy đi đi, hãy nghỉ ngơi. Dân gian thường nói: hoa điểm tuyết là bông hoa đem lại may mắn".
Trong khi đó Bim cựa mình. Nó nằm mơ: chân nó ngó ngoáy - nó đang chạy trong mơ. Những bông hoa điểm tuyết xanh ng chỉ thấy xám ngoét (thị giác của giống chó được tác thành như thế mà). Thiên nhiên đã tạo ra chúng dường như là những kẻ bôi đen hiện thực. Cứ thử thuyết phục anh bạn nhỏ kia nhìn theo quan điểm của người mà xem. Dù có chặt đầu nó, nó cũng vẫn cứ nhìn theo cách của mình. Một con chó hoàn toàn độc lập tự chủ.