Nguyên tác: Terre Des Hommes
Số lần đọc/download: 3388 / 94
Cập nhật: 2015-11-04 11:25:00 +0700
Chương 2
BẠN ĐỒNG NGHIỆP
1
Vài người bạn anh em, có Mermoz trong đó, đã thiết lập con đường Pháp từ Casablanca tới Dakar, xuyên qua Sahara chưa quy phục. Máy thời đó không vững chắc, một lần máy hỏng, Mermoz lọt vào tay người Maures; họ do dự không giết anh, cầm tù anh mười lăm hôm, rồi cho chuộc tiền. Mermoz thoát nạn, lại tiếp tục lái máy bay thư tín ngang qua những khu vực cũ.
Khi con đường hàng không Mỹ mở ra, Mermoz luôn luôn tiên phong, được giao phó việc nghiên cứu quãng đường từ Buenos-Aires tới Santiago, và con đường vượt Sahara, anh còn phải thiết lập một đường bay ngang dãy Andes. Người ta giao anh sử dụng một phi cơ chỉ bay tới độ cao năm ngàn hai trăm thước. Nhưng những ngọn Codilère lại cao tới bảy ngàn thước. Và cất cánh bay tìm những khoảng thấp khả dĩ cho phép phi cơ băng qua. Sau những ngày dạn dày sinh tử với cát, giờ tới lượt Mermoz phải liều thân thi gan với núi, với những mõm nhọn tung từng đợt tuyết trong gió bay, với những bóng mờ cảnh vật trước lúc bão giông, với những cơn lốc cuốn cờ ác liệt thổi cuồng giữa hai vách tường non giáp trĩ, đụng độ một lần, là một lần rút dao nhọn xáp lá cà thập tử nhất sinh.
Mermoz hồn nhiên lao mình vào những trận đấu ấy, chả cần biết chút gì về phía địch, chả cần ngẫm lại xem con người còn có thể sống còn, sau cuộc siết, cơn ôm.
Mermoz chỉ biết thử dọn đường giùm kẻ khác.
Rồi một bận, vì mê mải dọn đường giùm, chàng bất chợt thấy mình làm tên tù cho dãy Andes vây hãm.
Hạ cánh trên một vùng cao bốn nghìn thước, bốn mặt tứ vi là thành đá dựng, suốt hai ngày liền, anh và người thợ máy cố tìm lối thoát thân. Nhưng vô hiệu. Mọi nẻo bí đường. Chỉ còn liều ván chót với rủi may chơi cái nước “nhứt chín nhì bù” với ngẫu nhĩ, thử lao phi cơ vào khoảng trống, cứ cho nó lăn trên mặt đất gồ ghề, lướt tới vực sâu mà lao bừa xuống. Trong cơn lông lốc đó, phi cơ đạt tốc độ đủ để tuân theo tay lái điều khiển. Mermoz liền lật ngược hướng phi cơ lên đối diện với một mõm núi nhô, chạm vào, lướt qua, và bao nhiêu nước chảy ra đầy ứ các ống dẫn, phi cơ sau bảy phút bay đã trở lại làm nủng, nguy rồi, thì bỗng nhiên trước mắt Mermoz cánh đồng Chili dàn rộng dưới kia, man mác như bờ cõi Thiên đường.
Qua ngày hôm sau, Mermoz lại xoay chiều trở lại, khởi sự lần nữa liều lĩnh vẫy vùng.
Lúc dãy Andes đã hoàn toàn chịu khuất phục, khi những cồn cao, mô thấp đã được lướt qua, điểm lại, kỹ thuật của chữ, của nghề, trong ngoài bảy tám, đã nắm vững tỏ tường, thì Mermoz liền đem giao lại quãng đường tròn trịa trơn tru cho bạn Guillaumet, rồi lo tới việc khai phá lối đi những hoa nguyệt não nùng trong cách điệu bay đêm.
Những trạm hàng không thuở ấy chưa tổ chức hoàn hảo cách đốt đèn soi tỏ lối đi nẻo về cho lữ khách đi đêm, và ở các phi cảng u u, lúc khách biên đình Mermoz ghé lại, thường chỉ thấy lơ láo vài ngọn lửa xăng gầy guộc đón người.
Tuy vậy, người vẫn chu toàn cho cuộc, và mở được con đường cho êm dịu giao hoan.
Lúc bờ cõi bóng đêm đã hoàn toàn quy thuận, Mermoz lại giũ áo lên đường ra biển gạ gẫm với trùng khơi. Nhờ đó mà lần đầu tiên năm 1931, thư tín đã dập dìu được chuyên chở trong bốn ngày, bay rộng cánh từ Toulouse tới Buenos-Aires. Chuyến trở về lần nọ, Mermoz bị hết xăng giữa Nam Đại Tây Dương, đành hạ cánh trên dặm khơi dậy sóng. Một con tàu thủy đến cứu anh, cứu bạn đồng đội, và thư tín vẹn toàn.
Thế đó, Mermoz đã lần lượt khai phá từ sa mạc, tới núi non, từ đêm tăm tới biển lộng. Hơn một lần rơi trên cát, trên non, trong bóng đêm và trên mặt biển. Và mỗi lúc thoát hiểm quay về, là mãi mãi để trở lại ra đi.
Sau mười hai năm nghề nghiệp ngang dọc, một lần nữa anh lại vượt qua Nam Đại Tây Dương, rồi một tin điển vắn vủn đánh về, báo cho anh em hay rằng anh bị hỏng máy ở tay phải, phía sau. Rồi thôi, chỉ còn lặng lẽ.
Cái tin nghe không có gì đáng ngại, nhưng sau mười phút im lặng, tất cả các đài vô tuyến trên đường từ Paris tới Buenos-Aires cùng khởi sự ngóng tìm, khắc khoải. Bởi vì nếu trong cuộc sống hằng ngày, mười phút chậm trễ chẳng có nghĩa mấy thì ở đây, đối với chiếc phi cơ thư tín, mười phút trễ tràng mang một ý nghĩa trầm trọng vô song. Ở giữa lòng khoảng thời gian lặng câm vắn vủn nọ, có khép tròn một biến cố, cho tới bây giờ không ai rõ sự việc xảy ra sao. Dù không đâu, dù thê thảm, biến cố kia cũng đã xảy ra rồi. Đã đi vào quá vãng. Định mệnh đã đưa lời phán quyết bất khả vãn hồi: một bàn tay sắt đã buộc đội phi hành hạ cách xuống biển, hoặc chẳng hề gì, hoặc chịu tan hoang. Nhưng bản án kia không tuyên bố ra cho những kẻ chờ mong được biết.
Ai trong chúng ta chẳng từng rõ những hy vọng cứ mong manh dần, cái lặng lẽ câm nín cứ trầm trọng từng phút từng giây, như một cơn bệnh hãi hùng. Chúng ta hy vọng, nhưng giờ khắc trôi, và tới lúc thôi thế! Mọi sự muộn cả rồi. Những bạn hữu đã đi, đã không về được nữa, đã đành yên nghỉ thiên thu trong lòng biển khơi một Nam Đại Tây Dương kia đã bao lần ngẩng mặt nhìn ai trên trời cao vạch đường ngang lối dọc. Mermoz hẳn đã nằm giấu thân ở trong vòng sự nghiệp, giống như người thợ gặt kết bó xong xuôi lượm lúa, ngả người nằm xuống ngủ giữa đồng.
Mỗi lần một bạn hữu tử nạn theo lối đó, cái chết của anh thoạt xem ra cũng chỉ là một chuyện thường tình, trong vòng nghề nghiệp; và thoạt tiên, có lẽ không xui lòng ta khó chịu bằng một cái lối chết khác. Vâng, anh bạn đã ra đi, xa dời mất tích, anh đã chịu đón nhận sự biến thể cuối cùng của trạm nghỉ nghịch lữ nhân gian; nhưng sự hiện diện của anh từ đây vắng thiếu, dẫu sao cũng chưa làm ta não lòng trong sâu thẳm tâm linh bằng sự thiết thân thiếu cơm thiếu áo. Có lẽ… vâng…
Vì chúng ta vốn sống trong thói quen chờ mong lâu ngày những tao ngộ. Nhưng vì những bạn hữu dặm dài, ở rải rác khắp nơi, từ Paris tới Santiago xứ Chili, biệt lập nhau có phần như những người lính canh không cùng nhau hỏi chuyện. Cần trận ngẫu nhĩ những cuộc viễn du, mới bất ngờ tụ họp đâu đó những phần tử rải rác của đại gia đình nghề nghiệp. Quanh chiếc bàn ăn một chiều tối, tại Casablanca, tại Dakar, tại Buenos-Aires, hằng hằng những năm tròn im lặng, người ta khơi trở dậy những câu chuyện bỏ dở ngày xưa, người ta thắt trở lại những mối dây ràng buộc mình vào trong những kỷ niệm. Rồi lại ra đi. Mặt đất tròn té ra kể ra cũng là vừa hoang tiêu vừa phong phú. Phong phú vì những khu vườn ẩn kín, giấu thân, khó lui vào mà viếng, mà vẫn luôn luôn nằm đợi đó chờ lúc nghề nghiệp sẽ luôn luôn còn cơ hội dắt dẫn ta về, một chiều xuân dâng, một thu hồng tạ. Các bạn hữu, xa ta vì đời xô đẩy, xa ta vì cuộc sống không cho phép ta nghĩ tới họ nhiều, nhưng họ vẫn còn ở tại một nơi nào đó chẳng biết, lặng lẽ và bị lãng quên, nhưng xiết bao trung thành chung thủy! Và nếu trên đường đi chợt gặp, họ còn nắm lấy vai ta lắc mạnh, vồ vập vui mừng! Vâng, vâng, quả thế, chúng ta quen mong đợi chầy ngày…
Nhưng dần dà chợt thấy rằng cái tiếng cười trong trẻo của kẻ kia không bao giờ ta nghe trở lại nữa, ta chợt thấy rằng khu vườn êm dịu nọ sẽ muôn đời là vườn cấm với ta. Tới lúc bấy giờ, mối đau lòng mới trỗi dậy niềm tang tóc thật sự mới khởi đầu. Không da diết, đoạn trường, nhưng pha mùi chát chát.
Thật vậy, không có gì thay thế nổi người bạn đường đã bỏ đi. Người ta không tự tạo được cho mình những bạn già thân ái. Không có gì sánh kịp cái kho tàng những kỉ niệm chia nhau, những ngày giờ cùng chung hoạn nạn, những cằn nhằn gây gổ, những thành thật giải hòa, những chân tình ở trong nhịp tim máu. Mất đi, làm sao tạo ra trở lại. Trồng một cây sồi, cây phong, cây bồ đề, và mong sắp được nằm mơ dưới bóng lá nay mai, đó là ảo mộng.
Đời vốn đi như thế. Ban đầu vào cuộc sống, chúng ta giàu, giàu nhiều, giàu nữa; trong bao năm, chúng ta trồng cây, tỉa hột, nhưng ngày tháng trôi, năm sầu lại: thời gian phá vỡ mất công trình; cây rừng bị chặt; bạn hữu từng người rơi rụng mất. Bóng tùng quân nghìn tầm xiêu đổ, cái con người trơ trụi sẽ còn nghe rõ trong hoang lieu mối ngậm ngùi xuân xanh xa mất.
Đó là bài học của Mermoz và những bạn khác đã dạy tôi. Sự cao quý của một nghề có lẽ trước tiên là: kết hợp con người lại; chỉ một điều hòa hoa quý trọng, ấy là tình bạn trong giao tế trần gian.
Nếu làm việc chỉ nhằm riêng những mục đích vật chất, chúng ta sẽ tự xây tù ngục cho mình. Chúng ta khép mình cô đơn trong đó, với những đống tiền, đống bạc tàn lụi như tro than, chẳng thể nào mang lại chút sinh thú nào có nghĩa cho sự sống.
Nếu tôi tìm lại trong kỷ niệm mình những hình ảnh nào ghi tạc sâu xa, nếu tôi dò tính lại những ngày giờ nào đáng kể, thì chắc chắn rằng tôi sẽ tìm thấy được những gì không một thứ tiền của nào tạo nổi. Người ta không thể mua được những tình bạn Mermoz, của một bạn đường mà riêng những giờ kham khổ sống chung đã gắn chặt họ vào đời ta mãi mãi.
Cái đêm bay ngày nọ, với những tinh tú trên trời, cái niềm thanh thản trong vương quyền chúa tể bát ngát vài giờ, làm sao đem bạc tiền mà mua cho được.
Cái hình sắc tân kỳ của cõi sống hiện ra sau dặm đường trắc trở, những cây cối kia, những hoa lá nọ, những thân hình phụ nữ với những nụ cười tươi mát nồng thắm yêu đời, cái cuộc đời vừa được trao lại chúng tôi vào lúc sương hồng mai sớm, bản hòa âm dìu dặt của hằng hằng sự vật nhỏ nhoi đương trao chúng tôi một phần thưởng, một tặng vật vô song, bạc tiền không mua được.
Và không mua được cái đêm sống giữa những người không đề huề giao hảo tôi còn nhớ lại bữa nay.
Chúng tôi gồm ba đội phi cơ của hãng Aéropostale chịu bí lối tại bờ Rio de Oro, lúc trời sắp tối. Anh bạn Riguelle hạ cánh trước hết, vì gãy trục; một bạn khác, Bourgat, bay đến để đón phi đội Riguelle về, nhưng máy anh cũng bị hỏng luôn. Tuy hỏng nhẹ, nhưng cũng đủ gắn chặt anh tại mặt đất. Tôi đến sau cùng nhưng vừa hạ cánh, thì trời vừa tối. Chúng tôi quyết định phải cứu phi cơ anh Bourgat, và muốn nên việc, phải đành chờ mai sáng.
Một năm trước, hai bạn Gourp và Erable hỏng máy tại đây, bị bọn người phiến loạn giết chết. Chúng tôi biết rằng ngày nay bọn phiến loạn tụ tập được ba trăm tay súng đang đóng trại gần xa đây đó tại Bojador. Ba lần hạ cánh xuống đây, tất từ xa chúng tôi đã bị họ trông thấy, và có lẽ đêm nay là đêm cuối cùng chúng tôi thức cũng nên.
Chúng tôi sắp đặt cẩn thận để qua đêm. Chúng tôi mang năm, sáu thùng chứa hàng xuống, trút bỏ hàng ra rồi xếp các thùng trống thành vòng tròn, và trong mỗi đáy thùng, chúng tôi thắp một ngọn nến nhỏ, giống như thắp ở đáy chòi lính canh. Gió thổi qua vẫn làm cho lay lắt. Giữa lòng sa mạc, trên lớp vỏ trơ trụi của địa cầu, chúng tôi đã thiết lập một khu làng, giữa sự cô tịch giống thuở sơ khai vắng vẻ.
Tụ họp nghỉ qua đêm nơi địa điểm lớn rộng khu làng nọ, nơi dãi đất cát với những ánh lửa nến leo lét, chúng tôi chờ đợi. Chúng tôi chờ đợi. Chúng tôi chờ đợi, chờ đợi bình minh, hoặc chờ đợi người Maures đến. Tôi không hiểu vì đâu cái đêm đó lại phảng phất hương vị một đêm Noel. Chúng tôi kể cho nhau nghe những kỷ niệm, chúng tôi nô đùa, chúng tôi ca hát.
Chúng tôi đã hưởng được chính cái mùi hương ôn nhiệt thiêng liêng nhè nhẹ phảng phất giữa lòng một buổi lễ phong phú vui tươi. Ấy thế, nhưng thật ra chúng tôi nghèo vô hạn. Nào có gì đâu. Gió, cát và sao trên trời. Đúng là thể điệu khắc khổ của kẻ tu hành. Nhưng trên thảm cát ánh sáng lờ mờ kia, sáu bảy người với những bàn tay trắng, đã chia nhau không biết bao nhiêu của quý vô hình.
Vâng, chúng tôi đã gặp trở lại nhau rồi. Trong bao lâu, người ta bước đi sát cánh nhau, nhưng mỗi người im lìm mỗi cõi, có nói cũng chỉ nói những tiếng vu vơ. Nhưng giờ đây, hiểm họa đến. Vai kề vai chung gánh. Ta chợt thấy mình cùng nhau ở chung một đoàn thể. Hồn mở rộng do khám phá những hồn khác bên mình. Nhìn nhau môi cười rộng rãi. Như tên tù nọ được giải phóng đương ngây ngất nhìn mặt biển bao la.
2
Guillaumet, tôi xin nói đôi lời về anh, nhưng sẽ không làm phiền anh mà vụng về nhắc mãi tới lòng can trường hoặc tài năng nghề nghiệp của anh. Tôi sẽ nói tới những gì khác kia, khi kể lại cuộc phiêu liêu đẹp nhất của anh.
Có một đức tính không tên. Gọi là tính “trang trọng”, có lẽ cũng được, nhưng chưa đủ. Vì đức tính này còn có thể đi đôi với sự tươi cười hồn nhiên vui hứng nữa. Chính đó cũng là đức tính của anh thợ làm sườn nhà, lúc anh ngồi trước mảnh gỗ như ngồi trước một người bạn đồng đẳng, ngang vai, rồi anh sờ mó, nắn nót, ước độ chiều dọc chiều ngang, anh không đối xử nó theo lối khinh bạc, anh thu hết khả năng, tài sức của mình ra sử dụng.
Guillaumet ạ, trước đây tôi có đọc một câu chuyện người ta kể về anh để ca tụng chuyện phiêu lưu mạo hiểm của anh, và tôi thấy cần phải đính chính lại cái hình ảnh lệch lạc về anh đó. Trong câu chuyện ấy, người ta thấy anh bướng bỉnh tung nhiều câu nói có điệu “ba gai”, tuồng như người ta tưởng lòng can trường là phải biết hạ mình chế giễu nhau theo lối nhạo báng của học sinh nghịch ngợm. Người ta không hiểu anh, Guillaumet ạ. Nhạo báng những địch thủ của anh, trước khi đương đầu với họ, đó là điều anh thấy không cần thiết gì hết. Đối diện một cơn giông bão, anh nhận xét: “Đây là một cơn giông bão”. Anh chấp thuận nó, anh ước độ lực lượng của nó.
Tôi xin đưa ra đây những kỷ niệm của mình để làm chứng cho anh.
Suốt năm mươi giờ đồng hồ, anh biệt tích, trong một mùa đông, nhân một chuyến bay qua dãy núi Andes. Từ Patagonie về, tôi vội vã theo phi công Deley đi Mendoza. Suốt năm ngày liền, hai chúng tôi bay sục sạo khắp vùng núi non trùng điệp, mà chẳng tìm thấy gì cả. Hai chiếc phi cơ không thể đủ được. Chúng tôi tưởng rằng một trăm đội phi cơ, bay suốt một trăm năm, vị tất đã bay hết các ngõ ngách mà sưu tầm đầy đủ trong các dãy núi khổng lồ này, với những ngọn cao tới bảy nghìn thước. Chúng tôi mất hết hy vọng. Bọn cướp buôn lậu tại vùng này, gan lì dữ tợn là thế, chỉ đưa cho năm quan tiền là khiến chúng giết người như ngóe, thế mà chúng đã từ nan không chịu mạo hiểm làm đoàn cứu trợ, dấn thân vào những triền núi chênh vênh này. Chúng bảo: “Chúng tôi sẽ mất mạng. Dãy Andes mùa đông không thả một ai về.” Lúc Deley và tôi hạ cánh tại Santiago, các sĩ quan người Chili cũng khuyên chúng tôi nên đình chỉ việc tìm kiếm. “Bây giờ là mùa đông. Người bạn của các anh rớt xuống núi cho dẫu có may mắn khỏi giập thân, cũng không tài nào chống nổi với cái lạnh ban đêm. Ở trên đó, cái lạnh ban đêm vừa chạm vào người, lập tức biến thân người thành băng đá.” Và khi tôi cất cánh bay lần nữa, xuyên qua các bờ tường dựng đứng và những cột trụ khổng lồ trong dãy Andes, thì tôi có cảm tưởng như chừng mình không còn đi tìm kiếm anh nữa, mà đương lặng lẽ canh giữ, chăm sóc tấm thân anh đương nằm đâu đó trong một ngôi nhà thờ tuyết băng.
Sau cùng, qua ngày thứ Bảy, trong lúc tôi dùng bữa giữa hai chuyến bay nơi một quán ăn tại Mendoza, bỗng có người đẩy cửa kêu. Ồ! Chỉ vài tiếng thôi:
- Guillaumet… còn sống!
Và tất cả những người lạ mặt ngồi tại đó cũng mừng rỡ ôm nhau hôn.
Mười phút sau, tôi cất cánh, chở theo hai anh thợ máy, Lefebvre và Abri. Bốn mươi phút sau, tôi hạ cánh dọc theo một quãng đường vì nhận ra, chẳng rõ vì sao lại nhận ra, cái chiếc xe đương chở anh đi chẳng rõ đi đâu, nhưng hướng về phía San Raphael. Một sự tao ngộ kỳ diệu lạ lùng, chúng tôi cùng khóc, chúng tôi ôm giập anh trong tay mình, anh còn sống đó, anh được tái sinh, anh tự mình ban cho mình phép lạ. Chính sau đó, anh nói một câu, câu đầu tiên có đầu đuôi sau những cơn mê man bất tỉnh, một câu biểu diễn một tinh thần con người bất khuất: “Cái điều tôi đã làm, tôi xin thề với các anh, không bao giờ một con vật nào đã làm cả.” 1
Về sau, anh kể lại tai nạn cho chúng tôi nghe.
Một trận bão trút xuống, suốt bốn mươi tám tiếng đồng hồ, một lớp tuyết dày năm thước trên triền núi Andes ngó qua địa phận Chili, lớp tuyết lấp kín khung trời, những người Mỹ hãng Pan-Air đã quay về hết. Nhưng anh thì vẫn cất cánh bay tìm một kẽ hở trên không. Xế về phía Nam, anh tìm ra nó, cái cạm bẫy kia, và lờ lững bay trên từng cao sáu nghìn năm trăm thước, anh cưỡi trên mây mù chỉ cao sáu nghìn thước và để ló ra riêng những chóp núi thật cao, anh bay, hướng về chân trời Argentine.
Những luồng không khí thổi xuống thường gây cho phi công một cảm giác khó chịu dị thường. Máy vẫn quay đều, nhưng phi cơ bị dìm xuống mãi. Ta cố gượng hướng tàu trở lên để giữ vững độ cao, phi cơ mất tốc lực, yếu đi dần dần: ta cứ bị nhận chìm xuống mãi. Ta đành phải lơi tay, ngại rằng khi nãy đã hướng mũi lên quá trớn, bây giờ ta lại phải thả lỏng cho xê xích qua tả, qua hữu, nép vào bên những đỉnh núi thuận tiện, nương vào những sườn non nào vừa cản gió vừa đưa đà, nhưng ta vẫn tuần tự bị dìm xuống. Nghe chừng như cả cõi trời cùng đề hều hạ thấp xuống một phen. Ta cảm thấy như mình bị mắc nghẹn trong một tai nạn càn khôn. Hết đường trớ tránh. Ta luống cuống cố gắng quay trở lui, mong tìm gặp những khu vực nào ở phía sau mà không khí sẽ nâng mình lên vững chắc và tròn đầy như một cột trụ. Nhưng còn cột trụ nào đâu. Mọi vật rã tan, cả đất trời cùng rủ nhau băng hoại, và ta lướt qua giữa tàn phế, hướng về một làn mây đương nhu thuận dâng lên, mềm mỏng lại bên mình và yểu điệu quyện lấy thân ta vào ở giữa.
Anh bảo: “Tôi suýt chịu bó tay, đành buông mình cho nó hãm, nhưng còn chút cứng đầu chưa chịu tin thuận đâu. Ta gặp những luồng khí trút xuống ở phía trên những đám mây xem có bề bất động, ấy chỉ vì cùng một độ cao như nhau, chúng ôm lấy nhau tụ lại nghỉ yên triền miên bất tận. Mọi sự sao mà kỳ dị thế ở những vùng non cao.”
Ôi những đám mây! Sao mà bướng bỉnh!
“Vừa mắc nghẽn trong đó, tôi liền thả lơi tay lái, bấu chặt vào ghế để khỏi bị bắn tung ra ngoài. Phi cơ rít lên, lắc mạnh, dày vò thân tôi, những sợi nịt da gặm vào thịt vai, và suýt đứt. Sương giá đổ tràn bụi trắng, tôi mất hết mọi khả năng điều khiển, quay tròn như chiếc nón chơi vơi, xoay tít từ cao sáu nghìn xuống ba nghìn thước rưỡi.
Xuống tới ba nghìn thước rưỡi, tôi chợt thấy một khối đen bằng phẳng, giúp tôi lấy lại thăng bằng cho phi cơ. Đó là một mặt hồ, tôi kịp nhận ra: hồ Laguna Diamante. Tôi từng biết hồ kia nằm khoanh trong đáy hố, đáy hang một thung lũng phiêu bồng, mà một phía sườn lại nép bên ngọn hỏa sơn Maipu cao sáu nghìn chín trăm thước. Tuy thoát khỏi đám mây, tôi vẫn còn choáng váng quáng lòa vì những cơn lốc tuyết dày đặc, và không thể rời mặt hồ thân ái mà khỏi đâu đầu vào một trong các sườn núi bọc quanh hang. Tôi đành bay vòng quanh hồ, ở độ cao ba chục thước, cho tới lúc kiệt xăng. Sau hai giờ loanh quanh lăn lóc, tôi hạ cánh đậu lại, và phi cơ lật úp. Tôi thoát ra khỏi tàu thì bão tố đánh tôi ngã ngữa. Tôi lồm cồm gượng dậy trên hai chân, thì bão tố đánh tôi nhào sấp.
Không còn cách gì nữa, tôi đành lui cui chui vào dưới sườn tàu, và moi một lỗ hổng trong màu tuyết lạnh để trú thân. Tuyết ơi, hãy ôm thân ta cho ấm nhé. Rồi tôi cuộn quanh mình những bao chứa thư tín, và suốt bốn mươi tiếng đồng hồ tôi nằm đó chờ đợi, nghe mùi tuyết bốc hơi.
Sau đó, bão im, gió lặng, tôi bắt đầu bước. Bước đi năm ngày bốn đêm… ”
Nhưng còn chi là tấm thân anh nữa! Guillaumet? Anh trở về gặp lại chúng tôi, nhưng hình hài gày đét như vôi khô, teo thân như một bà lão. Ngay chiều hôm đó, tôi đưa anh lên phi cơ chở anh về lại Mendoza, những chăn nệm trắng tinh phủ ngập thân anh như ôm ấp. Nhưng không làm sao cho anh lành lại được. Anh lóng cóng trong tấm hình hài mệt mỏi, trằn qua trở lại mãi vẫn không giúp nó ngủ yên. Tấm thân anh không quên được đá và tuyết. Chúng đã ghi tạc dấu vết nơi thân anh rồi. Tôi nhìn khuôn mặt anh đen sạm, sưng vù giống như một trái ủng bị bóp bầm dập. Anh xấu quá, và khốn khổ vô chừng, anh mất những khí cụ huy hoàng để làm việc, anh sử dụng chúng thế nào: hai bàn tay cứng đờ, và lúc muốn hô hấp anh ngồi dậy bên giường, thì hai bàn chân cóng đờ thõng xuống như hai khối thịt thừa. Cuộc hành trình của anh, vẫn chưa kết liễu, anh còn hổn hển hồi hộp thở, và mỗi khi anh trở đầu trên gối để tìm nguôi lãng, thì một chuỗi dài hình ảnh liên tiếp tới, anh không ngăn được, những hình ảnh rập rình bí mật đâu đó, bỗng ùa vào ngập cả đầu óc anh. Diễn ra, diễn ra mãi. Anh phải đấu đi, chọi lại mãi hàng mấy chục lần với những quân thù cứ chết đi, sống lại.
Tôi đổ thuốc cho anh:
- Gắng uống đi, bạn!
- Điều khiến tôi ngạc nhiên nhất nhất… anh biết…
Võ sĩ thắng cuộc, nhưng bị những đòn quá nặng, anh sống trở lại cuộc phiêu lưu kỳ dị của mình. Anh cởi gỡ ra từng đoạn một. Và trong câu chuyện đêm dài bữa nọ, tôi đã nhìn thấy anh lầm lũi bước đi, không gậy chống, không dây ràng, không lương thực, lần mò theo mãi những truông đèo, dốc dựng, năm nghìn thước rưỡi cao, hoặc dò dẫm vòng theo những thành đá đứng sững, chân anh rướm máu, đầu gối rã, tay trầy, trong cơn lạnh bốn mươi độ đêm khuya. Dần dần máu hao, sức kiệt, hồn mòn, anh bước đi, nhẫn nại, kiên gan như con kiến, quay giật lùi tìm lối khác để bọc quanh những trở ngại gồ ghề, té xuống, đứng lên, leo trở lại, cố vượt qua những dốc ác hại đưa tới hố sâu, không chịu ban cho mình một phút nghỉ ngơi, vì anh biết rõ: nằm một lần xuống bên tuyết, là vĩnh viễn không còn dịp đứng lên.
Mỗi lần trượt dốc, anh phải vội vã đứng lên để khỏi biến thân thành đá. Cái lạnh dị thường cứ mỗi phút giây làm anh cóng lại, và lúc trượt chân té, nếu chần chờ thở một chút cho cam, thì sau đó, hỡi ôi! còn muốn đứng lên, thì thịt xương đã chết cứng.
Anh chống lại mọi cám dỗ. Anh bảo: nằm ở trong lòng tuyết, con người ta mất tuốt hết linh tính tự vệ. Đi suốt hai, ba, bốn ngày đường, con người chỉ còn có cầu mong giấc ngủ. Tôi cũng ước mong được ngủ. Nhưng tự nghĩ: vợ tôi, nếu tin là tôi còn sống, ắt tin là tôi đương đi. Bạn hữu tôi, cũng tin rằng tôi đương đi. Mọi người cùng tin cậy nơi tôi. Tôi là một thằng tồi nếu tôi dừng bước lại.”
Và anh bước đi, và anh lấy mũi dao con rạch da giày, mỗi ngày rạch thêm chút nữa, nhân vì hai bàn chân anh cóng giá phồng ra, cần rạch giày cho nới ra, bàn chân mới nằm yên trong đó được.
Anh kể cho tôi nghe tâm sự kỳ lạ này:
“Tới ngày thứ hai, anh thấy chứ, cái công việc lớn nhất phải làm, ấy là ngăn không cho mình suy nghĩ. Tôi đau đớn quá, và tình cảnh quá âm u. Để còn đủ can đảm bước đi, tôi không được nhìn vào tình cảnh nữa. Khốn thay, khó mà kiểm soát khối óc mình, nó làm việc như cái bánh xe quay. Nhưng tôi cũng có thể chọn cho nó một vài hình ảnh. Tôi xô óc mình vào một cuộc phim, bắt nó suy ngẫm về một cuốn sách. Và phim với sách cứ vùn vụt sổ tung ra. Chẳng mấy chốc mà hết trụi, tôi lại rơi trở vào tình trạng trước mắt. Không còn cách gì khác được. Lại lao đầu vào những kỷ niệm khác… ”
Tuy nhiên, có một lần, trượt chân anh té nằm quay trên tuyết, úp thân vào dán chặt đó, anh bỏ cuộc, không muốn đứng lên. Anh như người võ sĩ, kiệt tận linh hồn vì một cú đấm, rời rã hết thiết tha, nằm nghe từng tiếng đếm, từng giây rơi trong một thế giới nào xa lạ, cho tới tiếng mười là tiếng chung cục, hết phân bua.
“Tôi đã làm những gì tôi có thể làm được, mà lòng tôi không còn hy vọng nữa, vì lẽ gì còn nằng nặc kéo dài cuộc khổ hình cho thêm tội, làm chi?” Anh chỉ cần khép hai mắt lại, là hòa giải yên vui hết với đời. Là xóa hết giữa đời, những đá nhọn, tuyết băng. Chớm khép xong hai làn mi huyền diệu, diễm ảo về rồi: hết bão giông đánh ngã, hết trượt chân té xuống, hết da thịt nát nhừ, hết nghiệp chướng tiền oan trong tấm thân mang lê lết khối đời quá nặng, thân bước như con bò, mà khối nặng hơn xe. Thôi rồi, cái lạnh hãi hùng là thuốc độc, anh đã nhấm phải rồi, và bây giờ lòng phơi phới nghe ma túy ngấm vào xương. Cuộc sống của anh dồn quanh quả tim máu đập. Một thứ gì êm dịu quý giá vô ngần đương thu mình nép ở trung tâm cơ thể. Tâm thức anh bắt đầu lìa bỏ dần dần những miền xa xôi quá ở trong thân, trong tấm hình hài hỗn mang là thú vật, chở tràn đầy oan khổ ngập vai, giờ đây đã bước vào cõi vô minh hững hờ của Vân thạch.
Những hoang mang thắc mắc cũng dịu rồi. Tiếng gọi của chúng tôi, anh không còn nghe nữa, đúng hơn, anh nghe vọng về như tiếng gọi chiêm bao. Trong nhịp bước chiêm bao, anh hài lòng đáp lại, hân hoan bước rộng theo về, nhìn trước mặt mình rạng rỡ những lạc thú phơi xanh. Êm ái làm sao! Anh lướt đi trong cõi đó; miền xứ mộng, với thân mình, dìu dặt chuyển như ru! Guillaumet, anh nhất quyết rồi, không bằng lòng nghe chúng tôi kêu gọi nữa. Anh keo kiết, anh khước từ, không trở về họp mặt nữa với anh em.
Nhưng ân hận về từ đáy thẳm tâm tư. Trong cơn mơ, bỗng dưng anh thốt những lời, nêu nhiều chi tiết tỉ mỉ: “Tôi đã nghĩ tới vợ tôi. Tiền bảo hiểm của tôi, chắc sẽ giúp em khỏi đói khổ. Chắc vậy, nhưng… nhưng việc bảo hiểm… ”
Trường hợp một phi công mất tích luật pháp chỉ xem anh chết thật sự, là bốn năm sau. Chi tiết đó đập mạnh vào trí anh, xóa tan mọi hình ảnh khác. Anh nằm duỗi dài úp sấp trên một sườn dốc tuyết. Mùa hè tới, thân anh sẽ theo bùn cuốn trôi đi, vùi sâu dưới một u cốc nào trong dãy núi. Anh biết thế. Nhưng anh cũng biết rằng ở phía trước anh chừng năm mươi thước, có một mõm đá nhô lên: “Tôi nghĩ, nếu mình gắng đứng lên, chắc sẽ bò tới được mõm đá ấy. Nếu mình kê xác mình vào mõm đá thì mùa hè tới, người ta sẽ tìm ra được xác mình ngay.”
Đứng lên rồi, anh bước đi, đi trong hai đêm, hai ngày.
Nhưng anh không nghĩ là mình sẽ đi được xa.
“Nhiều dấu hiệu cho tôi biết sắp tận số rồi. Đây là một. Anh biết, cứ hai giờ một lượt, tôi phải dừng chân để xẻ da giày cho nới rộng ra, để lấy tuyết xoa bóp hai bàn chân sưng vù, hoặc để cho trái tim nghỉ ngơi một chút. Nhưng đến những ngày chót, tôi mất hẳn trí nhớ. Tôi đứng lên đi trở lại, cũng khá lâu rồi, bỗng chợt nhớ: mỗi một lần, mình đã bỏ quên lại một vật gì. Lần thứ nhất, bỏ quên chiếc găng tay, đó không phải là chuyện chơi được giữa cái giá lạnh này. Tôi đã tháo ra, đặt ở trước mặt mình, và đứng lên đi mà quên không nhặt. Rồi tới lượt cái đồng hồ. Rồi con dao. Rồi cái địa bàn. Mỗi lần nghỉ chân, mỗi lần mất mát…
“Cái gì cứu thoát, chỉ còn là bước chân đi. Thêm một bước. Luôn luôn vẫn là một bước, một bước, bước, bước trở lại hoài hoài… ”
“Điều tôi đã làm, tôi thề với anh, không bao giờ một con vật làm thế.” Câu nói cao cả nhất tôi được nghe trong đời mình, câu nói phân định vị trí con người, thiết lập danh dự con người, xếp đặt lại những trật tự tôn ti chính thực, câu nói đó, lại trở về trong ký ức tôi. Anh đã ngủ yên, tâm linh đã bay bổng, tâm trí vùi lấp, nhưng từ mảnh hình hài rời rạc, tan rã, cháy ran kia, tâm linh sắp về trở lại mỗi lần anh thức giấc, và lại chế ngự tấm thân. Vậy thì, tấm thân chỉ là một dụng cụ tốt, tấm thân chỉ là một tên giúp việc mà thôi. Và niềm kiêu hãnh của người sử dụng khí cụ tốt, anh cũng biết diễn tả đàng hoàng, Guillaumet ạ.
“Thiếu lương thực, anh biết đó, ngày thứ ba… tim máu tôi chẳng thể còn đập mạnh nữa… Và đây! Dọc theo một bờ dốc đứng, tôi bu bám leo quanh, chới với giữa khoảng không nhìn xuống hố thẳm, moi từng lỗ hổng trong đất để đặt nắm tay vào, thì bỗng nghe như tim mình tan rã. Nó ngần ngừ như sắp ngất, nó đập thêm. Nó đập ngẩn ngơ loạn nhịp. Tôi cảm thấy rằng nếu nó dùng dằng thêm tí nữa, một giây nữa thôi là tôi buông tay bỏ cuộc. Tôi không nhúc nhích nữa, tôi lắng nghe nhịp thở trong mình. Chưa bao giờ, anh biết đó, chưa bao giờ trên phi cơ tôi từng đã cảm thấy mình kết chặt vào động cơ nhiều như lần nọ tôi cảm thấy mình gắn chặt vào trái tim mình, trong vài phút, mật thiết vô song. Tôi bảo trái tim tôi: Nào! Hãy gắng lên chút nữa. Gắng đập nữa đi… A! Quả là một trái tim làm bằng chất tốt! Nó do dự đôi chút, rồi đập trở lại như thường… Anh biết không, tôi tự hào vì trái tim tôi nhiều lắm!”
Trong căn phòng tại Mendoza bữa đó, tôi chăm sóc anh, cuối cùng anh ngủ một giấc mê man hổn hển. Tôi nghĩ thầm: nếu có người nói anh can đảm, thì anh sẽ nhún vai. Và người ta vẫn cứ phụ anh hoài, nếu người ta ca ngợi anh khiêm tốn. Anh đứng xa vời biên kia, biệt lập hẳn cái đức tính từ tốn tầm thường nọ! Và nếu anh nhún vai, ấy chỉ vì anh mang niềm phóng khoáng của con người thấu hiểu lẽ đời trên mặt đất thị phi. Anh biết rằng một khi sa vào vòng biến cố, con người bỗng nhiên hết sợ hãi. Con người chỉ kinh hoàng trước cái lạ lùng khôn dò. Nhưng một phen chạm mặt nó rồi, nó không còn là lạ lùng bất trắc nữa. Nhất là khi dò xét nó với sự trầm trọng sáng suốt kia. Lòng can đảm của Guillaumet, trước hết, là hiệu quả của lòng cương trực.
Đức tính thật sự của anh lại không phải là đó. Sự cao cả của anh, ấy là tự cảm thấy mình mang trách nhiệm. Trách nhiệm với mình, với bao thư tín, trách nhiệm đối với những bạn hữu hoài mong. Anh cầm trong tay những vui buồn của họ. Trách nhiệm đối với những gì mới mẻ đang được xây dựng dưới kia, nơi chốn của nhân gian sinh hoạt, mà dù cách biệt, anh vẫn phải dự phần. Trách nhiệm chút ít đối với định mệnh con người, trong vòng khả năng của anh trên công việc.
Anh thuộc thành phần những sinh vật rộng, hài lòng chấp thuận đưa vòm lá cành mình, che phủ giúp những chân mây. Làm người, ấy là nhận trách nhiệm. Ấy là biết tủi thẹn trước những khốn cùng, khổ lụy, không do mình mà ra. Ấy là biết kiêu hãnh vì một chiến thắng của bạn mình thu hoạch. Ấy là, lúc đặt tảng đá của riêng mình, mà cảm thấy góp phần xây dựng một cõi chung.
Người ta cứ muốn lẫn lộn hạng người đó với những tay đấu bò, hoặc với những kẻ lăn lóc cuộc chơi. Người ta ca tụng lòng dũng cảm dám chết của họ. Nhưng tôi xem nhẹ lòng khinh thường sự chết. Nếu nó không bắt nguồn từ một ý thức về trách nhiệm phải mang và mình chấp thuận, thì sự xem thường cái chết chỉ là dấu hiệu cằn cỗi của tinh thần, hoặc ngông cuồng của tuổi trẻ. Tôi có biết một chàng trai đã tự sát. Tôi chẳng biết cuộc tình duyên lỡ dở nào đã xui giục anh cẩn thận cho một viên đạn vào tim. Tôi không biết anh nghe theo tiếng gọi lãng mạn văn chương nào cám dỗ mà lại tỉ mỉ mang găng trắng vào tay, nhưng tôi nhớ rằng cái cảnh tượng chán chường kia, đã gây cho tôi một cảm giác khó chịu; không có gì cao cả, chỉ là tầm thường khốn đốn mà thôi. Thế thì, phía sau gương mặt dễ thương nọ, bên trong khối óc người trai kia, trước đây chả có gì ráo. Có chăng chỉ là hình ảnh một cô gái nhỏ nào ngốc nghếch giống như trăm vạn cô khác mà thôi.
Trước một phận số lai rai nghèo nàn như vậy, tôi bỗng nghĩ tới một cái chết đích đáng của con người. Cái chết của một kẻ làm vườn, kẻ từng bảo tôi: “Ông biết chứ… đôi lúc xới đất, mồ hôi ra như tắm. Tôi bị chứng đau xương, nên ống chân khổ lắm, tôi rủa thầm công việc đày đọa này. Ấy thế, mà hôm nay, tôi lại muốn xới đất, xới đất hôm nay, xới vào lòng đất… Xới đất, ha! Thật là tuyệt! Còn gì tự do bằng lúc miệt mài xới đất! Nhưng rồi, ai sẽ xén tỉa cây cối của tôi đây?” Ông bỏ lại một khu vườn hoang phế. Ông bỏ lại một địa cầu hoang phế. Ông đã gửi gắm hết tình yêu cho xiết bao miền đất, và trút hết tâm hồn cho tất cả cây cối trần gian. Chính ông ta là người phóng khoáng, là kẻ hào hoa, đại nhân quân tử vậy. Chính ông ta là y hệt Guillaumet, con người dũng cảm, lúc ông ta nhân danh Tạo Vật của mình mà liều thân chống lại thần chết.
——————————–
1 André Malraux, trong Les Voix du Silence, ở cuối tập, trang 639, có tỏ ý không hài lòng với câu này. Malraux chắc là không đọc cuốn sách Saint-Exupéry, nên lầm nghĩa lời nói; tách rời khỏi tiết mạch câu chuyện dị thường, lời nói cô lập chơ vơ, mất hết chân trời viễn vọng. Một kẻ vào sinh ra tử, vừa thoát tay thần chết mở môi nói lời đó lúc nhìn thấy mặt bạn bên mình,bình diện lập tức ở về phía-bên-kia. Nghĩa là?
- “Anh Saint-Exupréry, anh thấy đó chứ? Bạn anh đây, tôi giỏi hơn con vật “một chút”, anh hài lòng vì thằng bạn của anh đi. Không bao giờ một con vật làm cái việc tôi đã làm. Vậy mọi con người hãy hân hoan hài hòa đi chứ.” Nếu đẩy sang bình diện lập luận trí thức, ắt là cái tinh thần vừa bi tráng, vừa tươi vui kia sẽ bị tổn thương, hoặc biến mất.
Camus cũng cuộc sống một lần bác một câu nói của Saint-Exupréry (xem L’Été). Nhưng do một phép lập ngôn của trường hợp yêu sách. Vốn hoàn toàn chấp thuận nhau, mà người tư tưởng đôi khi phải giả vờ bác nhau trước mặt mọi người. Điệu bài bác kia không hề hiểm độc. Trái lại, nó phơi mở những chân trời giúp kẻ khác lên đường tư tưởng nhận định lại phương hướng, phương vị của mình.