Số lần đọc/download: 2511 / 42
Cập nhật: 2015-07-30 00:41:14 +0700
Chương 2: Ba Người Đấu Trí Cướp Chân Kinh
Y
Khắc đi rồi, Tâm Đăng thẫn thờ ngồi dậy, trong dạ hết sức kinh nghi, tính hiếu kỳ trỗi dậy, quyết tâm tìm hiểu quyển kinh ghi chép những gì.
Chú khẽ hé cửa nhìn ra ngoài hành lang thấy tứ bề vắng vẻ nên vội quay trở vào.
Không do dự, Tâm Đăng nhún mình nhảy lên như Y Khắc, đoạn rút quyển kinh đó ra xem, thấy ngoài bìa đề ba chữ “Tham Phật Ký”, bên cạnh đề một dòng chữ nhỏ: Căn Đăng Gia Mục.
Chàng mới sực nhớ ra Căn Đăng Gia Mục là một vị Lạt Ma vào đời nhà Minh, chắc quyển này là bút ký của ông thì phải.
Càng xem về sau, Tâm Đăng càng kinh nghi, vì tác giả không nói đến nhà Phật mà chỉ ghi toàn là những bí quyết võ công.
Giở đến trang Tàm Tang khẩu quyết, trong lòng càng mừng rỡ nghĩ thầm:
- Sư phụ thường nói Tàm Tang Tử là một vị kỳ nhân thời cổ xưa, không ngờ lại truyền võ công cho Căn Đăng Gia Mục.
Tâm Đăng có ý thèm thuồng vì đây là quyển sách quý báu nhất trong làng võ.
Hôm ấy là ngày hai lăm tháng sáu, là ngày đại lễ ở Tây Tạng nên Bố Đạt La Cung trang hoàng rực rỡ, từng đoàn thiện nam tín nữ tấp nập viếng chùa.
Tâm Đăng cùng các chú tiểu lo dâng đèn dâng hương cho khách thập phương.
Bỗng từ bên ngoài có một nàng thiếu nữ mặc một chiếc áo dài màu trắng, trên mặt che ngang một vuông lụa màu đen theo tục lệ của Tây Tạng.
Khi nàng bước vào đại điện, gặp đúng phiên Tâm Đăng dâng đèn và bút mực cho nàng để quyên tiền hương hoả.
Nàng cầm lấy bút, khẽ hỏi Tâm Đăng:
- Thưa sư phụ, tôi phải quyên bao nhiêu?
Tâm Đăng... ấp úng trả lời:
- Việc này... tùy thí chủ!
Thiếu nữ buông một tiếng cười nhẹ, vốc nắm bạc bỏ trên bàn có hơn hai mươi lạng, đoạn nàng cầm bút đề vào quyển sổ ba chữ tung hoành: Trì Phật Anh.
Khách thập phương thường chỉ quyên độ năm lạng là cùng, thiếu nữ này lại điềm nhiên quyên hai mươi lạng, khiến cho ai nấy đều lấy làm lạ.
Tâm Đăng nói thầm:
- Cái họ và cái tên người này thật là lạ!
Vì hôm nay là ngày đại lễ nên Bố Đạt La Cung hoàn toàn khai phóng, mở cửa cho thiện nam tín nữ thong thả vào xem.
Tâm Đăng đang lo dâng hương, dâng đèn bỗng thình lình có tiếng Y Khắc gọi mình, quay đầu nhìn lại, Tâm Đăng lấy làm lạ vì Trì Phật Anh đang đứng bên cạnh ông ta.
Y Khắc truyền lệnh:
- Tâm Đăng, hãy hướng dẫn nữ thí chủ này xem chùa!
Đó là theo tục lệ của người Tây Tạng, Tâm Đăng không dám cãi nhưng còn đang dùng dằng thì Trì Phật Anh bỗng nói một câu tiếng Hán thật sành:
- Phiền tiểu sư phụ hướng dẫn tôi xem Thánh Cung.
Tâm Đăng càng lấy làm lạ, có lẽ thiếu nữ này là người gốc Hán.
Không thể chối từ, Tâm Đăng vội vàng hướng dẫn Phật Anh đi khắp các nơi trong chùa, vừa đi vừa giải thích lối kiến trúc vĩ đại của Bố Đạt La Cung.
Đêm ấy, Bố Đạt La Cung càng thêm huy hoàng rực rỡ, tứ bề đông nghẹt những khách thập phương.
Bỗng có lệnh của Tạng Tháp đòi Tâm Đăng vào lầu chứa sách, Tâm Đăng vội vã vào yết kiến. Tạng Tháp nghiêm nghị hỏi rằng:
- Đêm qua mi ngủ tại đây có thấy kẻ nào đến đây lấy kinh?
Tâm Đăng giật mình không dám nói thật. Tạng Tháp nói tiếp rằng:
- Ta có một quyển kinh thường đọc, đêm qua dường như có bị kẻ nào đến làm sai dấu.
Tâm Đăng ấp úng không trả lời. Tạng Tháp lại dặn dò:
- Từ rày về sau nên để ý canh chừng nghiêm ngặt.
Thái độ trịnh trọng của Tạng Tháp càng làm cho Tâm Đăng thêm phần nghi hoặc.
Đêm hôm ấy, Tâm Đăng lại về ngủ trong lầu chứa sách. Chàng ngồi xếp bằng, luyện công theo phép của Cô Trúc lão nhân rồi ngả lưng xuống chiếu, nghĩ thầm:
- Không biết đêm nay Y Khắc có đến nữa hay không? Tạng Tháp đã biết có người lén đọc sách, cớ sao vẫn còn để yên chỗ cữ? À... hay là ông ta gài bẫy?
Còn đang thao thức thì bên ngoài lại có tiếng người đi, Tâm Đăng thầm nhủ:
- Y Khắc lại đến!
Cửa phòng vụt mở và Y Khắc lù lù xuất hiện, vẫn bước đến gần Tâm Đăng, vẫn gọi lên hai tiếng nhỏ nhỏ, rồi giơ tay điểm vào huyệt ngủ của cậu giống hệt đêm hôm trước.
Tâm Đăng lại vận công bế huyệt, lại giả vờ trúng đòn ngủ say như chết, đến khi Y Khắc quay lưng đi chú hé mắt ra nhìn, thấy thân hình của lão ta bay vù lên đầu tủ sách nhẹ nhàng như một cánh bướm, rồi thò tay rút quyển Tham Phật Ký ra.
Đoạn buông mình rơi về mặt đất, bước sang án thư, gầm đầu chép kinh.
Đang mê man chép sách bỗng thoáng nghe bên ngoài có tiếng người đi, Y Khắc vội vàng xếp sách lại và bên ngoài có giọng nói khàn khàn của Tạng Tháp:
- Nam Nguyên, mi hãy vào đây lấy quyển Đại Nạn Kinh cho ta!
Y Khắc kinh hoàng thất sắc, bay vù lên trao trả quyển kinh vào chỗ cũ, trong lúc hấp tấp, chỉ nhét vội vào một nửa thì tiếng giầy của Tạng Tháp đã đến gần kề bên cửa.
Y Khắc hoảng hồn, buông mình xuống chộp cây bút, nghiêng mình bay vù ra cửa sổ.
Chính vào lúc đó thì Tạng Tháp bước vào. Ban nãy nghe ông ta gọi Nam Nguyên vốn là chú tiểu theo hầu Tạng Tháp hàng ngày nhưng bây giờ không thấy bóng của chú ấy đâu cả.
Tạng Tháp bước vào, rảo mắt nhìn quanh, đoạn bất thình lình trổ khinh công thượng thặng đi khắp gian phòng kiểm soát một lượt, đoạn đắc chí nhìn quyển Tham Phật Ký lẩm bẩm rằng:
- Y Khắc tốn công vô ích, a ha, không ngờ ta lại thu được một tên đồ đệ.
Tâm Đăng không hiểu lời nói này có ngầm ý gì, chợt nghe Tạng Tháp bước lần đến bên mình, thò tay sờ bả vai, đoạn nói:
- Trời... thằng Y Khắc nó điểm huyệt ngủ của Tâm Đăng, mỗi ngày bị điểm một lần thì nguyên khí tổn thương biết mấy.
Dứt lời, Tâm Đăng nghe thấy bàn tay của Tạng Tháp lần đến huyệt Linh Đài của chú mà giải huyệt.
Tâm Đăng vội vàng vận công bế huyệt, cố tình làm cho Tạng Tháp lầm mình là người không biết võ, nào ngờ Tạng Tháp “ý” lên một tiếng, dường như ông ta cũng cảm thấy có việc lạ xảy ra.
Tâm Đăng giả vờ cựa mình, bên tai nghe văng vẳng tiếng Tạng Tháp nói:
- Ngày mai cho Tâm Đăng dời đi chỗ khác, để khỏi phải chịu cực hình.
Dứt lời ông ta thò tay ra, quạt tắt ngọn đèn rồi rời khỏi phòng chứa sách.
Lúc bấy giờ vào đầu canh tư, Tâm Đăng nghe ngóng bốn bề vắng lặng rồi, mới sẽ lén bước ra ngoài mồi ngọn đèn khác, đoạn nhảy lên lấy quyển Tham Phật Ký ra xem xét tỉ mỉ một lần nữa, chàng ngã ngửa ra, thì ra Tạng Tháp đã giấu mất quyển chân kinh, quyển này chỉ là giả chân kinh.
Chính vào lúc đó, Y Khắc đang ngồi dưới ngọn đèn mờ, nghiền ngẫm pho giả kinh của mình một cách đắc chí.
Còn Tạng Tháp thì ngồi trong phòng riêng của mình, tủm tỉm một nụ cười đắc thắng.
Sáng ngày hôm sau, ông ta truyền lệnh cho Tâm Đăng dời về chỗ cũ.
Đêm hôm ấy, Tâm Đăng lại trằn trọc không sao yên giấc, trong tâm trí của chàng cứ miên man suy nghĩ đến pho sách lạ lùng, quý báu kia, nhủ thầm:
- Giờ này Y Khắc chắc đang chép kinh thì phải. Để ta xem thử...
Nghĩ đoạn Tâm Đăng sẽ lén hé cửa bước ra ngoài.
Trên vòm trời cao, sao thưa lấm tấm nhưng chẳng có trăng, Tâm Đăng trổ khinh công đi về phía lầu chứa sách, nhún mình nhảy lên khung cửa sổ, suýt bật phì cười, quả thật Y Khắc đang mải miết chép kinh.
Tâm Đăng thở dài:
- Mi thật là uổng phí công lao!
Còn đang cười thầm bất giác nghe có tiếng xé gió vèo vèo, Tâm Đăng tức khắc dùng một thế Túc Nhạn Hàng Lâm bay vù ra phía khác.
Trong lúc thân hình lơ lửng giữa không trung chàng nghe một tiếng “cốp” nho nhỏ, thì ra đó là một viên đá ném trúng khung cửa.
Chàng biết tiếng động này sẽ làm cho Y Khắc giật mình, vội vàng dùng liên tiếp mấy thế Thất Tinh Bộ bắn lùi vào một xó tối...
Quả nhiên, thấy thân hình của Y Khắc như một con chim khổng lồ bay vù ra khung cửa sổ rồi mất dạng trong màn đêm...
Tâm Đăng chờ lâu lắm không thấy động tĩnh gì nữa bèn trở về phòng riêng của mình.
Sáng ngày hôm sau, một cái tin sét đánh vang lên giữa Bố Đạt La Cung: Y Khắc bị ám sát một cách tàn nhẫn.
Ông bị hung thủ khoét mắt, thất khiếu ứa máu mà chết, toàn thân không có một vết thương đao kiếm nào, lẽ tự nhiên ông ta đã bị hung thủ dùng sức mạnh giết chết.
Bố Đạt La Cung xôn xao suốt mấy ngày, vì đây là chuyện kỳ lạ, mà kể từ ngày có ngôi chùa này đến nay chưa từng thấy.
Tạng Tháp đại sư tỏ vẻ buồn rầu lắm, dùng tang lễ to nhất của Lạt Ma mà tống táng Y Khắc. Lại truyền cho chư tăng trong chùa nên giữ kín việc này.
Ngày hạ huyệt, Tạng Tháp thân hành đọc kinh, lại còn đề tặng bốn chữ: Dĩ Thân Tuẫn Đạo!
Một buổi sáng, Tâm Đăng thình lình gặp lại Phật Anh, thấy điệu bộ khả nghi, Tâm Đăng lặng lẽ theo dõi đến bên lầu chứa sách.
Bóng trăng chiếu bóng Tâm Đăng lên vách, Phật Anh quay lại:
- Xin chào chú tiểu!
Tiếng nói vừa dứt, nàng ra tay đánh luôn bốn chưởng liên hoàn. Tâm Đăng vội xoay mình tránh khỏi.
Tâm Đăng liền tung mình ra sau lưng nàng, rồi trổ ra hai ngón điểm một đường thần tốc vào huyệt Chương Đài nằm sau lưng của đối thủ.
Phật Anh vừa xuất thủ bỗng thấy Tâm Đăng biến mất, đồng thời sau lưng mình gió dậy vì vèo, trong lòng cả sợ, vội vàng lộn mình theo thế Nông Canh Xuân Đốc vừa tránh đòn vừa dùng bàn tay hữu của mình trảm vào mạch máu của Tâm Đăng.
Tâm Đăng reo lên một tiếng cười, rụt tay về trước, xéo ngang một bước, để xáp lá cà sát vào mình của đối thủ, lại trổ ra hai ngón điểm vào huyệt Tý Nhu.
Phật Anh thấy đối thủ đổi đòn nhanh như chớp, trong lòng cả sợ, vội rùn mình theo thế Quý Phi Xuất Tục, thân mình nàng bắn lùi ra phía sau hai thước...
Rồi cánh tay hữu của nàng tung ra, năm ngón tay nõn nà kia rắn như sắt thép theo bộ điệu Tiếu Trích Tinh móc vào ngực Tâm Đăng một đường nhanh không thể tả.
Lúc bấy giờ, bóng trắng vằng vặc, bốn bề vắng lặng như tờ, từng luồng gió lạnh về đêm luồn qua kẽ lá, vang lên những tiếng rì rào làm cho người ta phải bàng hoàng ngây ngất trước cảnh trăng thanh rừng vắng.
Trong khung cảnh tuyệt vời đó, hai người trẻ tuổi vẫn vờn nhau như hai con hổ đói, tiếng quyền cước đi trong gió hòa lẫn với tiếng cười ngạo mạn thỉnh thoảng vang lên, xé toang bức màn đêm vắng lặng.
Công lực của Tâm Đăng trội hơn Phật Anh nhiều lắm, nhưng chú nghĩ rằng lòng người háo thắng, không muốn làm cho nàng tổn thương lòng tự ái, thế nên thế công của chàng dịu lại, chỉ dùng có sáu phần công lực mà thôi.
Trongchớp mắt, hai người đã cùng nhau trao đổi thêm mười hiệp nhưng vẫn chưa phân thắng bại.
Phật Anh trong lòng nôn nóng, muốn thắng cấp tốc, quát tháo ầm ĩ:
- Đêm nay ta chẳng thắng mi, quyết không trở về.
Tâm Đăng cả cười:
- Hay lắm!
Chờ cho Tâm Đăng đắc chí phân tâm, Phật Anh bất thần xử một thế Phiêu Tiên Quá Hồ bay vù lên đỉnh đầu của Tâm Đăng, từ trên bổ xuống một đòn Thiên Đài Tháp, khí thế cực kỳ mạnh bạo.
Tâm Đăng biết nàng đang dùng hết mười phần sức mạnh, trong lòng cười thầm, hai chân thoăn thắt đổi cung, bất thình lình ngẩng đầu lên theo thế Ngưỡng Quan Mãn Thiên Tinh...
Trong lúc đó thì bàn tay ngọc của Phật Anh đã kề sát mặt chú rồi... Bất thình lình chú rùn vai theo thế Chức Nữ Bái Ma, hai ống tay áo của Tâm Đăng thình lình bay vù lên, quấn chặt vào cánh tay nàng.
Ống tay áo là vật mềm mại, vậy mà sau khi bị Tâm Đăng truyền nội lực vào rắn hơn sắt thép.
Phật Anh thình lình gặp phải đòn lạ, kinh tâm vỡ mật, bao nhiêu sức mạnh thảy đều mang ra thi thố, thu đòn trở về cấp tốc.
Tâm Đăng cũng điềm đạm dừng tay lại, hai người đứng cách nhau hai trượng mà Phật Anh thì mồ hôi trán vã ra lấm tấm...
Vì rằng mặc dù Tâm Đăng đã dừng tay nhưng chéo áo của chú cũng quét nhằm cườm tay của nàng, đau như dao cắt.
Đến bây giờ Phật Anh mới thật sợ, biết mình không phải là đối thủ của Tâm Đăng, nàng thét vang:
- Hòa thượng... mi dám đánh ta!
Dứt lời thân hình của nàng bắn tới như một đường tên, bao nhiêu sức mạnh thảy đều dồn trong đòn Nhất Tả Thiên Lý, tấn công một đường cực kỳ bén nhọn vào giữa ngực của Tâm Đăng.
Thấy đối phương đã nổi cáu, Tâm Đăng hối hận sao mình chẳng nương tay, vừa muốn dùng một thế võ để lẩn trốn thì giữa bầu không khí âm u tĩnh mịch vang lên một giọng nói khô khan, rùng rợn:
- Võ nghệ thật cao cường...!
Câu nói này làm cho cả hai thảy đều giật mình đình bộ, nhìn kỹ bất giác bay hồn bạt vía.
Thì ra, cách đó chừng một trượng, có một cây cổ thụ cành lá lưa thưa...
Trên một cành cây khô to chừng một ngón chân cái, có một bà lão buông xõa tóc bạc, mình mặc áo đen ngồi vắt vẻo ở trên đó.
Gương mặt của bà ta nhăn nheo, mồm to răng vẩu trông thật là đáng sợ, cặp mắt lại chột mất một con, một còn lại tỏa ánh sáng xanh rờn...
Bà ta buông mình xuống đất nhẹ như ru, làm cho cả hai giật mình lui bước.
Bà cười rũ rượi:
- Hai bây chớ sợ, ta chẳng phải người dữ đâu!
Tâm Đăng cố gắng bạo dạn trả lời:
- Thưa lão thí chủ, để hôm khác chúng ta trò chuyện cùng nhau, bây giờ... thí chủ hãy về đi, tôi cũng về chùa đây.
Nói rồi quay lưng lại nhưng một tiếng gào thảm thiết vang lên làm cho cả hai người cả sợ quay đầu lại nhìn, Tâm Đăng mồm lâm râm đọc kinh Kim Cang để trấn tĩnh tâm thần.
Bà ta bảo với Tâm Đăng:
- Mi có phải là học trò của Cô Trúc?
Tâm Đăng vội vã trả lời:
- Thưa phải. Còn bà là...
Câu nói chưa dứt thì bà ta đã cười rùng rợn:
- Ta biết thằng Cô Trúc nó không quên chuyện xưa, nhất định phải tìm học trò. Xem bản lĩnh của mi thì chắc Cô Trúc hài lòng lắm... Ta là bạn cũ của thầy mi, mi chớ sợ.
Nói đoạn quay sang Phật Anh:
- Còn thầy của mi có phải là Thành Tiểu Văn?
Phật Anh giật mình ấp úng trả lời:
- Chính thế! Lão tiền bối là...
Bà lão cười:
- Thành Tiểu Văn nó là vãn bối của ta, nó mất đi đã ba năm rồi, bằng không võ công của mi còn tiến thêm nhiều nữa... Mi còn bé mà làm ra vẻ người lớn che mặt làm chi? Mi xem, ta xấu dường này mà chẳng che mặt nữa là.
Ngừng lại một chút, bà ta nói tiếp:
- Ta họ Lư... Lư Âu, tiểu hòa thượng từ đây về sau hãy gọi ta là sư thúc... Còn mi, ta gọi mi là đồ đệ vậy.
Hai chữ Lư Âu làm cho hai người trẻ tuổi vừa mừng vừa sợ, thì ra Lư Âu là một bậc kỳ nhân miền Nam Hải, vì tính tình kỳ lạ tương tự với Cô Trúc nên người ta tặng cho hai người này biệt hiệu: Thiên Hạ Nhị Quái.
Tâm Đăng và Phật Anh đồng quỳ xuống, một người gọi “sư thúc”, một người gọi “sư phụ” rồi vái chào làm cho Lư Âu hết sức mừng rỡ. Bà ta bảo với Tâm Đăng:
- Tiểu hòa thượng hãy trở về chùa, canh hai đêm mai trở lại đây cho ta bảo việc.
Rồi quay sang Phật Anh:
- Còn cô bé này hãy ở lại đây cho ta bảo.
Tâm Đăng vái chào thưa rằng:
- Sư thúc, con về đây, canh hai đêm mai sẽ trở lại.
Nói xong xoay lưng trở về Bố Đạt La Cung.
Vào đến chùa, đi ngang đại điện, Tâm Đăng nhác trông thấy trước mặt có một người thân hình vạm vỡ đi nhanh vùn vụt về phía Thiên Phật Đường.
Tâm Đăng vội rút mình vào xó tối, nhìn kỹ bất giác giật mình, thì ra đó chính là Tạng Tháp.
Tạng Tháp mặt mày ảo não, chiếc áo cà sa của ông ta ướt đẫm mồ hôi, hơi thở phì phò, dường như vừa trải qua một trường chiến đấu.
Tâm Đăng nín thở vì ông ta sắp sửa đi ngang chỗ chàng nấp, xuyên qua bóng tối chàng thấy trên gương mặt ảo não của ông ta long lanh hai chấm lệ, dừng chân trước chính điện ông ta lẩm bẩm:
- Trời! Ta tốn hao mấy mươi năm công phu nay phải trôi theo dòng nước...
Ông ta đưa tay lên gạt nước mắt rồi mới đi vòng ra hậu điện.
Trong bóng tối Tâm Đăng thầm nhủ:
- Thật là lạ, chẳng lẽ có người nào làm khó dễ Tạng Tháp?
Tâm Đăng muốn sẽ lén đến bên phòng của Tạng Tháp dò xem hư thực, chợt bên ngoài trống điểm canh tư, sợ bại lộ hành tung, Tâm Đăng vội vã lui về phòng mình.
Sáng ngày hôm sau, một việc kỳ lạ nữa lại xảy ra trong Bố Đạt La Cung.
Thì ra trên bàn Phật giữa đại điện, một kẻ bí mật nào đặt trên đó hai ngón tay bị chặt đứt, đầm đìa những máu.
Việc này làm cho cả chùa lại xôn xao náo động.
Đêm đó, trời chập choạng tối thì đồng đạo thảy đều khóa chặt cửa không dám ra ngoài.
Trăng đã lên khỏi ngọn liễu, Tâm Đăng lén mở cửa phòng, nhanh như một ngọn gió thoảng, chú rời khỏi Bố Đạt La Cung...
Lên đến đỉnh đồi, thấy Trì Phật Anh và Lư Âu đang ngồi xếp bằng đối diện mà vui vẻ chuyện trò.
Tâm Đăng thi lễ rồi ngồi xuống.
Lư Âu hỏi ngay:
- Ta hỏi mi, sư phụ của mi đi đâu?
Tâm Đăng vội trả lời:
- Tôi không biết, chỉ biết ông ta rời khỏi nơi đây, đến ngày rằm Trung Thu năm sau mới trở lại để đón tôi rời khỏi Bố Đạt La Cung.
Lư Âu lấy làm kinh dị, gật gù hỏi:
- Mấy mươi năm nay, thằng Cô Trúc quả thật bền chí, và công việc khó khăn của lão mi phải gánh vác.
Tâm Đăng vội hỏi nguồn cơn nhưng Lư Âu không trả lời, lâu lắm mới nói:
- Đêm qua ta nhìn bộ điệu của mi thấy là công lực vẫn chưa đủ, vẫn không đủ sức để hoàn thành việc nọ, mi có phải tên là Tâm Đăng?
- Vâng!
- Tâm Đăng, sư phụ của mi có truyền cho mi Cô Trúc chưởng chưa?
Tâm Đăng trả lời:
- Con đã học, phải mất một năm trường mới xong.
Lư Âu mừng rỡ:
- Khá lắm, mi hãy biểu diễn cho ta xem thử.
Tâm Đăng vội vàng đứng dậy, cười rằng:
- Đệ tử còn non nớt lắm, xin sư thúc chỉ bảo thêm cho.
Lư Âu dường như muốn xem nghệ thuật của Tâm Đăng lắm thì phải, thôi thúc nói:
- Đừng lải nhải dài dòng nữa, xuất bộ đi.
Tâm Đăng nói thầm:
- Bà lão thật nóng tính!
Đoạn Tâm Đăng đứng thẳng lên, hai tay buông xuôi theo thân mình, rùn vai điệu bộ giống như Cô Trúc, rồi bất thình lình xoay mình trở bộ, trong một cái chớp mắt, Tâm Đăng đã biểu diễn liên hoàn sáu thế.
Động tác thần tốc của Tâm Đăng làm cho Lư Âu cả sợ, bà thầm nghĩ:
- Cô Trúc có thể xưng hùng thiên hạ, quả thật danh bất hư truyền, đường võ Cô Trúc chưởng của hắn ta thật không bằng.
Trì Phật Anh càng thêm kinh dị, nàng giương cặp mắt đen láy ngắm nhìn thân hình thiên biến vạn hóa của Tâm Đăng.
Nàng thầm nhủ:
- Đêm hôm qua, nếu hắn chẳng nương tay thì ta đã thảm bại.
Lúc bấy giờ Tâm Đăng đang biểu diễn đòn thứ ba, đòn này cũng bao gồm sáu thế liên hoàn, trông đẹp mắt như một cánh bướm vờn hoa, như một con dơi vừa rời khỏi tổ, thật là nhanh nhẹn mà khéo léo vô cùng.
Tâm Đăng vừa định trổ đòn thứ tư của Cô Trúc chưởng bỗng nghe Lư Âu quát:
- Tâm Đăng, dừng tay lại, hãy biểu diễn lại từ đầu cho ta xem.
Tâm Đăng nghe lời thu tay đình bộ, trong lòng lấy làm kinh dị, vì chú nghe giọng nói của Lư Âu có vẻ run rẩy, bên trong ắt có điều chi bí ẩn.
Liếc nhìn Lư Âu thấy thần sắc bà ta có chiều xúc động.
Bà thấy Tâm Đăng nhìn mình vội quay sang chỗ khác để trốn luồng nhãn quang.
Cử chỉ đó làm cho Tâm Đăng lấy làm lạ, chú nghĩ thầm:
- Chắc bà này có âm mưu gì đây?
Nghĩ đoạn trả lời rằng:
- Thưa sư thúc, con đã lâu không luyện tập nên chẳng được thuần thục, xin sư thúc tha thứ cho.
Nói đoạn biểu diễn lại từ đầu, nhưng lần này, chàng cố tình biểu diễn những thế giả tạo, bất thành chương pháp, mặc dù xem ra huê dạng vô cùng nhưng thật ra chẳng phải là Cô Trúc chưởng.
Thì ra, đường võ Cô Trúc chưởng này có tất cả bảy mươi đòn, mỗi đòn bao gồm sáu thế liên hoàn, cộng lại là bốn trăm hai mươi thế.
Cô Trúc năm xưa vào rừng trúc, ngắm nhìn những cây trúc ngả nghiêng theo chiều gió, phí mất hai mươi năm tâm huyết mới chế tạo ra đường võ kinh thiên động địa này.
Bây giờ Tâm Đăng bắt đầu biểu diễn thế thứ hai là Tuyết Trúc Áp Mai.
Cứ tráo đi trở lại một cách vô trật tự làm cho Lư Âu và Trì Phật Anh nhìn hoa cả mắt.
Không những người xem thấy khó chịu mà người biểu diễn cũng phải điên đầu.
Quả nhiên khi Tâm Đăng biểu diễn đòn thứ mười bốn Thanh Trúc Nghênh Phong đoạn bất thình lình đổi sang đòn một trăm lẻ ba là Sai Trúc Nhập Thổ, vì chuyển biến vô trật tự, thân hình của Tâm Đăng ở giữa không trung đầu váng mắt hoa, mất thăng bằng rơi đánh sầm trên mặt đất.
Phật Anh rú lên một tiếng, nhảy xổ tới, thấy Tâm Đăng nhắm nghiền cặp mắt, mồ hôi đầm đìa ướt đẫm cả áo cà sa.
Nàng kêu lên:
- Sư phụ mau cứu hắn!
Lư Âu bình thản nói:
- Không sao.
Nói đoạn thò hai tay ra sờ nắn hậu tâm của Tâm Đăng, không bao lâu chú hắt ra một hơi dài rồi nhướng mắt lên.
Tâm Đăng thều thào:
- Đệ tử bất tài.
Lư Âu cười nói:
- Cô Trúc chưởng quả thật thần diệu, theo ta thấy mi phải tốn thêm mười năm nữa mới có thể sử dụng nó một cách hoàn toàn.
Bà ta lạc giọng nói tiếp:
- Cô Trúc quả thật đáng sợ, bản lĩnh của nó cao cường hơn ta!
Tâm Đăng làm tâm hô hấp, dần dần lấy lại sức khoẻ nhưng tứ chi vẫn còn uể oải. Ba người ngồi đối diện với nhau trò chuyện, Lư Âu hỏi về việc tu hành của Tâm Đăng, trả lời rành mạch, duy chỉ giấu đi việc Tàm Tang khẩu quyết.
Từ đó về sau, đêm đêm Tâm Đăng trốn ra khỏi chùa, đến đó để gặp mặt Lư Âu và Phật Anh, khi thì tỷ thí võ, lúc lại chuyện trò.
Tính tình của Lư Âu thật dị kỳ, lúc vui lúc buồn, khi mừng khi giận thật khó đoán.
Thời gian thấm thoát trôi qua, mới đó mà đã một tháng tròn. Tâm Đăng nhờ được Tạng Tháp cho phép chừa tóc nên trên đầu chú đã có lác đác vài sợi tóc thưa.
Phần Bố Đạt La Cung, sau khi xảy ra hai vụ án mạng, bây giờ đã bắt đầu khôi phục sinh hoạt bình thường.
Một tháng nay, Tạng Tháp không hề gọi Tâm Đăng đến nữa. Tâm Đăng thầm nghĩ:
- Chắc bây giờ ông ta đang khổ công tập luyện Tàm Tang khẩu quyết, ta phải tìm cách học lóm mới được.
* * * * *
Đêm hôm ấy, trăng sao vằng vặc, Tâm Đăng theo lệ thường lẻn ra khỏi chùa lên đỉnh đồi để gặp Lư Âu và Phật Anh.
Đêm đó, Phật Anh mặc một bộ đồ võ phục màu trắng, càng làm tăng thêm vẻ đẹp của nàng, lại thêm vuông lụa đen che ngang khuôn mặt càng làm tăng thêm vẻ huyền bí của người đẹp mà chàng chưa rõ lai lịch kia.
Vì chung đụng lâu ngày giữa Phật Anh và Tâm Đăng đã có một mối tình sinh sôi nảy nở, mặc dù mối tình ấy thoảng qua nhẹ như một đường tơ.
Lư Âu thấy Tâm Đăng vừa đến vội nói:
- Tâm Đăng, hai chúng ta sắp sửa lên đường, ba tháng sau mới trở lại đây, chừng đó chúng ta sẽ gặp lại nhau.
Tâm Đăng thở dài nói:
- Sư thúc đi đâu lâu thế?
Lư Âu cười trả lời:
- Ta ở mãi một nơi cũng cuồng chân, nên đi đây đi đó, ba tháng sau sẽ trở lại.
Tâm Đăng chưa kịp trả lời, chàng bỗng giật mình vì Phật Anh vừa thò tay ra nắm lấy tay mình, nàng nói:
- Ba tháng sau chúng ta sẽ gặp lại...
Nhưng giọng nói khàn khàn của Lư Âu đã cắt ngang:
- Phật Anh, chúng ta đi thôi.
Câu nói này làm cho Phật Anh giật mình đánh thót, buông tay ra.
Lư Âu tiến tới trước mặt Tâm Đăng, vò đầu chàng mà bảo:
- Mặc dầu mi sẽ hoàn tục nhưng mi chớ nên quên rằng mi là người đã từng xuất gia đầu Phật.
Câu nói này làm cho Tâm Đăng sững sờ, không nói được một lời nào.
Lư Âu quay sang nắm lấy tay của Phật Anh, rồi hai người như hai cánh bướm bay lảo đảo hòa mình vào ánh trăng bàng bạc, rồi mất dạng ở chân đồi.
Tâm Đăng một mình đứng lại trên ngọn đồi hoang vắng, ngắm nhìn bóng trăng suông mà thẫn thờ như kẻ mất hồn.
Trong tay chàng mân mê vò nát một tấm giấy mà Phật Anh ban nãy vừa giúi vào tay chàng.
Trên mảnh giấy đó là mấy hàng chữ nắn nót của Phật Anh:
“Tâm Đăng sư huynh, vì sư phụ của tôi tính tình quái đản, hôm nay người muốn mang tôi di đâu chẳng rõ, chắc là xa lắm. Từ ngày quen nhau tôi đã rất mến sư huynh nên không muốn rời khỏi nơi này. Vì vậy mà ngày mai lên đường, tôi sẽ tìm hết cách trốn trở về để gặp lại sư huynh. Tôi có rất nhiều điều muốn nói cho sư huynh nghe”.
Tâm Đăng thầm nghĩ:
- Thì ra nàng cũng chẳng muốn xa ta, nhưng nếu nàng trốn trở về thì thật là nguy hiểm...
Bỗng dòng tư tưởng êm đềm của chàng bị cắt đứt bởi một câu nói khàn khàn:
- Chú tiểu, chú không dứt được nợ trần thì sao thành Phật được?
Giật mình đánh thót, Tâm Đăng tay trái bảo vệ tiền tâm, quay đầu nhìn lại...
Xem tiếp chương 3 Nơi hang thẳm tụng kinh siêu độ