A book is to me like a hat or coat - a very uncomfortable thing until the newness has been worn off.

Charles B. Fairbanks

 
 
 
 
 
Tác giả: Somerset Maugham
Dịch giả: Võ Đình Cường
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 19
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2266 / 48
Cập nhật: 2016-07-16 02:14:09 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Bệnh Viện
rong sáu tuần đầu ở bệnh viện, Ashenden không rời khỏi giường. Chàng không gặp người nào khác ngoài vị bác sĩ mỗi buổi sáng và chiều đến thăm bệnh cho chàng, các cô y tá đến săn sóc và người nữ lao công đem cơm nước vào phòng. Chàng bị lao phổi, và vì lúc đó có nhiều lý do khó khăn không tiện cho chàng sang Thụy Sĩ chữa bệnh, vị bác sĩ chuyên khoa của chàng ở Luân Đôn gởi chàng đến một bệnh viện bài lao ở phía bắc Tô Cách Lan. Cuối cùng, ngày mà chàng mong ước đã đến: ngày bác sĩ bảo chàng có thể ngồi dậy được. Chiều hôm ấy, cô y tá, sau khi phụ giúp chàng thay y phục, đưa chàng xuống hành lang, đặt gối sau lưng chàng, quấn mền quanh chàng và để cho chàng sưởi nắng dưới ánh mặt trời chiếu xuống từ một bầu trời không mây. Đây là một ngày vào giữa mùa đông. Bệnh viện nằm trên một ngọn đồi, và từ điểm cao ấy bạn có được một cái nhìn rộng rãi, bao quát của một vùng phủ đầy tuyết trắng mênh mông ở phía dưới. Dọc theo hành lang, có nhiều bệnh nhân nằm trên ghế xếp, người thì nói chuyện, kẻ xem sách, thỉnh thoảng một cơn ho nổi lên ở chỗ này chỗ nọ, và bạn để ý thấy mỗi khi ho xong, họ lo lắng nhìn vào chiếc khăn tay. Trước khi rời Ashenden, cô ý tá, với một điệu bộ nhanh nhẩu nhà nghề, xoay sang phía người đàn ông nằm ở ghế bên cạnh, nói:
- Tôi xin giới thiệu với ông, đây là ông Ashenden.
Và xây lại phía Ashenden, nàng giới thiệu:
- Đây là ông Mc Leod. Ông Mc Leod và ông Camphell là hai bệnh nhân ở đây lâu nhất.
Phía bên kia Ashenden, là một cô gái rất duyên dáng, tóc màu hung và mắt xanh nhạt. Nàng không trang điểm, nhưng đôi môi rất đỏ và đôi má thực hồng làm tăng một cách kỳ lạ màu trắng của làn da. Thực là xinh xắn, mặc dù bạn biết rằng cái sắc sảo ấy là do bệnh trạng mà có. Nàng mặc một chiếc áo lông và quấn dầy chăn nên bạn không thể thấy được thân hình nàng, nhưng khuôn mặt thon nhỏ làm cho cái mũi nàng, thực ra không lớn, cũng trở thành hơi quá cao. Nàng nhìn Ashenden với cái nhìn thân thiện, nhưng không nói năng gì. Ashenden đâm ra rụt rè giữa cái đám người trông có vẻ mạnh khỏe ấy và mong được trao đổi chuyện trò với họ.
- Lần đầu tiên họ để cho ông ra đây phải không? - Ông Leod hỏi.
- Vâng.
- Phòng ông ở đâu?
Nghe Ashenden cho biết số phòng, ông Leod nói:
- Như vậy là phòng nhỏ. Tôi biết rõ các phòng ở đây. Tôi ở đây đã mười bảy năm. Phòng tôi là phòng tốt nhất, tôi được hưởng cái quyền ấy. Lão Camphell đã nhiều lần tìm cách đẩy tôi ra khỏi đây để hòng chiếm lấy phòng, nhưng tôi không thèm nhúc nhích. Tôi có quyền ở đó, vì tôi đến trước lão tao sáu tháng.
Nhìn ông Leod nằm đấy, bạn có ấn tượng là thân hình ông thực cao lớn; da bọc xương, hai má và thái dương lỏm vào làm bạn có thể nhìn thấy hình dáng của xương sọ; khuôn mặt hốc hác với cái sóng mũi quá cao biến đổi mặt ông thêm to lớn kỳ dị.
- Mười bảy năm, cũng là một thời gian dài nhỉ! - Ashenden nói cho có chuyện nói.
- Thời gian đi nhanh lắm. Tôi thích sống ở đây. Lúc đầu, cứ vài năm tôi lại đi nghĩ hè ở nơi khác, nhưng về sau, tôi không đi đâu nữa. Bây giờ đây là nhà tôi. Tôi có một thẳng em trai và hai đứa em gái, nhưng bây giờ chúng đã có vợ có chồng, lập gia đình riêng cả rồi. Sau khi ở đây một thời gian, ông sẽ thấy lạc lõng khi trở về đời sống thường nhựt ở ngoài. Bạn bè mỗi người đi một ngả, theo chí hướng của họ, và ông cảm thấy không còn liên hệ gì với họ nữa. Tất cả đều trở thành vô nghĩa kinh khủng. Những chuyện không ra cái quái gì cũng làm mình bận rộn lo nghĩ. Chỉ có ồn ào và ngột ngạt. Vâng, ở đây thế mà hơn. Tôi sẽ còn nhúc nhắc ở đây cho đến lúc họ mang tôi đi, hai chân ra trước trong cái áo quan.
Bác sĩ có cho Ashenden biết nếu chàng chịu khó giữ gìn sức khỏe, thì trong một thời gian không lâu, chàng sẽ lại bình phục. Chàng tò mò nhìn Leod, hỏi:
- Ông làm gì cho hết ngày ở đây?
- Làm gì? Khi mang chứng lao phổi là cả một sự bận rộn suốt ngày, ông bạn ơi. Đo nhiệt độ và cân này, thay áo quần này. Ăn sáng, đọc báo, đi dạo, rồi nằm nghỉ này. Ăn trưa này, đánh bài bridge và lại nằm nghỉ một lần nữa này. Ăn tối, lại đánh bài và ngủ. Hết! Ở đây họ có một thư viện cũng tạm được, có cả những sách vừa mới xuất bản, nhưng thú thực tôi không có thì giờ để đọc. Tôi trò chuyện tầm phào với hết người này đến người khác. Ở đây, ông gặp đủ hạng người. Họ đến rồi họ đi. Họ đi, có khi vì tưởng là lành bệnh, nhưng một số lớn lại quay trở lại; và có khi họ đi luôn, vì đã chết. Tôi nhìn khối người ra đi khỏi đây, và tôi hy vọng sẽ còn nhìn thấy nhiều, nhiều nữa, trước khi đến phiên tôi ra đi.
Cô gái ngồi phía bên kia Ashenden bỗng cất tiếng nói với chàng:
- Tôi có thể nói với ông ít người có thể đùa cợt được với cái chết một cách nhiệt tình như ông Leod đây.
Ông Leod cười khoái trá:
- Chuyện đó thì tôi không rõ, nhưng tôi cho rằng sẽ trái với bản tánh ích kỷ của con người, nếu tôi không tự bảo với tôi: “Thực phúc cho mày! Hắn chứ không phải mày bị đưa lên xe tang”.
Ông Leod đoán chừng Ashenden chưa biết cô gái kiều diễm ấy, nên giới thiệu:
- Có lẽ hai người chưa biết nhau. Đây là ông Ashenden, và đây cô Bishop, cô Ivy Bishop là người Anh Cát Lợi, nhưng khá tốt.
Ashenden hỏi:
- Cô ở đây được bao lâu rồi?
- Chỉ mới hai năm. Mùa đông này là mùa đông cuối cùng của tôi ở đây. Bác sĩ Lennox bảo tôi sẽ khỏi hẳn trong vài tháng nữa, vì vậy không có lý do gì tôi không thể trở về nhà.
- Tôi cho như vậy là dại dột - Ông Leod nói - Theo tôi thì ở đâu mình thấy thích, thì cứ ở đó.
Trong lúc ấy một người đàn ông, chống chiếc gậy, đi chầm chậm dài theo hành lang đến.
- Kìa! Thiếu tá Templeton - Cô Ivy nói, vẻ vui mừng làm sáng đôi mắt xanh. Và khi người đàn ông tiến lại gần, cô nói tiếp - Rất vui mừng được thấy anh được bình phục trở lại.
- Ồ, có gì đâu! Chỉ bị cảm hàn sơ sơ thôi. Bây giờ thì khỏi hẳn rồi.
Câu nói vừa dứt thì Templeton nổi lên một cơn ho. Người chàng cong xuống trên chiếc gậy. Nhưng cơn ho chấm dứt, chàng lại mỉm cười, vui vẻ nói:
- Vẫn chưa hết ho. Hút thuốc nhiều quá. Bác sĩ Lennox bảo phải bỏ thuốc, nhưng không thể bỏ được. Bỏ thuốc thì thà chết còn hơn.
Thiếu tá Templeton người cao lớn, đẹp trai với cái vẻ hơi kịch sĩ, khuôn mặt ngâm ngâm đen, hai mắt đen nháy và bộ ria mép sắc cạnh. Chàng khoác chiếc áo choàng cao cổ bằng lông, cử chỉ chàng lanh lẹ, hoạt bác và có vẻ hơi làm dáng nữa. Cô Ivy giới thiệu Ashenden với Templeton. Templetom nói mấy lời xã giao một cách dễ dàng thân mật rồi rủ cô bạn gái cùng đi dạo với mình. Chàng được phép bạc sĩ cho đi dạo một lát trong rừng cây phía sau bệnh viện, ông Leod nhìn theo hai người trong khi họ đi thơ thẩn ra xa. Ông nói:
- Tôi tự hỏi không biết giữa hai người đã có gì chưa. Tôi nghi quá. Người ta đồn hắn ta trước khi mắc bệnh là một anh chàng chuyên môn theo váy đàn bà.
- Tôi thấy ông ta bây giờ không có vẻ gì là đểu giả hết. - Ashenden nhận xét.
- Điều đó thì không thể nói được. Tôi đã chứng kiến bao nhiêu chuyện kỳ cục ở đây rồi. Nếu muốn, tôi có thể kể mãi không hết.
- Ông thì chắc chắn là biết nhiều chuyện lắm rồi; vậy xin cho nghe một vài chuyện nào!
Ông Leod nhe răng cười khoái trá:
- Vâng, để tôi kể cho ông bạn một chuyện nghe chơi. Ba bốn năm trước, có một thiếu phụ khá lẳng lơ đến chữa bệnh tại đây. Ông chồng bà ta mê tít bã, cứ hai tuần lại đáp máy bay từ Luân Đôn đến đây thăm bã vào chiều thứ bảy. Nhưng bác sĩ Lennox biết là bà ta có tư tình với một anh chàng tại đây, tuy không biết rõ là anh chàng nào. Vì thế một đêm, khi mọi người đều đã lên giường nằm cả rồi, bác sĩ cho quét một lớp sơn ở trước cửa phòng của bà ta; sáng hôm sau, ông ta cho khám tất cả những đôi dép của bệnh nhân. Thiệt là tài tình, phải không? Anh chàng có đôi dép dính sơn liền bị mời ra khỏi đây ngay. Ông biết không, bác sĩ Lennox thực kỹ lưỡng, chu đáo. Ông không muốn bệnh viện này mang tiếng xấu.
- Thiểu tá Templeton ở đây lâu chưa?
- Ba bốn tháng nay. Hắn ta ít khi rời khỏi giường bệnh, vì cần phải tịnh dưỡng nhiều. Nếu cô Bishop mà dính với hắn ta, thì thực là quá ngu ngốc. Cô ta có nhiều hy vọng khỏi hẳn. Ông bạn biết không, tôi đã tiếp xúc với nhiều bệnh nhân quá rồi, nên mỗi khi nhìn một người nào, tôi có thể cả quyết ngay là người ấy có qua khỏi hay không và nếu không, thì còn có thể sống được bao lâu nữa. Tôi rất ít khi đoán sai. Tôi cho Templeton chỉ còn sống độ vài năm nữa.
Ông Leod nhìn Ashenden một cái nhìn dò xét. Ashenden biết ông ta đang suy nghĩ về chuyện gì, mặc dù ông làm ra vẻ đùa bỡn.
Chàng đâm ra lo ngại. Một tia sáng ló ra trong mắt ông Leod. Biết rõ cái ý nghĩ đang hiện lên trong đầu Ashenden, ông nói:
- Ông bạn rồi sẽ qua khỏi. Tôi không nói ra điều ấy, nếu tôi không chắc chắn như vậy. Đối với những bệnh nhân thập tử nhứt sinh tôi không bao giờ cho họ biết những sự phỏng đoán của tôi, vì tôi sợ bác sĩ Lennox sẽ đá đích tôi ra khỏi chỗ này.
Cô y tá đến đem Ashenden về phòng. Mặc dù chỉ mới ra ngoài ngồi có một giờ, chàng đã thấy mệt, nên bây giờ được trở về nằm trong chăn đệm êm ấm, chàng cảm nghe dễ chịu trong người. Bác sĩ Lennox đến thăm chàng vào buổi tối. Ông nhìn vào bảng ghi nhiệt độ, nói:
- Không đến nỗi tệ nhỉ!
Bác sĩ Lennox người nhỏ thó, lanh lẹ và vui tánh. Ông là một bác sĩ tương đối giỏi, một nhà kinh doanh có tài, và say mê câu cá. Khi mùa câu đến, ông thường giao phó việc săn sóc bệnh nhân cho các người phú tá, bệnh nhân không khỏi càu nhàu đôi chút, nhưng họ cũng thấy khoái khi được ăn những con cá hồi ông câu được, đem về để đổi món ăn. Ông thích nói chuyện, và giờ đây, đứng ở phía chân giường Ashenden, ông hỏi chàng đã trò chuyện với bệnh nhân nào trong buổi chiều hôm ấy chưa. Chàng cho biết cô y tá có giới thiệu chàng với ông Leod. Bác sĩ Lennox cười:
- Bệnh nhân ở đây lâu nhất đấy! Ông ta biết rõ bệnh viện và bệnh nhân ở đây hơn cả tôi nữa. Tôi không hiểu ông ta đã thu lượm tin tức bằng cách nào, nhưng không có một chuyện gì về đời tư của một người nào ở dưới mái nhà này mà ông không biết. Không có một cô gái già nào có được một cái mũi thính, bắt hơi những chuyện lục đục ở đây tài bằng ông ta. Thực là kỳ, ông và ông Camphell là hai bệnh nhân đã sống với nhau mười bảy, mười tám năm ở đây, thế mà hễ động đến là lên tiếng to, gây gổ sằn sặc cả ngày vì những chuyện không đâu. Họ ghét thấy mặt nhau. Tôi phải từ chối không nghe những lời họ kiện tụng nhau. Căn phòng của ông Camphell ở ngay phía dưới phòng của ông Leod, Và mỗi khi ông Camphell chơi vĩ cầm thì ông Leod phát điên lên. Ông này bảo rằng ông đã phải nghe mãi một điệu nhạc trong suốt mười lăm năm trời rồi, còn ông kia thì bảo ông này không thể phân biệt nổi một điệu nhạc này với một điệu nhạc khác, ông Leod muốn tôi cấm ông Camphell kéo đàn, nhưng tôi đâu có làm vậy được, ông Camphell có quyền chơi đàn tùy thích, miễn là đừng kéo trong những giờ cần giữ yên lặng. Tôi đề nghị đổi phòng khác cho ông Leod, nhưng ông không chịu. Ông ta bảo rằng ông Camphell kéo đàn chỉ với dụng ý đuổi ông ra khỏi phòng này, nhưng ông nói còn lâu ông Camphell mới chiếm được. Ông nghĩ có kỳ dị không, hai người đều có tuổi cả rồi, đâu phải còn nhỏ dại gì, thế mà lại lấy cái việc gây khổ cho nhau làm thú. Người này không thể để cho người kia yên. Họ cùng ăn chung một bàn, cùng đánh bài với nhau, thế mà không ngày nào là không kiếm chuyện để gây gổ nhau. Nhiều lúc tôi phải dọa mời họ đi ra khỏi đây nếu họ không đối xử với nhau như những người có lương tri. Sự hăm dọa ấy làm họ yên được một lúc. Họ không muốn rời khỏi nơi này; họ ở đây lâu quá rồi, không còn một người thân thích nào đoái hoài đến họ nữa, và họ cũng không thể thích nghi với cuộc sống bên ngoài. Mấy năm về trước, ông Camphell thỉnh thoảng còn đi ra ngoài, với ý định nghỉ mát vài tháng. Nhưng chỉ một tuần lễ sau ông lại xách va ly trở về. Ông bảo ông không thể chịu đựng được sự huyên náo, và sự đông đảo ở ngoài đường phố làm ông sợ hãi.
o O o
Khi bệnh tình dần dần thuyên giảm, Ashenden được sống chung đụng với những bệnh nhân khác. Chàng nhận thấy mình rơi vào một thế giới thực lạ lùng. Một buổi sáng, bác sĩ Lennox bảo chàng từ đây có thể ăn trưa tại phòng ăn công cộng. Đây là một phòng rộng và thấp, với những khung cửa sổ lớn luôn luôn rộng mở. Những ngày tốt trời, ánh sáng mặt trời chiếu thẳng vào bên trong. Bệnh nhân thực đông đảo, Ashenden phải mất một thời gian mới xếp họ thành loại được. Có đủ hạng tuổi, thanh niên, đứng tuổi và già nua; có hạng người, như ông Leod và Camphell, đã sống tại đây nhiều năm và cũng đợi chết tại đây; có hạng chỉ mới đến có vài tháng. Có một cô gái độc thân vào trạc trung niên, cô Atkin, cứ mỗi mùa đông lại đến đây và sang mùa hè lại đi nơi khác ở với bà con bạn bè. Cô ta đã khỏi hẳn bệnh, có thể ở luôn bên ngoài, nhưng cô thích đời sống tại đây. Sự cư trú lâu năm tại bệnh viện này đã tạo cho cô một địa vị: cô là quản thủ danh dự của thư viện và rất tâm đầu ý hiệp với bà quản lý bệnh viện. Cô luôn luôn sẵn sàng để nghe bạn thổ lộ tâm tình, nhưng chẳng mấy chốc bạn nhận ra rằng những điều bạn vừa thổ lộ đã lan tràn mau lẹ. Điều đó rất ích lợi cho bác sĩ Lennox để biết được bệnh nhân của ông đối xử với nhau có tử tế và có được hài lòng không, họ có làm điều gì bất cẩn và có theo đúng những lời chỉ bảo của ông không. Ít có chuyện gì lọt ra ngoài đôi mắt sắc sảo của cô Atkin, và từ cô ta, câu chuyện đi qua bà quản lý để cuối cùng đến tai bác sĩ Lennox. Vì ở đây lâu năm, cô được ngồi ăn chung bàn với các ông Leod, Camphell và một vị tướng già mà sự đặt ngồi ở đấy không phải vì lâu năm mà vì chức tước của ông. Cái bàn ấy không khác chút nào với các bàn khác, và cũng không được đặt ở một vị trí đặc biệt hơn, nhưng vì những người ngồi ở đó là những người thâm niên cư trú ở đây, nên nó trở thành một nơi mà mọi người ao ước được ngồi. Nhiều bà cao niên cảm thấy uất ức cay đắng, vì cô Atkin, mỗi năm vào mùa hè đi ở nơi khác hết bốn, năm tháng, lại được đặt ngồi ở đó, trong khi họ ở suốt năm tại đây, lại phải ngồi ở những bàn khác. Có một ông già trước kia làm công chức bên Ấn Độ cũng ở lâu nhất tại đây, sau hai ông Leod và Camphell. Ông này lúc còn trẻ đã có lần làm Tỉnh trưởng, và hiện giờ, đang sốt ruột đợi một trong hai ông Leod và ông Camphell chết để điền vào cái ghế trống trong bàn danh dự ấy.
Ashenden đến làm quen với ông Camphell. Ông này cao người, xương hóc lớn, đầu hói, ốm nhôm ốm nhách, tay chân dài lòng khòng. Khi ông ngồi sụm xuống trong cái ghế bành, ông làm người ta liên tưởng đến một hình nộm trong trò múa rối. Tính khí ông không tốt, cộc cằn, dễ nóng giận.
Câu đầu tiên ông hỏi Ashenden là:
- Ông có thích âm nhạc không?
- Thích lắm.
- Ở đây chẳng có ma nào quan tâm đến nó hết. Tôi chơi vĩ cầm. Khi nào ông muốn nghe mời ông đến phòng tôi đàn cho ông nghe.
- Không nên đến, - Ông Leod nói xen vào - nếu ông không muốn bị hành hạ.
Cơ Akin kêu lên:
- Sao cái ông này lại bất nhã quá vậy! Ông Camphell chơi đàn hay lắm đấy chứ.
- Chả có một thằng cha nào ở cái chỗ chó má này biết phân biệt một nốt nhạc này với một nốt nhạc khác cả.
Trong khi ông Camphell cáu kỉnh trả lời thì ông Leod nở một nụ cười khoái trá và đi tản lờ ra xa. Cô Atkin cố gắng gây lại hòa khí, nói với ông Camphell:
- Ông đừng để ý tới những lời ông Leod nói làm gì.
- Ối, tôi đâu thèm để ý. Tôi sẽ có cách chơi lại hắn.
Suốt cả buổi chiều hôm ấy, ông Camphell kéo lui kéo tới mãi một điệu nhạc. Ông Leod viết một mảnh giấy nhờ chị lao công đưa cho ông Camphell bảo rằng ông đang nhức đầu và yêu cầu ông Camphell làm ơn đừng có đàn nữa. Ông này trả lời mình có trọn quyền để chơi, và nếu ông Leod không thích thì mặc xác ông.
Ngày hôm sau gặp nhau, họ lại to tiếng cãi vã nhau om sòm. Ashenden được xếp ngồi cùng bàn với cô Bishop, với Templeton và một kế toán viên ở Luân Đôn, tên là Henry Chester. Ông này thấp người, vai rộng lực lưỡng, một người mà bạn không bao giờ ngờ là có thể bị lao phổi. Bệnh lao đã bộc phát ở ông như một cú đấm chớp nhoáng và bất ngờ. Ông là một người bình thường, vào trạc tuổi giữa ba mươi và bốn mươi, có vợ và hai con, cư trú ở vùng ngoại ô Luân Đôn. Buồi sáng ông đi vào thủ đô làm việc và đọc báo xuất bản buổi sáng, buổi chiều ông trở về nhà và đọc báo buổi chiều, ông không quan tâm đến việc gì khác ngoài công việc làm ăn và gia đình. Ông thích công việc của mình, kiếm ra khá tiền để sống một cuộc sống đầy đủ tiện nghi, và mỗi năm để dành được một số tiền kha khá. Ông đánh golf vào chiều thứ bảy và ngày chủ nhật; mỗi năm cứ vào tháng tám là đi nghỉ mát ba tuần lễ tại một nơi nhất định ở bờ bể phía đông. Hai đứa con ông sẽ lớn khôn và có gia đình riêng. Ông sẽ truyền nghề lại cho thằng con trai, rồi sẽ cùng vợ rút lui về sống dưới một mái nhà nho nhỏ trong một miền nào đó để vui hưởng tuổi già cho đến khi thần chết đến gõ cửa. Ông không đòi hỏi gì nhiều ở cuộc đời hơn nữa và đó là cuộc đời mà hàng vạn hàng triệu những người đồng loại của ông đang sống, ông là một người dân trung bình, sống một cuộc sống trung bình. Thế rồi bỗng sự việc ấy xảy đến: ông bị cảm lạnh trong khi chơi golf, lạnh thấm vào lồng ngưc, rồi ông bị ho, ho mãi - Ông là một người luôn luôn khỏe mạnh, nên không có chuyện phải cần đến bác sĩ. Nhưng cuối cùng, theo lời khuyên của vợ, ông thuận đi khám bác sĩ. Thực là một tiếng sét hãi hùng khi ông được bác sĩ cho biết cả hai lá phổi ông đều bị thủng, và hy vọng độc nhất để khỏi chết là đi ngay vào một bệnh viện bài lao. Bác sĩ chuyên trị lao phổi bảo rằng ông có thể trở lại làm việc sau hai năm, nhưng hai năm đã qua mà bác sĩ Lennox giờ đây lại khuyên ông đừng nghĩ gì đến chuyện đó, ít nhất là trong một năm nữa. Bác sĩ chỉ cho ông thấy vi trùng lao trong đờm của ông, và những điểm đen lấm tấm trong bức ảnh chụp hai lá phổi của ông bằng quang tuyến X. Ông mất tinh thần, thấy hình như số mệnh đã chơi ông một đòn quá bất công và tàn nhẫn.
Ông có thể hiểu được, nếu ông say sưa rượu chè, đánh bạc, theo gái, đi sớm về khuya. Nếu có vậy, thì bây giờ ông bị trừng phạt là đáng. Nhưng nào ông có làm một điều gì bậy bạ đâu? Thế mới tàn nhẫn chứ! Là người thiếu tài ba, và cũng không thích đọc sách, giờ đây ông không làm gì khác hơn là suốt ngày lo nghĩ về bệnh tình của mình. Nó là một ám ảnh đối với ông. Ông lo âu theo dõi những triệu chứng của nó. Mỗi ngày ông tự lấy nhiệt độ ít ra là mười lần, đến nỗi người ta phải cất giấu ống mạch không cho ông đo nữa. Ông có thành kiến rằng các bác sĩ không tận tình chữa trị cho ông, xem thường bệnh trạng của ông, và để bắt họ phải chú ý đến mình nhiều hơn, ông đã tìm cách làm cho ống mạch tăng cao nhiệt độ, hầu gây sự khẩn trương, lo ngại. Khi mưu mẹo của ông bị bại lộ, ông giả làm giận làm hờn, gây gổ lung tung. Nhưng ông là người vui tính, hiền hòa, và khi quên được bệnh trạng của mình thì ông nói cười thực vui nhộn. Nhưng khi nhớ đến nó, nỗi lo sợ chết chóc bỗng hiện ra trong đôi mắt ông.
Mỗi cuối tháng, vợ ông đến thăm ông, ở lại một đôi ngày trong căn nhà trọ gần đấy. Bác sĩ Lennox không thích những cuộc viếng thăm của thân nhân, vì sẽ gây xúc động và xáo trộn đời sống của bệnh nhân. Thực là cảm động, cái vẻ nôn nao mà Henry Chester để lộ ra trong sự chờ mong ngày vợ đến thăm. Nhưng cũng thực lạ lùng, khi bà vợ đến, ông ta lại không mừng rỡ như chúng ta tưởng. Bà Chester là một thiếu phụ vui vẻ dễ thương không đẹp nhưng gọn gàng, tiêm tất, và cũng không có gì đặc sắc, như chồng vậy. Bạn chỉ cần nhìn sơ qua là nhận thấy ngay bà ta là một người vợ giỏi, một bà mẹ hiền, một người nội trợ đảm đang, một thiẽu phụ trầm lặng dễ thương luôn luôn làm tròn nhiệm vụ của mình và không xen vào công chuyện của người khác. Trong bao năm qua, bà cảm thấy đầy đủ hạnh phúc trong cuộc sống thường nhựt của gia đình bà; thú giải trí độc nhất của bà là được đi xem triển lãm tranh ảnh, nỗi xúc động lớn lao của bà là được đi mua sắm trong những gian hàng đồ sộ ở Luân Đôn. Chưa lần nào bà cảm thấy buồn chán với cuộc sống ấy, trái lại, bà rất thỏa mãn với nó.
Ashenden mến bà ta. Chàng lắng nghe một cách vui thích bà líu lo kể chuyện con cái, nhà cửa, chuyện hàng xóm láng giềng và những công chuyên thường nhựt của mình. Một hôm chàng gặp bà ở ngoài đường. Giờ ấy ông Chester, chồng bà đang ở lại chữa bệnh trong phòng, nên bà đi một mình. Ashenden đề nghị hai người cùng đi dạo một vòng. Họ nói những chuyện không đâu một hồi, rồi bỗng bà đột ngột hỏi Ashenden nghĩ thế nào về chồng bà.
- Tôi thấy ông nhà mỗi ngày mỗi đỡ nhiều.
- Tôi lo quá sức!
- Bà đừng quên rằng chữa bệnh lao là một công việc lâu dài chậm chạp, cần nhiều kiên nhẫn.
Hai người tiếp tục đi một đoạn nữa, bỗng Ashenden nhận thấy bà khỏe.
- Bà chị không nên quá đau khổ vì bệnh tình của ông nhà.
- Ông không thể hiểu được tôi đã phải đối phó như thế nào mỗi khi tôi đến đây. Tôi biết tôi không nên nói ra câu chuyện này, nhưng tôi không thể im lặng đươc. Tôi có thể tin cậy ở ông không?
- Xin bà chị cứ nói.
- Tôi yêu nhà tôi. Tôi chân thành tận tụy với nhà tôi. Tôi làm tất cả những gì tôi có thể làm được trên cõi đời này cho nhà tôi. Từ bao năm nay chúng tôi chưa hề cãi vã nhau, chưa hề bất đồng ý kiến về một chuyện nhỏ nhặt nào. Thế mà ngày nay nhà tôi bắt đầu ghét tôi và điều ấy làm tôi đau như cắt.
- Ồ, không có đâu. Tôi không thể tin được điều đó. Làm sao có thể như vậy được trong khi vắng bà, ông nhắc nhở đến bà luôn, nhắc nhở một cách trìu mến thương yêu không ai bằng, ông thực chân thành với bà chị.
- Vâng, khi không có tôi đây thì vậy đó. Nhưng khi tôi ở đây, khi nhà tôi thấy tôi bình yên khỏe mạnh, thì sự ghét giận lại xâm chiếm nhà tôi. Ông biết không, nhà tôi tức giận tôi vì tôi sẽ còn sống sau ông. Tôi phải luôn luôn đề phòng, giữ gìn ý tứ; hầu như lất cả những gì tôi nói ra, chẳng hạn như chuyện con cái, chuyện tương lai, đều làm cho nhà tôi nổi giận và nói ra những điều chua chát nghe thực đau lòng. Khi tôi kể những chuyện tôi đã làm ở nhà, chẳng hạn về người giúp việc mà tôi đã thay đổi, nhà tôi cũng nổi giận không thể chịu nổi. Ông phiền trách tôi đã tự ý hành động một mình, coi ông như không có. Chúng tôi đã quen sống hòa thuận tin yêu, thế mà bây giờ, tôi cảm thấy như có một bức tường xung đột ngăn cách chúng tôi. Tôi hiểu rằng tôi không nên trách móc nhà tôi, tôi biết nhà tôi vì bệnh tật mà sinh chứng. Nhà tôi là một người chồng rất tốt, thường nhật ông là người dễ thỏa thuận nhất trên đời. Thế mà bây giờ, mỗi lần đến đây là tôi lo sợ, và mỗi khi ra về, tôi thấy như trút được gánh nặng. Nếu tôi bị lao phổi chắc nhà tôi cũng cho là một diều đáng tiếc, nhưng tôi biết trong thâm tâm ông, trong đáy lòng ông, có lẽ ông cũng cảm thấy nhẹ nhõm. Nhà tôi có thể tha thứ cho tôi, tha thứ cho số kiếp nếu ông nghĩ rằng tôi cũng sắp chết như ông. Nhiều lúc nhà tôi hành hạ tôi bằng cách tra hỏi tôi sẽ làm gì sau khi ông chết. Tôi nổi khùng thét bảo ông im đi, ông nói tôi nên cho phép ông được vui đùa một tí, vì ông sẽ phải chết nay mai, còn tôi thì còn sống nhiều, nhiều năm nữa để hưởng hạnh phúc lâu dài. Chao ôi! Thực là khủng khiếp khi nghĩ đến tình yêu của chúng tôi trong bao năm nay sẽ phải chết dần, chết dần một cách ghê tởm, khốn nạn như thế.
Bà Chester ngồi xuống một tảng đá bên đường, nức nở khóc. Ashenden ái ngại nhìn bà, nhưng không tìm được câu nói gì có thể an ủi được bà ta, vì những gì bà vừa nói không phải là những điều lạ lùng để chàng phải ngạc nhiên.
- Cho tôi một điếu thuốc - Bà nói một lát sau - Tôi không nên để cho đôi mắt đỏ và húp lên, không thì nhà tôi lại biết là tôi đã khóc, rồi tưởng tôi có tin buồn về tình trạng của nhà tôi. Cái chết ghê gớm đến thế sao ông? Tất cả chúng ta đều sợ chết như vậy cả sao?
- Tôi cũng không biết rõ.
- Khi mẹ tôi sắp mất, tôi thấy bà có vẻ bình tĩnh lắm. Bà biết cái chết đã gần kề và bà đùa giỡn với nó nữa. Nhưng dù sao trường hợp bà lại cũng khác, bà đã già rồi.
Bà Chester bình tĩnh trở lại, và hai người lại tiếp tục đi trong im lặng. Một lát sau bà nói:
- Qua những lời tôi vừa nói, ông đừng nghĩ rằng tôi là một người không tốt.
- Dĩ nhiên tôi không bao giờ nghĩ như vậy.
- Nhà tôi là một người chồng tốt, một người cha hiền. Trong đời tôi, tôi chưa bao giờ thấy một người đàn ông nào tốt như vậy. Cho đến ngày mắc bệnh, chưa bao giờ một ý nghĩ xấu xa ti tiện nảy sanh trong đầu óc nhà tôi.
Câu chuyện trên gây cho Ashenden nhiều tư lự. Bạn bè thường bảo rằng chàng đánh giá thấp cái bản chất con người, vì chàng không phê phán người đời theo những tiêu chuẩn thông thường. Chàng chấp nhận, với một nụ cười tha thứ, một giọt nước mắt hay một cái nhún vai, những điều mà người khác cho là rất khủng khiếp, kinh hoàng.
Chắc bạn không bao giờ có thể ngờ được rằng anh chàng tầm thường vui tính đó lại có những ý nghĩ chua cay, đồi trụy như vậy; nhưng ai dám ước lượng được cái mức độ sâu thẳm mà con người có thể tuột xuống, hay cái đỉnh cao siêu mà hắn có thể vươn lên? Cái lỗi của Henry Chester là ở sự thiếu lý tưởng. Chàng được sinh ra và khôn lớn để bước vào một cuộc đời tầm thường với những biến chuyển nho nhỏ, thông thường của cuộc sống, nên khi một tai biến bất ngờ đổ sụp xuống đầu, chàng không có phương tiện để đối phó với nó. Chàng như là một viên gạch làm ra để chiếm một chỗ đứng trong số hàng triệu viên gạch khác của một xưởng đồ sộ, nhưng rủi vì có tì vết, một cọng rơm lẫn vào chẳng hạn, nó trở thành vô dụng. Và viên gạch, nếu nó cũng biết suy nghĩ, sẽ kêu than: tôi đã làm gì để phải bị gạt ra khỏi cái nhiệm vụ tầm thường của tôi, để phải bị tách rời ra khỏi hàng ngũ của bao nhiêu viên gạch khác và bị liệng vào đống rác? Nhưng nghĩ cho cùng, thì cũng không phải là một cái lỗi, nếu Henry Chester không thể có được những tư tưởng, những ý niệm giúp chàng chịu đựng được cái tai họa của mình một cách nhẫn nhục. Đâu có phải ai cũng tìm được sự an ủi trong nghệ thuật hay tư tưởng? Thực là một thảm kịch trong thời đại chúng ta là bao nhiêu tâm hồn tầm thường, hèn mọn đã mất niềm tin ở Chúa, niềm tin ở sự phục sinh có thể ban cho họ cái hạnh phúc mà cõi đời này đã từ chối cho họ trong khi họ không tìm được một điều gì khác để thay thế vào đó.
Có người bảo rằng đau khổ nâng cao tâm hồn. Điều ấy chưa hẳn đúng. Thông thường thì đau khổ làm cho con người trở thành nhỏ nhen, hay gây gổ và ích kỷ. Nhưng cũng may, trong bệnh viện bài lao này, thực ra sự đau khổ không nhiều lắm. Trong nhiều giai đoạn của chứng lao phổi, cơn sốt nhè nhẹ kích thích bệnh nhân nhiều hơn là gây chán nản; nhờ vậy bệnh nhân cảm thấy nhanh nhẹn và, nhờ hy vọng nâng đỡ, họ đối diện với tương lai một cách vui vẻ. Nhưng đàng sau tất cả, ý chết vẫn lảng vảng trong tiềm thức họ. Đó là một điệu hát bi thương chua xót thoảng qua, xen vào một màn ca vũ vui nhộn: điệu nhạc đang du dương, vui tươi, thoải mái, chốc chốc lại láy một cách kỳ dị sang những tiết điệu réo rắt, chơi vơi làm các dây thần kinh căng thẳng như sắp đứt. Những lúc ý chết vươn lên, thì những quyền lợi nhỏ nhặt hàng ngày, những ghen ghét ti tiện, những buồn lo vụn vặt trở thành vô nghĩa; lòng thương kính và sự sợ hãi làm cho con tim bỗng chốc như ngừng dập, và sự khủng khiếp về cái chết ngự trị trên tất cả, như sự im lặng bất thường bao trùm cả một khu rừng nhiệt đới trước cơn bão tố.
Ít lâu sau khi Ashenden đến bệnh viện này, một thanh niên khoảng 20 tuổi cũng đến đây điều trị. Hắn ta là một thiếu úy Hải quân, và mắc cái chứng bệnh thường được gọi là “bệnh lao phi nước đại”. Hắn cao lớn, đẹp trai, tóc quăn màu nâu, hai mắt xanh biết và nụ cười rất hiền lành. Ashenden gặp hắn vài ba lần nằm sưởi nắng ở trên sân thượng và bầu bạn với hắn suốt ngày. Hắn là một chàng trai vui tính, thích nói chuyện về trình diễn ca nhạc, về tài tử chiếu bóng, tìm đọc trong báo những kết quả của các trận túc cầu và tin tức về quyền thuật. Thế rồi ít lâu sau, hắn không rời khỏi giường bệnh và Ashenden không gặp hắn lại lần nào nữa. Thế rồi thân nhân được mời đến, và khoảng hai tháng sau, hắn chết. Chết không một lời kêu than. Như một con thú, hắn hiểu biết một cách mơ hồ những gì xảy đến cho hắn. Một không khí ngột ngạt bao trùm bệnh viện, một sự ngột ngạt khó chịu như ở nhà lao khi có một phạm nhân bị hành quyết. Nhưng vài hôm sau, như tuân theo mệnh lệnh của trực giác bảo tồn sự sống, và với sự đồng tình ngấm ngầm của mọi người, thằng nhỏ bị bỏ rơi vào quên lãng. Và cuộc sống, với ba bữa ăn mỗi ngày, với những trận đánh golf trên sân thâu hẹp, với những môn thể dục, những giờ nghỉ ngơi, với những cuộc cãi vã và ganh tị, những hờn dỗi vì sự ngồi lê đôi mách, cuộc sống với bao nhiêu thứ ấy lại tiếp diễn như cũ. Ông Camphell tiếp tục kéo bản nhạc thời trang và bài “Annie Laurie”, và làm ông Leod điên đầu. Ông Leod tiếp tục khoác lác về tài đánh bài bridge của mình và tán nhảm về tình trạng sức khỏe và tinh thần của bệnh nhân, cô Atkin tiếp tục nói xấu. Henry Chester tiếp tục than phiền các bác sĩ không tận tình săn sóc và oán than định mệnh chơi xấu mình, mặc dù mình đã sống một đời sống kiểu mẫu. Ashenden tiếp tục đọc sách và quan sát thói hư tật xấu của những nhân vật quanh mình với một thái độ khoang dung, thích thú.
Ashenden trở thành thân mật với thiếu tá Templeton. Templeton có lẽ đã quá tứ tuần, trước kia ở trong quân đội nhưng đã giải ngũ sau thế chiến thứ hai. Nhờ có nhiều phương tiện tài chánh, nên từ khi rời khỏi quân ngũ, chàng không làm gì khác ngoài những thú ăn chơi. Chàng đua ngựa trong mùa đua ngựa, săn bắn trong mùa săn bắn, và khi không còn mùa gì nữa, chàng đến Monte Carlo đánh bạc. Chàng đã ăn và thua những số tiền thực lớn. Chàng rất khoái đàn bà, và nếu những chuyện chàng kể có thể tin được, thì đàn bà cũng rất mê chàng. Chàng thích ăn ngon, thích uống say. Chàng biết tên tất cả những viên quản lý của các tiệm ăn ngon có tiếng ở Luân Đôn. Chàng có chưn trong hơn nửa tá câu lạc bộ. Trong bao năm chàng đã sống một cuộc sống vô dụng, ích kỷ, vô giá trị, một cuộc sống không ngày mai, nhưng chàng đã hưởng thụ một cách thích thú, không băn khoăn, không thắc mắc. Có lần Ashenden hỏi chàng sẽ làm gì nếu cho chàng thời gian sống lại, chàng trả lời sẽ làm lại đúng y những gì chàng đã làm. Chàng là một người nói chuyện có duyên, châm biếm một cách vui vẻ, có tài dàn xếp êm xuôi, khéo léo, những vấn đề lặt vặt, hời hợt bên ngoài. Chàng luôn luôn có những lời hỏi han nhã nhặn đối với các cô gái già cục mịch, có sẵn một câu nói khôi hài đối với các ông già bộ vệ nghiêm trang, chàng dung hòa một cách tài tình lễ độ và tình thương. Chàng biết cách hòa mình vào cuộc sống bề mặt của những hạng người quá nhiêu tiền nên không biết làm gì với số tiền của họ, như biết rõ lối ra vào khu phố Mayfair [1].
Chàng thuộc vào hạng người sẵn sàng chấp nhận một cuộc thách thức, giúp đỡ một người bạn gặp cảnh khó khăn, và rộng rãi với những kẻ khốn cùng. Nếu chàng không làm được gì tốt đẹp trên đời này, thì chàng cũng chẳng làm điều gì tai hại cho lắm. Chàng không làm được trò trống gì cả, nhưng đó là một người bạn đồng hành thích thú đối với chúng ta, hơn những người đức trọng tối cao. Nhưng hiện giờ thì chàng đang ốm nặng. Chàng biết mình sắp chết và chấp nhận điều ấy với một thái độ thờ ơ, một cái mỉm cười lãnh đạm, như chấp nhận bao nhiêu sự việc khác trên đời. Chàng đã có một giai đoạn vàng son, nên cũng chẳng còn tiếc nuối gì nữa. Cũng thực đau như hoạn khi nhuốm phải bịnh lao, nhưng nghĩ cho cùng, có ai lột da sống mãi ở đời. Nếu chàng không chết vì bịnh lao, thì cũng có thể chàng đã chết trong chiến trận, hay trong một cuộc ẩu đả nào đó rồi. Nguyên tắc của chàng trong cuộc sống là: Khi thua cuộc thì phải chung tiền, và sau đó quên đi. Trong ván bài đời, đã có hồi vận đỏ, chàng hốt bạc thật nhiều, thì chàng cũng sẵn sàng phát ra khi gặp hồi xui xẻo. Nếu hội hè tiếp diễn mãi thì cũng vui lắm đấy, nhưng đám hội nào rồi cũng có hồi kết thúc, và dù bạn có ở lại chơi cho đến sáng hôm sau, hay bỏ ra về trong lúc cuộc vui chưa dứt, thì cũng thế thôi. Trong số những bệnh nhân ở bệnh viện này, chàng có lẽ là người về phương diện đạo đức, ít được bảo đảm nhất, nhưng chàng cũng là người duy nhất thành thực chấp nhận cái nghiệp dĩ một cách thản nhiên, lãnh đạm. Chàng chế diễu vào mặt thần chết, và bạn có thể, hoặc cho rằng cái thái độ hời hợt bất cần đó là thiếu đứng đắn, hay cho rằng đó là thái độ vô tư, thực dũng cảm, rất hào hoa.
Điều tệ hại nhất chưa bao giờ xảy đến cho chàng từ trước, là hiện chàng đang mang thêm một chứng bịnh: chứng si tình, một thứ tình si mà chàng chưa bao giờ vướng phải. Chúng đã có không biết bao nhiêu mối tình từ trước, nhưng đó là những thứ tình yêu hời hợt, thứ tình yêu trao đổi bằng tiền tài trong đám ca nhi vũ nữ, những cuộc ngẫu hợp phù du với những hạng đàn bà dễ dãi, thiếu đạo đức mà chàng đã gặp trong các cuộc truy hoan. Luôn luôn chàng cố tránh những sự ràn buộc tình cảm để khỏi mất tự do. Tiêu chuẩn duy nhất của chàng trong cuộc sống là càng hưởng thụ bao nhiều càng tốt bấy nhiêu, và trong phương diện ái tình, hay nói cho đúng là tình dục, chàng phải tìm cho được nhiều lợi điểm và không bị khuấy rầy ở bất cứ một khía cạnh nào. Nhưng chàng mến đàn bà. Dù với một bà già, trong khi trò chuvện, chàng cũng vẫn có một cái nhìn ve vuốt trong đôi mắt và cái giọng trìu mến trong lời nói. Chàng luôn luôn sẵn sàng làm mọi việc để họ được vui lòng. Và họ cũng nhận thức được sự chú trọng của chàng đối với họ, cho nên rất lấy làm hãnh diện vui thích và có cảm tưởng sai lầm rằng họ có thể tin là chàng sẽ không bao giờ bỏ rơi họ. Có một lần chàng đã phát biểu một ý kiến mà Ashenden cho là chàng đã phơi bày nội tâm của mình:
- Người đàn ông nào cũng có thể chiếm được trái tim người đàn bà họ ưa muốn, miễn là họ cố gắng hết mình; điều ấy không có gì khó, nhưng một khi đã chiếm được trải tim họ rồi, chỉ có người đàn ông nào hiểu rõ nữ giới mới có thể rời người mình đã yêu mà không làm cho người ấy tủi nhục.
Tình yêu của chàng đối với cô Ivy Bishop bắt đầu chỉ do thói quen tán tỉnh của chàng. Ivy là cô gái trẻ đẹp nhất trong bệnh viện này. Nàng thực ra không trẻ như Ashenden tưởng lúc mới gặp. Nàng đã 29 tuổi, nhưng vì trong tám năm qua nàng đã lang thang hết bệnh viện này đến bệnh viện khác ở Thụy Sĩ, Anh Cát Lợi và Tô Cách Lan và vì đời sống kín cổng cao tường của các bệnh viện giữ gìn cho nàng cái dáng dấp trẻ trung nên bạn có thể phỏng đoán nàng chỉ mới độ 20. Những sự hiểu biết của nàng về cuộc đời đều là những gì nàng đã học hỏi ở các bệnh viên, nên nàng là hiện thân kỳ diệu của sự hòa hợp giữa cái ngay thơ cùng tột và cái sành sỏi cũng cùng tột. Trong đời nàng, nàng đã để cho bao nhiêu cuộc tình duyên trôi qua mà không bị vướng mắc. Một số đông đàn ông, thuộc đủ quốc tịch, đã tỏ tình với nàng. Nàng đón nhận cảm tình của họ một cách tự chủ và nghịch ngợm, nhưng nếu họ đi quá xa, nàng cũng có đủ cương quyết để đối phó với họ. Tánh tình nàng thực cứng cỏi, ít khi người ta có thể ngờ được ở một người con gái mảnh khảnh như hoa ấy. Khi cần cự tuyệt, nàng biết diễn đạt ý muốn của mình một cách rõ ràng, bình thản và dứt khoát. Nàng sẵn sàng đáp ứng với nhiều thiện cảm sự ve vản của Thiếu tá Templeton. Đó là một trò chơi mà nàng đã lịch duyệt. Và mặc dù luôn luôn đối xử với chàng một cách tình tứ, nàng vẫn biểu lộ cái vẻ trêu chọc đùa bởn tế nhị để gián tiếp cho chàng hiểu rằng nàng xem chàng cũng chẳng khác gì bao nhiêu người đàn ông khác. Nàng ngầm cho chàng biết rằng, cũng như chàng, nàng không xem là quan trọng, không hy vọng tiến xa hơn cái cảm tình họ đang trao đổi với nhau.
Cũng như Ashenden, Thiếu tá Templeton trở vào nghỉ ở phòng riêng của mình mỗi ngày từ lúc sáu giờ chiều, và ăn cơm luôn trong đó, nên chàng chỉ gặp cô Bishop vào lúc ban ngày thôi. Ngoài những lúc đi dạo với nhau, họ ít có cơ hội gặp riêng nhau. Trong bữa ăn trưa, câu chuyện giữa bốn người (Ivy Bishop, Templeton, Henry Chester và Ashennden) là những câu chuyện chung, nhưng điều rõ ràng là Templeton có vẻ khó khăn khi bắt chuyện với hai người đàn ông. Và theo sự quan sát của Ashenden thì Templeton không còn tản tỉnh cô Ivy để giết thì giờ nữa, mà cảm tình của chàng đối với nàng mỗi ngày mỗi đậm đà, chân thật hơn. Điều đó, không biết nàng có nhận thấy không, và nó có ý nghĩa như thế nào đối với nàng Khi Templeton tỏ vẻ đi xa trong tình thân mà hoàn cảnh không cho phép, nàng trả đũa lại ngay bằng những lời chế riễu làm mọi người cười rộ. Nhưng cái cười của Templeton trông thực thảm thương. Chàng không muốn nàng tiếp tục xem mình chỉ như một gã đàn ông thanh lịch mà thôi. Càng quen thân với cô Bisbop, Ashenden lại càng mến nàng. Có một vẻ thực cảm động trong cái vẻ đẹp đau ốm của nàng, với nước da trắng xanh, với khuôn mặt thon nhỏ làm cho đôi mắt càng thêm lớn và xanh biếc một cách ký lạ. Và cũng thực cảm động, cái tình cảnh của nàng, tình cảnh mà đa số bệnh nhân trong bệnh viện này đều gặp phải, đó là sự cô quạnh, đơn chiếc của nàng trong cuộc đời. Mẹ nàng thì luôn luôn bận rộn với cuộc sống bên ngoài; chị em nàng thì đã đi lấy chồng cả rồi. Trong tám năm xa cách, họ đối với nàng không thiết tha lắm. Họ trao đổi thư từ với nàng và thỉnh thoảng mới đến thăm nàng, nhưng mỗi ngày sự liên lạc mỗi thưa thớt, phai lạt dần. Nàng chấp nhận sự thể ấy, không đắng cay chua xót. Nàng thân thiện với mọi người và luôn luôn sẵn sàng lắng nghe một cách cảm thông những lời thở than phiền muộn của họ. Nàng đối xử với Henry Chester tử tế đặc biệt và làm những gì có thể làm được để cho chàng được vui.
- Anh Chester này, - Nàng nói với chàng một hôm trong bữa ăn trưa - cuối tháng rồi, chắc chị sẽ đến vào ngày mai. Trong ngóng thực dài cả anh nhỉ!
- Không, tháng này nhà tôi không đến. - Chàng trả lời một cách bình tĩnh, hai mắt nhìn xuống chiếc đĩa của mình.
- Vậy xin có lời chia buồn với anh! Sao chị lại không đến? Các cháu vẫn mạnh khỏe cả đấy chứ?
- Bác sĩ Lennox cho rằng nhà tôi không đến có lẽ tốt cho tôi hơn.
Sự im lặng bao trùm mọi người. Nàng nhìn Chester vơi đôi mắt lo ngại Templeton nói với cái vẻ thân mật, bộc trực thường nhật của chàng:
- Như vậy thì thực quả khắc nghiệt. Sao anh không rủa cho bác sĩ Lennox xuống địa ngục cho rồi!
- Ông ta dĩ nhiên biết nhiều hơn chúng ta. - Chester trả lời.
Cô Bishop nhìn chàng một lần nữa rồi nói sang chuyện khác.
Sau này nhớ lại, Ashenden nhận ra rang nàng đã nghi ngờ sự thật của câu chuyện ngay từ lúc đầu.
Ngày hôm sau, Ashenden được dịp đi dạo cùng Chester. Chàng nói:
- Tôi rất buồn vì chị không đến được. Chắc anh thấy thiếu thốn kinh khủng.
- Vâng, kinh khủng...
Chàng liếc nhìn Ashenden. Ashenden đoán Chester muốn nói gì với mình, nhưng hình như khó nói nên lời. Chàng nhún vai, vẻ bực tức.
- Nhà tôi không đến là tại tôi. Tôi yêu cầu bác sĩ Lennox viết thư bảo bà đừng đến. Tôi hết chịu được sự hiện diện của nhà tôi. Suốt cả tháng tôi mong đợi bã đến, nhưng khi bã đến tôi lại thấy ghét. Anh biết không, tôi thù ghét kinh khủng cái chứng bệnh bẩn thỉu này. Bà ta thì khỏe mạnh, nhanh nhẹn... và tôi phát khùng lên mỗi khi thấy cái vẻ đau khổ trong mắt bã. Thực tình bã đâu có đau khổ gì. Ai thèm đếm xỉa đến mình khi mình đau ốm. Họ làm ra vẻ săn sóc, lo lắng cho mình, nhưng họ lấy làm bằng lòng, mừng rỡ là chính mình, chứ không phải họ, mắc bệnh. Tôi ti tiện lắm phải không anh?
Ashenden hồi tưởng cái hình ảnh bà Chester ngồi khóc trên tảng đả ở vệ đường. Chàng nói:
- Anh có nghĩ rằng anh làm chị khổ sở khi không để cho chị đến thăm không?
- Bà ta phải chịu đựng lấy chứ! Nỗi đau khổ của tôi, tôi còn chưa kham nổi, hơi đâu gánh vác thêm nỗi đau khổ của bã.
Ashenden không biết nói gì thêm. Hai người bước đi trong im lặng. Bỗng Ashenden nói lớn, giọng bực tức:
- Đối với anh thì lòng vị tha, vô vụ lợi dễ dàng quá! Anh còn sống lâu dài. Còn tôi, tôi sắp chết. Và quỷ thần ơi! Tôi đâu có muốn chết. Mà sao lại là tôi? Thực bất công, phi lý hết sức!
o O o
Thời gian tuần tự trôi qua. Ở một nơi mà người ta không có công viêc gì nhiều để bận rộn tâm trí như ở bệnh viện bài lao này, sự say mê của Templeton đối với cô Bishop là một điều không thể che giấu được ai lâu. Nhưng khó mà biết được cảm tình của nàng đối với Templeton như thế nào. Điều có thể thấy rõ ràng là mặc dù không cố ý tìm kiếm, nàng thích được gần gũi Templeton, và có vẻ khổ sở khi không được trò chuyện riêng tư với chàng. Vài ba bà trọng tuổi cố tìm cách lừa nàng vào bẫy để bắt nàng phải thú nhận một vài sư việc, nhưng một cô gái khôn khéo ranh mảnh như nàng, có bao giờ lại mắc bẫy họ được. Nàng giả vờ không hiểu những lời bóng gió của họ, và đối đầu với những câu hỏi thẳng của họ bằng cái cười chế riễu. Nàng đã thành công trong sự chọc tức họ.
- Con nhỏ không thể khờ khạo đến cái độ không nhận thấy được cái si tình của gã.
- Cô ta không có quyền đùa bởn với y ta như vậy.
- Tôi chắc con bé cũng mê gã như gã mê hắn vậy.
Nhưng không ai tỏ vẻ tức giận bằng ông Leod:
- Thực quá dị hợm! Dù sao, rồi cũng chẳng đi đến đầu. Thằng chả thì phổi lủng như tổ ong, mà con nhỏ thì cũng chẳng khá hơn gì!
Còn ông Camphell thì lại chua chát, tục tỉu:
- Tôi thì tôi tán đồng cho chúng cứ việc tự do thụ hưởng khi còn có thể thụ hưởng. Tôi cá với mấy người thế nào cũng có lương lẹo gì ở trỏng, chứ không không, nhưng tôi chả lên án chúng đâu.
- Lão già dê. - Ông Leod mắng.
- Ối, bỏ cái lối ngây thơ cụ ấy di. Thằng chả đâu phải là cái hạng con nít ngồi hầu bài vớ vẩn suốt ngày với con nhỏ ấy, ngoại trừ hắn được thưởng công lao bằng cái gì đó. Mà con nhỏ cũng khả quỷ quyệt, đâu phải tay mơ. Các người cá gì, tôi cá ngay.
Ashenden thường có dịp gặp hai người ấy, nên hiểu họ nhiều hơn ai hết. Một hôm Templeton tâm sự với chàng:
- Thực kỳ cục! Trong giai đoạn đau ốm này mà lại đi say mê một cô gái con nhà lành. Một điều tôi không bao giờ ngờ có thể có ở nơi tôi. Tôi không chối cãi là đã đi vào sâu, ngập quá cổ rồi. Nếu tôi là một thằng đứng đắng, tôi phải yêu cầu cô ta cho tôi được làm lễ cưới ngay. Tôi chưa bao giờ ngờ một cô gái có thể đáng yêu đến thế. Tôi thường cho rằng các cô gái, tôi muốn nói các cô gái con nhà nề nếp, chỉ gây cho mình phiền lụy, nhưng tôi lầm, Ivy không phải là một sự phiền lụy, nàng vừa thông minh khéo léo, mà vừa ướt át, dịu dàng. Và lại dẹp nữa chứ! Trời, cái làn da ấy! Cái mái tóc ấy! Sao mà có thể đẹp được như vậy? Nhưng không phải những cái ấy làm cho cuộc đời tôi đảo lộn lùng tùng phèo đâu nhé! Anh biết vì cái gì không? - Vì cái đức hạnh! Cái mà trong đời tôi, tôi ghét nhất ở người đàn bà. Một thằng ăn chơi phóng đảng như tôi lại say mê một người đàn bà vì đức hạnh! Thực buồn cười đến vỡ bụng. Nhưng đúng là như vậy đó! Và nàng càng dịu dàng, hiền hậu bao nhiêu thì tôi lại cảm thấy mình càng tồi tàn, hèn hạ bấy nhiêu. Anh ngạc nhiên lắm phải không!
- Không ngạc nhiên tí nào cả. Anh không phải là anh chàng phóng đảng đầu tiên bắt đầu cảm cái trong trắng ngây thơ của đàn bà. Đó chỉ là cái đa tình, đa cảm khi đến tuổi trung niên.
- Thực quả bết!
- Cô ta trả lời thế nào với anh?
- Trời, anh tưởng tôi thố lộ với cô ta sao? Tôi không nói với cô ta một lời nào khác ngoài những gì tôi đã nói với cô trước mặt mọi người. Tôi sẽ chết trong sáu tháng; vả lại tôi có gì đâu để hiến dâng cho một thiếu nữ như vậy!
Nhưng ít lâu sau, Ashenden có nhiều dịp để đoán biết chắc chắn rằng Ivy cũng say mê Templeton như chàng say mê nàng vậy. Ashenden nhìn thấy đôi má nàng ửng đỏ mỗi lần Templeton đi vào phòng ăn, bất chợt được cái nhìn âu yếm mà thỉnh thoảng nàng nhìn trộm Templeton, khi chàng nhìn nơi khác, và cái vẻ trìu mến đặc biệt trong cái mỉm cười của nàng mỗi khi nàng lắng nghe chàng kể những chuyện quá khứ trong đời chàng. Ashenden có cảm tưởng nàng đang trọn vẹn sưởi ấm trong tình yêu của Templeton một cách yên ổn, thoải mái, như những bệnh nhân đang sưởi nắng trên sân thượng, trong lúc nằm đối diện với làn tuyết trắng mênh mông dàn trải ở bên ngoài. Nhưng có lẽ nàng chỉ thích được sống trong trạng huống mập mờ ấy mà không muốn đi xa hơn nữa. Dù sao, Ashenden cũng nhận thấy không phải là phận sự của mình để nói cho Templeton biết những điều mà có lẽ nàng cũng không muốn cho người mình yêu biết.
Thế rồi một sự việc không may xảy đến đã làm đảo lộn cuộc sống bình thường của bệnh viện. Hai ông Leod và Camphell, mặc dầu luôn luôn to tiếng cãi lẩy, vẫn thường đánh bridge với nhau, bởi vì ngoài Templeton ra, họ là hai người đánh bridge cao nhất ở bệnh viện. Họ không ngớt gây gổ nhau, trù yểm cho nhau chết, nhưng sau bao năm đánh bài với nhau, họ biết rõ cái lối chơi của nhau, nên lấy làm vô cùng thú vị khi đè bẹp được đối thủ của mình. Templeton tự đặt cho mình cái nguyên tắc là không bao giờ đánh bridge với họ. Dù là một tay chơi lão luyện, chàng chỉ thích đánh với Ivy Bishop, trong khi hai ông Leod và Camphell lại đồng ý với nhau ở một điểm là nàng chỉ biết phá bài. Nàng là hạng tay chơi bài dễ tính, hễ khi đánh một con bài hớ, là chỉ biết cười trừ và tự bảo: “Đánh bậy thua là phải”.
Nhưng một buổi chiều, vì nàng nhức đầu không ra khỏi phòng, Templeton đành phải chấp nhận ngồi vào sòng bài của Camphell cho đủ bốn tay. Mặc dù đã cuối tháng ba, tuyết vẫn còn rơi nặng hạt trong mấy ngày liền. Họ ngồi đành bài trên hành lang trống trải, bao bọc trong những chiếc áo lông dày, những chiếc mũ trùm kín tận man tai và những chiếc bao tay. Số tiền ăn thua quá nhỏ nên không làm cho Templeton, một tay chơi thường quen đánh lớn, để cả tâm trí vào sòng bài, tuy vậy, vì chàng đánh bridge rất cao, nên mặc dù không thấy hứng thú lắm, chàng vẫn làm tròn bổn phận đối với đồng đội của mình, không lần nào chàng đánh hớ. Nhưng sòng bài thực sôi động vì hai phe đều có bài tốt để đương cự với nhau và phe nào cũng nuôi nhiều hy vọng là thắng lớn sẽ về mình. Hai ông Leod và Camphell đương đầu nhau quyết liệt với những lời tuyên bố đớp chất nẩy lửa. Đã năm giờ rưởi chiều rồi. Ván bài cuối cùng bắt đầu, vì đến sáu giờ thì chuông reo báo hiệu cho tất cả bệnh nhân phải về phòng nghỉ. Cho đến giờ phút này hai phe đều bất phân thắng bại. Camphell cũng như Leod đều quyết tâm không để cho đối phương thâu hoạch chiến thắng cuối cùng. Còn mười phút nữa là hết giờ, nhưng hai phe đều có điểm ngang nhau. Những con bài cuối cùng được chia ra. Templeton cùng một phe với Leod, và Ashenden một phe với Camphell. Leod bắt đầu kêu: “Hai lần chuồng”! Ashenden im lặng cho qua; Templeton tỏ cho Leod biết mình có thể phụ lực được, và cuối cùng, Leod tuyên bố mình sẽ chiếm được “Grand slam” [2]. Camphell tuyên bố chống lại, và Leod cho biết là mình sẽ vượt qua tất cả để toàn thắng. Những tay chơi bài ở các bàn khác nghe vậy đều bỏ cuộc chơi, đến vây quanh bàn này. Ván bài diễn tiến trong sự im lặng nặng nề giữa đám khán giả đang hồi hộp theo dõi. Mặt Leod tái mét vì xúc động, hai chân mày lấm tấm mồ hôi, hai tay rung lẩy bẩy. Camphell thì trông thực hắc ám. Leod vượt qua được hai lá bài khó khăn và thắng luôn lá bài thứ 13 cuối cùng. Tất cả khản giả đều reo lên tán thưởng. Leod, ngạo nghễ trong chiến thắng, nhảy cửng lên và đưa nắm tay siết chặt ra trước mặt Camphell la lớn:
- Kéo cái đàn vĩ cầm trời đánh thánh vật mà rửa nhục đi! Ông đã bảo thế nào cũng giành được “grand slam” kia mà! Suốt đời, ông chỉ mong thắng được một ván bái như thế này, nay mới được. Lạy Chúa, xin tạ ơn Chúa!
Ông ta rùng mình một cái, đảo người về phía trước và té sấp trên mặt bàn. Máu trào ra có vòi từ miệng ông. Người ta vội vã đi tìm bác sĩ. Khi y tá chạy đến thì Leod đã chết.
Lễ an táng được cử hành lặng lẽ hai ngày sau, vào lúc tản sáng để các bệnh nhân khỏi bị khích động vì hình ảnh chết chóc. Chỉ một người thân thuộc mặc đồ đen từ Glasgow đến dự đám tang. Không một ai thương mến ông ta. Không một ai tiếc nuối ông ta. Sau một tuần lễ, không ai còn nhắc nhở đến ông nữa. Người cựu công chức Ấn Độ được điền vào chỗ ngồi của ông Leod ở cái bàn ăn danh dự ấy; và ông Camphell dọn lên ở cái phòng của người quá cố mà ông mong ước từ mười mấy năm nay. Bác sĩ Lennox nói với Ashenden:
- Từ nay chúng ta được yên ổn, ông hãy tưởng tượng tôi đã phải chịu đựng như thế nào trong bao năm nay những cuộc cãi vã và kiện cáo của hai người ấy. Tôi không nói sai đâu: phải cần có nhiều kiên nhẫn lắm mới làm được cái nghề khai thác bệnh viện này được. Và ông thử nghĩ có ngán không: sau khi gây ra không biết bao nhiêu rắc rối, phiền lụy cho tôi, ông ta chết một cách như vậy đó, chết mà để lại cho bệnh nhân một sự khủng khiếp có thể phát điên lên được!
- Vâng, không sao tránh khỏi xúc động mạnh do cái chết của ông ta gây ra.
- Ông ta là một người không tốt, cái chết của ông ta làm cho nhiều nữ bệnh nhân lo sợ đến phát bệnh lại. Tội nghiệp cho cô Bishop khóc đến sưng cả mắt.
- Tôi thấy cô ấy là người độc nhất đã khóc cho ông ta, chứ không phải khóc cho mình.
Nhưng hiện tại có một người không thể quên được ông ta. Đó là ông Camphell, ông này đi lang thang suốt ngày như một còn chó hoang. Ông ta không thể chơi bridge cũng không thể chuyện trò với ai. Không cón nghi ngờ gì nữa, ông rầu vì nhớ ông Leod. Mấy hôm liền, ông không ra khỏi phòng và ăn cơm luôn tại đó. Mấy hôm sau ông đến gặp bác sĩ Lennox và nói với bác sĩ ông không thích cái phòng mới bằng cái phòng cũ của ông ta và muốn dọn trở về cái phòng cũ lại. Bác sĩ Lennox nổi nóng - một điều ít khi xảy ra ở bác sĩ - nói với ông ta rằng ông đã quấy rầy bác sĩ trong bao nhiêu năm trời để đòi cho được cái phòng ấy, và bây giờ hoặc là ông phải ở yên đó, hoặc ông ra khỏi bệnh viện này. Ông ta trở về phòng ngồi vẻ buồn bã tư lự. Bà quản lý, sau đó, hỏi ông:
- Nửa tháng nay, tôi không hề nghe ông kéo vĩ cầm. Vì sao vậy?
- Tôi không muốn kéo nữa. Tôi thấy không còn thích thú gì cả. Trước kia, tôi thường dùng nó để tấn công ông Leod, vì tôi biết tiếng đàn của tôi làm cho ông ta điên đầu. Nhưng bây giờ có kéo hay không, cũng chẳng ai để ý đến. Tôi sẽ không bao giờ đàn nữa.
Mà đúng như vậy. Trong thời gian Ashenden còn ở tại bệnh viện, không một lần nào chàng thấy ông đàn. Cũng thực lạ lùng: Bây giờ ông Leod đã qua đời, cuộc sống đối với ông Camphell mất hết cả hương vị, không còn ai để gây gổ, không còn ai để chọc giận, cuộc đời của ông thiếu kích thích tố, và chắc chắn không còn bao lây nữa ông sẽ đi theo địch thủ của ông xuống mồ.
Nhưng đối với thiếu tá Thiếu tá Templeton, cái chết của ông Leod lại có một ảnh hưởng khác, và hậu quả của nó thực quả bất ngờ. Với vẻ trầm tĩnh điềm đạm, chàng nói với Ashenden về cái chết của ông Leod:
- Ngoạn mục! Thực ngoạn mục được lìa đời giữa lòng chiến thắng như vậy! Tôi không hiểu nổi tại sao mọi người lại xôn xao vì cái chết của ông ta quá thế. Ông ta ở đây đã quá lâu rồi phải không?
- Hình như đã 17, 18 năm gì đó.
- Tôi tự hỏi kéo lê mãi cuộc đời như vậy có ích gì? Thà mình chơi ngông đi một cái cho đã, rồi chấp nhận cái hậu quả của nó có hơn không?
- Tôi nghĩ cái ấy còn tùy ở cái giá trị mà mình đặt vào cuộc sống.
- Nhưng cuộc sống của chúng ta ở đây có phải là cuộc sống không?
Ashenden không trả lời câu hỏi đó. Chàng lạc quan tin rằng trong vài tháng nữa chàng sẽ bình phục và rời khỏi nơi này. Trong khi ấy, nếu bạn chỉ nhìn sơ qua Templeton, bạn cũng đoán biết chàng sẽ không qua khỏi. Bóng dáng Thần Chết phảng phất trên nét mặt chàng.
- Anh có biết tôi vừa làm gì đấy không? - Tempheton hỏi - Tôi xin Vy cho tôi làm lễ cưới.
Ashenden giựt mình kinh hãi:
- Cô ta trả lời thế nào?
- Cô ta bảo đó là một ý nghĩ ngộ nghĩnh nhất, chưa bao giờ cô từng nghe trong đời, và chỉ có tôi là khùng mới nghĩ đến một chuyện như vậy.
- Tôi phải công nhận là cô ta nói đúng.
- Hoàn toàn đúng. Nhưng cô ta vẫn bằng lòng làm lễ cưới với tôi.
- Thực quá điên khùng!
- Tôi cũng cho như vậy. Nhưng dù sao chăng nữa, chúng tôi cũng sẽ đến gặp bác sĩ Lennox để hỏi ông ta nghĩ thể nào về vấn đề này.
Mùa đông đã hết. Tuyết còn đóng trên các ngọn đồi, nhưng đã tan dần trong các thung lũng, và ở các sườn đồi dưới thấp, mầm non của cây rừng đã trổ lá. Vẻ quyến rũ của mùa xuân bàng bạc trong không gian, trong nắng ấm. Mọi người đều cảm thấy nhanh nhẹn vui tươi. Những bệnh nhân già cả, thường chỉ đến đây dưỡng bệnh trong mùa đông, đang bàn tính chuyện đi xuống miền Nam. Templeton và Ivy Bishop cùng nhau đi đến văn phòng gặp bác sĩ Lennox để cho bác sĩ biết ý định của họ. Bác sĩ khám bệnh họ, rọi kiếng bằng qnang tuyến X và làm các loại trắc nghiệm khác. Bác sĩ hẹn sẽ cho biết kết quả cuộc trắc nghiệm trong vài hôm sau và sẽ dựa vào kết quả ấy để thảo luận về ý định của họ.
Ashenden được gặp đôi tình nhân trước khi họ đi vào phòng bác sĩ như đã hẹn trước. Ho lo lắng, nhưng cố làm ra vẻ đùa bởn. Bác sĩ đưa cho họ xem những kết quả của cuộc khám nghiệm và giải thích rành mạch về bệnh trạng của họ.
- Như vậy là quá đầy đủ, cám ơn bác sĩ - Templeton nói - Nhưng điều chúng tôi muốn biết là chúng tôi có thể cưới nhau không?
- Tôi e là quá liều lĩnh.
- Chúng tôi biết, nhưng điều ấy có quan hệ gì?
- Thực là một trọng tội, nếu các người có con.
- Chúng tôi không đự định có con. - Ivy nói.
- Được rồi, tôi sẽ tóm lược sự việc trong vài câu. Sau đó các người tự quyết định lấy.
Templeton mỉm cười với Ivy và nắm tay nàng. Bác sĩ Lennox nói tiếp:
- Tôi không nghĩ rằng cô Bishop sẽ có đủ sức khỏe để sống một cuộc sống bình thường như mọi người, nhưng nếu cô tiếp tục sống một cuộc sống như trong tám năm nay...
- Một cuộc sống trong các bệnh viện bài lao?
- Đúng! Một cuộc sống như vậy thì không có lý do gì cô không sống một cách yên ổn, nếu không đến đầu bạc răng long, thì cũng lâu dài như một người thường khác. Chứng bịnh của cô đang ở trong một thế tịnh. Nhưng nếu cô lập gia đình, sống một cuộc sống như người bình thường, bệnh sẽ tái phát, và hậu quả khó lường trước được. Còn về trường hợp ông Templeton, tôi có thể nói vắn tắt là không được khả quan lắm. Ông đã xem các bức ảnh chụp bằng quang tuyến rồi. Hai lá phổi ông như hai tổ ong, Nếu ông lập gia đình thì ông sẽ chết trong sáu tháng.
- Còn nếu không lập gia đình thì sống được bao lâu?
Bác sĩ do dự.
- Bác sĩ đừng ngại gì cả, cứ nói thực cho tôi biết.
- Hai, ba năm.
- Cám ơn bác sĩ, đó là tất cả những gì chúng tôi muốn biết.
Họ đi trở ra, tay trong tay như khi đi vào. Cô Bishop sụt sùi lau mrớc mắt, không ai biết họ đã nói gì với nhau, nhưng khi vào phòng ăn trưa, vẻ mặt họ thực rạng rỡ. Họ báo tin cho Ashenden và Chester biết sẽ làm lễ thành hôn ngay sau khi được giấy phép. Bishop xây qua nói với Chester:
- Tôi mong ước làm sao chị có thể đến kịp vào dịp đám cưởi của chúng tôi. Anh thấy có thể được không?
- Anh chị định làm lễ cưới ở đây sao?
- Vâng. Bà con thân thích của cả hai gia đình chúng tôi chắc chắn sẽ không tán thành sự thành hôn của chúng tôi, cho nên chúng tôi chỉ báo tin cho họ hay sau khi mọi sự đã xong xuôi. Chúng tôi sẽ yêu cầu bác sĩ Lennox đừng tiết lộ cho ai biết.
Nàng dịu dàng nhìn Chester, chờ đợi chàng trả lời câu hỏi của mình. Hai người đàn ông, Templeton và Ashenden, cũng chăm chú nhìn chàng. Chàng trả lời, giọng run run:
- Cám ơn anh chị đã có nhã ý mời nhà tôi. Tôi sẽ viết thư bảo nhà tôi đến.
Khi cái tin ấy lan ra trong đám bệnh nhân, mặc dù trước mặt cặp tình nhân, mọi người đều chúc mừng tán tụng, hầu hết đều bàn tán sau lưng họ rằng đó là điều hết sức dại dột. Nhưng khi được biết (những gì xảy ra ở bệnh viện này, sớm hay muộn, người ta cũng biết) khi được biết bác sĩ Lennox đã nói với Templeton nếu chàng lập gia đình thì sẽ chết trong sáu tháng, họ đều kinh ngạc đến lạnh người. Ngay đến cả những người ít nhậy cảm nhất cũng xúc động bởi cái ý nghĩ: hai người đã yêu nhan tha thiết đến nỗi sẵn sàng hy sinh cả cuộc sống của họ. Một bầu không khí hòa thuận tin yêu bỗng bao trùm bệnh viện: có những người từ lâu nay không thèm tiếp xúc với nhau, bây giờ cũng trở lại trò chuyện, có những người trong một thời gian ngắn đã quên được những lo âu phiền muộn của chính mình. Mọi người như đều chia sẻ nỗi niềm vui sướng của đôi tình nhân may mắn ấy. Mùa xuân gieo vào hai trái tim bệnh hoạn ấy một nguồn hy vọng mới, và cùng một lúc mối tình lớn lao đã bừng sáng trong tâm hồn cặp tình nhân ấy cũng phản chiếu rực rỡ sang cả những ai đến gần họ. Ivy cảm thấy hoàn toàn sung sướng, vô cùng phấn khởi, và xem có phần trẻ lại, đẹp thêm. Còn Templeton thì hình như đang đi dạo giữa thinh không. Chàng vui vẻ cười đùa như không vướng bận một mảy may lo âu nào cả. Bạn có thể cho rằng chàng đang hy vọng diễm phúc của mình sẽ tiếp tục tồn tại trong nhiều năm nên mới vui vẻ như vậy. Bạn đã lầm. Một hôm, chàng tâm sự với Ashenden:
- Anh biết không, chỗ này thế mà khá đấy. Ivy hứa với tôi rằng khi tôi đã mồ yên mã đẹp rồi, sẽ trở về sống ở đây lại. Cô ta quen biết nhiều ở đây và tin chắc sẽ không bị lẻ loi.
- Các bác sĩ đâu phải là thần thánh gì, họ cũng có thế đoán sai. Nếu anh sống một cuộc sống điều độ, chừng mực, tôi thấy không có lý do gì anh không thể sống lâu.
- Tôi chỉ cầu mong được sống trong ba tháng thôi. Chừng ấy cũng quý hóa cho tôi lắm rồi.
Bà vợ Chester đến bệnh viện hai ngày trước lễ thành hôn. Nàng không gặp chồng mấy tháng nay, nên khi gặp nhau, họ có vẻ ngỡ ngàng, bẽn lẽn. Chúng ta có thể đoản không sai là khi không có mặt mọi người, chắc họ cảm thấy ngượng nghịu lúng túng lắm. Nhưng Chester cố gắng trút bỏ nỗi thất vọng chán chường đã từ lâu trở thành thường trực đối với chàng; và trong các bữa ăn, chàng cũng đã trở lại vui vẻ ân cần đối với moi người như trước khi chàng mắc bệnh.
Buổi tối trước ngày cử hành hôn lễ, tất cả mọi người đều dùng cơm tối với nhau; Templeton và Ashenden đều ngồi nán lại. Mọi người uống sâm banh, trò chuyện, đùa giỡn cho đến 10 giờ đêm. Hôn lễ cử hành tại nhà nguyện sáng hôm sau. Ashenden làm phụ rể. Mọi người trong bệnh viện, trừ những bệnh nhân không thể đứng dậy được, đều đến dự lễ.
Đôi vợ chồng mới cưới rời bệnh viện bằng xe hơi ngay sau bữa ăn trưa. Bệnh nhân, bác sĩ và nữ y tá đều có mặt để tiễn họ lên đường. Một vài người buộc chiếc giày cũ ở đàng sau xe, và khi Templeton và vợ ra đến cửa chính của bệnh viện, những nắm gạo được tung lên người họ. Những tiếng hoan hô cổ võ vui nhộn vang lên khi chiếc xe quay bánh đưa họ đi, đưa họ đi vào Tình yêu và cõi Chết.
Đám đông tản mác dần dần. Chester và vợ im lặng đi chầm chậm bên nhau. Sau khi đi vào một lối nhỏ, Chester rụt rè nắm tay vợ. Tim nàng như ngừng đập. Nàng liếc nhìn chồng và thấy đôi mắt chàng rướm lệ.
- Em tha lỗi cho anh, em nhé! - Chàng nói - Anh đã đối xử tệ với em.
Nàng nói giọng run run:
- Em biết anh không cố ý làm như vậy.
- Không, anh đã cố ý làm cho em đau khổ, làm cho em đau khổ như anh. Nhưng bây giờ thì hết rồi, nhờ cái sự việc vừa xảy ra giữa Templeton và Ivy Bishop. Anh không biết nói thế nào cho đúng, tình yêu của họ làm cho anh có một cái nhìn hoàn toàn đổi mới về mọi sự việc ở đời. Anh không lo sợ chết nữa. Anh nghĩ rằng cái chết không quan trọng đến thế, không quan trọng bằng tình yêu. Bây giờ anh mong muốn em sống lâu dài và được hạnh phúc. Anh không ganh ghét, giận hờn em về bất luận một điều gì nữa. Anh lấy làm bằng lòng là chính anh, chính anh chứ không phải em phải chết. Anh cầu nguyện cho em được mọi sự may mắn trên đời. Anh yêu em.
Chú thích:
[1] Khu phố ăn chơi của những hạng người giàu có ở Luân Đôn (Lời người dịch)
[2] Danh từ dùng trong lối chơi Bridge, có nghĩa là toàn thắng luôn cả 13 con bài (Lời dịch giả).
Cô Gái Bất Khuất Cô Gái Bất Khuất - Somerset Maugham Cô Gái Bất Khuất