Số lần đọc/download: 1966 / 21
Cập nhật: 2016-04-09 07:24:14 +0700
Phần I - Chương 1
"Vì ai cho thiếp võ vàng!...
"Vì chàng tư lự, hoa tàn nhị rơi!
"Được lòng thiếp lắm, chàng ơi!
"Biết rằng lên ngược, xuống xuôi đường nào?
Tang tảng sáng, Dung đã dậy, tuy mãi khuya đêm trước Dung mới ở ngoài ruộng về, lại trằn trọc gần thâu canh. Đó là một thói quen của Dung; mùa nào cô cũng làm việc từ chưa có ánh mặt trời.
Dung cầm chổi ra sân, gió lạnh khiến cô rùng mình chảy nước mắt. Liếc quanh bốn phía, Dung nhìn rừng, cây, đồi, ruộng... phát hiện trên nền trắng sương mờ.
- Năm nay rét sớm, lại tha hồ mà vất vả!
Dung phàn nàn thế nhưng nỗi lo âu chỉ thoáng qua trên gương mặt tươi mơn mởn. Là vì, từ lâu, Dung đã thản nhiên nhận cuộc đời nặng nhọc mà cảnh ngộ ép cho Dung. "Chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo" là một câu Dung thường nhẩm đi nhẩm lại để tự khuyên mình.
Hiện thời Dung chỉ hơi bận lòng về cách điệu khó hiểu của Kính. Tuy vậy, khi người ta còn trẻ tuổi và nhất là khi người ta đương yêu thì nhìn sự đời, người ta dễ thấy toàn một màu hồng: Dung cho rằng Kính chỉ vì nghèo túng thành đâm quẫn.
- Người đâu mà lẩm cẩm thế này!
Câu chế giễu có vẻ thân mật khiến Dung bỗng cảm thấy ấm áp cả tấm lòng. Cô bắt đầu quét... quét la liệt... Trong cái vắng lặng của đêm tàn ngày tới, những nhát chổi tre vun lá rụng nghe sàn sạt...
Cơn gió lạnh vụt qua... Lá vàng lại rơi lác đác...
Dung ngẩng đầu, cáu kỉnh:
- Thế thì có tức không chứ lại!
Bỗng, Dung nghe văng vẳng tiếng ho ở trên nhà...
- Thầy đã dậy. Phải đun mau nước để thầy uống mới được! Trời đã khỏe gió thì đây cũng chẳng vội gì.
Dung bật cười về sự lập tâm bướng bỉnh rồi cao hứng, cô khẽ hát:
Đố ai quét sạch lá rừng
Để ta khuyên gió, gió đừng rung cây.
Dung vào bếp, đặt siêu, nhóm lửa...
Trong khi ấy thì trí Dung vẫn nghĩ đến Kính, vẫn ngổn ngamg vì câu chuyện ruộng nương của Kính. "- Không, ta nhất định không cho anh chàng bán!...".
Dung đỏ bong sắc mặt, tự mình lại giễu mình:
- Rõ khéo! Ta làm như đã là vợ Kính không bằng.
Sự xúc động chợt làm cho hai mắt Dung thêm lóng lánh. "- Thì sớm hay muộn phỏng khác gì nhau!".
Mơ màng, Dung thử phác ra trong tưởng tượng một cảnh gia đình êm ấm: Dưới mắt ông bố hiền từ, đôi vợ chồng trẻ sẽ yêu nhau, sẽ sung sướng và coi thường tất cả những hành hạ, ray rứt của cuộc sống hàng ngày...
- Chị Dung lên thầy bảo.
Dung giật mình ngoảnh lại thì thấy Diệp, một chú học trò nhỏ xinh xắn của ông đồ. Cô vui vẻ đứng dậy, một tay sách ấm nước sôi, một tay khẽ vuốt lên má cậu bé:
- Em tôi ngoan nhỉ! Buổi nào cũng đi sớm nhất trường!
Rồi, vẫn say sưa với cảnh mộng êm đềm, Dung thì thầm một câu hứa hẹn:
Mẫu đơn nở cạnh nhà thờ;
Đôi ta trinh tiết đợi chờ lấy nhau.
Cái tính hay hát của Dung, khi còn mồ ma bà đồ, bà vẫn thường răn mắng: "- Con gái, con lứa đâu mà cứ nghêu ngao suốt ngày như đồ hóa dại ấy!" Khốn nỗi Dung, bẩm sinh như con sơn ca, chẳng thể nào nhịn hát được. Mỗi khi tấm lòng cô rung động là y như những câu hát, chẳng rõ ai đặt ra tự đời nào song nghìn năm vẫn mới, lại chen nhau lọt qua làn môi ăn trầu cắn chỉ, phảng phất một mùi hương ngan ngát bốc lên từ lòng bông hoa.
Dung xách ấm lên nhà...
Đó là một nếp nhà gỗ ba gian hai trái, lợp lá cọ. Hai trái ngăn làm buồng ngủ, còn ba gian để thông luôn.
Bàn thờ ông vải, gồm đôi án mộc vàng tâm, kê áp vách lưng gian giữa. Trên án, bày lơ thơ một cỗ ỷ và một bộ ngũ sự sơn son. Tất cả bấy nhiêu thứ cùng tấm hoành phi và đôi câu đối khắc là di tích gợi buồn của những ngày dĩ vãng xa rồi. Bàn thờ trông xuống một bộ ngựa quang dầu điểm mọt: nơi lễ bái và tiếp khách của ông đồ.
Trong gian bên tả, người ta thấy có tủ thuốc, dao cầu và thuyền tán; đồ đạc ở gian bên hữu chỉ có dãy phản dài loang mực chung quanh để mễ thấp cho học trò ngồi: nơi giảng sách.
Nếu chẳng có sự ngăn nắp và sạch sẽ nó che đậy cho một phần to thì phong cảnh nhà ấy thực tiêu điều. Công phu gìn giữ đều nhờ một tay Dung.
... Cô rót nước sôi đầy ấm tích; còn bao nhiêu, cô đổ ra thau và bưng tất cả vào buồng ông đồ.
- Ngoài ấy sương nhiều lắm, phải không, con?
- Thưa thầy nhiều lắm!
- Thế thì con ra sân quét tước làm gì vội? Thầy nằm trong chăn mà còn lạnh như dội nước không sao ngủ được!..
- Thầy đã bớt chưa?
- Nếu bớt thì còn nói gì nữa! Chẳng biết tại mồ tại mả hay sao mà thuốc men uống mãi không chuyển; hai cái mộng thì cứ ngày một to dần. Rồi ông đồ chép miệng:
- Số con không khéo rồi cũng đến vất vả như mẹ con mà thôi!
Dung bùi ngùi tê tái nhưng cố giữ không cho nước mắt trào ra. Trước định mệnh tàn khốc, Dung, cũng như bà đồ khi xưa, cảm thấy cần phải can đảm.
"- Chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo!"
Dung nhắc lại câu châm ngôn như ai gần ngã vội níu lấy cái cọc. Vả lại, trong cùng thẳm tâm hồn bối rối của Dung, hy vọng tương lai vẫn như ngôi sao thấp thoáng giữa trời bão táp...
- Con bỏ ấm chén lại đây rồi ra bảo chúng nó đùa khẽ chứ!
- Hay con cho học trò nghỉ?
- Ấy chớ! Chúng nó ở nhà cũng bằng phí cả buổi đi mà thôi. Con bảo các đứa nhớn ôn lại Hán thư và Nam sử; còn bọn nhỏ thì con dạy thêm mỗi đứa dăm chữ mới, bắt chúng viết tập xong rồi hãy cho về.
Lần thứ nhất, từ khi thiết trường, ông đồ Khoan phải bỏ một buổi giảng học. Ông tuy là một nhà Nho lỡ thời mà tuyệt nhiên chẳng bao giờ oán trách số phận hoặc tỏ ý chán nản trong việc làm. Ông rất ghét thói ủy mị yếm thế cũng như ông rất khinh sự xu thời trục lợi. Một lần đọc thơ Tú Xương đến câu:
"Nào có ra gì cái chữ Nho!
Ông Nghè, ông Bảng cũng nằm co
Chi bằng học quách làm thầy Phán
Tối rượu sâm banh sáng sữa bò!..."
Ông đồ Khoan bật phì cười vì cái giọng cay hơn ớt của ông Tú, nhưng rốt cuộc, ông thong thả vuốt bộ râu thưa và hạ một lời bình phẩm gọn lỏn: "Láo toét!" Là bởi ông đồ vẫn tin chắc cái chữ nho chẳng bao giờ lại có thể không ra gì được. Cái tinh thần nhân, nghĩa, lễ, trí, tín và hiếu, đễ, liêm, sỉ, vẫn sống mãi với non sông Hồng Lạc, một khi dân Việt Nam chưa đành lòng tự hóa làm lũ Mán Mường. Thấy triều đình bãi khoa cử, ông buồn vì mất lối tiến thân không bằng ông lo cho vận mệnh của nòi giống. Ông chép miệng thở than mãi cho sự nhầm lẫn tai hại ấy. Nhưng bản tính sốt sắng và hoạt động, ông đồ chẳng chịu thở than suông. Ông nhất quyết phấn đấu với khuynh hướng của thời đại bằng cách mở trường dạy học. Ông dẫn lời Hán Nho Dương Hùng để cắt nghĩa việc mình: "- Học rồi làm được cái điều mình học là trên nhất; nói được cái điều mình học là thứ nhì; dạy được điều mình học là thứ ba". Nay thời thế đã để ông không làm thì ông đành nói và dạy vậy. Nếu chẳng thế, hàm vô yên vi chúng nhân, cái công phu đèn sách trong mười mấy năm trời sẽ là công uổng.
Bởi đã lấy việc duy trì và truyền bá đạo Thánh hiền làm một thiên chức thiêng liêng tuyệt đối, ông đồ Khoan chưa từng dám trễ nải phận sự làm thầy. Ông dốc lòng với đệ tử của ông. Chẳng việc bận nào, chẳng thú vui nào, chẳng phiền muộn nào, chẳng sự dở trời trái gió nào khiến nổi ông đồ sao nhãng. Tiếc thay! Một khúc đê ngắn sao lại cả dòng nước lũ; một cái cột chống sao cho nếp nhà khỏi đổ ụp dưới phong ba. Ông đồ hết sức giữ gìn và làm tăng cái cảm tình của người ta đối với Nho học mà cảm tình ấy cứ vẫn mỗi ngày một phai dần. Ngay trong bọn học trò thân nhất của ông, nhiều cậu đã xoay ra học quách làm thầy phán để hưởng nhiều khoái lạc mới mẻ của vật chất. Cảnh trường ông đồ, vì thế, mỗi ngày một vắng tanh. Còn lại mươi lăm cậu thì mục đích ôm quyển bất quá để mai sau đọc thông gia phả hoặc để viết xuôi cái lòng văn tự. Đêm hạ tuần tháng tám. Trăng chưa mọc. Nhưng trên các mảnh ruộng áp ven con đường làng Ỷ La, một bọn đông gái quê đã xì xuồm tát nước và cười nói ồn ào...
Dưới vòm trời xám điểm thưa thớt mấy ngôi sao, cảnh vật hiện mờ mờ như ảo mộng. Từng cơn gió lướt qua. Những cần tre mềm đu kẽo kẹt. Sóng lúa chạy rì rào... Ở một chòm cây đâu đó, tiếng ve cuối mùa kêu inh ỏi. Và từ nãy, các cô tát nước vẫn cười nói vang vang trên mặt cánh đồng.
Một câu hát bỗng vẳng trong hơi gió... Bọn con gái vui đùa cùng nín bặt; những gàu tre dây thõng rào rạt trên gợn nước im dần...
... Chẳng chè chẳng chén sao say?
Chẳng thương chẳng nhớ sao hay đi tìm!
Hạnh, một cô tinh nghịch nhất đám, quay hỏi người bạn gái đứng gần bên:
- Chị Dung, ai như Kính hát thì phải?
Rồi chẳng để Dung kịp nói, Hạnh tiếp luôn, bóng gió:
- Giọng hay quá! Chả trách nhiều cô say như điếu đổ!...
- Dung nóng bừng hai má, vờ sửa lại dây gàu.
Xa xa giữa khoảng bát ngát, giọng anh con trai càng vút bổng, làm rung rinh mấy giọt sao trên trời khuya:
Hỡi cô tát nước một mình
Cho anh tát với: chung tình làm đôi
Cô còn tát nữa hay thôi?
Cho anh tát với: làm đôi vợ chồng!
Hạnh ngó vào tận mặt Dung, cười khúc khích đoạn hát một câu chỏng lỏn:
Có tát chị sẽ trả công;
Mặt ấy chẳng đáng làm chồng chị đâu!
Cả bọn phá lên cười.
Dung không cười, tay khẽ vân vê đầu sợi chạc: cô ngầm hiểu Kính chỉ hát với mình.
Quả nhiên, Kính chẳng não lòng vì câu của Hạnh.
Mấy khi rồng gặp mây đây!
Để rồng than thở với mây vài lời
ước gì như đũa đủ đôi;
Như sen Tịnh Đế một chồi hai hoa!
Dung nhẹ thở dài, trái tim dịu dàng thổn thức... Từ lâu, đối với Kính, Dung cũng chỉ ước vọng có thế thôi. Cô muốn đáp lại Kính vài lời song e Hạnh chế giễu.
Sự phân vân nín lặng của Dung càng làm cho giọng Kính thêm tha thiết:
Cái quạt mười tám cái nan
Ở giữa phất giấy, hai nan hai đầu.
Quạt này anh để che đầu
Đêm đêm đi ngủ chung nhau quạt này.
ước gì chung mẹ, chung thầy
Để em giữ cái quạt này làm thân!
Rồi ra chung chiếu, chung chăn,
Chung quần, chung áo, chung khăn đội đầu.
Nằm thời chung cái giường tàu
Dậy rồi chung cả hộp trầu, ống vôi.
Ăn cơm chung cả một nồi
Gội đầu chung cả dầu hồi, nước hoa,
Chải đầu chung chiếc lược ngà,
Soi gương, chung cả ngành hoa giắt đầu.
Cái cảnh sum vầy mơ tưởng ấy lại chính là cái mộng lòng của Dung. Cô vui sướng man mác, khẽ mỉm cười với vành trăng khuyết nửa đương lên khỏi ngọn núi Giùm...
Ánh sáng trong xanh nhuộm mờ ảo lớp sương phủ nhẹ đằng chân mây và dạm phấn lên con đường đất chạy dài qua ruộng lúa. Nước đồng sóng sánh như thủy ngân. Làng Ỷ La sau lũy tre in sẫm trên nền mây sáng, mơ màng trong những tiếng cành lá thì thầm...
Kính đã thôi hát. Nhưng lâu lâu, những lời tình tự nồng nàn còn vọng trong yên tĩnh... Và Dung vẫn lắng tai nghe, vẫn hứng lấy những cảm giác say sưa mới lạ. Cuộc đời thể chất của Dung như ngừng hẳn, lẫn vào sự điều hòa linh diệu của thanh sắc quanh mình...
- Cô Dung chăm thế chẳng trách lúa tốt ngồn ngộn!
Hạnh lần khân giễu Kính:
- Chăm hẳn đi chứ lại như ai chỉ được cái dài lưng tốn vải ăn no lại nằm ấy à?
- Hứ! Ai nói với mà cũng đâm ba chè củ... Rõ vô duyên!
Hạnh kéo dài giọng nói:
- Phải, tôi đây chỉ vô duyên thế thôi, anh ạ! Có duyên xin nhường phần chị Dung của anh...
Dung phát lên vai Hạnh:
- Rõ khéo cái nhà chị này!
Hạnh cười như nắc nẻ; cô phá chạy nhưng vẫn hát một câu ngỗ ngược:
Đi đâu mà chẳng biết ta!
Ta con ông Sấm, cháu bà Thiên Lôi,
Xưa kia, ta ở trên trời;
Đứt dây rơi xuống làm người trần gian.
Dung nửa đùa, nửa cáu:
- Đến ghét con bà cô!
- Nhưng con bà cô sành lắm đấy chứ? Nội làng đã ai...
- Gớm chết, bây giờ cả anh cũng trêu em nữa!...
- Không, tôi nói thực đấy!
Mà quả tình Kính nói thực, Kính còn có cảm tưởng lờ mờ rằng tiếng nói của người ta cục mịch quá, không đủ tả được hết cái ý nhị tình tứ của Dung, mà Kính đang ngắm say sưa dưới ánh trăng vằng vặc như ban ngày.
Dưới ánh trăng, hai mắt Dung lấp lánh như ướt nước. Vẻ mặt Dung nõn nà, êm dịu... Cứ kể về sắc đẹp thì nhiều cô gái đẹp trong làng cũng chẳng kém Dung là bao, nhưng nếu đem so với họ, Dung vẫn có một cái gì nó khiến cô như bông hoa thật lạc loài trong hoa giấy.
Ví Dung với bông hoa, Kính thuận miệng ngâm khe khẽ:
Trong đầm gì đẹp bằng sen!
Lá xanh, bông trắng lại chen nhị vàng.
Nhị vàng, bông trắng, lá xanh,
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn!
Dung mỉm cười, nhìn Kính bằng một vẻ thẹn thò mà vui sướng. Lần thứ nhất, một lời khen về sắc đẹp đã thấm vào tim cô như một thứ men dịu ngọt.
Chung quanh hai người, tiếng nước lại xì xuồm đổ, nhịp theo những câu đố, câu hát nó là âm hưởng tự nhiên của tâm hồn dân quê, mộc mạc nhưng đa cảm, vui đùa mà vô tội.
Dung bắt đầu ngượng với sự im lặng kéo dài. Cô hỏi Kính:
- Anh tát xong nước rồi à?
- Không, tôi chẳng tát tiếc gì cả.
- Ngộ lúa khô hết thì sao?
- Thì cũng đành phải chịu. Ruộng nhà tôi cách xa ao quá, lại ở lọt ngay...
- Vào giữa ruộng của ông Chùm Cuốn chứ gì? Anh nói với ông ta cho tát nhờ qua dễ thường không được cả đấy!...
- Hừ! Cô tưởng bụng người cũng như bụng ta đó chắc! Lão Chùm đương mong tôi chẳng làm ăn gì được, túng thế, phải bán đất, bán rẻ cho lão, đời nào lại ưng cho tát nhờ...
- Độc bụng thế kia!
- Chưa hẳn đã độc; chỉ hơi tham... Mà ở đời, mấy ai là không tham!
- Anh thì đến ngày xuống lỗ, tính nết vẫn duềnh như vậy!
Kính bật cười.
- Chuyện! Cải được mồ, được mả chứ ai cải được tâm tính bao giờ?
Câu nói có phần đúng: Cậu học trò cũ của ông đồ Khoan, bố đẻ Dung, cái anh chàng cao dong dỏng, có nét mặt đều và tươi, có cặp mắt đen lay láy, có nước da trứng bóc và làn môi thắm đỏ, mà bọn gái làng tinh nghịch vẫn giễu là "cậu cả dài lưng" ấy, bao giờ cũng vẫn thều thào, ngay thẳng, sốt sắng, hay giúp đỡ người, nhớ ơn lâu lại dễ quên thù.
- Đã đành rằng thế nhưng anh phải tính cách nào cho ổn chứ?
- Chỉ tính cách bán là êm chuyện!
- Sao lại bán!
- Vì tôi định kiếm ít vốn để xoay xở may ra đủ nuôi thân và...
Kính ngừng hẳn lại. Dung không kịp lưu ý:
- Tha hồ cho lão Chùm thối mầm thâm rễ. Tôi là tôi nhất định cứ giữ để làm...
Nhận thấy câu mình nói quá bạo, Dung vội chữa:
- Giàu như ông ta mà còn mong có thêm; anh vội gì lo thừa!
- Tôi tưởng cố giữ cũng vô ích.
- Sao lại có của vô ích. Nhờ Trời cho cứ mạnh chân khỏe tay thì "bao nhiêu tấc đất, tấc vàng bấy nhiêu".
- Sự can đảm và lòng nhiệt tình sôi nổi trong câu Dung nói làm cho Kính phải cảm động. Kính chạnh nhớ tới bà Đồ, mẹ Dung, một bậc hiền phụ chết đã lâu song cửa miệng dân làng vẫn ngợi khen, nhắc nhỏm. Rồi từ chuyện nọ nhảy sang chuyện kia, Kính thử tưởng tượng cuộc đời Dung về mai sau, một khi Dung sẽ là vợ Kính: Cũng nhà Nho kiết lỡ thời...
Kính thở dài lẩm bẩm:
- Không!... không thể như thế được!...
- Cái gì?... Anh vừa bảo cái gì không thể được?
- Tôi ấy à?... Không, tôi có nói gì đâu!...
Dung nhìn Kính bằng vẻ ngạc nhiên và ái ngại.
- Chuyện anh này dớ dẩn tệ!...
Kính cười:
- Phải, cứ bán cái dớ dẩn của tôi đi mà ăn!
- Đừng ỡm ờ thế, anh Kính! Anh thử nghĩ xem, tôi bàn về chuyện ruộng nương có phải hay không?...
- Nghe thì vẫn phải... nhưng...
- Giá anh hỏi thầy, tôi chắc thầy cũng bảo như tôi vừa nói.
- À, thầy dạo này ra sao? Tôi bận loanh quanh mãi thành thử không năng tới thăm thầy được!
- Thầy vẫn đau nặng, hai mắt không khéo hỏng...
Dung ngừng một lát:
- Chỉ tại thầy thương khóc u tôi nhiều quá, tôi can thế nào cũng chẳng nghe!
- Tội nghiệp!
Dung bùi ngùi:
- Tôi lo lắm anh ạ! Nếu chẳng may thầy làm sao...
- Thì cũng đành trông mong ở trời Phật cả chứ biết đâu mà lo cho cùng!...
Kính gượng an ủi Dung chứ thực ra chàng cũng bối rối chẳng kém gì Dung. Từ sau cuộc hát đêm hôm rằm tháng tám, Kính và Dung đã chia nhau cái giải nhất của làng, Kính vẫn chờ có dịp thì chàng sẽ ngỏ thực với Dung cái ý định trăm năm. Dịp đợi chờ nay đã có, vậy mà câu tâm sự Kính đành dẹp bên lòng. Cái tình cảnh của Dung với sự nghèo túng của chính mình, đã làm cho Kính e ngại. Kính thấy cần phải suy nghĩ kỹ, cần phải xếp đặt trước cuộc sống mai sau thế nào cho ổn.
- Thôi, cô làm nhé? Tôi bận đi đằng này có chút việc.
Dứt lời, Kính men theo bờ ruộng lên đường.
Dung ngây người nhìn theo Kính. Cô chợt cảm thấy một cái gì vừa chen vào khoảng giữa cô với chàng trai trẻ, phủ lên mối tình mới chớm, như vệt mây đen phủ vầng trăng mọc...
Dung não nùng chớp nhanh hai mi mắt; cảnh vật dưới trời khuya trong sáng bỗng nhòe hẳn đi... Một câu hát đâu đó vẳng lên, như tiếng vọng của chính lòng thiếu nữ:
Đêm tàn, nguyệt lẩn về tây...
Sự tình kẻ đấy người đây còn dài
Trúc với mai, trúc về mai nhớ;
Trúc ra về, trúc nhớ mai không?
Ước sao đây vợ đấy chồng;
Đấy bế con gái, đây bồng con trai!...