Số lần đọc/download: 3527 / 31
Cập nhật: 2016-05-20 19:50:51 +0700
Trời Cao Trong Vắt
H
ạnh phúc chứa mầm của những cơn bão.
Trong bóng tối của khu vườn ẩm ướt, trong mùi hoa dạ hương ngọt đậm muốn ngất đi và trong tiếng chân chuột sột soạt giữa những bụi chuối già cũ, tôi biết mình phải cố quên đi.
Ngồi bên tôi là anh trai, gương mặt phẳng lặng như bóng tối phía trước, điểm sáng duy nhất là đốm thuốc vụt sáng vụt tắt theo mỗi nhịp môi thở. Tóc anh trai dài như một mớ rễ tre, phủ tràn hai vai rộng. Và mỗi khi anh nói, giọng anh như hắt lên từ những chum vại ẩn mình trong lòng đất, hắt lên từ những chén rượu nhỏ giọt ăn sâu vào thanh quản. Anh trai bảo, nếu thấy mình khó sống ở đó, thì tìm nơi khác. Không tìm được thì đi về. Tôi ngồi im. Đây là lần thứ mấy rồi anh trai nói thế. Nhưng tôi lại chẳng muốn về.
Anh trai hút thuốc rất khuya và thường ngắm nhìn bầu trời một mình, chưa khi nào anh tỏ ra nao núng và buồn phiền. Hay giả chăng không ai thèm biết tới những điều đó. Tôi bảo: “Về quê thấy nản, chẳng biết làm gì”. Anh trai rít thêm một hơi thuốc: “Tùy! Cũng chẳng còn non dại gì. Thế bao giờ lại đi?”. Tôi chưa biết khi nào đi. Tôi ngồi lịm trên phiến đá dài trong vườn, cho đến khi anh trai tắt thuốc, tay vỗ sương xuôi vai áo tôi: “Vào đi, trời lạnh”. Tôi theo anh trai vào nhà. Đã im lìm tất cả. Chỉ còn bóng tối và những làn hơi thở thao thức.
o O o
... Bạn đến nhà tôi theo lối cửa sau. Một bà già đeo phẻn dao, nhổ cốt trầu tì toẹt, mặt mũi phờ phạc như vừa thoát cuộc chạy giặc giữa tuổi loạn ly. Theo sau bà là đứa con gái dính đầy tay màu chàm tươi, mặt xước đỏ như vừa chạy qua rừng rậm đầy mây móc. Bà già bảo bố tôi, nó còn quá bé, mà mẹ nó mất chiều qua, bị cơn hậu sản từ ngày mới sinh, hấp hối chỉ dặn mang nó về nhờ ông chăm sóc. Bà già không phải ruột rà gì của bạn. Chỉ là một người láng giềng tốt bụng. Hay đại loại một người thân quen nhưng không thể, không đủ sức cưu mang một đứa trẻ, bởi một ngày nào đó nó sẽ lớn lên, nó sẽ đòi hỏi một cuộc sống khác mà những người cưu mang nó buộc lòng phải tăng cường trách nhiệm và san sẻ quyền lợi. Bà già nhổ cốt trầu, nhìn kín đáo ra ngoài ngõ, rồi bảo bố tôi, từ ngày ông không qua đó, cô ấy buồn thảm tưởng rụng cái thai. Thế nào rồi vẫn sinh ra nó. Chẳng biết bố nó bây giờ làm gì? Bố tôi hút thuốc sâu kèn đỏ cả bờ môi, chỉ lắc đầu nhìn bạn. Được rồi, bà cứ về, nó sẽ là con út của tôi. Bố nó đi rồi, nghe đâu chết sập mãi mỏ than làng Hít, xa xôi lắm, chẳng tìm được xác về. Bà già lắc đầu kinh hãi, chiếc nón lá cọ của người Thổ lập cập đội lên đầu rồi lại theo lối cửa sau ra về. Bạn không chạy theo, mặt lầm lì nhìn bố tôi như thể biết chắc điều này sẽ đến từ khoảnh khắc rất lâu nào đó trong cuộc đời. Rồi hỏi, bây giờ bác là bố cháu hả? Bố tôi gật đầu. Lại hỏi, bác có thương cháu bằng thằng kia không? Bạn nhìn tôi. Tôi rất ghét bạn nhìn như thế. Bố tôi lẳng lặng gật đầu. Ông hiền lành như củ sắn. Bạn bảo, từ lâu lắm rồi, cháu chỉ thèm có bố, ai đi qua nhà mà ở lại với mẹ, cháu cũng thích được gọi là con. Và cháu sẽ gọi người đó là bố. Tôi bảo, mày im ngay, tao đập chết. Bố mày là quân kẻ cướp, chết sập lò than. Bố tao là bố tao chứ. Bạn lao đến, ôm chầm lấy cổ bố tôi. Tôi chạy lại, kéo tóc bạn giật ngược. Cái cảm giác độc ác đó bám riết lấy tôi, để đến bây giờ ngồi nghĩ lại, tôi chỉ muốn khóc, khóc thỏa thuê như những đêm khuya rỗng ngực trong căn phòng trọ tồi tàn mà nhớ về tháng ngày xưa cũ đã vĩnh viễn không thuộc về mình nữa. Khi đó mắt bạn mở to, bạn duỗi thẳng chân trên nền nhà. Tịnh không một tiếng khóc. Bạn vùng dậy, định lao tiếp đến chỗ bố. Tôi đứng chắn ngang. Bạn lao đến, đấm túi bụi vào ngực tôi, đấm quyết liệt như thể dồn mọi sức lực của mình chỉ để giành quyền gọi một người đàn ông xa lạ là bố. Tôi giận run người, tát bạn đến quay lơ trên sàn. Cũng lúc ấy, tôi thấy mắt mình hoa lên và má mình bỏng rát. Tôi ngã vật ra nền đất. Lần đầu tiên trong đời, người đàn ông hiền từ nhất mà tôi từng biết đã đánh tôi, rất thật và rất đau đớn. Rồi ông nâng hai đứa dậy. Ông nâng hai đứa trong vòng tay cáu đầy nhựa chè và đôi mắt đỏ quạch, không biết vì nước mắt, vì khói bụi hay vì những đêm thao thức bởi một ký ức xa vời nào. Bố nhìn bạn và nhìn tôi, rồi ông nói, hãy yêu thương nhau như hai anh em, bởi đó là cuộc sắp đặt của trời đất. Tôi nhìn bạn. Bạn nhìn tôi. Im lặng. Cuộc chạm trán đầu tiên trong căn nhà này đã khiến chúng tôi bị chìm lẫn vào đời nhau trong từng nghịch cảnh, từng nỗi đau và từng mất mát.
o O o
... Những ngày tươi đẹp vốn đến như một bóng nắng. Tuổi thơ của chúng tôi trôi đi như dòng nước lũ, trôi cả bèo bọt phù sa lẫn những lắng bồi của ngàn năm suối sông, của đất đai đồi núi. Nhà tôi nằm cuối thị trấn. Cái thị trấn buồn thảm với những cây bàng bị cụt ngọn đều đặn như những chiến binh dũng mãnh bị phạt ngang thân vẫn kiên trung bảo vệ thành trì. Những cây bàng già nua và kiên cường trước gió mưa dễ đến trăm năm, đếm từ cửa ngõ thị trấn nơi con suối Đầu Đẳng cắt ngang phiến đất rộng của thung lũng làm đôi cho tới khi hụt hơi đầu cuối của những mái hiên lúp xúp được chín mươi chín gốc. Những ngày mưa phùn gió bấc, người ta hay nhìn thấy những bóng áo trắng tha thướt lướt qua, như những giấc mơ chưa kịp hồi sinh đã miệt mài đi mất. Để hôm sau hàng phố mê mải trong những lớp lang câu chuyện từ thời hồng hoang, nhưng tất cả đều hoảng sợ nếu một mai lỡ sét đánh cây bàng đầu tiên trong phố chết đi, hẳn tai họa sẽ ập đến như lời báo ứng của ông thầy phù thủy giải oan những cái chết đầy tức tưởi vì thất tình hay nợ nần cờ bạc nơi con suối Đầu Đẳng.
Mẹ tôi có sạp hàng nhỏ ở chợ. Còn bố tôi sáng sáng đeo dao vào phẻn, sách thạ vào trong núi, lo làm mấy nương chè. Tay bố tôi lúc nào cũng cáu nhựa chè, đen bóng. Một ngày, bố làm việc mười mấy tiếng, lầm lụi và không phàn nàn. Chè mang về nhà, ông lại nhóm lò, rồi hì hụi rang sao. Những cánh chè đen thơm phức và mồ hôi bố tôi ướt đầm áo. Bạn thường đun củi trong lò giúp bố tôi. Những lúc như thế, bố rất cảm động. Tôi không có thiên hướng ấy. Tôi lười biếng những công việc chân tay. Tôi thích đọc sách, thích nghĩ về thế giới với những sắc màu kỳ diệu và một thành phố ở đâu đó phía xa kia. Tôi nghĩ rằng, mình vĩnh viễn không bao giờ làm những công việc mỏi mệt và chán ngắt như thế kia. Để ngày mai mẹ tôi đem ra chợ, bán chè được mấy đồng bạc lẻ, mua đủ một cân thịt lợn, vài mớ rau. Sự nhạt nhẽo của thị trấn khiến tôi luôn nghĩ rằng, nếu như tôi có thể thành nhà văn, điều đầu tiên tôi sẽ phải mô tả thành công là cái tẻ nhạt và buồn thảm của nó, nhất là mỗi độ thu tàn và bắt đầu chớm đông.
Bắt đầu vào những ngày đông, những nương chè của bố tôi dường như câm lặng và không thể nảy chồi lên được. Bố tôi tha thẩn đi quanh đó và nhặt cỏ, cuốc đất... Nhìn từ trên núi xuống thấy bóng bố lúp xúp như một cây nấm thật bự, cứ tồi tội. Tôi ngồi đó và nhìn thấy tháp truyền hình cũ kỹ từ phía thành phố (cái thành phố mà về sau này lớn lên tôi mới biết nó giống như cái thị trấn bé xíu bao gồm những tòa nhà hộp diêm xếp liền nhau) mà thèm thuồng. Tôi nhìn hút về phía đó, nghĩ đến một ngày mình sẽ thoát xác thành một nhân vật nổi tiếng, tất cả đều ứ đầy trong những ngăn ước mơ riêng biệt và chật hẹp. Còn bạn, trong những tháng ngày đó, sau khi những trang sách đó gấp lại, bạn đã nghĩ gì, đã làm gì?
o O o
... Những ngày mùa đông thị trấn buồn âm u buồn. Bọn choai mới lớn lê lết trên những quán rượu ốc, uống thứ nước đục lờ như nước vo gạo rồi gào rống lên từ đầu phố tới cuối phố. Người già không đi ra đường, mang những khuôn mặt ảm đạm trùm chăn đến cổ ngồi xem ti vi, những chiếc ti vi đen trắng rọt rẹt đêm ngày. Nếu nghèo hơn thì vừa nằm nghe radio vừa lơ mơ ngủ. Mẹ tôi thường về nhà lúc chiều muộn, mang theo mớ rau củ hành, vài con cá biển khô và kho mặn. Bà thổi bếp lúc đã nhập nhoạng và những bữa cơm lấp liếm qua ngày. Tôi vẫn luôn nghĩ rằng, trong một khoảnh khắc nào đó của thời thơ ấu mà bạn nghĩ suy một cách nghiêm túc và minh bạch về những vấn đề lớn của cuộc đời, thì những dự định ấy sẽ bám đuổi cho tới khi bạn giã từ mặt đất. Những ngày đó, trên những ngọn đồi dài và nhìn về thành phố, tôi nghĩ mai mốt mình sẽ trở thành một người nổi tiếng với những tác phẩm thành công rực rỡ. Tôi sẽ có những cuốn sách mà người khác nhét vào hộp carton và lần hồi đem ra đọc từ ngày này qua tháng khác. Mẹ tôi bảo, viết ra ba cái cuốn sách cóc gặm, chẳng ma nào thèm xem. Ở nhà mở tiệm cà phê bán có khi còn sinh lời lãi. Chúng mày học cái thứ gì mà sao tốn tiền nhiều quá, cái sạp hàng của tao cứ mòn mãi cho mấy cái chữ to chữ nhỏ của chúng mày. Bây giờ, khi đang viết đến dòng này, tôi lại tìm đến những trang nhật ký cũ, khi ấy tôi từng khóc nhòe nhoẹt những dòng chữ yếu đuối và thảm hại. Nhưng tôi vẫn viết rất đau đớn và kiên quyết. Tôi không muốn suốt ngày loăng quăng đến cuồng chân trong từng ấy con phố, từng ấy ngõ ngách và buồn với chỉ từng ấy nỗi buồn...
o O o
... Anh trai lục tục ngồi dậy, hút thuốc. Ngoài trời sương rơi nặng hạt, tiếng lộp bộp qua những tàu chuối như tiếng bầy chim sẻ sột soạt gọi nhau mỗi ban mai trước hiên nhà. Anh thường rít thuốc rất sâu và ươm lâu trong cổ họng, mãi sau mới phả ra bằng mũi. Anh trai nghiện thuốc rất nặng. Hồi cuối kỳ trung học, viện cớ học thi, anh mang cả tút thuốc lá không đầu lọc về trong phòng hút một cách lén lút. Mẹ tôi biết, rất giận. Nhưng nhìn thấy anh học hành ghê quá, nghĩ tội lại thương. Hồi đó mẹ kỳ vọng rất nhiều vào anh. Mẹ mua cho anh những bộ quần áo đẹp nhất chợ, chiếc cặp của anh cũng được mua từ mãi Thái Nguyên về. Mẹ muốn anh thành thầy giáo, như ông chú tôi, dạy đám học trò ở trường cấp hai thị trấn. Rồi anh sẽ lấy một cô vợ xinh xắn, làm hàng xén chẳng hạn, rồi có hai đứa con cho mẹ bế bồng. Anh hút thuốc nhiều, mặt sắt lại và năm đó anh bước vào phòng thi tốt nghiệp với cái cổ họng sưng tấy. Anh làm bài không tốt. Khi đó mẹ đổ thừa cho thuốc lá. Anh trai thi trượt. Bố xấu hổ với người hàng phố. Nhưng đó chưa phải là những ngày ảm đạm nhất trong nhật ký gia đình tôi.
Anh trai thi trượt, hút thuốc lào xòng xọc như mấy cụ già cuối phố. Rồi anh theo mấy thằng trai mới lớn, uống rượu ốc và cưa gái dọc đường. “Không học đại học cũng chả chết” - mẹ tôi kết luận thế sau hai tuần nhìn anh trai phờ phạc. Mẹ tôi bảo sẽ mở thêm cho anh một sạp hàng vải ở chợ. Giật gấu vá vai buổi đầu, mai mốt sang hèn là do cái lộc, cái duyên buôn bán. Tôi thấy anh trai tồi tội. “Anh bỏ hút thuốc được thì thật tốt”. Anh trai không nói lời nào. Hôm sau anh vẫn hút. Và cả hôm sau nữa vẫn hút. Hút cho đến bây giờ.
Anh vẫn ngồi bên bàn nước, hút đăm chiêu và miên man những suy nghĩ. Rồi anh bảo: “Mày có uống nước thì dậy”, chè mới, thơm thật thơm. Tôi nhỏm dậy. Trời đã chuyển về sáng. Ngoài phố, tiếng những xe tải đổ bộ từ phía Cao Bằng, Bắc Kạn ầm ì xa gần. Ngoài vườn, sương vẫn không ngớt. Tôi ra ngồi cùng anh trai. Mùi nước chè mới, thơm ngai ngái. Cái mùi lạ kỳ. Từ trong thẳm sâu tâm hồn mình, từ một xứ sở nào đó, bất chợt bắt gặp cái mùi hương ấy tôi lại nhớ tới bố với cái thị trấn tưởng như nhạt nhẽo này. Nhưng rồi, mọi việc cuốn đi đến mức tôi không còn thói quen pha chè để uống vào mỗi ban sáng. Chè túi lọc ngoại quốc dễ pha và sạch sẽ. Những cô gái tôi quen về sau cũng bị quyến rũ bởi những mùi hương đến từ xứ sở xa vời nào đó. Họ mơ hồ nghĩ về những cánh chè đen của bố tôi. Những lúc ấy, tôi âm thầm nghĩ, lén trộm nghĩ về bạn của ngày ngu ngơ tặng nhau những bông hoa bồng bé dại và ngu ngơ lo sợ về một ngày mai xa vời nào. Để đến bây giờ về lại mái nhà này, uống chè với ly tách cũ này, mới thấy sao mà lạ lùng, sao mà quen thuộc. Ngày tháng trôi nhanh trong những bề bộn. Chả mấy chốc mà tự tôi biết mình cũng đã già.
Anh trai hỏi, lâu ngày có nghe tin gì không? Tin gì là tin gì? Thì cô ấy? Cô ấy à? Không nghe! Tôi không muốn nhắc đến bạn với anh trai. Cái cảm giác ấm ức lập tức bao trùm lấy tôi, giống như bóng tối của khu vườn muốn trùm lấp mọi sinh khí của ngôi nhà trong những đêm tối như bao đêm đã qua của gia đình tôi. Bạn và tôi, trong thẳm sâu nghĩ suy, trong những giấc mơ không ướt áo mồ hôi, không sùng sũng đũng quần như giấc mơ của anh, tôi biết tôi và bạn đã đi qua một ranh giới trong tâm thức, từ cái buổi bạn kéo tôi xuôi cầu thang trong ngập tràn nước mắt.
Mười bảy tuổi, bạn đẹp như bông hoa rhum trên gùi người Mông, không khoe khoang nhưng cũng chẳng giấu diếm cố tình. Người con gái mùa hè của tôi, nước suối mát và nước suối ôm bạn trong vòng tay mơn man. Ngực tôi như muốn cháy bùng lên thành một ngọn đuốc. Mười bảy tuổi, trái tim non tơ yêu đương vĩ đại. Giá mà được nhào đến, được ôm chầm lấy mùa hè ấy, ngấu nghiến non tơ ấy, được chìm trong khuôn ngực mưng mẩy tình yêu và một dòng sông con gái tơ non ẩm ướt. Đã có bao nhiêu đêm, tôi ngồi trên cây bàng phủ đầy bóng tối mà thấy phía dưới hông, phía dưới những vùng cỏ dại tươi mới là cơn đau tức nhột nhạt. Tuổi mười bảy căng đầy muốn phá tung mọi hệ lụy và rào cản, để nhảy tràn xuống trăng sáng, xuống vùng thịt da tươi tắn và náo nức dậy thì. Nhưng tôi bất động trên thân cây bàng cụt ngọn, để rồi rên lên trong khoảnh khắc cuối cùng lạnh đỉnh tủy sống. Một dòng đàn ông ồ ạt vung vãi nơi đáy quần, một dòng khởi thủy cho cuộc đời của gã trai bị vây bủa bởi những cám dỗ của tình dục khó cưỡng.
Nếu tôi đủ sức mạnh, tôi sẽ một lần cưới bạn làm vợ.
Nếu tôi đủ sức mạnh, có thể tôi đã không để mất đi những nỗi khát khao tinh khiết ấy. Để bây giờ tôi khỏi phải trở về, khỏi phủ nỗi buồn của mình lên bóng tối của căn nhà lao xao chân chuột.
Tôi đã không giữ được tuổi mười bảy của bạn. Tôi đã nhìn thấy thân hình ấy lao đến bạn, đã gần như ngất đi trên thân bàng cụt ngọn rồi lăn vào lòng suối. Một cuộc vật lộn hoặc đơn giản là những kẻ cuồng loạn đánh nhau vì một điều chưa hẳn đã là của mình. Chỉ đơn giản là sự điên cuồng trong một phút chốc nào đó của tuổi trẻ. Một bàn tay như gọng kìm siết lấy cổ tôi. Tôi thấy mình như ngất đi. Ngất lịm. Và trôi cùng rong rêu đá sỏi của con suối Đầu Đẳng. Tôi nghĩ mình đang chết. Tôi chết khi chưa trực tiếp nhấn chìm mình trong một dòng sông nào, chưa từng biết mùi hương nồng nàn đàn bà hay cảm giác một cái ghì, một tiếng rên con gái. Tôi chết mà không thể cứu bạn. Tôi này, sao mà tôi nhiều tham vọng, tôi hèn nhát biết bao nhiêu.
Tôi đã nằm đó không biết bao nhiêu lâu cho đến khi tôi nhận ra những tiếng thầm thì, những ấm ức rên xiết, những nỗi buồn được sổ lồng thành những tiếng kêu của tự do hoan lạc. Tôi nhìn lên những phiến đá dài. Như thể đã từ đó mà sinh ra vạn vật. Như thể đã tràn trề nhan sắc của tự nhiên. Ào ạt. Vội vã. No đầy. Vậy mà trái tim tôi như thủy tinh vỡ. Những tiếng kêu của một thiên đường đã bị hủy diệt. Tôi đấm lên trái tim mười bảy của mình những cú đấm lạc điệu. Cuộc ái ân đó, như mệnh trời, đã không thuộc về tôi. Tôi đấm vào gốc cây bàng cụt ngọn. Cây bàng im lặng, như mỉa mai. Tôi đã không còn lại điều gì. Tôi nghĩ mình sẽ bỏ đi. Thiên đường ấy đã vĩnh viễn đi mất...
Tôi im lặng. Tôi bỏ về. Nhà tôi phủ đầy bởi bóng tối của khu vườn những ngày cuối tháng.
Đôi khi, nghĩ lại những ngày tháng ấy, nghĩ lại những giấc mơ chán nản ấy, tôi vẫn cứ nghĩ phải chi chúng tôi đừng gặp nhau, đừng liên quan đến cuộc đời nhau, có thể mọi thứ sẽ tốt hơn, đẹp đẽ và đầy thành kính.
o O o
Tôi có một mái nhà để trở về chữa lành những vết thương. Rồi tôi lại hối hả về thành phố, đốt cháy mình, tàn phá cuộc đời mình. Những đứa như tôi, mọi thứ đều mơ hồ. Tôi đã thả mình vào biết bao cuộc vui, để rồi thấy mình là một kẻ cô độc và nhạt nhẽo. Bao nhiêu ngày tháng sống cật lực chỉ để nhận ra mình bất lực trước quá nhiều điều. Đi mãi mà vẫn chẳng thấy lối, chỉ thấy những đám lửa hừng hực cháy phía thành phố. Nhiều khi tôi ước mình biến thành một làn hơi nước, có thể bốc thành những sợi mây rồi thả mình vào một đám mưa cuồng loạn, tung tăng vui trong một dịp bất thường, và làm xanh biết bao cây lá.
Nhưng tôi nào có làm được gì. Gia đình tôi những năm tháng tuyệt vọng ấy như một cái lò sao chè. Nóng ran. Và nhớp nháp. Bạn bỏ đi vào một lúc không ngờ nhất. Bố khóc. Tôi đã từng muốn đập tan mọi thứ. Tôi muốn tát vào khuôn mặt cương nghị của anh trai. Nhưng cuối cùng, tôi nào có làm được gì. Tôi và bạn, chúng tôi lạc nhau suốt mười mấy năm...
o O o
... Hà Nội những ngày mùa thu, trời chợt đẹp như một thiếu phụ không có thói quen đi thẩm mỹ viện. Đẹp trễ tràng và không phấn son. Nhưng tôi thì đang khóc. Đêm qua, trong cơn mê sảng của rượu, tôi đã thấy gì? Những cái bóng lướt qua nhau, vùn vụt, trong những căn phòng hẹp...
Tiểu Thiên, cô người mẫu tôi quen có người yêu là đại gia. Cô muốn dẫn tôi tới bữa tiệc sinh nhật của hắn. Nhìn tôi, cô hỏi, anh có chuyện gì buồn phải không? Tối anh đi cùng em, em sẽ giới thiệu cho anh đứa bạn, nó rất biết cách làm cho người khác sung sướng. Tiểu Thiên cười rinh rích. Tôi đi với Tiểu Thiên. Tôi nhìn cô gái ngồi bên cạnh, thấy có chút gì đó thật thân thuộc. Một chút đồng ruộng, cả phù sa hay đồi nương trôi theo ánh mắt là lạ. Tôi bất chợt hỏi, nhà em ở đâu? A, nhà em ở xa. Nói rồi cười, hồn nhiên. Tôi bảo, nghe giọng Nhài như ở biển lên. Nhài bảo, thực ra thì anh chẳng có tài năng gì đáng nể, ngoài chuyện nghe giọng đoán quê hương. Rồi cười. Nhài hồn nhiên quay qua ôm hôn tôi thắm thiết. Môi cô đỏ mọng, ngực phập phồng ép sát, quả là không thể không bị hấp dẫn. Tôi không kịp phản ứng gì. Hôn xong thì cô cười phá lên, anh chưa biết hôn. Đúng là nai tơ. Nhưng em thích anh ở điều ấy... Chúng tôi ngồi trong phòng máy lạnh, những cô nhân viên mặc đồng phục váy ngắn nhộn nhịp qua lại. Và tôi như muốn đứng bật dậy, khi nhìn thấy bờ vai ấy, bờ vai có vết sẹo như một chiếc mỏ chim. Nhưng vết sẹo đã mất. Không để lại dấu vết nào.
Tôi mệt mỏi chạy dọc những dãy hành lang đầy ắp người, vỏ bia, mùi phấn son lẫn mùi rượu. Vô vọng. Tôi nói với Tiểu Thiên, tôi muốn đi về. Xe chạy ngoài đường đêm, những ánh đèn chạy xéo qua gương như những vết xước của thành phố. Đúng lúc ấy Nhài gục vào vai tôi, thở nhè nhẹ, em chẳng muốn về nhà chút nào. Tôi khẽ gỡ tay Nhài ra, không nói. Đến ngã tư tôi xuống. Tôi đi bộ về nhà. Con ngõ tối như cái hũ nút đêm Ba mươi Tết. Tịnh không còn le lói một chớp đèn. Và lúc ấy, trong đêm tối tôi thấy mình thực sự thành thật, rằng sao mà tôi thấy buồn. Buồn rũ...
o O o
... Anh trai lại rót chè ra chén, tiếp tục uống. Uống vì một thói quen. Hoặc vì một nhu cầu bức bách của những ý nghĩ. Rồi đặt chén xuống. Rồi có tìm được không? Anh trai hỏi, mắt nhìn ra bầu trời. Anh à, em muốn nói, đây là chuyện anh em mình, chẳng cần cho bố mẹ biết. Tuổi già, như gió lại như sương... Chúng tôi ngồi cùng nhau bên bàn trà. Từ rất lâu rồi, chúng tôi không có những cuộc chuyện trò trực diện như thế. Trời đã nhấp nhỉnh sáng. Con gà trống nhốt trong lồng lúc túc kêu lên, rồi bất giác te te gáy. Tiếng gáy uất ức của một thứ tù đày đanh khỏe.
Tôi có gặp lại bạn không?
Tôi không gặp lại bạn?
Hay tôi đã gặp mà tôi vô tình không nhận biết?
Tôi không chắc.
Tôi đi tìm vết sẹo hình mỏ chim trong nhà hàng ấy nhiều lần. Tôi luôn nghĩ rằng, chúng ta có thể đánh mất cả cuộc đời trong phút chốc, nhưng ký ức là cái còn lại. Và đôi khi chúng ta phải nương vào nó, đi tìm lại mình.
Tôi gặp vết sẹo hình mỏ chim vào một lúc không ngờ, khi tôi cảm thấy tôi bị lạc cô vĩnh viễn. Khi tôi chuẩn bị trở về nhà, khi tôi đi ngang qua cây cầu cũ, trong thành phố buổi sáng sớm đầy khói, như những đám mây bay lững lờ qua những nóc nhà. Tôi không nhận ra nét thân yêu nào trên khuôn