There are very few people who are not ashamed of having been in love when they no longer love each other.

Francois

 
 
 
 
 
Tác giả: Tobias Wolff
Biên tập: Đỗ Quốc Dũng
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 22
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1271 / 38
Cập nhật: 2017-08-29 15:44:10 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Trong Khu Vườn Của Những Chiến Binh Bắc Mỹ
ồi còn trẻ, Mary từng chứng kiến một đồng nghiệp tài giỏi và cá tính mất việc vì dám bày tỏ những ý kiến làm mếch lòng ban giám hiệu trường đại học. Cô có cùng quan điểm với người đàn ông này nhưng không ký vào bản kiến nghị. Thì bản thân sự tồn tại của cô đã là một kiến nghị rồi – trong vai trò là giáo viên, một người đàn bà, một nhà sử học.
Nhưng Mary cẩn thận theo dõi bản thân. Trước khi giảng bài, cô lên giáo án chi tiết toàn bộ bài giảng, cô dùng những luận cứ và lời lẽ của người khác – những tên tuổi đã được chấp nhận để cô không buột miệng nói điều gì đó sai lệch. Những chính kiến riêng của mình, cô giữ lại cho bản thân và khi thời gian qua đi, chúng cứ nhạt dần, nhạt dần mặc dù chúng không hoàn toàn biến mất mà chỉ co lại thành những điểm xa vời, bất an, giống như những cánh chim bay xa dần.
Khi khoa của cô biến thành một mớ bòng bong, Mary vẫn bình thản làm việc và giả như không biết rằng mọi người trong khoa cô ghét nhau. Để tránh tỏ ra là người tẻ nhạt, cô tự biến mình thành người độc đáo theo những lối vô hại. Cô bắt đầu chơi bowling, và cố mê trò này; rồi lại thành lập một chi hội tưởng niệm vua Richard Đệ Tam ở đại học Brandon. Cô thuộc lòng những câu chuyện đùa và trò tấu hài trên sách và băng đĩa; người ta rền rĩ khi nghe cô kể, nhưng cô không để điều đó cản trở mình; và sau một thời gian thì những tiếng rền rĩ trở thành một phần của sự hài hước – người ta cười để ghi nhận sự sẵn sàng phơi mình làm trò cười của Mary.
Thực tế là ở trường, không ai an toàn hơn Mary bởi vì cô đã biến mình thành một cái gì đó hết sức mô phạm – tương tự như một thủ tục hay một biểu tượng học đường; cô trở thành một phần của ý niệm về trường đại học.
Thỉnh thoảng, Mary tự hỏi liệu mình có cẩn trọng quá không. Những gì cô viết và nói có vẻ quá tẻ nhạt; chúng xơ cứng như thể đã bị ai đó vắt hết tinh chất. Và một lần, trong lúc nói chuyện với một giáo sư có tuổi, Mary thấy bóng mình trên cửa sổ; cô thấy mình ngả người về phía ông ta; đầu cô chúi về phía trước, đến mức vành tai hướng thẳng vào miệng của ông giáo sư. Mary ngờ rằng tật điếc của cô là hệ quả của việc lúc nào cũng cố gắng lắng nghe tất cả những gì người khác nói.
Trong nửa sau của khoảng thời gian mười lăm năm mà Mary làm việc tại Brandon, hiệu trưởng trường đại học triệu tập một cuộc họp của toàn thể giáo viên và sinh viên trong trường rồi công bố rằng trường học đã phá sản và sẽ đóng cửa vĩnh viễn. Ông ta nói ông ta cũng ngạc nhiên như mọi người; ông cũng chỉ nhận được báo cáo tài chính của ban quản lý trường học vào sáng nay. Có vẻ như người quản lý tài chính của Brandon đã đầu cơ một loại chứng khoán nào đó và thua lỗ toàn bộ số tiền. Ông hiệu trưởng muốn đích thân công bố tin này cho toàn trường trước khi tin tức lan tới giới báo chí. Ông khóc và cả sinh viên lẫn giáo viên cũng khóc; chỉ trừ một vài người – những kẻ thượng lưu hoài nghi, những người đã luôn khinh rẻ nền giáo dục mà họ nhận được.
Mary không làm sao quên được từ “đầu cơ”. Nó có nghĩa là “dự đoán”, và trong vấn đề tiền bạc, thì nó có nghĩa là “đánh bạc”. Làm sao một người có để mang một trường đại học ra đánh bạc? Sao ông ta lại muốn làm như vậy? Và tại sao không ai ngăn cản ông ta? Chuyện cứ như xảy ra ở một thời đại khác; Mary tưởng tượng thời mà những ông chủ đồn điền say rượu có thể lấy nô lệ của mình ra đánh bạc.
Cô làm đơn xin việc và được nhận vào dạy ở một trường thực nghiệm tại Oregon. Đấy là lời mời làm việc duy nhất nên Mary chấp nhận. Cả trường chỉ có một tòa nhà. Chuông lúc nào cũng kêu, tủ đựng đồ của sinh viên sắp hàng ngay trong hành lang, và ở góc tường nào cũng có một máy nước uống kêu ì ì. Hai tuần một lần, tờ báo của sinh viên được xuất bản trên một loại giấy lúc nào cũng có vẻ ẩm ướt. Thư viện của trường – ở kề với phòng tập nhạc – không hề có thủ thư và rất ít sách. “Chúng ta còn phải cải tiến nhiều”, ông hiệu phó chuyên môn của trường thích nói đi nói lại câu này với mọi người.
Được cái, cảnh vật quanh trường rất đẹp và Mary lẽ ra đã có thể thưởng thức chúng nếu như những cơn mưa không làm phiền cô nhiều đến thế. Phổi của cô có vẻ không ổn mặc dù các bác sĩ không bao giờ biết rõ nó có vấn đề gì và cũng không chữa khỏi. Dù là vấn đề gì thì rõ ràng chúng trở nên tệ hơn khi thời tiết ẩm. Vào những ngày mua, máy trợ thính của Mary bị ù. Cô bắt đầu sợ phải nói chuyện vì không biết lúc nào mình sẽ phải lấy hộp điều khiển trợ thính ra đập đập vào chân.
Mà gần như ngày nào trời cũng mưa. Lúc trời không mưa là lúc trời sắp mưa hoặc vừa mưa xong. Mặt đất lúc nào cũng nhão xệ dưới cỏ, và những ánh đèn luôn có một quáng vàng mà mỗi khi bão thì lại lóe sáng.
Tầng hầm nhà Mary rỉ nước. Những bức tường đổ mồ hôi và cô thấy nấm mọc phía sau tủ lạnh. Bản thân cô cũng như đang rỉ dần đi, giống như những cái ô tô cũ mà người ta bỏ mặc trong vườn nhà, lẫn giữa những đống gỗ mục. Mary biết ai cũng đang chết dần chết mòn nhưng cô thấy mình có vẻ như đang chết đi nhanh hơn họ.
Cô tiếp tục tìm việc khác nhưng không thành công. Thế rồi, vào mùa thu thứ ba ở Oregon, cô nhận được một lá thư từ một người phụ nữ tên là Louise – vốn trước đây cũng từng dạy ở Brandon. Louise đã thành công lớn với một cuốn sách về Benedict Arnold và giờ là giáo sư ở một trường đại học nổi tiếng tại miền Bắc bang New York. Chị ta nói rằng một đồng nghiệp ở khoa sẽ nghỉ hưu vào cuối năm nay và hỏi xem Mary có muốn xin vào vị trí này không.
Lá thư làm Mary ngạc nhiên. Louise coi mình là một nhà sử học giỏi và hầu hết mọi người đều vô dụng; Mary không hề biết là Louise nghĩ khác về cô. Hơn thế, Louise có vẻ không phải tạng người quan tâm đến đời sống của người khác; chị ta luôn luôn nín thở khi người đối thoại nhắc đến những cái tên quen thuộc, như thể chị ta biết rằng mình phải cổ gắng nhịn không nói gì về người kia.
Mary không mong đợi gì nhưng cũng gửi hồ sơ và một bản của cuốn sách cô đã viết. Không lâu sau đó, Louise gọi điện báo cho cô biết hội đồng tuyển giáo sư mà Louise là chủ tịch đã quyết định mời Mary tới trường phỏng vấn vào đầu tháng 11. “Nào, đừng hy vọng quá nhiều đấy!”, Louise nói.
“Ồ không”, Mary nói, nhưng rồi lại nghĩ tại sao cô không được hy vọng? Họ sẽ không tốn tiền đưa cô tới phỏng vấn nếu như họ không muốn tuyển cô. Và cô chắc chắn cuộc phỏng vấn sẽ tốt đẹp. Cô sẽ làm cho họ thích cô, hoặc ít nhất cũng không cho họ lí do gì để không thích.
Cô đọc trước về khu vực quanh trường học với một sự quen thuộc lạ lùng, như thể vùng đất đó và lịch sử của nó đã rất quen với cô. Và khi máy bay của cô rời Portland và lấy dần độ cao, Mary cảm thấy như mình đang về nhà. Cảm giác đó vẫn tiếp tục và ngày càng mạnh thêm khi cô hạ cánh. Cô cố gắng diễn tả nó với Louise khi họ rời sân bay ở Syracuse và lái xe về phía trường học ở cách đó khoảng 1 tiếng. “Cứ như là ký ức ở kiếp trước vậy”, Mary nói.
“Ký ức ở kiếp trước là chuyện hoang đường”, Louise nói. “Chỉ là một trạng thái mất cân bằng sinh học ấy mà”.
“Cũng có thể” Mary nói. “Nhưng em vẫn có cảm giác đó”.
“Không cần phải tỏ ra nghiêm túc với tôi đâu”, Louise nói. “Nó không hợp với cô. Cứ vui vẻ, thoải mái như cô hồi trước ấy. Nào, nói thật nhé, trông tôi thế nào?”
Trời đã tối, không thể nhìn rõ mặt Louise nhưng ở sân bay, trông chị ta có vẻ hốc hác, xanh xao, và căng thẳng. Chị ta khiến Mary nhớ đến những mô tả trong sách về những chiến binh Iroquois đã nhịn ăn nhiều ngày để thiền. Louise có cái vẻ đó. Nhưng chị ấy không cần biết điều này. “Trông chị rất tuyệt”, Mary nói.
“Có lý do đấy”, Louise nói. “Tôi đang có bồ. Giờ tôi tập trung tốt hơn, nhiều năng lượng hơn và tôi sụt mười cân. Má tôi cũng hồng hơn, nhưng mà cũng có thể là do thời tiết. Nên có bồ. Nhưng mà cô chắc chả tán thành chuyện đó”.
Mary không biết phải nói gì. Cô nói cô tin Louise hiểu chuyện này rõ hơn cô nhưng có vẻ câu này cũng không đủ. “Hôn nhân là một thể chế tốt nhưng có ai lại muốn bị ràng buộc trong thể chế chứ?2” Louise rền rĩ.
“Tôi biết cô”, chị ta nói. “và tôi biết là bây giờ cô đang nghĩ, thế còn Ted thì sao, còn bọn trẻ con thì sao? Mary, thật sự mà nói, bọn họ không chấp nhận nổi chuyện này. Ted lúc nào cũng tra hỏi tôi”. Chị ta đưa túi xách cho Mary. “Hãy là một cô gái ngoan và châm cho tôi điếu thuốc được không? Tôi biết tôi đã nói với cô là tôi bỏ thuốc nhưng chuyện bồ bịch này làm tôi khổ quá, tôi sợ là tôi lại hút thuốc trở lại”.
Lúc này, họ đang lái xe qua những quả đồi hướng về phía bắc trên một con đường hẹp. Những thân cây cao đổ tán phía trên đầu họ. Khi họ lên đỉnh một ngọn đồi, Mary nhìn thấy những khu rừng xung quanh, chúng sâu và tối dưới bầu trời màu tía. Chỉ có một vài ngọn đèn sáng ở đây đó, khiến cho bóng tối dày thêm.
“Ted đã thành công mỹ mãn trong việc làm cho bọn trẻ con xa lánh tôi”, Louise nói. “Không thể nào nói chuyện được với mấy bố con nhà đấy nữa. Thực ra là họ từ chối nói chuyện với tôi; thật là buồn bởi vì bao lâu nay tôi đã cố gắng dạy bọn trẻ con phải cố nhìn vấn đề từ con mắt của người khác. Giá mà chúng chịu gặp Jonathan thì chúng có lẽ sẽ nghĩ khác đi. Nhưng bọn chúng thậm chí không thèm nghe tôi nói. “Jonathan là bồ của tôi”, Louise nói.
“Em hiểu rồi”, Mary nói.
Qua một khúc cua, ánh đèn xe của họ chiếu thẳng vào hai con hươu. Mary có thể thấy chúng căng thẳng khi xe của họ chạy ngang qua. “Hươu”, cô nói.
“Tôi cũng chẳng biết nữa”, Louise nói. “Chịu. Tôi cố hết sức rồi, nhưng có vẻ thế cũng chẳng ăn thua. Nhưng thôi, nói thế về tôi là đủ rồi; giờ hãy nói về cô. Cô nghĩ thế nào về cuốn sách mới của tôi?”, Louise kêu lên và đập tay vào vô-lăng. “Nói thật đi, cô thế nào rồi? Hồi Brandon đóng cửa, chắc là cô sốc lắm nhỉ?”
“Nói chung cũng hơi vất vả. Cuộc sống của em đến giờ cũng hơi khó khăn, nhưng nếu em được nhận công việc này thì cuộc sống sẽ tốt hơn nhiều”.
“Ít nhất thì cô cũng còn có việc làm”, Louise nói. “Lạc quan lên”.
“Em cũng cố”.
“Cô có vẻ mệt mỏi. Tôi hy vọng cô không lo lắng về buổi phỏng vấn hay buổi giảng bài. Lo lắng chẳng được ích gì đâu. Cứ coi như đây là một chuyến đi chơi đi”.
“Buổi giảng bài? Buổi giảng nào?”
“Thì mai cô phải giảng thử sau khi phỏng vấn. Tôi không nói với cô à? Ồ, lỗi tại tôi, cưng ơi, lỗi tại tôi ở mọi đàng3. Gần đây tôi đãng trí khủng khiếp”.
“Em làm thế nào bây giờ?”
“Cứ bình tĩnh”, Louise nói. “Cô cứ chọn một chủ đề gì đó rồi phiêu thôi”.
“Phiêu?”
“Thì cô biết đấy, cứ mở miệng và chờ xem cái gì tuôn ra thì tuôn. Ngẫu hứng”.
“Nhưng em luôn phải chuẩn bị bài giảng trước”.
“Thôi được rồi, thế này nhé. Năm ngoái tôi có viết một bài báo về Kế hoạch Marshall4, nhưng sau đó tôi chán và không gửi đăng tạp chí nào cả. Cô có thể đọc bài đó”.
Lúc đầu Mary thấy đọc vẹt lại những gì Louise viết có vẻ không phải; nhưng rồi cô nhận ra là mình đã làm chuyện này nhiều năm nay và giờ không phải là lúc nói chuyện đạo đức.
“Đến rồi”, Louise nói và lái xe vào trong một con đường vòng có một vài căn nhà nhỏ bám dọc theo. Trong hai căn có đèn sáng và khói bốc lên từ các ống khói. “Trường học ở cách đây hai dặm”, Louise chỉ xuống phía dưới con đường. “Lẽ ra tôi đã mời cô đến ngủ ở nhà tôi nhưng tối nay tôi ngủ ở nhà Jonathan và Ted thì không được dễ chịu lắm vào những ngày này. Cô chẳng nhận ra được anh ấy đâu”.
Louise lấy hành lý của Mary ra khỏi cốp xe và mang chúng lên các bậc thềm của một căn nhà tối đèn. Louise nói: “Họ đã chất củi vào lò sưởi cho cô rồi đấy. Cô chỉ cần châm lửa là được”. Chị ta đứng giữa phòng, hai tay khoanh lại và quan sát Mary bật diêm châm lửa. “Rồi”, chị ta nói. “Sẽ ấm lên ngay thôi. Tôi cũng muốn ở lại nói chuyện với cô nhưng tôi đang vội. Cô cứ yên tâm ngủ đi nhé, tôi sẽ gặp cô vào sáng mai”.
Mary đứng ở cửa, vẫy tay chào trong lúc Louise đánh xe ra khỏi con đường, bánh xe nghiến những viên sỏi lạo xạo. Cô hít một hơi dài để cảm nhận vị không khí – nó sạch và ngai ngái. Cô có thể nhìn thấy rõ những ngôi sao và quầng sáng mờ mờ giữa những ngôi sao.
Mary vẫn cảm thấy không ổn về việc sẽ đọc bài báo của Louise như thể đó là bài báo của cô. Đây sẽ là hành vi đạo văn trọn vẹn đầu tiên của cô. Nó sẽ thay đổi cô. Nó có thể làm cho cô tồi tệ đi – còn tồi tệ đến mức nào thì cô không biết. Nhưng cô còn có thể làm gì? Chắc chắn cô không thể “phiêu” được. Có thể cô sẽ không cất nổi lời, và rồi thì sao? Mary sợ sự im lặng. Khi cô nghĩ tới sự im lặng, cô nghĩ tới việc chết đuối; im lặng là một thứ nước mà cô không thể bơi trong đó.
“Mình muốn có công việc này”, Mary nói, và thụt sâu người vào trong áo choàng. Đấy là một tấm áo cashmere và Mary chưa hề mặc nó kể từ lúc chuyển tới Oregon bởi vì dân ở đó cho rằng bất cứ thứ gì ngoài những chiếc sơ mi dạ Pendleton đều là trưởng giả; và dĩ nhiên lại còn có mưa. Cô vừa dụi má vào cổ áo dựng đứng vừa nghĩ tới vầng trăng bạc đang soi qua những cành sẫm trơ trụi, một ngôi nhà sơn trắng với những cánh cửa xanh, và những chiếc lá đỏ rơi rơi trong một bầu trời xanh thẳm.
Vài tiếng sau, Louise đánh thức cô dậy. Chị ta ngồi ở mép giường, lấy tay đẩy vào vai Mary và khụt khịt mạnh. Khi Mary hỏi có chuyện gì, chị ta nói “Tôi muốn nghe ý kiến của cô về một chuyện. Chuyện rất quan trọng. Cô nghĩ tôi có nữ tính không?”
Mary ngồi dậy. “Louise, chuyện này để lúc khác được không?”
“Không”.
“Nữ tính á?”
Louise gật đầu.
“Chị rất đẹp” Mary nói. “và chị biết cách thể hiện bản thân”.
Louise đứng lên, đi đi lại lại trong phòng. “Cái thằng chết tiệt đó”, chị ta nói. Chị ta quay lại giường và đứng nhìn xuống Mary. “Nếu có ai bảo rằng tôi không hề có khiếu hài hước thì cô có đồng ý hay không?”
“Trong một vài vấn đề thì chị có khiếu hài hước. Ý em là, dĩ nhiên là chị có khiếu hài hước”.
“Cô nói trong một vài vấn đề nghĩa là thế nào? Ví dụ là vấn đề gì?”
“Thì, giả sử chị nghe thấy ai đó bị chết trong một tình huống kì quặc, ví dụ như là vì nổ bình ga, chị sẽ nghĩ như thế là buồn cười”.
Louise phá ra cười.
“Đấy, ý em là thế”, Mary nói.
Louise tiếp tục cười. “Ôi, Chúa ơi”, Louise nói “Giờ đến lượt tôi nói về cô”. Chị ta ngồi xuống cạnh Mary.
“Chị nói đi”, Mary nói.
“Chỉ một điều thôi”, Louise nói.
Mary chờ.
“Cô đang run kìa”, Louise nói. “Tôi định nói là, à, thôi, bỏ qua đi. Nghe này, cô có phiền không nếu tôi ngủ trên sô-pha không? Tôi thì chẳng sao cả”.
“Chị cứ tự nhiên”
“Cô chắc là không sao chứ? Ngày mai rất quan trọng với cô”.
Chị ta ngả người trên sô-pha và tụt giày ra. “Tôi chỉ định nói là cô nên dùng chì kẻ lông mày. Lông mày của cô nhạt quá, trông không được hay lắm”.
Cả hai đều không ngủ. Louise hút thuốc liên tục và Mary nhìn lửa tàn dần. Khi trời hửng sáng đủ để họ nhìn thấy mặt nhau, Louise trở dậy. “Tôi sẽ cử một sinh viên đến đón cô”, chị ta nói. “Chúc may mắn”.
Trường đại học trông hết sức mẫu mực. Roger, người sinh viên được giao nhiệm vụ đưa Mary đi thăm trường, giải thích rằng trường này lấy mẫu từ một trường đại học bên Anh, kể từ những cái tượng thú trên các nóc nhà cho tới các cửa sổ gắn kính màu. Trông nó giống hệt một trường đại học mà các nhà làm phim thỉnh thoảng lấy làm cảnh phim. Bộ phim Andy Hardy vào đại học đã được quay ở đây và mùa thu nào trường cũng tổ chức một ngày “Andy Hardy vào đại học” với những tấm áo choàng lông chồn và các cuộc thi nuốt cá vàng.
Trên cánh cửa tòa nhà tưởng niệm các sáng lập viên của trường là một dòng khẩu hiệu bằng tiếng La-tinh mà dịch thoáng thì có nghĩa là “Chúa cứu những người biết tự cứu mình”. Trong lúc Roger liệt kê tên tuổi những cựu sinh viên nổi tiếng của trường, Mary nhận ra những người này đều đã tuân thủ tuyệt đối khẩu hiệu trên. Họ đã tự cứu mình trong ngành đường sắt, hầm mỏ, quân đội, và chính trị, rồi cả các đế chế tài chính trên khắp thế giới5.
Roger đưa Mary đến nhà nguyện và chỉ cho cô thấy một tấm biển có tên của tất cả các cựu sinh viên từng bị chết trận kể từ thời nội chiến nước Mỹ. Không có nhiều tên trên tấm biển. Cả ở đây nữa, những sinh viên của trường đã tự cứu mình. “À vâng”, Roger nói khi họ rời khỏi tấm biển. “Em quên không nói với cô. Bục nhận thánh lễ được mang từ một nhà thờ bên châu Âu sang, chỗ mà vua Charles Đệ Nhất thường đi lễ”.
Họ đi vào nhà thể thao của trường, rồi tới hai sân chơi hockey, hai thư viện, nơi Mary kiểm tra danh mục sách như thể cô sẽ từ chối nhận việc ở đây nếu như họ không có những quyển sách cần thiết. “Chúng ta vẫn còn thời gian”, Roger nói khi họ ra ngoài. “Cô có muốn đi thăm nhà máy điện không?”
Mary muốn bận rộn liên tục cho tới phút cuối nên cô đồng ý.
Roger dẫn cô vào sâu trong tòa nhà cơ khí của trường; cậu ta giải thích về các máy móc mà họ sẽ xem – rõ ràng chúng là các máy móc tân tiến nhất nước Mỹ. “Người ta cứ nghĩ trường đại học là chỗ cổ lỗ sĩ”, Roger nói. “nhưng thực ra không phải. Bây giờ sinh viên nữ cũng đến đây học và một số giáo viên là phụ nữ. Thực ra, theo luật của trường thì họ phải phỏng vấn ít nhất một phụ nữ cho bất cứ vị trí làm việc nào. Đây rồi”.
Họ đang đứng trên một lối đi nhỏ bằng sắt, phía trên một cỗ máy lớn nhất mà Mary từng thấy. Roger là sinh viên địa chất; cậu ta giải thích rằng cỗ máy này được thiết kế từ phát minh của một giáo sư trong khoa của cậu ta. Từ đầu tới giờ, Roger có vẻ nhút nhát, nhưng bây giờ cậu ta trở nên hết sức linh hoạt. Theo Roger, cỗ máy này là linh hồn của trường học, rằng mục đích của trường học là mang lại đầu ra cho cỗ máy. Roger và Mary đứng cạnh nhau, dựa vào lan can xem cỗ máy chạy đều đều bên dưới.
Mary đến gặp hội đồng tuyển việc vào đúng giờ phỏng vấn nhưng trong phòng không có ai. Cuốn sách của cô được đặt trên bàn, cùng với một bình nước và một vài cái cốc. Cô ngồi xuống, cầm cuốn sách lên. Gáy sách kêu lách cách khi cô mở cuốn sách. Những trang sách trong đó phẳng phiu, sạch sẽ, chưa hề được mở. Mary giở chương đầu tiên của cuốn sách; dòng đầu tiên của nó là “Người ta thường cho rằng…”.
“Thật nhạt nhẽo làm sao”, Mary nghĩ.
Gần hai mươi phút sau, Louise bước vào phòng cùng vài người đàn ông. “Xin lỗi chúng tôi đến muộn”, chị ta nói. “Chúng ta không có nhiều thời gian cho nên tốt nhất là bắt đầu luôn”. Chị ta giới thiệu Mary với hội đồng; có điều, trừ một người, tên và mặt của những người còn lại không khớp nhau. Trường hợp ngoại lệ là tiến sĩ Howells trưởng khoa. Ông ta có một cái mũi tái nhợt và hàm răng khủng khiếp.
Một người đàn ông mặt nhẵn bóng ngồi bên phải tiến sĩ Howells cất tiếng đầu tiên. “Theo tôi biết, chị đã từng dạy ở Brandon”.
“Thật tiếc là Brandon phải đóng cửa”, một người trẻ tuổi ngậm tẩu nói. “Có những trường như Brandon cũng tốt”. Trong lúc anh ta nói, cái tẩu ngoáy lên ngoáy xuống.
“Cô đang ở Oregon nhỉ”, tiến sĩ Howells nói. “Tôi chưa bao giờ đến đó. Cô có thích ở đó không?”
“Cũng không thích lắm”, Mary nói.
“Vậy sao?” tiến sĩ Howells ngả người về phía cô. “Tôi tưởng là ai cũng thích Oregon. Nghe nói ở đó rất xanh”.
“Vâng, đúng vậy”, Mary nói.
“Tôi đoán là ở đó mưa nhiều”, ông ta nói.
“Gần như ngày nào cũng mưa”.
"Thế thì tôi sẽ không thích” ông ta nói, đầu lắc lắc. “Tôi thích trời khô ráo. Dĩ nhiên ở đây thì có tuyết, và thỉnh thoảng cũng có mưa, nhưng là mùa khô. Cô đã bao giờ tới Utah chưa? Bang đó rất tuyệt. Có núi Bryce này. Rồi có dàn đồng ca đạo Mormon nữa”.
“Tiến sĩ Howells lớn lên ở Utah”, người đàn ông trẻ ngậm tẩu nói.
“Giờ thì ở đó khác lắm rồi”, tiến sĩ Howells nói. “trước thì vợ tôi và tôi vẫn tính là lúc nào nghỉ hưu thì quay lại đó sống, nhưng giờ tôi cũng chả chắc lắm”.
“Chúng ta không có nhiều thời gian”, Louise nói.
“Thế mà tôi thì cứ huyên thuyên”, tiến sĩ Howells nói. “Trước khi chúng ta nghỉ, cô có muốn nói gì với chúng tôi không?”
“Có. Tôi nghĩ là các vị nên nhận tôi vào làm”, Mary cười khi cô nói; nhưng không ai cười đáp lại, thậm chí cũng không nhìn cô. Tất cả họ đều nhìn đi chỗ khác. Mary đột ngột nhận ra rằng những người này không hề có ý định tuyển cô. Cô chỉ được đưa tới đây cho đúng quy định. Không hề có hy vọng nào cho cô.
Những người đàn ông thu dọn giấy tờ, bắt tay Mary và nói với cô họ chờ mong buổi giảng thử của cô. “Lúc nào tôi cũng muốn nghe về Kế hoạch Marshall”, tiến sĩ Howells nói.
“Xin lỗi cô”, Louise nói khi chỉ còn hai người với nhau. “Tôi không nghĩ là mọi việc lại tệ như thế. Tệ thật”.
“Chị nói thật đi”, Mary nói. “Chị đã biết là các chị định tuyển ai rồi, đúng không?”
Louise gật đầu.
“Thế thì chị còn đưa tôi đến làm gì?”
Khi Louise bắt đầu giải thích về quy định tuyển dụng của trường, Mary ngắt lời.
“Tôi biết điều đó. Nhưng tại sao lại là tôi? Sao chị lại chọn tôi?”
Louise bước tới cửa sổ và nói trong lúc quay lưng lại phía Mary. “Chị Louise của cô cũng không được ổn lắm đâu. Gần đây tôi thấy buồn; tôi nghĩ là cô có thể làm tôi vui lên. Hồi xưa, cô rất vui tính; và tôi nghĩ là cô sẽ thích đến đây chơi – cô chẳng mất gì cả, mùa này ở đây lại đẹp, có lá vàng các thứ. Mary, cô không biết bố mẹ tôi đã đối xử với tôi như thế nào đâu. Ted thì cũng chẳng phải tạng vui vẻ gì. Còn Jonathan, cái thằng đểu đó. Tôi cũng đáng được yêu và có bạn chứ, nhưng tôi chẳng có ai”. Chị ta quay lại nhìn đồng hồ. “Sắp đến giờ cô phải giảng bài rồi. Chúng ta đi thôi”.
“Tôi không muốn giảng nữa. Đằng nào cũng có ích gì đâu”.
“Ồ, cô phải giảng chứ. Nó là một phần của cuộc phỏng vấn mà”. Louise đưa cho cô một cái cặp giấy. “Cô chỉ cần đọc cái này thôi. Có mất gì đâu; chúng tôi đã mất bao nhiêu tiền để đưa cô sang đây”.
Mary đi theo Louise qua hành lang vào lớp học. Các giáo sư trong khoa ngồi ở hàng ghế đầu, chân bắt chéo. Họ mỉm cười, gật đầu chào Mary. Phía sau họ là phòng học đầy sinh viên, một vài người phải ngồi ở lối đi. Một giáo sư điều chỉnh lại micro cho vừa với chiều cao của Mary; ông ta khom khom người khi chạy tới chạy lui quanh bục giảng như thể ông ta không muốn bị thấy mặt.
Louise yêu cầu cả phòng trật tự rồi giới thiệu Mary và chủ đề của bài giảng. Nhưng Mary đã quyết định sẽ “phiêu”. Cô đi tới bục giảng, cũng không chắc mình sẽ nói gì; cô chỉ biết cô thà chết còn hơn đọc bài báo của Louise. Mặt trời đang tràn qua những cửa sổ kính màu vào những người ngồi quanh cô, như phết sơn lên khuôn mặt họ. Những vòng khói dày từ chiếc tẩu thuốc của người đàn ông hút tẩu bảng lảng trong vòng ánh điện màu đỏ bao quanh chân Mary – những làn khói biến thành màu đỏ mận, uốn éo như những ngọn lửa. Cô cất tiếng.
“Tôi tự hỏi không biết bao nhiêu trong số các em biết rằng chúng ta đang đứng trong Long House, một di tích cổ trong liên minh năm bộ lạc Iroquois”.
Hai giáo sư nhìn nhau. “Người Iroquois không biết cảm giác thương xót. Họ săn người bằng gậy, cung tên, giáo mác, lưới, và ống thổi tên làm bằng cây sậy. Họ tra tấn tù binh, không chừa một ai, kể cả trẻ nhỏ. Họ lột da đầu, ăn thịt người, và bắt nô lệ. Vì họ không biết cảm giác thương xót cho nên họ trở nên hùng mạnh; hùng mạnh đến mức không một bộ lạc nào dám chống lại họ. Họ bắt các bộ lạc khác phải cúng tiến, và khi những bộ lạc kia không còn gì để cúng tiến thì người Iroquois tấn công họ”.
Một vài giáo sư bắt đầu thì thầm với nhau. Tiến sĩ Howells nói gì đó với Louise và Louise lắc lắc đầu.
“Trong một lần tấn công”, Mary nói tiếp, “họ bắt được hai linh mục dòng Tên. Jean de Brébeuf và Gabriel Lalement. Họ đổ hắc ín lên người linh mục Lalement và đốt sống ông trước mặt linh mục Brébeuf. Khi Brébeuf phản đối, họ cắt môi và đút một thanh sắt nung đỏ vào cổ họng ông. Họ đeo vào cổ ông một cái cổ dề làm bằng những khớp sắt nung nóng và đổ nước sôi lên đầu ông. Khi ông tiếp tục giảng đạo, họ xẻo từng miếng thịt từ người ông và ăn sống chúng ngay trước mặt ông. Khi ông vẫn còn sống, họ lột da đầu ông, rồi banh lồng ngực ông ra và uống máu ông. Sau đó, tù trưởng của họ dứt tim Brébeuf khỏi lồng ngực và ăn sống; nhưng ngay trước khi ông ta làm điều này, Brébeuf cất tiếng nói với những người Iroquois một lần cuối. Ông nói..”..
“Đủ rồi”, tiến sĩ Howells vừa quát vừa đứng bật dậy khỏi ghế. Louise ngừng lắc đầu. Hai mắt chị ta tròn xoe.
Mary cũng đã hết cái để nói. Cô không biết Brébeuf đã nói những gì. Im lặng dâng lên quanh cô; và ngay khi cô nghĩ cô sẽ chìm và mất dạng, cô nghe một ai đó huýt sáo ngoài hành lang bên ngoài – và luyến láy những nốt nhạc như một con chim, như cả một đàn chim.
“Hãy chỉnh đốn lại cuộc đời các người”, Mary nói. “Các người đã lừa dối bản thân bằng sự kiêu ngạo của trái tim và sức mạnh của cơ bắp. Mặc dù các người có thể bay cao như đại bàng, mặc dù tổ của các người được làm trên các vì sao nhưng ta sẽ hạ gục các người, Chúa nói. Đừng thần phục quyền lực, hãy thần phục tình yêu. Hãy tử tế. Hãy công bằng. Hãy khiêm cung”.
Louise đang vẫy vẫy tay. “Mary!” chị ta gọi to.
Nhưng Mary vẫn còn nhiều thứ để nói, còn rất nhiều. Cô vẫy lại Louise rồi tắt máy trợ thính để khỏi bị sao nhãng.
Chuyện Chúng Ta Bắt Đầu Chuyện Chúng Ta Bắt Đầu - Tobias Wolff Chuyện Chúng Ta Bắt Đầu