Số lần đọc/download: 17398 / 735
Cập nhật: 2016-04-09 07:24:04 +0700
Lời Bạt
S
ống bên Bôn, người chồng bất đắc dĩ, Miên - nhân vật trung tâm của tiểu thuyết Chốn vắng - "chìm đắm trong cõi riêng" của mình. Miên có chốn để "tự tại, an trú" ngay trong lòng mình, từ đó "đôi mắt chị phóng thắng vào khoảng trời riêng". Đức hạnh của Miên được "an trú" ngay trong lòng mình nên trở thành tự tĩnh bản ngã, bản thể, thường khi quá nhập tâm đến trở thành vô thức. Tác giả đặc biệt nhấn mạnh những nét bền vững trong đức hạnh của Miên: "bản tính trinh nữ trường cừu", "những nét quý phái bẩm sinh"... Với đức hạnh tự tính những quyết định đạo đức được quyết bằng cái đầu của mình (chứ không phải do tuân theo người khác), nên đã quyết là hành động, đã hành động là hành động đến cùng, không giao động, ngả nghiêng. Trong tiểu thuyết, dư luận và đàm tiếu của xóm làng có sức ép ghê gớm. Miên đang sống yên vui vơi Hoan thì Bôn trở về. Cuối cùng thì Miên xách hòm trở về với Bôn, không phải vì sợ dư luận. Mà vì nghĩa. Miên là một người có nghĩa. Ở mặt này nhân vật Miên khác hẳn nhân vật Loan và những cô gái mới khác trong Tự lực văn đoàn. Cũng như mọi đức hạnh khác, nghĩa của Miên có gốc rễ bền vững. Điều này càng rõ về sau, khi thấy Bôn đau ốm và cô đơn. Miên đưa anh về nhà của mình tận tình chăm sóc, mặc dù trong công luận không hề có sự đòi hỏi này, hơn nữa, hành vi này của Miên có nguy cơ gây sự nghi ngờ ở Hoan, làm tan vỡ hạnh phúc đương chắp nối giữa hai người. Miên đã làm hết sức mình để trọn nghĩa, nhưng không phải vì vậy mà có sự chiếu cố về tình. Tuyệt đối không một sự chiếu cố nào. Chung chăn chung gối với Bôn, Miên lúc nào cũng "nằm bất động như khúc gỗ" và về sau này, Bôn được đối đãi tử tế nhưng cấm chỉ không dược bén mảng đến buồng của Miên. Trong hoàn cảnh nào thì Miên vẫn cứ là bản thân mình.
Miên trước hết trung thành với bản thân mình. trong đạo đức cổ truyền, bất trung chủ yếu được hiểu là bất trung với vua. Nhưng chính Mạnh tử đã từng hiểu bất trung với một nghĩa hoàn toàn khác: bất trung còn có nghĩa là "không trung thành" với chính mình. Cũng "nhân" đấy, "lể" đấy nhưng mình bất trung với chính mình, tức là không chân thành thì làm sao cảm hóa được người khác. (xem Mạnh tử, chương VIII, A, 28). Tội "bất trung với vua" có khi không nặng bằng "bất trung với chính mình".
Bôn thuộc một mẫu người tương phản với mẫu người của Miên. Chẳng những anh không có nơi "tự tại", "an trú" trong lòng của mình, anh còn là "kẻ ăn nhờ ở đậu ngay trong nhà của mình". Càng ngày anh càng thấm thía trạng thái côi cút. Anh nguyền rủa thảm trạng côi cút bằng những lời hằn học: "cái từ ngữ ác độc này còn dữ hơn hổ báo, độc hơn rắn rết, làm tâm hồn con người tàn lụi, tan mủn nhanh hơn hết thảy các chất cường toan...". Nguy cơ khốn đốn nhất của thân phận Bôn là bị hút vào "chốn vắng", bì rơi tõm vào "cõi không người". Có một sức mạnh huyền bí đã níu giữ Bôn lại: đó là tình đồng đội, đó là hình ảnh người tiểu đội trưởng "sống khôn chết thiêng", "gương mặt gần nhất với anh, thuộc về anh, cùng anh...", đó là Tân, Kha, Thanh, Trấn, Tương, Phiên, Trà... những tên đồng đội anh thất thanh gào lên trong cơn nguy kịch... Tình đồng đội là một trong những di sản thiêng liêng nhất mà cuộc chiếc tranh khốc liệt nhất ở Việt Nam trong thế kỷ vừa qua để lại cho nền văn hóa Việt Nam.
Hoàng Ngọc Hiến