A good book is always on tap; it may be decanted and drunk a hundred times, and it is still there for further imbibement.

Holbrook Jackson

 
 
 
 
 
Tác giả: Ma Văn Kháng
Thể loại: Tuổi Học Trò
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 42
Phí download: 6 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 178 / 17
Cập nhật: 2020-06-05 02:27:21 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 2
àng Nhớn ở trên một quả đồi khum khum hình mu rùa cạnh một con suối rộng. Đứng bên này suối nhìn sang, thấy làng Nhớn nhà chen nhà xúm xít như ổ nấm sau cơn mưa. Nhà ở đây xếp lớp từng bậc, từng bậc, từ ven suối lên cao dần, tới tận đỉnh đồi. Dọc ngang khắp làng là đường nét kẻ thẳng của những máng nước làm bằng vầu[14] hoặc thân cọ bổ đôi. Đây đó lạch tạch một âm điệu đều đều buồn ngủ tiếng giọt nước rơi trên những thùng nước phủ đầy rêu xanh.
Sự sống của làng Nhớn dồn xuống cả phía bờ suối rìa làng. Con suối chảy tới đây bị cái phai đá[15] chặn lại, uốn mình dồn nước về một bên bờ, tạo thành một dòng nước xiết, chuyển động cả chục chiếc cánh quạt cối nước. Tiếng chầy cối rơi xuống cối gạo chìm trong tiếng nước xối. Hòa với mùi mật mát ngọt của quả vả[16] chín đỏ sậm, trĩu trịt trên những gốc vả già mọc sát mép nước, hương gạo mới càng về chiều càng ngào ngạt thơm.
Sáu giờ chiều, chiếc trống cái ở nhà tổng đoàn Ngao điểm một hồi ba tiếng báo giờ tuần đêm. Mặt suối ngả dần sang màu thạch đen. Trời tối dần. Cảnh vật chìm dần vào bóng đêm thì tiếng động phát ra từ hai cái cối ngàn của nhà ông tổng đoàn và nhà ông lí trưởng nghe càng rõ. Chúng ầm ầm, ào ào, ồng ộc như tiếng con thú dữ đói khát, sổ lồng.
Đặt gánh gạo dưới sàn, bước lên nhà, không thấy mẹ đâu, Va nghĩ, có lẽ mẹ sang nhà anh Cắm, chị liền xuống thang, xúc mấy bò gạo vào cái túi nhỏ, rồi đi. Trời nhá nhem tối. Nhà anh Cắm cách nhà Va một vườn nhót, đang hoe hoe ánh đèn.
- Anh Cắm! Không ngồi yên một chỗ được một ngày à!
Trên nhà rõ là có tiếng chị Yên, vợ anh Cắm cằn nhằn rồi tiếp theo là tiếng một người đàn ông khàn khàn:
- Định lên làng Dao U Sung lấy ít mây về bán, nhân thể đi săn với mấy anh em trên đó. Mấy cây cột nhà xem chừng đã có mọt, lên xem trên ấy có gỗ tốt không, lấy mấy cây về sửa soạn mà thay là vừa đấy!
Đúng tiếng anh Cắm rồi, tuy có hơi là lạ. Va nhảy lên thang, chưa kịp reo, người đàn ông đứng sau ngọn đèn treo đã ló ra:
- Cô Va!
- Húi, anh Cắm, anh đã về rồi! Thế mà chị Yên không bảo em.
- Anh mới về, chị muốn để anh nghỉ ngơi ít hôm, cô à.
Đặt túi gạo vào chân cái cột, Va bước lại cạnh bếp. Trong ánh đèn mỡ trâu khen khét vàng ệch mới thắp, Va đã nhìn rõ gương mặt anh. Cái trán cao, cái cằm nhọn, cái miệng hơi móm. Hai con mắt sáng trong hốc mắt sâu thẳm. Cắm là anh họ Va. Anh là con người ngay thẳng, có ý chí, tốt bụng, được cả làng quý mến. Anh bị bọn mật thám bắt ngay khi chúng trở lại chiếm đóng Lào Cai. Khảo tra, đánh đập, lao động khổ sai, hành hạ anh đủ kiếu, suốt ba tháng trời không tìm được bằng cớ gì chứng tỏ anh là người của Việt Minh được cài cắm lại, chúng đành phải thả anh về làng.
- Dả, anh đi lâu quá nhỉ? - Cắm nhìn em gái, nheo mắt, hóm hỉnh. - Cứ tưởng em ở nhà đã “dựng nhà mới” không cho anh ăn cỗ.
- Ứ! Em ấy à. Còn lâu lắm anh à.
Cắm cười nhóm nhém:
- Bà vừa sang đây, đã cho anh trứng, giờ em anh lại cho anh gạo. Bà nói em đi xát gạo ở cối ngàn. Cái cần cối của nhà hỏng rồi nhỉ? Hôm nay anh đi rừng sẽ tìm cây chò chỉ[17] về làm lại cái khác cho nhé.
Hai anh em mới nói được từng ấy câu, cầu thang đã lịch bịch tiếng chân người và tiếng gọi ơi ới. Thì ra người này rỉ tai người kia, chả mấy lúc mọi người trong làng đều biết Cắm mới về, và bây giờ kéo tới thăm. Cắm đứng dậy, kêu to:
- Húi! Lại cả các cụ bên làng Thác. Cả bác Yểng nữa. Đông quá!
Chị Yên đặt siêu nước lá ổi lên bếp. Khách bước vào nhà là sà xuống, vây quanh cái bếp đặt chìm giữa lòng sàn đang lom đom lửa.
Cắm trải chiếu, mời mãi mấy cụ già mới chịu ra ngồi. Các bà chẳng khách sáo, ngồi ngay xuống cạnh cái guồng quay chỉ, gần chị Yên, thì thào vào chuyện ngay. Người bảo: Thôi, được người về là mừng rồi, cháu à. Người nói: Người làm ra của chứ của làm sao được ra người. Rau cải bên nhà còn đầy vườn đấy, hái về anh ấy ăn cho đỡ háo, cô Yên à.
Cánh đàn ông chuyện trò có phần ồn ã hơn. Một ông trạc năm mươi ngồi xếp chân bằng tròn, bàn chân phải bị tật, lật ngửa, trông bèn bẹt, bóng như vết sẹo, nhấc chén nước lên lại đặt xuống, vẻ mặt nghiêm nghị:
- Cái đời này khổ quá rồi. Anh Cắm đi có biết hết chuyện ở nhà không? Hứ! Bổ nộp thóc gạo, lợn gà cho đồn Tây này. Lấy nước chạy cối ngàn độc quyền xay xát thóc gạo, không cho dân lấy nước làm ruộng này.
Một người trai trẻ mập mạp, vai xuôi, chíp chíp miệng:
- Mười tám tuổi rồi đây. Kiếm đâu được mấy đồng bạc đóng thuế thân bây giờ?
- Ây dà, nó không mở mương nước cho mình cấy lúa thì người cũng chẳng còn mà đóng thuế. Việc gì mà lo, Mòn?
- Em mời bác Yểng ạ! - Va nâng chén nước đến trước ông già có bàn chân bị tật.
Ông tên Yểng, đón chén nước, nhấp một hụm, chẹp chẹp môi:
- Hày! Nhưng mà tăm lại, khau lai, giã nhiều, trắng nhiều. Cứ như thế này trời càng chóng sáng thôi. Tôi nói thế này, các cụ, các cháu có tin không nhé. Tết năm nay có nhiều điểm lạ lắm. Cây nêu ta dựng để thọt còn[18] mọi năm phải ba ngày Tết qua may ra mới có người tung quả còn[19] trúng vòng. Thế mà năm nay, thằng Sào nhà tôi tung quả đầu tiên trúng ngay. Có phải thế không, Sào?
Người trai trẻ mặt tròn chắc, da dẻ hồng hào, trạc hăm lăm, ngồi sau ông cụ Yểng cắn môi, khẽ gật đầu.
Cầu thang lại có tiếng chân người.
Cắm đứng dậy, reo:
- Húi! Anh Lẳng!
Một người đàn ông thấp bé, quắt đen, rất khó đoán tuổi, mặc chiếc áo cộc tay may bằng bao tải, bước vào. Đứng lại cạnh ngọn đèn, anh móc ở cạp quần, lấy ra một gói nhỏ, dúi vào tay Cắm:
- Anh về, tôi biết. Nhà lí Tăm nhận được giấy của tri châu Vi Văn Dẻn nói, mỗi tuần anh phải lên trình diện lí trưởng một lần, có phải không? Muốn đi thăm anh ngay, nhưng làm ăn tối mắt tối mũi. Anh cất chỗ mật gấu đi, khi nào chỗ nó đánh lại đau thì lấy ra ngâm rượu mà bóp.
- Dỏ! Ở đâu vấy?
- Vẩy, mèo ra cửa, chuột múa kì lân chứ ở đâu nữa.
Bấy giờ, Sào, con trai ông Yểng, mới bật cười, cất tiếng:
- Hay đấy! Bao giờ tới thời mèo bạt vía chạy xa thì chuột mới múa kì lân suốt ngày được. Anh Cắm à, anh ở ngoài tỉnh, chắc biết nhiều chuyện hay lắm nhỉ?
Sào chưa nói hết thì Lẳng đã vỗ bộp bộp vào ngực minh:
- Chuyện ấy phải hỏi tôi vở.
- A rồi nó[20], kể đi, Anh Lẳng!
- Khoan đã! - Miệng nói, tay cởi cái áo vải cống lì mặc ngoài, Sào khoác vào vai Lẳng. - Anh Lẳng, mặc vào!
- Không! Không!
- Anh chê áo tôi à?
- Không chê đâu. Tôi mà mặc áo vải thì lí Tăm sẽ vu ngay là tôi ăn cắp của nhà nó vớ.
- Cứ mặc vào. Ngay thẳng không sợ ai hết. - Mọi người cùng nói.
Cười khì khì, Lẳng gật đầu, tay chưa cài hết cúc áo đã liến thoắng. Ấy chà! Thì ra chuyện gì anh đầy tớ nhà lí Tăm cũng thông tỏ ngọn ngành mà lại lợi khẩu nữa mới hay chứ.
- A lúi! - Có tiếng người nào đó kêu to. - Cái quán Biên Cương ở đầu cầu sắt chứ gì?
- Phải! Lựu đạn quẳng trúng vào bàn tiệc! - Lẳng cao giọng khoái trá.
Cắm đưa mắt, thấy Sào đang lấy ngón tay vạch mấy nét lên mặt manh chiếu cũ:
- Cây cầu sắt ở đây. Cái quán tên là Biên Cương ở đây phải không? Năm 1946, giải phóng Lào Cai, đội sư tử của chúng tôi được ra múa mừng đặc phái viên của Bắc Bộ phủ[21] lên tiếp quản, tôi còn nhớ mà.
- Phải rồi! Chính hôm ấy xã mình cũng mít tinh làm lễ tế cờ đấy!
- A! Còn bầu cử nữa chứ, quên à?
- Quên thế nào được! Anh Cắm thắt dây lưng hồng đánh một hồi trống mở đầu. Có đúng không?
- Đúng rồi! - Mọi người cùng đáp.
Và Cắm như vừa nhấp chén rượu đầu, người bỗng chếnh choáng, nôn nao rất lạ. Chao, những ngày đầu cách mạng, những âm thanh, dáng điệu, hình nét của cuộc sống ấy đã từng in dấu trong kí ức anh, giờ đây lại trở về xôn xao, xôn xao trong tâm trí anh. Tất cả đều còn tươi nguyên sự sống. Còn sống động mãi trong anh ngay cả khi anh nằm trong ngục tù giữa cái thị xã tỉnh lị rầm rập lính Tây, ngày đêm ầm ào tiếng chiến sa, máy bay giặc. Không! Những gì đã có thì không bao giờ có thể mất đi đâu hết!
Đám người ngồi ở chiếu đã bớt ồn ào khi Lẳng nói đã khuya, sợ lí Tăm nghi kị, xin cáo từ ra về. Ông Yểng vươn vai, đôi cánh tay to lớn giơ mãi lên đầu rồi đột ngột giáng xuống:
- Hây dà, nước cấy vụ này còn chưa có đấy. Anh Cắm này, có cách nào không? Thằng Tiển nhà tôi chẳng hiểu nó đi những đâu mà biết tổng đoàn Ngao ngày nào cũng sùng sục đi săn lùng người lạ. Nó còn kể cho tôi nghe Tây đồn nói những gì với tổng đoàn Ngao rồi tổng đoàn Ngao bắt buộc các ông binh thầu thế nào.
- Trẻ con bây giờ nó tinh lắm. - Một người nói chen vào. - Mấy hôm nay tôi thấy thằng Tiển cứ tha thẩn chơi ở khu rừng Khuổi Pất sau làng Nhớn đấy.
Ông Yểng cau trán:
- Trời còn tối mãi thế này không, anh Cắm?
- Thì cụ vừa nói năm nay có điềm lạ đó thôi! - Một người nào đó nhắc.
Cắm bặm mồi, chớp chớp mắt, dè dặt:
- Cũng chưa rõ thế nào. Nhưng tôi chắc Cụ Hồ không quên ai đâu. Đâu có khổ là có người của Cụ tới mà.
- Anh cán bộ hồi 1946 ở xã ta là người của Cụ đấy các ông ạ.
Ông Yểng nói. Mấy người đàn ông ngồi trên manh chiếu cũ thốt nhiên cùng im tiếng.
Từ dưới nhà, Yên bước nặng nhọc lên thang, chị đặt cái bắng nước vào góc bếp, mặt tối sẩm, bực bội:
- Anh Cắm ra xem cái máng nước thế nào đi!
- Thế nào?
- Nước không chảy về chứ sao nữa.
- Hôm qua chữa rồi cơ mà?
Ông Yểng hơi nhổm dậy:
- Hay là có con cầy con cáo nào đi qua chạm phải, máng chệch nguồn nước?
Cắm đứng dậy, lòng tự nhiên bồi hồi rất lạ. Chả lẽ có con cầy con cáo thật? Buộc bao dao vào lưng, Cắm quay lại đám khách:
- Các cụ, các anh chị em ngồi chơi nhé. Tôi lên đồi xem cái máng thế nào một tí rồi về ngay thôi.
Rồi khấp khởi bước xuống thang.
Chim Én Liệng Trời Cao Chim Én Liệng Trời Cao - Ma Văn Kháng Chim Én Liệng Trời Cao