Nguyên tác: The Family
Số lần đọc/download: 724 / 148
Cập nhật: 2020-01-25 21:22:35 +0700
Phần Một - Chương 1
N
hững tia nắng hạ vàng tươi sưởi ấm các con đường đá cuội của Rome trong lúc hồng y Rodrigo Borgia rảo bước từ Vatican đến căn nhà trát vữa ba tầng trên quảng trường Merlo, nơi ông sẽ đến đòi ba đứa con ruột thịt của mình: hai cậu trai Cesare, Juan và cô con gái Lucrezia. Vào ngày may mắn đó, người phó chưởng ấn của Giáo hoàng - nhân vật quyền lực thứ nhì trong Giáo hội Công giáo La Mã - cảm thấy mình được tràn ngập ơn phước.
Tại căn nhà của Vanozza Cattanei, mẹ bọn trẻ, ông vui vẻ huýt sáo. Là người con của Giáo hội ông bị cấm kết hôn, nhưng với tư cách là người phụng sự Chúa ông tin chắc rằng mình biết kế hoạch của Chúa Lòng Lành. Bởi Cha Trên Trời Cao đã chẳng tạo ra Eve để bổ sung cho Adam, ngay cả ở nơi Thiên Đàng đấy sao? Thế thì nơi mặt đất đầy phản trắc này với đầy những bất hạnh, người đàn ông lại chẳng càng cần đến sự an ủi của người đàn bà hay sao? Ông từng có ba đứa con khi hãy còn là một giám mục trẻ nhưng ba đứa con mà ông có sau này với Vanozza chiếm một vị trí đặc biệt trong trái tim ông. Dường như chúng thắp lên trong ông niềm đam mê tha thiết giống hệt mẹ chúng ngày nào. Và ngay cả giờ đây, tuy chúng hãy còn nhỏ dại, ông đã hình dung chúng đứng trên vai ông, tạo thành một người khổng lồ kì vĩ, trợ giúp ông thống nhất các lãnh thổ thuộc giáo triều và mở mang Giáo hội Công giáo La Mã vươn xa khắp thế giới.
Nhiều năm qua, bất kì khi nào ông đến thăm, bọn trẻ vẫn luôn gọi ông là Papa, chúng không thấy có chuyện gì “lấn cấn” giữa việc ông yêu thương, chăm lo cho chúng và việc ông trung thành với giáo triều. Chúng chẳng thấy có gì kì lạ về chuyện ông vừa là hồng y vừa là cha chúng. Bởi chính con trai và con gái của Giáo hoàng Innocent chẳng thường diễu hành qua các đường phố La Mã với nghi thức trọng thể trong những dịp lễ hội đấy sao?
Hồng y Rodrigo Borgia đã ăn ở với người tình Vanozza hơn mười năm rồi, và ông mỉm cười khi nghĩ rằng rất hiếm người phụ nữ nào từng mang lại cho ông niềm hào hứng phấn khích đến thế và khiến ông quan tâm lâu đến vậy. Không phải vì Vanozza là người phụ nữ duy nhất trong đời ông, bởi ông là một người chẳng kiêng kị món gì trong mọi lạc thú ở đời. Mà vì bà là người quan trọng nhất: trong mắt ông, bà vừa xinh đẹp lại vừa cực kì thông minh, là người mà ông có thể cùng đàm đạo đủ mọi chuyện từ cõi thượng giới đến chốn phàm trần. Bà vẫn thường cho ông lời tư vấn khôn ngoan, và đáp lại, ông là một người tình rộng lượng và một người cha rất mực cưng chiều con cái.
o O o
Vanozza đứng ở ngưỡng cửa và mỉm cười tỏ vẻ điềm nhiên trong lúc vẫy tay chào tạm biệt ba đứa con của bà.
Giờ đây, một trong những ưu điểm lớn nhất khi bước qua tuổi tứ tuần chính là việc bà hiểu rõ con người mang bộ hồng y kia. Bà biết ông ta có tham vọng cháy bỏng, một ngọn lửa nhiệt tình luôn hừng hực trong lòng không bao giờ tắt. Ông cũng có chiến lược quân sự nhằm giúp cho Giáo hội Công giáo La Mã mở rộng thế lực, những liên minh chính trị nhằm tăng cường sức mạnh và những minh ước sẽ củng cố địa vị và quyền lực của ông. Ông đã nói với bà về tất cả những chuyện ấy. Ý tưởng cứ thế dồn dập tràn qua tâm trí ông, tựa như viễn cảnh các đạo quân do ông chỉ huy rầm rập tiến bước qua những vùng đất mới. Ông có số mệnh trở thành một trong những nhà lãnh đạo xuất sắc nhất của nhân loại và sự nghiệp của ông thăng tiến thì con cái bà đương nhiên cũng sẽ được thừa hưởng thành quả. Vanozza cố tự an ủi khi biết chắc rằng sẽ có một ngày, với tư cách là những người thừa kế hợp pháp của hồng y, con cái bà sẽ có đủ giàu sang, quyền lực và cơ hội thăng tiến. Thế nên bà mới bằng lòng cho chúng ra đi.
Giờ đây bà ôm chặt đứa con hãy còn quá bé bỏng, Jofre, đứa duy nhất còn lại với bà - còn quá thơ dại để bứt ra khỏi mẹ bởi bé vẫn còn đeo vú mẹ. Tuy thế rồi đến lượt nó, chẳng bao lâu nữa đâu, cũng sẽ phải rời xa bà. Đôi mắt nhung huyền của bà lấp lánh những giọt lệ khi bà trông theo những đứa con kia đang lìa xa. Chỉ mỗi Lucrezia một lần quay nhìn lại, còn hai đứa con trai chẳng một lần ngoái đầu.
Vanozza dõi theo hình bóng vị hồng y đang vươn tay nắm lấy bàn tay nhỏ bé của cậu con nhỏ Juan và bàn tay tí xíu của cô con gái mới ba tuổi, Lucrezia. Anh con cả, Cesare, bị cha bỏ lơ, lộ vẻ bối rối. Chuyện này hơi phiền đấy, nhưng rồi với thời gian Rodrigo sẽ hiểu con cái như bà đã hiểu thôi. Ngập ngừng, bà khép lại cánh cửa gỗ nặng nề trước nhà.
Mới đi mấy bước, Cesare, do giận lẫy, đẩy cậu em mạnh đến nỗi Juan tuột khỏi tay cha, lảo đảo và suýt ngã xuống đất. Hồng y kịp đỡ lấy cậu, rồi quay người lại và nói, “Này Cesare, sao con không nói cho cha biết con muốn gì, thay vì xô đẩy em như thế?”
Juan, kém anh một tuổi nhưng vóc người mảnh khảnh hơn nhiều so với Cesare bảy tuổi, cười khẩy với vẻ hãnh diện vì được cha bênh. Nhưng cu cậu còn chưa kịp thỏa thuê tự mãn, Cesare đã sấn đến và giẫm lên chân cậu một cú thật mạnh.
Juan đau quá, khóc ré lên.
Hồng y dùng bàn tay vạm vỡ của mình túm lấy lưng áo Cesare, nhấc bổng cậu lên khỏi mặt đường rải sỏi, và lắc mạnh đến nỗi mấy lọn tóc xoăn màu nâu đỏ rũ lòa xòa xuống mặt. Sau đó ông đặt cậu đứng xuống. Quỳ gối trước cậu con nhỏ, ánh mắt màu nâu của ông dịu lại. Ông hỏi, “Có chuyện gì vậy, Cesare? Chuyện gì làm con bất mãn đến thế?”
Ánh mắt cậu cả tối sầm lại và sắc nhọn hơn, rực lên như than hồng khi cậu trừng trừng nhìn cha. “Con ghét nó, Papa à,” cậu nói bằng giọng vô cảm. “Lúc nào Papa cũng bênh nó…”
“Này, này, Cesare,” hồng y nói, giọng đã trở lại vui vẻ. “Sức mạnh của một gia đình, cũng giống như sức mạnh của một đội quân, nằm ở lòng trung thành, gắn bó với nhau. Vả chăng, thù ghét chính anh em ruột thịt của mình là một trọng tội, và không có lí do gì để tự làm nguy hại đến linh hồn bất tử của con vì những cảm xúc sai lầm đó.” Giờ đây ông đứng thẳng người lên, cao vượt hơn hẳn chúng. Rồi ông mỉm cười trong lúc vỗ vào cái bụng đẫy đà của mình. “Chắc chắn là cha có đủ cho tất cả các con, đúng không nào?”
Rodrigo Borgia vốn người miền núi, vóc người cân đối, đẹp trai theo kiểu hơi thô ráp võ biền chứ không phải vẻ quý phái văn nhã. Đôi mắt sẫm màu của ông thường ánh lên vẻ tươi vui; mũi ông dù hơi to nhưng nhìn không thô; và đôi môi đầy nhục cảm thường tươi cười, tạo cho ông dáng dấp của một người độ lượng. Nhưng chính cái từ lực rất riêng của ông, cái khí lực vô hình tỏa ra từ con người ông, khiến cho mọi người nhất trí rằng ông là một trong những người đàn ông lôi cuốn nhất của thời đại mình.
“Chez, anh qua chỗ của em này,” cô con gái bấy giờ nói với Cesare, bằng một giọng trong trẻo đến nỗi khiến hồng y quay sang nhìn cô bé với vẻ thích thú. Lucrezia đứng thẳng người, hai cánh tay khoanh lại phía trước, những lọn tóc dài màu vàng xõa xuống đôi bờ vai, gương mặt thiên thần ánh lên vẻ cương quyết.
“Con gái yêu không muốn nắm tay cha sao?” Hồng y hỏi cô bé, vừa làm bộ bĩu môi.
“Không được nắm tay cha con cũng không khóc đâu,” cô bé nói. “Và chuyện đó cũng không làm con hờn giận.”
“Crezia,” Cesare âu yếm nói, “đừng có cứng đầu như thế. Juan còn bé lắm, chỉ biết cho phần nó thôi.” Cậu cả trừng mắt nhìn em trai vẻ coi thường, cậu thứ liền lau nước mắt vào cánh tay áo lụa mềm.
Hồng y dịu dàng vuốt mớ tóc đen của Juan và dỗ dành cậu. “Đừng khóc nữa. Con hãy nắm tay cha này.” Ông quay sang Cesare và nói, “Này, chàng chiến binh nhỏ, con có thể nắm tay kia của cha.” Sau đó ông nhìn Lucrezia và toét miệng cười với cô. “Còn cô này, con gái yêu của cha thì sao? Papa sẽ làm gì với con nhỉ?”
Cô bé vẫn tỏ vẻ bình thản, sắc mặt không đổi nên hồng y rất thích chí. Ông mỉm cười tỏ ý khen ngợi. “Thế mới đúng là con gái của cha chứ! Và để thưởng cho sự hào hiệp và dũng cảm của con, cha đặt con vào chỗ ngồi danh dự nhé?”
Rodrigo Borgia cúi thật thấp người xuống và nhấc bổng cô bé đặt lên vai ông. Rồi ông phá lên cười sảng khoái. Giờ đây, khi ông bước đi, trang phục thanh lịch lả lướt buông, cô bé trông giống như một vương miện khác, mới và thật đẹp trên đầu ngài hồng y.
o O o
Cùng ngày đó, Rodrigo Borgia chuyển các con mình về lâu đài Orsini, đối diện lâu đài riêng của ông ở Vatican. Bà em họ góa chồng của ông, Adriana Orsini, vừa chăm sóc vừa dạy dỗ chúng. Khi cậu con trai của Adriana, Orso, mới mười ba tuổi, đính hôn với Julia Farnese, mười lăm tuổi, cô gái này chuyển vào ở trong lâu đài để giúp Adriana chăm sóc mấy đứa bé.
Mặc dù hồng y chu toàn trách nhiệm hằng ngày đối với các con, nhưng chúng vẫn thường về thăm mẹ, giờ đây đã gả cho người chồng thứ ba, Carlo Canale. Vì ông biết rằng một quả phụ phải có một tấm chồng để che chở, giúp giữ gìn thanh danh cho một gia đình nền nếp, nên cũng giống như hai lần chọn chồng trước cho Vanozza, lần này ông chọn Canale. Hồng y đã đối xử tốt với bà, và những gì bà không nhận được từ ông thì bà lại được hưởng từ hai đời chồng trước. Không giống như những nàng kĩ nữ của giới quý tộc tuy đẹp nhưng đầu óc trống rỗng, Vanozza là một người đàn bà có đầu óc thực tế mà Rodrigo đem lòng ngưỡng mộ. Bà sở hữu nhiều hàng quán khang trang, và một thái ấp đem lại cho bà khoản thu nhập thường niên đáng kể. Là một phụ nữ mộ đạo, bà đã cho xây một nhà nguyện phụng hiến Đức Mẹ, ở đó bà đều đặn đọc kinh hằng ngày.
Tuy nhiên, sau mười năm dài thì lòng say mê lẫn nhau cũng nguội lạnh dần và họ trở thành những người bạn tốt.
Chỉ trong vòng mấy tuần lễ, Vanozza buộc phải để cho đứa bé nhất, Jofre, đến sống cùng với các anh chị nó, vì không có các anh chị thằng bé cứ quấy khóc không dỗ được. Và thế là cả bốn đứa con của Rodrigo Borgia lại chung sống với nhau dưới sự chăm sóc của bà cô góa chồng.
Mấy năm sau đó, để xứng với thân phận là con cái của một hồng y, chúng được những gia sư tài ba nhất ở thành Rome dạy dỗ, được học các môn như nhân văn học, thiên văn học, chiêm tinh học, lịch sử cổ đại, nhiều ngôn ngữ bao gồm tiếng Tây Ban Nha, tiếng Pháp, tiếng Anh và tất nhiên cả ngôn ngữ của nhà thờ, tiếng La-tinh. Cesare luôn vượt trội vì trí thông minh và bản chất thích ganh đua, nhưng chính Lucrezia lại tỏ ra nhiều triển vọng nhất vì trên hết, nàng có tính cách mạnh mẽ và đức hạnh thực sự.
Mặc dù nhiều thiếu nữ được gửi đến các tu viện để được giáo dục và hiến mình theo con đường thánh hạnh, nhưng Lucrezia - với sự cho phép của hồng y, theo lời khuyên của Adriana - lại hiến mình cho thi ca và cũng được những gia sư tài ba dạy dỗ như các anh em nàng. Vì yêu thích các môn nghệ thuật, nàng học chơi đàn lute, khiêu vũ và vẽ. Tài thêu thùa của nàng thật xuất chúng, đặc biệt trên những tấm vải bằng sợi vàng, sợi bạc.
Là nghĩa vụ, Lucrezia luôn bồi đắp vẻ duyên dáng và tài năng vốn sẽ làm tăng giá trị của nàng trong những cuộc hôn phối phục vụ cho quyền lợi của gia đình Borgia về sau này. Một trong những thú vui nàng thích nhất là làm thơ và nàng dành nhiều thời gian cho những vần thơ về tình yêu và lòng mến Chúa, cũng như thơ về tình yêu lãng mạn. Nàng có rất nhiều thi hứng từ các vị thánh, trái tim nàng thường ngập tràn xúc cảm không nói hết được bằng lời.
Julia Farnese cưng chiều Lucrezia như một cô em bé bỏng, cả Adriana và hồng y đều rất mực chiều chuộng Lucrezia, và như thế nàng trở thành một bé gái hạnh phúc tính tình cởi mở. Hiếu kì và dễ làm thân, nàng không thích sự bất hòa và luôn cố gắng để giữ cho gia đình hòa thuận, êm ấm.
o O o
Một ngày chủ nhật đẹp trời, sau khi đã cử hành Lễ Trọng ở Vương cung Giáo đường Thánh Peter, hồng y Borgia cho gọi các con đến gặp ông ở Vatican. Đây là một hành vi dũng cảm hiếm có, bởi cho đến thời Giáo hoàng Innocent, con cái của giới tăng lữ đều được tuyên bố là cháu trai hay cháu gái họ. Công khai thừa nhận quan hệ cha con có thể gây nguy hại cho việc bổ nhiệm vào các chức vụ cao trong Giáo hội. Tất nhiên là bàn dân thiên hạ đều biết rằng các vị hồng y và ngay cả đức Giáo hoàng cũng có con cái - ai cũng biết họ phạm lỗi xác thịt - nhưng miễn là chuyện đó còn được giấu dưới cái vỏ “gia đình” và sự thật về mối quan hệ chỉ được ghi trong những tấm giấy da dê bí mật, thì danh dự của nhà thờ vẫn không bị hoen ố. Mọi người cứ việc tin điều họ muốn, nhưng hồng y Borgia không mấy mặn mà với thói ngụy biện. Tất nhiên, vẫn có những lúc chính ông cũng bị buộc phải biến cải hay tô hồng sự thật. Chuyện này cũng dễ hiểu thôi, bởi dù sao ông cũng là một nhà ngoại giao mà.
Vào dịp đặc biệt này, Adriana diện cho các cô cậu những bộ trang phục đẹp nhất: Cesare mặc đồ xa-tanh đen còn Juan mặc đồ lụa trắng, Jofre được mặc thêm áo ngoài bằng nhung xanh thêu hoa văn sặc sỡ. Julia diện cho Lucrezia một chiếc áo dài hoa đào viền đăng-ten và cài một món nữ trang nhỏ nạm ngọc lên những lọn tóc vàng của cô bé.
o O o
Hồng y vừa đọc xong một tư liệu chính thức do viên cố vấn trưởng của ngài, Duarte Brandao, mang về từ Florence. Tư liệu nói về một tu sĩ dòng Đa-minh có tên là Savonarola. Thiên hạ đồn rằng ông ta là một ngôn sứ được Thánh Linh truyền linh hứng, nhưng người này cực kì nguy hiểm cho những mục tiêu của hồng y vì mọi thường dân của Florence đều đổ xô đến nghe những bài thuyết giáo của Savonarola và nhiệt tình hưởng ứng. Ông ta được dân chúng tôn là nhà tiên tri và là một nhà thuyết giáo có tài hùng biện mà những diễn ngôn nảy lửa thường tuôn tràn nộ khí chống lại thói hoang đàng xác thịt và tiền của nơi giáo triều ở Rome.
“Chúng ta phải theo dõi sát sao lão tu sĩ ngu ngốc này,” Rodrigo Borgia phán. “Vì bao triều đại hùng cường vẫn thường bị đổ nhào bởi những kẻ ngu dại tin rằng chúng nắm được chân lí thiêng liêng.”
Brandao người dong dỏng cao, tóc đen dài với những đường nét thanh tú. Ông ta có vẻ dịu dàng và dễ mến, thế nhưng ở Rome, thiên hạ vẫn đồn rằng khi vấp phải sự phản bội hay hỗn xược, cơn thịnh nộ của ông ta kinh khủng không gì sánh nổi. Mọi người nhất trí rằng chỉ có thằng điên mới cả gan làm kẻ thù của ông ta. Bấy giờ, Duarte vừa vuốt bộ ria bằng ngón trỏ vừa nghiền ngẫm những ẩn ý mà Rodrigo Borgia vừa nói với mình.
Duarte trình với hồng y, “Người ta bảo rằng lão tu sĩ này công kích cả nhà Medici từ giảng tòa và người dân xứ Florence reo hò tán thưởng lão.”
Khi mấy đứa bé đi vào phòng riêng của Rodrigo Borgia, cuộc đàm đạo tạm ngưng. Duarte Brandao mỉm cười chào bọn trẻ, rồi đứng qua một bên.
Lucrezia phấn khích sà vào vòng tay hồng y, trong khi hai cậu con trai đứng phía sau, tay chắp sau lưng. “Đến đây, các con,” Rodrigo nói, vẫn còn ôm cô con gái trong vòng tay. “Lại đây hôn Papa đi nào.” Ông vẫy tay cho chúng tiến về phía mình với một nụ cười ấm áp và chào đón.
Cesare đến chỗ cha trước. Rodrigo Borgia đặt Lucrezia xuống chiếc ghế đẩu nhỏ dát vàng kế bên chân ông, rồi ôm lấy con trai. Cậu là một bé trai khỏe mạnh, cao và rắn rỏi. Ông bố thích cảm giác tiếp xúc với đứa con trai này; nó khiến ông an tâm về tiền đồ của cậu. Rodrigo nới lỏng vòng ôm cậu con rồi duỗi tay, đẩy nhẹ cậu ra để ông có thể nhìn cậu. “Cesare,” ông trìu mến nói, “Hằng ngày ta vẫn thường đọc kinh tạ ơn Thánh Mẫu của chúng ta bởi con làm lòng ta tràn ngập niềm vui mỗi lần ta nhìn ngắm con.” Cesare mỉm cười sung sướng, hài lòng với lời tán dương của cha.
Sau đó Cesare xê dịch sang một bên để nhường chỗ cho Juan. Có thể là do nhịp tim đập nhanh của cậu con thứ khi áp vào ngực mình, có thể là hơi thở gấp gáp của cậu biểu lộ sự bối rối nhưng phần nào đó nơi Rodrigo cảm thông với sự yếu ớt của Juan. Và khi hồng y ôm đứa con này, ông siết nhẹ hơn nhưng giữ cậu lâu hơn.
Thông thường khi hồng y dùng bữa một mình trong phòng, ông ăn khá đạm bạc, chỉ có bánh mì, hoa quả, phô-mai. Nhưng vào ngày đó ông đã bảo những người hầu dọn lên bàn ăn một bữa thịnh soạn với đủ loại pasta cùng các món gà, vịt, bò, bánh kẹo và rất nhiều mứt hạt dẻ.
Nhìn thấy đám con mình, cùng với Adriana và cậu con trai Orso, cô nàng Julia Farnese xinh đẹp duyên dáng ngồi quanh bàn ăn cười nói vui vẻ, Rodrigo Borgia cảm thấy mình quả là một người may mắn. Với gia đình và bạn bè quây quần bên nhau, cuộc sống nơi trần gian cũng vui quá đấy chứ! Ông thầm đọc một bài kinh tạ ơn. Khi người hầu rót loại rượu đỏ tươi màu máu vào chiếc cốc bạc cho ông, lòng ông tràn ngập thiện ý. Và thế là ông âu yếm cho cậu con Juan, ngồi kế bên ông, được thưởng thức ngụm rượu đầu tiên.
Nhưng Juan vừa mới uống ngụm rượu đã nhăn mặt. “Đắng quá, Papa à,” cậu nói. “Con không muốn uống đâu.”
Rodrigo Borgia, lúc nào cũng cảnh giác, bỗng nhiên lạnh người vì sợ hãi. Đây là rượu ngọt mà, không thể nào có vị đắng…
Gần như tức thì thằng bé kêu buồn nôn và gập người vì những cơn đau quặn bụng. Cả hai người, ông bố và cô Adriana cố gắng trấn an cậu bé, nhưng chỉ một lát sau Juan bắt đầu nôn mửa dữ dội. Hồng y bế cậu lên khỏi chỗ ngồi, đưa vào một tiền sảnh và đặt cậu xuống chiếc đi-văng có nệm thêu kim tuyến.
Thầy thuốc ở Vatican được gọi đến ngay, nhưng ông ta chưa kịp vào phòng thì Juan đã bất tỉnh.
“Thuốc độc,” vị thầy thuốc tuyên bố sau khi khám cậu bé.
Juan trắng bệch như xác chết và đã lên cơn sốt giật, một dòng mật đen chảy ra khỏi môi. Trông cậu thật bé bỏng và vô vọng.
Lúc bấy giờ Rodrigo Borgia không còn giữ được tư thế uy nghiêm đạo mạo như thường thấy nữa. Ông giận dữ nói, “Một liều thuốc độc nhắm vào ta…”
Duarte Brandao, nãy giờ vẫn đứng cạnh bên, bèn rút kiếm ra, cảnh giác và theo dõi xem có âm mưu nào nữa nhằm làm hại hồng y và gia đình ngài hay không.
Hồng y quay sang Duarte ra lệnh, “Có kẻ thù bên trong lâu đài này. Tập họp mọi người nơi Sảnh Chính. Rót cho họ mỗi người một cốc rượu và nhấn mạnh rằng ai cũng phải uống. Sau đó dẫn kẻ nào không chịu uống đến cho ta.”
Adriana thì thầm đầy lo lắng, “Thưa đức ông, ngài giận là phải, nhưng làm như thế ngài sẽ mất những gia nhân thân tín nhất vì nhiều người sẽ ốm và có người sẽ chết…”
Rodrigo quay sang bà. “Ta sẽ không bắt chúng uống thứ rượu mà đứa con vô tội của ta vừa mới uống phải đâu. Chúng sẽ uống loại rượu bình thường thôi. Nhưng kẻ thủ ác sẽ từ chối uống vì nỗi sợ hãi sẽ làm hắn hoảng hốt trước khi nâng chiếc cốc lên môi.”
Duarte lập tức rời khỏi để thi hành lệnh của hồng y.
Juan nằm cứng đờ người như đá, nhợt nhạt như xác chết. Adriana, Julia và Lucrezia ngồi bên cạnh, lau trán cậu bằng khăn ướt và các loại dầu trị bệnh.
Hồng y Rodrigo Borgia cầm bàn tay nhỏ bé của con lên, hôn vào đó; rồi ông đi đến nhà nguyện riêng và quỳ trước tượng Thánh Mẫu để cầu nguyện. Ông trần tình với Đức Mẹ vì ông biết Người hiểu nỗi đau mất con lớn lao đến nhường nào. Và ông khấn nguyện, “Con sẽ làm mọi điều trong sức mình, mọi điều trong tầm tay con người để mang hàng vạn linh hồn về với Giáo hội chân chính duy nhất trên thế gian này, Giáo hội của Người, hỡi Đức Mẹ Thiêng Liêng. Con sẽ chăm lo sao cho chúng thờ phụng con của Người, nếu phải chi Người giành lại mạng sống cho con của con…”
Cậu cả Cesare đứng ở ô cửa nhà nguyện và khi hồng y quay lại, ông thấy cậu rơm rớm nước mắt. “Lại đây, Cesare. Lại đây, con của ta. Hãy cầu nguyện cho em con,” hồng y nói. Cesare đi đến quỳ xuống bên cạnh cha.
o O o
Quay trở lại phòng của hồng y, mọi người ngồi trong yên lặng cho đến khi Duarte quay về và thông báo, “Đã tìm ra thủ phạm. Nó là thằng nhỏ phụ bếp trước kia phục dịch cho nhà Rimini.”
Rimini là một lãnh địa nhỏ trên bờ biển phía đông đất Ý, dưới quyền cai trị của công tước Gaspare Malatesta vốn là một địch thủ đáng gờm của Rome và giáo triều, ông ta là một người khổng lồ với thân hình ngoại khổ bằng cả hai người, khuôn mặt thô ráp bị sẹo rỗ, nhưng chính cái đầu tóc đỏ rực và xoăn lên man dại mang lại cho ông ta cái biệt danh “Sư tử”.
Hồng y Borgia rời khỏi đứa con đang đau đớn và thì thầm với Duarte, “Hãy tra hỏi thằng nhỏ đó tại sao nó lại xúc phạm đức ông như thế. Rồi bắt nó uống chai rượu trên bàn chúng ta, uống cho kì hết.”
Duarte gật đầu. “Và đức ông muốn chúng tôi làm gì nó một khi rượu đã phát huy tác dụng?”
Hồng y, đôi mắt long lanh, mặt đỏ bừng, ra lệnh, “Trói nó thật chặt vào lưng lừa và tống đi cùng một thông điệp cho con Sư tử Rimini kia, bảo hắn hãy lo cầu nguyện và xin Chúa tha mọi tội lỗi của hắn đi.”
o O o
Juan nằm thiêm thiếp mê man như chìm trong giấc ngủ sâu suốt nhiều tuần lễ và hồng y kiên quyết để đứa bé ở trong cung điện của ông ở Vatican cho chính y sĩ riêng của mình chữa trị. Trong khi Adriana ngồi kế bên, còn các gia nhân lo chăm sóc cho nó, Rodrigo Borgia ngồi hàng giờ trong nhà nguyện để cầu xin Đức Mẹ. “Con sẽ mang về Giáo hội chân chính duy nhất hàng vạn linh hồn,” ông khấn hứa nhiệt thành, “nếu phải chi Mẹ cầu xin với Chúa Jesus tha cho mạng sống của con trai con.”
Khi những lời cầu xin của ông được đáp ứng, và Juan bình phục, hồng y càng tận tụy hơn với Giáo hội và với gia đình mình.
Nhưng Rodrigo Borgia biết rằng không thể thụ động phó thác sự an toàn của gia đình mình cho Chúa. Và ông hiểu cần phải thực hiện bước tiếp theo: phái người sang Tây Ban Nha để gọi Miguel Corello, còn được gọi là Don Michelotto, đến Rome.
o O o
Đứa cháu họ bặm trợn này của hồng y Rodrigo Borgia ngay từ nhỏ đã cảm nhận được vòng xoáy nghiệt ngã của số phận. Khi còn là một thiếu niên ở Valencia, cậu ta không hề ti tiện hay tàn ác chưa kể còn hay ra tay bảo vệ những con người mà lòng tốt khiến họ dễ bị tổn thương khi phải chạm trán với bản tính ưa bức hại của kẻ khác. Vì thường thì lòng tử tế lại bị nhầm lẫn là sự yêu đuối, nhu nhược.
Miguel ngay từ thời niên thiếu, đã chấp nhận định mệnh của mình: bảo vệ những ai mang ngọn đuốc của Chúa và của Giáo hội Công giáo La Mã đi soi sáng thế giới.
Nhưng Miguel là một chàng trai mạnh mẽ mà hành động và lòng trung thành đều đến mức cuồng bạo. Người ta kể rằng khi hãy còn là một thiếu niên cậu từng bị tên cướp hung bạo nhất trong làng tấn công lúc cậu đứng ra bảo vệ ngôi nhà của mẹ mình, vốn là chị của hồng y. Miguel lúc đó mới mười sáu tuổi, khi tên đầu đảng cướp cùng sáu, bảy tên lâu la xông vào nhà, cố giằng cậu ra khỏi cái hòm gỗ trong đó giấu những đồ thánh thiêng liêng quý giá của mẹ và những khăn áo của gia đình. Khi Miguel, vốn ít nói, chửi rủa bọn cướp và không chịu buông cái hòm, tên đầu đảng đã rạch mặt cậu bằng con dao nhọn, cắt từ khóe miệng lên đến hai gò má. Thấy máu chảy ròng ròng từ mặt cậu xuống ngực, mẹ cậu la hét kinh hoàng còn đứa em gái bật khóc nức nở - nhưng Miguel vẫn hiên ngang đứng yên.
Cuối cùng, hàng xóm chạy tới và bắt đầu la lên thì bọn cướp hoảng sợ, bỏ chạy khỏi làng để rút về hang ổ chúng trong rừng.
Vài ngày sau, khi đám cướp đó quay trở lại làng, chúng bị đánh trả quyết liệt và tên đầu đảng bị Miguel bắt được, còn hầu hết đều trốn thoát. Sáng ra, người ta thấy tên cướp bất hạnh kia bị buộc thừng quanh cổ, treo lủng lẳng trên một cành cây cao nơi sân làng.
Từ ngày đó trở đi, tiếng tăm dữ dằn của Miguel Corello lan truyền khắp xứ Valencia và không ai còn dám xúc phạm đến chàng ta hay bất kì ai trong gia đình hay bạn bè của chàng vì sợ đòn thù ghê gớm. Mặt chàng rồi cũng lành mặc dầu vết sẹo khiến miệng chàng luôn méo mó, nhưng ngoài ra chẳng bị tổn hại gì. Mặc dầu vết sẹo này, ở trên mặt bất kì ai cũng thành một hình ảnh đáng sợ nhưng tiếng tăm về lòng hào hiệp của Miguel và tia nhìn nhân từ toát ra từ đôi mắt nâu vàng khiến cho ai gặp chàng cũng nhận ra một tâm hồn lương thiện. Chính từ lúc đó mà dân làng bắt đầu mến mộ và gọi chàng bằng tôn hiệu Don Michelotto, và chàng nổi tiếng là một người đáng nể trọng.
Hồng y Rodrigo Borgia lập luận rằng trong mỗi gia đình phải có người đứng lên phía trước, trong vùng ánh sáng và rao giảng lời Chúa. Thế nhưng đằng sau nhân vật đó cần phải có những người khác chăm lo cho sự an toàn và bảo đảm thành công cho việc phụng sự thiêng liêng của người kia. Những người ngồi trên ngai của Giáo hội không thể tự bảo vệ mình khỏi cái xấu cái ác đến từ những kẻ khác mà không cần đến sự giúp đỡ từ một bàn tay trần tục, bởi bản chất của thế giới mà họ sống vốn là như thế.
Việc nhân vật trẻ tuổi Don Michelotto được triệu đến để đảm nhận vai trò kẻ trừng ác không làm bất kì ai ngạc nhiên bởi chàng ta là một mẫu người thượng đẳng. Tình yêu và lòng trung thành của chàng ta đối với Cha Trên Trời và Tông Tòa Thần Thánh chưa bao giờ bị nghi ngờ cho dầu bao nhiêu lời gièm pha vu khống về nhân cách của chàng do những kẻ thù xầm xì rỉ tai. Bởi Rodrigo Borgia tin chắc rằng Don Michelotto sẽ luôn luôn toàn tâm ý phục tùng ý chí của Cha Trên Trời và luôn nguyện hành động theo những mệnh lệnh của Giáo hội Đức Mẹ Thiêng Liêng.
Và giống như hồng y tin rằng những hành động của ông được dẫn dắt bởi ơn thiên khải, Don Michelotto tin rằng đôi tay chàng được dẫn dắt bởi cùng thiên lực đó và vì thế không có vấn đề tội lỗi. Bởi mỗi khi chàng làm tắt thở một kẻ thù của hồng y hay của Giáo hội thì chẳng phải chàng mang trả những linh hồn này về nhà mà chịu sự phán xét của Cha Trên Trời đấy sao?
Và thế là, không lâu sau khi Juan bình phục, Rodrigo Borgia, vốn sinh ra và lớn lên ở Valencia, biết rõ dòng máu chảy qua con tim anh chàng Tây Ban Nha này, đã gọi người cháu thân thiết của mình về Rome. Ý thức về những nguy cơ nơi đất khách quê người nên giờ đây ông phó thác sự an nguy của gia đình mình cho chàng trai Don Michelotto mới hai mươi mốt tuổi. Và trong thời gian những đứa con của hồng y lớn lên, hiếm khi nào chúng quay người nhìn quanh mà lại không thấy cái bóng của Don Michelotto bên cạnh.
Giờ đây bất kì khi nào hồng y ở Rome và những bổn phận của một phó chưởng ấn không buộc ông phải đi xa, hằng ngày ông đều đến thăm các con, nói chuyện và vui đùa với chúng, bên cạnh ông lúc nào cũng có Don Michelotto đi cùng. Và ngay khi có dịp, ông tranh thủ lánh khỏi cái nóng mùa hè gây ngầy ngật khó chịu của thành Rome, những con đường chật hẹp đông đúc, để mang con cái về chốn ẩn cư lộng lẫy của ông, một vùng quê trù phú xanh tươi.