Số lần đọc/download: 2776 / 53
Cập nhật: 2015-09-13 12:09:37 +0700
Chương 2
N
guyễn và dàn nhạc Hạ-uy-di của anh ta trở về Sài gòn. Tôi nằm lại Mỹ Tho... ăn xoài. Bà Hương Lan bảo, bây giờ đang mùa xoài. Bà khuyên tôi nên để chất ngọt của Mỹ Tho thấm vào máu mình nếu tôi đã thật lòng yêu Mỹ Tho. Và tôi ở lại. Không phải vì xoài mà vì tiếng lao xao của bước chân mình trên lối đi trải đá sỏi trong vườn biệt thự Hương Lan. Tôi quên mất con chim Quỳnh Hương. Con chim ấy mấy tháng trời thất nghiệp tôi đã mất công đan một cái lồng bẫy, kết thật nhỉều hoa, dụ dỗ nó. Nó sắp sửa bị sụp bẫy thì tôi buông trôi công lao của mình. Tôi gửi hồn tôi trong tiếng lạo xạo của đá sỏi.
Một tuần lễ ở Mỹ Tho, tôi bị quyến rũ vào cuộc sống đầy thơ, đầy mộng của người đàn bà sầu muộn. Tôi đã ra công viên bờ sông với bà Hương Lan từ chiều đến đêm khuya. Hoặc thuê một chiếc xuồng, cùng bà Hương Lan lênh đênh trên dòng Cửu Long, bơi vào sát những cù lao có cá sấu. Dòng sông thật hiền hoà ở mùa trăng đầu hạ. Tiếng chèo khua nước nghe vui tai. Tôi chợt nhớ hai câu ca dao lãng mạn tuyệt vời của miền Đồng Tháp Mười: "Trăng nằm dưới nước trong veo, Cầm chèo ta đập mấy chèo trăng tan". Trăng đang nằm trên mặt sông. Đẹp lạ lùng. Lý Bạch có nhảy xuống sông vồ trăng thì cũng chỉ ham vồ mảnh trăng đẹp như thế này thôi... Tôi đã năn nỉ bà Hương Lan dừng mái chèo.
Bà hỏi tôi:
- Thầy muốn làm thơ?
Tôi đáp:
- Không, thưa bác cháu muốn cầm chèo đập cho vỡ trăng.
Bà Hương Lan cười giòn giã. Tiếng cười vang vang trên mặt sông. Thuở nhỏ, tôi hay đứng ở bờ ao đình làng, cùng bọn trẻ con ném những mảnh ngói mảnh sành, gọi là ném thia lia. Những mảnh sành lướt trên mặt nước, đi xa rồi mới chìm nghỉm, Tiếng cười của bà Hương Lan giống những mảnh sành lướt trên mặt ao làng.
- Thầy không dám nhảy xuống sông bắt trăng?
- Cháu đâu phải là thi sĩ, lại chưa say rượu.
- Thầy muốn say không?
Chiếc xuồng nhỏ chỉ chở bà Hương Lan và tôi. Và bà Hương Lan đã bỏ chiếc bơi chèo vào giữa lòng xuồng. Tôi ngồi ở đầu xuồng, bà ngồi cuối. Chiếc xuồng không chịu đậu im. Nó xoay tròn và trôi từ từ theo chiều gió thổi.
- Ngày xưa Lưu Thần và Nguyễn Triệu đã bơi thuyền vào một đêm trăng để nhập thiên thai. Ước gì chiếc xuồng này là chiếc thuyền của Lưu Nguyễn. Thầy thích nhập thiên thai không?
Tôi đã đọc một truyện ngắn của Vũ Khắc Khoan. Và tôi nói:
- Nơi ấy không có tình yêu. Lưu Nguyễn đã thất vọng.
Bà Hương Lan lặng im một lúc thật lâu, bà hỏi tôi:
- Nơi nào mới có tình yêu?
Tôi khẽ nghiêng mình, lấy tay vốc một vốc nước. Chiếc xuồng tròng trành.
- Thưa bác, nơi nào đó, cháu chưa biết vì cháu chưa yêu ai. Nhưng cháu nghĩ nơi có tình yêu phải là cuộc đời.
- Tại sao thầy biết tình yêu chỉ có ở cuộc đời?
- Vì Lưu Thần và Nguyễn Triệu đã trở về trần thế. Hai ông ấy không tìm được tình yêu với những nàng tiên. Tiên nó chỉ biết múa hát và chẳng bao giờ biết tỏ tình. Đến như cỏ cây mà cũng không biết đổi thay cùng thời tiết thì chốn thiên thai, cháu tưởng chán quá đỗi. Nơi ấy ta nên dành cho mấy ông già chê bỏ tục lụy bay lên đánh cờ, uống rượu với "mùa đào ròng ngày tháng chưa tàn qua một lần".
Bà Hương Lan mỉm cười:
- Như vậy, mình không thèm nhập thiên thai của Lưu Nguyễn.
Tôi nói:
- Lưu Nguyễn làm gì có "thiên thai" thưa bác.
Bà Hương Lan chữa câu nói lại:
-... Thiên thai mà Lưu Nguyễn đã một lần đặt chân tới. Và đã thất vọng. Nhưng tại sao mỗi người không nhập thiên thai của riêng mình? Con ốc biển còn tự hào chứa cả đại dương trong lòng, tôi nghĩ, con người nên bắt chước con ốc, tự tìm cho mình một chốn thiên thai khác với thiên thai mà mọi người hằng mơ tưởng, thiên thai mà người sống chúc người chết sớm lên tới đó. Cái thứ thiên thai của người chết, thầy không ham cũng phải.
Tôi nhìn bà Hương Lan, suy nghĩ giây lát, rồi hỏi:
- Tới một tuổi nào thì người ta chôn luôn cả thiên thai của riêng mình, bác nhỉ?
Bà Hương Lan không trả lời câu hỏi của tôi. Bà khẽ hất đầu:
- Thầy nhìn trăng trên mặt sông đi!
Tôi làm theo lại bà Hương Lan.
- Tại một tuổi nào trăng không sáng? Có lẽ là tuổi... tận thế. Tản Đà đã một lần thắc mắc: "Trăng bao nhiêu tuổi trăng già, Núi bao nhiêu tuổi gọi là núi non!"
Bà Hương Lan đặt một bàn tay vào ngực mình:
- Tôi cho rằng tôi khi nào trái tim mình hết đập, mình mới chán mơ ước chốn thiên thai của riêng mình.
Bà khẽ thở dài, giọng nói buồn bã:
- Không có tuổi cho thiên thai, thầy cứ nhập thiên thai đi, đừng thèm biết thiên thai bao nhiêu tuổi.
Bà Hương Lan bơi xuồng trở về bến. Bảy ngày ở lại Mỹ Tho thì ba đêm ngồi trên ghế công viên hay dưới gốc dừa bên bờ sông Cửu Long ngắm trời mây cùng bà Hương Lan, ba đêm bơi thuyền lênh đênh trên mặt nước không gợn sóng, nói chuyện một thiên thai nào đó. Bà Hương Lan như muốn gợi ý văn cho tôi. Xoài Mỹ Tho ngọt vô cùng. Ngọt và thơm. Trong máu tôi đã đượm chất thơm ngọt ấy. Nhưng tôi vẫn phải rời Mỹ Tho. Mùa trăng hết rồi. Tôi thèm sống bình yên ở tỉnh lỵ song bây giờ chưa thể bình yên được. Với tôi, tỉnh lỵ là chiếc võng bắc ngang trên hai cành cây trong vườn - vườn nhà bà Hương Lan, chẳng hạn - tôi sẽ nằm trên chiếc võng đong đưa, hồi tưởng dĩ vãng sầu đau hay rực rỡ của đời mình. Hiện tại, tôi chưa có dĩ vãng tính từ ngày mình bước xuống cuộc đời. Tôi cần có dĩ vãng. Có dĩ vãng mới mở mắt mà hồi tưởng được khi nằm trên võng. Bằng không, tôi sẽ nằm trên võng như một ông già bệnh hoạn, chờ chết.
Buổi sáng hôm tôi giã từ Mỹ Tho, bà Hương Lan dậy thật sớm. Bà pha sẵn cho tôi và Điều hai ly cà phê. Dưới ánh điện tỉnh lỵ, bà Hương Lan ngồi nhìn từng giọt cà phê rớt xuống. Tôi xoay mình, ngắm bà qua tấm màn lan tiêu. Tự nhiên, tôi muốn giả vờ chưa thức giấc để xem bà Hương Lan sửa soạn cuộc chia ly. Tôi biết bà Hương Lan quý mến tôi. Bà không có người tâm sự. Bà cần tôi để tâm sự. Phải chi bà có đứa con trai bằng tuổi tôi? Tôi lại thấy tội nghiệp bà Hương Lan. Và tôi vụt ngồi dậy, tung màn, chui ra. Bà Hương Lan tưởng tôi sợ trễ chuyến tàu sớm. Bà nói:
- Còn sớm lắm, thầy Hoài.
Tôi ngượng ngùng, nỗi ngượng ngùng mà đáng lẽ mình chẳng nên ngượng ngùng:
- Thưa bác, cháu có cái tật hễ sắp đến nơi nào là nôn nao.
- Muốn rời bỏ ngay?
- Vâng.
- Sao vậy?
- Vì không nôn nao rời bỏ ngay, mình sẽ hết muốn rời bỏ.
Bà Hương Lan giục tôi:
- Thầy đi rửa mặt, đánh răng và sửa soạn hành lý rồi dùng điểm tâm.
Tôi răm rắp nghe lời Bà Hương Lan như một đứa con trai nghe lời mẹ. Tôi chợt có cảm tưởng mình sắp đi trọ học xa và mẹ tôi thì đang lo chuyến xa nhà đầu tiên của tôi. Điều vẫn ngủ vùi. Chắc ly cà phê thứ hai không phải của Điều. Và, chắc hơn, bà Hương Lan chưa hề nói chuyện với Điều về một cõi thiên thai của riêng mình như bà đã nói với tôi. Một lát sau, tôi đã ngồi đối diện bà Hương Lan. Bà đưa cho tôi một gói thuốc lá Capstan.
- Thầy nên tập hút thuốc lá.
- Vâng cháu sẽ tập.
- Và nhớ hút Capstan. Tôi yêu sự trình bày gói thuốc này. Người đàn ông hút thuốc lá trông đẹp lắm. Dù chưa từng trải cùng thấy mình từng trải.
- Cháu sẽ chỉ hút thuốc Capstan. Và hút khi nào cháu nhớ Mỹ Tho, nhớ vườn hoa của bác.
Tôi bóc gói thuốc. Vụng về quá đỗi. Lần đầu tiên tôi bóc một gói thuốc lá. Bà Hương Lan cười tủm tỉm. Bà bật diêm cho tôi châm điếu thuốc thứ nhất trong đời. Khói thuốc thật đắng trong miệng nhưng thơm vô cùng trong mũi tôi. Thuốc lá Capstan. Lạ ghê? Tại sao bà Hương Lan thích thuốc lá Capstan? Tôi nâng ly cà phê. Uống một ngụm. Bà Hương Lan nói:
- Chưa có đường.
Tôi đặt ly cả phê xuống bàn:
- Thưa bác, cháu thích uống cà phê đắng.
Bà khen tôi:
- Thầy mới khám phá ra một điều mới lạ, hả?
Tôi hít một hơi thuốc, cố gắng để khỏi bị sặc sụa:
- Thưa bác, cháu học được ở bác.
Bà Hương Lan cười gượng:
- À, thầy đổ lỗi cho tôi, phải không?
Tôi lại nâng ly cà phê lên, uống cạn một hơi:
- Cháu ơn bác chứ. Bác đã dạy cháu nhiều thứ. Cháu biết hút thuốc lá để nghĩ xa hơn điều mình muốn nghĩ. Và có lẽ cháu sẽ dám uống chất đắng cay của cuộc đời, đắng hơn cà phê đen không đường.
Bà Hương Lan nhìn tôi đăm đăm. Giây lát, bà nói:
- Mặt nước ao tù đang lặng im. Bỗng có kẻ ném viên đá xuống. Mặt nước gợn chút sóng, cau mày rồi lặng im. Như vậy, ao tù buồn thêm.
Tôi cảm động:
- Có ngày cháu sẽ xuống thăm bác.
Bà Hương Lan chớp mắt:
- Trong những ngày chờ đợi tôi sẽ cô độc lắm. Thầy Điều không thích nói chuyện trăng hoa. Thầy ấy chỉ thích uống rượu và ngủ vùi.
Tôi thương bà Hương Lan vô cùng. Nhưng tôi không thể sống ở Mỹ Tho. Tôi phải rời cái nơi êm ái này. Tuổi tôi cần uống nhiều cay đắng. Mà ở đây chỉ có chất ngọt của trái cây và tình người. Bà Hương Lan đã tiễn chân tôi ra tận nhà ga. Chưa bao giờ tôi thấy bản "Biệt ly" của Dzoãn Mẫn bi ai như bây giờ.
Giữa lúc tranh tối tranh sáng, tôi không nhìn rõ đôi mắt bà Hương Lan. Nhưng đôi mắt tôi đã ứa lệ. Con tầu nặng nề chuyển bánh. Bà Hương Lan không vẫy tay. Bà quay lưng đi vào bóng tối mờ ảo của buổi sớm tinh mơ tỉnh lỵ. Tôi ngồi ở góc vắng của xe lửa, nghĩ tới bài thơ của Hoàng Công Khanh diễn tả tâm sự tráng sĩ Lê Liêm trong "Bến Nước Ngũ Bồ":
"Thuở ấy lên đường có một thân
Đường sang Hời đôi ngả phân vân
Nàng mê Đát Kỷ xô hang Trụ
Ta mộng Kinh Kha diệt bạo Tần
Nửa nụ cười xuân muôn tráng sĩ
Ba nghìn tân khách một giai nhân
Thiếu bao đưa đón lòng không thiếu
Chỉ thiếu một người đi tiễn chân".
Đời tôi thiếu thốn rất nhiều nhưng đã không thiếu một người tiễn chân. Bà Hương Lan đã tiễn chân tôi. Con tầu già nua đưa tôi về Sàigòn, tôi xách hành lý tới bến xe đò cao nguyên. Tôi đi Ban Mê Thuột ngay. Anh em trên đó đã hẹn tôi lâu rồi. Tôi cứ mải mê những chuyện đâu đâu, hôm nay mới dứt khoát bỏ Sàigòn mà đi lập nghiệp. Tôi ở Ban Mê Thuột ngày nghe vượn hót nhớ con trong rừng sâu, đêm nghe hổ gầm, thác đổ thấy nhớ khu vườn của bà Hương Lan ghê gớm. Nhớ nhưng không muốn xuôi miền Hậu Giang. Tôi thèm khát có nhiều, thật nhiều kỷ niệm để, ngày nào đó, trong vườn hoa của bà Hương Lan, tôi kể cho bà nghe. Tôi chắc bà Hương Lan sẽ ngậm ngùi nếu như tôi đã múa vu vơ rời rã đôi tay, để có những kỷ niệm. Tôi bỗng trách mình là đã nói dối bà Hương Lan. Có bao giờ tôi nghĩ rằng mình sẽ trở thành nhà văn đâu. Sự đau khổ mà tôi muốn dấn thân vào không phải là con đường văn nghệ. Con đường ấy ai cùng có quyền, có thể bước vô. Song bước vô để làm thợ gặt hay để làm những kẻ đi mót những bông lúa lép, lúa thừa lại là chuyện khác. Tôi không thích làm kẻ đi mót lúa, kẻ đi hôi cá. Như nhà văn Hoàng Hải Thủy đã nghĩ, tôi nghĩ là tôi phải làm việc gì đó, việc gì cũng được, ngoài tôi ra, những người khác không làm được.
Với ý nghĩ ngông cuồng đó, trong hoàn cành thê lương này, giữa một hoàng hôn của tranh đấu, anh em tôi đã mơ thành người Lam Sơn, phá rãy làm nương để chống lại, một lúc, hai ba lực lượng đang chế ngự dân tộc và thế giới. Bằng tuổi tôi, ai cũng thích làm một việc khác những người khác. Những lại chóng chán. Chỉ một cái cớ vẩn vơ nào đó, người ta có thể chối bỏ công việc mình cho là lý tưởng. Cái cớ của tôi là người đàn bà sầu muộn ở tỉnh lỵ Mỹ Tho. Tôi đã thèm hương vị của thuốc lá Capstan. Nhìn khói thuốc, tôi nhớ Mỹ Tho, nhớ vườn hoa nhà bà Hương Lan, nhớ tiếng lạo xạo của đá sỏi và nhớ bà Hương Lan vô cùng. Ở rừng có nhiều trăng hơn. Tôi nằm trong vườn cam, nhìn ánh trăng xuyên qua lá cành không cảm thấy gì ngoài nỗi thương hoài. Bà Hương Lan đã suy từ tên tôi ra nỗi thương hoài ngàn năm. Tôi sinh ra đời, có lẽ, để hành động theo tình cảm hơn là theo lý trí. Và, một đêm tình cảm bật đèn xanh trong trái tim, tôi đã trỗi dậy xếp hành lý, sáng sớm hôm sau xuôi đồng bằng miền Nam. Giã từ chí lớn trong thiên hạ. "Chí lớn trong thiên hạ không vừa đôi mắt mỹ nhân" Tráng sĩ Phạm Thái đã bỏ công cuộc phục hưng Lê triều về câu cá uống rượu và thương hoài ngàn năm Trương Quỳnh Như. Bà Hương Lan không phải là mỹ nhân như mỹ nhân của Tiêu Sơn tráng sĩ. Nhưng bà đã làm cho tôi biết mộng mơ một cõi thiên thai của riêng mình.
Tôi về Sài gòn ngày thứ sáu thì chiều thứ bảy ra ga xe lửa mua vé Sàigòn - Mỹ Tho. Tôi đi chuyến tàu chót. Tự nhiên tôi thích giống Hàn Mạc Tử, phiêu bạt giang hồ chán chê rồi trở về gõ của nhà vào đêm trừ tịch, khiến thân mẫu vừa ngạc nhiên vừa mừng chảy nước mắt. Bà Hương Lan sẽ ngạc nhiên lắm. Ít ra, bà cũng ngạc nhiên vì tôi xuống thăm vườn hoa nhà bà vào lúc chín giờ tối. Tầu sẽ dừng ở ga Mỹ Tho trước chín giờ. Tôi ngồi trên toa xe, mong thời gian kéo dài ra. Ước gì nửa đêm tầu mới đến Mỹ Tho. Khi người ta mong thời gian đi chậm thì nó lại cứ đi nhanh vùn vụt như bóng câu qua cửa sổ.
Tôi tới Mỹ Tho đúng chín giờ. Tỉnh lỵ vẫn nguyên vẹn. Chưa có gì thay đổi. Tôi chỉ sợ có sự thay đổi ở biệt thự Hương Lan. Sự thay đổi ở lòng người chỉ cần một cái chớp mắt của thời gian. Bỗng dưng, tôi đâm ra ngài ngại. Chẳng biết bà Hương Lan còn đón tiếp tôi niềm nở không.
Tôi đứng trước cổng biệt thự ngần ngại ghê gớm. Biệt thự không có chó dữ. Tôi đẩy cổng bước vô. Cổng biệt thự Hương Lan không có then cài. Bước chân tôi lạo xạo trên lớp đá sỏi. Tôi chưa muốn vào nhà. Mà ngồi trên ghế đá suy nghĩ vẩn vơ. Mùi hoa ngọc lan thơm ngát. Tôi dựa lưng vô thành ghế. Một lát, có tiếng người nói:
- Thầy Điều lại uống rượu như tối qua, má à... Thầy đã về và đang ngồi ngoài vườn.
Tôi mỉm cười. Con gái của bà Hương Lan đây. Chắc chắn rồi. Bà Hương Lan theo con gái ra vườn. Tôi vội đừng dậy:
- Thưa bác, cháu đây, Hoài đây, không phải Điều đâu ạ!
Nhằm ngày cuối mùa trăng nên tôi đã không nhìn được rõ khuôn mặt bà Hương Lan. Tôi rút điếu thuốc, bật que diêm. Que diêm không đủ ánh sáng để soi rõ tình cảm của bà Hương Lan lúc đó. Bà Hương Lan chừng xúc động. Bà để tôi đứng ngơ ngẩn một lúc, mới lên tiếng:
- Thầy về thăm Mỹ Tho?
Bà giới thiệu tôi cô con gái:
- Đây là thầy Hoài, bạn của thầy Điều. Con cháu nhỏ tôi, Thùy Trang. Cháu được nghỉ lễ vài hôm về ở với má cho đỡ nhớ.
Chúng tôi cùng vào trong nhà. Ngọn đèn nê-ông đã bật sáng. Bà Hương Lan sai Trang đi pha trà. Sự bỡ ngỡ dần đã biến mất. Tôi có cảm tưởng như đứa con trai đi xa mới về. Bà Hương Lan hỏi tôi:
- Thầy Hoài nhớ Mỹ Tho?
- Vâng.
- Nhớ từ bao giờ?
- Từ hôm cháu hút điếu thuốc đầu tiên ở bên bờ suối Ban Mê Thuột.
- Thuốc Capstan chứ?
- Vâng.
Bà chép miệng:
- Thế mà đã hai tháng rồi. À, lên mãi núi rừng tìm sự đau khổ ư?
Tôi vuốt tóc, mai tóc nhiều bụi đường dài:
- Cháu lại thay đổi ý nghĩ, bác ạ.
- Sợ đau khổ?
- Vâng, cháu sợ đau khổ. Cháu chán rừng núi chán "mài gươm dưới nguyệt", chán trăng gió cao nguyên.
Bà Hương Lan nhìn tôi:
- Thầy.. già thêm một chút đó. Khi người ta bắt đầu chán nản điều gì là lúc người ta già đi.
Tôi nói:
- Cháu già đi, có lẽ, vì nhớ Mỹ Tho.
Trang đã bưng khay trà ra. Nàng giống mẹ như đúc. Tôi yêu đôi bàn tay của Trang. Đôi bàn tay đẹp hơn cả đôi bàn tay bày ở hiệu kim hoàn, Tôi nghĩ một người nặng nợ giang hồ, thèm những chuyến đi như Nguyễn Tuân, giá được đôi bàn tay Trang vuốt ve, chắc là không thèm khát ga bến nữa.
Trang đẩy tách nước gần phía tôi:
- Mời thầy dùng nước.
Tôi gợi chuyện nàng:
- Cô Trang định nghỉ ở nhà bao lâu?
Nàng trả lời:
- Thưa thầy, em được nghỉ lễ mười ngày.
Giọng nàng thật dễ thương. Đôi mắt Trang tròn, lớn và đen như hạt nhãn.
Tôi hỏi:
- Năm nay cô có thi cử không?
Nàng khép nép ngồi xuống ghế:
- Thưa thầy, năm nay em dọn thi tú tài đôi"
- Đậu xong, có định học gì?
- Má em biểu học văn khoa, em lại thích học sư phạm.
Bà Hương Lan cười:
- Con bé thích cuộc sống bình thường.
Tôi nhấp một ngụm trà mạn:
- Cháu cũng thích cuộc sống bình thường. Bác đã khuyên cháu rất đúng. Chỉ nên hái trái cây hạnh phúc sát tầm tay với của mình.
Bà Hương Lan ngó Trang:
- Thầy Hoài chọn Mỹ Tho rồi đó, con ạ!
Tôi đặt bao thuốc lá Capstan lên mặt bàn xa lông:
- Vâng, cháu muốn dạy học ở đây ít lâu. Trường công chắc xin dạy khó vì giữa niên học. Cháu sẽ nhờ Điều giới thiệu với một trường tư. Vừa dạy học vừa viết văn được chứ, thưa bác?
- Được mà.
- Vậy cuốn truyện đầu tiên của cháu sẽ viết về tỉnh lỵ.
- Mỹ Tho?
- Vâng.
- Thầy định viết về đề tài gì?
- Về dòng sông, ánh trăng, vườn hoa và tiếng lạo xạo của đá sỏi trên lối đi trong vườn biệt thự Hương Lan.
Trang tròn đôi mắt, hỏi mẹ:
- Thầy Hoài là nhà văn hả, má?
Bà Hương Lan gật đầu:
- Ừ, thầy ấy là nhà văn.
Nàng có vẻ sung sướng lắm, Và cảm phục tôi.
Trang chớp mắt:
- Thầy viết báo nào?
Bà Hương Lan trả lời giùm tôi:
- Thầy Hoài viết báo người Hà Nội. Vô đây, thầy chưa công tác với báo nào. Con đợi ít lâu nữa, thầy Hoài sẽ viết một cuốn truyện dài.
Trang len lén nhìn tôi. Mắt nàng ánh lên bao vẻ trìu mến, thiết tha. Nhà văn vẫn là một cái gì ghê gớm với những người bình thường. Tôi đã có thời phục nhà văn lắm. Phục cả Nguyễn Minh Lang, Hoàng Công Khanh... Sự cảm phục dần dần phai nhạt với kiến thức của mình. Tới một tuổi nào, xét lại, mình mới cảm thấy hố to là đã quá rộng rãi sự cảm phục. Bây giờ, tôi không thể nào chịu nổi sự cảm phục các nhà văn bừa bải của những cô câu mới lớn lên. Tôi hy vọng, họ sẽ có lần xét lại như tôi. Và lúc ấy giá trị của những Mai Thảo, Dương Nghiễm Mậu, Nhật Tiến, Sơn Nam, Nguyễn Mạnh Côn... mới định cư ở tâm hồn người thưởng ngoạn nghệ thuật. Tôi không ưa con người Phạm Duy, nhưng trước Phạm Duy chỉ có Văn Cao, Đặng Thế Phong, Hoàng Quý và sau Phạm Duy ngoài Phạm Đình Chương, chắc không còn ai làm tôi yêu âm nhạc Việt Nam. Bạn tôi thường bảo tôi tự kiêu khi mình chưa là cái gì. Tại sao phải đợi đến lúc là cái gì mới tự kiêu. Người ta có quyền tự kiêu ngay ở trong bóng tối, ở cái sự chẳng ra gì của mình. Đợi đến thuở mình là cái gì mới dám tự kiêu thì hèn quá.
Tôi hơi bực bội bà Hương Lan. Và nói:
- Cô Trang có vẻ cảm phục nhà văn lắm, phải không?
Trang thành thật:
- Dạ, em phục nhà văn.
- Tại sao?
- Vì họ không giống mình. Mình chỉ sống với cuộc đời có sẵn. Nhà văn tạo ra nhiều cuộc sống cho nhiều người sống.
Tôi khen Trang:
- Hèn chi bác muốn Trang học văn khoa. Những theo ý tôi, nhà văn không có gì đáng phục cả.
Trang hỏi:
- Sao vậy thầy?
Tôi rút một diếu thuốc Capstan, bật lửa mồi thuốc:
- Vì họ đâu có khác gì chúng ta. Nhà văn chỉ đẹp khi họ ngồi viết văn một mình. Lúc ấy, họ sống thế giới riêng của họ...
Tôi thở một đám khói thuốc và ngó bà Hương Lan:
-... Cõi thiên thai của họ. Xong lúc đó, họ xấu xa nhất trên đời.
Trang ngây thơ:
- Họ xấu xí thật hả, thưa thầy?
Bà Hương Lan đỡ lời tôi:
- Không đâu, con ạ! Họ không xấu xí đâu. Nhà văn được chiêm ngưỡng quá, đâm ra khiêm tốn. Họ không thích độc giả thần thánh họ. Cho nên, họ tự mỉa mai họ. Vả lại con hãy đọc văn chương của họ và chẳng cần biết về đời sống của họ. Đời sống của họ làm văn chương của họ hay, quyến rũ độc giả, thế là đủ rồi.
Bà Hương Lan không muốn Trang hiểu rõ cuộc sống bừa bãi, phóng túng, buông trôi, bất cần thiên hạ của nhà văn. Tôi rõ ngay ý muốn của bà. Phải, hãy để Trang chiêm ngưỡng "Vang bóng một thời" của Nguyễn Tuân và chớ bắt tội nàng thắc mắc tại sao Nguyễn Tuân hút thuốc phiện. Rồi lại nói về cái bàn đèn, sự thiếu thuốc hạ thấp nhân phẩm của nhà văn, chắc là Trang sẽ thất vọng, Nên đánh bóng chiếc mề đay, chớ dại dột lật mặt trái của nó.
Trang hỏi tôi:
- Má nói thật hả?
Tôi gật đầu:
- Ừ, má nói thật.
Trang trách móc:
- Vậy mà thầy cứ khiêm tốn.
Bà Hương Lan cắt ngang câu chuyện văn chương:
- Thầy Hoài dùng cơm chiều chưa?
Tôi dụi điếu thuốc vào đế giày:
- Thưa bác, cháu đã ăn ở Sài gòn và lai rai quà vặt thêm ở trên tầu.
Bà Hương Lan mỉm cười:
- Nói chuyện từ nãy, chắc thầy Hoài đói bụng?
Tôi cười theo:
- Cháu no hơn.
Trang nói:
- Hay mình ra chợ ăn hủ tiếu đi, má? Hủ tiếu Mỹ Tho ngon nổi tiếng, thầy Hoài biết không?
Tôi lại đốt điếu thuốc mới:
- Người tôi, từ đầu đến chân còn đầy bụi đường xa. Thôi để mai nhé, cô Trang.
Bà Hương Lan chợt nhớ ra. Bà xuýt xoa:
- Mãi vui, quên hết. Để thầy Hoài đi rũ bụi đường a. Thầy còn ở đây lâu mà.
Tôi bẻ ngón tay:
- Vâng, cháu còn ở đây lâu. Cháu hy vọng được gửi xác ở Mỹ Tho.
Hai mẹ con bà Hương Lan rủ nhau ra vườn. Tôi đã quen thuộc, quá quen thuộc gia đình này. Và tôi tự nhiên mở hành lý, lấy bộ quần áo ngủ, đi vào phòng tắm. Đêm ấy, dù rất mệt, trong giấc ngủ của tôi, vẫn nở một vài giấc mơ ngắn có nụ cười hồn nhiên của Trang, có giọng nói ngọt ngào của bà Hương Lan. Và, lạ lùng sao ấy, có tiếng lạo xạo của đá sỏi trên lối đi ngoài vườn biệt thự Hương Lan.