Số lần đọc/download: 1306 / 20
Cập nhật: 2014-06-19 20:56:58 +0700
Chương 1 -
V
ào những ngày tháng 8, mỗi khi mặt trời thức dậy, cũng là lúc ông lặng lẽ sải bước trên những khu phố nhỏ của Paris cổ kính để ngắm nhìn thành phố bước qua màn đêm, quan sát từng bước chuyển mình của nó sau khi đã được những giọt sương ban mai gột rửa. Thật đẫy mắt. Hay thỉnh thoảng ông đứng bên vỉa hè mà đếm đến 20, đến 30 rồi đến cả 40... mà vẫn không thấy bóng dáng một chiếc xe nào dưới lòng đường. Ông men theo chiều dài của những đại lộ Paris, dọc theo dòng sông Xen lấp lánh ánh đồng cùng với những hàng cây lung linh trong ánh điện và những giọt sương còn vương lại, lắng nghe giai điệu dấu lặng của làn gió, khe khẽ hát, tận hưởng.
Bây giờ, đối với Macxime, tất cả những cái đó không còn xảy ra nữa!
Từ khi chuyển sang kinh doanh, ông chủ hiệu này thỉnh thoảng lại phô vẻ mặt ủ ê đến buồn tẻ ra. Cái bĩu môi cau có như bị vỡ mộng không ăn khớp với khuôn mặt tròn, đôi mắt nhỏ nhưng hay cười được che dưới hàng lông mày rậm rối bù, với bộ ria mép bị túm lại cùng với cái trán hói vui tính. Nó càng nổi bật hơn khi mái tóc đã bị cạo đến sát đầu, chỉ còn lại một vòng tóc màu nâu nhạt, thưa thớt phía trên thái dương và gáy.
Cứ theo như tính tình của ông ta thì ở cái tuổi ngoại tứ tuần ông ta vẫn còn thanh niên lắm. Nhưng cái tuổi đó cũng làm cho vẻ bề ngoài của ông trở nên đăm chiêu hơn. Khuôn mặt vốn đã nhu nhược nay càng ngày càng co dúm lại bởi những nếp nhăn mỗi khi tức giận hay mỗi khi lo sợ sẽ bị giễu cợt.
Vì cái vóc dáng trung bình nhưng mập mạp mà Maxime Linca đã quyết định hàng sáng sẽ đi bộ đến nơi làm việc. Trong gia đình, chỉ có chú Léonard là người có tầm vóc. Chú cao 1m85, người vạm vỡ còn mái tóc thì rất dầy. Trong khi đó, người cháu trai thì luôn ao ước cái dáng người vận động viên điền kinh và tính cách mạnh mẽ của ông chú.
Trên đường đi, Maxime hay gặp một vài người đang chạy. Những người già nhất thường khiến ông thương cảm bởi hơi thở hổn hển và đôi chân khẳng khiu của họ. Nếu như họ có ngẩng đầu lên để chào ông thì đó chỉ là một nụ cười nhếch mép gượng gạo. Cách chào hỏi kỳ lạ đến dễ dãi đó chỉ làm cho ông thêm khó chịu! Đối với ông, thời thơ ấu thì thể thao chỉ là những trò chơi bóng trong sân trường ở địa phương mà thôi.
Ngoại trừ đi thăm một vài nhà những người đồng hương ở kề bên thì ông chưa đi du lịch ở đâu cả.
May mắn đã mỉm cười với ông khi ông chuyển sang kinh doanh, nay bỗng chốc tan biến. Thị trường chứng khoán đang trong tình trạng suy sụp. Trong khi những kẻ đầu cơ đoán trước được sự việc tồi tệ nhất này thì Maxime không hề hay biết gì về những mớ bòng bong của những hoạt động tài chính, nên ông chẳng có cổ phần, cũng chẳng có trái phiếu. Sự đình đốn đó làm ảnh hưởng đến mọi thứ và ngay cả công việc kinh doanh nhỏ mà ông đã đồn tâm huyết gần năm năm qua. Cửa hàng của ông có tên là “Nghệ thuật”. Nó làm cho ông nhớ đến người chú Léonard, vì chỉ có chú là người hiểu rõ ông nhất.
Khi ông thông báo sẽ bỏ việc làm ở công sở để chuyển sang kinh doanh ngựa gỗ, gia đình ông đã phản đối kịch liệt. Họ cho đó là một ý định điên rồ.
- Anh muốn trở thành người làm trò ngoài chợ ư? - Họ đã hỏi ông như vậy.
Về phía chú Léonard, chú bao giờ cũng hiểu được những người thân trong gia đình. Mọi người đều cho chú là “tốt quá”. Họ chỉ mời ông tham dự những ngày lễ cưới hay lễ đặt tên thánh. Trong những ngày lễ đó, họ mời ông làm chủ tọa, ông thường nhận được những tràng pháo tay tán dương khi buổi lễ kết thúc. Vào những lúc đó, đứa cháu Maxime lại thấy vô cùng ngưỡng mộ người chú của mình bởi phong cách của ông, khuôn mặt nhẵn nhụi và vui vẻ, đôi dái tai dẹt phất phới những sợi tóc tơ hơi dài phía đằng sau.
Không bao giờ biết thù hằn, chú Léonard luôn là người vui tính.
Ông cho đứa cháu ngồi trên vai rồi đi vừa hí như ngựa quanh bàn tiệc và cũng không quên nói với từng vị khách những lời tốt đẹp.
Những nét mặt luôn cười rạng rỡ không một chút quở trách, không một chút đe dọa ấy đã khiến cho chú bé ngồi trên vai ngoài cảm giác an toàn, còn thấy thoải mái và vui thích.
Đắn đo giữa sự nhiệt tình ủng hộ của chú Léonard và thái độ phản đối của gia đình, Maxime luôn cảm thấy khó khăn trước quyết định của mình.
Bỗng nhiên, một hố sâu đã ngăn cách giữa ông và những người thân trong gia đình. Chính cái từ “kẻ làm trò ngoài chợ” đã thôi thúc ông lao vào thực hiện quyết định của mình giống như trước kia ông vẫn thường ba chân bốn cẳng đuổi theo cánh diều thời thơ ấu.
Với chiếc quần đùi, mình trần, đôi chân đạp trên đất nóng bỏng, chú bé lao qua cánh đồng cùng với cánh diều của mình. Sợi dây diều căng ra vươn cao tít lên bầu trời giống như một con chim khổng lồ muôn sắc màu đang rẽ không khí.
Chú thích đi thả diều vào những buổi bình minh hay những buổi hoàng hôn. Bởi vì vào cái thời điểm lờ mờ và tĩnh lặng ấy, khi mọi vật trở nên thần diệu hơn thì cũng là lúc người lớn bớt khó tính đi. Nhẹ mà cao, mong manh mà sống động - cánh diều do chú Léonard tặng uốn mình xoay thành những vòng tròn trên không. Có lúc nó như thẹn thùng, lúc lại bông đùa, nhưng có lúc lại trở nên xa lạ, rồi lại quấn quýt với gió... Phó mặc chiếc diều dũng cảm, chú bé gần như không di chuyển vị trí. Chú tiến lên một bước rồi lại lùi xuống một bước, đang đứng yên lại nhảy lên.
Nhưng vào cái buổi tối hôm đó, một cánh chim bay qua bầu trời đã lao vào cánh diều tuyệt đẹp của chú, làm vỡ tan bộ khung mong manh, xé nát những mảnh giấy màu và quấn chúng vào chiếc dây chão. Về phần chú chim cũng thật tội nghiệp, nó không tài nào rút chân và đôi cánh của mình ra khỏi bộ khung mong manh ấy.
Cùng làm cho nhau bị thương, chú chim én và cánh diều đều rơi xuống, tả tơi dưới chân chú bé.
Rung lên bởi tiếng khóc nức nở, chú bé vừa rên khe khẽ vừa khuỵu xuống, cố gắng nhặt nhạnh những mẩu vụn còn sót lại.
Ngày hôm sau, chú đem chôn hai chú chim lông vũ và chim giấy ở cùng một mô đất để không ai có thể phân biệt được chúng.
ý định mua cửa hàng đua ngựa gỗ càng ngày càng thôi thúc Maxime.
Bốn bức tường màu vàng, tính khí khó chịu của ông sếp, chiếc bàn gỗ sồi đã hoen ố bởi màu mực đã từng buộc chân ông hàng giờ mỗi ngày, rồi những đống tài liệu, những dẫy số hay những cái tên giờ đã trở nên vô nghĩa đối với ông. Ông cảm thấy vô cùng sung sướng khi đã loại bỏ được chúng ra khỏi cuộc sống của mình.
Ra đi, thậm chí ông không còn cảm thấy nuối tiếc những chiếc máy tính, mà sự xuất hiện của chúng ở nơi làm việc đã làm ông kinh ngạc.
Những ngày cuối tuần, Maxime đi lang thang trong thành phố để lựa chọn địa điểm thích hợp cho công việc sắp tới của mình.
Cách nhà thờ Đức Bà vài bước chân, không xa pháo đài Châtelet, ông phát hiện ra một vị trí như mong ước. Đó chính là quảng trường Saint-Jacques nằm phía dưới tòa tháp huyền bí, trong góc một khu vườn nhỏ.
Ông bắt đầu đi tham khảo, xem xét kỹ lưỡng những quy định, những thói quen ở đây rồi chạy vạy một loạt giấy phép kinh doanh. Mặc cho những khó khăn, tiền lo lót cho chính quyền sở tại hay những nguy cơ bị đuổi thì thời gian đó vẫn là thời kỳ hạnh phúc trong đời ông. Ông say mê cuộc sống đến mức mà chính nó đã đem lại cho ông lòng hăng say và nghị lực.
Ông tưởng tượng sẽ làm một cửa hiệu với mặt bằng hình tròn. Trên đó ông sẽ bày những con ngựa gỗ màu đỏ và những cỗ xe sơn son thiếp vàng. Mỗi khi nghĩ đến đám trẻ đua nhau nhảy lên những chú ngựa gỗ đó, ông lại cảm thấy rất mãn nguyện. Cho dù chưa có gia đình và con cái, ông vẫn thấy sung sướng mỗi khi được đem đến cho bọn trẻ niềm vui, sự thích thú và những chiếc bánh hay những chiếc kẹo làm phần thưởng.
Dẫu sao, Maxime không bao giờ sống cô đơn. Hơn nữa, ông luôn biết cách phải làm thế nào để có bạn. Với ngoại hình thiếu hấp dẫn, ông rất ngạc nhiên khi thấy mình có thể quyến rũ và tán tỉnh các cô có chồng nhanh đến thế. Còn các cô thì thấy thỏa mãn với những trò tán tỉnh vội vã hay những cuộc dan díu không mấy kết quả của ông. Ông thích những phụ nữ như vậy, vì họ lao vào ái tình một cách vô tư lự và rất ít khi lo lắng về hậu quả của nó.
Nhưng với cô nàng Marie Ange làm nghề thẩm mỹ ở phố Aligre thì lại khác. Mọi thứ đến với cô có vẻ khó khăn hơn. Họ ít có thời gian gặp nhau vì đức ông chồng của nàng càng ngày càng nghi ngờ mối quan hệ không trong sáng của hai người.
Trước khi chuyển sang kinh doanh, Maxime rất say mê lịch sử của các khu quảng trường ở Paris. Ông đã mua một quyển sách hướng dẫn về các công trình nghệ thuật của thủ đô.
ở tại quảng trưởng nơi ông bán hàng - vào thời Trung Đại, người ta đã xây dựng một trong những ngôi nhà thờ quan trọng nhất của Paris - điểm xuất phát cho chuyến hành hương của thánh Saint Jacques de Compostelle. Đó cũng là nơi mà những người Thánh Chiến thường đi qua trên con đường đi chinh phục những miền đất thánh của họ.
Vào thế kỷ thứ XIV, Nicolas Flamel - một nhà giả kim là vị cứu tinh của tòa nhà hùng vĩ ấy. Người ta nói rằng ông có những mối quan hệ với các nhà giả kim khác trên thế giới, đặc biệt là các nhà giả kim ở ả rập, ở thành phố Seville thuộc Tây Ban Nha hay những người Do Thái phương Đông. Họ là những người nắm giữ bí mật về một loại “đá thần” có thể biến kim loại thành vàng.
Những mối liên hệ thân thiết và huyền bí giữa những người phương Tây, người ả rập và những người Do Thái ấy, từ nhiều thế kỷ nay đã làm cho Quảng Trường này trở thành “ngã ba” nối các nền văn minh khác nhau. Nó cũng trở thành một nơi đầy bí hiểm, mà cho đến bây giờ Maxime vẫn không thể quên.
Nhà thờ đã được xây dựng lại bởi Louis XII, sau đó Franỗois đệ nhất củng cố thêm, nhưng cuộc cách mạng nổ ra vào năm 1797 đã phá hủy nó. Cả ngôi nhà thờ chỉ còn trơ lại ngọn tháp. Nhưng ngọn tháp này được một trong số những người phá hủy mua lại, rồi được sang tay cho một người phụ trách bảo quản vũ khí tên là Dubois để làm nơi sản xuất. Từ độ cao của ngọn tháp, ông ta cho chì đã đun nóng chảy rơi từng giọt qua một chiếc sàng, rồi cuối cùng được hứng trong một chiếc chậu gỗ to... Công việc này đã đem lại cho ông nhiều lợi nhuận mà đến hai thế hệ sau vẫn còn được hưởng.
Maxime giám sát rất cẩn thận từng chi tiết trong quá trình thi công cửa hiệu của mình và tự tay lựa chọn nguyên vật liệu. Ông trang trí cửa hiệu theo phong cách cổ kính, kiểm tra rất tỉ mỉ chất lượng gỗ, chất lượng dung dịch mạ của bảy chiếc gương hình ôvan, hình dáng của vòm mái hình bát úp và ngay cả những dây hoa trang trí cũng không lọt qua sự kiểm tra của ông. Nhưng quan trọng nhất vẫn là mười ba con ngựa gỗ. Chúng được “chăm sóc” rất cầu kỳ. Để tránh cảm giác đơn điệu, ông luôn thay đổi gam màu giữa thân, đầu, bờm và đuôi của 12 chú ngựa. Nhưng riêng con thứ 13 thì đặc biệt hơn cả, toàn thân nó được sơn màu trắng, nhưng chiếc bờm, bộ yên cương và bộ móng thì lại màu đồng. Ông chọn kiểu xe sang trọng trong truyện “Chú mèo đi hia” để phù hợp với những con tuấn mã tuyệt đẹp của ông. Ông còn đặt cạnh đó hai chiếc ghế băng dài phủ lớp vải nhung màu đỏ sẫm. Ông luôn đòi hỏi mọi thứ phải thật hoàn hảo.
Chính quyền sở tại cho ông thuê ở một địa thế rất đẹp phía Tây Nam của khu quảng trưởng nhỏ. Ông đến đó mở cửa hiệu như thể khu vườn nhỏ này và ngọn tháp cao 52m kia thuộc quyền sở hữu của ông vậy.
Vào những ngày đầu, ông thường dạo quanh khu quảng trường theo cách của người sở hữu. Ngắm nghía cách xây dựng từng phiến đá, dừng chân dưới những bức tượng nhỏ rồi quan sát: đây là Đại bàng của Thánh Jean, kia là chú Bò của Thánh Luc và kia nữa là Sư tử của Thánh Marc. Ông biết rằng từ năm 1890 nha khí tượng thủy văn vẫn sử dụng ngọn tháp này như một đài quan sát và chỉ được viếng thăm nó khi có sự cho phép đặc biệt của nhà chức trách. Tự nhiên ông thấy hãnh diện. Từ khi khai trương đến nay, cửa hàng của ông lúc nào cũng tấp nập. Nó ngày một lớn mạnh như những thiên thể và có thể xứng đáng là một phần của những vì sao tinh tú trên bầu trời kia.
Hai năm đầu công việc làm ăn phát đạt đến nỗi ông cho rằng nơi này, quảng trường này, tất cả đều hi vọng, chờ đợi vào cửa hàng của ông và bản thân ông.
Cũng trong thời gian đó, mọi cái đến với ông thật là dễ dàng. Không hiểu cửa hiệu của ông hay chính bản thân ông là chiếc nam châm thu hút từ những cô bé cậu bé đến những phụ nữ đã có chồng. Khi ông cất lời mời thì bất kể ai: cô nuôi dạy trẻ, cô sinh viên qua đường hay cô bán hàng rong đều không bao giờ từ chối.
Sang năm thứ ba, những khó khăn mới bắt đầu nảy sinh. Cái lộc trời cho cũng dần dần biến đi.
Cuộc khủng hoảng thế giới ngày một lan rộng. Buôn bán bắt đầu giảm sút, ông bắt đầu nợ đầm đìa, những nỗi lo kéo về chồng chất. Phụ nữ và lũ trẻ dần xa lánh ông.
Sáu tháng cuối cùng là đỉnh cao của cuộc khủng hoảng. Hết nỗi lo này đến nỗi lo khác dồn đến như nước thủy triều dâng cao. Maxime thất vọng thực sự. Ông lơ là công việc buôn bán, thậm chí bỏ bễ luôn cả bản thân mình.
Chỉ còn lại một mình ông trong cửa hàng vắng lặng. Những con ngựa gỗ vẫn phi nước đại. Chúng đưa ông đến trước một trong bảy chiếc gương hình ôvan. Ông thấy mình thật thảm hại. So với những người ở độ tuổi bốn tư thì ông phải già hơn họ đến mười tuổi. Dáng ông bắt đầu nặng nề, đôi vai như còng xuống, chiếc áo chui cổ màu đen bị nhậy cắn lỗ chỗ không còn phù hợp với cái bụng béo tròn nhẽo nhợt nữa. Đôi má xệ xuống, hai con mắt gần như vô hồn, còn chiếc đầu hói vui tính kia, bây giờ cứ bóng lộn như đánh xi, trông sầu thảm.
Các cô bây giờ nhìn ông với ánh mắt khác hẳn. Họ thường lảng tránh mỗi khi gặp ông ngoài đường. Ngược lại, các bà cụ thì luôn trao cho ông những nụ cười đầy thiện cảm. Những cái nheo mắt hay những lời nói thân thiện của họ khiến ông nghĩ họ đã coi ông là bạn cùng trang lứa. Điều đó làm ông cảm động.
Mỗi ngày giờ mở cửa hiệu mỗi ngắn. Trong thời gian này ông thường phủ một tấm bạt màu ghi xám, trước khi đi về ngôi nhà ở quận 12.
Cái công cuộc tiết kiệm của ông cũng chẳng giúp ông giảm chi phí là bao. Ông không thắp đèn, không mua băng cát sét và chỉ mở đi mở lại những bài hát mà tên tuổi của nó đã đi vào quên lãng. Vào những ngày nghỉ hè ở trường, ông cũng từ bỏ luôn ý định sẽ thuê người giúp việc. Ông tháo dần những chiếc vòng trang trí trên những chiếc cọc gỗ trước cửa hiệu, và ngay cả bánh kẹo làm phần thưởng cho lũ trẻ cũng bị loại khỏi “thực đơn” hàng ngày.
Ông nhận thấy lũ trẻ bây giờ hư nhiều hơn, vì xem quá nhiều vô tuyến. Ông cũng phải thừa nhận rằng các cô chiêu, cậu ấm ngày nay ít hồn nhiên trong sáng và được nuông chiều nhiều hơn. Chính vì vậy mà những chú ngựa gỗ với những điệu nhảy quay tròn kia cùng với những cỗ xe sơn son thiếp vàng không còn là giấc mơ của chúng nữa. Dần dần, ông cũng cảm thấy quen với ý nghĩ không còn lũ trẻ nô đùa trong cửa hiệu của ông.
Bắt đầu giống những người nghèo khổ, tuy chưa phải chạy ăn từng bữa, nhưng ông cũng bắt đầu phải chắt chiu. Hạn chế, tính toán đôi khi làm ông nhớ đến những thói hoang toàng xưa kia. Càng ngày ông càng trở nên u sầu, cau có, dè sẻn và dày dạn hơn mỗi khi nghĩ đến cảnh ngộ hiện tại của mình.
Lấy lại được thăng bằng nhưng thực tế hơn và bảo thủ hơn, ông gọi điện cho gia đình và mời họ tới thăm vào chủ nhật tới.
Thoạt nhìn thấy cửa hiệu, họ có vẻ hài lòng. Nhưng khi nghe ông kể về những khó khăn gần đây thì họ bắt đầu quay sang khuyên bảo và chỉ trích ông.
- Biết trước là sẽ có ngày hôm nay mà. Cửa hiệu của anh chỉ là một ý nghĩ viển vông thôi. Bây giờ dẹp bỏ nó vẫn chưa quá muộn đâu. Nhưng liệu có thể tìm lại được công việc cũ không? Anh chưa già nhưng cũng chẳng còn trẻ trung gì nữa. ở cái thời này thì những cái đó là cả một vấn đề đấy.
Maxime lắng nghe tất cả những gì họ nói. Ông quyết định sẽ bán lại cửa hàng này.
Ông sắp có một vụ làm ăn với một nhà chế tạo ô tô điện, chuyên sản xuất những vòng đua bằng từ trường tại các hội chợ và trong các khu công viên giải trí. Loại xe “công thức 1” của ông càng ngày càng gặt hái được nhiều thành công. Đó là những chiếc xe nhỏ đủ màu sắc, mỗi khi chạy động cơ của nó phát ra những tiếng inh tai nhức óc, kèm theo những tia lửa điện bắn ra xung quanh. Trang trí quanh chúng là những chiếc đèn nê ông luôn được thắp sáng.
Để bàn bạc công việc, Maxime đi ô tô đến Ferrari và hướng về quảng trường nhỏ nằm tại một ngã tư thương mại sầm uất.
Trời nóng hầm hập, người đàn ông cởi chiếc áo vét ra. Bên trong ông ta mặc chiếc áo sơ mi bằng vải soa màu hồng cam. Trên túi ngực có thêu những chữ cái hoa trông khá đẹp. Ông ta có bàn tay khá thon. Chiếc kính đen bằng gọng đồi mồi làm cho khuôn mặt ông trở nên bí ẩn. Đứng bên cạnh là Maxime đang cố gắng cò kè cho được giá ưu đãi nhất.
Maxime bỗng thèm khát được nhớ lại những kỷ niệm về chú Léonard, về cánh diều đã bị hỏng. Tự nhiên, ông thấy ghét cay ghét đắng những con ngựa ngu si bằng gỗ đang bong dần lớp mạ vàng kia. Ông ghét cả những chiếc gương có những dây hoa trang trí, vì chúng đã cho ông thấy bộ mặt héo hon của ông.
Nhưng cuối cùng, ông không còn nghĩ đến chuyện sẽ bán cái cửa hiệu mà ông đã dồn năm năm tâm huyết vào đó nữa.