Bí mật của thiên tài là có được tinh thần của trẻ con khi mình đã lớn, có nghĩa là không bao giờ mất nhiệt huyết.

Aldous Huxley

 
 
 
 
 
Tác giả: Kim Hài
Thể loại: Tuổi Học Trò
Biên tập: Bach Ly Bang
Số chương: 3
Phí download: 1 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1127 / 12
Cập nhật: 2015-12-12 10:58:05 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 2
é Tơ đi thật cẩn thận. Phải nói là bé bước từng bước thì đúng hơn. Con ngõ của xóm nghèo lầy lội vì những cơn mưa còn dai dẳng. Rác rưởi đổ xô ra hè nhà, tràn cả ra ngõ. Hôm nay bé Tơ được mặc bộ đồ đẹp nhất, chân tay cũng sạch sẽ, lại nữa bé Tơ sắp được ôm hoa trao hoa cho ông Đô Trưởng, vì vậy bé Tơ cố làm sao cho bước chân nhấc lên nhẹ nhàng để các tia bùn bẩn không bắn tung lên gót, thêu hoa vẽ phụng khắp gấu quần. Bé cũng cố tránh những cọng rác cao, những lon trống, trơn trợt để khỏi giây bẩn vào tay chân quần áo.
- Hù…
- Ái…
Bé Tơ giật mình la lên thất thanh. Một chiếc dép như muốn trật ra chân. Bé giận dữ quay lại để xem ai đã chơi cái trò tồi bại vậy. Thì ra con Nhan. Bé hậm hực:
- Mày đó hả Nhan. Mày chơi như vậy hả.
Con Nhan cười hề hề, hai tay nó chống nạnh khiêu khích. Đây là con bạn đáng ghét nhất của bé Tơ. Bé Tơ cũng có chơi với nó, nhưng không ưa nó, bởi nó xấu tính, hay thèo lẻo, hay bươi móc chuyện người khác. Bé Tơ gằn giọng:
- Tao nói cho biết là tao không chơi như vậy nghe.
Con Nhan bĩu môi:
- Đừng có làm bộ, ỷ bưng hoa cho ông Đô Trưởng rồi làm le.
Vừa nói nó vừa dùng một ngón tay trỏ chỉ lên mặt Tơ. Bé Tơ thụt lùi. Một cái lon phía sau làm bé suýt ngã. Bé gượng lại được nhưng gót chân đã lấm đầy bùn. Giận dữ vì công giữ gìn của mình từ nãy đến giờ đổ sông đổ biển, bé Tơ la lên quên cả lời dặn của mẹ là không được gây lộn ngoài đường.
- Mày chơi như vậy hả Nhan. Tao có chọc mày đâu mà khi không mày… mày…
- Cái gì vậy Nhan. Con Tơ nó nói ai vậy?
- Cái gì vậy Tơ. Sao vậy? Không đi đến trường hả?
Một bọn bạn túa ra từ những ngõ ngách khác. Chúng bu lại chỗ bé Tơ và con Nhan đứng. Bé Tơ phân bua:
- Đang không tui đi vậy, cái… cái… trỏ tới hù tui à.
Con Nhan cướp lời:
- Đồ làm bộ, người ta chơi mà không chịu. Tưởng mô ai thèm chọc lắm hả.
Con Liên xía vô:
- Chơi một chút hề chi mô mà làm ồn ào.
Con Nhan cười hô hố:
- Nó sợ hư mất cái áo mới tụi bay ơi.
- Đồ cũ mèm mà cũng bày đặt.
Bé Tơ nhìn quanh. Cơn tức chận ngang ngực. Bé ấp úng muốn khóc. Nhìn những gương mặt chung quanh bé Tơ càng tức hơn. Mấy con nhỏ này là bồ của con Nhan mà. Tụi nó tức bé Tơ được vinh dự ôm hoa trao tặng ông Đô Trưởng tụi nó ghen. Bé Tơ quay phắt mặt đi, miệng nói:
- Nói với tụi bay tao không thèm. Đồ ghen tị. Xấu.
Con Liên chồm lên:
- A. Mày nói ai xấu hả Tơ? Tụi tao mà ghen với mày à? Còn khuya.
Con Nhan chen vào:
- Đồ bợ đít cô giáo mới được bưng hoa cho ông Đô Trưởng đó chớ.
Bé Tơ giận quá nước mắt rưng rưng. Bé Tơ cố lên giọng đe dọa:
- Tụi bay hỗn tao mách với cô giáo cho coi. Đồ xấu.
Con Thẩm nãy giờ làm thinh. Nó không ghét Tơ. Bởi hai đứa thường đi chơi với nhau mà. Nhưng từ khi cô giáo bỏ nó lựa bé Tơ bưng hoa thì con Thẩm đâm ra ghét bé Tơ không chịu được. Nó buông một câu độc ác:
- Nó không có bố dạy nên hỗn như gấu tụi bay ơi.
Bé Tơ tức quá, giơ chân lên:
- Hỗn hả, mày xem này nó xô tao vào bùn. Mà tao cấm tụi mày đụng tới bố tao đó.
Con Nhan hát lên trêu chọc:
- Còn cha gót đỏ như son.
Vắng cha gót mẹ gót con đen xì.
Bé Tơ giận lắm, nhưng nhớ lại bổn phận của mình sắp đến không dám la cà nhiều. Bé bĩu môi, nhổ nước miếng tỏ dáng khinh bỉ rồi quay lưng bỏ đi.
Nhưng tụi con Nhan, con Thẩm đâu có chịu bỏ, chúng tụ họp thành một đám sau lưng bé Tơ, vừa đi vừa giả đò bàn tán.
- Con Tơ nó không có cha tụi bay ơi. Cù bơ cù bất ở đâu.
- Cha nó chết chớ.
- Chết sao không có bàn thờ? Hay cha nó bị tù?
Cả bọn cười lên hô hố. Bé Tơ uất ức không chịu được, bất thình lình bé đưa chân đá ngược một cái lon bẩn ra đằng sau. Tụi con Nhan ré lên chạy tránh loạn xạ.
- Tơ, mày chơi mất dạy vậy hả?
Tơ chống tay quay lại:
- Ai mất dạy, tụi bay ỷ đông ăn hiếp tao hả? Đồ hèn!
Con Nhan lồng lên:
- Hèn cái gì? Rõ dơ. Thứ đồ bán bánh mà cũng làm le.
Mắng xong, con Nhan giả vờ cất tiếng rao:
- Ơ, ai mua bánh ít, bánh gai không… Ơ… Bánh ít bánh gai, ăn nhai… ỷ… cha ỷ…
Bé Tơ tức quá, không làm sao nói lại các con bạn hỗn láo kia. Bé bật khóc…
- Hu… hu… tao mách cô giáo tụi bây coi… hu… hu…
Tụi nhỏ được thể càng chọc dai. Chúng giả bộ làm bé Tơ híc híc khóc…
- Hu… hu… híc… xấu hổ… xấu hổ…
Con Liên cười tiếp:
- Sao khóc vậy hả con?
Con Nhan õng ẹo, tiếng rao của bà Bản.
- Ơ… tại nó không có bố dỗ.
Nhiều tiếng phụ họa:
- Thế bố ở đâu?
- Không biết.
Con Thẩm lại cười hì hì.
- Láo. Bố mày ở tù…
Nói xong nó chạy tới kéo áo bé Tơ giật giật:
- Bố mày đi ăn cướp ở tù hả… Hay bố mày đánh lộn ở tù… Vậy mà cô giáo tưởng hay lắm… Cái mặt!
Thế này là quá sức chịu đựng của bé Tơ. Tụi nó làm nhục bé, đụng đến bố bé. Bé Tơ giật tay áo và nhân tiện tát một cái bốp vào mặt con Thẩm.
Con Thẩm ngẩn người vì cái tát. Nhưng chỉ một thoáng là cái miệng của nó tự động tru tréo. Nó la hét cào cấu bé Tơ. Cả mấy đứa kia cũng nhào vô. Bé Tơ trở mình bỏ chạy.
Ông Bản đuổi kịp bé Tơ từ lúc bé bị tung lon nước vào mình. Đã hơn chín giờ, mặt trời đang phá màn sương sáng còn sót lại, tung từng giọt nắng ấm nồng xuống ngõ hẹp. Ông Bản không muốn con gái đứng đôi co lâu lắc với bạn bè. Cái tật cà kê đó, cần phải bỏ. Ông nghĩ vậy. Chức vụ và bổn phận người cha đã sống lại trong ông. Ông nghĩ đó là lỗi của mình đã không chăm nom con cái được dài lâu. Ông muốn tiến tới để nhắc nhở bé Tơ giờ tập họp ở trường đã đến rồi. Nhưng giọng con nít chanh chua của mấy đứa trẻ lấn át lời ông. Và dần dần những câu nói trẻ con kia đã như một ngọn roi lớn quất mạnh lên trái tim ông. Nếu ông không ham tiền, nếu ông chịu khó làm ăn chơn chất, thì gia đình ông dù nghèo nhưng vẫn đầy đủ tình thương và ấm cúng. Bây giờ mọi việc đã lỡ… Nhìn con tủi thân, ông Bản nghe lòng đau xót. Ông muốn tiến lại ôm lấy bé Tơ, vỗ về. Nhưng những đứa trẻ kia vô tình đã nói đúng sự thật. Ông chỉ là một kẻ cướp, kẻ buôn lậu, hành nghề bất chính. Ông đã không để lại cho con gái một gia tài quí giá nào cả. Mà nơi con, vết nhơ đến bao giờ rửa sạch. Nghe bé Tơ bênh vực cho mình, ông Bản cúi mặt giấu đôi giòng nước mắt. Ông mong sao tụi nhỏ đừng nói nữa và bé Tơ bỏ đi. Nhưng kìa, con ông đã bảo vệ danh dự của mình bằng cái tát tức giận. Mấy đứa trẻ đuổi theo níu kéo. Một đứa đã nắm lấy tay bé Tơ, đứa kia nắm tóc, đứa nọ bắt chân. Ông Bản nhớm người lên. Chỉ thoáng chốc ông đã choán vào giữa những đứa trẻ. Một cái gạt tay mạnh mẽ, mấy đứa bé ngã lăn ra đất.
Bé Tơ ngẩn người ngạc nhiên. Lạ kìa, bé chỉ vung nhẹ tay mà sao tụi nó té lăn cù. Nhưng bé không còn giờ để suy nghĩ vì đàng xa tiếng trống trường vang vọng. Bé Tơ bỏ mặc mấy đứa nhỏ còn chỏng gọng, quần áo lem luốc, chạy thật nhanh hướng về phía trường.
Ông Bản dìu con chạy. Mỗi bước tới bé Tơ lại thấy như có ai nâng chân đưa bổng, bé chạy nhẹ nhàng không mỏi mêt, như người biết bay.
° ° °
Ở đàng kia, nơi cách khoảng với xóm nghèo bằng một khu đất trống là ngôi trường Tiểu học Lý Thường Kiệt. Trường làm bằng gạch mái lợp tôn. Qua bao mùa mưa nắng, trường mang một vẻ cũ kỹ riêng biệt. Khác với khu đất trống bên hông trường đầy rác rến, sân trường Lý Thường Kiệt không rộng lắm nhưng cũng có thể đủ cả chi tiết của một trường bề thế. Nghĩa là phía trước dãy lớp chính, có một cột cờ thẳng tắp phất phới quốc kỳ. Rải rác trên sân là những gốc hoàng điệp, hoa vàng lá nhỏ. Những cây không lớn lắm, vừa đủ để che bóng mát cho học trò đánh đáo, đánh chuyền, rong chơi trong những ngày tạnh ráo. Xanh mát nhất là mấy đám vườn nhỏ nhu nhú cải tươi hoặc những cây cà chua rậm lá. Chen lẫn với loại cây rau trái, thỉnh thoảng nổi bật lên cụm hoa hồng đỏ nhung hay bụi vạn thọ hoa vàng.
Hôm nay, sân trường rộn rịp và có vẻ chật chội khác thường. Một khán đài bằng gỗ và ván dựng tạm trước kỳ đài. Ba tấm bạt nhà binh được căng che nắng ở trên. Ở cổng trường trồng thêm hai cây cột trên cắm cờ nhỏ.
Tụi học trò nhỏ lăng xăng nhiều nhất ở cửa mấy lớp học. Đứa thụt đứa thò, trong khi các cô giáo thầy giáo lăng xăng. Thỉnh thoảng một người lên máy phóng thanh thử tiếng, làm lũ học trò xôn xao nhốn nháo hẳn ra. Sân trường vui như ngày phát thưởng cuối niên học.
Bé Tơ cũng có mặt ở sân trường. Nhưng bé không đứng chung với tụi học trò bạn mà được cô giáo dắt vào phòng giáo viên. Tại đó, một bó hoa lay-dơn màu đỏ tươi bọc trong giấy kiếng trắng được đặt ngay ngắn và thận trọng trên bàn. Cô giáo kêu bé Tơ căn dặn:
- Lát nữa, khi nào thầy Lãng ở lớp tư đó, em biết thầy Lãng chớ… Ờ… khi thầy Lãng đọc trên máy là một học sinh dâng hoa cho ông Đô Trưởng, thì em ôm hoa đi ra… đi theo ngõ kia kìa… ngõ có chậu vạn thọ đó… thấy không… À, ngã đó đó… theo ngã đó tới gần ông Đô Trưởng trao hoa cho ông. Xong rồi cúi đầu chào ông Đô Trưởng. Rồi mới quay trở ra vòng ra đằng sau này. Cô đứng chỗ đó đợi em nghe. À… mà em nhớ khi trao hoa mặt phải tươi lên, nhưng không được cười… cười là vô lễ đó nghe.
Nói đoạn cô giáo tới bàn nâng nhẹ bó hoa hất đầu kêu bé Tơ:
- Đến đây ôm thử bó hoa đi… đây em ôm thế này… thế này… bó hoa này hơi dài đây… mà thôi, được rồi… tay trái nâng cao lên một tí… tay phải hạ xuống một tị… vậy đó.
Bó hoa lớn quá che gần khuất nửa người bé Tơ. Những cánh hoa mịn mướt thật đẹp. Giá đừng có lần giấy kiếng bé Tơ đã thử đặt tay lên thử xem.
- Xong, vậy đó, nhớ không Tơ. Thôi đưa cô cất. Bây giờ đứng đây nghe, chờ cô.
- Dạ.
- Đừng đi đâu hết nghe. Tới giờ rồi.
- Dạ.
Cô giáo dặn dò xong hấp tấp chạy đi ra ngoài. Còn một mình bé Tơ ngồi lên ghế dài đặt dọc theo tường tẩn mẩn ve vuốt nếp áo nhăn. Bé hoàn toàn quên mất mọi chuyện gây gổ ban nãy. Tất cả tinh thần bé hướng theo giờ lễ đang sắp sửa đến.
Nhưng lũ con Nhan, con Liên, con Thẩm đâu có quên được dễ dàng. Cái hất tay làm té lăn cù mấy đứa, bẩn quần bẩn áo làm tụi nó tức gần chết. Mặc dù chúng hơi ngạc nhiên sao bé Tơ khỏe thế. Cái hất tay mạnh mẽ làm chúng cứ ngỡ như có một người khổng lồ xô ngã cả bọn.
Sau khi đứng dậy phủi áo phủi quần, lũ con Nhan, con Liên, con Thẩm chỉ có nước nhìn theo bóng bé Tơ đầu xa mà hậm hực.
Chúng vẫn hợp tay ba kéo đến trường. Nhưng con Tơ đã được cô giáo kêu vào phòng giáo viên. Phòng giáo viên có một cửa sổ rộng, mở ra ở phía sau gần mấy bụi dâm bụt cạnh hàng rào phân chia trường học với khu cư xá công chức. Con Liên đề nghị:
- Nhất định con Tơ ở trỏng rồi, tụi mình ra đằng sau chửi nó một trận đi.
Con Nhan phản đối:
- Cô ở trỏng tụi bay. Không sợ hả?
Con Thẩm lắc đầu:
- Tao thấy cô ra ngoài rồi. Tụi mình nấp phía dưới lén dòm vô không thấy cô thì tụi mình hè chửi nó một trận rồi chạy. Tao ghét con nhỏ đó quá.
- Ừa, từ khi cô cho nó ôm hoa cho ông Đô Trưởng tao sùng nó ghê. Đáng lẽ đó là phần tao chớ bộ. Năm ngoái cũng tao dâng hoa cho Hội phụ huynh chớ ai.
- Con nhà Tơ dễ ghét lắm bay. Hồi nãy đi nhón nhón vì sợ bùn tao thấy dễ ghét quá phá chơi.
Cả ba đứa hè nhau nói xấu kẻ vắng mặt. Nói mãi cũng chán, cả ba đứa thi hành kế hoạch của mình. Chúng lẻn khỏi hàng ngũ và lừa lúc bà Hiệu Trưởng mải đón tiếp các vị phụ huynh, con Liên bỏ đi trước, giả vờ đi về phía cầu vệ sinh, vòng nhanh ra sau chờ đợi. Cùng mưu đó, con Thẩm và con Nhan chạy theo.
Trốn chạy có một tị mà ba đứa đều mệt, mặt mũi ướt mồ hôi, tim đập mạnh. Con Liên kêu:
- Tao thấy sờ sợ. Bà Hiệu Trưởng…
Con Nhan trấn an:
- Ai hỏi mình nói là đi tiểu…
- Đi tiểu mà ra đây!
Con Nhan không trả lời được, nhưng cả ba đứa đều không gạn hỏi gì thêm nữa. Cánh cửa sổ ở phòng giáo viên là cánh cửa mở duy nhất nên rất dễ nhận. Cả ba đứa thận trọng đi lần tới, đầu cúi thấp, lom khom cố ý để không gây một tiếng động nào.
Trong khi đó, Tơ vẫn ngồi yên trong phòng giáo viên một mình. Quang cảnh buổi lễ bên ngoài thu hút bé Tơ. Bé chỉ nghĩ đến một việc độc nhất là cách thức ôm hoa và câu chào mừng mà cô giáo đã dạy từ hôm trước.
Bé Tơ không biết cả đến ông Bản đang ngồi ở góc ngoài nhìn con âu yếm. Ông Bản sung sướng theo dõi từng nét mặt của con gái. Đây là lúc thuận tiện nhất để ông thu lại hình ảnh con vào tâm trí để nhớ đời đời bởi rồi từ đây, ông không bao giờ được xuống trần gian nữa. Mãi mãi ông sẽ là người giữ vườn trời, thắp sáng các vì sao mỗi khi chiều xuống. Nhưng từ đây, ông đã có một dáng hình để tưởng tượng cho bớt nhớ mong. Ông sẽ in hình con lên các vì sao. Ông không còn khắc khoải vì hình ảnh mơ hồ của con gái như thời kỳ trước. Bởi từ khi bé Tơ được sinh ra đến nay, ông Bản có bao giờ ngắm con từng nét, ông đâu nghĩ là sự xa cách vĩnh viễn sẽ đến với cha con ông.
Bé Tơ không ngồi trên ghế nữa, bé đã đứng dậy tiến sát cửa ngó mông ra ngoài. Quan khách đã đến đông đủ. Khán đài chỉ còn trống chỗ một ghế duy nhất là chỗ ngồi của ông Đô Trưởng. Các cô giáo tíu tít thúc mấy bác lao công đưa thêm ghế cho những phụ huynh đến muộn. Chiếc máy phóng thanh thỉnh thoảng rít lên từng hơi gió dài. Và tiếng xì xào của đám học trò vang rân trường. Bé Tơ nghiêng người qua phải rồi qua trái để xem mẹ đã đến chưa. Không thấy gì cả, bé Tơ sốt ruột lẩm bẩm:
- Mẹ kỳ ghê, không tới gì hết.
Mặt bé Tơ thoáng buồn khi nghĩ rằng mình sẽ chẳng có ai đến dự cả. Ngoài kia kìa, phụ huynh nắm tay con em dắt đến hàng đứng, có người xuống tận nơi sắp hàng để trò chuyện với con và bạn bè chúng cùng cô giáo hướng dẫn. Hình ảnh đó làm bé Tơ tủi thân. Bé rưng rưng nước mắt úp mặt vào hai tay.
Ông Bản cảm thông rất nhanh nỗi buồn của con mình. Ông cũng không hiểu bà Bản làm gì mà giờ này vẫn chưa có mặt. Ông đứng dậy với ý định về nhà kêu bà Bản. Một chớp mắt, ông Bản đã ra khỏi khu trường huyên náo.
Trong khi đó, bé Tơ vẫn đứng im nhìn quang cảnh trong trường. Lòng bé dâng lên bao niềm đau tủi. Đứa học trò nào cũng có ba có má. Còn bé, ba đi mãi chưa thấy về. Bé không còn ba nữa, người ba mà trí nhớ thấp thoáng mơ hồ của tuổi nhỏ chỉ ghi dấu đơn giản từ thân hình to lớn vững chãi. Ngoài ra bé Tơ không còn nhớ gì được hơn. Nhưng giá ba về với bé thật thì chắc là bé Tơ sẽ nhận ra ba ngay. Bé Tơ tưởng tượng giá hôm nay bé có ba có má. Cả gia đình ba người nắm tay đi trong sân trường. Và bé Tơ sẽ sung sướng và hãnh diện biết bao vì bé đã được chọn lựa để dâng hoa cho ông Đô Trưởng.
Bé Tơ thấy mình thiếu thốn rất nhiều, về đủ mọi phương diện, nhất là về tinh thần. Mặc dù bé Tơ có mẹ, nhưng tình thương của mẹ tràn trề đến đâu vẫn không đủ. Có cả hai bao giờ vẫn hơn. Và những khi lễ Tết, sự thiếu thốn càng rõ rệt.
- Các em học sinh nghiêm. Mời quý vị quan khách đứng dậy để chào mừng ông Đô Trưởng.
Bé Tơ giật mình. Bé nhớ tới nhiệm vụ của mình, cuống lên, tim đập mạnh. Bên ngoài đột nhiên im lặng hẳn. Chỉ còn tiếng máy phóng thanh rú gió từng hồi. Bé Tơ chồm người qua cửa sổ nhìn ra. Bé muốn ngắm ông Đô Trưởng, nhân vật quan trọng, oai nghi nhất. Nhưng bé chỉ thấy toàn đầu người lố nhố, bởi bé thấp quá.
- Tơ, em ở đâu rồi? Mau lên.
Cô giáo ở bên ngoài chạy vào lẹ như một cơn lốc. Cô vội vàng nhấc bó hoa trên bàn dúi vào tay Tơ, sửa đi sửa lại vài thế cầm rồi đẩy Tơ ra cửa. Tơ cũng luống cuống, vội vàng. Tai Tơ vẳng lời dặn của cô giáo về lời chúc mừng.
Bà Hiệu Trưởng mặc chiếc áo vàng xậm, đeo dây chuỗi trắng. Bà đã đứng sẵn bên ngoài tự lúc nào. Bé Tơ vừa bước ra, bà vội vàng kèm theo, vừa đi vừa nhắc:
- Đi chậm rãi. Cười mỉm một chút. Vậy đó.
Ông Đô Trưởng đã già. Tóc ông lấm tấm bạc. Tay cầm chiếc gậy láng bóng. Trông ông phúc hậu ghê. Ông tươi cười nhìn bé Tơ đang đến gần.
- Một em học sinh đại diện trao hoa chúc mừng ông Đô Trưởng. Các em học sinh vỗ tay.
Những tràng pháo tay rầm rập bao quanh. Bé Tơ cúi đầu chào ông Đô Trưởng, quýnh quáng đọc câu chúc mừng đã học thuộc lòng, suýt chút nữa là bé quên mất đoạn sau. Ông Đô Trưởng cầm lấy hoa trao cho người tùy tùng đứng cạnh rồi đưa tay bắt tay bé Tơ. Bé cảm động run cả người. Mọi cặp mắt đều đổ dồn vào chỗ bé đứng. Ông Đô Trưởng hỏi bé:
- Con học lớp mấy?
- Dạ thưa ông, con học lớp Ba.
- Giỏi quá hén.
Bà Hiệu Trưởng đỡ lời:
- Dạ thưa ông Đô Trưởng, em Tơ còn được giải thưởng do hội phụ huynh cấp nữa đó.
Ông Đô Trưởng tươi cười vuốt tóc Tơ, trong lúc bé Tơ mừng đến lịm người. vậy mà cô giáo giấu kín hoài.
- Thôi chào ông Đô Trưởng rồi về chỗ.
Bé Tơ cúi chào. Trên đường trở về phòng giáo viên, bé Tơ bắt gặp nhiều cặp mắt học sinh thèm muốn. Bé Tơ hãnh diện quá. Bé chợt nhớ tới mẹ. Nãy giờ bé quên mất. Ô kìa, mẹ kia rồi. Bà Bản ngồi ở hàng ghế chót, căn bìa của khán đài. Bé Tơ xin phép bà Hiệu Trưởng chạy lại báo tin mừng cho mẹ:
- Mẹ ơi, bà Hiệu Trưởng nói con cũng được phần thưởng.
Bà Bản cười nhìn con khen tặng. Vài phụ huynh nhìn chăm chú, có vẻ cảm phục. Bé Tơ bám vào thành sau khán đài la lên:
- Mẹ ơi, tí về mẹ chờ con với nhé.
- Ừa.
Bé Tơ cười toe trụt xuống định chạy nhanh về phòng giáo viên trình diện cô giáo nhận những lời khen mừng.
Cửa phòng giáo viên mở rộng. Có cô giáo, cả bà Hiệu Trưởng và vài giáo viên khác đang lăng xăng tìm kiếm gì trong phòng. Bé Tơ chạy vào như một cơn lốc.
- A, trò Tơ đây rồi.
Nét mặt chưa hết vẻ rạng rỡ, bé Tơ lễ phép thưa:
- Thưa cô kêu em.
Cô giáo đưa mắt nhìn bà Hiệu Trưởng. Các cô khác nhìn Tơ quan sát. Tơ ngạc nhiên:
- Thưa cô.
Cô giáo nghiêm giọng:
- Tơ, từ lúc em ở trong phòng có ai vào đây không?
Bé Tơ ngẩn ngơ vài giây. Đâu có ai vào đâu. Bé lắc đầu:
- Thưa cô… không…
Cô giáo Loan đứng ở đầu bàn nói tới:
- Chị xét thử trò Tơ coi. Học trò đời nay tinh khôn lắm.
Bà Hiệu Trưởng gật đầu:
- Phải đó. Tơ, trò có giấu gì sau lưng không?
Bé Tơ ngơ ngác không hiểu gì cả, bé ấp úng quay lưng lại như một cái máy. Cô giáo vội vã nắn lưng bé Tơ. Cô vuốt quanh người bé, bóp túi áo bé, lục lọi lung tung. Bé Tơ cứng người lại vì sợ. Bé liên tưởng đến hình ảnh người trong xóm đã lục lọi áo quần của một tên ăn cắp, giống như bây giờ. Bé mếu máo khóc không thành tiếng.
- Chắc không có bà Hiệu à.
- Chớ ai vô đây mà lấy? Từ hồi bà Hiệu ra, chỉ cò mỗi trò Tơ trong phòng thôi.
Cô giáo nắm hai vai Tơ lắc lắc hỏi:
- Tơ, em nói thật nghe, em có lỡ lấy cái ví của cô để ở đầu bàn không? Lỡ có lấy trả lại cô, cô tha cho, cô không bắt lỗi đâu.
Trời ơi, bé Tơ bật lên khóc nức nở. Cô giáo nói bé là con ăn cắp à? Trời ơi!
Bé Tơ kêu lên những tiếng ấm ức trong cổ họng. Nước mắt chảy ràn rụa trên mắt trên má. Tiếng cô giáo Loan dỗ dành. Tiếng bà Hiệu Trưởng đe dọa. Bé Tơ không nói được, bé chỉ lắc đầu.
- Em lấy cái ví rồi để ở đâu? Có lỡ mua quà thì nói với cô, cô không bắt đền đâu.
- Hay là nó không lấy thật.
- Vậy chớ ai vô đây? Chắc tại nó không có tiền ăn quà nên trót lỡ chứ gì?
Bé Tơ kêu lên:
- Không, không… Em không lấy của cô.
Bà Hiệu đe dọa:
- Em có lấy thì nói thực đi, không thì tôi đuổi em không cho em học đâu.
Cô giáo Loan nói nhỏ với cô giáo của Tơ:
- Nghe đâu nhà nó nghèo lắm phải không chị? Mẹ đi bán bánh rong, còn bố thì không có. Chắc nó nghèo nên nó làm liều. Vả lại thường mấy đứa không có bố lì lợm và ghê lắm chị ơi. Cứ dọa già là nó sợ phải trả lại.
Bé Tơ bật khóc lớn. Những câu nói như đâm xuyên qua tim bé, bé kêu lên:
- Mẹ ơi, ba ơi…
Tiếng kêu thảm thiết của bé Tơ làm bà Hiệu giật mình. Nhưng cô giáo vẫn còn tiếc của. Trọn một tháng lương của cô trong cái bóp. Bây giờ cái bóp không cánh mà bay. Cô cố vớt vát:
- Để cô kêu mẹ của em vào đây. Nếu lỡ lấy nhận tội đi rồi cô tha cho.
Bé Tơ không nói được, bé chỉ biết khóc nức nở vì bị tổn thương, uất ức và tủi thân. Thì ra vì không có ba, vì nghèo nên ai cũng khinh khi bé, kể cả cô giáo.
Cô Loan đã mời bà Bản vào phòng. Hình như cô đã nói chuyện với bà Bản nên trông bà thất sắc hẳn đi. Thấy con, bà Bản rưng rưng nước mắt nhìn Tơ hỏi:
- Tơ ơi con… Tại sao con làm vậy?!
Bé Tơ ôm chầm mẹ, vừa khóc vừa nói:
- Con đâu có làm gì đâu mẹ… Mẹ…
Bà Bản đau lòng quá sức. Bà ôm con mà hai hàng nước mắt chảy dài. Cô giáo của Tơ băn khoăn không biết tính sao. Chỉ có một mình bé Tơ trong phòng, và cái ví đựng tiền không cánh mà bay mất. Thấy bé Tơ khóc lóc thảm thương, cô thấy mình bất nhẫn, nhưng khi nghĩ đến tiền ăn, tiền nhà, tiền thuốc phải thanh toán cho những ngày sắp tới, cô lo sợ, cô nóng mặt rồi đâm ra oán hận người ăn cắp. Lòng nghi ngờ của cô càng gia tăng khi thấy bà Bản không nói một câu nào trách mắng con cũng như gạn hỏi dùm cô chiếc ví. Cô nói với bà Hiệu:
- Tôi đề nghị cúp phần thưởng của trò Tơ, để lại cho đến khi nào chiếc ví được tìm thấy. Với hạnh kiểm xấu, không ai được thưởng cả.
Bà Hiệu ngần ngại một giây, rồi gật đầu. Bên ngoài, tiếng người vỗ tay vang dội. Cô giáo tất tả chạy ra để xướng tên những học trò ưu tú được lãnh thưởng và học bổng của Hội phụ huynh học sinh.
Bé Tơ và bà Bản đã nghe được quyết định chót của cô giáo. Bé Tơ ngả đầu vào ngực mẹ khóc vùi, bà Bản thì đứng chết lặng bên con. Lòng bà như bị kim châm, muối xát. Bà không có cả lời để biện hộ cho con mình. Cổ họng tắc nghẹn. Bà Bản khóc theo con.
Bà Hiệu Trưởng đã ra ngoài, phòng không có ai ngoài cô giáo Loan lởn vởn trước cửa. Phụ huynh học sinh vỗ tay vang dội để mừng những người lãnh thưởng. Bầu không khí bên ngoài càng rộn rịp vui tươi đến đâu thì trong này lòng hai mẹ con bà Bản như chết từng khúc ruột.
° ° °
Ông Bản dừng lại trong chốc lát để ngắm nghía những khuôn mặt bạn bè quen cũ trên khán đài. Kìa là ông Thanh, ông Hãn, ông Toàn, mấy ông bạn đều khá ra cả, mặt mũi phương phi hồng hào trong bộ quần áo tây thẳng nếp. Dáng dấp cũ không còn dấu vết gì trên người họ, trừ nét mặt quen thuộc và giòng thời gian tàn phá.
Họ là những người bạn ngày xa xưa khi ông Bản chưa lấy vợ và còn là anh chàng phóng đãng. Kìa, anh chàng Toàn, người đeo kính trắng ngồi ở hàng ghế thứ hai là người luôn luôn đi cặp với ông Bản trong những cuộc đỏ đen. Kìa anh chàng Hãn, người có chiếc mũi cà chua, xa xưa là ông bạn nửa năm trong sở kế toán thuộc ngân hàng Việt Nam ở bến Bạch Đằng. Hãn là người bạn dễ thương nhất của ông Bản. Ông còn nhớ những lần thiếu tiền, Hãn cho vay mà không bao giờ nghĩ đến việc đòi lại. Hai người đã từng nằm, ăn, ngủ cùng một chiếu, một mâm, cùng chung một điếu thuốc cuối cùng.
Ông Bản liếc nhìn điếu thuốc trên tay ông Hãn ngày nay. Vẫn là loại Basto xanh.
- Tên này ghiền nặng Basto rồi.
Ông Bản mỉm cười. Ông nhìn bà Bản đang ngồi nghiêm trang trên khán đài. Ông nói mà quên đi mình không còn trên dương thế.
- Mình coi, mấy người bạn đó là bạn nối khố của tôi đấy.
Nhưng tiếng ông Bản đã chìm vào những tràng vỗ tay vang dội.
“Trách nhiệm của nhà trường là giáo dục học sinh, mở mang trí óc trẻ em, đào luyện chúng trở thành những người tốt trong xã hội. Thế nhưng, không phải vì vậy mà các bậc làm cha làm mẹ qui tất cả trách nhiệm vào nhà trường, bởi một nửa thời gian trong một ngày con cái quí vị sống gần gũi với quí vị và bổn phận của quí vị cũng lớn lao ngang với nhà trường. Quí vị không những có bổn phận giáo dục chăm sóc con em, mà cần phải giáo huấn chúng nữa. Một học sinh thành người không phải chỉ là một học sinh giỏi mà phải vừa giỏi dang vừa đức độ…
Từng câu nói của ông Đô Trưởng vang vang vào óc ông Bản. Ông giật mình khi tự thấy ông thiếu bổn phận nhiều quá đối với bé Tơ, đứa con thân yêu độc nhất của ông.
- “Khi con cái còn nhỏ tuổi, những lời lý luận, khuyên răn đôi khi vượt qua tầm hiểu biết của chúng, và rồi chúng sẽ để ngoài tai vì không lãnh hội được. Vậy, bổn phận của chúng ta là phải làm gì? Tôi xin thưa là điều đó không khó khăn lắm đâu quí vị. Chúng ta hãy đem cái đức sẵn có của mình, hãy lau sáng tâm hồn mình bằng những hành động minh chánh để làm gương cho con cái. Theo tôi nghĩ, đó chính là nền móng giáo dục mà người ta gọi là nề nếp gia phong… “
Ông Bản cúi đầu thấp xuống. Ta đã làm gì cho vợ, cho con. Phải chăng chỉ có một đời sống nghèo khổ và một dĩ vãng xấu xa?
May thay ông Bản chết đi và vì lý do nào đó, cái chết của ông vẫn còn giấu kín. Ông chết, để cái dĩ vãng kia chết theo. Và bé Tơ đỡ bị ảnh hưởng. Nhưng cũng đau đớn thay cho ông Bản là từ nay về sau mãi mãi ông không bao giờ được gần gũi con cái và tự tay dạy dỗ chúng thành nhân.
- Sau đây là danh sách những học sinh được thưởng học bổng do hội Phụ Huynh cấp.
Ông Bản mỉm cười sung sướng. Ông đã đọc qua danh sách này khi nó còn nằm trên tay bà Hiệu Trưởng. Ông đã thấy tên con mình. Lòng rộn ràng cảm động ông tìm bà Bản để chia sớt qua hư vô niềm hãnh diện của mình. Nhưng bà Bản không còn ngồi trên ghế nữa. Ông Bản ngạc nhiên nhìn dáo dác. Chả lẽ bà bỏ về nửa chừng? Ông nhớ đến bé Tơ đang ở trong phòng giáo viên, ông vội vàng lướt qua khán đài tiến thẳng đến phòng họp. Tim ông se sắt lại vì những tiếng nức nở tắt nghẹn của hai mẹ con bà Bản.
Trong phút chốc, ông Bản đã đọc và cảm nhận đầy đủ ý nghĩ của vợ và con. Lòng ông đau đớn quá. Giá như ông còn sống và ông tạo dựng được cho vợ con một đời sống tốt đẹp, no ấm thì làm sao có cảnh này xảy ra được.
Ông Bản đến gần dang hai tay như muốn ôm con và vợ vào lòng để an ủi. Nhưng ông không dám. Bây giờ ông đã là người chết, ông không có quyền gieo sự lạ lùng, kinh hãi cho đời sống vợ con. Ông chỉ còn biết lẩm bẩm nhưng lời tha thiết:
- Mình ơi, con ơi, tôi thật có lỗi khi đã làm một việc mà không suy nghĩ hậu quả của nó. Một người đã làm cha như tôi thì không khi nào được lầm lỗi nhất là những lầm lỗi làm cho đời sống con cái mình khó khăn và đau khổ hơn lên. Tha lỗi cho tôi nghe mình. Tha lỗi cho ba nghe con.
Ông Bản úp mặt vào hai bàn tay.
Bà Bản đã nín khóc, nước mắt không còn chảy nữa. Bà nhớ đến ông Bản và bỗng dưng không hiểu vì sao lòng bà ấm áp lại lạ thường tựa như vừa được an ủi vỗ về. Bé Tơ cũng vậy, có lẽ cơn khóc dài đã đến lúc phải chấm dứt. Bé ngẩng đầu nhìn quanh rồi chợt buột miệng:
- Mẹ à, con không lấy tiền của cô giáo thực. Và con cũng không thấy, không để ý đến ví của cô giáo nữa. Chắc có đứa nào đánh cắp của cô, chắc có đứa nào trốn sau cửa sổ đánh cắp của cô..
Bà Bản nhìn ra cửa sổ. Nhưng bà thất vọng. Biết ai là người ăn cắp để minh oan cho con bà bây giờ? Làm sao? Làm sao để rửa cái nhục này? Bà Bản lại dâng trào niềm tủi thân. Mắt bà sóng sánh nước.
Ông Bản đến bên cửa sổ nhìn ra ngoài. Những hàng dâm bụt xanh um, um tùm phủ kín bờ giậu làm bằng dây thép gai. Mấy dấu chân chi chít trên bờ đất thịt còn lờ mờ. Trí óc linh mẫn của ông Bản hoạt động. Ông ngửi thấy một hơi người quen thuộc thoảng nhẹ trên thành cửa. Ông đã nhớ. Ông bốc người dọc theo những bước chân loạn đả còn ghi dấu men theo dãy tường nhà phía ngoài.
- Chắc tụi nhỏ trả thù con Tơ đây.
Ông Bản lẩm bẩm. Ông băng mình qua những hàng học sinh ồn ào, vượt qua mấy tấm bảng kẻ chữ để tìm kiếm mấy đứa nhỏ hồi sáng.
Ông Bản bắt gặp chúng đứng ở thật xa sau cùng, dưới bóng cây. Chúng giả bộ như trốn nắng và bàn tính chuyện một cách e dè.
- Bây giờ làm sao? Chết! Tao đã nói mà không nghe. Bây giờ làm sao trả lại?
- Tao đâu có ngờ nhiều tiền như vậy. Mà tao không biết là của cô Anh.
Con Liên than thở một cách tuyệt vọng:
- Chết, bà Hiệu mà biết được! Tao biểu hù nó chớ ai biểu lấy ví làm chi?
Con Liên phân trần:
- Thì tao tưởng, lấy để nó đi kiếm chớ ai dè.
- Giờ làm sao đây trời? Mi dú ở đó chưa? Để đứa nào lấy là mang họa đó.
Con Liên rưng rưng nước mắt như sắp khóc. Nó bứt đầu bứt tai:
- Đứa nào để cái ví của cô Anh lại chỗ cũ đi. Chớ không…
- Tại mi chớ…
- Tại tụi bay. Tao nói thôi mà tụi bay cứ biểu phải tới chửi con Tơ.
Con Liên đã bắt đầu sợ hãi thật sự. Nó khóc rấm rức. Hai đứa kia quýnh quíu cả lên. Một đứa đề nghị:
- Hay mình đem tới đưa cho cô Anh rồi nói là tụi mình nhặt được?
- Không được đâu. Cô biết thì chết.
Con Liên la lớn:
- Tại tụi bay hết đó.
Cả ba đứa đều thừ người ra. Trong một phút bốc đồng tưởng chỉ đùa giỡn chơi, ai ngờ bây giờ gặp phải nhiều khó khăn, hãi sợ thế này.
Ba đứa, mỗi đứa một tâm sự nhưng chung một lòng hối hận. Con Thẩm mặt mũi tái xanh, mắt cứ long lanh, nước chỉ chực trào ra khóe mắt. Giá như bây giờ cô giáo Anh xuất hiện, chắc ba đứa đều òa khóc lên một lượt.
- Hay tụi mình bò ra đằng sau cửa sổ hồi nãy thò tay vứt cái ví của cô vô trỏng đi, chắc là cô tưởng là làm rớt.
Gương mặt con Liên tươi hơn một chút. Trí óc non nớt của chúng nghĩ ra kế đó và cho là đắc sách lắm. Ba đứa chạy ra sau nhà vệ sinh lấy cái ví chôn dưới đống lá dâm bụt vun bên gốc cây sầu đông, rồi theo lối cũ, khom người bò lần đến. Con Liên bò nhanh nhất. Nó đã bỏ hai đứa bạn một khoảng và vượt xong dãy nhà vệ sinh để quẹo ra đằng sau. Chợt nó khựng lại. Mấy dãy cửa sổ suốt 6 lớp học đều đóng im ỉm. Làm sao mở cửa sổ đây? Con Liên đứng thẳng dậy, chạy lui ra sau nói với bạn.
Ông Bản vẫn theo dõi ba đứa nhỏ. Ông cũng mong rằng chúng nó trả lại cái ví tay cho xong. Ông yên lòng nghĩ đến phần thưởng của con mình. Chỉ mường tượng ra gương mặt vui tươi sáng rỡ của bé Tơ thôi, ông Bản cũng nghe lòng mình ấm lại.
Nhưng, ô kìa, sao cánh cửa sổ ai đã đóng lại? Con Liên đã lui lại. Một thoáng nghĩ ngợi, ông Bản đã đến bên cửa sổ, xuyên qua tường vào phòng tiện tay mở tung cánh cửa sổ.
Bé Tơ và bà Bản vẫn còn ngồi trong phòng. Cô giáo Loan cũng ngồi ở góc bên kia, ý chừng chờ giờ bế mạc buổi lễ và trông chừng mấy cái xách tay của các cô giáo khác.
Trong khi ấy, ở bên ngoài, con Liên đang thầm thì với các bạn:
- Cửa sổ đóng hết rồi tụi bay ơi. Chết rồi!
Con Thẩm nghi ngờ:
- Thật không? Hay là chỉ khép thôi? Chắc gió khép đó. Mới mở mà? Cô Anh ở ngoài khán đài đó. Ai vô ra mà đóng cửa?
- Tao đã nói là đóng kín hết mà. Không tin tụi bay tới coi đi.
Ba đứa gục gặc đầu đi tới. Lần này chúng đi thẳng người chớ không chui cúi gập e dè như trước nữa.
Bỗng con Thẩm ngồi phục xuống rồi kêu lên:
- Đồ con mắt lộn tròng hả? Cửa mở kìa!
Cánh cửa mở thiệt. Con Liên ấp úng:
- Hồi nãy tao thấy khép mà.
- Mày tổ xạo. Rõ ràng tề. Bộ đứng chàng ràng đó hả?
Con Liên giật mình ngồi xuống. Ba đứa nối đuôi nhau lò mò đến.
- Ngẩng lên xem có ai không tụi bay?
Con Liên nhổm người dậy từ từ. Nó nhổm lên, nhổm lên.
Cô giáo Loan đang ngồi tẩn mẩn mấy tấm áo len đan dở. Cô săm se những hàng dệt để kiếm cách tìm hiểu xem phải đan như thế nào để thành được những quả trám bỏ lỗ tuyệt khéo này. Bỗng có ai đập vai cô thật mạnh. Cô giật mình nhảy nhổm. Bà Bản và bé Tơ đang ngồi buồn xo ở một góc. Ý chừng họ chờ để gặp bà Hiệu Trưởng. Vậy chứ ai vừa đập vai cô? Hình như có ai nắm áo cô, níu ra đằng sau nữa. Cô quay lại. Cánh cửa sổ mở rộng. Và cái gì thế kia? Một chỏm đen ở thành dưới cửa sổ nhô lên. Dừng lại một chút. Một cái chỏm tóc. Ai thế kia? Cô giáo Loan nhẹ nhàng đứng dậy nép vào tường cạnh cửa sổ một cách lẹ làng. Cái đầu, rồi hai con mắt. Một bàn tay đưa lên…
Cô giáo Loan quơ tay ra ngoài túm được cánh tay của con Liên. Nhanh như chớp, cô giữ chặt lấy và quát hỏi:
- Trò nào đây? Làm gì mà lấp ló?
Hai đứa kia vùng dậy chạy trốn mất dạng. Chỉ còn con Liên với cánh tay bị khóa cứng. Nó sợ quá òa lên khóc nức nở. Cái ví của cô giáo Anh rơi xuống đất. Bé Tơ và bà Bản đã chạy tới.
- Cô, cô, cái bóp.
Bé Tơ trèo nhanh qua cửa sổ, tụt ra ngoài, lượm cái ví, phủi cát dính trên đó rồi đưa cho cô giáo Loan.
- Đâu có phải em lấy cô. Trò Liên mà cô nói em.
Cô giáo Loan không trả lời, quắc mắt hỏi con Liên:
- Tại sao trò có cái ví này? Nói thật, không cô đưa ra hội đồng kỷ luật.
- Cái gì đó chị Loan?
Cô giáo Anh đã xong công việc của mình. Buổi lễ đã kết thúc. Quan khách đang rộn ràng ra về.
- Cái ví của chị nè.
Cô giáo Anh mừng rỡ, tíu tít hỏi:
- Ở đâu vậy? Mà tại sao thế này? Tại sao trò Liên… Ủa…
Cô giáo Loan thả tay con Liên ra:
- Loan đang ngồi trong phòng, thấy trò này thập thò ở đây, chạy ra tóm lấy. Té ra trò đang cầm cái ví của chị. Loan giữ lại đó.
Trong khi đó con Liên vẫn khóc nức nở, khóc như mưa như gió. Quả thật, con Liên đã sợ hãi đến quá độ. Nó nghĩ đến kỷ luật của nhà trường, những ngọn roi phũ phàng của ba nó. Nhưng làm thế nào bây giờ? Tụi kia đã bỏ trốn mất rồi. Càng nghĩ, con Liên càng nức nở mà không thốt được một lời nào.
Cô giáo Anh thì hiểu rồi. Cô mở chiếc ví kiểm điểm lại tiền bạc. Thấy không mất mát gì, cô đã bớt giận, mặt tươi lên. Nhưng không thể dễ dãi với đứa học trò xấu như vậy. Cô phải phạt để răn dạy học trò. Cô lấy giọng nghiêm hỏi:
- Có phải trò lấy cái ví này của cô không?
Con Liên không còn chịu đựng được hơn nữa. Nó vừa khóc vừa thú nhận:
- Dạ, hổng phải em cố ý lấy. Em với trò Thẩm, trò Nhan định dú đi để chọc trò Tơ, bị trò đánh tụi em. Chớ em đâu cố ý.
- Trò lấy hồi nào?
- Dạ, hồi nãy lận.
Cô Anh ngạc nhiên:
- Sao? Bây giờ trò lại đây để…
- Dạ, em với tụi nó tới để trả lại cho cô… Tụi nó bỏ chạy hết rồi.
Cô giáo Anh lắc đầu:
- Quá lắm rồi…
Cô định phạt thật nặng mấy đứa học trò rắn mắt. Nhưng chợt nhớ lại bé Tơ đang đứng với bà Bản ở bên, cô hối hận lắm. Cô quay lại nói với bà Bản:
- Dạ… Thưa bác, cháu xin lỗi bác, tại cháu không kịp suy nghĩ kỹ. Xin bác bỏ qua cho. Còn Tơ nữa. Cô xin lỗi nghe, để cô lấy lại phần thưởng cho Tơ. Tại cô giận quá.
Bà Bản cười đáp:
- Không hề gì cô à. Cô biết được ai là kẻ cắp là mẹ con tôi vui rồi. Cô đừng quan tâm gì hết. Ở trường hợp cô chắc tôi cũng vậy. Đồng tiền khó kiếm, mất đi ai mà không đứt ruột.
Cô Loan cũng ân cần tạ lỗi với bà Bản:
- Cháu thiệt cũng đoảng vị, không đoán ra là có thể có kẻ thò tay vào lấy. Cũng may chúng không có ý lấy thật.
Bà bản nhìn con Liên tội nghiệp. Bà kiếm cách xin tội giúp nó. Trông nó cũng bằng tuổi bé Tơ.
- Tui cũng nghĩ là tụi nhỏ chỉ định ghẹo con Tơ nhà tui chớ không định ăn cắp cái ví của cô. Thôi cô cũng bỏ qua cho.
Cô giáo Anh đắn đo vài giây rồi gật đầu nghiêm giọng nói với con Liên:
- Nể lời má em Tơ, cô tha cho. Lần sau mà còn như vậy nữa là cô nói với bà Hiệu Trưởng đưa ra hội đồng kỷ luật đó nghe. Thôi, về đi.
Con Liên lí nhí:
- Cám ơn cô. Dạ, cám ơn bác. Thưa cô em về.
Thưa xong, nó thiểu não đi nhanh vòng trở lại sân để ra về. Bên ngoài trời đã khá trưa. Cây bã đậu đứng bóng. Nắng chói chang nhưng gió vẫn đưa cái lạnh buốt da. Bà Bản nhìn sân trường rồi quay vào nói với con:
- Trưa rồi, sửa soạn xin phép cô giáo về.
Cô Anh vội vàng ngăn lại:
- Khoan đã, Tơ chờ cô một chút. Phần thưởng với học bổng của Tơ còn kia. Lẽ ra em được trao ở ngoài. Nhưng, thôi…
Bé Tơ hân hoan ôm gói phần thưởng bao giấy bóng đỏ mịn láng. Mặc dù bé Tơ hơi tiếc một tí. Giá con Liên trả cái ví sớm thì hồi nãy bé đã được xướng danh rồi. Tuy nhiên bé vẫn vui như Tết.
- Tơ học chăm lắm bác. Khá lắm.
Bà Bản cười nhẹ. Bà vuốt tóc con, lòng sung sướng. Niềm hãnh diện trào ra khóe mắt. Nhưng phải về chứ. Chiều bà còn đi bán hàng. Hai mẹ con chào cô giáo Anh và cô giáo Loan rồi đưa nhau ra về. Nắng đổ ròn trên lối đi. Bà Bản tháo khăn quàng cổ buộc đầu. Bóng hai mẹ con sát vào nhau chụm tròn quanh bước chân.
Cả hai không trông thấy, không thể nào trông thấy được, phiêu hốt bên cạnh không rời là ông Bản. Ông phơi phới vì mình đã xóa được nỗi buồn của vợ con và còn đem lại được niềm vui cho hai người thân yêu đó. Ông mỉm miệng cười. Nắng ngợp tràn trên ông nhưng không đổ bóng xuống mặt đường.
Cao Như Đỉnh Thái Cao Như Đỉnh Thái - Kim Hài Cao Như Đỉnh Thái