Số lần đọc/download: 3481 / 58
Cập nhật: 2016-07-06 02:05:47 +0700
Phần I - Chương 1
M
ùa xuân năm ấy, khi những cây ban bên sườn núi trút hết lớp lá hình chân ngựa rách rưới, nở rộ đầy cành những bông hoa trắng năm cánh, thì cuộc chiến đấu trên chiến trường Điện Biên Phủ bước vào giai đoạn quyết liệt nhất. Sau khi tiêu diệt các đồn Him Lam, Độc Lập, Bản Kéo, gọt được lần vỏ ngoài của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, chúng ta chuyển sang giai đoạn hai của chiến dịch tiến đánh vào khu trung tâm.
Ba mươi tư vị trí địch, trong đó có sở chỉ huy của tướng Đờ Cát và sân bay, nằm chen chúc nhau giữa cánh đồng. Những ngôi nhà sàn, quê hương của những điệu xòe và cây đàn tính, những vườn cam, bưởi mơ, muỗm trĩu quả đã bị san bằng không còn sót lại một chiếc cột, một thân cây. Tất cả đã trở thành công sự địch. Con sông Nậm Rốm mọi năm vào mùa này, trong xanh, êm đềm chảy ngang các bản mường, giờ đen ngòm gai góc vì phủ đầy dây thép gai và mìn của địch. Năm quả đồi phía đông tô đẹp cho cánh đồng, chỉ còn là những ụ đất lớn đỏ hỏn, nhớp nhúa, bệnh tật. Dù tiếp tế các màu rơi đầy trên những vị trí. Từ trên cao trông xuống, cả khu trung tâm của địch như một miếng thịt khổng lồ, bầy nhầy đọng máu, ruồi nhặng bâu đặc.
Trong khi địch chặt hết cây cối, đốt trụi từng búi lau, từng đám cỏ gianh quanh vị trí để phơi mình ra giữa trời, thì quân ta cố gắng náu mình thật kín đáo dưới đám rừng xanh đậm của những rặng núi bao quanh cánh đồng. Đường hào trục nối liền các vị trí trú quân của ta, nằm vắt trên những quả đồi, giấu mình đỏ son dưới bóng um tùm của những cây dẻ vỏ khô mốc nứt nẻ, những rừng vầu, trúc, nứa, tre xanh ứ nước. Nó đổ dồn từ trên núi cao xuống cánh đồng. Địch đã giội hàng loạt bom napan ở cửa rừng, thiêu cháy những quả đồi cỏ gianh, để tìm những đường hào ăn về vị trí tập kết của quân ta. Nhưng những con hào khôn ngoan vẫn giấu mình dưới dàn cây ngụy trang hễ đổi sắc là được thay ngay. Chúng men theo những quả đồi trọc bù xù những câu chó đẻ rồi tỏa ra ngang dọc trên mặt cánh đồng. Vào thời gian này, trận địa chiến hào của ta đã trở thành một sợi dây thòng lọng khổng lồ vây quanh tập đoàn cứ điểm. Địch đã không tiếc bom đạn để ngăn chặn bước tiến của những đường hào. Nhưng cứ sau mỗi đêm, những con hào không biết chết ấy, lại mọc thêm chân thêm tay, lại ngóc đầu bò đến gần các vị trí của chúng hơn.
Trưa hôm nay, bầu trời Điện Biên vẫn còn thâm tím vì những trận mưa dầm dề mấy ngày qua. Từ buổi sớm mưa đã ngớt, nhưng mặt trời vẫn chưa ngoi lên khỏi biển mây xám đục. Đất ướt sũng nước mưa, thở ra một thứ hơi nồng oi ả, nặng trịch. Những rặng núi cao dần lên từng đợt bao quanh cánh đồng Mường Thanh bốc hơi nghi ngut. CẢ cái lòng chỏa khổng lồ này vẫn u uẩn trong một thứ mù trắng pha sắc xám nhiều lúc vẩn lên dữ dội.
Thường thường vào buổi trưa, những đường hào trên trận địa nằm im phơi mình sưởi nắng mặt trời, hay ngủ lặng dưới rừng cây. Nhưng trưa nay nó đang cuộn lên, dướn mình về phía địch.
Lệnh tiến quân đến sau bữa cơm sáng.
Các chiến sĩ, từ những hầm hố bám chân rết dọc theo đường hào trục, đã dồn ra chật chiến hào. Hôm nay, họ chỉ mang theo trang bị chiến đấu. Ba lô, chăn màn, quần áo, những đồ dùng giản dị của họ đã gửi cả lại cho bộ phận hậu cần phía sau. Tuy bớt nặng nề đôi chút, nhưng họ vẫn không gọn gàng hơn bao nhiêu. Súng, đạn, bộc phá, thủ pháo, lựu đạn, cơm nắm, ống tre đựng nước... lỉnh kỉnh đầy trên người. Để đôi cánh tay được dễ dàng sử dụng vũ khí, các chiến sĩ đã tìm mọi cách, đeo hoặc cột chặt những thứ đem theo vào người. Bộc phá khối đánh lô cốt đeo trên lưng như ba lô. Những quả thủ pháo tròn khó buộc quai, được nhốt trong những chiếc rọ nhỏ đan bằng tre, lồng vào thắt lưng, bám một vòng quanh bụng. Xẻng, cuốc đều được buộc dây đeo trên người.
Tiếng lựu đạn va nhau lục cục. Tiếng thép của lưỡi xẻng mỏng chạm vào nòng súng lanh canh. Người ta còn nghe cả tiếng sột soạt của những bộ quần áo chưa giặt hết hồ. Hầu hết các chiến sĩ đều mặc quần áo mới. Họ đã có thói quen dành những bộ quần áo đẹp nhất, mới nhất cho những ngày đặc biệt này. Có người, vì nghĩ đến những điều thiết thực, thứ vải mới sẽ bảo vệ cho họ phần nào trước những mấu dây thép gai. Có người, vì nghĩ đến những điều xa xôi..., mình sẽ ngã trên chiến trường, phải bước sang thế giới bên kia với một bộ quần áo đẹp.
Cũng vẫn là những chiến sĩ bình thường mọi ngày, nhưng hôm nay họ uy nghiêm lạ thường. Sương nắng, đói rét, thiếu thốn, bom đạn của chiến trường đã tạo trên người họ những nét giống nhau. Mấy tháng nay họ ăn, ngủ, làm việc, học tập ngay trong tầm súng cối cỡ nhỏ của địch. Đêm đêm, lần vào gần vị trí địch kiến thiết trận địa dưới những trận bão đại bác. Ban ngày mọi sinh hoạt đều tiến hành trong những căn hầm nhỏ hẹp không thể đứng thẳng người, có khi hàng tuần không rửa mặt, rửa chân tay. Ca, bát sau bữa cơm, chỉ lau bằng lá tre ráp. Trời mưa to, vừa ngủ ngồi vừa tát nước từ chiến hào tiêu không kịp chảy vào hầm. Mỗi đêm đi đào trận đại về, đơn vị lại vắng thêm một vài người, Họ nghiến răng chờ những ngày chuẩn bị căng thẳng này qua đi. Và hôm nay, giờ chiến đấu đã đến. trong tâm hồn họ bỗng chốc được lọc đi những cấn sạn, được rút đi những sợi dây bé nhỏ thường làm vướng mắc họ trong cuộc sống hàng ngày. Đầu óc họ trở nên trong sáng, minh mẫn. Đôi khi một kỷ niệm xưa cũ đột ngột hiện ra trong đáy sâu thẳm của ký ức, một người thân, một gnafy đen tối, một mái nhà tranh... nhưng rồi mọi suy nghĩ đều mau chóng quay về tụ tập quanh nhiệm vụ lát nữa họ sắp phải làm. Họ nghĩ dến những trường hợp chiến đấu khó khăn sẽ xảy ra, và lúc đó họ phải dùng khẩu súng, lưỡi lê như thế nào... Tinh thần họ thẳng căng những tình cảm tốt đẹp. Cơ thể khô héo mệt mỏi của họ bỗng như được tắm trong một thứ nước lạ kỳ tươi tốt hẳn lên, tràn đầy sức sống.
Con chim hót như tiếng người huýt sào thường đến khua động sự yên tĩnh của khu rừng này vào những buổi trưa, vừa về đậu trên cảnh dẻ, thấy quang cảnh nhộn nhạo ở đây, nó xù lông, giương đôi mắt đen tròn nhìn mọt lúc, rồi vỗ cánh bay đi.
Gió đưa lại mùi hăng hăng của những trái bom napan, mùi khét nồng của những búi chó đẻ bị thiêu cháy, và đôi khi, mùi khắm lặm của một con trâu lạc bị chết vì đạn đại bác.
Chân đại liên ba chạc kềnh càng, nòng “mác – xim”, bộc phá ống, súng trường, tiểu liên... tua tủa như một hàng chông vừa dựng lên miệng chiến hào. Dòng người cuồn cuộn đổ xuống núi.