Số lần đọc/download: 1083 / 12
Cập nhật: 2015-12-15 20:54:17 +0700
Chương 2
B
uổi chiều mùa hạ đẹp như một giấc mộng. Nắng vàng hoe trải dài trên thảm cỏ xanh, nhuộm vàng những viên sỏi trắng tròn, nhỏ xíu ở lối đi. Cây hoa nguyệt quý thoảng hương thơm ngát tỏa ra từ những nụ hoa trắng nuốt như mây trời. Bầu trời xanh chen lẫn những dãy mây hồng vàng tím tỏa ra thành hình cánh quạt. Tất cả mọi tiếng động náo nhiệt chìm mất ở khoảng vườn sau. Chỉ có tiếng gió lao xao trên lá. Mây dựa đầu vào một góc mận. Vài cánh hoa nở muộn rơi phấn, rắc nhụy lên góc Mây. Mây trải tóc dài trên tay nhẹ nhàng rút những sợi nhụy mỏng mảnh ướp phấn nhẹ như khói và phớt màu xanh non. Đùa với tóc chán, Mây mơ mộng nhìn trời cao, rõi mắt trong khoảng không mơ hồ. Lòng Mây êm như trời chiều. Một nổi xao động dịu dàng nào đó trong lòng. Từ ngày về ở với bà Tuyết Hoa đến nay, hôm nay là lần đầu tiên Mây ngắm nhìn trời và cảm thấy cái đẹp của thiên nhiên. Khoảnh khắc, Mây thấy lòng mình lạ hẳn ra. Có một ao ước thầm kín nào đó mà không nói được thành lời. Từ trên lầu cao, có tiếng vĩ cầm dạo nhè nhẹ, lên cao dần cao dần rồi réo rắt. Bài Đêm Thu. Mây ngước lên nhìn khung cửa sổ có trồng chậu hoa biện lý quấn quít những hoa hồng và trắng. Tiếng vĩ cầm từ đó thoát ra. Mây mỉm cười lẩm bẩm:
- Cậu Văn.
Văn, anh của Mai, con bà chủ nhà đã nghĩ hè về nhà được gần một tuần lễ rồi. Ngay hôm đầu tiên Văn về đến nhà Mây đã có cảm tình với người thanh niên sang trọng đó ngay.
Văn thật là mộng người thanh niên lịch duyệt và tế nhị. Trước mặt Mây, Văn không hề xem Mây như một người giúp việc trong nhà, luôn luôn Văn nhắc nhở đến sự giúp đỡ của Mây với em mình, và xem Mây ngang hàng như những người bạn thiết của Mai. Tự ái và mặc cảm trong Mây bị đánh tan. Đôi lúc Mây quên mình đã từng là một người hát dạo xin ăn khắp Sài Gòn. Tuy nhiên ít khi nào Mây dám bắt chuyện với Văn ngoại trừ trường hợp Mai nhờ Mây hỏi anh mình vài điều gì đó. Đi phố về, Văn mua cho Mai một cái bánh mì thì cũng mua cho Mây một cái. Mai có một cái cặp tóc, Mây cũng được Văn nhớ biếu một cái cặp giống hệt. Thái độ của Văn gieo trong lòng Mây niềm thương kính.
Nhưng có một điều lạ, là từ hôm Văn về, Mây thấy mình lơ đểnh nhiều hơn, mơ mộng hẳn ra. Đôi lúc trí óc rỗng không lâng lâng như sương khói, bay bổng mà chẳng vì một lý do nào cả.
Gió thổi dạt tiếng vĩ cầm của Văn càng lúc càng réo rắt. Bản nhạc đã qua đoạn điệp khúc. Mây nương theo tiếng đàn hát một mình. Đêm xuống dần, ánh trăng lan dịu dàng, đông buồn trong ánh sao, như chiếu vào mắt ta bao lạnh lùng, ru hồn ta rồi tan. Làn gió lướt thướt cuốn đưa lòng ta phiêu diêu theo mây trắng trôi lờ lững…
Mây say sưa hát, lòng rung động nhẹ nhàng. Mây mãi mê không nghe cả tiếng còi xe giục giã ở bên ngoài. Bà Tuyết Hoa đưa con đi châm cứu về.
Bữa cơm tối sang như một bữa tiệc. Đủ tất cả cac món ăn ngon. Đây là bữa cơm mừng Mai đã cử động được hai chân. Đôi chân bất động tưởng như không còn liên lạc gì được với phần trí óc, thì nay đã nhúc nhích được. Gương mặt Mai tươi như hoa. Bà Tuyết Hoa nhắc lại lời cam đoan của ông thầy Nhựt chuyên khoa châm cứu:
- Khoảng hai tháng nữa thì con Mai có thể đi được rồi. Đi chậm chậm quanh nhà. Chừng 5 tháng thì có thể đi dạo phố một hai tiếng đồng hồ và đúng một năm thì như người bình thường.
Chị bếp và anh Tài cũng được dự chung bữa cơm vui này. Mai miệng ngồm ngoàm một cái gân gà đẻ, chị bếp nói theo:
- Bữa mô cô đi được, bà làm tiệc thiệt lớn mừng cô đi.
Bà Tuyết Hoa cười:
- Có chớ, cái đó còn hơn trúng số độc đắc nữa.
Văn cười:
- Anh em mình có chầu dắt díu nhau đi coi xi-nê nữa chớ.
Mai cười thật tươi. Niềm hy vọng đã làm Mai tăng thêm sinh lực. Cuộc sống bắt đầu có ý nghĩa hơn và Mai tha thiết mong thời gian qua thật mau.
- Nhưng mẹ phải nhờ một người tập cho Mai đi lại chớ.. Lâu ngày phải để cho chân có cơ hội di động, trở lại hình dáng bình thường được.
Bà Tuyết Hoa gật đầu:
- Có, ông Tozoki có dặn dò me là phải xoa nắn và tập đi dần mỗi ngày một ít nhứt là một tiếng đồng hồ. Thời gian đầu thì đau lắm và khó khăn, nhưng Mai phải biết nhẫn nại. Có Mây đây, đỡ em một tý. Cháu ráng giúp bác một ít lâu nữa nhé.
Mây cúi đầu:
- Đó là bổn phận của cháu mà.
Văn nói thêm:
- Con chỉ sợ cô Mây không đủ kiên nhẫn để tập cho Mai chớ. Vả lại, người tập cực lắm. Nhứt là tập cho con nhỏ nhõng nhẽo này.
Mây đưa mắt nhìn Văn trách móc ngụ ý nói. Sao anh nghĩ vậy. Chẳng những đó là bổn phận của tôi rồi à đó cũng là để đáp lại lòng tốt của mẹ anh đối với tôi.
Văn như hiểu ý nói chữa:
- Nhưng với Mây, mẹ tôi và Mai đặt hết hy vọng vào đó. Cô dễ thương, dễ tính và chịu khó…
Bà Tuyết Hoa với tay lấy một miếng đu đủ tráng miệng. Bà ngắt ngang lời của con trai.
- Mẹ biết tính Mây rồi. Giỏi lắm.
Bữa cơm chấm dứt trong bầu không khí vui vẻ. Khi chị bếp dọn bàn xong và Mây chế thêm nước sôi từ ấm phích vào bình trà, đột nhiên Mai đề nghị.
- Chị Mây hát cho cả nhà nghe đi.
Bà Tuyết Hoa cười:
- Thôi để Mây nó nghĩ. Con nay nhiều chuyện quá. Hát hò suốt ngày.
Văn nhìn Mây cười:
- Ờ, tôi nghe Mai ca tụng giọng hát của Mây lắm. Mây hát cho Mai nghe, sau nữa có tôi nghe ké với.
Mây ngượng ngùng. Làm sao có thể cất tiếng hát được. Không biết nói sao để từ chối, Mây luống cuống nhìn Mai cầu cứu. Văn nói thêm:
- Hát hay không bằng hay hát. Tui năn nỉ đó. Để tôi đi lấy cây đờn nghe.
Thoáng một cái, Văn đã chạy ra, tay xách cây vĩ cầm. Chàng mở bao bọc, đưa cây đàn lên vuốt nhẹ. Một âm thanh nhẹ như gió thoảng.
- Bây giờ cô Mây hát bài gì nào.
Mây bậm môi, nhưng không dám từ chối vì sợ Văn giận. Song nếu hát. Nếu hát dở thì… Mây không dám nghĩ tiếp, trong khi chị bếp bồi vào một câu:
- Trời, cô Mây hát được ghê nơi. Hát đi cô Mai, bữa nọ cô hát chỗ đông người còn được huống hồ bữa nay toàn người trong nhà cả.
- Rồi, Mây hát bài chi.
Mây nhìn Văn. Người con trai ngồi đó trong một thế cầm đàn thật đẹp. Đầu hơi cúi, tóc lòa xòa trước trán. Không có một người con trai nào Mây quen mà đẹp đẽ, lịch sự, tài hoa như vậy. Thằng Sung, thằng Nhạn thua xa… Trong trí Mây chợt vẳng lại khúc đờn hồi chiều. Bài Đêm Thu. Và bỗng dưng Mây bật ra tiếng hát:
- Vườn khuya trăng chiếu, hoa đứng im như mắt buồn. Lòng ta xao xuyến, lắng nghe lời kia. Cánh hoa vương buồn trong gió. Bóng hương yêu nhẹ nhàng say, gió lay… Cành sương nặng trĩu…
Gian phòng im lặng. Chỉ có tiếng hát của Mây và tiếng vĩ cầm của Văn hòa nhịp. Khoảnh khắc, Mây như say như ngây theo lời hát. Trong trí Mây, một khoảng vườn khuya trăng rỡ ràng soi trên lá cây. Bóng hoa lay, tiếng gió rì rào… Không có ai chung quanh, chỉ Mây với những mơ mộng đầu đời của tuổi dậy thì.
Lời cuối của bài hát đã dứt, nhưng âm thanh cua tiếng đàn còn kéo dài âm vang trong không khí. Tiếng vỗ tay đồm độp làm Mây chợt tỉnh. Mây liếc nhìn Văn. Văn bỏ đàn, nhìn Mây tấm tắc:
- Mây hát hay thiệt..
Mây sung sướng lẫn xấu hổ. Má ửng đỏ. Lời khen như cánh gió đưa bỗng tự ái Mây lên cao vút.
- Ấy, chị Mây hát vậy mà bác Phong nói chưa được anh, còn tập luyện nhiều nữa.
- Với Mây, hát vậy là khá lắm đó.
Mây sung sướng quay đi để giấu vẻ thẹn thùa. Tim Mây đập mạnh, mạnh quá đến độ sợ người khác nghe tiếng tim mình. Mây chạy vội xuống nhà dưới, lẻn ra sau vườn. Mây vịn tay vào thân cây ngâu để trấn tĩnh. Khi cơn sung sướng đã qua đi, Mây thừ người ngạc nhiên không hiểu tại sao lời khen tặng của Văn lại có giá trị đến thế, hơn cả lời khen của Mai, hơn cả tiếng vỗ tay của khách ngày sinh nhật. Mây ngạc nhiên vì không trả lời được, không phân tích được những tia hạnh phúc đang chảy mạnh trong lòng.
° ° °
Mây mặc một chiếc áo màu hồng nhạt, óng ánh kết bởi những ngôi sao nhỏ sáng long lanh. Mái tóc dài đen chảy tràn như một giòng suối êm. Mây đứng giữa một bãi cỏ xanh. Những cây hoa chen chúc khoe rực rỡ. Mây đứng mãi trong dáng chờ đợi. Từ đàng xa vọng đến tiếng vỹ cầm réo rắt. Mây cất tiếng hát. Tiếng hát đua theo gió, vương vít với tiếng đàn. Người kéo đàn xuất hiện, gương mặt quen thuộc với mái tóc bời bời trong gió, rũ xuống trán. Và chung quanh hai người bỗng xuất hiện không biết bao nhiêu là khán giả. Họ đứng nghe trong im lặng. Và khi Mây dứt tiếng, thì những lời khen tặng vỡ òa trên hàng ngàn cửa miệng. Người đánh đàn vuốt tóc mỉm cười, đó là Văn. Văn nhìn Mây nhìn thật lâu. Khán giả tản mát. Đầu Mây cài thêm một vương miện lóng lánh tượng trưng cho giọng hát bằng vàng. Văn tiến lại sát gần, tay chàng cầm một bó hoa kết bằng hàng trăm loại hoa tuyệt đẹp. Văn trao cho Mây. Cả hai đi dạo dưới trời chiều…
Mây choàng tỉnh dậy. Giấc mơ còn phảng phất trong trí óc như một chuyện có thật. Mây nhắm mắt rồi lại mở mắt. Mai vẫn thở đều hòa bên cạnh. Hắt qua cửa sổ là ánh trăng trong mờ như lọc. Đêm thật yên và mát. Gió động xôn xao bên ngoài vườn. À, thì ra đó chỉ là giấc mơ. Mây trở mình. Giấc mơ đẹp quá. Ảnh hưởng tươi đẹp của giấc mơ vẫn còn làm cho Mây sung sướng. Mà giấc mơ cũng kỳ thật. Má Mây nóng lên. Những ước ao sôi nổi trong lòng. Nếu những giấc mộng trở thành sự thật nhỉ? Mây ôm gối vào ngực, nhắm mắt định ngủ tiếp, nhưng giấc mơ đã căng hai mí mắt Mây, xua tan cơn buồn ngủ. Mây nhớ lại những cử chỉ săn sóc của Văn, lời nói êm dịu của Văn. Hay Văn cũng có cảm tình với mình. Chỉ nghĩ như vậy, Mây lấy làm sung sướng. Mây nhớ lại câu chuyện thần tiên, cô gái lọ lem với chàng hoàng tử… Biết đâu… Mây giấu mặt vào gối nửa muốn đốt cháy tư tưởng, nửa muốn nhớ lại từng chi tiết của giấc mơ đẹp.
Mai cựa mình, mở mắt, quay lại.
- Bồ chưa ngủ à?
Mây lắc đầu:
- Ngủ được một giấc rồi chớ. Ủa, mà sao Mai không ngủ được hay sao mà tỉnh như sáo vậy.
Mai cười:
- Bụng làm sao ấy. Cứ ngủ một chút thì lại tỉnh ngay. Kỳ ghê á.
- Tại Mai nôn chớ.
- Ừa mà cũng nôn ghê, nôn hơn cái bữa tập đi một mình vậy.
Mây dặn dò:
- Mà Mai đừng ráng nghe. Khi đứng lâu thấy mỏi và hơi run run là phải ngồi xuống liền nghe.
- Mai đi lại được Mai cảm động quá Mây ơi. Không ngủ được. Ờ mà sao Mây cũng không ngủ.
- Có chớ, Mây ngủ được một giấc rồi tỉnh lại đó.
Mai dí tay vô má Mây:
- Mai thấy Mây thức lâu rồi.
- Mây chiêm bao…
- Kể đi… kể lại nghe… có thấy gì dễ sợ không?
Mây kể lại giấc mơ nhưng giấu chuyện người thanh niên đàn vỹ cầm. Mai tắc lưỡi:
- Điềm Mây sẽ nổi tiếng đó… Chiêm bao chớ linh lắm hà.
Mây thấy vui vui, nửa tin nửa ngờ. Nếu giấc mơ đó sẽ thành sự thật, thì… Mây nghĩ đến Văn… lòng Mây rưng rưng. Mây quay người đi giấu đôi má đỏ hồng như sợ Mai bắt gặp. Ngày mai, bà Tuyết Hoa đãi tiệc lớn lắm, nhưng toàn là bạn bè của Văn và Mai. Bữa tiệc mừng đôi chân Mai cứng cáp. Mai đã đứng được hàng tiếng đồng hồ. Đã di chuyển quanh nhà, quanh sân không biết mệt. Đôi chân đã gần trở về hình dáng bình thường cũ. Trong bữa tiệc đó, Mây sẽ là bạn của Mai. Mây nghĩ đến chiếc áo màu hồng phấn mới may, tiền công của những tháng giúp việc cho bà Tuyết Hoa. Có Văn, Mây tự ái không muốn nhận của cho. Mây mua màu hồng vì nghe Văn thích màu hồng. Văn vẫn thường khen con gái mặc áo màu hồng nổi lắm, dễ thương lắm.
- Mây nè, thức hay ngủ a..
- Thức, mà chi đó bồ.
- Sao hồi hộp quá hà…
Mây cười:
- Có gì mà hồi hộp. Này nhé. Chuyện gì bác gái cũng lo xong hết rồi. Có chuyện chi đâu.
- Ờ mà sao vẫn hồi hộp ghê đi. Lần đầu tiên sau mấy năm đi không được, Mai ở chỗ đông người, đi đi lại lại. Không biết ngó đằng sau chân Mai có lèo khèo không hả Mây.
- Đâu có gì, chỉ nghĩ vẩn vơ.Trông như thường hà…
- Ngày mai Mây hát nghe. Không biết anh Văn tập Mây hát bản gì hả. Mai không có ban nhạc đâu, Mây đừng lo.
Mây cười. Hồi trưa Văn mở băng nhạc hoài hoài cho Mây tập hát bài Mộng Dưới Hoa.
Chưa gặp em, tôi đã nghĩ rằng.. Có nàng thiếu nữ đẹp như trăng. Mắt xanh là bóng dừa hoang dại, âu yếm nhìn tôi không nói năng… Nếu bước chân ngà có mỏi. Xin em dựa sát lòng anh. Ta đi vào tận đồng xanh. Vớt cánh rong vàng bên suối…
Bài hát đẹp như một cung đàn êm. Mây say sưa tập. Đầu thì thẹn thùng. Sau thì quen dần. Văn tấm tắt khen mãi.
- Bài anh Văn tập hồi trưa đó. Mộng Dưới Hoa…
Mai vỗ hai ngón tay vào nhau:
- Ờ, mình thích bài đó lắm. Nghe thật hay… ở nhà, Mai, anh Văn và mẹ thì có mẹ và Mai không hát hò chi được, dở ẹ hà, anh Văn thì hát ồm ồm.. Có Mây đại diện cho nhà, mình mới không quê với bạn bè… Bạn bè đứa nào cũng có mục hết.
Mây cười:
- Nói lần thứ 55 rồi đó bồ.
Mai đấm vào lưng Mây mấy cái:
- A chọc quê tui hả.. Mai tui không thèm vỗ tay mô…
Đồng hồ gõ ba tiếng rành rọt. Mây thúc Mai.
- Thôi, ngủ đi chớ, mai còn dậy sớm dọn dẹp.
- Có chị bếp, anh Tài, anh Văn, mẹ nè..
Mây quay lưng ôm lấy cái gối vào ngực, mắt nhắm lại:
- Phải làm chớ bộ ngồi không chơi sao.
Mai cố tình nói thêm mấy câu nữa nhưng Mây vờ nằm yên không trả lời. Tưởng Mây đã ngủ, Mai cũng quay mặt lại được một lát thì ngủ say.
° ° °
Biệt thự Tuyết Hoa như được thắp hồng lên bằng ánh sáng đủ màu. Ngoài gian phòng khách sáng rỡ với một chiếc bục nhỏ, một quầy nước ngọt đầy ly tách và bánh kẹo đủ loại mặn ngọt. Khắp sân nơi nào cũng có đặt bàn ghế. Mọi cửa nẻo đều mở tung. Tiếng nhạc vang vang ra tận ngoài đường, Bà Tuyết Hoa mở tiệc mừng con gái khỏi bệnh. Phải nói hôm nay là bữa tiệc hoàn toàn cho Mai. Thực khách toàn là bạn bè, anh em chú bác quen thuộc cùng bạn bè của họ. Hai ba thứ bạn. Bà Tuyết Hoa cũng chỉ có mặt trong chốc lát bởi một bữa tiệc trịnh trọng khác ở nhà hàng bà đãi những người thân lớn tuổi thân thiết để mừng cho bà.
Mai xinh xắn và hồng hào hơn bao giờ hết trong chiếc áo dài màu xanh, hoa trắng. Mai cảm động sung sướng quá.
Chốc chốc lại nói với người ra cửa sổ để nhìn bạn bè lần lượt đến. Anh Văn thì đang phụ mẹ tiếp bạn ở dưới nhà. Mây chắc đang bận rộn xếp đặt bánh trái giúp chị bếp. Riêng Mai, mẹ căn dặn dưỡng chân để tí nữa đứng được lâu.
Tiếng còi xe, tiếng ồn ào dưới nhà bắt đầu huyên náo. Mai nhìn đồng hồ tay, 7 giờ 20 phút, còn hai mươi phút nữa. Vừa lúc ấy Mây chạy vội từ dưới nhà lên, thở dốc. Mai kêu:
- Trời ơi còn mười phút nữa mà chưa sửa soạn gì hết. Mặt còn dính lọ nghẹ tề.
Mây cười:
- Xạo, nấu ga mà lọ nghẹ. Mặc áo một chút chớ mấy. Ở mà rửa mặt đã. Trời ơi, tối mặt tối mày hết. Mệt quá…
Mai để Mây loay hoay với đầu tóc quần áo, chồm ra cửa sổ. Con Băng nè, con Thông, con Tỉnh, Con Thụy, con Hồng. Gớm tụi nó hippi ghê. Hổng biết nãy giờ ai tới ở trỏng. Chắc thấy mình tụi nó ngạc nhiên lắm nhỉ..
Trong khi đó, Mây đứng trong phòng một mình chải tóc. Chiếc áo màu hồng nhẹ mướt trên người. Mây xoay đầu. Không biết anh Văn mặc cái gì nhỉ. Chắc thắt cà-ra-vát như hồi về chứ gì. Nhớ đến Văn, hai má Mây lại nóng lên. Mây đã không còn cái mặc cảm chủ tớ từ khi Văn tập cho Mây hát. Đêm đêm Mây tưởng tượng đến những câu chuyện thơ mộng, đến tương lai sắp đến. Cái lãng mạn thơ mộng của tuổi 16, 17 đã giết chết sự cách biệt. Mây như say như ngây trong mộng tưởng, Mây quên dĩ vãng mình. Niềm vui và hạnh phúc choáng ngập trí óc Mây. Mây nhớ đến cái băng cột tóc mà Văn mua cho Mai và Mây mỗi người một cái. Văn lại còn khen Mây cột tóc lên trông đẹp hơn là Mai. Lời khen như một lời tình tự, làm Mây sung sướng suốt buổi.
- Mây ơi, lẹ lên, Mai xuống trước nghe.
- Ờ, xong rồi.
Một cơn gió nhẹ mơ hồ. Mai đã lành bệnh, chắc Mây không còn nhiệm vụ gì nữa. Mặc dù bà Tuyết Hoa không đá động gì đến. Không biết là bà Tuyết Hoa có giới thiệu cho Mây chỗ làm không. Còn như ở lại đây để làm công việc của chị bếp, chắc Mây không đủ can đảm ở lại. Nghĩ tới lúc rời khỏi biệt thự Tuyết Hoa, Mây chợt đau lòng, nuối tiếc. Không phải nuối tiếc cảnh giàu sang sung sướng, mà một cái gì khác mà Mây không dám nghĩ tới. Mây lắc lắc đầu. Chắc cũng không đến đỗi nào, biết đâu bà Tuyết Hoa chả tìm cho Mây một chỗ tốt… Tự trấn tĩnh mình. Mây mở cửa phòng bước ra. Mai đã xuống. Những lời chúc mừng tíu tít vọng lên. Mây rón rén từng bước một. Toàn người là người. Ai cũng ăn mặc thật sang trọng và sặc sỡ. Những kiểu quần áo lạ mắt, những đầu tóc, son phấn. Mai đứng ở giữa bạn bè trò chuyện tươi cười. Không ai chú ý đến Mây cả. Mây dừng lại ở góc thang lầu. Quang cảnh trước mắt đưa Mây vào một thế giới riêng biệt, lạc lõng. Không một gương mặt quen biết. Mây ngơ ngác. Nàng cầm một cái bánh không ăn. Mai cũng đã quên Mây. Văn cũng lạc đâu đó trong rừng người. Mây cúi mặt xuống sàn nhà thẩn thờ.
Đột nhiên lòng Mây nhói đau, Mây cảm thấy thấm thía sự cách biệt giữa mình và các thanh niên đồng tuổi. Họ giàu, họ sang. Ngôn ngữ của họ là loại ngôn ngữ mới, bụng dạ đầy chữ. Còn Mây. Mây muốn chạy lên trên nhà, trốn trong một xó tối, nhưng Mây không có can đảm rời chỗ đứng. Mây còn hy vọng mơ hồ ở Văn. Thế nào Văn cũng tìm đến và Mây không cô đơn một mình, không lạc lõng trong đám đông này.
Đám đông bắt đầu hoạt động. Một thanh niên lên ca một bản nhạc ngoại quốc. Tiếng hát chát chúa xoáy vào tai Mây. Đám đông la hét cười đùa, vỗ tay. Khi bài hát dứt, người thanh niên yêu cầu chủ nhân ca một bản nhạc đáp lễ. Đến lúc đó Mai mới nhớ đến Mây. Mai đưa mắt tìm kiếm. Đám đông cùng một dịp la lên:
- Mai hát, Mai lên hát.. Lên… Lên…
Mai ngập ngừng bước lên bục. Mai đã thấy Mây đứng một mình ở góc phòng. Mai mỉm cười nhỏ nhẹ:
- Cám ơn tất cả quý bạn đã đề nghị Mai, nhưng Mai mới đau dậy, tình trạng sức khỏe làm Mai hát dở lắm. Nhất là hát dở để đáp lại một bài hát hay như anh Tùng. Để bù vào, Mai giới thiệu với các bạn chị Mây, một người bạn thân của Mai đã giúp đỡ Mai rất nhiều trong những ngày Mai đau. Chị Mây có một giọng hát hay vô cùng…
- Hay là thế nào…
Một giọng nói chế giễu vang lên, nhưng Mai vẫn mỉm cười nói tiếp:
- Cả nhà cứ mệnh danh Mây là ca sỹ của nhà đó… Mời chị Mây.
Mây luống cuống đỏ bừng mặt. Mặc dù biết trước mình sẽ lên ca, nhưng thực tình Mây thấy khớp. Nếu Mây phải hát trước những cặp mắt như thế kia chắc Mây sẽ tắt giọng luôn. Mây cúi gầm mặt xuống tránh những ánh mắt của mọi người đang đổ dồn về mình và xì xào bàn tán. Trong sự bối rối cùng cực đó, Mây nghĩ đến Văn. Văn đâu… Văn đâu.
Và Văn đã tiến lại để khuyến khích Mây. Giọng Văn vui vẻ:
- Mây lên đi Mây, đừng ngại gì hết.
Mây mừng rỡ quay đầu lại để chờ ở Văn một khuyến khích cho lòng thêm can đảm. Nhưng đôi mắt chợt tối lại. Và cơn buồn từ đâu xô tới vây phủ cả người Mây. Văn đứng đó, nhưng không đi một mình, mà với một cô gái sang lịch, xinh đẹp. Cô gái mặc một chiếc áo đầm bằng nhung đỏ phủ dài xuống tận chân. Cổ lấp lánh những xâu chuỗi lạ mắt. Cô gái chỉ Mây hỏi Văn:
- Ai đó anh?
Văn cười:
- Mây đó… bạn của Mai… tí nữa anh kể cho Phượng nghe. Bây giờ để Mây lên hát đã. Mây hát hay lắm.
Đoạn Văn quay sang Mây đang đứng sững:
- Lên bục đi Mây. Hát bài Mộng Dưới Hoa nhé.
Trên bục gỗ giọng Mai tươi cười:
- Mây ơi, lên đi, các bạn chờ.
Văn đưa tay nâng một bên vai Mây. Mây thờ thẩn đi lên, không thấy không biết gì cả. Ánh đèn lóe sáng trên bục gỗ làm Mây tỉnh lại một chút. Và vì vậy cơn buồn đến tê tái cả lòng hiện rõ ràng. Mây nhìn xuống bên dưới. Những tài áo màu, những gương mặt, nữ trang, dáng dấp sang trọng. Còn Mây, Mây chỉ là người giúp việc đặc biệt, vẫn nghèo nàn, vẫn quê mùa, muôn thưở vẫn là con bé hát dạo ngày nào. Thế mà Mây đã điên cuồng mơ mộng câu chuyện cô bé lọ lem và chàng hoàng tử hào hoa. Chàng hoàng tử đang đứng dưới kia. Cánh áo nhung lộng lẫy cách biệt một trời một vực với chiếc áo hồng đơn giản không nữ trang, không son phấn của Mây.
- Hát đi Mây.
Văn vẫy tay ra hiệu. Vâng Mây sẽ hát, sẽ hát, nhưng không cho ai cả mà cho Mây, cho Mây…
- Gió bay từ muôn phía, tới đây ngập hồn em, rồi tình lên chơi vơi. Thuyền em một lá ra khơi, về anh phong kín như mây trời. Đêm đêm ngồi chờ sáng mơ ai. Mộng nữa cũng là xong….. Anh ơi, có hoa nào không tàn, có tình nào không phai… Rồi chiều nay, xác pháo bên thềm tản mác bay, anh đi trong xác pháo, em đi trong nước mắt, thôi đành nghe anh… Lúc anh ra đi lạnh giá tâm hồn, hoa mai rơi tùng cánh trên đường, lạnh lùng mà đi, luyến tiếc thương chi, hoa tàn, tình tan theo thời gian…
Mây hát mà không còn biết mình hát gì nữa. Từng tiếng từng lời là từng cơn đau rã rời, từng bậc thang đưa Mây xuống tận cùng tuyệt vọng. Nước mắt vòng quanh. Nước mắt không rơi ra ngoài, nhưng nước mắt đã ngập lòng.
Bài hát vừa dứt. Mặc cho những tiếng vỗ tay xì xào bàn tán. Mây chạy lên thang lầu vào phòng. Tiếng nói của Mai còn đuổi theo.
- Chỉ xấu hổ đó…
Những tiếng cười, tiếng nói lại tiếp tục. Mây đóng ập cửa phòng lại. Căn phòng êm mát tối đen. Cánh cửa mở lộ ra một khoảng trời đầy sao. Mặt trăng lên chậm còn đâu đó ở phía bên kia. Mây gục đầu vào thành cửa. Đã chết mơ mộng. Đã chết ảo tưởng. Cái vỏ ngoài tự tin đã bị bóc trần.
- Mây ơi, thôi nhé…
Nước mắt ràn rụa như mưa. Mây khóc ngon lành. Một vết thương lòng vừa mở trong lòng cô gái với tình cảm đầu đời. Sau cơn khóc, đau khổ là Mây lớn lên bất ngờ. Mây chùi nước mắt, thay áo quần chùi mình trên giường. Bây giờ Mây phải làm gì đây. Tuyệt vọng đã bứt Mây ra khỏi sự thơ ngây. Quên đi. Quên đi. Có gì đâu mà bực tức. Chỉ tại Mây mơ mộng hảo huyền đó thôi. Chị tại Mây. Chỉ tại Mây… Mây không biết trách ai mà chỉ biết đau tủi cho thân phận mình. Vậy mà Mây đã mơ có ngày nào đó Mây nổi tiếng. Mây được mọi người biết đến, Mây làm ra tiền, Mây được Văn thương yêu… Mỉa mai quá, xót xa quá. Càng nghĩ càng động thương tâm, Mây gục đầu khóc ngất.
Đến khuya, khi bữa tiệc vui đã tàn, tiễn bạn bè xong, Mai lên phòng. Vừa bước vào cửa, Mai đã tía lia:
- Vui quá vui mà mỏi cẳng quá trời đi. Ờ mà sao Mây không xuống nữa. Mây hát hay quá trời, như ca sỹ chính hiệu đó. Anh Văn nói phải để Mây đi học lớp âm nhạc của bác Hoàng Phong đó. Ảnh nói với má như vậy.
Mây lặng im. Bao nhiêu nghị lực dồn cho những ước mơ đã tàn lụi. Mây không còn ham muốn gì nữa. Nghèo giữ phận nghèo bài đặt nhìn cao là chuốc khổ vô thân đó. Chú Sáu đã nói với Mây như vậy hồi chú còn sống. Bây giờ ngẫm lại Mây thấy đúng quá.
- Mây ơi, có thấy bồ anh Văn không, cái chị mặc áo nhung đỏ đó. Đẹp ghê, vậy mà ảnh giấu mình quá trời.
Từng lời của Mai là mỗi nhát dao chém nát tim Mây. Mây bậm môi cố ngăn tiếng nấc nghẹn ngào. Nước mắt trào ra ướt đẫm tóc. Thấy Mây yên lặng, tưởng Mây đã ngủ. Mai nằm xuống và im ngủ.
Trong gian phòng thanh vắng, Mây miên man nghĩ tới khoảng đời vui cũ, cực thì cực nhưng sao thoải mái quá. Lúc đó, Mây đâu biết cảnh giàu sang, Mây đâu sống trong sự tưởng tượng lãng mạn xa vời. Mây đâu biết khổ vì yêu trong tuyệt vọng. Còn bây giờ…Mây nghĩ đến những ngày sắp tới. Và Mây rùng mình. Ngôi nhà sang đẹp này không còn là nơi thăng tiến mà Mây đã tưởng. Trái lại, chính nơi đây đã làm tim Mây tan nát. Mây bao giờ cũng là ngôi sao mờ nhạt trên bầu trời. Và Văn là mặt trăng sáng rực rỡ.
Gần sáng Mây chợp mắt được một chút. Giấc ngũ mỏi mệt làm Mây mất đi cả vẻ tươi tỉnh hằng ngày. Người Mây hâm hấp sốt như người đau. Mai đã dậy từ bao giờ, đang chải tóc trước tấm gương lớn. Sau tháng ngày nằm liệt giường, đôi chân bình phục như chắp cánh cho Mai. Cô vui tươi, hát hò vang nhà.
- Thấy Mây ngủ say quá trời Mây à. Mà hình như bồ đau đó, cả đêm bồ ú ớ hoài.
Mây chỉ đưa mắt nhìn chớ không nói được. Miệng như đóng băng khô đắng. Mai hơi lo ngại chạy tới bên đưa tay sờ trán.
- Bộ Mây đau thiệt hả. Làm sao đi Vũng Tàu. Bác Phong lái xe cho cả nhà đi Vũng Tàu chơi, chiều về nè. Đi nghe Mây. Có bồ anh Văn đi nữa đó. Ghê chưa, cái anh đó ghê lắm Mây ơi.
Mây lắc đầu quay mặt xuống gối. Khó khăn lắm mới nói được:
- Thôi, để Mây ở nhà. Bữa khác đi…
- Đi cho vui đi Mây.
Đi cho vui. Làm sao Mai hiểu được Mây. Làm sao Mây có thể vui được. Mây không bao giờ vui được khi những ước mơ thêu dệt đầu tiên đã bị vỡ nát như bong bóng xà phòng. Bác Phong chê Mây hát không làm Mây đau xót bằng hình ảnh hôm qua. Nhưng mà ai hiểu được Mây đây.
Cả nhà vẫn sửa soạn để đi Vũng Tàu. Những tiếng chân vội vàng, những giọng nói vui tươi òa vỡ ngoài nhà. Xen lẫn giọng nói của Mai là giọng nói êm đềm của Văn, cạnh đó, một giọng lạ khác kiểu cách như giọng sơn ca. Tiếng bà Tuyết Hoa hỏi Mai:
- Sao Mây không đi hả Mai…
- Dạ không, chắc chỉ mệt má à…
Văn kêu lên:
- Mệt thì đi hóng gió cho bớt mệt.. Mai vô lôi cổ cô ấy dậy đi. Bảo anh Văn nói đi là đi.
Mai nói:
- Mây không đi đâu, em năn nỉ muốn chết mà cũng không. Trông chỉ có cái gì là lạ ấy.
Tiếng người con gái hồi hôm hỏi nhỏ nhẹ:
- Có phải Mây là cô hát bài Dang Dỡ hồi hôm đó phải không anh Văn.
- Ừa, Mây đó..
- Nghe nói cô ấy trước giúp việc cho nhà anh phải không. Em tưởng ai chớ như vậy cô không đi cũng không sao.
- Suỵt, nhỏ nhỏ không Mây nghe thấy phiền lắm… Bạn của Mai đó…
- Đừng nói chỉ giúp việc mà chỉ buồn..
Từng lời nói vọng vào phòng mồn một. Mây bịt tai lại để không phải nghe tiếp nữa. Trước sau gì Mây cũng là một cô giúp việc trong nhà này. Địa vị của Mây được phân định rõ ràng. Mọi người vì thương hại Mây mà không nhắc nhở đến cái địa vị yếu kém đó mà thôi. Nước mắt tưởng đã cạn từ hồi hôm lại dâng trào mãnh liệt. Mây ôm đầu khóc nức nở.
Bên ngoài mọi người đã đi hết. Gian nhà trống vắng như bãi tha ma. Mây có một quyết định. Mây ngồi dậy đi rửa mặt chải tóc. Chị bếp đi chợ, anh Tài đang lau chùi xe ở ga-ra. Mây quay vào phòng, soạn lại đồ đạc. Hai bộ quần áo cũ từ ngày mới bắt đầu chân ướt chân ráo đến đây. Môt bộ quần áo mới, và chiếc áo dài màu hồng, tiền vải và tiền công đều là của Mây. Đồ đạc chẳng có gì. Mây tháo chiếc cặp Văn cho để lại trên bàn học. Cả sợi dây cột tóc. Mây không đem theo một cái gì cả, ngoài ba ngàn bạc công bà Tuyết Hoa trả tuần trước. Mây lại bàn viết vài chữ cho bà Tuyết Hoa nói lý do phải đi của mình. Mai đã lành bệnh, nhiệm vụ của Mây đã hết. Mây không muốn phải sống bám gia đình bà nữa. Mây cảm ơn bà đã giúp đỡ Mây rất nhiều là về việc mở mang trí tuệ.
Viết xong, Mây ôm gói giấy báo ra nói với anh Tài. Mây mở gói đồ đưa cho anh Tài coi chứng tỏ lòng ngay thẳng của mình. Anh Tài ái ngại nhưng cũng thông cảm phần nào. Anh nói:
- Cô đi thế này mà tui để cô đi, thế nào tui cũng bị rầy. Nhưng thôi, nghèo thông cảm nghèo. Tui cũng thấy thế kẹt của cô, chẳng lẽ cứ bầu bạn với cô Mai khơi khơi vậy sao. Mà cứ nán ở lại, đôi khi họ thương hại mình họ không nói ra, nhưng lâu lâu lại đối xử tệ bạc, chắc mình chịu không nổi quá.
Rồi anh nhìn kỹ Mây hỏi, giọng nghi ngờ:
- Chắc bả có chuyện gì với cô hay sao mà cô bỏ đi bất tử vậy.
Mây chối bay biến:
- Đâu có, vì tui nghĩ cái phận của tui nên… Thôi tui đi nghe anh Tài…
Nói xong Mây quay quả ra cửa. Anh Tài nói với theo.
- Hay để tui đưa xe cho cô đi một khúc. Bà không biết đâu, đỡ tốn tiền xe lắm nghe…
Rồi anh lại ngập ngừng:
- Cũng kẹt cho tui quá. Cô đi vầy chắc tui bị la quá. Người giàu người ta hay nghi ngờ nầy nọ. Bà chủ cũng tử tế chắc không nghĩ vậy đâu. Nhưng cô đi rồi nhớ vài bữa cũng ghé lại nói qua với bả một tiếng nghe. Tui biết cô, tui làm chứng cho…
- Anh đừng lo, mình trong sạch thì đâu có nề gì. Thôi tui đi nghe anh… Khỏi phần anh.
Ra tới bên ngoài, nhìn xe cộ qua lại dập dìu, Mây thấy mình cô độc lạ thường. Về đâu bây giờ. Chú Sáu đã chết. Cái gia đình độc nhất của Mây đã bị tiêu diệt. Mây còn ai trên đời. Một mái nhà che mưa che nắng cũng không có. Nghĩ đến những hình ảnh của mấy đứa bé lang thang ngủ ở công viên gầm cầu, Mây vừa hãi sợ, vừa tủi thân. Nước mắt lại chực trào ra.
- Có đi xe thì lên đi chớ còn đứng đó hả. Kẹt đường.
Mây giật mình leo vội lên chiếc lam vừa dừng lại trước mặt mà không nhìn biết đó là xe đi đâu.
Nhưng mọi chuyến xe đều đổ về Sài Gòn. Mây xuống xe ôm gói đi như người mất hồn. Chân bước, mắt nhìn mà đầu để ở tận đâu đâu.
- Ủa Mây, đi đâu đó…Ủa… Sao…
Một người đàn ông chồm ra kéo tay Mây. Mây giật mình nhìn lại.
- Bác Tư.
- Mầy đi đâu như người mất hồn vậy. Tao dừng xe trước mặt mà cũng hổng biết nữa. Đi chợ há… Độ rày sống làm sao. Từ ngày anh Sáu chết, mày chẳng héo lánh tới chợ Cá hồi nào. Cái con thiệt tệ…
Bác Tư xích lô máy nói một hơi, đến chừng thấy nước mắt Mây chảy ra, bác mới giật mình tắt ngang.
- Ủa…
Mây kêu lên những tiếng vô nghĩa. Nỗi thương tâm, sự đau xót, tủi thân, tủi phận cứ biến thành nước mắt cuồn cuộn hai bên má..
Bác Tư nhìn gói giấy trên tay Mây hội ý:
- Bộ, họ không nuôi mình nữa hả Mây..
Mây lắc đầu không nói được.
Người qua đường nhìn soi mói. Bác Tư kéo tay Mây ấn ngồi trên xe.
- Chuyện chi về nhà hẳn hay. Thôi để bác chở cháu về nhà. Ở tạm nhà bác đi. Bề gì thì mình cũng quen biết nhau thân. Tao với bác Sáu là chỗ thân tình ngày trước.
Bác Tư đạp máy nổ. Tiếng xe kêu xình xịch. Gió đùa mạnh trên mặt trên tóc bời bời. Người, xe cộ qua lại vun vút. Mây thấy chóng mặt. Mây ngã lưng nghẻo đầu trên nệm lưng xe, mắt nhắm lại.