Số lần đọc/download: 335 / 39
Cập nhật: 2020-11-21 22:22:32 +0700
Chương 2: Truyền Thuyết Về Samurai
N
ói đến Samurai, ai cũng có thể tưởng tượng ra ngay hình ảnh người kiếm sĩ Nhật gan dạ, sử dụng vũ khí rất thành thạo, tuyệt đối trung thành với các lãnh chúa và hoàn toàn xem nhẹ cái chết. Tinh thần Samurai vẫn còn ảnh hưởng không nhỏ đến người Nhật cho đến tận ngày nay.
Vào đêm tháng Tư 1189 đó, Minamoto- no- Yoshitsune biết rằng ông chỉ còn vài giờ để sống. Hai vạn người đang bao vây nhà ông để quyết diệt trừ ông. Phải chăng người em cùng cha khác mẹ: Yoritomo e sợ ông cùng 10 kiếm sĩ dưới quyền nên phải huy động một lực lượng đông đúc như vậy? Không bao giờ ông tưởng tượng nổi kết cục này: bị một kẻ thân thuộc phản bội. Tuy nhiên, nếu Yoritomo đã trở thành lãnh chúa hiển nhiên ở Nhật, chính là nhờ vào ông, Yoshitsune. Ông đã chiến thắng biết bao trận đánh cho người em cùng cha khác mẹ. Tại sao ông lại ngây thơ tới mức không nghĩ rằng người kia ganh tị với các chiến công của ông chứ? Sao ông mù quáng không nhận thấy rằng Yoritomo e ngại ông sẽ chiếm đoại quyền hành? Giờ đây đã quá trễ, chỉ còn cách chết trong danh dự.
Từ sáng tinh mơ, Yoshitsune cùng người bạn nhà sư - chiến sĩ Benkei - đã mặc giáp trụ vào, sẵn sàng cho cuộc chiến đấu cuối cùng, và 9 kiếm sĩ trung thành với ông cũng thế. Trận chiến bắt đầu, binh sĩ đối phương vây chặt nhóm kiếm sĩ ít ỏi. Ngưòi nào cũng hi vọng sẽ giành được vinh quang khi giết được kẻ thù của Yoritomo. Nhưng họ đã nhận lãnh cái chết. Lưỡi gươm Daito đâm ngang chém dọc, xả thịt chặt đầu lớp lớp kẻ thù. Xác chết chất đống quanh nhóm kiếm sĩ Yoshitsune.
Nhận thấy không thể tiêu diệt ông bằng cách cận chiến, các tướng lĩnh của Yoritomo ra lệnh diệt ông từ xa. Dần dần, từng kiếm sĩ ngã xuống, mình cắm đầy tên. Yoshitsune bảo Benkei cố cầm cự càng lâu càng tốt. Với chiều cao lớn hơn người bình thường nhiều, nhà sư là một chiến binh đáng gờm. Với cây đao Naginata vung lên chém xuống tới đâu là đầy những chiến binh của đối phương phải bỏ mạng. Nhưng những mũi tên lao tới như mưa, và cuối cùng Benkei cũng đành bỏ cuộc, mình đầy máu, hai tay nắm chặt cây đao cắm xuống đất. Binh sĩ đối phương nín thở nhìn ông chăm chăm. Chúng không dám xông vào, bởi vì ngưòi kiếm sĩ khổng lồ vẫn còn đứng trơ trơ. Ông ta còn sống hay chỉ là ảo giác?
Một kị sĩ đến đẩy ông, và Benkei ngã huỵch xuống đất, ông thật sự đã chết. Sau đó chúng bêu đầu ông trên cây Naginata. Trong thời gian đó, Yoshitsune trở vào nhà, tự tay giết chết vợ và con gái, để họ không phải chịu sự trả thù của đối phương. Lòng đã an, giờ đây ông có thể chết trong danh dự, như một kiếm sĩ thực thụ. Sau khi cởi bỏ giáp trụ, ông quỳ xuống rút cây kiếm ngắn Wakizashi ra. Một khoảng khắc tập trung, rồi một cách quả quyết, đâm lưỡi gươm vào bụng, rồi từ từ đưa lưỡi gươm từ trái sang phải, trước ánh mắt bình thản của Kanefusa, người chiến binh làm chứng nhân cho ông trong giờ phút cuối cùng. Yoshitsune chúi về phia trước, và Kanefusa chặt đầu ông theo đúng nghi thức seppuku.
Cái đầu của Yoshitsune được đặt trong thùng rượu đặt lên bàn trước mặt Yoritomo. Ba năm sau đó, Yoritomo đi vào lịch sử khi trở thành shogun. Nhưng trong lòng người dân Nhật, ông ta vẫn luôn là người đã phản bội Yoshitsune, nhân vật được mọi người ưu ái.
Các kiếm sĩ đã tung hoành ở Nhật từ 4 thế kỉ trước khi Yoshitsune mổ bụng. Những chiến binh phi thường đó đã xuất hiện từ cuối thế kỷ thứ 8. Vào thời đó, Nhật Hoàng đang có chiến tranh với người Ainu, dân man di phía Bắc đảo Honshu. Đối diện với những kẻ thù đáng ngại đó, quân đội hoàng gia đi từ thất bại này sang thất bại khác do thiếu chuẩn bị và không được chỉ huy tốt. Quá nản lòng, chính phủ quyết định giao trách nhiệm phòng vệ cho các lãnh chúa địa phương. Họ phải tự tuyển quân và huấn luyện. Để bù lại, các lãnh chúa được miễn thuế.
Nhờ những chiến binh chuyên nghiệp đó, cuối cùng người Ainu đã bị bại trận. Nhưng Nhật Hoàng cũng không còn quân đội. Vào thế kỷ thứ 9, các chiến binh giỏi nhất đều phục vụ cho các lãnh chúa. Nói rõ hơn là sức mạnh và quyền hành nay đã chuyển tay. Theo thời gian, sự độc lập của các lãnh chúa ngày càng tăng. Một thế kỷ sau, họ chỉ làm theo ý mình, bất cần đến những mệnh lệnh của Nhật Hoàng. Được miễn thuế nên họ giàu lên, trong khi kho của triều đình lại rỗng không, và họ các lãnh chúa lại chỉ huy những binh đoàn kiếm sĩ thực thụ, điều tất yếu là dần dần một số lãnh chúa bắt đầu ngắm nghía đến ngôi báu.
Năm 935, Taira- no- Masakado tự xưng là tân hoàng đế tại lãnh địa Kanto của ông (ngày nay là Tokyo). Ông ta dùng sức mạnh để thu tóm các lãnh địa của các lãnh chúa láng giềng mà triều đình không dám có ý kiến. Đấy là một dấu hiệu suy yếu, sẽ thúc đẩy một số lãnh chúa nhiều tham vọng liên kết với Masakado. Trong vòng 4 năm, dòng họ Taira và đồng minh đã kiểm soát được nhiều tỉnh. Đứng trước sự lớn mạnh của tên lãnh chúa ngạo mạn và hung bạo đó, nhiều lãnh chúa khác quyết định liên minh với triều đình. Hai phe đối đầu nhau trên đồng bằng Masashima. Quân của Masakado thua trận, vị tân hoàng đế bỏ mạng trên chiến trường.
Một thế kỷ sau, đến lượt lãnh chúa Abe Yoritoki quyết định vượt qua sự bảo hộ của triều đình. Cuộc chiến khởi đầu từ năm 1050 kéo dài hơn 10 năm, gây ra cái chết cho hàng ngàn nạn nhân. Các kiếm sĩ dũng mãnh tạo ra cái chết từ xa với thứ vũ khí yêu thích của họ là cây cung cao 2 m. Abe Yoritoki bị tử thương bởi tên vào năm 1057. Con trai của ông ta là Sadato tiếp tuc cuộc chiến và rồi tử trận 5 năm sau đó trước quân Minamoto, Kiyowara và Fujiwara. Đầu của họ đều bị bêu trước cổng Kyoto, thủ đô của hoàng gia.
Từ đó triều đình bắt đầu nghi ngờ các dòng họ kiếm sĩ. Nhật Hoàng biết rằng nguyên tắc danh dự của các kiếm sĩ đòi hỏi họ một sự trung thành tuyệt đối với chủ nhân, tức các lãnh chúa. Họ không ngần ngại chiến đấu chống lại quân triều đình theo ý chủ. Mà nghệ thuật sử dụng vũ khí và tính kiên cường của họ đã biến họ trở thành những đối thủ đáng gờm. Một kiếm sĩ không hề sợ chết trên chiến trường, thậm chí nếu tình thế đòi hỏi thì sự hy sinh của họ là nghĩa vụ tuyệt đối.
Khi hai phe đối địch giao tranh với nhau, mỗi kiếm sĩ đều muốn chứng tỏ sự kiên cường của họ với các cấp chỉ huy. Vào thế kỷ 11, khi cần phải chiến đấu bằng gươm một kiếm sĩ chỉ có thể giao đấu tay đôi với một đối thủ ngang hàng về hệ cấp, nhưng đó chỉ là trong lí thuyết, còn trong thực tế kiếm sĩ phải luôn sẵn sàng đối phó với mọi cuộc tấn công. Thầy của họ đã dạy cho họ cách bắn tên trong khi né tránh các đòn tấn công từ phía sau.
Kiếm sĩ không có khiên đỡ, vật bảo vệ duy nhất là bộ giáp làm bằng những miếng da xếp hình mái ngói. Tại những vùng nguy hiểm như tim, phổi, bụng, người ta thay da bằng kim loại. Nhờ thế bộ giáp sẽ nhẹ và không làm trở ngai cho cử động của kiếm sĩ. Các tấm da được kết lại bằng các sợi dây da hay dây lụa có màu sắc sặc sỡ hình hoa văn hoặc biểu tượng tượng trưng cho mình: một kiếm sĩ cao cấp cũng phải đỏm dáng khi đối mặt với kẻ thù?!?! Hơn nữa thông lệ là trang điểm đẹp và sức hương thơm để có được một cái đầu tốt đẹp nếu chẳng may... thua trận.
Từ thế kỷ 12, Nhật Bản lao vào một cuộc nội chiến dai dẳng. Năm 1156, Nhật Hoàng tạ thế, dẫn theo một cuộc chiến tranh giành ngôi báu, kết thúc 4 năm sau đó bằng chiến thắng của phe Taira trước phe Minamoto. Hoà bình đến năm 1180, đủ thời gian để con cháu của dòng họ Minamoto trở thành kiếm sĩ và trả thù cho cho cha ông. Lại chiến tranh: đó là cuộc chiến Gempei làm rạng rỡ Yoshitsune và giúp cho Yoritomo trở thành shogun vào năm 1192.
Một đứa trẻ 13 tuổi được đưa lên ngôi. Nhưng đó chỉ là con rối và chính Yoritomo giật dây từ cung điện kamakura của ông ta. Đây là lần đầu tiên nước Nhật được cai trị bởi và vì giới kiếm sĩ. Nhưng điều này vẫn không ngăn cản được những cuộc chiến phản loạn mới sau khi Yoritomo qua đời, chỉ có quân Mông cổ mới giúp họ đoàn kết lại.
Năm 1274, đạo quân của Hốt Tất Liệt đổ bộ lên đảo Tsushima, Kyushu. Trước chiến thuật nhanh nhẹn và lạ lẫm của kẻ thù, các kiếm sĩ thất thế. Nhưng sau cùng quân Mông cổ cũng phải rút lui trước sức chống trả dũng mãnh của các kiếm sĩ Nhật. Nhật bản trải qua 7 năm yên bình, thời gian để Hốt Tất Liệt chuẩn bị một cuộc xâm lăng mới vào năm 1281. Lần này không phải 25 nghìn quân mà là hai mươi vạn quân!
Lần này giới kiếm sĩ không còn ảo vọng nữa, hơn 4000 chiến thuyền đang lăm le ngoài khơi, chuẩn bị cho cuộc đổ bộ cuối cùng. Thế là cả nước Nhật bắt đầu khẩn cầu thần linh, và phép lạ đã xảy ra: ngày 15- 8- 1281 cơn bão Kamikaze đã nhận chìm tất cả hạm đội Mông cổ ngoài khơi genkei, ước mơ xâm lược của Hốt Tất Liệt đã tan theo sóng nước.
Năm 1543, một sự kiện có vẻ tầm thường đã kết thúc thời vàng son của các kiếm sĩ: một chiếc thuyền Trung hoa bị đánh đắm ở đảo Tanegashima. Trên thuyền có 3 thương nhân Bồ Đào Nha cùng với hàng hóa của họ là những khẩu súng hỏa mai. Loại vũ khí mới này nhanh chóng hấp dẫn các lãnh chúa. Chỉ trong vài năm, hàng ngàn khẩu súng đã lan tràn khắp nước Nhật.
Với súng hỏa mai, bất kì một nông dân nào cũng có thể giết từ xa một kiếm sĩ tinh thông võ nghệ. Từ năm 1555, lãnh chúa Takeda Tingen đã mua 300 khẩu súng cho các chiến binh của ông. Nhưng thật trớ trêu, vào tháng 4 năm 1573 khi bao vây lâu đài Noda chính ông đã bị chết bởi một tay súng trong lâu đài. Hai năm sau, toàn thể một vạn kiếm sĩ dưới quyền ông đều bị tiêu diệt bởi 3000 tay súng tại Nagashino.
Một phần tư thế kỷ sau, cả nước Nhật thống nhất dưới quyền vị shogun mới Tokugawa Ieyasu. Nước Nhật yên bình, giới kiếm sĩ dần dần trở thành thương nhân hay văn quan. Đến năm 1876, Minh Trị Thiên Hoàng ban lệnh cấm mang gươm. Lãnh chúa Saigo Takamori bất mãn muốn nổi loạn, nhưng bị thua trận và phải mổ bụng tự sát.