Nếu bạn chưa từng nếm mùi thất bại, tất bạn chưa gặp thử thách thực sự.

Dr Porsche

 
 
 
 
 
Tác giả: Sơn Tùng
Thể loại: Tuổi Học Trò
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 31
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 6710 / 130
Cập nhật: 2017-04-19 15:28:05 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương I - Thời Thơ Ấu - Phần 1
ơn dông mùa hạ dấy lên ở phía nam. Mây đen từng khối ùn ùn như nấm từ dưới chân trời đùn lên. Thoáng chốc, các ngọn núi của dãy Dăng Màn (1), Thiên Nhẫn … đã ngập chìm vào mây đen đục. Mảng nắng hẹp dần. Cảnh sắc hai bờ sông Lam đã ngả màu sẫm. Những bóng mây trôi qua các cánh đồng chiêm đang mùa thu hoạch, loang lổ, mảng sáng, mảng tối, ô xanh, ô vàng, nhìn về xa xa như một tấm da báo trải rộng hút tầm mắt.
Từ trong khối mây đen dày đặc, thỉnh thoảng quắc lên một roi chớp xanh lè, ngoằn ngoèo rạch sáng vào da trời chì. Tiếp sau roi chớp là tiếng trời gầm …
Bên gốc cây đa đầu làng Chùa (2) có mấy con bò đứng ngủ, mồm nhai uể oải, những cục bọt trắng xốp đọng hai bên mép. Những con ruồi bò bay nhớn nhác tránh né mỗi lần con bò quất mạnh cái đuôi vào hai bên hông. Một tốp người đi làm đồng về ngồi nghỉ chân bên gốc đa đang gạ ông Xẩm hát cho nghe một bài mới. Ông Xẩm ngước đôi mắt mù lòa về phía có tiếng sấm xa xa, hai cánh mũi phập phồng đón nhận mùi hoa sen từ đầm làng đưa tới. Ông nhíu đôi lông mày đen, hỏi những người đang ngồi bên cạnh:
– Trời sôi bụng hay … hay là tiếng súng của cụ Đình (3) ở trên rừng lại kéo về nữa đó, bà con?
Qua nhiều giọng cười giòn, ông Xẩm gật gật đầu nghe, vẻ đắc ý với câu nói đáp lại lời ông hỏi:
– Tiếng sấm của cơn dông chiều đó ông ạ. Trời dạo này loạn dông chứ có cơn mưa nào đâu! Còn cái công việc “bình Tây” của các quan Nghè, quan Cử thì … vận nước Nam mình hỏng mất rồi! Vua Hàm Nghi đã bại trận, Tây dương (4) đày vua đi biệt xứ. Ôi! Có còn chi nữa mà mong với đợi, hở ông?
Một cụ già, tay vót hom giỏ, từ nãy vẫn ngồi im lặng nghe mọi người trò chuyện. Bỗng cụ cắm lưỡi mác xuống đất, tựa hai bàn tay lên cán, mắt chớp chớp, nói:
– Răng lại nhủ là “ có còn chi nữa mà mong với đợi”? Nước có lúc suy lúc thịnh, nhưng có khi mô hết được những bậc hiền tài lo việc giữ nước, việc cứu nước. Cây cổ thụ ni bị gãy thì rồi sẽ có cây khác mọc lên. Rừng không bao giờ hết cây, dân không khi mô hết người tài cao chí lớn mô.
Mọi người nhìn cụ già vẻ hợp lý. Ông Xẩm đưa ống tay áo lên lau hai hố mắt. Ông vẫn mấp máy cánh mũi về phía ngọn gió:
– Dịp ni sen nở nhiều. Ngồi ở chỗ mô cũng được ngửi hương sen.
– Ông ơi – một cô bé gái gọi – cháu biếu ông mấy cái gương sen luộc, ông ăn cho mát ruột ạ.
Ông Xẩm cầm trong tay những cái gương sen đã luộc chín nhũn như tấm mền ong, giọng cảm động, hỏi:
– Cháu là con nhà ai mà thảo ăn rứa?
Cô bé chỉ mỉm cười. Mấy người ngồi cạnh ông già mù nói to:
– Con gái anh nho Sắc đó, ông ạ.
Ông Xầm nở nụ cười trên cung môi héo hắt, nói:
– Ngỡ đứa mô chứ cháu Thanh, con gái đầu lòng của anh chị nho Sắc, cháu ngoại thầy tú Hoàng (5) thì … thì tôi mô có lạ lẫm chi! Để rồi tôi hát cho bà con ở đây và cháu Thanh cùng nghe nhớ.
Bé Thanh lại đưa ông Xẩm cái bầu nước:
– Ông uống ngụm nước mát rồi hẵng hát, ông ạ.
– Cảm ơn lòng thảo của cháu. Ông không khát. Chứ cháu đem nước ra đồng cho ai rứa?
– Dạ … cho mệ cháu ạ.
– Ờ. Vậy ra mệ cháu vẫn chưa ở cữ, còn đi làm đồng xa được. Chứ … cháu thích được bồng em gái hay bồng em trai, nói cho ông biết để ông hát mừng cháu nào?
– Cháu thích mệ cháu sinh em trai nữa ạ.
Ông già mù gật đầu, mỉm cười, tay lần mò lên dây đàn. Mọi người ngồi quanh gốc đa đã xúm xít bên ông Xẩm. Mấy con bò vẫn lim dim mắt ngủ, bọt mép tụ tan, tan tụ. Tiếng đàn bầu réo rắt bay lên theo lời ca của ông Xẩm:
Trời có thấu chăng trời!
Nước Nam cơ khổ nhiều đời đắng cay
Vì chưng Tây thổ sang đây,
Nó vào Gia Định, ở rày Đồng Nai.
Dần dà ra Lục tỉnh, Đàng ngoài,
Các quan tâu đánh, vua ngài không cho.
Bởi vì vua Tự Đức không biết đường lo,
Nó vào nó chiếm mất cả thành đô kinh kỳ …
Bé Thanh chưa hiểu thấu ý nghĩa lời ca, nhưng hai mắt của bé lim dim, bé lắng nghe tiếng đàn ông Xẩm. Những người ngồi cạnh bé Thanh, mặt luôn luôn biến đổi theo từng lời ca của ông Xẩm.
Trời ơi có thấu lúc này,
Khắp nơi khổ cực rạc rài tấm thân.
Một nước làm năm bảy nước ăn,
Để cho quan Tây bắt phu, bắt thuế trong dân nặng nề.
Các quan ta tức giận nhiều bề,
Lập binh tiến đánh Tây thì cho tan
Để mà khôi phục nước Nam …
Đang lúc mọi người đắm vào tiếng đàn não ruột, lời ca xé lòng của ông Xẩm thì một bà tựa tay trên lưng bò, chỉ tay về phía đầm sen, gọi:
– Cháu Thanh ơi! Mệ cháu … Mệ cháu … có chuyện chi … người ta đang dìu mệ cháu về nhà kia kìa!
Bé Thanh với cái tuổi lên bảy, dáng mảng khảnh, rời khỏi gốc đa, tay cầm cái bầu nước, chạy hối hả về những người đang dìu mẹ mình. Chạy đến với mẹ nhưng trong đầu bé Thanh vần còn vọng theo những lòi ca của ông Xẩm:
“… Lập binh tiến đánh Tây thì cho tan … Để mà khôi phục nước Nam … kẻo dân tình cơ khổ gian nan nhiều bề …”
Dưới bóng tre đầu làng, bà đồ ( vợ ông đồ Hoàng Xuân Đường, bà ngoại của bé Thanh) cùng mấy người đứng tuổi cũng đang chạy ra phía đầm sen. Gió đồng lùa những dải lưng, dải yếm của họ bay phấp phới về phía sau …
Về tới đầu sân, cơn đau chuyển sinh lại thốn thoáy, mệt quá chị nho Sắc phải ngồi thụp xuống bên gốc cây thị. Chim chiều về tổ đang ríu rít trên ngọn cây. Bà đồ chốc chốc lại mắng yêu con gái:
– Tham công tiếc việc cho lắm … Đã biểu ở nhà, gần kỳ sinh nở rồi … đừng có đi mần đồng xa nữa …
Bà giục cô An, em gái của chị nho Sắc:
– An, con vô quạt than lên … Mau …
Bà lại giục bé Thanh:
– … Cháu đi sang bên nhà với ông. Giữ cả em Khiêm ở bên đó. Tối ni tụi bay ăn cơm, ngủ ở bên nhà bà cả nhớ.
Bé Thanh bước qua dãy chè mạn hảo ngăn đôi sân nhà mình với sân của ông bà ngoại. Thanh vừa nghe tiềng mẹ rên, vừa nghe rõ tiếng ông ngoại ho khúc khắc và tiếng của bố thay ông ngoại đang giảng bài cho học trò:
“ … Các trò hãy lắng nghe giảng rồi hãy chép bài sau … Khổng Tử viết: Tự thiên tử dĩ chí ư thứ dân, nhất thị giai dĩ tu thân vi bản. Nghĩa là: Từ ông vua cho đến kẻ thường dân, ai nấy đều phải lấy việc sửa mình làm gốc …”
Từ bên hè nhà chị nho Sắc, tiếng cô An nói khỏa lấp cả tiếng khóc chào đời của đứa trẻ khiến anh nho Sắc ngừng giảng bài trong giây lát.
– Ồ ồ … chị nho lại sinh con trai … sinh con trai nữa rồi. Mặt mày sáng láng, khôi ngô lắm.
Bà đồ quát: “ Cái con bé, có im cái miệng quở độc cháu đi không!” Bà giục rối rít: “ Đưa cái thanh nứa … mau lên … cắt rốn cho cháu. Rồi. Xong rồi … Đưa cái quần cũ của cha mi đây …trên dây phơi ấy. Tao giặt kỹ rồi. Ủ cháu vô quần ông cho có khước … có hơi ấm ông, nó sẽ được sáng dạ, học giỏi hơn ông, hơn cha cho mà coi …”
Bà còn dặn chị nho Sắc: “ Con nhớ là hằng ngày phải chăm lau sạch đĩa đèn rồi hãy đổ dầu thắp. Các cụ thường dạy: Sinh con dạ sáng làu làu, nhớ mẹ ngày trước chăm lau đĩa đèn”.
Tiếng rên của chị nho im bặt. Tiếng khóc oa oa của đứa bé vẫn chưa dứt hẳn. Và cái ngôn ngữ đầu tiên của đứa bé đã hòa âm trong tiếng gà gọi con lên ổ, tiếng bò gọi bê vào chuồng, tiếng chim kêu ríu rít trên mái nhà, tiếng lá reo, tiếng đồng xa vọng về …
Hương sen từ ngoài đầm bay theo gió pha lẫn mùi bồ kết cháy từ nồi than trong buồng chị nho Sắc tỏa ra ngào ngạt.
o0o
Làng Chùa nhòa trong khói sương lam. Đám học trò của cha con ông đồ đã lũ lượt ra về từ lâu. Chúng đi theo lối cổng lớn, không đi tắt qua sân của chị nho Sắc như mọi ngày. Đầu ngõ nhà chị nho đã treo một cành xương rồng gai (6).
Cái cánh cổng chống làm bằng khung tre kết cành rào, hình chữ nhật, đã được sập xuống, cài chặt. Khu vườn nhà ông đồ cũng như mọi nhà khác ở làng Chùa đều đã trở nên một cõi riêng biệt, kín bưng. Giữa cảnh vắng lạnh này nổi lên tiếng ếch nhái kêu gào trời làm mưa cứ ra rả không mệt mỏi. Vô số đốm sáng lập lòe xanh ảo của bầy đom đóm bay chập chà chập chờn trong tối mênh mông.
Ông đồ ngồi xếp bằng trên phản gụ, tựa khuỷu tay xuống mặt cái gối cốt bông bọc vải điều gấp cao ba thớt. Anh nho Sắc ngồi đối diện với ông nhạc, vẻ thoải mái. Bé Khiêm ngủ say, nằm sát bên đùi ông, chân duỗi dài sang gần chỗ bố ngồi, ngọn đèn dầu lạc đậu trên mép đĩa tỏa sáng khắp gian nhà. Những con thiêu thân sa vào đĩa dầu vẫy đôi cánh mỏng yếu ớt, chới với …Bên cạnh cây đèn, cái đỉnh trầm thư thả nhả ra những sợi khói thơm mảnh như chỉ. Hương sen ngoài đầm đưa vào nhè nhẹ.
Anh nho Sắc cầm cái nậm chuyên rượu vào chén cho bố vợ. Ông đồ uống một hơi cạn ly rượu:
– Mừng cho nhà ta, mừng cho cả họ Nguyễn làng Sen …
Ông đồ đứng lên, dáng cung kính, thắp năm nén hương, vái năm vái trước bàn thờ gia tiên. Ông đứng nghiêm trang trước làn hương khói. Anh nho Sắc cũng đứng chắp tay thành kính ở phía sau ông. Từ phía đầm sen tiếng chim cuốc khắc khoải: Quốc …Quốc!
Hai cha con ông đồ trở lại chỗ ngồi. Ông đồ dằn từng tiếng: “Dạ …thính … tử …quy … thốn … tâm … can…” (đêm nghe chim tử quy nhói tim gan). Anh nho Sắc nhận thấy ở người bố vợ, người thầy học của mình từ ngày lâm bệnh, tâm trạng có nhiều trăn trở, nhiều hoài cảm. Anh muốn đứa con trai thứ của mình được ông đặt tên cho. Anh nói:
– Thưa cha, cha đặt cho cháu đêm nay luôn ạ.
– Tôi đang nghĩ.
Ông đồ gõ gõ ngón tay trên mặt gối, nói tiếp:
– “Sinh con quý tử khó nuôi … trồng cây ngon trái lắm người lăm le…” Con người ta có thể xét đoán được hiệu quả trước của công việc mình sắp làm. Ví như khi ta cầm nắm hạt giống trong tay thì ta đã dám tin chắc sẽ có những mầm cây mọc lên bập bạp, và nhìn các mầm non xanh tốt đoán biết được cây quả của nó sau này. Cho nên, tôi muốn đặt cho cháu tên là Côn (7), tự là Tất Thành.
Anh nho Sắc chớp chớp mắt, môi hé nụ cười:
– Côn … ấy là tích loài cá hóa chim bằng, phải không thưa cha?
– Chính vậy đó. Theo mong ước của tôi thì … thằng bé sẽ có chí vùng vẫy bốn bể, dù gặp truân chuyên chìm nổi, nhưng ắt thành công. Cho nên tự Tất Thành.
Anh nho Sắc nâng cây bút lông thỏ dúng vào nghiên son. Hương trầm, hương sen như tỏa khắp gian nhà và tụ hội vào ngọn bút Nguyễn Sinh Sắc đang nắn nót dòng chữ Nguyễn Sinh Côn, tự Tất Thành.
o0o
Gió Lào thổi từng cơn dài. Bầu trời, mặt đất bốc mùi nóng khét như sắp sửa bùng cháy. Những cánh đồng khô nẻ hoang hoác, thưa thớt bóng người. Không một con cò, con vạc đi kiếm ăn trên đồng. Cây cối đói nước đứng rũ rượi. Giữa trời nắng lửa, những con diều hâu sải cánh liệng tìm mồi dưới đất. Quạ khoang, quạ đen bay thành bầy về phía ngàn xanh, nơi đang có tiếng súng của nghĩa quân Phan Đình Phùng.
Trên các ngả đường quan, đường liên hương từng tốp người đi kiếm ăn, đầu đội nón mê. Trên mình chỉ có chiếc khố dây. Thỉnh thoảng có vài ba bà nhà giàu đi chợ, nón thúng quai thao, váy lụa quét gót, chùm xà tích bạc (8) buông dài song song với các dải yếm, dải thắt lưng màu hoa lý, hoa hiên.
Anh nho Sắc tay cầm ô che nắng, tay xách một khăn gói vải tây điều đựng đầy những thang thuốc bắc. Ngọn gió Lào từ phía cửa thành ùa đến thổi tung tà áo dài vải thâm đất trên người anh; gió mạnh, cái ô trên tay anh lảo đảo. Anh sải từng bước dài qua cửa Tả đi về phía cửa Tiền. Anh thấy ở phía trước một lá cờ ba sắc phật phờ trên cao. Dưới chân cột cờ, những người che ô đội nón, lác đác có cả những mũ trắng, lố nhố rất đông. Anh định mang thuốc về sớm, nhưng trước việc lạ này, anh rảo bước lại nơi đó. Trên quãng đường gần tới đám hội, cờ đuôi nheo treo hai bên và cờ lá chuối cắm vòng quanh khán đài rực rỡ.
Anh nho Sắc dừng lại ở ngoài cổng chào tết bằng lá dừa, trang trí hoa cờ, đèn lồng. Trên cổng cao gắn bốn chữ cao cỡ to, xếp lối chữ triện: “Đại Pháp vạn tuế”. Từ bên trong cổng chào, tiếng kèn thổi oang oang chói tai, khác hẳn tiếng đàn đáy, đàn bầu mà anh đã quen thuộc. Một người mặc đồ sang trọng, treo trước ngực một mảnh giấy điều hình đuôi én, chữ vàng: “ Quốc khánh đại Pháp”. Ông ta tiến đến, chìa tay:
– Xin mời huynh vô dự ngày lễ đại khánh của Pháp quốc.
Anh nho Sắc chẳng ưa gì cái trò này của bọn thực dân Pháp và lũ quan lại làm tay sai cho chúng, nhưng anh cần nhìn tận mắt cái việc chúng đang bày ra giữa quê hương mình. Anh vừa bước vào trong cái cổng chào, một con mụ người Pháp mũi diều hâu, mắt mèo, tóc lông bò rừng, váy hoa dài lệt bệt phồng to như cái nơm, áo hở ngực, lồ lộ dây chuyền vàng quấn cổ, hai cổ tay hai vòng ngọc biêng biếc xanh, chân đi giày gót cao nghều, bước vội đưa cho anh một gói vuông bọc giấy đỏ, bên trong có chữ: “ Đại Pháp vạn tuế”. Mụ đầm nói, anh nghe như tiếng chim tiếng vượn. Anh chẳng hiểu gì nhưng bất giác anh cứ cầm lấy gói quà từ tay mụ đầm. Một người thông ngôn đứng tuổi nói với anh:
– Bà lớn phát quà nhân ngày quốc khánh của nước Đại Pháp. Mời anh vô dự lễ và nghe hiểu thị.
Một tay xách khăn gói đầy thuốc bắc. Một tay cầm gói quà của mụ đầm đưa và cái ô ngoắc vào khuỷu cánh tay, anh nho Sắc bước từng bước nặng trĩu. Giữa tháng bảy nhưng là tháng năm âm lịch, nắng xế chiều gay gắt. Cả đám người đứng chen chúc dưới bóng rạp mái bằng. Những người đứng vòng ngoài đều phải dương ô, đội nón. Anh nho Sắc lách vào mé rạp, ngó lên phía khán đài. Một đám quan lại áo thụng, khăn chít ngồi khép nép ở mấy dãy ghế đầu. Một tên Tây cao lớn mặc đồ nhà binh, hai cầu vai gắn sắc hàm sĩ quan có ngù lua tua phủ xuống. Cả khuôn mặt hắn như nhuộm phẩm điều do nắng hè của cái xứ nhiệt đới này phả cháy. Anh nho Sắc vừa nhìn hắn chằm chằm, vừa lắng nghe tên thông ngôn nói giọng Nam Kỳ: “Cái xứ An Nam này đã chịu ân sâu nghĩa nặng của nước Đại Pháp từ thời chúa Nguyễn ở đàng trong bị giặc áo vải Tây Sơn đánh bật ra tận đảo Côn Lôn … Nước An Nam nầy mà không có sự giúp đỡ của Đại Pháp thời cái họa nội chiến giữa Đàng trong với Đàng ngoài không thể chấm dứt được. Và nếu không sớm có mặt người Pháp thời cái xứ sở hẻo lánh, tối tăm này đã bị người Bồ Đào Nha hoặc người Hà Lan hay người Anh chiếm đóng rồi. Hỡi các ngài tại mắt xứ An Nam! Hãy nhận ra sự có mặt của người Pháp ở đây là một duyên may hiếm có …”.
Càng nghe nhiều những lời khoe khoang sức mạnh, hăm dọa, mạt sát, dụ dỗ … của tên Pháp thực dân, anh nho Sắc càng thấy nhói đau, mặt cứ tối sầm lại. Anh lẳng lặng ra về. Anh lê từng bước nặng nề ra khỏi thành Vinh. Ngay trên lối về huyện lỵ Nam Đàn, một đám người ăn xin còn ngồi trốn nắng dưới bóng cây. Anh mở cái gói quà của ngày Quốc khánh Pháp mà mụ đầm đưa cho anh – toàn là bánh, kẹo được bọc giấy bóng, giấy bạc – đem phát tất cả cho đám người đang đói lả bên lề đường. Anh tự nhủ: Tây dương đã an tọa thế ấy thì quân quan Phan Đình Phùng, quan Tôn Thất Thuyết dù cố sức mấy cũng khó lòng chuyển được vận nước đang suy!
Trên đường từ thành Vinh về làng Chùa, anh nho Sắc đeo đuổi bao nhiêu ý nghĩ ngổn ngang. Anh lo sức khỏe của bố vợ đang ngày một sa sút. Vợ anh sinh lần này bị mất sữa và bị bệnh hậu sản. Anh đã cắt hàng chục thang thuốc cho vợ uống, bệnh có thuyên giảm, nhưng vẫn khôn có sữa cho con bú. Bé Côn vừa phải đi bú nhờ vừa phải ăn cơm bà ngoại mớm cho.
Điều trăn trở lớn nhất trong lòng anh nho Sắc: Biết mất nước mà không lo việc cứu nước là phạm điều bất trung. Nhưng khốn nỗi, gánh gia đình của anh quá nặng. Mới hăm bảy tuổi mà đã ba con. Còn là cậu học trò, chưa có khoa cử gì. Đã nhiều đêm anh và bố vợ ngồi đàm luận việc nước việc nhà cạn mấy đĩa dầu. Anh thường suy nghĩ về những lời bố vợ nói: vợ chồng anh sinh ra giữa thời buổi bọn bạch quỷ đến hà hiếp nhà vua, nhưng nước nam ta chưa mất hẳn cho Tây – lang – sa (9). Đến thời các con của anh ra đời thì: Bé Thanh sinh năm Giáp Thân. Năm đó nhà vua đã ký hòa ước giao cả nước ta cho người Tây – lang – sa cai trị ( tức năm 1884 ký hòa ước Pa – tơ – nốt công nhận quyền đô hộ của Pháp ở Việt Nam). Sang năm Ất Dậu, Tây – lang – sa đã cử quan “đầu triều” (10) sang ngự trị bên cạnh nhà vua nước Nam. Rồi quan quân thần Tôn Thất Thuyết phải rước vua Hàm Nghi lánh ra đồn trú ở vùng rừng núi Quảng Trị, Quảng Bình và xuống chiếu Cần Vương. Đến lượt bé Nguyễn Sinh Khiêm ra đời, năm Mậu Tý (1888), vua Hàm Nghi bị sa vào tay giặc! Ôi! Vua đã bị Tây – lang – sa đày đi biệt xứ tận nước người (11). Tây – lang – sa lại đưa Đồng Khánh lên ngôi. Người ta truyền rằng, trước lúc bọn Tây – lang – sa đày vua Hàm Nghi đi, chúng còn dụ dỗ, mua chuộc đủ phương kế, nhưng nhà vua không chịu khuất phục, nhận việc đi đày chứ không cam chịu nhục để trở lại ngai vàng! Chúng nó thay vua thì cũng đổi “quan Tây đầu triều” khác sang nước mình cai trị. Cái tên của nó ngoằn ngoèo khó nhớ, khó gọi … Hình như là Bè hay Buôn bè (12), rồi gì gì ấy nữa kia. Năm nay, bé Côn ra đời, lại một tên “quan Tây đầu triều” khác đến cai quản xứ mình. Thế cuộc xoay vần như vậy đó! Các con anh sinh ra giữa lúc nước ta đã mất hẳn cho bọn bạch quỷ rồi! Đất nước ta đang đắm chìm vào đêm tối. Những anh hùng nghĩa khí dám xả thân cứu sơn hà xã tắc đều bị thất bại! Ôi! Dân Nam ta khác nào đàn gà con đã bị diều hâu cướp mất mẹ!…
Anh nho Sắc mải miết nghĩ suy về những điều tâm sự của bố vợ, người thầy, mà cũng chính là tâm trạng anh trước bối cảnh “quốc loạn, gia bần”. Vì mải nghĩ quên cả đường dài. Lúc về gần đến cây đa đầu làng anh mới nhận ra mình đã đi sắp đến nhà. Nỗi lo về bệnh tình của bố vợ, về cảnh vợ bị ốm, mất sữa lại dấy động trong lòng anh. Và trước mắt anh chập chờn hình ảnh khoa thi Hương (13) sắp đến.
Anh rẽ sang con đường mòn đi tắt về phía đầm sen để bà con ngồi gốc đa hóng mát nghe ông Xẩm đàn hát được tự nhiên.
Bên đầm sen, trước lối vào nhà, anh dừng bước đón nhận làn hương mát. Giữa đất trời khô cháy bao la, đầm sen như mặt gương xanh làm dịu bầu nóng hạ. Những bông sen trắng, sen hồng đua sắc khoe màu với đàn ong đi kén mật. anh chợt nghe trong sân nhà có tiếng bé Nguyễn Sinh Khiêm đang nựng em, nói chệch âm vì chưa thật rõ tiếng: “ Anh cho eng (em) Côông ( Côn) cái búp sen nì … Búp sen xanh, đẹp … đẹp lắm em ạ …”
Anh nho Sắc đi thẳng vào nhà lớn, nơi ông nhạc nằm dưỡng bệnh. Chị nho Sắc đã gượng dậy được, đang bế bé Côn ngồi dưới gốc thị, mớm cơm cho con.
————–
Chú thích:
(1) Trên dãy Trường Sơn, đoạn qua địa phận Nghệ Tĩnh.
(2) Tên chữ là làng Hoàng Trà
(3) Ở đây chỉ nghĩa quân của Phan Đình Phùng, cụ Đỗ Đình Nguyên, thường người ta gọi là cụ Đình.
(4) Chỉ thực dân Pháp.
(5) Chỉ ông Hoàng Xuân Đường.
(6) Tục lệ ngày xưa, nhà có người mới sinh thường treo ở đầu ngõ một cành gai to để người lạ không tự tiện vào nhà, sợ đứa bé bị mặc vía dữ.
(7) Theo cụ Nguyễn Sinh Khiêm kể và ghi trong Tất Đạt tự ngôn, trang 81
(8) Một loại dây bằng bạc, con gái nhà giàu dùng để đeo chìa khóa hòm, ống đụng thuốc lào ăn trầu, nhưng thường có ý nghĩa trang điểm là chính.
(9) Chỉ thực dân Pháp.
(10) Khâm sứ Ray-no (Rheinort)
(11) Nước An-giê-ri, một thuộc địa của Pháp lúc đó.
(12) Pôn Be (Paul Bert)
(13) Khoa thi chọn cử nhân
Búp Sen Xanh Búp Sen Xanh - Sơn Tùng Búp Sen Xanh