Số lần đọc/download: 273 / 21
Cập nhật: 2020-06-05 12:47:39 +0700
Chương 2
L
ý Quân Sầm, chủ quán Karaoke, ổ mại dâm trá hình số nhà 125 phố Dân Chủ nọ thật là một con cáo già tinh quái. Lướt qua các căn buồng nhỏ chứa các cặp trai gái đang trong cơn đắm dục, lão nhận ra ngay một gương mặt khách lạ, tên đàn ông mắt ba góc, mặt mũi dị dạng, điệu bộ bất an chưa một lần đến ổ nhện này của y. Tuy nhiên, mân mê chòm râu cằm vì một liên tưởng bất ngờ, vừa ló mặt ra khe của buồng ngoài, nghe người rao báo quảng cáo về vụ trọng án cái đầu người bị cắt rời, y vẫn còn đủ tinh quái để nhận ra ngay hai bóng công an viên vừa lướt qua. Y biết cả tên hai người nọ. Và y hiểu ngay, bộ máy điều tra vụ án vậy là đang vận hành quanh quất đâu đây.
Quả nhiên lúc này, Nhâm và Trừng, hai thiếu úy công an, cùng tuổi hai mươi tám, vừa đi qua trước mặt quán Karaoke của lão già. Cuộc đi khởi đầu từ trụ sở Công an Quận, một ngôi nhà hai tầng cũ kỹ, quét vôi vàng ở giữa phố Giang Hà, một con phố lớn san sát các shop buôn bán quần áo thời trang, hàng điện tử, mỹ phẩm sầm uất vào bậc nhất thành phố. Hai người có chiều cao sấp sỉ nhau, một mét bảy mươi ba, bảy mươi tư: nhưng một thì khỏe khoắn thô phàm, một thì nhỏ nhắn, nhã nhặn; tuy thế trên nét mặt trai trẻ của họ đều lồ lộ vẻ hăm hở, háo hức khác thường; cuộc đi có vẻ như bắt nguồn từ một tự nguyện, một nhu cầu giải tỏa hơn là một trách nhiệm được phân vai.
Trời mùa thu, sáu giờ đèn cao áp trên đường phố đã bật sáng thì Nhâm và Trừng đi qua mặt tiền cái quán Karaoke ở phố Dân Chủ nọ. Tới đây, có lẽ là vì vỉa hè bị các hàng quán lấn chiếm ngổn ngang, chật chội, nên họ chuyển sang kiểu đi theo hàng dọc, kiểu đi rừng, người đi sau giẫm trên nốt chân người đi trước. Nhìn kiểu đi là lạ của mình và bạn, Nhâm nhớ đến bài bút ký Một lần tới Thủ đô của nhà văn Trần Đăng hồi học ở lớp 12 trung học phổ thông. Bài văn kể chuyện mấy chiến sĩ giải phóng quán từ Việt Bắc về Thủ đô Hà Nội nhập học trường Quân chính. Khi ấy, Cách mạng tháng Tám năm 1945 vừa thành công, thành phố còn dày đặc bóng lính Tưởng Giới Thạch. Đường phố rộng mà các chiến sĩ vẫn quen lối đi rừng. Người đi sau giẫm lên dấu chân người đi trước. Mắt mở mà không trông. Tai mở mà không nghe. Chối bỏ ngoại cảnh, họ chỉ nhăm nhăm mục tiêu tối thượng đã xác định thôi. Nhâm rất thích thái độ tự tin, nghiêm nghị và có phần bí hiểm của các chiến sĩ nọ.
Còn Trừng, kẻ giành phần đi trước Nhâm? Khác với Nhâm, trong óc Trừng chẳng còn một bóng hình nhân vật văn học, một câu Kiều, một Định luật Niutơn nào hết. Hắn quên ráo. Học hành lỗ mỗ, hết lớp chín là ở nhà lăn lóc việc đồng ruộng. Mê siếc cá, kéo vó, đánh giậm, mò cua, bắt ốc hơn đọc sách làm toán. Bố mất sớm. Mẹ làm ruộng, nhà đã nghèo lại ốm đau quặt quẹo luôn. Trừng mang cốt cách một con người đồng quê chất phác, trung tín. Bù lại sự thiếu hụt của kiến thức sách vở, Trừng rất giàu năng lực thực tiễn. Không sâu sắc, tư duy giản lược, nhưng ứng phó khá biến hóa, nhiều khi lắt léo bất ngờ. Trong Trừng có cái thông tuệ, khôn ngoan, hoạt bát của kẻ sớm va chạm trường đời và sống hết mình với cuộc sống. Cái đức hy sinh, sẵn sàng nhận phần thiệt thòi, gánh chịu việc nặng nhọc vì nghĩa lớn là một vẻ đẹp trội bật trong tính cách Trừng. Ba ngày trời qua, Trừng vần cái xe ba bánh Ural tã tượi từ săm lốp tới binh xăng, chở Nhâm đi các cơ sở, ngõ ngách phố phường thu nhận tin tức vụ án, và bây giờ họ quyết định chuyển giai đoạn, trực tiếp gặp mặt đối tượng khả nghi đây.
Chiều thu muộn đột ngột trời trở lạnh. Gió mùa về, nhìn thấy từng luồng mây xám mang theo lá lẩu, bụi bặm, rác rưởi quét lướt thướt trên nền trời tím bầm như tiết đọng và cứ như thế mãi không chịu chuyển về đêm mà phát ớn. Bảy giờ, hai người gặp nhau ở trụ sở Công an Quận. Nhâm mặc thêm cái áo len cổ lọ. Trừng vẫn phong phanh cái áo bay cỏ úa. Tặc lưỡi, sau khi nhìn trời với ánh mắt thật thờ ơ, hai người cùng rảo bước. Thoạt đầu, họ đi qua những phố xá buôn bán lớn. Mới có mấy năm thực hiện chính sách đổi mới, chuyển sang nền kinh tế thị trường mà cảnh sầm uất đã có vẻ như quá tải. Điện nê-ông, đèn màu chan hòa, dòng dòng từng luồng lung linh sặc sỡ vắt trên những biển hiệu, những đường gờ ngang dọc của các ôten, siêu thị, nhà hàng. Hàng hóa chen chúc ê hề trên giá, trên kệ, lấn cả ra ngoài vỉa hè, bất kể bây giờ là lúc đêm bắt đầu buông màn. Và chẳng cần quan sát cũng thấy, cuộc chen đua hưởng thụ như những ngọn triều dâng càng lúc càng bồn chồn hối hả, chứ chẳng còn chút giấu giếm e ngại như những ngày nào. Các quán hàng ăn nhậu tràn ra đến tận mép đường. Đâu cũng thấy hàng bia rượu và ít lâu nay, ngoài những món thông thường ăn kèm đã lại thấy thèm ngẩu pín, dê, bò, chó, lợn được quảng cáo là kích dục vô cùng hiệu nghiệm, cùng chân gà nướng Quảng Châu lai rai rất khoái khẩu. Lại đang là giờ quay xổ số, nên đường phố và ngõ ngách nào cũng rầm rập tiếng chân người chạy, tiếng xích lô guồng và tiếng xe máy rú, như muốn chứng tỏ đam mê đỏ đen và giấc mơ kim tiền vẫn chưa bao giờ thôi rời bỏ con người!
Tuy vậy, thành phố không chỉ là những đường phố lớn nghìn nghịt bóng người. Thành phố còn bao gồm trong nó cả những ngõ hẻm thưa thớt nhà cửa và vắng ngơ. Như con ngõ hai anh thiếu úy công an đang đi vào đây. Ngõ hẹp, không đủ cho hai xe đạp tránh nhau và có cảm tưởng nếu dang hai tay ra thì sẽ chạm vào hai bờ tường đá ong ẩm ướt rêu phong ở hai bên. Đó là tường của một dãy nhà cổ ở ngay lối rẽ vào ngõ, dấu tích lối vào một làng quê xa xưa đã hóa kiếp thành một thành phần của đô thị.
Hết dãy nhà cổ quái nọ, hai bên trống tuềnh sặc mùi xú uế. Đó là một bùi đất ngập ngụa rác rưởi, khăm khẳm mùi súc vật chết, mùi cây cỏ, đồ phế thải lưu cữu ải thối, chìm trong một không gian đen sầm. Ánh điện lập lòe cuối cùng hai người nhìn thấy lọt ra từ một căn nhà lợp tôn trống tuềnh bốn bề, không một bóng người, khi họ vượt qua bãi rác nọ. Có lẽ ban ngày đây là cái kho trung chuyến vật liệu đá sỏi, tre gỗ dùng trong xây dựng. Quẹo phải, họ gặp một bờ rào găng cao vút. Lối đi men theo bờ rào nọ và một bên là một dãy ao sâu thăm thẩm, đen ngòm.
Tối như bị bịt mắt, cả hai cùng có cảm giác như đang rơi xuống một cái giếng sâu, đang đi vào một đường hầm kín mít. Có lẽ ở đây chưa bao giờ có ánh mặt trời. Chỗ nào cũng lép nhép, lầy lụa. Chỉ có thể nhận biết được đường đi nhờ sự dẫn lối của cảm giác. Bít lấy mũi là mùi bùn tanh sặc. Mò mẫm một lúc, lát sau nhờ ánh sáng từ xa phản chiếu trên mặt dãy ao tù hắt lên, hai người mới nhận ra họ đang đi vào một vùng đầm hoang. Bước thấp bước cao, chốc chốc lại hẫng trượt một nhịp chân, hai người lại vội ngồi xuống sờ soạng và, ngẩng lên họ nhìn thấy ở thăm thẳm tít xa lập lòe những chấm đom đóm xanh lè ma quái. Giật mình, họ rởn người vì tiếng ếch nhái ì uôm chợt rộ lên như cố tình dọa nạt. "Mẹ nó chứ, chui rúc vào nơi kiệt cùng này chỉ có bọn bất lương và ma quỷ thôi!" Đứng lại lần này, nhổ nước bọt phì phì, chửi đổng một câu, Trừng đã nhận ra phía trước anh, trong bóng đêm, lờ mờ vừa hiện ra một vùng cây xanh thâm u, le lói một vài chấm sáng nhỏ ti như mắt nhện ăn đèn. Anh liền quay lại như nín thở.
- Nó đây rồi. Nhâm à.
- Chính xác chứ?
- Hôm qua đã xác minh qua hai người ở đầu ngõ. Một bà đang công tác ở tòa án. Một ông tài xế tàu hỏa đã về hưu. Trong này chỉ có độc nhà hắn thôi.
- Chắc chắn hắn có nhà không?
- Thường ban đêm hai vợ chồng ít khi vắng nhà. Hắn làm thợ ở Xí nghiệp cơ khí Nam Đồng. Thợ bậc cao, chỉ làm theo giờ tầm. Vợ, bán thịt lợn, có mặt ở chợ vào các buổi sáng.
- Được rồi. Cứ thế đã.
- Để tôi!
Kéo Nhâm về phía mình, lại như bao lần, Trừng giành vai trò mở đường. Nhưng, thốt nhiên vừa dấn lên mấy bước, Trừng liền giật thột mình vì cảm giác hẫng hụt và lập tức anh nhận ra, Nhâm cũng đang đưa hai tay quờ quạng tìm mình. Tất cả những gì hai người vừa nhìn thấy ở phía trước đều đã biến mất. Họ vừa rơi xuống một cái hố sâu? Hay chính là bóng đêm như một bầy quái vật vừa bổ ra bao vây họ? Xung quanh họ là những bức tường đen ngòm chắn lối. Và đưa tay ra, họ chì chạm vào người nhau. "Mẹ nó chứ! Thế là thế nào nhỉ?" Trừng lại nhổ bọt, càu nhàu. Nhâm cố định thần. Nhưng, quái lạ, anh có cảm tưởng là đã bị bưng kín hai con mắt và trạng thái mù lòa khiến anh không thể nhúc nhích được, dù chỉ là một bước nhỏ. Anh đang chìm nghỉm trong bóng đêm. Bóng đêm tăm tối. Bóng đêm tội lỗi. Anh đang đối mặt với nó, với bóng đêm, với hồn ma bóng quỷ. Là thế chăng, cái chức nghiệp anh đang theo đuổi và hiện thực này sẽ trở thành một ám ảnh dằng dai khó dứt bỏ trong anh? "Rõ ràng là hỏi thăm hai nhà đầu ngõ họ bảo đi độ một cây số thì tới mà”. Trừng quay ngang quay ngửa, mình nói mình nghe. Hay là lạc lối? Nhưng chả lẽ là vì quẫn trí, lú lẫn nên lạc lối? Anh cố mở to mắt, tập trung thần lực, phóng cái nhìn ra xung quanh. Ngay cả bóng Nhâm, anh cũng không nhìn thấy. Chỉ có tiếng con muỗi vo ve đâu đây. Tiếng con muỗi quầy quả dai dẳng đâu đây khiến cả hai bắp tay anh như mọc lông lá, nổi gai xù xì.
"Có ai ở đây không"?
Trừng đã quyết định tự giải thoát. Anh giậm chân, nghển cổ, quát thật to. Và nhận ra câu hỏi nọ đã lọt thỏm vào khoảng không, anh liền nghiến răng kèn kẹt. Anh bảo bắt được tên sát nhân, anh sẽ bắt nó ăn cứt và bắt nó phấi đi bằng bốn chân. Có lẽ phải quay trở ra, hỏi lại đường đã. Nhâm bần thần nghĩ. Vì quả thực từ lúc bắt đầu dấn sâu vào cái ngõ này, anh đã thấy nghi ngại, không yên lòng rồi.
“Có ai ở đây không cho tôi hỏi thăm nào”!
Lại một lần nữa, Trừng lên tiếng. Lần này anh cất giọng thật to, thật đĩnh đạc. Và Nhâm nhận ra, đón nhận câu hỏi khẩn thiết và đã thấm nhiễm lo âu của Trừng, xung quanh vẫn chỉ là khoảng không đen quánh lặng im tuyệt đối và hoàn toàn chết chóc mà thôi; đây là chốn không người, là vùng tử địa, là bãi tha ma. Nhưng mà chả lẽ họ đã lạc lối nhầm đường? Chả lẽ là họ đã mê lú, đã bị ma đưa lối quỷ dẫn đường? Nơi đây xa cách nền văn minh. Nơi đây hoang sơ, bán khai. Đây là quãng khuyết sử mênh mông. Lưu hành nơi đây không phải là các định luật vật lý học hiện đại. Đây là nơi ngự trị các quy luật rừng rú. vô thường. Đây là cái ngõ hoang, là con đường liên thông với cõi giới âm ti địa ngục; từ ngõ hoang này quỷ sứ mang hình người ngày ngày từ địa phủ đi lên, gia nhập vào thế giới loài người.