Số lần đọc/download: 1401 / 25
Cập nhật: 2017-03-24 12:44:03 +0700
Chương 2
V
ẫn câu hỏi: Mình đã gặp cô gái ấy ở đâu đó rồi?
Và Kiên không trả lời được. Khỉ thật! Hơn bốn mươi tuổi, độc thân, anh đang ở độ chín của đời người. Vài ba mùa trận mạc ở đất nước Angkor, rồi về nước học hành đến nơi đến chốn, quân hàm thượng tá, kỹ sư, thông minh hơn người, Kiên có lối tư duy lý trí hài hòa với duy tình trực quan sinh động. Không lẽ, cô gái Sa Von người Khơ Me vừa gần gũi quen thuộc vừa xa xăm kia vẫn là một ẩn số gói kỹ trong đầu Kiên?
Áo quân phục khoác hờ vai, Kiên bước ra ngoài ban công. Anh nhận ra: Sông Tonle Sap vẫn quặn lòng chảy xa xá và thở than như mấy chục năm về trước. Đã mất ngủ thì thao thức luôn cùng sông nước đất trời Phnompenh cả đêm, Kiên tự nhủ, chẳng mấy khi trở lại cái nơi mình từng gắn bó thời trận mạc đầy mồ hôi, nước mắt và cả máu nữa. Bên kia sông, nếu Kiên nhớ không nhầm thì nó vốn là một dải đất bãi, bạt ngàn dây bí đỏ, quả lớn quả bé lúc nhúc như lợn con. Trận địa cao xạ của Hanh - thằng bạn cùng làng đóng ở đó. Kiên đã vài lần chèo thuyền vượt sông Tonle Sap sang chơi. Một buổi sáng, cả khẩu đội không thấy Hanh đâu, bổ nhau đi tìm. Giời đất ơi! Hanh mặc độc cái quần lót, bị căng người ra. Một cọc tre tươi đóng vào miệng. Bốn cọc nữa đóng vào hai bàn tay, hai bàn chân ghim chặt cứng xuống đất. Máu chảy ra đông đặc, xám xịt. Kiến đen chi chít, râu ria ngoe ngẩy, bâu vào các đám máu khô. Quân Pôn Pốt dã man. Người ta phỏng đoán, đêm Hanh đi tiểu, tàn quân Pôn Pốt mò vào tóm được anh, điểm huyệt và lôi ra bãi bí ngô hành quyết kiểu man rợ thời trung cổ. Từ Campuchia về trường sĩ quan Thông tin nhập học, Kiên được nghỉ phép kết hợp thì người ta cũng đã báo tử Hanh trước đó vài năm. Mẹ Hanh chạy cùn cụt đến nhà, cứ ôm lấy vai Kiên, khóc ời ời: “Kiên ơi! Khi đi thì có anh có em, sao lúc về cháu không rủ em về với cô...”. Rủ làm sao được nữa cô ơi. Kiên không dám kể về cái chết tang thương của người bạn chí cốt, anh nuốt nỗi đau vào lòng...
Cũng bên dòng Tonle Sap này, nơi thượng nguồn xa lắc, lính ta ở phía bắc mặt trận kể: Sau một cuộc phục kích bất ngờ vào tổ lính thông tin, bọn tàn quân Pôn Pốt bắt được một người lính bị bắn gãy chân. Rất khốn nạn! Lính cao xạ, lính thông tin phải cầm súng bộ binh đánh giặc có nghĩa là không chuyên nghiệp, khốn nạn rồi. Thương quá. Lính ở phía Nam mặt trận thì lại kể: Bọn tàn quân Pôn Pốt bắt được người lính bị thương gãy chân ấy. Chúng giật đứt đường dây hữu tuyến của ta đang liên lạc và lấy cả dây còn nguyên trong cuộn, quấn từng vòng từng vòng dây đôi đen nhánh chồng lên nhau kín hết thân thể người lính. Và đào lỗ... chôn sống. Tất nhiên, chúng không quên gạt cả những người lính quân tình nguyện đã chết xuống cùng chung một hố... Ôi trời! Ký ức một thời đầy máu và nước mắt nhức nhối, ám ảnh Kiên không thể nào quên được.
Có thể là ban đêm, Kiên không nhận ra cái vườn xoài và khu biệt thự có tường đá xanh rêu ẩm ướt ở chỗ nào. Cả bến tắm nữa cũng biến mất vào thời gian hoang phế. Hai cái bến tắm có thể lui về phía thượng nguồn gần cây số. Đứng ở đây, Kiên chỉ thấy nước sông chảy xa xá, mênh mông. Bọn Kiên đã từng chèo thuyền, thả lưới đánh cá, ngụp lặn, đùa giỡn với dòng sông. Và con sông xưa ôm ấp vỗ về những thằng trai đánh giặc quanh năm khô hạn ở trong lòng.
Ngày ấy, cứ chiều chiều là bọn Kiên ra bến sông tắm. Cách nhau khoảng vài chục thước, bến đàn ông ở phía thượng nguồn; bến con gái, đàn bà ở phía cuối nguồn. Phải rất lâu, sau này Kiên mới nhận ra, phụ nữ Khơ Me tắm sông khác phụ nữ Thái vén váy tắm suối. Con gái Thái lội ra sâu nước từ từ ngập thì cũng từ từ vén váy lên cho khỏi ướt; nước ngập mông thì vén lên ngực. Lội ra sâu tiếp thì vén váy cao thêm, vén dần qua ngực; vú chìm trong nước thì cởi váy quấn lên đầu. Rất kín đáo, dịu dàng, ý nhị và lãng mạn, dù đứng gần mấy thước cũng không nhìn thấy da thịt tươi mởn của người con gái. Nước suối trong mát tha hồ mà đùa giỡn, mơn man, vỗ về da thịt.
Người Khơ Me gọi váy là xà rông; con gái tắm sông cứ để nguyên váy áo lội xuống nước. Ngụp lặn. Bơi lội. Rồi thò tay vào váy áo kỳ cọ. Bến xa nhà, thì mang theo xà rông, áo tìm chỗ khuất trên bờ thay đồ. Ở gần thì cứ thế lướt thướt, váy áo mỏng dán vào da thịt, nước chảy theo bước chân về nhà mới thay.
Bọn Kiên khi ấy còn rất trẻ. Nhìn xuống bến tắm con gái, một thoáng lòng xao xuyến và ngượng ngùng qua mau, cả lũ con trai hò hét vang mặt sông. Bến bên này trêu ghẹo bến bến kia; bến bên kia hò đối lại bến bên này; có lúc còn ngụp xuống lấy bùn đất ném sang. Lúc đầu, hai bến còn xa, trêu chọc nhau hóa thân mật, gần gũi, và do cả nước chảy người trôi nữa; hai bến nhập một lúc nào chẳng biết. Không còn e thẹn, ngại ngùng, Kiên, Chương còn chìa lưng cho Sa Ly, Dên và chị Rêu kỳ cọ. Bọn Kiên thi nhau bơi, ngụp lặn. Tuổi thơ Kiên bì bõm với con trâu sừng cánh ná đen bóng dưới dòng nước, đi tát múc ở đồng sâu, thùng đấu nên các cuộc thi nào Kiên cũng nhất. Có lần, Kiên lặn sâu xuống nước và chẳng lên. Mọi người hốt hoảng lội uồm uồm, ngụp lặn tìm anh. Nhưng rồi, bất chợt Kiên ngóc đầu chuồi lên. Ngẫu nhiên, hoặc do định phận sắp đặt để cái đầu Kiên vô tình chui vào giữa hai đùi Sa Ly và đội xà rông ngoi lên ướt sũng. Vạt xà rông lập lờ trên mặt nước. Một trận cười vang mặt sông. Kiên cũng cười ngượng ngùng, cứ vuốt mãi vuốt mãi gương mặt đẫm nước. Sa Ly e thẹn, cúi đầu, vốc nước vã lên gương mặt đỏ rần rần...
Ôi trời! Cái bến nước ngày xưa chỉ còn trong ký ức mù xa. Nhưng, nó không hề mất đi, cứ lấp ló ẩn hiện trong những buổi chiều hoàng hôn cháy đỏ nơi quê nhà, và những đêm thao thức không ngủ ở Hà Nội. Kiên chẳng ngờ cuộc đời như một vòng tròn, đi loanh quanh mỏi mệt rồi cũng có lúc quay về bến bờ xưa cũ xa lăng lắc. Bây giờ, Kiên đã trở về bên dòng Tonle Sap.
Gió đầy hơi nước. Mát rượi. Sóng vỗ ì oặp. Kiên nhận ra phía bờ bên kia, lui lên mạn bắc vài cây số là Hoàng cung, vẫn ánh điện hắt xuống dòng sông, nhưng ánh sáng trắng rực rỡ, chứ không yếu ớt, đổ xuống mặt nước vô vàn ánh lân tinh xanh đỏ như ngày xưa nữa. Cây xanh trên bờ ít lắm và nhà cao tầng chen nhau mọc lô nhô. Cái hoang sơ, trữ tình bên bờ sông Tonle Sap ngày xưa ấy chỉ còn trong dĩ vãng.
Nhanh quá! Thế mà đã hơn hai mươi năm.